HỘI ĐỒNG
NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
379/2020/NQ-HĐND
|
Đồng Tháp,
ngày 08 tháng 12 năm 2020
|
NGHỊ QUYẾT
BAN HÀNH CÁC NGUYÊN TẮC, TIÊU CHÍ VÀ ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ VỐN ĐẦU
TƯ CÔNG NGUỒN NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG GIAI ĐOẠN 2021-2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG
THÁP
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP
KHÓA IX - KỲ HỌP THỨ MƯỜI BẢY
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 19 tháng 6 năm 2015; và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm
2019;
Căn cứ Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày
08 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc,
tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn
2021-2025;
Căn cứ Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14
tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều
của Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban Thường
vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư
công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025,
Xét Tờ trình số 109/TTr-UBND ngày 27 tháng 10
năm 2020 của UBND Tỉnh về việc các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn
đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Đồng
Tháp; Báo cáo thẩm tra số 367/BC-HĐND ngày 02 tháng 12 năm 2020 của Ban Kinh tế
- Ngân sách Hội đồng nhân dân Tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân
dân tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thống nhất ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức
phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương (bao gồm bổ sung có mục
tiêu từ ngân sách Trung ương) giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Đồng
Tháp, cụ thể như sau:
1. Các ngành, lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư công
nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025:
Vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương được
phân bổ theo ngành, lĩnh vực sau đây:
a) Quốc phòng: Các nhiệm vụ, chương trình, dự án
thuộc các ngành, lĩnh vực phục vụ mục tiêu quốc phòng, ứng phó với sự cố thiên
tai và tìm kiếm cứu nạn của đơn vị chuyên trách địa phương.
b) An ninh và trật tự, an toàn xã hội: Các nhiệm
vụ, chương trình, dự án thuộc các ngành, lĩnh vực phục vụ mục tiêu an ninh và
trật tự, an toàn xã hội, phòng cháy, chữa cháy, điều tra phòng, chống tội phạm,
thi hành án hình sự, ứng phó với sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của đơn vị
chuyên trách địa phương.
c) Giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp:
Các nhiệm vụ, chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất,
trang thiết bị phục vụ mục tiêu giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp thuộc
các cấp học từ mầm non đến cao đẳng.
d) Khoa học, công nghệ: Các nhiệm vụ, chương
trình, dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị,
công nghệ phục vụ mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ, thí nghiệm, thực
nghiệm, phân tích, kiểm định, kiểm nghiệm, tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng,
sở hữu trí tuệ, thiết kế chuyên dụng trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật,
ứng dụng và chuyển giao công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và
phát triển, hỗ trợ phát triển công nghiệp, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp,
lâm nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao.
đ) Y tế, dân số và gia đình: Các nhiệm vụ,
chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết
bị phục vụ mục tiêu về y tế (bao gồm y tế dự phòng; khám bệnh, chữa bệnh, cấp cứu,
phục hồi chức năng; y học cổ truyền; giám định y khoa, pháp y, pháp y tâm thần;
kiểm định, kiểm nghiệm dược phẩm, mỹ phẩm và các hoạt động khác thuộc lĩnh vực
y tế), dân số, gia đình, sức khỏe sinh sản, vệ sinh an toàn thực phẩm.
e) Văn hóa, thông tin: Các nhiệm vụ, chương
trình, dự án phục vụ các mục tiêu thuộc các lĩnh vực sau:
- Văn hóa: Bảo vệ, bảo tồn giá trị di sản
văn hóa vật thể; phát triển văn học nghệ thuật; phát triển hệ thống thiết chế
văn hóa, các công trình văn hóa.
- Thông tin: Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất,
trang thiết bị phục vụ hoạt động xuất bản, báo chí của Nhà nước.
g) Phát thanh, truyền hình, thông tấn: Các nhiệm
vụ, chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, trang
thiết bị phục vụ các mục tiêu phát thanh, truyền hình, thông tấn nhằm thực hiện
nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ xã hội và công ích thiết yếu.
h) Thể dục, thể thao: Các nhiệm vụ, chương
trình, dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục
vụ các mục tiêu phát triển thể dục, thể thao.
i) Bảo vệ môi trường: Các nhiệm vụ, chương
trình, dự án phục vụ các mục tiêu thuộc các lĩnh vực sau:
- Môi trường: cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất,
trang thiết bị quan trắc, cảnh báo môi trường, bảo vệ tài nguyên, khắc phục ô
nhiễm môi trường, xử lý chất thải, rác thải, nước thải, tăng trưởng xanh, ứng
phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững;
- Tài nguyên: cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất,
trang thiết bị đo đạc bản đồ, khí tượng thủy văn, thăm dò địa chất, bảo vệ tài
nguyên thiên nhiên.
k) Các hoạt động kinh tế: Các nhiệm vụ, chương
trình, dự án phục vụ các mục tiêu thuộc các lĩnh vực sau:
- Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi và thủy sản:
cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy
lợi và thủy sản; kinh tế nông thôn (bao gồm xây dựng nông thôn mới, cung cấp nước
sạch và bảo đảm vệ sinh môi trường nông thôn, phát triển ngành nghề, làng nghề
nông thôn gắn với hộ gia đình và hợp tác xã, bố trí, sắp xếp lại dân cư nông
thôn, định canh, định cư, ổn định di dân tự do và tái định cư); phát triển giống
cây trồng, vật nuôi; trồng, bảo vệ và phát triển rừng; phòng, chống, khắc phục
hậu quả thiên tai, cháy rừng, dịch bệnh;
- Công nghiệp: cấp điện nông thôn;
- Giao thông: kết cấu hạ tầng giao thông
đường bộ, đường thủy nội địa;
- Khu công nghiệp và khu kinh tế: hạ tầng
khu kinh tế cửa khẩu và hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp;
- Thương mại: chợ dân sinh, chợ đầu mối,
trung tâm logistic, trung tâm hội chợ triển lãm, kết cấu hạ tầng xuất khẩu, nhập
khẩu;
- Cấp nước, thoát nước;
- Kho tàng: cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất,
trang thiết bị kho tàng, kho lưu trữ chuyên dụng, lưu trữ hồ sơ, tài liệu, kho
vật chứng;
- Du lịch: cơ sở hạ tầng nhằm phát triển
du lịch bền vững tại các khu, điểm, địa bàn du lịch;
- Viễn thông: cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất,
vật tư, trang thiết bị phục vụ các mục tiêu viễn thông nhằm thực hiện nhiệm vụ
chính trị, nhiệm vụ xã hội và công ích thiết yếu;
- Bưu chính: cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất,
vật tư, trang thiết bị phục vụ các mục tiêu bưu chính nhằm thực hiện nhiệm vụ
chính trị, nhiệm vụ xã hội và công ích thiết yếu;
- Công nghệ thông tin: hạ tầng thông tin
số, kinh tế số; hiện đại hóa công nghệ thông tin trong các cơ quan Đảng và Nhà
nước; ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu; các nền tảng, ứng
dụng, dịch vụ quốc gia dùng chung; an toàn, an ninh mạng;
- Quy hoạch: các nhiệm vụ quy hoạch;
- Công trình công cộng tại các đô thị, hạ
tầng kỹ thuật khu đô thị mới.
- Cấp vốn điều lệ cho các quỹ tài chính nhà nước
ngoài ngân sách; cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý của dự án xây dựng
mới; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ
doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;
hỗ trợ hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã.
l) Hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước,
đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị - xã hội:
Các nhiệm vụ, chương trình, dự án phục vụ mục tiêu xây dựng, cải tạo, nâng cấp
trụ sở, nhà công vụ, mua sắm trang thiết bị của các cơ quan thuộc hệ thống
chính trị, nhà nước.
m) Xã hội: các nhiệm vụ, chương trình, dự án đầu
tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết
bị của các cơ sở điều dưỡng, phục hồi chức năng, nuôi dưỡng người có công; hỗ
trợ việc làm; xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình ghi công liệt sỹ; cơ sở
cai nghiện và trợ giúp xã hội khác;
n) Các nhiệm vụ, chương trình, dự
án khác theo quy định của pháp luật.
Trường hợp dự án có nhiều hạng mục
đầu tư thuộc nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau thì việc phân
loại dự án theo ngành, lĩnh vực sẽ căn cứ vào mục tiêu chính của dự án. Riêng đối với dự án có nhiều hạng mục đầu tư thuộc
nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, trong đó có mục tiêu quốc phòng, an
ninh nhưng không phải là mục tiêu chính, phân loại dự án theo ngành quốc phòng,
an ninh và trật tự, an toàn xã hội.
2. Các nguyên tắc phân bổ vốn đầu tư công nguồn
ngân sách địa phương
a) Nguyên tắc phân bổ vốn đầu tư công do cấp tỉnh
quản lý
- Nguyên tắc: thực hiện theo quy định tại
Điều 4 Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng
Chính phủ.
- Đối tượng:
+ Các cơ quan Đảng cấp tỉnh, cấp huyện; tổ chức
chính trị và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh.
+ Các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, ban, ngành tỉnh
(do UBND Tỉnh quyết định thành lập); các đơn vị sự nghiệp công lập do tỉnh quản
lý chưa đảm bảo chi đầu tư.
b) Nguyên tắc phân bổ vốn đầu tư công do cấp huyện
quản lý
- Nguyên tắc:
+ Thực hiện theo quy định tại Điều 4 Quyết định
số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.
+ Kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách cấp
huyện các năm 2021-2025 (không bao gồm số thu sử dụng đất) được tính trên tốc độ
tăng bình quân chung từ 5% - 6%. Định hướng này áp dụng để xây dựng kế hoạch đầu
tư công trung hạn nguồn ngân sách cấp huyện; số vốn đầu tư công nguồn ngân sách
cấp huyện thực tế các năm giai đoạn 2021-2025 do HĐND Tỉnh quyết định và phù hợp
với khả năng cân đối ngân sách địa phương.
Riêng kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách cấp
huyện năm 2021 được xây dựng phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư công
và ngân sách nhà nước, dự kiến nguồn thu ngân sách cấp huyện được hưởng theo
phân cấp, số bổ sung cân đối từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp huyện (nếu
có), phù hợp với định hướng mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm
2021-2025 và mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể phát triển kinh tế - xã hội của năm
2021; kết quả thực hiện dự toán ngân sách của địa phương năm 2019, ước thực hiện
năm 2020.
- Đối tượng: Các cơ quan nhà nước cấp huyện,
cấp xã, ban ngành huyện (do UBND cấp huyện quyết định thành lập); tổ chức chính
trị và các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc huyện, thị xã, thành phố; các
đơn vị sự nghiệp công lập do cấp huyện quản lý chưa đảm bảo chi đầu tư.
3. Nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn
đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu
Các chương trình, dự án được ngân sách Trương
ương hỗ trợ giai đoạn 2021-2025 được thực hiện theo các nguyên tắc quy định tại
Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ;
phải đảm bảo thủ tục đầu tư theo Luật Đầu tư công và các quy định khác của pháp
luật có liên quan.
Trên cơ sở tổng mức vốn ngân sách Trung ương hỗ
trợ, được Hội đồng nhân dân Tỉnh phê duyệt, Ủy ban nhân dân Tỉnh căn cứ tiêu
chí, định mức phân bổ của ngân sách Trung ương và mức vốn hỗ trợ để bố trí vốn
cụ thể cho từng chương trình, dự án sử dụng vốn đúng mục tiêu của Trung ương.
4. Nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn
đầu tư công nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ có mục tiêu các huyện, thị xã, thành phố
thuộc tỉnh (gọi chung là địa phương)
a) Đối với các dự án đầu tư nguồn thu xổ số kiến
thiết (XSKT):
Căn cứ dự toán thu XSKT hàng năm, Ủy ban nhân
dân Tỉnh thông qua Hội đồng nhân dân Tỉnh bố trí toàn bộ nguồn thu XSKT cho đầu
tư phát triển, trong đó đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề
nghiệp; lĩnh vực y tế; các nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng
nông thôn mới theo quy định hiện hành. Sau khi bố trí vốn đảm bảo hoàn thành
các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực trên đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt,
được bố trí cho các công trình văn hóa; thể dục, thể thao; bảo vệ môi trường;
nông nghiệp, thủy lợi; giao thông; hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp; ứng
dụng công nghệ thông tin ngành giáo dục và đào tạo; công trình công cộng tại
các đô thị; đối ứng các dự án ODA do tỉnh quản lý. Phần còn lại (nếu có) ngân
sách tỉnh sẽ hỗ trợ có mục tiêu để thực hiện một số dự án do các huyện, thành
phố quản lý.
Danh mục các dự án, công trình của địa phương được
ngân sách tỉnh hỗ trợ giai đoạn 2021-2025 phải được UBND tỉnh thống nhất; và mức
vốn hỗ trợ đưa vào dự toán chi ngân sách địa phương hàng năm để tạo điều kiện
cho địa phương chủ động trong việc chuẩn bị thủ tục đầu tư.
b) Đối với các dự án đầu tư nguồn ngân sách tập
trung:
Đảm bảo cân đối lĩnh vực khoa học, công nghệ
theo quy định hiện hành và tập trung bố trí vốn cho các lĩnh vực khác như: Quốc
phòng; an ninh; văn hóa; phát thanh, truyền hình; thể dục, thể thao; bảo vệ môi
trường; nông nghiệp, thủy lợi; giao thông; hạ tầng khu công nghiệp, cụm công
nghiệp và khu kinh tế; thương mại, du lịch; công nghệ thông tin; nhiệm vụ quy
hoạch; công trình công cộng tại các đô thị; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đầu
tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; cấp vốn điều lệ cho các quỹ tài chính nhà
nước ngoài ngân sách; đối ứng các dự án ODA; quản lý nhà nước và trợ giúp xã hội
do tỉnh quản lý. Phần còn lại (nếu có) ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ có mục tiêu để
thực hiện một số dự án do các huyện, thị xã, thành phố quản lý.
Danh mục các dự án, công trình của địa phương được
ngân sách tỉnh hỗ trợ giai đoạn 2021-2025 phải được UBND tỉnh thống nhất; và mức
vốn hỗ trợ đưa vào dự toán chi ngân sách địa phương hàng năm để tạo điều kiện
cho địa phương chủ động trong việc chuẩn bị thủ tục đầu tư.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân Tỉnh tổ
chức thực hiện Nghị quyết này và áp dụng cho các năm ngân sách giai đoạn
2021-2025.
Điều 3.
Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng
nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân Tỉnh
giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng
nhân dân tỉnh Đồng Tháp khoá IX, kỳ họp thứ mười bảy thông qua ngày 08 tháng 12
năm 2020 và có hiệu lực từ ngày kể từ ngày 18 tháng 12 năm 2020./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- UBTVQH, CP, Ban CTĐBQH;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL thuộc Bộ Tư pháp;
- Bộ: TC,KH&ĐT;
- TT/TU, UBND, UBMTTQVN Tỉnh;
- Đoàn ĐBQH Tỉnh;
- Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy;
- Các Sở, ban, ngành Tỉnh;
- TT.HĐND, UBND huyện, thành phố;
- Công báo Tỉnh;
- Lưu: VT, KT-NS.
|
CHỦ TỊCH
Phan Văn Thắng
|