CHÍNH PHỦ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 07/2014/NĐ-CP
|
Hà Nội, ngày 27
tháng 01 năm 2014
|
NGHỊ ĐỊNH
QUY
ĐỊNH TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ QUAN HỆ PHỐI HỢP CỦA BAN CHỈ ĐẠO PHÒNG, CHỐNG
KHỦNG BỐ CÁC CẤP
Căn cứ Luật tổ chức
Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật phòng,
chống khủng bố ngày 12 tháng 6 năm 2013;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an,
Chính phủ ban hành Nghị định quy định tổ chức,
nhiệm vụ, quyền hạn và quan hệ phối hợp của Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố
các cấp.
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn
và quan hệ phối hợp của Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố các cấp.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với Ban Chỉ đạo phòng, chống
khủng bố các cấp; cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá
nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế cư trú, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
Trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng điều ước quốc tế
đó.
Chương 2.
TỔ CHỨC BAN CHỈ ĐẠO
PHÒNG, CHỐNG KHỦNG BỐ
Điều 3. Ban Chỉ đạo phòng, chống
khủng bố quốc gia
1. Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia là cơ
quan tham mưu, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức, chỉ đạo công tác
phòng, chống khủng bố trong phạm vi cả nước.
Bộ Công an là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo
phòng, chống khủng bố quốc gia và có cơ quan tham mưu, giúp việc chuyên trách gọi
là Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia.
2. Thành phần của Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố
quốc gia gồm:
- Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban;
- Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng ban;
- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Thành
viên;
- Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Thành viên;
- Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Thành viên;
- Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Thành
viên;
- Bộ trưởng Bộ Y tế, Thành viên;
- Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thành viên;
- Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thành
viên;
- Thứ trưởng Bộ Công an phụ trách công tác an ninh,
Thành viên thường trực;
- Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam,
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thành viên.
3. Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ quyết định
bổ sung thành viên là Bộ trưởng hoặc cán bộ cấp cao khác tham gia Ban Chỉ đạo
phòng, chống khủng bố quốc gia trên cơ sở đề nghị của Trưởng Ban Chỉ đạo.
Điều 4. Ban Chỉ đạo phòng, chống
khủng bố Bộ, ngành
1. Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố Bộ, ngành là
cơ quan tham mưu, giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tổ chức, chỉ đạo
công tác phòng, chống khủng bố của Bộ, ngành.
2. Thành phần Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố của
Bộ, ngành do một đồng chí cấp Thứ trưởng là Trưởng ban, các thành viên khác do
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quyết định.
Điều 5. Ban Chỉ đạo phòng, chống
khủng bố tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
1. Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương là cơ quan tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức, chỉ đạo công tác
phòng, chống khủng bố của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cơ
quan thường trực của Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương và có đơn vị tham mưu, giúp việc gọi là Văn phòng thường trực Ban Chỉ
đạo phòng, chống khủng bố tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
2. Thành phần Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương gồm:
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương, Trưởng ban;
- Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương, Phó Trưởng ban;
- Giám đốc Sở Ngoại vụ (nếu có), Thành viên;
- Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Thành viên;
- Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Thành
viên;
- Giám đốc Sở Y tế, Thành viên;
- Giám đốc Sở Tài chính, Thành viên;
- Phó Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương phụ trách công tác an ninh, Thành viên thường trực;
- Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội (đối với Ban Chỉ
đạo phòng, chống khủng bố thành phố Hà Nội), Tư lệnh Bộ Tư lệnh thành phố Hồ
Chí Minh (đối với Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố thành phố Hồ Chí Minh), Chỉ
huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đối với
Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
khác), Thành viên.
3. Trong trường hợp cần thiết, Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương quyết định bổ sung thành viên là Giám đốc sở,
người đứng đầu ngành khác tham gia Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở đề nghị của Trưởng Ban Chỉ đạo.
Chương 3.
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA
BAN CHỈ ĐẠO PHÒNG, CHỐNG KHỦNG BỐ
Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn của
Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia
1. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Khoản 1 Điều 13 Luật phòng, chống khủng bố.
2. Kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn Ban Chỉ đạo phòng,
chống khủng bố Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện công
tác phòng, chống khủng bố.
3. Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành phương án xử
lý các tình huống khủng bố, cơ chế chỉ đạo, chỉ huy xử lý các tình huống khủng
bố.
4. Tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ
đạo giải quyết các vụ khủng bố trong trường hợp phải ban bố tình trạng khẩn cấp
về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội hoặc có nguy cơ đe dọa an ninh quốc
gia, trật tự, an toàn xã hội nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp.
5. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác do Chính phủ,
Thủ tướng Chính phủ giao.
Điều 7. Nhiệm vụ, quyền hạn của
Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố Bộ Công an
1. Giúp Bộ trưởng Bộ Công an tổ chức, chỉ đạo công
tác phòng, chống khủng bố của Bộ Công an; phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban
nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện công tác phòng, chống
khủng bố.
2. Tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố
quốc gia về chiến lược, chương trình, kế hoạch, phương án, biện pháp, giải pháp
phòng, chống khủng bố; xử lý khủng bố, khắc phục, hạn chế hậu quả do khủng bố
gây ra.
3. Giúp Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia
kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện pháp luật,
chương trình, kế hoạch phòng, chống khủng bố; theo dõi, chỉ đạo công tác hợp
tác quốc tế về phòng, chống khủng bố; đôn đốc, chỉ đạo việc kiểm tra công tác điều
tra, xác minh những vụ việc khủng bố nghiêm trọng, phức tạp.
4. Phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố Bộ,
ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham mưu chỉ đạo xử lý các vụ khủng
bố; thực hiện phương án phòng, chống khủng bố, diễn tập phương án phòng, chống
khủng bố đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
5. Tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Công an theo dõi,
đôn đốc hoạt động của các cơ quan, đơn vị trong Công an nhân dân được giao thực
hiện nhiệm vụ chống khủng bố; hướng dẫn, đôn đốc hoạt động của Ban Chỉ đạo
phòng, chống khủng bố Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
6. Tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo xử lý
vụ khủng bố xảy ra tại mục tiêu, địa bàn do Bộ Công an quản lý, vụ khủng bố xảy
ra ở nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, vụ khủng bố vượt quá khả năng
xử lý của lực lượng phòng, chống khủng bố tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
nhưng không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 6 Nghị định
này; chỉ đạo khắc phục, hạn chế hậu quả do khủng bố gây ra trong phạm vi chức
năng, nhiệm vụ của Bộ Công an.
7. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác do Bộ trưởng
Bộ Công an giao.
Điều 8. Nhiệm vụ, quyền hạn của
Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố Bộ Quốc phòng
1. Giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tổ chức, chỉ đạo
công tác phòng, chống khủng bố của Bộ Quốc phòng; phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy
ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện công tác phòng, chống
khủng bố.
2. Phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố Bộ,
ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham mưu chỉ đạo xử lý các vụ khủng
bố; thực hiện phương án phòng, chống khủng bố, diễn tập phương án phòng, chống
khủng bố đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
3. Tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng theo dõi,
đôn đốc hoạt động của các cơ quan, đơn vị trong Quân đội nhân dân được giao thực
hiện nhiệm vụ chống khủng bố.
4. Tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo xử
lý các vụ khủng bố xảy ra tại mục tiêu, địa bàn do Bộ Quốc phòng quản lý nhưng
không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 6 Nghị định này;
chỉ đạo khắc phục, hạn chế hậu quả do khủng bố gây ra trong phạm vi chức năng,
nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng.
5. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác do Bộ trưởng
Bộ Quốc phòng giao.
Điều 9. Nhiệm vụ, quyền hạn của
Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố Bộ, ngành
1. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Khoản 3 Điều 13 Luật phòng, chống khủng bố.
2. Phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố Bộ
Công an, Bộ Quốc phòng, Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương tham mưu, giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tổ chức,
chỉ đạo công tác phòng, chống khủng bố.
3. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác do Bộ trưởng,
Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ giao.
Điều 10. Nhiệm vụ, quyền hạn của
Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
1. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Khoản 2 Điều 13 Luật phòng, chống khủng bố.
2. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo xử lý các vụ khủng bố xảy
ra tại địa phương, trừ các vụ khủng bố thuộc trách nhiệm tham mưu chỉ đạo xử lý
của Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia, Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng
bố Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
3. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác do Ủy ban
nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao.
Điều 11. Chế độ hoạt động của
Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố
1. Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố hoạt động theo
nguyên tắc tập trung thống nhất; quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền thông
qua các cuộc họp định kỳ, đột xuất hoặc thông qua lấy ý kiến bằng văn bản. Trưởng
Ban Chỉ đạo kết luận và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Ban Chỉ đạo
phòng, chống khủng bố có trách nhiệm ban hành và thực hiện quy chế hoạt động của
mình.
2. Giao Bộ trưởng Bộ Công an thành lập, quy định chức
năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống
khủng bố quốc gia, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quy định
chức năng, nhiệm vụ, tổ chức của cơ quan, đơn vị giúp việc Ban Chỉ đạo phòng,
chống khủng bố Bộ, ngành mình.
Chương 4.
QUAN HỆ PHỐI HỢP CỦA BAN
CHỈ ĐẠO PHÒNG, CHỐNG KHỦNG BỐ
Điều 12. Phối hợp trong công
tác phòng ngừa khủng bố
1. Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia thực
hiện hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố Bộ, ngành,
Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện
công tác phòng ngừa khủng bố.
2. Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố Bộ, ngành, tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống
khủng bố quốc gia về công tác phòng ngừa khủng bố thuộc chức năng, nhiệm vụ của
mình.
Điều 13. Phối hợp trong công
tác chống khủng bố
1. Khi xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra khủng bố tại địa
phương, thì Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia, Ban Chỉ đạo phòng, chống
khủng bố Bộ Công an, Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố Bộ Quốc phòng. Trường hợp
vụ khủng bố xảy ra, có nguy cơ xảy ra vượt quá khả năng xử lý của lực lượng chống
khủng bố của địa phương thì trong báo cáo phải nêu rõ và đề nghị Ban Chỉ đạo
phòng, chống khủng bố quốc gia, Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố Bộ Công an,
Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố Bộ Quốc phòng tham mưu cho cơ quan, người có
thẩm quyền chỉ đạo xử lý.
2. Khi xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra khủng bố tại mục
tiêu, địa bàn do Bộ Công an quản lý thì Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố Bộ
Công an báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia. Trường hợp vụ khủng
bố thuộc trường hợp phải ban bố tình trạng khẩn cấp về an ninh quốc gia, trật tự,
an toàn xã hội hoặc có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội
nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp thì Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng
bố Bộ Công an báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia để tham mưu
cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý.
3. Khi xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra khủng bố tại mục
tiêu, địa bàn do Bộ Quốc phòng quản lý thì Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố Bộ
Quốc phòng báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia. Trường hợp vụ khủng
bố thuộc trường hợp phải ban bố tình trạng khẩn cấp về an ninh quốc gia, trật tự,
an toàn xã hội hoặc có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội
nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp thì Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng
bố Bộ Quốc phòng báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia để tham mưu
cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý.
Chương 5.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25 tháng
3 năm 2014.
Điều 15. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ trưởng Bộ Công an chịu trách nhiệm chủ trì,
phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực
hiện Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ
trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực
thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, NC (3b).
|
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|