BỘ GIÁO DỤC
VÀ ĐÀO TẠO
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
48/2020/TT-BGDĐT
|
Hà Nội, ngày
31 tháng 12 năm 2020
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG THỂ THAO TRONG NHÀ TRƯỜNG
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Luật Giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục
đại học ngày 19 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Luật Thể dục, Thể thao ngày 29 tháng 11 năm
2006; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Thể dục, Thể thao ngày 14 tháng 6 năm 2018;
Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính
phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục
và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 11/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 01 năm 2015 của
Chính phủ quy định về giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường;
Theo đề nghị của Vụ trưởng
Vụ Giáo dục Thể chất;
Bộ trưởng Bộ Giáo dục
và Đào tạo ban hành Thông tư quy định về hoạt động thể thao trong nhà trường.
Chương
I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều
1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về
hoạt động thể thao trong nhà trường, bao gồm: nội dung tổ chức hoạt động thể
thao; nhiệm vụ và quyền của giáo viên, giảng viên dạy môn Giáo dục thể chất (sau
đây gọi chung là giáo viên, giảng viên giáo dục thể chất) và người học; tài
chính và cơ sở vật chất.
Điều
2. Đối tượng áp dụng
1. Thông tư này áp dụng đối với trường tiểu học, trường trung học
cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, trường
phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học,
trường chuyên, trường năng khiếu; đại học, học viện, trường đại học, trường cao
đẳng sư phạm, trường trung cấp sư phạm (sau đây gọi chung là nhà trường);
cơ quan, tổ chức và các cá nhân có liên quan.
2. Thông tư này không áp dụng đối với trường, lớp dành cho người
khuyết tật; trường giáo dưỡng; trường năng khiếu thể dục, thể thao; trường đào
tạo chuyên ngành thể dục thể thao.
Chương
II
NỘI DUNG TỔ CHỨC
HOẠT ĐỘNG THỂ THAO TRONG NHÀ TRƯỜNG
Điều
3. Câu lạc bộ thể thao
1. Thành lập, quản lý,
phát triển câu lạc bộ các môn thể thao tuỳ thuộc điều kiện thực tế của nhà trường
và nhu cầu, sở thích tập luyện, sức khỏe của học sinh, sinh viên. Mỗi nhà trường
có từ một câu lạc bộ thể thao trở lên hoạt động thường xuyên, nền nếp.
2. Bố trí thời gian hợp
lý, lồng ghép hoạt động câu lạc bộ thể thao với môn học Giáo dục thể chất trong
chương trình giáo dục các cấp học, trình độ đào tạo bảo đảm tính liên thông,
góp phần phát triển toàn diện thể chất và thể thao trường học.
3. Tổ chức phát triển môn
bơi, võ cổ truyền và các môn thể thao dân tộc phù hợp với truyền thống và điều
kiện thực tế của địa phương.
Điều
4. Tập luyện và thi đấu thể thao
1. Thành lập, duy trì tập
luyện thường xuyên đội tuyển năng khiếu từng môn thể thao làm nòng cốt cho hoạt
động thể thao của nhà trường.
2. Tổ chức, duy trì thường
xuyên tập thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ; vận dụng hiệu quả cơ sở vật chất
của nhà trường và lồng ghép, kết hợp tập luyện trên nền nhạc tạo không khí vui
tươi, hứng thú, thu hút học sinh tích cực tham gia.
3. Tổ chức ít nhất một năm
một hoạt động thi đấu thể thao cho học sinh, sinh viên, nội dung và hình thức
thi đấu phải phù hợp với đặc điểm tâm lý, sinh lý lứa tuổi của người học và điều
kiện cơ sở vật chất của nhà trường; cử học sinh, sinh viên tham dự các hoạt động
thi đấu thể thao trong nước và quốc tế.
Điều
5. Hướng dẫn, giáo dục nâng cao kỹ năng tham gia hoạt động thể thao
1. Hướng dẫn,
giáo dục nâng cao nhận thức về kỹ năng bảo đảm an toàn cho người dạy và người học
trong các hoạt động thể dục, thể thao.
2. Thực hiện lồng ghép với
các đề án, dự án, các chương trình có liên quan bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, tăng
cường hoạt động thể lực cho học sinh, sinh viên nhằm nâng cao sức khỏe, phát
triển chiều cao, thể lực.
3. Tăng cường ứng dụng
công nghệ thông tin để sưu tầm các bài tập thể dục, thể thao nhằm đa dạng hoá nội
dung, hình thức luyện tập. Hướng dẫn học sinh, sinh viên và phụ huynh khai thác
thông tin trên không gian mạng phục vụ cho hoạt động thể dục, thể thao một cách
an toàn, hiệu quả.
4. Hướng dẫn, bồi dưỡng
giáo viên, giảng viên giáo dục thể chất kiến thức, kỹ năng phát hiện và bồi dưỡng
học sinh năng khiếu thể thao trong nhà trường.
5. Tổ chức tư vấn, định hướng
học sinh tham gia tập luyện và thi đấu các môn thể thao nhằm tăng cường thể lực,
phát triển thể chất.
Chương
III
NHIỆM VỤ, QUYỀN
CỦA GIÁO VIÊN, GIẢNG VIÊN GIÁO DỤC THỂ CHẤT VÀ NGƯỜI HỌC
Điều
6. Giáo viên, giảng viên giáo dục thể chất
1. Nhiệm vụ của giáo viên, giảng viên giáo dục thể chất
a) Tham mưu cho lãnh đạo
nhà trường đa dạng hóa các hình thức tổ chức hoạt động thể thao; làm nòng cốt tổ
chức các hoạt động thể thao; quản lý, chỉ đạo và hướng dẫn việc thành lập các
câu lạc bộ thể thao, duy trì phát triển phong trào thể thao trong nhà trường.
b) Căn cứ nhu cầu của người
học và điều kiện thực tế của nhà trường chủ động tham mưu huy động nguồn lực
giáo viên, giảng viên giáo dục thể chất của nhà trường và mời hướng dẫn viên
ngoài nhà trường tham gia hướng dẫn chuyên môn để tổ chức hiệu quả các hoạt động
thể thao.
c) Phát hiện và bồi dưỡng
học sinh, sinh viên có năng khiếu thể thao tham gia thi đấu các giải thể thao cấp
cơ sở, toàn quốc, quốc tế; đề xuất giải pháp cụ thể giúp đỡ các học sinh, sinh
viên thể lực yếu, chưa đáp ứng được chương trình môn học Giáo dục thể chất,
chưa bảo đảm tiêu chuẩn về quy định đánh giá, xếp loại thể lực; học sinh, sinh
viên có những bệnh lý bẩm sinh được miễn hoặc tham gia tập luyện với nội dung
và hình thức phù hợp.
d) Thực hiện các nhiệm vụ
khác của nhà giáo theo quy định hiện hành.
2. Quyền của giáo viên, giảng viên giáo dục thể chất
a) Được tập huấn, bồi dưỡng,
nâng cao kiến thức, trình độ về chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp, hình thức và
kỹ năng tổ chức hoạt động thể thao trong nhà trường.
b) Được tạo điều kiện tham
gia công tác huấn luyện cho học sinh, sinh viên đội tuyển của nhà trường.
c) Được hưởng các quyền và
chế độ của giáo viên, giảng viên và các chế độ khác trong lĩnh vực thể dục, thể
thao theo quy định hiện hành.
Điều
7. Người học
1. Nhiệm vụ của người học
a) Tham gia các hoạt động
tập luyện và thi đấu thể thao theo kế hoạch của nhà trường, cơ quan quản lý
giáo dục các cấp; tham gia câu lạc bộ các môn thể thao theo sở thích, phù hợp với
đặc điểm lứa tuổi. Người học tham gia các hoạt động thi đấu thể thao do các tổ
chức khác đề nghị phải được nhà trường cho phép.
b) Hằng năm, phải hoàn
thành các nội dung kiểm tra, đánh giá, xếp loại thể lực theo quy định hiện
hành.
c) Thực hiện các nhiệm vụ
khác của người học theo quy định hiện hành.
2. Quyền của người học
a) Học sinh, sinh viên được
tham gia các hoạt động thể thao trong nhà trường; được tuyển chọn, cử tham gia
thi đấu các giải, đại hội thể thao cấp cơ sở, toàn quốc, quốc tế.
b) Học sinh có năng khiếu
thể thao được tuyển chọn đào tạo tại các trường năng khiếu thể thao theo quy định.
c) Học sinh đoạt huy
chương vàng, bạc, đồng trong các cuộc thi đấu thể thao trong nước cấp toàn quốc
do cơ quan quản lý giáo dục tổ chức và học sinh là thành viên đội tuyển quốc
gia Việt Nam tham dự các giải, đại hội thể thao khu vực, châu lục và thế giới
được hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích khi tham gia các kỳ thi tuyển sinh
trung học phổ thông, thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học,
cao đẳng theo các quy định hiện hành.
d) Sinh viên đoạt huy
chương vàng, bạc, đồng trong các cuộc thi đấu thể thao trong nước cấp toàn quốc
do cơ quan quản lý giáo dục tổ chức và sinh viên là thành viên đội tuyển quốc
gia Việt Nam tham dự các giải, đại hội thể thao khu vực, châu lục và thế giới
được miễn môn học Giáo dục thể chất tại năm học đó..
đ) Được nhà trường, giáo
viên, giảng viên giúp đỡ hoàn thành chương trình môn học Giáo dục thể chất và
tiêu chuẩn đánh giá, xếp loại thể lực học sinh, sinh viên. Học sinh, sinh viên
có những bệnh lý bẩm sinh được tham gia tập luyện với nội dung và hình thức phù
hợp.
e) Học sinh, sinh viên được nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục
các cấp cử tham gia các cuộc thi thể thao phải nghỉ học quá thời gian theo quy
định, nhà trường có trách nhiệm tổ chức dạy học bổ sung kiến thức, bảo đảm đủ
điều kiện để tham dự các kỳ thi, các tín chỉ theo quy định.
g) Học sinh, sinh viên là
vận động viên tập trung tập luyện ở đội tuyển quốc gia hoặc ở trung tâm đào tạo
vận động viên các tỉnh, thành, ngành và quốc gia được cơ quan quản lý giáo dục
các cấp tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục được học tập thường xuyên nhằm bảo
đảm hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông và trình độ đào tạo theo độ tuổi
với hình thức phù hợp.
h) Được hưởng các quyền
khác của người học theo quy định hiện hành.
Chương
IV
TÀI CHÍNH VÀ CƠ
SỞ VẬT CHẤT
Điều
8. Tài chính
1. Nguồn ngân sách nhà nước
hằng năm để tổ chức hoạt động thể thao.
2. Nguồn tài trợ, hỗ trợ của
các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật; các
nguồn kinh phí hợp pháp khác cho hoạt động tập luyện và thi đấu thể thao.
3. Nguồn kinh phí từ việc
khai thác dịch vụ các công trình thể thao của nhà trường phục vụ cho việc xây mới,
bảo trì và phát triển phong trào thể thao trong nhà trường, trên nguyên tắc ưu
tiên bảo đảm nhu cầu học tập và tập luyện của học sinh, sinh viên.
Điều
9. Cơ sở vật chất
1. Các ban, ngành, đoàn thể,
địa phương tạo điều kiện cho các nhà trường được sử dụng: sân, bãi tập, nhà tập
luyện đa năng, phòng tập, bể bơi và trang thiết bị thể thao trên địa bàn phục vụ
công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường.
2. Tăng cường công tác xã
hội hoá để thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải
tạo các công trình thể thao, trang thiết bị tập luyện trong nhà trường và cộng
đồng để đáp ứng nhu cầu hoạt động thể thao của học sinh, sinh viên.
Chương
V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều
10. Trách nhiệm của các sở giáo dục và đào tạo
1. Hằng năm, kiểm tra và
đánh giá việc thực hiện Thông tư này để nắm bắt thực trạng, kịp thời chỉ đạo,
hướng dẫn và đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh các quy định phù hợp với thực
tế.
2. Tổ chức các lớp bồi dưỡng,
nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và cử cán bộ quản lý, giáo viên giáo dục
thể chất tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng, hội thảo để cập nhật thông tin,
nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
3. Tạo điều kiện để tăng
cường xây mới, sửa chữa nâng cao số lượng, chất lượng cơ sở vật chất phục vụ hoạt
động học, tập luyện và thi đấu các môn thể thao của học sinh.
4. Hằng năm, chỉ đạo, tổ
chức các hoạt động thi đấu thể thao các cấp cho học sinh với quy mô và hình thức
phù hợp với điều kiện thực tiễn để phát triển phong trào thể thao trường học. Cử
đoàn tham gia các hoạt động thi đấu thể thao do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Thể
thao học sinh Việt Nam tổ chức.
5. Chỉ đạo, kiểm tra, tổ
chức Hội khoẻ Phù Đổng theo định kì:
a) Cấp trường: Tổ chức một
năm/một lần vào dịp kỷ niệm các ngày lễ.
b) Cấp quận, huyện, thành
phố (trực thuộc tỉnh): Tổ chức hai năm/một lần.
c) Cấp tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương: Tùy vào điều kiện thực tế của từng địa phương, tổ chức hai
năm/một lần hoặc bốn năm/một lần.
d) Hội khoẻ Phù Đổng toàn
quốc: Tổ chức bốn năm/một lần.
Điều
11. Trách nhiệm của các nhà trường
1. Triển khai thực hiện
nghiêm túc Thông tư này và nội dung chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan quản lý giáo
dục cấp trên.
2. Thực hiện việc đánh
giá, xếp loại thể lực học sinh, sinh viên theo quy định.
3. Bố trí giáo viên, giảng
viên giáo dục thể chất tham gia hướng dẫn, tổ chức, quản lý các câu lạc bộ thể
thao và hoạt động thi đấu thể thao.
4. Xây dựng kế hoạch, tạo
điều kiện cho giáo viên, giảng viên giáo dục thể chất được đào tạo, bồi dưỡng
nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; được tham gia nghiên cứu khoa học;
tham gia hướng dẫn, tổ chức các hoạt động tập luyện và thi đấu thể thao; huấn
luyện đội tuyển tham gia thi đấu giải thể thao các cấp.
5. Xây dựng kế hoạch tổ chức
các hoạt động thể thao cho học sinh, sinh viên trong nhà trường và cử đoàn tham
gia các hoạt động thi đấu thể thao do cơ quan quản lý giáo dục các cấp, Hội Thể
thao học sinh Việt Nam, Hội Thể thao Đại học và Chuyên nghiệp Việt Nam tổ chức.
6. Hằng năm, có kế hoạch
xây dựng, tu sửa, bảo quản và sử dụng cơ sở vật chất; mua mới và bổ sung trang
thiết bị, dụng cụ thể dục, thể thao phục vụ môn học Giáo dục thể chất và các hoạt
động thể thao.
Điều
12. Trách nhiệm của Hội thể thao học sinh Việt Nam, Hội thể thao Đại học và
Chuyên nghiệp Việt Nam
1. Tổ chức, tham gia các
hoạt động thi đấu thể thao trong nước cấp toàn quốc và quốc tế cho học sinh,
sinh viên thực hiện theo kế hoạch, chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Đại diện học sinh, sinh
viên Việt Nam tham gia thành viên chính thức, thực hiện theo Điều lệ của các tổ
chức thể thao học sinh, sinh viên khu vực, châu lục và thế giới.
Điều
13. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp
1. Bố trí kinh phí, tạo điều
kiện thuận lợi về quỹ đất và đầu tư xây công trình thể thao phục vụ công tác
giáo dục thể chất và thể thao trường học; huy động nguồn lực, đẩy mạnh xã hội
hóa phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương để phát triển thể thao trường học.
2. Lồng ghép nội dung quy
hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học trên địa
bàn phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
3. Chỉ đạo cơ quan quản lý
giáo dục phối hợp với cơ quan quản lý thể dục, thể thao khai thác, sử dụng cơ sở
vật chất, trang thiết bị, dụng cụ thể dục, thể thao tại địa phương để phục vụ
công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học.
4. Hỗ trợ đầu tư xây dựng
cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ thể dục, thể thao phục vụ giáo dục thể
chất và thể thao trường học đối với các cơ sở giáo dục tại địa bàn vùng sâu,
vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó
khăn.
5. Phê duyệt kế hoạch và bố
trí kinh phí cho cơ quan quản lý giáo dục các cấp tổ chức các hoạt động thi đấu
thể thao cho học sinh, cán bộ quản lý, nhà giáo và tham gia các hoạt động thể
thao do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Thể thao học sinh Việt Nam, Hội Thể thao Đại
học và Chuyên nghiệp Việt Nam tổ chức.
Chương
VI
ĐIỀU KHOẢN THI
HÀNH
Điều
14. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực
kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2021.
2.
Thông tư này thay thế các quy định về nội dung hoạt động thể thao tại Quyết định
số 14/2001/QĐ-BGDĐT ngày 03 tháng 5 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
về việc ban hành Quy chế giáo dục thể chất và y tế trường học; thay thế Quyết định
số 72/2008/QĐ-BGDĐT ngày 23 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào
tạo về việc ban hành quy định tổ chức hoạt động thể thao ngoại khóa cho học
sinh, sinh viên.
Điều
15. Trách nhiệm thi hành
Chánh Văn phòng, Vụ trưởng
Vụ Giáo dục Thể chất, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Giám
đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc
Liêu; Giám đốc đại học, học viện; Hiệu trưởng trường đại học, cao đẳng sư phạm,
trung cấp sư phạm; tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành
Thông tư này./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ủy ban VHGDTNTNNĐ của Quốc hội;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Bộ Tư pháp (Cục KTVBQPPL);
- ỦBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Bộ trưởng;
- Công báo;
- Như điều 15;
- Cổng TTĐT Chính phủ;
- Cổng TTĐT Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Lưu: VT, Vụ PC, Vụ GDTC.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Ngô Thị Minh
|