QUY CHẾ
HOẠT
ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN KHÓA XV, NHIỆM KỲ 2011 - 2016
(Kèm theo Nghị quyết số 296/2011/NQ-HĐND ngày 09/12/2011 của HĐND tỉnh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Nguyên tắc hoạt động
1. Hội đồng nhân dân (HĐND), Thường trực, các Ban, Tổ đại
biểu và đại biểu HĐND tỉnh thực hiện nghiêm chỉnh Luật Tổ chức Hội đồng nhân
dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003, Quy chế Hoạt động của HĐND
ban hành kèm theo Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 02 tháng 4 năm 2005 của
Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI.
2. Hội đồng nhân dân, Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu
HĐND tỉnh hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, làm việc theo chế độ tập
thể và quyết định theo đa số; phát huy trách nhiệm của các đại biểu, Tổ đại biểu
và thành viên của Thường trực, các Ban HĐND tỉnh.
3. Trong hoạt động, Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu và
đại biểu HĐND tỉnh đặt dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thường
trực Tỉnh uỷ, phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban nhân dân và các cơ quan chuyên môn của
Uỷ ban nhân dân tỉnh, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức
chính trị - xã hội nhằm thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được
Hiến pháp và pháp luật quy định.
Điều 2. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định cụ thể một số nội dung trong hoạt động
của đại biểu, Tổ đại biểu, Thường trực, các Ban của HĐND tỉnh khoá XV,
nhiệm kỳ 2011- 2016.
Chương II
ĐẠI BIỂU VÀ TỔ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH
Điều 3. Trách nhiệm chung của đại biểu
HĐND tỉnh
Đại biểu HĐND là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của
nhân dân, gương mẫu chấp hành và tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt
các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có trách nhiệm thực
hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của người đại biểu được pháp luật quy định,
tham gia vào việc quản lý nhà nước, triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của
HĐND tỉnh, đồng thời thực hiện tốt các quy định của Quy chế này.
Điều 4. Trách nhiệm tham gia kỳ họp,
cuộc họp của đại biểu HĐND tỉnh
1. Đại biểu HĐND tỉnh có trách nhiệm tham dự đầy đủ, đúng
giờ các kỳ họp của HĐND, các cuộc họp, các cuộc giám sát khi Thường trực, các
Ban hoặc Tổ đại biểu HĐND tỉnh triệu tập. Khi không tham dự được phải báo cáo
lý do và phải được Chủ toạ kỳ họp, người chủ trì cuộc họp, cuộc giám sát đồng
ý.
2. Khi thực hiện nhiệm vụ người đại biểu (trong kỳ họp,
tiếp xúc cử tri, hoạt động giám sát …) phải đeo phù hiệu và mang theo giấy chứng
nhận đại biểu HĐND tỉnh; phải quản lý, giữ gìn giấy chứng nhận, phù hiệu cẩn thận,
không được để mất, hỏng hoặc cho người khác mượn.
3. Khi tham dự kỳ họp, ngồi đúng vị trí đã được sắp xếp,
không tự ý thay đổi vị trí biển số; không nói chuyện riêng, không làm việc
riêng và không sử dụng điện thoại trong phòng họp. Khi muốn phát biểu ý kiến hoặc
chất vấn thì giơ biển số (mặt có số hướng về Chủ toạ kỳ họp) để Chủ toạ kỳ họp
chủ động trong điều hành.
4. Đại biểu HĐND tỉnh cần giành thời gian tham dự các kỳ
họp của HĐND địa phương nơi ứng cử. Thường xuyên giữ mối quan hệ với Thường trực
HĐND các huyện, thành phố nơi ứng cử và Thường trực HĐND các xã, phường, thị trấn
nơi cư trú để nắm tình hình hoạt động của các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế,
tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân nhằm phục vụ chức năng giám sát của
mình theo quy định của luật pháp.
Điều 5. Thực hiện quyền của đại biểu
HĐND tỉnh được quy định tại Điều 42 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban
nhân dân
Khi đại biểu HĐND tỉnh thực hiện quyền yêu cầu cơ quan
nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân chấm dứt những
việc làm trái pháp luật, chính sách của nhà nước trong cơ quan, tổ chức, đơn vị
và của cán bộ, công chức, nhân viên cơ quan, tổ chức, đơn vị đó hoặc bị gây cản
trở khi thực hiện các quyền khác được quy định tại Điều 42 Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Uỷ ban nhân dân thì kịp thời thông báo bằng văn bản đến Thường trực
HĐND tỉnh để biết và yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Trong nhiệm kỳ, đại biểu HĐND được cung cấp các thông tin
sau:
1. Các văn bản có liên quan đến hoạt động của HĐND.
2. Các nghị quyết của HĐND, thông báo kết quả giám sát của
HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và các văn bản, báo cáo, đề án có liên
quan trước, trong và sau kỳ họp HĐND.
3. Báo Đại biểu nhân dân, Báo Hưng Yên.
4. Kỷ yếu các kỳ họp HĐND.
5. Các thông tin khác có liên quan đến việc thực hiện nhiệm
vụ của đại biểu.
Điều 7. Hoạt động của các Tổ đại biểu
HĐND tỉnh
1. Tổ đại biểu được thành lập trên cơ sở số lượng đại biểu
được bầu tại mỗi huyện, thành phố thuộc tỉnh; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được
quy định tại Quy chế Hoạt động của HĐND (ban
hành kèm theo Nghị quyết 753/2005/NQ-UBTVQH11 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội). Tổ
đại biểu có Tổ trưởng, Tổ phó để điều hành công việc của Tổ.
2. Tổ trưởng có nhiệm vụ:
a) Giữ mối liên hệ thường xuyên với Thường trực HĐND, Ban
Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Thường trực HĐND, Uỷ ban nhân dân,
Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các huyện, thành phố nơi đại biểu ứng cử.
Triệu tập và điều khiển các phiên họp Tổ; tổng hợp ý kiến thảo luận của các đại
biểu trong Tổ bằng văn bản để phản ánh với Thường trực HĐND tỉnh.
b) Căn cứ kế hoạch của Thường trực HĐND tỉnh, xây dựng
chương trình và phối hợp với Thường trực HĐND, Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận
Tổ quốc, Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố để tổ chức cho các đại biểu HĐND tỉnh
tiếp xúc cử tri và tổng hợp báo cáo kết quả tiếp xúc cử tri về Thường trực HĐND
tỉnh.
c) Tổ chức cho các đại biểu tham gia các đoàn giám sát của
Thường trực, các Ban HĐND tỉnh khi thực hiện nhiệm vụ giám sát trên địa bàn.
3. Tổ phó có nhiệm vụ:
Thực hiện nhiệm vụ của Tổ trưởng khi Tổ trưởng vắng và
các nhiệm vụ khác do Tổ trưởng phân công. Trực tiếp làm thư ký các cuộc họp Tổ.
Chương III
THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH
Điều 8. Chế độ làm việc
1. Thường trực HĐND tỉnh hoạt động thường xuyên, theo
nguyên tắc tập trung dân chủ, chịu trách nhiệm tập thể trước Tỉnh uỷ, Ban Thường
vụ, Thường trực Tỉnh uỷ và HĐND tỉnh. Các thành viên chịu trách nhiệm cá nhân về
thực hiện nhiệm vụ được phân công.
2. Căn cứ nghị quyết về chương trình hoạt động hằng năm
được HĐND tỉnh thông qua, Thường trực HĐND xây dựng chương trình công tác hàng
quý, 6 tháng và cả năm.
Điều 9. Phân công Thường trực HĐND tỉnh
1. Chủ tịch HĐND tỉnh:
Chỉ đạo chung các hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND tỉnh.
Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân
và Uỷ ban nhân dân, Quy chế hoạt động của HĐND (ban hành kèm theo Nghị quyết số
753/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 02/4/2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội).
2. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh:
a) Chấp hành sự chỉ đạo và phân công của Chủ tịch. Trực
tiếp điều hành và giải quyết công việc thường xuyên của Thường trực HĐND; điều
hòa, phối hợp hoạt động của các Ban HĐND tỉnh. Phụ trách lĩnh vực Kinh tế -
Ngân sách và hoạt động của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh.
b) Được Chủ tịch uỷ nhiệm thay mặt Thường trực giữ mối
liên hệ với Uỷ ban nhân dân tỉnh, các cơ quan nhà nước, Ban Thường trực Ủy ban
Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội và các tổ chức thành viên của Mặt
trận cùng cấp, các tổ chức xã hội và công dân.
c) Chủ trì các cuộc họp định kỳ hoặc chuyên đề của Thường
trực HĐND với các Ban của HĐND, các cơ quan liên quan khi được Chủ tịch HĐND tỉnh
phân công.
d) Chủ trì việc lấy ý kiến đóng góp vào các dự thảo luật,
pháp lệnh và các văn bản khác theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
e) Ký các báo cáo, tờ trình và các quyết định cá biệt của
Thường trực HĐND; ký các văn bản thuộc thẩm quyền Chủ tịch khi Chủ tịch HĐND ủy
quyền.
g) Tổ chức và chủ trì các cuộc họp giao ban 6 tháng/lần của
Thường trực HĐND tỉnh với Thường trực HĐND các huyện, thành phố.
h) Làm Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán trung cấp,
Thẩm phán sơ cấp và Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm
sát viên sơ cấp của tỉnh.
3. Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh.
a) Chấp hành sự chỉ đạo và phân công của Chủ tịch, Phó Chủ
tịch HĐND. Cùng với Phó Chủ tịch HĐND tỉnh điều hành và giải quyết công việc
thường xuyên của Thường trực HĐND tỉnh. Phụ trách lĩnh vực văn hoá - xã hội và
pháp chế. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND khi Chủ
tịch, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh vắng mặt.
b) Trực tiếp chỉ đạo công tác tiếp dân, công tác tổng hợp
các ý kiến, kiến nghị của cử tri, các ý kiến thảo luận của Tổ đại biểu và của Tổ
thảo luận tại kỳ họp. Ký các văn bản thuộc lĩnh vực phụ trách hoặc khi được Chủ
tịch, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phân công.
c) Phối hợp với Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh
chỉ đạo và hướng dẫn các Tổ đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp.
Hướng dẫn các Tổ đại biểu nghiên cứu và tham gia ý kiến vào các nội dung trong
chương trình kỳ họp.
Điều 10. Quan hệ với Đoàn Đại biểu
quốc hội tỉnh
1. Thường trực HĐND tỉnh thường xuyên giữ mối liên hệ và
phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh nhằm phục vụ tốt các
hoạt động của Đoàn và các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi làm việc tại
tỉnh. Chủ động mời Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tham dự các kỳ họp của HĐND tỉnh
và các cuộc họp cần thiết khác.
2. Trong lãnh đạo, chỉ đạo Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội
và HĐND Tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh và lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội chủ động
trao đổi ý kiến để cùng lãnh đạo, chỉ đạo Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và
HĐND tỉnh hoạt động có nền nếp, hiệu quả.
Chương IV
CÁC BAN HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH
Điều 11. Chế độ làm việc
1. Ban của HĐND làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ,
chịu trách nhiệm tập thể trước Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh uỷ và
HĐND tỉnh. Các thành viên của Ban chịu trách nhiệm cá nhân về thực hiện nhiệm vụ
được Ban phân công. Các Ban được sử dụng dấu của HĐND tỉnh khi phát hành các
văn bản của Ban.
2. Căn cứ Chương trình hoạt động của HĐND, Thường trực
HĐND tỉnh, các Ban xây dựng chương trình công tác của mình và chủ động thực hiện
tốt chương trình công tác đề ra.
Định kỳ sáu tháng, một năm, báo cáo kết quả hoạt động của
Ban với Thường trực để tổng hợp báo cáo trình HĐND tỉnh tại kỳ họp thường lệ.
Điều 12. Phân công trong Ban của Hội
đồng nhân dân
1. Trưởng Ban:
Chỉ đạo, điều hành công việc chung của Ban. Thực hiện nhiệm
vụ, quyền hạn được quy định tại Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân
dân, Quy chế hoạt động của HĐND (ban hành kèm theo Nghị quyết số
753/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 2/4/2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội). Thay mặt Ban
ký chương trình, kế hoạch công tác, báo cáo thẩm tra của Ban trình tại kỳ họp
HĐND tỉnh và một số văn bản khác.
2. Phó trưởng Ban:
a) Chấp hành sự chỉ đạo và phân công của Trưởng ban. Thay
mặt Trưởng Ban khi Trưởng Ban vắng mặt. Trực tiếp tổ chức, điều hành việc thực
hiện chương trình công tác của Ban. Giúp Trưởng Ban chuẩn bị nội dung, chương
trình làm việc và chỉ đạo công tác chuyên môn của Ban.
b) Được Trưởng Ban uỷ nhiệm giữ mối liên hệ với các thành
viên của Ban, với Thường trực HĐND, các Ban khác, với Văn phòng Đoàn Đại biểu
Quốc hội và HĐND tỉnh, các cơ quan, tổ chức ở địa phương và trung ương đóng
trên địa bàn.
c) Ký các văn bản của Ban khi thực hiện nhiệm vụ được
phân công.
3. Thành viên các Ban:
Có trách nhiệm tham gia đầy đủ các hoạt động của Ban, nếu
vắng mặt phải báo cáo lý do và phải được Trưởng Ban đồng ý. Khi thực hiện các
nhiệm vụ được Ban phân công, phải chủ động trong công việc, thường xuyên giữ mối
liên hệ với lãnh đạo Ban và phải hoàn thành nhiệm vụ có chất lượng, theo đúng
yêu cầu về thời gian.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 13. Hiệu lực của Quy chế
Quy chế hoạt động của HĐND tỉnh Hưng Yên có hiệu lực sau
10 (mười) ngày kể từ khi được HĐND tỉnh thông qua. Thường trực, các Ban, Tổ đại
biểu, Đại biểu HĐND tỉnh và các cơ quan nhà nước, các tổ chức và cá nhân có
liên quan trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có trách nhiệm thực hiện và giám sát việc
thực hiện quy chế này.
Điều 14. Sửa đổi, bổ sung Quy chế
Trong quá trình thực hiện Quy chế, nếu có nội dung cần sửa
đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn hoạt động, các Ban, Tổ đại biểu, Đại biểu
HĐND tỉnh phản ánh về Thường trực để nghiên cứu, xem xét trình HĐND tỉnh quyết
định.
Quy chế này được HĐND tỉnh Hưng Yên khóa XV, Kỳ họp thứ
hai thông qua ngày 08 tháng 12 năm 2011./.
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH