ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
3868/2010/QĐ-UBND
|
Hà
Giang, ngày 07 tháng 12 năm 2010
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ƯỚC MẪU CỦA THÔN, BẢN, TỔ DÂN PHỐ TRÊN
ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và
UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg ngày 19 tháng 6 năm 1998 của Thủ tướng Chính
phủ về việc xây dựng và thực hiện Hương ước, Quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm
dân cư;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 03/2000/TTLT-BTP-BVHTT-BTTUBTWMTTQ VN ngày 31
tháng 3 năm 2000 của Liên Bộ Tư Pháp - Bộ Văn hoá Thông tin - Ban Thường trực Uỷ
ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc hướng dẫn việc xây dựng và thực
hiện Hương ước, Quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 04/2001/TTLT-BTP-BVHTT-BTTUBTWMTTQ VN-UBQGDS-KHHGĐ
ngày 9 tháng 7 năm 2001 của Bộ Tư pháp - Bộ Văn hoá Thông tin - Ban Thường trực
Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Uỷ ban Quốc gia dân số - Kế hoạch
hoá gia đình hướng dẫn bổ sung Thông tư liên tịch số
03/2000/TTLT/BTP-BVHTT-BTTUBTWMTTQVN xây dựng và thực hiện Hương ước, Quy ước của
làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư về việc thực hiện chính sách dân số - kế hoạch
hoá gia đình;
Căn cứ Thông tư số 70/2007/TT-BNN ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Bộ Nông nghiệp
và Phát triển Nông thôn về việc hướng dẫn xây dựng và tổ chức thực hiện Quy ước
Bảo vệ và phát triển rừng trong cộng đồng dân cư thôn;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư Pháp, tại Tờ trình số 621/TTr-STP ngày 21 tháng
9 năm 2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo
Quyết định này bản Quy ước mẫu của thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Hà
Giang.
Điều 2. Căn cứ Quy ước mẫu
này, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các xã, phường,
thị trấn tổ chức rà soát lại các Quy ước của thôn, bản, tổ dân phố đã ban hành,
nếu Quy ước nào chưa đảm bảo về nội dung, chưa phù hợp với điều kiện kinh tế -
xã hội, trình độ dân trí của thôn, bản, tổ dân phố hoặc có nội dung trái pháp
luật thì phải sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành một Quy ước mới trên cơ sở căn cứ
vào bản Quy ước mẫu này.
Điều 3. Quyết định này có
hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Uỷ
ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Tư pháp, Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Tài
nguyên và Môi trường, Lao động Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Chi cục Dân
số - Kế hoạch hoá gia đình tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố
căn cứ Quyết định thi hành./.
|
TM.
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
Đàm Văn Bông
|
QUY ƯỚC (MẪU)
CỦA THÔN, BẢN HOẶC TỔ DÂN PHỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3868/2010/QĐ-UBND ngày 07 tháng 12 năm 2010
của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Giang)
LỜI
NÓI ĐẦU
(Nội dung này
của Quy ước nêu khái quát đặc điểm về địa lý, dân số, lịch sử, truyền thống,
phong tục, tập quán tốt đẹp, hoạt động kinh tế xã hội và tình hình thực tiễn của
từng thôn, bản, tổ dân phố (sau đây gọi chung là thôn)
Để giữ gìn và
phát huy các thuần phong mỹ tục của quê hương, đề cao các chuẩn mực đạo đức và
tập quán tốt đẹp của dân tộc; xoá bỏ các hủ tục lạc hậu; phát triển các hình thức
hoạt động văn hoá lành mạnh, xây dựng đời sống văn hoá, văn minh và tiến bộ xã
hội; phát huy tình làng nghĩa xóm, đoàn kết, tương thân, tương ái, hỗ trợ giúp
đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư; thực hiện tốt cuộc vận động: “Toàn dân đoàn
kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”.
Để đạt được
những mục tiêu tốt đẹp mà thôn mong muốn; tiến tới xây dựng thôn trở thành một
đơn vị văn hoá. Nay thôn….. xây dựng bản Quy ước để toàn thể nhân dân thực hiện
như sau:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi áp dụng
Quy ước này
quy định về các chuẩn mực xử sự của các hộ gia đình, cá nhân trong Thôn như: về
phát triển kinh tế - xã hội, về nếp sống văn hóa, quy định về việc cưới, việc
tang, việc lễ, hội; quy định về an ninh, trật tự, quy định về bảo vệ các công
trình công cộng, vệ sinh môi trường và bảo vệ phát triển rừng…
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Các hộ gia
đình, cá nhân sinh sống trên địa bàn thôn không phân biệt giới tính, dân tộc, độ
tuổi, trình độ chính trị, văn hoá, tôn giáo, hộ khẩu thường trú hay tạm trú đều
được hưởng mọi quyền lợi và nghĩa vụ như nhau. Đồng thời phải chấp hành tốt các
điều khoản trong bản Quy ước này.
Chương II
VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ
XÂY DỰNG CƠ SỞ HẠ TẦNG
Điều 3. Về phát triển kinh tế
1. Phát triển
kinh tế, nâng cao đời sống là quyền và trách nhiệm của mỗi người. Mọi người
trong thôn có trách nhiệm giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh, giúp
nhau vay vốn giải quyết việc làm, truyền đạt kinh nghiệm tăng năng suất và chất
lượng trong sản xuất và kinh doanh.
2. Tổ chức tốt
cuộc vận động toàn dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ, quản lý
và sử dụng đất đai có hiệu quả, đúng mục đích; chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng
vật nuôi theo đúng quy định của pháp luật. Tăng cường áp dụng các biện pháp
khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa các giống cây con có năng suất cao theo hướng
sản xuất hàng hoá, tạo công ăn việc làm để tăng thêm thu nhập cho người dân. Hoạt
động sản xuất, kinh doanh của các hộ gia đình, cá nhân phải gắn với việc bảo vệ
sản xuất kinh doanh và không làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của người
khác.
3. Khuyến
khích mọi người, mọi nhà làm giàu chính đáng, mở mang ngành nghề, dịch vụ, nuôi
trồng thuỷ sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm... hoặc các hình thức làm kinh tế
khác nhưng phải chấp hành đầy đủ nghĩa vụ theo quy định của pháp luật và chịu sự
quản lý của chính quyền địa phương.
4. Nghiêm cấm
việc sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, sử dụng các loại hàng cấm, hàng
lậu, hàng giả theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Về xây dựng cơ sở hạ tầng
1. Khi xây dựng
cơ sở hạ tầng của thôn phải tiến hành các bước theo đúng quy hoạch, trình tự của
quy chế dân chủ ở cơ sở. Nếu số người được triệu tập họp không đủ thì thôn tiến
hành phát phiếu tới từng hộ để lấy ý kiến, nếu đa số tán thành thì việc xây dựng
cơ sở hạ tầng mới được thông qua và mọi người phải chấp hành.
2. Các khoản
đóng góp xây dựng các công trình công cộng, xây dựng cơ sở vật chất chung của
thôn phải được bàn bạc thống nhất trong thôn thông qua cuộc họp của toàn thể
nhân dân và được đa số các hộ gia đình, cá nhân nhất trí, thì các hộ gia đình,
cá nhân phải nghiêm túc tuân thủ, đóng góp kịp thời, tránh không thực hiện làm ảnh
hưởng đến kế hoạch xây dựng công trình hoặc chương trình
chung.
Chương III
VỀ NẾP SỐNG VĂN HOÁ
Điều 5. Xây dựng nếp sống văn hoá
1. Mọi người
trong thôn phải tôn trọng sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chi bộ Đảng, sự quản lý của
Ban Quản lý thôn. Tham gia sinh hoạt các tổ chức, đoàn thể phù hợp với độ tuổi
và điều kiện của mỗi người.
a) Chấp hành
tốt quy định sinh hoạt của thôn về họp thôn. Chủ hộ phải tham gia họp, nếu bận
phải cử người trong gia đình đi thay (người đi họp thay phải từ 18 tuổi trở
lên) trừ trường hợp ốm đau, bất khả kháng.
b) Hàng năm
các hộ gia đình, cá nhân phải đóng góp các khoản quỹ của thôn đầy đủ (trừ các đối
tượng thuộc diện miễn, hoãn). Nếu hộ gia đình nào vi phạm không có lý do chính
đáng thì không được xét công nhận “Gia đình văn hoá”.
2. Luôn giữ
gìn mối quan hệ láng giềng thân thiện, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong sinh hoạt,
lúc khó khăn hoạn nạn, tôn trọng quyền lợi cuộc sống riêng của mỗi gia đình, giải
quyết tốt các mâu thuẫn và quyền lợi trong thôn với ý thức xây dựng tình làng
nghĩa xóm chân thành, thẳng thắn, tế nhị, trung thực, dân chủ và bình đẳng.
Quan tâm chăm
sóc các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, thương binh, bệnh binh,
gia đình liệt sỹ, người tàn tật, người già cô đơn không nơi nương tựa, người
nghèo có hoàn cảnh khó khăn.
Điều 6. Xây dựng gia đình văn hoá
1. Các thành
viên trong gia đình phải biết tôn trọng, thương yêu nhau. Mỗi thành viên phải
biết hướng thiện, biết cảm thông và sống vị tha, cư xử đúng với vị trí của
mình, có nếp sống lành mạnh, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao. Giáo dục
nề nếp gia phong, dòng họ có ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá,
truyền thống tốt đẹp của gia đình và dòng họ. Tự hoà giải các mâu thuẫn, xích
mích trong gia đình, tránh làm liên lụy đến cộng đồng, thôn.
2. Vợ, chồng
sống chung thuỷ, hoà thuận, bình đẳng, tôn trọng, chia sẻ và giúp đỡ nhau trong
mọi công việc. Có trách nhiệm nuôi dạy con cái và tạo điều kiện cho con cái
phát triển cả về mặt thể lực và trí lực, chịu trách nhiệm đối với hành vi của
con cái khi con cái chưa đến tuổi thành niên. Cùng nhau xây dựng gia đình ấm
no, tiến bộ, hạnh phúc.
3. Con cháu
hiếu thảo, kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông, bà, cha, mẹ.
4. Ông, bà sống
gương mẫu, chăm lo, dạy bảo con, cháu trở thành người có ích cho xã hội.
5. Đoàn kết
xóm giềng, tham gia các hoạt động hoà giải, tương trợ giúp đỡ nhau trong lao động,
sản xuất, khi khó khăn, hoạn nạn, xoá đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo
từ thiện ở cộng đồng.
6. Xây dựng
kinh tế gia đình ổn định, tiêu dùng hợp lý, tiết kiệm, có kế hoạch phát triển
kinh tế gia đình, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các thành viên.
Điều 7. Dân số - Kế hoạch hoá gia đình
1. Mỗi cặp vợ,
chồng chỉ đẻ 1 hoặc 2 con, không sinh con thứ 3. Khoảng cách giữa hai lần sinh
nên từ 3 năm đến 5 năm. Độ tuổi sinh đẻ nên từ 22 tuổi đến 35 tuổi.
Trường hợp vợ,
chồng hoặc cả hai vợ, chồng trước khi lấy nhau đã có con riêng chỉ được sinh 1
con (trừ trường hợp sinh đôi, sinh ba…).
2. Mỗi cặp vợ,
chồng chủ động, tự nguyện sử dụng biện pháp tránh thai để thực hiện kế hoạch
hoá gia đình.
3. Cặp vợ, chồng
nào sinh con thứ 3 trở lên phải chịu phê bình trước toàn thể nhân dân và không
được xét công nhận “gia đình văn hoá” trong 2 năm.
Điều 8. Giáo dục, chăm sóc bà mẹ và trẻ em
1. Người mẹ
trong thời kỳ mang thai cần đi khám thai ít nhất 3 lần, được tiêm phòng uốn ván
và uống viên sắt đầy đủ. Khi sinh con nên đến cơ sở y tế. Trường hợp nếu sinh
con ở nhà phải mời bà đỡ đã được đào tạo hoặc nhân viên y tế thôn bản để đảm bảo
an toàn cho cả mẹ và con.
2. Trẻ em phải
được tiêm chủng đầy đủ, được chăm sóc nuôi dưỡng tốt nhất trong khả năng của mỗi
gia đình để trẻ em không bị suy dinh dưỡng.
3. Các hộ gia
đình có con, em đến tuổi đi học, trong độ tuổi đi học phải tạo điều kiện để
con, em đến trường học tập. Không được để con, em bỏ học giữa chừng. Ông, bà,
cha, mẹ phải có trách nhiệm cùng nhà trường theo dõi, dạy dỗ con cháu học tập,
rèn luyện đạt kết quả cao. Nếu con, em có khuyết điểm gia đình phải chịu trách
nhiệm dạy bảo để sửa chữa ngay.
4. Nếu hộ gia
đình nào để con, em bỏ học hoặc không cho con em đi học đúng độ tuổi quy định sẽ
bị nhắc nhở, phê bình trước cuộc họp toàn thôn.
5. Nghiêm cấm
hộ gia đình vi phạm quyền trẻ em và trẻ em, vi phạm pháp luật. Không để trẻ em
bị lạm dụng tình dục, trẻ em tham gia lao động nặng nhọc, độc hại và bị ảnh hưởng
các tệ nạn xã hội khác.
Điều 9. Phát triển văn hoá văn nghệ, thông tin, thể dục, thể
thao
1. Các hộ gia
đình phải tạo điều kiện cho các thành viên trong gia đình được xem các buổi diễn
văn nghệ, diễn đàn; đọc sách báo, nghe đài phát thanh, theo dõi truyền hình;
tham gia sinh hoạt văn hoá, thể dục, thể thao phù hợp với lứa tuổi của mình để
rèn luyện sức khoẻ, tìm hiểu thế giới, phát triển toàn diện về thể chất và tinh
thần.
2. Hàng năm
vào dịp đầu xuân thôn tổ chức các cuộc vui chơi, giải trí, thi văn hoá, văn nghệ,
thể dục, thể thao phù hợp với phong tục tập quán và điều kiện thực tế như:
a) Tổ chức ca
hát mừng Đảng, mừng xuân, mừng quê hương, đất nước đổi mới, phát triển;
b) Tổ chức
thi: Ném còn, múa sạp, chọi trâu, kéo co, bắn nỏ, bóng chuyền, bóng đá, cầu
lông, cờ tướng, cờ vua, nhảy cao, nhảy xa, xà đơn, xà kép… phù hợp với lứa tuổi.
3. Nhân dân
trong thôn phải có trách nhiệm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
4. Khuyến
khích mọi người trong thôn tham gia các cuộc thi đấu thể dục, thể thao do xã,
huyện, tỉnh, trung ương và quốc tế tổ chức.
Điều 10. Nghiêm cấm việc buôn
bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng các loại văn hoá phẩm đồi trụy và kích động
bạo lực. Không mở to các loại loa có công suất lớn làm ảnh hưởng đến các hộ gia
đình xung quanh. Các hàng quán hoạt động về đêm không làm ảnh hưởng đến hàng
xóm.
Chương IV
VỀ VIỆC CƯỚI, VIỆC TANG,
LỄ TẾT
Điều 11. Về việc cưới
1. Tổ chức việc
cưới phải đảm bảo theo đúng quy định của Luật Hôn nhân và gia đình như:
a) Nam từ 20
tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên mới được kết hôn, trước khi tổ chức lễ cưới
đôi nam nữ phải đến Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn làm thủ tục đăng ký kết
hôn theo đúng quy định;
b) Không tổ
chức cưới tảo hôn hoặc vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng;
c) Không được
ép buộc, gả bán hoặc khôi phục những thủ tục lạc hậu.
2. Tổ chức
đám cưới phải trang trọng, vui tươi, lành mạnh, phù hợp với phong tục, tập
quán, bản sắc văn hoá của từng dân tộc và hoàn cảnh kinh tế của từng gia đình,
đảm bảo yêu cầu tiết kiệm, tránh phô trương hình thức, gây lãng phí, hạn chế cỗ
bàn, hạn chế các tục lệ không cần thiết. Khuyến khích tổ chức lễ cưới hỏi theo
nếp sống mới, tổ chức hình thức cưới tiệc trà, văn nghệ và báo hỷ sau ngày cưới
thay cho tổ chức tiệc mặn tại gia đình.
3. Trong đám
cưới không nên uống rượu say. Không được sử dụng các thiết bị âm thanh gây tiếng
ồn vượt quá mức quy định của pháp luật làm ảnh hưởng đến xung quanh và trật tự
công cộng. Không được mở loa đài, băng đĩa nhạc sau 22 giờ và trước 6 giờ sáng.
Điều 12. Về việc tang
1. Khi có người
qua đời các gia đình phải thông báo với Trưởng hoặc Phó thôn để thôn thông báo
cho nhân dân trong thôn biết và gia đình có người chết phải đến UBND xã để làm
thủ tục khai tử. Khi nhận được thông báo các hộ gia đình nên bố trí người đến
giúp đỡ gia đình có tang khâm liệm, chuẩn bị mọi thứ cho tang lễ.
2. Việc tổ chức
tang lễ chu đáo, trang nghiêm, gọn nhẹ, tiết kiệm phù hợp với phong tục tập
quán, bản sắc văn hoá và hoàn cảnh của từng gia đình.
a) Khi tổ chức
tang lễ không nên giết nhiều trâu, bò, ngựa... Không tổ chức ăn uống linh đình,
không nên uống ruợu trong đám tang.
b) Không được
để thi hài người quá cố quá 48 giờ. Trường hợp chết do bệnh dịch lây nhiễm nguy
hiểm thì phải tổ chức chôn cất ngay theo quy định của Bộ Y tế. Nếu hộ nào vi phạm
thì lập biên bản đề nghị cấp có thẩm quyền giải quyết.
c) Không sử dụng
kèn trống, nhạc tang sau 22 giờ và trước 6 giờ sáng. Không nên đốt rải vàng mã,
tiền âm phủ khi đưa tang tránh ô nhiễm môi trường.
d) Các tuần
tiết trong việc tang như cúng lễ 3 ngày, 49 ngày, 100 ngày, giỗ đầu và cải táng
chỉ tổ chức trong nội bộ gia đình, họ tộc và người thân.
3. Đối với những
người không có hộ khẩu thường trú tại địa phương, khi qua đời gia đình có nguyện
vọng tổ chức lễ tang và an táng tại địa phương thì thân nhân phải thông báo cho
Trưởng thôn và xin phép Uỷ ban nhân dân xã và phải chấp hành đầy đủ các quy định
về tang lễ cũng như tập quán của nhân dân địa phương.
Điều 13. Về tổ chức ngày lễ, tết, giỗ, ngày hội, ngày mừng thọ…
1. Trong các
dịp ngày lễ, tết, giỗ, ngày hội, ngày mừng thọ… là dịp hội tụ con cháu gần, xa
về quê hương. Các gia đình, dòng họ cần thông qua dịp này để nhắc nhở, dạy bảo
con cháu nhớ về cội nguồn, tình cảm, trách nhiệm với gia đình, quê hương, thôn,
xóm. Biểu dương khuyến khích những việc làm tốt, phê bình những biểu hiện tiêu
cực.
Việc tổ chức
ngày lễ, tết, giỗ, ngày hội… phải gọn nhẹ, không phô trương, linh đình, không
kéo dài thời gian.
Các gia đình
có ông, bà, cha, mẹ đến tuổi lên lão (từ 70 tuổi trở lên) vào các năm chẵn (như
70 tuổi, 75 tuổi, 80 tuổi…) thì báo cáo với Ban Quản lý thôn và Chi hội người
cao tuổi để tổ chức mừng thọ vào dịp đầu xuân để thể hiện lòng tôn kính và hiếu
thảo của con cháu đối với người cao tuổi trong gia đình.
2. Lễ hội là
sinh hoạt văn hoá tinh thần thể hiện tập quán, truyền thống tốt đẹp của nhân
dân. Khi mở lễ hội phải được sự đồng ý, hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm
quyền mới được tổ chức. Mọi người trong thôn có trách nhiệm tham gia lễ hội.
Khi tổ chức lễ hội phải thực hành tiết kiệm, không làm ảnh hưởng đến sản xuất,
an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Không được lợi dụng lễ hội để hoạt động
mê tín dị đoan và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Người nào gây
cản trở hoạt động của lễ hội thì bị phê bình trước cuộc họp toàn thôn.
Điều 14. Phòng chống hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan trong
sinh hoạt văn hóa tâm linh
Các sinh hoạt
văn hoá tâm linh, tổ chức hiếu, hỷ, thờ cúng phải phù hợp với phong tục tập
quán, đảm bảo phát huy truyền thống văn hoá. Trường hợp gia đình có người ốm
đau phải đưa đi chữa trị tại các cơ sở y tế, không nên dùng các biện pháp cúng
bái thay thế cho việc chữa trị y học.
Cấm việc lợi
dụng các sinh hoạt văn hoá tâm linh để hoạt động mê tín dị đoan. Người nào vi
phạm bị khiển trách, nhắc nhở trước cuộc họp toàn thôn và lập biên bản đề nghị
cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Chương V
VỀ AN NINH TRẬT TỰ
Điều 15. Việc đăng ký hộ tịch, hộ khẩu
1. Về đăng ký
hộ tịch
a) Các trường
hợp khai sinh, khai tử, kết hôn, nuôi con nuôi, nhận cha, mẹ, con phải đăng ký
tại UBND xã theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
b) Trẻ em khi
sinh ra phải làm thủ tục đăng ký khai sinh trong vòng 60 ngày.
c) Việc kết
hôn phải được đăng ký trước khi hai bên gia đình nam, nữ tổ chức đám cưới hoặc
trước khi hai bên nam, nữ chung sống với nhau.
d) Việc giám
hộ phải được đăng ký sau khi nhận giám hộ.
đ) Việc nhận
cha, mẹ, con phải được đăng ký trước khi cha, mẹ, con về chung sống với nhau.
2. Về đăng ký
hộ khẩu
a) Sau khi
đăng ký hộ tịch phải thực hiện đăng ký hộ khẩu trong các trường hợp sau:
- Trẻ em sau
khi đăng ký khai sinh còn cư trú tại địa phương;
- Đăng ký nhập
khẩu trong trường hợp vợ hoặc chồng về sống chung với nhau;
- Con nuôi về
sống chung với cha mẹ nuôi; con về ở với cha, mẹ hoặc cha, mẹ về ở với con;
- Người được
giám hộ về sống chung với người giám hộ;
- Đối với trường
hợp khai tử phải làm thủ tục theo quy định của pháp luật.
b) Khi có người
chuyển đến cư trú lâu dài phải thực hiện đăng ký nhập khẩu, nếu có người chuyển
đi phải thực hiện đăng ký chuyển khẩu.
c) Công dân của
thôn đi làm ăn xa hoặc có việc cần đi xa dài ngày phải kê khai tạm vắng và xin
giấy chứng nhận của chính quyền địa phương.
Hộ gia đình
có người lạ lưu trú qua đêm phải báo với Trưởng thôn, nếu không báo, khi có vụ
việc đáng tiếc xảy ra hộ có người lưu trú phải chịu trách nhiệm trước thôn và
trước pháp luật.
3. Nếu ai vi
phạm các quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này sẽ bị phê bình trước cuộc họp
toàn thôn và sẽ bị thôn lập biên bản để đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo
quy định của pháp luật.
Điều 16. Giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội
1. Tất cả mọi
người có trách nhiệm xây dựng và giữ gìn an ninh trật tự trong thôn xóm. Không
phát ngôn trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của
nhà nước, thuần phong mỹ tục, tập quán tốt đẹp của quê hương, đất nước.
2. Mọi cá
nhân không được có các hành vi làm hư hại công trình công cộng. Không được kích
động gây chiến tranh tâm lý, gây rối trật tự, làm mất đoàn kết, gây gổ hằn thù,
đánh chửi nhau. Nghiêm cấm tàng trữ, mua bán, sử dụng vũ khí, hung khí, chất nổ.
Không dùng chất nổ, xung điện, kích điện để đánh cá. Nghiêm cấm đánh bạc, chứa
bạc dưới mọi hình thức. Có ý thức đấu tranh phòng và chống các tệ nạn trộm cắp,
rượu chè bê tha, hút trích ma tuý, mại dâm, truyền bá, kích động văn hoá phẩm đồi
trụy.
3. Khi phát
hiện kẻ gian, kẻ gây rối, những người có hành vi vi phạm pháp luật phải báo
ngay cho Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ an ninh.
a) Những người
vi phạm pháp luật dưới 16 tuổi nếu gây thiệt hại, thì cha mẹ có trách nhiệm bồi
thường thiệt hại. Nếu người trên 16 tuổi thì phải xử lý theo pháp luật và Quy ước
của thôn.
b) Mọi người,
mọi nhà phải tự bảo vệ tài sản riêng của mình. Ban đêm hoặc khi đi vắng phải
đóng cổng, khoá cửa đề phòng kẻ gian.
c) Mọi hoạt động
ban đêm sau 22 giờ không được gây ồn ào ảnh hưởng đến người khác.
4. Mọi tranh
chấp về quyền lợi, mâu thuẫn cá nhân phải được hoà giải ở thôn. Đơn thư khiếu
kiện của công dân phải gửi đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định
của Luật Khiếu nại tố cáo, không được gửi vượt cấp khi cấp cơ sở chưa giải quyết
hoặc giải quyết chưa xong; không lôi kéo để khiếu kiện vượt cấp, đông người.
5. Nếu ai vi
phạm các quy định từ khoản 1 đến khoản 4 Điều này thì bị thôn lập biên bản để đề
nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 17. Phòng cháy, chữa cháy
Mọi người, mọi
nhà đều phải có ý thức phòng cháy, chữa cháy. Không để cho trẻ em chơi, nghịch
lửa. Khi xảy ra hoả hoạn các gia đình, cá nhân phải cùng nhau chống hoả. Khi
vào rừng không đốt lửa, hút thuốc.
Điều 18. Dùng điện
1. Các hộ dùng
điện phải sử dụng thiết bị điện bảo đảm an toàn cho người. Chấp hành nghiêm chỉnh
các quy định của ngành điện về an toàn sử dụng điện. Không được buộc trâu, bò,
ngựa… vào cột điện. Không thả diều, đá bóng… gần hoặc dưới đường dây điện.
2. Cột bắc
dây điện phải cao từ 4m đến 5m, chôn vững chắc, không được dùng dây trần.
3. Nếu ai vi
phạm các quy định từ khoản 1, khoản 2 Điều này lần đầu sẽ bị phê bình trước cuộc
họp toàn thể thôn. Vi phạm từ lần thứ hai trở đi sẽ bị lập biên bản để đề nghị
cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Chương VI
VỀ BẢO VỆ CÔNG TRÌNH
CÔNG CỘNG, VỆ SINH, MÔI TRƯỜNG VÀ BẢO VỆ, PHÁT TRIỂN RỪNG
Điều 19. Về bảo vệ các công trình công cộng
1. Mọi người
trong thôn phải có trách nhiệm bảo vệ các công trình công cộng của thôn như:
Trường học, nhà văn hoá, sân vận động, đường giao thông, di tích lịch sử, văn
hoá, đường dây tải điện, hệ thống truyền thanh, hệ thống tiêu thoát nước và các
công trình khác.
2. Các công
trình và tài sản phúc lợi tập thể, các trục đường giao thông, mương máng, không
ai được sửa đổi lấn chiếm. Không được viết, vẽ bậy, bôi bẩn lên tường nhà, tường
bao và những nơi công cộng khác. Ai vi phạm thì bị buộc khôi phục lại tình trạng
ban đầu và lập biên bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.
3. Không được
ngăn mương máng để thả vịt, ngan, ngỗng hoặc ngâm vật liệu, ngăn đắp làm bệ
môtơ phát điện... Ai vi phạm buộc phải tháo dỡ và khôi phục lại tình trạng ban
đầu.
4. Khi xây dựng
các công trình: Nhà ở, tường bao... không được lấn chiếm đất công, phải đảm bảo
khoảng cách không gian, đảm bảo an toàn cho công trình tập thể, nhân dân. Nếu
ai vi phạm sẽ phải bồi thường thiệt hại và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
5. Nghiêm cấm
việc đào, phá và lấy đất gần đường trục, cầu cống để bảo vệ đường giao thông trong
thôn và các tuyến đường chung trên địa bàn thôn, không để các loại vật liệu
trên đường làm cản trở giao thông đi lại và ảnh hưởng đến tuổi thọ của đường.
Điều 20. Giữ gìn vệ sinh, môi trường
1. Mọi gia
đình và cá nhân đều phải có trách nhiệm giữ gìn vệ sinh môi trường. Các hộ gia
đình trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt không được vứt các loại
bao bì, rác phế thải, không được để các loại nước thải chưa qua xử lý ra nơi
công cộng gây ô nhiễm môi trường.
2. Mọi người
phải có ý thức giữ gìn sức khoẻ cho mình và những người thân, phải thực hiện ăn
chín, uống sôi, tẩm màn và tiêm phòng đúng định kỳ theo quy định của cơ sở y tế
để phòng chống dịch bệnh. Làm tốt công tác vệ sinh môi trường, đường làng ngõ
xóm sạch đẹp, phát quang bờ, bụi, quét dọn đường giao thông.
3. Các hộ gia
đình ở trên địa bàn thôn phải có công trình vệ sinh (hố tiêu, nhà xí) sạch sẽ,
kín đáo. Giếng, bể nước, nhà tắm… hợp vệ sinh. Các xác chết động vật phải được
chôn lấp cẩn thận, không được vứt bừa bãi trên nguồn nước làm ô nhiễm môi trường.
4. Các hộ gia
đình, cá nhân phải dùng nước sạch để sinh hoạt.
Điều 21. Về dịch bệnh
1. Mọi gia
đình đều phải chấp hành tốt các quy định của Pháp lệnh thú y như:
a) Tiêm phòng
đầy đủ cho đàn gia súc, gia cầm.
b) Thực hiện
các biện pháp (phòng là chính) để không phát sinh và lây lan dịch bệnh.
2. Đối với
gia súc, gia cầm bị bệnh, bị dịch không được buôn bán, vận chuyển, giết mổ. Khi
phát hiện bị bệnh dịch phải báo cáo với Ban Quản lý thôn để tổ chức tiêu huỷ
tránh lây lan dịch bệnh.
Điều 22. Về chăn, thả gia súc, gia cầm
1. Các hộ gia
đình, cá nhân chăn nuôi gia súc, gia cầm được Ban Quản lý thôn và cơ quan có thẩm
quyền tạo điều kiện để phát triển, nhưng phải phù hợp với tập quán, truyền thống
và không gây ảnh hưởng đến cây trồng, hoa màu của người khác. Đối với ruộng
lúa, ngô nghiêm cấm chăn thả gia súc, không được chăn thả gia cầm ở ruộng mạ và
vùng lúa mới cấy. Nếu người nào vi phạm thì bị phê bình trước cuộc họp của toàn
thôn và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.
2. Trâu, bò,
ngựa, dê... của các hộ gia đình, cá nhân phải được chăn dắt cẩn thận. Ban đêm
phải nhốt vào chuồng. Nếu để trâu, bò, ngựa, dê… đi phá ruộng vườn, phá nương của
người khác tùy theo mức độ thiệt hại thì phải bồi thường.
Điều 23. Về bảo vệ, và phát triển rừng
1. Công tác bảo
vệ rừng
a) Mọi người
trong thôn có trách nhiệm bảo vệ hệ sinh thái rừng; không chăn thả gia súc vào
rừng; săn, bắt, bẫy… động vật trong rừng; phòng chống việc chặt, phá, khai thác
rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng và phòng trừ sâu bệnh hại rừng theo quy định của
pháp luật.
b) Trong mùa
hanh khô các cá nhân, hộ gia đình và chủ rừng chủ động làm đường băng cản lửa
những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng ở các khu rừng tự nhiên, rừng trồng.
Việc canh tác nương rẫy trong rừng, ven rừng phải tuân thủ hướng dẫn, kiểm tra,
giám sát của trưởng thôn, cán bộ lâm nghiệp và kiểm lâm trên địa bàn.
2. Công tác
phát triển rừng
a) Đối với rừng
phòng hộ: Mọi người dân trong thôn được giao rừng và đất lâm nghiệp tự bỏ vốn
trồng rừng để tập trung khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng, chăm sóc làm giàu
rừng và trồng dặm các loài cây dưới tán rừng.
b) Đối với rừng
sản xuất: Mọi người dân trong thôn tham gia trồng rừng khoanh nuôi, xúc tiến
tái sinh rừng để làm giàu rừng bằng vốn hỗ trợ của nhà nước và tự bỏ vốn trồng
rừng tập trung hoặc chia cho hộ gia đình.
c) Khi chủ rừng
khai thác rừng đã đến tuổi khai thác thì chủ rừng phải làm đơn xin phép khai
thác và thống kê số cây, diện tích, khối lượng cần chặt hạ và trình cơ quan có
thẩm quyền cấp giấy phép khai thác.
d) Khi chủ rừng
có nhu cầu khai thác, tận thu đối với rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đã được nhà
nước giao thì chủ rừng phải làm đơn xin phép khai thác và thống kê số cây, diện
tích, khối lượng cần chặt hạ trình Trưởng thôn, UBND xã xác nhận và gửi UBND cấp
huyện cấp giấy phép khai thác. Gỗ khai thác phải được đóng dấu búa Kiểm lâm thì
mới được phép lưu thông.
3. Nếu cá
nhân, hộ gia đình, tổ chức nào vi phạm khoản 1 và khoản 2 Điều này bị phê bình
nhắc nhở trước cuộc họp toàn dân và lập biên bản gửi cấp có thẩm quyền xử lý
theo quy định của pháp luật
(Những nội
dung về Bảo vệ và phát triển rừng chỉ ghi trong Quy ước của thôn có rừng)
Chương VII
VỀ KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI
PHẠM QUY ƯỚC
Điều 24. Về khen thưởng
Hộ gia đình,
cá nhân có thành tích trong việc xây dựng và thực hiện Quy ước của thôn được
ghi nhận công lao, thành tích vào sổ vàng truyền thống; được nêu gương người tốt,
việc tốt trên hệ thống loa truyền thanh hoặc tại các hội nghị toàn thôn; được
bình xét công nhận gia đình văn hoá; được công nhận các hình thức khen thưởng
khác do cộng đồng tự thoả thuận; được đề nghị các cấp chính quyền khen thưởng
theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng.
Điều 25. Về xử lý vi phạm Quy ước
Hộ gia đình,
cá nhân nào vi phạm các điều khoản trong Quy ước của thôn tuỳ theo mức độ mà xử
lý bằng các hình thức sau đây:
1. Vi phạm lần
đầu và lỗi nhẹ được phê bình, nhắc nhở trước cuộc họp toàn thể nhân dân của
thôn;
2. Vi phạm từ
lần thứ hai trở lên, trên cơ sở thảo luận thống nhất trong tập thể cộng đồng
thì đưa ra kiểm điểm tại tổ chức, đoàn thể mà người đó đang sinh hoạt, đưa ra
kiểm điểm trước hội nghị nhân dân; không được bình xét công nhận “gia đình văn
hoá” (nếu là hộ gia đình) và phải đóng góp vào quỹ chung của thôn tối đa không
quá 40.000 đồng hoặc các thôn có thể căn cứ vào tình hình thực tế của thôn để
đưa hình thức đóng góp khác nhau như: Phạt ngày công lao động làm các việc cho
cộng đồng, thóc, gạo, ngô, khoai, sắn....
Việc áp dụng
các biện pháp xử lý vi phạm trong Quy ước này không thay thế các biện pháp xử
lý theo quy định của pháp luật.
Chương VIII
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 26. Về quản lý, sử dụng Quỹ thôn thu theo Quy ước
1. Thôn, bản,
tổ dân phố có trách nhiệm thành lập Ban Quản lý thôn để thực hiện việc quản lý,
sử dụng Quỹ thôn.
2. Ban Quản
lý thôn có trách nhiệm trực tiếp quản lý, ghi sổ, sử dụng số tiền thu được từ hộ
gia đình, cá nhân trong thôn vi phạm Quy ước. Số tiền thu được sẽ chi cho các
hoạt động chung như: Tổ chức hội, họp sơ kết, tổng kết để xây dựng và thực hiện
Quy ước; Chi khen thưởng cho các hộ gia đình, cá nhân chấp hành tốt Quy ước của
thôn. Hàng năm Ban Quản lý thôn phải công khai số tiền thu và số tiền chi trước
cuộc họp toàn thôn.
Tuyệt đối
nghiêm cấm sử dụng số tiền thu được từ các khoản đóng góp do vi phạm Quy ước của
các hộ gia đình, cá nhân trong thôn vào các mục đích khác.
Điều 27. Tổ chức thực hiện
1. Bản Quy ước
này thể hiện ý chí của toàn thể nhân dân trong thôn, được Hội nghị toàn thể
nhân dân trong thôn nhất trí thông qua và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Trong quá
trình thực hiện, Quy ước sẽ được sửa đổi, bổ sung khi có những nội dung không
còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thôn hoặc theo nguyện
vọng của nhân dân trong thôn; việc sửa đổi, bổ sung Quy ước do Hội nghị toàn thể
nhân dân trong thôn quyết định, sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì được
tổ chức thi hành.
3. Trưởng
thôn và toàn thể nhân dân trong thôn có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc Quy ước
này.
4. Quy ước
này đã được Hội nghị toàn thể nhân dân trong thôn nhất trí thông qua. Trưởng
ban công tác Mặt trận Tổ quốc; Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn ký chứng thực sau khi
được ban hành ./.