BỘ
Y TẾ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------
|
Số:
385/2001/QĐ-BYT
|
Hà
Nội, ngày 13 tháng 02 năm 2001
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUI ĐỊNH NHIỆM VỤ KỸ THUẬT TRONG LĨNH VỰC
CHĂM SÓC SỨC KHOẺ SINH SẢN TẠI CÁC CƠ SỞ Y TẾ
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Nghị định số 68/CP
ngày 11 tháng 10 năm 1993 của Chính phủ qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và tổ chức bộ máy Bộ Y tế
Căn cứ Quyết định số 136/2000/QĐ-TTg ngày 28/11/2000 của Thủ tướng chính phủ về
việc phê duyệt "Chiến lược quốc gia về chăm sóc sức khoẻ sinh sản giai đoạn
2001 - 2010".
Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Bảo vệ sức khoẻ Bà mẹ Trẻ em và Kế hoạch hoá
gia đình - Bộ Y tế.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này bản Qui định Nhiệm
vụ Kỹ thuật trong lĩnh vực Chăm sóc Sức khoẻ sinh sản tại các cơ sở y tế
công lập và các cơ sở y tế ngoài công lập, các cơ sở y tế có vốn đầu tư của nước
ngoài và các cơ sở y tế khác được thành lập theo quy định của pháp luật.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký ban
hành, và thay thế Quyết định số 220 BYT/QĐ ngày 22 tháng 2 năm 1993 về việc ban
hành quy định nhiệm vụ kỹ thuật trong công tác Bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em và
Kế hoạch hóa gia đình tại các tuyến y tế địa phương.
Điều 3.
Các Ông Bà: Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, các Vụ trưởng:
Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch, Vụ BVSKBMTE/KHHGĐ và các Vụ liên quan thuộc Bộ
Y tế, Cục trưởng Cục Quản lý Dược Việt Nam, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ,
Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc trung tâm
BVSKBMTE/KHHGĐ, thủ trưởng Y tế ngành, người đứng đầu các cơ sở y tế theo quy định
tại Điều 1 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
|
BỘ
TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Đỗ
Nguyên Phương
|
QUI ĐỊNH
NHIỆM VỤ KỸ THUẬT TRONG LĨNH VỰC CHĂM SÓC SỨC KHOẺ SINH SẢN
TẠI CÁC CƠ SỞ Y TẾ .
(Ban hành kèm theo Quyết định số 385 /2001/QĐ- BYT ngày 13 tháng 02 năm
2001của Bộ trưởng Bộ Y tế)
QUI ĐỊNH CHUNG:
1. Các cơ sở y tế quy định
trong Quyết định này là tất cả các cơ sở y tế có cung cấp dịch vụ sức khoẻ sinh
sản bao gồm: y tế công lập và y tế ngoài công lập.
1.1. Cơ sở y tế công lập:
a. Các cơ sở y tế tuyến Trung
ương trực thuộc Bộ Y tế, và cơ sở y tế trực thuộc tỉnh, thành phố nhưng được Bộ
y tế giao nhiệm vụ chỉ đạo tuyến.
b. Các cơ sở y tế trực thuộc Sở
y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
c. Cơ sở y tế thuộc Quận, Huyện,
Thị xã, Thành phố thuộc tỉnh
- Trung tâm y tế Quận, Huyện, Thị
xã, Thành phố thuộc tỉnh gọi chung là Trung tâm y tế Huyện.
- Trạm y tế xã, phường, thị trấn
gọi chung là Trạm y tế xã
- Y tế thôn, bản, buôn, ấp gọi
chung là y tế thôn, bản.
- Phòng khám đa khoa khu vực
- Nhà hộ sinh d. Y tế ngành
1.2. Y tế ngoài công lập:
- Y tế tư nhân
- Y tế dân lập
- Y tế bán công
- Y tế có vốn đầu tư nước ngoài
- Các cơ sở y tế khác được thành
lập theo qui định của pháp luật.
2. Các cơ sở y tế ghi
trong phần I có trách nhiệm thực hiện nội dung bản quy định này.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố
trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh) căn cứ vào điều kiện thực tế
về khả năng cán bộ, cơ sở vật chất, trang thiết bị và tham khảo ý kiến của Viện,
Bệnh viện đầu ngành (Viện, Bệnh viện được Bộ giao nhiệm vụ chỉ đạo tuyến) để
quyết định giao thêm nhiệm vụ kỹ thuật cụ thể khác ngoài quy định tại điểm 1.2
mục III của Bản quy định này đối với từng trung tâm y tế huyện.
QUI ĐỊNH CỤ THỂ :
A. CƠ SỞ
Y TẾ CÔNG LẬP
I. NHIỆM VỤ KỸ
THUẬT TRONG LĨNH VỰC CHĂM SÓC SỨC KHỎE SINH SẢN CỦA CƠ SỞ Y TẾ TRUNG ƯƠNG
1. Các cơ sở y tế Trung ương
có nhiệm vụ:
- Giải quyết các công việc
chuyên môn đã ghi trong nhiệm vụ của bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố.
- Giải quyết các trường hợp khó
về kỹ thuật mà tuyến tỉnh, thành phố không giải quyết được hoặc đã xử trí nhưng
chưa thành công (ung thư đường sinh sản, rò tái phát....).
- Chẩn đoán phát hiện sớm và tư
vấn chấm dứt thai có nguy cơ thiểu năng trí tuệ và dị tật, dị dạng.
- ứng dụng và triển khai các kỹ
thuật, phương pháp mới của thế giới trong lĩnh vực chăm sóc SKSS.
- Chỉ đạo và hỗ trợ kỹ thuật cho
tuyến tỉnh về sức khỏe sinh sản theo chức năng nhiệm vụ được giao.
2. Viện Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ sơ
sinh, Viện Bảo vệ sức khỏe trẻ em, khoa Sản, khoa Nhi trong các Bệnh viện Đa
khoa trực thuộc Bộ Y tế; riêng đối với Bệnh viện Phụ sản, bệnh viện Nhi thuộc tỉnh,
nhưng được Bộ Y tế giao nhiệm vụ chỉ đạo tuyến có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ
kỹ thuật theo quy định tại điểm 1 nêu trên.
II. NHIỆM VỤ KỸ
THUẬT TRONG LĨNH VỰC CHĂM SÓC SỨC KHỎE SINH SẢN CỦA CƠ SỞ Y TẾ TRỰC THUỘC SỞ Y
TẾ tỉnh
1. Nhiệm vụ của Bệnh viện Phụ
Sản, bệnh viện Nhi tỉnh, Khoa Phụ sản, khoa Nhi của bệnh viện đa khoa tỉnh, đa
khoa khu vực:
- Thực hiện toàn bộ các kỹ thuật
chuyên môn về sản phụ khoa thông thường. Thực hiện phẫu thuật, thủ thuật về sản
phụ khoa, nhi khoa theo đúng Quyết định số 1904/1998/QĐ-BYT ngày 10/8/1998 về
việc ban hành Danh mục phân loại phẫu thuật và thủ thuật.
- Khám và điều trị vô sinh, cơ sở
có điều kiện và được Bộ Y tế phê duyệt có thể thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.
- Xét nghiệm chẩn đoán và điều
trị các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản và các bệnh lây truyền qua đường tình dục
kể cả HIV/AIDS.
- Xét nghiệm chẩn đoán các trường
hợp lây nhiễm HIV, vi-rút viêm gan B (HBV)... từ mẹ sang con.
- Phát hiện sớm và tư vấn chấm dứt
thai có nguy cơ dị tật.
- Chẩn đoán hình ảnh và các xét
nghiệm về SKSS.
- Phẫu thuật nội soi về sản phụ
khoa.
2. Nhiệm vụ của Trung tâm
BVSKBMTE/KHHGĐ tỉnh
- Thực hiện đầy đủ chức năng và
nhiệm vụ của Trung tâm BVSKBMTE/KHHGĐ tuyến tỉnh thành phố tại Quyết định số
2792/1999/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ y tế ngày 16/9/1999 về việc ban hành bản
" Quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Trung tâm
BVSKBMTE/KHHGĐ thuộc Sở y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Đội
BVSKBMTE/KHHGĐ thuộc Trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
- Quản lý, giám sát công tác
chăm sóc SKSS các cơ sở y tế trong phạm vi tỉnh, thành phố thuộc địa phương
mình.
- Thông tin, tư vấn, giáo dục,
truyền thông về SKSS.
- Khám và điều trị ngoại trú, nội
trú bệnh phụ khoa, sản, bệnh thông thường nhi khoa và tai biến của dịch vụ
KHHGĐ.
- Thực hiện các kỹ thuật: Chăm
sóc sản phụ, khám thai, đỡ đẻ thường (nơi có điều kiện được phép đỡ đẻ khó).
- Khám và chẩn đoán ung thư cơ
quan sinh sản.
- Chẩn đoán hình ảnh và các xét
nghiệm về SKSS.
- Thử nghiệm lâm sàng và áp dụng
các biện pháp tránh thai mới, chấm dứt thai nghén bằng phương pháp mới theo sự
chỉ đạo của Bộ Y tế.
- Nơi có điều kiện có thể khám
và điều trị vô sinh.
- Xét nghiệm chẩn đoán và điều
trị các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản và bệnh lây truyền qua đường tình dục
(kể cả HIV liên quan đến thai sản)
- Xét nghiệm chẩn đoán các trường
hợp lây nhiễm từ mẹ sang con như: HIV, viêm gan B (HBV)...
- Thực hiện các kỹ thuật về
KHHGĐ như đặt vòng, tiêm, cấy thuốc tránh thai, triệt sản nam nữ.
- Chấm dứt thai nghén chủ động
dưới 12 tuần bằng phương pháp nong nạo hoặc hút bằng bơm Karman 2 van.
- Tổ chức quản lý, theo dõi sức
khoẻ trẻ khoẻ mạnh, và trẻ suy dinh dưỡng.
- Tổ chức thực hiện và quản lý hệ
thống hậu cần, cung cấp các phương tiện tránh thai và thuốc thiết yếu trong
lĩnh vực SKSS.
- Tổ chức thực hiện hệ thống
thông tin quản lý về SKSS (MIS).
- Tổ chức nghiên cứu khoa học về
lĩnh vực SKSS.
III. NHIỆM VỤ KỸ
THUẬT TRONG LĨNH VỰC CHĂM SÓC SỨC KHỎE SINH SẢN CỦA CƠ SỞ Y TẾ THUỘC HUYỆN
1. Nhiệm vụ của Trung tâm
y tế huyện
1.1. Nhiệm vụ quản lý:
- Tổ chức mạng lưới và triển
khai hoạt động BVSKBMTE/KHHGĐ đến tận thôn xã thuộc địa bàn huyện quản lý.
- Xác định mô hình bệnh tật về
SKSS của huyện
- Theo dõi, chỉ đạo giám sát kiểm
tra chuyên môn kỹ thuật tuyến dưới.
- Đào tạo, đào tạo lại cho cán bộ
tuyến dưới về lĩnh vực SKSS.
- Thông tin - Giáo dục - Truyền
thông cho nhân dân về công tác chăm sóc SKSS
- Quản lý các chỉ số về chăm sóc
SKSS và báo cáo lên tuyến trên theo quy định
- Tổng hợp phân tích đánh giá thực
trạng về SKSS trong huyện.
- Lập kế hoạch hoạt động hàng
năm về bảo vệ chăm sóc SKSS và KHHGĐ.
1.2. Nhiệm vụ chuyên môn:
a. Sản khoa
- Quản lý các trường hợp thai
nghén có nguy cơ cao.
- Điều trị tiền sản giật và sản
giật.
- Đỡ đẻ thường và đỡ đẻ các ngôi
bất thường như ngôi mặt, ngôi ngược.
- Xử trí ngôi ngang, ngôi trán,
ngôi mặt cằm sau.
- Xử trí các trường hợp chuyển dạ
bất thường của tuyến dưới chuyển lên.
- Thực hiện các thủ thuật như
Forceps, giác hút và đẻ chỉ huy.
- Khám, phát hiện và điều trị vô
sinh do viêm nhiễm.
- Điều trị choáng trong sản khoa
do mất máu hoặc nhiễm trùng.
- Thực hiện truyền máu đúng quy
định.
- Khâu phục hồi rách cổ tử cung,
âm đạo từ nhẹ đến phức tạp.
- Phát hiện sớm và xử trí tại chỗ
khối máu tụ âm đạo, âm hộ.
- Mổ lấy thai, mổ cấp cứu vỡ tử
cung.
- Cắt tử cung bán phần trong cấp
cứu sau đẻ, trong trường hợp cấp cứu đặc biệt đe doạ tính mạng người bệnh thì
được cắt tử cung toàn phần.
- Mổ chửa ngoài tử cung.
- Điều trị viêm nội mạc tử cung
sau nạo, sau đẻ, kể cả nạo sót rau sau đẻ, sau sẩy thai có biến chứng.
- Xét nghiệm phát hiện HIV, HBV
cho sản phụ đến đẻ theo quy định của Bộ Y tế.
- Điều trị trẻ sơ sinh nhiễm HIV
từ mẹ.
- Chẩn đoán hình ảnh và các xét
nghiệm khác về SKSS.
- Chấm dứt thai nghén chủ động dưới
12 tuần bằng phương pháp nong nạo hoặc hút bằng bơm Karman 2 van.
- Tư vấn chấm dứt thai nghén những
trường hợp phát hiện thai nhi có nghi ngờ bị khuyết tật.
b. Phụ khoa và các bệnh nhiễm
khuẩn đường sinh sản
- Khám, xét nghiệm và điều trị
các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản và các bệnh lây truyền qua đường tình dục kể
cả HIV.
- Xét nghiệm tế bào âm đạo, soi
cổ tử cung phát hiện sớm ung thư (kể cả tuyến dưới chuyển lên).
- Khám vú và hướng dẫn tự khám
vú
- Cắt tử cung do u xơ (bán phần
hoặc toàn phần)
- Mổ u nang buồng trứng xoắn
- Cắt u nang buồng trứng, làm
xét nghiệm giải phẫu bệnh lý
c. Kế hoạch hoá gia đình
- Thực hiện dịch vụ KHHGĐ: triệt
sản nam, triệt sản nữ; đặt, tháo vòng; cấy, tiêm thuốc tránh thai. Được thực hiện
các biện pháp tránh thai mới khi có sự đồng ý và hướng dẫn của Sở Y tế.
- Tư vấn và cung cấp các dịch vụ
tránh thai sau sinh, sau nạo hút thai.
- Theo dõi sau thực hiện các biện
pháp tránh thai
- Phát hiện và xử trí các tai biến
và tác dụng phụ của các biện pháp tránh thai.
- Tổ chức đội lưu động giúp tuyến
xã về dịch vụ KHHGĐ theo chuẩn mực quy định.
- Tổ chức hậu cần, cung cấp
phương tiện tránh thai.
d. Chăm sóc sức khỏe trẻ em
- Chăm sóc trẻ đẻ non, trẻ đẻ
thiếu cân từ 1800g trở lên và các bệnh lý thông thường ở trẻ sơ sinh.
- Cấp cứu, điều trị các bệnh thường
gặp ở trẻ em như ngộ độc thức ăn, ỉa chảy mất nước, viêm phế quản....
- Điều trị các bệnh mãn tính thường
gặp như suy dinh dưỡng nhẹ và trung bình, còi xương, thiếu máu....
- Quản lý và khám định kỳ cho
các trẻ khoẻ mạnh, phát hiện sớm các bệnh thông thường.
- Xử trí lồng ghép trẻ ốm (IMCI)
e. Tư vấn và giáo dục về SKSS
- Lợi ích của việc thực hiện
KHHGĐ và Làm mẹ an toàn.
- Lợi ích, tác dụng, tác dụng phụ,
nơi cung cấp các biện pháp tránh thai
- Phòng tránh thai ngoài ý muốn
và tư vấn về nạo hút thai an toàn.
- Lợi ích của việc đi khám thai,
nhắc nhở đi khám thai, hướng dẫn vệ sinh và dinh dưỡng khi có thai và cho con
bú sau sinh.
- Hướng dẫn vệ sinh kinh nguyệt,
dự phòng nhiễm khuẩn đường sinh dục và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Cách dự phòng và phát hiện sớm
những bệnh lý của cơ quan sinh dục nữ, đặc biệt là ung thư cổ tử cung và ung
thư vú (hướng dẫn tự khám vú ở phụ nữ cao tuổi)
- Giáo dục về SKSS cho vị thành
niên
- Có nơi tư vấn và có cán bộ được
đào tạo
2. Nhiệm vụ của Trạm y tế
xã
2.1. Nhiệm vụ quản lý :
a. Số sinh, số chết (chung), số
chết các bà mẹ, trẻ em dưới 1 tuổi, dưới 5 tuổi trong xã và nguyên nhân.
b. Số lượng các đối tượng như đã
quy định cho y tế thôn bản, và thêm:
Số sơ sinh sống, số sơ sinh dưới
2500g, số vị thành niên
Số thai phụ được khám thai từ 1
đến 3 lần trở lên, số thai phụ được tiêm phòng uốn ván, số mũi tiêm, số sinh được
cán bộ được đào tạo đỡ, số sinh tại cơ sở y tế, số nạo hút thai nói chung và số
nạo hút thai tuổi vị thành niên
- Số cặp vợ chồng áp dụng KHHGĐ
theo từng biện pháp tránh thai, số cặp vợ chồng vô sinh, hiếm, muộn.
- Số bị bệnh lây truyền qua đường
tình dục, nhiễm khuẩn đường sinh sản
c. Thống kê và định kỳ báo cáo
theo mẫu quy định của Bộ Y tế lên Trung tâm y tế huyện.
d. Phối hợp hoạt động với các
chương trình dự án khác.
e. Giáo dục và tư vấn về sức khoẻ
sinh sản.
g. Quản lý, giám sát hoạt động của
y tế thôn bản.
h. Quản lý số người nhiễm
HIV/AIDS trong địa bàn.
2.2. Nhiệm vụ chuyên môn:
a. Sản khoa:
- Thực hiện chuẩn mực vô khuẩn
- Khám thai ít nhất 3 lần/thai
phụ, cung cấp viên sắt và axit folic
- Lập phiếu theo dõi sức khoẻ bà
mẹ tại nhà và phát hiện thai có nguy cơ để chuyển lên tuyến trên.
- Tiêm phòng uốn ván theo quy định
cho mỗi bà mẹ khi mang thai.
- Đỡ đẻ thường, thực hiện 3 sạch
và biểu đồ chuyển dạ
- Cắt khâu tầng sinh môn khi có
chỉ định, khâu rách tầng sinh môn độ 2.
- Xử trí cấp cứu 5 tai biến sản
khoa theo phác đồ quy định của Bộ Y tế.
- Hướng dẫn bà mẹ cho con bú sau
đẻ và cho con bú đúng cách, cho trẻ ăn bổ sung sau 4 - 6 tháng.
- Thăm khám sản phụ và trẻ sơ
sinh 2 lần trong vòng 42 ngày sau đẻ
- Chăm sóc rốn sơ sinh và phát
hiện sớm dấu hiệu nhiễm trùng rốn.
- Hút thai dưới 6 tuần (chậm
kinh từ 7-14 ngày và thử thai dương tính) bằng bơm Karman 1 van.
b. Phụ khoa
- Khám, chẩn đoán và điều trị
các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản thông thường như: viêm nhiễm âm hộ, âm đạo,
cổ tử cung, viêm tiểu khung, kể cả các bệnh lây truyền qua đường tình dục theo
chỉ định của tuyến trên - chú ý điều trị cả bạn tình.
- Phát hiện u vú, u xơ tử cung,
ung thư cổ tử cung và xét nghiệm soi tươi nếu có điều kiện.
- Làm phiến đồ âm đạo khi có điều
kiện.
c. Kế hoạch hoá gia đình
- Cung cấp đầy đủ thông tin về
biện pháp tránh thai hiện có.
- Cung cấp bao cao su, biện pháp
tránh thai khẩn cấp và tiêm thuốc tránh thai.
- Khám và sử dụng bảng kiểm để
cho uống thuốc tránh thai từ lần 1
- Đặt, tháo dụng cụ tử cung
- Phát hiện và xử trí ban đầu
các tai biến và tác dụng phụ của các biện pháp tránh thai.
d. Chăm sóc sức khỏe trẻ em
- Chăm sóc sơ sinh đủ tháng.
Chuyển tuyến đối với những trường hợp sơ sinh dị tật, sơ sinh bệnh lý. Trẻ đẻ
thấp cân sau khi chăm sóc thì chuyển tuyến trên.
- Hồi sức sơ sinh: điều trị sơ
sinh ngạt (hô hấp nhân tạo, thổi ngạt) và chuyển lên tuyến trên nếu tiến triển
không tốt.
- Chăm sóc rốn sơ sinh
- Hướng dẫn cho bà mẹ cách dự
phòng các bệnh: suy dinh dưỡng, tiêu chảy, viêm hô hấp cấp, còi xương, thiếu
Vitamin A, sốt rét.
- Thực hiện chương trình tiêm chủng
mở rộng: tiêm và cho uống đủ, đúng kỹ thuật các văc xin phòng bệnh cho trẻ em
- Xử trí ban đầu các bệnh tiêu
chảy, nhiễm khuẩn hô hấp cấp, ngộ độc, sốt và chuyển lên tuyến trên nếu tiến
triển không tốt.
- Điều trị các bệnh thông thường
nếu không giảm phải chuyển lên tuyến trên.
- Đối với xã có bác sĩ: thực hiện
Xử trí lồng ghép trẻ ốm (IMCI)
e. Sức khoẻ sinh sản vị thành
niên:
Tuyên truyền giáo dục tư vấn cho
vị thành niên về quan hệ tình dục an toàn, lành mạnh. Cung cấp các dịch vụ cần
thiết như thuốc tránh thai, thuốc tránh thai khẩn cấp, bao cao su để phòng
tránh thai ngoài ý muốn và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
g. Sức khoẻ sinh sản người cao
tuổi:
Thăm khám, phát hiện các biểu hiện
sớm các bệnh về sức khoẻ sinh sản ở người cao tuổi như ung thư vú, ung thư cổ tử
cung...
2.3. Nhiệm vụ tư vấn và giáo
dục về SKSS
- Lợi ích của việc thực hiện
KHHGĐ và làm mẹ an toàn.
- Lợi ích, tác dụng, tác dụng phụ,
nơi cung cấp các biện pháp tránh thai
- Phòng tránh thai ngoài ý muốn
và tư vấn về nạo hút thai an toàn.
- Lợi ích của việc đi khám thai,
nhắc nhở đi khám thai, hướng dẫn vệ sinh và dinh dưỡng khi có thai và cho con
bú sau sinh.
- Hướng dẫn vệ sinh kinh nguyệt,
dự phòng nhiễm khuẩn đường sinh dục và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Cách dự phòng và phát hiện sớm
những bệnh lý của cơ quan sinh dục nữ, đặc biệt là ung thư cổ tử cung và ung
thư vú (hướng dẫn tự khám vú ở phụ nữ cao tuổi)
- Giáo dục về SKSS cho vị thành
niên
- Có nơi tư vấn và có cán bộ được
đào tạo
3. Nhiệm vụ của Y tế thôn,
bản
3.1. Nhiệm vụ quản lý :
a. Quản lý các đối tượng sau:
- Số phụ nữ 15 - 49, số phụ nữ
15 - 49 có chồng, số đang áp dụng các biện pháp tránh thai
- Số thai phụ, số thai phụ có
nguy cơ, số sinh, số tai biến sản khoa, số chết mẹ
- Số trẻ em dưới 1 tuổi, dưới 5
tuổi, số chết trẻ em dưới 1 tuổi, số trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi, số trẻ
em được tiêm chủng đầy đủ theo quy định
b. Phát hiện thai nghén sớm, lập
phiếu theo dõi thai sản, vận động các bà mẹ khám thai đủ 3 lần, và đẻ tại trạm
y tế xã, phường hoặc nơi có cơ sở y tế.
c. Tuyên truyền vận động vệ sinh
phụ nữ, vệ sinh thai nghén, dinh dưỡng hợp lý và loại trừ các tập tục có hại
cho sức khoẻ bà mẹ và trẻ em.
d. Vận động, theo dõi nuôi con bằng
sữa mẹ, hướng dẫn cách cho trẻ bú và ăn bổ sung hợp lý
e. Lập danh sách trẻ em thuộc diện
tiêm chủng theo quy định, tuyên truyền giáo dục, vận động các bà mẹ đưa trẻ đi
tiêm chủng phòng bệnh, theo dõi phát hiện những biến chứng sau tiêm chủng.
g. Vận động kế hoạch hoá gia
đình.
h. Kết hợp với trạm y tế xã quản
lý sức khoẻ trẻ em theo các chương trình
i. Quản lý và sử dụng túi thuốc
thôn bản
k. Huy động và chuẩn bị các
phương tiện vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
l. Báo cáo số liệu hàng tháng
theo quy định của trạm y tế xã
3.2. Nhiệm vụ chuyên môn:
a. Phát hiện xử trí ban đầu các
trường hợp cấp cứu sản, nhi thông
thường, các tác dụng phụ của
phương pháp tránh thai và chuyển lên tuyến trên.
b. Định kỳ thăm sản phụ và trẻ
sơ sinh sau đẻ.
c. Hỗ trợ đẻ thường và đỡ đẻ rơi
trong trường hợp không kịp đến trạm y tế, hướng dẫn và sử dụng gói đẻ sạch.
d. Phối hợp hoạt động với các
chương trình khi có yêu cầu
e. Phân phối bao cao su, phân phối
thuốc uống tránh thai dựa vào bảng kiểm từ lần thứ hai.
g. Phát hiện, xử trí tiêu chảy cấp,
viêm đường hô hấp cấp và chuyển tuyến kịp thời
h. Sử dụng các bài thuốc nam
thông thường chữa bệnh tại nhà cho các trẻ bị ho, cảm, ỉa chảy thông thường
(không dùng thuốc kháng sinh).
i. Cân đo, ghi biểu đồ tăng trưởng
trẻ em theo quy định và hướng dẫn bà mẹ sử dụng biểu đồ. Phát hiện sớm các trường
hợp suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi cho trạm y tế xã.
4. Nhiệm vụ của Nhà hộ
sinh
4.1. Được làm các kỹ thuật
chuyên môn như quy định tại trạm y tế xã.
4.2. Những nơi có bác sỹ chuyên
khoa sản, có đủ trang bị thuốc men thực hiện một số kỹ thuật khác như:
- Nạo hút thai dưới 12 tuần
- Nạo sót rau sau đẻ, sau sẩy.
- Xử trí đẻ khó: giác hút,
forceps.
- Khâu rách tầng sinh môn độ 2,
độ 3.
- Xét nghiệm chẩn đoán các trường
hợp lây nhiễm từ mẹ sang con như HIV, HBV...
- Khám phát hiện vô sinh và điều
trị do viêm nhiễm.
- Xét nghiệm tế bào âm đạo, chẩn
đoán ung thư sinh sản.
- Tư vấn và cung cấp các dịch vụ
tránh thai sau sinh, sau nạo hút thai.
- Siêu âm chẩn đoán về sản.
5. Nhiệm vụ của Phòng khám
đa khoa khu vực
Về chuyên môn được làm các kỹ
thuật chuyên môn như quy định tại tuyến xã. Nếu có bác sĩ chuyên khoa thì được
phép điều trị:
- Điều trị dọa sẩy thai lần đầu.
- Nạo hút thai dưới 12 tuần theo
qui định
- Nạo sót rau sau sinh chưa có dấu
hiệu nhiễm trùng
IV. CƠ SỞ Y TẾ
NGÀNH
Các cơ sở y tế thuộc các Bộ,
Ngành căn cứ vào phân hạng Bệnh viện, căn cứ Quyết định số 1904/1998/QĐ-BYT
ngày 10/8/1998 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Danh mục phân loại thủ
thuật, phẫu thuật, căn cứ vào khả năng chuyên môn kỹ thuật của cơ sở y tế và ý
kiến tư vấn về chuyên môn của cấp trên mà thủ trưởng y tế Ngành quy định cụ thể
các kỹ thuật chuyên môn được phép thực hiện.
B. CÁC
CƠ SỞ Y TẾ NGOÀI CÔNG LẬP
Các cơ sở cung cấp dịch vụ SKSS
ngoài công lập thực hiện chuyên môn kỹ thuật về SKSS theo quy định của Pháp lệnh
hành nghề y dược tư nhân ngày 30/9/1993 và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
1. Nhiệm vụ chuyên môn kỹ thuật
của các cơ sở y tế ngoài công lập có cung cấp dịch vụ SKSS, sẽ do cơ quan có thẩm
quyền cấp phép, xem xét quyết định trên cơ sở tuân thủ theo quy định của Pháp luật
về hành nghề y dược tư nhân và các văn bản hiện hành có liên quan.
2. Các cơ sở y tế ngoài công lập
thực hiện các dịch vụ CSSKSS có trách nhiệm:
2.1. Phải nghiêm chỉnh thực hiện
các chuẩn mực, hướng dẫn và phác đồ do Bộ Y tế quy định.
2.2. Phải bảo đảm các qui phạm
tiêu chuẩn một phòng khám có chất lượng, bảo đảm vô trùng.
2.3. Phải tổ chức công tác thông
tin-giáo dục-truyền thông, tư vấn cho khách hàng, kết hợp giữa cung cấp dịch vụ
và tư vấn SKSS. Có sổ sách quản lý và báo cáo chuyên môn cho cơ quan quản lý.
2.4. Chịu sự điều động để hỗ trợ
cho y tế công trong các trường hợp cấp bách, cần huy động chăm sóc SKSS.