QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC SỬA ĐỔI BỔ SUNG QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
CỦA VỤ KẾ TOÁN - TÀI CHÍNH BAN HÀNH THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 95/1999/QĐ-NHNN9 NGÀY
23/3/1999
THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
- Căn cứ Luật Ngân hàng
Nhà nước Việt Nam ngày 12/12/1997;
- Căn cứ Nghị định số
15/CP ngày 02/03/1993 của Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm
quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- Căn cứ Nghị định số
88/1998/NĐ-CP ngày 01/11/1998 của Chính phủ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và
trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ
- Căn cứ Nghị định số
88/1998/NĐ-CP ngày 02/11/1998 của Chính phủ quy định về chức năng, quyền hạn và
tổ chức bộ máy của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Theo đề nghị của Vụ trưởng
Vụ Tổ chức cán bộ và Đào tạo;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.
Sửa đổi, bổ sung một số Điều, khoản của Quy chế tổ chức
và hoạt động của Vụ Kế toán - Tài chính ban hành theo Quyết định
95/1999/QĐ-NHNN9 ngày 23/3/1999 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước với nội dung
như sau:
Điều 1 được sửa đổi, bổ
sung:
“Điều 1. Vụ Kế toán - Tài
chính là đơn vị thuộc tổ chức bộ máy của Ngân hàng Nhà nước, có chức năng tham
mưu giúp Thống đốc về các lĩnh vực: Kế toán, kỹ thuật nghiệp vụ thanh toán của
ngành Ngân hàng; quản lý tài chính của Ngân hàng Nhà nước, quản lý các doanh
nghiệp Nhà nước trực thuộc và quản lý Nhà nước về đầu tư và xây dựng trong toàn
ngành Ngân hàng; quản lý tài chính của Ngân hàng Nhà nước, quản lý các doanh
nghiệp Nhà nước trực thuộc và quản lý về đầu tư và xây dựng trong toàn Ngành
theo quy định của pháp luật”.
Điều 4 (khoản 5) được sửa
đổi, bổ sung:
“Điều 4 (khoản 5): Tham mưu
giúp Thống đốc trong lĩnh vực đầu tư xây dựng.
- Tổ chức thực hiện công tác
đầu tư xây dựng của Ngân hàng Nhà nước gồm:
+ Lập kế hoạch đầu tư và xây
dựng hàng năm và dài hạn của Ngân hàng Nhà nước gồm dự án tiền khả thi, thiết kế
kỹ thuật, tổng dự toán, dự toán, lập trình các quyết toán công trình, các hạng
mục công trình sau khi được cơ quan kiểm toán có thẩm quyền xác nhận, trình Thống
đốc phê duyệt thuộc các đối tượng: xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa lớn, nâng cấp
các dự án đã đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản kể cả thiết bị máy móc không cần
lắp đạt, sản phẩm công nghệ khoa học mới.
+ Khai thác và lập kế hoạch
vốn đầu tư và xây dựng hàng năm (vốn ngân sách Nhà nước cấp và vốn tự có của
Ngân hàng Nhà nước), lập báo cáo hàng năm về việc thực hiện kế hoạch vốn đầu tư
và xây dựng trình Thống đốc phê duyệt.
+ Phê duyệt mức vốn, dự
toán, quyết toán, điều chỉnh, bổ sung dự toán và cấp phát vốn theo tiến độ các
công trình, hạng mục công trình ghi trong kế hoạch đã được Thống đốc phê duyệt.
- Thực hiện việc quản lý Nhà
nước trong lĩnh vực đầu tư và xây dựng trong toàn Ngành trình Thống đốc hoặc
giúp Thống đốc trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo các quy định của
pháp luật.
+ Thực hiện chức năng quản
lý Nhà nước về đầu tư và xây dựng trong toàn Ngành theo quy định của pháp luật
bao gồm soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo, phê duyệt dự án, thiết
kế, quyết toán các công trình được phân cấp và các công việc khác thuộc lĩnh vực
quản lý Nhà nước về đầu tư và xây dựng trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết
định.
+ Hướng dẫn, giải thích, tổ
chức kiểm tra công tác đầu tư xây dựng trong toàn Ngành theo thẩm quyền và
trong khuôn khổ pháp luật quy định.
+ Làm đầu mối và phối hợp với
các Vụ, Cục chức năng thực hiện trình tự đầu tư và xây dựng theo quy định của
pháp luật.
+ Thực hiện các nhiệm vụ
khác về quản lý đầu tư xây dựng trong ngành Ngân hàng khi Thống đốc giao. ”
- Điều 4 (Khoản 7) được sửa
đổi
Điều 4 (khoản 7): Tham mưu
giúp Thống đốc trong nhiệm vụ quản lý các doanh nghiệp trực thuộc và báo cáo kế
toán gồm:
+ Xây dựng chiến lược phát
triển kinh doanh mà công việc trọng tâm là tập trung sắp xếp là các doanh nghiệp
Nhà nước theo chủ trương của Chính phủ và của Ngành bao gồm: thành lập, sáp nhập,
chia tác, giải thể, chuyển đổi sở hữu.
+ Làm đầu mối trình Thống đốc
giải quyết các vấn đề phát sinh tại các doanh nghiệp trực thuộc; phối hợp theo
dõi, đôn đốc các Vụ, Cục, đơn vị chức năng trong quá trình xử lý nhất là các
công việc phát sinh ở các doanh nghiệp công ích như Nhà máy in tiền quốc gia,
Nhà in Ngân hàng.
+ Làm đầu mối dự thảo, điều
chỉnh, bổ sung, sửa đổi điều lệ về tổ chức và hoạt động của các doanh nghiệp trực
thuộc.
+ Theo dõi và thường xuyên nắm
tình hình hoạt động của các doanh nghiệp mà chủ yếu là tình hình sản xuất kinh
doanh quý, 6 tháng và năm; các vụ việc phát sinh, những khó khăn và các kiến
nghị của doanh nghiệp để trình Thống đốc xử lý.
+ Thực hiện việc quản lý tài
chính đối với doanh nghiệp theo quy định của pháp luật bao gồm phối hợp với các
đơn vị thực hiện công tác kiểm tra, định kỳ giao đơn giá sản xuất sản phẩm giấy
bạc và ngân phiếu thanh toán, duyệt quyết toán tài chính năm đối với doanh nghiệp
công ích và các công việc liên quan đến quản lý tài chính.
+ Thực hiện các công việc
thuộc chức năng quản lý của Bộ chủ quản như duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật để
đầu tư, xác nhận để xin giấy phép xuất nhập khẩu và các nhiệm vụ khác thuộc chức
năng quản lý của Bộ chủ quản.
+ Tổng hợp, phân tích số liệu
báo cáo quyết toán định kỳ, báo cáo quyết toán hàng năm của Ngân hàng Nhà nước
và các doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc theo quy định của Nhà nước và của
Ngành.
- Điều 5 (khoản 6) được sửa
đổi:
Điều 5 (khoản 6): Thành lập
Phòng quản lý các doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc (Trên cơ sở tổ chức tại
Phòng Tài chính các doanh nghiệp Nhà nước thuộc Ngân hàng quy định tại khoản 6
điều 5 Quy chế tổ chức và hoạt động của Vụ Kế toán - Tài chính ban hành theo
Quyết định 95/1999/QĐ-NHNN9 ngày 23/3/1999 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước).
- Điều 5 (khoản 9) được bổ
sung:
Điều 5 (khoản 9): Thành lập
Phòng quản lý đầu tư và xây dựng cơ bản (trên cơ sở chuyển giao toàn diện Phòng
Quản lý xây dựng cơ bản thuộc Cục quản trị về Vụ Kế toán - Tài chính).
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ
ngày ký.
Điều 3.
Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và đào tạo,
Vụ trưởng Vụ Kế toán - Tài chính, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Ngân
hàng Nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.