Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 125/TB-VPCP Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
Ngày ban hành: 14/08/2006 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ

******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

*******

Số: 125/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 14 tháng 8 năm 2006

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI HỘI NGHỊ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG TÂY NGUYÊN

Ngày 16 và 17 tháng 7 năm 2006, tại thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng Vùng Tây Nguyên, nhằm đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 10-NQ-TW ngày 18 tháng 01 năm 2002 của Bộ Chính trị, Quyết định số 168/2001/QĐ-TTg ngày 30 tháng 10 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về định hướng dài hạn, kế hoạch 5 năm 2001 – 2005 và những giải pháp cơ bản phát triển kinh tế - xã hội Vùng Tây Nguyên, Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn. Đồng thời, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội X của Đảng đối với 5 tỉnh Tây Nguyên, trước hết là góp ý kiến hoàn chỉnh dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt định hướng kế hoạch 5 năm 2006 – 2010 và các giải pháp cơ bản phát triển kinh tế - xã hội Vùng Tây Nguyên, Vùng có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh.

Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các cơ quan: Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Trung ương, Ban Khoa giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Kinh tế và Ngân sách, Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội; lãnh đạo các Bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Công nghiệp, Giao thông vận tải, Thương mại, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Bưu chính, Viễn thông, Quốc phòng, Công an, Lao động – Thương binh và Xã hội, Văn hóa – Thông tin, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Dân tộc; các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Giám đốc một số Sở, ngành các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng; lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ, Tổng cục Du lịch, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Bộ Tư lệnh Quân khu V, các Binh đoàn 15, 16 Tổng công ty Cao su.

Sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Quyết định số 168/2001/QĐ-TTg ngày 30 tháng 10 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2001-2005; định hướng kế hoạch, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội Vùng Tây Nguyên thời kỳ 2006-2010 và Báo cáo của các Bộ, cơ quan: Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công nghiệp, Lao động – Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Y tế, Văn hóa – Thông tin, Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc, Ban Tôn giáo Chính phủ; ý kiến của Lãnh đạo các địa phương và Lãnh đạo các Bộ, cơ quan Trung ương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH:

1. Thành tựu, kết quả:

Trong 5 năm qua, bằng sự nỗ lực phấn đấu rất cao, rất quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Tây Nguyên và sự hỗ trợ, giúp đỡ tích cực của các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh Tây Nguyên đã nghiêm túc quán triệt Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng, Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị, triển khai có hiệu quả các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ mà trọng tâm là Quyết định số 168 về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng… tạo tiền đề ổn định và phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên. Trong bối cảnh, 5 năm đã xảy ra 2 lần biểu tình bạo loạn và nhiều dịch bệnh, thiên tai, các tỉnh Tây Nguyên đã nỗ lực, vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu quyết liệt, kết quả kinh tế đạt mức tăng trưởng khá cao (GDP đạt 10,6%, cao hơn mức bình quân chung cả nước là 7,5%), mức thu nhập bình quân đầu người tăng 1,6 lần, tỷ trọng ngành nông nghiệp sau 5 năm còn 48%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 40.775 tỷ đồng, vốn ngân sách đạt 18.000 tỷ đồng (kế hoạch 12.000 tỷ đồng), tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí cũ còn 8,77% (kế hoạch 13%), 96% xã có điện sử dụng (kế hoạch 90%), 99,2% số xã có đường đến trung tâm xã, xuất khẩu đạt 520 triệu USD, tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 56%, tỷ lệ hộ được nghe đài đạt 96%, tỷ lệ hộ được xem truyền hình đạt 87%,… Đó là những kết quả quan trọng thể hiện sự nỗ lực to lớn của các tỉnh Tây Nguyên cần tuyên truyền sâu rộng đến Đảng bộ, chính quyền các cấp và nhân dân các dân tộc trong Vùng để cùng thấy rõ được những thành tựu đã đạt được, tiếp tục cùng nhau chung sức, chung lòng xây dựng Tây Nguyên phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

2. Nhược điểm, yếu kém:

Bên cạnh những kết quả và thành tựu của các tỉnh Tây Nguyên, vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém đòi hỏi phải ra sức phấn đấu khắc phục trong thời gian tới; cụ thể là:

- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của từng tỉnh và toàn Vùng, chưa tạo nên thế mạnh thực sự cho Vùng. Tỷ trọng nông nghiệp còn cao; tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; cơ chế chính sách, môi trường thu hút đầu tư cả trong nước và nước ngoài còn kém hấp dẫn; công tác phát triển doanh nghiệp còn chậm; thu nhập bình quân đầu người tăng 1,6 lần, nhưng vẫn mới bằng khoản 52% so với thu nhập bình quân chung của cả nước; tỷ lệ hộ nghèo so với tiêu chí mới còn 28% (58% hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số). Nhìn chung, Tây Nguyên vẫn là Vùng nghèo; khoảng cách chênh lệch giàu – nghèo có chiều hướng gia tăng; trong đầu tư phát triển còn chưa chú trọng việc bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên; một số chính sách xã hội về văn hóa – thông tin thực hiện chưa có hiệu quả; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt là thủy lợi đang là lĩnh vực còn nhiều bất cập; an ninh, quốc phòng còn tiềm ẩn một số nhân tố mất ổn định. Hệ thống chính trị cơ sở thôn, buôn, xã; nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở còn yếu kém, chưa đủ sức chủ động đấu tranh ngăn chặn các hoạt động phá hoại, tuyên truyền phản động của bọn Fulrô ở các buôn, làng trọng điểm.

II. ĐỊNH HƯỚNG, GIẢI PHÁP:

Cơ bản nhất trí với kiến nghị, đề xuất nêu tại các Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và ý kiến các đại biểu. Trong đó, cần chú trọng định hướng và các biện pháp, giải pháp sau đây:

1. Định hướng:

Một là, tập trung nguồn lực và với các giải pháp thiết thực, cụ thể để đưa kinh tế phát triển nhanh hơn nữa trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của Tây Nguyên, trước hết là về con người, về tài nguyên đất, kinh tế rừng và các nguồn tài nguyên khác, như thủy điện, khoáng sản (bôxít).

Hai là, phát triển kinh tế nhanh nhưng phải bảo đảm sự bền vững, trước hết phải gắn kết chặt chẽ với bảo vệ môi trường sinh thái, giải quyết các vấn đề xã hội, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo, thực hiện công bằng xã hội.

Ba là, phát triển kinh tế phải góp phần củng cố khối đoàn kết dân tộc, tăng cường năng lực của hệ thống chính trị cơ sở, bảo đảm yêu cầu quốc phòng an ninh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

2. Giải pháp:

a) Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X, Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ của từng tỉnh, các Bộ, ngành và địa phương cần cập nhật tình hình, rà soát, điều chỉnh các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010 của ngành, địa phương mình cho phù hợp, sát đúng. Tiếp theo đó, căn cứ các chỉ tiêu, mục tiêu kế hoạch đã được chỉnh sửa để rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch sản phẩm chủ yếu của Vùng và từng tỉnh thuộc Tây Nguyên. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch ngành để bố trí kế hoạch đầu tư trong từng giai đoạn cụ thể.

b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng Tây Nguyên; xây dựng kế hoạch 5 năm 2006 – 2010; hỗ trợ giúp đỡ các tỉnh rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của từng tỉnh, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Việc chỉnh sửa lại kế hoạch, quy hoạch cần được thực hiện khẩn trương cố gắng hoàn thành trong tháng 9 năm 2006.

c) Về đầu tư và huy động các nguồn lực:

- Ngân sách Nhà nước ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng (hoàn thiện các công trình đang làm; bảo dưỡng, duy tu, sửa chữa kết cấu hạ tầng đã xây dựng; xây dựng những công trình mới theo đúng quy hoạch); đặc biệt là phát triển thủy lợi, trong đó có thủy lợi nhỏ. Cần đầu tư tập trung, theo đúng tiến độ và đồng bộ để nhanh chóng phát huy hiệu quả công trình như các hồ chứa, hệ thống tưới, tiêu.

- Căn cứ vào kế hoạch, quy hoạch phát triển đã được phê duyệt, có các biện pháp, giải pháp thiết thực, cụ thể để khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển tại Tây Nguyên, nhất là phát triển nông nghiệp, các cây công nghiệp như cao su, cà phê, chè…; những vùng đất kiệt, khó khăn về thủy lợi cần tận dụng, khai thác để trồng cây nguyên liệu giấy, cây cao su. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập và phát triển doanh nghiệp của địa phương. Doanh nghiệp phát triển sẽ thu hút lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần ổn định xã hội.

- Giao Tổng công ty Cao su chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc cụ thể với từng tỉnh để trong 5 năm tới phát triển được khoảng từ 90 – 100 ngàn ha cao su tại Tây Nguyên. Về quỹ đất, quy hoạch  chuyển diện tích đất từ dự án trồng cây nguyên liệu kém hiệu quả, diện tích đất giảm từ trồng cây cà phê và giao một số lâm trường có đất rừng nghèo kiệt để trồng cây cao su. Phấn đấu đến năm 2010 diện tích cao su cả nước đạt 700 ngàn ha.

d) Về bảo vệ và phát triển rừng.

- Thực hiện Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về  việc rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng (rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất); yêu cầu các tỉnh rà soát lại diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất theo quy hoạch. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, thống nhất với các địa phương tính toán, điều chỉnh định mức hợp lý để giao cho dân giữ rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trồng rừng kinh tế theo 2 hướng: một là, trồng cây công nghiệp lâu năm; hai là, trồng rừng nguyên liệu gỗ để tăng độ che phủ, tạo cho đồng bào sống bằng nghề rừng có việc làm, tăng thu nhập. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các tỉnh đánh giá lại độ che phủ và việc triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Chính phủ trong năm 2006.

- Để bảo vệ rừng có hiệu quả cần phải bố trí sắp xếp lại lực lượng Kiểm lâm theo hướng Kiểm lâm phải dựa vào cấp ủy, chính quyền địa phương để thực hiện bảo vệ rừng. Kiểm lâm không chỉ bám đường lộ, bám huyện, tỉnh mà phải bám cơ sở, bám rừng, phối hợp chặt chẽ và huy động các đoàn thể chính trị, xã hội và nhân dân tham gia bảo vệ rừng.

- Kết hợp giao rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cho các hộ gia đình và cộng đồng; thực hiện tốt các quy định về hỗ trợ tiền để chăm sóc rừng, làm nhà ở và khai hoang; hỗ trợ người nghèo về lương thực để đồng bào từng bước vươn lên thoát nghèo và giữ được rừng.

đ) Tập trung thúc đẩy phát triển sản xuất của đồng bào dân tộc tại chỗ: Đảng bộ, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên phải xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của mình. Các tỉnh cần khẩn trương, nghiêm túc thực hiện Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc khó khăn. Thực hiện ngay việc giao đất ở những nơi có điều kiện sản xuất, đồng thời với việc giúp vốn, giống, kỹ thuật để đồng bào phát triển nông, lâm nghiệp và chăn nuôi. Giao đất là giải pháp tiên quyết trong sản xuất nông nghiệp, về lâu dài là phải đào tạo nghề, thu hút nguồn nhân lực vào các doanh nghiệp như cao su, cà phê…, để tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Đồng thời, khuyến khích phát triển chăn nuôi đại gia súc nhằm chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp, tăng thêm nguồn thu nhập của đồng bào.

- Phải có cơ chế, chính sách giải quyết tốt các vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, nhất là trong đồng bào dân tộc tại chỗ. Phát huy được bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc, tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến cán bộ, đồng bào; từng bước phát huy di sản văn hóa phi vật thể Kồng chiêng Tây Nguyên.

- Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào đào tạo, dạy nghề, góp phần vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại Tây Nguyên; đồng thời, phải có cơ chế, chính sách về đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực địa phương. Tiếp tục thực hiện việc đào tạo con em đồng bào dân tộc tại chỗ, từ học văn hóa, đào tạo đại học, cao đẳng hoặc dạy nghề để đồng bào dân tộc Tây Nguyên làm giàu trên mảnh đất của mình. Đây là cách làm có tính chiến lược và mang lại hiệu quả bền vững. Đồng thời, mở rộng dạy nghề và hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật tại buôn, làng… để người lao động vận dụng các kiến thức kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất và đời sống. Cơ chế, chính sách khuyến khích công tác đào tạo, sử dụng lao động cần phải thiết thực, cụ thể như bằng lãi suất vay ưu đãi, giá thuê đất, thời hạn thuế đất, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp… nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo, sử dụng thanh niên dân tộc tại chỗ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh.

e) Về công tác dân tộc, tôn giáo:

- Ủy ban nhân dân các tỉnh Tây Nguyên phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Binh đoàn 15, 16 tập trung chỉ đạo giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện giữa đồng bào dân tộc tại chỗ với đồng bào Kinh, với các nông, lâm trường… không để các vụ việc kéo dài hoặc trở thành xung đột.

- Thực hiện công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động tôn giáo theo đúng Pháp lệnh Tôn giáo và Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg ngày 04 tháng 02 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về một số công tác đối với đạo Tin lành. Thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo góp phần củng cố khối đoàn kết toàn dân, tạo sức mạnh thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, ổn định an ninh chính trị.

g) Về hệ thống chính trị: Đảng bộ, chính quyền các địa phương Vùng Tây Nguyên tập trung xây dựng chính quyền cơ sở xã và buôn, làng theo hướng tự quản, phát huy vai trò Già làng, Trưởng bàn. Phải coi nhiệm vụ xây dựng hệ thống chính trị là nhân tố quyết định trong việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của Vùng Tây Nguyên.

III. NHIỆM VỤ CÁC BỘ, NGÀNH VÀ ĐỊA PHƯƠNG:

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành và địa phương, hoàn chỉnh dự thảo Quyết định của Thủ tướng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 8 năm 2006.

2. Các Bộ, ngành hoàn chỉnh kế hoạch ngắn hạn; kế hoạch dài hạn về phát triển ngành ở các tỉnh và Vùng Tây nguyên giai đoạn 2006-2010, trình Thủ tướng Chính phủ trong Quý III năm 2006.

3. Ủy ban nhân dân các tỉnh cần tập trung chỉ đạo, vận dụng một cách linh hoạt các cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy để kinh tế Vùng Tây Nguyên đạt tốc độ tăng trưởng từ 11-12%. Đồng thời, phải tập trung chỉ đạo và bằng mọi biện pháp không để xảy ra tình trạng bạo loạn trong thời gian tới. Phấn đấu cao nhất để 5 năm tới Tây Nguyên có bước tiến cơ bản về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, giải quyết tốt đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành và địa phương liên quan biết, thực hiện./.

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên;
- Văn phòng Trung ương;
- Ban Kinh tế Trung ương;
- Ban Khoa giáo Trung ương;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội;
- Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội;
- Hội đồng Dân tộc của Quốc hội;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Tỉnh uỷ, HĐND, UBND các tỉnh Vùng Tây Nguyên;
- Bộ Tư lệnh Quân khu V, các Binh đoàn 15, 16;
- Tổng công ty Cao su;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ngân hành Chính sách xã hội;
- VPCP: BTCN, các PCN,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc;
- Lưu: VT, ĐP.

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Xuân Phúc

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông báo số 125/TB-VPCP ngày 14/08/2006 về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị phát triển kinh tế - xã hội Vùng Tây Nguyên do Văn phòng Chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


5.449

DMCA.com Protection Status
IP: 3.14.135.82
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!