ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1193/QĐ-UBND
|
Khánh Hòa, ngày
14 tháng 05 năm 2015
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC XÃ, PHƯỜNG, THỊ
TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN KHÁNH VĨNH THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 124/QĐ-TTG NGÀY
16/01/2014 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TIẾP TỤC CỦNG CỐ,
KIỆN TOÀN CHÍNH QUYỀN CƠ SỞ VÙNG TÂY NGUYÊN GIAI ĐOẠN 2014-2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân
và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 18/2010/NĐ-CP,
ngày 05 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức;
Căn cứ Quyết định số 124/QĐ-TTg, ngày
16/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tiếp tục củng cố,
kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020;
Căn cứ Kế hoạch số 1746/KH-BNV ngày
26/5/2014 của Bộ Nội vụ về việc Hướng dẫn triển khai thực hiện Quyết định số
124/QĐ-TTg ngày 16/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ Phê
duyệt Đề án tiếp tục củng cố, kiện toàn chính quyền
cơ sở vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014 - 2020 về nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn;
Theo ý kiến của Bộ Nội vụ tại công
văn số 1490/BNV-ĐT ngày 10/4/2015 về việc góp ý Dự thảo Kế hoạch thực hiện Quyết
định 124/QĐ-TTg ngày 16/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ
tại Tờ trình 751/TTr-SNV, ngày 08 tháng 5 năm 2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo
Quyết định này Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã, phường, thị
trấn trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh theo Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày
16/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Tiếp tục củng cố,
kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây nguyên giai đoạn 2014-2020.
Điều 2. Quyết định này có hiệu
lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban
nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Nội vụ; thủ trưởng các sở, ngành có liên quan và Chủ
tịch Ủy ban nhân dân huyện Khánh Vĩnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Nội vụ;
- Ban Chỉ đạo Tây Nguyên;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- TT. HĐND, UBND tỉnh;
- Lưu: VT, SNV
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đào Công Thiên
|
KẾ HOẠCH
ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN
HUYỆN KHÁNH VĨNH THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 124/QĐ-TTG NGÀY 16/01/2014 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TIẾP TỤC CỦNG CỐ, KIỆN TOÀN CHÍNH
QUYỀN CƠ SỞ VÙNG TÂY NGUYÊN GIAI ĐOẠN 2014-2020
(Ban hành kèm theo Quyết
định số 193/QĐ-UBND ngày 14/5/2015 của UBND tỉnh Khánh Hòa)
I. PHẠM VI, ĐỐI
TƯỢNG ĐIỀU CHỈNH
1. Huyện miền núi giáp Tây Nguyên của
tỉnh Khánh Hòa thuộc đối tượng điều chỉnh của Kế hoạch này là huyện Khánh Vĩnh.
2. Cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn
và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã quy định tại Nghị định số
92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế
độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người
hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thuộc huyện Khánh Vĩnh.
II. MỤC ĐÍCH, YÊU
CẦU, CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH
1. Mục đích
Tiếp tục củng cố, kiện toàn chính quyền
cơ sở các huyện miền núi giáp Tây Nguyên, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức và
người hoạt động không chuyên trách cơ sở có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo
đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực quản lý, điều hành; phát huy
dân chủ và quyền chủ động của cơ sở nhằm tăng cường và thắt chặt mối quan hệ
gắn bó giữa chính quyền cơ sở với nhân dân, góp phần xây dựng vùng Tây Nguyên
vững mạnh toàn diện.
2. Yêu cầu
Trên cơ sở thực trạng về tổ chức và hoạt
động của chính quyền cơ sở thuộc huyện Khánh Vĩnh cần bám sát thực tế, triển
khai kế hoạch phù hợp, đảm bảo tính khả thi.
Thực hiện chính sách hỗ trợ về đào tạo,
bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách theo
chế độ hiện hành.
Phát huy sự chủ động của địa phương, thường
xuyên phối hợp thực hiện các nội dung theo Kế hoạch đề ra, bảo đảm tiến độ theo
yêu cầu.
3. Căn cứ xây
dựng kế hoạch
a) Quyết định số 124/QĐ-UBND ngày 16/01/2014
của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tiếp tục củng cố, kiện toàn
chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014 - 2020”.
b) Kế hoạch số 1746/KH-BNV ngày 26/5/2014
của Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn triển khai thực hiện Quyết định số 124/QĐ-UBND
ngày 16/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tiếp tục củng
cố, kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014 - 2020 về nội
dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn.
c) Các văn bản liên quan khác:
- Trung ương:
+ Quyết định số 56/QĐ-TTg ngày 13/3/2006
của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường có thời hạn cán bộ, công chức về các
huyện, xã trọng điểm vùng đồng bào dân tộc thiểu số;
+ Nghị định 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010
của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng
lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội
đặc biệt khó khăn;
+ Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05/3/2010
của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức;
+ Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009
của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn
đến năm 2020; Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21/9/2010 của Bộ Tài chính Quy
định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành
cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.
- Địa phương:
+ Nghị quyết số 07/2014/NQ-HĐND ngày 09/7/2014
về việc quy định chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;
xây dựng nguồn cán bộ quy hoạch dự bị dài hạn và thu hút nhân tài trên địa bàn
tỉnh Khánh Hòa;
+ Quyết định số 26/QĐ-UBND ngày 06/01/2011
của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc quy định một số mức chi đối với công tác đào
tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước.
II. NỘI DUNG, THỜI GIAN THỰC
HIỆN
1. Khái quát
hiện trạng hệ thống chính trị ở cơ sở
a) Trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh có 14
xã, thị trấn; tổng số cán bộ, công chức cấp xã là 262 người (trong đó: Cán bộ
141 người; công chức 121 người; cán bộ, công chức nữ 70 người, người dân tộc thiểu
số 139 người); Người hoạt động không chuyên trách là 475 người (trong đó: ở cấp
xã 209 người; ở thôn, tổ dân phố 266 người; nữ 143 người; người dân tộc thiểu
số 281 người).
b) Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức
cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở.
- Cán bộ, công chức:
+ Về trình độ văn hóa: Tốt nghiệp trình
độ: tiểu học 7 người; trung học cơ sở 48 người và trung học phổ thông 207 người.
+ Về trình độ chuyên môn: Sơ cấp và chưa
qua đào tạo 60 người; trung cấp 119 người và cao đẳng, đại học 83 người.
+ Về trình độ lý luận chính trị: Chưa
qua đào tạo 69 người; đạt trình độ: Sơ cấp 67 người; trung cấp 116 người và cử nhân,
cao cấp 10 người.
+ Về khả năng sử dụng tiếng dân tộc: Số
cán bộ, công chức là người kinh có thể sử dụng tiếng dân tộc tại địa bàn công
tác (nghe hiểu, nói) là 23 người.
+ Về kiến thức, kỹ năng quản lý hành chính
nhà nước và kiến thức về an ninh, quốc phòng hầu hết chưa được bồi dưỡng.
+ Về trình độ Tin học: Số có các chứng
chỉ là 137 người, trình độ trung cấp trở lên là 4 người, số còn lại đã được bồi
dưỡng theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg.
- Người hoạt động không chuyên trách:
+ Về trình độ văn hóa: Tốt nghiệp trình độ: tiểu học 76 người; trung học cơ sở 201 người và trung
học phổ thông 198 người.
+ Về trình độ chuyên môn: Sơ cấp và chưa
qua đào tạo 415 người; trung cấp 46 người và cao đẳng, đại học 14 người.
+ Về trình độ lý luận chính trị: Sơ cấp
và chưa qua đào tạo 401 người; trung cấp 72 người và cử nhân, cao cấp 2 người.
+ Về kiến thức, kỹ năng quản lý hành chính
nhà nước và kiến thức về an ninh, quốc phòng hầu hết chưa được bồi dưỡng.
+ Về trình độ Tin học: Số có các chứng
chỉ là 51 người, trình độ trung cấp trở lên là 5 người.
(Phụ
lục 1 kèm theo)
2. Thực hiện
đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn theo quy định vị trí việc
làm
a) Chỉ tiêu phấn đấu đào tạo, bồi dưỡng
đến năm 2020
- 100% số cán bộ, công chức tốt nghiệp
trình độ trung học phổ thông.
- 100% cán bộ, công chức cấp xã đạt trình
độ trung cấp trở lên.
- Trên 85% cán bộ đạt trình độ từ trung
cấp lý luận chính trị trở lên và công chức đạt trình độ tương đương sơ cấp trở
lên.
- Trên 85% cán bộ, công chức là người
kinh công tác tại vùng dân tộc thiểu số sử dụng được một thứ tiếng dân tộc tại địa bàn công tác.
b) Nội dung đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa
cán bộ, công chức cấp xã theo Quyết định 124/QĐ-UBND ngày 16/01/2014 của Thủ
tướng Chính phủ
- Về trình độ văn hóa
Giai đoạn 2016-2018 đào tạo đạt chuẩn,
tốt nghiệp trung học phổ thông cho 28 lượt cán bộ, công chức. Dự kiến kinh phí:
226.800.000 đồng.
- Về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ
Đến năm 2020, đào tạo đạt chuẩn trình
độ trung cấp chuyên môn, nghiệp vụ cho 56 lượt cán bộ, công chức. Dự kiến kinh phí:
1.579.200.000 đồng.
- Về trình độ lý luận chính trị
Giai đoạn 2015-2016 đào tạo, bồi dưỡng
cho 40 lượt cán bộ đạt trình độ trung cấp; 30 lượt công chức
đạt trình độ sơ cấp. Dự kiến kinh phí: 873.600.000 đồng.
- Về trình độ tiếng dân tộc
Năm 2015, 2016 đào tạo, bồi dưỡng 17 lượt
cán bộ và 25 lượt công chức là người kinh có thể sử dụng được một thứ tiếng dân
tộc tại địa bàn công tác. Dự kiến kinh phí: 252.000.000 đồng.
- Bồi dưỡng các lớp kiến thức, kỹ năng
quản lý hành chính nhà nước, quốc phòng an ninh, tin học văn phòng cho 80 lượt
cán bộ, công chức và 102 lượt người hoạt động không chuyên trách. Thời gian là
giai đoạn 2015-2016, dự kiến kinh phí 451.344.000 đồng.
3. Thực hiện
tăng cường cán bộ, công chức cho cơ sở
Tăng cường cán bộ, công chức về các xã
có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn xã trọng điểm về an ninh chính
trị nhằm hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ của những người được cử đi đào tạo; chế độ
chính sách đối với các đối tượng này được thực hiện theo quy định tại Nghị định
số 116/2010/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 56/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng
Chính phủ.
IV. KINH PHÍ THỰC
HIỆN
1. Nguồn kinh
phí:
- Ngân sách trung ương thực hiện hỗ trợ
có mục tiêu cho ngân sách địa phương khoảng 70% nhu cầu đối với nội dung đào
tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã theo Đề án.
- Ngân sách địa phương bảo đảm thực hiện
quy hoạch tạo nguồn cán bộ, công chức cơ sở hằng năm.
- Kết hợp nguồn kinh phí từ các Chương
trình, Đề án, Dự án quốc gia liên quan đang triển khai thực hiện Đề án trên địa
bàn huyện.
2. Dự kiến kinh
phí thực hiện giai đoạn 2015-2020:
Tổng kinh phí thực hiện đào tạo bồi dưỡng
các trình độ cho cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách các
xã, thị trấn thuộc huyện Khánh Vĩnh giai đoạn 2015-2020 dự kiến 3.391.131.000
đồng (cụ thể: năm 2015: 410.970.000 đồng; năm 2016: 1.644.557.000 đồng; năm
2017: 470.400.000 đồng; năm 2018: 75.600.000 đồng; năm 2019: 394.800.000 đồng;
năm 2020: 394.800.000 đồng). Trong đó kinh phí Trung ương hỗ trợ (70%)
2.373.792.000 đồng, ngân sách địa phương 1.017.339.000 đồng.
(Phụ
lục 2, 2.1, 2.2 kèm theo)
V. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Sở Nội vụ
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân huyện Khánh Vĩnh xây
dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện hàng năm. Tham mưu, xây dựng chế độ,
chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức ở cấp xã và người hoạt động
không chuyên trách ở xã, thôn, tổ dân phố.
- Chủ trì, phối hợp trường Chính trị tỉnh,
các cơ sở đào tạo tổ chức đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch của Ủy ban nhân dân
tỉnh.
- Kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện,
sơ kết hàng năm, từng giai đoạn theo yêu cầu và tổng kết vào năm 2020 kết quả
thực hiện kế hoạch, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo theo quy định.
2. Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp (theo hướng dẫn của
Bộ Tài chính) với Sở Nội vụ cân đối, bố trí đủ kinh phí cho công tác đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách theo kế hoạch;
Kiểm tra, quản lý và hướng dẫn sử dụng kinh phí có hiệu quả, phù hợp với tình
hình thực tiễn của địa phương; tổng hợp, quyết toán kinh phí thực hiện kế hoạch.
3. Sở Giáo dục
và Đào tạo
Chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc, các
Sở, ngành có liên quan và huyện Khánh Vĩnh tiếp tục thực hiện và đổi mới chính
sách đặc thù đối với trường Dân tộc nội trú; thực hiện chế độ cử tuyển để tạo nguồn cán bộ là người dân tộc thiểu số tại chỗ; đào tạo bồi dưỡng
tiếng dân tộc cho cán bộ, công chức cấp xã theo kế hoạch.
4. Công an tỉnh,
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan và huyện Khánh Vĩnh tổ chức thực hiện công tác
bồi dưỡng, tập huấn, giáo dục kiến thức Quốc phòng, an ninh đối với đội ngũ cán
bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở.
5. Các cơ sở đào
tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.
- Tổ chức thực hiện chương trình bồi dưỡng
theo tiêu chuẩn ngạch, chức vụ, chức danh theo quy định của pháp luật.
- Xây dựng đội ngũ giảng viên có năng
lực, trình độ và cơ cấu hợp lý; tăng cường sử dụng việc xây dựng đội ngũ giảng viên
thỉnh giảng.
- Xây dựng, hiện đại hóa cơ sở đào tạo,
bồi dưỡng phù hợp với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.
6. Ủy ban nhân dân
huyện Khánh Vĩnh
- Căn cứ kế hoạch của Ủy ban nhân dân
tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện hằng năm gửi Sở Nội vụ để tổng hợp.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã thực
hiện việc lập danh sách cử cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách
ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố đi đào tạo bồi dưỡng và tổng hợp danh sách gửi
về Sở Nội vụ theo yêu cầu, nhiệm vụ. Đồng thời đôn đốc, kiểm tra việc các đối
tượng được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng.
- Căn cứ thực tiễn về hiệu quả hoạt động
của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn huyện, có ý kiến đề xuất với
UBND tỉnh (thông qua Sở Nội vụ) về nhu cầu tăng cường cán bộ, công chức về các
xã có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, xã biên giới xã trọng điểm về an ninh
chính trị nhằm hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ của những người được cử đi đào tạo
theo quy định.
Trong quá trình triển khai thực hiện Kế
hoạch, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị kịp thời phản ánh về Sở
Nội vụ để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo giải quyết./.