ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 410/2006/QĐ-UBND
|
Hạ Long,
ngày 26 tháng
01 năm 2006
|
QUYẾT
ĐỊNH
VỀ
VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG TÀU LƯU TRÚ DU LỊCH TRÊN VỊNH HẠ LONG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày
26-11-2003;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm
pháp luật của HĐND, UBND ngày 03-12-2004;
Căn cứ Luật Di sản Văn hóa; Luật Bảo
vệ Môi trường; Luật Giao thông đường thủy nội địa; Luật Phòng cháy chữa cháy và
Luật Du lịch;
Căn cứ Quyết định số 02/2003/QĐ-BTNMT
ngày 29-7-2003 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường “V/v ban hành Quy chế
Bảo vệ Môi trường trong lĩnh vực du lịch”;
Xét đề nghị của Ban Quản lý Vịnh Hạ
Long tại Văn bản số 41/TTr-QLHL ngày 18-01-2006, báo cáo thẩm định của sở Tư
pháp tại Văn bản số 69/TP-KTVB ngày 09-01-2006,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định quản lý hoạt
động tàu lưu trú du lịch trên Vịnh Hạ Long.
Điều 2Quyết
định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái
với Quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Quản lý
Vịnh Hạ Long, Giám đốc sở Du lịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hạ Long,
Thủ trưởng các ngành chức năng liên quan và các tổ chức kinh tế - xã hội, các
doanh nghiệp và các hộ kinh doanh tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long có trách nhiệm
thi hành Quyết định này.
|
TM. UBND
TỈNH QUẢNG NINH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nhữ
Thị Hồng Liên
|
QUY
ĐỊNH
QUẢN
LÝ HOẠT ĐỘNG TÀU LƯU TRÚ DU LỊCH TRÊN VỊNH HẠ LONG
(Ban
hành kèm theo Quyết định số 410/2006/QĐ-UBND ngày 26-01-2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng
Ninh)
Chương 1.
QUY
ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Bản quy định này quy định tiêu chuẩn,
hoạt động và công tác quản lý Nhà nước đối với tàu du lịch có kinh doanh cơ sở lưu trú du
lịch nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long (sau đây gọi là tàu lưu trú du lịch).
2. Tổ chức, cá nhân Việt Nam, nước ngoài
kinh doanh tàu lưu trú du lịch và cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến
dịch vụ tàu lưu trú du lịch đều phải thực hiện bản Quy định này, Quy định quản
lý hoạt động tàu du lịch ban hành kèm theo Quyết định số 4117/2005/QĐ-UBND ngày
03/11/2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh và các Quy định khác có liên
quan của Pháp luật Việt Nam.
3. Các tàu chở khách du lịch, quá cảnh
qua cửa khẩu cảng Quốc tế Hồng Gai không thuộc đối tượng điều chỉnh của
Quy định này.
Điều 2. Tàu
lưu trú du lịch trên Vịnh Hạ Long ngoài việc tuân theo bản Quy định này phải
thực hiện các quy định hiện hành của Nhà nước về hoạt động của phương tiện thủy
nội địa, về kinh doanh các ngành nghề có điều kiện. Các tổ chức, cá nhân kinh
doanh tàu lưu trú du lịch phải đăng ký kinh doanh theo quy định hiện hành.
Điều 3. Giải
thích từ ngữ
1. Tàu lưu trú du lịch: Là phương tiện
thủy nội địa chuyên dùng để kinh doanh vận chuyển khách tham quan và khách lưu
trú qua đêm trên
phương tiện.
2. Người làm việc trên tàu: Bao gồm
thuyền viên, nhân viên phục vụ trên tàu, được chủ tàu hợp đồng lao
động và có tên trong danh bạ thuyền viên của tàu.
3. Vịnh Hạ Long: Là toàn bộ vùng biển,
đảo rộng 1.553km2, bao gồm Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long và một
phần vùng biển, đảo huyện Vân Đồn.
4. Chủ tàu (chủ phương tiện): Theo quy
định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 21/2005/NĐ-CP ngày 01-3-2005 của Chính phủ
“Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội
địa”.
5. Điểm neo đậu lưu trú: Là khu vực dành
cho các tàu lưu trú du lịch neo đậu qua đêm.
Chương 2.
QUY
ĐỊNH ĐIỀU KIỆN, TIÊU CHUẨN ĐỐI VỚI TÀU LƯU TRÚ DU LỊCH
Điều 4. Điều kiện kỹ
thuật, an toàn
1. Được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt
thiết kế theo loại tàu có chức năng vận chuyển khách du lịch và kinh doanh cơ
sở lưu trú, đảm bảo
đồng bộ các tiêu chuẩn về kỹ thuật, an toàn, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi
trường đối với phương tiện thủy nội địa có cơ sở lưu trú du lịch.
2. Tàu đóng mới, cải hoán, sửa chữa, đang
khai thác phải đảm bảo phù hợp “Danh mục các quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành
áp dụng cho phương tiện thủy nội địa”, ban hành kèm theo Quyết định số
25/2004/QĐ-BGTVT ngày 25-11-2004 của Bộ Giao thông vận tải.
3. Phải có công suất máy chính đạt từ
60CV trở lên, có khả
năng hoạt động trong vòng cấp S1; có hệ thống báo mức nước ngập tại hầm tàu.
4. Các điều kiện về an toàn:
4.1. Radio theo dõi thời tiết; có hệ thống
thông tin liên lạc bằng VHF và điện thoại di động đảm bảo liên lạc 24/24 giờ
với Trung tâm tìm kiếm cứu nạn - Ban Quản lý Vịnh Hạ Long và cơ quan cấp phép
rời cảng, bến và cơ quan quản lý điểm neo đậu lưu trú;
4.2. Có tủ thuốc, dụng cụ y tế dự phòng để
chữa trị những bệnh thông thường và sơ cứu khi có tai nạn, ốm đau xảy ra;
4.3. Có trang thiết bị an toàn, phòng cháy
và chữa cháy đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, hiệu lực theo quy định, lắp đặt
tại vị trí thuận tiện cho việc sử dụng;
4.4. Có cầu dẫn đưa đón khách lên xuống tàu
an toàn, thuận tiện.
Điều 5. Tiêu chuẩn về
hình dáng kiến trúc, các bộ phận trên tàu
1. Có hình dáng kiến trúc đẹp, hài hòa,
theo quy phạm; được thiết kế và đóng bằng các vật liệu cao cấp; nội ngoại thất
được trang trí trang nhã, hài hòa, đồng bộ. Dây chuyền phục vụ giữa các bộ phận
đảm bảo thuận tiện, liên hoàn, một chiều.
2. Phần trên mớn nước
và thượng tầng phải được sơn dầu trắng chủ đạo.
3. Có đủ các phòng, bộ phận chức năng
được thiết kế thông thoáng, an toàn và đáp ứng dịch vụ phục vụ khách, cụ thể:
3.1. Phòng khách, quầy bar;
3.2. Hành lang dẫn khách đến các khu chức
năng, các phòng;
3.3. Tối thiểu có 02 phòng vệ sinh;
3.4. Phòng ngủ;
3.5. Bếp, phòng ăn;
3.6. Boong dạo.
Điều 6. Tiêu chuẩn về
phòng ngủ
Tàu phải có ít nhất 02 phòng ngủ, có
phòng vệ sinh khép kín, hành lang đi lại giữa các phòng đảm bảo thuận tiện và
đáp ứng đủ các điều kiện sau:
1. Diện tích phòng ngủ tối thiểu đạt 8m2/phòng;
chiều ngang của phòng tối thiểu đạt 2,4 mét.
2. Các phòng ngủ phải được thiết kế có
khả năng thông gió tự nhiên hoặc quạt gió cưỡng bức đảm bảo thông thoáng; có
điều hòa nhiệt độ.
3. Trang thiết bị, tiện nghi tối thiểu
tại phòng ngủ: Giường ngủ có kích thước tối thiểu đạt 0,8x1,9 mét; bàn đầu
giường; đệm nằm, vải trải giường, gối, chăn len (có vỏ bọc), ri-đô che cửa sổ,
thảm chùi chân; đèn phòng; đèn ngủ; bộ ấm chén uống nước, phích nước; dép đi
trong phòng, mắc treo quần áo; bản hướng dẫn khách sử dụng các tiện nghi trong
phòng, sử dụng thiết bị an toàn và thoát hiểm khi có sự cố, các quy định về an
toàn, an ninh trật tự và các quy định khác bằng tiếng Việt, tiếng Anh, Tiếng
Trung Quốc; phao cá nhân đủ theo số lượng giường tại phòng ngủ, không kể số
lượng phao theo đăng kiểm; hệ thống chuông gọi cấp cứu, chuông gọi cửa; “mắt
thần” trên cửa buồng, dây khóa xích (khóa an toàn cho phòng ngủ); túi kim chỉ,
cặp đựng các ấn phẩm và các bản hướng dẫn sử dụng dịch vụ, nội quy.
Điều 7. Tiêu chuẩn,
tiện nghi của các phòng, bộ phận chức năng
1. Phòng khách:
Phải được bố trí tại boong chính, được
ốp trần cách nhiệt, sạch đẹp, trang nhã; sàn tàu lát gỗ xẻ đánh bóng hoặc vật
liệu ốp lát khác tạo màu sắc êm dịu, dễ làm vệ sinh và lau rửa; có đủ ghế ngồi
theo đăng kiểm của tàu, ghế ngồi phải là loại ghế đảm bảo chất lượng, chiều
rộng của mỗi ghế không nhỏ hơn 50cm; có ri đô che nắng; có quầy bar phục vụ đồ
uống; quầy dịch vụ có tủ kính trưng bày hàng hóa.
2. Phòng vệ sinh:
Phải được ốp lát bằng gạch men hoặc
các vật liệu tương tự từ sàn đến cổ trần; có cửa kín, mặt ngoài cửa có ghi WC;
có bồn chứa nước ngọt để xả vào bàn cầu; bàn cầu bệt có nắp; chậu rửa mặt
(lavabo); vòi tắm hoa sen; vòi nước; hộp đựng xà phòng và xà phòng 20 gam; cốc
đánh răng; giá treo khăn mặt; gương treo; hộp đựng giấy và giấy vệ sinh; bồ
đựng rác; khăn tắm; khăn mặt.
3. Phòng ăn, khu bếp:
Phải đảm bảo các tiêu chuẩn được quy
định tại Điều 17 bản Quy định quản lý hoạt động tàu du lịch ban hành kèm theo
Quyết định số 4117/2005/QĐ-UBND ngày 03-11-2005 của Ủy ban nhân
dân tỉnh Quảng Ninh.
4. Hành lang bên ngoài phòng khách có lan
can đảm bảo chiều cao theo quy định.
5. Boong dạo: có số ghế ngồi mềm không ít
hơn 1/3 số khách
theo
đăng
kiểm, có lan can
bảo đảm chiều cao theo quy định.
6. Cầu thang lên boong dạo có bề rộng không
nhỏ hơn 60cm và có tay vịn.
7. Các phòng, bộ phận chức năng trên tàu
phải có hệ thống cửa ngăn riêng biệt.
8. Tàu phải có đủ nước sạch, nước giải
khát phục vụ khách trong suốt hành trình.
Điều 8. Trang thiết
bị đảm bảo vệ sinh môi trường
1. Có các thùng rác đựng chất thải rắn
hàng ngày, có nắp
đậy,
đảm bảo
mỹ quan, để nơi
thuận tiện.
2. Có két chứa, lắng, lọc chất thải lỏng
và nước sinh hoạt, tổng dung tích két không nhỏ hơn 400 lít, có thiết bị hút,
xả.
3. Có két chứa dầu thải và hệ thống xử lý
dầu thải với dung tích và công suất phù hợp với từng tàu và công suất máy.
Điều 9. Điều kiện và
tiêu chuẩn người làm việc trên tàu
Người làm việc trên tàu phải đáp ứng
các tiêu chuẩn và điều kiện sau:
1. Có hộ khẩu thường trú hoặc đăng ký
nhân khẩu tạm trú tại địa phương thuộc tỉnh Quảng Ninh - nơi có cảng, bến mà
phương tiện có hợp đồng, đăng
ký neo đậu.
2. Có lý lịch rõ ràng và có các bằng cấp,
chứng chỉ sau:
2.1. Bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp với chức
danh làm việc trên tàu;
2.2. 100% số nhân viên được đào tạo nghiệp
vụ du lịch (do sở Du lịch Quảng Ninh cấp chứng nhận); 50% thuyền viên trên tàu
có chứng chỉ ngoại ngữ tối thiểu trình độ A tiếng Anh; có ít nhất 01 nhân viên
có trình độ B ngoại ngữ tiếng Anh;
2.3. Chứng chỉ nghiệp vụ phòng cháy chữa
cháy theo quy định tại Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04-4-2003 của Chính phủ
“Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy”;
chứng chỉ bơi lặn.
3. Phải được chủ tàu ký kết hợp đồng lao
động theo các quy định của Luật Lao động.
4. Mặc trang phục riêng của đội tàu, đeo
thẻ chức danh khi làm việc.
5. Đủ tiêu chuẩn về sức khỏe theo quy
định tại Quyết định số 4293/2004/QĐ-BYT ngày 01-12-2004 của Bộ Y tế.
6. Nắm vững quy định về quản lý Vịnh Hạ
Long.
7. Ngoài số thuyền
viên định biên theo quy định, nhân viên làm dịch vụ du lịch trên tàu, phải có
số nhân viên phục vụ bàn, buồng theo tỷ lệ 1 nhân viên/2 phòng ngủ và 01 nhân
viên nấu bếp, tổng số nhân viên nấu bếp và nhân viên phục vụ phải có ít nhất 2
người trên tàu.
Điều 10. Các điều
kiện khác
1. Tàu phải treo cờ Tổ quốc và cờ Di sản
theo quy định.
2. Phải có bảng nội quy hướng dẫn an toàn
và các quy định khác bằng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc.
3. Có bảng niêm yết giá thuê tàu và giá
các loại hàng hóa dịch vụ trên tàu.
4. Có các loại bảo hiểm: trách nhiệm dân
sự chủ tàu, bảo hiểm hành khách, bảo hiểm thuyền viên.
5. Bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, toàn bộ tàu
và các thiết bị, dụng cụ trên tàu.
6. Khi hoạt động, chủ tàu phải bố trí đủ
các chức danh theo quy định, người làm việc trên tàu phải có tên trong danh bạ
thuyền viên theo quy định.
7. Có máy phát điện đủ công suất cấp điện
cho các thiết bị trên tàu, đảm bảo độ ồn, độ rung không quá tiêu chuẩn cho
phép.
8. Két sắt bảo quản đồ quý cho khách.
9. Có giấy xác nhận đăng ký đạt tiêu
chuẩn môi trường do sở Tài nguyên - Môi trường Quảng Ninh cấp.
10. Tàu, chủ tàu phải đảm bảo các quy định
theo Nghị định số 08/2001/NĐ-CP ngày 22-02-2001 của Chính phủ “về điều kiện an
ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện”; có giấy cam
kết thực hiện đúng các quy định về an ninh trật tự với Công an tỉnh Quảng Ninh
(Phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội - PC13).
11. Có Giấy chứng nhận cơ sở lưu trú du
lịch đạt tiêu chuẩn do sở Du lịch Quảng Ninh cấp khi phương tiện đáp ứng các
điều kiện quy định tại chương II của bản quy định này. Giấy chứng nhận này chỉ
có giá trị khi có điều kiện về an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường, an ninh
trật tự còn hiệu lực.
12. Có hợp đồng neo đậu lưu
trú nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long với Ban Quản lý Vịnh Hạ Long.
Chương 3.
QUẢN
LÝ KHÁCH, TÀU LƯU TRÚ DU LỊCH
Điều 11.
Khách lưu trú
du lịch phải đảm bảo:
1. Có giấy tờ tùy thân hợp lệ (chứng
minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu).
2. Đã làm thủ tục khai báo tạm trú theo
quy định và được cơ quan Công an xác nhận.
3. Đã mua vé tham quan và nghỉ qua đêm
trên Vịnh Hạ Long.
Điều 12. Tàu lưu trú du lịch
có đủ điều kiện, tiêu chuẩn ghi tại Chương II của Quy định này được phép đón
khách lưu trú qua đêm trên Vịnh, nhưng phải thực hiện các quy định dưới đây:
1. Chỉ được đón, đưa khách lưu trú qua
đêm trên Vịnh khi khách đã thực hiện điều 11 của quy định này.
2. Số lượng khách lưu trú qua đêm trên
Vịnh không vượt quá số giường đăng ký. Trường hợp có trẻ em (dưới 12
tuổi) đi cùng thì chỉ được ghép không quá 01 trẻ em/1 phòng và phương tiện phải
có đủ phao cứu sinh, các thiết bị an toàn khác cho số khách ghép này.
3. Phải thực hiện việc neo đậu, thời gian
lưu trú theo quy định.
4. Phải làm thủ tục xin phép rời cảng,
bến, đăng ký lưu trú qua đêm tại các điểm neo đậu và rời điểm neo đậu.
Điều 13. Thời gian
lưu trú, vị trí neo đậu
1. Thời gian lưu trú: là khoảng thời gian tính từ
khi thả neo theo quy định tại khoản 2 điều này đến 6 giờ sáng hôm sau.
2. Thời gian thả neo:
2.1. Mùa hè: Từ 18 giờ 30 (tính từ ngày
16/4 đến hết ngày 31/10 hàng năm);
2.2. Mùa đông: Từ 18 giờ 00 (tính từ ngày
01/11 năm trước đến hết ngày 15/4 năm sau).
3. Vị trí neo đậu: Tại các điểm đã được
sở Giao thông - Vận tải Quảng Ninh công bố và được ghi trong giấy phép rời
cảng, bến.
Điều 14. Thủ tục xin
phép rời cảng, bến
Chủ tàu hoặc thuyền trưởng hoặc người
được ủy quyền hợp pháp phải
làm thủ tục xin cấp giấy phép rời cảng, bến:
1. 02 bản danh sách khách lưu trú qua đêm
trên Vịnh (theo mẫu thống nhất của cơ quan quản lý cảng, bến).
2. Giấy khai báo tạm trú của khách theo
hướng dẫn của cơ quan Công an.
3. Giấy đề nghị cơ quan quản lý
cảng, bến cấp giấy rời cảng có ghi
rõ số lượng khách, lịch trình, địa điểm neo đậu (theo mẫu thống nhất của cơ
quan quản lý cảng, bến).
Toàn bộ giấy tờ trên chuyển tới cơ
quan quản lý cảng, bến.
Điều 15. Thủ tục cấp
Giấy phép rời cảng, bến
Khi nhận được giấy đề nghị cấp giấy
phép rời cảng, bến, cơ quan quản lý cảng, bến tiến hành làm thủ tục sau:
1. Kiểm tra các giấy tờ của tàu, chứng
chỉ, bằng cấp của thuyền viên, danh sách hành khách, danh sách thuyền viên, xác
nhận vào sổ nhật trình, sổ đi lại, các giấy tờ, điều kiện khác theo quy định và
cấp giấy phép rời cảng, bến.
2. Việc cấp giấy phép rời cảng chỉ được
thực hiện tại các cảng, bến được cơ quan có thẩm quyền cho phép, theo đúng quy
định, hành trình, tuyến, luồng, điểm tham quan, điểm neo đậu đã quy định và kết
thúc trước 16 giờ 30 hàng ngày. Thời gian cho phép lưu trú của tàu không quá 02
đêm cho một lần cấp giấy phép rời cảng.
3. Tàu được cấp phép lưu trú 2 đêm, ban đêm phải
thực hiện việc lưu trú như quy định ở Điều 13 của Quy định này; ngoài thời gian
lưu trú nghỉ đêm, tàu được phép đưa khách thăm Vịnh theo tua, tuyến đã quy
định.
Điều 16. Ngừng cấp
giấy phép rời cảng, bến
Cơ quan có thẩm quyền ngừng cấp giấy
phép rời cảng, bến cho tàu lưu trú du
lịch khi:
1. Có tin bão khẩn cấp; thời tiết không
đảm bảo an toàn (sương mù, sóng, gió lớn từ cấp 5 trở lên) theo thông báo của
Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quảng Ninh; thừi tiết diễn biến bất thường, phức
tạp có thể gây mất an toàn cho phương tiện.
2. Số lượng tàu đăng ký tại các điểm neo
đậu đã đủ số lượng theo quy định.
3. Có thông báo của cơ quan quản lý điểm
neo đậu về điều kiện không an toàn, an ninh... tại các điểm neo đậu.
4. Tàu đang chịu chế tài xử lý dừng cấp
giấy phép rời cảng theo Điều 47 của Quy định quản lý hoạt động tàu du lịch ban
hành kèm theo Quyết định số 4117/2005/QĐ-UBND ngày 03-11-2005 của Ủy ban nhân
dân tỉnh Quảng Ninh và Điều 34 của bản Quy định này.
5. Không đáp ứng các điều kiện, tiêu
chuẩn, trình tự thủ tục đối với tàu lưu trú du lịch theo bản Quy định này và các quy định
khác có liên quan.
Điều 17. Đối với tàu
đón khách từ cảng, bến khác ngoài địa bàn thành phố Hạ Long
1. Phải có giấy phép rời cảng, bến do cơ
quan quản lý cảng, bến đó cấp.
2. Chủ tàu, thuyền trưởng chịu trách nhiệm
về an toàn của phương tiện, về số lượng khách, giấy tờ tùy thân của khách.
3. Hướng dẫn khách mua vé tham quan Vịnh
Hạ Long.
4. Khai báo tạm trú và làm các thủ tục
theo quy định tại điểm neo đậu.
Điều 18. Quản lý
phương tiện trên đường vận chuyển
1. Thuyền trưởng phải chịu trách nhiệm điều khiển tàu
đi đúng hành trình, tuyến, luồng, điểm tham quan, điểm neo đậu đã quy định.
2. Trên tàu phải có sổ nhật trình (Theo
mẫu thống nhất được quy định tại phụ lục, sổ nhật trình phải được cơ quan cấp
giấy phép rời cảng đóng dấu giáp lai). Hành trình của tàu phải được ghi chép
đầy đủ chính xác, có xác nhận của cơ quan cấp giấy phép rời cảng và cơ quan
quản lý điểm neo đậu.
3. Thuyền trưởng phải đón, trả khách, neo
đậu đúng điểm đã được ghi trong Giấp phép rời cảng.
Điều 19. Thủ tục đăng
ký đến và rời điểm neo đậu
Khi đến điểm neo đậu, chủ tàu hoặc người
đại diện hợp pháp phải hoàn tất các thủ tục sau với cơ quan quản lý điểm neo
đậu:
1. Thủ tục đăng ký neo đậu:
1.1. Xuất trình Giấy phép rời cảng, danh
sách hành khách đã được cơ quan công an xác nhận; về tham quan
Vịnh Hạ Long hợp lệ của khách du lịch;
1.2. Đăng ký thời điểm kết thúc neo đậu; ký
tên vào sổ đăng ký neo đậu;
1.3. Nộp các loại phí theo quy định.
2. Tại điểm neo đậu:
2.1. Tàu lưu trú du lịch phải được neo bằng
neo của tàu hoặc buộc vào phao neo đã trang bị tại nơi neo đậu;
tuân thủ nội quy và hướng dẫn của cơ quan quản lý điểm neo đậu;
2.2. Căn cứ vào sức chứa và tình hình an
ninh trật tự tại mỗi điểm neo đậu, tàu lưu trú du lịch phải chấp hành sự điều chuyển vị
trí neo đậu của cơ quan quản lý điểm neo đậu.
3. Thủ tục rời điểm neo
đậu:
3.1. Trước khi rời điểm neo
đậu, tàu lưu trú phải có xác nhận của cơ quan quản lý điểm neo đậu vào sổ nhật
trình của tàu;
3.2. Ký tên vào sổ theo dõi neo đậu của cơ
quan quản lý điểm neo đậu;
3.3. Đưa rác đến đúng nơi quy định.
Điều 20. Chuyển tải
khách
1. Những tàu du lịch có mớn nước sâu, khi
thủy triều cạn không thể cập vào cầu cảng được phép chuyển tải khách:
1.1. Nơi chuyển tải: Trong phạm vi vùng
nước thuộc cảng, bến quản lý;
1.2. Chủ tàu hoặc người được ủy quyền hợp pháp
phải làm giấy đề nghị chuyển
tải khách, giấy đề nghị ghi rõ số lượng khách cần chuyển tải, thuyền trưởng tàu
làm nhiệm vụ chuyển tải và có chữ ký của thuyền trưởng tàu chuyển tải (giấy đề
nghị theo mẫu thống nhất của cơ quan quản lý cảng, bến).
2. Chuyển tải khách tại điểm neo đậu lưu
trú:
Là việc chuyển tải khách lưu trú qua
đêm giữa các tàu lưu trú du lịch hoặc giữa tàu lưu trú du lịch và tàu du lịch
chở khách tham quan kết hợp đưa khách
ra tàu lưu trú du lịch.
2.1. Chuyển tải khách giữa các tàu lưu trú
du lịch:
2.1.1. Việc chuyển tải phải được sự đồng ý
của khách lưu trú;
2.1.2. Khách phải thực hiện các nội dung ghi
tại Điều 11 của quy định này trừ các trường hợp khác theo quy định;
2.1.3. Chủ tàu hoặc người đại diện hợp pháp
của các tàu phải làm thủ tục bổ sung việc đến và rời điểm neo đậu với cơ quan
quản lý điểm neo đậu.
2.2. Chuyển tải khách giữa tàu lưu trú du
lịch với tàu chở khách tham quan Vịnh kết hợp đưa khách ra tàu lưu trú du lịch:
2.2.1. Chủ tàu hoặc người đại diện hợp pháp của
tàu chở khách tham quan Vịnh phải làm thủ tục cấp phép đưa khách lưu trú tới tàu lưu trú
du lịch như quy định tại Điều 14 của Quy định này, phải ghi rõ tên tàu lưu trú
du lịch tiếp nhận khách;
2.2.2. Cơ quan quản lý cảng, bến sau khi xem
xét, sẽ cấp giấy phép cho tàu. Giấy phép phải ghi rõ tên tàu lưu trú du lịch;
2.2.3. Tàu lưu trú du lịch sau khi tiếp nhận
khách phải làm thủ tục bổ sung việc đến và rời điểm neo đậu với cơ quan quản lý
điểm neo đậu.
Điều 21. Bảo vệ môi
trường
1. Chất thải trên tàu phải được thu gom,
xử lý và chuyển đến nơi quy định.
2. Không được xả chất thải lỏng, chất
thải rắn ra Vịnh Hạ Long, các loại chất thải nguy hại như sơn, pin, ắc quy,
thuốc diệt côn trùng... phải được thu gom xử lý theo quy định.
3. Trước khi rời điểm
neo đậu, thuyền trưởng có trách nhiệm đưa rác tới nơi đã được cơ quan quản lý
điểm neo đậu quy định.
4. Cơ quan quản lý điểm neo đậu có trách
nhiệm làm vệ sinh, đảm bảo các yêu cầu về môi trường tại các khu vực tàu lưu
trú du lịch neo đậu.
Chương 4.
ĐIỂM
NEO ĐẬU, CƠ QUAN QUẢN LÝ ĐIỂM NEO ĐẬU
Điều 22. Quy định về
điểm neo đậu
1. Là khu vực đã được sở Giao thông Vận
tải Quảng Ninh công bố theo quy định của pháp luật sau khi đã được các ngành
Giao thông vận tải, Công an, Du lịch, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long kiểm tra các
điều kiện hoạt động.
2. Phải có hệ thống phao khống chế neo
đậu, phao neo tàu, biển nội quy, biển được phép neo đậu, các điều kiện khác
theo quy định và được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, cho phép neo đậu.
3. Điều kiện hoạt động, quản lý điểm neo đậu cho
tàu lưu trú du lịch thực hiện theo Quy chế quản lý hoạt động của cảng, bến thủy
nội địa ban hành kèm theo Quyết định số 07/2005/QĐ-BGTVT ngày 07-1-2005 của Bộ
trưởng Bộ Giao thông Vận tải và các quy định pháp luật khác có liên quan.
4. Ban Quản lý Vịnh Hạ Long có trách
nhiệm thành lập đơn vị quản lý điểm neo đậu theo quy định.
Điều 23. Đơn vị quản
lý điểm neo đậu
Đơn vị quản lý điểm neo đậu cho tàu
lưu trú du lịch trên Vịnh Hạ Long trực thuộc Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, thực
hiện việc quản lý trực tiếp tại điểm neo đậu với nhiệm vụ chủ yếu sau:
1. Quản lý cơ sở vật chất tại điểm neo
đậu.
2. Hướng dẫn các tàu có cơ sở lưu trú du
lịch chấp hành nội quy, các quy định về hoạt động kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch
trên Vịnh Hạ Long, về an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường
và các quy định khác có liên quan tại điểm neo đậu.
3. Làm thủ tục đăng ký neo đậu và rời điểm neo
đậu cho tàu lưu trú du lịch theo quy định; điều hành các phương tiện ra vào,
neo đậu tại các điểm neo đậu.
4. Kiểm tra và lập biên bản khi phát hiện
các dấu hiệu vi phạm của tàu lưu trú du lịch tại điểm neo đậu.
5. Bán vé tham quan Vịnh Hạ Long, thu
phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.
6. Hoàn tất các thủ tục hành chính cho tàu
theo quy định tại Điều 19 của bản
Quy định này.
7. Làm đầu mối phối hợp với các cơ quan
liên quan giải quyết các sự cố trên Vịnh, tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo an ninh
trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và phòng cháy chữa cháy.
8. Lập sổ sách theo dõi tình hình hoạt
động của tàu thuyền nghỉ đêm trên Vịnh, định kỳ hàng tháng, quý, năm báo cáo
tình hình hoạt động của tàu thuyền tại các điểm neo đậu.
9. Tổ chức thu dọn vệ sinh, giải quyết
môi trường tại các điểm neo đậu cho tàu lưu trú trên Vịnh.
10. Xác nhận vào danh sách hành khách đối
với tàu từ cảng, bến khác ngoài thành phố Hạ Long đến lưu trú trên Vịnh Hạ
Long.
Chương 5.
TRÁCH
NHIỆM CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN CÓ LIÊN QUAN
MỤC 1. TRÁCH NHIỆM
CỦA CHỦ TÀU, THUYỀN TRƯỞNG, KHÁCH LƯU TRÚ DU LỊCH
Điều 24. Trách nhiệm
của chủ tàu lưu trú du lịch
1. Thực hiện trách nhiệm của chủ tàu du
lịch quy định tại Điều 33 Quy định quản lý hoạt động tàu du lịch ban hành kèm
theo Quyết định số 4117/2005/QĐ-UBND ngày 03-11-2005 của Ủy ban nhân
dân tỉnh Quảng Ninh.
2. Trực tiếp hoặc ủy quyền hợp pháp cho
người đại diện chủ tàu ở trên tàu khi có khách lưu trú, bố trí đủ thuyền viên
và người phục vụ trên tàu.
3. Ký hợp đồng với đơn vị lữ
hành (hoặc với khách du lịch), với đoàn khách đi trên nhiều tàu phải thể hiện
rõ trong hợp đồng.
4. Trực tiếp hoặc liên đới chịu trách
nhiệm liên quan đến hoạt động của tàu lưu trú du lịch.
5. Không để phương tiện đón, trả, chuyển,
ghép, sang nhượng khách trái quy định, số khách lưu trú không vượt quá số
giường đăng ký.
6. Trực tiếp hoặc ủy quyền hợp pháp lập
danh sách, khai báo tạm trú cho khách theo đúng quy định.
7. Các trách nhiệm đã được quy định tại
bản Quy định này và quy định pháp luật khác có liên quan.
Điều 25. Trách nhiệm
của thuyền trưởng tàu lưu trú du lịch
1. Thực hiện trách nhiệm thuyền trưởng
tàu du lịch quy định tại Điều 34 Quy định quản lý hoạt động tàu du lịch ban
hành kèm theo Quyết định số 4117/2005/QĐ-UBND ngày 03-11-2005 của Ủy ban nhân
dân tỉnh Quảng Ninh.
2. Quản lý Sổ nhật trình, ghi chép đầy
đủ, chính xác nội dung trong sổ; lưu trữ sổ nhật trình, danh sách khách nghỉ
lưu trú ít nhất 06 tháng và xuất trình cơ quan chức năng khi có yêu cầu.
3. Chỉ nhận khách có giấy tờ tùy thân hợp lệ, đúng
với danh sách khách đã khai báo tạm trú; phổ biến cho khách các quy định về an
toàn, an ninh trật tự, bảo vệ môi trường.
4. Thực hiện đúng theo lịch trình đã đăng
ký, phải thông báo cho cơ quan quản lý cảng, bến, điểm neo đậu khi có sự thay
đổi lịch trình.
5. Chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh trật
tự, an toàn cho người và tài sản của khách trong suốt hành trình.
6. Đón trả khách, chuyển, ghép, sang
nhượng khách đúng quy định, bố trí khách nghỉ lưu trú không vượt quá số giường
đăng ký.
7. Kiểm tra trang thiết bị an toàn, kỹ
thuật, thông tin liên lạc đảm bảo an toàn trong suốt hành trình.
8. Có phương án cứu nạn cho tàu và khách;
tham gia cứu nạn khi có sự cố đối với các tàu lưu trú khác trong khu vực neo đậu.
9. Các trách nhiệm được quy định tại bản
Quy định này và quy định pháp luật khác có liên quan.
Điều 26. Trách nhiệm
của khách du lịch
1. Có vé tham quan Vịnh Hạ Long hợp lệ (trừ các
trường hợp được miễn vé theo quy định).
2. Thực hiện nội quy quy định tại cảng,
bến, trên tàu du lịch, tại điểm tham quan, tại điểm neo đậu.
3. Giữ gìn môi trường, cảnh quan thiên
nhiên Vịnh Hạ Long.
4. Thanh toán tiền sử dụng
dịch vụ, bồi thường thiệt hại khi gây ra thiệt hại cho tổ chức và cá nhân.
5. Khai báo đầy đủ, chính xác theo yêu
cầu của cơ quan Công an khi làm thủ tục đăng ký tạm trú.
6. Thực hiện quyền và nghĩa vụ quy định
tại Điều 83 Luật Giao thông đường thủy nội địa.
7. Thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác
được quy định tại Quy định này và các quy định pháp luật khác có liên quan.
MỤC 2. TRÁCH NHIỆM
CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
Điều 27.
1. Các cơ quan
quản lý nhà nước trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ động
lập kế hoạch và các biện pháp cụ thể để quản lý hoạt động tàu lưu trú du lịch
trên Vịnh Hạ Long. Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn mọi cơ quan, tổ chức, cá
nhân có liên quan thực hiện.
2. Phối hợp với Ban Quản lý Vịnh Hạ Long
kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quy định
về quản lý tàu lưu trú du lịch trên Vịnh Hạ Long trong phạm vi ngành mình quản
lý.
Điều 28. Trách nhiệm
của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long
1. Chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch
và các ngành có liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉnh sửa, bổ sung các
quy định quản lý tàu lưu trú du lịch.
2. Xây dựng nội quy tại điểm neo đậu cho
tàu lưu trú du lịch.
3. Đầu tư, tu sửa cơ sở vật chất, hạ tầng
cho các điểm neo đậu cho tàu lưu trú du lịch theo Quyết định của Ủy ban nhân
dân tỉnh Quảng Ninh.
4. Là cơ quan thường trực, phối hợp với
các ngành, địa phương có liên quan giải quyết các sự cố xảy ra trên Vịnh Hạ
Long; bố trí phương
tiện để thực hiện việc tìm kiếm, cứu nạn và công tác kiểm tra liên ngành.
5. Chủ trì việc xây dựng mức thu phí neo
đậu, phí môi trường tại các điểm neo đậu, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
6. Quản lý, chỉ đạo cơ quan quản lý điểm
neo đậu thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định.
7. Tham gia thẩm định tàu lưu trú du
lịch.
8. Hợp đồng neo đậu với chủ doanh nghiệp kinh
doanh cơ sở lưu trú trên Vịnh Hạ Long.
9. Kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời
các vi phạm trong hoạt động tàu lưu trú du lịch theo thẩm quyền.
10. Thực hiện các trách nhiệm khác theo
Quy định này và quy định pháp luật khác có liên quan.
Điều 29. Trách nhiệm
của Sở Du lịch
1. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước
đối với hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long.
2. Xây dựng định hướng phát triển cho
loại hình kinh doanh dịch vụ tàu lưu trú trên Vịnh Hạ Long.
3. Chủ trì, phối hợp cùng các ngành thẩm
định tiêu chuẩn, điều kiện cơ sở
lưu trú của tàu du lịch theo quy định tại Chương II của bản Quy định này.
4. Phối hợp với các ngành có liên quan
kiểm tra, thẩm định điểm neo đậu cho tàu lưu trú du lịch.
5. Các trách nhiệm khác theo quy định
pháp luật.
Điều 30. Trách nhiệm
của Công an tỉnh
1. Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước
về an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ đối với hoạt động
kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch trên Vịnh Hạ Long.
2. Phối hợp cùng các ngành chức
năng quản lý hành trình, lịch trình của tàu lưu trú du lịch.
3. Kiểm tra, thẩm định điểm neo đậu cho
tàu lưu trú du lịch.
4. Hướng dẫn, quản lý việc khai báo tạm
trú cho khách lưu trú trên Vịnh Hạ Long.
5. Phối hợp với các ngành
chức năng trong công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm.
6. Các trách nhiệm khác theo quy định
pháp luật.
Điều 31. Trách nhiệm
của Sở Giao thông - Vận tải
1. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước
về giao thông vận tải và quản lý phương tiện thủy nội địa.
2. Chỉ đạo cơ quan quản lý cảng, bến, cơ
quan cấp giấy phép rời cảng thực hiện công tác quản lý, kiểm tra xử lý vi phạm
được quy định tại bản Quy định này và các quy định khác có liên quan.
3. Phối kết hợp với các cơ quan liên quan
kiểm tra, xử lý, thẩm định tàu lưu trú du lịch.
4. Công bố các điểm neo đậu cho tàu lưu
trú du lịch theo quy định hiện hành.
5. Kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền; thực
hiện các trách nhiệm khác đã được pháp luật quy định.
Điều 32. Trách nhiệm
của Sở Tài nguyên - Môi trường
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước
về bảo vệ môi trường; kiểm tra, thẩm định các điều kiện về môi trường, cấp giấy
xác nhận bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường đối với các tàu lưu trú du lịch
trên Vịnh Hạ Long.
Chương 6.
KIỂM
TRA, XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 33. Kiểm tra
hành chính
Thực hiện theo quy định tại Điều 46
của Quy định quản lý tàu du lịch ban hành kèm theo Quyết định số 4117/QĐ-UBND
ngày 03-11-2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh.
Điều 34. Chế tài xử
lý
1. Cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định
của Nhà nước sẽ bị xử lý theo pháp luật, tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử
phạt hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra phải chấp hành các
hình thức xử lý sau đây:
1.1. Các chế tài xử lý theo quy định tại
Điều 47 bản Quy định quản lý tàu du lịch ban hành kèm theo Quyết định số
4117/2005/QĐ-UBND ngày 03-11-2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh.
1.2. Dừng cấp giấy phép rời cảng để vận
chuyển khách du lịch và kinh doanh hoạt động lưu trú của tàu 10 ngày nếu chủ
tàu, người được chủ tàu giao quyền quản lý, điều hành hoặc thuyền viên, người làm việc
trên tàu có một trong các vi phạm sau đây:
1.2.1. Không chấp hành nội quy, quy định tại
điểm neo đậu.
1.2.2. Đón trả khách, chuyển tải không đúng
nơi quy định; không có xác nhận của bến đi, bến đến, tổ quản lý điểm
neo đậu vào sổ nhật trình.
1.2.3. Không chấp hành sự điều động của cảng,
bến,
điểm
tham quan, cơ quan quản lý điểm neo đậu.
1.2.4. Tàu không duy trì các điều kiện về cơ
sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện khác được quy định tại các điều:
4, 5, 6, 7, 8, 10 của Quy định này; nhân viên làm việc trên tàu không đáp ứng
các điều kiện được quy định tại Điều 9 của bản Quy định này.
1.2.5. Không có biện pháp bảo đảm an toàn về
sức khỏe, tính mạng, tài sản của khách.
1.2.6. Không phân công thuyền viên, nhân viên
thường trực 24/24 giờ khi có khách lưu trú; không quản lý khách theo đúng
chương trình, hành trình đã đăng ký.
1.2.7. Khai báo tạm trú không khớp với giấy
tờ tùy thân của khách; khi thay đổi chương trình, hành trình không thông báo với cơ quan cấp
giấy phép rời cảng.
1.2.8. Không phổ biến cho khách biết các quy
định về an toàn, an ninh trật tự, bảo vệ môi trường; không lưu trữ đúng quy
định hồ sơ, giấy tờ của khách; không ghi chép đầy đủ, chính xác các thông tin
vào sổ nhật trình của tàu.
1.2.9. Không đổ rác trước khi tàu lưu trú du
lịch rời điểm neo đậu.
1.3. Dừng cấp giấy phép rời cảng để vận
chuyển khách du lịch và kinh doanh hoạt động lưu trú của tàu 20 ngày nếu chủ
tàu, người được chủ tàu giao quyền quản lý, điều hành hoặc thuyền viên; người
làm việc trên tàu có một trong các vi phạm sau đây:
1.3.1. Tàu neo đậu không đúng nơi quy định
(các điểm không được ghi trong giấy phép rời cảng trừ trường hợp được cơ
quan quản lý điểm neo đậu cho phép; chưa được sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh
công bố).
1.3.2. Số khách lưu trú trên tàu vượt quá số
lượng được phép theo quy định.
1.3.4. Sang nhượng khách, ghép các đoàn khách
trái quy định.
1.3.4. Khách lưu trú trên tàu không có giấy
tờ tùy thân hợp lệ, giấy tờ
tùy thân là bản phô tô.
1.4. Dừng cấp giấy phép rời cảng để vận
chuyển khách du lịch và kinh doanh hoạt động lưu trú của tàu 30 ngày nếu chủ
tàu, người được chủ tàu giao quyền quản lý, điều hành hoặc thuyền viên, người
làm việc trên tàu có một trong các vi phạm sau đây:
1.4.1. Kinh doanh đón khách lưu trú trái phép
trên tàu.
1.4.2. Đón khách lưu trú trên tàu nhưng không
khai báo tạm trú.
2. Người có nhiều hành vi vi phạm được
quy định tại điểm 1.1, 1.2, 1.3, 1.4, khoản 1 Điều 34 của Quy định này sẽ bị xử
lý về từng hành vi vi phạm, mức xử phạt chung là tổng mức phạt
cho từng hành vi.
Chương 7.
ĐIỀU
KHOẢN THI HÀNH
Điều 35. Mọi cơ quan, tổ chức,
cá nhân có liên quan đến hoạt động lưu trú du lịch trên Vịnh Hạ Long phải chấp
hành nghiêm chỉnh quyết định này, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của
pháp luật.
Điều 36. Trong quá
trình thực hiện bản Quy định này, nếu có vướng mắc hoặc có vấn đề không phù
hợp, các đơn vị báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua Ban Quản lý Vịnh Hạ Long
để tổng hợp, nghiên cứu trình Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung.
Điều 37. Giao cho ban
Quản lý Vịnh Hạ Long chủ trì tổ chức hướng dẫn thực hiện bản Quy định này và
tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân
dân tỉnh.