BỘ TÀI
CHÍNH
-------
|
CỘNG HÒA
XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------
|
Số:
66/2010/TT-BTC
|
Hà Nội,
ngày 22 tháng 4 năm 2010
|
THÔNG
TƯ
HƯỚNG
DẪN THỰC HIỆN VIỆC XÁC ĐỊNH GIÁ THỊ TRƯỜNG TRONG GIAO DỊCH KINH DOANH GIỮA CÁC
BÊN CÓ QUAN HỆ LIÊN KẾT
Căn cứ Luật Thuế thu
nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Căn cứ Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006;
Căn cứ Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy
định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp;
Căn cứ Nghị định 85/2007/NĐ-CP ngày 07/06/2007 của Chính phủ quy định chi tiết
thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định về chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức Bộ Tài chính,
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định về việc xác định giá thị trường
trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết làm căn cứ kê khai
xác định nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp của cơ sở kinh doanh như sau:
Phần A.
QUY
ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối
tượng áp dụng
Tổ chức sản xuất,
kinh doanh hàng hóa, dịch vụ (sau đây gọi là doanh nghiệp) thực hiện giao dịch
kinh doanh với các bên có quan hệ liên kết, có nghĩa vụ kê khai, xác định nghĩa
vụ thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam.
Điều 2. Phạm
vi áp dụng
Các giao dịch mua,
bán, trao đổi, thuê, cho thuê, chuyển giao hoặc chuyển nhượng hàng hóa, dịch vụ
trong quá trình kinh doanh (được gọi chung là giao dịch kinh doanh) giữa các
bên có quan hệ liên kết, trừ các giao dịch kinh doanh giữa doanh nghiệp tại Việt
Nam với các bên có quan hệ liên kết liên quan đến các sản phẩm thuộc diện điều
chỉnh giá của Nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.
Điều 3. Giải
thích từ ngữ
1. "Giá thị
trường" là cụm từ để chỉ giá sản phẩm theo thỏa thuận khách quan trong
giao dịch kinh doanh trên thị trường giữa các bên không có quan hệ liên kết
(các bên độc lập).
2. "Sản phẩm"
là từ được sử dụng chung để chỉ hàng hóa và dịch vụ là các đối tượng của giao dịch
kinh doanh.
3. "Giá mua",
"giá bán" là từ được sử dụng chung để chỉ giá sản phẩm trong
giao dịch mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, chuyển giao, chuyển nhượng.
4. “Các
bên có quan hệ liên kết” (sau đây được gọi là "các bên liên kết")
là cụm từ được sử dụng để chỉ các bên có mối quan hệ thuộc một trong các trường
hợp dưới đây:
4.1. Một bên tham gia
trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư dưới
mọi hình thức vào bên kia;
4.2. Các bên trực tiếp
hay gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư dưới mọi
hình thức của một bên khác;
4.3. Các bên cùng
tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu
tư dưới mọi hình thức vào một bên khác.
Thông thường, hai
doanh nghiệp trong một kỳ tính thuế có quan hệ giao dịch kinh doanh thuộc một
trong các trường hợp sau thì xác định là các bên liên kết:
a) Một doanh nghiệp nắm
giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 20% vốn đầu tư của chủ sở hữu của doanh
nghiệp kia;
b) Cả hai
doanh nghiệp đều có ít nhất 20% vốn đầu tư của chủ sở hữu do một bên thứ ba nắm
giữ trực tiếp hoặc gián tiếp;
c) Cả hai doanh nghiệp
đều nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 20% vốn đầu tư của chủ sở hữu của
một bên thứ ba;
d) Một doanh nghiệp
là cổ đông lớn nhất về vốn đầu tư của chủ sở hữu của doanh nghiệp kia, nắm giữ
trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 10% vốn đầu tư của chủ sở hữu của doanh nghiệp
kia;
e) Một
doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình
thức nào với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 20% vốn đầu tư của chủ sở hữu
của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và
dài hạn của doanh nghiệp đi vay;
f) Một doanh nghiệp
chỉ định thành viên ban lãnh đạo điều hành hoặc kiểm soát của một doanh nghiệp
khác với điều kiện số lượng các thành viên được doanh nghiệp thứ nhất chỉ định
chiếm trên 50% tổng số thành viên ban lãnh đạo điều hành hoặc kiểm soát của
doanh nghiệp thứ hai; hoặc một thành viên được doanh nghiệp thứ nhất chỉ định
có quyền quyết định các chính sách tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của
doanh nghiệp thứ hai;
g) Hai doanh nghiệp
cùng có trên 50% thành viên ban lãnh đạo hoặc cùng có một thành viên ban lãnh đạo
có quyền quyết định các chính sách tài chính hoặc hoạt động kinh doanh được chỉ
định bởi một bên thứ ba;
h) Hai doanh nghiệp
được điều hành hoặc chịu sự kiểm soát về nhân sự, tài chính và hoạt động kinh
doanh bởi các cá nhân thuộc một trong các mối quan hệ sau: vợ và chồng; bố, mẹ
và con (không phân biệt con đẻ, con nuôi hoặc con dâu, con rể); anh, chị, em có
cùng cha, mẹ (không phân biệt cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi); ông nội, bà nội
và cháu nội; ông ngoại, bà ngoại và cháu ngoại; cô, chú, bác, cậu, dì ruột và
cháu ruột;
i) Hai doanh nghiệp
có mối quan hệ trụ sở chính và cơ sở thường trú hoặc cùng là cơ sở thường trú của
tổ chức, cá nhân nước ngoài;
j) Một doanh nghiệp sản
xuất, kinh doanh sản phẩm sử dụng tài sản vô hình hoặc quyền sở hữu trí tuệ của
một doanh nghiệp khác với điều kiện chi phí phải trả cho việc sử dụng tài sản
vô hình, quyền sở hữu trí tuệ đó chiếm trên 50% giá vốn (hoặc giá thành) sản phẩm;
k) Một doanh nghiệp
cung cấp trực tiếp hoặc gián tiếp trên 50% tổng giá trị nguyên vật liệu, vật tư
hoặc sản phẩm đầu vào (không bao gồm chi phí khấu hao đối với tài sản cố định)
để sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm đầu ra của một doanh
nghiệp khác;
l) Một doanh nghiệp
kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp trên 50% sản lượng sản phẩm tiêu thụ (tính
theo từng chủng loại sản phẩm) của một doanh nghiệp khác;
m) Hai doanh nghiệp
có thỏa thuận hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng.
5. "Giao dịch
liên kết" là giao dịch kinh doanh giữa các bên liên kết.
6. "Giao dịch
độc lập" là giao dịch kinh doanh giữa các bên không có quan hệ liên kết.
7. “Khác biệt trọng
yếu” là khác biệt về thông tin hoặc dữ liệu làm tăng hoặc giảm ít nhất 1%
đơn giá sản phẩm giao dịch hoặc khác biệt về thông tin hoặc dữ liệu làm tăng hoặc
giảm ít nhất 0.5% tỷ suất lợi nhuận gộp hoặc tỷ suất sinh lời.
Ví dụ 1: Doanh nghiệp
V là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại tỉnh X, Việt Nam
có 2 giao dịch:
(i) Bán 2.000 sản phẩm
cho doanh nghiệp độc lập A với giá bán là giá thành toàn bộ (Z) cộng (+) 6% Z, điều
kiện giao hàng tại doanh nghiệp V;
(ii) Bán 2.000 sản phẩm
cho công ty mẹ với giá bán là Z + 6% Z, điều kiện giao hàng tại nước H là giá
CIF, chi phí vận tải và bảo hiểm từ tỉnh X đến nước H là 3% Z. Đồng thời công
ty mẹ đồng ý bảo lãnh cho doanh nghiệp V vay tiền từ ngân hàng N. Trên thực tế,
việc bảo lãnh tín dụng này là tín chấp (tức là không phải trả phí bảo lãnh).
Trong các giao dịch
trên thì:
- Khác biệt về điều
kiện giao hàng có liên quan đến chi phí vận tải và bảo hiểm từ tỉnh X đến nước
H có ảnh hưởng tăng trên 1% giá bán nên là khác biệt trọng yếu.
- Khác biệt về bảo lãnh
tín chấp không phải trả tiền nên không phải là khác biệt trọng yếu.
8. “Biên độ giá thị
trường” là tập hợp các giá trị về mức giá hoặc là tập hợp các giá trị về tỷ
suất lợi nhuận gộp hoặc là tập hợp các giá trị về tỷ suất sinh lời của sản phẩm
được xác định từ các giao dịch độc lập được chọn để so sánh.
9. “Cơ sở dữ liệu
của cơ quan Thuế” là các thông tin, dữ liệu liên quan đến việc xác định
nghĩa vụ thuế của các doanh nghiệp do cơ quan thuế thu thập, phân tích, lưu giữ,
cập nhật và quản lý từ các nguồn khác nhau.
Phần B.
HƯỚNG
DẪN VỀ XÁC ĐỊNH GIÁ THỊ TRƯỜNG TRONG CÁC GIAO DỊCH LIÊN KẾT
Giá sản phẩm trong
giao dịch liên kết quy định tại Thông tư này được xác định theo giá thị trường
trên cơ sở so sánh tính tương đương giữa giao dịch liên kết với giao dịch độc lập
(sau đây gọi là phân tích so sánh) để lựa chọn phương pháp xác định giá phù hợp
nhất.
Điều 4.
Phân tích so sánh
1. Nguyên tắc
1.1. So sánh giữa
giao dịch liên kết với giao dịch độc lập được hiểu là việc so sánh giữa giao dịch
liên kết với giao dịch độc lập hoặc so sánh giữa các doanh nghiệp thực hiện
giao dịch liên kết với doanh nghiệp thực hiện giao dịch độc lập. Việc so sánh
được thực hiện trên cơ sở lựa chọn và phân tích dữ liệu, chứng từ, tài liệu có
liên quan đến giao dịch độc lập, giao dịch liên kết diễn ra trong cùng kỳ đảm bảo
độ tin cậy để sử dụng cho mục đích kê khai, tính thuế phù hợp với các quy định
pháp luật về kế toán, thống kê và thuế.
Ví dụ 2: Doanh nghiệp
A là một công ty con của công ty đa quốc gia H và doanh nghiệp B là một doanh
nghiệp độc lập cùng kinh doanh bán lẻ xe máy nhãn hiệu HX trong năm 2xxx. Việc
so sánh có thể được thực hiện theo một trong 2 cách sau:
- So sánh giao dịch
mua xe máy để bán ra của doanh nghiệp A với giao dịch tương tự của doanh nghiệp
B.
- So sánh giữa doanh
nghiệp A với doanh nghiệp B về hoạt động kinh doanh bán lẻ xe máy.
1.2. Giao dịch độc lập
được chọn để so sánh là giao dịch được lựa chọn từ các giao dịch độc lập có
tính chất và bối cảnh giao dịch (sau đây được gọi chung là điều kiện giao dịch)
tương đương với giao dịch liên kết. Khi đó, giá sản phẩm trong các giao dịch độc
lập được chọn để so sánh là căn cứ để xác định giá sản phẩm trong giao dịch
liên kết theo các phương pháp xác định giá được quy định tại Điều 5 Phần B
Thông tư này.
1.3. Khi so sánh giữa
giao dịch liên kết với giao dịch độc lập, điều kiện giao dịch giữa giao dịch
liên kết và giao dịch độc lập được chọn để so sánh không nhất thiết phải hoàn
toàn giống nhau nhưng phải đảm bảo tính tương đương, không có các khác biệt gây
ảnh hưởng trọng yếu đến giá sản phẩm. Nếu điều kiện giao dịch của giao dịch
liên kết và giao dịch độc lập có khác biệt trọng yếu, doanh nghiệp phải phản
ánh các khác biệt trọng yếu này theo giá trị tiền tệ làm cơ sở điều chỉnh, loại
trừ khác biệt trọng yếu. Việc xác định tính tương đương khi so sánh giữa giao dịch
liên kết và giao dịch độc lập, và loại trừ khác biệt được quy định tại Khoản 2 Điều
4 Phần B Thông tư này.
1.4. Việc so sánh giữa
giao dịch liên kết và giao dịch độc lập được thực hiện trên cơ sở từng giao dịch
về từng loại sản phẩm riêng biệt. Tuy nhiên, trong trường hợp các giao dịch
không thể tách biệt hoặc việc tách biệt từng giao dịch theo từng loại sản phẩm
là không phù hợp với thực tiễn kinh doanh, doanh nghiệp có thể gộp chung nhiều
giao dịch dưới đây thành một giao dịch:
1.4.1. Các giao dịch
có liên quan chặt chẽ và có tính phụ thuộc lẫn nhau như các giao dịch trên cơ sở
hợp đồng cung cấp hàng hóa và dịch vụ, trong đó dịch vụ là một phần không thể
tách rời của hợp đồng cung cấp hàng hoá đó; các giao dịch mang tính chất liên
hoàn như cung cấp hoặc trao quyền sử dụng các tài sản vô hình đi liền với cung
cấp nguyên vật liệu, bán thành phẩm để sản xuất, chế biến ra thành phẩm;
1.4.2. Các giao dịch
đối với các sản phẩm có chung quy trình sản xuất, sử dụng các nguyên vật liệu
chính như nhau hoặc cùng chung một tổ, nhóm theo tiêu thức phân tổ, phân nhóm
hàng hóa, dịch vụ quy định tại Danh mục thống kê hàng hóa, dịch vụ do cơ quan
quản lý Nhà nước có thẩm quyền ban hành khi thực hiện phân tích so sánh tiêu thức
chức năng hoạt động của doanh nghiệp;
Ví dụ 3: Doanh nghiệp
thương mại A nhập khẩu 3 mặt hàng X, Y, Z từ bên liên kết ở nước ngoài để phân
phối cho các siêu thị trong nước. Ba mặt hàng này đều thuộc nhóm sản phẩm thiết
bị nhiệt dùng cho gia đình (theo tiêu chuẩn thống kê Việt Nam).
Trong trường hợp việc
tách biệt từng giao dịch theo từng loại sản phẩm X, Y, Z không phù hợp với thực
tiễn kinh doanh, doanh nghiệp A có thể gộp chung các giá trị giao dịch nhập khẩu
3 loại sản phẩm này để áp dụng một phương pháp xác định giá phù hợp nhất.
1.4.3. Các giao dịch
kinh doanh nhỏ lẻ mà việc gộp chung tạo thành một giao dịch hoàn chỉnh;
1.4.4. Các giao dịch
độc lập và giao dịch liên kết do một doanh nghiệp thực hiện nhưng không thể
phân bổ hợp lý doanh thu hoặc chi phí có liên quan cho từng loại giao dịch.
Trong trường hợp này, giao dịch được gộp chung được coi là giao dịch liên kết
và mức giá của các sản phẩm trong giao dịch được gộp chung sẽ là mức giá cao nhất
của một trong các sản phẩm có liên quan (nếu là giao dịch bán ra) hoặc mức giá
thấp nhất của một trong các sản phẩm có liên quan (nếu là giao dịch mua vào).
Ví dụ 4: Doanh nghiệp
A có 2 hợp đồng:
(i) Hợp đồng 1: cung
cấp dịch vụ giám sát chất lượng với một bên liên kết là công ty B;
(ii) Hợp đồng 2: cung
cấp dịch vụ giám sát chất lượng và nhượng quyền sử dụng bằng sáng chế với công
ty độc lập C trong đó doanh thu nhượng quyền sử dụng bằng sáng chế cao hơn
doanh thu dịch vụ giám sát chất lượng tính theo đơn giá sản phẩm là 5 lần.
Giả định: Dịch vụ
giám sát chất lượng theo hợp đồng 1 và 2 là đủ điều kiện để so sánh với nhau.
Phân tích so sánh:
- Trường hợp doanh
nghiệp A không tách riêng doanh thu (hoặc chi phí) liên quan đến việc thực hiện
2 hợp đồng này (bao gồm 3 giao dịch riêng biệt về 2 loại sản phẩm) thì toàn bộ
doanh thu của doanh nghiệp A được coi là doanh thu từ giao dịch liên kết và tuỳ
theo quy định của từng phương pháp xác định giá thị trường được quy định tại
Thông tư này, doanh nghiệp phải xác định lại doanh thu tương ứng với mức giá
cao nhất của sản phẩm là bản quyền.
- Trường hợp doanh
nghiệp A tách riêng doanh thu (hoặc chi phí) liên quan đến việc thực hiện 2 hợp
đồng này thì mức giá của hợp đồng 1 sẽ tương ứng với mức giá của dịch vụ cung cấp
theo hợp đồng 2.
1.5. Khi lựa chọn
giao dịch độc lập để so sánh, doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn giao dịch độc lập của
chính doanh nghiệp với điều kiện giao dịch độc lập này không được tạo ra hoặc sắp
đặt lại từ giao dịch liên kết.
Ví dụ 5: Công ty M tại
nước ngoài thành lập một doanh nghiệp sản xuất A tại Việt Nam.
Doanh nghiệp A có 2 giao dịch:
(i) Bán 2.000 sản phẩm
cho khách hàng độc lập A1 với giá 10.000đ/sản phẩm theo hợp đồng do chính doanh
nghiệp A trực tiếp thương lượng và ký kết hợp đồng trong điều kiện kinh doanh
thông thường của A;
(ii) Bán 2.000 sản phẩm
cho khách hàng độc lập M1 với giá 0,4USD/sản phẩm theo hợp đồng do công ty mẹ M
trực tiếp thương lượng ký hợp đồng với khách hàng và chỉ định doanh nghiệp A
giao hàng cho khách hàng M1. Tiền bán hàng do công ty M trực tiếp thanh toán hoặc
do khách hàng M1 thanh toán cho doanh nghiệp A.
Phân tích so sánh:
- Giao dịch (i) là
giao dịch độc lập của chính doanh nghiệp A;
- Giao dịch (ii)
không được coi là giao dịch độc lập của chính doanh nghiệp A vì mặc dù sản phẩm
được xuất kho từ doanh nghiệp A và gửi đến cho khách hàng M1 là hai bên không
có quan hệ liên kết nhưng có sự tham gia và kiểm soát của công ty mẹ vào việc
thương lượng, ký kết hợp đồng và thanh toán.
1.6. Số lượng tối thiểu
giao dịch độc lập được chọn để so sánh sau khi phân tích so sánh và điều chỉnh
khác biệt trọng yếu được thực hiện như sau:
1.6.1. 01 giao dịch -
trong trường hợp giao dịch độc lập và giao dịch liên kết không có khác biệt trọng
yếu;
1.6.2. 03 giao dịch -
trong trường hợp các giao dịch độc lập và giao dịch liên kết có khác biệt nhưng
doanh nghiệp có đủ thông tin, dữ liệu làm cơ sở để loại trừ tất cả các khác biệt
trọng yếu;
1.6.3. 04 giao dịch -
trong trường hợp các giao dịch độc lập và giao dịch liên kết có khác biệt nhưng
doanh nghiệp chỉ có thông tin, dữ liệu làm cơ sở để loại trừ hầu hết các khác
biệt trọng yếu. Trong trường hợp này, việc loại trừ tiếp các khác biệt trọng yếu
sẽ được thực hiện theo hướng dẫn về biên độ giá thị trường chuẩn tại Điểm 1.2
Khoản 1 Điều 5 Phần B Thông tư này.
Quy định này không bắt
buộc áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp áp dụng phương pháp tách lợi nhuận,
cách tính thứ nhất được hướng dẫn tại Tiết 2.5.2.1 Điểm 2.5 Khoản 2 Điều 5 Phần
B của Thông tư này.
1.7. Trong trường hợp
doanh nghiệp không thể lựa chọn được giao dịch độc lập để so sánh theo các
nguyên tắc từ các Điểm 1.1 đến Điểm 1.6 Khoản 1 Điều 5 Phần B Thông tư này do
tính chất duy nhất và đặc thù của giao dịch liên kết, doanh nghiệp phải giải
trình lý do và thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 6 phần B Thông tư này.
2. Phân tích so sánh
và loại trừ khác biệt
2.1. Khi so sánh giữa
giao dịch độc lập được chọn để so sánh và giao dịch liên kết, doanh nghiệp phải
thực hiện phân tích và đánh giá các tiêu thức ảnh hưởng và điều chỉnh các khác
biệt trọng yếu (nếu có) để làm rõ tính tương đương theo 4 tiêu thức sau (dưới
đây được gọi là 4 tiêu thức ảnh hưởng):
2.1.1. Đặc tính sản
phẩm: bao gồm các đặc tính có ảnh hưởng chủ yếu đến giá của sản phẩm. Các yếu tố
phản ánh đặc tính sản phẩm chủ yếu bao gồm:
a) Chủng loại sản phẩm
(mô tả tính chất sản phẩm là hàng hóa hữu hình, bản quyền, bí quyết công nghệ
hoặc dịch vụ…) và đặc điểm vật chất của sản phẩm (vật liệu cấu thành, tính chất
cơ, lý, hóa…);
b) Chất lượng, nhãn
hiệu thương mại của sản phẩm;
c) Tính chất chuyển
giao sản phẩm (ví dụ: mua, bán có hoặc không kèm theo điều kiện như độc quyền
phân phối, li-xăng, nhượng quyền thương hiệu…).
Ví dụ 6: Doanh nghiệp
A là doanh nghiệp độc lập chuyên sản xuất khăn bông các loại (100% sợi bông),
trong đó khăn bông loại A kích cỡ 120 cm x 60 cm.
Công ty M là công ty
con 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam chuyên sản xuất khăn bông các loại (100% sợi
bông), trong đó khăn bông loại A kích cỡ 121 cm x 60 cm để bán (xuất khẩu) cho
công ty mẹ tại nước ngoài.
Giả định: Các yếu tố
khác phản ánh đặc tính của cả 2 sản phẩm khăn bông của hai công ty A và M là
tương đương.
Phân tích so sánh:
Sản phẩm khăn bông của
doanh nghiệp A và công ty M được coi là sản phẩm có đặc tính sản phẩm tương
đương (sự khác biệt 1 cm chiều dài khăn là không trọng yếu).
2.1.2. Chức năng hoạt
động của doanh nghiệp: bao gồm các yếu tố phản ánh khả năng sinh lời từ các hoạt
động mà doanh nghiệp đã thực hiện gắn với việc sử dụng các tài sản, vốn và chi
phí có liên quan. Khi phân tích chức năng hoạt động (sau đây được gọi là
"chức năng"), doanh nghiệp phải phản ánh được các chức năng chính
trong mối quan hệ giữa việc sử dụng các loại tài sản, vốn, chi phí cũng như rủi
ro gắn với việc đầu tư tài sản, vốn và chi phí đó với khả năng thu lợi nhuận mà
doanh nghiệp thực hiện có liên quan đến giao dịch kinh doanh. Chức năng chính của
doanh nghiệp chủ yếu bao gồm:
a) Nghiên cứu, phát
triển;
b) Thiết kế, định mẫu
sản phẩm;
c) Sản xuất, chế tạo,
chế biến;
d) Gia công, lắp ráp,
cài đặt thiết bị;
e) Phân phối, lưu
thông, marketting, quảng cáo;
f) Quản lý, cung ứng
vật tư;
g) Vận chuyển giao nhận,
dịch vụ cung cấp kho bãi;
h) Thực hiện các dịch
vụ ngành nghề như môi giới, tư vấn, đào tạo, kế toán, kiểm toán, quản lý nhân sự,
cung cấp lao động, thu thập thông tin.
Ví dụ 7 (a): Công ty
N (là bên liên kết tại Việt Nam của công ty đa quốc gia X) trong năm 200x có một
số thông tin sau:
- Thực hiện sản xuất
thuốc tân dược trên dây chuyền sản xuất do công ty đầu tư, theo bản quyền do một
công ty trong tập đoàn X cung cấp.
- Bán (xuất khẩu) cho
công ty X theo các hợp đồng đã ký kết ổn định từ đầu năm;
- Không tiến hành
nghiên cứu và phát triển sản phẩm nào.
Khi so sánh giao dịch
liên kết (với công ty X) và giao dịch độc lập, công ty N phải thực hiện phân
tích so sánh chức năng với một doanh nghiệp độc lập có chức năng tương tự như
công ty N để loại trừ các khác biệt. Do lĩnh vực sản xuất thuốc tân dược thường
gắn liền với hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới nên trường hợp doanh
nghiệp độc lập được lựa chọn có chức năng nghiên cứu, phát triển thì công ty N
phải loại trừ khác biệt này.
Ví dụ 7 (b): Tiếp
theo ví dụ 7 (a) nêu trên, giả sử công ty N, ngoài việc thực hiện hoạt động sản
xuất, kinh doanh thuốc tân dược có làm thêm dịch vụ đại lý nhập khẩu và phân phối
dược phẩm tại Việt Nam cho công ty mẹ X.
Hoạt động đại lý là một
chức năng bổ sung mà công ty N đã thực hiện, đã bỏ chi phí và chịu rủi ro của
ngành kinh doanh dịch vụ đại lý. Hoạt động này là giao dịch liên kết của công
ty N. Trường hợp này, công ty N phải xác định và kê khai doanh thu hoa hồng đại
lý theo các phương pháp xác định giá thị trường được quy định tại Khoản 2, Điều
5, Phần B Thông tư này.
Ví dụ 8: Công ty M là
công ty đa quốc gia tại nước ngoài có giao dịch bán buôn điện thoại di động T
theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế đã được đăng ký tại Việt Nam với công ty A
là bên liên kết và Công ty B là công ty độc lập.
Công ty A thực hiện
phân phối bán lẻ điện thoại di động T, cấp thẻ bảo hành cho mỗi điện thoại bán
ra và trực tiếp thực hiện dịch vụ bảo hành,
Công ty B thực hiện
phân phối bán lẻ điện thoại di động T, cấp thẻ bảo hành cho mỗi điện thoại bán
ra nhưng không thực hiện dịch vụ bảo hành mà thoả thuận sẽ thanh toán cho công
ty A 5 đôla đối với mỗi điện thoại do công ty A thực hiện sửa chữa trong thời
gian bảo hành.
Khi so sánh giao dịch
liên kết (giữa A và M) với giao dịch độc lập (giữa B và M), công ty A phải phân
tích so sánh chức năng giữa công ty A và công ty B và loại trừ khác biệt:
- Chức năng hoạt động
của hai công ty có sự khác nhau về việc cung cấp dịch vụ bảo hành, trong đó
công ty A thực hiện nhiều chức năng hơn, sử dụng nhiều nguồn lực hơn và có khả
năng thu lợi nhuận cao hơn công ty B.
- Công ty A phải điều
chỉnh chức năng bảo hành sản phẩm bằng cách loại trừ các chi phí và doanh thu
thực tế liên quan đến việc thực hiện dịch vụ bảo hành của công ty A.
- Trường hợp chức
năng "bảo hành" chỉ diễn ra trong một vài lần với giá trị chi phí và
doanh thu không đáng kể (tức là không trọng yếu) thì không cần thực hiện điều
chỉnh khác biệt này.
2.1.3. Điều kiện hợp
đồng khi thực hiện giao dịch: bao gồm các quy định hoặc giao ước về trách nhiệm,
quyền lợi của các bên khi tham gia giao dịch kinh doanh. Điều kiện hợp đồng khi
thực hiện giao dịch (sau đây được gọi là "điều kiện hợp đồng") chủ yếu
bao gồm:
a) Khối lượng, điều
kiện giao hoặc phân phối sản phẩm;
b) Thời hạn, điều kiện
và phương thức thanh toán;
c) Điều kiện bảo
hành, thay thế, nâng cấp, chỉnh sửa hoặc hiệu chỉnh sản phẩm;
d) Điều kiện về đặc
quyền kinh doanh, phân phối sản phẩm;
e) Các điều kiện có ảnh
hưởng kinh tế khác (ví dụ: dịch vụ hỗ trợ, tư vấn kiểm tra chất lượng, hướng dẫn
sử dụng, hỗ trợ quảng cáo, khuyến mại...).
Trong mọi trường hợp
(dù có hay không có hợp đồng bằng văn bản), căn cứ xác định các điều kiện hợp đồng
là các sự kiện thực tế hoặc các dữ liệu tài chính, kinh tế phản ánh bản chất của
giao dịch.
2.1.4. Điều kiện kinh
tế khi diễn ra giao dịch: bao gồm các yếu tố về điều kiện kinh tế trên thị trường
tại thời điểm diễn ra giao dịch ảnh hưởng đến giá của sản phẩm. Điều kiện kinh
tế khi diễn ra giao dịch (sau đây được gọi là "điều kiện kinh tế") chủ
yếu bao gồm:
a) Quy mô và vị trí địa
lý của thị trường sản xuất hoặc tiêu thụ sản phẩm;
b) Thời gian và tính
chất hoạt động của giao dịch trên thị trường (ví dụ: giao dịch thuộc hoạt động
bán buôn, bán lẻ thông thường, phân phối độc quyền, sự phân đoạn thị trường
theo đối tượng tiêu dùng sản phẩm);
c) Mức độ cạnh tranh
của sản phẩm trên thị trường;
d) Các yếu tố kinh tế
tác động đến chi phí sản xuất, kinh doanh phát sinh tại nơi diễn ra giao dịch
(ví dụ: các loại thuế, phí, các ưu đãi tài chính);
e) Chính sách điều tiết
thị trường của Nhà nước.
2.2. Thứ tự ưu tiên
khi phân tích so sánh 4 tiêu thức ảnh hưởng nêu tại các Tiết từ 2.1.1 đến 2.1.4
Điểm 2.1 Khoản 2 Điều 4 Phần B Thông tư này được quy định cụ thể đối với từng
phương pháp xác định giá nêu tại Điều 5 Phần B Thông tư này. Trong quá trình
phân tích, đối với các tiêu thức ưu tiên phải phân tích chi tiết; đối với các
tiêu thức bổ trợ có thể không phân tích chi tiết nhưng phải đảm bảo phản ánh đủ
tính chất cơ bản của tiêu thức đó.
Ví dụ 9: Giả sử Công
ty M Việt Nam (là công ty con của Công ty M quốc tế) chuyên kinh doanh 1 loại sản
phẩm X có chất lượng đạt tiêu chuẩn loại I đã đăng ký tại Việt Nam. Trong năm
200x, công ty chọn được 1 giao dịch độc lập A (giữa chính Công ty M Việt Nam và
một bên độc lập) để làm căn cứ so sánh với giao dịch liên kết B (giữa Công ty M
Việt Nam và Công ty M quốc tế) và hai giao dịch này đều có đơn giá bán là 3
USD.
Trong trường hợp này,
việc phân tích 4 tiêu thức ảnh hưởng của các giao dịch A và B được thực hiện
như sau:
(i) Đặc tính sản phẩm:
giống nhau (vì cùng là sản phẩm do Công ty M Việt Nam sản xuất);
(ii) Chức năng hoạt động:
giống nhau (là chính Công ty M Việt Nam);
(iii) Điều kiện hợp đồng:
Giả sử tiêu thức này của hai giao dịch là giống nhau trừ điều kiện giao hàng
trong giao dịch A là tại kho của Công ty M Việt Nam; trong giao dịch B là giao
hàng tại cảng X - nước Y và chi phí vận tải từ Việt Nam đến nước Y là 0,5 USD/sản
phẩm thuộc trách nhiệm thanh toán của Công ty M Việt Nam;
(iv) Điều kiện kinh tế:
Giả sử tiêu thức này không ảnh hưởng đến giá sản phẩm (ví dụ: nước Y không có
chính sách kiểm soát giá đối với việc kinh doanh sản phẩm X, điều kiện bán hàng
đều là bán buôn, thuế nhập khẩu và thủ tục nhập khẩu sản phẩm X trong nước Y do
bên mua chịu).
Như vậy, khi thực hiện
việc so sánh giá cho thấy trong giao dịch B chưa được tính giá tương đương với
giao dịch A (có sự khác biệt là 0,5 USD/sản phẩm).
Khi đó, công ty M Việt
Nam lựa chọn phương pháp xác định giá phù hợp nhất để đảm bảo việc kê khai,
tính thuế đối với doanh thu bán sản phẩm X trong giao dịch B là tương đương
3,5USD/sản phẩm (thay cho đơn giá cũ là 3USD).
2.3. Sau khi phân
tích so sánh, doanh nghiệp xác định các khác biệt trọng yếu về điều kiện giao dịch
giữa giao dịch liên kết và giao dịch độc lập. Trường hợp không có khác biệt trọng
yếu thì không cần thực hiện quy định tại Điểm 2.4 Khoản 2 Điều 4 Phần B Thông
tư này.
2.4. Trường hợp có
khác biệt trọng yếu, doanh nghiệp phải xác định giá trị bằng tiền của các khác
biệt trọng yếu đó để điều chỉnh, tuỳ theo từng trường hợp cụ thể có thể tăng hoặc
giảm giá trị nhằm loại trừ các khác biệt trọng yếu đó.
Trường hợp có khác biệt
trọng yếu về chức năng hoạt động của các doanh nghiệp, việc điều chỉnh được thực
hiện theo nguyên tắc:
a) Nếu các khoản chi
phí hoặc doanh thu liên quan đến khác biệt trọng yếu về chức năng được hạch
toán riêng thì việc điều chỉnh được thực hiện trên cơ sở từng khoản doanh thu
hoặc chi phí liên quan đến khác biệt trọng yếu đó.
b) Nếu các khoản chi
phí hoặc doanh thu liên quan đến khác biệt trọng yếu về chức năng được hạch
toán chung thì việc điều chỉnh được thực hiện trên cơ sở phân bổ để xác định phần
chi phí hoặc doanh thu tương ứng liên quan đến khác biệt trọng yếu đó.
Ví dụ 10: Giả sử có 2
giao dịch của công ty A và công ty B là 2 công ty cùng thực hiện dịch vụ gia
công sản phẩm may mặc, trong đó công ty A gia công và giao sản phẩm tại kho của
công ty A và công ty B gia công và làm thủ tục xuất khẩu sản phẩm ra nước
ngoài.
Như vậy, khi so sánh
về chức năng gia công sản phẩm của A và B ta thấy công ty B có thực hiện thêm
chức năng là "làm thủ tục xuất khẩu". Khác biệt này sẽ được tách
riêng bằng cách hạch toán riêng hoặc phân bổ theo tỷ lệ tổng chi phí hoặc doanh
thu phát sinh do thực hiện thủ tục xuất khẩu để đảm bảo việc so sánh hiệu quả
kinh doanh xét theo chức năng gia công sản phẩm của công ty A và công ty B là
tương đương.
Trường hợp công ty B
chỉ thực hiện chức năng "làm thủ tục xuất khẩu" trong một vài lần
theo đề nghị của khách hàng với giá trị chi phí hoặc doanh thu không đáng kể (tức
là không trọng yếu) thì không cần thực hiện điều chỉnh khác biệt này.
Điều 5.
Các phương pháp xác định giá thị trường
Các phương pháp xác định
giá thị trường của sản phẩm trong giao dịch liên kết được quy định cụ thể tại Khoản
2 Điều 5 Phần B Thông tư này bao gồm:
- Phương pháp so sánh
giá giao dịch độc lập;
- Phương pháp giá bán
lại;
- Phương pháp giá vốn
cộng lãi;
- Phương pháp so sánh
lợi nhuận;
- Phương pháp tách lợi
nhuận.
Tùy theo mỗi phương
pháp cụ thể nêu trên, giá thị trường của sản phẩm có thể được tính trực tiếp ra
đơn giá sản phẩm hoặc gián tiếp thông qua tỷ suất lợi nhuận gộp hoặc tỷ suất
sinh lời của sản phẩm. Tuy nhiên, đối với các phương pháp tính giá gián tiếp,
khi xác định kết quả kinh doanh cho mục đích kê khai, tính thuế thu nhập doanh
nghiệp thì không nhất thiết phải tính ra đơn giá sản phẩm cụ thể.
1. Nguyên tắc áp dụng
phương pháp xác định giá thị trường
1.1. Phương pháp xác
định giá phù hợp nhất là phương pháp được lựa chọn trong 5 phương pháp nêu trên
phù hợp với điều kiện giao dịch và có nguồn thông tin, dữ liệu, số liệu đầy đủ
và tin cậy nhất để phân tích so sánh.
1.2. Doanh nghiệp tự
chọn một giá trị phù hợp nhất trong các giá trị của biên độ giá thị trường chuẩn
để làm căn cứ điều chỉnh giá trị tương ứng của giao dịch liên kết. Trường hợp
giá sản phẩm trong giao dịch liên kết khác với giá trị phù hợp nhất nhưng kết
quả không làm giảm thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp thì doanh nghiệp
không phải thực hiện điều chỉnh.
1.2.1. Giá trị phù hợp
nhất là giá trị phản ánh mức độ tương đương cao nhất về điều kiện giao dịch của
giao dịch độc lập được chọn để so sánh với giao dịch liên kết.
1.2.2. Biên độ giá thị
trường chuẩn là:
a) Các giá trị trong
khoảng các giá trị được tính toán từ các giao dịch độc lập được chọn để so sánh
nêu tại các Tiết 1.6.1 và Tiết 1.6.2 Điểm 1.6 Khoản 1 Điều 4 Phần B Thông tư
này;
b) Các giá trị nằm
trong khoảng tứ phân vị thứ nhất đến tứ phân vị thứ ba của phép toán thống kê
xác suất tứ phân vị, hoặc các giá trị nằm trong khoảng bách phân vị thứ 25 đến
bách phân vị thứ 75 của phép toán thống kê xác suất bách phân vị được tính toán
từ biên độ giá thị trường của các giao dịch độc lập được chọn để so sánh nêu tại
Tiết 1.6.3 Điểm 1.6 Khoản 1 Điều 4 Phần B Thông tư này (Xem Phụ lục 2-GCN/CC-
Phần C về cách tính tứ phân vị, bách phân vị).
Ví dụ 11: Doanh nghiệp
V tại Việt Nam có một số thông tin:
- Là công ty con
chuyên sản xuất, gia công sản phẩm cho công ty mẹ và phải trả tiền bản quyền
cho một công ty con khác trong tập đoàn với chi phí hàng năm là N%/năm tính
trên doanh thu thuần, định kỳ thanh toán là 4 lần/năm.
- Doanh nghiệp V lựa
chọn được 13 giao dịch độc lập để so sánh với số liệu về tỷ lệ phần trăm (%) tiền
bản quyền trên doanh thu thuần của các giao dịch này là: 1; 1,25; 1,25; 1,5;
1,5; 1,75; 2; 2; 2; 2,25; 2,5; 2,75; 3.
- Phân tích so sánh
cho thấy các khác biệt trọng yếu đã được điều chỉnh hợp lý để loại trừ, riêng
thời hạn thanh toán có sự chênh lệch có thể ảnh hưởng đến giá trị tiền bản quyền
nhưng không đủ thông tin để quy đổi thành giá trị bằng tiền để điều chỉnh.
- Doanh nghiệp áp dụng
hàm thống kê tứ phân vị, chọn tứ phân vị thứ nhất và tứ phân vị thứ 3 để xác định
biên độ chuẩn là 1,5—2,25; số trung vị là tứ phân vị thứ 2 của biên độ chuẩn có
giá trị là 2.
Điều chỉnh số liệu kê
khai:
- Trường hợp tỷ lệ
chi phí tiền bản quyền tính trên doanh thu thuần của doanh nghiệp V là 2,1%,
doanh nghiệp V không phải thực hiện điều chỉnh lại số liệu kê khai chi phí bản
quyền được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Trường hợp tỷ lệ
chi phí tiền bản quyền tính trên doanh thu thuần của doanh nghiệp V là 4%, đồng
thời doanh nghiệp V thấy rằng giao dịch có tỷ lệ bản quyền là 2% có điều kiện
giao dịch sát nhất với giao dịch của doanh nghiệp, doanh nghiệp V thực hiện điều
chỉnh lại số liệu kê khai chi phí bản quyền được trừ khi tính thuế thu nhập
doanh nghiệp theo mức là 2% trên doanh thu thuần.
1.3. Trường hợp doanh
nghiệp đã áp dụng các phương pháp xác định giá thị trường theo quy định tại
Thông tư này nhưng trong năm có biến động bất khả kháng như thiên tai, cháy nổ
gây ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh hoặc giá mua, giá bán bị ảnh
hưởng bởi các chính sách, chế độ điều tiết của Nhà nước thì doanh nghiệp được điều
chỉnh giá đối với những sản phẩm chịu ảnh hưởng theo tình hình thực tế.
2. Các phương pháp
xác định giá thị trường
2.1. Phương pháp so
sánh giá giao dịch độc lập
2.1.1. Phương pháp so
sánh giá giao dịch độc lập dựa vào đơn giá sản phẩm trong giao dịch độc lập để
xác định đơn giá sản phẩm trong giao dịch liên kết khi các giao dịch này có điều
kiện giao dịch tương đương nhau.
2.1.2. Đơn giá sản phẩm
của giao dịch liên kết được so với giá trị phù hợp nhất thuộc biên độ giá thị
trường chuẩn theo đơn giá sản phẩm để điều chỉnh phù hợp với các nguyên tắc quy
định tại Điểm 1.2 Khoản 1 Điều 5 Phần B Thông tư này.
2.1.3. Đối với phương
pháp này, khi phân tích so sánh 4 tiêu thức ảnh hưởng theo hướng dẫn tại Điều 4
Phần B Thông tư này, tiêu thức ưu tiên là đặc tính sản phẩm và điều kiện hợp đồng,
các tiêu thức bổ trợ là điều kiện kinh tế và chức năng của doanh nghiệp.
2.1.4. Phương pháp so
sánh giá giao dịch độc lập được áp dụng với một trong các điều kiện sau:
a) Không có sự khác
biệt về điều kiện giao dịch khi so sánh giữa giao dịch độc lập và giao dịch
liên kết gây ảnh hưởng trọng yếu đến giá sản phẩm;
b) Trường hợp có các
khác biệt ảnh hưởng trọng yếu đến giá sản phẩm nhưng các khác biệt này đã được
loại trừ theo các hướng dẫn tại Điều 4 Phần B Thông tư này.
2.1.5. Các yếu tố ảnh
hưởng trọng yếu đến giá sản phẩm như:
a) Đặc tính vật chất,
chất lượng và nhãn hiệu thương mại của sản phẩm;
b) Các điều kiện hợp
đồng trong việc cung cấp, chuyển giao sản phẩm như: khối lượng (nếu có ảnh hưởng
đến mức giá), thời hạn chuyển giao sản phẩm, thời hạn thanh toán…;
c) Quyền phân phối,
tiêu thụ sản phẩm có ảnh hưởng đến giá trị kinh tế;
d) Thị trường nơi diễn
ra giao dịch.
2.1.6. Phương pháp so
sánh giá giao dịch độc lập thường được áp dụng cho các trường hợp:
a) Các giao dịch
riêng lẻ về từng chủng loại hàng hóa lưu thông trên thị trường;
b) Các giao dịch
riêng lẻ về từng loại hình dịch vụ, bản quyền, khế ước vay nợ;
c) Cơ sở kinh doanh
thực hiện cả giao dịch độc lập và giao dịch liên kết về cùng một chủng loại sản
phẩm.
Ví dụ 12: Công ty V tại
Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn của Công ty nước ngoài S hoạt động trong lĩnh
vực gia công sản phẩm dệt may. Trong năm 200x, công ty V có hai giao dịch về nhận
gia công quần âu mã số cat.347 như sau:
- Giao dịch 1: Gia
công cho công ty S 1.000 tá quần với giá 60 USD/tá theo điều kiện giao hàng tại
cảng X, Việt Nam (công ty S sẽ chịu trách nhiệm xuất khẩu ).
- Giao dịch 2: Gia
công cho công ty M của nước N 1.000 tá quần với giá 100USD/tá theo điều kiện
giao hàng tại thành phố Y, nước N.
Giả định:
- Công ty M là một
công ty không có quan hệ liên kết với công ty V và công ty S.
- Hai giao dịch nói
trên tương đương về điều kiện giao dịch trừ khác biệt trọng yếu là chi phí vận
chuyển và bảo hiểm cho việc gửi hàng từ cảng X đến thành phố Y, nước N là 3
USD/tá.
Phân tích so sánh:
- Khi so sánh giao dịch
1 (giao dịch liên kết) với giao dịch 2 (giao dịch độc lập) cho thấy giao dịch 1
chưa phản ánh đúng mức giá thị trường. Trong trường hợp này, doanh thu từ giao
dịch với công ty S được xác định lại như sau:
(100 USD - 3 USD) x
1.000 = 97.000 USD.
- Công ty V phải kê
khai doanh thu gia công nhận từ công ty S là 97.000 USD thay cho 60.000 USD.
2.2. Phương pháp giá
bán lại
2.2.1. Phương pháp
xác định giá bán lại dựa vào giá bán lại (hay giá bán ra) của sản phẩm do doanh
nghiệp bán cho bên độc lập để xác định giá mua vào của sản phẩm đó từ bên liên
kết.
2.2.2. Giá mua vào của
sản phẩm từ bên liên kết được xác định trên cơ sở giá bán ra của sản phẩm trong
các giao dịch độc lập trừ (-) lợi nhuận gộp trừ (-) các chi phí khác được tính
trong giá sản phẩm mua vào (nếu có) (ví dụ: thuế nhập khẩu, phí hải quan, chi
phí bảo hiểm, vận chuyển quốc tế).
2.2.2.1. Lợi nhuận gộp
được tính theo tỷ suất lợi nhuận gộp trên giá bán ra (doanh thu thuần) và giá
bán ra (doanh thu thuần), phản ánh giá trị doanh nghiệp thu được để bù đắp chi
phí hoạt động kinh doanh và có mức lãi hợp lý.
Tỷ suất lợi nhuận gộp
trên giá bán ra (doanh thu thuần) được xác định bằng giá trị chênh lệch giữa
giá bán ra (doanh thu thuần) và giá vốn sản phẩm mua vào chia cho (:) giá bán
ra (doanh thu thuần).
2.2.2.2. Trường hợp
doanh nghiệp có chức năng là đại lý phân phối không có quyền sở hữu sản phẩm và
được hưởng hoa hồng đại lý theo tỷ lệ phần trăm (%) trên giá bán của sản phẩm
thì tỷ lệ đó được coi là tỷ suất lợi nhuận gộp trên giá bán ra (doanh thu thuần).
(Xem Phụ lục
2-GCN/CC- Phần B.1 về công thức xác định giá thị trường theo phương pháp giá
bán lại).
2.2.3. Tỷ suất lợi
nhuận gộp trên giá bán ra (doanh thu thuần) của giao dịch liên kết được so với
giá trị phù hợp nhất thuộc biên độ giá thị trường chuẩn theo tỷ suất lợi nhuận
gộp để điều chỉnh phù hợp với các nguyên tắc quy định tại Điểm 1.2 Khoản 1 Điều
5 Phần B Thông tư này.
2.2.4. Đối với phương
pháp này, khi phân tích so sánh 4 tiêu thức ảnh hưởng theo hướng dẫn tại Điều 4
Phần B Thông tư này, tiêu thức ưu tiên là chức năng hoạt động của doanh nghiệp,
các tiêu thức bổ trợ là điều kiện hợp đồng, đặc tính sản phẩm và điều kiện kinh
tế.
2.2.5. Phương pháp
giá bán lại được áp dụng với một trong các điều kiện sau:
a) Không có sự khác
biệt về điều kiện giao dịch khi so sánh giữa giao dịch độc lập và giao dịch
liên kết gây ảnh hưởng trọng yếu đến tỷ suất lợi nhuận gộp trên giá bán ra
(doanh thu thuần);
b) Trường hợp có các
khác biệt ảnh hưởng trọng yếu đến tỷ suất lợi nhuận gộp trên giá bán ra (doanh
thu thuần) nhưng các khác biệt này đã được loại trừ theo các hướng dẫn tại Điều
4 Phần B Thông tư này.
2.2.6. Các yếu tố ảnh
hưởng trọng yếu đến tỷ suất lợi nhuận gộp trên giá bán ra (doanh thu thuần)
như:
a) Các chi phí phản
ánh chức năng của doanh nghiệp (ví dụ: đại lý phân phối độc quyền, thực hiện
các chương trình quảng cáo, khuyến mại, bảo hành...);
b) Chủng loại, quy
mô, khối lượng, thời gian quay vòng của sản phẩm mua vào để bán lại và tính chất
hoạt động của giao dịch trên thị trường (ví dụ: bán buôn, bán lẻ, ...);
c) Phương pháp hạch
toán kế toán (tức là phải đảm bảo các yếu tố cấu thành lợi nhuận gộp và doanh
thu của giao dịch liên kết và giao dịch độc lập là tương đương nhau hoặc cùng
được áp dụng chung các chuẩn mực kế toán).
2.2.7. Phương pháp
giá bán lại thường được áp dụng cho các trường hợp giao dịch đối với các sản phẩm
thuộc khâu cung cấp dịch vụ đơn giản và thương mại phân phối có thời gian quay
vòng từ khi mua vào đến khi bán ra ngắn, ít chịu biến động về tính thời vụ. Đồng
thời, sản phẩm trước khi được bán ra không qua khâu gia công, chế biến, lắp
ráp, thay đổi tính chất sản phẩm hoặc gắn với nhãn hiệu thương mại để làm gia
tăng đáng kể giá trị sản phẩm.
Ví dụ 13: Doanh nghiệp
V tại Việt Nam là bên liên kết của Công ty nước ngoài H kinh doanh phân phối mặt
hàng đồng hồ do công ty H cung cấp có một số thông tin sau:
- Trong năm 200x,
công ty H giao cho doanh nghiệp V 1.000 chiếc đồng hồ và yêu cầu doanh nghiệp V
phải thanh toán số tiền là 330.000 USD (bao gồm giá CIF + thuế, phí nhập khẩu
do công ty H đã nộp).
- Cuối năm 200x,
doanh thu thuần doanh nghiệpV thu được từ việc bán toàn bộ số đồng hồ này cho
người tiêu dùng tại Việt Nam được quy đổi là 400.000 USD.
Doanh nghiệp T là
doanh nghiệp độc lập tại Việt Nam hoạt động kinh doanh phân phối đồng hồ. Năm
200x, tỷ suất lợi nhuận gộp của doanh nghiệp T đạt 20%.
Giả sử doanh nghiệp T
đủ điều kiện được lựa chọn để so sánh về tỷ suất lợi nhuận gộp với doanh nghiệp
V thì doanh nghiệp V sẽ phải kê khai tính chi phí hợp lý được trừ cho việc mua
đồng hồ từ công ty H như sau:
[400.000 USD -
(400.000 USD x 20%)] = 320.000 USD
Doanh nghiệp V chỉ được
trừ chi phí hợp lý cho giá vốn hàng bán là 320.000 USD thay cho 330.000 USD.
Trường hợp công ty H
có cung cấp dịch vụ tư vấn bán hàng và yêu cầu doanh nghiệp V phải thanh toán
chi phí này (được hạch toán vào chi phí bán hàng) thì giao dịch này được tách
riêng và phải thực hiện một trong các phương pháp xác định giá giao dịch được
quy định tại Thông tư này để xác định chi phí hợp lý được trừ cho dịch vụ tư vấn
bán hàng.
2.3. Phương pháp giá
vốn cộng lãi
2.3.1. Phương pháp
giá vốn cộng lãi dựa vào giá vốn (hoặc giá thành) của sản phẩm do doanh nghiệp
mua vào từ bên độc lập để xác định giá bán ra của sản phẩm đó cho bên liên kết.
2.3.2. Giá bán ra của
sản phẩm cho bên liên kết được xác định trên cơ sở lấy giá vốn (hoặc giá thành)
của sản phẩm cộng (+) lợi nhuận gộp.
2.3.2.1. Lợi nhuận gộp
được tính theo tỷ suất lợi nhuận gộp trên giá vốn (hoặc giá thành) sản phẩm bán
ra và giá vốn (hoặc giá thành) sản phẩm bán ra, phản ánh mức lợi nhuận hợp lý
tương ứng với chức năng hoạt động của doanh nghiệp và điều kiện thị trường.
Tỷ suất lợi nhuận gộp
trên giá vốn (hoặc giá thành) được xác định bằng giá trị chênh lệch giữa doanh
thu thuần và giá vốn (hoặc giá thành) sản phẩm chia (:) cho giá vốn (hoặc giá
thành). Giá vốn (hoặc giá thành) sản phẩm bán ra bao gồm chi phí sản xuất trực
tiếp, gián tiếp và không bao gồm chi phí hoạt động tài chính như: chi phí bản
quyền, lãi tiền vay,....
Trường hợp doanh nghiệp
không hạch toán riêng được giá vốn (hoặc giá thành) sản phẩm bán ra, chi phí
bán hàng và chi phí quản lý chung thì giá vốn (hoặc giá thành) sản phẩm bán ra
làm căn cứ tính lợi nhuận gộp sẽ bao gồm toàn bộ các khoản chi phí này.
2.3.2.2. Trường hợp
doanh nghiệp có chức năng đại lý thu mua sản phẩm không có quyền sở hữu sản phẩm
và được hưởng hoa hồng đại lý theo tỷ lệ phần trăm (%) trên chi phí thu mua sản
phẩm thì tỷ lệ đó được coi là tỷ suất lợi nhuận gộp trên giá vốn.
(Xem Phụ lục
2-GCN/CC, Phần B.2 về công thức xác định giá thị trường theo phương pháp giá vốn
cộng lãi).
2.3.3. Tỷ suất lợi
nhuận gộp trên giá vốn (hoặc giá thành) của giao dịch liên kết được so với giá
trị phù hợp nhất thuộc biên độ giá thị trường chuẩn theo tỷ suất lợi nhuận gộp
trên giá vốn (hoặc giá thành) để điều chỉnh phù hợp với các nguyên tắc quy định
tại Điểm 1.2 Khoản 1 Điều 5 Phần B Thông tư này.
2.3.4. Đối với phương
pháp này, khi phân tích so sánh 4 tiêu thức ảnh hưởng theo hướng dẫn tại Điều 4
Phần B Thông tư này, tiêu thức ưu tiên là chức năng hoạt động của doanh nghiệp,
các tiêu thức bổ trợ là điều kiện hợp đồng, đặc tính sản phẩm và điều kiện kinh
tế.
2.3.5. Phương pháp
giá vốn cộng lãi được áp dụng với một trong các điều kiện sau:
a) Không có sự khác
biệt về điều kiện giao dịch khi so sánh giữa giao dịch độc lập và giao dịch
liên kết gây ảnh hưởng trọng yếu đến tỷ suất lợi nhuận gộp trên giá vốn (hoặc
giá thành);
b) Trường hợp có các
khác biệt ảnh hưởng trọng yếu đến tỷ suất lợi nhuận gộp trên giá vốn (hoặc giá
thành) nhưng các khác biệt này đã được loại trừ theo các hướng dẫn tại Điều 4
Phần B Thông tư này.
2.3.6. Các yếu tố ảnh
hưởng trọng yếu đến tỷ suất lợi nhuận gộp trên giá vốn (hoặc giá thành) thường
bao gồm:
a) Các chi phí phản
ánh chức năng hoạt động của doanh nghiệp (ví dụ: sản xuất theo hợp đồng, nghiên
cứu, phát triển sản phẩm mới, tỷ trọng giá trị gia tăng của sản phẩm so với quy
mô đầu tư kinh doanh);
b) Các nghĩa vụ thực
hiện hợp đồng (ví dụ: thời hạn chuyển giao sản phẩm, chi phí giám sát chất lượng,
lưu kho, lưu bãi, điều kiện thanh toán);
c) Phương pháp hạch
toán kế toán (tức là phải đảm bảo các yếu tố cấu thành trong giá vốn (hoặc giá
thành) của giao dịch liên kết và giao dịch độc lập là tương đương nhau hoặc
cùng được áp dụng chung các chuẩn mực kế toán).
2.3.7. Phương pháp
giá vốn cộng lãi thường được áp dụng cho các trường hợp:
a) Giao dịch thuộc
khâu sản xuất, lắp ráp, chế tạo, chế biến sản phẩm để bán cho các bên liên kết;
b) Giao dịch giữa các
bên liên kết thực hiện hợp đồng liên danh, hợp đồng hợp tác kinh doanh để sản
xuất, lắp ráp, chế tạo, chế biến sản phẩm, hoặc thực hiện các thỏa thuận về
cung cấp các yếu tố sản xuất đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra;
c) Giao dịch về cung
cấp dịch vụ cho các bên liên kết.
Ví dụ 14: Doanh nghiệp
A tại Việt Nam là công ty con của công ty mẹ T (nước Y) thực hiện gia công giày
xuất khẩu theo mẫu mã do công ty T giao. Công ty mẹ chịu trách nhiệm cung cấp
nguyên vật liệu đầu vào, cán bộ kỹ thuật kiểm tra chất lượng, chi phí vận tải
và bảo hiểm quốc tế. Doanh nghiệp A được trả phí gia công theo đơn vị sản phẩm
và chịu các chi phí phát sinh trong quá trình gia công. Năm 20xx, thông tin về
hoạt động gia công của doanh nghiệp A như sau:
- Doanh thu thuần
(phí gia công): 15 tỷ VND
- Giá vốn hàng bán:
13 tỷ VND
- Chi phí bán hàng và
chi phí quản lý doanh nghiệp: 1,8 tỷ VND.
Giả định:
- Một số doanh nghiệp
độc lập khác cũng hoạt động sản xuất gia công giày cho các tổ chức, cá nhân nước
ngoài và phí gia công được tính trên cơ sở: phí gia công bằng (=) tổng giá
thành toàn bộ (giá vốn hàng bán + chi phí quản lý doanh nghiệp + chi phí bán
hàng) cộng (+) 7% tổng giá thành toàn bộ.
- Các giao dịch độc lập
của các doanh nghiệp này đủ điều kiện được chọn để so sánh với giao dịch của
doanh nghiệp A.
Trong trường hợp này,
doanh thu từ hoạt động gia công giày được xác định lại như sau: (13 tỷ + 1,8 tỷ)
+ [7% x (13 tỷ + 1,8 tỷ)] = 15,836 tỷ VND.
Doanh nghiệp A phải thực
hiện kê khai doanh thu là 15,836 tỷ VND thay cho số liệu cũ là 15 tỷ VND.
2.3.8. Phương pháp
giá vốn cộng lãi có thể được vận dụng để xác định lại giá vốn (hoặc giá thành)
có yếu tố giao dịch liên kết của doanh nghiệp dựa vào giá của sản phẩm bán ra
đã được xác định theo giá thị trường và tỷ suất lợi nhuận gộp trên giá vốn (hoặc
giá thành).
Ví dụ 15: Doanh nghiệp
V tại Việt Nam là công ty con 100% vốn của công ty đa quốc gia P, chuyên sản xuất
chất tẩy rửa gia dụng. Nguyên liệu đầu vào (phôi xà phòng và các hóa chất tẩy rửa
khác) do một công ty thành viên Y cung cấp. Sản lượng tiêu thụ trong năm 200x của
doanh nghiệp V là 100 tấn, trong đó:
- Giao dịch 1: 60 tấn
được giao bán cho một công ty thành viên khác trong tập đoàn P với giá FOB là
650 USD/tấn,
- Giao dịch 2: 40 tấn
còn lại được bán cho siêu thị trong nước với giá không có thuế GTGT là 700USD/tấn.
Sổ kế toán trong kỳ của
doanh nghiệp thể hiện các số liệu như sau:
- Doanh thu thuần:
67.000 USD
- Tổng giá thành toàn
bộ: 65.000USD
Giả định:
- Giao dịch 1 và 2 đủ
điều kiện để doanh nghiệp V áp dụng phương pháp so sánh giá thị trường độc lập.
- Số liệu về tỷ suất
lợi nhuận gộp trên giá thành toàn bộ của các doanh nghiệp độc lập hoạt động
trong ngành sản xuất chất tẩy rửa gia dụng là 15%.
Doanh nghiệp V thực
hiện kê khai doanh thu, chi phí để tính thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:
- Điều chỉnh lại giá
bán trong giao dịch liên kết theo giá bán trong giao dịch độc lập:
700 USD x 60 tấn =
42.000 USD
- Xác định lại doanh
thu thuần:
42.000 USD + 700 USD
x 40 tấn = 70.000 USD
- Điều chỉnh lại tổng
giá thành toàn bộ:
70.000 USD/ (1+
0,15) = 60.870 USD.
Như vậy, doanh nghiệp
V sẽ phải kê khai nộp thuế trên cơ sở số liệu doanh thu thuần là 70.000 USD
thay cho số liệu cũ là 67.000 USD và tổng giá thành toàn bộ là 60.870 USD thay
cho số liệu cũ là 65.000 USD.
2.4.
Phương pháp so sánh lợi nhuận
2.4.1. Phương pháp so
sánh lợi nhuận dựa vào tỷ suất sinh lời của sản phẩm trong các giao dịch độc lập
được chọn để so sánh làm cơ sở xác định tỷ suất sinh lời của sản phẩm trong
giao dịch liên kết khi các giao dịch này có điều kiện giao dịch tương đương
nhau.
2.4.2. Các tỷ suất
sinh lời được tính bằng lợi nhuận (thu nhập) thuần trước thuế thu nhập doanh
nghiệp trên doanh thu thuần, trên chi phí hoặc trên tài sản của hoạt động sản
xuất kinh doanh theo quy định của chế độ kế toán và báo cáo tài chính. Lợi nhuận
(thu nhập) thuần trước thuế thu nhập doanh nghiệp có thể được cộng thêm (+) chi
phí lãi tiền vay hoặc khấu hao tài sản cố định để xác định hiệu quả sản xuất,
kinh doanh trước khi chi trả các khoản chi phí này. Các tỷ suất sinh lời thường
được sử dụng bao gồm:
2.4.2.1. Tỷ suất thu
nhập thuần trước thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu thuần từ hoạt động sản
xuất, kinh doanh.
Ví dụ 16: Doanh nghiệp
L hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và lắp ráp ô tô 4 chỗ nhãn hiệu N và S,
trong đó:
- Nhãn hiệu N được
giao bán cho các bên độc lập.
- Nhãn hiệu S được
giao bán toàn bộ cho doanh nghiệp L1 là công ty 100% vốn của doanh nghiệp L.
- Tất cả các giao dịch
mua vào cho việc sản xuất, lắp ráp 2 loại ô tô trên đều là giao dịch độc lập.
Trong năm 200x, số
liệu sổ kế toán của doanh nghiệp L như sau:
+ Doanh thu thuần từ
hoạt động bán xe ô tô hiệu N: 18.000 USD (là giao dịch độc lập)
+ Lợi nhuận thuần trước
thuế từ hoạt động bán xe ô tô hiệu N: 2.000 USD
+ Doanh thu thuần từ
hoạt động bán xe ô tô hiệu S: 25.000 USD (là giao dịch liên kết)
+ Lợi nhuận thuần trước
thuế từ hoạt động bán xe ô tô hiệu S: 1.800 USD.
+ Công ty L1 cho công
ty L vay và giá trị lãi tiền vay tính theo lãi suất thị trường là 100 USD.
Tỷ suất lợi nhuận thuần
trước thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu thuần đối với ô tô hiệu N:
2.000/18.000 x 100% = 11,1%
Tỷ suất lợi nhuận thuần
trước thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu thuần đối với ô tô hiệu S: 1.800/25.000
x 100% = 7,2%
Giả sử các sự khác biệt
có ảnh hưởng trọng yếu giữa 2 giao dịch bán xe N và xe S đã được điều chỉnh để
kết quả giao dịch với công ty L1 phải đạt tỷ suất lợi nhuận thuần trước thuế
thu nhập doanh nghiệp và trước khi chi trả lãi tiền vay trên doanh thu thuần là
11,1%. Trường hợp này, số liệu về giao dịch bán xe ô tô hiệu S đuợc xác định lại
như sau:
Tổng giá thành toàn bộ:
25.000 – 1.800 - 100 = 23.100 USD.
Doanh thu thuần:
23.100 / (1 – 0, 111) = 25.984 USD.
Lợi nhuận thuần trước
thuế, trước lãi vay: 25.984 – 23.100 = 2.884 USD
Lợi nhuận thuần trước
thuế: 2.884 – 100 = 2.784 USD
Công ty L phải kê
khai lợi nhuận thuần trước thuế thu nhập doanh nghiệp đối với giao dịch bán ô
rô S là 2.784 USD thay cho số liệu cũ trong sổ kế toán là 1.800 USD.
2.4.2.2. Tỷ suất thu
nhập thuần trước thuế thu nhập doanh nghiệp trên tổng chi phí từ hoạt động sản
xuất, kinh doanh.
Không sử dụng tỷ suất
thu nhập thuần trước thuế thu nhập doanh nghiệp trên tổng chi phí đối với các
trường hợp có chi phí phát sinh từ giao dịch liên kết do số liệu chi phí từ
giao dịch liên kết đang thuộc phạm vi điều chỉnh xác định giá thị trường.
Ví dụ 17: doanh nghiệp
A là công ty con của công ty B, làm đại lý dịch vụ giao nhận cho B, doanh nghiệp
C là doanh nghiệp độc lập chuyên kinh doanh dịch vụ giao nhận (cho nhiều khách
hàng độc lập). Số liệu về doanh thu, chi phí của A và C như sau:
Đơn vị
tính: nghìn USD
|
A
|
C
|
Tổng chi phí
|
1.500
|
2.000
|
Tổng doanh thu
|
1.650
|
2.500
|
Giả sử C đủ điều kiện
được chọn để so sánh với A về tỷ suất thu nhập thuần trước thuế thu nhập doanh
nghiệp trên tổng chi phí.
- Tỷ suất thu nhập
thuần trước thuế thu nhập doanh nghiệp trên tổng chi phí của A = (1.650 -
1.500): 1.500 = 10%
- Tỷ suất thu nhập
thuần trước thuế thu nhập doanh nghiệp trên tổng chi phí của C = (2.500 -
2.000) : 2.000 = 25%
Doanh nghiệp A phải
thực hiện kê khai thu nhập thuần trước thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động
giao dịch liên kết theo tỷ suất thu nhập thuần trước thuế thu nhập doanh nghiệp
trên tổng chi phí tương ứng với mức 25% của doanh nghiệp C.
2.4.2.3. Tỷ suất thu
nhập thuần trước thuế thu nhập doanh nghiệp trên tài sản của hoạt động sản xuất
kinh doanh.
Tỷ suất này chỉ được
sử dụng trong trường hợp doanh nghiệp có tài sản cố định chiếm tỷ trọng đáng kể
trong tổng vốn đầu tư (ví dụ: các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp sản xuất,
ngành khai thác mỏ).
Giá trị tài sản là
giá trị trung bình cộng của số dư tài sản đầu kỳ và số dư tài sản cuối kỳ, bao
gồm tài sản cố định và tài sản lưu động, không bao gồm các tài sản được sử dụng
cho hoạt động đầu tư, góp vốn liên doanh liên kết (ví dụ: mua công trái, mua cổ
phần).
Ví dụ 18:
- N là công ty con tại
Việt Nam của tập đoàn P chuyên sản xuất rượu gạo. Công ty mẹ cung cấp phần lớn
các yếu tố sản xuất đầu vào và bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra. Trong năm 200x
doanh nghiệp N có tỷ suất thu nhập thuần trước thuế thu nhập doanh nghiệp trên
tài sản là 3%.
- V là một công ty độc
lập chuyên sản xuất đồ uống các loại trong đó có các phân xưởng sản xuất rượu gạo,
bia và đồ uống có ga khác. Trong năm 200x, công ty V có tỷ suất thu nhập thuần
trước thuế thu nhập doanh nghiệp trên tài sản toàn công ty là 7%, trong đó tỷ
suất thu nhập thuần trước thuế thu nhập doanh nghiệp trên tài sản của phân xưởng
sản xuất rượu gạo là 7,5%.
Giả sử V đủ điều kiện
được chọn để so sánh với N về tỷ suất thu nhập thuần trước thuế thu nhập doanh
nghiệp trên tài sản, như vậy N sẽ phải điều chỉnh thu nhập chịu thuế theo tỷ suất
thu nhập thuần trước thuế thu nhập doanh nghiệp trên tài sản là 7,5%.
2.4.3. Doanh nghiệp lựa
chọn một trong các tỷ suất sinh lời nêu trên để so sánh tỷ suất sinh lời của
giao dịch liên kết với tỷ suất sinh lời của giao dịch độc lập và có thể sử dụng
một hoặc nhiều tỷ suất sinh lời khác được quy định theo chế độ báo cáo tài
chính để bổ trợ kiểm tra tính chính xác của tỷ suất sinh lời đã chọn. Việc lựa
chọn tỷ suất sinh lời được tính trên doanh thu thuần, chi phí hoặc tài sản phụ
thuộc vào bản chất kinh tế của giao dịch. (Xem Phụ lục 2-GCN/CC, Phần B.3 về
các công thức tính tỷ suất sinh lời để áp dụng phương pháp so sánh lợi nhuận).
Ví dụ 19:
- Giả sử doanh nghiệp
có giao dịch liên kết ở khâu bán sản phẩm thì không sử dụng tỷ suất thu nhập
thuần trước thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu thuần do số liệu doanh
thu từ giao dịch liên kết đang thuộc phạm vi điều chỉnh xác định giá thị trường.
- Giả sử doanh nghiệp
cung cấp dịch vụ thì không sử dụng tỷ suất thu nhập thuần trước thuế thu nhập
doanh nghiệp trên tài sản.
2.4.4. Tỷ suất sinh lời
của giao dịch liên kết được so với tỷ suất sinh lời phù hợp nhất thuộc biên độ
giá thị trường chuẩn để điều chỉnh phù hợp với các nguyên tắc quy định tại Điểm
1.2 Khoản 1 Điều 5 Phần B Thông tư này.
2.4.5. Đối với phương
pháp này, khi phân tích so sánh 4 tiêu thức ảnh hưởng theo hướng dẫn tại Điều 4
Phần B Thông tư này, tiêu thức ưu tiên là chức năng hoạt động của doanh nghiệp,
các tiêu thức bổ trợ là điều kiện hợp đồng, đặc tính sản phẩm và điều kiện kinh
tế.
2.4.6. Phương pháp so
sánh lợi nhuận được áp dụng với một trong các điều kiện sau:
Không có sự khác biệt
về điều kiện giao dịch khi so sánh giữa giao dịch độc lập và giao dịch liên kết
gây ảnh hưởng trọng yếu đến tỷ suất sinh lời;
Trường hợp có các
khác biệt ảnh hưởng trọng yếu đến tỷ suất sinh lời nhưng các khác biệt này đã
được loại trừ theo các hướng dẫn tại Điều 4 phần B Thông tư này.
2.4.7. Các yếu tố ảnh
hưởng trọng yếu đến tỷ suất sinh lời như:
a) Các yếu tố về tài
sản, vốn và chi phí sử dụng cho việc thực hiện chức năng chính của doanh nghiệp
(ví dụ: sản xuất, chế biến trên cơ sở sử dụng máy móc do doanh nghiệp đầu tư có
khả năng thu lợi nhuận cao hơn so với việc sản xuất, chế biến trên cơ sở sử dụng
máy móc do cơ sở khác cho thuê để gia công);
b) Tính chất ngành
nghề hoạt động, nhóm sản phẩm và công đoạn sản xuất hoặc tiêu thụ (ví dụ: thành
phẩm được làm từ nguyên vật liệu thô hoặc từ bán thành phẩm);
c) Phương pháp hạch
toán kế toán và cơ cấu chi phí của sản phẩm (ví dụ: sản phẩm đang trong giai đoạn
khấu hao nhanh so với khấu hao thông thường).
2.4.8. Phương pháp so
sánh lợi nhuận là phương pháp mở rộng của phương pháp giá bán lại và phương
pháp giá vốn cộng lãi. Do đó, phương pháp so sánh lợi nhuận thường được áp dụng
rộng rãi trong các trường hợp như đã nêu tại các Tiết 2.2.7 Điểm 2.2 và Tiết 2.3.7
Điểm 2.3 Khoản 2 Điều 5 Phần B Thông tư này.
2.5. Phương pháp tách
lợi nhuận
2.5.1. Phương pháp
tách lợi nhuận dựa vào lợi nhuận thu được từ một giao dịch liên kết tổng hợp do
nhiều doanh nghiệp liên kết thực hiện để xác định lợi nhuận thích hợp cho từng
doanh nghiệp liên kết đó theo cách các bên độc lập thực hiện phân chia lợi nhuận
trong các giao dịch độc lập tương đương.
Giao dịch liên kết tổng
hợp do nhiều doanh nghiệp liên kết tham gia là giao dịch mang tính chất đặc
thù, duy nhất, bao gồm nhiều giao dịch liên kết có liên quan chặt chẽ với nhau
về các sản phẩm độc quyền hoặc các giao dịch liên kết khép kín giữa các bên
liên kết có liên quan.
2.5.2. Phương pháp
tách lợi nhuận có 2 cách tính:
2.5.2.1. Cách tính thứ
nhất: phân bổ lợi nhuận cho từng bên liên kết trên cơ sở chi phí đóng góp; theo
đó, lợi nhuận của mỗi doanh nghiệp liên kết tham gia trong giao dịch được xác định
trên cơ sở phân bổ tổng lợi nhuận thu được từ giao dịch liên kết tổng hợp theo
tỷ lệ chi phí đóng góp thực tế trong giao dịch liên kết của doanh nghiệp đó
trong tổng chi phí thức tế để tạo ra sản phẩm cuối cùng (Xem Phụ lục 2-GCN/CC,
Phần B.4 về công thức phân bổ lợi nhuận theo tỷ lệ vốn góp).
Ví dụ 20:
Doanh nghiệp A tại Việt
Nam và doanh nghiệp B tại nước ngoài có một số thông tin sau:
- Cả hai công ty đều
là các công ty thành viên của tập đoàn T sản xuất sản phẩm điện tử.
- Cả hai công ty tham
gia vào sản xuất sản phẩm mới là ti vi màn hình tinh thể lỏng.
- A chịu trách nhiệm
thiết kế, sản xuất vỏ máy và đèn hình để chuyển cho B lắp ráp với các bộ phận
khác (cài đặt các mạch vòng, chíp điện tử ...) do B sáng chế và sản xuất. Ti vi
màn hình tinh thể lỏng thành phẩm được bán cho C là nhà phân phối độc lập với
giá là 550 USD.
- Tổng giá thành sản
phẩm do A giao cho B là 300 USD. B bỏ ra chi phí để sản xuất tiếp theo là 150
USD.
Lợi nhuận được phân bổ
cho A được tính như sau:
[(550 - (300 + 150))
: 450] x 300 = 66,66 USD
2.5.2.2. Cách tính thứ
hai: phân chia lợi nhuận theo 2 bước như sau:
2.5.2.2.1. Bước thứ
nhất: phân chia lợi nhuận cơ bản: mỗi doanh nghiệp tham gia giao dịch liên kết
được nhận phần lợi nhuận cơ bản tương ứng với các chức năng hoạt động của mình.
Phần lợi nhuận cơ bản này phản ánh giá trị lợi nhuận của giao dịch liên kết tổng
hợp mà doanh nghiệp thu được do thực hiện chức năng hoạt động của mình và chưa
tính đến các yếu tố đặc thù và duy nhất (ví dụ độc quyền sở hữu hoặc sử dụng
tài sản vô hình hoặc quyền sở hữu trí tuệ).
Phần lợi nhuận cơ bản
được tính theo tỷ suất lợi nhuận gộp hoặc tỷ suất sinh lời tương ứng với giá trị
phù hợp nhất thuộc biên độ giá thị trường chuẩn theo tỷ suất lợi nhuận gộp hoặc
tỷ suất sinh lời theo hướng dẫn tại các Điểm 2.2, 2.3, 2.4 Khoản 2 Điều 5 Phần
B Thông tư này.
2.5.2.2.2. Bước thứ
hai: phân chia lợi nhuận phụ trội: mỗi doanh nghiệp tham gia giao dịch liên kết
được nhận tiếp phần lợi nhuận phụ trội tương ứng với tỷ lệ đóng góp tạo ra tổng
lợi nhuận phụ trội (tức là tổng lợi nhuận thu được trừ (-) tổng lợi nhuận cơ bản
đã phân chia ở bước thứ nhất) của giao dịch liên kết tổng hợp. Phần lợi nhuận
phụ trội này phản ánh lợi nhuận của giao dịch liên kết tổng hợp mà doanh nghiệp
thu được ngoài phần lợi nhuận cơ bản nhờ các yếu tố đặc thù và duy nhất.
Phần lợi nhuận phụ trội
của mỗi doanh nghiệp được tính bằng tổng lợi nhuận phụ trội thu được từ giao dịch
liên kết tổng hợp nhân với (x) tỷ lệ đóng góp các chi phí hoặc tài sản dưới đây
của mỗi doanh nghiệp:
a) Chi phí nghiên cứu
và phát triển sản phẩm;
b) Giá trị (sau khi
đã trừ khấu hao) của tài sản vô hình hoặc quyền sở hữu trí tuệ được sử dụng để
sản xuất, kinh doanh sản phẩm.
Chi phí nghiên cứu và
phát triển, giá trị của tài sản vô hình, quyền sở hữu trí tuệ phải được xác định
trên cơ sở giá thị trường (theo các phương pháp được quy định tại Thông tư này)
hoặc chi phí thực tế đóng góp của mỗi bên phù hợp với nguyên tắc hạch toán kế
toán đối với chi phí hoặc tài sản.
Ví dụ 21: Công ty H
và M là hai công ty cùng một tập đoàn sản xuất điện thoại di động, trong đó H
chế tạo các cụm linh kiện và M lắp ráp, cài đặt phần mềm hoàn chỉnh để bán cho
các nhà phân phối độc lập. Số liệu kế toán của doanh nghiệp H và M liên quan đến
giao dịch liên kết về sản xuất điện thoại di động như sau:
Đơn vị
tính: nghìn USD
Chỉ tiêu
|
H
|
M
|
Doanh thu thuần
|
200
|
500
|
Giá vốn hàng bán gồm:
|
|
|
- Chi phí mua
nguyên vật liệu đầu vào
|
100
|
200
|
- Các chi phí sản
xuất
|
50
|
150
|
Chi phí nghiên cứu,
phát triển (R&D)
|
30
|
50
|
Chi phí bán hàng và
quản lý chung
|
10
|
50
|
Lợi nhuận
|
10
|
50
|
Cách tính lợi nhuận của
H và M theo phương pháp tách lợi nhuận:
Bước 1: phân chia lợi
nhuận cơ bản
- Tính lại số liệu
báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh tổng hợp:
Đơn vị
tính: nghìn USD
Chỉ tiêu
|
Số tiền
|
Doanh thu thuần
|
500
|
Giá vốn hàng bán
|
300
|
Chi phí nghiên cứu,
phát triển (R&D)
|
80
|
Chi phí bán hàng và
quản lý chung
|
60
|
Lợi nhuận
|
60
|
- Giả sử đã xác định
được tỷ suất lợi nhuận gộp trên giá thành theo giá trị thị trường của H là 10%
và M là 8% theo hướng dẫn tại tiết 2.3 Điều 5 Phần B của Thông tư này.
-Tính lợi nhuận của H
và M theo công thức:
Lợi nhuận = tỷ suất lợi
nhuận gộp X giá thành
Giá thành toàn bộ =
giá vốn hàng bán + chi phí R &D + chi phí bán hàng và quản lý chung
+ Lợi nhuận của H =
10% X (100 + 50 + 30 + 10) = 19 nghìn USD
+ Lợi nhuận của M =
8% X (300 + 80 + 60 -190) = 20 nghìn USD
Lợi nhuận phụ trội
sau khi phân chia lợi nhuận cơ bản: 60 - 19 - 20 = 21 nghìn USD
Bước 2: Phân chia lợi
nhuận phụ trội dựa trên tỷ lệ đóng góp chi phí R&D
- Tính tỷ trọng đóng
góp chi phí R&D của mỗi bên:
+ H = 30/80 100% =
37,5%
+ M = 100% - 37,5% = 62,5%
- Tính phần lợi nhuận
phụ trội của H và M:
+ H: 21 X 37,5% =
8,87 nghìn USD
+ M: 21 - 8,87 =
12,13 nghìn USD
Kết luận:
- H thực hiện kê khai
lợi nhuận thu được từ giao dịch liên kết là: 19 + 8,87 = 27,87 nghìn USD thay
cho số liệu cũ là 10 nghìn USD;
- M thực hiện kê khai
lợi nhuận thu được từ giao dịch liên kết là: 20 + 12,13 = 32,13 nghìn USD thay
cho số liệu cũ là 50 nghìn USD.
2.5.3. Đối với phương
pháp này, khi phân tích so sánh 4 tiêu thức ảnh hưởng theo hướng dẫn tại Điều 4
Phần B Thông tư này và các điều kiện áp dụng được thực hiện theo quy định đối với
phương pháp giá bán lại, phương pháp giá vốn cộng lãi hoặc phương pháp so sánh
lợi nhuận tuỳ từng trường hợp áp dụng phù hợp với hướng dẫn tại Tiết 2.5.2.2.1
Điểm 2.5 Khoản 2 Điều 5 Phần B Thông tư này.
2.5.4. Phương pháp
tách lợi nhuận thường được áp dụng trong trường hợp các bên liên kết cùng tham
gia nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới hoặc phát triển sản phẩm là tài sản
vô hình độc quyền hoặc các giao dịch trong quy trình sản xuất, kinh doanh chuyển
tiếp giữa các bên liên kết từ khâu nguyên vật liệu đến thành phẩm cuối cùng để
lưu thông sản phẩm gắn liền với việc sở hữu hoặc sử dụng quyền sở hữu trí tuệ
duy nhất.
Điều 6.
Quy định về xác định giá thị trường đối với một số trường hợp đặc biệt
Trường hợp do tính đặc
thù hoặc duy nhất của giao dịch liên kết, doanh nghiệp không thể lựa chọn được
giao dịch độc lập để so sánh theo các hướng dẫn tại các Điểm từ 1.1 đến 1.6 Khoản
1 Điều 4 Phần B Thông tư này và các phương pháp xác định giá thị trường nêu tại
Điều 5 Phần B của Thông tư này, doanh nghiệp phải giải trình lý do (bao gồm cả
các thông tin về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp) và thực hiện một trong
các biện pháp sau:
1. Biện pháp tổng hợp
1.1. Mở rộng phạm vi
lựa chọn các giao dịch (hoặc doanh nghiệp) độc lập sang phân ngành kinh tế quốc
dân (theo Danh mục ngành kinh tế quốc dân do cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm
quyền ban hành) khác với phân ngành mà doanh nghiệp đang hoạt động để so sánh với
điều kiện các doanh nghiệp thực hiện các giao dịch độc lập đó có chức năng hoạt
động tương đương với doanh nghiệp; thực hiện phân tích 4 tiêu thức ảnh hưởng và
loại trừ các khác biệt trọng yếu trên cơ sở các tiêu thức kinh tế được sử dụng
trong phân ngành để phản ánh khách quan hiệu quả đầu tư kinh doanh, tăng trưởng
kinh tế hoặc giá trị gia tăng của sản phẩm. Số lượng giao dịch độc lập hoặc
doanh nghiệp độc lập được chọn để so sánh ít nhất là 5 (năm).
1.2. Xác định biên độ
giá thị trường chuẩn theo các cách tính của phương pháp xác định giá phù hợp nhất
quy định tại Điều 5 Phần B của Thông tư này; sử dụng hàm toán thống kê tứ phân
vị hoặc hàm toán thống kê bách phân vị để xác định biên độ giá thị trường chuẩn
và giá trị trung vị phù hợp được rút ra từ biên độ giá thị trường chuẩn. (Xem
phụ lục 2-GCN/CC, Phần C. Cách tính tứ phân vị, bách phân vị để xác định biên độ
giá thị trường chuẩn).
1.3. Trường hợp giá
bán sản phẩm, tỷ suất lợi nhuận gộp hoặc tỷ suất sinh lời của sản phẩm trong
giao dịch liên kết không thấp hơn giá trị trung vị thuộc biên độ giá thị trường
chuẩn hoặc giá mua sản phẩm trong giao dịch liên kết không cao hơn giá trị
trung vị này thì doanh nghiệp không phải thực hiện điều chỉnh đối với giao dịch
liên kết. Trường hợp giá bán sản phẩm, tỷ suất lợi nhuận gộp hoặc tỷ suất sinh
lời của sản phẩm trong giao dịch liên kết thấp hơn giá trị trung vị này hoặc
giá mua sản phẩm trong giao dịch liên kết cao hơn giá trị trung vị này thì
doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh theo giá trị phù hợp nhất thuộc biên độ giá
thị trường chuẩn nhưng không thấp hơn giá trị trung vị phản ánh mức giá bán, tỷ
suất lợi nhuận gộp hoặc tỷ suất sinh lời tương ứng hoặc không cao hơn giá trị
trung vị phản ánh mức giá mua tương ứng.
1.4. Tuỳ từng trường
hợp, doanh nghiệp sử dụng kết hợp các phương pháp xác định giá quy định tại Điều
5 phần B của Thông tư này (xem ví dụ 15) hoặc áp dụng đồng thời 2 phương pháp
xác định giá để bổ trợ kiểm tra tính chính xác và khách quan của mức giá, tỷ suất
lợi nhuận gộp hoặc tỷ suất sinh lời của sản phẩm trong giao dịch liên kết.
1.5. Riêng đối với
phương pháp tách lợi nhuận, cách tính thứ 2, các hướng dẫn tại các Điểm từ 1.1
đến 1.3 Khoản 1 Điều 6 Phần B Thông tư này là căn cứ để điều chỉnh lợi nhuận cơ
bản; doanh nghiệp thực hiện tiếp việc phân chia lợi nhuận phụ trội theo hướng dẫn
tại Tiết 2.5.2.2.2 Điểm 2.5 Khoản 2 Điều 5 Phần B của Thông tư này.
Ví dụ 22: Công ty X sản
xuất mạch tích hợp điện tử để xuất khẩu toàn bộ sản phẩm cho công ty mẹ tại nước
ngoài với giá bán (doanh thu) = 1,1 lần tổng chi phí.
Giả định:
- Trong lĩnh vực sản
xuất mạch tích hợp điện tử không có giao dịch hoặc doanh nghiệp độc lập nào để
so sánh.
- Công ty X lựa chọn
10 doanh nghiệp trong phân ngành sản xuất điện tử để xác định biên độ giá thị
trường chuẩn và giá trị trung vị tương ứng (theo Điều 5 Phần B Thông tư này), kết
quả cho thấy trung vị của biên độ giá thị trường chuẩn của tỷ suất thu nhập thuần
trước thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu thuần của 10 doanh nghiệp được
lựa chọn là 30%.
- Khi phân tích các
tiêu thức kinh tế phản ánh hiệu quả đầu tư của phân ngành sản xuất điện tử,
công ty X xác định tỷ suất thu nhập thuần trước thuế thu nhập doanh nghiệp trên
doanh thu thuần bằng 30% là phù hợp với thực tế hoạt động của công ty X (tức là
không có khác biệt trọng yếu phải điều chỉnh).
Như vậy:
- Công ty X có thể kiểm
tra việc tính giá của mình để đảm bảo đạt tỷ suất thu nhập thuần trước thuế thu
nhập doanh nghiệp trên doanh thu thuần là 30% hoặc căn cứ vào tỷ suất thu nhập
thuần trước thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu thuần để tính tỷ suất thu
nhập thuần trước thuế thu nhập doanh nghiệp trên tổng chi phí để so sánh và thực
hiện điều chỉnh.
- Cách tính lại có thể
được xác định như sau:
+ Tỷ suất thu nhập
thuần trước thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu thuần = (doanh thu thuần –
chi phí)/doanh thu thuần = 0,3
+ Doanh thu thuần =
1,429 lần chi phí
2. Biện pháp vận dụng
số liệu giữa các kỳ
Doanh nghiệp vận dụng
các giao dịch liên kết tương đương đã được xác định giá thị trường theo các hướng
dẫn tại Thông tư này giữa các kỳ (không quá 5 năm tính từ thời điểm phát sinh
giao dịch liên kết), lập hồ sơ phân tích so sánh 4 tiêu thức ảnh hưởng giữa các
giao dịch, điều chỉnh các khác biệt trọng yếu và sử dụng các căn cứ khách quan
để điều chỉnh các giá trị kinh tế theo thời gian (ví dụ: tỷ lệ tăng giá bình
quân, tỷ lệ lãi suất, tỷ lệ lạm phát, tăng trưởng kinh tế) để xác định mức giá
sản phẩm, tỷ suất lợi nhuận gộp hoặc tỷ suất sinh lời phù hợp của giao dịch
liên kết phát sinh trong kỳ kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Ví dụ 23: Doanh nghiệp
A là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài và là doanh nghiệp duy nhất khai
thác chế biến quặng kim loại X tại Việt Nam để xuất khẩu có các thông tin sau:
- Trong năm 2xx1,
doanh nghiệp A thực hiện cả giao dịch liên kết và giao dịch độc lập. Đối với
giao dịch liên kết, doanh nghiệp A đã áp dụng phương pháp so sánh giá giao dịch
độc lập và xác định đơn giá sản phẩm là 800 USD/tấn quặng có hàm lượng kim loại
X 35%.
- Trong năm 2xx2,
doanh nghiệp A xuất khẩu 100% sản phẩm cho công ty mẹ (không có giao dịch độc lập
để so sánh; giá thị trường quốc tế về quặng kim loại X trong năm 2xx2 tăng 20%
so với năm 2xx1; các yếu tố khác ảnh hưởng đến mức giá sản phẩm (hàm lượng kim
loại, điều kiện giao hàng, thanh toán…) không thay đổi.
Như vậy, doanh nghiệp
A thực hiện kê khai tính thuế năm 2xx2 theo doanh thu từ giá bán quặng kim loại
X với đơn giá không thấp hơn 960 USD/tấn (= 800 USD/tấn x 120%).
Điều 7.
Lưu giữ và cung cấp dữ liệu, chứng từ về phương pháp xác định giá thị trường
1. Lựa chọn dữ liệu,
chứng từ
1.1. Các dữ liệu, chứng
từ và tài liệu được sử dụng làm căn cứ khi phân tích so sánh phải nêu rõ nguồn
gốc xuất xứ để cơ quan thuế có thể kiểm tra, xác minh. Doanh nghiệp có thể sử dụng
các thông tin, dữ liệu từ các nguồn sau đây:
a) Thông tin, dữ liệu
do các cơ quan, ban, ngành của Nhà nước, các viện nghiên cứu, các hiệp hội và
các tổ chức chuyên ngành được Nhà nước công nhận và chịu trách nhiệm công bố
công khai hoặc cung cấp theo yêu cầu;
b) Thông tin, dữ liệu
do các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ hành nghề độc lập được
cấp phép hoạt động xác nhận hoặc công bố công khai (ví dụ: cơ quan kiểm toán độc
lập, cơ quan đăng ký, đăng kiểm chất lượng, tổ chức phân loại, đánh giá uy tín
các doanh nghiệp);
c) Báo cáo tài chính,
báo cáo đầu tư thường niên hoặc định kỳ của các công ty niêm yết trên thị trường
chứng khoán được công bố công khai theo các quy định và điều lệ hoạt động của
thị trường chứng khoán;
d) Các dữ liệu, chứng
từ và tài liệu về giao dịch kinh doanh phục vụ mục đích kê khai nộp thuế do
doanh nghiệp cung cấp và chịu trách nhiệm.
Các dữ liệu, chứng từ
và tài liệu có xuất xứ từ những nguồn cung cấp không chính thức hoặc không rõ
xuất xứ chỉ có tính chất tham khảo.
1.2. Khi thực hiện lựa
chọn các giao dịch để phân tích, so sánh, tính toán các tỷ suất lợi nhuận gộp
hoặc các tỷ suất sinh lời, các doanh nghiệp phải phản ánh các dữ liệu dưới dạng
có thể so sánh được trong giai đoạn ít nhất là 3 năm tài chính liên tục. Đối với
các trường hợp doanh nghiệp có thời gian tồn tại dưới 3 năm tài chính hoặc hoạt
động kinh doanh mang tính chất thời vụ không diễn ra trong cả năm thì giới hạn
thời gian được xác định tương ứng theo giai đoạn tháng, quý hoặc thời vụ có
liên quan.
1.3. Khi tính toán
các số tương đối (ví dụ: số liệu về tỷ suất tính theo tỷ lệ phần trăm (%)) từ
các số tuyệt đối, doanh nghiệp làm tròn số đến chữ số thứ ba sau dấu thập phân.
Trường hợp số tương đối được lấy từ các số liệu công bố không có số tuyệt đối
đi kèm và không sử dụng nguyên tắc làm tròn như trên thì lấy theo số liệu đã
công bố đó.
Ví dụ 24:
- Số liệu tuyệt đối sử
dụng để tính tỷ suất lợi nhuận gộp cho giá trị là 5,2856% thì số tương đối này
được làm tròn thành 5,286%.
- Số công bố về tăng
trưởng kinh tế là 7,8% thì không thực hiện làm tròn số.
- Số công bố về tỷ lệ
lãi suất là 4,9854% thì được làm tròn thành 4,985%.
2. Yêu cầu lưu giữ,
cung cấp thông tin, tài liệu và chứng từ
2.1. Các doanh nghiệp
có giao dịch liên kết có nghĩa vụ và trách nhiệm lưu giữ các thông tin, tài liệu
và chứng từ làm căn cứ áp dụng phương pháp xác định giá thị trường đối với sản
phẩm trong các giao dịch liên kết và xuất trình theo yêu cầu kiểm tra, thanh
tra của cơ quan Thuế. Các thông tin, tài liệu và chứng từ có liên quan đến hoạt
động sản xuất, kinh doanh và phương pháp xác định giá thị trường đối với giao dịch
liên kết phải được lập tại thời điểm diễn ra các giao dịch liên kết, được cập
nhật, bổ sung trong suốt quá trình thực hiện giao dịch và lưu giữ phù hợp với
các quy định về lưu giữ chứng từ, sổ sách kế toán theo các quy định của pháp luật
về kế toán, thống kê và thuế.
2.2. Khi thực hiện
quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, các doanh nghiệp có trách nhiệm kê khai
các giao dịch liên kết theo mẫu GCN-01/QLT quy định tại Phụ lục 1-GCN/CC ban
hành kèm theo Thông tư này. Thời hạn nộp Phụ lục 1-GCN/CC cùng với thời hạn nộp
tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.
2.3. Doanh nghiệp có
nghĩa vụ lập và lưu giữ hồ sơ gồm các thông tin, tài liệu và chứng từ có liên
quan đến giao dịch liên kết như sau:
2.3.1. Thông tin
chung về doanh nghiệp và các bên liên kết:
a) Thông tin về quan
hệ liên kết giữa các bên liên kết với doanh nghiệp;
b) Các tài liệu, báo
cáo cập nhật về chiến lược phát triển, điều hành, kiểm soát giữa các bên liên kết;
chính sách xây dựng giá giao dịch về từng nhóm sản phẩm theo định hướng chung của
các bên liên kết và doanh nghiệp;
c) Các tài liệu, báo
cáo về quá trình phát triển, chiến lược kinh doanh, dự án, kế hoạch đầu tư, sản
xuất kinh doanh; quy định và quy trình về chế độ báo cáo tài chính và kiểm soát
nội bộ của doanh nghiệp;
d) Tài liệu mô tả sơ
đồ tổ chức, chức năng hoạt động của doanh nghiệp.
2.3.2. Thông tin về
giao dịch của doanh nghiệp:
a) Sơ đồ giao dịch và
tài liệu mô tả về giao dịch bao gồm các thông tin về các bên tham gia giao dịch,
trình tự và thủ tục thanh toán, chuyển giao sản phẩm,...;
b) Tài liệu mô tả đặc
tính, chỉ tiêu kỹ thuật sản phẩm; bảng kê chi tiết chi phí (hoặc giá thành) đơn
vị sản phẩm, giá bán sản phẩm, tổng số lượng sản phẩm sản xuất kinh doanh và
tiêu thụ trong kỳ (chi tiết theo giao dịch liên kết và giao dịch độc lập (nếu
có)); số lượng các sản phẩm;
c) Các thông tin, tài
liệu và chứng từ về quá trình thương lượng, ký kết, thực hiện và thanh lý các hợp
đồng, thỏa thuận kinh tế có liên quan đến giao dịch;
d) Các thông tin, tài
liệu và chứng từ có liên quan đến điều kiện kinh tế của thị trường khi diễn ra
giao dịch liên kết có ảnh hưởng đến phương pháp xác định giá giao dịch.
2.3.3. Thông tin về
phương pháp xác định giá thị trường
a) Chính sách xây dựng
giá mua, bán hoặc trao đổi sản phẩm của doanh nghiệp, quy trình kiểm soát, xét
duyệt giá, biểu giá bán sản phẩm trên các thị trường tiêu thụ;
b) Các thông tin, tài
liệu và chứng từ làm căn cứ chứng minh cho việc lựa chọn và áp dụng phương pháp
xác định giá phù hợp nhất trong giao dịch liên kết của doanh nghiệp bao gồm các
thông tin, dữ liệu và chứng từ được sử dụng để phân tích so sánh, điều chỉnh
khác biệt trọng yếu, bảng tính giá giao dịch theo phương pháp xác định giá mà
doanh nghiệp áp dụng và giải thích lý do lựa chọn phương pháp đó;
c) Các thông tin, tài
liệu và chứng từ khác mang tính chất tham khảo có liên quan đến việc lựa chọn
và áp dụng phương pháp xác định giá trong giao dịch liên kết (nếu có).
2.4. Khi có yêu cầu của
cơ quan Thuế, doanh nghiệp có nghĩa vụ cung cấp các thông tin, tài liệu và chứng
từ trong thời hạn không quá 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu
của cơ quan Thuế. Trường hợp cơ sở kinh doanh có lý do chính đáng thì thời hạn
này được gia hạn 1 lần không quá 30 ngày, kể từ ngày hết hạn.
2.5. Các thông tin,
tài liệu và chứng từ của doanh nghiệp cung cấp cho cơ quan Thuế là bản chính hoặc
bản sao theo quy định của pháp luật. Trường hợp doanh nghiệp sử dụng chứng từ
điện tử thì việc cung cấp chứng từ được thực hiện theo quy định của Luật Kế
toán và các văn bản hướng dẫn có liên quan về chứng từ điện tử.
Các tài liệu, chứng từ
ghi bằng tiếng nước ngoài phải được dịch sang tiếng Việt Nam
theo quy định của Luật kế toán và chế độ kế toán. Doanh nghiệp phải chịu trách
nhiệm về nội dung bản dịch.
Phần C.
QUYỀN,
NGHĨA VỤ CỦA DOANH NGHIỆP; TRÁCH NHIỆM, QUYỀN HẠN CỦA CƠ QUAN THUẾ
Điều 8.
Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp
Ngoài việc thực hiện
quyền và nghĩa vụ theo quy định pháp luật về thuế được quy định tại các văn bản
quy phạm pháp luật thuế và tại Thông tư này, các doanh nghiệp còn có quyền và
nghĩa vụ sau:
1. Có quyền yêu cầu
cơ quan Thuế giữ bí mật các thông tin đã cung cấp cho cơ quan Thuế phục vụ việc
xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên liên kết cho mục
đích tính thuế;
2. Có nghĩa vụ xuất
trình đầy đủ các dữ liệu, tài liệu và chứng từ cần thiết chứng minh cho việc lựa
chọn và áp dụng phương pháp xác định giá phù hợp nhất đối với giao dịch liên kết.
Điều 9.
Trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan Thuế
Ngoài việc thực hiện
trách nhiệm và quyền hạn theo quy định pháp luật về thuế được quy định tại các
văn bản quy phạm pháp luật thuế và tại Thông tư này, cơ quan Thuế còn có trách
nhiệm và quyền hạn sau:
1. Giữ bí mật các
thông tin do doanh nghiệp cung cấp liên quan đến việc xác định giá thị trường
trong giao dịch kinh doanh giữa các bên liên kết cho mục đích tính thuế theo
quy định tại Thông tư này khi các thông tin đó không xuất xứ từ các nguồn được
công bố công khai. Việc cung cấp cho các cơ quan nhà nước có liên quan về thông
tin bí mật của đối tượng nộp thuế được thực hiện theo các quy định của pháp luật.
2. Ấn định mức giá được
sử dụng để kê khai tính thuế, ấn định thu nhập chịu thuế hoặc số thuế thu nhập doanh
nghiệp phải nộp đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết trong các trường hợp
sau:
a) Doanh nghiệp dựa
vào các tài liệu, dữ liệu và chứng từ không hợp pháp, không hợp lệ hoặc không
nêu rõ nguồn gốc xuất xứ để xác định mức giá, tỷ suất lợi nhuận gộp hoặc các tỷ
suất sinh lời áp dụng cho giao dịch liên kết;
b) Doanh nghiệp tạo
ra giao dịch độc lập giả mạo hoặc sắp đặt lại giao dịch liên kết thành giao dịch
độc lập để lấy giao dịch này làm giao dịch độc lập được chọn để so sánh;
c) Doanh nghiệp không
kê khai hoặc kê khai không đầy đủ Phụ lục 1-GCN/CC đối với giao dịch liên kết
phát sinh trong năm quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp; không thực hiện đúng
yêu cầu về thời hạn cung cấp các thông tin, dữ liệu và tài liệu để chứng minh
cho việc kê khai, hạch toán giá thị trường đối với giao dịch liên kết;
d) Cơ quan Thuế nghi
ngờ doanh nghiệp không áp dụng hoặc cố tình áp dụng không đúng các quy định tại
Thông tư này và doanh nghiệp không chứng minh được trong thời hạn tối đa là 90
ngày kể từ khi nhận được thông báo của cơ quan Thuế.
3. Tổng cục Thuế căn
cứ vào thông tin từ việc kê khai nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp có giao dịch
liên kết và cơ sở dữ liệu của cơ quan Thuế để hướng dẫn thực hiện ấn định thuế
theo nguyên tắc:
a) Trường hợp doanh
nghiệp thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ: việc ấn định doanh
thu, chi phí hoặc thu nhập chịu thuế để xác định nghĩa vụ thuế được thực hiện
theo các phương pháp xác định giá thị trường được quy định Khoản 2 Điều 5 và Điều
6 Phần B Thông tư này trên cơ sở mức giá, tỷ suất lợi nhuận gộp hoặc các tỷ suất
sinh lời do cơ quan Thuế xác định phù hợp với từng trường hợp hoặc từng ngành
nghề kinh doanh;
b) Các trường hợp
khác: việc ấn định thuế được thực hiện căn cứ vào cơ sở dữ liệu của cơ quan Thuế
phù hợp với các quy định về ấn định thuế đối với doanh nghiệp chưa thực hiện đầy
đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ hoặc các quy định xử lý vi phạm về thuế;
c) Trường hợp khi thực
hiện ấn định thuế có liên quan đến biên độ giá thị trường chuẩn, giá trị phù hợp
nhất để xác định mức giá bán, tỷ suất lợi nhuận gộp hoặc các tỷ suất sinh lời
áp dụng cho doanh nghiệp có giao dịch liên kết bị ấn định thuế là giá trị không
thấp hơn giá trị trung vị của biên độ giá thị trường chuẩn được cơ quan Thuế
xác định; giá trị phù hợp nhất để xác định mức giá mua áp dụng cho doanh nghiệp
có giao dịch liên kết bị ấn định thuế là giá trị không cao hơn giá trị trung vị
của biên độ giá thị trường chuẩn được cơ quan Thuế xác định.
4. Tổng cục Thuế hướng
dẫn việc kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp thực hiện các quy định của Thông
tư này.
Phần D.
TỔ
CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10.
Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu
lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành. Bãi bỏ Thông tư số
117/2005/TT-BTC ngày 19/12/2005 của Bộ Tài chính về “Hướng dẫn thực hiện việc
xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên
kết” và Quyết định số 37/2006/QĐ-BTC ngày 04/01/2006 của Bộ Trưởng Bộ Tài chính
“về việc đính chính Thông tư số 117/2005/TT-BTC ngày 19/12/2005 của Bộ Tài
chính hướng dẫn thực hiện việc xác định giá thị trường trong giao dịch kinh
doanh giữa các bên có quan hệ liên kết”.
Trong quá trình thực
hiện Thông tư này, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp
phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để được nghiên cứu, giải quyết kịp thời./.
Nơi nhận:
-
VP TW Đảng và các Ban của Đảng;
- VP QH, VP Chủ tịch nước;
- Ban chỉ đạo TW về phòng chống tham nhũng
- Các Bộ, CQ ngang Bộ, CQ thuộc CP;
- Viện Kiểm sát NDTC; Toà án NDTC;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cơ quan TW của các đoàn thể;
- UBND, Sở TC các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Cục thuế các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Các đơn vị thuộc Bộ;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ Tài chính;
- Lưu: VT; TCT (VT, CC).
|
KT. BỘ
TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Đỗ Hoàng Anh Tuấn
|
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|