QUYẾT ĐỊNH
VỀ QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ HỖ TRỢ
CHO CÁC DOANH NGHIỆP, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
KHOÁ IX, KỲ HỌP THỨ 13
Căn cứ Luật
Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng
nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004;
Căn cứ Luật
Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm
2009;
Căn cứ Luật
Chuyển giao công nghệ năm 2006;
Căn cứ Luật
Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật năm 2006;
Căn cứ Luật
Chất lượng sản phẩm, hàng hoá năm 2007;
Căn cứ Luật
Công nghệ cao năm 2008;
Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của
Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006
và Nghị định số 122/2010/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ sửa đổi,
bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006
quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về
sở hữu công nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 133/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm
2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật
Chuyển giao công nghệ;
Căn cứ Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2009
của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;
Căn cứ Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm
2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
và nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2014
của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa
học và công nghệ;
Sau khi xem
xét Tờ trình số 59/TTr-UBND ngày 26 tháng 6 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh
trình Hội đồng nhân dân về quy định chế độ hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức,
cá nhân trong hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận; Báo
cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân
dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Quy định chế độ hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá
nhân trong hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn
2016 - 2020, như sau:
1. Đối tượng áp dụng
- Các doanh
nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất,
kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ; các tổ chức khoa học công nghệ trên địa
bàn tỉnh có tham gia các hoạt động nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, đổi mới
công nghệ, chuyển giao công nghệ, bảo hộ, xác lập quyền sở hữu công nghiệp,
phát triển thị trường công nghệ, hoạt động năng suất, chất lượng;
- Hợp tác xã,
làng nghề, hội, hiệp hội và cá nhân có tham gia hoạt động khoa học công nghệ.
2. Nội dung hoạt động khoa học và công nghệ được hỗ trợ
a) Hoạt động nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, đổi
mới công nghệ, chuyển giao công nghệ.
b) Hoạt động bảo
hộ, xác lập quyền sở hữu công nghiệp, bao gồm: sáng chế/giải pháp hữu ích; kiểu
dáng công nghiệp; nhãn hiệu thông thường; mã số mã vạch sản phẩm; nhãn hiệu tập
thể; nhãn hiệu chứng nhận; chỉ dẫn địa lý.
c) Tham gia Chợ
công nghệ (Techmart).
d) Hoạt động đổi
mới và áp dụng công nghệ quản trị doanh nghiệp thông qua áp dụng các hệ thống
quản lý tiên tiến; giải thưởng chất lượng quốc gia.
3. Mức hỗ trợ cho các hoạt động khoa học và công nghệ
a) Hoạt động
nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ
- Thực hiện
nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, nghiên cứu cải tiến và đổi mới thiết bị
công nghệ; nghiên cứu chế tạo nguyên vật liệu mới; nghiên cứu ứng dụng khoa học
vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; nghiên cứu thực hiện các dự
án sản xuất sạch hơn: hỗ trợ 30% tổng kinh phí nghiên cứu, thực hiện dự án, đề
tài nghiên cứu nhưng không quá 200 triệu đồng;
- Chi phí chuyển
giao công nghệ: hỗ trợ 30% cho một lần nghiên cứu xây dựng đề án, dự án (bao gồm
cả tư vấn) chuyển giao công nghệ mới nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng/đề
án, dự án.
b) Hoạt động bảo
hộ, xác lập quyền sở hữu công nghiệp
- Đối với sáng
chế/giải pháp hữu ích: hỗ trợ 30% trên tổng chi phí thực hiện nhưng không quá
10 triệu đồng/sáng chế;
- Đối với kiểu
dáng công nghiệp: hỗ trợ 30% trên tổng chi phí thực hiện nhưng không quá 10 triệu
đồng/kiểu dáng công nghiệp;
- Đối với nhãn
hiệu hàng hoá thông thường (đăng ký bảo hộ trong nước): hỗ trợ: 30% trên tổng
chi phí thực hiện nhưng không quá 03 triệu đồng/nhãn hiệu thông thường;
- Đối với
doanh nghiệp đăng ký sử dụng mã số, mã vạch cho sản phẩm đã được bảo hộ sở hữu
trí tuệ: hỗ trợ 50% trên tổng chi phí
thực hiện nhưng không quá 3 triệu đồng/sản phẩm;
- Đối với đăng
ký nhãn hiệu ngoài nước: hỗ trợ không quá 20 triệu đồng/cho 01 nhãn hiệu/01 quốc
gia;
- Đối với việc
xây dựng dự án đăng ký bảo hộ, khai thác tạo lập, quản lý và phát triển các
nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý của địa phương: thực hiện
theo quy trình xét duyệt đề tài, dự án khoa học công nghệ: hỗ trợ 100% kinh phí
thực hiện trên cơ sở kết quả thẩm định tổng mức kinh phí theo từng dự án cụ thể
theo quy trình quản lý đề tài dự án của tỉnh Ninh Thuận.
c) Hoạt động
phát triển thị trường công nghệ, tham gia Chợ công nghệ (Techmart)
- Hỗ trợ:
không quá 20 triệu đồng/01 doanh nghiệp khi tham gia Chợ công nghệ (Techmart) do Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận cử tham dự (bao gồm: thuê gian hàng, thiết kế và vận
chuyển sản phẩm).
d) Hoạt động đổi
mới và áp dụng công nghệ quản trị doanh nghiệp thông qua áp dụng các hệ thống
quản lý tiên tiến; giải thưởng chất lượng quốc gia.
- Đối với việc
đổi mới và áp dụng công nghệ quản trị doanh nghiệp thông qua các hệ thống quản
lý được chứng nhận theo tiêu chuẩn ISO 14001; ISO 9001:2008, ISO 22000, GMP,
TQM, SA 8000, VietGap, OHSAS 18001; các
hệ thống quản lý khác nhằm vào mục đích đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng hoá,
dịch vụ, an toàn, sức khoẻ, môi trường, tiết kiệm năng lượng: hỗ trợ 30% tổng kinh phí thực hiện nhưng không
quá 30 triệu đồng/doanh nghiệp;
- Đối với hoạt động chứng nhận hệ thống quản lý chất
lượng phòng kiểm nghiệm, thử nghiệm và hiệu
chuẩn đạt chuẩn ISO/IEC17025: hỗ trợ 30% tổng kinh phí thực hiện nhưng không
quá 50 triệu đồng/01 doanh nghiệp;
- Đối với
doanh nghiệp đạt giải thưởng chất lượng quốc gia
+ Hỗ trợ chi
phí tham gia hồ sơ đánh giá, mức hỗ trợ không quá 25 triệu đồng đối với giải
vàng/01 doanh nghiệp;
+ Hỗ trợ chi
phí tham gia hồ sơ đánh giá, mức hỗ trợ không quá 15 triệu đồng đối với giải bạc/01
doanh nghiệp.
Đối với những
dự án có quy mô lớn, hiệu quả kinh tế - xã hội cao, cần mức hỗ trợ cao hơn mức
hỗ trợ theo quy định này thì Ủy ban nhân dân tỉnh đề xuất, trình Hội đồng nhân
dân tỉnh quyết định.
4. Nguồn kinh phí hỗ trợ
Trích từ nguồn
ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ hàng năm của tỉnh phân bổ cho ngành
khoa học và công nghệ và các nguồn kinh phí khác từ Quỹ phát triển khoa học và công
nghệ, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình hỗ trợ khuyến khích doanh
nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
5. Nguyên tắc
hỗ trợ
a) Điều kiện
được xem xét hỗ trợ
- Đối với doanh nghiệp, tổ chức thuộc đối tượng áp dụng được hỗ trợ của
Quy định này phải tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất,
kinh doanh: có đăng ký khai báo, nộp thuế; hoạt động đúng ngành nghề trong giấy
phép đăng ký kinh doanh; có đủ nguồn lực (nhân lực, cơ sở vật chất, …) đảm bảo
cho việc triển khai thực hiện các nội dung hỗ trợ; đáp ứng yêu cầu của hồ sơ
theo quy định;
- Cá nhân có hoạt động sáng chế, giải pháp hữu ích về công nghệ phù hợp,
áp dụng vào thực tiễn cuộc sống, sản xuất và phải đạt giải (giải ba trở lên)
trong các cuộc thi, cuộc thi sáng tạo của tỉnh;
- Đối tượng được
hỗ trợ không nằm trong các chương trình, dự án, kế hoạch khác và đã được
ngân sách Nhà nước hỗ trợ trùng với các nội dung được hỗ trợ nêu tại quy định
này;
- Áp dụng và sử
dụng nguồn kinh phí hỗ trợ đúng theo nội dung, mục tiêu và đối tượng của chương
trình đã được phê duyệt;
- Thực hiện
đúng quy định về trình tự, thủ tục, thành phần hồ sơ đề nghị xét hỗ trợ theo
quy định này và các quy định có liên quan khác;
- Ưu tiên xem
xét hỗ trợ đối với các hoạt động khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp,
nông thôn; các ngành thuộc về định hướng cơ cấu phát triển của tỉnh (năng lượng,
công nghiệp chế biến, nông - lâm - thủy sản, ...); ứng dụng - chuyển giao, nhất
là ứng dụng - chuyển giao công nghệ cao trong nông nghiệp; các ngành sử dụng
công nghệ sạch, tiết kiệm nước, tiết kiệm tài nguyên.
b) Quy trình
thẩm định và thẩm quyền quyết định hỗ trợ
- Quy trình thẩm
định, xét duyệt hồ sơ hỗ trợ được thực hiện theo quy định trình tự quản lý nhiệm
vụ khoa học và công nghệ:
+ Đăng ký hồ
sơ;
+ Thẩm định nội
dung;
+ Thẩm định
kinh phí;
- Thẩm quyền
quyết định hỗ trợ: quyết định hỗ trợ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt
hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ phê
duyệt nội dung, mức hỗ trợ theo phân cấp tại Quyết định số 105/2014/QĐ-UBND
ngày 29 tháng 12 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận.
c) Quản lý, sử
dụng kinh phí hỗ trợ
- Sử dụng nguồn
kinh phí hỗ trợ được thực hiện thông
qua ký kết hợp đồng nhiệm vụ khoa học công nghệ giữa doanh nghiệp, tổ chức, cá
nhân với Sở Khoa học và Công nghệ;
- Kinh phí hỗ
trợ được thẩm định và phê duyệt đúng
theo đối tượng, điều kiện, nội dung và đảm bảo tính thiết thực, tiết kiệm, hiệu
quả;
- Quản lý kinh
phí và thanh quyết toán theo quy định hiện hành;
- Trường hợp
doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được hỗ
trợ, khi triển khai thực hiện để xảy
ra rủi ro, thì việc xử lý, thanh quyết toán hợp đồng theo quy định tại Quyết định
số 105/2014/QĐ-UBND ngày 29 tháng 12 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận
và các quy định hiện hành.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Giao Ủy ban
nhân dân tỉnh căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn triển khai thực hiện Nghị quyết theo
quy định pháp luật.
2. Thường trực
Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh tỉnh và đại biểu Hội đồng
nhân dân tỉnh tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này
được Hội đồng nhân dân tỉnh tỉnh Ninh Thuận khoá IX, kỳ họp thứ 13 thông qua
ngày 15 tháng 7 năm 2015 và có hiệu lực thi hành sau 10 ngày./.