Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 41/2024/TT-BGTVT hướng dẫn quản lý vận hành khai thác bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ

Số hiệu: 41/2024/TT-BGTVT Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải Người ký: Nguyễn Duy Lâm
Ngày ban hành: 15/11/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

Hồ sơ chấp thuận thiết kế nút giao đấu nối vào đường quốc lộ đang khai thác

Ngày 15/11/2024, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 41/2024/TT-BGTVT về quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ.

Hồ sơ chấp thuận thiết kế nút giao đấu nối vào đường quốc lộ đang khai thác

Hồ sơ chấp thuận thiết kế nút giao đấu nối vào đường quốc lộ đang khai thác thực hiện như sau:

- Chủ đầu tư dự án xây dựng nút giao đấu nối vào đường quốc lộ đang khai thác gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị chấp thuận thiết kế nút giao đấu nối vào đường quốc lộ đang khai thác theo hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp (qua hệ thống bưu điện hoặc qua cổng dịch vụ công trực tuyến) đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 41/2024.

Hồ sơ đề nghị bao gồm:

[1] Đơn đề nghị theo quy định tại mẫu số 01 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 41/2024;

[2] Hồ sơ khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công công trình nút giao đấu nối vào đường quốc lộ đang khai thác, bao gồm: thuyết minh thiết kế, bản vẽ thiết kế nút giao đấu nối và bản vẽ hoàn trả kết cấu hạ tầng đường quốc lộ, bản vẽ tổ chức giao thông tại nút giao đấu nối, hồ sơ khảo sát địa hình, địa chất; văn bản/quyết định chấp thuận vị trí đấu nối vào quốc lộ đang khai thác trừ vị trí đấu nối không phải chấp thuận theo quy định tại Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường bộ, Điều 77 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ;

[3] Văn bản giao làm chủ đầu tư dự án xây dựng nút giao đấu nối vào đường quốc lộ đang khai thác.

Bên cạnh đó thì, sau khi đã đầy đủ hồ sơ thì cơ quan có thẩm quyền chấp thuận thiết kế nút giao đấu nối vào đường quốc lộ đang khai thác:

- Đối với quốc lộ do Bộ Giao thông vận tải quản lý, Cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận thiết kế nút giao đấu nối vào đường cao tốc, đường quốc lộ được quy hoạch thành cao tốc; Khu Quản lý đường bộ thực hiện đối với các đường quốc lộ còn lại thuộc phạm vi quản lý;

- Đối với quốc lộ do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quản lý, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện chấp thuận thiết kế nút giao đấu nối vào đường quốc lộ đang khai thác.

Thông tư 41/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.

 

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 41/2024/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 2024

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, VẬN HÀNH, KHAI THÁC VÀ BẢO TRÌ KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG BỘ

Căn cứ Luật Đường bộ ngày 27 tháng 6 năm 2024;

Căn cứ Nghị định số 56/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 44/2024/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2024 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông và Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về:

1. Trình tự, thủ tục chấp thuận thiết kế và trình tự, thủ tục cấp giấy phép thi công nút giao đấu nối vào đường quốc lộ đang khai thác;

2. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục, nội dung cấp giấy phép thi công công trình trên đường bộ đang khai thác; trách nhiệm cung cấp thông tin và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, an toàn khi thi công;

3. Quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ;

4. Hoạt động của công trình kiểm soát tải trọng xe.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến: thủ tục chấp thuận thiết kế, cấp giấy phép thi công nút giao đấu nối vào đường quốc lộ đang khai thác; thủ tục cấp giấy phép thi công công trình trên đường bộ đang khai thác; việc cung cấp thông tin, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, an toàn khi thi công; quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ; hoạt động của công trình kiểm soát tải trọng xe.

Chương II

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CHẤP THUẬN THIẾT KẾ, CẤP PHÉP THI CÔNG NÚT GIAO ĐẤU NỐI VÀO ĐƯỜNG QUỐC LỘ ĐANG KHAI THÁC; CẤP GIẤY PHÉP THI CÔNG CÔNG TRÌNH TRÊN ĐƯỜNG BỘ ĐANG KHAI THÁC

Điều 3. Chấp thuận thiết kế nút giao đấu nối vào đường quốc lộ đang khai thác

1. Chủ đầu tư dự án xây dựng nút giao đấu nối vào đường quốc lộ đang khai thác gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị chấp thuận thiết kế nút giao đấu nối vào đường quốc lộ đang khai thác theo hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp (qua hệ thống bưu điện hoặc qua cổng dịch vụ công trực tuyến) đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này. Hồ sơ đề nghị bao gồm:

a) Đơn đề nghị theo quy định tại mẫu số 01 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Hồ sơ khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công công trình nút giao đấu nối vào đường quốc lộ đang khai thác, bao gồm: thuyết minh thiết kế, bản vẽ thiết kế nút giao đấu nối và bản vẽ hoàn trả kết cấu hạ tầng đường quốc lộ, bản vẽ tổ chức giao thông tại nút giao đấu nối, hồ sơ khảo sát địa hình, địa chất; văn bản/quyết định chấp thuận vị trí đấu nối vào quốc lộ đang khai thác trừ vị trí đấu nối không phải chấp thuận theo quy định tại Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường bộ, Điều 77 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ;

c) Văn bản giao làm chủ đầu tư dự án xây dựng nút giao đấu nối vào đường quốc lộ đang khai thác.

2. Cơ quan có thẩm quyền chấp thuận thiết kế nút giao đấu nối vào đường quốc lộ đang khai thác:

a) Đối với quốc lộ do Bộ Giao thông vận tải quản lý, Cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận thiết kế nút giao đấu nối vào đường cao tốc, đường quốc lộ được quy hoạch thành cao tốc; Khu Quản lý đường bộ thực hiện đối với các đường quốc lộ còn lại thuộc phạm vi quản lý;

b) Đối với quốc lộ do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quản lý, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện chấp thuận thiết kế nút giao đấu nối vào đường quốc lộ đang khai thác.

3. Cơ quan có thẩm quyền thực hiện tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và xử lý như sau:

a) Đối với hồ sơ nộp trực tiếp, cơ quan có thẩm quyền thực hiện kiểm tra thành phần hồ sơ, nếu đủ thì tiếp nhận và viết phiếu hẹn trả kết quả, nếu không đủ thì hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ theo quy định;

b) Đối với hồ sơ nộp gián tiếp, trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra thành phần hồ sơ, nếu đủ thì tiếp nhận, nếu không đủ, có văn bản thông báo đến tổ chức, cá nhân để bổ sung, hoàn thiện;

c) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền tiến hành xem xét hồ sơ, nếu đủ điều kiện thì có văn bản chấp thuận thiết kế nút giao đấu nối vào đường quốc lộ đang khai thác theo quy định tại mẫu số 02 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này, trường hợp không chấp thuận thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

4. Văn bản chấp thuận thiết kế nút giao đấu nối có thời hạn 18 tháng, hết thời hạn nêu trên mà chủ đầu tư chưa gửi hồ sơ đề nghị cấp phép thi công nút giao đấu nối vào đường quốc lộ đang khai thác theo quy định tại Điều 4 Thông tư này hoặc có thay đổi về quy mô nút giao đấu nối thì phải thực hiện lại từ đầu thủ tục chấp thuận thiết kế nút giao.

5. Đối với kết nối giao thông thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh là người có thẩm quyền quyết định đầu tư, việc quyết định thiết kế nút giao đấu nối vào quốc lộ đang khai thác thực hiện trong quyết định phê duyệt dự án và không phải thực hiện quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này.

Điều 4. Cấp phép thi công nút giao đấu nối vào đường quốc lộ đang khai thác

1. Chủ đầu tư dự án xây dựng nút giao đấu nối vào đường quốc lộ đang khai thác gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp phép thi công nút giao đấu nối vào đường quốc lộ đang khai thác theo hình thức trực tiếp hoặc gửi gián tiếp (qua hệ thống bưu điện hoặc qua cổng dịch vụ công trực tuyến) đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này. Hồ sơ đề nghị bao gồm:

a) Đơn đề nghị theo quy định tại mẫu số 03 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Thuyết minh và bản vẽ biện pháp tổ chức thi công nút giao đấu nối vào quốc lộ đang khai thác; biện pháp bảo đảm giao thông đường bộ khi thi công xây dựng nút giao đấu nối.

2. Cơ quan có thẩm quyền cấp phép thi công nút giao đấu nối vào đường quốc lộ đang khai thác:

a) Đối với quốc lộ do Bộ Giao thông vận tải quản lý, Khu Quản lý đường bộ thực hiện cấp phép thi công đấu nối vào đường quốc lộ thuộc phạm vi quản lý;

b) Đối với quốc lộ do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quản lý, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện việc cấp phép thi công đấu nối vào đường quốc lộ.

3. Cơ quan có thẩm quyền thực hiện tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và xử lý như sau:

a) Đối với hồ sơ nộp trực tiếp, cơ quan có thẩm quyền thực hiện kiểm tra thành phần hồ sơ, nếu đủ thì tiếp nhận và viết phiếu hẹn trả kết quả, nếu không đủ thì hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ theo quy định;

b) Đối với hồ sơ nộp gián tiếp, trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền thực hiện kiểm tra thành phần hồ sơ, nếu đủ thì tiếp nhận, nếu không đủ có văn bản thông báo đến tổ chức, cá nhân để bổ sung, hoàn thiện;

c) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền tiến hành xem xét hồ sơ, nếu đủ điều kiện thì cấp giấy phép thi công nút giao đấu nối theo quy định tại mẫu số 04 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này, trường hợp không chấp thuận thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

4. Thời hạn có hiệu lực của giấy phép thi công nút giao đấu nối vào đường quốc lộ đang khai thác:

a) Đối với nút giao đấu nối thuộc dự án đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, hiệu lực của giấy phép thi công nút giao đấu nối bằng tiến độ thực hiện dự án;

b) Đối với các trường hợp không thuộc quy định tại điểm a khoản này, thời hạn có hiệu lực của giấy phép thi công đấu nối không quá 24 tháng kể từ ngày được cấp phép thi công nút giao đấu nối vào đường quốc lộ đang khai thác;

c) Hết thời hạn có hiệu lực của giấy phép thi công mà chưa hoàn thành thi công nút giao đấu nối vào đường quốc lộ đang khai thác thì phải thực hiện lại từ đầu thủ tục cấp phép.

Điều 5. Cấp giấy phép thi công công trình trên đường bộ đang khai thác

1. Chủ đầu tư dự án xây dựng công trình trên đường bộ đang khai thác gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thi công công trình trên đường bộ đang khai thác theo hình thức trực tiếp hoặc gửi gián tiếp (qua hệ thống bưu điện hoặc qua cổng dịch vụ công trực tuyến) đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này. Hồ sơ đề nghị bao gồm:

a) Đơn đề nghị theo quy định tại mẫu số 01 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Hồ sơ tài liệu phục vụ cấp giấy phép quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Hồ sơ tài liệu phục vụ cấp giấy phép bao gồm:

a) Bản vẽ thiết kế thi công có các thông tin về vị trí và lý trình công trình đường bộ, bản vẽ phải thể hiện: diện tích, kích thước công trình trên mặt bằng công trình đường bộ và trong phạm vi đất dành cho đường bộ; mặt đứng và khoảng cách theo phương thẳng đứng từ công trình bên trên hoặc bên dưới đến bề mặt công trình đường bộ, khoảng cách theo phương ngang từ cột, tuyến đường dây, đường ống, bộ phận khác của công trình đề nghị cấp phép đến mép ngoài rãnh thoát nước dọc, mép mặt đường xe chạy hoặc mép ngoài cùng của mặt đường bộ; bộ phận công trình đường bộ phải đào, khoan khi xây dựng công trình;

b) Đối với công trình đề nghị cấp giấy phép thi công trong phạm vi dải phân cách giữa của đường bộ, ngoài hồ sơ quy định tại điểm a khoản này phải có thông tin về khoảng cách theo phương thẳng đứng, phương ngang từ mép công trình đề nghị cấp phép đến bề mặt và mép ngoài dải phân cách giữa;

c) Đối với công trình đề nghị cấp giấy phép thi công lắp đặt vào cầu, hầm hoặc các công trình đường bộ có kết cấu phức tạp khác thì ngoài hồ sơ quy định tại điểm a khoản này phải có báo cáo kết quả thẩm tra thiết kế và kết quả tính toán khả năng chịu lực của công trình đường bộ do tổ chức tư vấn đủ năng lực theo quy định của pháp luật về xây dựng thực hiện;

d) Bản vẽ thiết kế hoàn trả công trình đường bộ bị ảnh hưởng; bản vẽ và thuyết minh: biện pháp tổ chức thi công, biện pháp bảo đảm giao thông trong thời gian thi công trên đường bộ đang khai thác.

3. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thi công công trình trên đường bộ đang khai thác: Khu Quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải, Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Uỷ ban nhân dân cấp xã cấp giấy phép thi công công trình trên đường bộ đang khai thác thuộc phạm vi quản lý.

4. Cơ quan có thẩm quyền thực hiện tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và xử lý như sau:

a) Đối với hồ sơ nộp trực tiếp, cơ quan có thẩm quyền thực hiện kiểm tra thành phần hồ sơ, nếu đủ thì tiếp nhận và viết phiếu hẹn trả kết quả, nếu không đủ thì hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ theo quy định;

b) Đối với hồ sơ nộp gián tiếp, trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra thành phần hồ sơ, nếu đủ thì tiếp nhận, nếu không đủ, có văn bản thông báo đến tổ chức, cá nhân để bổ sung, hoàn thiện;

c) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền tiến hành xem xét hồ sơ, nếu đủ điều kiện thì cấp giấy phép thi công theo quy định tại mẫu số 02 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này, trường hợp không cấp phép thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

5. Giấy phép thi công có thời hạn 24 tháng, hết thời hạn nêu trên mà chưa hoàn thành thi công công trình trên đường bộ đang khai thác thì phải thực hiện lại từ đầu thủ tục cấp phép thi công công trình trên đường bộ đang khai thác.

Điều 6. Cung cấp thông tin và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thi công trên đường bộ đang khai thác

1. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép thi công công trình trên đường bộ đang khai thác:

a) Trước khi thi công ít nhất 05 ngày, phải lắp đặt bảng thông tin công khai tại nơi thi công các thông tin tên chủ đầu tư, nhà thầu thi công, đơn vị giám sát, thời gian bắt đầu thi công, thời hạn kết thúc thi công; số điện thoại của đại diện chủ đầu tư, nhà thầu thi công, đơn vị giám sát để tổ chức, cá nhân liên hệ, cung cấp thông tin cần thiết phục vụ bảo đảm an toàn xây dựng, an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ đang khai thác;

b) Thông báo các thông tin quy định tại điểm a khoản này và biện pháp tổ chức giao thông cho: cơ quan quản lý đường bộ trực tiếp quản lý tuyến đường, lực lượng cảnh sát giao thông trên tuyến và đăng trên ít nhất 01 phương tiện truyền thông;

c) Điều chỉnh, bổ sung các biện pháp bảo đảm giao thông khi có yêu cầu của cơ quan quản lý đường bộ trực tiếp quản lý tuyến đường, lực lượng cảnh sát giao thông trên tuyến trong thời gian thi công trên đường bộ đang khai thác.

2. Đối với công trình không phải cấp giấy phép thi công trên đường bộ đang khai thác quy định tại khoản 3 Điều 32 Luật Đường bộ, tổ chức, cá nhân thi công trên đường bộ đang khai thác có trách nhiệm thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 32 Luật Đường bộ và các quy định sau:

a) Thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, trừ các trường hợp thi công xây dựng công trình quy định tại các điểm a, đ, e và k khoản 3 Điều 32 Luật Đường bộ;

b) Thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trừ các trường hợp quy định tại các điểm a, đ, e và k khoản 3 Điều 32 Luật Đường bộ.

3. Trách nhiệm của cơ quan quản lý đường bộ trực tiếp quản lý tuyến đường:

a) Kiểm tra việc thực hiện theo giấy phép thi công;

b) Tạm đình chỉ, thu hồi hoặc đề nghị cơ quan cấp phép thi công quyết định tạm đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép thi công công trình trên đường bộ đang khai thác đối với trường hợp vi phạm các nội dung quy định trong giấy phép thi công;

c) Xử lý các kiến nghị phát sinh trong quá trình thi công công trình trên đường bộ đang khai thác;

d) Phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông trên tuyến trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Chương III

QUẢN LÝ, VẬN HÀNH, KHAI THÁC, BẢO TRÌ KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG BỘ

MỤC 1. HỒ SƠ QUY TRÌNH BẢO TRÌ, KẾ HOẠCH QUẢN LÝ, VẬN HÀNH, KHAI THÁC, BẢO TRÌ KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG BỘ

Điều 7. Hồ sơ quy trình bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ

1. Hồ sơ bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ được lập bao gồm:

a) Các tài liệu quy định tại khoản 8 Điều 34 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP; quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về bảo trì công trình kết cấu hạ tầng đường bộ;

b) Các quy định về giám sát, nghiệm thu kết quả bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ theo chất lượng thực hiện.

2. Chủ đầu tư có trách nhiệm lập, phê duyệt quy trình bảo trì công trình kết cấu hạ tầng đường bộ trong bước thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư này.

3. Trường hợp cần điều chỉnh, bổ sung quy trình bảo trì công trình kết cấu hạ tầng đường bộ đã đưa vào khai thác, căn cứ lập bao gồm các quy định sau:

a) Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan; quy trình bảo trì đang áp dụng;

b) Quy mô và tình trạng kỹ thuật công trình đang khai thác;

c) Kết quả: kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa, quan trắc, kiểm định chất lượng, đánh giá an toàn chịu lực và vận hành khai thác, sử dụng công trình;

d) Các thông tin, dữ liệu về kết quả đếm xe, công trình kiểm soát tải trọng xe và tình hình giao thông trên tuyến, các dữ liệu địa chất, thuỷ văn, địa hình ảnh hưởng đến công trình kết cấu hạ tầng đường bộ.

4. Việc điều chỉnh quy trình bảo trì công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 31 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP. Đối với quốc lộ quy định tại khoản 3 Điều 8 Luật Đường bộ và các kết cấu hạ tầng đường bộ là tài sản công do Bộ Giao thông vận tải quản lý, Cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm tổ chức lập, phê duyệt điều chỉnh quy trình bảo trì công trình.

Điều 8. Sử dụng tiêu chuẩn kỹ thuật về bảo trì, quy trình bảo trì của công trình tương tự để thực hiện bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ

1. Trường hợp có tiêu chuẩn về bảo trì hoặc có quy trình bảo trì của công trình tương tự phù hợp thì chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình có thể áp dụng tiêu chuẩn hoặc quy trình đó cho công trình mà không cần lập quy trình bảo trì riêng.

2. Trường hợp công trình có một, một số hạng mục, bộ phận công trình chưa có trong tiêu chuẩn về bảo trì hoặc quy trình bảo trì của công trình quy định tại khoản 1 Điều này, thì phải lập quy trình bảo trì bổ sung cho các bộ phận, hạng mục công trình này.

Điều 9. Kế hoạch quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ

1. Kế hoạch quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ được lập và phê duyệt hàng năm theo quy định của mẫu số 01 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này. Các công việc trong kế hoạch quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ bao gồm:

a) Bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất, công trình chuyển tiếp năm trước sang năm sau, kiểm định chất lượng, quan trắc công trình, đánh giá an toàn đối với kết cấu hạ tầng đường bộ và các hạng mục, phương tiện, thiết bị phục vụ quản lý, vận hành, khai thác đường bộ;

b) Quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng công trình đường bộ, hệ thống chiếu sáng trên đường bộ và các hạng mục, bộ phận, thiết bị gắn với đường bộ phục vụ khai thác công trình đường bộ;

c) Quản lý, vận hành các hệ thống: quản lý cầu; khảo sát, thu thập, xây dựng, lưu giữ, khai thác cơ sở dữ liệu đường bộ và sửa chữa phần mềm để việc khai thác sử dụng công trình đúng công năng và đảm bảo an toàn nhưng không bao gồm các công việc đã được bảo đảm toàn bộ bằng nguồn chi tự chủ hành chính của các cơ quan, đơn vị; công trình kiểm soát tải trọng xe;

d) Xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức về quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ; quy trình bảo trì, quy trình vận hành, khai thác kết cấu hạ tầng đường bộ;

e) Điều chỉnh, bổ sung mốc lộ giới hành lang an toàn đường bộ trong thời gian khai thác, sử dụng công trình đường bộ;

g) Hỗ trợ giá (phần chưa được kết cấu vào giá) đối với dịch vụ sử dụng phà; sửa chữa, thay thế, bổ sung phà, phương tiện, thiết bị vượt sông; mua sắm bổ sung thiết bị, vật tư dự phòng cho phà và phương tiện thiết bị vượt sông;

h) Mua sắm trang phục tuần kiểm; hỗ trợ công tác thanh tra, kiểm tra kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; công tác khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo giao thông;

i) Trực đảm bảo giao thông, trực chốt đường nhánh ra vào cao tốc, cửa hầm theo quy trình bảo trì và quy trình vận hành khai thác hoặc trong trường hợp khẩn cấp cần bảo đảm an toàn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông theo yêu cầu của cơ quan quản lý đường bộ; thực hiện thẩm tra an toàn giao thông đối với công trình đường bộ đang khai thác;

k) Mua sắm bổ sung vật tư, thiết bị dự phòng phục vụ phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai; quản lý, bảo vệ và bảo dưỡng kho vật tư dự phòng phục vụ phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai;

l) Quản lý, khai thác, bảo trì đối với dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư tiếp nhận từ nhà đầu tư sau khi chấm dứt hợp đồng dự án theo thời hạn quy định của hợp đồng hoặc khi chấm dứt hợp đồng trước thời hạn theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư mà chưa hoàn thành các thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân;

m) Các công việc để phục vụ cho việc lập kế hoạch và dự toán bảo trì công trình đường bộ hàng năm (kể cả chi phí sử dụng hệ thống công nghệ khảo sát dữ liệu mặt đường); các công việc khác để chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình đường bộ tổ chức thực hiện công tác giám sát, nghiệm thu công tác bảo dưỡng thường xuyên công trình đường bộ;

n) Các công việc khác theo quy định của pháp luật.

2. Trách nhiệm lập, phê duyệt, điều chỉnh kế hoạch quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ:

a) Trách nhiệm lập, phê duyệt, điều chỉnh kế hoạch quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ do Bộ Giao thông vận tải quản lý sử dụng vốn ngân sách Trung ương thực hiện theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này;

b) Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức lập, phê duyệt, điều chỉnh kế hoạch quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi quản lý;

c) Nhà đầu tư, doanh nghiệp nhận quyền chuyển nhượng, cho thuê tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ lập, phê duyệt, điều chỉnh kế hoạch quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ theo quy định tại khoản 1 Điều này và quy định của hợp đồng;

d) Doanh nghiệp được nhà nước giao quản lý, khai thác, sử dụng đường bộ, doanh nghiệp đầu tư theo phương thức đối tác công tư, chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng đường chuyên dùng lập, phê duyệt, điều chỉnh kế hoạch quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại khoản 1 Điều này và quy định của pháp luật về doanh nghiệp;

đ) Trách nhiệm lập, phê duyệt điều chỉnh kế hoạch quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ chuyên dùng, kết cấu hạ tầng đường bộ sử dụng nguồn vốn khác được thực hiện theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP.

3. Lập, phê duyệt nhu cầu và kế hoạch quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương do Bộ Giao thông vận tải quản lý:

a) Căn cứ vào tình trạng kỹ thuật, nhu cầu khai thác vận tải, các thông tin về quy mô và kết cấu công trình, lịch sử sửa chữa bảo trì, các dữ liệu khác về khai thác kết cấu hạ tầng đường bộ; tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình bảo trì, định mức kinh tế - kỹ thuật; Cục Đường bộ Việt Nam tổ chức lập nhu cầu bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ bao gồm các công việc quy định tại khoản 1 Điều này và lập công việc, danh mục dự án ưu tiên cho phép chuẩn bị đầu tư năm sau trình Bộ Giao thông vận tải trước ngày 30 tháng 5 hàng năm;

b) Bộ Giao thông vận tải phê duyệt nhu cầu bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ đồng thời với chấp thuận công việc, danh mục dự án ưu tiên cho phép chuẩn bị đầu tư thuộc kế hoạch năm sau trước ngày 30 tháng 6 hàng năm;

c) Căn cứ vào công việc, danh mục dự án ưu tiên quy định tại điểm b khoản này, Cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt dự án, báo cáo kinh tế kỹ thuật sửa chữa công trình, dự toán các công việc trong kế hoạch quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ trước ngày 31 tháng 12 hàng năm. Trường hợp cần thiết, Cục Đường bộ Việt Nam được phép điều chỉnh cục bộ chiều dài, lý trình đoạn đường sửa chữa, giải pháp kỹ thuật, bổ sung các hạng mục an toàn giao thông trong phạm vi kinh phí của danh mục được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận; đối với trường hợp cần thực hiện giải pháp bảo đảm an toàn chịu lực các bộ phận kết cấu công trình cầu, cống, hầm, phà, Cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt không vượt quá 20% kinh phí của danh mục đã Bộ Giao thông vận tải chấp thuận;

d) Căn cứ công việc, danh mục dự án ưu tiên tại điểm b khoản này; danh mục bảo trì (bảo dưỡng, sửa chữa đột xuất, dự án chuyển tiếp từ năm trước sang) và các công việc quản lý, vận hành, khai thác kết cấu hạ tầng đường bộ, Cục Đường bộ Việt Nam tổng hợp và trình Bộ Giao thông vận tải kế hoạch quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ năm sau trước ngày 10 tháng 11 hàng năm;

đ) Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được cấp có thẩm quyền giao hoặc thông báo dự toán thu, chi ngân sách nhà nước, Bộ Giao thông vận tải phê duyệt kế hoạch quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ năm sau;

e) Trường hợp cơ quan có thẩm quyền thông báo nguồn vốn thực hiện không đủ để thực hiện toàn bộ công việc quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ, các công việc, danh mục dự án được ưu tiên trong kế hoạch này bao gồm: bảo dưỡng; khắc phục điểm hay xảy ra tai nạn giao thông, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; dự án chuyển tiếp từ năm trước sang; sửa chữa nhằm bảo đảm an toàn công trình, an toàn giao thông đường bộ, an toàn khi vận hành khai thác các bến phà, cầu phao, hầm đường bộ; khắc phục nguy cơ sập đổ công trình; vận hành bến phà, cầu phao; công việc cần thiết khác do cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ quyết định.

4. Điều chỉnh, bổ sung danh mục, công việc quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ; điều chỉnh kế hoạch quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ sử dụng vốn ngân sách Trung ương do Bộ Giao thông vận tải quản lý:

a) Trường hợp cần điều chỉnh, bổ sung danh mục, công việc quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ có trong quyết định nhu cầu bảo trì được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt trong tháng 6 hàng năm hoặc trường hợp cần bổ sung công trình sửa chữa đột xuất ngoài điểm b và điểm c khoản 4 Điều này vào kế hoạch quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ đã được phê duyệt, Cục Đường bộ Việt Nam trình Bộ Giao thông vận tải chấp thuận điều chỉnh, bổ sung danh mục, công việc chuẩn bị đầu tư;

b) Trường hợp sửa chữa đột xuất danh mục, công việc quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì có giá trị từ 500 triệu đồng đến 05 tỷ đồng, sửa chữa điểm hay xảy ra tai nạn giao thông, Cục Đường bộ Việt Nam quyết định và tổ chức thực hiện theo quy định;

c) Trường hợp sửa chữa đột xuất danh mục, công việc quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì có giá trị nhỏ hơn 500 triệu đồng, Khu Quản lý đường bộ, quyết định và tổ chức thực hiện theo quy định;

d) Trường hợp xây dựng công trình theo lệnh xây dựng công trình khẩn cấp để khắc phục hậu quả thiên tai, Cục Đường bộ Việt Nam chịu trách nhiệm về việc sử dụng kinh phí, phương thức thực hiện theo quy định về công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;

đ) Cục Đường bộ Việt Nam chịu trách nhiệm tổng hợp các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này, trình Bộ Giao thông vận tải chấp thuận điều chỉnh kế hoạch quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ.

Điều 10. Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ

1. Quy định về báo cáo:

a) Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ được thực hiện từng quý, 06 tháng đầu năm và báo cáo năm theo quy định tại mẫu số 02 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Thời hạn báo cáo: báo cáo quý trước ngày 20 tháng cuối quý; báo cáo 06 tháng đầu năm trước ngày 20 tháng 6 và báo cáo năm trước ngày 20 tháng 11 hàng năm;

c) Thời gian chốt số liệu báo cáo quý, 6 tháng đầu năm và báo cáo năm: trước 10 ngày so với thời hạn báo cáo quy định tại điểm b khoản này.

2. Trách nhiệm báo cáo:

a) Đối với quốc lộ quy định tại khoản 3 Điều 8 Luật Đường bộ: Cục Đường bộ Việt Nam, Khu Quản lý đường bộ, đơn vị được phân cấp thực hiện báo cáo Bộ Giao thông vận tải các trường hợp sử dụng vốn ngân sách nhà nước;

b) Đối với đường bộ quy định tại khoản 2, khoản 4 Điều 8 Luật Đường bộ: cơ quan quản lý đường bộ của địa phương báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kết quả thực hiện trong phạm vi được giao quản lý, bảo trì;

c) Đối với kết cấu hạ tầng đường bộ đang trong thời hạn hợp đồng đầu tư theo hình thức đối tác công tư: doanh nghiệp quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng và bảo trì báo cáo cơ quan ký hợp đồng theo quy định của hợp đồng.

3. Ngoài báo cáo định kỳ theo quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan, đơn vị quy định tại khoản 2 Điều này có trách nhiệm báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

MỤC 2. BẢO TRÌ KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG BỘ

Điều 11. Giám sát, nghiệm thu kết quả bảo trì công trình kết cấu hạ tầng đường bộ theo chất lượng thực hiện; thời hạn hợp đồng bảo trì theo chất lượng thực hiện; lập hồ sơ và ghi chép kết quả bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường bộ

1. Bảo trì thực hiện theo chất lượng thực hiện được áp dụng đối với hoạt động bảo dưỡng thường xuyên công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ; việc giám sát công tác bảo dưỡng thường xuyên được thực hiện thông qua tuần kiểm và kiểm tra, giám sát của người quản lý, sử dụng đường bộ; công tác nghiệm thu kết quả bảo trì công trình kết cấu hạ tầng đường bộ theo chất lượng thực hiện theo tháng hoặc quý.

2. Tiêu chí giám sát, nghiệm thu kết quả bảo trì theo chất lượng thực hiện được thực hiện theo quy định tại mẫu số 01 Phụ lục số IV ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Người quản lý, sử dụng đường bộ có trách nhiệm tổ chức thực hiện giám sát, nghiệm thu kết quả thực hiện bảo dưỡng thường xuyên công trình thuộc tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ.

4. Cục Đường bộ Việt Nam quyết định áp dụng hình thức bảo trì theo chất lượng thực hiện hoặc bảo trì theo khối lượng thực tế đối với hoạt động bảo dưỡng thường xuyên công trình thuộc tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ do Trung ương quản lý.

5. Thời hạn thực hiện đối với hợp đồng đấu thầu dịch vụ công bảo dưỡng thường xuyên công trình thuộc tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ không quá 03 năm. Các bên ký hợp đồng có trách nhiệm điều chỉnh lại hợp đồng khi điều chỉnh phạm vi thực hiện hợp đồng bảo dưỡng thường xuyên do thực hiện dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng hoặc dự án sửa chữa tuyến đường; khi nhà nước thay đổi về định mức, đơn giá nhân công, tiêu chuẩn và các thay đổi khác theo quy định của pháp luật.

6. Hồ sơ bảo dưỡng thường xuyên và ghi chép kết quả thực hiện bảo dưỡng thường xuyên công trình thuộc tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ bao gồm:

a) Nhật ký tuần đường thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 19 Thông tư này;

b) Kết quả thực hiện bảo dưỡng thường xuyên công trình thuộc tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ được ghi vào sổ thực hiện bảo dưỡng thường xuyên theo mẫu số 02 Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 12. Thời hạn sử dụng công trình, thời hạn sửa chữa định kỳ

1. Thời hạn sử dụng theo thiết kế của công trình đường bộ (tuổi thọ thiết kế) là khoảng thời gian công trình được dự kiến sử dụng, đảm bảo yêu cầu về an toàn và công năng. Thời hạn sử dụng theo thiết kế của công trình được quy định trong quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng, nhiệm vụ thiết kế xây dựng công trình.

Trường hợp quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế công trình không quy định thời hạn sử dụng công trình đường bộ phục vụ cho việc xác định thời hạn sửa chữa định kỳ mặt đường thì thời hạn dự kiến sử dụng được xác định theo Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này hoặc xác định thời hạn sử dụng theo số trục xe tiêu chuẩn tích lũy trong thiết kế so với số trục xe tiêu chuẩn tích lũy trong thời gian khai thác; thời hạn sửa chữa, thay thế định kỳ thiết bị lắp đặt vào công trình, thời hạn sửa chữa định kỳ các hạng mục công trình khác theo quy định của thiết kế, quy định trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan và quy định về thời gian tính khấu hao tài sản cố định.

2. Thời hạn sử dụng thực tế của công trình (tuổi thọ thực tế) là khoảng thời gian công trình được sử dụng thực tế kể từ khi đưa vào khai thác, đảm bảo các yêu cầu về an toàn và công năng.

Thời hạn sử dụng thực tế của công trình đường bộ thay đổi so với thời hạn sử dụng theo thiết kế khi có các nguyên nhân: tình trạng khai thác, sử dụng công trình đường bộ, lưu lượng, tải trọng các phương tiện tham gia giao thông tác động lên công trình, bộ phận công trình đường bộ khác với thiết kế; trong thời gian khai thác xuất hiện các nguyên nhân gây hư hỏng đột xuất; kết quả thực hiện công việc quản lý, bảo trì công trình, hạng mục công trình và thiết bị lắp đặt vào công trình.

3. Trường hợp tuổi thọ thực tế công trình ngắn hơn tuổi thọ thiết kế, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình phải tổ chức kiểm tra, đánh giá, kiểm định chất lượng (nếu cần) để xác định nguyên nhân giảm tuổi thọ và có biện pháp sửa chữa, khắc phục để công trình được an toàn khi sử dụng.

Điều 13. Các trường hợp phải quan trắc kết cấu hạ tầng đường bộ; tổ chức đủ điều kiện đánh giá an toàn công trình đường bộ; danh mục các công trình phải được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và cho ý kiến về kết quả đánh giá an toàn công trình

1. Các trường hợp kết cấu hạ tầng đường bộ phải quan trắc trong thời gian khai thác sử dụng quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Tổ chức đủ điều kiện đánh giá an toàn công trình đường bộ là tổ chức đáp ứng điều kiện năng lực về kiểm định xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng.

3. Thẩm quyền tiếp nhận và cho ý kiến về kết quả đánh giá an toàn công trình theo quy định tại khoản 4 Điều 39 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP.

4. Danh mục công trình đường bộ phải được cơ quan có thẩm quyền xem xét và thông báo ý kiến về kết quả đánh giá an toàn công trình và được quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này.

MỤC 3. XỬ LÝ ĐIỂM HAY XẢY RA TAI NẠN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ, ĐIỂM TIỀM ẨN TAI NẠN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Điều 14. Điểm hay xảy ra tai nạn giao thông đường bộ; điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường bộ; tài liệu xác định điểm hay xảy ra tai nạn giao thông đường bộ, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường bộ

1. Điểm, vị trí, đoạn đường bộ hay xảy ra tai nạn giao thông đường bộ là hiện trạng công trình đường bộ mà trong thời gian 12 tháng xảy ra một trong các trường hợp sau:

a) Xảy ra 02 vụ tai nạn giao thông đường bộ đều có người chết;

b) Xảy ra 03 vụ tai nạn trở lên, trong đó có 01 vụ có người chết;

c) Xảy ra 04 vụ tai nạn trở lên, nhưng chỉ có người bị thương.

2. Điểm, vị trí, đoạn đường bộ có tiềm ẩn tai nạn giao thông đường bộ là hiện trạng công trình đường bộ xảy ra một trong các trường hợp sau:

a) Trong thời gian 12 tháng: xảy ra 05 vụ va chạm trở lên hoặc có ít nhất 01 vụ tai nạn có 01 người chết hoặc có ít hơn 4 vụ tai nạn giao thông nhưng chỉ có người bị thương;

b) Hiện trạng công trình đường bộ, hiện trạng tổ chức giao thông, môi trường xung quanh điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông có các yếu tố gây mất an toàn giao thông đường bộ.

3. Trường hợp xảy ra số vụ tai nạn giao thông quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này nhưng sau khi xác định tai nạn giao thông không phải nguyên nhân của kết cấu hạ tầng đường bộ thì không phải là điểm hay xảy ra tai nạn giao thông, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông.

4. Tài liệu xác định điểm hay xảy ra tai nạn giao thông đường bộ và điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường bộ bao gồm: kiến nghị của cơ quan công an, tổ chức, cá nhân đối với điểm hay xảy ra tai nạn giao thông, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường bộ (nếu có); dữ liệu về các vụ tai nạn giao thông đường bộ: bảng thống kê số vụ tai nạn giao thông đường bộ có ghi lý trình, số vụ tai nạn, thiệt hại, đánh giá nguyên nhân kèm kiến nghị sơ bộ giải pháp khắc phục và bản vẽ sơ đồ khu vực, ảnh chụp khu vực hay xảy ra tai nạn giao thông.

Điều 15. Trình tự xử lý điểm hay xảy ra tai nạn giao thông đường bộ, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường bộ

1. Cơ quan quản lý đường bộ, người quản lý, sử dụng đường bộ có trách nhiệm tổng hợp theo các tiêu chí: số vụ tai nạn giao thông, số người tử vong và số người bị thương do tai nạn giao thông; thiệt hại đối với kết cấu hạ tầng, phương tiện tham gia giao thông; tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ hàng năm; tiếp nhận, kiểm tra, xử lý các thông tin của lực lượng cảnh sát giao thông trên tuyến, của tổ chức, cá nhân (nếu có) về tình hình giao thông trên đường bộ; tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trường và đối chiếu với quy định tại Điều 14 Thông tư này để lập hồ sơ xử lý điểm hay xảy ra tai nạn giao thông đường bộ, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường bộ.

2. Người quản lý, sử dụng đường bộ thực hiện các công việc sau để xử lý điểm hay xảy ra tai nạn giao thông đường bộ, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường bộ:

a) Kiểm tra hiện trường, đối chiếu, bổ sung các đặc trưng của hiện trường: tình hình giao thông tại nút giao; phương án tổ chức giao thông; kiểm tra các yếu tố kỹ thuật của kết cấu hạ tầng đường bộ về tầm nhìn, bán kính đường cong nằm, bán kính đường cong đứng, độ dốc, chỉ số gồ ghề, tình trạng nhám mặt đường, độ dốc siêu cao, các yếu tố kỹ thuật khác; hành lang an toàn đường bộ; phác họa sơ đồ, chụp ảnh hiện trường; kiểm tra đánh giá, xác định lưu lượng, thành phần xe, tình trạng giao thông và người đi bộ; tình hình thời tiết, khí hậu và các yếu tố môi trường xung quanh ảnh hưởng đến an toàn giao thông và các thông tin cần thiết khác;

b) Căn cứ hồ sơ hiện trường đã thu thập được, tiến hành xây dựng bản sơ đồ mặt bằng thể hiện các đặc điểm chính của hiện trường: đoạn tuyến xảy ra tai nạn, biển báo hiệu và sơn kẻ vạch trên đường bộ, công trình an toàn giao thông, địa hình hai bên đường để phân tích, đánh giá tình hình, xác định nguyên nhân tai nạn giao thông;

c) Căn cứ kết quả thực hiện tại điểm a và b khoản này, người quản lý, sử dụng đường bộ lập đề xuất khắc phục điểm hay xảy ra tai nạn giao thông và điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường bộ, trong đó bao gồm xác định lộ trình, thời gian hoàn thành việc khắc phục.

3. Xử lý điểm hay xảy ra tai nạn giao thông đường bộ:

a) Đối với điểm hay xảy ra tai nạn giao thông trên các quốc lộ quy định tại khoản 3 Điều 8 Luật Đường bộ nhưng chưa có trong kế hoạch quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ được duyệt, Cục Đường bộ Việt Nam quyết định cho phép chuẩn bị đầu tư (hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật) và tổ chức thực hiện kịp thời để bảo đảm an toàn giao thông đường bộ; cập nhật và trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt điều chỉnh kế hoạch quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ;

b) Ủy ban nhân dân các cấp quyết định tổ chức thực hiện xử lý điểm hay xảy ra tai nạn giao thông đường bộ trên các tuyến đường thuộc phạm vi quản lý;

c) Doanh nghiệp được nhà nước giao quản lý, khai thác, sử dụng đường bộ theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 9 Thông tư này có trách nhiệm xử lý điểm hay xảy ra tai nạn giao thông kịp thời bảo đảm an toàn giao thông đường bộ.

4. Đối với điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường bộ nằm ngoài kế hoạch quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ đã được phê duyệt, cơ quan quản lý đường bộ, người quản lý, sử dụng đường bộ đề nghị cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ cho phép chuẩn bị đầu tư dự án sửa chữa đột xuất, trừ quy định tại điểm b và điểm c khoản 4 Điều 9 Thông tư này đối với các quốc lộ do Bộ Giao thông vận tải quản lý để khắc phục điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường bộ.

5. Cơ quan quản lý đường bộ, người quản lý, sử dụng đường bộ thông báo kết quả xử lý điểm hay xảy ra tai nạn giao thông đường bộ, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường bộ đến các tổ chức, cá nhân đã kiến nghị.

MỤC 4. QUẢN LÝ, VẬN HÀNH, KHAI THÁC KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG BỘ; TUẦN ĐƯỜNG VÀ TUẦN KIỂM ĐƯỜNG BỘ

Điều 16. Hồ sơ quản lý, vận hành, khai thác kết cấu hạ tầng đường bộ

1. Hồ sơ quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ bao gồm:

a) Quyết định phê duyệt dự án và báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công; kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về xây dựng, các biên bản nghiệm thu có liên quan đến dự án đầu tư xây dựng và biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào khai thác sử dụng; biên bản bàn giao công trình; nhiệm vụ khảo sát, báo cáo kết quả khảo sát xây dựng công trình; các kết quả quan trắc, đo đạc, kiểm định chất lượng công trình, thí nghiệm khả năng chịu lực kết cấu công trình (nếu có) trong quá trình thi công, danh mục các thiết bị, phụ tùng, vật tư dự trữ;

b) Thiết kế bản vẽ thi công đã được chủ đầu tư xác nhận (có danh mục kèm theo) và các thay đổi thiết kế trong quá trình thi công;

c) Bản vẽ hoàn công (có danh mục bản vẽ kèm theo); mốc cao độ, tọa độ (nếu có); hồ sơ lưu trữ điện tử (nếu có);

d) Hồ sơ và lý lịch thiết bị, thiết bị công nghệ; các tài liệu hướng dẫn sử dụng, vận hành thiết bị, dây chuyền công nghệ lắp đặt vào công trình (nếu có);

đ) Hồ sơ cọc mốc đã đền bù giải phóng mặt bằng thực tế; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của công trình hạ tầng phục vụ quản lý công trình đường bộ, (nếu có); hệ thống cọc mốc hành lang an toàn đường bộ, mốc đất của đường bộ;

e) Tài liệu thẩm tra, thẩm định an toàn giao thông;

g) Quy trình bảo trì; quy trình vận hành, khai thác công trình;

h) Hồ sơ tài liệu về tổ chức giao thông; hồ sơ giải quyết sự cố công trình (nếu có);

i) Hồ sơ trạng thái ban đầu (trạng thái “0”) của các công trình cầu, hầm (nếu có);

k) Nhật ký tuần đường, hồ sơ lý lịch cầu, hầm, bình đồ duỗi thẳng, cơ sở dữ liệu đường bộ được cập nhật, bổ sung trong quá trình quản lý, vận hành, khai thác; các tài liệu thống kê báo cáo tình hình khai thác công trình đường bộ; các băng, đĩa ghi hình, chụp ảnh về tình trạng công trình;

l) Các biên bản, văn bản xử lý vi phạm hành lang an toàn đường bộ, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (nếu có);

m) Các tài liệu liên quan đến kiểm tra, kiểm định, quan trắc, sửa chữa và các công việc khác liên quan đến quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ (nếu có);

n) Số liệu đếm xe trên đường bộ, lưu lượng xe qua phà, cầu phao.

2. Trách nhiệm lập, cung cấp, tiếp nhận các hồ sơ tài liệu để phục vụ khai thác và bảo trì công trình đường bộ như sau:

a) Đối với công trình đường bộ được đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp và mở rộng, dự án sửa chữa công trình đường bộ, chủ đầu tư tổ chức lập, bàn giao tài liệu quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, h, i và điểm m của khoản 1 Điều này cho chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình trước khi đưa công trình vào khai thác, sử dụng. Khi bàn giao, bên giao và bên nhận phải kiểm tra xác định tình trạng hồ sơ bàn giao và lập danh mục hồ sơ bàn giao;

b) Đối với công trình đường bộ đang khai thác, nhà thầu bảo dưỡng, nhà thầu quản lý vận hành công trình đường bộ chịu trách nhiệm lập hồ sơ tài liệu theo quy định tại các điểm k, l và điểm n khoản 1 Điều này, chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình đường bộ kiểm tra nhà thầu bảo dưỡng, nhà thầu quản lý vận hành công trình đường bộ thực hiện công việc này.

Điều 17. Quản lý, vận hành, khai thác kết cấu hạ tầng đường bộ

Việc quản lý, vận hành, khai thác kết cấu hạ tầng đường bộ được thực hiện theo quy định tại Điều 36, Điều 37 Luật Đường bộ, Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường bộ, Điều 77 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ; Nghị định số 44/2024/NĐ-CP về quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ và các quy định sau:

1. Việc vận hành các thiết bị chiếu sáng, thiết bị phục vụ vận hành hầm đường bộ, thiết bị phục vụ nâng hạ cầu, cầu quay phải được thực hiện đồng thời với công tác quản lý, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường bộ;

2. Việc vận hành bến phà đường bộ, cầu phao đường bộ phải thực hiện theo quy trình vận hành, sử dụng của từng bến phà, cầu phao và phải được trang bị các phương tiện, thiết bị bảo đảm an toàn trên sông. Trường hợp mực nước sông dâng cao, lũ, bão, gió vượt quá giới hạn quy định trong quy trình vận hành phải dừng hoạt động để bảo đảm an toàn;

3. Việc vận hành, sử dụng biển báo hiệu trên đường bộ để thông báo các thông tin thay đổi về tốc độ cho phép tham gia giao thông và các cảnh báo khác cho người tham gia giao thông và tổ chức, cá nhân liên quan biết. Thông tin trên biển báo hiệu có thể thay đổi khi thay đổi quy định về tốc độ, khi cần điều chỉnh tốc độ và khi có các thông tin thay đổi ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông;

4. Đối với các thiết bị khác gắn liền với công trình đường bộ, thiết bị phục vụ quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ thì việc vận hành, khai thác thực hiện theo quy trình vận hành, khai thác của các thiết bị này.

Điều 18. Hoạt động của công trình kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ

1. Công trình kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ phải hoạt động liên tục 24/24 giờ vào tất cả các ngày trong tuần. Trường hợp phải tạm ngừng hoạt động do sự cố bất khả kháng, thiên tai, hư hỏng, đơn vị quản lý, vận hành công trình kiểm soát tải trọng xe phải có văn bản báo cáo ngay cho cơ quan quản lý đường bộ. Thời gian báo cáo không chậm quá 01 ngày kể từ khi tạm ngừng hoạt động.

2. Dữ liệu kết quả kiểm tra tải trọng xe phải được kết nối, chia sẻ với hệ thống thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ kiểm tra tải trọng xe cơ giới của lực lượng cảnh sát giao thông trên tuyến.

3. Trước ngày 25 hàng tháng, đơn vị quản lý, vận hành công trình kiểm soát tải trọng xe báo cáo cơ quan quản lý đường bộ về kết quả kiểm soát tải trọng xe về: số phương tiện được kiểm tra tải trọng; số phương tiện vi phạm tải trọng; tỷ lệ phần trăm (%) phương tiện vi phạm trên tổng số phương tiện kiểm tra.

Điều 19. Tuần đường phục vụ quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì đường bộ

Nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên tuyến đường bộ đang khai thác, hoặc tổ chức, cá nhân được giao thực hiện công tác này có trách nhiệm tổ chức thực hiện tuần đường để:

1. Thực hiện công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ:

a) Phát hiện, ngăn chặn kịp thời tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về quản lý, sử dụng kết cấu hạ tầng đường bộ, đấu nối trái phép vào đường bộ, xây dựng, lắp đặt biển quảng cáo, biển thông tin cổ động, tuyên truyền chính trị, xây dựng công trình hạ tầng, công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung trái quy định;

b) Phối hợp với người thực hiện công tác tuần kiểm được quy định tại khoản 2 Điều 20 Thông tư này lập biên bản xác nhận các hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng và bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ;

c) Tổng hợp tình hình vi phạm bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ, kết quả xử lý, khắc phục vi phạm kết cấu hạ tầng đường bộ, công tác giải tỏa vi phạm và cưỡng chế của chính quyền địa phương và đề xuất người quản lý, sử dụng đường bộ xử lý.

2. Kiểm tra, xử lý hư hỏng công trình kết cấu hạ tầng đường bộ:

a) Phát hiện kịp thời các hư hỏng, dấu hiệu hư hỏng công trình kết cấu hạ tầng đường bộ, thiết bị lắp đặt vào công trình kết cấu hạ tầng đường bộ; kiểm tra, theo dõi tình trạng hoạt động của hạng mục, bộ phận công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình;

b) Khắc phục kịp thời các hư hỏng gây mất an toàn giao thông, an toàn công trình theo quy định của tiêu chuẩn bảo dưỡng thường xuyên đường bộ và quy định của hợp đồng;

c) Lắp đặt báo hiệu đường bộ tạm thời, thực hiện các biện pháp cảnh báo và các công việc cần thiết khác đối với đoạn đường bị hư hỏng, ngập nước và các trường hợp khác không bảo đảm an toàn giao thông để bảo đảm an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông;

d) Thông báo kịp thời các hư hỏng, dấu hiệu không bảo đảm an toàn khai thác sử dụng cho người quản lý, sử dụng đường bộ, người tham gia giao thông. Trường hợp cần thiết thông báo cho lực lượng cảnh sát giao thông trên tuyến để phục vụ điều khiển giao thông.

3. Thực hiện công tác bảo đảm an toàn giao thông:

a) Thông báo ngay khi có vụ tai nạn cho: lực lượng cảnh sát giao thông trên tuyến, cơ quan công an và chính quyền địa phương nơi gần nhất; tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ giao thông; người quản lý, sử dụng đường bộ;

b) Tham gia xử lý khi có ùn tắc giao thông, cứu hộ, cứu nạn tai nạn giao thông; hướng dẫn tạm thời giao thông trong trường hợp cần thiết khi chưa có cảnh sát giao thông, cơ quan quản lý đường bộ;

c) Bảo vệ hiện trường, đánh giá thiệt hại kết cấu hạ tầng đường bộ đối với trường hợp vụ tai nạn làm gãy, hỏng hộ lan, lan can cầu, cột tiêu, biển báo, làm hư hỏng cầu và các trường hợp gây thiệt hại kết cấu hạ tầng đường bộ; yêu cầu người điều khiển phương tiện ở lại hiện trường; thông báo cho người quản lý, sử dụng đường bộ; phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng cảnh sát giao thông trên tuyến lập biên bản xác nhận thiệt hại làm căn cứ yêu cầu thực hiện bồi thường;

d) Hàng tháng, quý, năm tổng hợp số vụ tai nạn giao thông đường bộ theo ba tiêu chí (số vụ tai nạn, số người tử vong và số người bị thương do tai nạn giao thông đường bộ), lý trình, vị trí tai nạn giao thông đường bộ; báo cáo người quản lý, sử dụng đường bộ;

đ) Phát hiện các tồn tại trong tổ chức giao thông, điểm hay xảy ra tai nạn giao thông đường bộ, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường bộ; đề xuất người quản lý, sử dụng đường bộ xử lý.

4. Việc ghi nhật ký tuần đường theo quy định tại mục I Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này; bảo quản, bàn giao nhật ký tuần đường cho người quản lý, sử dụng đường bộ khi hết thời hạn hợp đồng hoặc kết thúc nhiệm vụ được giao thực hiện bảo dưỡng thường xuyên công trình thuộc tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ.

5. Chiều dài và số lượt tuần đường phụ thuộc vào quy mô, cấp kỹ thuật của đường bộ, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đường, tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ, chất lượng kết cấu hạ tầng đường bộ, thời tiết các mùa trong năm và phải được quy định trong hợp đồng để nhà thầu bảo dưỡng công trình đường bộ thực hiện. Chiều dài tuần đường quy định tại phần III, mục I Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này.

6. Các trường hợp không bảo đảm an toàn hoặc thực hiện các công việc cấp bách thì tạm thời không phải thực hiện tuần đường, bao gồm:

a) Vị trí, hạng mục công trình xảy ra sự cố nghiêm trọng, gây hư hỏng, tắc đường và các trường hợp khác mà nhân viên tuần đường không thể di chuyển an toàn để thực hiện nhiệm vụ;

b) Người tuần đường đang tham gia cứu hộ, cứu nạn tai nạn giao thông, tham gia tìm kiếm cứu nạn khi có thiên tai, tham gia giải quyết, khắc phục sự cố công trình, sự cố cháy, nổ và các trường hợp bất khả kháng khác.

Điều 20. Tuần kiểm phục vụ quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì đường bộ

1. Nội dung ghi nhật ký tuần kiểm, số lượt thực hiện tuần kiểm theo quy định tại phần II, mục II Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này; phương tiện, trang thiết bị phục vụ tuần kiểm theo quy định tại phần III Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Người quản lý, sử dụng đường bộ có trách nhiệm tổ chức thực hiện tuần kiểm đường bộ để thực hiện các công việc sau:

a) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác: quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ của nhà thầu hoặc tổ chức, cá nhân được giao quản lý, bảo dưỡng công trình đường bộ; công tác tuần đường;

b) Tuyên truyền, vận động việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ; lập biên bản vi phạm việc quản lý, sử dụng kết cấu hạ tầng đường bộ; yêu cầu tổ chức, cá nhân chấm dứt hành vi vi phạm các quy định của Luật Đường bộ, khắc phục hậu quả do vi phạm gây ra;

c) Khi nhận được thông tin tai nạn giao thông, phải thông báo cho lực lượng cảnh sát giao thông trên tuyến, chính quyền địa phương nơi gần nhất; tham gia xử lý khi có ùn tắc giao thông, cứu hộ, cứu nạn tai nạn giao thông; hướng dẫn tạm thời giao thông trong trường hợp cần thiết khi chưa có lực lượng cảnh sát giao thông trên tuyến, tham gia bảo vệ hiện trường tai nạn;

d) Tiếp nhận, theo dõi, xử lý các kiến nghị của nhà thầu hoặc tổ chức, cá nhân được giao quản lý, bảo dưỡng công trình đường bộ, người được giao thực hiện tuần đường và kiến nghị của tổ chức, cá nhân khác đối với các vi phạm về quản lý, sử dụng kết cấu hạ tầng đường bộ; tổ chức giao thông và trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 21. Điều khoản chuyển tiếp

1. Nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên tiếp tục thực hiện các hoạt động bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường bộ theo hợp đồng đã ký kết trước ngày Thông tư này có hiệu lực; trường hợp đã tổ chức đấu thầu nhưng chưa ký kết hợp đồng trước ngày Thông tư này có hiệu lực, các bên tham gia ký kết hợp đồng thương thảo để điều chỉnh cho phù hợp với quy định tại Thông tư này.

2. Các công trình kết cấu hạ tầng đường bộ đã đưa vào khai thác nhưng chưa có quy trình bảo trì phải hoàn thành việc lập, phê duyệt quy trình bảo trì trước ngày 31 tháng 12 năm 2025 trừ công trình cấp III trở xuống và quy định tại Điều 8 Thông tư này.

Điều 22. Hiệu lực thi hành.

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2025;

2. Bãi bỏ các Thông tư sau:

a) Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23 tháng 9 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT ngày 09 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23 tháng 9 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Thông tư số 13/2020/TT-BGTVT ngày 29 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23 tháng 9 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và Thông tư số 35/2017/TT- BGTVT ngày 09 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23 tháng 9 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Thông tư số 39/2021/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23 tháng 9 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

b) Điều 1 Thông tư số 25/2024/TT-BGTVT ngày 28 tháng 06 năm 2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23 tháng 9 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 2 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

c) Thông tư số 37/2018/TT-BGTVT ngày 07 tháng 6 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì công trình đường bộ;

d) Thông tư số 41/2021/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 37/2018/TT-BGTVT ngày 07 tháng 6 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì công trình đường bộ;

đ) Điều 4 Thông tư số 36/2020/TT-BGTVT ngày 24 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về chế độ báo cáo định kỳ trong lĩnh vực đường bộ;

e) Thông tư số 04/2019/TT-BGTVT ngày 23 tháng 1 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tuần đường, tuần kiểm để bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ;

g) Thông tư số 48/2019/TT-BGTVT ngày 17 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định tiêu chí giám sát, nghiệm thu kết quả bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo chất lượng thực hiện và việc áp dụng hình thức bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

h) Thông tư số 12/2014/TT-BGTVT ngày 29 tháng 4 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý, vận hành khai thác cầu trên đường giao thông nông thôn;

i) Thông tư số 32/2014/TT-BGTVT ngày 08 tháng 8 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý, vận hành khai thác đường giao thông nông thôn;

k) Thông tư số 26/2012/TT-BGTVT ngày 20 tháng 7 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về việc xác định và xử lý vị trí nguy hiểm trên đường bộ đang khai thác;

l) Các Điều: 1, 3, 6, 8, 11, 13, 14 và 16 Thông tư số 06/2023/TT-BGTVT ngày 12 tháng 5 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến quản lý, khai thác, sử dụng, bảo trì và bảo vệ đường bộ;

m) Thông tư số 90/2014/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn một số nội dung về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc; Thông tư số 45/2018/TT-BGTVT ngày 13 tháng 8 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 90/2014/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn một số nội dung về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc; Thông tư số 48/2023/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 90/2014/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2014 hướng dẫn một số nội dung về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc.

3. Trường hợp các văn bản quy phạm được dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế./.


Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng Bộ GTVT;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Cục Đường bộ Việt Nam;
- Công báo;
- Cổng thông tin điện tử của Chính phủ;
- Cổng thông tin điện tử Bộ GTVT;
- Báo Giao thông, Tạp chí GTVT;
- Lưu VT, KCHTGT (03b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Duy Lâm

PHỤ LỤC I

(Ban hành kèm theo Thông tư số 41/2024/TT-BGTVT ngày 15 tháng 11 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ)

MẪU ĐƠN ĐỀ NGHỊ CHẤP THUẬN VÀ MẪU VĂN BẢN CHẤP THUẬN THIẾT KẾ NÚT GIAO ĐẤU NỐI VÀO ĐƯỜNG QUỐC LỘ ĐANG KHAI THÁC; MẪU ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP PHÉP THI CÔNG VÀ MẪU GIẤY PHÉP THI CÔNG NÚT GIAO ĐẤU NỐI VÀO ĐƯỜNG QUỐC LỘ ĐANG KHAI THÁC

Mẫu số 01. Đơn đề nghị chấp thuận thiết kế nút giao đấu nối vào đường quốc lộ đang khai thác

(1)
(2)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ……/……

……, ngày …… tháng …… năm 202…

ĐƠN ĐỀ NGHỊ CHẤP THUẬN THIẾT KẾ NÚT GIAO ĐẤU NỐI VÀO ĐƯỜNG QUỐC LỘ ĐANG KHAI THÁC

Về việc đề nghị chấp thuận thiết kế nút giao đấu nối vào … ( ghi bên trái/hoặc bên phải tuyến Km … (ghi lý trình) của tuyến đường …. … ( ghi tên, số hiệu đường bộ)

Kính gửi: ………… (Ghi tên cơ quan có thẩm quyền chấp thuận thiết kế nút giao vào quốc lộ đang khai thác)

Căn cứ Luật Đường bộ năm 2024;

Căn cứ Thông tư số /2024/TT-BGTVT ngày tháng năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ;

Căn cứ … (ghi các văn bản/quyết định phê duyệt vị trí nút giao đấu nối trừ vị trí đấu nối không phải chấp thuận theo quy định tại Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường bộ, Điều 77 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ; dự án đầu tư xây dựng có nút giao đấu nối, văn bản giao chủ đầu tư xây dựng nút giao đấu nối);

Căn cứ hồ sơ thiết kế … (ghi tên công trình nút giao đấu nối) kèm theo tài liệu quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 3 của Thông tư, do (3)…. (ghi tên tổ chức tư vấn lập, trường hợp thiết kế đã được thẩm định và phê duyệt thì ghi rõ số quyết định duyệt, cơ quan đã phê duyệt);

(2)… (ghi cơ quan đề nghị) đề nghị chấp thuận thiết kế của nút giao đấu nối vào … ( ghi bên trái/hoặc bên phải tuyến Km … (ghi lý trình) của tuyến đường …. … ( ghi tên, số hiệu đường bộ) … do tổ chức tư vấn …. lập (trường hợp thiết kế đã được thẩm định và phê duyệt thì ghi rõ số quyết định duyệt, cơ quan đã phê duyệt) và được gửi kèm theo văn bản đề nghị này.

(2)... (ghi tên đơn vị ký đơn) cam kết thực hiện đúng văn bản chấp thuận thiết kế nút giao đấu nối, sửa đổi, bổ sung đầy đủ báo hiệu đường bộ và công trình an toàn giao thông tại nút giao đấu nối; thực hiện các thủ tục cấp giấy phép thi công nút giao đấu nối trước khi tổ chức thi công nút giao đấu nối, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông, an toàn xây dựng khi thi công nút giao đấu nối, bảo vệ môi trường; không yêu cầu bồi thường, hoàn trả đúng yêu cầu kỹ thuật đối với các hạng mục kết cấu hạ tầng đường bộ bị ảnh hưởng do thi công nút giao đấu nối, đồng thời khắc phục các tồn tại nếu quá trình khai thác sử dụng nút giao xuất hiện điểm hay xảy ra tai nạn giao thông, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông và đóng vị trí nút giao đấu nối theo quy định của pháp luật khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền)

Địa chỉ liên hệ: ……..

Số điện thoại: ………….


Nơi nhận:
- Như trên;
- ………….;
- Lưu VT.

(2)
QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

Hướng dẫn nội dung ghi

(1) Tên tổ chức hoặc cơ quan cấp trên của tổ chức đề nghị (nếu có);

(2) Tên đơn vị hoặc tổ chức đề nghị chấp thuận thiết kế và phương án tổ chức giao thông của nút giao đấu nối vào đường quốc lộ đang khai thác (do chủ đầu tư đứng đơn);

(3) Tên tổ chức tư vấn.

Mẫu số 02. Văn bản chấp thuận thiết kế nút giao đấu nối vào đường quốc lộ đang khai thác

(1)
(2)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ……/……
Về việc chấp thuận thiết kế nút giao đấu nối vào … (ghi bên trái/hoặc bên phải tuyến Km … (ghi lý trình) đường quốc lộ…. ghi tên, số hiệu đường bộ)

……, ngày …… tháng …… năm 20…

Kính gửi:

- …… (ghi tên đơn vị đề nghị chấp thuận nút giao đấu nối);

- …. (ghi tên cơ quan cấp phép thi công nút giao đấu nối trong trường hợp cơ quan cấp phép nút giao đấu nối khác cơ quan chấp thuận thiết kế nút giao đấu nối).

Căn cứ Luật Đường bộ năm 2024;

Căn cứ Thông tư số /2024/TT-BGTVT ngày tháng năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ;

Căn cứ … (ghi các văn bản/quyết định phê duyệt vị trí nút giao đấu nối trừ vị trí đấu nối không phải chấp thuận theo quy định tại Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường bộ, Điều 77 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ; dự án đầu tư xây dựng có nút giao đấu nối, văn bản giao chủ đầu tư xây dựng nút giao đấu nối);

Sau khi xem xét thiết kế của nút giao đấu nối vào … (ghi bên trái/hoặc bên phải tuyến Km … (ghi lý trình) của tuyến đường …. … (ghi tên, số hiệu đường bộ)… . ….. (ghi cơ quan chấp thuận) chấp thuận nút giao đấu nối với các nội dung sau:

1. Chấp thuận thiết kế nút giao đấu nối vào … (ghi bên trái/hoặc bên phải tuyến Km … (ghi lý trình) của đường quốc lộ …. … (ghi tên, số hiệu đường bộ) kèm theo các yêu cầu khác tại các mục a), b), c)… văn bản này;

2. Các yêu cầu khác đối với tổ chức, cá nhân được chấp thuận thiết kế nút giao đấu nối tại mục 1 văn bản này như sau:

a) ..

b) …

c) …

(Phần ghi các yêu cầu: sửa đổi bổ sung thiết kế nút giao đấu nối, sửa đổi, bổ sung đầy đủ báo hiệu đường bộ và công trình an toàn giao thông tại nút giao đấu nối; thực hiện các thủ tục cấp giấy phép thi công nút giao đấu nối trước khi tổ chức thi công nút giao đấu nối, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông, an toàn xây dựng khi thi công nút giao đấu nối, bảo vệ môi trường và không yêu cầu bồi thường, hoàn trả đúng yêu cầu kỹ thuật đối với các hạng mục kết cấu hạ tầng đường bộ bị ảnh hưởng do thi công nút giao đấu nối, đồng thời khắc phục các tồn tại nếu quá trình khai thác sử dụng nút giao xuất hiện điểm hay xảy ra tai nạn giao thông, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông và đóng vị trí nút giao đấu nối theo quy định của pháp luật khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền).

3. Văn bản chấp thuận thiết kế nút giao đấu nối có thời hạn 18 tháng, hết thời hạn nêu trên mà chủ đầu tư chưa gửi hồ sơ đề nghị cấp phép thi công nút giao đấu nối vào quốc lộ đang khai thác hoặc có thay đổi về quy mô nút giao đấu nối thì phải thực hiện lại từ đầu thủ tục chấp thuận thiết kế nút giao.


Nơi nhận:
- Như trên;
- Khu QLĐB/Sở GTVT…
- ………….;
- Lưu …

(2)
QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

Hướng dẫn nội dung ghi

(1) Tên tổ chức hoặc cơ quan cấp trên của cơ quan chấp thuận thiết kế nút giao đấu nối.

(2) Tên cơ quan chấp thuận thiết kế nút giao đấu nối.

Mẫu số 03. Đơn đề nghị cấp phép thi công nút giao đấu nối vào đường quốc lộ đang khai thác

(1)
(2)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ……/……

……, ngày …… tháng …… năm 20…

ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP PHÉP THI CÔNG NÚT GIAO ĐẤU NỐI VÀO…
Về đề nghị cấp phép thi công nút giao đấu nối vào Km AAA Quốc lộ …

Kính gửi: ……… (ghi cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thi công nút giao đấu nối)

Căn cứ Luật Đường bộ năm 2024;

Căn cứ Thông tư số /2024/TT-BGTVT ngày tháng năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ;

Căn cứ văn bản … (ghi các văn bản chấp thuận thiết kế nút giao đấu nối của cơ quan….) về việc chấp thuận thiết kế nút giao đấu nối vào … (ghi bên trái/hoặc bên phải tuyến Km … (ghi lý trình) của tuyến đường …. … (ghi tên, số hiệu đường bộ)……..;

(2) đề nghị được cấp phép thi công nút giao đấu nối vào… (ghi bên trái/hoặc bên phải tuyến Km … (ghi lý trình) của tuyến đường …. … (ghi tên, số hiệu đường bộ) trong thời gian thi công từ ngày ... tháng ... năm ... đến hết ngày ...tháng ... năm ... kèm theo hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này;

(2) thi công công trình nút giao: xin cam kết tự di chuyển hoặc cải tạo công trình và không đòi bồi thường khi cơ quan quản lý đường bộ có yêu cầu di chuyển hoặc cải tạo; đồng thời, hoàn chỉnh các thủ tục theo quy định của pháp luật có liên quan để công trình nút giao được triển khai xây dựng trong thời hạn có hiệu lực của giấy phép thi công nút giao đấu nối vào đường quốc lộ đang khai thác;

(2) xin cam kết thi công theo đúng hồ sơ thiết kế đã được chấp thuận và đã được phê duyệt; tuân thủ theo quy định của Giấy phép thi công. Nếu thi công không thực hiện các biện pháp bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn theo quy định, để xảy ra tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, (2) chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.


Nơi nhận:
- Như trên;
- ………….;
- Lưu VT.

(2)
QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

Hướng dẫn nội dung ghi

(1) Tên tổ chức hoặc cơ quan cấp trên của chủ đầu tư, tổ chức đề nghị (nếu có);

(2) Tên chủ đầu tư, cơ quan, tổ chức đề nghị cấp phép thi công nút giao đấu nối.

Mẫu số 04. Giấy phép thi công nút giao đấu nối

TÊN CƠ QUAN CẤP TRÊN
TÊN CƠ QUAN CẤP PHÉP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ……/……

……, ngày …… tháng …… năm 202…

GIẤY PHÉP THI CÔNG NÚT GIAO ĐẤU NỐI

Công trình: Nút giao đấu nối………………….(1)……………..

Lý trình:………………………… Quốc lộ (hoặc đường khác)..................

Căn cứ Luật Đường bộ năm 2024;

Căn cứ Thông tư số /2024/TT-BGTVT ngày tháng năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ;

Căn cứ văn bản … (ghi các văn bản chấp thuận thiết kế nút giao đấu nối của cơ quan … (2) ... về việc chấp thuận thiết kế nút giao đấu nối vào … (ghi bên trái/hoặc bên phải tuyến Km … (ghi lý trình) của tuyến đường …. … (ghi tên, số hiệu đường bộ)…;

Căn cứ Đơn đề nghị cấp phép thi công của..........(3) và hồ sơ thiết kế, tổ chức thi công được duyệt.

1. Cấp cho:.….(3) ……..

- Địa chỉ ………………………………….;

- Điện thoại ……………………………….;

- ……………………………………………………………….

2. Được phép thi công nút giao đấu nối vào nút giao … (ghi bên trái/hoặc bên phải tuyến Km … (ghi lý trình) của đường quốc lộ …. … (ghi tên, số hiệu đường bộ)…, theo hồ sơ thiết kế nút giao đấu nối đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận gồm các nội dung chính như sau:

a).................................................................................................................;

b)................................................................................................................;

3. Các yêu cầu đối với đơn vị thi công công trình:

- Mang giấy này đến người quản lý, sử dụng đường bộ (trực tiếp quản lý tuyến đường) để nhận bàn giao mặt bằng hiện trường; tiến hành thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông theo hồ sơ tổ chức thi công được duyệt và các quy định của pháp luật về đường bộ, pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi thi công trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ;

- Sau khi nhận mặt bằng thi công, đơn vị thi công phải chịu trách nhiệm về an toàn giao thông, chịu sự kiểm tra, kiểm soát của người quản lý, sử dụng đường bộ và cơ quan có thẩm quyền khác;

- Kể từ ngày nhận bàn giao mặt bằng, nếu đơn vị thi công không thực hiện việc tổ chức giao thông, gây mất an toàn giao thông sẽ bị đình chỉ thi công; mọi trách nhiệm liên quan đến tai nạn giao thông và chi phí thiệt hại khác (nếu có) đơn vị thi công tự chịu, ngoài ra còn chịu xử lý theo quy định của pháp luật;

- Thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về đền bù thiệt hại công trình đường bộ do lỗi của đơn vị thi công gây ra khi thi công trên đường bộ đang khai thác;

- Khi kết thúc thi công phải bàn giao lại mặt bằng thi công cho đơn vị quản lý đường bộ;

- ……….. (các nội dung khác nếu cần thiết) ……………………

4. Thời hạn thi công:

Giấy phép thi công này có thời hạn từ ngày.../…./20 ...đến….ngày…/……./20....


Nơi nhận:
- ………….;
-

(…2….) NGƯỜI KÝ
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

Hướng dẫn nội dung ghi:

(1): Ghi tên dự án, công trình cấp giấy phép thi công.

(2): Ghi tên cơ quan thẩm quyền chấp thuận thiết kế.

(3): Ghi tên tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép thi công.

PHỤ LỤC II

MẪU ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP PHÉP THI CÔNG CÔNG TRÌNH TRÊN ĐƯỜNG BỘ ĐANG KHAI THÁC; MẪU GIẤY PHÉP THI CÔNG CÔNG TRÌNH TRÊN ĐƯỜNG BỘ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 41/2024/TT-BGTVT ngày 15 tháng 11 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ)

Mẫu số 01. Đơn đề nghị cấp phép thi công công trình trên đường bộ đang khai thác

(1)
(2)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ……/……

……, ngày …… tháng …… năm 20…

ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP PHÉP THI CÔNG CÔNG TRÌNH TRÊN ĐƯỜNG BỘ ĐANG KHAI THÁC
Về đề nghị (…3…)

Kính gửi: ...........................................(…4…)

Căn cứ Luật Đường bộ năm 2024;

Căn cứ Thông tư số /2024/TT-BGTVT ngày tháng năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ;

- Căn cứ (5);

(2) đề nghị được cấp phép thi công (6) tại (7). Thời gian thi công bắt đầu từ ngày…tháng… năm... đến hết ngày…tháng… năm...

(2) cam kết thực hiện các nội dung sau đây:

- Tự di chuyển hoặc cải tạo công trình và không đòi bồi thường khi cơ quan quản lý đường bộ, người quản lý, sử dụng đường bộ có yêu cầu di chuyển hoặc cải tạo công trình.

- Thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt theo quy định, hạn chế ùn tắc giao thông đến mức cao nhất và không gây ô nhiễm môi trường.

- Thi công theo đúng hồ sơ thiết kế đã được (8) phê duyệt và tuân thủ theo quy định của Giấy phép thi công. Trường hợp thi công không thực hiện các biện pháp bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt theo quy định, để xảy ra tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, (2) chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Địa chỉ liên hệ: ………

Số điện thoại: ..............


Nơi nhận:
- Như trên;
- ....................;
- Lưu VT.

(……2…..)
QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

Hướng dẫn nội dung ghi:

(1) Tên tổ chức hoặc cơ quan cấp trên của đơn vị hoặc tổ chức đứng Đơn đề nghị (nếu có).

(2) Tên đơn vị hoặc tổ chức đứng Đơn đề nghị cấp phép thi công công trình trên đường bộ.

(3) Ghi vắn tắt tên công trình hoặc hạng mục công trình đề nghị cấp phép, tên đường bộ, tên địa phương; ví dụ Cấp phép thi công đường ống cấp nước trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ của Quốc lộ 39, địa phận tỉnh Hưng Yên”.

(4) Tên cơ quan cấp phép thi công.

(5) Văn bản chấp thuận vị trí, quy mô, kích thước (biển quảng cáo/biển thông tin cổ động/ tuyên truyền chính trị/công trình hạ tầng, xây dựng/lắp đặt công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung) trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ (kèm theo hồ sơ được chấp thuận) của cơ quan có thẩm quyền (4).

(6) Ghi đầy đủ tên công trình hoặc hạng mục công trình đề nghị cấp phép thi công.

(7) Ghi đầy đủ lý trình, tên quốc lộ, thuộc địa phận tỉnh nào.

(8) Chủ đầu tư hoặc cơ quan có thẩm quyền (trường hợp chủ đầu tư không đủ năng lực phê duyệt thiết kế)./.

Mẫu số 02. Giấy phép thi công công trình trên đường bộ đang khai thác

TÊN CƠ QUAN CẤP TRÊN
TÊN CƠ QUAN CẤP PHÉP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ……/……

……, ngày …… tháng …… năm 20…

GIẤY PHÉP THI CÔNG

Công trình:.........................(1)...............................

Lý trình:................................................(ghi tên đường)....

- Căn cứ Luật Đường bộ năm 2024;

- Căn cứ Thông tư số /2024/TT-BGTVT ngày tháng năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ;

- Căn cứ (4);

- Căn cứ Đơn đề nghị cấp phép thi công của....(3) và hồ sơ thiết kế, tổ chức thi công được duyệt.

1. Cấp cho: ……..(3)……

- Địa chỉ …………………………………………………………………;

- Điện thoại …………………………………………..………………….;

- ……………………………………………………….………………….

2. Được phép thi công công trình:...(1)...trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ từ lý trình Km......đến Km.....đường ..., theo hồ sơ thiết kế và tổ chức thi công được...(2)… chấp thuận, gồm các nội dung chính như sau:

a)...................................................................................................................;

b)...................................................................................................................;

c)...................................................................................................................;

d)...................................................................................................................;

3. Các yêu cầu đối với đơn vị thi công công trình:

- Mang giấy này đến đơn vị quản lý đường bộ (trực tiếp quản lý tuyến đường) để nhận bàn giao mặt bằng hiện trường; tiến hành thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông theo hồ sơ được chấp thuận và các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ;

- Sau khi nhận mặt bằng thi công, đơn vị thi công phải chịu trách nhiệm về an toàn giao thông, chịu sự kiểm tra, kiểm soát của đơn vị quản lý đường bộ và cơ quan có thẩm quyền khác;

- Kể từ ngày nhận bàn giao mặt bằng, nếu đơn vị thi công không thực hiện việc tổ chức giao thông, gây mất an toàn giao thông sẽ bị đình chỉ thi công; mọi trách nhiệm liên quan đến tai nạn giao thông và chi phí thiệt hại khác (nếu có) đơn vị thi công tự chịu trách nhiệm, ngoài ra còn chịu xử lý theo quy định của pháp luật;

- Thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về đền bù thiệt hại công trình đường bộ do lỗi của đơn vị thi công gây ra khi thi công trên đường bộ;

- Khi kết thúc thi công phải bàn giao lại mặt bằng thi công cho đơn vị quản lý đường bộ;

-…………………(các nội dung khác nếu cần thiết)……………………….

4. Thời hạn thi công:

Giấy phép thi công này có thời hạn từ ngày.../...../20...đến ngày...../....../20..../.


Nơi nhận:
- Như trên;
- .................;
- Lưu VT…

(……2…..)
QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

Hướng dẫn nội dung ghi:

(1) Tên dự án, công trình cấp giấy phép thi công.

(2) Tên cơ quan chấp thuận vị trí, quy mô, kích thước trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ (kèm theo hồ sơ được chấp thuận).

(3) Tên tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép thi công.

(4) Văn bản chấp thuận vị trí, quy mô, kích thước (biển quảng cáo/biển thông tin cổ động/ tuyên truyền chính trị/công trình hạ tầng, xây dựng/lắp đặt công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung) trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ (kèm theo hồ sơ được chấp thuận) của cơ quan có thẩm quyền (2).

PHỤ LỤC III

MẪU NHU CẦU/KẾ HOẠCH QUẢN LÝ, VẬN HÀNH, KHAI THÁC, BẢO TRÌ KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG BỘ/MẪU BÁO CÁO THỰC HIỆN KẾ HOẠCH QUẢN LÝ, VẬN HÀNH, KHAI THÁC, BẢO TRÌ KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG BỘ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 41/2024/TT-BGTVT ngày 15 tháng 11 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ)

Mẫu số 01. Nhu cầu/kế hoạch quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ

CƠ QUAN LẬP/ PHÊ DUYỆT
NHU CẦU/KẾ HOẠCH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số ………

Hà Nội, ngày tháng năm

NHU CẦU/KẾ HOẠCH QUẢN LÝ, VẬN HÀNH, KHAI THÁC, BẢO TRÌ KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG BỘ DO… ( GHI TÊN CƠ QUAN QUẢN LÝ ĐƯỜNG BỘ) ĐANG QUẢN LÝ, VẬN HÀNH, KHAI THÁC

NGUỒN VỐN ….NĂM…

Đơn vị được giao tổ chức thực hiện kế hoạch …………………..

TT

Công trình, hạng mục công trình

Quy mô, giải pháp và khối lượng/công việc chủ yếu

Kinh phí thực hiện (triệu đồng)

Thời gian thực hiện (Năm)

Phương thức thực hiện

Mức độ ưu tiên

Ghi chú

(1)

(2)

(3

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

TỔNG SỐ

I

Bảo dưỡng và vận hành, khai thác

I.1

Bảo dưỡng

I.2

Vận hành, khai thác

II

Sửa chữa định kỳ

II.1

Công trình chuyển tiếp

II.2

Công trình mới

III

Sửa chữa đột xuất

IV

Công tác khác

IV.1

Kiểm định

IV.2

Quan trắc

IV.3

Kiểm tra

IV.4

Đánh giá an toàn công trình

IV.5

Xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, quy trình và các công việc khác

CHI TIẾT

I

Bảo dưỡng

I.1

Bảo dưỡng và vận hành điện chiếu sáng, đèn tín hiệu giao thông

1

Tên quốc lộ, đoạn quốc lộ

1.1

BDTX đường

1.2

BDTX cầu

….

I.2

Vận hành, khai thác

1

Các bến phà … trên QL

1.1-Bến phà …. QL

2

Công trình cân tải trọng xe

2.1-Công trình cân tải trọng xe tại …

3

Hệ thống ITS và trung tâm quản lý, điều hành giao thông

3.1-Hệ thống ITS và trung tâm quản lý, điều hành giao thông đường cao tốc

4

Hệ thống thu thập, xử lý, phân tích, lưu trữ CSDL đường bộ

5

Vận hành, khai thác, sử dụng khác của KCHT đường bộ và phương tiện, thiết bị gắn với đường bộ, phương tiện, thiết bị phục vụ quản lý, khai thác KCHT đường bộ

5.1 -

II

Sửa chữa định kỳ

1

Tên quốc lộ

Công trình chuyển tiếp

Công trình mới

…………………..

III

Sửa chữa đột xuất

1

Tên quốc lộ

…………

IV

Công tác khác

…………

1. Cột (7) phân loại mức độ ưu tiên căn cứ theo quy định tại điểm e khoản 3 Điều 9 Thông tư này và chỉ áp dụng đối với nhu cầu bảo trì công trình đường bộ.

2. Cột (4) kinh phí thực hiện được xác định như sau:

2.1. Đối với nhu cầu bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ

a) Kinh phí bảo dưỡng: căn cứ khối lượng công việc cần bảo dưỡng; định mức công tác bảo dưỡng; suất chi phí bảo dưỡng; các quy định lập, quản lý chi phí xây dựng công trình và quy định lập, quản lý chi phí bảo trì của cơ quan thẩm quyền. Kinh phí bảo dưỡng bao gồm cả chi trả tiền tiêu thụ điện, chi phí bảo dưỡng cho các hệ thống chiếu sáng; sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất bao gồm cả chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng, rà phá, xử lý, tiêu hủy bom, mìn, vật liệu nổ khi cần thu hồi đất khi cần thiết để xử lý điểm hay xảy ra tai nạn giao thông, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, bổ sung đường cứu nạn và các hạng mục an toàn giao thông;

b) Kinh phí sửa chữa định kỳ: căn cứ khối lượng cần thực hiện dự kiến, định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ quan thẩm quyền ban hành; quy định về lập, quản lý chi phí xây dựng của cơ quan có thẩm quyền; kinh phí đã bố trí lũy kế đến năm xây dựng kế hoạch đối với công trình chuyển tiếp; hoặc ước tính theo suất đầu tư sửa chữa định kỳ các công trình tương tự để xác định.

c) Kinh phí sửa chữa đột xuất: căn cứ dự toán kinh phí được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

d) Kinh phí công tác khác: căn cứ khối lượng cần thực hiện phù hợp quy định hiện hành về nguồn vốn bảo trì, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi do cơ quan có thẩm quyền ban hành; quy định về lập, quản lý chi phí xây dựng của cơ quan thẩm quyền để xác định; hoặc hướng dẫn xác định chi phí bảo trì do cơ quan có thẩm quyền công bố để xác định; kinh phí công tác khác bao gồm hỗ trợ lực lượng thanh tra đường bộ.

2.2. Đối với kế hoạch quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ

a) Kinh phí bảo dưỡng: căn cứ giá trị hợp đồng hoặc dự toán được duyệt; từ khối lượng công việc và định mức, đơn giá được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc suất chi phí bảo dưỡng để xác định.

Đối với công trình trong giai đoạn bảo hành, công tác bảo dưỡng thường xuyên không được tính chi phí sửa chữa, thay thế thiết bị hư hỏng do lỗi và thuộc trách nhiệm bảo hành của nhà thầu thi công xây dựng, nhà thầu cung cấp lắp đặt thiết bị. Trong thời gian thực hiện dự án sửa chữa công trình, không tính chi phí bảo dưỡng thường xuyên nếu các công việc này đã có trong công tác sửa chữa hoặc không cần bảo dưỡng trong thời gian thực hiện sửa chữa.

b) Kinh phí sửa chữa định kỳ: căn cứ kinh phí cho phép chuẩn bị đầu tư đối với công trình mới; kinh phí công trình được duyệt và kinh phí đã bố trí lũy kế đến năm xây dựng kế hoạch đối với công trình chuyển tiếp; từ khối lượng công việc và định mức, đơn giá được cấp thẩm quyền ban hành; hoặc theo suất đầu tư sửa chữa công trình tương tự hoặc hướng dẫn xác định chi phí quản lý, bảo trì, vận hành khai thác do cơ quan có thẩm quyền công bố để xác định.

c) Kinh phí sửa chữa đột xuất: căn cứ suất đầu tư sửa chữa công trình tương tự; hoặc dự toán kinh phí được cấp có thẩm quyền phê duyệt để xác định.

d) Kinh phí công tác khác: căn cứ dự toán kinh phí được cấp có thẩm quyền phê duyệt để xác định.

3. Tài liệu kèm theo khi trình nhu cầu, kế hoạch quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ bao gồm:

3.1. Đối với nhu cầu bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ

a) Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ năm trước liền kề và đề xuất nhu cầu quản lý, bảo trì năm kế hoạch của các cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý công trình; trong đó bao gồm: thuyết minh giải pháp và khối lượng sửa chữa chủ yếu (đối với dự án sửa chữa), kinh phí thực hiện dự kiến cho công trình đề xuất.

b) Bình đồ duỗi thẳng về tình hình sửa chữa bảo trì trên quốc lộ trong vòng 05 năm (từ thời điểm xây dựng kế hoạch) và danh mục đề xuất sửa chữa năm tiếp theo (bình đồ thể hiện rõ về lý trình, phạm vi, quy mô, giải pháp, thời gian sửa chữa...).

c) Hình ảnh hiện trạng hư hỏng công trình đề xuất sửa chữa (thể hiện rõ tên quốc lộ, lý trình các hạng mục sửa chữa: cầu, đường, cống...).

d) Quyết định phê duyệt dự án đầu tư (hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật) công trình sửa chữa, dự toán chi năm trước năm xây dựng kế hoạch đối với công trình sửa chữa chuyển tiếp. Hợp đồng thực hiện bảo dưỡng thường xuyên hoặc quyết định duyệt dự toán bảo dưỡng thường xuyên; văn bản, quyết định duyệt giá các công việc liên quan đến bảo trì công trình năm trước liền kề.

3.2. Đối với kế hoạch quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ

a) Báo cáo đề xuất kế hoạch của các cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý công trình về kế hoạch quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ năm.

b) Quyết định cho phép chuẩn bị đầu tư đối với công trình, danh mục mới/bổ sung. Quyết định phê duyệt dự án đầu tư/báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình đối với công trình danh mục cũ/chuyển tiếp.

c) Đối với dự án sửa chữa mặt đường, gia cố lề đường... có lý trình sửa chữa tổng thể trùng với lý trình sửa chữa công trình các năm trước: ngoài hồ sơ cung cấp tại điểm a khoản này, cần bổ sung thuyết minh, hồ sơ để làm rõ về việc không trùng với các vị trí đã sửa chữa trước đây.

d) Đối với công tác khác theo Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư/dự toán kinh phí của cấp có thẩm quyền.

Mẫu số 02. Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ

Đơn vị thực hiện:…..
Thời kỳ báo cáo: từ … đến

Đơn vị: triệu đồng

TT

Hạng mục công trình, công việc thực hiện

KHBT được phê duyệt

Dự toán chi được giao

Giá trị khối lượng thực hiện (đã nghiệm thu)

Giải ngân

Ghi chú

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

Tổng số

A

Bảo dưỡng thường xuyên

-

-

-

-

-

B

Sửa chữa định kỳ

- Công trình chuyển tiếp

- Công trình mới

C

Sửa chữa đột xuất

D

Công tác khác

Riêng đối với báo cáo năm cần bổ sung kết quả khối lượng chủ yếu thực hiện trong năm kế hoạch (chiều dài, diện tích mặt đường được sửa chữa; số điểm hay xảy ra tai nạn giao thông, điểm tiềm ẩn an toàn giao thông được xử lý; hệ thống thoát nước; số lượng cầu được sửa chữa; hệ thống an toàn giao thông) và kết quả công tác phê duyệt tại điểm c khoản 3 Điều 9 Thông tư này.

PHỤ LỤC IV

QUY ĐỊNH VỀ TIÊU CHÍ GIÁM SÁT, NGHIỆM THU, PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ, KHẤU TRỪ KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG BẢO DƯỠNG THƯỜNG XUYÊN CÔNG TRÌNH THUỘC TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG BỘ THEO CHẤT LƯỢNG THỰC HIỆN; GHI CHÉP KẾT QUẢ BẢO DƯỠNG THƯỜNG XUYÊN THEO CHẤT LƯỢNG THỰC HIỆN
(Ban hành kèm theo Thông tư số 41/2024/TT-BGTVT ngày 15 tháng 11 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ)

Mẫu số 01. Quy định về tiêu chí giám sát, nghiệm thu, phương pháp đánh giá, khấu trừ kinh phí hoạt động bảo dưỡng thường xuyên công trình thuộc tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ theo chất lượng thực hiện

I. TIÊU CHÍ YÊU CẦU VỀ KỸ THUẬT CHẤT LƯỢNG ĐỐI VỚI BẢO DƯỠNG THƯỜNG XUYÊN CÔNG TRÌNH THUỘC TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG BỘ THEO CHẤT LƯỢNG THỰC HIỆN PHỤC VỤ VIỆC GIÁM SÁT, NGHIỆM THU

A. Đối với đường bộ (trừ đường cao tốc)

1. Công tác quản lý đường bộ

TT

Hạng mục

Nội dung yêu cầu kỹ thuật, chất lượng

Mức độ đáp ứng

Thời gian cho phép khắc phục tồn tại

1.1

Lập, quản lý hồ sơ và cập nhật hồ sơ tài liệu trong thời gian thực hiện bảo dưỡng công trình

Thực hiện đầy đủ các nội dung quy định tại Khoản 6 Điều 11 Thông tư này và Mục 4.2.1 của Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 14182:2024 Bảo dưỡng thường xuyên đường bộ (sau đây viết tắt là TCVN 14182:2024)

a) Có đủ các hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của hợp đồng; thể hiện đầy đủ, chính xác các số liệu so với hiện trường và quy định; cập nhật, bổ sung những thay đổi của công trình vào hồ sơ, tài liệu.

b) Lưu giữ, bảo quản có hệ thống, không mất, hư hỏng hồ sơ. Cung cấp hồ sơ, tài liệu kịp thời khi cơ quan quản lý đường bộ (cơ quan ký kết hợp đồng - Bên A) yêu cầu.

c) Đối với việc quản lý cầu bằng phần mềm quản lý và các công việc khác đã quy định sử dụng phần mềm quản lý phải được cập nhật và lưu trữ thường xuyên trên phần mềm quản lý.

a) Các thay đổi công trình đường bộ phải được cập nhật không quá 15 ngày.

b) Các nội dung khác: 15 ngày kể từ ngày có thông báo về tồn tại trong công tác này của cơ quan ký hợp đồng.

1.2

Công tác ghi chép kết quả bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường bộ và việc thực hiện tuần đường

1.2.1 - Công tác ghi chép kết quả bảo dưỡng

Việc ghi chép kết quả thực hiện bảo dưỡng phải được thực hiện sau khi hoàn thành các công tác bảo dưỡng, bao gồm:

(1) Công tác cắt cỏ lề đường, cắt cây (ghi thời gian, đoạn đường thực hiện, kết quả chủ yếu);

(2) Quét vệ sinh mặt đường; vá ổ gà, sửa mặt đường (ghi thời gian, đoạn đường thực hiện, kết quả chủ yếu);

(3) Nạo vét đoạn rãnh (ghi đoạn rãnh và thời gian thực hiện, kết quả chủ yếu);

(4) Sơn bổ sung báo hiệu đường bộ (ghi vị trí sơn bổ sung và kết quả chủ yếu);

(5) Khơi thông cống, rãnh (ghi thời gian, kết quả chủ yếu);

(6) Sửa chữa lề đường (ghi thời gian và đoạn tuyến thực hiện, kết quả chủ yếu);

(7) Hót sụt (ghi thời gian, đoạn, vị trí và khối lượng, kết quả chủ yếu);

(8) Bảo dưỡng báo hiệu đường bộ;

(9) Công tác bảo dưỡng các hạng mục công trình khác ghi tương tự như các tiết (1) đến (8);

(10) Đối với bảo dưỡng thiết bị, ghi lại thời gian và công việc thực hiện. Ví dụ: bảo dưỡng vệ sinh, bôi mỡ kết cấu thép, gối cầu thép; bảo dưỡng máy tính; bảo dưỡng thiết bị điện và các thiết bị khác.

Yêu cầu về ghi chép kết quả bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường bộ

1.1. Tổ chức, cá nhân thực hiện bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường bộ có trách nhiệm ghi chép kết quả bảo dưỡng ngay sau khi hoàn thành công việc bảo dưỡng. Trường hợp công việc bảo dưỡng kéo dài nhiều ngày, thì việc ghi chép kết quả bảo dưỡng được thực hiện khi hoàn thành bảo dưỡng một hoặc một số bộ phận, hạng mục công trình kết cấu hạ tầng đường bộ, thiết bị phục vụ quản lý, vận hành, khai thác và thiết bị lắp đặt vào kết cấu hạ tầng đường bộ. Nội dung ghi chép kết quả bảo dưỡng, bao gồm:

a) Công trình, hạng mục công trình, thiết bị được bảo dưỡng;

b) Công việc bảo dưỡng đã thực hiện;

c) Thời gian bắt đầu và kết thúc công việc bảo dưỡng;

d) Tóm tắt quá trình thực hiện công việc bảo dưỡng;

đ) Kết quả thực hiện bảo dưỡng;

e) Nhận xét về tình trạng công trình kết cấu hạ tầng, thiết bị, công nghệ sau khi bảo dưỡng và các thông tin cần thiết khác.

a) Đối với công việc hoàn thành trong ngày yêu cầu ghi kết quả thực hiện vào cuối ngày.

b) Đối với các công việc kéo hơn 01 ngày: ghi chép kết quả bảo dưỡng vào ngày cuối hoàn thành.

1.2.2- Việc thực hiện tuần đường

Thực hiện theo Điều 19 Thông tư này và các nội dung Mục 4.2.8 của TCVN 14182:2024

a) Bố trí đủ lực lượng, phương tiện, thiết bị và trang phục phục vụ nhiệm vụ tuần đường, xử lý kịp thời các kiến nghị trong quá trình tuần đường, cập nhật kết quả tổ chức khắc phục hư hỏng, xuống cấp của công trình, bộ phận, hạng mục công trình, tham gia xử lý tai nạn, khắc phục bão lũ, bảo vệ công trình và hành lang an toàn đường bộ, báo cáo theo quy định.

b) Sổ nhật ký tuần đường thể hiện đầy đủ kết quả hoạt động tuần đường, nhận xét, ý kiến xử lý của nhà thầu theo quy định tại Điều 19 Thông tư này.

c) Các quy định khác:

- Phát hiện kịp tình trạng bất thường, sự cố của công trình đường bộ, các công trình khác ảnh hưởng đến an toàn giao thông và tai nạn, ùn tắc giao thông (chụp ảnh hiện trạng hư hỏng, tai nạn và báo cáo kịp thời).

- Thống kê, nắm rõ số lượng, vị trí, tình trạng chi tiết của công trình đường bộ trong đoạn tuyến được giao; phát hiện hư hỏng, sự xâm hại công trình; xử lý hoặc báo cáo để có biện pháp xử lý.

- Theo dõi tai nạn giao thông và xử lý theo quy định.

- Phát hiện kịp thời, lập biên bản xác nhận hành vi vi phạm công tác quản lý, bảo vệ phạm vi đất của đường bộ, báo cáo Bên A xử lý theo quy định.

a) Cho phép thời gian khắc phục khi chưa đủ trang thiết bị phục vụ tuần đường là 01 tháng kể từ khi ký kết hợp đồng.

b) Đối với các lỗi không đáp ứng còn lại: thời gian khắc phục tối đa không quá 01 ngày kể từ khi phát hiện.

1.3

Đếm xe

Thực hiện việc đếm xe theo Mục 4.2.5 của TCVN 14182:2024 hoặc ý kiến chỉ đạo của cơ quan quản lý đường bộ.

a) Phiếu đếm xe chi tiết thể hiện đầy đủ, chính xác kết quả đếm xe được phân loại theo yêu cầu của hợp đồng hoặc tiêu chuẩn kỹ thuật, thời gian đếm xe. Báo cáo tổng hợp kết quả đếm xe của đợt đếm cụ thể từng ngày, số ca đếm trong ngày, số xe được phân loại cụ thể theo các chiều.

b) Chế độ báo cáo, tổng hợp, lưu trữ và các nội dung khác thực hiện theo quy định do cơ quan có thẩm quyền ban hành, quy định trong hợp đồng bảo trì.

a) Ngày đếm xe được phép lùi (hoặc tiến) không quá 5 ngày so với quy định nếu trùng vào dịp Lễ, Tết hoặc sự kiện, sự cố ảnh hưởng làm thay đổi đột ngột lưu lượng.

b) Công tác tổng hợp, lưu trữ và báo cáo kết quả đếm xe cho phép chậm không quá 10 ngày kể từ ngày phải đếm xe.

1.4

Công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ

Thực hiện các công việc quản lý, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, đất của đường bộ, công trình đường bộ và kết cấu hạ tầng đường bộ quy định tại Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường bộ, Điều 77 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và tại khoản 1 Điều 19 Thông tư này; thực hiện quy định tại Mục 4.2.2 và Mục 4.3.3 của TCVN 14182:2024

a) Phát hiện, xử lý theo quy định, ngăn chặn kịp thời các vi phạm hành lang và kết cấu hạ tầng đường bộ.

b) Phối hợp chặt chẽ với người quản lý, sử dụng đường bộ, cơ quan quản lý đường bộ, chính quyền địa phương và công an trong công tác bảo dưỡng, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ.

Cập nhật đầy đủ, kịp thời kết quả kiểm tra cột mốc giải phóng mặt bằng, mốc lộ giới, mốc đất của đường bộ vào hồ sơ quản lý hành lang an toàn đường bộ.

c) Tổng hợp, báo cáo kết quả xử lý vi phạm đầy đủ, đúng quy định.

15 ngày kể từ ngày có thông báo về tồn tại trong công tác này của cơ quan ký hợp đồng.

1.5

Công tác bảo đảm an toàn giao thông

Theo dõi tình hình tai nạn giao thông, tham gia xử lý, báo cáo theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Thông tư này và Mục 4.2.6, 4.2.7 của TCVN 14182:2024

a) Khi có tai nạn giao thông, phải thông báo ngay cho lực lượng chức năng, xử lý ùn tắc giao thông, tham gia hướng dẫn giao thông (nếu cần), tham gia cứu nạn cứu hộ, bảo vệ hiện trường.

Phát hiện, phối hợp kịp thời với lực lượng chức năng lập biên bản xác nhận thiệt hại đối với các vụ tai nạn giao thông gây hư hỏng công trình đường bộ.

b) Phát hiện, theo dõi kịp thời các tồn tại trong tổ chức giao thông, điểm hay xảy ra tai nạn giao thông đường bộ, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường bộ.

c) Báo cáo định kỳ, đột xuất theo quy định.

a) Đối với công tác báo cáo: cho phép chậm không quá 02 ngày theo quy định, nhưng trước khi nghiệm thu tháng phải báo cáo đầy đủ kết quả thực hiện công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

b) Các nội dung khác: 15 ngày kể từ ngày có thông báo về tồn tại trong công tác này của cơ quan ký hợp đồng.

1.6

Trực đảm bảo giao thông, xử lý khi có bão, lũ lụt, mưa, sạt lở

Trực đảm bảo giao thông khi có bão lụt, tổ chức đảm bảo giao thông theo quy định Mục 4.2.3 của TCVN 14182:2024; xử lý khi có bão, lũ lụt, mưa, sạt lở theo quy định tại Thông tư quy định về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ

a) Trực đảm bảo giao thông khi có bão, lũ lụt, mưa lớn; nắm bắt tình hình thiệt hại; ghi chép đầy đủ diễn biến thời tiết, các hư hỏng công trình đường bộ được giao quản lý trong ca trực.

b) Báo cáo ngay khi có sự cố, tham gia xử lý các sự cố, đảm bảo thông đường theo điều kiện hợp đồng, quy định về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

a) Đối với công tác báo cáo: báo cáo Bên A ngay khi xảy ra sự cố.

b) Các nội dung khác: 15 ngày kể từ ngày có thông báo về tồn tại trong công tác này của Bên A.

1.7

Kiểm tra, xử lý hư hỏng công trình kết cấu hạ tầng đường bộ

Tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất, cập nhật và tổng hợp báo cáo theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Thông tư này và Mục 4.2.9 của TCVN 14182:2024

a) Phát hiện kịp thời các hư hỏng, dấu hiệu hư hỏng công trình đường bộ, thiết bị lắp đặt vào công trình đường bộ theo quy định hợp đồng.

b) Trường hợp hư hỏng, xuống cấp nằm ngoài phạm vi hợp đồng, báo cáo kịp thời Bên A để có biện pháp sửa chữa, khắc phục.

c) Báo cáo Bên A tình trạng kỹ thuật của các hạng mục công trình, các hiện tượng hư hỏng, xuống cấp của các hạng mục các công trình được giao quản lý theo yêu cầu của TCVN 14182:2024; lưu giữ đầy đủ các biên bản, phiếu kiểm tra.

d) Cập nhật đầy đủ vào hồ sơ, tài liệu hoặc các phần mềm quản lý cầu, đường.

a) Việc cập nhật các thay đổi công trình đường bộ: không quá 15 ngày sau khi có thay đổi.

b) Đối với các hư hỏng xuống cấp ảnh hưởng đến an toàn giao thông, an toàn công trình: phát hiện, báo cáo không quá 01 ngày khi xảy ra sự cố.

c) Đối với các nội dung còn lại: không quá 15 ngày.

2. Bảo dưỡng mặt đường

TT

Hạng mục

Nội dung yêu cầu kỹ thuật, chất lượng

Mức độ đáp ứng

Thời gian cho phép khắc phục tồn tại

2.1

Mặt đường bê tông nhựa (BTN), láng nhựa

2.1.1

Vá ổ gà (gồm cả vá mép mặt đường sứt vỡ)

Vá ổ gà theo quy định tại Mục 5.4.3.3 của TCVN 14182:2024.

a) Xử lý kịp thời các vị trí ổ gà ngay từ khi phát hiện.

b) Các miếng vá phải cùng cao độ với mặt đường xung quanh với dung sai tối đa + 5 mm; những miếng vá có diện tích > 0,1 m2 được vá theo hình chữ nhật, hình vuông; các cạnh miếng vá phải song song hoặc vuông góc với tim đường.

c) Các miếng vá được vá bằng các vật liệu quy định trong các tiêu chuẩn kỹ thuật. Vật liệu vá phải tương đương hoặc tốt hơn so với vật liệu đã được sử dụng cho mặt đường xung quanh (mặt đường BTN phải được vá bằng BTN nóng, BTN ấm, hoặc BTN nguội; trên các tuyến đường cấp thấp tại những nơi khó khăn trong việc sản xuất, cung ứng các loại BTN, cho phép sử dụng vật liệu carboncor để vá. Mặt đường láng nhựa phải được vá bằng láng nhựa, các loại bê tông nhựa, carboncor, đá dăm đen).

d) Mối nối giữa miếng vá với mặt đường xung quanh không được để khe hở rộng quá 03 mm.

Thời gian cho phép khắc phục trong vòng 03 ngày đối với tuyến đường cấp I, II, 05 ngày đối với các tuyến đường cấp III - VI kể từ khi xuất hiện.

2.1.2

Vết nứt dọc, nứt ngang đơn lẻ

Xử lý theo quy định tại Mục 5.4.3.5 của TCVN 14182:2024.

Trên mặt đường không có vết nứt có độ rộng trên 05 mm.

Khi xuất hiện vết nứt loại này thì thời gian cho phép sửa chữa trong vòng 07 ngày đối với mùa mưa, 14 ngày đối với mùa khô.

2.1.3

Xử lý nứt mai rùa và các dạng nứt dày đặc khác.

Xử lý theo quy định tại Mục 5.4.3.4 của TCVN 14182:2024.

Diện tích mặt bị nứt không được vượt quá 10% diện tích mặt đường tính cho 50 m dài đường bất kỳ.

Khi xuất hiện vết nứt loại này, thời gian cho phép sửa chữa trong vòng 07 ngày đối với mùa mưa, 14 ngày đối với mùa khô.

2.1.4

Xử lý lún lõm, đẩy trồi, dồn nhựa, lún vệt bánh xe, bong bật và bong tróc

Xử lý theo quy định tại Mục 5.4.3.6, 5.4.3.7, 5.4.3.8 của TCVN 14182:2024.

a) Không để tình trạng lún lõm quá 25 mm đối với đường bê tông nhựa, không quá 50 mm đối với đường láng nhựa.

b) Các hư hỏng đẩy trồi, dồn nhựa không được hư hỏng mức độ M trở lên theo TCVN 14182:2024.

c) Vật liệu vá và các nội dung khác như đối với công tác vá ổ gà tại Mục 2.1.1.

Các chỗ lún lõm vượt quá mức giới hạn phải được loại bỏ không quá 10 ngày (không tính các ngày trời mưa, mặt đường ẩm ướt không thi công được).

2.1.5

Sình lún

Xử lý theo quy định tại Mục 5.4.3.10 của TCVN 14182:2024.

a) Không được để sình lún phát triển thành rạn nứt lớn và không được để lún lõm quá 25 mm đối với đường bê tông nhựa, 50 mm đối với đường láng nhựa, thấm nhập nhựa. Đồng thời, không được quá 0,5% diện tích mặt đường rạn nứt và lún lõm nhỏ hơn các quy định trên.

b) Yêu cầu mức độ đáp ứng khi xử lý sình lún như đối với công tác vá ổ gà tại Mục 2.1.1.

Các chỗ sình lún phải được loại bỏ trong vòng 10 ngày (không tính các ngày trời mưa, mặt đường ẩm ướt không thi công được).

2.1.6

Vệ sinh mặt đường

Xử lý theo quy định tại Mục 5.4.2.1 của TCVN 14182:2024.

Mặt đường (bao gồm cả dải phân cách giữa) và lề đường phải luôn được giữ vệ sinh sạch (không được có rác, cành cây và các chướng ngại vật khác); không để đọng đất, cát trên mặt đường; dải phân cách không để bụi đất bám làm mất tác dụng của sơn báo hiệu; đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Khắc phục các chướng ngại vật đe dọa tới công tác an toàn giao thông như: đất, đá, động vật chết, vật liệu.

01 giờ kể từ khi phát hiện.

b) Khắc phục các vật liệu dễ cháy trên mặt đường như: nhiên liệu, dầu hoặc chất hóa học.

04 giờ kể từ khi phát hiện.

c) Khắc phục các mảnh vỡ khác không đe dọa trực tiếp tới an toàn giao thông.

07 ngày kể từ khi phát hiện.

2.2.

Mặt đường bê tông xi măng

2.2.1

Xử lý khe co, khe giãn và khe dọc

Xử lý theo quy định tại Mục 5.4.2.2, 5.4.2.3 của TCVN 14182:2024.

Các khe co, khe giãn, khe dọc không bị bong bật mất vật liệu chèn khe có mức độ hư hỏng M trở lên.

Phải xử lý trong vòng 07 ngày sau khi phát hiện (không tính các ngày trời mưa, mặt đường ẩm ướt không thi công được).

2.2.2

Xử lý vết nứt

Xử lý theo quy định tại Mục 5.4.2.4 ÷ 5.4.2.7 của TCVN 14182:2024.

Không để xuất hiện vết nứt có mức độ hư hỏng M trở lên.

Phải sửa chữa trong vòng 07 ngày sau khi phát hiện (đối với mùa mưa), 14 ngày (đối với mùa khô)

2.2.3

Vệ sinh mặt đường

Xử lý theo quy định tại Mục 5.4.2.1 của TCVN 14182:2024.

Mặt đường (bao gồm cả dải phân cách giữa) và lề đường phải luôn được giữ vệ sinh sạch (không được có rác, cành cây và các chướng ngại vật khác); không để đọng đất, cát trên mặt đường; dải phân cách không để bụi đất bám làm mất tác dụng của sơn báo hiệu; đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Khắc phục chướng ngại vật đe dọa tới công tác an toàn giao thông như đất, đá, động vật chết, vật liệu bị đổ đi.

01 giờ kể từ khi phát hiện.

b) Khắc phục các vật liệu dễ cháy trên mặt đường như nhiên liệu, dầu hoặc chất hóa học.

04 giờ kể từ khi phát hiện.

c) Khắc phục các mảnh vỡ khác với không đe dọa trực tiếp tới an toàn giao thông.

07 ngày kể từ khi phát hiện.

2.3

Đường đá dăm, cấp phối tự nhiên

2.3.1

Vá ổ gà, lún lõm cục bộ

Xử lý theo quy định tại Mục 5.4.4.2, 5.4.5.5 của TCVN 14182:2024.

Không có ổ gà, lún lõm cục bộ trên mặt đường đang khai thác. Trường hợp có ổ gà thì phải được vá sửa. Trường hợp gặp trời mưa liên tục hoặc vì lý do bất khả kháng cho phép sửa chữa đảm bảo giao thông tạm bằng vật liệu khác nhưng sau đó phải thực hiện như yêu cầu.

Thời gian cho phép khắc phục trong vòng 05 ngày sau khi phát hiện.

2.3.2

Xử lý lún lõm, gồ ghề

Xử lý theo quy định tại Mục 5.4.4.1 của TCVN 14182:2024..

Không được để các chỗ lún lõm, trồi lún quá 50 mm hoặc gây ảnh hưởng đến người tham gia giao thông, mặt đường còn nguyên mui luyện, không đọng nước.

Thời gian cho phép khắc phục trong vòng 10 ngày sau khi phát hiện (không tính các ngày trời mưa, mặt đường bị ngập không thi công được).

2.3.3

Sình lún

Xử lý theo quy định tại Mục 5.4.5.6 của TCVN 14182:2024.

Không được để sình lún phát triển thành rạn nứt lớn, lún lõm quá 50mm. Diện tích sình lún không được quá 0,5% diện tích mặt đường.

Các chỗ sình lún phải được loại bỏ trong vòng 10 ngày (không tính các ngày trời mưa, mặt đường ẩm ướt không thi công được).

2.3.4

Vệ sinh mặt đường

Tùy theo mức độ bẩn của mặt đường để bố trí số lần vệ sinh, tưới nước chống bụi vào những ngày hanh khô.

Mặt đường (bao gồm cả dải phân cách giữa) và lề đường không được có rác, cành cây và các chướng ngại vật khác.

Khắc phục trong vòng 01 giờ nếu gây nguy hiểm mất an toàn giao thông; trong vòng 07 ngày đối với trường hợp còn lại.

2.3.5

Các nội dung khác

Khi có nước trên mặt đường phải tổ chức khơi thông nước, bổ sung kết cấu mặt bù vào các vị trí lún lõm;

Tùy theo điều kiện nguồn vốn và quy định tại hợp đồng để bổ sung, điều chỉnh các nội dung phù hợp.

Không để mặt đường đọng nước.

Thời gian cho phép khắc phục không quá 24 giờ.

3. Hệ thống an toàn giao thông và hệ thống chiếu sáng

TT

Hạng mục

Nội dung yêu cầu kỹ thuật, chất lượng

Mức độ đáp ứng

Thời gian cho phép khắc phục tồn tại

3.1

Biển báo

Thực hiện theo quy định tại Mục 5.12.1 của TCVN 14182:2024.

Bảo quản đầy đủ biển báo từ khi nhận bàn giao; đảm bảo chất lượng, rõ ràng, không bị bẩn, chắc chắn, dễ nhận biết từ xa và phải quan sát được rõ cả ngày và đêm.

Đối với hư hỏng, mất phải sửa chữa thay thế trong vòng 01 ngày đối với biển báo cấm, biển hiệu lệnh; 03 ngày với các biển còn lại sau khi phát hiện.

3.2

Vạch sơn kẻ đường, gờ giảm tốc.

Thực hiện theo quy định tại Mục 5.12.2 của TCVN 14182:2024.

Duy trì các vạch sơn khi nhận bàn giao, thường xuyên vệ sinh bảo đảm sáng rõ, không bị cát bụi lấp, dễ nhận biết; không bị mờ hoặc bong tróc.

Đối với những vạch sơn mặt đường hư hỏng cục bộ phải được sơn dặm trong vòng 28 ngày.

3.3

Cột Km, cọc H, cọc mốc giải phóng mặt bằng, cọc mốc lộ giới, mốc đất của đường bộ và cọc tiêu

Thực hiện theo quy định tại Mục 5.12.12 của TCVN 14182:2024.

Đảm bảo dễ nhận biết, dễ đọc, không xiêu vẹo, đúng quy định; hư hỏng, mất phải được sửa chữa kịp thời.

Sửa chữa, thay thế trong vòng 07 ngày.

3.4

Tường hộ lan, tôn sóng

Thực hiện theo quy định tại Mục 5.12.8 của TCVN 14182:2024.

a) Bảo quản đầy đủ tường hộ lan, tôn sóng từ khi nhận bàn giao.

b) Đảm bảo dễ nhận biết, không xiêu vẹo, đúng quy định; hư hỏng phải được sửa chữa kịp thời. Trường hợp hỏng do tai nạn giao thông hoặc sự cố hư hỏng lớn phải cảnh báo đảm bảo an toàn giao thông và báo cáo người quản lý, sử dụng đường bộ.

Khắc phục hư hỏng hoặc báo cáo trong vòng 05 ngày khi phát hiện.

3.5

Dải phân cách bằng trụ bê tông luồn ống thép, khung lưới thép, trụ dẻo

Thực hiện theo quy định tại Mục 5.12.10 của TCVN 14182:2024.

Đảm bảo dễ nhận biết, không xiêu vẹo, đúng quy định; hư hỏng, mất phải được sửa chữa kịp thời. Trường hợp hỏng do tai nạn giao thông hoặc sự cố hư hỏng lớn phải cảnh báo đảm bảo an toàn giao thông và báo cáo người quản lý, sử dụng đường bộ.

Khắc phục hư hỏng hoặc báo cáo trong vòng 05 ngày khi phát hiện.

3.6

Mắt phản quang, đinh phản quang, tấm chống chói, gương cầu lồi

Thực hiện theo quy định tại Mục 5.12.4, 5.12.5, 4.12.13 của TCVN 14182:2024.

Đảm bảo dễ nhận biết, không xiêu vẹo, đúng quy định; hư hỏng, mất phải được sửa chữa kịp thời. Trường hợp hỏng do tai nạn giao thông hoặc sự cố hư hỏng lớn phải cảnh báo đảm bảo an toàn giao thông và báo cáo người quản lý, sử dụng đường bộ.

Khắc phục hư hỏng hoặc báo cáo trong vòng 05 ngày khi phát hiện.

3.7

Dải phân cách giữa, đảo giao thông

Thực hiện theo quy định tại Mục 5.12.6, 5.12.11 của TCVN 14182:2024.

Đảm bảo sạch, không nứt vỡ hư hỏng; cây cỏ không chườm lên mặt đường, không cho phép cành cây và cỏ chườm ra mặt ngoài hàng vỉa bê tông và không cao quá 1,2 m kể từ cao độ mặt nhựa (đối với cây) và cỏ không cao quá 0,2 m đối với dải phân cách.

Khắc phục hư hỏng hoặc báo cáo trong vòng 03 ngày khi phát hiện.

3.8

Đường cứu nạn (nếu có)

Thực hiện theo quy định tại Mục 5.9 của TCVN 14182:2024.

Đường vào luôn thông thoáng, dễ nhận biết, không có vật cản, đảm bảo thoát nước, có đủ độ xốp, đủ ma sát theo thiết kế ban đầu.

Các vật cản trên mặt đường phải được xử lý trong vòng 12 giờ; các tồn tại khác phải khắc phục trong 01 ngày.

3.9

Hệ thống chiếu sáng, đèn tín hiệu giao thông (nếu có)

Thực hiện theo quy định tại Mục 5.7.1.3 của TCVN 14182:2024.

a) Bảo quản đầy đủ từ khi nhận bàn giao, đảm bảo thời lượng thắp sáng đúng quy định. Đèn tín hiệu giao thông luôn trong tình trạng hoạt động bình thường. b) Cột đèn cần đèn phải chắc chắn không nghiêng lệch, sạch, không bị rỉ sét, nứt vỡ.

a) Bóng đèn hỏng phải sửa chữa, thay thế trong vòng 02 ngày. b) Cột đèn, cần đèn bị hư hỏng phải được khắc phục hoặc báo cáo trong vòng 07 ngày.

4. Nền đường, thoát nước và chăm sóc cây xanh

TT

Hạng mục

Nội dung yêu cầu kỹ thuật, chất lượng

Mức độ đáp ứng

Thời gian cho phép khắc phục tồn tại

4.1

Taluy đắp và taluy đào

Thực hiện theo quy định tại Mục 5.1.2, 5.1.3, 5.1.4 của TCVN 14182:2024.

Đảm bảo hình dạng ban đầu, không bị xói lở; đảm bảo độ chặt (đối với taluy đất); cụ thể:

a) Khi có sạt lở nhỏ phải tổ chức xử lý bảo đảm an toàn giao thông.

b) Các hư hỏng lớn vượt quá tiêu chuẩn kỹ thuật và định mức bảo dưỡng thường xuyên do mưa bão, lở đất phải báo cáo kịp thời cho cơ quan được giao quản lý tài sản để được xem xét xử lý.

a) Phải hoàn tất sửa chữa trong vòng 01 ngày sau khi phát hiện hư hỏng (mùa mưa), 03 ngày (mùa khô).

b) Trường hợp sạt lở khối lượng nhỏ làm ách tắc giao thông phải khắc phục ngay để bảo đảm giao thông trong vòng 06 giờ.

c) Hư hỏng lớn phải báo cáo ngay trong vòng 01 giờ.

4.2

Phát cây, cắt cỏ, tỉa cành

Thực hiện theo quy định tại Mục 5.1.2.3, 5.1.2.4, 5.1.2.5 của TCVN 14182:2024.

a) Không che khuất cọc tiêu, biển báo, cột Km và ảnh hưởng đến thoát nước; không ảnh hưởng tầm nhìn.

b) Đối với taluy dương trong phạm vi chiều cao ≤ 4,0 m cây cỏ không được cao quá 0,2 m.

c) Đối với taluy âm trong phạm vi 1,0 m từ vai đường trở ra và trong bụng đường cong cây cỏ không được cao quá vai đường 0,2 m.

d) Cây cỏ không được cao quá vai đường 0,2 m và chờm ra mặt đường.

a) Cây cỏ phải được cắt, phát quang trong vòng 03 ngày khi phát hiện.

b) Cây đổ ngang đường phải khắc phục để bảo đảm an toàn giao thông trong thời gian 03 giờ kể từ khi phát hiện.

4.3

Lề đường

Thực hiện theo quy định tại Mục 5.2 của TCVN 14182:2024.

a) Chênh lệch cao độ lề đường so với mép mặt đường không được vượt quá 50 mm.

b) Lề đường có gia cố lớp mặt không bị biến dạng, xói lở ổ gà, vỡ mép. Phạm vi lề đường, đất của đường bộ phải thông thoáng, không có vật liệu, chất thải chất đống.

Các hư hỏng của lề đường phải được khắc phục trong vòng 14 ngày sau khi được phát hiện.

4.4

Rãnh và các công trình thoát nước có gia cố (gạch, đá, bê tông xi măng)

Thực hiện theo quy định tại Mục 5.3 của TCVN 14182:2024.

Phải đảm bảo thông thoáng, không được để đọng rác, bùn, đất, các vật gây cản trở dòng chảy; các bộ phận được gia cố không bị hư hỏng, mất; không xói lở xung quanh kết cấu rãnh.

Tắc nghẽn phải được khơi thông trong vòng 01 ngày sau khi phát hiện đối với mùa mưa, 07 ngày đối với mùa khô.

Hư hỏng lớn, mất phải được sửa chữa hoặc báo cáo trong vòng 14 ngày sau khi được phát hiện.

4.5

Rãnh và các công trình thoát nước bằng đất đá tự nhiên

Thực hiện theo quy định tại Mục 5.3 của TCVN 14182:2024.

Không có chướng ngại vật gây cản trở dòng chảy; không gây ngập úng khi trời mưa.

Tắc nghẽn phải được khơi thông trong vòng 01 ngày sau khi phát hiện đối với mùa mưa, 07 ngày đối với mùa khô.

Hư hỏng, sạt lở phải được sửa chữa trong vòng 07 ngày sau khi được phát hiện.

4.6

Hố thu và cống

Thực hiện theo quy định tại Mục 5.3 của TCVN 14182:2024.

Phải sạch rác và bùn đất, không có vật gây cản trở dòng chảy, không bị hỏng, mất về kết cấu; xung quanh phải được lèn chặt bằng vật liệu thích hợp.

Tắc nghẽn phải được khơi thông trong vòng 01 ngày sau khi phát hiện (đối với mùa mưa), 07 ngày (đối với mùa khô)

Hư hỏng phải được sửa chữa trong vòng 14 ngày sau khi được phát hiện.

4.7

Hệ thống cây xanh

Thực hiện theo quy định tại Mục 5.14 của TCVN 14182:2024.

a) Cây xanh, thảm cỏ luôn được phát quang, xén tỉa đảm bảo tầm nhìn, mỹ quan, không che khuất tầm nhìn, cọc tiêu, biển báo, cột Km, hộ lan, tường chắn và ảnh hưởng đến việc thoát nước.

b) Đối với dải phân cách giữa, đảo giao thông không cho phép cành cây và cỏ chườm ra mặt ngoài hàng vỉa bê tông, cây cao không quá 1,3 m tính từ cao độ mặt vỉa.

Cây cỏ phải được cắt tỉa, phát quang, dọn dẹp trong vòng 03 ngày kể từ khi phát hiện chờm ra mặt đường làm che khuất tầm nhìn và gây cản trở giao thông.

Khi có cây đổ ngang đường phải khắc phục để đảm bảo giao thông trong thời gian 03 giờ sau khi phát hiện.

5. Cầu và các công trình khác

TT

Hạng mục

Nội dung yêu cầu kỹ thuật, chất lượng

Mức độ đáp ứng

Thời gian cho phép khắc phục tồn tại

5.1

Công trình có dầm, dàn thép và thép bê tông liên hợp

Thực hiện theo quy định tại Mục 5.11.8.2 của TCVN 14182:2024.

a) Kết cấu sạch, không đọng nước. Các bộ phận kim loại của toàn bộ công trình phải được sơn hoặc nếu không phải được bảo vệ và không bị xói mòn, rỉ sét.

b) Khi công trình bị hư hỏng đe dọa tới tính toàn vẹn kết cấu của công trình, nhà thầu phải thông báo ngay cho cấp có thẩm quyền; đồng thời phải có biện pháp cảnh báo cho người và phương tiện lưu thông trên tuyến; cần thiết phải có biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình và an toàn giao thông.

Khắc phục hư hỏng hoặc báo cáo trong vòng 07 ngày từ khi phát hiện.

5.2

Công trình có dầm bê tông, đá xây

Thực hiện theo quy định tại Mục 5.11.8.1 của TCVN 14182:2024.

a) Tình trạng công trình bình thường, vệ sinh sạch sẽ, không đọng nước, các hư hỏng nhỏ phải được sửa chữa hoặc theo dõi.

b) Khi công trình bị hư hỏng ảnh hưởng đến an toàn kết cấu của công trình, nhà thầu phải thông báo ngay cho cấp có thẩm quyền; đồng thời phải có biện pháp cảnh báo cho người và phương tiện lưu thông trên tuyến. Cần thiết phải có biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình và an toàn giao thông.

Khắc phục hư hỏng hoặc báo cáo trong vòng 07 ngày từ khi phát hiện.

5.3

Khe co giãn cầu, gối cầu, mố trụ cầu

Thực hiện theo quy định tại Mục 5.11.7, 5.11.9, 5.11.10 của TCVN 14182:2024.

a) Sạch đất cát, không bong tróc, mất bu lông và không biến dạng, hư hỏng, đảm bảo trong tình trạng tốt. Gối cầu thép phải được bôi mỡ.

b) Đối với các hư hỏng, biến dạng của gối cầu, mố trụ cầu phải được phát hiện, báo cáo và theo dõi thường xuyên.

c) Các nguyên nhân dẫn đến việc không đảm bảo yêu cầu phải được thực hiện trong thời gian 14 ngày sau khi nước rút.

Khắc phục hư hỏng hoặc báo cáo trong vòng:

a) 01 ngày từ khi phát hiện đối với khe co giãn.

b) 05 ngày từ khi phát hiện với gối, mố, trụ cầu.

5.4

Mặt cầu, đường đầu cầu

Thực hiện theo quy định tại Mục 5.11.1, 5.11.4 đến mục 5.11.6, 5.11.11 của TCVN 14182:2024.

a) Không có ổ gà, vệ sinh sạch, thoát nước tốt. Đảm bảo êm thuận phần tiếp giáp đầu cầu.

b) Xử lý ổ gà, rạn nứt, trồi lún như quy định đối với mặt đường tương ứng tại điểm 2 Mục A của Phụ lục này.

c) Có biển cảnh báo, giảm tốc độ phù hợp khi có hư hỏng trong thời gian chờ xử lý.

d) Các chỗ lún lõm, ổ gà phải được xử lý đảm bảo giao thông ngay sau không quá 02 ngày phát hiện.

Khắc phục hư hỏng trong vòng 02 ngày từ khi phát hiện.

5.5

Kè dẫn hướng, các kết cấu phòng hộ

Thực hiện theo quy định tại Mục 5.11.12 của TCVN 14182:2024.

Tình trạng công trình bình thường; không có hư hỏng, không có cây cối ảnh hưởng đến dòng chảy và kết cấu công trình. Hư hỏng lớn ngoài hợp đồng phải báo cáo Bên A để xem xét xử lý.

Khắc phục hư hỏng hoặc báo cáo trong vòng 07 ngày từ khi phát hiện.

5.6

Tường chắn, kè

Thực hiện theo quy định tại Mục 5.5 của TCVN 14182:2024.

Tình trạng tường chắn bình thường; không có hư hỏng, không có cây cối ảnh hưởng đến dòng chảy và kết cấu công trình, đảm bảo thoát nước bình thường. Hư hỏng lớn ngoài hợp đồng phải báo cáo Bên A để xem xét xử lý.

Khắc phục hư hỏng hoặc báo cáo trong vòng 07 ngày từ khi phát hiện.

5.7

Đường tràn, đường ngầm

Thực hiện theo quy định tại Mục 5.6 của TCVN 14182:2024.

Dễ nhận biết khi bị ngập do lũ lụt, không có hư hỏng; không bị ách tắc dòng chảy, đảm bảo an toàn giao thông. Hư hỏng lớn ngoài hợp đồng phải báo cáo Bên A để xem xét xử lý.

Khắc phục hư hỏng hoặc báo cáo trong vòng 07 ngày từ khi phát hiện.

5.8

Hầm đường bộ

Thực hiện theo quy định tại Mục 5.7 của TCVN 14182:2024.

a) Đảm bảo mặt đường sạch, thoát nước và đảm bảo chiếu sáng đảm bảo an toàn giao thông.

b) Phát hiện kịp thời các hư hỏng, xử lý các hư hỏng nhỏ và theo dõi, báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.

Khắc phục hư hỏng hoặc báo cáo trong vòng 05 ngày từ khi phát hiện

B. Đối với đường bộ cao tốc

1. Công tác quản lý công trình đường bộ

TT

Hạng mục

Nội dung yêu cầu kỹ thuật, chất lượng

Mức độ đáp ứng

Thời gian cho phép khắc phục tồn tại

1.1

Lập, quản lý hồ sơ và cập nhật hồ sơ tài liệu trong thời gian thực hiện bảo dưỡng công trình

Thực hiện đầy đủ theo các nội dung tại khoản 6 Điều 11 Thông tư này và Mục 4.1.1 của Tiêu chuẩn kỹ thuật bảo dưỡng thường xuyên công trình đường cao tốc TCCS 17:2016/TCĐBVN (sau đây viết tắt là TCCS 17:2016/TCĐBVN)

a) Có đủ các hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của hợp đồng; thể hiện đầy đủ, chính xác các số liệu so với hiện trường và quy định; cập nhật, bổ sung những thay đổi của công trình vào hồ sơ, tài liệu.

b) Lưu giữ, bảo quản có hệ thống, không mất, hư hỏng hồ sơ. Cung cấp hồ sơ, tài liệu kịp thời khi người quản lý, sử dụng đường bộ (cơ quan ký kết hợp đồng - Bên A) yêu cầu.

c) Đối với việc quản lý cầu bằng phần mềm quản lý và các công việc khác đã quy định sử dụng phần mềm quản lý phải được cập nhật và lưu trữ thường xuyên trên phần mềm quản lý.

a) Các thay đổi công trình đường bộ phải được cập nhật không quá 15 ngày.

b) Các nội dung khác: 15 ngày kể từ ngày có thông báo về tồn tại trong công tác này của cơ quan ký hợp đồng.

1.2

Công tác ghi chép kết quả bảo dưỡng công trình thuộc tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ và việc thực hiện tuần đường

1.2.1- Công tác ghi chép kết quả bảo dưỡng

Việc ghi chép kết quả thực hiện bảo dưỡng phải được thực hiện sau khi hoàn thành các công tác bảo dưỡng, bao gồm:

(1) Công tác cắt cỏ lề đường, cắt cây (ghi thời gian, đoạn đường thực hiện, kết quả chủ yếu);

(2) Quét vệ sinh mặt đường; vá ổ gà, sửa mặt đường (ghi thời gian, đoạn đường; kết quả chủ yếu);

(3) Nạo vét đoạn rãnh (ghi đoạn rãnh và thời gian thực hiện; kết chủ yếu);

(4) Sơn bổ sung báo hiệu đường bộ (ghi vị trí sơn bổ sung và kết quả chủ yếu);

(5) Khơi thông cống, rãnh: ghi thời gian, kết quả chủ yếu);

(6) Sửa chữa lề đường (ghi thời gian và đoạn tuyến thực hiện, kết quả chủ yếu);

(7) Hót sụt (ghi thời gian, đoạn, vị trí và khối lượng, kết quả chủ yếu);

(8) Bảo dưỡng báo hiệu đường bộ;

(9) Công tác bảo dưỡng các hạng mục công trình khác ghi tương tự như các tiết (1) đến (8);

(10) Đối với bảo dưỡng thiết bị, ghi lại thời gian và công việc thực hiện. Ví dụ: bảo dưỡng vệ sinh, bôi mỡ kết cấu thép, gối cầu thép; bảo dưỡng máy tính; bảo dưỡng thiết bị điện và các thiết bị khác.

Yêu cầu về ghi chép kết quả bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường bộ

1.1. Tổ chức, cá nhân thực hiện bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường bộ có trách nhiệm ghi chép kết quả bảo dưỡng ngay sau khi hoàn thành công việc bảo dưỡng. Trường hợp công việc bảo dưỡng kéo dài nhiều ngày, thì việc ghi chép kết quả bảo dưỡng được thực hiện khi hoàn thành bảo dưỡng một hoặc một số bộ phận, hạng mục công trình kết cấu hạ tầng đường bộ, thiết bị phục vụ quản lý, vận hành, khai thác và thiết bị lắp đặt vào kết cấu hạ tầng đường bộ. Nội dung ghi chép kết quả bảo dưỡng, bao gồm:

a) Công trình, hạng mục công trình, thiết bị được bảo dưỡng;

b) Công việc bảo dưỡng đã thực hiện;

c) Thời gian bắt đầu và kết thúc công việc bảo dưỡng;

d) Tóm tắt quá trình thực hiện công việc bảo dưỡng;

đ) Kết quả thực hiện bảo dưỡng;

e) Nhận xét về tình trạng công trình kết cấu hạ tầng, thiết bị, công nghệ sau khi bảo dưỡng và các thông tin cần thiết khác.

a) Đối với công việc hoàn thành trong ngày yêu cầu ghi kết quả thực hiện vào cuối ngày.

b) Đối với các công việc kéo hơn 01 ngày: ghi chép kết quả bảo dưỡng vào ngày cuối hoàn thành.

1.2.2 - Công tác tuần đường

Thực hiện đầy đủ theo Điều 18 Thông tư này và các nội dung Tiêu chuẩn quản lý và khai thác đường cao tốc - Tuần đường và xử lý sự cố trên đường cao tốc TCCS 16:2016/TCĐBVN (sau đây viết tắt là TCCS 16:2016/TCĐBVN)

a) Lập kế hoạch tuần đường; bố trí đủ lực lượng, phương tiện, thiết bị và trang phục phục vụ nhiệm vụ tuần đường, xử lý kịp thời các kiến nghị trong quá trình tuần đường, cập nhật kết quả tổ chức khắc phục hư hỏng, xuống cấp của công trình, bộ phận, hạng mục công trình, tham gia xử lý tai nạn, khắc phục bão lũ, bảo vệ công trình và hành lang an toàn đường bộ, báo cáo theo quy định.

b) Sổ nhật ký tuần đường thể hiện đầy đủ kết quả hoạt động tuần đường, nhận xét, ý kiến xử lý của nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên.

c) Các quy định khác:

- Phát hiện tình trạng bất thường, sự cố của công trình đường bộ, các công trình khác ảnh hưởng đến an toàn giao thông và tai nạn, ùn tắc giao thông (chụp ảnh hiện trạng hư hỏng, tai nạn và báo cáo kịp thời).

- Thống kê, nắm rõ số lượng, vị trí, tình trạng chi tiết của công trình đường bộ trong đoạn tuyến được giao; phát hiện hư hỏng, sự xâm hại công trình; xử lý hoặc báo cáo để có biện pháp xử lý.

- Theo dõi tai nạn giao thông và xử lý theo quy định.

- Công tác quản lý, bảo vệ phạm vi đất của đường bộ: phát hiện kịp thời, lập biên bản xác nhận hành vi vi phạm, báo cáo Bên A xử lý theo quy định.

- Theo dõi việc thi công công trình trên đường bộ đang khai thác, nhắc nhở nhà thầu thi công bảo đảm an toàn giao thông; nếu phát hiện các hành vi gây mất an toàn giao thông báo cáo ngay tuần kiểm viên để xử lý kịp thời.

a) Cho phép thời gian khắc phục trang thiết bị của nhân viên tuần đường là 01 tháng kể từ khi ký kết hợp đồng.

b) Đối với các lỗi không đáp ứng còn lại: thời gian khắc phục tối đa không quá 01 ngày kể từ khi phát hiện.

1.3

Đếm xe

Thực hiện theo các nội dung Mục 4.1.1.6 của Tiêu chuẩn TCCS 17:2016/TCĐBVN hoặc ý kiến chỉ đạo của cơ quan quản lý đường bộ.

a) Phiếu đếm xe chi tiết thể hiện đầy đủ, chính xác kết quả đếm xe được phân loại theo yêu cầu của hợp đồng hoặc tiêu chuẩn kỹ thuật, thời gian đếm xe. Báo cáo tổng hợp kết quả đếm xe của đợt đếm cụ thể từng ngày, số ca đếm trong ngày, số xe được phân loại cụ thể theo các chiều.

b) Chế độ báo cáo, tổng hợp, lưu trữ và các nội dung khác thực hiện theo quy định tại các tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành, quy định trong hợp đồng BDTX.

a) Ngày đếm xe được phép lùi (hoặc tiến) không quá 05 ngày so với quy định nếu trùng vào dịp Lễ, Tết hoặc sự kiện, sự cố ảnh hưởng làm thay đổi đột ngột lưu lượng.

b) Công tác tổng hợp, lưu trữ và báo cáo kết quả đếm xe cho phép chậm không quá 10 ngày kể từ ngày phải đếm xe.

1.4

Quản lý bảo vệ hành lang an toàn và công trình đường cao tốc

Thực hiện các công việc quản lý, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, đất của đường bộ, công trình đường bộ và kết cấu hạ tầng đường bộ quy định tại Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường bộ, Điều 77 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và tại khoản 1 Điều 18 Thông tư này; quy định tại Mục 4.1.3 và Mục 4.1.3.3 TCCS 17:2016/TCĐBVN.

a) Phát hiện, xử lý theo quy định, ngăn chặn kịp thời các vi phạm hành lang và kết cấu hạ tầng đường bộ.

b) Phối hợp chặt chẽ với người quản lý, sử dụng đường bộ, cơ quan quản lý đường bộ, chính quyền địa phương và công an trong công tác bảo dưỡng, vận hành khai thác công trình, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ.

Cập nhật đầy đủ, kịp thời kết quả kiểm tra cột mốc giải phóng mặt bằng, mốc lộ giới, mốc đất của đường bộ vào hồ sơ quản lý hành lang an toàn đường bộ.

c) Tổng hợp, báo cáo kết quả xử lý vi phạm đầy đủ, đúng quy định.

15 ngày kể từ ngày có thông báo về tồn tại trong công tác này của cơ quan ký hợp đồng.

1.5

Đảm bảo trật tự an toàn giao thông, xử lý tai nạn giao thông

Thực hiện báo cáo, xử lý theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 19 Thông tư này; Mục 5.2 của Tiêu chuẩn TCCS 16:2016/TCĐBVN.

a) Khi phát hiện tai nạn giao thông, báo cáo ngay các thông tin ban đầu; tổ chức sơ, cấp cứu ban đầu; bảo vệ hiện trường, tổ chức phân luồng giao thông.

Phát hiện, phối hợp kịp thời với lực lượng chức năng lập biên bản xác nhận thiệt hại đối với các vụ tai nạn giao thông gây hư hỏng công trình đường bộ.

b) Phát hiện, theo dõi kịp thời các tồn tại trong tổ chức giao thông, điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

c) Báo cáo định kỳ, đột xuất theo quy định.

a) Báo cáo ngay sau khi phát hiện tai nạn giao thông.

b) Đối với công tác báo cáo khác: cho phép chậm không quá 02 ngày theo quy định nhưng trước khi nghiệm thu tháng phải báo cáo đầy đủ kết quả thực hiện công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

c) Các nội dung khác: 15 ngày kể từ ngày có thông báo về tồn tại trong công tác này của cơ quan ký hợp đồng.

1.6

Trực đảm bảo giao thông; xử lý khi có bão, lũ lụt, mưa, sạt lở

Thực hiện theo quy định của Bộ Giao thông vận tải về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ; theo quy định của quy trình vận hành, khai thác tuyến đường đã được phê duyệt.

a) Đảm bảo đầy đủ số người trực theo ca, vị trí theo quy định; ghi chép đầy đủ nội dung, diễn biến thời tiết, các hư hỏng công trình đường bộ được giao quản lý trong ca trực.

b) Có phương án, biện pháp tổ chức ứng phó các sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

c) Báo cáo ngay khi có sự cố, tham gia xử lý các sự cố, đảm bảo thông đường theo điều kiện hợp đồng, quy định về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

a) Các phương án, biện pháp tổ chức ứng phó phải được lập trong vòng 20 ngày kể từ khi ký hợp đồng.

b) Đối với công tác báo cáo: báo cáo Bên A ngay khi xảy ra sự cố.

c) Các nội dung khác: 15 ngày kể từ ngày có thông báo về tồn tại trong công tác này của Bên A.

1.7

Kiểm tra, xử lý hư hỏng công trình kết cấu hạ tầng đường bộ

Thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Thông tư này và Mục 4.4 của TCCS 17:2016/TCĐBVN.

a) Phát hiện kịp thời các hư hỏng, dấu hiệu hư hỏng công trình đường bộ, thiết bị lắp đặt vào công trình đường bộ xử lý theo quy định Hợp đồng.

b) Trường hợp hư hỏng, xuống cấp nằm ngoài phạm vi hợp đồng thì báo cáo kịp thời cho Bên A để có biện pháp sửa chữa khắc phục.

c) Báo cáo Bên A tình trạng kỹ thuật của các hạng mục công trình, các hiện tượng hư hỏng, xuống cấp của các hạng mục các công trình được giao quản lý theo yêu cầu của TCCS 17:2016/TCĐBVN; lưu giữ đầy đủ các biên bản, phiếu kiểm tra.

d) Cập nhật đầy đủ vào hồ sơ, tài liệu hoặc các phần mềm quản lý cầu, đường.

a) Việc cập nhật các thay đổi công trình đường bộ: không quá 15 ngày sau khi có thay đổi.

b) Đối với các hư hỏng xuống cấp ảnh hưởng đến an toàn giao thông, an toàn công trình: phát hiện, báo cáo không quá 01 ngày khi xảy ra sự cố.

c) Đối với các nội dung còn lại: không quá 10 ngày.

2. Bảo dưỡng mặt đường

TT

Hạng mục

Nội dung yêu cầu kỹ thuật, chất lượng

Mức độ đáp ứng

Thời gian cho phép khắc phục tồn tại

2.1

Đường bê tông nhựa (BTN)

2.1.1

Vá mặt đường bê tông nhựa (xử lý ổ gà, hố, nứt cục bộ, sụt lún)

Vá mặt đường BTN theo quy định tại Mục 5.1.2 của TCCS 17:2016/TCĐBVN.

a) Xử lý kịp thời các vị trí hư hỏng ngay từ khi phát hiện.

b) Các miếng vá phải cùng cao độ với mặt đường xung quanh với dung sai tối đa + 05 mm; những miếng vá có diện tích > 0,1 m2 được vá theo hình chữ nhật, hình vuông; các cạnh miếng vá phải song song hoặc vuông góc với tim đường.

c) Các miếng vá được vá bằng các vật liệu quy định trong các tiêu chuẩn kỹ thuật. Vật liệu vá phải tương đương hoặc tốt hơn so với vật liệu đã được sử dụng cho mặt đường xung quanh (mặt đường bê tông nhựa (BTN) phải được vá bằng BTN nóng hoặc BTN ấm hoặc BTN nguội).

d) Trong trường hợp khẩn cấp cho phép sử dụng các vật liệu thích hợp như carboncor, vật liệu làm đường có chất kết dính để vá nhằm đảm bảo giao thông. Khi đó nếu cần phải hạn chế tốc độ do chất lượng vị trí vá tạm không tương ứng với toàn tuyến. Trong vòng 15 ngày phải thay vị trí vá tạm bằng vật liệu tiêu chuẩn dành cho vá đường cao tốc.

đ) Mối nối giữa miếng vá với mặt đường xung quanh không được để khe hở rộng quá 03 mm.

Thời gian cho phép khắc phục trong vòng 01 ngày sau khi xuất hiện đối với ổ gà; 05 ngày sau khi xuất hiện đối với các chỗ lún lõm.

2.1.2

Trám vá mặt đường bê tông nhựa (xử lý các vết nứt mặt đường)

Trám vá mặt đường BTN theo quy định tại Mục 5.1.3 của TCCS 17:2016/TCĐBVN.

a) Trên mặt đường không có vết nứt có độ rộng trên 05 mm.

b) Đối với nứt mai rùa: diện tích mặt đường bị nứt không được vượt quá 10% diện tích mặt đường tính cho 50 m dài đường bất kỳ.

Khi xuất hiện vết nứt, thời gian cho phép sửa chữa:

a) Đối với chiều rộng vết nứt ≥ 05 mm phải vá láng trong vòng 03 ngày sau khi phát hiện.

b) Đối với chiều rộng vết nứt <05 mm phải sửa chữa trong vòng 05 ngày.

2.1.3

Vệ sinh mặt đường

Thực hiện theo quy định tại Mục 5.1.1 của TCCS 17:2016/TCĐBVN.

Mặt đường phải luôn được giữ vệ sinh sạch (không có rác, cành cây và các chướng ngại vật khác); không tồn tại đất, đá, cát, rác thải trên mặt đường, lề đường, đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Khắc phục các chướng ngại vật đe dọa tới công tác an toàn giao thông như: đất, đá, động vật chết, vật liệu bị đổ đi.

01 giờ kể từ khi phát hiện.

b) Khắc phục các vật liệu dễ cháy trên mặt đường như: nhiên liệu, dầu hoặc chất hóa học.

01 giờ kể từ khi phát hiện.

c) Khắc phục các mảnh vỡ khác với không đe dọa trực tiếp tới an toàn giao thông.

03 ngày kể từ khi phát hiện.

2.2.

Mặt đường bê tông xi măng

2.2.1

Xử lý khe co, khe giãn và khe dọc

Xử lý theo quy định tại Mục 5.2.2.2. 5.2.2.3 của TCCS 17:2016/TCĐBVN.

Các khe co, khe giãn, khe dọc không bị bong bật mất vật liệu chèn khe có mức độ hư hỏng L trở lên theo TCVN 14182:2024.

Phải xử lý trong vòng 05 ngày sau khi phát hiện (không tính các ngày trời mưa, mặt đường ẩm ướt không thi công được).

2.2.2

Xử lý vết nứt

Xử lý theo quy định tại Mục 5.2.3 của TCCS 17:2016/TCĐBVN.

Không để xuất hiện vết nứt có mức độ hư hỏng L trở lên theo TCVN 14182:2024.

Phải sửa chữa trong vòng 05 ngày sau khi phát hiện (đối với mùa mưa), 10 ngày (đối với mùa khô).

2.2.3

Vệ sinh mặt đường

Thực hiện theo quy định tại Mục 2.1.3 như đối với mặt đường bê tông nhựa.

Mặt đường phải luôn được giữ vệ sinh sạch (không có rác, cành cây và các chướng ngại vật khác); không tồn tại đất, đá, cát, rác thải trên mặt đường, lề đường, đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Khắc phục chướng ngại vật đe dọa tới công tác an toàn giao thông như đất, đá, động vật chết, vật liệu bị đổ đi.

01 giờ kể từ khi phát hiện.

b) Khắc phục các vật liệu dễ cháy trên mặt đường như nhiên liệu, dầu hoặc chất hóa học.

01 giờ kể từ khi phát hiện.

c) Khắc phục các mảnh vỡ khác với không đe dọa trực tiếp tới an toàn giao thông.

03 ngày kể từ khi phát hiện.

3. Hệ thống an toàn giao thông và hệ thống chiếu sáng

TT

Hạng mục

Nội dung yêu cầu kỹ thuật, chất lượng

Mức độ đáp ứng

Thời gian cho phép khắc phục tồn tại

3.1

Biển báo

Thực hiện theo quy định tại Mục 10.1.1 và 10.1.2 của TCCS 17:2016/TCĐBVN.

a) Bảo quản đầy đủ biển báo từ khi nhận bàn giao; đảm bảo chất lượng, rõ ràng, không bị bẩn, chắc chắn, dễ nhận biết từ xa và phải quan sát được rõ cả ngày và đêm.

b) Biển báo điện tử phải hiển thị đúng và đầy đủ thông tin, tỷ lệ đèn LED bị tắt trên 1 mặt biển báo phải đảm bảo bé hơn 1/4 tổng số đèn sáng.

Đối với hư hỏng, mất phải sửa chữa thay thế trong vòng 01 ngày đối với biển báo chỉ dẫn, nguy hiểm, biển hiệu lệnh; 03 ngày với các biển còn lại sau khi phát hiện.

3.2

Vạch sơn kẻ đường, gờ giảm tốc

Thực hiện theo quy định tại Mục 10.3, 10.4 của TCCS 17:2016/TCĐBVN.

Duy trì các vạch sơn khi nhận bàn giao, thường xuyên vệ sinh bảo đảm sáng rõ, không bị cát bụi lấp, dễ nhận biết; sơn dặm khi bị mờ hoặc bong tróc.

Đối với những vạch sơn mặt đường hư hỏng cục bộ phải được sơn dặm trong vòng 07 ngày.

3.3

Cột Km, cọc H, trụ dẻo, cọc mốc giải phóng mặt bằng, cọc mốc lộ giới, mốc đất của đường bộ và cọc tiêu

Thực hiện theo quy định tại Mục 10.6 của TCCS 17:2016/TCĐBVN.

a) Bảo quản đầy đủ các loại cột, cọc từ khi nhận bàn giao.

b) Thường xuyên vệ sinh sạch, phát quang đảm bảo tầm nhìn; các loại cột, cọc phải được chắc chắn, không xiêu vẹo; các chữ viết trên cột Km, cọc H, mốc lộ giới, mốc đất của đường bộ không bị mờ, dễ đọc.

c) Nắn chỉnh, sửa chữa kịp thời nếu bị hư hỏng.

Sửa chữa, thay thế trong vòng 07 ngày.

3.4

Tường hộ lan, tôn sóng

Thực hiện theo quy định tại Mục 10.7 của TCCS 17:2016/TCĐBVN.

a) Bảo quản đầy đủ tường hộ lan, tôn sóng từ khi nhận bàn giao, phải chắc chắn, không bị bẩn, mờ, đủ bu lông xiết chặt.

b) Đảm bảo, dễ nhận biết, không xiêu vẹo, đúng quy định; hư hỏng, mất phải được sửa chữa kịp thời. Trường hợp hỏng do tai nạn giao thông hoặc sự cố hư hỏng lớn phải cảnh báo đảm bảo an toàn giao thông và báo cáo người quản lý, sử dụng đường bộ.

Khắc phục hư hỏng hoặc báo cáo trong vòng 03 ngày sau khi phát hiện.

3.5

Dải phân cách giữa, đảo giao thông

Thực hiện theo quy định tại Mục 10.8 của TCCS 17:2016/TCĐBVN.

Kết cấu bê tông, bó vỉa đảm bảo chắc chắn, không bị nghiêng đổ; sạch, không nứt vỡ hư hỏng. Trường hợp hỏng do tai nạn giao thông hoặc sự cố hư hỏng lớn phải cảnh báo đảm bảo an toàn giao thông và báo cáo người quản lý, sử dụng đường bộ.

Khắc phục hư hỏng hoặc báo cáo trong vòng 03 ngày khi phát hiện.

3.6

Đinh phản quang

Thực hiện theo quy định tại Mục 10.5 của TCCS 17:2016/TCĐBVN.

a) Bảo quản đầy đủ từ khi nhận bàn giao.

b) Đảm bảo chắc chắn, dễ nhận biết, không xiêu vẹo; hư hỏng, mất phải được sửa chữa kịp thời.

c) Trường hợp hỏng do tai nạn giao thông hoặc sự cố hư hỏng lớn phải cảnh báo đảm bảo an toàn giao thông và báo cáo người quản lý, sử dụng đường bộ.

Khắc phục hư hỏng hoặc báo cáo trong vòng 03 ngày khi phát hiện.

3.7

Hệ thống chống chói (dạng tấm, lưới,...)

Thực hiện theo quy định tại Mục 11.4 của TCCS 17:2016/TCĐBVN.

a) Bảo quản đầy đủ từ khi nhận bàn giao.

b) Kết cấu đảm bảo chắc chắn, không xiêu vẹo, sạch, dễ nhận biết; các hư hỏng, mất phải được sửa chữa kịp thời.

c) Trường hợp hỏng do tai nạn giao thông hoặc sự cố hư hỏng lớn phải cảnh báo đảm bảo an toàn giao thông và báo cáo người quản lý, sử dụng đường bộ

Khắc phục hư hỏng hoặc báo cáo trong vòng 03 ngày khi phát hiện.

3.8

Hệ thống chiếu sáng, đèn tín hiệu giao thông (nếu có)

Thực hiện theo quy định tại Mục 11.1, 10.2 của TCCS 17:2016/TCĐBVN.

a) Bảo quản đầy đủ từ khi nhận bàn giao, vận hành hệ thống đảm bảo thời lượng thắp sáng đúng quy định.

b) Đèn tín hiệu giao thông luôn trong tình trạng hoạt động bình thường. Cột đèn, cần đèn, tủ điện, chóa đèn phải chắc chắn không nghiêng lệch, sạch, không bị rỉ sét, nứt vỡ.

c) Thực hiện cảnh báo, đảm bảo an toàn khu vực khi xảy ra sự cố. Kịp thời xử lý khắc phục sự cố theo quy định.

d) Trường hợp hỏng do tai nạn giao thông hoặc sự cố hư hỏng lớn phải cảnh báo đảm bảo an toàn giao thông và báo cáo người quản lý, sử dụng đường bộ.

a) Bóng đèn hỏng phải sửa chữa, thay thế trong vòng 01 ngày.

b) Cột đèn, cần đèn bị hư hỏng phải được sửa chữa khắc phục, hoặc báo cáo trong vòng 02 ngày.

4. Nền đường, thoát nước và chăm sóc cây xanh

TT

Hạng mục

Nội dung yêu cầu kỹ thuật, chất lượng

Mức độ đáp ứng

Thời gian cho phép khắc phục tồn tại

4.1

Taluy đắp và taluy đào

Thực hiện theo quy định tại Mục 6.2, 6.3, 6.4 của TCCS 17:2016/TCĐBVN.

Đảm bảo hình dạng ban đầu, không bị xói lở; đảm bảo độ chặt (đối với taluy đất); cụ thể:

a) Khi có sạt lở nhỏ phải tổ chức xử lý đảm bảo an toàn giao thông.

b) Các hư hỏng lớn vượt quá tiêu chuẩn kỹ thuật và định mức bảo dưỡng thường xuyên do mưa bão, lở đất phải báo cáo kịp thời cho cơ quan được giao quản lý tài sản để được xem xét xử lý.

a) Phải hoàn tất sửa chữa trong vòng 01 ngày sau khi phát hiện hư hỏng (mùa mưa), 03 ngày (mùa khô).

b) Trường hợp sạt lở khối lượng nhỏ làm ách tắc giao thông phải khắc phục ngay để đảm bảo giao thông trong vòng 06 giờ.

c) Hư hỏng lớn phải báo cáo ngay trong vòng 01 giờ.

4.2

Phát cây, cắt cỏ, tỉa cành

Thực hiện theo quy định tại Mục 6.2.3, 6.2.4, 6.2.5 của TCCS 17:2016/TCĐBVN.

a) Không che khuất cọc tiêu, biển báo, cột Km và ảnh hưởng đến thoát nước; không ảnh hưởng tầm nhìn.

b) Đối với taluy dương trong phạm vi chiều cao ≤ 4,0 m cây cỏ không được cao quá 0,2 m.

c) Đối với taluy âm trong phạm vi 1,0 m từ vai đường trở ra và trong bụng đường cong cây cỏ không được cao quá vai đường 0,2 m.

d) Cây cỏ không được cao quá vai đường 0,2 m và chờm ra mặt đường.

a) Cây cỏ phải được cắt, phát quang trong vòng 03 ngày khi phát hiện.

b) Cây đổ ngang đường phải khắc phục đảm bảo an toàn giao thông trong vòng 30 phút và dọn xong hoàn toàn trong 03 giờ sau khi phát hiện.

4.3

Lề đường

Thực hiện theo quy định tại Mục 5.2 của TCVN 14182:2024.

a) Chênh lệch cao độ lề đường so với mép mặt đường không được vượt quá 50 mm.

b) Lề đường có gia cố lớp mặt không bị biến dạng, xói lở ổ gà, vỡ mép. Phạm vi lề đường, đất của đường bộ phải thông thoáng, không có vật liệu, chất thải chất đống.

Các hư hỏng của lề đường phải được khắc phục sau 05 ngày phát hiện.

4.4

Rãnh và các công trình thoát nước

Thực hiện theo quy định tại Mục 7.2 của TCCS 17:2016/TCĐBVN.

Phải đảm bảo thông thoáng, không được để đọng rác, bùn, đất, các vật gây cản trở dòng chảy; các bộ phận được gia cố không bị hư hỏng, mất; không xói lở xung quanh kết cấu rãnh.

a) Tắc nghẽn phải được khơi thông trong vòng 01 ngày sau khi phát hiện đối với mùa mưa, 05 ngày đối với mùa khô.

b) Hư hỏng lớn, mất phải được sửa chữa hoặc báo cáo trong vòng 05 ngày sau khi được phát hiện.

4.5

Hố thu và cống

Thực hiện theo quy định tại Mục 7.1 của TCCS 17:2016/TCĐBVN.

Phải sạch rác và bùn đất, không có vật gây cản trở dòng chảy, không bị hỏng, mất về kết cấu; xung quanh phải được lèn chặt bằng vật liệu thích hợp.

a) Tắc nghẽn phải được khơi thông trong vòng 01 ngày sau khi phát hiện (đối với mùa mưa), 05 ngày (đối với mùa khô)

b) Hư hỏng phải được sửa chữa hoặc báo cáo trong vòng 05 ngày sau khi được phát hiện.

4.6

Hệ thống cây xanh

Thực hiện theo quy định tại Mục 11.5 của TCCS 17:2016/TCĐBVN.

a) Cây xanh, thảm cỏ luôn được phát quang, xén tỉa đảm bảo tầm nhìn, mỹ quan, không che khuất tầm nhìn, cọc tiêu, biển báo, cột Km, hộ lan, tường chắn và ảnh hưởng đến việc thoát nước.

b) Đối với dải phân cách giữa, đảo giao thông không cho phép cành cây và cỏ mọc chờm ra ngoài hàng vỉa bê tông và chiều cao cây không quá 1,3 - 1,5 m kể từ cao độ mặt vỉa.

a) Cây cỏ phải được cắt tỉa, phát quang, dọn dẹp trong vòng 01 ngày kể từ khi phát hiện chờm ra mặt đường làm che khuất tầm nhìn và gây cản trở giao thông.

b) Cây đổ ngang đường phải khắc phục trong vòng 30 phút và dọn xong hoàn toàn trong 03 giờ sau khi phát hiện.

5. Cầu, hầm, cống chui, kè, tường chắn, tường chống ồn, trung tâm quản lý điều hành giao thông đường cao tốc, hệ thống giám sát điều hành giao thông trên đường cao tốc, biển báo giao thông điện tử trên đường cao tốc, hệ thống thông tin liên lạc trên đường cao tốc và các công trình khác

TT

Hạng mục

Nội dung yêu cầu kỹ thuật, chất lượng

Mức độ đáp ứng

Thời gian cho phép khắc phục tồn tại

5.1

Công trình có dầm, dàn thép và thép bê tông liên hợp

Thực hiện theo quy định tại Mục 8.2.2 của TCCS 17:2016/TCĐBVN.

a) Kết cấu sạch, không đọng nước. Các bộ phận kim loại của toàn bộ công trình phải được sơn hoặc nếu không phải được bảo vệ và không bị xói mòn, rỉ sét.

b) Khi công trình bị hư hỏng đe dọa tới tính toàn vẹn kết cấu của công trình, nhà thầu phải thông báo ngay cho cấp có thẩm quyền; đồng thời phải có biện pháp cảnh báo cho người và phương tiện lưu thông trên tuyến; cần thiết phải có biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình và an toàn giao thông.

Khắc phục hư hỏng hoặc báo cáo trong vòng 05 ngày từ khi phát hiện.

5.2

Công trình có dầm bê tông, đá xây

Thực hiện theo quy định tại Mục 8.2.1 của TCCS 17:2016/TCĐBVN.

a) Tình trạng công trình bình thường, vệ sinh sạch sẽ, không đọng nước, các hư hỏng nhỏ phải được sửa chữa hoặc theo dõi.

b) Khi công trình bị hư hỏng ảnh hưởng đến an toàn kết cấu của công trình, nhà thầu phải thông báo ngay cho cấp có thẩm quyền; đồng thời phải có biện pháp cảnh báo cho người và phương tiện lưu thông trên tuyến. Cần thiết phải có biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình và an toàn giao thông.

Khắc phục hư hỏng hoặc báo cáo trong vòng 05 ngày từ khi phát hiện.

5.3

Khe co giãn cầu, gối cầu, mố trụ cầu

Thực hiện theo quy định tại Mục 8.1.6, 8.3 của TCCS 17:2016/TCĐBVN.

a) Sạch đất cát, không bong tróc, mất bu lông và không biến dạng, hư hỏng, đảm bảo trong tình trạng tốt. Gối cầu thép phải được bôi mỡ.

b) Đối với các hư hỏng, biến dạng của gối cầu, mố trụ cầu phải được phát hiện, báo cáo và theo dõi thường xuyên.

c) Các nguyên nhân dẫn đến việc không đảm bảo yêu cầu phải được thực hiện trong thời gian 14 ngày sau khi nước rút.

Khắc phục hư hỏng hoặc báo cáo trong vòng:

a) 01 ngày từ khi phát hiện đối với khe co giãn.

b) 05 ngày từ khi phát hiện với gối, mố, trụ cầu.

5.4

Mặt cầu, đường đầu cầu

Thực hiện theo quy định tại Mục 8.1, 8.4 của TCCS 17:2016/TCĐBVN.

a) Không có ổ gà, vệ sinh sạch, thoát nước tốt. Đảm bảo êm thuận phần tiếp giáp đầu cầu.

b) Xử lý ổ gà, rạn nứt, trồi lún như quy định đối với mặt đường tương ứng tại điểm 2 Mục B Phụ lục này.

c) Có biện pháp đảm bảo an toàn giao thông theo quy định khi có hư hỏng trong thời gian chờ xử lý.

d) Các chỗ lún lõm, ổ gà phải được xử lý đảm bảo giao thông ngay sau không quá 01 ngày phát hiện.

01 ngày từ khi phát hiện.

5.5

Hầm/ Cống chui dân sinh

Thực hiện theo quy định tại Mục 9 của TCCS 17:2016/TCĐBVN.

a) Mặt đường hầm chui sạch, không bị đọng nước.

b) Các hư hỏng, khuyết tật phải được xử lý theo tiêu chuẩn kỹ thuật.

c) Mặt đường ra vào hầm êm thuận.

d) Hai đầu hầm không bị khuất tầm nhìn do cây che lấp.

đ) Hư hỏng lớn ngoài hợp đồng phải báo cáo Bên A để xem xét xử lý.

a) Công tác vệ sinh mặt đường và phát quang thực hiện trong vòng 01 ngày sau khi phát hiện bẩn, cây cối che lấp.

b) Các hư hỏng khác xử lý hoặc báo cáo trong vòng 07 ngày từ khi xuất hiện.

5.6

Kè hướng dòng, các kết cấu phòng hộ

Thực hiện theo quy định tại Mục 8.5 của TCCS 17:2016/TCĐBVN.

Tình trạng công trình bình thường; không có hư hỏng, không có cây cối ảnh hưởng đến dòng chảy và kết cấu công trình. Hư hỏng lớn ngoài hợp đồng phải báo cáo Bên A để xem xét xử lý.

07 ngày từ khi phát hiện.

5.7

Tường chắn, kè

Thực hiện theo quy định tại Mục 5.5.2 của TCVN 14182:2024.

Tình trạng tường chắn bình thường; không có hư hỏng, không có cây cối ảnh hưởng đến dòng chảy và kết cấu công trình, đảm bảo thoát nước bình thường. Hư hỏng lớn ngoài hợp đồng phải báo cáo Bên A để xem xét xử lý.

07 ngày từ khi phát hiện.

5.8

Tường chống ồn

Thực hiện theo quy định tại Mục 11.2 của TCCS 17:2016/TCĐBVN.

Tình trạng công trình hoạt động bình thường; không bị bẩn, nghiêng đổ. Hư hỏng lớn ngoài hợp đồng phải báo cáo Bên A để xem xét xử lý.

07 ngày từ khi phát hiện.

5.9

Hầm đường bộ

Thực hiện theo quy định tại Mục 5.7 của TCVN 14182:2024.

a) Đảm bảo mặt đường sạch, thoát nước và đảm bảo chiếu sáng đảm bảo an toàn giao thông.

b) Phát hiện kịp thời các hư hỏng, xử lý các hư hỏng nhỏ và theo dõi, báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.

05 ngày từ khi phát hiện.

5.10

Trung tâm quản lý điều hành giao thông trên đường cao tốc (trung tâm ITS)

Yêu cầu về kỹ thuật chất lượng trong giai đoạn khai thác đáp ứng quy định tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 10851:2015 “Trung tâm quản lý điều hành giao thông đường cao tốc”.

Hoạt động bình thường đảm bảo các nội dung theo quy định về yêu cầu kỹ thuật chất lượng.

a) Đối với các hạng mục công trình xây dựng gồm nhà, hệ thống cấp thoát nước, phòng cháy chữa cháy và các công trình xây dựng khác: thời gian thực hiện bảo dưỡng không quá 07 ngày từ khi có hư hỏng, xuống cấp thuộc phạm vi công tác bảo dưỡng.

b) Đối với thiết bị cấp điện (nguồn, dây dẫn, biến áp, lưu điện và các thiết bị điện lực khác), thiết bị quay phim, ghi hình, các thiết bị quang học, hệ thống máy tính, tin học: hư hỏng dây dẫn khắc phục không quá 12 tiếng; hư hỏng nhỏ các thiết bị còn lại, thời gian khắc phục không quá 24 tiếng.

c) Trường hợp xảy ra sự cố, hư hỏng nằm ngoài phạm vi trên, thời gian báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định xử lý không quá 02 giờ.

5.11

Hệ thống giám sát, điều hành giao thông trên đường cao tốc

Yêu cầu về kỹ thuật chất lượng đáp ứng quy định trong giai đoạn khai thác tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 10850:2015 Hệ thống giám sát, điều hành giao thông trên đường cao tốc.

Hoạt động bình thường đảm bảo các nội dung theo quy định về yêu cầu kỹ thuật chất lượng.

a) Đối với các hạng mục công trình xây dựng gồm nhà, phòng cháy chữa cháy và các công trình xây dựng khác: thời gian thực hiện bảo dưỡng không quá 07 ngày từ khi có hư hỏng, xuống cấp thuộc phạm vi công tác bảo dưỡng.

b) Đối với thiết bị cấp điện (nguồn, dây dẫn, biến áp, lưu điện và các thiết bị điện lực khác), thiết bị quay phim, ghi hình, các thiết bị quang học, hệ thống máy tính, tin học: hư hỏng dây dẫn khắc phục không quá 12 tiếng; hư hỏng nhỏ các thiết bị còn lại, thời gian khắc phục không quá 24 tiếng.

c) Trường hợp xảy ra sự cố, hư hỏng nằm ngoài phạm vi trên, thời gian báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định xử lý không quá 02 giờ.

5.12

Biển báo giao thông điện tử trên đường cao tốc

Yêu cầu về kỹ thuật chất lượng trong giai đoạn khai thác đáp ứng quy định tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 10852:2015 “Biển báo giao thông điện tử trên đường cao tốc - Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử”.

a) Hoạt động bình thường, liên tục, sạch, cung cấp các thông tin theo quy định về yêu cầu kỹ thuật chất lượng.

b) Thông tin phải được hiển thị rõ ràng, dễ quan sát, không được nhấp nháy, các chữ hiển thị phải cùng một lúc.

c) Đảm bảo độ sáng trong điều kiện ánh sáng ban ngày và ban đêm.

d) Cập nhật thông tin trong vòng 03s (giây) khi có yêu cầu thay đổi thông tin hiển thị.

a) Biển báo không hoạt động được thì thời gian thực hiện công tác bảo dưỡng khắc phục không quá 12 giờ (trừ khi mưa, bão hoặc sự cố công trình).

b) Trường hợp xảy ra sự cố, hư hỏng lớn, thời gian báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định xử lý không quá 02 giờ.

5.13

Hệ thống thông tin liên lạc trên đường cao tốc

Yêu cầu về kỹ thuật chất lượng đáp ứng quy định trong giai đoạn khai thác tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12191:2018 “Hệ thống thông tin liên lạc trên đường cao tốc”.

a) Hoạt động bình thường, đảm bảo tính kết nối được liên tục, không bị gián đoạn theo quy định về yêu cầu kỹ thuật chất lượng.

b) Hệ thống điện thoại khẩn cấp tiếp nhận các thông báo về tai nạn, sự cố phương tiện và công trình trên đường cao tốc từ các cá nhân và tổ chức, hoạt động 24/24h.

c) Biển chỉ dẫn số điện thoại khẩn cấp dọc tuyến cao tốc phải rõ ràng đầy đủ các số điện thoại khẩn cấp, không bị che khuất.

d) Thông tin phải được ghi đầy đủ trong sổ nhật ký.

a) Hệ thống không hoạt động được thì thời gian thực hiện công tác bảo dưỡng khắc phục không quá 12 giờ.

b) Trường hợp xảy ra sự cố, hư hỏng lớn, thời gian báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định xử lý không quá 02 giờ.

C. Trường hợp tuyến, đoạn tuyến đường bộ không được thiết kế theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, tuyến, đoạn tuyến có mặt đường, các hạng mục nền đường, lề, rãnh, cống và các hạng mục khác hư hỏng, xuống cấp không đủ điều kiện về kỹ thuật để áp dụng hình thức bảo dưỡng thường xuyên theo chất lượng thực hiện và các trường hợp khác không đủ điều kiện thực hiện bảo dưỡng thường xuyên theo chất lượng thực hiện thì cơ quan quản lý đường bộ, người quản lý, sử dụng đường bộ báo cáo cấp có thẩm quyền quy định tại Nghị định số 44/2024/NĐ-CP để áp dụng bảo trì theo khối lượng thực hiện đối với hoạt động bảo dưỡng thường xuyên.

II. QUY ĐỊNH VỀ GIÁM SÁT, NGHIỆM THU, PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ, KHẤU TRỪ KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG BẢO DƯỠNG THƯỜNG XUYÊN CÔNG TRÌNH THUỘC TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG BỘ THEO CHẤT LƯỢNG THỰC HIỆN

A. Quy định về giám sát

1. Cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có trách nhiệm tổ chức việc giám sát, nghiệm thu hoạt động bảo dưỡng thường xuyên công trình thuộc tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ theo chất lượng thực hiện của nhà thầu, cụ thể:

a) Trường hợp có đủ biên chế và năng lực thực hiện nhiệm vụ giám sát, cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ có thể trực tiếp thực hiện việc giám sát kết quả thực hiện hoạt động bảo dưỡng thường xuyên công trình thuộc tàì sản kết cấu hạ tầng đường bộ theo chất lượng thực hiện;

b) Trường hợp không có đủ biên chế và năng lực thực hiện nhiệm vụ giám sát hoạt động bảo dưỡng thường xuyên công trình thuộc tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ theo chất lượng thực hiện của nhà thầu, cơ quan được giao quản lý tài sản có thể giao Ban Quản lý dự án có đủ năng lực để tổ chức thực hiện hoạt động giám sát hoặc giao tư vấn giám sát thực hiện trong trường hợp được thuê tư vấn giám sát. Chi phí giám sát việc thực hiện bảo dưỡng thường xuyên do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định;

c) Tổ chức thực hiện giám sát phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và có đủ nhân sự thực hiện giám sát tại công trường phù hợp với quy mô, yêu cầu của hoạt động bảo trì thực hiện giám sát.

2. Nội dung giám sát

a) Thông báo về nhiệm vụ, quyền hạn của các cá nhân trong hệ thống quản lý chất lượng của cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ, đại diện của cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ, đại diện của cơ quan được giao nhiệm vụ giám sát (Ban Quản lý dự án bảo trì), người thực hiện nhiệm vụ giám sát cho các nhà thầu có liên quan biết để phối hợp thực hiện.

b) Kiểm tra đối chiếu nhân lực, thiết bị thi công, hệ thống quản lý chất lượng của nhà thầu bảo trì trên thực tế với các quy định trong hồ sơ mời thầu, dự thầu, hợp đồng bảo trì đã ký.

c) Giám sát chất lượng thực hiện hoạt động bảo dưỡng thường xuyên công trình thuộc tàì sản kết cấu hạ tầng đường bộ của nhà thầu theo các tiêu chí chất lượng quy định trong hợp đồng, phát hiện các tồn tại về chất lượng thực hiện; lập biên bản hoặc có văn bản thông báo với đại diện nhà thầu yêu cầu khắc phục các tồn tại theo quy định; hết thời hạn khắc phục cho phép, tổ chức kiểm tra việc khắc phục của nhà thầu.

d) Định kỳ tối thiểu 01 tuần, giám sát phải kiểm tra kết quả thực hiện của nhà thầu (bao gồm cả công tác quản lý và bảo dưỡng); kiểm tra đột xuất. Tạm dừng thi công đối với nhà thầu bảo trì khi xét thấy chất lượng thi công xây dựng không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, biện pháp thi công không đảm bảo an toàn; chủ trì, phối hợp với các bên liên quan giải quyết những vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện và phối hợp xử lý, khắc phục sự cố theo quy định.

đ) Báo cáo kịp thời cơ quan được giao quản lý tài sản các tồn tại vướng mắc ngoài thẩm quyền, kiến nghị giải pháp xử lý để đảm bảo chất lượng thực hiện.

e) Hàng tháng hoặc hàng quý trước ngày nghiệm thu kết quả thực hiện ít nhất 02 ngày, trên cơ sở kết quả nghiệm thu đánh giá nội bộ của nhà thầu, kết quả kiểm tra nội nghiệp và hiện trường; người thực hiện nhiệm vụ giám sát đánh giá kết quả thực hiện đối với từng tiêu chí chất lượng của từng hạng mục công việc trong tháng, đề xuất mức điểm đạt được đối với kết quả thực hiện của nhà thầu, các tồn tại, bất cập cần chấn chỉnh, báo cáo bằng văn bản kèm theo đề xuất nghiệm thu gửi cơ quan được giao chủ trì nghiệm thu xem xét, quyết định.

f) Phát hiện các sai sót bất cập trong quá trình triển khai thực hiện cũng như quy định hợp đồng, kiến nghị cơ quan được giao quản lý tài sản tổ chức điều chỉnh hợp đồng.

g) Thực hiện các nội dung khác theo quy định của hợp đồng bảo trì.

B. Quy định về nghiệm thu

1. Việc nghiệm thu chất lượng thực hiện hoạt động bảo dưỡng thường xuyên công trình thuộc tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ được thực hiện theo tháng hoặc theo quý; việc thanh toán thực hiện theo tháng hoặc quý và được quy định trong hợp đồng.

2. Các bên tham gia kiểm tra nghiệm thu gồm: đại diện cơ quan được giao quản lý tài sản (gọi chung là Bên A) có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với nhà thầu thực hiện hợp đồng bảo dưỡng đường bộ (Bên B) để tiến hành kiểm tra khi nghiệm thu. Bên A có thể mời thêm thành phần khác tham gia kiểm tra khi tiến hành nghiệm thu.

a) Cơ cấu tham gia nghiệm thu gồm Bên A và tư vấn giám sát (trường hợp Bên A có thuê tư vấn giám sát) chiếm không ít hơn 2/3 số thành viên tham gia nghiệm thu, còn lại là đại diện Bên B. Đối với trường hợp có tư vấn giám sát thì Bên A phải có không ít hơn 20% số người tham gia nghiệm thu và có ít nhất một người tham gia nghiệm thu.

b) Các thành viên tham gia nghiệm thu có trách nhiệm chấm điểm đánh giá kết quả thực hiện của nhà thầu trong kỳ nghiệm thu. Điểm đánh giá trong tháng là điểm trung bình cộng của các thành viên tham gia nghiệm thu.

c) Người tham gia nghiệm thu chịu trách nhiệm cá nhân về kết quả thực hiện công việc của mình.

3. Kết quả nghiệm thu được lập thành biên bản và là căn cứ để xem xét thanh toán cho nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên công trình thuộc tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ.

4. Việc đánh giá kết quả thực hiện của nhà thầu được xem xét trên cơ sở:

a) Báo cáo kết quả thực hiện của nhà thầu, bảng tự chấm điểm nội bộ của nhà thầu;

b) Báo cáo, đánh giá nhận xét, bảng dự kiến chấm điểm, ý kiến đề xuất của giám sát đối với kết quả thực hiện của nhà thầu trước thời điểm đề xuất nghiệm thu;

c) Kết quả kiểm tra nội nghiệp (hồ sơ quản lý bảo trì, hồ sơ đăng ký cầu đường, nhật ký tuần đường, các hồ sơ liên quan khác nếu cần đối chiếu), kiểm tra hiện trường.

5. Đối với các tồn tại được xác định khi kiểm tra nghiệm thu, ngoài việc bị khấu trừ kinh phí theo quy định tại mục IV của Phụ lục này, nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên có trách nhiệm tổ chức khắc phục ngay các tồn tại với thời hạn tối đa không quá 5 ngày kể từ khi có văn bản yêu cầu xử lý của cơ quan trực tiếp quản lý tài sản. Người thực hiện nhiệm vụ giám sát của cơ quan trực tiếp quản lý tài sản có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận kết quả khắc phục tồn tại của nhà thầu thực hiện công tác bảo dưỡng thường xuyên bằng biên bản; biên bản này là tài liệu để xem xét, đánh giá kết quả thực hiện kỳ tiếp cho nhà thầu.

6. Số tiền thanh toán 1 kỳ (tháng hoặc quý):

a) Đối với trường hợp không bị khấu trừ quy định tại mục IV của Phụ lục này, thì được thanh toán 100% giá trị dự toán của kỳ theo hợp đồng.

b) Việc thanh toán trong kỳ thực hiện theo quy định của hợp đồng và bị khấu trừ giá trị tương ứng theo số điểm được nghiệm thu.

c) Trường hợp thanh toán kỳ cuối năm, phần giá trị được xác định thanh toán lũy kế cả năm còn lại nếu thiếu so với nguồn kinh phí được cấp trong năm, thì được thanh toán tiếp vào đầu kỳ đầu năm tiếp theo.

7. Căn cứ đặc điểm gói thầu, công trình và quy định tại Thông tư này, cơ quan trực tiếp quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có trách nhiệm quy định việc đánh giá chất lượng, điểm, phương pháp chấm điểm, giám sát, nghiệm thu và thanh toán trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu khi tiến hành lựa chọn nhà thầu và quy định trong hợp đồng để làm cơ sở cho các bên triển khai thực hiện.

III. QUY ĐỊNH VỀ PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ THEO CHẤT LƯỢNG THỰC HIỆN

1. Việc đánh giá kết quả việc thực hiện bảo dưỡng thường xuyên công trình thuộc tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo chất lượng thực hiện được thực hiện theo phương pháp chấm điểm. Khung điểm để lựa chọn đánh giá là 100 điểm (trường hợp có nhiều công việc đánh giá có thể lựa chọn khung điểm để đánh giá là 1.000 điểm) cho tất cả công việc bảo dưỡng thường xuyên tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong một hợp đồng, một gói thầu.

2. Nguyên tắc phân bổ điểm của mỗi công việc bảo dưỡng thường xuyên trong khung điểm thực hiện theo một trong các phương pháp sau:

a) Phương pháp xác định điểm theo giá trị dự toán chi phí bảo dưỡng thường xuyên được duyệt để xác định điểm cho từng công việc đối với gói thầu áp dụng hình thức bảo trì theo chất lượng thực hiện:

Theo phương pháp này, điểm của mỗi công việc bằng 100 điểm (nếu áp dụng khung điểm 1.000 thì thay 100 điểm bằng 1.000 điểm) nhân với tỷ số giữa giá trị công việc chia cho giá trị dự toán của gói thầu, cụ thể được xác định như sau:

Ni = 100 x (Di / TD)

Trong đó:

- Ni là điểm số công việc thứ i (i = 1- n, n là tổng số công việc thuộc gói thầu);

- Di là dự toán công việc thứ i;

- TD là tổng dự toán gói thầu được duyệt của các hạng mục, công việc trong gói thầu áp dụng bảo trì theo chất lượng.

Phương pháp này được áp dụng trong trường hợp các hạng mục công việc thuộc gói thầu (hợp đồng) không cần ưu tiên: như các gói thầu bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường cấp thấp (đường cấp V, cấp VI theo TCVN 4054:2005 hoặc cấp thấp hơn), đường do địa phương quản lý hoặc đường khác mà số điểm của các công việc phù hợp với tính chất của công việc.

Ví dụ 1: xác định điểm các công việc bảo dưỡng thường xuyên của gói thầu bảo dưỡng đường bộ cấp VI có giá trị dự toán duyệt là 500 triệu đồng, trong đó có 4 công việc sau: công việc vá ổ gà giá trị trong dự toán là 200 triệu đồng; công việc bảo dưỡng mặt cầu khe co giãn là 100 triệu đồng; công tác nạo vét cống rãnh thoát nước có giá trị bằng 100 triệu đồng; công tác cắt cỏ giá trị dự toán là 100 triệu đồng. Xác định điểm của từng công việc bảo dưỡng thường xuyên trên trong trường hợp không đặt ra ưu tiên đối với các công việc.

Dự toán gói thầu (TD) = (200 + 100 + 100 + 100) tr = 500 triệu.

Căn cứ phương pháp xác định điểm tại điểm a, khoản 2, Mục III Phụ lục này xác định điểm của từng hạng mục như sau:

Điểm của hạng mục vá ổ gà = 100 điểm x (200 tr/500 tr) = 40 điểm.

Điểm của hạng mục bảo dưỡng mặt cầu khe co giãn = 100 điểm x (100 tr/500 tr) = 20 điểm.

Điểm của hạng mục nạo vét công rãnh = 100 điểm x (100 tr/500 tr) = 20 điểm.

Điểm của hạng mục cắt cỏ = 100 điểm x (100 tr/500 tr) = 20 điểm.

(Tổng điểm 4 hạng mục thuộc gói thầu = 40 + 20 + 20 +20 = 100 điểm).

b) Phương pháp xác định điểm có ưu tiên:

Phương pháp này được áp dụng trong trường hợp cần ưu tiên điểm cho một số công việc quan trọng so với các công việc khác thuộc gói thầu, thì căn cứ tính chất quan trọng của các công việc bảo trì để xác định mức điểm cho từng công việc. Các công việc quan trọng được ưu tiên có số điểm cao. Trường hợp này được áp dụng đối với các công trình đường bộ ngoài phạm vi quy định tại điểm a khoản này. Trong trường hợp này căn cứ tất cả các công việc bảo dưỡng thường xuyên và hệ số phản ánh mức độ ưu tiên của hạng mục để xác định như sau:

Bước 1. Xác định các công việc ưu tiên, mức ưu tiên và công việc không ưu tiên

- Các công việc ưu tiên thứ nhất gồm bảo dưỡng vá ổ gà, trám vá vết nứt, xử lý lún lõm mặt đường, hệ thống quản lý giám sát, điều hành đường cao tốc, bảo dưỡng sửa chữa mặt cầu, khe co giãn, vệ sinh hầm, thiết bị trong hầm, gọi là Ai và được ưu tiên thực hiện có hệ số Kai từ 1,5 đến 2. Giá trị dự toán hạng mục này là Dai.

- Các công việc cần ưu tiên thứ hai gồm nạo vét, khơi thông cống, rãnh thoát nước, bảo dưỡng hệ thống an toàn giao thông, sửa chữa lề đường, nền đường, phát hiện xử lý vi phạm hành lang, đấu nối trái phép gọi là Bi có hệ số Kbi từ 1,25 đến 1,5. Giá trị dự toán hạng mục này là Dbi.

- Tuần đường, cắt cỏ và các công việc còn lại gọi là Ci có hệ số Kci = 1. Giá trị dự toán hạng mục này là DCi.

Hệ số Kai, Kbi, Kci do người có thẩm quyền duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ đặt hàng quyết định trên cơ sở tính chất quan trọng của gói thầu và các công việc thuộc gói thầu.

Bước 2. Xác định điểm của công việc ưu tiên, mức ưu tiên và công việc không ưu tiên

- Điểm của công việc Ai = 100 điểm x (Kai x DAi / TL)

- Điểm của công việc Bi = 100 điểm x (Kbi x DBi / TL)

- Điểm của công việc Ci = 100 điểm x (DCi / TL)

Trong đó, TL xác định như sau:

TL = (Kai x ∑ DAi + Kbi x ∑ DBi + Kci x ∑ DCi ).

Ví dụ 2: xác định điểm các công việc trong gói thầu bảo dưỡng thường xuyên của tuyến đường cấp II theo TCVN 4054 :2005. Giá trị dự toán duyệt là 500 triệu đồng, trong đó có 4 công việc sau: công việc vá ổ gà giá trị trong dự toán là 200 triệu đồng; công việc bảo dưỡng mặt cầu khe co giãn là 100 triệu đồng; công tác nạo vét cống rãnh thoát nước có giá trị bằng 100 triệu đồng; công tác cắt cỏ giá trị dự toán là 100 triệu đồng.

Xác định điểm của từng công việc bảo dưỡng thường xuyên, khi công việc vá ổ gà được ưu tiên hệ số Kai = 2; công việc bảo dưỡng mặt cầu khe co giãn có Kai = 2; công tác nạo vét cống rãnh thoát nước có Kbi = 1,5; công tác cắt cỏ hệ số Kci = 1.

Căn cứ phương pháp xác định điểm tại điểm b, khoản 2, Mục III của Phụ lục này việc xác định điểm của từng hạng mục như sau:

TL = (2 x ∑ DAi + 1,5 x ∑ DBi + ∑ DCi). Thay giá dự toán các công việc vào công thức, có:

TL = 2 x 200 + 2 x 100 + 1,5 x 100 + 1 x 100 = 850.

Xác định điểm của từng hạng mục theo phương pháp tại điểm b khoản 2 Mục III Phụ lục này:

Điểm hạng mục vá ổ gà = 100 điểm x (2 x 200/850) = 47 điểm.

Điểm hạng mục bảo dưỡng mặt cầu khe co giãn = 100 điểm x (2 x 100/850) = 23,5 điểm.

Điểm hạng mục nạo vét cống rãnh = 100 điểm x (1,5 x 100/850) = 17,65 điểm.

Điểm hạng mục cắt cỏ = 100 điểm x (1 x 100/850) = 11,85 điểm.

(Tổng điểm 4 hạng mục của gói thầu = 47 + 23,5 + 17,65 + 11,85 = 100 điểm).

c) Trường hợp gói thầu kết hợp hình thức bảo trì theo chất lượng thực hiện và bảo trì theo khối lượng thực tế thì chỉ xác định điểm để đánh giá và phần giá trị gói thầu của các công việc áp dụng hình thức bảo trì theo chất lượng thực hiện theo 2 phương pháp nêu trên.

Ví dụ 3: gói thầu bảo dưỡng thường xuyên 50 km đường cấp V, mặt đường láng nhựa đã khai thác 11 năm quá thời hạn khai thác theo quy định của tiêu chuẩn thiết kế. Dự toán chi phí quản lý bảo dưỡng thường xuyên cả gói thầu là 4 tỷ đồng, trong đó: giá trị phần dự toán công tác bảo dưỡng thường xuyên mặt đường là 1,5 tỷ đồng; dự toán bảo dưỡng thường xuyên các nhóm công việc như sau: nhóm bảo dưỡng thường xuyên cầu là 500 triệu, dự toán các công việc bảo dưỡng lề 250 triệu đồng; bảo dưỡng rãnh, cống thoát nước 500 triệu, bảo dưỡng nền đường 250 triệu; bảo dưỡng thường xuyên hệ thống an toàn giao thông 500 triệu; công tác quản lý và tuần đường 250 triệu; cắt cỏ, phát quang 250 triệu.

Gói thầu này được cơ quan có thẩm quyền quyết định áp dụng hình thức bảo trì theo khối lượng đối với công tác bảo dưỡng thường xuyên mặt đường do quá thời hạn khai thác nhưng chưa được sửa chữa định kỳ hoặc cải tạo nâng cấp mặt đường; các hạng mục còn lại áp dụng bảo dưỡng thường xuyên theo chất lượng. Xác định điểm của nhóm công việc áp dụng hình thức bảo trì theo chất lượng.

Bước 1: xác định tổng giá trị dự toán các hạng mục bảo trì theo chất lượng là: 4 tỷ - 1,5 tỷ = 2,5 tỷ.

Bước 2: xác định tỷ số giá trị dự toán từng nhóm công việc so với tổng giá trị dự toán tất cả các công việc bảo trì theo chất lượng thực hiện và điểm của từng hạng mục.

- Tỷ số dự toán hạng mục/tổng dự toán các hạng mục = Di/(TD) = Dự toán hạng mục/2,5 tỷ.

- Tuyến đường cấp V nên không có hạng mục công việc cần ưu tiên, do đó điểm các hạng mục được tính như sau:

Điểm của hạng mục Ni = 100 x Di/TD = 100 x Di/2,5 tỷ

TT

Nhóm các hạng mục công việc

Dự toán nhóm việc (tỷ đồng)

Giá trị dự toán/Giá trị dự toán

Điểm của các nhóm

1

Bảo dưỡng cầu

0,50

0,2

20

2

Bảo dưỡng lề

0,25

0,1

10

3

Bảo dưỡng rãnh, cống thoát nước

0,50

0,2

20

4

Bảo dưỡng nền đường

0,25

0,1

10

5

Bảo dưỡng hệ thống an toàn giao thông

0,50

0,2

20

6

Các việc quản lý và tuần đường

0,25

0,1

10

7

Nhóm việc cắt cỏ, phát quang.

0,25

0,1

10

Trong trường hợp yêu cầu tính từng công việc cụ thể trong một nhóm công tác bảo dưỡng cũng áp dụng cách xác định như trên để xác định.

d) Trường hợp một số tiêu chí cần thực hiện thuộc công tác quản lý nhưng không được bố trí kinh phí để thực hiện riêng hạng mục đó (như tiêu chí A là “Lập, quản lý hồ sơ và cập nhật hồ sơ tài liệu trong thời gian thực hiện bảo dưỡng công trình”, tiêu chí B là “Đảm bảo trật tự an toàn giao thông”); trường hợp này điểm của tiêu chí được xác định bằng điểm của tiêu chí tương tự (tiêu chí A bằng điểm của tiêu chí “Kiểm tra, cập nhật số liệu cầu đường”, tiêu chí B bằng điểm của tiêu chí “Quản lý hành lang an toàn đường bộ và đấu nối” hoặc tiêu chí “Trực bão lụt”).

Ví dụ 4: điểm của tiêu chí A xác định bằng điểm của tiêu chí “Kiểm tra, cập nhật số liệu cầu đường; trong trường hợp này, khi xác định điểm của tất cả các tiêu chí thì số điểm của tiêu chí “Kiểm tra, cập nhật số liệu cầu đường” được nhân 2; sau đó chia 2 để xác định điểm cụ thể của 2 tiêu chí này. Tương tự để xác điểm của tiêu chí B “Đảm bảo trật tự an toàn giao thông” có thể xác định bằng điểm của tiêu chí “Quản lý hành lang an toàn đường bộ và đấu nối” hoặc tiêu chí “Trực bão lụt” theo phương pháp này.

đ) Trường hợp hạng mục công việc có bố trí kinh phí nhưng không có tiêu chí riêng như công tác đăng ký đường, công tác này nằm trong tiêu chí “Lập, quản lý hồ sơ và cập nhật hồ sơ tài liệu trong thời gian thực hiện bảo dưỡng công trình”, thì kinh phí để thực hiện công tác này được dùng để xác định điểm của tiêu chí “Lập, quản lý hồ sơ và cập nhật hồ sơ tài liệu trong thời gian thực hiện bảo dưỡng công trình”.

3. Hướng dẫn chấm điểm theo kết quả thực hiện

3.1. Cơ quan được giao quản lý tài sản đường bộ có trách nhiệm quy định cụ thể việc chấm điểm trong các hồ sơ để lựa chọn nhà thầu, đặt hàng và trong hợp đồng. Việc xây dựng cách chấm điểm phải căn cứ vào tính chất và các yêu cầu đối với công việc thuộc gói thầu, yêu cầu của từng tiêu chí trong Mục I của Phụ lục này.

3.2. Hướng dẫn xây dựng cách chấm điểm: được thực hiện trên cơ sở đánh giá đối với từng tiêu chí chất lượng cụ thể theo nguyên tắc sau:

a) Đối với công tác quản lý, việc đánh giá điểm của từng tiêu chí được xác định theo các mức độ sau:

- Nhà thầu không thực hiện: không cung cấp các tài liệu chứng minh kết quả thực hiện tiêu chí, số điểm chấm là 0 điểm;

- Nhà thầu có thực hiện nhưng để xảy ra từ 03 lỗi trở lên trong các lỗi thì được không quá 25% điểm của tiêu chí. Các lỗi được xác định dựa trên các lỗi của nhà thầu không đáp ứng mức độ yêu cầu, thời gian khắc phục cho phép trong tiêu chí chất lượng của hạng mục công việc, ví dụ: không có hồ sơ quản lý; không kiểm tra; không phát hiện kịp thời các phát sinh, biến động tài sản và tình hình hư hỏng, xuống cấp; không cập nhật diễn biến phát sinh tình trạng công trình; không báo cáo theo quy định; không xử lý tồn tại;

- Nhà thầu có thực hiện nhưng để xảy ra 02 lỗi trong các lỗi trên thì số điểm chấm không quá 50% số điểm tối đa của tiêu chí;

- Nhà thầu có thực hiện nhưng để xảy ra 01 lỗi trong các lỗi trên thì số điểm chấm là 75% số điểm tối đa của tiêu chí;

- Nhà thầu thực hiện đầy đủ các yêu cầu chất lượng: số điểm chấm là 100% số điểm tối đa của tiêu chí.

b) Đối với công tác bảo dưỡng, việc đánh giá điểm của tiêu chí được xác định theo các mức độ sau:

- Nhà thầu không thực hiện: số điểm chấm là 0 điểm;

- Nhà thầu có thực hiện nhưng để xảy ra từ 03 lỗi trở lên trong các lỗi ở phần sau thì đánh giá tối đa 25% số điểm của tiêu chí. Các lỗi được xác định dựa trên các lỗi của nhà thầu không đáp ứng mức độ yêu cầu, thời gian khắc phục cho phép trong tiêu chí chất lượng của từng hạng mục công việc, ví dụ xác định điểm công tác bảo dưỡng thứ i trong kỳ nghiệm thu xác định trên các lỗi:

+ Bảo dưỡng không đầy đủ, vẫn còn tồn tại không đáp ứng mức độ yêu cầu của tiêu chí chưa được xử lý;

+ Bảo dưỡng một số vị trí, bộ phận chưa đúng yêu cầu kỹ thuật chất lượng;

+ Bảo dưỡng không đáp ứng thời gian khắc phục cho phép (trừ trường hợp bất khả kháng như hỏa hoạn, thiên tai, bão, động động và bất khả kháng khác mà bảo dưỡng không kịp thời);

+ Không báo cáo, ghi chép và thực hiện các nội dung có liên quan đến bảo dưỡng theo quy định;

+ Không thực hiện hoặc thực hiện nhưng còn nhiều tồn tại đối các quy định khác liên quan đến công tác bảo dưỡng đang xem xét;

+ Không thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và các quy định khác khi thực hiện hoạt động bảo dưỡng trong hợp đồng.

- Có thực hiện nhưng để xảy ra 02 lỗi trong các lỗi trên: số điểm chấm là 50% số điểm tối đa của tiêu chí;

- Có thực hiện nhưng để xảy ra 01 lỗi trong các lỗi trên: số điểm chấm là 75% số điểm tối đa của tiêu chí;

- Đáp ứng yêu cầu: thực hiện đầy đủ các yêu cầu chất lượng, số điểm chấm là 100% số điểm tối đa của tiêu chí.

c) Việc xác định lỗi của tiêu chí có thể được xác định trên toàn bộ gói thầu hoặc trên một đoạn tuyến tùy theo tính chất công việc nhưng chiều dài xem xét không nhỏ hơn 10 km. Ví dụ đối với công tác quản lý được xem xét trên toàn bộ gói thầu, đối với công tác bảo dưỡng như bảo dưỡng mặt đường có thể được phân loại theo kết cấu mặt đường, tình trạng khai thác, điều kiện tự nhiên - xã hội của từng đoạn tuyến để phân đoạn đánh giá điểm, nhưng chiều dài của đoạn tuyến để xác định lỗi không nhỏ hơn 10 km.

4. Đối với công trình kết cấu hạ tầng đường bộ có quy trình quản lý, vận hành khai thác và bảo trì riêng (hầm hoặc cầu lớn) cơ quan quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ có trách nhiệm xây dựng các tiêu chí yêu cầu về chất lượng đối với các hạng mục có trong quy trình riêng của công trình đó.

Trường hợp trong quy trình riêng của công trình có yêu cầu cao hơn (về kỹ thuật, chất lượng, về tính kịp thời và các yêu cầu khác) so với quy định tại Mục I của Phụ lục này thì không được đưa ra yêu cầu thấp hơn quy trình trong hồ sơ lựa chọn nhà thầu, hợp đồng và quá trình thực hiện.

5. Đối với công trình thuộc tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ thuộc hệ thống đường do chính quyền địa phương quản lý nhưng chưa được đầu tư xây dựng theo cấp quy định trong hệ thống tiêu chuẩn thiết kế, công trình đường bộ đã hư hỏng xuống cấp nhưng chưa được sửa chữa khôi phục lại theo thiết kế, cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ quyết định áp dụng một phần hoặc toàn bộ các quy định Mục I của Phụ lục này khi xây dựng tiêu chí giám sát, nghiệm thu kết quả bảo trì công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ theo chất lượng thực hiện.

IV. QUY ĐỊNH VỀ KHẤU TRỪ KINH PHÍ THEO CHẤT LƯỢNG THỰC HIỆN BẢO DƯỠNG THƯỜNG XUYÊN CÔNG TRÌNH THUỘC TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG BỘ

1. Tổng điểm các tiêu chí nghiệm thu của kỳ nghiệm thu theo tháng đạt từ 50 điểm trên toàn bộ 100 điểm là đạt mức trung bình trở lên thì được thanh toán trên cơ sở số điểm đạt được so với tổng số điểm. Trường hợp tổng điểm trong kỳ nghiệm thu đạt dưới 50 điểm thì không được thanh toán.

Trường hợp áp dụng khung điểm 1000 thì số điểm để được thanh toán phải đạt trên 500 điểm.

2. Tỷ lệ tiền được thanh toán của tháng (viết tắt là TTL) được xác định bằng tổng số điểm đạt được chia cho số điểm của khung 100 hoặc 1000.

Trường hợp nghiệm thu theo từng tháng thứ 1, 2 và 3 trong một quý và thanh toán theo quý thì TTL của quý bằng trung bình cộng của TTL từng tháng.

TTL quý = (TTL1 + TTL2 + TTL3)/3.

3. Trường hợp trong tháng nhà thầu kết quả đánh giá không dưới 50% khung điểm thì tỷ lệ giá trị thanh toán cho nhà thầu là TTL = % số điểm đạt được. Tỷ lệ giảm trừ bằng (1- TTL) x 100%./.

Mẫu số 02. Ghi chép kết quả bảo dưỡng thường xuyên theo chất lượng thực hiện

KẾT QUẢ BẢO DƯỠNG THƯỜNG XUYÊN

TUYẾN ĐƯỜNG …. TỪ KM …. ĐẾN KM

TÊN NHÀ THẦU: …

TÊN CƠ QUAN LÀ NGƯỜI QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐƯỜNG BỘ: …..

TÊN TỔ CHỨC, CÁ NHÂN GIÁM SÁT (NẾU CÓ) …..

1. Thời gian thực hiện … (ghi ngày thực hiện, ví dụ ngày 15/11/2024. Trường hợp một việc thực hiện liên tục nhiều ngày thì ghi ngày bắt đầu, ngày kết thúc)

Các công việc thực hiện trong thời gian trên ghi vào bảng theo ví dụ sau:

Số thứ tự

Công việc thực hiện

Ghi lý trình, vị trí công việc được thực hiện

Tóm tắt giải pháp thực hiện

Kết quả chủ yếu

1

2

Ví dụ:

X. Thời gian thực hiện: 15/03/2025.

Các công việc thực hiện trong thời gian trên ghi vào bảng theo ví dụ sau:

Số thứ tự

Công việc thực hiện

Ghi lý trình, vị trí công việc được thực hiện

Tóm tắt biện pháp

Kết quả chủ yếu

1

Quét đường

Đoạn Km 10 - Km 20

Sử dụng máy quét

Mặt đường được vệ sinh sạch (không có rác, cành cây và các chướng ngại vật khác); không tồn tại đất, đá, cát, rác thải trên mặt đường, lề đường, đáp ứng các yêu cầu chất lượng

2

Vá ổ gà

Làn trái tuyến, Km 15+ 100

Dùng nhân công và đầm cóc

Các miếng vá cùng cao độ, hình dạng và vật liệu vá phù hợp mặt đường hiện hữu và tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật; bảo đảm mặt đường không còn hư hỏng dạng ổ gà

3

Bôi mỡ gối cầu thép

Gối trên đỉnh trụ T1 cầu XX

Thủ công kết hợp xe nâng hoặc thang

6 gối

PHỤ LỤC V

THỜI HẠN SỬA CHỮA ĐỊNH KỲ KẾT CẤU ÁO ĐƯỜNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 41/2024/TT-BGTVT ngày 15 tháng 11 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ)

1. Thời hạn sửa chữa định kỳ kết cấu áo đường được xác định theo quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế (có xem xét đến sự suy giảm cường độ theo thời gian, do vật liệu bị mỏi dưới tác động của tải trọng trùng phục); hoặc theo quy trình bảo trì; hoặc được xác định trên cơ sở kết quả kiểm tra, đánh giá tình hạng hư hỏng, xuống cấp mặt đường; hoặc sử dụng kết quả khảo sát kết hợp dữ liệu tính toán để xác định thời hạn cần sửa chữa định kỳ. Khi thực hiện sửa chữa định kỳ phải khảo sát, lập dự án hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật sửa chữa công trình, lập thiết kế, dự toán và thẩm định, phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về giá và pháp luật có liên quan.

2. Trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư: trường hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế công trình chưa quy định thời hạn sửa chữa định kỳ, thì có thể sử dụng số liệu trong bảng dưới đây để tính toán so sánh về kinh tế - kỹ thuật khi lập dự án, xác định thời hạn sửa chữa định kỳ và kinh phí bảo trì trong phương án tài chính của dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ và quản lý khai thác theo hình thức đối tác công tư:

Loại tầng mặt áo đường (trên nền, móng đường; trên mặt cầu, đỉnh cống và trong hầm)

Thời hạn tính theo năm

Sửa chữa toàn bộ kết cấu móng, mặt đường

Sửa chữa các lớp áo đường

Bê tông nhựa

15

5

Đá dăm trộn nhựa

12

4

Thấm nhập nhựa và láng nhựa

10

4

Đá dăm

5

3

Cấp phối

5

3

Bê tông xi măng

25

8

Không áp dụng quy định về thời hạn sử dụng tại bảng này đối với trường hợp hạng mục mặt đường, lề đường có gia cố đã xuống cấp, hư hỏng nhưng mới chỉ sửa chữa cục bộ để đảm bảo an toàn giao thông; trong trường hợp này, chủ sở hữu, người quản lý sử dụng công trình phải xem xét điều kiện an toàn, nếu cần phải điều chỉnh tốc độ, tải trọng phương tiện giao thông, để bảo đảm an toàn cho giao thông trong thời gian chờ bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện sửa chữa, thay thế toàn bộ bề mặt công trình.

3. Trong quá trình khai thác

a) Thời hạn sửa chữa định kỳ được nêu trong bảng của mục 2 Phụ lục này sẽ được xem xét thay đổi khi tải trọng, lưu lượng khai thác khác với thiết kế hoặc công trình chịu tác động của các nguyên nhân bất khả kháng và các nguyên nhân khách quan khác.

b) Trường hợp công trình hư hỏng xuống cấp không bảo đảm an toàn cho khai thác sử dụng trước khi đến thời hạn sửa chữa định kỳ, các chủ thể liên quan quá trình vận hành khai thác bảo trì công trình đường bộ phải tổ chức kiểm tra, đánh giá và kiểm định (nếu cần) để xác định nguyên nhân và đề xuất biện pháp khắc phục.

c) Khi thực hiện bảo trì công trình đường bộ đầu tư xây dựng và quản lý khai thác theo phương thức đối tác công tư, nhà đầu tư hoặc doanh nghiệp dự án phải lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ theo quy định tại Điều 9 Thông tư này; lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán chi phí sửa chữa định kỳ, dự toán bảo dưỡng thường xuyên bảo đảm không vượt giá trị quy định trong hợp đồng và phải tổ chức quản lý chi phí đúng quy định của nhà nước.

PHỤ LỤC VI

CÔNG TRÌNH ĐƯỜNG BỘ PHẢI QUAN TRẮC TRONG QUÁ TRÌNH KHAI THÁC, SỬ DỤNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 41/2024/TT-BGTVT ngày 15 tháng 11 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ)

TT

Loại công trình

Cấp công trình(1)

1

Công trình khi xảy ra sự cố có thể dẫn tới thảm họa

2

Công trình đường bộ ngoài đô thị

Cầu đường bộ

Cấp đặc biệt, cấp I

Cầu đường bộ có kết cấu nhịp dây văng, dây võng

Cấp đặc biệt, cấp I và cấp II

Hầm đường bộ

Cấp đặc biệt, cấp I

Hầm đường bộ vượt biển, sông

Cấp đặc biệt, cấp I và cấp II

3

Công trình có dấu hiệu lún, nghiêng, nứt và các dấu hiệu bất thường khác có khả năng gây sập đổ, mất an toàn trong quá trình khai thác sử dụng

4

Theo yêu cầu của Chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình

Hướng dẫn: cấp công trình xác định theo quy định của Bộ Xây dựng.

PHỤ LỤC VII

DANH MỤC CÔNG TRÌNH PHẢI ĐƯỢC CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN XEM XÉT VÀ THÔNG BÁO Ý KIẾN VỀ KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ AN TOÀN CÔNG TRÌNH
(Ban hành kèm theo Thông tư số 41/2024/TT-BGTVT ngày 15 tháng 11 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ)

STT

Công trình

Cấp công trình

1.

Đường ô tô cao tốc

Các cấp

2.

Đường ô tô

Cấp I trở lên

3.

Cầu đường bộ, cầu phao đường bộ và nút giao thông khác mức

Cấp II trở lên

4.

Hầm đường bộ

Cấp II trở lên

Hướng dẫn: cấp công trình tại bảng trong Phụ lục này xác định theo quy định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

PHỤ LỤC VIII

CÁC BIỂU MẪU PHỤC VỤ CÔNG TÁC TUẦN ĐƯỜNG, TUẨN KIỂM
(Ban hành kèm theo Thông tư số 41/2024/TT-BGTVT ngày 15 tháng 11 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ)

I. NHẬT KÝ TUẦN ĐƯỜNG

1. Mẫu bìa nhật ký

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

NHẬT KÝ TUẦN ĐƯỜNG

Quyển số: ...............

Nhà thầu quản lý bảo dưỡng công trình đường bộ ................................................

Từ Km …....................... đến Km .......................... QL.............

Nhân viên thực hiện tuần đường: .............................................................

Bắt đầu ngày: ......................./.................../................................

Hết quyển ngày: ..................../..................../..............................

..........., năm 20 .......

2. Hướng dẫn ghi nhật ký tuần đường

Phần I. Mục đích, yêu cầu

1. Tuần đường kết cấu hạ tầng đường bộ nhằm mục đích phát hiện kịp thời những hư hỏng, vi phạm hoặc sự cố xảy ra để nhanh chóng khắc phục, tránh những hậu quả xấu làm thiệt hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân và xã hội. Nhật ký tuần đường là tài liệu quan trọng trong công tác quản lý phải được ghi chép đầy đủ và lưu trữ tại đơn vị quản lý bảo dưỡng thường xuyên công trình kết cấu hạ tầng đường bộ.

2. Người làm nhiệm vụ tuần đường phải ghi chép trong khi làm nhiệm vụ nhằm phản ánh đầy đủ mọi tình trạng, sự cố xảy ra đối với đoạn đường, cây cầu và công trình, hành lang an toàn đường bộ có trên tuyến được giao nhiệm vụ.

3. Lãnh đạo đơn vị quản lý, bảo dưỡng thường xuyên công trình đường bộ đọc nội dung ghi chép trong sổ vào cuối ngày và ghi ý kiến xử lý, đồng thời ký tên dưới ý kiến xử lý.

4. Nhật ký tuần đường phải được xuất trình để hội đồng nghiệm thu xem xét đánh giá khi nghiệm thu công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên.

5. Nội dung ghi chép trong nhật ký là căn cứ để đánh giá chất lượng công tác tuần đường.

Đối với đơn vị quản lý, bảo dưỡng thường xuyên công trình kết cấu hạ tầng đường bộ, nhật ký tuần đường đánh giá một phần chất lượng và trình độ, phương thức quản lý của đơn vị quản lý, bảo dưỡng công trình kết cấu hạ tầng đường bộ. Đơn vị quản lý, bảo dưỡng thường xuyên công trình kết cấu hạ tầng đường bộ có trách nhiệm tổ chức lưu trữ tài liệu nhật ký kết quả tuần đường theo phạm vi quản lý.

6. Hàng tháng, báo cáo người quản lý, sử dụng công trình đường bộ các nội dung sau:

a) Việc thực hiện công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên trong tháng; công tác sửa chữa khắc phục các hư hỏng;

b) Tình trạng kỹ thuật của các hạng mục công trình, các hiện tượng hư hỏng, xuống cấp của các hạng mục: mặt đường, nền và lề đường; hệ thống an toàn giao thông; hệ thống chiếu sáng; hệ thống thoát nước: cống, mương, rãnh thoát nước, ngầm, tràn; công trình bảo vệ nền đường, chỉnh trị dòng chảy; mố, trụ, kết cấu nhịp, gối, khe co giãn và các bộ phận của cầu; vỏ, thân, cửa hầm, bộ phận thu thoát nước và các bộ phận khác của hầm; các thiết bị lắp đặt vào công trình, các công trình bến phà và các hạng mục công trình khác thuộc phạm vi quản lý;

c) Các vụ tai nạn giao thông, nguyên nhân gây tai nạn giao thông, hậu quả do tai nạn giao thông gây ra đối với người, phương tiện tham gia giao thông; các hạng mục công trình bị hư hỏng, giá trị hư hỏng do tai nạn giao thông; các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông trên tuyến phát sinh nhưng chưa được xử lý;

d) Các vụ vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phát sinh trong tháng, các vụ đã xử lý, chưa xử lý.

Phần II. Nội dung kiểm tra, ghi chép

1. Nội dung ghi trong nhật ký gồm:

a) Người thực hiện tuần đường, thời gian tuần đường;

b) Diễn biến chính thời tiết trong ngày, mực nước trên các vị trí có cột thủy trí như tại ngầm tràn, bến phà, trên các bộ phận mố, trụ cầu trong mùa lũ, tình hình lũ, lụt (nếu có);

c) Đối với công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ: ghi cụ thể các vụ vi phạm mới phát sinh (đã lập biên bản xác nhận, chưa lập biên bản kèm theo lý do như chủ hộ đi vắng, không chịu ký hoặc nguyên nhân khác); tình hình và kết quả từng vụ vi phạm đã được xử lý (tổ chức, cá nhân tự khắc phục, đã lập biên bản xử lý, chính quyền cưỡng chế, giải tỏa và các biện pháp xử lý khác), các vụ đang xử lý và chưa xử lý, các thông tin cụ thể khác.

Đối với trường hợp các vụ vi phạm chưa xử lý đã ghi trong lần trước không có thay đổi về tình hình giải quyết thì không cần ghi lại trong nhật ký, trừ khi đã được xử lý, giải quyết.

Các trường hợp vi phạm đấu nối trái phép vào đường bộ, san lấp trong phạm vi đất của đường bộ, đất thuộc phạm vi hành lang an toàn đường bộ, đào khoan, xẻ đường trái phép, tháo dỡ, phá cống, rãnh và công trình kiên cố cần được ghi cụ thể vị trí, lý trình có vi phạm, mức độ vi phạm và các thông tin chi tiết;

d) Đối với tình trạng kỹ thuật công trình, nhật ký cần ghi các bộ phận của cầu như dầm, dàn, khung, mố, trụ, gối, khe co giãn, lan can tay vịn, mặt cầu, ống thoát nước, dây văng, dây cáp treo, hố neo và các bộ phận khác của cầu: ghi rõ tình trạng bị hư hỏng, có dấu hiệu phát sinh hư hỏng hoặc đã hư hỏng có phát triển (như vết nứt mở rộng, kéo dài; dầm dàn hoặc kết cấu nhịp tuy chưa gãy đổ nhưng có dấu hiệu bị võng) và các trường hợp hư hỏng khác.

Đối với phần đường, nhật ký ghi các đoạn đường hư hỏng, mức độ hư hỏng kết cấu mặt đường (hư hỏng dưới dạng rạn, nứt, ổ gà, hằn lún, hư hỏng sình lún móng mặt đường và các dạng hư hỏng khác trên mặt đường theo quy định của các tiêu chuẩn kỹ thuật); hư hỏng nền đường với các dạng sạt lở đất, đá ta luy dương, sụt trượt ta luy âm, lún, nứt nền đường, xuất hiện cung trượt và các hiện tượng hư hỏng khác; các loại hư hỏng lề đường như bề mặt nứt, vỡ, xói lở, lún, trồi và các loại hư hỏng khác.

Đối với hệ thống, cống, rãnh thoát nước, nhật ký tuần đường ghi lại tình trạng thoát nước bình thường hoặc bị tắc (nếu có); các bộ phận hư hỏng, tình trạng hư hỏng (nếu có).

Đối với ngầm, tràn trong thời gian lũ, ngập lụt phải ghi rõ số giờ, các ngày bị ngập, chiều sâu ngập (trên cột thủy trí), vận tốc dòng nước (ước tính khi không có thiết bị đo), nguyên nhân ngập (do ảnh hưởng của cơn bão, do mưa lớn); tình trạng công trình sau khi nước rút, các hư hỏng cần phải khắc phục (nếu có).

Đối với cột mốc giải phóng mặt bằng đất xây dựng công trình đường bộ, mốc đất của đường bộ, cột mốc lộ giới phân định phạm vi hàng lang an toàn đường bộ, nhật ký ghi lại các cột bị mất, các cột gãy, đổ và các hư hỏng khác (nếu có).

Đối với thiết bị lắp đặt vào công trình đường bộ và các hạng mục công trình đường bộ khác, căn cứ tình trạng kỹ thuật, tình hình khai thác sử dụng và các hư hỏng, dấu hiệu hư hỏng để ghi trong nhật ký (đèn đường bị hỏng, thiết bị thông gió hầm hỏng không hoạt động);

đ) Đối với các công trình an toàn giao thông đã có, nhật ký cần ghi lại các hiện tượng biển báo hiệu, cột tiêu, cột Km, cột H, rào chắn, lưới/tấm chống chói, tường chống ồn, tường hộ lan thép bị gãy, đổ, mất, hỏng; tình trạng sơn trên mặt đường bị mờ, mài mòn, mất vệt sơn; đối với các vị trí tổ chức giao thông chưa hợp lý gây ùn tắc giao thông, xuất hiện điểm hay xảy ra tai nạn giao thông, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông ghi lại các nội dung này;

e) Trường hợp có tai nạn giao thông, nhân viên tuần đường ghi lại thời điểm vụ tai nạn, phương tiện gây tai nạn và bị nạn, hậu quả tai nạn gây ra đối với người và phương tiện giao thông; hư hỏng thiệt hại đối với kết cấu hạ tầng giao thông; tình hình, kết quả xử lý vụ tai nạn; tình trạng gây ùn tắc (nếu có) do tai nạn.

2. Việc ghi chép phải thực hiện trong khi tiến hành kiểm tra, trường hợp tham gia giải quyết tai nạn giao thông, sự cố công trình và các trường hợp khác không thể ghi nhật ký trong ngày thì ghi vào ca tuần đường tiếp theo.

3. Nội dung ghi chép phải mạch lạc, rõ ràng, tỉ mỉ, chính xác, nhân viên thực hiện tuần đường phải ký tên ở phía dưới.

4. Khi thực hiện tuần đường, gặp trường hợp cầu, đường, công trình bị hư hỏng, dầu mỡ rơi vãi trên mặt đường, cây cối bị đổ, đất đá sụt lở, dây điện bị đứt rơi xuống đường ... có thể nguy hiểm cho người và xe cộ đi lại thì nhân viên thực hiện tuần đường phải giải quyết ngay nếu công việc đơn giản, khối lượng ít hoặc báo ngay cho đơn vị quản lý, bảo dưỡng công trình kết cấu hạ tầng đường bộ và người thực hiện nhiệm vụ tuần kiểm để xử lý, rào chắn và hướng dẫn xe cộ qua lại.

Sổ nhật ký tuần đường gồm 100 trang được đánh dấu từ 1 đến 100 và đóng dấu giáp lai.

Trang đầu (bên trái):

Giờ ngày, tháng kiểm tra

Vị trí, Lý trình, xảy ra phát hiện sự cố, vi phạm

Tình hình thời tiết (nắng, mưa, mù, lũ, bão...) Diễn biến đột xuất, nội dung của các sự cố cầu đường, hoặc vi phạm mới phát hiện (vẽ minh họa vị trí, kích thước cụ thể).

Trang liền kề (bên phải):

Đã giải quyết, xử lý tại chỗ và kết quả

Người nhận báo cáo ghi nhận xét, việc cần lưu ý hàng ngày. Ký tên

Ghi chú

Phần III. Số lượt và chiều dài tuần đường

1. Số lượt tuần đường

a) Đối với đường cao tốc: theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Thông tư này, không ít hơn 01 lần một ngày đối với từng chiều đường; đối với đường gom và đường bên của đường cao tốc thì thực hiện theo quy định tại điểm b và điểm c khoản này;

b) Đối với đường cấp I, cấp II và cấp III: không ít hơn 01 lần một ngày. Đối với đường hai chiều có dải phân cách giữa thì không ít hơn 01 lần một ngày đối với từng chiều đường;

c) Đối với đường cấp IV, cấp V và cấp VI trong mùa mưa: không ít hơn 01 lần một ngày; trong mùa khô không ít hơn 02 ngày 01 lần.

2. Chiều dài nhân viên tuần đường được giao thực hiện nhiệm vụ trong một ca làm việc (08 tiếng) phụ thuộc quy mô, tính chất công trình, phương tiện di chuyển của nhân viên tuần đường nhưng không quá quy định sau:

a) Đường cấp I và II có dải phân cách giữa chia hai chiều xe chạy: 20-25 km/người khi sử dụng phương tiện mô tô, xe máy để đi tuần đường cho cả hai chiều đường;

b) Đường cấp III có dải phân cách giữa và không có dải phân cách giữa: 25-30 km/người khi sử dụng mô tô, xe máy đi tuần đường;

c) Đường các cấp IV, V, VI và các tuyến đường giao thông nông thôn: 30- 35 km/người đối với đường miền núi, 40-45 km/người đối với đường đồng bằng, trung du khi sử dụng mô tô, xe máy đi tuần đường;

d) Khi sử dụng ô tô làm phương tiện di chuyển tuần đường, chiều dài giao nhân viên tuần đường mỗi ca (8 tiếng) được tăng thêm không quá 1,5 lần so với quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản này.

3. Người quản lý, sử dụng đường bộ quyết định tăng số lần tuần đường được tăng lên so với quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 đối với các trường hợp sau:

a) Khi cần thực hiện công việc liên quan đến phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tham gia tìm kiếm cứu nạn;

b) Các tuyến đường quốc lộ có sự cố, nguy cơ sự cố công trình, công trình, hạng mục công trình hư hỏng ảnh hưởng đến an toàn trong khai thác, sử dụng;

c) Đoạn đường có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông vượt quá lưu lượng thiết kế, tình hình trật tự, an toàn giao thông phức tạp; đoạn đường hay xảy ra tai nạn giao thông;

d) Thực hiện các công việc phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, xử lý tai nạn, ùn tắc giao thông;

đ) Các trường hợp cần thiết khác do người quản lý, sử dụng đường bộ của tuyến đường quyết định.

4. Việc tuần đường trên các đoạn đường cao tốc do 02 nhân viên tuần đường (01 tổ) cùng thực hiện với chiều dài mỗi ca (8 tiếng) không quá 50km/01 tổ, phương tiện đi tuần bằng ô tô.

5. Khi tuần đường trong phạm vi công trình cầu, hầm phải thực hiện kiểm tra, đánh giá nhiều hạng mục và thực hiện nhiều công việc, chiều dài thực hiện tuần đường đối với cầu, hầm được giảm 1/3 so với quy định về chiều dài tuần đường.

6. Đối với đường đô thị, người quản lý, sử dụng đường bộ ở đô thị quyết định về số lần tuần đường phù hợp với trật tự, an toàn giao thông và tình trạng kỹ thuật chất lượng các tuyến đường đô thị.

7. Đối với đường xã, đường thôn xóm thiết kế theo tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn, người quản lý, sử dụng đường bộ các đường này quyết định thời gian, số lần thực hiện tuần đường trên cơ sở tình hình trật tự, an toàn giao thông, tình trạng kỹ thuật các tuyến đường và lưu lượng phương tiện tham gia giao thông.

II. NHẬT KÝ TUẦN KIỂM

1. Mẫu bìa nhật ký

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

NHẬT KÝ TUẦN KIỂM

Quyển số: ...............

Cơ quan, Đơn vị (Người quản lý, sử dụng công trình đường bộ) ........................................................................... .......... .......... .......... .......... ....

Người thực hiện tuần kiểm: .....................................................

Từ Km …....................... đến Km .......................... QL.............

Bắt đầu ngày: ......................./.................../................................

Hết quyển ngày: ..................../..................../..............................

..........., năm 20 .......

2. Hướng dẫn ghi nhật ký tuần kiểm

Phần I. Mục đích, yêu cầu

1. Tuần kiểm đường bộ nhằm kiểm tra, giám sát hoạt động tuần đường và kết quả thực hiện công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ, vận hành, khai thác công trình kết cấu hạ tầng đường bộ của đơn vị quản lý, bảo dưỡng nhằm mục đích xử lý kịp thời những hư hỏng, vi phạm hoặc sự cố xảy ra để nhanh chóng khắc phục, tránh những hậu quả xấu làm thiệt hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân cũng như xã hội. Nhật ký tuần kiểm là tài liệu quan trọng trong công tác quản lý phải được ghi chép và lưu trữ đầy đủ.

2. Sau khi thực hiện công tác tuần kiểm trên tuyến hoặc xử lý các kiến nghị của tổ chức, cá nhân bảo dưỡng công trình đường bộ; người được giao thực hiện tuần kiểm đường bộ có trách nhiệm ghi nhật ký kết quả tuần kiểm theo khoản 3 Mục này. Người quản lý, sử dụng đường bộ có trách nhiệm tổ chức lưu trữ tài liệu nhật ký kết quả tuần kiểm.

3. Người làm nhiệm vụ tuần kiểm đường bộ phải ghi chép kết quả kiểm tra hiện trường, xử lý ý kiến đề xuất của đơn vị quản lý, bảo dưỡng công trình kết cấu hạ tầng đường bộ trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ được giao nhiệm vụ; kết quả thực hiện của đơn vị quản lý, bảo dưỡng công trình kết cấu hạ tầng đường bộ.

4. Lãnh đạo người quản lý, sử dụng đường bộ đọc nội dung ghi chép trong sổ vào ngày làm việc cuối tuần và ghi ý kiến xử lý, đồng thời ký tên dưới ý kiến xử lý.

5. Hàng tháng, hàng quý, khi nghiệm thu công tác bảo dưỡng, nhật ký tuần kiểm là cơ sở để đánh giá kết quả thực hiện của đơn vị quản lý, bảo dưỡng công trình kết cấu hạ tầng đường bộ.

6. Nội dung ghi chép trong nhật ký là căn cứ để đánh giá chất lượng công tác của người thực hiện hoạt động tuần kiểm đường bộ.

Phần II. Số lượt thực hiện và nội dung ghi nhật ký tuần kiểm

1. Công tác tuần kiểm đường bộ được thực hiện như sau:

a) Kiểm tra trên tuyến đường được giao quản lý ít nhất 01 lần trong 01 tuần;

b) Tăng số lần tuần kiểm trong các trường hợp đoạn đường đang khai thác hư hỏng ảnh hưởng đến an toàn giao thông, các điểm sạt lở, lũ lụt gây ngập hoặc có nguy cơ sạt lở, cầu yếu, các đoạn đường tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

2. Nội dung ghi trong nhật ký gồm:

a) Người thực hiện tuần kiểm đường bộ, thời gian tuần kiểm;

b) Ghi nhận các vấn đề phát sinh trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ; các hư hỏng, sự cố công trình đường bộ cũng như các bất cập, tồn tại trong công tác tổ chức giao thông trên tuyến đường được giao quản lý theo ý kiến của đơn vị bảo dưỡng, vận hành, khai thác công trình kết cấu hạ tầng đường bộ hoặc qua kết quả kiểm tra hiện trường, cụ thể:

- Vị trí vi phạm quy định về quản lý, sử dụng kết cấu hạ tầng đường bộ; các hư hỏng, sự cố công trình đường bộ; các tồn tại trong việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị bảo dưỡng, vận hành, khai thác công trình kết cấu hạ tầng đường bộ, lý trình từ Km … đến Km…, vị trí bên trái, hai bên phải hay tim đường, hành lang, v,v,…;

- Mô tả chi tiết các vi phạm, các hư hỏng, sự cố công trình đường bộ, các tồn tại trong việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị bảo dưỡng, vận hành, khai thác công trình kết cấu hạ tầng đường bộ; ước tính khối lượng.

c) Ý kiến xử lý:

- Đối với các công việc thuộc trách nhiệm của đơn vị bảo dưỡng, vận hành, khai thác công trình kết cấu hạ tầng đường bộ, người thực hiện nhiệm vụ tuần kiểm ghi yêu cầu đơn vị thực hiện, khắc phục trong thời gian theo quy định; ví dụ vá ổ gà trong 3 ngày theo tiêu chuẩn bảo dưỡng thường xuyên;

- Đối với các vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ, người thực hiện nhiệm vụ tuần kiểm ghi nhận quá trình xử lý như: lập biên bản, vận động tuyên truyền đối tượng vi phạm chấp hành các quy định của pháp luật hoặc phối hợp chính quyền địa phương hoặc lực lượng công an xử lý theo quy định; chỉ đạo đơn vị bảo dưỡng, vận hành, khai thác công trình kết cấu hạ tầng đường bộ thực hiện các biện pháp ngăn chặn, khắc phục hậu quả ban đầu để đảm bảo giao thông theo quy định (nếu cần thiết);

- Đối với các nội dung tồn tại trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ nằm ngoài phạm vi xử lý của đơn vị bảo dưỡng, vận hành, khai thác công trình kết cấu hạ tầng đường bộ, người thực hiện nhiệm tuần kiểm báo cáo người quản lý, sử dụng đường bộ xử lý theo quy định;

- Ngoài việc kiểm tra định kỳ, khi nhận được thông tin về các vấn đề vi phạm quy định quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ, các hư hỏng, tai nạn, sự cố cầu đường hoặc phương tiện gây ùn tắc, mất an toàn giao thông trên tuyến đường được giao quản lý (qua thông tin từ tuần đường, người dân hoặc đơn vị bảo dưỡng, vận hành, khai thác công trình kết cấu hạ tầng đường bộ), người thực hiện nhiệm vụ tuần kiểm phải kiểm tra, xử lý hoặc báo cáo người quản lý, sử dụng đường bộ hoặc đề nghị chính quyền địa phương, lực lượng công an xử lý theo quy định.

d) Đánh giá kết quả xử lý các vi phạm, hư hỏng, sự cố và tồn tại nêu tại điểm c khoản này, bao gồm các nội dung: khối lượng, chất lượng, thời gian hoàn thành; quay phim hoặc chụp ảnh lưu trữ để minh họa và làm cơ sở để đánh giá kết quả khi thực hiện nghiệm thu tháng, quý cho đơn vị bảo dưỡng, vận hành, khai thác công trình kết cấu hạ tầng đường bộ.

2. Việc ghi chép phải thực hiện trong ngày tiến hành kiểm tra hoặc sau khi xử lý các vi phạm, hư hỏng, sự cố và tồn tại.

3. Nội dung ghi chép phải mạch lạc, rõ ràng, tỉ mỉ, chính xác, người thực hiện tuần kiểm đường bộ phải ký tên ở phía dưới nội dung ghi chép sau khi kiểm tra.

Sổ nhật ký tuần kiểm gồm 100 trang được đánh dấu từ 1 đến 100 và đóng dấu giáp lai.

Trang đầu (bên trái):

Ngày tháng

Hạng mục công việc, ý kiến đề xuất của đơn vị quản lý, bảo dưỡng thường xuyên

Lý trình

Mô tả chi tiết thực trạng công tác quản lý, bảo dưỡng

Ước tính khối lượng

Từ Km

Đến Km

Vị trí

Trang liền kề (bên phải):

Ý kiến người thực hiện tuần kiểm

Người nhận báo cáo ghi nhận xét, việc cần lưu ý. Ký tên

Kết quả thực hiện của đơn vị quản lý, bảo dưỡng thường xuyên

Yêu cầu sửa chữa hoặc xử lý vi phạm; hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền

Thời gian hoàn thành

Khối lượng

Chất lượng

Thời gian hoàn thành thực tế

Ảnh/Vi deo sau khi sửa chữa

Phần III. Phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác tuần kiểm

1. Phương tiện, trang thiết bị phục vụ tuần kiểm

a) Phương tiện giao thông phục vụ tuần kiểm đối với đường cao tốc là ô tô, mô tô chuyên dụng, đối với đường khác là ô tô hoặc mô tô, xe máy. Phương tiện giao thông đường bộ phục vụ tuần kiểm có dán chữ “TUẦN KIỂM ĐƯỜNG BỘ”.

b) Phần mềm quản lý phục vụ tuần kiểm, kết nối không gian địa lý (nếu có);

c) Các tài liệu cần thiết (biên bản làm việc, quy chế phối hợp quản lý bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, hồ sơ tài liệu công trình), túi đựng tài liệu chống nước mưa;

d) Thiết bị dụng cụ an toàn khi làm việc như dây đeo an toàn và trang bị bảo hộ lao động khi kiểm tra các vị trí bộ phận cần thiết để bảo đảm an toàn (kiểm tra dầm, dàn cầu và các bộ phận trên cao); đơn vị bảo dưỡng, vận hành, khai thác công trình kết cấu hạ tầng đường bộ bố trí phương tiện, thiết bị, biển cảnh báo an toàn khi dừng trên đường cao tốc để kiểm tra;

2. Ngoài các phương tiện, trang thiết bị quy định tại khoản 1 Mục này, tổ chức, cá nhân thực hiện quản lý, bảo dưỡng công trình, người quản lý, sử dụng đường bộ có thể trang bị các phần mềm, phương tiện, thiết bị khác để nâng cao hiệu quả công tác tuần kiểm đường bộ.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 41/2024/TT-BGTVT ngày 15/11/2024 quy định về quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


3.960

DMCA.com Protection Status
IP: 2a06:98c0:3600::103
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!