ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1466/QĐ-UBND
|
Hà Nội, ngày 28
tháng 02 năm 2017
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHỨC
NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA BAN TIẾP CÔNG DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Tiếp công dân ngày 25 tháng 11 năm
2013;
Căn cứ Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng
6 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp
công dân;
Căn cứ Quyết định số 4768/QĐ-UBND , ngày
12/9/2014 của UBND Thành phố về việc thành lập và qui định chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ban Tiếp công dân Thành phố Hà Nội;
Căn cứ Quyết định số 09/2016/QĐ-UBND ngày
31/3/2016 của UBND Thành phố về việc qui định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng UBND Thành phố;
Căn cứ Quyết định số 21/2016/QĐ-UBND ngày 28
tháng 6 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc ban hành Quy chế
làm việc của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2016 - 2021;
Xét Tờ trình số 03/TTr-VP ngày 22/2/2017 của
Chánh Văn phòng UBND Thành phố và văn bản số 356/SNV-TCBC ngày 23/2/2017 của sở
Nội vụ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Tiếp công dân
thành phố Hà Nội;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Chức năng của Ban Tiếp công dân Thành phố
Ban Tiếp công dân Thành phố trực tiếp quản lý Trụ sở
tiếp công dân thành phố Hà Nội; phối hợp cùng đại diện cơ quan, tổ chức hữu
quan tổ chức, thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công
dân để tiếp nhận các kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của công dân theo
quy định của pháp luật; là đầu mối tiếp nhận phân loại, đề xuất xử lý đơn thư
khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy trình của pháp luật; theo dõi,
đôn đốc tiến độ giải quyết của các cơ quan, đơn vị, báo cáo kết quả với Ủy ban
nhân dân Thành phố và các cơ quan có thẩm quyền của Thành phố.
Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn
1. Tổ chức việc tiếp công dân đến kiến nghị, phản
ánh, khiếu nại, tố cáo tại Trụ sở tiếp công dân thành phố Hà Nội:
a) Bố trí người tiếp công dân, xử lý kiến nghị, phản
ánh, khiếu nại, tố cáo thuộc phạm vi trách nhiệm của Ban Tiếp công dân Thành phố;
b) Điều hòa, phối hợp hoạt động tiếp công dân giữa
người của Ban Tiếp công dân Thành phố với đại diện của cơ quan, tổ chức tham
gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân Thành phố;
c) Chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức tham gia
tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân hoặc với cơ quan, tổ chức,
đơn vị có liên quan tham mưu, phục vụ Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố, lãnh
đạo Thành phố tiếp công dân định kỳ hoặc đột xuất tại Trụ sở tiếp công dân
Thành phố. Dự thảo nội dung kết luận của Chủ tịch UBND Thành phố, Lãnh đạo
Thành phố, thông báo truyền đạt nội dung kết luận, chỉ đạo của Chủ tịch UBND
Thành phố, Lãnh đạo Thành phố tại các buổi tiếp công dân đến các cơ quan, đơn vị
có liên quan thực hiện.
2. Giải thích, hướng dẫn công dân thực hiện việc kiến
nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo đúng trình tự, thủ tục, đến đúng cơ quan, tổ
chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết, chấp hành quyết định giải quyết
khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo theo qui định pháp luật.
3. Phân loại, xử lý đơn kiến nghị, phản ánh, khiếu
nại, tố cáo:
a) Là cơ quan đầu mối xử lý bước đầu tất cả các đơn
thư kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo theo qui định pháp luật; Phân loại,
xử lý đơn kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo được tiếp nhận trực tiếp tại
Trụ sở tiếp công dân Thành phố hoặc qua đường bưu điện hoặc do các cơ quan, tổ
chức, người có thẩm quyền chuyển đến Ủy ban nhân dân Thành phố, Ban Tiếp công
dân Thành phố, cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân
Thành phố;
b) Hướng dẫn, chuyển đơn kiến nghị, phản ánh, khiếu
nại, tố cáo đến cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết đối với đơn
đã tiếp nhận nhưng không thuộc phạm vi, trách nhiệm xử lý của Ban Tiếp công dân
Thành phố, của cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở
tiếp công dân Thành phố.
4. Theo dõi, đôn đốc việc giải
quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo:
a) Theo dõi, đôn đốc Giám đốc
các sở, người đứng đầu các cơ quan tương đương sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện,
quận, thị xã trong việc thực hiện quyết định, chỉ thị, ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch
Ủy ban nhân dân Thành phố trong lĩnh vực tiếp công dân và giải quyết kiến nghị,
phản ánh, khiếu nại, tố cáo;
b) Chủ trì, phối hợp với đại diện cơ quan, tổ chức
tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở và cơ quan Thanh tra Thành phố
Hà Nội kiểm tra việc giải quyết, trả lời của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân
có thẩm quyền đối với đơn kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo mà Ban Tiếp
công dân Thành phố chuyển đến khi được Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố giao;
c) Dự thảo văn bản trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân
Thành phố giao nhiệm vụ cho Thanh tra Thành phố, các sở liên quan xem xét, báo
cáo đề xuất giải quyết, trả lời các nội dung thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy
ban nhân dân Thành phố.
5. Được tham dự các cuộc họp và hội nghị của Ủy ban
nhân dân Thành phố liên quan đến công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại,
tố cáo và các cuộc họp giao ban tuần của Ủy ban nhân dân Thành phố; Tổng hợp
tình hình, kết quả công tác tiếp công dân thuộc phạm vi trách nhiệm của Ban Tiếp
công dân Thành phố và của cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên
tại Trụ sở tiếp công dân Thành phố; báo cáo định kỳ và đột xuất với Ủy ban nhân
dân Thành phố, cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở
tiếp công dân Thành phố, Thanh tra Thành phố và cơ quan, tổ chức có thẩm quyền
về tình hình tiếp công dân, xử lý đơn, tiến độ thi hành các quyết định giải quyết
khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật, kết quả giải quyết và việc thực hiện kết luận
nội dung tố cáo, các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Lãnh đạo Ủy ban nhân dân
Thành phố.
6. Tổ chức tiếp, xử lý trường hợp nhiều người kiến
nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo về cùng một nội dung:
a) Chủ trì tổ chức tiếp hoặc phối hợp với cơ quan,
tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân Thành phố
hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan tổ chức tiếp, xử lý trường hợp nhiều
người kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo về cùng một nội dung;
b) Phối hợp với lực lượng công an bảo đảm an ninh,
trật tự và an toàn cho người tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân, xử lý vi
phạm pháp luật tại Trụ sở tiếp công dân Thành phố;
c) Phối hợp với lực lượng công an, chính quyền địa
phương nơi phát sinh vụ việc kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo vận động,
thuyết phục công dân chấp hành qui định của pháp luật về tiếp công dân, đảm bảo
an ninh trật tự.
7. Phối hợp với Thanh tra Thành phố tham mưu giúp
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố:
a) Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về
tiếp công dân, xử lý đơn kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của các cơ quan
chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã
thuộc thành phố Hà Nội;
b) Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt pháp luật về
tiếp công dân, thực hiện quyền kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo cho nhân
dân, công chức, viên chức thành phố Hà Nội;
c) Hướng dẫn nghiệp vụ cho công chức, viên chức làm
nhiệm vụ tiếp công dân thuộc sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã thuộc
thành phố Hà Nội.
8. Thực hiện nhiệm vụ khác do Chủ tịch Ủy ban nhân
dân Thành phố giao.
9. Giao Trưởng ban Tiếp công dân Thành phố rà soát
và ban hành Quy chế làm việc nội bộ của Ban Tiếp công dân Thành phố theo quy định.
Điều 3. Quyết định này thay thế các quy định về chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn của Ban Tiếp công dân Thành phố tại Quyết định số 4768/QĐ-UBND ngày
12/9/2014 của Ủy ban nhân dân Thành phố về thành lập và quy định vị trí, chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ban Tiếp công dân Thành phố Hà Nội.
Điều 4. Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Giám
đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận,
huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội, Trưởng ban Ban Tiếp công dân Thành phố và
các cơ quan đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- TT Thành ủy, TT HĐND TP;
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- Các Phó CT UBND Thành phố;
- Văn phòng Thành ủy;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH;
- Văn phòng HĐND Thành phố;
- VPUB: CVP/PCVP, các đơn vị trực thuộc;
- Lưu: VT, BTCD.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Đức Chung
|