Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 20/2008/NQ-CP Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 29/08/2008 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Số: 20/2008/NQ-CP

Hà Nội, ngày 29 tháng 8 năm 2008

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC TIẾP TỤC THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP KIỀM CHẾ LẠM PHÁT, ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ, BẢO ĐẢM AN SINH XÃ HỘI VÀ TĂNG TRƯỞNG BỀN VỮNG TRONG NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM 2008 THEO KẾT LUẬN SỐ 25-KL/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VÀ KẾT LUẬN CỦA HỘI NGHỊ LẦN THỨ BẢY BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG (KHOÁ X)

Triển khai thực hiện Kết luận số 25-KL/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Bộ Chính trị và Kết luận của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các giải pháp chủ yếu trong 6 tháng cuối năm 2008, nhằm hoàn thành tốt nhất các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2008, Chính phủ đã thống nhất đánh giá tình hình thực hiện 7 tháng đầu năm 2008 và đề ra các nhiệm vụ trọng tâm cho những tháng còn lại của năm 2008, cụ thể như sau:

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI 7 THÁNG ĐẦU NĂM 2008

Trong 7 tháng đầu năm 2008, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức rất lớn do những biến động của kinh tế thế giới và khó khăn, yếu kém nội tại của nền kinh tế, song với sự phấn đấu quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện đồng bộ các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững, tình hình kinh tế - xã hội đất nước đã có những chuyển biến theo hướng tích cực.

Sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng khá; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 16,4% so với cùng kỳ.

Sản xuất nông nghiệp phát triển tốt. Diện tích gieo cấy lúa cả nước đạt 7,33 triệu ha, tăng 130 ngàn ha so với năm 2007; sản lượng thu hoạch ước đạt 37,6 triệu tấn, tăng 1,7 triệu tấn so với năm 2007. Sản lượng thủy sản tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu tiếp tục đạt mức tăng cao; so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu tăng 37,7%; thị trường tiếp tục được mở rộng. Nhập khẩu có xu hướng giảm dần; nhập siêu 7 tháng ở mức 15 tỷ USD, bằng 40,7% kim ngạch xuất khẩu.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng 29,8% so với cùng kỳ.

Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 73,2% dự toán năm, tăng 45,6% so với cùng kỳ; chi ngân sách nhà nước đạt 62,4% dự toán năm, tăng 29,1%, trong đó chi đầu tư phát triển ước đạt 56% dự toán năm, tăng 13,5%; bội chi ngân sách nhà nước bằng 18,3% dự kiến cả năm.

Chính sách tiền tệ thắt chặt được thực hiện có hiệu quả nên đã kiềm chế tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng của nền kinh tế.

Tổng phương tiện thanh toán đến cuối tháng 7 năm 2008 tăng ở mức thấp, chỉ tăng 5,6% so với 31 tháng 12 năm 2007 (cùng kỳ năm trước tăng 22,2%). Điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt theo thị trường và yêu cầu cân đối kinh tế vĩ mô.

Kiểm soát và có biện pháp xử lý kịp thời, giữ ổn định hệ thống tài chính, tín dụng, bảo đảm được khả năng thanh khoản của các tổ chức tín dụng.

Thị trường chứng khoán thời gian gần đây đã có dấu hiệu phục hồi.

Giá tiêu dùng tháng 7 năm 2008 tăng 1,13% so với tháng 6 năm 2008, là mức tăng thấp nhất kể từ đầu năm đến nay. Tuy vậy, so với tháng 12 năm 2007 tăng 19,78%, vẫn là mức cao.

Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn ngân sách nhà nước thực hiện đạt 48,6% kế hoạch năm, là mức thấp so với cùng kỳ năm 2007 mặc dù tháng 6 và tháng 7 đã tăng khá hơn. Tiến độ giải ngân còn chậm (mới đạt 23% kế hoạch), nhất là đối với các dự án, công trình giao thông, thuỷ lợi, y tế, giáo dục sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ. Nguyên nhân chủ yếu là các vướng mắc trong việc điều chỉnh, bổ sung định mức, dự toán các dự án, công trình do giá cả tăng cao còn chậm, kéo dài.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng gần 4 lần, mức thực hiện tăng 42,9% so cùng kỳ. Mức giải ngân thuộc nguồn vốn ODA ước đạt 63% kế hoạch năm.

Đồng thời với kiềm chế lạm phát, ổn đinh kinh tế vĩ mô, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ đời sống người nghèo, người có thu nhập thấp, đặc biệt là đồng bào bị ảnh hưởng của đợt mưa lũ kéo dài ở các tỉnh miền núi phía Bắc vừa qua, chú trọng việc hỗ trợ vốn cho người nghèo vay để sản xuất và tín dụng cho học sinh, sinh viên nghèo.

Công tác kiểm soát tốc độ tăng dân số và nâng cao chất lượng dân số, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm,... được tăng cường và triển khai mạnh mẽ nên đã có một số chuyển biến tích cực.

Trật tự an toàn giao thông có tiến bộ, số vụ tai nạn giao thông, số người chết và bị thương giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2007.

An ninh, quốc phòng tiếp tục được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Lĩnh vực đối ngoại tiếp tục đạt được những kết quả tốt. Trong tháng 7, Việt Nam đã hoàn thành tốt trọng trách của tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, được dư luận đánh giá cao.

Công tác thông tin, tuyên truyền đã hiệu quả hơn, cung cấp khá đầy đủ, kịp thời thông tin cần thiết, gắn với yêu cầu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động báo chí, gây tác động tiêu cực trong xã hội.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nền kinh tế nước ta vẫn bộc lộ những tồn tại, yếu kém. Tuy lạm phát bước đầu đã được kiềm chế, tốc độ tăng giá tiêu dùng hai tháng gần đây đã giảm so với những tháng đầu năm nhưng xu hướng giảm chưa vững chắc. Nhập siêu đã giảm nhưng vẫn ở mức khá cao. Lãi suất còn cao, ảnh hưởng đến việc tiếp cận các nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Công tác rà soát, cắt giảm đầu tư công, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước còn chậm trễ và hiệu quả chưa cao. Tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội ở một số địa phương còn chưa đồng bộ, thủ tục còn phức tạp, làm cho các khoản hỗ trợ chậm đến được các đối tượng thụ hưởng.

Tình hình kinh tế thế giới vẫn diễn biến phức tạp, nhất là giá dầu thô, tỷ giá đồng đô la Mỹ và tính ổn định của một số thị trường tiêu thụ hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam,... sẽ là những khó khăn, thách thức rất lớn trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng còn lại của năm 2008.

II. CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM THỰC HIỆN TRONG NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM 2008

Để triển khai thực hiện Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị và Kết luận của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2008 và các giải pháp chủ yếu trong 6 tháng cuối năm 2008, Nghị quyết số 20/2008/QH12 của Quốc hội về một số vấn đề kinh tế - xã hội năm 2008 trong tình hình mới, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tiếp tục thực hiện đồng bộ các nội dung và giải pháp điều hành kinh tế - xã hội năm 2008 đã nêu tại Nghị quyết số 02/2008/NQ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2008 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2008; Nghị quyết số 10/2008/NQ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2008 về các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững; trong đó, cần tập trung thực hiện quyết liệt một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau đây:

1. Tiếp tục thực hiện giải pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

a) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt nhưng linh hoạt trong điều hành để tiếp tục kiềm chế lạm phát, đồng thời bảo đảm duy trì tăng trưởng kinh tế đạt mức kế hoạch đề ra; điều hành lãi suất theo hướng thực dương; điều hành tỷ giá linh hoạt, theo tín hiệu thị trường; tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh doanh ngoại tệ.

Kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các ngân hàng thương mại cổ phần, nhất là những ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản, bảo đảm sự phát triển lành mạnh và ổn định của cả hệ thống.

Trong quý III năm 2008, ban hành quy định mới về tiêu chí, điều kiện thành lập ngân hàng theo hướng nâng cao yêu cầu về quy mô vốn, trình độ quản lý và các điều kiện kỹ thuật khác để làm căn cứ rà soát, điều chỉnh hoạt động của các ngân hàng hiện có, làm căn cứ cấp phép thành lập các ngân hàng mới. Trong khi chưa ban hành được các tiêu chí, điều kiện mới về thành lập ngân hàng, tạm thời chưa cấp phép thành lập mới các ngân hàng.

Khuyến khích, tạo điều kiện cho các ngân hàng nhỏ nâng cao chất lượng hoạt động hoặc sáp nhập với ngân hàng khác để hình thành các ngân hàng lớn hơn, đủ sức phát triển trong điều kiện cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

b) Thực hiện kiên quyết việc tiết kiệm chi tiêu của các cơ quan, đơn vị nhà nước, doanh nghiệp nhà nước.

Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi tiêu trong các đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước, kiểm soát chặt chẽ chi thường xuyên, nhất là chi cho hội họp, sử dụng xăng dầu; tạm dừng mua sắm trang bị mới ô tô, phương tiện, tài sản khác có giá trị lớn; phấn đấu tăng thu và tiết kiệm chi ngân sách nhà nước để giảm mức bội chi ngân sách nhà nước.

Các Bộ, địa phương, nhất là những Bộ, địa phương trực tiếp quản lý các dự án, công trình có nguồn vốn lớn từ ngân sách nhà nước như: Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng và các thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện rà soát, cắt giảm các dự án đầu tư công kém hiệu quả hoặc chưa thực sự cần thiết để điều chuyển, bố trí vốn cho các dự án, công trình quan trọng, cấp thiết có khả năng hoàn thành trong năm 2008 - 2009, các dự án sản xuất các sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước như: xi măng, điện, giao thông đường bộ... Tập trung chỉ đạo việc giải ngân vốn đầu tư các dự án, công trình có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước; đồng thời, đẩy nhanh việc phê duyệt điều chỉnh định mức, dự toán điều chỉnh của các dự án, gắn với việc áp dụng biện pháp khắc phục những tổn thất do ngừng hoặc dãn tiến độ thi công những công trình đang đầu tư để vừa đẩy nhanh tiến độ, vừa giảm thất thoát, lãng phí.

c) Bộ Tài chính chỉ đạo, nắm vững tình hình hoạt động của thị trường chứng khoán, thúc đẩy tự phát triển ổn định, lành mạnh, nâng cao tính minh bạch, công khai; phát hiện và kịp thời xử lý những diễn biến bất thường của thị trường.

2. Tập trung thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, tăng cường quản lý thị trường và điều hành giá cả.

a) Bộ Công Thương chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty lớn đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thuỷ hải sản, công nghiệp có giá trị gia tăng cao như cơ khí, máy nông nghiệp, đóng tàu; thúc đẩy hoạt động gia công hàng hoá thuộc các ngành: điện tử, đồ gỗ, thuỷ sản,... để phấn đấu tăng kim ngạch xuất khẩu trong những tháng cuối năm ở mức 26 - 30%; tiếp tục áp dụng linh hoạt các biện pháp thuế quan và phi thuế quan (về kiểm soát tiêu chuẩn, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, rào cản kỹ thuật, xuất xứ hàng hoá đối với hàng nhập khẩu để kiểm soát nhập khẩu, bảo đảm tỷ lệ nhập siêu năm 2008 so với kim ngạch xuất khẩu ở mức khoảng 30%.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các tập đoàn sản xuất tiếp tục theo dõi việc thực hiện chủ trương dãn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn giảm thuế nhập khẩu vật tư, nguyên liệu phục vụ gia công hàng xuất khẩu để có biện pháp xử lý kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu; chỉ đạo ngành hải quan đơn giản hoá thủ tục hành chính đề thông quan nhanh hàng xuất khẩu.

b) Tập trung chỉ đạo sản xuất trong nước kết hợp với điều hành xuất nhập khẩu để bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là các mặt hàng: xăng dầu, lương thực, sắt thép, phân bón, thuốc chữa bệnh,... nhất thiết không được để xảy ra thiếu hàng hóa trong mọi tình huống; kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc bảo đảm nguồn hàng cho nhu cầu tiêu dùng trong nước. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Y tế và các địa phương triển khai thực hiện ngay các nội dung này.

c) Các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ của mình, tăng cường công tác quản lý thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, tăng giá bất hợp lý nhằm thu lợi bất chính, tung tin thất thiệt, gây hoang mang,... kể cả việc rút giấy phép kinh doanh, truy tố trước pháp luật các hành vi vi phạm nghiêm trọng.

d) Thực hiện điều hành giá xăng, dầu hỏa theo nguyên tắc thị trường, Nhà nước không bù lỗ đối với hai mặt hàng này. Giá bán được điều chỉnh theo nguyên tắc bảo đảm kinh doanh sau khi tiết giảm tối đa chi phí để có mức giá bán hợp lý, thực hiện việc kê khai giá, đăng ký giá theo quy định của pháp luật. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương chủ động điều hành để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tự điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo nguyên tắc thị trường nhưng phải bảo đảm được sự kiểm soát của Nhà nước đối với mặt hàng này.

Đối với giá dầu mazút, thực hiện điều hành theo hướng tiếp cận thị trường, Nhà nước giảm dần bù lỗ, tiến tới áp dụng điều hành như giá xăng, dầu hoả. Đối với dầu diesel, trước mắt Nhà nước tiếp tục bù lỗ để hỗ trợ sản xuất; khi đủ điều kiện sẽ áp dụng theo cơ chế thị trường.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến thị trường xăng dầu thế giới để chủ động điều hành hoặc đề xuất biện pháp thích hợp, bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

đ) Giữ ổn định giá bán đến hết năm 2008 đối với bốn mặt hàng là điện, nước sạch, cước xe buýt công cộng, than cho 4 hộ tiêu dùng lớn (điện, phân bón, xi măng, giấy). Ngoài các mặt hàng nói trên, các mặt hàng khác thuộc danh mục các mặt hàng đang thực hiện chủ trương kiềm chế giá, doanh nghiệp được điều chỉnh giá bán ở mức hợp lý, phù hợp với quy định hiện hành sau khi đã áp dụng các biện pháp tiết giảm chi phí để giảm thiểu tác động bất lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời, thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về kê khai, niêm yết và đăng ký giá.

3. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh:

a) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại bảo đảm đủ vốn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu (kể cả cân đối ngoại tệ); có biện pháp thích hợp để đáp ứng nhu cầu về vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường. 

b) Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam áp dụng các biện pháp để bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất, nhất là sản xuất các mặt hàng thiết yếu và xuất khẩu.

c) Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, có biện pháp thích hợp theo dõi, nắm bắt, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; chủ động và kiên quyết loại bỏ những thủ tục hành chính không còn phù hợp, gây cản trở cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

d) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các địa phương kiểm tra để huỷ bỏ ngay các khoản phí, lệ phí trái pháp luật.

đ) Các doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn, tổng công ty lớn thực hiện nghiêm việc rà soát các khoản đầu tư, tiết kiệm tối đa chi phí để nâng cao hiệu quả đầu tư và sức cạnh tranh; phát huy vai trò nòng cốt, bảo đảm duy trì sản xuất, kinh doanh ổn định, cung ứng đủ hàng hoá, nhất là hàng hoá thiết yếu với giá bán hợp lý, ổn định; tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hoá, đổi mới doanh nghiệp nhà nước theo đúng kế hoạch đề ra.

e) Bộ Tài chính chủ trì tổ chức đánh giá tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, đề xuất chủ trương, giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước nhằm phát huy vai trò nòng cốt trong nền kinh tế. Định kỳ hàng quý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đầy đủ, chính xác tình hình tài chính của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước.

g) Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tiếp thu, hoàn chỉnh, trình Chính phủ ban hành Nghị định về hình thành, tổ chức hoạt động và giám sát đối với tập đoàn kinh tế nhà nước.

4. Về bảo đảm an sinh xã hội:

a) Các Bộ, ngành và địa phương theo trách nhiệm được giao tập trung thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đã được ban hành như: hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ, hỗ trợ dầu hoả thắp sáng đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nâng mức trợ cấp đối với đối tượng bảo trợ xã hội, hỗ trợ kinh phí nâng mức hỗ trợ khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, nâng mức học bổng cho học sinh dân tộc nội trú, hỗ trợ phòng chống dịch bệnh, gia súc, gia cầm, hỗ trợ chống hạn, hỗ trợ kinh phí mua giống lúa khôi phục sản xuất, hỗ trợ khắc phục dịch rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá, đẩy nhanh việc thu mua lúa gạo, nông thuỷ sản với giá có lãi hợp lý cho người sản xuất, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các xã đặc biệt khó khăn...; đồng thời, kịp thời phát hiện, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về an sinh xã hội nhanh chóng đến được các đối tượng thụ hưởng.

b) Các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Nội vụ, Ủy ban Dân tộc chủ động thực hiện hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền bổ sung cơ chế, chính sách trợ cấp đối với các đối tượng mới có khó khăn do mất việc làm, thu nhập thấp, người về hưu, cán bộ công chức nhà nước; các chính sách trợ giúp nhân dân các vùng bị ảnh hưởng nặng nề do lũ, lụt; tiếp tục thực hiện các chương trình giảm nghèo.

c) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các địa phương nắm bắt, tổng hợp tình hình về tình trạng mất việc làm, giảm việc làm, giảm thu nhập do chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc cắt giảm đầu tư, cắt giảm sản xuất, kinh doanh từ đầu năm 2008 đến nay; chủ động nghiên cứu, đề xuất biện pháp giải quyết phù hợp.

Tập trung xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ các huyện nghèo; xây dựng, ban hành chuẩn nghèo mới phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế.

5. Các Bộ, ngành và địa phương chú trọng thực hiện quy chế về thông tin, chủ động cung cấp thông tin và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí để bảo đảm công khai, minh bạch các thông tin về tình hình kinh tế xã hội và các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Trung ương, địa phương, đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân, doanh nghiệp, qua đó củng cố lòng tin, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thông tin tuyên truyền đưa tin chính xác, phản ánh đầy đủ và kịp thời tình hình kinh tế - xã hội đất nước, các chủ trương, chính sách của Chính phủ, tránh đưa những thông tin bất lợi, gây tâm lý lo lắng, hoang mang trong dân; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực báo chí. Có biện pháp xử lý kịp thời, có hiệu quả với các tin đồn, bịa đặt không đúng sự thật, gây tâm lý hoang mang, bất ổn trên thị trường; chủ trì xây dựng Đề án thông tin, tuyên truyền về chủ trương, giải pháp điều hành của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Từ nay đến hết năm 2008 thời gian không còn nhiều, trong khi nhiệm vụ đặt ra còn rất nặng nề, đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp để hoàn thành tốt nhất các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2008.

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết này; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện, đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 15 tháng 12 năm 2008 .

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp kết quả thực hiện Nghị quyết này báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 12 năm 2008./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- BQL KKTCKQT BỜ Y;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt nam;

- Uỷ ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTTH (5b), M 295

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị quyết số 20/2008/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững trong những tháng cuối ngày 29/08/2008 theo kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị và kết luận của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá X) do Chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


7.169

DMCA.com Protection Status
IP: 3.147.65.47
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!