ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1258/QĐ-UBND
|
Quảng
Ninh, ngày 25 tháng 04 năm 2017
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN ĐẦU TƯ CỦA TỈNH QUẢNG NINH NĂM
2017
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương số 77/2015/QH13;
Căn cứ Quyết định số 03/2014/QĐ-TTg
ngày 14/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành Quy chế quản lý nhà nước
đối với hoạt động xúc tiến đầu tư;
Căn cứ Công văn số 3037/BKHĐT-ĐTNN
ngày 14/4/2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ý kiến về chương trình xúc tiến
đầu tư năm 2017 của các tỉnh khu vực phía Bắc;
Xét đề nghị của Ban Xúc tiến và Hỗ
trợ đầu tư tại văn bản số 306/BXTĐT-XT3 ngày
24/4/2017;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này chương trình
xúc tiến đầu tư năm 2017 của tỉnh Quảng Ninh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
Các Ông, bà: Chánh Văn phòng Ủy ban
nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; Chủ tịch Ủy
ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Thủ trưởng các đơn vị và
các cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận:
- Bộ KH&ĐT (báo
cáo);
- TT Tỉnh ủy, TT.HĐND tỉnh (báo
cáo);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 2 (thi hành);
- QTV; Báo QN, TTTT (đưa tin);
- Lưu: VT, XD5QD090.16
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Thành
|
CHƯƠNG TRÌNH
XÚC
TIẾN ĐẦU TƯ NĂM 2017 CỦA TỈNH QUẢNG NINH
(kèm theo Quyết định số 1258/QĐ-UBND ngày 25/4/2017 của UBND tỉnh)
Phần I:
THỰC TRẠNG HOẠT
ĐỘNG XÚC TIẾN ĐẦU TƯ
Thực hiện Quyết định số
03/2014/QĐ-TTg ngày 14/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế
quản lý nhà nước đối với hoạt động xúc tiến đầu tư và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch
và Đầu tư tại văn bản số 3037/BKHĐT-ĐTNN ngày 14/4/2017, UBND tỉnh Quảng Ninh
đã triển khai công tác xây dựng và ban hành Chương trình xúc tiến đầu tư năm
2017 kèm theo Quyết định số 1258/QĐ-UBND ngày 25/4/2017.
I. Kết quả đạt được:
Trong năm 2016, công tác quản lý nhà
nước về hoạt động xúc tiến đầu tư (XTĐT) của tỉnh Quảng đã có nhiều chuyển biến tích cực và đóng góp nhiều vào sự phát triển kinh tế xã hội của
địa phương. Các hoạt động, chương trình xúc tiến đầu tư đều được xây dựng bài bản,
bám sát các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đảm bảo thu
hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào địa bàn tỉnh theo đúng quy hoạch
tổng thể phát triển
kinh tế xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2622/QĐ-TTg ngày 31/12/2013.
1. Các chỉ tiêu thu hút vốn đầu
tư
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2016
ước đạt 54,4 nghìn tỷ đồng, tăng 10,2% cùng kỳ, trong đó: vốn nhà nước đạt 20,9
nghìn tỷ đồng, chiếm 38,4%, tăng 5%; vốn ngoài nhà nước đạt 21,6 nghìn tỷ đồng,
chiếm 39,7%, tăng 17,9%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 11,9 nghìn tỷ
đồng, chiếm 21,9%, tăng 6,9%. Nhiều dự án, công trình đang tích cực đẩy nhanh
tiến độ hoàn thành để sớm đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả đầu tư1.
Các dự án đầu tư trong nước có tổng vốn
đầu tư lớn tiêu biểu đã được cấp phép năm 2016 như: Dự án Nuôi tôm thương phẩm
siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính của Công ty CP Thủy sản Việt Úc
(500 tỷ đồng); Bến cảng giai đoạn 1 tại đảo
Hòn Miều, KCN - Cảng biển Hải Hà huyện Hải Hà của Xí nghiệp cơ khí Quang Trung
(1033 tỷ đồng); Dự án Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả (tổng vốn
799,6 tỷ đồng - 54 tỷ vốn NSNN)...
Đến hết năm 2016, trên địa bàn tỉnh tổng
số có khoảng gần 130 dự án FDI còn hoạt động, tổng vốn đăng ký đầu tư đạt xấp xỉ
6 tỷ USD với một số dự án FDI có tổng mức đầu tư lớn được cấp phép đầu tư trong
năm 2016 như: Dự án Đầu tư Nhà máy nhuộm, dệt may tại KCN Texhong Hải Hà của
Công ty TNHH Heng Xing Ya Tai (77,41 triệu USD), Dự án Nhà máy sản xuất khăn mặt,
khăn tắm cao cấp và các sản phẩm liên quan tại KCN Texhong - Hải Hà của Công ty
TNHH Nam Thông Đại Đồng (Trung Quốc) và Công ty TNHH Á Châu A-Z (Hong Kong) (50
triệu USD); Dự án phát triển tổ hợp cảng biển và khu công nghiệp tại khu vực Đầm
Nhà Mạc, thị xã Quảng Yên của Các nhà đầu tư CDC International Corporation (Camay
Islands), Middle East Utilities Company Pte.Ltd (Singapore) và Infra Asia (315,467 triệu USD).
Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của tỉnh
đã tăng lên rõ rệt: Chỉ số ICOR năm 2016 đạt 4,89 (năm 2015: 6,29). Điều này thể
hiện rõ hiệu quả điều hành trong đầu tư phát triển, trên tinh thần tập trung
vào các công trình, dự án động lực, trọng điểm, đầu tư không dàn trải và dứt điểm
các công trình để đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả sau đầu tư.
Năm 2016, doanh nghiệp đăng ký thành
lập mới tăng cao về số lượng so với năm trước. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh có
1.247 doanh nghiệp2, đơn vị trực thuộc thành lập
mới, tăng 20% cùng kỳ với 938 doanh nghiệp và 309 đơn thị trực thuộc; Tổng số vốn
đăng ký là 8.112,83 tỷ đồng, tương đương so với cùng kỳ; số lao động dự kiến được
tạo việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới là 16.177 lao động, tăng 47,7%
so với cùng kỳ. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 9 tháng đầu
năm 2016 là 17.857,66 tỷ đồng3.
2. Công tác tiếp xúc, làm việc
với nhà đầu tư trong và ngoài nước
- Năm 2016 tỉnh Quảng Ninh đã tiếp
xúc và làm việc với khoảng 50 lượt đoàn doanh nghiệp/nhà đầu tư trong nước và
ngoài nước đến tìm hiểu đầu tư chủ yếu từ các quốc gia: Nhật
Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Vương quốc Anh. Công tác đón tiếp, làm việc với các
nhà đầu tư, các doanh nghiệp nước ngoài đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiệu quả.
Đoàn các nhà đầu tư tập trung nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào một số
lĩnh vực như: Hạ tầng giao thông; hạ tầng KCN; bất động sản; phát triển du lịch;
nông nghiệp; xử lý nước thải, rác thải; giáo dục, đào tạo...
- Về hoạt động
xúc tiến đầu tư ở nước ngoài và hợp tác với các tổ chức quốc
tế để quảng bá, xúc tiến đầu tư:
Năm 2016, Tỉnh đã chủ trì tổ chức
hàng loạt các Đoàn đi công tác, kết hợp với hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư tại
nước ngoài bao gồm: Đoàn công tác của Lãnh đạo tỉnh tham dự Lễ kỷ niệm 40 năm
thành lập Tập đoàn Amata kết hợp xúc tiến đầu tư tại Thái Lan Tháng 1/2016;
Đoàn công tác của các địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh đi xúc tiến đầu tư tại
Singapore và Malaysia từ 12-17/9/2016 và Đoàn công tác đi XTĐT tại Đài Loan
ngày 26/11-02/12/2016; Đoàn công tác tham gia các Hội nghị quốc tế như: Hội nghị
“Vành đai và Con đường” (Belt and Road Summit) và Chương trình Tọa đàm cơ hội đầu
tư kinh doanh tổ chức tại Đặc khu hành chính Hồng Kông; Hội nghị giới thiệu
chính sách và xúc tiến đầu tư tại Nam Ninh-Trung Quốc; Hội chợ triển lãm tại tỉnh
Quảng Đông, Trung Quốc và Hội chợ thương mại Việt Trung tại Đông Hưng, Trung Quốc,
Hội nghị hợp tác phát triển du lịch gắn kết di sản thế giới giữa 3 tỉnh Quảng
Ninh-Luang Prabang-Udonthani.
3. Công tác tổ chức các hoạt động
xúc tiến đầu tư
Bám sát Quy chế quản lý nhà nước đối
với hoạt động xúc tiến đầu tư do Thủ tướng Chính phủ ban hành, tỉnh Quảng Ninh
đã triển khai đồng bộ các giải pháp, từ việc xây dựng danh mục dự án thu hút đầu
tư hàng năm; xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu
tư với nhiều ngôn ngữ khác nhau (Việt, Anh, Trung, Hàn, Nhật); đánh giá tiềm
năng, xu hướng đầu tư; đến việc tổ chức đi xúc tiến đầu tư trong nước và nước
ngoài, chủ động tìm kiếm và mời gọi các nhà đầu tư.
Hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh Quảng
Ninh trong năm 2016 đã có những chuyển biến đáng kể về cả nội dung và phương pháp. Có thể nhấn mạnh một số nét mới
của tỉnh Quảng Ninh trong hoạt động xúc tiến đầu tư như sau:
- Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh
làn sóng xúc tiến đầu tư tới toàn bộ hệ thống chính trị tham gia vào công tác
xúc tiến đầu tư, các địa phương trong tỉnh đã tích cực đổi mới phương pháp, chủ
động tìm kiếm nhà đầu tư. Một số các hoạt động xúc tiến đầu tư có sự tham gia
tích cực của các địa phương như: Hội nghị công bố các quy hoạch kết hợp xúc tiến
đầu tư của TP Uông Bí, huyện Đầm Hà, TX Đông Triều; Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp
và mời gọi đầu tư của huyện Hải Hà; Hội nghị công bố huyện đạt chuẩn nông thôn
mới và xúc tiến đầu tư của huyện Cô Tô; phối hợp với Thành phố Hạ Long tổ chức
Hội thảo Xúc tiến đầu tư phát triển du lịch, thương mại trong khuôn khổ Lễ hội
hoa Anh đào - Mai vàng Yên Tử năm 2016. Tất cả các hoạt động này đều mang đậm dấu
ấn các hoạt động xúc tiến đầu tư và tạo sự sôi động đáng kể về môi trường đầu
tư tại Quảng Ninh nói chung và các địa phương nói riêng.
- Thứ hai, đã chính thức phát
hành Bản tin XTĐT với hai ngôn ngữ là Việt và Anh. Đến nay
đã được 3 số cho Quý I, Quý II và Quý III, nhận được các ý kiến phản hồi rất
tích cực. Đây là một kênh quảng bá, cung cấp thông tin, xúc tiến mời gọi các
doanh nghiệp, tổ chức, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
- Thứ ba, UBND tỉnh Quảng Ninh
đã tổ chức thành công Hội nghị tăng cường đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực
nông nghiệp ngày 07/5/2016 với cách làm mới, phối hợp với đơn vị truyền thông
Bizlive tổ chức giao lưu trực tuyến, tọa đàm trực tuyến gây tiếng vang và gây ấn
tượng đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hội nghị tăng
cường đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh Quảng Ninh tạo
hiệu ứng lớn về mặt truyền thông thể hiện qua hàng loạt các bài viết, tin tức
trên các báo giấy và báo điện tử trên toàn quốc.
- Thứ tư, các hoạt động truyền
thông, quảng bá cũng có nhiều thay đổi. Hoạt động xúc tiến đầu tư, cải thiện
môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh được tích cực triển khai qua
nhiều kênh khác nhau, trong đó tỉnh Quảng Ninh tiếp tục triển khai ký hợp tác với
02 báo VnEconomy và Tạp chí Bizlive vào cuộc để hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá về
môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh, Bên cạnh đó, đã có sự tham gia của hãng
truyền thông quốc tế (JiJi Press) của Nhật Bản với hàng loạt các tin bài trên
trang báo Nhật Bản về hoạt động của Lãnh đạo tỉnh với nỗ lực xúc tiến đầu tư,
tăng cường quan hệ hợp tác với Nhật Bản. Về quảng bá tuyên
truyền quá website, nội dung và cách thức quản trị trang website của Ban đã được
cải thiện hơn so với trước. Tin tức được đăng tải và cập nhật thường xuyên hàng
ngày bằng các ngôn ngữ khác nhau. Thông tin dự án được cung cấp đầy đủ hơn.
Chuyên mục hỏi đáp doanh nghiệp trên website IPA đã được
thiết lập, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đặt câu hỏi
và được hỗ trợ trả lời.
- Thứ năm, hoạt động xúc tiến
đầu tư tại chỗ cũng được tích cực triển khai thực hiện: tổ chức các hội nghị tiếp
xúc, trao đổi với doanh nghiệp trong địa bàn toàn tỉnh, đặc
biệt tại các địa phương có số lượng doanh nghiệp đông như Hạ Long, Uông Bí, Quảng Yên, Cẩm Phả; tổ chức Hội nghị doanh nghiệp
các tỉnh, thành phố khu vực Duyên Hải phía bắc năm 2016 tại tỉnh Quảng Ninh;
Triển khai Kế hoạch khảo sát đầu tư và đồng hành cùng Doanh nghiệp xúc tiến đầu
tư; gửi phiếu khảo sát nhu cầu đầu tư tới 50 doanh nghiệp tiêu biểu trên địa
bàn tỉnh; xây dựng chương trình làm việc với một nhà đầu tư lớn để kết hợp xúc
tiến đầu tư. Thông qua đó một mặt hỗ trợ doanh nghiệp, mặt khác đề nghị doanh
nghiệp xúc tiến kêu gọi cho tỉnh.
- Thứ sáu, tiếp tục xây dựng
và giữ mối liên hệ chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức có uy tín trong và ngoài
nước để tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ trong việc quảng bá, giới thiệu và xúc tiến
đầu tư vào tỉnh. Tỉnh Quảng Ninh thường xuyên trao đổi,
cung cấp thông tin với tổ chức JETRO Hà Nội, các thành viên Hội đồng cố vấn Nhật Bản, các Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam và các Tham tán
kinh tế, đầu tư của Việt Nam tại nước ngoài…; tiếp tục triển
khai Chương trình hợp tác với Viện nghiên cứu kinh tế Việt Nam của Nhật Bản
(VERI) và tỉnh Quảng Ninh thông qua Bộ phận Japan Desk của Ban Xúc tiến và Hỗ
trợ đầu tư; thiết lập quan hệ và ký kết hợp tác với Hiệp hội Thương mại Việt
Nam tại Singapore (Vietcham Singapore) để phối hợp xúc tiến, mời gọi doanh nghiệp
Singapore đầu tư vào Quảng Ninh.
II. Một số tồn tại, hạn chế
Hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh Quảng
Ninh bên cạnh những kết quả đạt được trong năm 2016, vẫn
còn một số tồn tại, hạn chế, đó là:
- Việc xây dựng các thông tin dự án
còn đơn giản, chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư. Thông tin dự án và số
liệu chi tiết còn ít. Một số thông tin cần thiết đối với
nhà đầu tư (theo phiếu khảo sát đã được Cục đầu tư nước ngoài tham vấn chuyên
gia và khảo sát nhà đầu tư), nhưng hầu hết các địa phương và Sở ngành không
cung cấp được. Thực tế khó khăn đó ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả xúc tiến đầu
tư. Nhiều dự án chưa có địa điểm rõ ràng, chưa ước tính được tổng mức đầu tư,
chưa xác định chắc chắn quy mô diện tích, do nhà đầu tư tự nghiên cứu và đề xuất.
Xét về mặt kinh tế, kinh doanh và quản trị rủi ro, thông tin như vậy là rất mơ
hồ, khó mời được nhà đầu tư nào đến đầu tư nếu không có một giá trị rất đặc biệt
hoặc một đặc quyền nào đó khi đầu tư dự án này.
- Vấn đề quỹ đất: Do địa hình chủ yếu
là đồi núi dốc, quỹ đất bằng phẳng ít và phân tán, mặt khác quỹ đất trống tại
các khu vực đô thị trung tâm còn lại không nhiều. Thực tế khi XTĐT, nhiều nhà đầu
tư mong muốn tìm quỹ đất trong trung tâm (TP Hạ Long), nhưng hầu như rất khó
tìm được địa điểm. Hạn chế này ảnh hưởng không nhỏ đến việc giới thiệu được những
địa điểm phù hợp cho nhà đầu tư.
- Việc xây dựng hệ thống thông tin và
truyền thông về xúc tiến đầu tư giữa địa phương và Trung ương chưa được đồng bộ
khiến việc quản lý nhà nước trong công tác xúc tiến đầu tư còn gặp nhiều khó
khăn. Tính liên kết vùng trong hoạt động xúc tiến đầu tư
chưa được coi trọng đúng mức.
Phần II:
NỘI DUNG CHƯƠNG
TRÌNH XÚC TIẾN ĐẦU TƯ CỦA TỈNH QUẢNG NINH NĂM 2017
I. QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG, MỤC TIÊU
1. Quan điểm chỉ đạo
a) Tiếp tục thực hiện có hiệu quả
ba đột phá chiến lược gồm: (1) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng về thiết chế văn hóa; (2) Cải cách thủ tục hành chính; (3) Phát triển nguồn nhân lực, nhất
là nguồn nhân lực chất lượng cao theo nội dung nhiệm vụ
trọng tâm đặt ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng
và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIV,
nhiệm kỳ 2015-2020.
b) Xúc tiến đầu tư tập trung vào các
ngành, lĩnh vực Quảng Ninh có ưu thế và đạt được lợi ích lớn từ việc hội nhập
kinh tế quốc tế, phát triển mạnh mẽ quan hệ đối tác và các thỏa thuận thương mại tự do giữa
Việt Nam và các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
c) Hoạt động thu hút đầu tư tiếp tục
đổi mới theo hướng Chuyên nghiệp - Thiết thực - Hiệu quả. Nâng cao chất lượng
công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ với việc tăng cường các hoạt động hỗ trợ
phát triển doanh nghiệp và cải thiện môi trường
đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
theo tinh thần Nghị quyết Chính phủ số 19-2016/NQ-CP ngày
28/4/2016 và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016.
2. Định hướng thu hút đầu tư
2.1. Định hướng thu hút đầu tư theo
ngành, lĩnh vực:
Tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh
vực lợi thế của tỉnh như du lịch, xây dựng và kinh doanh cảng biển, công nghiệp
chế biến thực phẩm, chế biến thủy hải sản, sản phẩm nông nghiệp…;
- Về xây dựng cơ
sở hạ tầng:
Các dự án trọng điểm gồm: xây dựng hạ
tầng giao thông như cảng biển (hệ thống cảng
của tỉnh theo quy hoạch phân bổ dọc theo bờ biển gồm cảng Vạn Gia, Móng Cái; cảng Hải Hà; cảng
Mũi Chùa, Tiên Yên; cảng Cái Rồng, Vân Đồn; cảng Hòn Nét, Cẩm Phả; cảng khách
Hòn Gai…), đường cao tốc đoạn Vân Đồn-Tiên Yên và Tiên Yên
- Móng Cái; hệ thống đường sắt, đường bộ đảm bảo kết nối nhanh hơn với khu vực
và quốc tế, khuyến khích đầu tư các dự án theo các hình thức Đối tác công tư.
Các dự án hạ tầng xã hội: tập trung
thu hút đầu tư các trường dạy nghề chất lượng cao gần các khu công nghiệp lớn
như KCN Texhong Hải Hà (huyện Hải Hà), KCN Sông Khoai, KCN Đầm Nhà Mạc (TX Quảng
Yên)... phục vụ nhu cầu nhân lực chất lượng cao của các KCN.
Các dự án phát triển hạ tầng khu công
nghiệp quy mô lớn, đồng bộ theo quy hoạch đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư (KCN
Việt Hưng giai đoạn 2; KCN Sông Khoai thuộc Tổ hợp Khu đô
thị công nghiệp công nghệ cao) kèm theo các công trình phụ trợ phục vụ KCN như các khu nhà ở công nhân, nhà ở cho chuyên gia nước
ngoài…; Tập trung thu hút đầu tư các dự án phát triển hạ tầng
02 Khu kinh tế Vân Đồn, Móng Cái.
- Về lĩnh vực du
lịch, dịch vụ, thương mại: Tập trung xúc tiến các dự án phát triển hạ tầng: khu
du lịch sinh thái, resort cao cấp, sân golf, khu vui chơi,
giải trí, mua sắm tổng hợp tại các thành phố trung tâm như TP Hạ Long, TP Móng
Cái, huyện Vân Đồn, TP Cẩm Phả, TP Uông Bí... và các dự án
cao cấp phục vụ du lịch trên vịnh Hạ Long nhằm khai thác tối đa lợi thế về tài nguyên thiên nhiên vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long hoặc
các dự án đầu tư hạ tầng khu du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng với bản sắc
riêng tạo sản phẩm du lịch mới cho tỉnh.
- Về nông nghiệp:
tập trung xúc tiến đầu tư vào các dự án sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng
công nghệ cao, phát triển bền vững và các dự án chế biến thực phẩm, chế biến thủy
hải sản, sản phẩm nông nghiệp...
- Về phát triển
ngành Công nghiệp hỗ trợ: Sản xuất linh kiện, phụ tùng, bán thành phẩm, cung cấp
cho việc sản xuất lắp ráp sản phẩm cuối cùng trong các ngành công nghiệp chế tạo
(bao gồm cả công nghiệp công nghệ cao) và cả linh kiện phụ tùng thay thế; Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp dệt may và sản xuất vật
liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, phần mềm và dịch vụ phục vụ cho việc tạo nên
sản phẩm cuối cùng cho các ngành công nghiệp công nghệ cao.
2.2. Định hướng thu hút đầu tư theo đối
tác:
Xác định rõ địa bàn trọng điểm, đối tác, nhà đầu tư chiến lược trong giai đoạn sắp tới để xúc tiến đầu tư
là các với các Tập đoàn, các Công ty xuyên quốc gia, đa quốc gia, các công ty vừa
và nhỏ (đối với ngành công nghiệp hỗ trợ) trong và ngoài nước có định hướng,
chiến lược phát triển mở rộng thị trường, cam kết đầu tư lâu dài. Thị trường mục
tiêu là các nước: Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ, Anh, Pháp, Bỉ,
Trung Đông, Hồng Công, Thái Lan. Trên cơ sở đó chú trọng vào một số đối tác như
sau:
- Với đối tác Nhật Bản: cần thúc đẩy
những lĩnh vực hợp tác trong chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong
khuôn khổ hợp tác với Nhật Bản hướng tới 2020 tầm nhìn 2030 trong các lĩnh vực:
chế biến nông thủy sản, máy nông nghiệp, điện tử, sản xuất
phụ tùng ô tô, đóng tàu và công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng, hướng
vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
- Với Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore:
tập trung vào các lĩnh vực điện tử, sản xuất cơ khí, năng lượng, công nghiệp nặng
và thiết bị công nghiệp, chế biến nông thủy sản và dệt may...
- Với đối tác Hồng
Công, Trung Quốc: trong thời gian tới cần tập trung hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thành
đầu tư KCN Texhong Hải Hà và kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào KCN, chủ
yếu đầu tư trong lĩnh vực dệt may.
- Riêng với Mỹ và EU: cần xây dựng
chính sách xúc tiến riêng, tiếp cận hướng tới các Tập đoàn đa quốc gia hướng
vào các ngành công nghệ cao như điện tử, hóa chất, thông tin liên lạc, ngành
thương mại bán buôn bán lẻ, dịch vụ chất lượng cao (tài chính, y tế, giáo dục…),
cơ sở hạ tầng công nghiệp, du lịch. Mặt khác, trong thời gian tới,
sẽ hướng tới kết nối với các doanh nghiệp SMEs của Hoa Kỳ trong các ngành công
nghiệp chế tạo, công nghiệp nhẹ... chế biến thực phẩm,
hàng tiêu dùng nhằm tận dụng các lợi thế của Hiệp định TPP.
3. Mục
tiêu thu hút vốn đầu tư
Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh Quảng
Ninh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định mục tiêu
tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ninh bình quân đạt 11-12%/năm; Tổng vốn
đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh bình quân tăng trên 10%/năm.
Nhằm đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế -
xã hội trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục thu hút các nguồn vốn
đầu tư ở trong và ngoài nước đầu tư vào địa bàn tỉnh cùng với sự hỗ trợ từ
Trung ương và địa phương để hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng
xã hội, các dự án trọng điểm. Phấn đấu trong năm 2017, thu hút vốn đầu tư ngoài
ngân sách đạt khoảng 30.000 tỷ đồng trong đó vốn FDI đạt khoảng 12.000 tỷ đồng.
II. CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN ĐẦU TƯ
1. Thực hiện công tác xúc tiến đầu
tư tại chỗ
- Triển khai các hoạt động cụ thể
theo Kế hoạch 2614/KH-UBND ngày 12/5/2016 của UBND tỉnh Quảng Ninh về Triển
khai Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ cải thiện môi trường đầu
tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh Nhằm triển khai và Chương trình
hành động số 3766/CTr-UBND ngày 29/6/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Triển
khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và
phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 gồm: (1) Cải cách hành chính, tạo thuận lợi
cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; (2) Hỗ trợ tiếp cận
tài chính, tín dụng; (3) Hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp;
(4) Phát triển nguồn nhân lực nâng cao kỹ năng quản lý của doanh nghiệp vừa và
nhỏ; (5) Hỗ trợ xúc tiến mở rộng thị trường; (6) Tạo môi trường kinh doanh bình
đẳng và bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp; (7) Đẩy mạnh hình thành các cụm
liên kết, đề cao trách nhiệm của doanh nghiệp; (8) Hỗ trợ tạo điều kiện tốt nhất,
xây dựng cơ chế chính sách, ưu đãi, khuyến khích khối kinh tế tư nhân phát triển.
Theo đó, các hoạt động chính có thể kể
đến: Tăng cường đối thoại với các nhà đầu tư, doanh nghiệp hiện đang hoạt động
trên địa bàn tỉnh nhằm giải quyết kịp thời những thắc mắc, kiến nghị và tháo gỡ
khó khăn, vướng mắc thông qua các Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp tổ chức hàng
quý. Triển khai các nhiệm vụ và giải pháp hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp
như: Cải cách thủ tục hành chính, đổi mới công tác tiếp xúc doanh nghiệp theo từng
chuyên đề; Thiết lập đường dây nóng của lãnh đạo cao nhất của Sở, ngành và địa
phương; Mở chuyên mục trực tuyến hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư trên cổng
thông tin của các sở, ngành, địa phương; hỗ trợ tiếp cận tài chính, tín dụng, hỗ
trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, thành lập mô hình vườn ươm doanh nghiệp,
café doanh nhân khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp... thông qua đó để tăng
cường công tác XTĐT tại chỗ như là một hình thức quan trọng, hiệu quả quảng bá
về môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh tới các nhà đầu tư và đối tác khác.
- Tiếp tục tăng cường hoạt động của bộ
phận hỗ trợ đầu tư Nhật Bản hiện có (Japan Desk) và thành lập các bộ phận
chuyên trách xúc tiến và hỗ trợ nhà đầu tư theo quốc gia
như: Hàn Quốc, Mỹ, EU...
2. Xây dựng cơ sở dữ liệu, tài liệu, ấn phẩm XTĐT
2.1. Nghiên
cứu, đánh giá tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư:
- Hợp tác với các đơn vị, viện nghiên
cứu, các công ty tư vấn đầu tư nước ngoài như Viện nghiên cứu kinh tế Việt Nam
tại Nhật Bản (VERI) để triển khai các hoạt động nghiên cứu, đánh giá tiềm năng,
xu hướng và đối tác đầu tư. Đồng thời đẩy mạnh mối quan hệ với các tổ chức sẵn
có như JETRO, JICA, KOTRA, KCCI, AMCHAM, Eurocham... để thu thập các thông tin
số liệu, xu hướng đầu tư của các quốc gia vào Việt Nam.
- Chủ động xây dựng đề tài nghiên cứu
về XTĐT với một số đối tác chiến lược và nhà đầu tư lớn định
hướng thu hút trong năm 2017 nhằm đưa ra được phương pháp tiếp cận và xúc tiến
đầu tư hiệu quả.
2.2. Xây
dựng cơ sở dữ liệu, tài liệu phục vụ cho hoạt động XTĐT
- Xây dựng cơ sở dữ liệu
Tiếp tục thu thập, tổng hợp và phân
loại hệ thống dữ liệu về quy hoạch, các quy định pháp luật, chính sách, thủ tục
về đầu tư, môi trường, đất đai, các chương trình ưu đãi của tỉnh Quảng Ninh về
chính sách đất đai, thuế, công tác GPMB và hạ tầng ngoài hàng rào dự án; cơ sở
dữ liệu chuyên sâu về các Khu công nghiệp, Khu kinh tế, Khu kinh tế cửa khẩu
trên địa bàn tỉnh... nhằm hỗ trợ nhà đối tác đầu tư tìm hiểu môi trường đầu tư.
Xây dựng cơ sở dữ liệu về các công
ty, nhà đầu tư để mời gọi đầu tư, các kênh kết nối trung gian như các tổ chức,
hiệp hội có vai trò kết nối, xúc tiến đầu tư, thương mại, các tổ chức tài
chính, tư vấn đầu tư, các hiệp hội doanh nghiệp...
Xây dựng hệ thống thông tin các nhà
cung cấp, nhà thầu, nguồn cung ứng đầu vào trong quá trình triển khai dự án của
nhà đầu tư và một số thông tin về thị trường đầu ra sản phẩm.
- Xây dựng danh mục dự án:
Xây dựng danh mục
dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh. Khảo sát và xây dựng thông
tin chi tiết cụ thể hơn cho mỗi dự án gồm: vị trí, kết nối giao thông, mục
tiêu, quy mô dự kiến, thông số kỹ thuật để có thể xúc tiến đầu tư theo chuyên đề,
lĩnh vực riêng, cụ thể.
Các địa phương thuộc tỉnh chủ động tiến
hành xây dựng và ban hành danh mục dự án kêu gọi đầu tư vào địa phương mình với
các dự án có quy mô nhỏ nhưng đa dạng hơn
về số lượng và lĩnh vực đầu tư phù hợp với quy hoạch phát triển của từng địa
phương.
2.3. Phát hành các ấn phẩm, tài liệu
Cập nhập, bổ sung, chỉnh sửa thông tin của bộ tài liệu xúc tiến đầu tư, bao gồm cẩm nang xúc tiến
đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh, thông tin chi tiết về Danh mục các dự án kêu gọi đầu
tư, các tờ rơi giới thiệu về tỉnh Quảng Ninh và các dự án trọng điểm...cho phù
hợp với tình hình thực tiễn; Xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ cho hoạt động
XTĐT chuyên sâu cho các ngành, lĩnh vực và hướng đến đối tượng cụ thể trên cơ sở
nghiên cứu đánh giá tiềm năng thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư; Biên tập
và xuất bản Bản tin Xúc tiến đầu tư hàng quý; Chỉnh sửa, cập nhật phim giới thiệu
về tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư vào Quảng Ninh...với các ngôn ngữ tiếng
Việt, Anh, Nhật, Trung, Hàn Quốc; In ấn đĩa DVD, chuẩn bị quà tặng, đồ lưu niệm
mang tính đặc trưng của tỉnh Quảng Ninh, tạo ấn tượng đối với nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, tại các địa phương và
doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ nghiên cứu xây dựng ấn phẩm, tài liệu xúc tiến
đầu tư của từng đơn vị theo nhu cầu thu hút đầu tư riêng của từng địa phương và
doanh nghiệp, cung cấp cho đơn vị đầu mối XTĐT của tỉnh để triển khai các hoạt
động XTĐT.
Triển khai trưng bày các ấn phẩm, tài
liệu quảng bá và xúc tiến đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh tại khu vực riêng
sau khi Cung hội chợ triển lãm của tỉnh mở cửa, đi vào hoạt động.
3. Triển khai các hoạt động XTĐT
trong và ngoài nước
3.1. Các hoạt động tuyên truyền,
quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu
tư.
- Tổ chức các chuyến làm việc với 05
tổ chức, hiệp hội có vai trò kết nối, xúc tiến đầu tư trong nước (gồm các Đại sứ
quán, Hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức xúc tiến đầu tư và thương mại nước ngoài tại
Việt Nam như JBAV, JETRO, KCCI, KOTRA, Eurocham, Amcham...) và các ngân hàng
trong nước và quốc tế, các tổ chức tài chính trung gian, các công ty tư vấn đầu
tư. Cung cấp các ấn phẩm, tài liệu để các tổ chức, hiệp hội hỗ trợ quảng bá, mời
gọi đầu tư.
- Phối hợp với Bộ phận xúc tiến đầu
tư nước ngoài tại Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài (các Tham tán kinh tế,
đầu tư của các Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam ở nước ngoài) để quảng
bá, giới thiệu, xúc tiến đầu tư cho Quảng Ninh tại nước ngoài và kết nối, tiếp
xúc với các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp của nước sở tại.
- Tiếp tục phối hợp với các cơ quan
truyền thông trong và ngoài nước viết bài, làm phóng sự quảng bá, giới thiệu
qua các kênh truyền thông, các phương tiện thông tin đại chúng nhằm quảng bá tiềm
năng, thế mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh, những chính sách thu hút đầu tư,
các dự án kêu gọi thu hút đầu tư của tỉnh. Ký kết hợp tác với Bizlive.vn,
VnEconomy, Báo Đầu tư và một số cơ quan truyền thông có uy tín khác.
- Hoàn thiện và liên tục cập nhật
thông tin, tin tức trên trang website xúc tiến đầu tư của tỉnh bằng các ngôn ngữ
Việt, Anh, Nhật, Hàn trở thành một kênh tham khảo thông tin về đầu tư tại tỉnh
Quảng Ninh; Xây dựng thêm website XTĐT phiên bản tiếng
Trung và cập nhật tin tức; Kết nối, đặt đường link, logo website
hiện có với các trang thông tin điện tử của các Bộ, ban, ngành TW và thế giới
nhằm nâng cao hiệu quả quảng bá đầu tư.
3.2. Tổ chức các chương trình xúc
tiến đầu tư trong và ngoài nước
Tổ chức các chương trình xúc tiến đầu
tư theo lĩnh vực hoặc địa bàn cụ thể tại các thị trường mục tiêu.
- Tỉnh chủ trì tổ chức hoặc phối hợp
tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư do các cấp Trung ương, Bộ Kế hoạch và đầu
tư và các Bộ, ban, ngành liên quan chủ trì tổ chức hoặc liên kết, hợp tác với
các tỉnh, thành phố khác trong cả nước thực hiện các chương trình XTĐT ở nước
ngoài nhằm tăng hiệu quả, giảm chi phí của các hoạt động; Tham gia các Hội nghị,
hội thảo, hội chợ, diễn đàn, tọa đàm...về hợp tác, kết nối đầu tư do các tổ chức
nước ngoài chủ trì mời. Định hướng tập trung xúc tiến các lĩnh vực điện tử, sản
xuất cơ khí, năng lượng, công nghiệp nặng và thiết bị công nghiệp, chế biến
nông thủy sản tại Hàn Quốc, Đài Loan; kêu gọi chủ yếu lĩnh vực dệt may với các
đối tác Hồng Công, Trung Quốc; xúc tiến các dự án hạ tầng
du lịch đối với các nhà đầu tư từ EU, Mỹ.
- Tổ chức các đoàn công tác đi xúc tiến
đầu tư với sự tham gia của các huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh hoặc các doanh
nghiệp, cá nhân, tổ chức (đặc biệt là nhà đầu tư hạ tầng các KCN) nhằm tăng cường
vai trò xúc tiến đầu tư của các Sở, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.
- Phối kết hợp các hoạt động xúc tiến
đầu tư, xúc tiến thương mại và xúc tiến du lịch để tổ chức các Hội nghị, hội thảo, chương
trình xúc tiến, quảng bá tổng thể về tỉnh Quảng Ninh.
3.3. Đào tạo, tập huấn, tăng cường
năng lực về xúc tiến đầu tư
Tổ chức lớp tập huấn, đào tạo nâng
cao trình độ của cán bộ chuyên trách làm XTĐT tại các Sở, ngành, địa phương, mời
chuyên gia trong nước, quốc tế hỗ trợ giảng dạy.
Tham gia các khóa đào tạo, tập huấn,
tăng cường năng lực về XTĐT trong các ngành, lĩnh vực do Bộ Kế hoạch và Đầu tư
tổ chức hàng năm tại TP Hà Nội và các tỉnh khu vực phía Bắc.
3.4. Thực hiện các hoạt động hợp
tác trong nước, quốc tế
Tổ chức các đoàn đi nghiên cứu, học tập
kinh nghiệm xúc tiến đầu tư của các địa phương đã có kinh nghiệm và thành công
trong công tác xúc tiến, thu hút đầu tư và mô hình phát triển các KCN, KKT
trong và ngoài nước.
Tiếp tục triển khai hợp tác Tổ chức
xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Việt Nam (JETRO) để triển khai thực hiện Đề án
thúc đẩy hợp tác, thu hút đầu tư từ Nhật Bản vào tỉnh Quảng Ninh trên cơ sở Chương
trình phối hợp giữa UBND tỉnh Quảng
Ninh và JETRO, Nhật Bản, Triển khai Chương trình phối hợp năm 2016 giữa Bộ phận
Japan Desk (Quảng Ninh) và Văn phòng đại diện đầu tư, thương mại, du lịch của
Quảng Ninh tại Tokyo (Nhật Bản).
Phần III:
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu
tư
a) Là đơn vị đầu mối tham mưu, triển
khai các hoạt động xúc tiến đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
b) Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch
và Đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện
các hoạt động xúc tiến đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
c) Triển khai thực hiện các hoạt động
xúc tiến đầu tư theo phân công tại bảng phụ lục của Chương trình này.
d) Là đầu mối tổng hợp, báo cáo Chủ tịch
UBND tỉnh kết quả triển khai.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
a) Tổng hợp, đánh giá chất lượng của
nguồn FDI đầu tư vào Quảng Ninh để có các giải pháp cụ thể, kịp thời, hữu hiệu
trong thu hút đầu tư và khắc phục những dự án đầu tư chất lượng hạn chế.
b) Đầu mối triển khai các hoạt động hỗ
trợ doanh nghiệp, tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp định kỳ để
giải quyết kịp thời những kiến nghị hợp lý của doanh nghiệp hiện đang hoạt động
trên địa bàn tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
c) Chủ trì nghiên cứu, đề xuất các
chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như chính sách kích cầu đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp,
hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ,
hỗ trợ đào tạo...tham mưu, triển khai thành lập các Tổ tư vấn khởi nghiệp, Tổ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh, tổ
tư vấn hỗ trợ giải quyết khó khăn liên quan đến các vấn đề về thuế, vốn, hải
quan, thành lập doanh nghiệp, cấp phép đầu tư...
d) Triển khai thực hiện các hoạt động
xúc tiến đầu tư theo phân công tại bảng phụ lục của Chương trình này.
3. Ban quản lý Khu kinh tế
a) Đầu mối triển khai các hoạt động
xúc tiến đầu tư vào KCN, KKT trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Ban Xúc tiến và Hỗ
trợ đầu tư tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư trong nước, nước ngoài.
b) Xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên sâu,
biên tập và cập nhật các ấn phẩm, tài liệu giới thiệu chuyên sâu về tiềm năng,
lợi thế đầu tư vào KCN, KKT tại Quảng Ninh để cung cấp và
giới thiệu cho các nhà đầu tư;
c) Triển khai thực hiện các hoạt động
xúc tiến đầu tư theo phân công tại bảng phụ lục của Chương trình này.
4.
Các Sở, ngành khác và UBND các huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh và các đơn vị
liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực và địa bàn đơn vị phụ.
5. Các Sở, ngành khác và UBND các huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh và
các đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực và địa bàn đơn vị phụ
trách, triển khai thực hiện các nội dung công việc liên quan trong Chương trình
xúc tiến đầu tư năm 2017; ban hành danh mục dự án kêu gọi đầu tư cấp địa
phương, xây dựng tài liệu, ấn phẩm phục vụ hoạt động xúc tiến đầu tư; định kỳ gửi
báo cáo về đầu mối Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư để tổng hợp. Đồng thời triển
khai các nội dung xúc tiến đầu tư tại chỗ theo phân công nhiệm vụ tại Kế hoạch
2614/KH-UBND ngày 12/5/2016 va Chương trình hành động số 3766/CTr-UBND ngày
29/6/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh.
6. Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của các cơ
quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện Chương
trình xúc tiến đầu tư 2017; đề xuất UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với
tình hình thực tế của tỉnh và theo hướng dẫn của Trung ương.
Chương trình này chỉ mang tính định
hướng, kế hoạch triển khai các nội dung cụ thể cần xác định chi tiết: Sự cần
thiết, phương án thực hiện khả thi trình để UBND tỉnh ra quyết định cụ thể
Phần IV:
PHỤ LỤC KÈM THEO
CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN ĐẦU TƯ
I. Phụ lục 1: Tổng hợp đề
xuất các hoạt động xúc tiến đầu tư năm 2017
II. Phụ lục 2 : Danh mục các dự án
kêu gọi đầu tư của tỉnh Quảng Ninh
III. Phụ lục 3: Danh mục các dự án trọng điểm đang đàm phán, xúc tiến đầu tư trên
địa bàn