QUY ĐỊNH
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ,
QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA SỞ THỦY SẢN CÀ MAU
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 09 /2007/QĐ-UBND ngày 07 tháng 5 năm 2007
của UBND tỉnh Cà Mau)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Vị trí và chức năng của Sở Thủy sản
Sở Thủy sản là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, tham mưu
giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh
về lĩnh vực thủy sản, bao gồm: nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản và bảo
vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản trong nội địa và trên biển; quản lý nhà nước
các dịch vụ công thuộc ngành thủy sản trên địa bàn tỉnh. Thực hiện một số nhiệm
vụ, quyền hạn theo sự ủy quyền của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và theo quy định
của pháp luật.
Điều 2. Sở Thủy sản chịu sự chỉ đạo, quản lý trực
tiếp, toàn diện của Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn,
kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Thủy sản.
Điều 3. Sở Thủy sản có tư cách pháp nhân, có con dấu
và tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Thủy sản được
thực hiện theo quy định tại điểm 1.2 khoản 1 Mục I Thông tư Liên tịch số
01/2005/TTLT-BTS-BNV ngày 03/02/2005 của Bộ Thủy sản - Bộ Nội vụ hướng dẫn chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân
dân quản lý nhà nước về thủy sản ở địa phương.
Chương II
CƠ CẤU TỔ CHỨC, BIÊN CHẾ VÀ NGUYÊN TẮC HOẠT ĐỘNG
Điều 5. Cơ cấu tổ chức của Sở Thủy sản
1. Lãnh đạo Sở Thủy sản gồm: Giám đốc và không quá 03 Phó giám đốc.
2. Cơ cấu tổ chức của Sở Thủy sản:
a. Các Phòng và tương đương thuộc Sở:
- Văn phòng.
- Thanh tra Thủy sản.
- Phòng Kinh tế - Kế hoạch;
- Phòng Quản lý chế biến và xúc tiến thương mại;
- Phòng Quản lý kinh tế - Hợp tác.
b. Các đơn vị trực thuộc Sở:
- Chi cục Quản lý Chất lượng, An toàn vệ sinh và Thú y thủy sản;
- Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản;
- Trung tâm Khuyến ngư;
- Ban Quản lý Dự án Ngành Thủy sản;
- Ban Quản lý Cảng cá Cà Mau.
3. Căn cứ vào khối lượng công việc, tính chất, đặc điểm tình hình cụ thể
trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở Thủy sản chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ
trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập các phòng và tương
đương, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, việc tách, sáp nhập, đổi tên các phòng
chuyên môn, nghiệp vụ, các đơn vị sự nghiệp của Sở, do Chủ tịch Ủy ban nhân dân
tỉnh quyết định theo đề nghị Giám đốc Sở Nội vụ, nhưng không được vượt quá số
phòng chuyên môn, nghiệp vụ, đơn vị sự nghiệp theo Quy định này và các văn bản
khác có liên quan.
Điều 6. Biên chế của Sở Thủy sản
1. Hàng năm, căn cứ vào khối lượng công việc, tính chất, đặc điểm tình
hình cụ thể của công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực thủy sản trên địa bàn tỉnh,
Giám đốc Sở Thủy sản có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ
trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định biên chế của Sở Thủy sản.
2. Việc bố trí cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thủy sản phải căn cứ
vào chức danh, tiêu chuẩn, cơ cấu ngạch công chức, viên chức nhà nước theo quy
định của pháp luật về cán bộ, công chức.
Điều 7. Nguyên tắc hoạt động
1. Giám đốc Sở Thủy sản là người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban
nhân dân tỉnh, làm việc theo chế độ thủ trưởng, chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt
động chuyên môn, nghiệp vụ của Sở và lĩnh vực thủy sản trên phạm vi toàn tỉnh
trước Uỷ ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, trước Bộ Thủy sản và
trước pháp luật.
2. Phó Giám đốc Sở Thủy sản là người giúp Giám đốc Sở, phụ trách một hoặc
một số lĩnh vực công tác; chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở và trước pháp luật
về nhiệm vụ được phân công. Khi Giám đốc Sở vắng mặt, 01 Phó Giám đốc Sở được
Giám đốc ủy nhiệm điều hành các mặt hoạt động của Sở.
3. Trưởng phòng, Thủ trưởng đơn vị tương
đương thuộc và trực thuộc Sở là người trực tiếp điều hành hoạt động của Phòng,
đơn vị tương đương, chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Sở và trước pháp luật về
toàn bộ hoạt động do mình phụ trách.
4. Phó Trưởng phòng, Phó Thủ trưởng đơn vị tương đương thuộc và trực thuộc
Sở là người giúp việc cho Trưởng phòng, Thủ trưởng đơn vị tương đương, chịu
trách nhiệm trước Trưởng phòng, Thủ trưởng đơn vị tương đương thuộc và trực thuộc
Sở và trước pháp luật về kết quả công tác được phân công phụ trách.
5. Giám đốc Sở Thủy sản có trách nhiệm ban hành quy chế làm việc, các mối
quan hệ trong nội bộ cơ quan; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các
phòng, đơn vị tương đương thuộc và trực thuộc Sở. Quy định trách nhiệm của người
đứng đầu các phòng, đơn vị tương đương thuộc và trực thuộc Sở theo quy định của
pháp luật.
Điều 8. Bổ nhiệm, miễn nhiệm
1. Việc bổ nhiệm Giám đốc, Phó Giám đốc Sở do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh
quyết định theo các quy định của Đảng, Nhà nước về quản lý cán bộ và theo tiêu
chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ do Bộ trưởng Bộ Thủy sản quy định.
2. Việc miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật Giám đốc, Phó Giám đốc Sở thực hiện
theo quy định của pháp luật.
3. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, kỷ luật Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và Thủ
trưởng, Phó Thủ trưởng đơn vị tương đương thuộc và trực thuộc Sở, do Giám đốc Sở
Thủy sản quyết định theo phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức hiện
hành, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
4. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, kỷ luật Chánh Thanh tra Sở do Giám đốc Sở Thủy
sản quyết định theo Luật Thanh tra hiện hành và các văn bản hướng dẫn khác có
liên quan.
Điều 9. Luân chuyển, điều động
Giám đốc Sở Thủy sản quyết định việc luân chuyển, điều động cán bộ, công
chức thuộc Sở theo quy định pháp luật và theo phân cấp quản lý cán bộ, công chức,
viên chức hiện hành.
Chương III
MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC VÀ CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC
Điều 10. Mối quan hệ công tác giữa Sở Thủy sản với Bộ
Thủy sản
1. Mối quan hệ công tác giữa Sở Thủy sản với Bộ Thủy sản là mối quan hệ giữa
cấp dưới đối với cấp trên về công tác chuyên môn, nghiệp vụ của ngành; thực hiện
các nhiệm vụ trọng tâm theo chương trình, kế hoạch dài hạn, 5 năm và hàng năm
do Bộ Thủy sản đề ra. Chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp
vụ của Bộ Thủy sản; báo cáo thường xuyên, định kỳ, đột xuất về hoạt động công
tác lĩnh vực thủy sản ở địa phương về Bộ Thủy sản.
2. Đề xuất, kiến nghị Bộ Thủy sản hướng dẫn, giải quyết những vấn đề có
liên quan đến công tác quản lý, thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ của ngành mang
tính phức tạp hoặc mới phát sinh mà pháp luật chưa điều chỉnh trong văn bản quy
phạm pháp luật.
Điều 11. Mối quan hệ công tác giữa Sở Thủy sản với
UBND tỉnh
Sở Thủy sản chịu sự chỉ đạo, điều hành, quản lý trực tiếp, toàn diện về
lĩnh vực thủy sản; về tổ chức, biên chế và các mặt công tác có liên quan đến
lĩnh vực thủy sản của Uỷ ban nhân dân tỉnh. Trong quá trình hoạt động, Sở Thủy
sản giữ mối liên hệ thường xuyên với Ủy ban nhân dân tỉnh; báo cáo thường
xuyên, định kỳ, đột xuất về Ủy ban nhân dân tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 12. Mối quan hệ công tác giữa Sở Thủy sản với
các Sở, Ban, Ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cấp tỉnh
1. Mối quan hệ công tác giữa Sở Thủy sản với các Sở, Ban, Ngành, Mặt trận
Tổ quốc và các đoàn thể cấp tỉnh là mối quan hệ phối hợp, thực hiện các nhiệm vụ
chung có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của các Sở, Ban, Ngành, Mặt trận Tổ
quốc và các đoàn thể cấp tỉnh, nhằm mục đích thực hiện, phục vụ nhiệm vụ chính
trị của địa phương do Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh giao.
2. Thường xuyên phối hợp với các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể cấp tỉnh xây dựng
kế hoạch liên tịch để thực hiện các mặt công tác chuyên môn, nghiệp vụ trên
lĩnh vực thủy sản. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn,
đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về lĩnh vực thủy sản trên địa bàn tỉnh.
4. Phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc dự báo ngư trường và nguồn
lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh.
5. Phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động xúc
tiến thương mại, phát triển thị trường, hội nhập quốc tế về thủy sản theo quy định
của pháp luật. Định hướng cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thủy sản
trong việc tìm kiếm thông tin thị trường, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm
thủy sản trong và ngoài nước.
6. Phối hợp tham gia thực hiện chương trình kiểm soát an toàn vệ sinh vùng
thu hoạch nhuyễn thể 2 mảnh vỏ, chương trình kiểm soát dư lượng hoá chất độc hại
trong thủy sản nuôi theo quy định của pháp luật.
7. Phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc tổ chức, chỉ đạo thực hiện
công tác phòng, chống lụt bão; tìm kiếm cứu nạn, an toàn đi biển và bảo hộ lao
động trong ngành thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Điều 13. Mối quan hệ giữa Sở Thủy sản với UBND huyện,
thành phố
Mối quan hệ giữa Sở Thủy sản với Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố là mối
quan hệ tổ chức và phối hợp thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động
chuyên môn, nghiệp vụ quản lý nhà nước về thủy sản trên địa bàn huyện, thành phố.
- Phối hợp với Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố giải quyết các công việc
có liên quan đến các lĩnh vực do Sở Thủy sản phụ trách.
- Phối hợp với Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai, kiểm tra
việc thực hiện quy định của pháp luật về xây dựng và thực hiện quy hoạch cơ sở
hạ tầng phục vụ cho nuôi trồng thủy sản.
Điều 14. Mối quan hệ giữa Sở Thủy sản với Phòng Nông
nghiệp, Thủy sản và Phát triển nông thôn huyện, thành phố
Là quan hệ chỉ đạo, quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ; chỉ đạo thực hiện
các nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch trên lĩnh vực thủy sản thống nhất từ Trung
ương đến tỉnh, huyện và cấp cơ sở.
Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc phát triển nuôi trồng thủy sản trên
địa bàn tỉnh theo đúng quy hoạch và kế hoạch đã được phê duyệt.
Chương IV
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 15. Khen thưởng
Những tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện nhiệm vụ,
công vụ trong lĩnh vực thủy sản và thực hiện tốt Quy định này, góp phần cùng Sở
Thủy sản hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, sẽ được xem xét khen thưởng
theo quy định của pháp luật.
Điều 16. Xử lý vi phạm
Cán bộ, công chức, viên chức Sở Thủy sản; các đơn vị và cá nhân có liên
quan vi phạm nội dung Quy định này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, sẽ bị xử
lý theo quy định của pháp luật.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 17. Giám đốc Sở Thủy sản chủ trì, phối hợp với
Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn
thể cấp tỉnh có liên quan và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố Cà Mau
triển khai, thực hiện tốt Quy định này./.