BAN TỔ CHỨC-CÁN
BỘ CHÍNH PHỦ-BỘ Y TẾ
********
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
02/1998/TTLT-BYT-BTCCBCP
|
Hà Nội , ngày 27
tháng 6 năm 1998
|
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
CỦA BỘ Y TẾ - BAN TỔ CHỨC - CÁN BỘ CHÍNH PHỦ SỐ
02/1998/TTLT-BYT-BTCCBCP NGÀY 27 THÁNG 6 NĂM 1998 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH
SỐ 01/1998/NĐ-CP NGÀY 03/01/1998 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ HỆ THỐNG TỔ CHỨC Y TẾ
ĐỊA PHƯƠNG
Ngày 03 tháng 01 năm 1998 Chính
phủ ban hành Nghị định số 01/1998/NĐ-CP quy định về hệ thống tổ chức y tế địa
phương. Để thi hành Nghị định này, liên Bộ Y tế - Ban tổ chức - cán bộ Chính phủ
hướng dẫn thực hiện như sau:
A. CHỨC NĂNG,
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA SỞ Y TẾ:. CHỨC NĂNG CỦA SỞ Y TẾ:
Sở y tế là cơ quan chuyên môn
thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung
là tỉnh), giúp Uỷ ban nhân dân thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác
y tế trên địa bàn; quản lý và chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ đối với công tác
y tế; quản lý kinh phí và nhân lực y tế đối với hệ thống y tế trên địa bàn tỉnh
theo phân cấp của cơ quan có thẩm quyền.
Sở y tế chịu sự quản lý toàn diện
của Uỷ ban nhân dân tỉnh, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, kỹ
thuật, nghiệp vụ của Bộ Y tế.
II. NHIỆM VỤ,
QUYỀN HẠN CHỦ YẾU CỦA SỞ Y TẾ:
1. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch
phát triển sự nghiệp y tế của tỉnh; tổ chức và kiểm tra, giám sát việc thực hiện
sau khi quy hoạch, kế hoạch đó được phê duyệt;
2. Trình Uỷ ban nhân dân tỉnh
ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền những quy định về chuyên môn, kỹ thuật,
nghiệp vụ y tế căn cứ vào các quy định chung của Nhà nước và Bộ y tế; hướng dẫn,
kiểm tra việc thực hiện các quy định đó trên địa bàn toàn tỉnh;
3. Quản lý và tổ chức thực hiện
các nguồn kinh phí theo quy định của cơ quan tài chính Nhà nước;
4. Tổ chức thanh tra, kiểm tra
chuyên ngành y tế về vệ sinh, phòng chống dịch bệnh, khám bệnh phục hồi chức
năng, vệ sinh thực phẩm, mỹ phẩm, dược, trang thiết bị y tế, kiểm tra việc thực
hiện chính sách và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định hiện hành;
5. Quản lý tổ
chức, cán bộ, lao động, tiền lương, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ y tế theo
phân cấp của Uỷ ban nhân dân tỉnh và quy định của Nhà nước;
6. Quản lý và sử dụng có hiệu quả
những cơ sở vật chất, vật tư, tài sản được Uỷ ban nhân dân tỉnh và Nhà nước
giao theo đúng quy định hiện hành;
7. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực
hiện các quy định, quy chế, tiêu chuẩn, quy phạm, định mức kinh tế, kỹ thuật, đã
được Nhà nước, Bộ Y tế, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành về quản lý dược, thiết bị,
vật tư y tế;
8. Quản lý hành nghề y dược tư
nhân trên địa bàn tỉnh và thực hiện việc cấp, thu hồi giấy phép hành nghề y, dược
tư nhân theo quy định của pháp luật;
9. Chủ trì phối hợp với các
ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội trong tỉnh để làm công tác truyền thông
giáo dục sức khoẻ và tham gia vào các hoạt động chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân
dân.
10. Thực hiện những nhiệm vụ,
quyền hạn khác do Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ y tế giao;
III. TỔ CHỨC
THUỘC SỞ Y TẾ BAO GỒM:
1. Các tổ chức chuyên môn, kỹ
thuật trực thuộc Sở:
1.1. Trung tâm
y tế dự phòng: Thực hiện các mặt công tác vệ sinh, phòng chống dịch bệnh, vệ
sinh lao động, phòng chống sốt rét, bướu cổ, kiểm dịch y tế quốc tế, vệ sinh thực
phẩm, vệ sinh học đường...
Những tỉnh miền núi, Tây Nguyên
và những tỉnh hiện đang còn người bị bệnh sốt rét và bướu cổ có tỷ lệ trên 40%
dân số thì vẫn tiếp tục duy trì tổ chức Trung tâm phòng chống sốt rét và Trung
tâm phòng chống bướu cổ trong một thời gian nhất định.
Chỉ thành lập Trung tâm kiểm dịch
y tế quốc tế ở những tỉnh, thành phố có sân bay, hải cảng, cửa khẩu lớn, thường
xuyên giao lưu với quốc tế, có nhiều người và phương tiện vận tải chuyển qua lại.
Chỉ thành lập Trung tâm sức khoẻ
lao động và môi trường ở những thành phố trực thuộc Trung ương và những tỉnh có
khu công nghiệp lớn có số lượng đông công nhân; việc thành lập Trung tâm sức
khoẻ lao động và môi trường ở tỉnh phải được sự đồng ý của Bộ y tế và Ban tổ chức
- cán bộ Chính phủ.
1.2. Trung tâm bảo vệ sức khoẻ
bà mẹ trẻ em - kế hoạch hoá gia đình.
1.3. Trung tâm phòng chống bệnh
xã hội: bao gồm các bệnh như lao, phong, da liễu, tâm thần, mắt hột.
Những tỉnh đã lồng ghép các
chuyên khoa này vào các khoa trong bệnh viện đa khoa hoặc bệnh viện chuyên khoa
tỉnh để hoạt động thì không tổ chức thành Trung tâm phòng chống bệnh xã hội.
1.4. Trung tâm truyền thông giáo
dục sức khoẻ.
1.5. Trung tâm kiểm nghiệm dược
phẩm, mỹ phẩm: Bao gồm công tác kiểm nghiệm chất lượng dược phẩm, mỹ phẩm.
1.6. Bệnh viện đa khoa tỉnh: là
đơn vị khám bệnh, chữa bệnh cao nhất của tỉnh.
1.7. Bệnh viện đa khoa khu vực:
tuỳ theo nhu cầu, cấu trúc của từng cụm dân cư để tổ chức dần các bệnh viện đa
khoa khu vực, nhằm đưa các kỹ thuật, dịch vụ khám chữa bệnh đến sát dân, để mọi
người đều được chăm sóc tại bệnh viện gần nhất.
1.8. Bệnh viện y học cổ truyền tỉnh.
1.9. Các bệnh viện chuyên khoa
như: Lao, tâm thần, nhi, phụ sản, cán bộ, điều dưỡng và phục hồi chức năng, những
tỉnh đã thành lập, nếu công suất sử dụng giường bệnh thấp, không đủ điều kiện để
hoạt động thì giải thể và đưa vào các khoa trong bệnh viện đa khoa tỉnh để hoạt
động.
1.10. Trường trung học y tế: những
tỉnh đã có Trường cao đẳng hoặc trung học y tế của Trung ương đóng tại địa
phương thì không thành lập trường trung học y tế tỉnh.
Các đơn vị trên đây có tư cách
pháp nhân, có con dấu và được uỷ nhiệm mở tài khoản tại ngân hàng; việc tổ chức
các đơn vị khác với những quy định trên đây phải được sự đồng ý bằng văn bản của
Bộ Y tế và Ban tổ chức - cán bộ Chính phủ trước khi tỉnh ra quyết định.
1.11. Các Trung tâm y tế huyện
(được hướng dẫn tại phần IV của Thông tư này).
1.12. Tổ chức sản xuất, kinh
doanh dược và vật tư trang thiết bị y tế: Được tổ chức và thực hiện theo các
quy định của luật doanh nghiệp Nhà nước và hướng dẫn của ngành y tế.
1.13. Phòng giám định y khoa:
làm nhiệm vụ thường trực về công tác chuyên môn kỹ thuật y tế cho Hội đồng giám
định, bộ phận này được đặt tại bệnh viện đa khoa tỉnh, những tỉnh không có bệnh
viện đa khoa thì đặt tại Sở y tế.
1.14. Giám định y pháp tỉnh được
tổ chức theo quy định của Nhà nước và Bộ y tế.
1.15. Bảo vệ sức khoẻ cán bộ: Được
tổ chức theo quy định hiện hành, ngành y tế chịu trách nhiệm về công tác chuyên
môn, kỹ thuật.
1.16. Bảo hiểm y tế được tổ chức
theo quy định của Nhà nước và của Bộ Y tế.
2. Các phòng chức năng giúp việc
Giám đốc Sở y tế
- Phòng kế hoạch tổng hợp;
- Phòng nghiệp vụ y;
- Phòng quản lý dược;
- Phòng tài chính kế toán;
- Phòng tổ chức cán bộ;
- Thanh tra y tế;
- Phòng hành chính quản trị.
Các phòng trên đây là mô hình tổ
chức chung, các địa phương căn cứ vào đặc điểm, tình hình cụ thể có thể quyết định
thành lập các phòng với số lượng ít hơn. Trường hợp đặc biệt cần tổ chức thêm
phòng phải được sự đồng ý của Bộ Y tế và Ban tổ chức - cán bộ Chính phủ.
Sở y tế do Giám đốc lãnh đạo;
giúp việc Giám đốc có từ 02 - 03 Phó giám đốc; việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách
chức Giám đốc Sở y tế thực hiện theo đúng quy định tại Chương 2, Điều 8 điểm 5,
6 của Nghị định số 15/CP ngày 02/3/1993 của Chính phủ và Thông tư số
233/TCCP-TC ngày 15/4/1993 của Ban tổ chức - Cán bộ Chính phủ hướng dẫn thực hiện
Nghị định trên.
IV. CHỨC
NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦATRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN, QUẬN, THỊ
XÃ VÀ THÀNH PHỐ THUỘC TỈNH
1. Trung tâm y
tế huyện, quận, thị xã và thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Trung tâm y tế huyện)
là tổ chức thuộc Sở y tế, chịu sự quản lý, chỉ đạo và hướng dẫn, thanh tra, kiểm
tra của Giám đốc Sở y tế về chuyên môn, nghiệp vụ, kinh phí, nhân lực y tế; chịu
sự quản lý, chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh
(sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân huyện) trong việc xây dựng kế hoạch phát
triển y tế của huyện để trình cơ quan có thẩm quyền và chịu trách nhiệm tổ chức
thực hiện kế hoạch đó sau khi được phê duyệt.
Trung tâm y tế huyện được tổ chức
trên cơ sở hợp nhất của các tổ chức y tế hiện có của huyện (phòng y tế, đội vệ
sinh phòng dịch - chống sốt rét, đội BVSKBMTE - KHHGĐ, tổ phòng chống bệnh xã hội,
bệnh viện huyện, phân viện ở những huyện sáp nhập, nhà hộ sinh khu vực, phòng
khám đa khoa khu vực...).
Trung tâm y tế huyện được tổ chức
thành 02 cấp, có tư cách pháp nhân, chỉ có một con dấu, được Nhà nước cấp kinh
phí và được mở tài khoản tại Ngân hàng.
2. Trung tâm y tế huyện có những
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chủ yếu sau đây:
2.1. Theo sự chỉ đạo của Uỷ ban
nhân dân huyện xây dựng kế hoạch phát triển y tế hàng năm của huyện để trình cơ
quan có thẩm quyền và tổ chức triển khai thực hiện sau khi kế hoạch được phê
duyệt.
2.2. Thực hiện các nhiệm vụ về
khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, dự phòng, kết hợp y học hiện đại với y học
cổ truyền dân tộc, tiêm chủng, phòng chống dịch bệnh; phòng chống sốt rét, bướu
cổ, quản lý thai sản, bảo vệ sức khoẻ bà mẹ trẻ em và nhiệm vụ chuyên môn, kỹ
thuật về kế hoạch hoá gia đình; cung ứng thuốc, đặc biệt là thuốc thiết yếu cho
cộng đồng; chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn các hoạt động về chuyên môn, nghiệp vụ
của các đơn vị y tế công, nông, lâm trường, xí nghiệp, cơ quan, trường học...
đóng trên địa bàn nhằm làm tốt công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, đặc
biệt là nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu theo quy định của Sở y tế;
2.3. Quản lý tổ chức, cán bộ,
kinh phí, dược, vật tư trang thiết bị y tế tuyến huyện và tuyến y tế cơ sở;
2.4. Giúp Uỷ
ban nhân dân huyện thực hiện kiểm tra việc chấp hành luật pháp trong hoạt động
y tế Nhà nước và các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn theo các quy
định của Nhà nước và sự phân cấp của tỉnh;
2.5. Xây dựng, củng cố mạng lưới
y tế từ huyện đến xã, phường, thị trấn, thôn, ấp, làng, bản... và hướng dẫn, kiểm
tra các mặt hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ đối với các Trạm y tế cơ sở;
2.6. Xây dựng và có kế hoạch bồi
dưỡng đội ngũ cán bộ y tế, đảm bảo cơ cấu hợp lý; thực hiện đúng các chế độ
chính sách đối với đội ngũ cán bộ y tế trong huyện;
2.7. Tổng kết việc ứng dụng những
tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công tác khám chữa bệnh, dự phòng và phong trào
y tế cơ sở để phổ biến, áp dụng;
2.8. Chủ trì
phối hợp với các ngành, đoàn thể, quần chúng trong huyện để làm công tác truyền
thông giáo dục sức khoẻ và tham gia vào các hoạt động chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ
nhân dân.
2.9. Thực hiện những nhiệm vụ,
quyền hạn khác do Uỷ ban nhân dân huyện và Sở y tế giao.
3. Tổ chức cấu thành của Trung
tâm y tế huyện bao gồm:
3.1. Các đơn vị chuyên môn kỹ
thuật:
3.1.1. Đội y tế dự phòng: Thực
hiện công tác vệ sinh, phòng chống dịch bệnh, phòng chống sốt rét, bướu cổ và
các bệnh xã hội...;
3.1.2. Đội bảo vệ sức khoẻ bà mẹ
trẻ em - kế hoạch hoá gia đình;
3.1.3. Đội y tế lưu động: áp dụng
cho các huyện vùng cao, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, tuỳ theo nhu cầu
của mỗi huyện mà thành lập từ 01 - 02 đội, để hỗ trợ cho y tế cơ sở khi chưa đủ
sức hoạt động.
3.1.4. Bệnh viện huyện - các khoa
lâm sàng và cận lâm sàng; tuỳ theo nhu cầu, tình hình thực tế, số giường được
phân bổ cho từng huyện mà tổ chức các khoa như: Phòng khám đa khoa trung tâm,
ngoại-sản, nội-y học cổ truyền dân tộc, nhi-hồi sức cấp cứu, lây, cận lâm sàng
(xét nghiệm, siêu âm, X quang, dược vật tư y tế...); Ban lãnh đạo Trung tâm y tế
phân công một người trong ban lãnh đạo phụ trách công tác điều trị của Trung
tâm.
Những huyện, quận, thị xã, thành
phố thuộc tỉnh có cơ sở điều trị của Trung ương và tỉnh đóng trên địa bàn, thuận
lợi về giao thông đi lại thì chỉ tổ chức phòng khám đa khoa trung tâm (ở các quận,
thị xã, thành phố thuộc tỉnh có thể thành lập nhà hộ sinh khu vực) để làm nhiệm
vụ sơ cứu bệnh nhân trước khi chuyển lên tuyến trên, đỡ đẻ, khám chữa bệnh
thông thường.
3.1.5. Phòng khám bệnh đa khoa
khu vực được tổ chức ở những huyện trước đây sáp nhập, các huyện vùng cao, vùng
sâu, vùng xa.
3.1.6. Tổ chức Trạm y tế cơ sở
(được hướng dẫn tại phần V của Thông tư này).
3.2. Các phòng chức năng giúp việc
Giám đốc Trung tâm y tế huyện bao gồm:
- Phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ;
- Phòng Tài vụ;
- Phòng Tổ chức hành chính quản
trị.
Trung tâm y tế huyện do Giám đốc
lãnh đạo; giúp việc Giám đốc có từ 02 - 03 Phó giám đốc.
Giám đốc, Phó giám đốc Trung tâm
y tế huyện do Giám đốc Sở y tế bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi có sự
thoả thuận bằng văn bản của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện.
V. TRẠM Y TẾ
XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN.
1. Tổ chức y tế cơ sở trên địa
bàn xã, phường, thị trấn (gọi chung là trạm y tế cơ sở) là đơn vị kỹ thuật y tế
đầu tiên tiếp xúc với nhân dân, nằm trong hệ thống y tế Nhà nước, có nhiệm vụ
thực hiện các dịch vụ kỹ thuật chăm sóc sức khoẻ ban đầu, phát hiện dịch sớm và
phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khoẻ ban đầu và đỡ đẻ thông thường, cung ứng
thuốc thiết yếu, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp kế hoạch hoá gia
đình, tăng cường sức khoẻ.
Trạm y tế cơ sở có trách nhiệm
giúp Giám đốc Trung tâm y tế huyện và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị
trấn (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân xã) thực hiện các nhiệm vụ được giao
về công tác y tế trên địa bàn.
2. Trạm y tế cơ sở chịu sự quản
lý, chỉ đạo và hướng dẫn của Giám đốc Trung tâm y tế huyện về chuyên môn, nghiệp
vụ, kinh phí và nhân lực y tế; chịu sự quản lý, chỉ đạo của Chủ tịch Uỷ ban
nhân dân xã trong việc xây dựng kế hoạch phát triển y tế để trình cơ quan có thẩm
quyền và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện kế hoạch đó sau khi đã được phê duyệt;
phối hợp với các ngành, đoàn thể trong xã tham gia vào hoạt động chăm sóc và bảo
vệ sức khoẻ nhân dân.
3. Kinh phí hoạt động và xây dựng
cơ sở vật chất hạ tầng đối với Trạm y tế cơ sở được huy động từ các nguồn ngân
sách của Trung ương, địa phương, viện trợ, từ thiện, cộng đồng... các nguồn
thu, chi này được quản lý theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.
4. Chức năng, nhiệm vụ và chế độ
chính sách cụ thể của Trạm y tế cơ sở tiếp tục thực hiện theo Quyết định số
58/TTg ngày 03/02/1994 và Quyết định số 131/TTg ngày 04/3/1995 của Thủ tướng
Chính phủ và Thông tư số 08/TT-LB .
5. Trưởng trạm, Phó trưởng trạm
y tế cơ sở do Giám đốc Trung tâm y tế huyện bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau
khi có sự thoả thuận bằng văn bản của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã.
B. QUẢN LÝ
BIÊN CHẾ:
Biên chế của Sở y tế và Trung
tâm y tế huyện do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định căn cứ vào nhiệm vụ
của ngành, các định mức của Nhà nước và tình hình thực tế của tỉnh trong phạm
vi tổng biên chế hành chính sự nghiệp Nhà nước phân bổ cho tỉnh. Trên cơ sở đó,
Giám đốc Sở y tế cân đối và phân bổ cho các tổ chức thuộc Sở và các Trung tâm y
tế huyện.
C. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN:
1. Về chức năng, nhiệm vụ và các
tổ chức cấu thành cụ thể cho từng đơn vị chuyên môn, kỹ thuật thuộc hệ dự
phòng, hệ khám, chữa bệnh..... do Bộ y tế hướng dẫn.
2. Giám đốc Sở y tế và Trưởng
Ban tổ chức chính quyền tỉnh giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Thông
tư này.
3. Thông tư này có hiệu lực sau
15 ngày kể từ ngày ký, các văn bản về hệ thống tổ chức y tế địa phương trước
đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.
4. Trong quá trình thực hiện nếu
có gì khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ảnh về liên Bộ để nghiên cứu, giải quyết.
Đỗ
Nguyên Phương
(Đã
ký)
|
Đỗ
Quang Trung
(Đã
ký)
|