SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY CHẾ ĐÁNH GIÁ, XẾP LOẠI
HỌC SINH TRUNG HỌC CƠ SỞ VÀ HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG BAN HÀNH KÈM THEO
THÔNG TƯ SỐ 58/2011/TT-BGDĐT NGÀY 12 THÁNG 12 NĂM 2011 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC
VÀ ĐÀO TẠO
Căn cứ Luật
Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính
phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục
và Đào tạo;
Căn cứ Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05 tháng 5 năm 2006 của Bộ
trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình giáo dục phổ thông;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung
học,
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh
trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 12 năm 2011 của Bộ
trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một
số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh
trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12 tháng
12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
1. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản
1 Điều 6 như sau:
"b) Kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét và
đánh giá bằng điểm số đối với các môn học còn lại:
- Đánh giá bằng nhận xét sự tiến bộ về thái độ,
hành vi và kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập của học sinh trong quá trình
học tập môn học, hoạt động giáo dục quy định trong Chương trình giáo dục phổ
thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
- Đánh giá bằng điểm số kết quả thực hiện các
yêu cầu về chuẩn kiến thức, kĩ năng đối với môn học quy định trong Chương trình
giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Kết quả đánh
giá theo thang điểm 10, nếu sử dụng thang điểm khác thì phải quy đổi về thang
điểm 10.".
2. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản
2 Điều 6 như sau:
"a) Đối với các môn học kết hợp giữa đánh
giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số: nhận xét sự tiến bộ về thái độ,
hành vi, kết quả học tập môn học sau mỗi học kì, cả năm học; tính điểm trung
bình môn học và tính điểm trung bình các môn học sau mỗi học kì, cả năm học;".
3. Sửa đổi, bổ sung Điều 7
như sau:
"Điều 7. Các loại kiểm tra, đánh giá; hệ
số điểm kiểm tra, đánh giá
1. Các loại kiểm tra, đánh giá
a) Kiểm tra, đánh giá thường xuyên:
- Kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện
trong quá trình dạy học và giáo dục, nhằm kiểm tra, đánh giá quá trình và kết
quả thực hiện các nhiệm vụ học tập, rèn luyện của học sinh theo chương trình
môn học, hoạt động giáo dục trong Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;
- Kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện
theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến thông qua: hỏi - đáp, viết, thuyết
trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập;
- Số lần kiểm tra, đánh giá thường xuyên không
giới hạn bởi số điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên quy định tại khoản
1 Điều 8 Thông tư này.
b) Kiểm tra, đánh giá định kì:
- Kiểm tra, đánh giá định kì được thực hiện sau
mỗi giai đoạn giáo dục nhằm đánh giá kết quả học tập, rèn luyện và mức độ hoàn
thành nhiệm vụ học tập của học sinh theo chương trình môn học, hoạt động giáo dục
quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào
tạo ban hành;
- Kiểm tra, đánh giá định kì, gồm kiểm tra, đánh
giá giữa kì và kiểm tra, đánh giá cuối kì, được thực hiện thông qua: bài kiểm
tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án học tập.
+ Thời gian làm bài kiểm tra, đánh giá định kì bằng
bài kiểm tra trên giấy hoặc trên máy tính từ 45 phút đến 90 phút, đối với môn
chuyên tối đa 120 phút. Đề kiểm tra được xây dựng dựa trên ma trận, đặc tả của
đề, đáp ứng theo mức độ cần đạt của môn học, hoạt động giáo dục quy định trong
Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
+ Đối với bài thực hành, dự án học tập phải có
hướng dẫn và tiêu chí đánh giá trước khi thực hiện.
2. Hệ số điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên và
định kì
a) Điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên (viết tắt
là ĐĐGtx): tính hệ số 1;
b) Điểm kiểm tra, đánh giá giữa kì (viết tắt là
ĐĐGgk): tính hệ số 2;
c) Điểm kiểm tra, đánh giá cuối kì (viết tắt là
ĐĐGck): tính hệ số 3.".
4. Sửa đổi, bổ sung Điều 8
như sau:
"Điều 8. Số điểm kiểm tra, đánh giá và
cách cho điểm
1. Trong mỗi học kì, số ĐĐGtx, ĐĐGgk và ĐĐGck của
một học sinh đối với từng môn học, hoạt động giáo dục (bao gồm cả chủ đề tự chọn)
như sau:
a) Kiểm tra, đánh giá thường xuyên:
- Môn học có từ 35 tiết trở xuống/năm học: 2 ĐĐGtx;
- Môn học có từ trên 35 tiết đến 70 tiết/năm học:
3 ĐĐGtx;
- Môn học có từ trên 70 tiết/năm học: 4 ĐĐGtx.
b) Kiểm tra, đánh giá định kì:
Trong mỗi học kì, một môn học có 01 (một) ĐĐGgk
và 01 (một) ĐĐGck;
2. Điểm các bài kiểm tra, đánh giá là số nguyên
hoặc số thập phân được lấy đến chữ số thập phân thứ nhất sau khi làm tròn số.
3. Những học sinh không đủ số điểm kiểm tra, đánh
giá theo quy định tại khoản 1 Điều này nếu có lí do chính đáng thì được kiểm
tra, đánh giá bù bài kiểm tra, đánh giá còn thiếu, với hình thức, mức độ kiến
thức, kĩ năng và thời gian tương đương. Việc kiểm tra, đánh giá bù được hoàn
thành trong từng học kì hoặc cuối năm học.
4. Trường hợp học sinh không có đủ số điểm kiểm
tra, đánh giá theo quy định tại khoản 1 Điều này mà không có lí do chính đáng
hoặc có lí do chính đáng nhưng không tham gia kiểm tra, đánh giá bù sẽ nhận điểm
0 (không) của bài kiểm tra, đánh giá còn thiếu.".
5. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản
1 Điều 10 như sau:
"a) Điểm trung bình môn học kì (viết tắt là
ĐTBmhk) là trung bình cộng của điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên,
điểm kiểm tra, đánh giá giữa kì và điểm kiểm tra, đánh giá cuối kì với các hệ số
quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư này như sau:
ĐTBmhk
=
|
TĐĐGtx
+ 2 x ĐĐGgk + 3 x ĐĐGck
|
Số ĐĐGtx
+ 5
|
TĐĐGtx:
Tổng điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên.”.
6. Sửa đổi, bổ sung Điều 14
như sau:
"Điều 14. Đánh giá học sinh khuyết tật
1. Việc đánh giá kết quả giáo dục của học sinh
khuyết tật được thực hiện theo nguyên tắc động viên, khuyến khích sự nỗ lực và
tiến bộ của người học.
2. Đối với học sinh khuyết tật học tập theo
phương thức giáo dục hòa nhập, kết quả giáo dục môn học hoặc hoạt động giáo dục
mà học sinh khuyết tật đáp ứng được yêu cầu chương trình giáo dục chung được
đánh giá như đối với học sinh bình thường nhưng có giảm nhẹ yêu cầu về kết quả
học tập. Những môn học hoặc hoạt động giáo dục mà học sinh khuyết tật không có
khả năng đáp ứng yêu cầu chung được đánh giá theo kết quả thực hiện Kế hoạch
giáo dục cá nhân; không đánh giá những nội dung môn học, môn học hoặc nội dung
giáo dục được miễn.
3. Đối với học sinh khuyết tật học tập theo
phương thức giáo dục chuyên biệt, kết quả giáo dục của môn học hoặc hoạt động
giáo dục mà học sinh khuyết tật đáp ứng được yêu cầu chương trình giáo dục
chuyên biệt được đánh giá theo quy định dành cho giáo dục chuyên biệt. Những
môn học hoặc hoạt động giáo dục mà học sinh khuyết tật không có khả năng đáp ứng
yêu cầu giáo dục chuyên biệt thì đánh giá theo kết quả thực hiện Kế hoạch giáo
dục cá nhân.".
7. Bổ sung khoản 3 vào Điều 15
như sau:
"3. Xét lên lớp đối với học sinh khuyết tật
Hiệu trưởng căn cứ kết quả học tập các môn học, hoạt
động giáo dục của học sinh khuyết tật để xét lên lớp đối với học sinh khuyết tật
học theo chương trình giáo dục chung hoặc căn cứ vào kết quả thực hiện Kế hoạch
giáo dục cá nhân đối với học sinh khuyết tật không đáp ứng được chương trình
giáo dục chung để xét lên lớp.".
8. Sửa đổi, bổ sung Điều 18
như sau:
"Điều 18. Xét công nhận danh hiệu học
sinh
1. Công nhận đạt danh hiệu học sinh giỏi học kì
hoặc cả năm học, nếu đạt hạnh kiểm loại tốt và học lực loại giỏi.
2. Công nhận đạt danh hiệu học sinh tiên tiến học
kì hoặc cả năm học, nếu đạt hạnh kiểm từ loại khá trở lên và học lực từ loại
khá trở lên.
3. Học sinh đạt thành tích nổi bật hoặc có tiến
bộ vượt bậc trong học tập, rèn luyện được Hiệu trưởng tặng giấy khen.".
9. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và
khoản 2 Điều 19 như sau:
"1. Thực hiện kiểm tra, đánh giá thường
xuyên; tham gia kiểm tra, đánh giá định kì theo phân công của Hiệu trưởng; trực
tiếp ghi điểm hoặc mức nhận xét (đối với các môn đánh giá bằng nhận xét) vào sổ
theo dõi và đánh giá học sinh. Đối với hình thức kiểm tra, đánh giá bằng hỏi -
đáp, giáo viên phải nhận xét, góp ý kết quả trả lời của học sinh trước lớp; nếu
quyết định cho điểm hoặc ghi nhận xét (đối với các môn đánh giá bằng nhận xét)
vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh thì phải thực hiện ngay sau đó.
2. Tính điểm trung bình môn học (đối với các môn
học kết hợp đánh giá bằng nhận xét và điểm số), xếp loại nhận xét môn học (đối
với các môn học đánh giá bằng nhận xét) theo học kì, cả năm học và trực tiếp
vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh, học bạ.”.
10. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều
21 như sau:
"4. Tổ chức thực hiện kiểm tra, đánh giá định
kì các môn học theo quy định tại Quy chế này; kiểm tra, đánh giá lại các môn học
theo quy định tại Điều 16 Quy chế này; phê duyệt và công bố danh sách học sinh
được lên lớp sau khi có kết quả kiểm tra lại các môn học, kết quả rèn luyện về
hạnh kiểm trong kì nghỉ hè.".
Điều 2. Bãi bỏ một số điểm
và thay thế một số từ, cụm từ tại một số Điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học
sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư
số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào
tạo
1. Bãi bỏ điểm c và điểm d khoản
1 Điều 6.
2. Thay thế cụm từ "cho điểm" tại Điều 9 bằng cụm từ "đánh giá".
3. Thay thế cụm từ "số lần" tại gạch đầu
dòng thứ nhất điểm a khoản 2 Điều 10 bằng cụm từ "số
điểm".
4. Thay thế cụm từ "cho điểm" bằng cụm
từ "điểm số" tại khoản 1 và khoản 2 Điều 11.
5. Thay thế cụm từ "Quyết định số 69/2007/QĐ-BGDĐT ngày 14/11/2007" tại khoản 5 Điều 12 bằng cụm từ "Thông tư số 40/2012/TT-BGDĐT ngày 19 tháng 11 năm
2012".
6. Thay thế cụm từ "của 1 trong 2 môn Toán,
Ngữ văn" tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 13 bằng
cụm từ "của 1 trong 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ".
7. Thay thế cụm từ "của một môn học nào
đó" tại khoản 6 Điều 13 bằng cụm từ "của duy nhất
một môn học nào đó".
Điều 3. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 11
tháng 10 năm 2020.
2. Thông tư này thực hiện từ năm học 2020 - 2021
đối với học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông học theo chương trình
giáo dục phổ thông ban hành kèm theo các quyết định sau đây:
a) Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT
ngày 05 tháng 5 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ban hành Chương
trình giáo dục phổ thông;
b) Quyết định số 01/QĐ-BGDĐT
ngày 03 tháng 01 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành
Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Anh thí điểm cấp trung học cơ sở;
c) Quyết định số 5209/QĐ-BGDĐT
ngày 23 tháng 11 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành
Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Anh thí điểm cấp trung học phổ thông;
d) Quyết định số 2092/QĐ-BGDĐT ngày 20 tháng 5
năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Ban hành Chương trình môn
Tiếng Pháp Ngoại ngữ 2;
đ) Quyết định số 3452/QĐ-BGDĐT ngày 18 tháng 8
năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Phê duyệt Chương trình
các môn học trong Chương trình song ngữ Tiếng Pháp (gồm các môn Tiếng Pháp,
Toán bằng Tiếng Pháp, Vật lí bằng Tiếng Pháp);
e) Quyết định số 3735/QĐ-BGDĐT ngày 22 tháng 9
năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Phê duyệt Chương trình
giáo dục phổ thông thí điểm môn Tiếng Hàn-Ngoại ngữ 2 cấp trung học;
g) Quyết định số 2744/QĐ-BGDĐT ngày 09 tháng 9
năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Chương trình
giáo dục phổ thông thí điểm môn Tiếng Nhật-Ngoại ngữ 1 hệ 10 năm cấp trung học
cơ sở và trung học phổ thông.
Điều 4. Trách nhiệm tổ chức
thực hiện
Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học,
Cục trưởng Cục Quản lí chất lượng, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ
Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, các tổ
chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ủy ban VHGDTNTNNĐ của Quốc hội;
- Ban Tuyên giáo trung ương;
- Kiểm toán nhà nước;
- Cục KTVBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Bộ trưởng;
- Như Điều 4 (để thực hiện);
- Cổng TTĐT Chính phủ;
- Cổng TTĐT Bộ GDĐT;
- Lưu: VT, Vụ PC, Vụ GDTrH.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Hữu Độ
|