UỶ BAN NHÂN
DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
27/2012/QĐ-UBND
|
Điện Biên,
ngày 14 tháng 12 năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ DẠY THÊM, HỌC THÊM TRÊN ĐỊA BÀN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;
Căn cứ Luật Giáo dục năm 2005; Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25/11/2009;
Căn cứ Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày
16/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ban hành Quy định về dạy thêm, học
thêm; Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm
theo Quyết định này Quy định về quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Điện
Biên.
Điều 2. Quyết định này
có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định
số 19/2010/QĐ-UBND ngày 10/9/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định về
dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Điều 3. Chánh Văn phòng
UBND tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Thủ trưởng các Sở, Ban ngành tỉnh,
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các tổ chức,
cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Phạm Xuân Kôi
|
QUY ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ DẠY THÊM, HỌC THÊM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 27/2012/QĐ-UBND ngày 14 tháng 12 năm
2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
và đối tượng áp dụng
1. Quy định này quy định về trách nhiệm của cơ
quan, tổ chức, cá nhân trong việc quản lý dạy thêm, học thêm; trình
tự, thủ tục và thẩm quyền cấp, gia hạn và thu hồi giấy phép dạy thêm; thanh
tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; điều kiện bảo đảm chất lượng dạy thêm, học
thêm; mức thu và sử dụng tiền dạy thêm.
2. Quy định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức
và cá nhân có liên quan đến việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Điện
Biên.
Điều 2. Mục đích của việc
dạy thêm, học thêm
Việc dạy thêm, học thêm nhằm mục đích rèn luyện
kĩ năng, củng cố, mở rộng, nâng cao kiến thức, giáo dục nhân cách đối với người
học và quản lý học sinh ngoài giờ học chính khóa theo yêu cầu của gia đình người
học.
Điều 3. Nguyên tắc dạy
thêm, học thêm
1. Nguyên tắc dạy thêm, học thêm phải thực hiện
đúng theo quy định tại Điều 3 của Quy định về dạy thêm, học thêm ban hành kèm
theo Thông tư số: 17/2012/ TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và
Đào tạo (sau đây gọi tắt là Thông tư số: 17/2012/TT-BGDĐT) và tại quy định này.
2. Không dạy thêm quá số buổi và thời gian quy định.
3. Việc tổ chức dạy thêm, học
thêm phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép.
4. Những trường hợp dạy thêm, học thêm không
đúng quy định phải được đình chỉ hoạt động và xử lý kịp thời theo quy định của
pháp luật.
Điều 4. Các trường hợp không
được dạy thêm; dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường
Các trường hợp không được dạy thêm; tổ chức dạy
thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường phải đúng theo quy định tại các Điều
4, 5, 6 của Quy định về dạy thêm, học thêm ban hành kèm theo Thông tư số
17/2012/TT-BGDĐT .
Chương II
TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ CỦA
CƠ QUAN, TỔ CHỨC VỀ DẠY THÊM, HỌC THÊM VÀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC, THẨM QUYỀN CẤP,
GIA HẠN VÀ THU HỒI GIẤY PHÉP DẠY THÊM
Điều 5. Trách nhiệm của Sở
Giáo dục và Đào tạo
1. Thực hiện trách nhiệm tại Điều 16 của Quy định
về dạy thêm, học thêm ban hành kèm theo Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT .
2. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan
triển khai tổ chức thực hiện, trình công bố bổ sung thủ tục hành chính, đôn đốc,
kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm của tổ chức,
cá nhân về dạy thêm, học thêm theo thẩm quyền.
3. Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành
các văn bản quy phạm pháp luật; văn bản chỉ đạo, quản lý, kiểm tra, xử lý theo
thẩm quyền.
Điều 6. Trách nhiệm của Ủy
ban nhân dân cấp huyện
1. Thực hiện trách nhiệm tại Điều 17 Quy định về
dạy thêm, học thêm ban hành kèm theo Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT .
2. Chỉ đạo và triển khai tổ chức thực hiện những
quy định của pháp luật về dạy thêm, học thêm trên địa bàn quản lý.
3. Phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện
trách nhiệm quản lý, kiểm tra, đôn đốc, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố
cáo của tổ chức, cá nhân về dạy thêm, học thêm trên địa bàn quản lý theo thẩm
quyền.
Điều 7. Trách nhiệm của
Phòng Giáo dục và Đào tạo
1. Thực hiện trách nhiệm tại Điều 18 của Quy định
về dạy thêm, học thêm ban hành kèm theo Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT .
2. Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã và các cơ
quan, tổ chức có liên quan trong việc tham mưu và giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện
chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện; đôn đốc, kiểm tra, thanh tra, giải quyết
khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân về dạy thêm, học thêm theo thẩm quyền.
Điều 8. Trách nhiệm của Hiệu
trưởng nhà trường và thủ trưởng các cơ sở giáo dục
1. Thực hiện trách nhiệm tại Điều 19 của Quy định
về dạy thêm, học thêm ban hành kèm theo Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT .
2. Tổ chức và quản lý dạy thêm, học thêm trong
nhà trường, đảm bảo quyền lợi của người dạy và người học; kiểm tra hoạt động dạy
thêm, học thêm trong nhà trường và ngoài nhà trường của
giáo viên, cán bộ, nhân viên do trường mình quản lý.
3. Chấp hành và thực hiện nghiêm túc quy định của
pháp luật về dạy thêm, học thêm và những quyết định khác về dạy thêm, học thêm
của cơ quan có thẩm quyền.
4. Phối hợp với các cơ quan chức năng trong quản
lý, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm
của tổ chức, cá nhân về dạy thêm, học thêm có liên quan đến nhà trường và cơ sở
giáo dục.
Điều 9. Trách nhiệm của tổ
chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường
1. Thực hiện trách nhiệm tại Điều 20 của Quy định
về dạy thêm, học thêm ban hành kèm theo Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT .
2. Chấp hành và thực hiện nghiêm túc quyết định
kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo về dạy thêm, học
thêm của cơ quan, người có thẩm quyền.
Điều 10. Trình tự, thủ tục,
thẩm quyền cấp, gia hạn và thu hồi giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học
thêm
1. Trình tự, thủ tục cấp, gia hạn và thu hồi giấy
phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm thực hiện theo quy định tại các Điều
13, 14 của Quy định về dạy thêm, học thêm ban hành kèm theo Thông tư số
17/2012/TT-BGDĐT .
2. Tổ chức, cá nhân xin cấp giấy phép tổ chức hoạt
động dạy thêm, học thêm lập 01 bộ hồ sơ, bao gồm những nội dung được quy định tại
Điều 12 Quy định về dạy thêm, học thêm ban hành kèm theo Thông tư số
17/2012/TT-BGDĐT .
3. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện cấp
giấy phép, gia hạn giấy phép, thu hồi giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học
thêm đối với các trường hợp dạy thêm, học thêm có nội dung thuộc chương trình
trung học phổ thông, bổ túc trung học phổ thông hoặc thuộc nhiều chương trình
nhưng có chương trình cao nhất là chương trình trung học phổ thông;
4. Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thực hiện cấp
giấy phép, gia hạn giấy phép, thu hồi giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học
thêm đối với các trường hợp tổ chức dạy thêm, học thêm có nội dung thuộc chương
trình tiểu học, trung học cơ sở hoặc thuộc nhiều chương trình nhưng có chương
trình cao nhất là chương trình trung học cơ sở.
Chương III
ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM CHẤT
LƯỢNG VÀ MỨC THU, SỬ DỤNG TIỀN HỌC THÊM
Điều 11. Tiêu chuẩn đối với
người dạy thêm; người tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; Cơ sở vật chất phục
vụ dạy thêm, học thêm
Thực hiện theo quy định tại các Điều 8, 9, 10 của
Quy định về dạy thêm, học thêm ban hành kèm theo Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT .
Điều 12. Số lượng học sinh,
thời gian, địa điểm dạy thêm học thêm
1. Số lượng học sinh tối đa không quá 45 học
sinh trên một lớp.
2. Địa điểm dạy thêm, học thêm trong nhà trường
do Ban Giám hiệu nhà trường sắp xếp.
3. Địa điểm dạy thêm, học
thêm ngoài nhà trường do tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm chuẩn bị.
4. Thời gian dạy thêm, học thêm đối với các lớp
học trong nhà trường.
a) Thời gian học thêm đối với cấp Trung học cơ sở
tối đa 02 buổi/tuần/lớp (mỗi buổi không quá 03 tiết);
b) Thời gian học thêm đối với cấp Trung học phổ
thông, Bổ túc trung học phổ thông tối đa 03 buổi/tuần/lớp (mỗi buổi không quá
04 tiết);
c) Trường hợp ôn thi tuyển sinh vào lớp 10 trung
học phổ thông, ôn thi tốt nghiệp Trung học phổ thông thời gian học thêm tối đa
05 buổi/tuần/lớp (mỗi buổi không quá 04 tiết);
d) Trường hợp ôn thi tuyển sinh cao đẳng, đại học:
Các nhà trường bố trí thời gian phù hợp với nguyện vọng của người học sao cho
không quá 3 buổi/tuần/lớp (mỗi buổi không quá 4 tiết).
e) Trường hợp các nhà trường tổ chức đồng thời
hai loại hình ôn thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và ôn thi tuyển sinh cao đẳng,
đại học thì tổng thời gian học thêm không được tổ chức quá 05 buổi/tuần.
5. Thời gian dạy thêm, học
thêm đối với các lớp học do tổ chức, cá nhân khác tổ chức dạy thêm, học thêm
ngoài nhà trường do tổ chức, cá nhân thỏa thuận với người học về thời gian dạy
thêm, học thêm cho phù hợp.
Điều 13. Mức thu tiền học
thêm
1. Mức thu tiền của học sinh để chi trả cho 01
tiết dạy thêm của giáo viên (bao gồm cả việc chi cho công tác quản lý, cơ sở vật
chất, quỹ phúc lợi) căn cứ vào mức lương tối thiểu chung
theo quy định hiện hành và được thu theo tháng. Cụ thể:
a) Dạy thêm cho những học sinh có nguyện vọng củng
cố, bổ sung kiến thức; ôn thi tuyển sinh Trung học phổ thông cho học sinh lớp
9; ôn thi tốt nghiệp Trung học phổ thông cho học sinh lớp 12: mức thu tiền học
thêm không vượt quá 12% mức lương tối thiểu chung/một tiết dạy;
b) Trong trường hợp ôn thi tuyển sinh đại học,
cao đẳng cho học sinh lớp 12: Mức thu tiền học thêm không vượt quá 18% mức
lương tối thiểu chung/một tiết dạy.
2. Đối với các lớp dạy thêm, học thêm ngoài nhà
trường mức thu để chi trả cho một tiết dạy do người dạy và người học thoả thuận,
nhưng không vượt quá 110% mức thu của từng đối tượng quy định tại điểm a, b khoản
1 Điều này.
Điều 14. Quản lý và sử dụng
tiền dạy thêm, học thêm
1. Nhà trường, cơ sở giáo dục và tổ chức, cá
nhân khác tổ chức dạy thêm, học thêm có trách nhiệm thực hiện đúng quy định của
pháp luật về quản lý tài chính.
2. Nội dung chi đối với tiền thu học thêm trong
nhà trường:
a) Chi thù lao 80% cho giáo viên trực tiếp giảng
dạy;
b) Chi 10% cho công tác quản lý tại cơ sở;
c) Chi 5% cho tiền
điện, nước, vệ sinh, mua sắm tài liệu, dụng cụ dạy thêm, bù hao mòn tài sản phục
vụ dạy thêm, học thêm;
d) Chi 5% cho quỹ
phúc lợi.
3. Nội dung chi đối với tiền thu học thêm ngoài
nhà trường được sử dụng, chi trả theo sự thỏa thuận giữa tổ chức, cá nhân tổ chức
dạy thêm và người trực tiếp giảng dạy.
Chương IV
THANH TRA, KIỂM TRA, XỬ
LÝ VI PHẠM VỀ DẠY THÊM, HỌC THÊM VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 15. Tổ chức thực hiện
Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chủ trì,
phối hợp với các Sở, ban, ngành, các tổ chức và đơn vị có liên quan, Ủy ban
nhân dân cấp huyện triển khai và hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Quy định về dạy
thêm, học thêm ban hành kèm theo Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT và Quy định này
trên địa bàn tỉnh.
Điều 16. Công tác thanh tra,
kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực dạy thêm, học thêm
1. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm
về dạy thêm, học thêm được thực hiện theo quy định tại Điều 21, 22 của Quy định
về dạy thêm, học thêm ban hành kèm theo Thông tư số: 17/2012/TT-BGDĐT và theo
Quy định này.
2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; cán
bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quản lý vi phạm quy định về dạy thêm, học
thêm thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.
3. Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về dạy thêm,
học thêm, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của
pháp luật./.