ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 464/KH-UBND
|
Bắc Ninh, ngày 12 tháng 11 năm 2020
|
KẾ HOẠCH
CHUYỂN ĐỔI SỐ TỈNH BẮC NINH GIAI ĐOẠN 2021- 2025, ĐỊNH HƯỚNG
ĐẾN NĂM 2030
Thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg
ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc
gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, UBND tỉnh ban
hành Kế hoạch Chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến
năm 2030 như sau:
I. MỤC
TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Đến năm 2030, chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện
trên phạm vi toàn tỉnh, đưa Bắc Ninh trở thành một trong
10 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương có chỉ số cao nhất về Chính phủ số, kinh tế số của cả nước; hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích phục vụ tối đa nhu cầu
sản xuất, kinh doanh cũng như sinh hoạt cộng đồng của người dân.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Mục tiêu cơ bản đến năm 2025
a) Phát triển Chính quyền số, nâng
cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động.
- 80% dịch vụ
công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4, được cung cấp trên nhiều
phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động;
- 90% hồ sơ
công việc tại cấp tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc
tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi
bí mật nhà nước);
- 100% báo cáo định kỳ, báo
cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch
UBND tỉnh được thực hiện qua hệ thống báo cáo của tỉnh; kết
nối, chia sẻ dữ liệu giữa hệ thống báo cáo tỉnh Bắc Ninh với hệ thống thông tin
báo cáo Chính phủ;
- Kết nối, liên thông các cơ sở dữ
liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ số bao gồm các cơ sở dữ liệu quốc
gia về dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm, tư pháp… để cung cấp dịch vụ công kịp thời,
một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội;
- 50% hoạt động kiểm tra của cơ
quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông
tin của cơ quan quản lý;
- Bắc Ninh nằm trong nhóm 10
tỉnh, thành phố đứng đầu của cả nước về chỉ số phát triển Chính
quyền số.
b) Phát triển kinh tế số, nâng cao
năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
- Kinh tế số chiếm 20% GDP của tỉnh;
- Tỷ trọng kinh tế số trong từng
ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%;
- Năng suất
lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%;
c) Phát triển xã hội số, thu hẹp
khoảng cách số
- Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang
phủ trên 90% hộ gia đình, 100% xã;
- Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G
và điện thoại di động thông minh;
- Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh
toán điện tử đạt trên 50%;
- Phấn đấu đưa Bắc Ninh đạt
chỉ số an toàn thông tin mạng thuộc nhóm A.
2.2. Mục tiêu cơ bản đến năm 2030
a) Phát triển Chính phủ số, nâng
cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động
- 100% dịch vụ công trực tuyến mức
độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết
bị di động;
- 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh;
90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý
trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước);
- Hình thành các nền tảng dữ liệu
mở phục vụ các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước
và hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT), kết nối chia sẻ rộng khắp giữa
các cơ quan nhà nước;
- 70% hoạt động kiểm tra của cơ
quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông
tin của cơ quan quản lý;
- Phấn đấu đưa Bắc Ninh nằm trong
nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu của cả nước về kết quả xây dựng Chính quyền số.
b) Phát triển kinh tế số, nâng cao
năng lực cạnh tranh của nền kinh tế
- Kinh tế số chiếm tối thiểu 30%
GDP;
- Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực
đạt tối thiểu 20%;
- Năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8%;
c) Phát triển xã hội số, thu hẹp
khoảng cách số
- Phổ cập dịch vụ mạng Internet
băng rộng cáp quang;
- Phổ cập dịch vụ mạng di động 5G;
- Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh
toán điện tử trên 80%;
- Phấn đấu đưa Bắc Ninh đạt
chỉ số an toàn thông tin mạng thuộc nhóm A.
II. NHIỆM VỤ,
GIẢI PHÁP
1. Nhiệm vụ,
giải pháp tạo cơ sở chuyển đổi số
1.1. Chuyển đổi nhận thức:
- Tổ chức phổ biến, quán triệt chủ
trương của Đảng, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân
và doanh nghiệp về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số. Gắn các mục
tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số với Nghị quyết, chiến lược,
chương trình hành động, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm
quốc phòng, an ninh của các cấp, các ngành.
- Người đứng đầu chịu trách nhiệm
trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn mình phụ
trách. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cam kết đổi mới, cho phép
thử nghiệm cái mới, ứng dụng công nghệ mới vì mục tiêu phát triển bền vững,
liên kết các thành phần khác nhau theo mô hình kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy phát
triển công nghiệp sáng tạo trong ngành, lĩnh vực, địa phương mình phụ trách.
- Xây dựng chuyên mục tuyên truyền,
phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chia sẻ, phổ biến câu chuyện
thành công, tôn vinh gương thành công điển hình về chuyển đổi số.
- Mỗi huyện, thị xã, thành phố chủ
động lựa chọn một đơn vị cấp xã để triển khai thử nghiệm công tác truyền thông,
phổ biến các kỹ năng số cơ bản cho người dân, bao gồm các kỹ năng cơ bản như
truy cập và sử dụng Internet, thư điện tử, mua bán trực tuyến, thanh toán điện
tử, dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân.
1.2. Kiến tạo thể chế
- Cụ thể hóa và triển khai khung
pháp lý thử nghiệm có kiểm soát cho hoạt động phát triển, thử nghiệm và áp dụng
các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh số trên địa bàn tỉnh, quy
định rõ phạm vi không gian và thời gian thử nghiệm, để khuyến khích đổi mới,
sáng tạo.
- Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ
sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế chính sách để đáp ứng yêu
cầu điều chỉnh các mối quan hệ mới phát sinh trong tiến trình chuyển đổi số,
khuyến khích đổi mới, sáng tạo.
- Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ
sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế chính sách về doanh nghiệp,
khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ, thương mại, đầu tư, kinh doanh để tạo điều
kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm,
dịch vụ, mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ số, Internet và không gian mạng.
- Rà soát, đề xuất sửa đổi các văn bản pháp luật
dân sự, hình sự và các luật chuyên ngành theo hướng tăng nặng mức và hình phạt
cho các hành vi lừa đảo, gian lận khi giao dịch trên không gian mạng cũng như
các hành vi lợi dụng, khai thác trái phép thông tin riêng, cá nhân trên mạng để
người dùng an tâm khi thực hiện các giao dịch số.
1.3. Phát triển hạ tầng số
- Xây dựng, phát triển hạ tầng
băng rộng chất lượng cao trên địa bàn tỉnh; ưu tiên triển khai tại các khu công
nghiệp, cơ quan nhà nước, trường học, bệnh viện.
- Phát triển hạ tầng mạng di động
5G; nâng cấp mạng di động 4G; triển khai các giải pháp để phổ cập điện thoại di
động thông minh trên địa bàn tỉnh.
- Chuyển đổi toàn bộ mạng Internet
của tỉnh sang ứng dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (IPv6); mở rộng mạng
truyền số liệu chuyên dùng đến cấp xã.
- Phát triển hạ tầng kết nối mạng
Internet vạn vật (IoT); xây dựng lộ trình và triển khai tích hợp cảm biến và ứng
dụng công nghệ số vào các hạ tầng thiết yếu như giao thông, năng lượng, điện,
nước, đô thị để chuyển đổi thành một bộ phận cấu thành quan trọng của hạ tầng số.
Tất cả các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu, hạ tầng giao thông, đô thị,
xây dựng phải có nội dung nghiên cứu, phân tích để xem xét, bổ sung hạng mục ứng
dụng, kết nối mạng IoT, tích hợp cảm biến và ứng dụng công nghệ số. Các nội
dung phát triển hạ tầng IoT phải bảo đảm hiệu quả, phát triển các hạ tầng dùng
chung, tránh đầu tư trùng lặp.
1.4. Phát triển nền tảng số
- Triển khai hệ thống định danh và
xác thực điện tử quốc gia, nền tảng trao đổi định danh và xác thực điện tử trên
địa bàn tỉnh bảo đảm thiết thực, hiệu quả để phục vụ giao dịch điện tử giữa người
dân với cơ quan nhà nước và các giao dịch điện tử dân sự khác một cách dễ dàng,
đơn giản, tiện lợi.
- Phối hợp triển khai hệ thống
thanh toán điện tử cho phép doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ thanh toán
điện tử không thông qua tài khoản ngân hàng (Mobile Money) đối với người dân để
phổ cập, cung cấp khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán điện tử một cách rộng
rãi tới tất cả người dân;
- Xây dựng
danh sách các nền tảng số có khả năng triển khai dùng chung rộng khắp trong một
số lĩnh vực như thương mại điện tử, nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục, giao
thông, xây dựng, tài nguyên và môi trường, học trực tuyến, nội dung số, dịch vụ
kế toán, tài chính doanh nghiệp, đô thị, ngân hàng số.
1.5. Bảo đảm
an toàn, an ninh mạng
- Xây dựng và triển khai hệ thống
xác định, phát hiện thông tin vi phạm pháp luật trên không gian mạng và kịp thời
xử lý. Chỉ đạo các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp hạ tầng và nền tảng số trong
công tác bảo đảm an toàn thông tin; phát triển hệ thống nền tảng, hạ tầng, mạng
lưới gắn với bảo đảm an toàn, an ninh mạng.
- Xây dựng và triển khai hệ thống
giám sát, cảnh báo sớm nguy cơ, điều phối ứng cứu sự cố mất an toàn, an ninh mạng
cho các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh.
1.6. Hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và
đổi mới sáng tạo trong môi trường số
- Triển khai khu thử nghiệm cho doanh nghiệp
công nghệ theo mô hình tiên tiến của thế giới để tiên phong thử nghiệm công nghệ
mới nhất, mô hình mới nhất trên thế giới;
- Chủ động hợp tác quốc tế trong việc tham gia
quản lý các tài nguyên chung trong môi trường số và trên không gian mạng; tham
gia các tổ chức quốc tế và chủ trì, dẫn dắt triển khai một số sáng kiến về chuyển
đổi số.
2. Một số nhiệm
vụ, giải pháp phát triển Chính quyền số
- Phát triển hạ tầng chính quyền số
phục vụ cơ quan nhà nước trên cơ sở kết hợp thế mạnh của mạng truyền số liệu
chuyên dùng, Internet, trung tâm dữ liệu của cơ quan nhà nước để phục vụ kết nối
liên thông, xuyên suốt từ cấp tỉnh đến cấp xã, ưu tiên các sản phẩm, công nghệ
bảo đảm an toàn thông tin mạng.
- Tái cấu trúc hạ tầng công nghệ
thông tin của các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố,
chuyển đổi hạ tầng công nghệ thông tin thành hạ tầng số ứng dụng công nghệ điện
toán đám mây phục vụ kết nối, quản lý các nguồn lực, dữ liệu của cơ quan nhà nước
một cách an toàn, linh hoạt, ổn định và hiệu quả.
- Đẩy mạnh triển khai các chương
trình, kế hoạch, đề án, dự án số hoá, chuyển đổi số mọi quy trình nghiệp vụ của
cơ quan nhà nước. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia trên
địa bàn tỉnh, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước đối với
các ngành, lĩnh vực và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Từng bước hình thành các
hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu mở cấp tỉnh.
- Xây dựng Cổng dữ liệu của tỉnh, tích
hợp với Cổng dữ liệu quốc gia (data.gov.vn). Phát triển nền
tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung của tỉnh (LGSP) kết nối liên thông với
nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) nhằm kết nối, chia sẻ thông
tin, dữ liệu để khai thác, sử dụng.
- Phát triển, hoàn thiện hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh, kết nối với hệ
thống thông tin báo cáo của Chính phủ bảo đảm tích hợp, chia sẻ dữ liệu số phục
vụ sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp theo thời gian thực.
- Áp dụng công nghệ mới nhất về
truyền thông xã hội (Social), cung cấp thông tin và dịch vụ hành chính công một
cách đơn giản, thuận tiện trên di động (Mobile), phân tích dữ liệu lớn (Big
Data Analytics), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR) để
thực hiện chuyển đổi số toàn diện các mặt công tác chỉ đạo, điều hành của cơ
quan nhà nước và cung cấp trải nghiệm tốt nhất, thân thiện nhất cho người dùng.
- Phát triển, hoàn thiện Cổng dịch vụ công của tỉnh, kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia; đưa toàn
bộ các dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 3, mức độ 4. Thực
hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, số hóa kết quả giải quyết thủ
tục hành chính theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của
Chính phủ.
- Chuẩn hóa,
điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ trên môi trường mạng, biểu mẫu, chế
độ báo cáo; thực hiện số hóa hồ sơ, lưu trữ hồ sơ công việc điện tử của các cơ
quan nhà nước theo quy định.
- Thử nghiệm triển khai hiệu quả một
số dịch vụ trên nền tảng đô thị thông minh, thử nghiệm Trung tâm giám sát, điều
hành đô thị thông minh; lựa chọn đô thị điển hình của tỉnh để triển khai thử
nghiệm, gắn liền phát triển dịch vụ đô thị thông minh với hệ thống chính quyền
điện tử, từ đó phổ biến, nhân rộng.
- Xây dựng chương trình nâng cao
nhận thức, đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số cho cán bộ,
công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước.
3. Một số nhiệm
vụ, giải pháp phát triển kinh tế số
Thúc đẩy phát triển kinh tế số với
trọng tâm là phát triển doanh nghiệp công nghệ số, chuyển dịch từ lắp ráp, gia
công về công nghệ thông tin sang làm sản phẩm công nghệ số, công nghiệp 4.0,
phát triển nội dung số, công nghiệp sáng tạo, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ,
thương mại điện tử và sản xuất thông minh. Thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi hoạt
động sản xuất, kinh doanh và quản lý của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm
nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền
kinh tế của tỉnh.
- Phát triển doanh nghiệp công nghệ
số, bao gồm: Các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản
phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội; Các doanh nghiệp
khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo về công nghệ số.
- Thúc đẩy phát triển 3-5 doanh
nghiệp công nghệ số điển hình, từng bước hình thành hệ thống các doanh nghiệp
công nghệ số của tỉnh nhằm góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi hoạt động
sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.
- Phát triển sản
phẩm nội dung số, truyền thông số, quảng cáo số. Phát triển công nghiệp sáng tạo,
hệ sinh thái nội dung số trên địa bàn tỉnh đa dạng, hấp dẫn. Các cơ quan nhà nước
cùng tham gia phát triển công nghiệp sáng tạo.
- Xây dựng và
triển khai Kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ngành nghề
truyền thống, doanh nghiệp sản xuất chuyển đổi sang cung cấp sản phẩm, dịch vụ
trên các nền tảng số, sản xuất thông minh.
- Xây dựng
thị trường thương mại điện tử lành mạnh có tính cạnh tranh và phát triển bền vững,
trong đó hỗ trợ ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng
đồng.
- Tăng cường xây dựng các hệ thống
hạ tầng và dịch vụ nhằm hỗ trợ phát triển thương mại điện tử.
4. Một số nhiệm
vụ, giải pháp phát triển xã hội số
- Tham gia chương trình đào tạo, tập
huấn đội ngũ chuyên gia về chuyển đổi số do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.
Các chuyên gia này tiếp tục đào tạo lại cho cán bộ liên quan ở các cơ quan nhà
nước trên địa bàn tỉnh.
- Triển khai các chương trình đào
tạo, đào tạo lại kỹ năng lãnh đạo, quản lý chuyển đổi số cho người đứng đầu các
cơ quan, tổ chức, Giám đốc điều hành các doanh nghiệp.
- Tổ chức đào tạo, đào tạo lại,
đào tạo nâng cao kỹ năng số cho người lao động tại các doanh nghiệp trong khu
công nghiệp của tỉnh.
- Cung cấp các khóa học đại trà trực
tuyến mở (MOOCS) cho tất cả người dân nhằm nâng cao khả
năng tiếp cận giáo dục nhờ công nghệ số, đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao
kỹ năng số. Phổ cập việc thi trực tuyến; công nhận giá trị của các chứng chỉ học
trực tuyến; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập; phát triển
các doanh nghiệp công nghệ phục vụ giáo dục hướng tới đào tạo cá thể hóa.
5. Một số lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số
5.1. Chuyển đổi
số trong lĩnh vực y tế
- Phát triển nền
tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa để hỗ trợ người dân được khám, chữa bệnh từ
xa, giúp giảm tải các cơ sở y tế, hạn chế tiếp xúc đông người, giảm nguy cơ lây
nhiễm chéo; 100% các cơ sở y tế có bộ phận khám chữa bệnh từ xa; thúc đẩy chuyển
đổi số ngành y tế.
- Xây dựng và
từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên các công
nghệ số; ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh góp
phần cải cách hành chính, giảm tải bệnh viện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh,
sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán
viện phí, hình thành các bệnh viện thông minh; xây dựng nền tảng quản trị y tế
thông minh dựa trên công nghệ số, tích hợp thông tin, dữ liệu, hình thành cơ sở
dữ liệu quốc gia về y tế.
- Thử nghiệm
triển khai sáng kiến “Mỗi người dân có một bác sĩ riêng” với mục tiêu mỗi người
dân có một hồ sơ số về sức khỏe cá nhân, trên cơ sở đó được bác sĩ tư vấn, chăm
sóc cho từng người dân như là bác sĩ riêng, hình thành hệ thống chăm sóc y tế số
hoàn chỉnh từ khâu chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng đến điều trị.
- Hoàn thiện
hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho khám chữa bệnh từ xa và đơn thuốc điện tử
cho người dân, nhằm bảo đảm người dân có thể tiếp xúc bác sỹ nhanh, hiệu quả,
giảm chi phí và thời gian vận chuyển bệnh nhân.
5.2. Chuyển đổi
số trong lĩnh vực giáo dục
- Phát triển nền tảng
hỗ trợ dạy và học trực tuyến qua mạng, ứng dụng triệt để công nghệ số trong
công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình, xây dựng
và phát triển kho học liệu số, bài giảng e.Learning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm
trực tuyến, phần mềm thiết kế bài giảng điện tử, phần mềm mô phỏng, thí nghiệm ảo
và phần mềm dạy học; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập
theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.
- 100% các cơ sở giáo
dục triển khai công tác dạy và học trực tuyến qua mạng, ứng dụng công nghệ số để
giao bài tập về nhà và kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh trước khi đến lớp học.
5.3. Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng
Xây dựng tài
chính điện tử và thiết lập nền tảng tài chính số hiện đại, bền vững. Triển khai
ứng dụng toàn diện công nghệ số trong các ngành thuế, hải quan, kho bạc, chứng
khoán.
Chuyển đổi số
trong các ngân hàng thương mại để cung cấp dịch vụ ngân hàng số theo hướng phát
triển đa dạng các kênh phân phối, đổi mới sáng tạo, tự động hóa quy trình, thúc
đẩy hợp tác với các công ty công nghệ tài chính (fintech) và trung gian thanh
toán trong việc xây dựng hệ sinh thái dịch vụ tài chính ngân hàng để thúc đẩy
phổ cập tài chính quốc gia, đưa dịch vụ tài chính - ngân hàng đến gần hơn những
đối tượng vùng sâu, vùng xa chưa có khả năng tiếp cận hoặc chưa được ngân hàng
phục vụ dựa vào sự đổi mới sáng tạo của công nghệ như thanh toán di động, cho
vay ngang hàng.
Hỗ trợ khả
năng tiếp cận vốn vay nhờ các giải pháp chấm điểm tín dụng với kho dữ liệu
khách hàng và mô hình chấm điểm đáng tin cậy.
5.4. Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp
- Phát triển
nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông
nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.
- Tập trung
xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành như về đất đai, cây trồng, vật
nuôi, thủy sản. Xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt
đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp. Thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường,
thời tiết, chất lượng đất đai để người nông dân nâng cao năng suất và chất lượng
cây trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số.
- Ứng dụng
công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám
sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính
xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong
nông nghiệp.
- Thực hiện
chuyển đổi số trong công tác quản lý để có các chính sách, điều hành kịp thời
phát triển nông nghiệp như dự báo, cảnh báo thị trường, quản lý quy hoạch.
5.5. Chuyển đổi số
trong lĩnh vực giao thông vận tải và logistics
- Phát triển hệ
thống giao thông thông minh, tập trung vào các hệ thống giao thông đô thị, các
đường quốc lộ.
- Phát triển
các nền tảng kết nối giữa các chủ hàng, các nhà giao vận và khách hàng để phát
triển thành một hệ thống một cửa để cho phép chủ hàng có thể tìm ra phương tiện
tối ưu để vận chuyển hàng hóa và các kho bãi chính xác cũng như hỗ trợ việc
đóng gói và hỗ trợ đăng ký, hoàn thiện các quá trình xử lý các văn bản hành
chính liên quan.
- Chuyển đổi
việc quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện kinh doanh vận tải, quản
lý người điều khiển phương tiện, cho phép quản lý kết cấu hạ tầng giao thông số,
đăng ký và quản lý phương tiện qua hồ sơ số, cấp và quản lý giấy phép người điều
khiển phương tiện số.
5.6. Chuyển đổi số
trong lĩnh vực năng lượng
Chuyển đổi số trong
lĩnh vực năng lượng, trong đó ưu tiên tập trung cho ngành điện lực hướng đến tối
đa hóa và tự động hóa các mạng lưới cho việc cung ứng điện một cách hiệu quả.
Kết nối các đồng hồ đo
điện số để cải thiện tốc độ và sự chính xác của hóa đơn, xác định sự cố về mạng
lưới nhanh hơn, hỗ trợ người dùng cách tiết kiệm năng lượng và phát hiện ra các
tổn thất, mất mát điện năng.
5.7. Chuyển đổi số
trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường
- Triển khai các hệ thống thông
tin, cơ sở dữ liệu lớn (Cơ sở dữ liệu về: địa
chất khoáng sản; đất đai; môi trường; khí tượng thủy văn; đo đạc bản đồ; biến đổi
khí hậu; tài nguyên nước; viễn thám) nhằm quản lý hiệu quả
lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Triển khai các giải pháp thông minh trong
quan trắc, giám sát, quản lý, xử lý sự cố môi trường, cảnh báo sớm thiên tai.
5.8. Chuyển đổi số
trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp
Chuyển đổi số
trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp theo hướng chú trọng phát triển các trụ cột:
xây dựng chiến lược và cơ cấu tổ chức thông minh, xây dựng nhà máy thông minh,
vận hành thông minh, tạo ra các sản phẩm thông minh, xây dựng dịch vụ về dữ liệu
và phát triển kỹ năng số cho người lao động.
III. KINH PHÍ
1. Kinh phí thực
hiện Kế hoạch này bao gồm: Ngân sách nhà nước; nguồn đầu tư của doanh nghiệp,
khu vực tư nhân, cộng đồng và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Hàng năm, các Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng dự toán chuyển đổi số và lồng ghép vào Kế
hoạch ứng dụng CNTT của ngành, lĩnh vực gửi Sở Thông tin
và Truyền thông tổng hợp để trình cấp có thẩm quyền ban hành; UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ nhiệm vụ được
giao ưu tiên nguồn lực để thực hiện các hoạt động chuyển đổi số.
2. Ưu tiên
kinh phí từ ngân sách nhà nước để phục vụ các hoạt động hỗ trợ chuyển đổi nhận
thức, kiến tạo thể chế, phát triển hạ tầng số, phát triển nền tảng số, tạo lập
niềm tin, bảo đảm an toàn an ninh mạng, nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo
trong môi trường số và chuyển đổi kỹ năng trong môi trường số và các nhiệm vụ
thuộc Kế hoạch này do cơ quan nhà nước chủ trì thực hiện.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố
- Căn cứ vào nội dung nhiệm vụ, giải pháp, theo
chức năng nhiệm vụ, các cơ quan, đơn vị thực hiện cụ thể hóa thành nhiệm vụ
chuyển đổi số tại nội bộ cơ quan, đơn vị.
- Lập danh mục nhiệm vụ, dự
án chuyển đổi số cần ưu tiên triển khai
hàng năm trong giai đoạn 2021-2025 bổ
sung nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch ứng dụng CNTT hàng năm của cơ quan, đơn vị;
khuyến khích thực hiện các đề tài nghiên cứu, sáng kiến kinh nghiệm về chuyển đổi
số trong hoạt động của cơ quan nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp.
- Định kỳ hàng năm hoặc đột xuất gửi
báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp) tình hình, kết quả triển khai Kế hoạch này.
- Hướng dẫn các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trực
thuộc hoặc đang quản lý (nếu có) căn
cứ vào định hướng trong Kế hoạch này để chủ động xây dựng và thực hiện chuyển đổi
số nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh.
2. Sở Thông tin và Truyền
thông
- Chủ trì tổ chức thực hiện Kế hoạch
này, định kỳ hàng năm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện;
cho ý kiến về nội dung chuyên môn các đề án, dự án, nhiệm vụ triển khai Kế hoạch.
- Chỉ đạo tuyên truyền chuyển đổi nhận thức của xã hội
về chuyển đổi số thông qua các kênh truyền thông, chuyên trang, chuyên mục trên
các chương trình truyền thanh, truyền hình.
- Xây dựng chiến lược, chính sách
quản trị dữ liệu, kế hoạch phát triển dữ liệu, các cơ sở dữ liệu bảo đảm
khả năng kết nối, chia sẻ. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách thúc đẩy cạnh
tranh trong lĩnh vực viễn thông để phát triển hạ tầng số.
- Chỉ đạo các doanh nghiệp Viễn
thông, CNTT, các doanh nghiệp có đủ năng lực trên địa bàn tỉnh hỗ trợ các giải
pháp, dịch vụ CNTT cho thuê dành cho các sở, ngành, địa phương.
- Tổ chức thực hiện các giải pháp
bảo đảm nâng cao và duy trì thứ hạng đánh giá kết quả xây dựng Chính quyền điện
tử của tỉnh.
- Phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh thu hút nguồn lực và các nguồn hỗ
trợ từ Trung ương để thực hiện thành công Kế hoạch.
- Tổng hợp thông tin, số liệu,
tình hình triển khai Kế hoạch hàng năm của các sở, ban, ngành, địa phương. Định kỳ hàng năm hoặc đột xuất báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông và UBND tỉnh
về kết quả thực hiện; đề xuất điều chỉnh các nội dung khi
cần thiết.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Cân đối, bố trí vốn đầu tư phát
triển theo quy định của Luật Đầu tư công để thực hiện các dự án triển
khai Kế hoạch này.
4. Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin
và Truyền thông và các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí
thực hiện các nhiệm vụ để triển khai Kế hoạch.
5. Sở Y tế
- Chủ trì triển khai các nhiệm vụ,
giải pháp được nêu tại mục 5.1. phần II của Kế hoạch này
theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
- Kết nối và bảo đảm hoạt động hiệu
quả hệ thống thông tin quản lý khám chữa bệnh và thanh toán Bảo hiểm y tế qua mạng điện tử.
- Đưa vào ứng dụng đồng bộ có hiệu
quả hệ thống bệnh án điện tử.
6. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Chủ trì triển khai các nhiệm vụ,
giải pháp được nêu tại mục 5.2, phần II Kế hoạch này theo
chức năng, nhiệm vụ được giao.
- Thực hiện các giải pháp nâng cao
chỉ số thành phần nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực quản lý của ngành theo hướng dẫn
của Bộ Giáo dục và Đào tạo, công bố thông tin trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh,
của ngành.
- Tham mưu chuẩn bị các điều
kiện tham gia vào hệ thống thông tin quản lý giáo dục của toàn quốc.
- Đẩy mạnh xã hội hoá đào tạo các
cấp học trên mạng và ứng dụng CNTT trong dạy và học, hướng tới đào tạo
các công dân điện tử.
7. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh tỉnh
Bắc Ninh
Chủ trì triển khai các nhiệm vụ,
giải pháp được nêu tại mục 5.3. phần II của Kế hoạch này.
8. Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn
Chủ trì triển khai các nhiệm vụ,
giải pháp được nêu tại mục 5.4. phần II của Kế hoạch này
theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
9. Sở Giao thông Vận tải
Chủ trì triển khai các nhiệm vụ,
giải pháp được nêu tại mục 5.5. phần II của Kế hoạch này theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
10.
Sở Công thương
Chủ trì triển khai các nhiệm vụ, giải pháp được
nêu tại mục 5.6 và 5.8. phần II của Kế hoạch này theo chức năng, nhiệm vụ được
giao.
11. Sở Tài nguyên và Môi
trường
Chủ trì triển khai các nhiệm vụ,
giải pháp được nêu tại mục 5.7. phần II của Kế hoạch này theo
chức năng, nhiệm vụ được giao.
12.
Viện nghiên
cứu phát
triển Kinh tế - Xã hội tỉnh
Nghiên cứu xây dựng, lồng ghép tiêu chí đánh giá về chuyển đổi
số vào bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; xây dựng các chương trình đào tạo hỗ
trợ chuyển đổi số và phân tích kinh doanh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
13. Các doanh nghiệp Bưu
chính, Viễn thông
Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp
tạo nền móng chuyển đổi số, cung cấp hạ tầng phục vụ chuyển đổi số cho tổ
chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh;
Chủ động thực hiện chuyển đổi số
trong hoạt động của doanh nghiệp, phát triển hạ tầng số, nền tảng số, làm chủ
công nghệ lõi, đảm bảo an toàn, an ninh.
14. Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bắc
Ninh; Hội Điện tử tin học tỉnh Bắc Ninh
Tạo điều kiện thúc đẩy chuyển đổi
số trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý của doanh nghiệp trên địa
bàn tỉnh nhằm nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Tham gia góp ý, phản biện cho các chủ
trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số.
Trên đây là Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm
2030. Yêu cầu các Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố, các
cơ quan, đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện. Nếu có khó khăn, vướng
mắc, kịp thời phản ánh về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo
UBND tỉnh xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- TTTU, TTHĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Ngân hàng NN chi nhánh BN;
- Viện nghiên cứu KT-XH tỉnh;
- Các Doanh nghiệp BCVT;
- Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh;
- Hội Điện tử tin học tỉnh;
- VPUBND tỉnh: LĐVP, các bộ phận CV;
- Lưu: VT, VX.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Vương Quốc Tuấn
|