ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
471/2007/QĐ-UBND
|
Ninh Bình, ngày
14 tháng 02 năm 2007
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY TẮC ỨNG XỬ CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân
và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật phòng, chống tham nhũng
và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ban hành ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Pháp lệnh cán bộ, công chức
được sửa đổi, bổ sung năm 2003;
Thực hiện Chương trình hành động số
05-CTr/TU ngày 9 tháng 2 năm 2007 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Hội nghị
lần thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của
Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này “Quy tắc ứng xử
của cán bộ, công chức, viên chức”.
Điều 2: Giám đốc Sở Nội vụ có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra
các cơ quan đơn vị thực hiện Quyết định này.
Điều 3: Quyết định này có hiệu lực
thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 4: Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở
Nội vụ, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân
dân các huyện, thị xã và các đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như điều 4;
- Văn phòng Chính phủ (để báo cáo);
- Bộ Nội vụ (để báo cáo);
- Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp;
- TT Tỉnh ủy; TT HĐND tỉnh;
- Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Các đồng chí PCVP UBND tỉnh;
- Website Chính Phủ;
- Công báo tỉnh Ninh Binh;
- Lưu VT, VP7.
|
T/M. ỦY BAN
NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH
CHỦ TỊCH
Bùi Văn Thắng
|
QUY TẮC ỨNG XỬ
CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 471/2007/QĐ-UBND ngày 14 tháng 02 năm 2007
của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi, đối tượng điều
chỉnh
Quy tắc này quy định các chuẩn mực xử sự của cán bộ,
công chức, viên chức trong khi thi hành công vụ và trong quan hệ xã hội.
Các đối tượng nêu trên sau đây gọi chung là cán bộ,
công chức.
Điều 2. Mục tiêu quy định Quy
tắc ứng xử của cán bộ, công chức
1. Quy định những việc phải làm hoặc không được làm
nhằm đảm bảo sự liêm chính và trách nhiệm của cán bộ, công chức khi thi hành nhiệm
vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội.
2. Tạo điều kiện thực hiện công khai các hoạt động,
nhiệm vụ, công vụ và quan hệ xã hội của cán bộ, công chức.
3. Là căn cứ để các cơ quan có thẩm quyền xử lý trách
nhiệm khi cán bộ, công chức vi phạm các chuẩn mực xử sự trong thi hành nhiệm
vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội; nhân dân giám sát việc chấp hành các quy
định của pháp luật của cán bộ, công chức.
4. Là chuẩn mực để cán bộ, công chức tu dưỡng, rèn luyện,
để góp phần tích cực vào việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí đồng thời tạo
lập nếp sống văn hóa và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Quy tắc là những điều quy định mọi người phải
tuân theo trong một hoạt động chung.
2. Ứng xử là thái độ, hành động, lời nói thích
hợp trong xử sự, giao tiếp.
3. Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức là các
chuẩn mực xử sự trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội,
bao gồm những việc phải làm hoặc không được làm, phù hợp với đặc thù công việc
của từng nhóm cán bộ, công chức và từng lĩnh vực hoạt động công vụ cũng như
trong sinh hoạt hằng ngày tại cộng đồng dân cư.
Chương II
CHUẨN MỰC XỬ SỰ CỦA CÁN BỘ,
CÔNG CHỨC TRONG THI HÀNH NHIỆM VỤ, CÔNG VỤ
Mục 1: NHỮNG VIỆC CÁN BỘ, CÔNG
CHỨC PHẢI LÀM
Điều 4: Các quy định chung đối
với cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ, công vụ.
1. Cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý có trách nhiệm
đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức theo phân cấp
quản lý cán bộ, công chức; trong quan hệ công tác với cán bộ, công chức dưới
quyền phải phát huy dân chủ, tôn trọng, thẳng thắn, chân thành, tế nhị, ân cần
giúp đỡ, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức phát huy tính chủ động, sáng tạo
để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
2. Cán bộ, công chức phải trung thực, thẳng thắn khi
thực thi nhiệm vụ; có trách nhiệm giám sát việc thực hiện của các cán bộ, công
chức khác trong cùng cơ quan và các cơ quan đơn vị khác có liên quan trong thực
hiện nhiệm vụ, công vụ và phản ánh những vi phạm đến cơ quan, đơn vị có thẩm
quyền quản lý cán bộ, công chức đó và chịu trách nhiệm cá nhân về những phản
ánh của mình.
Điều 5: Quy định về việc chấp
hành các quyết định đối với cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ, công vụ
1. Cán bộ, công chức khi được người có thẩm quyền giao
nhiệm vụ phải nghiêm túc chấp hành; tự giác, tích cực, chủ động nghiên cứu tìm
những giải pháp thích hợp trong khuôn khổ của nguyên tắc và các quy định để kiến
nghị, đề xuất thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao.
2. Cán bộ, công chức trong quan hệ công tác với đồng
chí, đồng nghiệp phải trên tinh thần bình đẳng, có thái độ hợp tác, đoàn kết,
trung thực, khiêm tốn, chân thành, tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau.
3. Cán bộ, công chức khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ
phải chấp hành quyết định của cấp quản lý trực tiếp. Trường hợp có quyết định
của cấp trên cấp quản lý trực tiếp, cán bộ, công chức phải thực hiện theo quyết
định của cấp có thẩm quyền cao nhất, đồng thời có trách nhiệm báo cáo cấp quản
lý trực tiếp của mình về việc thực hiện quyết định đó.
Điều 6: Quy định đối với cán
bộ, công chức khi được giao nhiệm vụ giải quyết các yêu cầu của cơ quan, đơn
vị, tổ chức và với công dân.
1. Cán bộ, công chức khi được giao nhiệm vụ để giải
quyết các yêu cầu của cơ quan, đơn vị, tổ chức khác và yêu cầu của công dân phải
chịu trách nhiệm về hành vi của mình theo đúng quy định của pháp luật.
2. Cán bộ, công chức khi được giao nhiệm vụ, công vụ
để giải quyết các yêu cầu của cơ quan, đơn vị, tổ chức và yêu cầu của công dân
phải có trách nhiệm hướng dẫn đầy đủ quy trình thực hiện đã được cấp có thẩm
quyền phê duyệt, bảo đảm giải quyết đúng thời gian, quy định của pháp luật.
Điều 7: Những quy định trong
giao tiếp hành chính
1. Cán bộ, công chức khi làm việc tại công sở hoặc trong
thời gian thực thi công vụ phải mặc trang phục đúng quy định chung và quy định
của từng ngành, lĩnh vực. Phong cách giao tiếp phải lịch sự, văn minh, trung
thực và cởi mở; trường hợp trao đổi, giải quyết công việc trực tiếp hay gián
tiếp (qua thư, điện thoại, Fax, Internet..) cán bộ, công chức phải đảm bảo an
toàn, bí mật, đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin; không gây khó khăn hoặc làm
sai lệch thông tin.
2. Cán bộ, công chức khi thực hiện công vụ, gặp đối
tượng có thái độ, lời nói gay gắt hoặc hành động quá khích, phải bình tĩnh, kiên
trì, xử lý phù hợp, đúng pháp luật.
Mục 2: NHỮNG VIỆC CÁN BỘ, CÔNG
CHỨC KHÔNG ĐƯỌC LÀM
Điều 8: Các quy định chung về
việc cán bộ, công chức không được làm khi thực thi nhiệm vụ, công vụ
1. Cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ, công vụ
không được mạo danh để giải quyết công việc; không được mượn danh cơ quan để giải
quyết công việc của cá nhân mình, hoặc mượn danh cơ quan khác để giải quyết
công việc của cơ quan mình hoặc cá nhân mình.
2. Cán bộ, công chức không được cửa quyền, hách dịch,
thiếu trách nhiệm, đùn đẩy, có biểu hiện vô cảm hoặc cố tình gây khó khăn cho
tổ chức và công dân để vụ lợi.
Điều 9: Các quy định cán bộ,
công chức không được làm trong mối quan hệ đối với nhiệm vụ, công vụ
1. Cán bộ, công chức không được cố tình kéo dài thời
gian hoặc từ chối sự phối hợp của những người trong cùng cơ quan hoặc cơ quan,
đơn vị, tổ chức có liên quan và của công dân khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ.
2. Cán bộ, công chức không được che dấu, bưng bít những
thông tin phản ánh của cán bộ, công chức trong cơ quan hoặc cơ quan, đơn vị, tổ
chức khác cũng như của công dân về những việc liên quan đến chức năng, nhiệm vụ
do mình được giao thực hiện không đúng quy định của pháp luật.
Chương III
CHUẨN MỰC XỬ SỰ CỦA CÁN BỘ,
CÔNG CHỨC TRONG QUAN HỆ XÃ HỘI
Mục 1: NHỮNG VIỆC CÁN BỘ, CÔNG
CHỨC PHẢI LÀM
Điều 10: Các quy định chung của
cán bộ, công chức phải làm
1. Cán bộ, công chức khi tham gia các hoạt động xã hội
phải gương mẫu, đúng mực trong giao tiếp, ứng xử.
2. Cán bộ, công chức theo nhiệm vụ, lĩnh vực được giao
phải có trách nhiệm hướng dẫn người dân thực hiện đúng quy định của pháp luật,
tạo kỷ cương, nền nếp, đảm bảo trật tự xã hội.
3. Cán bộ, công chức phải có trách nhiệm phát hiện và
báo cáo với cơ quan có thẩm quyền về những hành vi trái pháp luật của tập thể,
cá nhân trong cộng đồng và nơi cư trú.
Điều 11: Quy định cán bộ, công
chức phải làm khi giao tiếp với người nước ngoài
Cán bộ, công chức khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ giao
tiếp với người nước ngoài phải có trách nhiệm hướng dẫn người nước ngoài thực
hiện đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Phải thể hiện văn minh, lịch sự và
hiếu khách; trang phục đẹp, phù hợp với truyền thống văn hóa của quê hương, dân
tộc. Phải đảm bảo bí mật công tác, kỷ luật phát ngôn, có ý thức cảnh giác, chủ
động phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật của người nước ngoài, báo cáo
với cơ quan có thẩm quyền để kịp thời có biện pháp ngăn chặn, xử lý.
Mục 2: NHỮNG VIỆC CÁN BỘ, CÔNG
CHỨC KHÔNG ĐƯỢC LÀM
Điều 12: Các quy định chung của
cán bộ, công chức không được làm trong quan hệ xã hội
1 .Cán bộ, công chức không được lợi dụng chức vụ, quyền
hạn, để tạo thanh thế khi tham gia các hoạt động xã hội không thuộc nhiệm vụ
công vụ.
2. Cán bộ, công chức không được sử dụng tài sản, phương
tiện công cho các hoạt động xã hội ngoài hoạt động nhiệm vụ, công vụ.
3. Cán bộ, công chức không được lợi dụng việc cưới,
việc tang, mừng thọ, sinh nhật, mừng nhà mới hoặc các hoạt động cá nhân khác, để
vụ lợi.
Điều 13: Các quy định chung của
cán bộ, công chức không được làm trong ứng xử sinh hoạt nơi cư trú
1. Cán bộ, công chức không được nói, viết, làm trái
với các quy định ở nơi cư trú đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (như quy ước,
hương ước,..); không được vi phạm các chuẩn mực đạo đức đã được xã hội thừa
nhận.
2. Cán bộ, công chức không được sống biệt lập, thờ ơ,
xa lánh hay phân biệt đối xử với các tầng lớp nhân dân trong xã hội nói chung
và nơi cư trú.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 14: Khen thưởng
Cán bộ, công chức thực hiện tốt quy tắc góp phần nâng
cao giá trị văn hóa ứng xử, hạn chế và ngăn chặn tệ quan liêu, tham nhũng, lãng
phí thì được biểu dương, khen thưởng theo quy định của pháp luật.
Điều 15: Kỷ luật
Cán bộ, công chức vi phạm quy tắc ứng xử, tùy theo tính
chất, mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của cơ quan, đơn vị, tổ chức, trường hợp
nghiêm trọng có thể bị xử lý bằng pháp luật.
Điều 16: Hướng dẫn thi hành
Các cơ quan, đơn vị tổ chức tuyên truyền, quán triệt
để cán bộ, công chức thực hiện tốt những quy định trên.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc
hoặc có những nội dung quy định không phù hợp cần bổ sung, sửa đổi, đề nghị báo
cáo kịp thời về cơ quan có thẩm quyền để xem xét điều chỉnh cho phù hợp./.