BỘ THÔNG
TIN VÀ
TRUYỀN
THÔNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 578/QĐ-BTTTT
|
Hà Nội,
ngày 30 tháng 3
năm 2022
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH KHUNG TIÊU CHÍ, THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG VÀ QUY TRÌNH XÁC ĐỊNH THÍ ĐIỂM NỀN TẢNG
SỐ PHỤC VỤ NGƯỜI DÂN NĂM 2022
BỘ TRƯỞNG BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN
THÔNG
Căn cứ Nghị định số 17/2017/NĐ-CP ngày
17/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;
Căn cứ Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày
03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia
đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Quản lý
doanh nghiệp.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Khung tiêu chí xác định thí
điểm nền tảng số Việt Nam có khả năng triển khai rộng khắp phục vụ người dân (gọi
tắt là nền tảng số phục vụ người dân) năm 2022, gồm các nhóm tiêu chí chính
sau:
1. Tiêu chí về tư cách pháp nhân và
năng lực của tổ chức, doanh nghiệp.
2. Tiêu chí về chức năng và tính năng
của nền tảng số.
3. Tiêu chí về an toàn, an ninh mạng.
4. Tiêu chí đặc thù khác (theo từng
tình huống, nền tảng cụ thể).
Chi tiết Khung tiêu chí tại phụ lục kèm
theo.
Điều 2. Thành lập Hội đồng đánh giá xác định thí điểm nền tảng số phục
vụ người dân năm 2022, (sau đây gọi tắt là Hội đồng đánh giá hoặc Hội đồng):
1. Hội đồng gồm các thành viên sau:
a) Chủ tịch Hội đồng: Viện trưởng Viện
Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam;
b) Các Ủy viên Hội đồng, gồm:
- Cục trưởng Cục Tin học hóa;
- Cục trưởng Cục An toàn thông tin;
- Đại diện Lãnh đạo Vụ Pháp chế;
- Đại diện Lãnh đạo Viện Công nghiệp
phần mềm và nội dung số Việt Nam;
- Đại diện Vụ Quản lý doanh nghiệp;
- Đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ;
- Đại diện Vụ Công nghệ thông tin;
- Đại diện Hội Tin học Việt Nam;
- Đại diện Hiệp hội An toàn thông tin
Việt Nam;
- Đại diện Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ
công nghệ thông tin Việt Nam;
- Đại diện Hội Truyền thông số Việt
Nam;
- Mời đại diện các Bộ, ngành, doanh
nghiệp, hiệp hội liên quan.
c) Tổ thư ký giúp việc:
- Tổ trưởng: Đại diện Lãnh đạo Viện
Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam.
- Thành viên: các cán bộ công chức,
viên chức thuộc các đơn vị có đại diện lãnh đạo là thành viên Hội đồng và một số
công chức khác thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông tham gia theo yêu cầu của Hội
đồng.
d) Viện Công nghiệp phần mềm và nội
dung số Việt Nam là cơ quan thường trực của Hội đồng đánh giá, có trách nhiệm bố
trí các điều kiện làm việc cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể theo yêu
cầu của Hội đồng.
2. Vụ Quản lý doanh nghiệp là cơ quan
điều phối chung có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc cơ quan thường trực Hội đồng
triển khai đánh giá các nền tảng số phục vụ người dân; Tổng hợp, thẩm tra kết
quả đánh giá, thực hiện các thủ tục trình Lãnh đạo Bộ công nhận.
Điều 3. Nhiệm vụ và trách nhiệm của Hội đồng:
1. Nhiệm vụ của Hội đồng:
a) Căn cứ Khung tiêu chí xác định nền
tảng số phục vụ người dân ban hành tại Phụ lục kèm theo Quyết định này và tính
chất, đặc điểm đặc thù của nền tảng số được đánh giá, trên cơ sở tham khảo ý kiến
của doanh nghiệp nòng cốt phát triển nền tảng số tương ứng để xác định tiêu chí
đặc thù trong trường hợp cần thiết. Trong trường hợp đề xuất bổ sung tiêu chí đặc
thù, gửi Vụ Quản lý doanh nghiệp thẩm định và trình Lãnh đạo Bộ Thông tin và
Truyền thông phê duyệt để triển khai.
b) Thực hiện đánh giá, báo cáo kết quả,
đề nghị công nhận các nền tảng số phục vụ người dân để Bộ trưởng Bộ Thông tin
và Truyền thông xem xét công nhận nền tảng số phục vụ người dân Quyết định số
749/QĐ-TTg ngày 03/06/2020.
2. Trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng:
a) Lãnh đạo, điều hành hoạt động của Hội
đồng đánh giá. Mời đại diện các Bộ, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội liên quan của
từng nền tảng tham gia đánh giá. Phân công các thành viên Hội đồng và tổ thư ký giúp
việc triển khai nhiệm vụ của Hội đồng quy định tại khoản 1 Điều này; Chịu trách
nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về tổ chức hoạt động và kết
quả đánh giá của Hội đồng.
b) Chỉ đạo cơ quan thường trực của Hội
đồng chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp có nền tảng số được đánh giá, đơn vị đầu
mối thúc đẩy phát triển nền tảng của Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan,
đơn vị liên quan tổng hợp các thông tin, dữ liệu về nền tảng số, báo cáo Hội đồng
để phục vụ công tác đánh giá nền tảng số;
c) Trình Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền
thông Báo cáo tổng hợp kết quả đánh giá, đồng thời gửi Vụ Quản lý doanh nghiệp
thẩm tra và thực hiện thủ tục công nhận nền tảng số phục vụ người dân căn cứ
theo kết quả đánh giá.
3. Trách nhiệm của các Ủy viên Hội đồng:
a) Thực hiện các nhiệm vụ của Hội đồng
theo phân công của Chủ tịch Hội đồng;
b) Tham dự đầy đủ các phiên họp của Hội
đồng đánh giá; trao đổi, đóng góp ý kiến về các nội dung đánh giá đối với các
lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan mình; biểu quyết các kết luận của
Hội đồng đánh giá khi cần thiết. Trong trường hợp đặc biệt không thể tham dự
các cuộc họp của Hội đồng, Ủy viên Hội đồng đánh giá phải có ý kiến bằng
văn bản gửi tới Hội đồng đánh giá hoặc ủy quyền cho người đại diện tham dự. Ý
kiến của đại diện được ủy quyền được coi là ý kiến của Ủy viên đó trong Hội đồng.
c) Thành viên Hội đồng là Lãnh đạo Viện
Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam có trách nhiệm thực hiện thẩm tra
nền tảng về tiêu chí đánh giá tư cách pháp nhân và năng lực của doanh nghiệp;
có báo cáo thẩm tra gửi Hội đồng để có căn cứ xem xét đánh giá nền tảng;
d) Thành viên Hội đồng là Cục trưởng Cục
Tin học hóa có trách nhiệm thực hiện thẩm tra nền tảng về các chức năng, tính
năng của nền tảng; có báo cáo thẩm tra gửi Hội đồng để có căn cứ xem xét đánh
giá nền tảng;
đ) Thành viên Hội đồng là Cục trưởng Cục
An toàn thông tin có trách nhiệm thẩm tra nền tảng về bảo đảm an toàn, an ninh
mạng của nền tảng; có báo cáo thẩm tra gửi Hội đồng để có căn cứ xem xét đánh
giá nền tảng.
4. Trách nhiệm của Tổ thư ký giúp việc:
Thực hiện các nhiệm vụ của Hội đồng
theo phân công của Chủ tịch Hội đồng và các thành viên Hội đồng.
Tham gia đầy đủ các cuộc họp của Hội đồng
khi được triệu tập.
Điều 4. Nguyên tắc hoạt động của Hội đồng:
1. Hội đồng xét chọn làm việc theo
nguyên tắc tập trung dân chủ, thảo luận công khai, quyết định theo đa số để thống
nhất kết quả cho từng nền tảng số.
2. Các Ủy viên Hội đồng và thành viên
Tổ Thư ký giúp việc làm việc theo chế độ kiêm nhiệm; chịu trách nhiệm trước Chủ
tịch Hội đồng đánh giá trong phạm vi nhiệm vụ được phân công.
3. Kinh phí cho hoạt động của Hội đồng
từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn khác theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Ban hành quy trình xác định thí điểm nền tảng số có khả năng
triển khai rộng khắp phục vụ người dân năm 2022:
1. Bộ Thông tin và Truyền thông công bố
công khai các tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá về nền tảng số phục vụ người dân tới
các tổ chức, doanh nghiệp có liên quan.
2. Tổ chức, doanh nghiệp chủ động tham
gia gửi văn bản về Bộ Thông tin và Truyền thông (qua Vụ Quản lý doanh nghiệp)
kèm theo hồ sơ chứng minh phù hợp với khung tiêu chí tại Phụ lục kèm theo Quyết
định này.
3. Bộ Thông tin và truyền thông (Vụ Quản
lý doanh nghiệp) tiếp nhận hồ sơ chứng minh sự phù hợp của tổ chức, doanh nghiệp,
xác nhận tính đầy đủ của hồ sơ. Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp nhận hồ sơ chứng
minh sự phù hợp trong thời gian cụ thể theo văn bản thông báo đến các doanh
nghiệp, tổ chức phát triển nền tảng.
4. Hội đồng thực hiện trách nhiệm và
nhiệm vụ theo quy định tại khoản 1, điều 3 Quyết định này và gửi báo cáo kết quả
đề nghị công nhận đến Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chậm nhất sau 15
ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ.
5. Vụ Quản lý doanh nghiệp tổng hợp,
thẩm tra kết quả, thực hiện các thủ tục trình Bộ trưởng phê duyệt kết quả công
nhận.
Điều 6. Quyết
định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Chánh văn phòng, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Thủ
trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan và các thành viên Hội đồng tại Điều 2 chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
-
Như Điều 6;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng;
- Lưu: VT, QLDN.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Huy Dũng
|
PHỤ
LỤC
KHUNG
TIÊU CHÍ XÁC ĐỊNH THÍ ĐIỂM NỀN TẢNG SỐ PHỤC VỤ NGƯỜI DÂN NĂM 2022
(Kèm
theo Quyết định số
578/QĐ-BTTTT ngày 30/3/2022 của Bộ
TT&TT)
PHẦN 1: TIÊU
CHÍ CƠ BẢN
1. Tiêu chí đánh giá tư cách pháp nhân
và năng lực tổ chức, doanh nghiệp
1.1. Thành lập và hoạt động theo pháp
luật Việt Nam: Đạt/Không Đạt
1.2. Có trụ sở chính đặt tại Việt Nam:
Đạt/Không Đạt
1.3. Có cung cấp thông tin về tỷ lệ sở
hữu: Đạt/Không Đạt
1.4. Có cung cấp thông tin về năng lực
tài chính, kinh doanh: Đạt/Không Đạt
Bao gồm:
- Vốn điều lệ.
- Doanh thu 3 năm gần nhất.
- Lợi nhuận 3 năm gần nhất.
1.5. Có cung cấp thông tin về năng lực
nhân sự: Đạt/Không Đạt
Bao gồm:
- Tổng số lao động chuyên môn CNTT.
- Tổng số lao động.
2. Tiêu chí đánh giá về chức năng và
tính năng của nền tảng
2.1. Có chức năng, tính năng phù hợp với
Chương trình chuyển đổi số quốc gia
và định hướng chuyển đổi số năm 2022: Đạt/Không Đạt.
2.2. Có đầy đủ các đặc trưng của nền tảng:
Đạt/Không Đạt
Bao gồm:
- Có sử dụng hạ tầng điện toán đám
mây.
- Có cung cấp chức năng như là dịch vụ
(as-a-service).
- Có khả năng tùy chỉnh để đáp ứng nhu
cầu mà không cần chỉnh sửa mã nguồn.
2.3. Có hoặc có tiềm năng đáp ứng nhu cầu
phổ biến của người dân (số lượng người sử dụng tiềm năng từ 1 triệu người trở
lên): Đạt/Không Đạt.
2.4. Có khả năng đáp ứng khi quy mô
người dùng tăng trưởng đột biến thông qua việc chỉ cần tăng năng lực hạ tầng mà
không cần phải chỉnh sửa thiết kế, kiến trúc hoặc mã nguồn: Đạt/Không Đạt.
3. Tiêu chí đánh giá về an toàn, an
ninh mạng
3.1. Có HSĐXCĐ được phê duyệt và có
cam kết kế hoạch, lộ trình triển khai phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông
tin theo cấp độ không quá 03 tháng: Đạt/Không đạt.
3.2. Tuân thủ quy định về bảo vệ thông
tin cá nhân theo quy định của Luật An toàn thông tin mạng, luật an ninh mạng: Đạt/Không
Đạt.
3.3. Tuân thủ quy định về lưu trữ dữ
liệu tại Việt Nam theo quy định của Luật An ninh mạng: Đạt/Không Đạt.
PHẦN 2: TIÊU
CHÍ ĐẶC THÙ
Trong trường hợp cần có tiêu chí đặc
thù với từng lĩnh vực nền tảng số để phục vụ yêu cầu đánh giá, Hội đồng thống
nhất đề xuất, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố công khai.