CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 39/2021/NĐ-CP
|
Hà Nội, ngày 30
tháng 3 năm 2021
|
NGHỊ ĐỊNH
SỬA
ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 37/2009/NĐ-CP NGÀY 23 THÁNG 4 NĂM
2009 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CÁC MỤC TIÊU QUAN TRỌNG VỀ CHÍNH TRỊ, KINH TẾ, NGOẠI
GIAO, KHOA HỌC - KỸ THUẬT, VĂN HÓA, XÃ HỘI DO LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT NHÂN DÂN CÓ
TRÁCH NHIỆM VŨ TRANG CANH GÁC BẢO VỆ VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC CÓ
LIÊN QUAN
Căn cứ Luật Tổ chức
Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Công
an nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Luật An ninh
quốc gia ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Pháp lệnh Cảnh
sát cơ động ngày 23 tháng 12 nám 2013;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an;
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một
số điều của Nghị định số 37/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2009 của Chính phủ
quy định các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học -
kỹ thuật, văn hóa, xã hội do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ
trang canh gác bảo vệ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số
điều của Nghị định số 37/2009/NĐ-CP
1. Khoản 2
Điều 1 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“2. Nghị định này không điều chỉnh đối với các mục
tiêu, đối tượng bảo vệ quy định tại Luật Cảnh vệ
năm 2017 và các mục tiêu khác do Bộ Quốc phòng quản lý theo quy định của
pháp luật.”
2. Điểm b
khoản 1 Điều 4 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“b) Trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan
lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc tại
Việt Nam; cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế khác tại Việt Nam được Chính phủ
cam kết bảo vệ an ninh theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.”
3. Bổ sung khoản 2a Điều 5 như sau:
“2a. Đối với các mục tiêu thuộc Danh mục nhưng cố sự
thay đổi về tên, loại, không còn có tầm quan trọng đặc biệt và không cần thiết
phải có lực lượng Cảnh sát nhân dân vũ trang canh gác bảo vệ, Bộ Công an có
trách nhiệm phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy
ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan có mục tiêu báo cáo
Thủ tướng Chính phủ quyết định đưa mục tiêu ra khỏi Danh mục.”
4. Bổ sung Điều 5a sau Điều 5 như sau:
“Điều 5a. Những hành vi gây mất an toàn, đe dọa
gây mất an toàn mục tiêu
1. Vào mục tiêu, vọng gác bảo vệ mục tiêu trái
phép.
2. Thả diều, bóng bay, tàu bay không người lái và
các phương tiện bay siêu nhẹ khác vào khu vực bên trong mục tiêu được bảo vệ.
3. Ném gạch, đất, đá, cát hoặc bất cứ vật gì khác
vào mục tiêu, vọng gác bảo vệ mục tiêu.
4. Vứt rác hoặc bỏ bất cứ vật gì khác lên tường rào
và khu vực liền kề với mục tiêu bảo vệ.
5. Dừng, đỗ xe trước cổng và trong phạm vi 5 mét
hai bên cổng trụ sở mục tiêu.
6. Quay phim, chụp ảnh, vẽ sơ đồ tại mục tiêu là
khu vực cấm, địa điểm cấm.
7. Phá hoại, làm hư hỏng tải sản, hiện vật tại mục
tiêu, vọng gác bảo vệ mục tiêu; leo trèo hoặc thực hiện các hành vi khác tác động
lên cổng, cửa, tường rào của mục tiêu, vọng gác bảo vệ mục tiêu khi chưa được
phép.
8. Gây rối, cản trở hoạt động bình thường của cơ quan
có mục tiêu bảo vệ.
9. Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc cản trở,
không chấp hành yêu cầu của lực lượng Cảnh sát nhân dân làm nhiệm vụ vũ trang
canh gác bảo vệ mục tiêu.
10. Tập trung đông người gây mất trật tự tại khu vực
mục tiêu bảo vệ.
11. Các hành vi khác xâm hại mục tiêu, vọng gác bảo
vệ mục tiêu theo quy định của pháp luật.”
5. Điều 6
được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 6. Danh mục các mục tiêu
Ban hành kèm theo Nghị định này Danh mục các mục
tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn
hóa, xã hội do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang canh gác bảo
vệ, thay thế Danh mục các mục tiêu được ban hành kèm theo Nghị định số
37/2009/NĐ-CP .”
6. Điều 7
được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 7. Trách nhiệm của Bộ Công an trong công
tác bảo vệ mục tiêu
1. Chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản
lý nhà nước về công tác bảo vệ mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại
giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội do lực lượng Cảnh sát nhân dân có
trách nhiệm vũ trang canh gác bảo vệ.
2. Tiếp nhận hồ sơ và tổ chức thẩm định các mục
tiêu theo đề nghị thay đổi, bổ sung của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc
Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, báo cáo Thủ
tướng Chính phủ quyết định.
3. Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn mục tiêu.
4. Chỉ đạo, tổ chức lực lượng Cảnh sát nhân dân vũ
trang canh gác, tuần tra bảo vệ mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại
giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội nhằm chủ động phòng ngừa, phát hiện,
ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi xâm hại vào mục tiêu.
5. Áp dụng phù hợp các biện pháp công tác Công an để
bảo vệ an toàn mục tiêu.
6. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về công tác bảo
vệ mục tiêu.
7. Nghiên cứu, trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ,
phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phục vụ công tác vũ trang canh gác bảo
vệ mục tiêu.
8. Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Ủy ban nhân
dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan có liên quan báo cáo,
đề nghị cấp có thẩm quyền bố trí doanh trại cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân
dân vũ trang canh gác bảo vệ các mục tiêu được quy định tại điểm b khoản 1 Điều
4 Nghị định này.
9. Biên chế, đào tạo, huấn luyện lực lượng Cảnh sát
nhân dân vũ trang canh gác bảo vệ mục tiêu.
10. Thực hiện hợp tác quốc tế trong công tác bảo vệ
mục tiêu.
11. Sơ kết, tổng kết công tác bảo vệ mục tiêu.”
7. Điều 8
được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 8. Trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
trong công tác bảo vệ mục tiêu
1. Chủ động phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan
có liên quan tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về công tác bảo vệ mục
tiêu đối với các mục tiêu thuộc thẩm quyền quản lý của mình.
2. Đề xuất thay đổi, bổ sung mục tiêu thuộc thẩm
quyền quản lý vào danh mục các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại
giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội do lực lượng Cảnh sát nhân dân có
trách nhiệm vũ trang canh gác bảo vệ; đề nghị Bộ Công an thẩm định và báo cáo
Thủ tướng Chính phủ quyết định.
3. Chỉ đạo cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý
có mục tiêu được bố trí lực lượng Cảnh sát nhân dân vũ trang canh gác bảo vệ thực
hiện nghiêm các quy định tại Nghị định này, các quy định khác của pháp luật có
liên quan và hướng dẫn của Bộ Công an về công tác bảo vệ mục tiêu.
4. Đối với mục tiêu trụ sở cơ quan Bộ, cơ quan
ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang canh gác bảo
vệ thì ngoài việc thực hiện các quy định tại Điều này, các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
còn phải trực tiếp thực hiện trách nhiệm của cơ quan có mục tiêu được bố trí lực
lượng Cảnh sát nhân dân vũ trang canh gác bảo vệ theo quy định tại Điều 9 Nghị
định này.
5. Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Công an
xác định mục tiêu trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam, trụ sở cơ
quan lãnh sự tại Việt Nam, trụ sở cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế thuộc hệ
thống Liên hợp quốc tại Việt Nam và trụ sở cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế
khác tại Việt Nam được Chính phủ cam kết bảo vệ an ninh theo các điều ước quốc
tế mà Việt Nam là thành viên; phối hợp với Bộ Công an, Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan có liên quan báo cáo, đề nghị cấp
có thẩm quyền bố trí doanh trại cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân vũ trang
canh gác bảo vệ các mục tiêu được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 Nghị định
này.”
6. Bộ Quốc phòng cho trì, phối hợp với Bộ Công an
và các cơ quan liên quan quản lý bảo vệ vùng trời quốc gia, quản lý điều hành
các hoạt động bay; phối hợp bảo vệ mục tiêu, xử lý các hành vi xâm phạm mục
tiêu từ trên không theo quy định của pháp luật.
7. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương có trách nhiệm chỉ đạo việc bố trí xây dựng, lắp đặt vọng gác, thiết bị phục
vụ công tác vũ trang canh gác bảo vệ mục tiêu; bố trí quỹ đất để xây dựng doanh
trại cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân vũ trang canh gác bảo vệ các mục
tiêu được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 Nghị định này; chỉ đạo công tác phối
hợp bảo đảm an ninh, trật tự tại mục tiêu thuộc địa bàn quản lý.”
8. Khoản 4
Điều 9 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“4. Chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng thuộc tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương để xây dựng, lắp đặt vọng gác, thiết bị phục vụ
công tác vũ trang canh gác bảo vệ mục tiêu của lực lượng Cảnh sát nhân dân;
trang bị cơ sở vật chất, thiết bị bảo vệ gắn liền mục tiêu; ứng dụng công nghệ
khoa học - kỹ thuật phục vụ bảo vệ an ninh, an toàn mục tiêu.”
Điều 2. Trách nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng. Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng
cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương và cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định
này.
Điều 3. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 5 năm
2021.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực
thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, NC (2).
|
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc
|
DANH MỤC
CÁC MỤC TIÊU QUAN TRỌNG VỀ CHÍNH TRỊ, KINH TẾ, NGOẠI
GIAO, KHOA HỌC - KỸ THUẬT, VĂN HÓA, XÃ HỘI DO LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT NHÂN DÂN CÓ
TRÁCH NHIỆM VŨ TRANG CANH GÁC BẢO VỆ
(Kèm theo Nghị định số 39/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ)
1. Trụ sở Bộ Ngoại giao.
2. Trụ sở Bộ Công an.
3. Trụ sở Bộ Tài chính.
4. Trụ sở Bộ Nội vụ.
5. Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
6. Trụ sở Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
7. Trụ sở Tòa án nhân dân tối cao.
8. Trụ sở Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
9. Kho bạc Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính.
10. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Cục Văn thư lưu trữ
Nhà nước Bộ Nội vụ
11. Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt.
12. Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
13. Trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt
Nam.
14. Trụ sở cơ quan lãnh sự tại Việt Nam.
15. Trụ sở cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế thuộc
hệ thống Liên hợp quốc tại Việt Nam và trụ sở cơ quan đại diện của tổ chức quốc
tế khác tại Việt Nam được Chính phủ cam kết bảo vệ an ninh theo các điều ước quốc
tế mà Việt Nam là thành viên.
16. Kho tiền, kim loại quý, đồ quý và các tài sản
quý hiếm khác được Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quản lý và bảo quản.
17. Trụ sở các nhà máy in, đúc tiền, nơi tiêu hủy
tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
18. Trung tâm Phát thanh Quốc gia, Trung tâm Sản xuất
và Lưu trữ Chương trình thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam.
19. Đài phát sóng trực thuộc Đài Tiếng nói Việt
Nam.
20. Cơ quan thường trú trực thuộc Đài Tiếng nói Việt
Nam tại các khu vực: Đông Bắc, Tây Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, đồng bằng sông
Cửu Long và tại Thành phố Hồ Chí Minh.
21. Đài Truyền hình Việt Nam tại Hà Nội.
22. Đài thu phát sóng truyền hình trực thuộc Đài
Truyền hình Việt Nam.
23. Cục Bưu điện Trung ương thuộc Bộ Thông tin và
Truyền thông.
24. Bưu điện CP16 thuộc Cục Bưu điện Trung ương.
25. Trụ sở Tỉnh ủy, Thành ủy, Ủy ban nhân dân, Hội
đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
26. Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương.
27. Kho tiền Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương.
28. Đài Phát thanh, Đài Truyền hình tỉnh, thành phố
trực thuộc trung ương.
29. Trạm phát sóng phát thanh, trạm phát sóng truyền
hình tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
30. Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Phú Thọ.
31. Khu di tích Kim Liên, Nghệ An.
32. Quảng trường Hồ Chí Minh, Nghệ An.
33. Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Bình Thuận.
34. Nhà máy nước Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.
35. Tổng kho xăng dầu Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí
Minh.
36. Công trình Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây
Nguyên tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.