ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH NINH BÌNH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 109/KH-UBND
|
Ninh Bình,
ngày 29 tháng 8 năm 2019
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 35/NQ-CP NGÀY 04/06/2019
CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TĂNG CƯỜNG HUY ĐỘNG CÁC NGUỒN LỰC CỦA XÃ HỘI ĐẦU TƯ CHO PHÁT
TRIỂN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO GIAI ĐOẠN 2019 - 2025
Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/6/2019
của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát
triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2025, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành
Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Tổ chức, triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm
vụ và giải pháp chủ yếu đã xác định trong Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/6/2019
của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát
triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2025 đối với các cấp, các ngành, các
địa phương.
2. Yêu cầu
- Cụ thể hóa Nghị quyết về tăng cường huy động các nguồn
lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025 của
Chính phủ; xác định các nhiệm vụ trọng tâm, đảm bảo thực hiện hiệu quả Nghị quyết,
đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu
của cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.
- Các cấp, các ngành, các địa phương căn cứ vào nhiệm
vụ được giao chủ động thực hiện mục tiêu của Chính phủ và nghiêm túc tổ chức thực
hiện theo Kế hoạch này.
II. THỰC TRẠNG MẠNG LƯỚI TRƯỜNG, LỚP,
QUY MÔ CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC NGOÀI CÔNG LẬP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH, DỰ KIẾN QUY MÔ MẠNG
LƯỚI TRƯỜNG, LỚP GIAI ĐOẠN 2019-2025
1. Thực trạng mạng lưới trường,
lớp, quy mô các cơ sở giáo dục ngoài công lập trên địa bàn tỉnh
Sau hơn 10 năm thực hiện chủ trương của Đảng và các
chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo, công tác
huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước thông qua đóng góp, đầu tư của
các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng và đông đảo nhân dân (gọi chung
là các nguồn lực của xã hội) cho phát triển giáo dục đào tạo đã đạt được những
kết quả nhất định, thu hút đáng kể nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục và
đào tạo, nhất là phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Đến tháng 6/2019, trên địa bàn tỉnh hiện có 503 cơ sở
giáo dục (Mầm non: 155; Tiểu học: 153; THCS: 142; THPT: 26; Trung tâm GDTX, Tin
học và Ngoại ngữ: 01; Giáo dục nghề nghiệp: 25; Đại học: 01) với tổng số
251.250 học sinh/học viên/sinh viên; trong đó có 18 cơ sở giáo dục ngoài công lập
với 9.040 học sinh/học viên chiếm tỷ lệ 3,60%. Cụ thể:
- Đối với giáo dục mầm non:
Toàn tỉnh có 155 trường mầm non với 75.044 học sinh, trong đó có 148 trường
công lập, 07 trường tư thục (ngoài ra có 98 nhóm lớp độc lập tư thục). Số học
sinh trong các cơ sở tư thục là 6.680 chiếm tỷ lệ 8,9%. Số trẻ em ở độ tuổi nhà
trẻ được huy động đến lớp đạt tỷ lệ 55,1% dân số độ tuổi, mẫu giáo đạt 97,1%
dân số độ tuổi.
- Đối với giáo dục phổ
thông: Toàn tỉnh có 321 cơ sở giáo dục (Tiểu học: 153; THCS: 142; THPT: 26) với
158.557 học sinh; trong đó có 01 trường tiểu học tư thục với 31 học sinh, 02
trường THPT tư thục với 679 học sinh, tỷ lệ học sinh ngoài công lập chiếm
0,45%:
+ Giáo dục tiểu học: Toàn tỉnh có 153 trường với
80.760 học sinh, trong đó có 01 trường tư thục với 31 học sinh chiếm tỷ lệ
0,04%;
+ Giáo dục THCS: Toàn tỉnh
có 142 trường công lập với 52.447 học sinh;
+ Giáo dục THPT: Toàn tỉnh có 26 trường với 25.350 học
sinh, trong đó có 02 trường tư thục với 679 học sinh chiếm tỷ lệ 2,68%.
- Đối với giáo dục nghề nghiệp:
Toàn tỉnh có 25 cơ sở giáo dục với 12.858 sinh viên, học viên; trong đó có 08
cơ sở tư thục với 1.650 học viên, chiếm tỷ lệ 12,83%.
- Đối với giáo dục đại học:
Toàn tỉnh có 01 trường đại học công lập với quy mô 1.187 sinh viên.
(Chi tiết số liệu theo Phụ lục số 01 kèm theo)
2. Dự
kiến quy mô mạng lưới trường, lớp giai đoạn 2019-2025
Trong giai đoạn 2019-2025 do tăng dân số độ tuổi, tăng
tỷ lệ huy động trẻ ra lớp, mạng lưới trường, lớp học mầm non, phổ thông cần được
phát triển mở rộng quy mô trường, lớp; đặc biệt khuyến khích phát triển các cơ
sở giáo dục ngoài công lập để đáp ứng nhu cầu học tập, giảm quá tải cho các cơ
sở công lập.
(Chi tiết số liệu theo Phụ lục số 02, 03, 04, 05,
06 kèm theo)
III. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội, tạo bước
chuyển biến rõ rệt, thực chất trong thu hút, sử dụng và quản lý các nguồn lực của
các cá nhân, tổ chức ở trong và ngoài nước đầu tư cho phát triển giáo dục và
đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của
cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.
2. Mục
tiêu cụ thể
Đẩy mạnh huy động các nguồn lực của xã hội, thúc đẩy sự
phát triển của các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Cụ thể:
2.1. Đến năm 2020
Phấn đấu số cơ sở giáo dục ngoài công lập đạt tỷ lệ
3,77% số cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh và số học sinh, sinh viên học tập tại
các cơ sở giáo dục ngoài công lập đạt tỷ lệ 3,90%. Cụ thể:
- Đối với giáo dục mầm non, đặc biệt là ở các khu công
nghiệp, cụm công nghiệp, những khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh hoặc có số trẻ
em trong độ tuổi đi học mầm non, mẫu giáo tăng nhanh do di dân cơ học, số cơ sở
giáo dục mầm non ngoài công lập đạt tỷ lệ ít nhất là 4,52%, tương ứng với số trẻ
em theo học đạt ít nhất là 10%;
- Đối với giáo dục phổ thông, tỷ lệ cơ sở và số học
sinh theo học tại các trường phổ thông ngoài công lập đạt lần lượt là 0,93% và
0,58%;
- Đối với giáo dục nghề nghiệp, phấn đấu tỷ lệ cơ sở
và số học sinh, sinh viên theo học tại các cơ sở ngoài công lập đạt lần lượt là
35% và 13,5%;
- Đối với giáo dục đại học: Duy trì, củng cố, nâng cao
quy mô, chất lượng của Trường Đại học Hoa Lư.
(Chi tiết số liệu theo Phụ
lục số 07 kèm theo)
2.2. Đến năm 2025
Phấn đấu số cơ sở giáo dục ngoài công lập đạt tỷ lệ
6,91% số cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh và số học sinh, sinh viên học tập tại
các cơ sở giáo dục ngoài công lập đạt tỷ lệ 6,41%. Cụ thể:
- Đối với giáo dục mầm non, đặc biệt là ở các khu công
nghiệp, cụm công nghiệp, những khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh hoặc có số trẻ
em trong độ tuổi đi học mầm non, mẫu giáo tăng nhanh do di dân cơ học, số cơ sở
giáo dục mầm non ngoài công lập đạt tỷ lệ ít nhất là 6,92%, tương ứng với số trẻ
em theo học đạt ít nhất là 15%;
- Đối với giáo dục phổ thông, tỷ lệ cơ sở và số học
sinh theo học tại các trường phổ thông ngoài công lập đạt lần lượt là 3,93% và
2,05%;
- Đối với giáo dục nghề nghiệp, phấn đấu tỷ lệ cơ sở
và số học sinh, sinh viên theo học tại các cơ sở ngoài công lập đạt lần lượt là
40% và 20%;
- Đối với giáo dục đại học:
Duy trì, củng cố, nâng cao quy mô, chất lượng của Trường Đại học Hoa Lư.
(Chi tiết số liệu theo Phụ
lục số 08 kèm theo)
IV. KINH
PHÍ THỰC HIỆN
Nguồn kinh phí thực hiện kế
hoạch bao gồm:
- Kinh phí của các tổ chức, cá nhân tham gia thành lập
các cơ sở giáo dục ngoài công lập và các nguồn huy động, đóng góp hợp pháp
khác;
- Nguồn ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán chi
ngân sách nhà nước hàng năm của địa phương.
V. GIẢI
PHÁP THỰC HIỆN
1.
Hoàn thiện thể chế
- Rà soát hệ thống các văn bản, chính sách về xã hội
hóa đã ban hành của tỉnh, hệ thống hóa các quy định về huy động các nguồn lực
xã hội cho giáo dục theo từng lĩnh vực và nhóm vấn đề cụ thể, phát hiện những
quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn và còn thiếu, đề xuất hướng chỉnh sửa, bổ
sung, thay thế hoặc bãi bỏ cho phù hợp; kịp thời cập nhật những chủ trương, định
hướng mới về xã hội hóa và có liên quan;
- Tham mưu hoàn thiện khung khổ pháp lý về địa vị pháp
lý, quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức đầu tư cho giáo dục
và các cơ sở giáo dục ngoài công lập; về sử dụng các nguồn kinh phí ngoài ngân
sách nhà nước;
- Tham mưu đổi mới cơ chế phân bổ nguồn lực, quản lý,
cấp phát ngân sách nhà nước theo hướng Nhà nước bảo đảm đầu tư cho các dịch vụ
sự nghiệp công cơ bản thiết yếu (giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông); chuyển
từ hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục sang hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính
sách, chuyển từ hỗ trợ theo cơ chế cấp phát bình quân sang cơ chế Nhà nước đặt
hàng;
- Tham mưu từng bước xây dựng, ban hành chính sách về
quyền lợi của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được tuyển dụng, làm
việc tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập (bao gồm cả các cơ sở giáo dục nghề
nghiệp ngoài công lập) trên địa bàn tỉnh, bảo đảm ít nhất ngang bằng với quyền
lợi của đội ngũ nhà giáo làm việc tại các cơ sở giáo dục công lập.
2. Cải
thiện môi trường đầu tư
- Rà soát các điều kiện đầu tư, các chính sách thuế,
chính sách đất đai trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh cải cách thủ tục
hành chính, cắt giảm các thủ tục không cần thiết, đơn giản hóa quy trình thủ tục
cho nhà đầu tư; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm bảo đảm thông tin
thông suốt, minh bạch; giải quyết kịp thời những thắc mắc của nhà đầu tư trong
quá trình thành lập, hoạt động của các cơ sở giáo dục ngoài công lập;
- Ưu tiên những vị trí thuận lợi trong quy hoạch sử dụng
đất cho xây dựng các trường học, khu vui chơi giải trí cho người dân.
- Bảo đảm đối xử bình đẳng và tạo môi trường cạnh
tranh công bằng, minh bạch; không phân biệt cơ sở giáo dục công lập và cơ sở
giáo dục ngoài công lập, người học đều được tiếp cận cơ hội giáo dục và hưởng lợi
từ các chính sách phát triển giáo dục của Đảng, Nhà nước và của tỉnh;
- Tạo điều kiện thuận lợi về giấy phép lao động để
khuyến khích các nhà trí thức, doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài
đang hoạt động tại Việt Nam và nước ngoài đóng góp công sức, trí tuệ và tài
chính cho phát triển giáo dục và đào tạo.
3. Đẩy mạnh
giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục công lập
Tiếp tục thực hiện đổi mới
cơ chế quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp các dịch vụ sự
nghiệp công cả về tổ chức - nhân sự, tài chính - tài sản, phân phối thu nhập, hợp
tác, liên doanh, liên kết... theo tinh thần của Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị
lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Chương trình hành động số
23-CTr/TU ngày 26/02/2018 của Tỉnh ủy Ninh Bình về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ
chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự
nghiệp công lập; Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về cơ
chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập và các văn bản pháp luật liên quan nhằm
thu hút sự đóng góp, tài trợ của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và
ngoài nước dưới các hình thức khác nhau, giúp chia sẻ trách nhiệm cung cấp dịch
vụ công của nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, tạo nguồn lực bổ sung để đầu tư,
đổi mới cơ sở vật chất, trang thiết bị, công nghệ dạy học, nâng cao chất lượng
giáo dục tiệm cận trình độ những nền giáo dục tiên tiến của khu vực và quốc tế.
Trong đó, chú trọng các giải pháp sau:
- Đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh
vực giáo dục theo cơ chế thị trường, trong đó xác định rõ các đơn vị cung cấp dịch
vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực giáo dục không sử dụng ngân sách nhà nước, đơn
vị được quyết định các khoản thu, mức thu bảo đảm bù đắp chi phí hợp lý, có
tích lũy để thu hút nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế ngoài nhà nước tham
gia cung ứng dịch vụ;
- Đổi mới cơ cấu sử dụng nguồn ngân sách nhà nước theo
hướng tăng đầu tư để bảo đảm cơ sở vật chất các cơ sở giáo dục, tăng cường quyền
tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục để từng bước tăng nguồn
thu đảm bảo chi thường xuyên. Thúc đẩy áp dụng cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo
dục công lập, trước hết đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Khuyến
khích các cơ sở giáo dục công lập tự chủ tài chính;
- Từng bước thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác
công - tư (PPP) trong giáo dục, trước mắt là các dự án phát triển cơ sở hạ tầng
giáo dục.
4. Tăng cường các điều kiện bảo đảm
chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục
- Rà soát, bổ sung, ban hành các quy định về bảo đảm
và kiểm định chất lượng giáo dục, trong đó có cơ chế, chính sách bắt buộc các
cơ sở đào tạo thực hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục và kiểm định các
chương trình đào tạo của đơn vị mình;
- Thực hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục ở tất
cả các cấp học và trình độ đào tạo, đặc biệt đối với lĩnh vực giáo dục đại học
và giáo dục nghề nghiệp, công khai các điều kiện bảo đảm chất lượng và kết quả
kiểm định chất lượng giáo dục của các cơ sở giáo dục;
- Tăng cường công tác kiểm tra giám sát, kiểm tra định
kỳ, kiểm tra chuyên đề xã hội hóa đối với các cơ sở giáo dục công lập cũng như
ngoài công lập nhằm sớm phát hiện các bất cập, khó khăn, vướng mắc để kịp thời
có biện pháp hỗ trợ, hướng dẫn hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ, xử
lý; có chế tài với các cơ sở giáo dục không tuân thủ theo quy định.
5. Tiếp
tục đẩy mạnh thông tin, truyền thông
- Tuyên truyền sâu rộng về các chủ trương, chính sách
về xã hội hóa để tất cả các đối tượng liên quan (các cơ quan quản lý, nhà đầu
tư, đơn vị công lập, ngoài công lập và toàn xã hội) nhận thức đúng đắn, đầy đủ
và thực hiện có hiệu quả chủ trương huy động các nguồn lực của xã hội cho giáo
dục, khắc phục và tiến tới xóa bỏ những định kiến, phân biệt đối xử giữa khối
công lập và khối ngoài công lập;
- Phổ biến, tuyên truyền và tập huấn cho các nhà đầu
tư, người quản lý các cơ sở giáo dục ngoài công lập về các chính sách của nhà
nước, quyền và nghĩa vụ của người tham gia tài trợ, đầu tư cho các cơ sở giáo dục;
- Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước; lồng
ghép các nội dung tuyên truyền, động viên, khuyến khích người nước ngoài, người
Việt Nam ở nước ngoài đầu tư, đóng góp cho giáo dục trong các chương trình, hội
nghị, sự kiện, hoạt động đối ngoại chính thức và ngoại giao nhân dân;
- Chú trọng thực hiện các hình thức ghi nhận, tôn vinh
những cá nhân, tổ chức có đóng góp, tài trợ cho giáo dục, tuyên dương và phát động
nhân rộng những gương điển hình đóng góp cho sự nghiệp giáo dục;
- Tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp lý và chuyên
môn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan quản lý và cơ
sở giáo dục trong việc thu hút và quản lý các nguồn lực huy động.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Là cơ quan thường trực. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa
phương triển khai thực hiện Kế hoạch; tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ thực
hiện Kế hoạch, định kỳ hàng năm báo cáo UBND tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo kết
quả thực hiện;
- Thường xuyên rà soát các điều kiện đầu tư và hoạt động
trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo để tham mưu cắt giảm các điều kiện không cần
thiết, đơn giản hóa thủ tục hành chính;
- Tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các địa
phương chú trọng phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập trong quy hoạch mạng
lưới và các chiến lược, kế hoạch phát triển giáo dục trên địa bàn.
2. Sở
Kế hoạch và Đầu tư
- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát các điều
kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo để tham mưu cắt giảm
các điều kiện không cần thiết, đơn giản hóa thủ tục hành chính;
- Chủ trì thẩm định nguồn vốn, khả năng cân đối vốn đối
với phần vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh tham gia thực hiện các dự án đầu tư theo
hình thức đối tác công - tư trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; tổng hợp kế hoạch
đầu tư công để thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư
trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng
năm;
- Cập nhật, bổ sung danh mục ưu tiên thu hút đầu tư và
kêu gọi đầu tư dự án xây dựng Trường quốc tế giai đoạn 2020 - 2025; nghiên cứu
các mô hình thu hút nguồn vốn FDI vào phát triển dịch vụ giáo dục.
3. Sở
Tài chính
- Rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung quy
định về xã hội hóa đối với các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông ở các địa
bàn có khả năng xã hội hóa cao;
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư trong việc rà
soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích ưu đãi tạo điều kiện đẩy mạnh
cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường và thúc đẩy xã hội hóa
trong việc cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công;
- Căn cứ vào khả năng cân đối của ngân sách tỉnh, tham
mưu bố trí nguồn kinh phí thường xuyên để triển khai thực hiện Kế hoạch này
theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.
4. Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu
cho UBND tỉnh ban hành các chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào hoạt
động giáo dục nghề nghiệp; chủ trì, phối hợp các ngành liên quan triển khai thực
hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ học sinh học nghề; hàng năm, phối hợp
thực hiện lập dự toán kinh phí hỗ trợ chi phí học tập, chi phí đào tạo theo các
chính sách, các chương trình, dự án, đề án để thực hiện tốt công tác hỗ trợ cho
các đối tượng chính sách theo quy định khi tham gia học tại các cơ sở giáo dục
nghề nghiệp;
- Triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp nâng
cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gắn với giải quyết việc làm, tạo việc làm
và xuất khẩu lao động cho lực lượng học sinh sau tốt nghiệp khóa học nghề. Kiểm
tra, giám sát tình hình thực hiện liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục nghề
nghiệp trên địa bàn tỉnh; đánh giá chất lượng và hiệu quả đào tạo; định kỳ tổng
hợp báo cáo kết quả liên kết đào tạo và đề xuất kiến nghị các giải pháp nâng
cao hiệu quả thực hiện kế hoạch;
- Thường xuyên rà soát, cập nhật các điều kiện đầu tư
và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp để tham mưu cho UBND tỉnh đơn
giản hóa các thủ tục hành chính về hoạt động giáo dục nghề nghiệp; thủ tục cấp,
gia hạn giấy phép lao động cho người nước ngoài tham gia giảng dạy, nghiên cứu
khoa học trên địa bàn tỉnh;
- Thực hiện thanh tra, kiểm tra giám sát, hướng dẫn về
xã hội hóa đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
5. Sở
Tài nguyên và Môi trường
- Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương
ưu tiên bố trí quỹ đất dành cho giáo dục trong quy hoạch sử dụng đất của địa
phương; rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đất đai, trong đó có
thủ tục giao đất, cho thuê đất phục vụ cho phát triển giáo dục ngoài công lập;
- Chủ trì phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên
quan tổ chức rà soát, lập, điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất, Kế hoạch sử dụng đất
trên cơ sở nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực trong đó có nhu cầu phát
triển giáo dục ngoài công lập;
- Hướng dẫn các cơ sở giáo dục ngoài công lập thực hiện
các thủ tục liên quan đến đất đai, môi trường theo quy định hiện hành; thực hiện
các công tác quản lý nhà nước về đất đai, môi trường và kiểm tra, xử lý vi phạm
(nếu có) theo quy định.
6. Sở
Thông tin và Truyền thông
- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo trong công tác
tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp xã hội về các chủ trương,
chính sách của Đảng và Nhà nước về huy động các nguồn lực của xã hội cho giáo dục,
về quyền lợi và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia tài trợ, đầu tư
cho giáo dục; chú trọng phát hiện, tôn vinh và nhân rộng những gương điển hình
về tài trợ, đóng góp cho giáo dục;
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức
cho mọi tầng lớp trong xã hội về quyền bình đẳng và công bằng trong việc tiếp cận
cơ hội giáo dục và hưởng lợi từ các chính sách phát triển giáo dục giữa các cơ
sở giáo dục công lập và các cơ sở giáo dục ngoài công lập, giữa người theo học
tại cơ sở giáo dục công lập và cơ sở giáo dục ngoài công lập.
7. Ủy
ban nhân dân các huyện, thành phố
- Xây dựng Kế hoạch thực hiện tại địa phương mình; chỉ
đạo, tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch trên địa bàn với sự tham gia kiểm
tra, giám sát của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức
chính trị - xã hội của địa phương để thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch theo
đúng quy định. Định kỳ hàng năm, gửi báo cáo về Sở Giáo dục và Đào tạo để tổng
hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Xây dựng kế hoạch, lộ trình để thu hút các nguồn lực
xã hội cho phát triển giáo dục tại địa phương; ưu tiên lồng ghép các vấn đề xã
hội hóa, phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập trong các chương trình, kế
hoạch phát triển phù hợp điều kiện, mức độ phát triển kinh tế - xã hội và khả
năng chi trả của người dân tại địa phương;
- Thực hiện và rà soát quy hoạch mạng lưới các cơ sở
giáo dục theo hướng: không tiếp tục phát triển mở rộng các cơ sở giáo dục công
lập mà cần đầu tư có trọng điểm, dành ngân sách nhà nước cho các khu vực có điều
kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc một số cơ sở giáo dục trọng điểm; đẩy mạnh
tự chủ tài chính của các cơ sở giáo dục công lập với lộ trình phù hợp cho từng
cấp học; chủ động phân luồng và định hướng cho phụ huynh và người học lựa chọn
các mô hình trường không phân biệt công lập hay ngoài công lập;
- Thực hiện việc bố trí quỹ đất dành cho giáo dục, chú
trọng bảo đảm giao đất hoặc cho thuê đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng cho
chủ đầu tư; thực hiện bồi hoàn thỏa đáng cho những nhà đầu tư đã ứng trước kinh
phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án xã hội hóa theo phương án được cấp có
thẩm quyền phê duyệt; kịp thời xác nhận ưu đãi thuế (kể cả trong và sau thời
gian xây dựng); xử lý nhanh chóng, kịp thời các kiến nghị của nhà đầu tư;
- Có giải pháp cụ thể hỗ trợ lãi suất tín dụng, hỗ trợ
vốn đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, hỗ trợ tài chính, tổ chức bồi
dưỡng quản lý, chuyên môn cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cho các cơ sở
giáo dục ngoài công lập (đặc biệt là các cơ sở giáo dục mầm non tại các địa
phương đông dân, khu công nghiệp, cụm công nghiệp) từ nguồn ngân sách địa
phương, phù hợp với khả năng huy động của ngân sách và điều kiện phát triển
kinh tế - xã hội của địa phương;
- Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ
quan quản lý nhà nước tại địa phương đối với công tác xã hội hóa trong lĩnh vực
giáo dục;
- Tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở giáo dục
ngoài công lập trên địa bàn, trong đó đặc biệt chú trọng các yêu cầu về công
khai mức học phí, công khai tài chính và cam kết chất lượng.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng
các Ban, Ngành, Đoàn thể của tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
theo chức năng nhiệm vụ triển khai thực hiện Kế hoạch này. Trong quá trình thực
hiện, nếu có vướng mắc, kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét, chỉ đạo
giải quyết./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Lãnh đạo HĐND tỉnh;
- Lãnh đạo UBND tỉnh;
- Các Sở, ban ngành, đoàn thể của tỉnh có liên quan;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu VT, VP2, VP4, VP5, VP6.
5.Tr09_KHGD
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Tống Quang Thìn
|