QUY CHẾ
PHỐI HỢP PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM TRONG LĨNH VỰC BƯU CHÍNH, VIỄN
THÔNG VÀ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 31/2007/QĐ-UBND ngày 02/7/2007 của Ủy ban
nhân dân tỉnh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh,
đối tượng áp dụng
Sở Bưu chính, Viễn thông; Công an tỉnh; Sở
Thương mại; Chi cục Hải quan quản lý các khu công nghiệp Bình Thuận; Ủy ban
nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông
và công nghệ thông tin và các đơn vị có liên quan trên địa bàn tỉnh phải thực
hiện theo Quy chế này trong việc tăng cường phối hợp phòng, chống tội phạm trong
lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin.
Điều 2. Công tác phối hợp
1. Công tác phối hợp được thực hiện trên nguyên
tắc kịp thời, hiệu quả, đảm bảo bí mật và tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Quá trình phối hợp không làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của các bên có liên
quan.
2. Các đơn vị phối hợp phải cử người có trách
nhiệm phụ trách việc theo dõi, cung cấp thông tin, làm đầu mối trong việc phối
hợp, giao nhận tài liệu, số liệu liên quan.
3. Việc xử lý các vụ trộm cắp cước viễn thông quốc
tế; kinh doanh trái phép dịch vụ, thẻ điện thoại internet lậu; vận chuyển hàng
lậu, hàng cấm qua mạng bưu chính, mạng chuyển phát của cơ quan quản lý Nhà nước;
xâm phạm công trình bưu chính, viễn thông và các vi phạm khác liên quan đến
lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin quy định tại Quy chế này,
được thực hiện trên nguyên tắc: vụ việc thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản
lý của đơn vị nào thì đơn vị đó chủ trì xử lý, các đơn vị khác trong phạm vi chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp.
4. Trường hợp cần sự chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp
với các cơ quan có thẩm quyền cấp trên hoặc ngoài tỉnh thì tùy theo vụ việc và
theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị nào thì đơn vị đó thực hiện.
Chương II
PHƯƠNG THỨC PHỐI HỢP
Điều 3. Phương thức phối hợp
1. Trao đổi, phối hợp tìm kiếm thông tin, cung cấp
thông tin về vụ vi phạm bằng văn bản, trao đổi trực tiếp qua điện thoại, tra cứu
trực tuyến cơ sở dữ liệu liên quan đến vụ vi phạm.
2. Tổ chức họp bàn giữa các đơn vị có liên quan
về hành vi vi phạm, mức độ, hình thức, thủ đoạn mà đối tượng sử dụng và hình thức
xử lý hành vi vi phạm.
3. Tổ chức các đoàn liên ngành tiến hành thanh
tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật.
4. Tổng kết, rút kinh nghiệm và đề ra giải pháp
hạn chế các hành vi vi phạm.
Điều 4. Các nội dung cần phối
hợp
1. Phối hợp phổ biến chính sách, pháp luật điều
chỉnh về lĩnh vực công nghệ thông tin.
2. Phối hợp đảm bảo an toàn mạng lưới bưu chính,
viễn thông và an ninh thông tin.
3. Phối hợp xác minh hành vi, mức độ, công nghệ,
hình thức, thủ đoạn đối tượng sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm.
4. Phối hợp trong công tác đấu tranh với các loại
đối tượng vi phạm và xử lý hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
5. Phối hợp cưỡng chế việc chấp hành quyết định
xử lý vi phạm của cơ quan quản lý Nhà nước.
Chương III
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC ĐƠN
VỊ PHỐI HỢP
Điều 5. Trách nhiệm của Sở
Bưu chính - Viễn thông
1. Tiếp nhận và tổng hợp thông tin về các dấu hiệu
nghi vấn vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua mạng bưu chính, mạng chuyển phát; trộm
cắp cước viễn thông quốc tế; kinh doanh trái phép dịch vụ, thẻ điện thoại
internet lậu. Tiếp nhận và giám định các vụ trộm cắp cước viễn thông theo yêu cầu
của cơ quan điều tra.
2. Tùy theo vụ việc, lĩnh vực cụ thể, kịp thời
cung cấp số liệu, tài liệu và phối hợp với đơn vị liên quan trực tiếp để xử lý
các vụ vi phạm pháp luật.
3. Chủ trì hoặc tham gia thanh tra, kiểm tra và
xử lý đối tượng vi phạm hành chính hoặc lập hồ sơ chuyển sang cơ quan điều tra
nếu có dấu hiệu tội phạm hình sự theo quy định của pháp luật.
4. Thông báo, phổ biến những phương thức, thủ đoạn
mới của các loại đối tượng thực hiện hành vi vi phạm; hướng dẫn các doanh nghiệp
bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin thực hiện công tác phòng ngừa và hạn
chế điều kiện phát sinh tội phạm.
5. Kịp thời thông báo các hoạt động tội phạm lợi
dụng kỹ thuật, công nghệ mới cho các cơ quan chức năng để phối hợp đấu tranh
ngăn chặn. Chịu trách nhiệm tập huấn kỹ thuật nghiệp vụ cho các lực lượng chức
năng tham gia trên lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Điều 6. Trách nhiệm của Công
an tỉnh
1. Tham mưu, hướng dẫn, phối hợp các cơ quan,
doanh nghiệp thực hiện công tác phát động phong trào toàn dân tham gia phòng,
chống tội phạm.
2. Phối hợp tham gia các đoàn thanh tra, kiểm
tra hoặc chủ trì kiểm tra khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm trong lĩnh vực bưu
chính, viễn thông và công nghệ thông tin. Nhận bàn giao hồ sơ đề nghị truy cứu
trách nhiệm hình sự, tiếp nhận thông tin, chủ trì công tác điều tra, xác minh
và xử lý tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia; tội phạm xâm hại trật tự, an toàn
xã hội. Trao đổi thông tin về các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu
chính, viễn thông và công nghệ thông tin theo quy định của pháp luật cho cơ
quan có liên quan để xác minh và xử lý.
3. Thông báo tình hình, âm mưu phương thức thủ
đoạn của các loại đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia; xâm hại trật tự, an toàn
xã hội trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin.
Điều 7. Trách nhiệm của Sở
Thương mại
1. Chủ trì việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý hàng
lậu, hàng cấm gửi vận chuyển qua mạng bưu chính, mạng chuyển phát; việc kinh
doanh trái phép thẻ điện thoại internet lậu.
2. Nếu phát hiện các vụ gửi, vận chuyển hàng lậu,
hàng cấm gửi qua mạng bưu chính, mạng chuyển phát; việc kinh doanh trái phép thẻ
điện thoại internet lậu, Sở Thương mại có trách nhiệm chỉ đạo Chi cục Quản lý
thị trường kịp thời thông báo và phối hợp với Sở Bưu chính, Viễn thông xử lý vi
phạm theo quy định của pháp luật.
Điều 8. Trách nhiệm của Chi
cục Hải quan quản lý các khu công nghiệp Bình Thuận
1. Chủ trì công tác kiểm tra, kiểm soát phát hiện
và xử lý hàng lậu, hàng cấm xuất, nhập khẩu qua mạng bưu chính, mạng chuyển
phát trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.
2. Trường hợp nhận được thông báo và đề nghị phối
hợp về vụ việc xuất nhập hàng lậu, hàng cấm qua mạng bưu chính, mạng chuyển
phát của Sở Bưu chính - Viễn thông, Chi cục Hải quan quản lý các khu công nghiệp
Bình Thuận có trách nhiệm phối hợp kịp thời với Sở Bưu chính - Viễn thông trong
việc kiểm tra, kiểm soát các túi bưu phẩm, bưu kiện và kiện hàng hóa. Nếu phát
hiện thấy có hành vi vi phạm pháp luật thì phối hợp với Sở Bưu chính, Viễn
thông trong việc xử lý vi phạm.
3. Khi phát hiện vụ việc xuất nhập hàng lậu,
hàng cấm qua mạng bưu chính, mạng chuyển phát, Chi cục Hải quan quản lý các khu
công nghiệp Bình Thuận có trách nhiệm kịp thời thông báo và phối hợp với Sở Bưu
chính - Viễn thông xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Điều 9. Trách nhiệm của các
doanh nghiệp bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin
1. Trường hợp phát hiện dấu hiệu nghi vấn trộm cắp
cước viễn thông quốc tế; việc kinh doanh trái phép dịch vụ điện thoại internet,
các loại thẻ điện thoại lậu; gửi, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua mạng bưu
chính, mạng chuyển phát; các hành vi vi phạm liên quan đến việc cung cấp, sử dụng
dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, internet, các doanh nghiệp
có trách nhiệm kịp thời báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan cho
Sở Bưu chính, Viễn thông và các cơ quan có thẩm quyền liên quan.
2. Thực hiện các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ
làm giảm thiệt hại, tác hại do hành vi vi phạm gây ra; cung cấp thông tin, tài
liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, tạo điều kiện cho cơ quan chức
năng xác minh đối tượng vi phạm.
3. Phối hợp giữa các doanh nghiệp với nhau và với
các đơn vị khác nhằm kịp thời cung cấp thông tin, tài liệu, thực hiện các biện
pháp nghiệp vụ, kỹ thuật nhằm kịp thời phát hiện thông báo cho các cơ quan chức
năng về hành vi vi phạm pháp luật.
4. Kịp thời cung cấp thông tin liên quan đến việc
giám định theo yêu cầu của cơ quan trưng cầu giám định; chịu trách nhiệm về số
liệu và tính chính xác của số liệu đã cung cấp.
5. Giáo dục ý thức chấp hành pháp luật trong cán
bộ công nhân viên và khách hàng sử dụng dịch vụ; triển khai các phương án bảo vệ,
kế hoạch đảm bảo an toàn mạng lưới bưu chính, viễn thông và an ninh thông tin.
Điều 10. Các đơn vị liên
quan khác
1. Sở Giáo dục và Đào tạo:
a) Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cho học
sinh, đội ngũ cán bộ giáo viên nâng cao ý thức khai thác, sử dụng thông tin
trên mạng internet một cách hiệu quả, lành mạnh;
b) Phối hợp với các cơ quan chức năng có biện
pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quy định về khai thác, sử dụng
thông tin trên internet của học sinh và cán bộ giáo viên.
2. Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải:
Khi cấp giấy phép xây dựng công trình, giấy phép
đào đường phải chú ý đến các công trình ngầm (viễn thông). Kịp thời trao đổi
thông tin về các công trình được cấp phép với cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh
vực bưu chính, viễn thông để có biện pháp đảm bảo an toàn nhằm tránh thiệt hại
xảy ra.
3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:
a) Thực hiện công tác quản lý Nhà nước tại địa
phương, chỉ đạo việc triển khai Quy chế này đến nhân dân trên địa bàn quản lý;
b) Chỉ đạo các cơ quan chức năng (Phòng Văn hóa
- Thông tin, Phòng Hạ tầng kinh tế, Công an, Quản lý thị trường…) và các xã,
phường, thị trấn thực hiện công tác quản lý Nhà nước tại địa phương; thường
xuyên kiểm tra, có biện pháp xử lý kịp thời đối với các cá nhân vi phạm;
c) Hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan
chức năng của tỉnh trong công tác kiểm tra, xử lý các đối tượng vi phạm tại địa
phương.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 11. Trong quá trình phối hợp thực hiện, nếu có phát sinh các vấn
đề vướng mắc, các tổ chức, đơn vị kịp thời phản ánh về Ủy ban nhân dân tỉnh
(thông qua Sở Bưu chính, Viễn thông) để xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.