BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
1656/QĐ-BNN-TCCB
|
Hà Nội, ngày 16
tháng 7 năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH ĐIỀU LỆ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA VIỆN KHOA HỌC LÂM NGHIỆP VIỆT NAM
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày
03/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nghị định số 75/2009/NĐ-CP
ngày 10/9/2009 sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ;
Căn cứ Quyết định số 2099/QĐ-TTg ngày 25/11/2011
của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt
Nam trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 1149/QĐ-BNN-TCCB ngày
18/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt
Nam.
Xét đề nghị của Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp
Việt Nam tại Tờ trình số 368/TTr-KHLN ngày 06/06/2012; ý kiến tham gia tại cuộc
họp ngày 07/03/2012 của Hội đồng thẩm định về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và ý kiến tham gia
bằng văn bản của Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Văn bản 18/6/2012), Vụ
Tài chính (Văn bản số 202/TC ngày 18/6/2012), Vụ Pháp chế (Văn bản số 516/PC
ngày 5/7/2012),
Vụ Hợp tác quốc tế (Văn bản số 468/HTQT-ĐP) và Tổng
cục Lâm nghiệp (Văn bản số 793/TCLN-VP ngày 14/6/2012);
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Điều lệ Tổ
chức và Hoạt động củaViện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Điều lệ gồm 08 Chương,
36 Điều kèm theo Quyết định này.
Điều 2. Quyết định này có
hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ,
Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Vụ
trưởng Vụ Kế hoạch, Vụ trưởng Vụ Tài chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp,
Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có
liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Văn phòng chính phủ;
- Các Bộ: Nội vụ, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngoại
giao;
- UBND, Sở NN&PTNT các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng;
- Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ;
- Công đoàn NN&PTNT;
- Đảng ủy Bộ, CĐ cơ quan Bộ, Đoàn TNCSHCM Bộ;
- Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam;
- Lưu: VT, TCCB.
|
BỘ TRƯỞNG
Cao Đức Phát
|
ĐIỀU LỆ
TỔ
CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA VIỆN KHOA HỌC LÂM NGHIỆP VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1656/QĐ-BNN-TCCB ngày 16 tháng 7 năm
2012 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Tên gọi và vị trí
1. Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam được Thủ tướng
Chính phủ ký Quyết định số 2099/QĐ-TTg ngày 25/11/2011 về tổ chức và hoạt động;
Quyết định số 1149/QĐ-BNN-TCCB ngày 18/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức
của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam.
2. Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam trực thuộc Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là tổ chức sự nghiệp khoa học công lập có
tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc và Ngân hàng
Nhà nước theo quy định của pháp luật.
3. Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam được xếp hạng
đặc biệt theo quy định tại Điều 10 Quyết định số 181/2005/QĐ-TTg
ngày 19/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về phân loại, xếp hạng các tổ chức
sự nghiệp, dịch vụ công lập.
4. Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam có tên giao dịch
quốc tế bằng tiếng Anh: Vietnamese Academy of Forest Sciences (viết tắt là
VAFS).
5. Trụ sở chính: xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, thành
phố Hà Nội.
Điều 2. Chức năng
Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam có chức năng
nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế, đào tạo và tư vấn
trong lĩnh vực lâm nghiệp phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước về nông nghiệp và
phát triển nông thôn.
Điều 3. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Nhiệm vụ của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
được quy định tại Quyết định số 1149/QĐ-BNN-TCCB ngày 18/5/2012 của Bộ trưởng Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cụ thể như sau:
1.1. Xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch 5
năm, hàng năm, các chương trình, dự án của ngành, của Viện về khoa học, công
nghệ trong lĩnh vực lâm nghiệp theo quy định; tổ chức thực hiện sau khi được cấp
có thẩm quyền phê duyệt.
1.2. Nghiên cứu cơ bản có định hướng và nghiên cứu ứng
dụng tổng hợp về lâm nghiệp, bao gồm:
a) Khoa học cơ sở về lý thuyết lâm học các hệ sinh
thái rừng nhiệt đới Việt Nam;
b) Kỹ thuật và công nghệ trồng, phục hồi, làm giàu,
cải tạo, xúc tiến tái sinh tự nhiên để phát triển và quản lý bền vững rừng tự
nhiên, rừng trồng ở Việt Nam và nông lâm kết hợp;
c) Cơ sở khoa học và các biện pháp bảo tồn và phát
triển nguồn gen thực vật rừng, động vật rừng;
d) Về giống cây lâm nghiệp, gồm các loại hình rừng
giống, vườn giống, chọn tạo giống và nhân giống cây lâm nghiệp, lưu giữ tập
đoàn giống công tác lâm nghiệp;
đ) Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong
lâm nghiệp;
e) Sinh lý, sinh thái cá thể và quần thể, quần xã
thực vật rừng và các biện pháp phục hồi hệ sinh thái rừng, bảo vệ, bảo tồn các
hệ sinh thái đặc thù;
g) Cơ sở khoa học và biện pháp sử dụng bền vững đất
lâm nghiệp;
h) Cơ sở khoa học về đánh giá, dự báo tác động môi
trường lâm nghiệp, biến đổi khí hậu, quan trắc môi trường;
i) Kỹ thuật nuôi, gây trồng, khai thác, chế biến, bảo
quản các loại lâm sản ngoài gỗ;
k) Cơ sở khoa học và biện pháp phòng, trừ sâu bệnh
hại rừng; công nghệ phòng, chữa cháy rừng;
l) Khoa học về tổ chức và quản lý lâm nghiệp; cơ chế,
chính sách lâm nghiệp; kinh tế tài nguyên và môi trường rừng; thị trường lâm sản;
lâm nghiệp cộng đồng;
m) Cơ giới hóa sản xuất giống cây lâm nghiệp, trồng
rừng, khai thác, vận xuất, vận chuyển, chế biến, bảo quản lâm sản;
n) Đặc tính công nghệ cơ bản của gỗ và các loại lâm
sản phục vụ công nghiệp chế biến;
o) Công nghệ gia công, xử lý, chế biến cơ, hóa lâm
sản; bảo quản lâm sản, thuốc bảo quản lâm sản.
1.3. Thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng
điểm cấp nhà nước.
1.4. Thẩm tra hoặc tham gia thẩm tra về công nghệ,
kinh tế, kỹ thuật các dự án trọng điểm cấp nhà nước về lĩnh vực lâm nghiệp theo
quy định của pháp luật.
1.5. Nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, công
nghệ cao trong lâm nghiệp.
1.6. Xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ
thuật quốc gia, định mức kinh tế, kỹ thuật lâm nghiệp trình cấp có thẩm quyền
phê duyệt theo nhiệm vụ được giao và theo quy định của pháp luật.
1.7. Đào tạo tiến sỹ, liên kết đào tạo thạc sỹ,
tham gia bồi dưỡng nguồn nhân lực về khoa học và công nghệ lâm nghiệp và các
lĩnh vực khác có liên quan theo quy định của pháp luật.
1.8. Hợp tác quốc tế, liên doanh, liên kết với các
tổ chức, cá nhân về nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đào tạo nguồn
nhân lực trong lĩnh vực lâm nghiệp theo quy định của pháp luật.
1.9. Thực hiện các dịch vụ khoa học và công nghệ;
chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ vào sản xuất; triển khai thực
nghiệm, sản xuất thử nghiệm trên cơ sở ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học
theo quy định của pháp luật.
1.10. Tổ chức sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập
khẩu các sản phẩm và công nghệ lâm nghiệp, nông lâm kết hợp, các sản phẩm phù hợp
với lĩnh vực hoạt động chuyên môn của Viện theo quy định của pháp luật.
1.11. Tư vấn lập dự án; tư vấn giám sát, thẩm tra;
tư vấn thẩm định hồ sơ thiết kế, dự toán các chương trình, dự án đầu tư, công
trình xây dựng lâm nghiệp theo quy định của pháp luật.
1.12. Thẩm định, phê duyệt đề cương nghiên cứu, dự
toán, quyết toán và nghiệm thu kết quả đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển
công nghệ, dự án sản xuất thử, thử nghiệm công nghệ của các đơn vị trực thuộc
Viện theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn.
1.13. Xuất bản các ấn phẩm, thông tin khoa học,
công nghệ và môi trường, phát hành tạp chí, trang thông tin điện tử chuyên
ngành theo quy định của pháp luật.
1.14. Quản lý sử dụng nguồn nhân lực, kinh phí, tài
sản và các nguồn lực khác được giao theo quy định của pháp luật.
1.15. Quyết định việc mời chuyên gia, các nhà khoa
học nước ngoài vào Việt Nam và cử cán bộ ra nước ngoài công tác, học tập theo
quy định của pháp luật và phân cấp quản lý cán bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn.
1.16. Thực hiện nhiệm vụ liên quan đến Công ước về
buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) theo quy
định của pháp luật.
1.17. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao.
2. Thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức Khoa
học công nghệ công lập quy định tại Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 05/9/2005
của Chính phủ Quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học
và công nghệ công lập và Nghị định số 96/2010/NĐ-CP ngày 20/9/2010 của Chính phủ
về sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 115/2005/NĐ-CP theo phê duyệt
của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Chương II
TỔ CHỨC BỘ MÁY
Điều 4. Cơ cấu tổ chức
1. Lãnh đạo Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam có
Giám đốc và các Phó Giám đốc Viện.
Giám đốc Viện do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo quy định của pháp luật và
chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng, trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Viện;
Phó Giám đốc Viện do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Giám đốc
Viện và chịu trách nhiệm trước Giám đốc Viện, trước pháp luật về lĩnh vực công
tác được phân công phụ trách hoặc ủy quyền.
2. Các Ban tham mưu, giúp Giám đốc Viện
2.1. Ban Tổ chức, Hành chính;
2.2. Ban Kế hoạch, Khoa học;
2.3. Ban Đào tạo, Hợp tác quốc tế;
2.4. Ban Tài chính, Kế toán.
Ban có Trưởng ban và không quá 03 Phó Trưởng ban;
Trưởng ban và các Phó Trưởng ban được bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo quy
định của pháp luật và phân cấp quản lý cán bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn.
Kế toán trưởng Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam do
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức
theo đề nghị của Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và quy định của
pháp luật.
3. Các đơn vị sự nghiệp khoa học trực thuộc Viện
Các đơn vị sự nghiệp khoa học trực thuộc Viện Khoa
học Lâm nghiệp Việt Nam có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật,
gồm:
3.1. Viện Nghiên cứu Lâm sinh, trụ sở chính đóng tại
thành phố Hà Nội;
3.2. Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng, trụ sở chính
đóng tại thành phố Hà Nội;
3.3. Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ Sinh học
Lâm nghiệp, trụ sở chính đóng tại thành phố Hà Nội;
3.4. Viện Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng,
trụ sở chính đóng tại thành phố Hà Nội;
3.5. Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ, trụ sở chính
đóng tại thành phố Hồ Chí Minh;
3.6. Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây
Nguyên, trụ sở chính đóng tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng;
3.7. Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Tây Bắc, trụ sở
chính đóng tại thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La;
3.8. Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp vùng Trung tâm Bắc
Bộ, trụ sở chính đóng tại huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ;
3.9. Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Đông Bắc Bộ, trụ
sở chính đóng tại thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc;
3.10. Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ,
trụ sở chính đóng tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị;
3.11. Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ, trụ sở
chính đóng tại thành phố Hà Nội;
3.12. Trung tâm Nghiên cứu Bảo vệ rừng, trụ sở
chính đóng tại thành phố Hà Nội;
3.13. Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Lâm nghiệp, trụ
sở chính đóng tại thành phố Hà Nội;
Viện có Viện trưởng và không quá 03 Phó Viện trưởng,
Trung tâm có Giám đốc và không quá 03 Phó Giám đốc Trung tâm.
Viện trưởng, Giám đốc Trung tâm do Bộ trưởng Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo quy định
của pháp luật và đề nghị của Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam.
Các Phó Viện trưởng, Phó Giám đốc Trung tâm và Kế
toán trưởng của các đơn vị trực thuộc được bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo
quy định của pháp luật và phân cấp quản lý cán bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn.
4. Khi có nhu cầu và đủ điều kiện thành lập doanh
nghiệp khoa học công nghệ hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp khoa học và công
nghệ quy định tại Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Doanh nghiệp, Nghị định số
80/2007/NĐ-CP ngày 19/5/2007 của Chính phủ Về doanh nghiệp khoa học và công nghệ,
Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam lập đề án trình Bộ xem xét, quyết định thành
lập theo quy định của pháp luật.
Lãnh đạo doanh nghiệp khoa học công nghệ được bổ
nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý
cán bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các tổ chức trực thuộc Viện Khoa học
Lâm nghiệp Việt Nam; quyết định thành lập các tổ chức sự nghiệp thuộc các Viện,
Trung tâm thành viên có tư cách pháp nhân theo đề nghị của Giám đốc Viện Khoa học
Lâm nghiệp Việt Nam phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và từng giai đoạn phát triển
Viện theo quy định của pháp luật.
Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam quyết định
thành lập các Hội đồng khoa học để tư vấn cho Giám đốc Viện về chiến lược, kế
hoạch phát triển khoa học và công nghệ của Viện.
Điều 5. Chức năng, nhiệm vụ và
cơ cấu tổ chức của các Ban tham mưu và tổ chức trực thuộc Viện Khoa học Lâm
nghiệp Việt Nam
1. Ban Tổ chức, Hành chính
1.1. Về Tổ chức cán bộ
a) Chủ trì, tham mưu cho Ban Giám đốc Viện thực hiện
Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và pháp luật có liên quan đến công tác
cán bộ, công chức, viên chức và người lao động;
b) Chủ trì xây dựng, trình Giám đốc Viện Đề án
thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị trực thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp
Việt Nam;
c) Chủ trì thẩm định, trình Giám đốc Viện Dự thảo
quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức; Dự thảo Điều lệ tổ
chức và hoạt động của các đơn vị trực thuộc;
d) Trình Giám đốc Viện về quy hoạch, kế hoạch đào tạo
bồi dưỡng phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, nguồn nhân lực của Viện;
đ) Trình Giám đốc Viện bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách
chức các chức danh của các đơn vị trực thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý cán bộ của Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn;
e) Trình Giám đốc Viện công tác quản lý và sử dụng
cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo thẩm quyền và theo phân cấp:
tuyển dụng, điều động, tiếp nhận, luân chuyển và chuyển đổi vị trí công tác;
đào tạo, bồi dưỡng; hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh; công tác nâng lương, nâng
ngạch, chuyển ngạch; chế độ hưu trí, thôi việc và các chế độ chính sách khác đối
với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; công tác thi đua, khen thưởng
theo quy định của pháp luật;
g) Hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý cán bộ, nhận
xét, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hàng năm và thực hiện quản lý, khai
thác sử dụng, lưu trữ hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức, hợp đồng lao động của
các đơn vị trực thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam theo phân cấp quản lý
cán bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
1.2. Về Hành chính, quản trị
a) Thực hiện các nhiệm vụ về hành chính, văn thư,
lưu trữ, lễ tân, khánh tiết;
b) Quản lý cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, tài sản;
phương tiện và điều kiện làm việc thuộc Văn phòng Viện; bảo đảm điều kiện vật
chất, kỹ thuật và phương tiện làm việc phục vụ các hoạt động của Ban Giám đốc
và cơ quan Viện kịp thời, chính xác;
c) Vận hành hệ thống điện, nước, hệ thống thông tin
liên lạc điện thoại phục vụ hoạt động cơ quan;
d) Thực hiện công tác bảo vệ, quân sự, tự vệ, an
toàn phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường và cảnh quan trong cơ quan Viện;
1.3. Quản lý đầu tư và xây dựng
a) Quản lý quy hoạch sử dụng đất đai trong toàn Viện;
b) Quản lý quy hoạch về xây dựng chung của toàn Viện,
đề xuất chủ trương đầu tư hàng năm; xây dựng kế hoạch đầu tư ngắn hạn, nâng cấp
hiện đại hóa cơ sở vật chất của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam;
c) Quản lý, kiểm tra và giám sát các dự án đầu tư,
xây dựng vào Viện theo quy định của pháp luật.
1.4. Thường trực Hội đồng tuyển dụng, Hội đồng
lương, Hội đồng thi đua, khen thưởng, Hội đồng kỷ luật.
1.5. Xây dựng kế hoạch và thực hiện công tác cải
cách hành chính, công tác thanh tra, kiểm tra, công tác phòng chống tham nhũng
và công tác bảo vệ chính trị nội bộ của Viện.
1.6. Quản lý cán bộ, công chức, viên chức, nhân
viên, tài sản, thiết bị và hồ sơ, tài liệu của Ban.
1.7. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ban giám đốc Viện
Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam giao.
2. Ban Kế hoạch, Khoa học
2.1. Xây dựng chiến lược, quy hoạch, chương trình
và kế hoạch:
a) Tổ chức xây dựng và trình Giám đốc Viện phê duyệt
chiến lược, các chương trình, quy hoạch, kế hoạch 5 năm và hàng năm về nghiên cứu
khoa học, chuyển giao công nghệ, dịch vụ khoa học và công nghệ (KHCN), sản xuất
kinh doanh, các dự án phát triển công nghệ, thông tin, tiếp thị khoa học công
nghệ, sở hữu trí tuệ của Viện;
b) Hướng dẫn các đơn vị trực thuộc tổ chức xây dựng
chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình KHCN dài hạn;
c) Tổ chức xây dựng các Chương trình KHCN, tư vấn,
đề xuất danh mục đề tài/dự án KHCN của toàn Viện;
d) Trình Giám đốc Viện giao kế hoạch KHCN cho các
đơn vị trực thuộc.
2.2. Quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển
giao công nghệ, dịch vụ sản xuất kinh doanh của toàn Viện:
a) Tổ chức thẩm định đề cương dự toán, kiểm tra,
đánh giá nghiệm thu các đề tài dự án được cơ quan có thẩm quyền ủy quyền cho
Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam;
b) Tham gia với cơ quan quản lý cấp trên tổ chức thẩm
định đề cương, dự toán, kiểm tra, đánh giá nghiệm thu các đề tài/dự án theo quy
định của pháp luật;
c) Trình Giám đốc Viện ký văn bản đề nghị cấp có thẩm
quyền thẩm tra, thẩm định và ban hành tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật
quốc gia theo quy định của pháp luật;
d) Chủ trì xây dựng và giám sát hệ thống quản lý chất
lượng các hợp đồng, dịch vụ KHCN, sản xuất, kinh doanh, chuyển giao công nghệ của
Viện và các đơn vị thành viên;
đ) Quản lý tiến độ và chất lượng các hợp đồng kinh
tế ký qua tài khoản Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam;
e) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chiến lược,
quy hoạch, kế hoạch, chương trình KHCN của các đơn vị thuộc Viện.
2.3. Hoạt động thông tin
a) Điều phối các chương trình công tác của Viện và
tổng hợp tình hình hoạt động của Viện theo chỉ đạo của Giám đốc Viện;
b) Phát hành tạp chí, trang thông tin điện tử, ấn
phẩm về KHCN;
c) Thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu KHCN của toàn
Viện, lưu trữ kết quả đề tài dự án KHCN của toàn Viện;
d) Phụ trách thư viện, thư viện điện tử; tổ chức
triển lãm, hội chợ, hội thảo của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam;
2.4. Chủ trì tổng hợp các hoạt động sở hữu trí tuệ
của toàn Viện theo quy định của pháp luật.
2.5. Thường trực Hội đồng khoa học của Viện Khoa học
Lâm nghiệp Việt Nam.
2.6. Quản lý cán bộ, công chức, viên chức, tài sản,
hồ sơ, tài liệu của Ban.
2.7. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Viện
Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam giao.
3. Ban Đào tạo, Hợp tác quốc tế
3.1. Về Đào tạo
a) Xây dựng chiến lược, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng
phát triển nguồn nhân lực trình Giám đốc Viện quyết định;
b) Quản lý công tác đào tạo của Viện;
c) Tổ chức đào tạo Tiến sĩ, liên kết đào tạo Thạc
sĩ; tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực trong
lĩnh vực lâm nghiệp;
d) Đầu mối hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong
nước và ngoài nước về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực lâm nghiệp;
đ) Thực hiện các dịch vụ tư vấn về đào tạo.
3.2. Về Hợp tác quốc tế
a) Tham gia xây dựng và tổng hợp chiến lược, kế hoạch
hợp tác quốc tế của toàn Viện để trình Giám đốc Viện quyết định;
b) Kiểm tra việc thực hiện các chiến lược và kế hoạch
hợp tác quốc tế đã được phê duyệt trong toàn Viện;
c) Quản lý, phối hợp thực hiện các dự án, chương
trình hợp tác quốc tế của Viện;
d) Tư vấn giám sát, đánh giá các dự án hợp tác quốc
tế trong lĩnh vực lâm nghiệp;
đ) Đầu mối quản lý các hoạt động liên quan đến người
nước ngoài làm việc tại Viện; các hội nghị, hội thảo quốc tế trong phạm vi quản
lý của Viện theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý của Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn.
3.3. Quản lý cán bộ, công chức, viên chức, tài sản,
hồ sơ, tài liệu của Ban.
3.4. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Viện
Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam giao.
4. Ban Tài chính, Kế toán
4.1. Tham mưu Giám đốc Viện thực hiện Luật Ngân
sách nhà nước, Luật Kế toán và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến
công tác tài chính, kế toán của toàn Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam.
4.2. Hướng dẫn các đơn vị trực thuộc Viện thực hiện
những quy định, chế độ, chính sách và báo cáo trong lĩnh vực tài chính kế toán.
4.3. Tổ chức quản lý thu, chi ngân sách:
a) Tổng hợp, lập dự toán thu, chi ngân sách nhà nước
hàng năm của Viện trình Bộ;
b) Trình Giám đốc Viện quyết định giao dự toán ngân
sách cho các đơn vị trực thuộc trên cơ sở các quyết định giao dự toán của Bộ
cho Viện;
c) Tham gia thẩm tra trình Bộ phê duyệt dự toán,
quyết toán chương trình đề tài nghiên cứu khoa học, các dự án điều tra cơ bản,
đào tạo nghiên cứu sinh, sự nghiệp bảo vệ môi trường và các dự án do Bộ quản
lý;
d) Thực hiện nhiệm vụ xét duyệt quyết toán năm, quyết
toán các công trình/dự án hoàn thành của Viện và các đơn vị trực thuộc theo quy
định của Nhà nước và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
đ) Thực hiện chế độ báo cáo tài chính, kế toán định
kỳ và hàng năm theo quy định của pháp luật.
4.4. Tổ chức quản lý, sử dụng tài sản công:
a) Quản lý giá trị tài sản các đơn vị thuộc Viện
theo quy định hiện hành; tham mưu cho Giám đốc Viện trình Bộ quyết định phương
án xử lý tài sản Nhà nước (điều chuyển, thu hồi, nhượng bán và thanh lý) cho
các đơn vị thuộc Viện theo quy định hiện hành;
b) Hướng dẫn, tổng hợp báo cáo kiểm kê tài sản theo
quy định của pháp luật.
4.5. Theo dõi và kiểm tra về tài chính kế toán của
các dự án đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách, vốn vay, vốn viện trợ do Viện quản
lý.
4.6. Hướng dẫn các đơn vị thực hiện chế độ tài
chính, kế toán đơn vị.
4.7. Kiểm tra, giám sát tình hình quản lý tài chính,
tài sản, định mức sử dụng tài sản của các đơn vị trực thuộc Viện.
4.8. Trình Giám đốc Viện giải quyết các vấn đề vướng
mắc liên quan đến công tác tài chính, kế toán.
4.9. Tham gia xây dựng các định mức kinh tế kỹ thuật,
cơ chế quản lý và tìm kiếm, khai thác các nguồn vốn để phục vụ cho hoạt động của
Viện.
4.10. Tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho
đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tài chính, kế toán trong Viện.
4.11. Thường trực công tác thực hành tiết kiệm, chống
lãng phí của Viện.
4.12. Quản lý cán bộ, công chức, viên chức, tài sản,
hồ sơ, tài liệu của Ban.
4.13. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Viện
Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam giao.
5. Các Viện, Trung tâm trực thuộc Viện Khoa học Lâm
nghiệp Việt Nam
5.1. Chức năng, nhiệm vụ:
a) Thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo Quyết định
của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cho từng đơn vị;
b) Phối hợp với các Ban tham mưu và các đơn vị trực
thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại
Quyết định số 1149/QĐ-BNN-TCCB ngày 18/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn;
c) Thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức khoa
học công nghệ công lập quy định tại Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 05/9/2005
của Chính phủ Quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học
và công nghệ công lập và Nghị định số 96/2010/NĐ-CP ngày 20/9/2010 của Chính phủ
về sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 115/2005/NĐ-CP theo phê duyệt
của Bộ về chuyển đổi hoạt động của đơn vị sang cơ chế tự trang trải kinh phí hoạt
động;
d) Thực hiện nhiệm vụ khác do Bộ trưởng Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn và Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
giao.
5.2. Cơ cấu tổ chức:
a) Các chức danh lãnh đạo đơn vị quy định tại Điều
4 của bản Điều lệ này;
b) Kế toán trưởng;
c) Các Phòng nghiệp vụ:
Viện vùng, Viện chuyên đề có: Phòng Tổ chức, Hành
chính và Phòng Kế hoạch, Tài chính; Khi có nhu cầu và đủ điều kiện cần thiết,
Giám đốc Viện thành lập Phòng Đào tạo và Hợp tác quốc tế để đảm bảo sự quản lý
thống nhất của toàn viện thông qua 04 Ban tham mưu.
Trung tâm vùng, Trung tâm chuyên đề có: Phòng Tổng
hợp.
d) Các Tổ chức chuyên môn:
Viện vùng, Viện chuyên đề có: các trung tâm; các trạm
nghiên cứu hoặc xưởng thực nghiệm trực thuộc Trung tâm; phòng thí nghiệm; phòng
chuyên môn và bộ môn nghiên cứu khoa học;
Trung tâm vùng, Trung tâm chuyên đề có: các trạm hoặc
xưởng thực nghiệm trực thuộc Trung tâm; phòng chuyên môn và bộ môn nghiên cứu
khoa học.
đ) Khi có nhu cầu và đủ điều kiện thành lập doanh
nghiệp khoa học công nghệ trực thuộc các đơn vị thành viên của Viện Khoa học
Lâm nghiệp Việt Nam, Viện lập đề án trình Bộ xem xét, quyết định thành lập theo
quy định của pháp luật.
Điều 6. Hội đồng khoa học, Hội
đồng chuyên môn, các Hội đồng tư vấn khác
1. Hội đồng Khoa học của Viện Khoa học Lâm nghiệp
Việt Nam là tổ chức tư vấn giúp Giám đốc Viện trong việc xây dựng chiến lược
phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực lâm nghiệp; kế hoạch khoa học, công
nghệ dài hạn, năm năm và hàng năm; chính sách, cơ chế liên quan đến khoa học
công nghệ; tổ chức hệ thống các đơn vị nghiên cứu, phát triển công nghệ, đào tạo
và sử dụng nguồn nhân lực khoa học công nghệ; hợp tác quốc tế về khoa học công
nghệ; những vấn đề khác theo yêu cầu của Giám đốc Viện.
2. Hội đồng chuyên môn và các Hội đồng khác, như: Hội
đồng thẩm định, nghiệm thu các đề tài, dự án KHCN; thi đua khen thưởng; kỷ luật;
đào tạo; tuyển dụng; nâng lương, nâng ngạch lương của Viện, do Giám đốc Viện Khoa
học Lâm nghiệp Việt Nam thành lập khi có yêu cầu giải quyết công việc cụ thể.
3. Việc thành lập, giải thể và ban hành quy chế tổ
chức và hoạt động của các Hội đồng do Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt
Nam quyết định theo quy định của pháp luật.
Chương III
THẨM QUYỀN, PHẠM VI GIẢI
QUYẾT CÔNG VIỆC
Điều 7. Giám đốc Viện Khoa học
Lâm nghiệp Việt Nam
1. Chủ động tổ chức thực hiện Quyết định số
1149/QĐ-BNN-TCCB ngày 18/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn Quy định chức năng nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Khoa học
Lâm nghiệp Việt Nam; chịu trách nhiệm toàn diện, liên tục về mọi hoạt động của
Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam trước Bộ trưởng và trước pháp luật.
2. Phân công các Phó Giám đốc phụ trách một số lĩnh
vực công tác; phân cấp cho thủ trưởng các đơn vị thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp
Việt Nam giải quyết một số vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của Giám đốc Viện.
3. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của các
đơn vị trực thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam trong việc thực hiện pháp
luật, nhiệm vụ đã phân công, phân cấp thuộc lĩnh vực quản lý của Viện.
4. Ký các văn bản báo cáo lãnh đạo Bộ; quy hoạch
phát triển Viện; Đề án thành lập, tổ chức lại, giải thể các tổ chức trực thuộc;
quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế dân chủ cơ quan; phương án vay vốn tín dụng, hỗ
trợ đầu tư; giao nhiệm vụ và kế hoạch cho các đơn vị; giao dự toán, xét duyệt
quyết toán cho các đơn vị theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; tổ chức thẩm
định, phê duyệt dự toán nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ hàng năm theo
phân cấp quản lý của Bộ; phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng được Bộ trưởng ủy
quyền.
5. Quyết định những công việc liên quan từ 2 Phó
Giám đốc Viện trở lên.
6. Khi Giám đốc Viện vắng mặt từ 03 ngày trở lên phải
phân công một Phó Giám đốc thường trực (bằng văn bản) để điều hành giải quyết
công việc của Viện.
7. Chủ trì tổ chức thực hiện chương trình, các đề
tài, dự án và các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao.
8. Tổ chức thẩm định và phê duyệt Điều lệ Tổ chức
và Hoạt động của các tổ chức khoa học công nghệ trực thuộc Viện Khoa học Lâm
nghiệp Việt Nam, sau khi có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn; Quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các tổ chức
trực thuộc các Viện, Trung tâm, Doanh nghiệp trực thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp
Việt Nam (trừ các đơn vị có con dấu và tài khoản riêng) bảo đảm nguyên tắc thống
nhất trong hệ thống tổ chức của toàn Viện theo quy định của pháp luật.
Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh lãnh
đạo của các đơn vị trực thuộc, các Ban tham mưu và các chức danh khác theo quy
định của pháp luật và phân cấp quản lý cán bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn.
Quyết định thành lập các Hội đồng tư vấn; cử cán bộ,
công chức, viên chức và người lao động đi công tác học tập ở nước ngoài; khen
thưởng, kỷ luật, nâng lương và các quyết định khác theo quy định của pháp luật
và phân cấp quản lý cán bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Điều 8. Các Phó Giám đốc Viện
Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
1. Phó Giám đốc Viện được Giám đốc Viện phân công
phụ trách hoặc ủy quyền về một số lĩnh vực hoạt động và phụ trách một số đơn vị
thuộc Viện. Chịu trách nhiệm trước Giám đốc Viện, trước pháp luật về lĩnh vực
công tác được phân công phụ trách hoặc được ủy quyền.
2. Giải quyết một số công việc cấp bách của Phó
Giám đốc khác phụ trách theo sự phân công của Giám đốc Viện và đề nghị của các
Ban.
3. Đối với những vấn đề thuộc về chủ trương hoặc có
tính nguyên tắc, chưa có văn bản quy định, vượt thẩm quyền và những vấn đề quan
trọng, Phó Giám đốc Viện phải xin ý kiến Giám đốc Viện trước khi quyết định.
4. Khi Giám đốc Viện điều chỉnh phân công giữa các
Phó Giám đốc Viện thì các Phó Giám đốc Viện phải bàn giao nội dung công việc, hồ
sơ, tài liệu liên quan.
5. Chủ động tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được
giao, có trách nhiệm tiếp nhận đầy đủ các thông tin liên quan cũng như các chủ
trương chính sách của Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn được giao.
6. Giải quyết các công việc chung của Viện và ký
các văn bản theo ủy quyền của Giám đốc Viện.
Điều 9. Thẩm quyền, phạm vi giải
quyết công việc của Thủ trưởng các Ban tham mưu và các đơn vị
1. Chủ động tổ chức thực hiện công việc thuộc chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị; chịu trách nhiệm trước Giám đốc Viện về
nhiệm vụ được giao.
2. Những việc phát sinh vượt quá thẩm quyền phải kịp
thời báo cáo Giám đốc Viện hoặc Phó Giám đốc Viện phụ trách để xin ý kiến chỉ đạo
giải quyết; không chuyển công việc thuộc thẩm quyền lên Ban Giám đốc, không giải
quyết công việc không thuộc nhiệm vụ của đơn vị mình.
3. Chủ động phối hợp với Thủ trưởng các đơn vị xử
lý những vấn đề có liên quan đến nhiệm vụ của đơn vị và thực hiện nhiệm vụ
chung của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam.
4. Thực hiện nhiệm vụ do Giám đốc Viện hoặc Phó
Giám đốc Viện giao.
5. Xây dựng và quyết định quy chế làm việc trong
đơn vị theo quy định của pháp luật; phân công, phân cấp công việc cho cấp phó,
lãnh đạo đơn vị trực thuộc và viên chức.
6. Khi Thủ trưởng các tổ chức khoa học công nghệ hoặc
Ban tham mưu trực thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam vắng mặt từ 03 ngày
trở lên phải ủy quyền cho cấp phó trực tiếp quản lý, điều hành và báo cáo Giám
đốc Viện bằng văn bản qua Trưởng ban Ban Tổ chức, Hành chính. Người được ủy quyền
chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng đơn vị, Giám đốc Viện và pháp luật về mọi hoạt
động của đơn vị trong thời gian được ủy quyền.
7. Chấp hành các chủ trương, chính sách, pháp luật
của nhà nước và của chính quyền địa phương nơi đóng trụ sở.
Điều 10. Thẩm quyền, phạm vi
giải quyết công việc của cán bộ, công chức, viên chức
1. Chủ động nghiên cứu, tham mưu về lĩnh vực chuyên
môn được giao.
2. Chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ trưởng đơn vị,
trước Lãnh đạo Viện và trước pháp luật về toàn bộ nội dung và kết quả của từng
công việc được giao.
3. Thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi của cán bộ, công
chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật viên chức và các
quy định của pháp luật có liên quan.
Chương IV
CÔNG TÁC QUẢN LÝ ĐIỀU
HÀNH CỦA VIỆN
Điều 11. Nguyên tắc quản lý điều
hành chung
1. Điều lệ tổ chức và hoạt động này quy định về chế
độ, trách nhiệm, lề lối làm việc, mối quan hệ công tác của lãnh đạo, cán bộ,
công chức, viên chức và người lao động của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam. Tất
cả lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong Viện Khoa học
Lâm nghiệp Việt Nam phải chấp hành thực hiện theo Điều lệ này; Điều lệ tổ chức
và hoạt động này được áp dụng với tất cả các cá nhân, đơn vị liên quan có quan
hệ công tác với Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam.
2. Nguyên tắc hoạt động:
2.1. Hoạt động của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt
Nam phải tuân theo quy định của pháp luật, quy chế làm việc của Bộ và các quy định
chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ (Tổng cục, Cục, Vụ, Thanh
tra Bộ, Văn phòng Bộ), đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ Thủ trưởng.
2.2. Trình tự, thủ tục và thời hạn giải quyết công
việc theo đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo sự phối hợp công tác, trao đổi
thông tin trong giải quyết công việc, mọi hoạt động phải theo chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn được quy định.
3. Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam thống nhất quản
lý về: chiến lược phát triển khoa học công nghệ lâm nghiệp của Viện; chiến lược
của các Viện vùng, Viện chuyên đề, Trung tâm Khoa học vùng, Trung tâm chuyên đề;
chỉ tiêu biên chế, số lượng vị trí việc làm và quy hoạch phát triển nguồn nhân
lực; quy chế điều hành chung.
4. Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam làm việc theo
chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ và phát huy năng lực,
trách nhiệm cá nhân của từng cán bộ, công chức, viên chức, quan hệ chặt chẽ với
tổ chức Đảng, các đoàn thể chính trị, xã hội. Mỗi việc do một người phụ trách
và chịu trách nhiệm chính.
5. Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam thực hiện phân
cấp quản lý các hoạt động cho các đơn vị trực thuộc; sử dụng hiệu quả mọi nguồn
lực, tài sản hiện có để phát triển khoa học công nghệ của Viện.
6. Các đơn vị thành viên thực hiện đúng chế độ báo
cáo, thống kê, kế toán theo quy định và yêu cầu công việc của Viện.
7. Thủ trưởng các đơn vị tham dự đầy đủ các cuộc họp
do Ban Giám đốc Viện triệu tập. Trường hợp Thủ trưởng đơn vị đi công tác vắng
thì cử cấp Phó đi họp thay. Khi cần thiết Ban Giám đốc Viện mời lãnh đạo đơn vị,
công chức, viên chức liên quan dự họp để giải quyết công việc cụ thể.
8. Giám đốc Viện lên kế hoạch họp giao ban định kỳ
với các đơn vị trực thuộc; họp sơ kết 6 tháng và tổng kết năm.
9. Các Ban tham mưu và các đơn vị thuộc Viện có
trách nhiệm phối hợp chặt chẽ để thực hiện các quyết định và nhiệm vụ do Giám đốc
Viện và Bộ giao.
Điều 12. Về quản lý khoa học
công nghệ và sản xuất kinh doanh
1. Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam thống
nhất quản lý việc phân công thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ thường
xuyên, lâu dài theo chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao trong toàn Viện.
2. Các đơn vị trong Viện được sử dụng giấy phép
đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ, kinh doanh của đơn vị mình hoặc giấy
phép đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ, kinh doanh của Viện Khoa học Lâm
nghiệp Việt Nam để tham gia đấu thầu, tuyển chọn, ký kết hợp đồng với các đối
tác theo quy định của pháp luật.
3. Các hoạt động khoa học, công nghệ, sản xuất,
kinh doanh phải tuân theo quy định và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn và của Nhà nước.
4. Các đề án, đề tài, dự án nghiên cứu các cấp, sau
khi nghiệm thu hoàn thành phải nộp đủ hồ sơ, sản phẩm về Viện, chỉ được làm thủ
tục thanh lý hợp đồng, thanh quyết toán sau khi đã có xác nhận đủ hồ sơ lưu trữ,
xử lý tài sản kết thúc dự án theo quy định.
5. Tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học phải có kế
hoạch, mục tiêu, nội dung, thành phần dự cụ thể và chuẩn bị tài liệu đầy đủ đảm
bảo tiết kiệm, hiệu quả.
6. Hàng năm Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt
Nam thành lập Hội đồng tư vấn để tổ chức đánh giá hoạt động khoa học, công nghệ
của từng đơn vị theo tiêu chí chung của Viện để xem xét xếp hạng nội bộ và giao
nhiệm vụ tiếp.
7. Kết quả nghiên cứu khoa học của Viện là tài sản
chung của Nhà nước được bảo mật, đăng ký sở hữu trí tuệ, lưu trữ, sử dụng, công
bố theo quy định của pháp luật.
Điều 13. Công tác thống kê
1. Tổ chức thực hiện công tác thống kê phục vụ yêu
cầu quản lý của Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và các đơn vị trực thuộc.
2. Thực hiện các cuộc điều tra thống kê và chế độ
báo cáo thống kê của Nhà nước theo quy định của Luật Thống kê và các quy định
pháp luật có liên quan.
Điều 14. Công tác kế hoạch
1. Viện xây dựng kế hoạch hoạt động, tài chính
trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện theo quy định của
pháp luật.
2. Tổ chức đánh giá kết quả thực hiện định kỳ, làm
căn cứ điều chỉnh, xây dựng kế hoạch.
3. Thực hiện đúng chế độ báo cáo, thống kê, kế toán
theo quy định của pháp luật.
Điều 15. Về quản lý tài chính
1. Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam chịu
trách nhiệm thực hiện dự toán theo quy định của pháp luật. Thủ trưởng các đơn vị
thuộc Viện được chủ động trong quá trình thực hiện công tác tài chính được giao
và chịu sự kiểm tra, kiểm soát công tác tài chính kế toán của Giám đốc Viện
Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và theo quy định của pháp luật. Cụ thể như sau:
1.1. Tổng hợp và phân bổ các nguồn kinh phí, quyết
định giao, kiểm tra việc thực hiện dự toán thu, chi ngân sách, điều chỉnh dự
toán, duyệt, tổng hợp quyết toán theo quy định của Luật ngân sách cho các đơn vị
thành viên báo cáo Bộ quyết định.
1.2. Quản lý quy hoạch tổng thể, phê duyệt kế hoạch
xây dựng, sửa chữa, mua sắm thiết bị và các nội dung đầu tư khác bằng nguồn vốn
trong và ngoài nước; báo cáo về Bộ để theo dõi tổng hợp theo quy định của pháp
luật.
2. Quản lý các nguồn thu tài chính của Viện Khoa học
Lâm nghiệp Việt Nam, bao gồm:
2.1. Kinh phí do ngân sách Nhà nước cấp, gồm:
a) Nguồn kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và
công nghệ;
b) Nguồn kinh phí thường xuyên;
c) Nguồn kinh phí không thường xuyên;
d) Nguồn vốn đối ứng;
đ) Nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản;
e) Nguồn vốn khác (nếu có).
2.2. Các nguồn thu sự nghiệp, gồm: thu từ phí và lệ
phí theo quy định; thu từ hoạt động cung ứng dịch vụ; thu từ hợp đồng nghiên cứu
khoa học và phát triển công nghệ, hợp đồng chuyển giao công nghệ; thu từ hoạt động
sản xuất, kinh doanh; thu sự nghiệp khác.
2.3. Vốn viện trợ, quà biếu, tặng của các cá nhân,
tổ chức trong và ngoài nước.
2.4. Nguồn tài chính khác, gồm: vốn khấu hao tài sản
cố định; thanh lý tài sản được để lại theo quy định; vốn huy động của các cá
nhân, vốn vay của các tổ chức tín dụng; các nguồn tài chính hợp pháp khác theo
quy định của pháp luật.
2.5. Các khoản thu từ ngân sách Nhà nước và các hoạt
động khoa học công nghệ, sản xuất, tư vấn, dịch vụ được kiểm soát trong tài khoản
của Viện và các đơn vị trực thuộc Viện theo đúng quy định của pháp luật.
2.6. Các đơn vị trực thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp
Việt Nam trích nộp từ các nguồn thu hợp pháp (mức trích nộp theo quy chế chi
tiêu nội bộ) để hỗ trợ một phần cho các hoạt động của Viện theo quy định của
pháp luật.
3. Quản lý chi tiêu trong Viện:
3.1. Chi thực hiện nhiệm vụ được giao; chi thực hiện
các hoạt động dịch vụ, sản xuất kinh doanh; chi lương và hoạt động bộ máy; chi
lập các qũy; chi khác theo quy định của pháp luật.
3.2. Mọi khoản chi của Viện và các đơn vị thành
viên phải đảm bảo công khai, minh bạch, đúng mục đích, có hiệu quả. Cán bộ,
công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị đều có quyền và trách nhiệm
giám sát việc chi tiêu trong đơn vị.
Chế độ quản lý tài chính, kế toán, tài sản của Viện
Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế
toán và các quy định khác của pháp luật. Giám đốc Viện, Thủ trưởng các đơn vị
có trách nhiệm quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn tài chính, tài sản của đơn vị;
thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, trích lập các quỹ theo quy định của pháp luật.
Điều 16. Quản lý cơ sở vật chất,
trụ sở làm việc và tài sản
1. Cơ sở vật chất và trụ sở làm việc: Viện Khoa học
Lâm nghiệp Việt Nam thống nhất quản lý chung về đất đai và giao cho các đơn vị
quản lý sử dụng đất xây dựng trụ sở, đất rừng nghiên cứu thí nghiệm, vườn ươm,
phòng thí nghiệm, xưởng thực nghiệm theo quy hoạch chung toàn Viện; thống nhất
quản lý các dự án đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất trong toàn Viện, mọi công
trình xây dựng, sửa chữa phải được Giám đốc Viện phê duyệt hoặc trình Bộ phê
duyệt theo quy hoạch chung của toàn Viện; các Viện vùng, Viện chuyên đề, Trung
tâm Khoa học vùng, Trung tâm chuyên đề, các Ban chức năng được giao quản lý và
sử dụng cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, trụ sở hiện có và được bố trí, sắp xếp
lại phù hợp yêu cầu phát triển Viện.
2. Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam lập
quy hoạch xây dựng chung của toàn Viện và trình cấp có thẩm quyền để xin chủ
trương đầu tư xây dựng và thực hiện quản lý đầu tư xây dựng theo đúng quy định
của pháp luật.
3. Quản lý về tài sản:
3.1. Viện quản lý sử dụng và khai thác tài sản do
Nhà nước giao gồm: đất đai, trụ sở, phòng thí nghiệm, vườn ươm, xưởng thực nghiệm,
trạm nghiên cứu, thiết bị, tài sản và các nguồn lực khác được trang bị từ các
nguồn kinh phí của Nhà nước để hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của Viện.
3.2. Hàng năm, Viện lập kế hoạch mua sắm tài sản
thiết bị theo yêu cầu nhiệm vụ trình Bộ phê duyệt. Tất cả tài sản, thiết bị mua
sắm đều phải được phản ánh vào sổ sách kế toán và tổ chức kiểm kê đánh giá hàng
năm theo quy định quản lý tài sản của Nhà nước.
4. Tài sản thiết bị để phục vụ công tác nghiên cứu khoa
học được tính hao mòn; tài sản để phục vụ sản xuất kinh doanh tính khấu hao
theo quy định. Các đơn vị có quy định quản lý sử dụng thiết bị riêng bảo đảm
theo quy định của pháp luật.
Điều 17. Quản lý biên chế công
chức và số lượng vị trí việc làm, lao động, tiền lương
1. Thực hiện đầy đủ quyền hạn và trách nhiệm quy định
trong Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức và các quy định của pháp luật có
liên quan về cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
2. Biên chế, số lượng vị trí việc làm:
2.1. Biên chế, số lượng vị trí việc làm của Viện
Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam gồm cán bộ, công chức sự nghiệp, viên chức, hợp đồng
lao động (theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực
hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước,
đơn vị sự nghiệp) được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, các nguồn thu sự nghiệp
khác theo quy định của pháp luật. Việc xây dựng Đề án quản lý biên chế công chức
và vị trí việc làm được thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật
Viên chức, Nghị định số 06/2010/NĐ-CP ngày 25/01/2010, Nghị định số
21/2010/NĐ-CP ngày 08/3/2010 Nghị định số 41/2012/NĐ-CP ngày 08/5/2012, Nghị định
số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 và các văn bản pháp luật có liên quan. Tổng chỉ
tiêu định biên hàng năm của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam được Bộ trưởng Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt theo đề nghị của Giám đốc Viện.
2.2. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Viện Khoa học Lâm
nghiệp Việt Nam căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao của năm kế hoạch và nhu cầu
công việc thực tế, khả năng tài chính, định mức biên chế, số lượng vị trí việc
làm có trách nhiệm rà soát, mô tả từng vị trí việc làm của cán bộ, công chức,
viên chức thuộc biên chế của đơn vị, báo cáo Giám đốc Viện số lượng, yêu cầu chất
lượng cán bộ, công chức, viên chức để tổng hợp trình Bộ phê duyệt. Giám đốc Viện
có trách nhiệm tổ chức thực hiện tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên
chức theo quy định của pháp luật.
3. Thực hiện Quyết định phân cấp quản lý cán bộ và
hướng dẫn tuyển dụng viên chức của Bộ. Việc tuyển dụng cán bộ, công chức, viên
chức và người lao động vào đơn vị phải được công khai về số lượng, tiêu chuẩn,
hình thức và kết quả tuyển dụng. Người trúng tuyển được bổ nhiệm vào ngạch và xếp
lương theo ngạch, bậc đúng quy định của Nhà nước.
4. Thủ trưởng đơn vị được đề xuất tăng, giảm biên
chế, số lượng vị trí việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc đối với viên chức
của đơn vị mình theo phân cấp quản lý cán bộ của Giám đốc Viện. Trình tự, thủ tục
thực hiện tăng, giảm biên chế, số lượng vị trí việc làm và chấm dứt hợp đồng
làm việc theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
5. Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam thực
hiện việc ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn với
viên chức và người lao động làm việc tại các Ban tham mưu; viên chức thuộc biên
chế của các đơn vị trực thuộc Viện theo quy định của Luật viên chức, Bộ Luật
lao động và pháp luật khác có liên quan. Việc ký hợp đồng lao động tuân theo
các quy định hiện hành của Nhà nước.
6. Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam có
trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra thực hiện chế độ nâng bậc lương, nâng ngạch
lương, đóng bảo hiểm xã hội đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động
trong toàn Viện theo quy định và hướng dẫn của Nhà nước.
7. Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam hủy bỏ
hoặc yêu cầu Thủ trưởng đơn vị trực thuộc hủy bỏ các quyết định của đơn vị về
quản lý, sử dụng biên chế, qũy tiền lương và thu nhập của cán bộ, công chức,
viên chức trái với quy định của pháp luật.
Điều 18. Về bổ nhiệm, bổ nhiệm
lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm đối với công chức, viên chức lãnh đạo, quản
lý
1. Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức,
miễn nhiệm và cách chức đối với công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý được thực
hiện theo nguyên tắc tập trung, dân chủ do cấp ủy Đảng và Thủ trưởng đơn vị chịu
trách nhiệm thực hiện theo quy định.
2. Trình tự, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân
chuyển, từ chức, miễn nhiệm, cách chức đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý
được thực hiện theo quy định của pháp luật, hướng dẫn và phân cấp thẩm quyền quản
lý cán bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
3. Việc quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, luân chuyển,
miễn nhiệm, cách chức, điều động, nâng lương, chuyển ngạch, nghỉ hưu, cho thôi
việc, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động
phải được công khai trong đơn vị.
4. Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam bổ
nhiệm, miễn nhiệm, cách chức đối với các chức danh Phó Viện trưởng, Phó giám đốc
Trung tâm và kế toán trưởng của các đơn vị trực thuộc theo quy định của pháp luật
và phân cấp quản lý cán bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
5. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Viện Khoa học
Lâm nghiệp Việt Nam bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh còn lại thuộc
thẩm quyền quản lý của đơn vị; đối với các chức danh Trưởng phòng, Trưởng bộ
môn, Giám đốc các Trung tâm và các chức danh tương đương trực thuộc các đơn vị
thành viên của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam được bổ nhiệm, miễn nhiệm,
cách chức sau khi có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Giám đốc Viện Khoa học
Lâm nghiệp Việt Nam.
6. Thẩm quyền bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển,
miễn nhiệm, cho từ chức và cách chức thực hiện theo Quyết định phân cấp quản lý
cán bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Điều 19. Công tác bảo vệ chính
trị nội bộ
1. Lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động
của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, các đơn vị và các tổ chức trực thuộc Viện,
khi làm việc với các đối tác của các đề tài, dự án hợp tác quốc tế hoặc có yếu
tố nước ngoài phải có kế hoạch được lãnh đạo Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
phê duyệt hoặc chấp thuận. Kết quả làm việc phải báo cáo Giám đốc Viện bằng văn
bản.
2. Phó Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam,
lãnh đạo các đơn vị trực thuộc và các cá nhân thuộc Viện chỉ được cung cấp
thông tin liên quan đến tình hình, kết quả hoạt động của Viện, các chương
trình, đề tài, đề án, dự án với các tổ chức cá nhân bên ngoài khi có sự đồng ý
của Giám đốc Viện hoặc người được Giám đốc Viện ủy quyền.
3. Thực hiện các quy định tại các Văn bản số
57-QĐ/TW ngày 3/5/2007 của Bộ Chính trị về một số vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ
Đảng; Chỉ thị số 13/2008/CT- TTg ngày 14/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ về tăng
cường công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong tình hình mới và các quy định liên
quan của Đảng, nhà nước về công tác bảo vệ chính trị nội bộ.
Điều 20. Công tác đào tạo
1. Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam thống nhất quản
lý công tác đào tạo, bao gồm: đào tạo tiến sĩ, đào tạo thạc sĩ; đào tạo chuyên
môn nghiệp vụ ngắn hạn. Công tác quản lý và tổ chức thực hiện đào tạo tuân theo
quy chế của Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ban Đào tạo, Hợp tác quốc tế làm
đầu mối trong quản lý và tổ chức thực hiện đào tạo của Viện Khoa học Lâm nghiệp
Việt Nam, các đơn vị thành viên của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam có trách
nhiệm tham gia vào các hoạt động đào tạo của Viện.
2. Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam có trách nhiệm
phối hợp với các Trường Đại học, các Viện trong nước và ngoài nước thực hiện
công tác nghiên cứu, đào tạo để phát huy tổng hợp tiềm lực cán bộ và cơ sở vật
chất nhằm giải quyết những vấn đề khoa học công nghệ phục vụ yêu cầu sản xuất
và phát triển Viện.
3. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được
cử đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chính trị, ngoại ngữ được
thực hiện theo quy chế quản lý cán bộ, đào tạo của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt
Nam và quy định hiện hành của Nhà nước.
Điều 21. Công tác Hợp tác quốc
tế
1. Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam chủ động thiết
lập mối quan hệ, hợp tác, ký các văn bản ghi nhớ, thỏa thuận về đào tạo, khoa học
và công nghệ với các trường đại học, các tổ chức khoa học và công nghệ nước
ngoài; mời chuyên gia nước ngoài đến nghiên cứu, giảng dạy và trao đổi kinh
nghiệm tại Viện theo quy định của pháp luật. Ban Đào tạo, Hợp tác quốc tế của
Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, các đơn vị thành viên của Viện có trách nghiệm
tham gia vào công tác này.
2. Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam xây dựng các dự
án có vốn đầu tư nước ngoài trình cơ quan có thẩm quyền quyết định; huy động
nguồn lực để thực hiện tốt các thỏa thuận, các dự án theo đúng quy định của
pháp luật.
3. Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam xây dựng các
chương trình đào tạo quốc tế trong khuôn khổ các dự án hợp tác với các trường đại
học và các tổ chức khoa học, đào tạo có uy tín trên thế giới theo thông lệ quốc
tế và quy định pháp luật của Việt Nam.
4. Thực hiện nhiệm vụ của tổ chức khoa học công nghệ
trong hợp tác quốc tế theo quy định tại Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày
05/9/2005 của Chính phủ và Nghị định số 96/2010/NĐ-CP ngày 20/9/2010 của Chính
phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2005/NĐ-CP .
Điều 22. Xếp hạng tổ chức sự
nghiệp khoa học công nghệ
Việc phân loại, xếp hạng các tổ chức sự nghiệp khoa
học và công nghệ thuộc và trực thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam được thực
hiện theo Quyết định số 181/2005/QĐ-TTg ngày 19/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ
về quy định việc phân loại, xếp hạng đối với các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ
công lập và các văn bản pháp luật có liên quan.
Chương V
QUAN HỆ CÔNG TÁC
Điều 23. Quan hệ làm việc giữa
Ban Giám đốc Viện với lãnh đạo các đơn vị, trách nhiệm của Viện và các đơn vị
trực thuộc
1. Ban Giám đốc Viện giao nhiệm vụ cho các đơn vị
thông qua Thủ trưởng đơn vị. Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm tổ chức thực hiện
và báo cáo tiến độ, kết quả về Ban Giám đốc Viện.
2. Viện thống nhất quản lý đối với các đơn vị trực
thuộc về các lĩnh vực: Tổ chức bộ máy và nhân sự; kế hoạch nghiên cứu khoa học,
đề xuất và thực hiện các đề tài, dự án KHCN cấp Bộ và cấp Nhà nước; tài chính;
xây dựng cơ bản; đào tạo và hợp tác quốc tế.
3. Viện là đầu mối quản lý hoạt động tự chủ của các
đơn vị trực thuộc về những lĩnh vực: Chuyển giao công nghệ, hợp tác với địa
phương, đào tạo nguồn nhân lực, tư vấn dịch vụ và sản xuất kinh doanh.
4. Các đơn vị được tự chủ trong các hoạt động khác
theo quy định của pháp luật.
Điều 24. Quan hệ làm việc giữa
lãnh đạo các đơn vị
Thủ trưởng các đơn vị có trách nhiệm phối hợp chặt
chẽ trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao và huy động cán bộ, công
chức, viên chức, người lao động trong đơn vị tham gia thực hiện. Trường hợp cần
huy động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị khác phải trao
đổi trực tiếp với lãnh đạo đơn vị quản lý cán bộ cần huy động.
Điều 25. Quan hệ giữa Ban Giám
đốc với tổ chức Đảng, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội
1. Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam trong Viện Khoa học
Lâm nghiệp Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật và theo Điều
lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam.
2. Các tổ chức Đoàn thể chính trị, xã hội trong Viện
Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam hoạt động theo quy định của pháp luật và có trách
nhiệm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, đảm bảo phát triển hoạt động khoa học và
công nghệ của Viện phù hợp với tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của các
đoàn thể đã xác định.
3. Ban Giám đốc Viện phối hợp chặt chẽ với cấp Ủy Đảng
trong việc xây dựng quy hoạch cán bộ, chương trình kế hoạch công tác và biện
pháp triển khai để hoàn thành tốt nhiệm vụ của Viện.
Điều 26. Quản lý nhà nước đối
với Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam chịu sự quản lý
nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; chịu sự quản lý, hướng dẫn,
kiểm tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo từng lĩnh vực chuyên môn của
Viện; chịu sự quản lý hành chính theo lãnh thổ của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương nơi Viện đặt trụ sở.
Điều 27. Quan hệ với các cơ
quan ngoài Viện
Viện có trách nhiệm hợp tác với các cơ quan, đơn vị
thuộc Bộ, ngoài Bộ và các địa phương, thiết lập mối quan hệ với các cơ quan
nghiên cứu khoa học, đào tạo ở trong Ngành, ngoài Ngành để phục vụ phát triển
kinh tế, xã hội của đất nước. Viện chủ động phối hợp với chính quyền địa phương
nơi đặt trụ sở, hiện trường nghiên cứu thí nghiệm trong việc ứng dụng tiến bộ
khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ vào sản xuất, đào tạo nhân lực cho
địa phương; bảo đảm trật tự, an ninh, cảnh quan, môi trường và các điều kiện
khác theo quy định.
Chương VI
CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC VÀ
CÔNG TÁC VĂN THƯ
Điều 28. Chương trình kế hoạch
công tác
1. Căn cứ vào phương hướng, nhiệm vụ và chương
trình công tác được giao, các đơn vị có trách nhiệm xây dựng kế hoạch công tác
6 tháng, năm gửi về các Ban của Viện để tổng hợp báo cáo Giám đốc Viện theo quy
định.
2. Những nhiệm vụ không hoàn thành theo tiến độ kế
hoạch do những khó khăn khách quan và chủ quan, đơn vị phải kịp thời báo cáo
Ban Giám đốc Viện xem xét, giải quyết.
Điều 29. Công tác văn thư
1. Cán bộ, công chức, viên chức của Viện phải thực
hiện các quy định về công tác văn thư quy định tại Nghị định số 110/2004/NĐ-CP
ngày 08/4/2004 của Chính phủ và của Bộ về việc tiếp nhận, xử lý và quản lý văn
bản, thông tin; Nghị định số 09/2010/NĐ-CP ngày 08/02/2010 của Chính phủ Sửa đổi,
bổ sung một số Điều của Nghị định số 110/2004/NĐ-CP và quy định của Bộ về việc
tiếp nhận, xử lý và quản lý văn bản, thông tin.
2. Văn bản, tài liệu (gọi tắt là văn bản) gửi đến
Viện (bằng bưu điện, cá nhân trực tiếp đưa) phải qua văn thư Viện vào sổ theo
dõi và chuyển đến Giám đốc Viện hoặc Phó Giám đốc Viện xử lý theo phân công.
3. Viên chức, đơn vị được giao xử lý cần phối hợp với
các viên chức, đơn vị liên quan thực hiện theo yêu cầu, thời gian ghi trong văn
bản và báo cáo kết quả với Ban Giám đốc Viện.
4. Văn bản gửi đi phải ghi vào sổ theo dõi và lưu một
bản tại văn thư Viện.
5. Việc sử dụng tư cách pháp nhân, quản lý và sử dụng
con dấu thực hiện theo quy định tại Nghị định số 58/2001/NĐ-CP ngày 24/8/2001 của
Chính phủ về quản lý và sử dụng con dấu; Nghị định số 31/2009/NĐ-CP ngày
01/4/2009 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
58/2001/NĐ-CP và các văn bản pháp luật có liên quan.
Điều 30. Quy trình soạn thảo
văn bản và trình ký văn bản
1. Việc xây dựng văn bản phải thực hiện đúng trình
tự, thủ tục, thời hạn, chất lượng theo quy định của pháp luật.
2. Đối với các văn bản dự thảo liên quan đến nhiều
đơn vị, đơn vị và viên chức phụ trách chính phải phối hợp với các viên chức và
đơn vị liên quan thống nhất và đồng trình.
3. Thẩm quyền ký các văn bản: Giám đốc Viện ký các
văn bản theo thẩm quyền của Giám đốc Viện, Phó Giám đốc Viện ký các văn bản
theo lĩnh vực được phân công hoặc ký các văn bản do Giám đốc Viện giao.
4. Văn bản được ban hành theo địa chỉ ghi trong văn
bản và ghi vào sổ công văn đi.
Điều 31. Quản lý khai thác lưu
trữ văn bản tài liệu
1. Ban Tổ chức, Hành chính có trách nhiệm tiếp nhận,
quản lý lưu trữ, phân loại các văn bản thuận tiện cho việc khai thác.
2. Ban Kế hoạch, Khoa học có trách nhiệm tiếp nhận,
quản lý và lưu trữ các báo cáo kết quả thực hiện đề tài, dự án thuận lợi cho việc
tra cứu tham khảo.
3. Ban Tài chính, Kế toán có trách nhiệm quản lý,
lưu trữ các chứng từ, hóa đơn và hồ sơ tài chính, kế toán theo quy định của Luật
Kế toán và pháp luật có liên quan.
4. Ban Đào tạo, Hợp tác quốc tế có trách nhiệm tiếp
nhận, quản lý và lưu trữ các báo cáo kết quả luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ
và báo cáo kết quả đề tài, dự án hợp tác quốc tế thuận lợi cho việc tra cứu
tham khảo.
Chương VII
CÔNG TÁC THI ĐUA, KHEN
THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT
Điều 32. Về thi đua
1. Tổ chức phát động, chỉ đạo phong trào thi đua
thường xuyên, thi đua theo đợt, theo chuyên đề của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, địa phương, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và các đơn vị trực thuộc
Viện theo quy định.
2. Phát hiện các tổ chức, cá nhân có thành tích xứng
đáng để khen thưởng hoặc đề nghị các cấp có thẩm quyền khen thưởng theo quy định
của Luật Thi đua Khen thưởng, Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010, Nghị định
số 39/2012/NĐ-CP ngày 27/4/2012 của Chính phủ.
3. Tổ chức tuyên truyền, nhân rộng các điển hình
tiên tiến, giữ vững và phát huy tác dụng của các điển hình trong hoạt động thực
tiễn của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và các đơn vị trực thuộc Viện.
Điều 33. Khen thưởng
1. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động,
các tổ chức trong Viện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có nhiều thành tích trong
công tác được Viện khen thưởng hoặc đề nghị Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn và các Bộ, Ngành, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước khen thưởng
về vật chất và tinh thần theo quy định hiện hành của pháp luật.
2. Giám đốc Viện tặng danh hiệu: Tập thể lao động
xuất sắc, tập thể lao động tiên tiến, chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, lao động tiên
tiến, giấy khen cho cán bộ, tập thể thuộc Viện phù hợp với các quy định của
pháp luật về thi đua khen thưởng.
Điều 34. Kỷ luật
1. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vi
phạm điều lệ, nội quy, quy chế làm việc và những quy định khác của Viện Khoa học
Lâm nghiệp Việt Nam, của đơn vị sẽ bị kỷ luật hành chính, đền bù về vật chất
theo quy định của pháp luật.
2. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vi
phạm các quy định của pháp luật sẽ bị xử lý vi phạm theo Luật Cán bộ, công chức;
Luật Viên chức và các quy định khác của pháp luật.
Chương VIII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 35. Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam căn cứ bản Điều
lệ này để tổ chức thực hiện, ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền của Viện và
Điều lệ tổ chức và hoạt động của các đơn vị trực thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp
Việt Nam không trái với bản Điều lệ này.
Điều 36. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề cần kiến nghị sửa
đổi, bổ sung Điều lệ này, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam báo cáo Bộ
(qua Vụ Tổ chức cán bộ) để xem xét, quyết định./.