THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
271/2003/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2003
|
QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 271/2003/QĐ-TTG NGÀY 31 THÁNG 12
NĂM 2003 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ GIÁM SÁT VÀ ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA
DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp nhà nước số 14/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp số 13/1999/QH10 ngày 12 tháng 6 năm 1999;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động
của doanh nghiệp nhà nước.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3.
Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì cùng các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn thực hiện
Quy chế ban hành kèm theo Quyết định này.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ
quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc,
Giám đốc doanh nghiệp nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
QUY CHẾ
GIÁM SÁT VÀ ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP NHÀ
NƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 271/2003/QĐ-TTg ngày 31/12/2003 của Thủ tướng
Chính phủ).
I. QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Mục
đích giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước
1. Giám sát doanh nghiệp nhà nước
(sau đây gọi là doanh nghiệp) nhằm nắm bắt kịp thời thực trạng, hiệu quả hoạt động
của doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp khắc phục tồn tại, hoàn thành mục tiêu và
kế hoạch kinh doanh, nhiệm vụ công ích, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh
và khả năng cạnh tranh; đồng thời góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp
luật.
2. Đánh giá hiệu quả hoạt động của
doanh nghiệp nhằm phân loại doanh nghiệp và có các biện pháp khuyến khích động
viên về vật chất, tinh thần đối với những doanh nghiệp và người quản lý, điều
hành doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả; xử lý kịp thời đối với những doanh
nghiệp và người quản lý, điều hành doanh nghiệp yếu kém.
Điều 2.
Căn cứ để thực hiện giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp
1. Giám sát doanh nghiệp được thực
hiện theo Quy chế này và các quy định của pháp luật có liên quan.
2. Đánh giá hiệu quả hoạt động của
doanh nghiệp được thực hiện theo các tiêu chí quy định trong Quy chế này.
Điều 3. Đối
tượng giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp
1. Công ty nhà nước;
2. Công ty cổ phần nhà nước;
3. Doanh nghiệp có cổ phần, vốn
góp chi phối của Nhà nước;
4. Công ty trách nhiệm hữu hạn
nhà nước một thành viên;
5. Công ty trách nhiệm hữu hạn
nhà nước có hai thành viên trở lên;
Các doanh nghiệp hoạt động trong
lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm không thuộc đối tượng áp dụng Quy chế
này.
Điều 4. Giải
thích từ ngữ
1. "Giám sát doanh nghiệp"
là việc theo dõi, kiểm tra doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, hoạt động
công ích, chấp hành chính sách pháp luật.
2. "Đánh giá hiệu quả hoạt
động của doanh nghiệp" là việc sử dụng tiêu chí để xác định hiệu quả hoạt
động và phân loại doanh nghiệp.
3. "Tiêu chí đánh giá"
là hệ thống các chỉ tiêu, chuẩn mực dùng để xác định hiệu quả hoạt động và phân
loại doanh nghiệp một cách toàn diện, khách quan.
II. GIÁM SÁT
DOANH NGHIỆP
Điều 5.
Doanh nghiệp tự giám sát
1. Chủ thể tự giám sát
Chủ thể tự giám sát trong nội bộ
doanh nghiệp là người quản lý, điều hành và người lao động trong doanh nghiệp.
Các chủ thể này sử dụng kiểm toán nội bộ, các bộ phận chuyên môn và nghiệp vụ của
doanh nghiệp, thanh tra nhân dân, tổ chức công đoàn, đại hội công nhân viên chức
để giám sát. Giám sát nội bộ doanh nghiệp được thực hiện theo các quy định
trong Luật Doanh nghiệp nhà nước, Luật Doanh nghiệp, Quy chế quản lý tài
chính doanh nghiệp, Quy chế thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp, Quy chế kiểm toán
nội bộ, Điều lệ doanh nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật khác.
2. Mục đích giám sát
Doanh nghiệp tự giám sát diễn biến
về hoạt động của doanh nghiệp để phát hiện kịp thời những tồn tại, vướng mắc và
ngăn chặn, khắc phục những vi phạm, rủi ro trong sản xuất, kinh doanh; đưa ra
các quyết định về quản lý điều hành, các biện pháp xử lý, hoặc kiến nghị với chủ
sở hữu, với cơ quan chức năng của Nhà nước quyết định những vấn đề không thuộc
thẩm quyền của doanh nghiệp.
3. Nội dung giám sát
a) Giám sát việc huy động, sử dụng
và phân phối các nguồn lực của doanh nghiệp bao gồm: tài sản, vật tư hàng hóa,
tiền vốn, lao động, doanh thu, lợi nhuận, phân phối kết quả hoạt động sản xuất,
kinh doanh và các nguồn lực khác trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp;
b) Giám sát việc tuyển dụng, sử
dụng và trả lương cho người lao động; việc sử dụng Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi,
Quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc làm và quyền lợi khác của người lao động;
c) Kiểm tra độ tin cậy của số liệu
báo cáo tài chính, báo cáo khác và các thông tin kinh tế - tài chính theo quy định
hiện hành. Phát hiện những tồn tại, yếu kém trong hệ thống quản lý, điều hành
hoạt động của doanh nghiệp;
d) Giám sát việc chấp hành các
quy định của pháp luật; nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu, người quản lý,
điều hành doanh nghiệp. Đánh giá về tính hiệu lực và hiệu quả các nghị quyết,
quyết định của người quản lý, điều hành doanh nghiệp và hiệu quả hoạt động quản
lý, điều hành của họ; năng lực và hiệu quả hoạt động của các bộ phận quản lý, sản
xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Điều 6. Giám
sát của chủ sở hữu
1. Chủ thể giám sát
a) Đối với Công ty nhà nước,
công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên:
Các tổ chức được Chính phủ phân
cấp hoặc ủy quyền là chủ sở hữu của doanh nghiệp thực hiện việc giám sát và đánh
giá hiệu quả doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Cụ thể
như sau:
- Hội đồng quản trị các Tổng
công ty nhà nước, công ty mẹ thực hiện chức năng giám sát theo nội dung quy định
tại khoản 3 Điều này đối với các công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành
viên, công ty thành viên hạch toán độc lập thuộc Tổng công ty nhà nước, công ty
mẹ;
- Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương thực hiện chức năng giám sát theo nội dung quy định tại
khoản 3 Điều này đối với Tổng công ty, công ty nhà nước độc lập thuộc Ủy ban
nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Các Bộ, cơ quan ở Trung ương thực
hiện chức năng giám sát theo nội dung quy định tại điểm a, b, c khoản 3 Điều
này đối với các Tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước độc lập do Thủ tướng
Chính phủ hoặc Bộ, cơ quan Trung ương quyết định thành lập.
Riêng đối với công ty trách nhiệm
hữu hạn nhà nước một thành viên mà các Bộ, cơ quan Trung ương là đại diện chủ sở
hữu thì thực hiện giám sát theo các nội dung quy định tại khoản 3 Điều này.
- Bộ Tài chính thực hiện chức
năng giám sát theo nội dung quy định tại điểm d khoản 3 Điều này đối với các Tổng
công ty nhà nước, doanh nghiệp độc lập do Thủ tướng Chính phủ hoặc các Bộ, cơ
quan Trung ương quyết định thành lập.
b) Đối với doanh nghiệp nhà nước
khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp nhà nước:
Các thành viên góp vốn hoặc cổ
đông thực hiện chức năng giám sát của chủ sở hữu theo nội dung quy định tại khoản
3 Điều này, các quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ doanh nghiệp.
2. Mục đích giám sát
Chủ sở hữu thực hiện giám sát
thường xuyên, có hệ thống các hoạt động và quản lý tài chính của doanh nghiệp để
nắm bắt kịp thời, đầy đủ những thuận lợi, khó khăn, những tồn tại của doanh
nghiệp và có giải pháp khắc phục, nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả sử dụng
vốn của doanh nghiệp.
3. Nội dung
giám sát
a) Việc tổ chức hoạt động kinh
doanh và thực hiện nhiệm vụ của bộ máy quản lý, điều hành doanh nghiệp;
b) Việc thực hiện mục tiêu, chiến
lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh hàng năm và dài hạn của doanh nghiệp;
c) Việc chấp hành các nghị quyết,
quyết định của chủ sở hữu, Hội đồng quản trị, Điều lệ của doanh nghiệp. Đánh
giá hiệu quả các nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu liên quan đến quyền chủ
sở hữu đối với hoạt động của doanh nghiệp;
d) Kết quả hoạt động kinh doanh,
hiệu quả sử dụng vốn và khả năng thanh toán nợ đối với doanh nghiệp.
Điều 7. Giám
sát của cơ quan quản lý nhà nước
1. Chủ thể giám sát
Các Bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban
nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giám sát doanh nghiệp theo
nhiệm vụ, chức năng quản lý nhà nước của mình, không chồng chéo, gây phiền hà
cho hoạt động của doanh nghiệp.
2. Mục đích giám sát
Các cơ quan quản lý nhà nước thực
hiện giám sát doanh nghiệp nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những vướng mắc và
sai phạm trong việc chấp hành các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước
tại doanh nghiệp; đồng thời sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có
thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật của Nhà nước.
3. Nội dung giám sát
Giám sát việc thực hiện chủ
trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại doanh nghiệp và đánh giá về tình
hình, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ của
mình.
Điều 8. Các
hình thức giám sát doanh nghiệp
1. Giám sát từ bên trong doanh
nghiệp là giám sát nội bộ do doanh nghiệp tự tổ chức thực hiện.
2. Giám sát từ bên ngoài là giám
sát do chủ sở hữu và cơ quan quản lý nhà nước tổ chức thực hiện. Việc giám sát
từ bên ngoài được thực hiện dưới hai hình thức:
a) Giám sát gián tiếp là việc
theo dõi và kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp thông qua các báo cáo tài
chính, thống kê và báo cáo khác theo quy định của pháp luật và của chủ sở hữu;
b) Giám sát trực tiếp là việc kiểm
tra, nắm tình hình trực tiếp tại doanh nghiệp.
Việc giám sát trực tiếp tại
doanh nghiệp được thực hiện theo các quy định hiện hành về công tác kiểm tra đối
với doanh nghiệp.
Các chủ thể giám sát có thể sử dụng
các công ty tư vấn như công ty tư vấn tài chính kế toán, thuế, công ty kiểm
toán độc lập, công ty đánh giá tài sản... để thực hiện việc giám sát và đánh
giá doanh nghiệp.
3. Giám sát trước, trong và sau
hoạt động của doanh nghiệp:
a) Giám sát trước hoạt động của
doanh nghiệp là việc kiểm tra tính khả thi của các kế hoạch ngắn hạn, dài hạn;
các dự án đầu tư, xây dựng, đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, phương án huy động vốn
và các dự án, phương án khác;
b) Giám sát trong hoạt động của
doanh nghiệp là việc theo dõi, kiểm tra quá trình thực hiện các kế hoạch, dự án
của doanh nghiệp, thực hiện các quy định của pháp luật và của chủ sở hữu;
c) Giám sát sau hoạt động
của doanh nghiệp là việc kiểm tra kết quả hoạt động của doanh nghiệp
trên cơ sở các báo cáo định kỳ; kết quả chấp hành các quyết định của chủ sở hữu
hoặc Điều lệ doanh nghiệp; việc tuân thủ các quy định của pháp luật.
Điều 9. Quyền
và nghĩa vụ của doanh nghiệp trong quá trình giám sát
1. Quyền của doanh nghiệp
a) Xây dựng kế hoạch sản xuất,
kinh doanh, kế hoạch tài chính hàng năm làm căn cứ để giám sát, đánh giá kết quả
quản lý và điều hành hoạt động của doanh nghiệp;
b) Đề nghị chủ sở hữu, các cơ
quan quản lý nhà nước thực hiện đúng quy chế giám sát đối với doanh nghiệp; từ
chối các cuộc kiểm tra không đúng quy định của pháp luật;
c) Kiến nghị hoặc khiếu nại với
cơ quan thực hiện giám sát về những kết luận giám sát, đánh giá và những giải
pháp do các cơ quan này nêu ra nếu thấy không phù hợp và ảnh hưởng tới kết quả
đánh giá hoặc hoạt động của doanh nghiệp;
d) Kiến nghị cơ quan quản lý nhà
nước, cơ quan chủ trì soạn thảo chính sách, chế độ bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện
các chính sách, pháp luật đối với doanh nghiệp phù hợp với thực tế, tạo điều kiện
cho doanh nghiệp phát triển, nâng cao chất lượng quản lý và hiệu quả hoạt động;
đ) Thuê các tổ chức dịch vụ tư vấn
tài chính kế toán, kiểm toán độc lập để thực hiện chức năng tự giám sát;
e) Thực hiện các quyền khác theo
quy định của pháp luật.
2. Nghĩa vụ của doanh
nghiệp
a) Giải trình quá trình hoạt động,
công tác quản lý tài chính và chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước;
cung cấp trung thực, đầy đủ, kịp thời cho chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhà nước
các thông tin kinh tế, tài chính, chỉ tiêu kế hoạch, báo cáo định kỳ, đột xuất
theo quy định hiện hành phục vụ cho việc giám sát của các cơ quan này. Tạo mọi
điều kiện thuận lợi cho việc giám sát của chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhà nước;
b) Chấp hành các yêu cầu, kết luận
giám sát cuối cùng của chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhà nước và báo cáo tình
hình thực hiện các yêu cầu, kết luận đó;
c) Thực hiện các nghĩa vụ khác
theo quy định của pháp luật.
Điều 10.
Nhiệm vụ và quyền hạn của chủ sở hữu trong hoạt động giám sát
1. Nhiệm vụ và quyền hạn của chủ
sở hữu đối với công ty nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành
viên:
a) Tổ chức giám sát chặt chẽ,
thường xuyên từng doanh nghiệp thuộc quyền quản lý của mình nhằm phát hiện kịp
thời những tồn tại và khó khăn của doanh nghiệp để chỉ đạo doanh nghiệp tìm giải
pháp hoặc có giải pháp giúp doanh nghiệp khắc phục;
b) Yêu cầu doanh nghiệp nộp đầy
đủ, kịp thời các kế hoạch, báo cáo định kỳ và các báo cáo đột xuất để nghiên cứu,
phân tích, tổng hợp phục vụ cho việc giám sát;
c) Tổ chức kiểm tra theo kế hoạch
hoặc đột xuất khi cần thiết. Việc kiểm tra được thực hiện theo chuyên đề hoặc
toàn diện hoạt động của doanh nghiệp và theo đúng quy trình kiểm tra do pháp luật
quy định;
d) Đưa ra những nhận xét, đánh
giá và kết luận về những nội dung giám sát; yêu cầu doanh nghiệp đưa ra các giải
pháp hoặc thực hiện các giải pháp khắc phục theo kết luận giám sát;
đ) Hàng năm tổ chức phân tích,
đánh giá toàn diện hoạt động của doanh nghiệp; đồng thời, tổng hợp kết quả đánh
giá doanh nghiệp báo cáo cơ quan chức năng của Nhà nước có liên quan. Bộ Tài
chính quy định chế độ báo cáo này.
2. Nhiệm vụ và quyền hạn của chủ
sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp
nhà nước:
Chủ sở hữu doanh nghiệp thực hiện
các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, Điều lệ công ty để giám sát
theo quy định tại Quy chế này.
Điều 11. Nhiệm
vụ và quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động giám sát.
1. Tiếp nhận các báo cáo, ý kiến
của doanh nghiệp phản ánh về chính sách, pháp luật đối với doanh nghiệp; tổ chức
khảo sát, đánh giá về tác động của chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với
doanh nghiệp.
2. Tổ chức giám sát doanh nghiệp
theo chức năng và nhiệm vụ của mình, hướng dẫn doanh nghiệp hiểu và thực hiện tốt
chính sách, pháp luật của Nhà nước.
3. Yêu cầu doanh nghiệp khắc phục
kịp thời những thiếu sót, tồn tại, thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật của
Nhà nước.
4. Thông qua kết quả giám sát để
sửa đổi, bổ sung, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính
sách, chế độ đối với doanh nghiệp.
5. Tổng hợp báo cáo Thủ tướng
Chính phủ về tình hình thực hiện và sự tác động của chính sách, pháp luật của
Nhà nước đối với hoạt động của doanh nghiệp.
6. Giữ bí mật thông tin của
doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.
III. ĐÁNH GIÁ
HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP
Điều 12. Hệ
thống Chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp
1. Việc đánh
giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp căn cứ vào các chỉ tiêu sau đây:
a) Doanh thu và thu nhập khác. Đối
với những doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ yếu của nền kinh tế gồm: điện,
than, dầu khí, xi măng thì áp dụng chỉ tiêu sản lượng sản phẩm tiêu thụ trong kỳ;
b) Lợi nhuận thực hiện và tỷ suất
lợi nhuận thực hiện trên vốn nhà nước;
c) Nợ phải trả quá hạn và khả
năng thanh toán nợ đến hạn;
d) Tình hình chấp hành chế độ,
chính sách, pháp luật về: thuế và các khoản thu nộp ngân sách, tín dụng, bảo hiểm,
bảo vệ môi trường, lao động, tiền lương, chế độ tài chính, kế toán, kiểm toán,
chế độ báo cáo tài chính và báo cáo khác;
đ) Tình hình thực hiện sản phẩm,
dịch vụ công ích.
2. Các chỉ tiêu quy định tại khoản
1 Điều này được xác định và tính toán từ số liệu trong các báo cáo tài chính,
báo cáo thống kê định kỳ theo quy định hiện hành. Các chỉ tiêu a, b, d, đ khi
tính toán được xem xét loại trừ những yếu tố làm ảnh hưởng đến các chỉ tiêu này
bao gồm:
a) Do nguyên nhân bất khả kháng;
b) Do đầu tư mở rộng phát triển
sản xuất làm ảnh hưởng đến lợi nhuận trong hai năm đầu kể từ năm đưa công trình
đầu tư vào sử dụng;
c) Do Nhà nước điều chỉnh giá (đối
với sản phẩm do nhà nước định giá) làm ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp.
Điều 13.
Phương pháp đánh giá
1. Chỉ tiêu 1: Doanh thu và thu
nhập khác so với năm trước đối với từng ngành như sau:
a) Ngành nông nghiệp, lâm nghiệp,
thủy sản, công nghiệp khai thác mỏ (trừ khai thác dầu khí), công nghiệp cơ khí
(sản xuất các sản phẩm từ kim loại, sản xuất máy móc, thiết bị):
Tăng từ 5% trở lên: xếp loại A;
Tăng, giảm dưới 5%: xếp loại B;
Giảm từ 5% trở lên: xếp loại C.
b) Ngành công nghiệp chế biến, sản
xuất và phân phối điện, khí đốt, nước sạch, xây dựng, khai thác dầu khí, vận tải,
kho bãi, thông tin liên lạc, thương nghiệp, du lịch, khách sạn và các ngành
khác:
Tăng từ 7% trở lên: xếp loại A;
Tăng dưới 7%, giảm dưới 3%: xếp
loại B;
Giảm từ 3% trở lên: xếp loại C.
2. Chỉ tiêu 2: Lợi nhuận thực hiện
và tỷ suất lợi nhuận thực hiện trên vốn nhà nước:
a) Các doanh nghiệp có lãi và:
- Tỷ suất lợi nhuận thực hiện
trên vốn nhà nước tăng hơn so với năm trước: xếp loại A;
- Tỷ suất lợi nhuận thực hiện
trên vốn nhà nước bằng hoặc thấp hơn năm trước: xếp loại B;
b) Các doanh nghiệp bị lỗ: xếp
loại C;
c) Đối với doanh nghiệp có lỗ kế
hoạch, Bộ Tài chính có hướng dẫn riêng.
3. Chỉ tiêu 3: Nợ phải trả quá hạn
và khả năng thanh toán nợ đến hạn:
a) Doanh nghiệp không có nợ phải
trả quá hạn và có hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn lớn hơn 1: xếp loại A;
b) Doanh nghiệp không có nợ phải
trả quá hạn và có hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn từ 0,5 đến 1: xếp loại
B;
c) Doanh nghiệp có nợ phải trả
quá hạn hoặc hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn nhỏ hơn 0,5: xếp loại C.
Hệ số khả năng thanh toán nợ đến
hạn của doanh nghiệp là khả năng thanh toán hiện thời được xác định bằng tổng
giá trị tài sản lưu động và đầu tư ngắn hạn so với tổng số nợ ngắn hạn gồm cả nợ
dài hạn đã đến hạn.
4. Chỉ tiêu 4: Tình hình chấp
hành các quy định pháp luật hiện hành:
a) Doanh nghiệp không có vi phạm
các quy định của pháp luật hiện hành: xếp loại A;
b) Doanh nghiệp có kết luận của
cơ quan có thẩm quyền về vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành nhưng
chưa đến mức bị xử phạt hành chính: xếp loại B;
c) Doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm
hành chính trong việc chấp hành các quy định của pháp luật hoặc người quản lý
điều hành doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình
thực thi nhiệm vụ của doanh nghiệp đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự: xếp
loại C.
5. Chỉ tiêu 5: Tình
hình thực hiện sản phẩm, dịch vụ công ích:
a) Hoàn thành vượt mức về sản lượng
với chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ bảo đảm tiêu chuẩn quy định: xếp loại A;
b) Hoàn thành về sản lượng với
chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo đảm tiêu chuẩn quy định: xếp loại B;
c) Không hoàn thành sản lượng hoặc
chất lượng sản phẩm, dịch vụ không bảo đảm tiêu chuẩn quy định: xếp loại C.
Điều 14. Xếp
loại doanh nghiệp
1. Đối với doanh nghiệp hoạt động
kinh doanh, căn cứ kết quả phân loại cho từng chỉ tiêu 1, 2, 3 và 4 quy định tại
Điều 13 Quy chế này để xếp loại A, B, C cho từng doanh nghiệp như sau:
a) Doanh nghiệp xếp loại A là
doanh nghiệp không có chỉ tiêu xếp loại C, trong đó chỉ tiêu 2 và chỉ tiêu 4 được
xếp loại A;
b) Doanh nghiệp xếp loại C là
doanh nghiệp có chỉ tiêu 2 hoặc có 3 chỉ tiêu còn lại xếp loại C;
c) Doanh nghiệp xếp loại B là
doanh nghiệp còn lại không được xếp loại A hoặc loại C.
2. Đối với doanh nghiệp được
thành lập và thực tế hoạt động thường xuyên, ổn định và chủ yếu là cung cấp sản
phẩm, dịch vụ công ích, căn cứ kết quả xếp loại cho từng chỉ tiêu 3, 4 và 5 quy
định tại Điều 13 Quy chế này để xếp loại A, B, C cho từng doanh nghiệp như sau:
a) Doanh nghiệp xếp loại A là
doanh nghiệp không có chỉ tiêu xếp loại C và có chỉ tiêu 5 xếp loại A;
b) Doanh nghiệp xếp loại C là
doanh nghiệp có chỉ tiêu 5 xếp loại C hoặc có chỉ tiêu 5 xếp loại B và chỉ tiêu
3, 4 xếp loại C;
c) Doanh nghiệp xếp loại B là
doanh nghiệp còn lại không được xếp loại A hoặc loại C.
3. Đối với Tổng công ty nhà nước,
căn cứ kết quả xếp loại của các doanh nghiệp thành viên để xếp loại như sau:
a) Tổng công ty xếp loại A là Tổng
công ty có các doanh nghiệp thành viên được xếp loại A chiếm trên 50% doanh thu
của toàn Tổng công ty;
b) Tổng công ty xếp loại C là Tổng
công ty có các doanh nghiệp thành viên xếp loại C chiếm trên 50% doanh thu của
toàn Tổng công ty;
c) Tổng công ty xếp loại B là
các Tổng công ty còn lại.
Điều 15. Hướng
dẫn và công bố xếp loại doanh nghiệp nhà nước
1. Bộ Tài chính chủ trì hướng dẫn
cụ thể phương pháp và điều kiện tính toán các chỉ tiêu nói tại Điều 13 Quy chế
này.
Các Bộ, cơ
quan Trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực
hiện phân loại các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của mình theo ngành kinh
tế để áp dụng chỉ tiêu 1 quy định tại Điều 13 Quy chế này.
2. Căn cứ vào quy định tại Quy
chế này và các văn bản hướng dẫn của các Bộ, cơ quan, tổ chức, hàng năm các
doanh nghiệp tự đánh giá và xếp loại; báo cáo các cơ quan theo quy định tại khoản
3 Điều này để thẩm định và công bố kết quả xếp loại doanh nghiệp. Báo cáo này
được gửi cùng với báo cáo tài chính hàng năm của doanh nghiệp theo quy định hiện
hành.
3. Trong quý II của năm sau, các
Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương, Hội đồng quản trị các Tổng công ty nhà nước, công ty mẹ tiến hành thẩm định
và công bố kết quả xếp loại năm trước của các doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản
lý. Việc xếp loại các Tổng công ty nhà nước hoặc công ty mẹ được công bố sau
khi có ý kiến tham gia của Bộ Tài chính.
4. Các cơ quan, tổ chức quy định
tại khoản 3 Điều này báo cáo kết quả xếp loại doanh nghiệp hàng năm về Bộ Tài
chính để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Điều 16.
Khen thưởng và kỷ luật
Căn cứ kết quả xếp loại doanh
nghiệp thực hiện việc khen thưởng và kỷ luật như sau:
1. Doanh nghiệp xếp loại A, loại
B thì Ban quản lý, điều hành được khen thưởng theo kết quả hoạt động kinh doanh
của doanh nghiệp như sau:
a) Đối với công ty nhà nước:
- Bộ, cơ quan Trung ương, ủy ban
nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định mức thưởng cho Hội đồng
quản trị Tổng công ty, công ty nhà nước độc lập và Giám đốc các công ty nhà nước
độc lập trực thuộc không có Hội đồng quản trị.
- Hội đồng quản trị Tổng công
ty, công ty nhà nước độc lập quyết định mức thưởng cho Tổng giám đốc hoặc Giám
đốc, Phó Tổng giám đốc hoặc Phó giám đốc và Kế toán trưởng Tổng công ty hoặc
công ty nhà nước độc lập; Giám đốc công ty nhà nước độc lập không có Hội đồng
quản trị quyết định mức thưởng cho Phó giám đốc và Kế toán trưởng Công ty.
- Tổng giám đốc Tổng công ty quyết
định mức thưởng cho Giám đốc và Kế toán trưởng các doanh nghiệp thành viên.
- Tiền thưởng cho ban quản lý,
điều hành doanh nghiệp lấy từ Quỹ khen thưởng của doanh nghiệp.
Đối với Tổng công ty không có lợi
nhuận do không trực tiếp kinh doanh hoặc kinh doanh nhưng không đủ nguồn thì tiền
thưởng Ban quản lý, điều hành được lấy từ kinh phí quản lý cấp trên do các
doanh nghiệp thành viên nộp lên.
b) Đối với công ty trách nhiệm hữu
hạn nhà nước một thành viên:
Đại diện chủ sở hữu quyết định mức
thưởng cho Hội đồng quản trị công ty hoặc Chủ tịch công ty.
Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch công
ty quyết định mức thưởng cho Giám đốc, Phó giám đốc và kế toán trưởng công ty
Tiền thưởng lấy từ Quỹ khen thưởng
doanh nghiệp.
c) Doanh nghiệp 2 năm liền được
xếp loại A thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc hoặc Giám đốc doanh
nghiệp được cơ quan có thẩm quyền xét tặng danh hiệu "Nhà quản lý giỏi"
và xét tăng lương trước thời hạn.
2. Doanh nghiệp xếp loại C thì
Ban quản lý, điều hành doanh nghiệp không được khen thưởng
Doanh nghiệp 2 năm liền bị xếp
loại C thì căn cứ tình hình thực tế của doanh nghiệp, cơ quan có thẩm quyền thực
hiện các biện pháp sắp xếp lại các chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng
giám đốc hoặc Giám đốc doanh nghiệp; thực hiện củng cố, tổ chức và sắp xếp lại
doanh nghiệp theo quy định.
3. Đối với doanh nghiệp nhà nước
khác
Chủ sở hữu vận dụng các quy định
tại Điều 15 này, để khen thưởng và xử phạt đối với Hội đồng quản trị, Ban Giám
đốc doanh nghiệp.
IV. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
Điều 17.
Trách nhiệm tổ chức thực hiện
1. Bộ Tài chính chủ trì cùng các
Bộ, cơ quan quản lý ngành kinh tế - kỹ thuật hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện
Quy chế này.
Bộ Tài chính
chủ trì cùng các Bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn riêng về chỉ tiêu đánh giá hiệu
quả hoạt động và xếp loại đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ngân hàng, bảo
hiểm, tài chính.
2. Các Bộ trưởng,
Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân các tỉnh, thành phố, tổ chức được giao nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu
doanh nghiệp nhà nước, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc
doanh nghiệp nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Quy chế này.