BỘ GIAO THÔNG VẬN
TẢI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1966/QĐ-BGTVT
|
Hà Nội, ngày 16 tháng 11 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH CÔNG TÁC PHỤC VỤ TỐT NHU CẦU ĐI LẠI CỦA NHÂN DÂN, BẢO
ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG, GẮN VỚI PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 TRONG DỊP TẾT
DƯƠNG LỊCH, TẾT NGUYÊN ĐÁN VÀ MÙA LỄ HỘI XUÂN NHÂM DẦN NĂM 2022
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP
ngày 10/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT);
Căn cứ Nghị quyết số 128/NQ-CP
ngày 11/10/2021 của Chính phủ về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt,
kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” (Nghị quyết số 128/NQ-CP);
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết
định này Kế hoạch công tác phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật
tự, an toàn giao thông, gắn với phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp Tết Dương
lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Nhâm Dần năm 2022.
Điều 2. Quyết định này có hiệu
lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ,
Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt
Nam, Cục trưởng các Cục, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải
- Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Sở GTVT), Thủ trưởng các
cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Phó TTg TTr Phạm Bình Minh (để b/c);
- Phó TTg Lê Văn Thành (để b/c);
- Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: QP, CA, TC, YT, CT, VHTT&DL, NN&PTNT (để phối hợp chỉ
đạo);
- Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (để phối hợp chỉ đạo);
- Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia;
- Đài Truyền hình Việt Nam;
- Đài Tiếng nói Việt Nam;
- Các Thứ trưởng Bộ GTVT;
- Cổng Thông tin điện tử Bộ GTVT;
- Lưu VT, V.Tải (dqphong, ntson, 05b).
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Lê Đình Thọ
|
KẾ HOẠCH
CÔNG TÁC PHỤC VỤ TỐT NHU CẦU ĐI LẠI CỦA NHÂN DÂN, BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN
TOÀN GIAO THÔNG GẮN VỚI PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 TRONG DỊP TẾT DƯƠNG LỊCH, TẾT
NGUYÊN ĐÁN VÀ MÙA LỄ HỘI XUÂN NHÂM DẦN NĂM 2022
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1966/QĐ-BGTVT ngày 16/11/2021
của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Bảo đảm trật tự an toàn giao
thông, hạn chế ùn tắc giao thông, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và vận
tải hàng hóa; bảo đảm giao thông thông suốt trước, trong và sau kỳ nghỉ Tết
Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Nhâm Dần năm 2022.
2. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, siết
chặt kỷ cương, trật tự trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông và
công tác phòng chống dịch COVID-19 trong hoạt động vận tải; quản lý các bến xe,
bãi đỗ xe, nhà ga, cảng, cảng bến thủy nội địa, cảng hàng không; nâng cao hiệu
quả quản lý nhà nước và ý thức trách nhiệm của người thực thi công vụ về công
tác này, đồng thời nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của
đội ngũ lái xe, lái tàu, các đơn vị kinh doanh phục vụ hoạt động vận tải.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC
HIỆN
Năm 2021, những khó khăn do dịch
COVID-19 gây ra đã ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế xã hội và đời sống của
nhân dân; các hoạt động kinh doanh vận tải hành khách của các doanh nghiệp vận
tải, hợp tác xã, hộ kinh doanh vận tải hầu hết đã phải ngừng hoạt động. Nắm bắt
những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp Bộ GTVT luôn chủ động và giải quyết
những vấn đề thuộc ngành quản lý, kịp thời ban hành ban nhiều văn bản đôn đốc địa
phương, Tổng cục/các Cục Quản lý chuyên ngành triển khai thực hiện thống nhất,
đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm tạo
điều kiện cao nhất để vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Thực hiện Nghị quyết số
128/NQ-CP nhằm từng bước khôi phục hoạt động vận tải phù hợp với công tác
phòng, chống dịch COVID-19, Bộ GTVT đã ban hành các Hướng dẫn tạm thời về tổ chức
hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực (đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, đường
sắt, hàng không) tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh
tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.
Nhằm tiếp tục khôi phục lại các hoạt
động vận tải dần đạt trạng thái bình thường mới, đồng thời phục vụ tốt nhu cầu
đi lại của nhân dân, vận tải hàng hóa trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch, Tết Nguyên
đán và mùa Lễ hội xuân Nhâm Dần năm 2022, góp phần giảm ùn tắc giao thông, tai
nạn giao thông; đặc biệt là phục vụ nhu cầu đi lại bảo đảm cho cán bộ, công
nhân các khu công nghiệp, nhân dân các huyện vùng sâu và biên giới hải đảo đi lại
được thuận tiện, an toàn; không để hành khách chậm về quê đón Tết do không có
phương tiện vận chuyển. Hạn chế các hiện tượng chèn ép giá, lợi dụng tăng giá
không đúng quy định; chậm chuyến, hủy chuyến trong vận tải hàng không; vận tải
đường thủy nội địa tuyến từ bờ ra đảo năng lực phương tiện còn hạn chế khi gặp
thời tiết xấu phải tạm ngừng hoạt động dẫn đến ùn ứ hành khách. Để chủ động phục
vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông gắn với
phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội
xuân Nhâm Dần năm 2022, hạn chế tối đa những tồn tại nêu trên, Bộ GTVT yêu cầu
Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục quản lý chuyên ngành, các Sở Giao thông vận
tải, các Tổng công ty và các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong toàn
ngành GTVT, theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị khẩn trương
triển khai các nội dung sau:
1. Nhiệm vụ chung:
1.1. Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện
công tác phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và vận chuyển hàng hóa, bảo đảm
trật tự, an toàn giao thông, đồng thời thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát
hiệu quả dịch COVID-19 trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội
xuân Nhâm Dần năm 2022. Đối với các cơ quan tham mưu thuộc Bộ GTVT thì phân
công lịch trực của lãnh đạo, chuyên viên để thực hiện (không thành lập Ban chỉ
đạo).
1.2. Lập danh sách và phân công lãnh
đạo, chuyên viên trực trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội
xuân Nhâm Dần năm 2022, trong đó có đủ các thông tin: họ và tên, chức vụ, ngày
trực, địa chỉ email, số điện thoại, số fax gửi về Bộ GTVT và Ủy ban An toàn
giao thông Quốc gia để tiện trong trao đổi thông tin và phối hợp giải quyết
công việc.
1.3. Công bố số điện thoại đường dây
nóng tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân và doanh nghiệp, thường trực
24/24 để tiếp nhận xử lý thông tin liên quan đến nhiệm vụ của đơn vị mình; tổng
hợp báo cáo các nội dung phản ánh gửi về Bộ GTVT và Ủy ban An toàn giao thông
Quốc gia để tiện trong trao đổi thông tin và phối hợp giải quyết công việc hàng
ngày trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.
1.4. Các đơn vị vận tải xây dựng kế
hoạch phục vụ vận tải, xây dựng và triển khai phương án tổ chức vận tải bảo đảm
tuân thủ quy định về phòng chống dịch COVID-19, đồng thời đảm bảo đáp ứng kịp
thời khi nhu cầu vận tải phát sinh tăng cao, đặc biệt tại các đầu mối giao
thông, bảo đảm giải tỏa hành khách và hạn chế tối đa ùn tắc giao thông. Tập
trung chủ yếu: kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 cho nhân viên, lái xe, lái
tàu và hành khách, kế hoạch bố trí phương tiện; kế hoạch tăng cường, bổ sung hoặc
điều chuyển phương tiện khi có nhu cầu, bố trí lái tàu, lái xe, phi công, nhân
viên phục vụ; kế hoạch kiểm tra các điều kiện an toàn vận tải; bảo đảm cho cán
bộ, nhân dân, học sinh, sinh viên đi lại được thuận tiện, an toàn; không để
hành khách chậm về quê đón Tết do không có phương tiện vận chuyển.
1.5. Chỉnh trang sạch đẹp tại các vị trí khu vực nhà ga, cảng, bến thủy nội địa, bến xe, cảng hàng không, sắp
xếp các vị trí cung cấp thông tin để
hành khách chủ động trong việc lựa chọn chuyến đi; chỉ đạo
các đơn vị kinh doanh vận tải chủ động bán vé trước cho
hành khách bằng nhiều hình thức và ưu tiên ứng dụng công nghệ
thông tin, tạo thuận lợi cho người
dân có nhu cầu mua vé, đồng thời có
biện pháp chống việc đầu cơ, buôn bán vé gây mất trật tự xã hội. Thực hiện các
biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định của Bộ Y
tế, hướng dẫn của Bộ GTVT; tuân thủ “Thông
điệp 5K”, khai báo y tế theo
quy định của Bộ Y tế.
1.6. Quán triệt các đơn vị vận tải,
các cảng, bến thủy nội địa, nhà ga, cảng hàng không thực
hiện nghiêm các quy định trong việc vận
chuyển hành khách và hàng hóa; có chính sách ưu đãi, hỗ trợ
và tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách là người khuyết
tật, người cao tuổi khi tham gia giao thông.
1.7. Ngăn chặn vận chuyển hàng cấm,
hàng hóa là nguồn phát sinh, lây lan dịch:
- Thực hiện nghiêm các chỉ đạo tại Chỉ
thị, Công điện của Thủ tướng Chính phủ về cấm sản xuất, vận chuyển, buôn bán và
đốt pháo;
- Tăng cường công tác kiểm tra,
giám sát nhằm ngăn chặn vận chuyển gia súc, gia
cầm, các sản phẩm từ gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc và không có chứng nhận kiểm dịch y tế trên các phương tiện vận tải hành khách đi, đến từ khu vực có dịch để hạn chế thấp nhất việc lây lan dịch
cúm gia cầm và dịch tả lợn Châu phi.
1.8. Đối với công tác phòng, chống dịch
COVID-19:
Tổng cục Đường bộ Việt nam, các Cục Quản
lý chuyên ngành; Sở GTVT và các cơ quan đơn vị liên quan tiếp tục triển khai thực
hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ; Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ
Y tế ban hành Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế, Công điện số 1700/CĐ-BYT
ngày 25/10/2021 về việc tăng cường công tác giám sát và kiểm soát hiệu quả dịch
COVID-19 trong thời gian thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP ; các nhiệm vụ được giao
tại 06 quyết định của Bộ GTVT1 Hướng dẫn tạm thời
về tổ chức hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực (đường bộ, đường thủy nội địa, hàng
hải, đường sắt, hàng không) và Hướng dẫn tạm thời về hoạt động thi công các dự
án, công trình giao thông đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu
quả dịch COVID-19.
1.9. Công tác kết nối các phương thức
vận tải để phục vụ vận chuyển hành khách:
- Các Sở GTVT đặc biệt là những địa
phương có lưu lượng hành khách và phương tiện đi lại tăng cao trong dịp Tết
Dương lịch, Tết Nguyên đán và dịp lễ hội xuân Nhâm Dần năm 2022, chủ động xây dựng
kế hoạch làm việc với các đơn vị có liên quan để tăng cường khả năng kết nối giữa
các doanh nghiệp vận tải đường bộ, đường sắt, hàng không và đường thủy, phối hợp
và hỗ trợ cùng nhau để phục vụ vận tải hành khách đảm bảo chất lượng và an toàn
giao thông, phòng chống hiệu quả dịch COVID-19;
- Tăng cường phương tiện vận tải hành
khách công cộng để kết nối và hỗ trợ hành khách đi lại thuận tiện tại các đầu mối
giao thông tập trung lượng hành khách lớn như: nhà ga đường sắt, cảng, bến xe,
bến tàu.
1.10. Công tác phối hợp kiểm tra, kiểm
soát, xử lý vi phạm:
- Tăng cường phối hợp với các lực lượng
chức năng bảo đảm giữ gìn trật tự, an ninh trong hoạt động vận tải tại khu vực
bến tàu, bến xe, cảng hàng không, khu vực trường học; bảo đảm an ninh, trật tự
trên phương tiện trong quá trình hoạt động; phòng chống cháy nổ, phòng chống khủng
bố, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, phòng chống dịch và đảm bảo an
toàn vệ sinh thực phẩm;
- Thanh tra giao thông phối hợp chặt
chẽ với lực lượng Cảnh sát giao thông và các lực lượng tham gia bảo đảm trật tự,
an toàn giao thông, giảm thiểu ùn tắc giao thông; tăng cường công tác kiểm tra,
xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, vi phạm quy định
về phòng dịch.
1.11. Phối hợp cơ quan truyền thông để
tổ chức tuyên truyền về kế hoạch phục vụ vận tải Tết của cơ quan, đơn vị mình;
thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng về Kế hoạch phục vụ tốt
nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông gắn với phòng,
chống dịch COVID-19 trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân
Nhâm Dần năm 2022, số điện thoại đường dây nóng của đơn vị mình.
2. Nhiệm vụ cụ thể:
Các cơ quan, đơn vị theo chức năng
nhiệm vụ của đơn vị mình thực hiện các nhiệm vụ tại mục 1 phần II của Kế hoạch
này.
2.1. Tổng cục Đường bộ Việt Nam:
a) Chủ động tổ chức kiểm tra công tác
phục vụ vận tải đường bộ trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội
xuân Nhâm Dần năm 2022 tại một số địa phương; trường hợp Bộ GTVT tổ chức Đoàn
kiểm tra thì bố trí người tham gia Đoàn kiểm tra của Bộ GTVT để kiểm tra công
tác phục vụ vận tải đường bộ của Sở GTVT, đơn vị kinh doanh vận tải, đơn vị bến
xe.
b) Hướng dẫn, đôn đốc các Sở GTVT chỉ
đạo:
- Các đơn vị kinh doanh vận tải, bến
xe thực hiện công khai, minh bạch và đúng quy định về giá cước vận tải, các loại
giá, phí dịch vụ tại bến xe;
- Các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách có phương án tổ chức vận tải phù hợp, chở đúng tải
trọng cho phép, số người theo quy định,
bảo đảm năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải và tuân thủ nghiêm quy định về phòng, chống dịch COVID-19; kiểm tra
chặt chẽ điều kiện an toàn của phương tiện
và lái xe trước khi xuất bến, nhắc nhở
hành khách thắt dây an toàn khi được
chở trên phương tiện; niêm yết các thông tin theo quy định,
đặc biệt phía trong khoang hành khách của phương tiện chở
khách phải niêm yết biển kiểm soát của phương tiện và số điện thoại của cơ quan
chức năng để hành khách biết và phản ánh qua đường dây nóng;
- Các đơn vị kinh doanh vận tải tăng cường tuyên truyền quy định pháp luật
ATGT, thắt dây an toàn khi được chở trên phương tiện, đã uống rượu bia thì
không lái xe, hướng dẫn quy tắc và kỹ
năng tham gia giao thông an toàn trên
đường cao tốc trên các phương tiện thông tin đại chúng.
c) Thường xuyên phối hợp các Sở GTVT
để quản lý hoạt động của phương tiện (về tốc độ, hành trình hoạt
động, thời gian lái xe liên tục và thời
gian làm việc trong ngày của lái xe
thông qua trích xuất dữ liệu từ thiết bị
giám sát hành trình xe ô tô) để xử lý vi phạm theo quy định.
d) Chỉ đạo lực lượng thanh tra
phối hợp với Sở GTVT: Hà Nội, Hồ Chí Minh
và một số địa phương có hiện tượng nhiều “xe dù, bến cóc”, xe quá tải hoạt động để tăng cường
công tác kiểm tra, xử lý vi phạm theo
quy định.
đ) Chỉ đạo các Cục QLĐB kiểm tra,
rà soát bổ sung hệ thống biển báo hiệu giao
thông, đặc biệt là các nút giao thông, các
đoạn đường có độ dốc cao, bán kính cong hẹp, tầm nhìn hạn chế; tăng cường lực lượng tổ chức, bảo đảm giao
thông, phân luồng hợp lý, hướng dẫn phương tiện lưu thông an
toàn, thông suốt, bảo đảm an ninh, trật tự tại
các trạm thu phí, nhất là trên các trục chính ra vào Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các tuyến quốc
lộ, các đầu mối giao thông trọng điểm, các địa điểm du
lịch, khu vui chơi giải trí, các bến xe,
bến tàu, nhà ga, các trạm thu phí BOT, các điểm đang thi công
thường xảy ra ùn tắc; có biện pháp khắc phục kịp thời khi
xảy ra sự cố, tai nạn,
đặc biệt là trên các tuyến giao thông trọng điểm, các khu
vực có nguy cơ ùn tắc cao, các khu du lịch, khu vui chơi
giải trí; các nút giao giữa đường phụ ra đường chính.
e) Chỉ đạo Nhà đầu tư BOT xây dựng phương án, kế hoạch đảm bảo an ninh trật
tự, phân luồng giao thông tại các trạm thu phí khi lưu lượng tham gia giao thông tăng đột biến. Kiểm tra, chỉ đạo các Trạm thu
phí đường bộ kịp thời xử lý, giải tỏa phương tiện hạn chế tình trạng
ùn tắc trước khi vào Trạm thu phí đường
bộ. Trong trường hợp xảy ra tắc đường
trước khi vào Trạm thu phí đường bộ
phải mở barie để giải tỏa phương tiện.
2.2. Cục Hàng không Việt Nam:
a) Chỉ đạo các lực lượng an
ninh hàng không, cảng hàng không tăng cường công tác kiểm soát an
ninh, an toàn bay.
b) Chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty quản lý bay Việt Nam, các hãng
hàng không, các công ty cung cấp dịch vụ hàng không và cảng
vụ hàng không có kế hoạch bố trí nhân lực để bảo đảm an toàn
và phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại trong các ngày cao điểm trước, trong và sau Tết.
c) Chỉ đạo các cảng vụ hàng không chủ
trì, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về y
tế trên địa bàn cảng hàng không hoặc Cục Y tế
GTVT tăng cường kiểm tra, thực hiện
nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng
dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng,
chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế; đảm bảo
an toàn vệ sinh thực phẩm trên các
chuyến bay, tại các khu vực dịch vụ của
cảng hàng không.
d) Chỉ đạo các hãng hàng không xây dựng
kế hoạch tăng chuyến bay phục vụ trong các ngày cao điểm, bố trí các giờ bay đêm để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách trên
cơ sở phù hợp với hạ tầng và bảo đảm an toàn bay; điều hành lịch bay hạn chế tối đa việc chậm chuyến,
hủy chuyến đặc biệt trong dịp cao điểm
Tết dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.
đ) Chỉ đạo các cảng hàng không phối hợp
chặt chẽ với Sở GTVT và các lực lượng chức năng để tổ chức
phân luồng giao thông, giảm thiểu ùn tắc giao thông tại khu vực cảng hàng không, đặc biệt tại Cảng
hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
e) Chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyên ngành hàng không có
hoạt động vận chuyển mặt đất (xe tra nạp xăng dầu, xe
chở thức ăn, xe chở khách/chở hàng...) tăng
cường công tác kiểm tra, bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông khu vực cảng.
2.3. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam:
a) Chỉ đạo các Cảng vụ Đường thủy nội
địa phối hợp với Cảng vụ Hàng hải để kịp thời có biện pháp đảm bảo an toàn, đáp
ứng nhu cầu đi lại của người dân trên các tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo khi
có hiện tượng thời tiết xấu ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển của tàu thuyền.
Phối hợp với Cục Hàng hải Việt Nam và chính quyền địa
phương, các lực lượng chức năng (Thanh tra Sở GTVT, Biên phòng, Cảnh sát biển...) tăng cường công tác bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến vận tải
ven biển, các tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo, đặc biệt là các phương tiện chở
khách từ bờ ra đảo, các bến tàu phục vụ du lịch, lễ hội;
b) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng
cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, đôn đốc các cảng, bến thủy nội địa, cảng,
bến hành khách có nhu cầu đi lại của hành khách tăng cao làm tốt công tác đảm bảo
an toàn giao thông, chở đúng trọng tải cho phép đối với phương tiện chở hàng
hóa, thực hiện các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy, các quy
định biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, tuân thủ “Thông điệp 5K”, khai báo y
tế theo quy định của Bộ Y tế.
c) Đôn đốc các Sở GTVT thực hiện việc
kiểm tra các bến khách ngang sông, nhất là việc chấp hành các quy định về bảo đảm
thiết bị cứu sinh và chở đúng số người quy định, việc thực hiện quy định về giá
vé, phòng chống cháy nổ trên phương tiện; cương quyết đình chỉ hoạt động các bến
đò ngang trái phép, các phương tiện chở khách không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn,
vi phạm quy định về đăng ký, đăng kiểm, không trang bị đủ dụng cụ cứu sinh, người
điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp.
2.4. Cục Đường sắt Việt Nam:
a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các
quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt cho người dân, đặc biệt là người dân sinh sống dọc hai
bên đường sắt, khu vực đường ngang, lối đi tự mở có mật độ giao thông cao, thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông.
b) Chỉ đạo lực lượng Thanh tra
đường sắt tăng cường kiểm tra tình hình bảo
đảm trật tự an toàn giao thông đường
sắt, nhất là các khu vực có nhiều điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ thường xuyên xảy ra tai nạn và gây ùn tắc giao thông trên địa bàn các
thành phố lớn; kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về quy tắc giao thông tại
đường ngang, các hành vi lấn chiếm
hành lang ATGT đường sắt theo thẩm
quyền.
c) Chủ trì và phối hợp với Cục Cảnh
sát giao thông, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự
xã hội thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành công tác đảm
bảo trật tự an toàn giao thông đường
sắt, công tác phục vụ vận tải đường sắt tại các doanh nghiệp
kinh doanh đường sắt; việc thực hiện các quy định về phòng chống dịch COVID-19.
2.5. Cục Hàng hải Việt Nam:
a) Chỉ đạo các Cảng vụ hàng hải tăng
cường công tác kiểm tra, đặc biệt chú trọng cảnh báo về ảnh
hưởng thời tiết gió mùa Đông Bắc khi phương tiện hoạt động
tại khu vực phía Bắc (Quảng Ninh, Hải Phòng...).
b) Chỉ đạo các doanh nghiệp cảng biển
tăng cường thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và xếp hàng hóa đúng tải trọng
phương tiện.
c) Phối hợp với Cục Đường thủy nội địa
Việt Nam tăng cường công bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến vận tải ven biển
và các tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo theo quy định, đặc biệt là các phương tiện
chở khách từ bờ ra đảo và chú trọng các tuyến đi Lý Sơn, Côn Đảo, Phú Quốc, Cát
Bà, Vịnh Hạ Long.
2.6. Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng
công trình giao thông:
a) Chỉ đạo các Ban quản lý dự án tăng
cường công tác kiểm tra đơn vị thi công thực hiện nghiêm việc đảm bảo an toàn
giao thông khi thi công các công trình; có kế hoạch hoàn trả mặt đường và biện
pháp thi công phù hợp với thời gian phục vụ Tết để không ảnh hưởng đến việc đi
lại của nhân dân; đồng thời yêu cầu lái xe, chủ xe chở vật liệu xây dựng phục vụ
các công trình xây dựng đúng trọng tải cho phép chở theo quy định. Thực hiện
nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các công trình xây dựng
giao thông.
b) Thành lập và duy trì bộ phận ứng
trực để bảo đảm giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội
xuân Nhâm Dần năm 2022.
2.7. Cục Đăng kiểm Việt Nam:
a) Chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm tăng
cường phục vụ tốt nhu cầu đăng kiểm phương tiện của tổ chức, cơ quan, doanh
nghiệp và người dân.
b) Phối hợp tuyên truyền việc thực hiện
các quy định trong kinh doanh vận tải.
2.8. Cục Y tế Giao thông vận tải:
a) Phối hợp với các Vụ, Cục, Trung
tâm Y tế Hàng không, Trung tâm Y tế Đường sắt tăng cường công tác kiểm tra, đảm
bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch COVID-19 trên
các chuyến bay, đoàn tầu và tại các khu dịch vụ của Cảng hàng không, nhà ga, bến xe.
b) Thường xuyên cập nhật ý kiến chỉ đạo
của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống
dịch COVID-19 để tham mưu kịp thời cho
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ
GTVT; dự trù đầy đủ thuốc, máu, dịch truyền, phương tiện, trang
thiết bị y tế, nhân lực trực ngoại viện phục
vụ công tác cấp cứu, phòng chống dịch, ngộ độc, tai nạn giao
thông.
2.9. Các Sở GTVT:
a) Chủ động phối hợp với Sở Tài chính
và Công an cấp tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra công tác phục vụ vận tải, kiểm tra việc tuân thủ quy
định về giá cước, bảo đảm trật tự, an toàn giao
thông, công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong vận tải dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Nhâm Dần
năm 2022.
b) Chủ động xây dựng kế hoạch, phương
án cụ thể và quán triệt tới các đơn vị có liên quan để tăng cường khả năng kết
nối giữa các doanh nghiệp vận tải đường bộ, đường sắt, hàng không và đường thủy,
phối hợp và hỗ trợ cùng nhau để phục vụ vận tải hành khách đảm bảo chất lượng
và an toàn giao thông.
c) Chỉ đạo Thanh tra GTVT phối hợp chặt
chẽ với lực lượng Cảnh sát giao thông và các lực lượng tham gia bảo đảm trật tự,
an toàn giao thông, giảm thiểu ùn tắc giao thông; tăng cường kiểm tra, xử lý
nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông.
d) Chỉ đạo tăng cường vận tải hành
khách công cộng bằng xe buýt để kết nối với các loại hình vận tải khác, kịp thời
giải tỏa hành khách tại các bến xe; chủ động đề xuất Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
có kế hoạch tổ chức các chuyến xe hỗ trợ công nhân, sinh viên về quê ăn Tết.
đ) Đối với các địa phương (35 tỉnh,
thành phố)2 có thí điểm hoạt động đối với xe 4
bánh chạy bằng năng lượng điện hoặc động cơ xăng phục vụ chở khách tham quan,
du lịch trong khu vực hạn chế chỉ đạo Thanh tra Sở GTVT phối hợp với lực lượng
chức năng liên quan tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kiểm tra hoạt động
của phương tiện đúng tuyến đường, khu vực được phép hoạt động mà Ủy ban nhân
dân cấp tỉnh đã quy định; tăng cường công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao
thông, công tác chống ùn tắc giao thông trên địa bàn.
2.10. Các Tổng công ty ngành GTVT:
a) Các Tổng công ty: Đường sắt Việt
Nam, Hàng không Việt Nam, Cảng hàng không Việt Nam, Vận tải thủy, Hàng hải Việt
Nam tăng cường công tác phối hợp giữa các lĩnh vực để thực hiện hiệu quả công
tác tổ chức vận tải hành khách và hàng hóa trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên
đán và mùa Lễ hội xuân Nhâm Dần năm 2022.
b) Tổng công ty Đường sắt Việt Nam
tăng cường kiểm tra, giám sát đối với đội ngũ nhân viên đường sắt trực tiếp phục
vụ chạy tàu, nhất là đội ngũ trực ban, lái tàu, gác đường ngang, gác cầu chung
và xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân để xảy ra tai nạn do chủ quan gây ra; tiếp
tục vận động các tổ chức đoàn thể tại địa phương tham gia cảnh giới để bảo đảm
an toàn giao thông tại các lối đi tự mở qua đường sắt; tổ
chức cảnh giới hoặc chốt gác tại các đường ngang có nguy cơ cao xảy ra tai nạn
giao thông; kiểm tra chất lượng phương tiện chở khách, không cho phép sử dụng các
phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật tham gia giao thông.
c) Tổng công ty Hàng không Việt Nam
tăng cường kiểm tra, giám sát đối với đội ngũ phi công, nhân viên, kĩ thuật
viên bảo đảm phối hợp nhịp nhàng, không để xảy ra các sự cố đáng tiếc trong hoạt
động bay, phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại trong các ngày cao điểm trước, trong
và sau Tết.
3. Chế độ báo cáo:
a) Các đơn vị thực hiện chế độ báo
cáo công tác triển khai thực hiện nội dung theo yêu cầu tại Kế hoạch này của đơn
vị mình về Bộ GTVT (địa chỉ Email: [email protected]; [email protected];
[email protected]3, số fax: 02439427331) trước ngày 15/12/2021.
b) Vụ Vận tải tổng hợp báo cáo về
lĩnh vực vận tải gửi Văn phòng Bộ để tổng hợp Báo cáo chung.
c) Vụ An toàn giao thông tổng hợp báo
cáo về tình hình trật tự an toàn giao thông, tai nạn giao thông gửi Văn phòng Bộ
để tổng hợp Báo cáo chung của Bộ GTVT.
d) Văn phòng Bộ tổng hợp Báo cáo
chung gửi Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các cơ quan, đơn vị căn cứ vào chức
năng, nhiệm vụ của mình tổ chức triển khai kịp thời, thường xuyên kiểm tra công
tác phục vụ vận tải, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông gắn với phòng, chống dịch
COVID-19 trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Nhâm Dần
năm 2022.
2. Thanh tra Bộ chỉ đạo lực lượng
Thanh tra chuyên ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm
trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Nhâm Dần năm 2022.
3. Vụ Vận tải chủ trì, phối hợp Thanh
tra Bộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục, Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương để kiểm tra hoặc tổ chức kiểm tra đột xuất công tác thực hiện
kế hoạch trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Nhâm Dần
năm 2022.
4. Vụ Vận tải, Vụ An toàn giao thông,
Văn phòng Bộ đôn đốc việc triển khai thực hiện và là đầu mối tiếp nhận, tổng hợp
báo cáo kết quả triển khai thực hiện kế hoạch này từ các cơ quan, đơn vị gửi về
Bộ GTVT.
5. Đề nghị Văn phòng Ủy ban An toàn
giao thông Quốc gia:
a) Phối hợp Ban An toàn giao thông
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị địa
phương triển khai thực hiện tốt công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông gắn với phòng, chống dịch COVID-19
dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Nhâm Dần
năm 2022.
b) Chủ trì, phối hợp với Ban
An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương và cơ quan liên quan
tổ chức kiểm tra đột xuất công tác đảm bảo
trật tự an toàn trong dịp Tết Dương lịch,
Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Nhâm Dần năm 2022.
Bộ GTVT yêu cầu
các cơ quan, đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện./.
1
- Quyết định số 1811/QĐ-BGTVT ngày 16/10/2021 ban hành Hướng dẫn
tạm thời về hoạt động thi công các dự án, công trình giao thông đảm bảo thích ứng
an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19;
- Quyết định số 1812/QĐ-BGTVT ngày
16/10/2021 ban hành Hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải của 5 lĩnh
vực (đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, đường sắt, hàng không);
- Quyết định số 1839/QĐ-BGTVT ngày
20/10/2021 ban hành Hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải đường sắt;
Quyết định số 1893/QĐ-BGTVT ngày 30/10/2021 sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại
Hướng dẫn tạm thời về Tổ chức hoạt động vận tải đường sắt thích ứng an toàn,
linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 ban hành kèm theo Quyết định số
1839/QĐ-BGTVT ngày 20/10/2021 của Bộ trưởng Bộ GTVT;
- Quyết định số 1840/QĐ-BGTVT ngày
20/10/2021 ban hành Quy định tạm thời về tiếp tục triển khai các đường bay nội
địa chở khách; Quyết định số 1887/QĐ-BGTVT ngày 28/10/2021 sửa đổi, bổ sung một
số nội dung tại Quy định tạm thời về tiếp tục triển khai các đường bay nội địa
chở khách thường lệ đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch
COVID-19 ban hành kèm theo Quyết định số 1840/QĐ-BGTVT ngày 20/10/2021 của Bộ
trưởng Bộ GTVT.
2
35 địa phương được phép thí điểm, gồm: An Giang, Bà Rịa - Vũng
Tàu, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Định, Cà Mau, Cao Bằng, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đồng
Tháp, Hà Giang, Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Kiên
Giang, Kon Tum, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Lào Cai, Nghệ An, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng
Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Quảng Trị, Sóc Trăng, Sơn La, Tây Ninh,
Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Tiền Giang, Vĩnh Phúc.
3
Thông tin liên hệ gửi báo cáo: Đỗ Quốc Phong, chuyên viên chính Vụ
Vận tải, số điện thoại 0912135693; email: [email protected] hoặc Nguyễn Thái
Sơn, chuyên viên Vụ vận tải, số điện thoại 0975616892, email: [email protected]