ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
---------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 113/KH-UBND
|
Thừa Thiên Huế,
ngày 17 tháng 10 năm 2013
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN
CHỈ THỊ SỐ 10/CT-TTG, NGÀY 12/6/2013 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC ĐƯA NỘI
DUNG PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG VÀO GIẢNG DẠY TẠI CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC, ĐÀO TẠO TỪ
NĂM 2013-2014
Thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 12/6/2013 của
Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy
tại các cơ sở giáo dục đào tạo từ năm học 2013-2014; Công văn số 1710/TTCP-PC,
ngày 26/7/2013 của Thanh tra Chính phủ về việc thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg
của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 5571/BGDĐT-TTr, ngày 13/8/2013 của Bộ
Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ
tướng Chính phủ, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng kế hoạch thực hiện như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Tổ chức triển khai đầy đủ, kịp thời việc đưa các
nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo
(từ bậc trung học phổ thông trở lên) từ năm học 2013-2014 theo hướng dẫn của Bộ
Giáo dục và Đào tạo và Thanh tra Chính phủ.
- Phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, ban, ngành liên
quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ sở giáo dục, đào tạo (từ bậc
trung học phổ thông trở lên) trong thực hiện nhiệm vụ để đưa nội dung phòng,
chống tham nhũng vào giảng dạy trong các nhà trường từ đầu năm học 2013-2014
theo đúng Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
- Trang bị kiến thức, phổ biến cho học sinh, sinh
viên các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng nhằm nâng cao nhận
thức của học sinh, sinh viên đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
2. Yêu cầu
- Xác định rõ trách nhiệm cụ thể của các Sở, ban
ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh,
các Trường Trung học phổ thông, các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, các Trường
Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề trong việc triển khai thực hiện
Chỉ thị để bảo đảm triển khai kịp thời, có hiệu quả việc đưa nội dung phòng,
chống tham nhũng vào giảng dạy trong các nhà trường theo kế hoạch.
- Việc tổ chức giảng dạy nội dung phòng, chống tham
nhũng tại các cơ sở giáo dục, đào tạo được thực hiện theo phương pháp lồng ghép
vào các môn học được quy định phù hợp với từng cấp học theo hướng dẫn của các
cơ quan có thẩm quyền, bảo đảm không tăng về số tiết và định mức giảng dạy của giáo
viên và lồng ghép tuyên truyền nội dung, chống tham nhũng trong các hoạt động
ngoại khóa.
II. THỜI GIAN THỰC HIỆN
1. Năm học 2013-2014: Tùy điều kiện cụ thể
các cơ sở giáo dục, đào tạo phải đưa nội dung giảng dạy về phòng, chống tham
nhũng vào ngay trong học kỳ I hoặc học kỳ II.
2. Các năm học tiếp theo: Trên cơ sở hướng
dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan liên quan, các cơ sở giáo dục, đào
tạo tổ chức giảng dạy nội dung về phòng, chống tham nhũng theo hướng dẫn.
III. NHIỆM VỤ CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
Để kịp thời thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số
10/CT-TTg, ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung phòng,
chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo từ năm học
2013-2014, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành
phố, các cơ sở giáo dục thực hiện tốt các nội dung công việc sau:
1. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Trên cơ sở tài liệu, chương trình giảng dạy của
Bộ Giáo dục và Đào tạo khi được phê duyệt, kịp thời triển khai ngay đến các cơ
sở giáo dục đào tạo để thực hiện; chỉ đạo các trường (từ bậc trung học phổ
thông trở lên) chủ động chuẩn bị; phân công giáo viên, đưa vào kế hoạch lịch
giảng dạy của các trường nội dung phòng, chống tham nhũng trong năm học
2013-2014 và các năm tiếp theo.
- Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra,
đánh giá việc tổ chức thực hiện giảng dạy nội dung phòng, chống tham nhũng
trong phạm vi quản lý nhà nước của Sở Giáo dục và Đào tạo.
- Hàng năm xây dựng kế hoạch, tổ chức đào tạo, bồi
dưỡng, cập nhật kiến thức về nội dung phòng, chống tham nhũng cho giáo viên,
giảng viên trong các cơ sở giáo dục, đào tạo.
- Sơ kết, rút kinh nghiệm việc giảng dạy nội dung
phòng, chống tham nhũng theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
2. Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh
- Trên cơ sở chương trình, tài liệu giảng dạy về
nội dung phòng, chống tham nhũng được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chủ động rà
soát tài liệu, xây dựng giáo án, phân công giảng viên để triển khai thực hiện
giảng dạy tại các lớp học về Chương trình quản lý nhà nước và lý luận chính trị
cho phù hợp với chương trình học tập.
- Bố trí cán bộ, giảng viên tham gia đào tạo, bồi
dưỡng, cập nhật kiến thức mới về phòng, chống tham nhũng.
3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Y tế
- Trên cơ sở chương trình, tài liệu giảng dạy về
nội dung phòng, chống tham nhũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, chỉ đạo
các trường Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp, Dạy nghề trực thuộc thực hiện
việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy theo quy định.
- Bố trí cán bộ, giảng viên tham gia đào tạo, bồi
dưỡng, cập nhật kiến thức mới về phòng, chống tham nhũng.
4. Sở Tài chính
Tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí và hướng dẫn
các Sở, ngành, các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ
sở giáo dục, đào tạo xây dựng dự toán kinh phí thực hiện; bảo đảm việc tổ chức
thực hiện nhiệm vụ giảng dạy nội dung phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả,
tiết kiệm.
5. Thanh tra tỉnh
- Tham mưu UBND tỉnh tổng hợp, báo cáo kết quả thực
hiện chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc và tổ chức thực hiện giảng dạy nội dung phòng,
chống tham nhũng tại các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh từ năm học 2013-2014
theo chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ.
- Phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan
trong việc tổ chức tập huấn, trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến
thức về phòng, chống tham nhũng cho giáo viên, giảng viên giảng dạy nội dung
này tại các cơ sở giáo dục, đào tạo.
- Xây dựng kế hoạch hàng năm về kiểm tra, thanh tra
trách nhiệm việc thực hiện đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương
trình giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo, gắn với nội dung thanh tra,
kiểm tra trách nhiệm trong việc thực hiện luật phòng, chống tham nhũng.
6. UBND các huyện, thị xã, thành phố
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động có
kế hoạch phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc thực hiện Chỉ thị số
10/CT-TTg, ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung về
phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo từ năm
học 2013-2014.
7. Các cơ sở giáo dục, đào tạo
- Trên cơ sở chương trình, tài liệu giảng dạy, tài
liệu tập huấn, tài liệu tham khảo đã được phê duyệt và hướng dẫn của Bộ Giáo
dục Đào tạo và các cơ quan liên quan, chủ động tổ chức xây dựng kế hoạch giảng
dạy, biên soạn giáo án, tổ chức giảng dạy, kiểm tra, đánh giá và tổ chức hoạt
động ngoại khóa phù hợp với đặc điểm của cơ sở giáo dục, đào tạo.
- Lựa chọn môn học phù hợp để tích hợp, lồng ghép
nội dung giảng dạy phòng, chống tham nhũng; Chủ động, bố trí phân công giáo
viên, giảng viên giảng dạy nội dung phòng, chống tham nhũng đảm bảo chất lượng
theo yêu cầu.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, các Sở,
ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ sở giáo dục, đào tạo chủ
động xây dựng dự toán kinh phí thực hiện, tổng hợp chung trong dự toán ngân
sách hàng năm, trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Ngân sách
nhà nước.
2. Đối với các nội dung cần triển khai ngay
trong năm 2013, các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ động bố trí kinh phí để thực
hiện trên cơ sở cân đối từ nguồn kinh phí được giao năm 2013.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Căn cứ nhiệm vụ được giao, các Sở ban
ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan đơn vị chủ động xây dựng
kế hoạch, tổ chức thực hiện, định kỳ 6 tháng, năm có báo cáo kết quả về UBND
tỉnh (qua Thanh tra tỉnh) để tổng hợp báo cáo theo quy định.
2. Giao Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với
Sở Giáo dục và Đào tạo theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch này.
UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban ngành;
UBND các huyện, thị xã, thành phố; các cơ sở giáo dục, đào tạo nghiêm túc thực
hiện Kế hoạch này. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc phát
sinh kịp thời báo cáo về Thanh tra tỉnh để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo,
giải quyết./.
Nơi nhận:
- Thanh tra Chính phủ;
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ban Nội chính Tỉnh ủy;
- Các Sở: GD&ĐT, LĐTB&XH, VHTT&DL, Y tế, TC;
- Thanh tra tỉnh;
- UBND TP. Huế, thị xã và các huyện;
- Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh;
- PCVP UBND tỉnh; CV: XH, VH, YT, TC;
- Lưu: VT, GD, TTTN (2).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Cao
|