ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
10/CT-UBND
|
Đắk
Nông, ngày 12 tháng 8 năm 2020
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG CÁC CƠ QUAN NHÀ
NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG
Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ
thông tin (CNTT) trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã
được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm, triển khai thực hiện ngày
càng sâu rộng, góp phần hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách
hành chính, hiện đại hóa nền hành chính, tiết kiệm chi phí trong các cơ quan
nhà nước tỉnh.
Công tác xây dựng văn bản quy phạm
pháp luật, quản lý nhà nước lĩnh vực CNTT ngày càng hoàn thiện; công tác xây dựng
đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT, đào tạo bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước,
chuyên môn, nghiệp vụ cán bộ trong cơ quan nhà nước đã được quan tâm, năng lực
quản lý, kỹ năng áp dụng CNTT đã được nâng lên; hạ tầng kỹ thuật CNTT từng bước
đầu tư, bảo đảm cơ bản cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã có phương tiện để làm
việc, góp phần đổi mới phương thức, lề lối làm việc nâng cao năng suất, hiệu quả
công việc; việc triển khai các cơ sở dữ liệu dùng chung, cung cấp dịch vụ công
trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu chuyên ngành ngày
càng được quan tâm triển khai; công tác bảo đảm an ninh thông tin từng bước được
triển khai tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt
được, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước trên địa
bàn tỉnh vẫn còn những bất cập, hạn chế như: Nguồn nhân lực CNTT còn thiếu về số
lượng, trình độ chuyên môn, năng lực của cán bộ, công chức, viên chức làm công
tác tham mưu về ứng dụng CNTT, kỹ thuật tại các cơ quan, đơn vị chưa đồng đều,
cán bộ chuyên trách CNTT tại một số cơ quan, đơn vị, Phòng Văn hóa - Thông tin
các huyện, thành phố chưa được bố trí, tại các đơn vị sự nghiệp công lập số lượng
cán bộ CNTT còn ít; hạ tầng kỹ thuật CNTT trong cơ quan nhà nước còn hạn chế,
thiết bị mạng, thiết bị bảo mật, an toàn thông tin trong cơ quan nhà nước tỉnh
đầu tư đã lâu, chưa được đầu tư thay thế, nguy cơ bị tấn công mạng, mất an toàn
thông tin cao; Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh chưa được quan tâm đầu tư đảm bảo
để triển khai theo mô hình tập trung; kinh phí chi thường xuyên bố trí cho việc
duy trì, sửa chữa, nâng cấp thiết bị CNTT chưa bảo đảm; việc triển khai các ứng
dụng CNTT dùng chung, cơ sở dữ liệu chuyên ngành còn phân tán tại các Sở, ban,
ngành và các Doanh nghiệp CNTT (thuê dịch vụ CNTT), dẫn đến khó khăn chia sẻ,
tích hợp dữ liệu và bảo đảm an toàn thông tin mạng theo quy định; việc quản trị
dữ liệu chưa được quan tâm, cập nhật dữ liệu chưa thường xuyên, kịp thời; tỷ lệ
phát sinh hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh và tỷ lệ
cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 còn thấp, người dân chưa quan tâm sử
dụng; việc cung cấp thông tin trên môi trường mạng của nhiều cơ quan, đơn vị
chưa kịp thời, đầy đủ; triển khai các nhiệm vụ, dự án CNTT còn chậm tiến độ.
Để đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT
đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, hội nhập quốc tế, từng bước tiếp cận cuộc
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời, khắc phục những bất cập, hạn chế,
thách thức việc ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước tỉnh, góp phần nâng cao
năng lực quản lý, điều hành các cấp, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày
càng tốt hơn, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Thủ trưởng các Sở,
Ban, ngành, đơn vị thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố:
a) Tăng cường công tác quản lý nhà nước
về lĩnh vực CNTT, chỉ đạo triển khai đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong ngành, lĩnh vực,
địa phương và tổ chức, cơ quan; quản lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu, quản trị dữ liệu
trong cơ quan nhà nước.
b) Tiếp tục thực hiện tốt Chương
trình hành động số 35-CTr/TU ngày 23/4/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện
Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về đẩy mạnh ứng dụng, phát
triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế của tỉnh, thực
hiện có hiệu quả và đảm bảo về tiến độ thời gian được giao tại Quyết định số
952/QĐ-UBND ngày 26/6/2019 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện
Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/03/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải
pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến
năm 2025; Quyết định số 940/QĐ-UBND ngày 30/6/2020 của UBND tỉnh Đắk Nông về
ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/04/2020 của Chính phủ
và Chương trình số 57-CTr/TU ngày 08/04/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện
Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương,
chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Chương
trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030,...Thường
xuyên quán triệt, nâng cao nhận thức về an toàn, an ninh thông tin cho cán bộ,
đảng viên, công chức, viên chức.
c) Ưu tiên bố trí kinh phí chi thường
xuyên hàng năm, kết hợp với các chương trình, dự án liên quan đến CNTT, các nguồn
vốn khác để đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng CNTT, công nghệ hiện đại, bảo mật,
nâng cấp hệ thống mạng nội bộ, Đường truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan,
đơn vị, địa phương.
Rà soát thiết bị mạng, loại bỏ các
thiết bị không có tính năng bảo mật, hết khấu hao, mua sắm các thiết bị hiện đại,
có tính năng bảo mật, hỗ trợ IPv6 để triển khai cấu hình bảo mật nhiều lớp
(Thông tư số 03/2017/TT-BTTTT), kết nối mạng diện rộng của tỉnh (WAN) bảo đảm
quản lý tập trung, giám sát an toàn bảo mật thông tin theo quy định.
Đầu tư, nâng cấp máy tính để sử dụng
Hệ thống phần mềm quét mã độc tập trung của tỉnh triển khai. Tăng cường áp dụng
các biện pháp đảm bảo an toàn thông tin trong hoạt động ứng dụng CNTT của cơ quan
nhà nước trên địa bàn tỉnh. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy
ra mất an toàn thông tin tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
d) Nâng cao năng lực quản lý các dự
án, hạng mục liên quan đến CNTT chất lượng, hiệu quả, triển khai đúng quy định,
bảo đảm tiến độ. Đối với triển khai các cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu
chuyên ngành tuân thủ Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh, bảo đảm kết nối và
chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước tỉnh và các Bộ, ngành, Trung ương. Thường
xuyên cập nhật dữ liệu cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu chuyên ngành kịp
thời, đầy đủ, chất lượng, sử dụng dữ liệu số làm nền tảng xây dựng Chính quyền
điện tử, hướng đến Chính quyền số.
đ) Tăng cường cung cấp thông tin kịp
thời, đầy đủ, công khai, minh bạch, chính xác theo quy định tại Điều 28, Luật
Công nghệ thông tin và Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/06/2011 của Chính phủ
quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông
tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước để phục vụ người
dân và doanh nghiệp, góp phần nâng cao Chỉ số thành phần về minh bạch thông tin
và các Chỉ số đánh giá cấp tỉnh gồm PAPI, PCI, PAR index, ICT Index.
e) Triển khai thực hiện ứng dụng hiệu
quả các phần mềm dùng chung, hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh, phần mềm ứng
dụng quản lý chuyên ngành theo mục đích, yêu cầu sử dụng; khi triển khai các hệ
thống thông tin chuyên ngành phải đảm bảo tính đồng bộ, có khả năng tích hợp,
liên kết được với các hệ thống dùng chung đã xây dựng và tránh đầu tư trùng lắp
với các hệ thống của Bộ, ngành Trung ương.
ê) Triển khai đồng bộ, có hiệu quả ứng
dụng chữ ký số, chứng thư số chuyên dùng theo Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày
02/4/2019 của UBND tỉnh về việc tăng cường sử dụng Chữ ký số, Chứng thư số
chuyên dùng trong các cơ quan nhà nước tỉnh Đắk Nông, bảo đảm 100% văn bản gửi,
nhận văn bản điện tử 04 cấp trên Hệ thống quản lý văn bản điều hành của tỉnh phải
được ký số theo quy định trong cơ quan nhà nước và các cơ quan Đảng, Mặt trận,
đoàn thể của tỉnh. Chỉ đạo 100% công việc trên Hệ thống quản lý văn bản điều
hành được tạo lập hồ sơ công việc.
g) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền
thông trong việc chuyển đổi các hệ thống thông tin hiện có, nhất là các hệ thống
đang duy trì bằng ngân sách nhà nước từ hạ tầng công nghệ thông tin đang quản
lý (nếu có) về Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh do Sở Thông tin và truyền
thông đang quản lý. Đồng thời, phối hợp triển khai tích hợp các cơ sở dữ liệu
dùng chung của tỉnh, cơ sở dữ liệu chuyên ngành nền tảng tích hợp vào Nền tảng
chia sẻ tích hợp của tỉnh (LGSP).
h) Rà soát bố trí cán bộ chuyên trách
CNTT theo Quyết định số 02/2017/QĐ-UBND ngày 24/01/2017 của UBND tỉnh về quy chế
quản lý chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách
CNTT tại các cơ quan nhà nước tỉnh Đắk Nông, để thực hiện hiệu quả công tác quản
lý nhà nước về lĩnh vực CNTT.
2. Sở Thông tin và
Truyền thông:
a) Đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng
Chính quyền điện tử tỉnh Đắk Nông, thực hiện đúng quy định, kịp thời, hiệu quả.
Tham mưu nâng cấp, bổ sung hạ tầng kỹ thuật của Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh
bảo đảm đáp ứng sự sẵn sàng để triển khai các cơ sở dữ liệu dùng chung, các cơ
sở dữ liệu chuyên ngành theo mô hình tập trung ổn định, an toàn thông tin mạng
và tính dự phòng cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Đắk
Nông.
b) Phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu củng
cố, sắp xếp, ưu tiên bố trí biên chế xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức chuyên
trách CNTT và có kế hoạch đào tạo chuyên sâu cho lực lượng chuyên trách CNTT hiện
tại đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, Đô thị thông
minh.
c) Tham mưu xây dựng kế hoạch, xác định
lộ trình di chuyển các cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu chuyên ngành về
Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh. Có biện pháp và hướng dẫn việc thực hiện dùng
chung hạ tầng ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước tỉnh.
d) Tham mưu UBND tỉnh giải pháp bảo mật,
bảo đảm an toàn thông tin tổng thể trong cơ quan nhà nước tỉnh theo hướng dẫn của
Bộ Thông tin và Truyền thông. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn
vị liên quan triển khai, đôn đốc, kiểm tra, xử lý khắc phục sự cố, giám sát
công tác đảm bảo an toàn thông tin theo quy định của pháp luật.
đ) Theo dõi việc triển khai thực hiện
các đề án, dự án ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa
bàn tỉnh, đảm bảo không chồng chéo, phát huy hiệu quả, bảo đảm kết nối, chia sẻ
dữ liệu trong các cơ quan nhà nước tỉnh và Bộ, ngành, Trung ương.
e) Theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn
vị việc gửi, nhận văn bản điện tử và sử dụng hiệu quả các hệ thống ứng dụng
CNTT dùng chung của tỉnh.
ê) Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tham
mưu, báo cáo UBND tỉnh định kỳ 6 tháng (hoặc đột xuất) về tình hình thực hiện
Chỉ thị này.
3. Văn phòng UBND tỉnh:
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin
và Truyền thông tiếp tục triển khai mở rộng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và
mức độ 4 theo Quyết định số 1524/QĐ-UBND ngày 25/9/2018 của UBND tỉnh và theo lộ
trình của Chính phủ. Đồng thời, thực hiện công tác đào tạo, hướng dẫn, tuyên
truyền nhằm nâng cao tỷ lệ nộp và xử lý hồ sơ qua mạng.
b) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền
thông thực hiện việc ký số trên thiết bị di động và thực hiện gửi nhận văn bản
điện tử liên thông giữa các Sở, ngành với các cơ quan Đảng, các tổ chức chính
trị - xã hội tỉnh và các Bộ, ban, ngành ở Trung ương.
4. Sở Kế hoạch và Đầu
tư
Cân đối, bố trí vốn để thực hiện đầu
tư các dự án CNTT, Chính quyền điện tử, Đô thị thông minh theo kế hoạch trung hạn
được duyệt, xây dựng hạ tầng kỹ thuật CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước
tỉnh Đắk Nông tiếp cận cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư.
5. Sở Tài chính:
a) Ưu tiên bố trí nguồn đẩy mạnh ứng
dụng nghệ thông tin bằng nguồn vốn sự nghiệp triển khai các kế hoạch ứng dụng
CNTT trong cơ quan nhà nước tỉnh.
b) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền
thông tham mưu hướng dẫn các cơ quan nhà nước tỉnh kinh phí duy trì, sửa chữa,
nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, hệ thống CNTT, nâng cấp tốc độ Đường truyền số liệu
chuyên dùng trong cơ quan nhà nước và đường truyền Internet cáp quang tốc độ
cao.
6. Sở Nội vụ:
a) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền
thông bổ sung tiêu chí ứng dụng CNTT vào bộ tiêu chí đánh giá hàng năm (từ năm
2021).
b) Bồi dưỡng, cập nhập kiến thức cho
đội ngũ, lãnh đạo quản lý nâng cao kiến thức và năng lực quản lý điều hành liên
quan cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư theo hướng dẫn của các Bộ, ngành
liên quan.
c) Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin
và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ và các cơ quan, đơn vị có liên quan
xây dựng Đề án chính sách để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đào tạo, bồi
dưỡng sau đại học các ngành công nghệ lõi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
như: Khoa học dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo (AI), Mạng Internet vạn vật, Kỹ thuật
điều khiển và Tự động hóa, An toàn thông tin, Điện tử y sinh,... làm việc trong
cơ quan nhà nước cấp tỉnh.
7. Báo Đắk Nông, Đài
Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh phối hợp với các Sở,
Ban, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về
tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, Chính quyền điện tử trong cơ quan nhà
nước trên địa bàn tỉnh.
Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, đơn vị
thuộc tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân liên
quan có trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ
(b/c);
- Bộ Thông tin và Truyền thông (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- UBMTTQ Việt Nam tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban, ngành của tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- UBND các xã phường, thị trấn;
- Báo Đắk Nông, Đài PT- TH tỉnh;
- CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, TTĐT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Tôn Thị Ngọc Hạnh
|