Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Dùng tài khoản LawNet
Quên mật khẩu?   Đăng ký mới

Đang tải văn bản...

Nghị định 16/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quốc tịch Việt Nam

Số hiệu: 16/2020/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
Ngày ban hành: 03/02/2020 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/2020/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 03 tháng 02 năm 2020

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU VÀ BIỆN PHÁP THI HÀNH LUẬT QUỐC TỊCH VIỆT NAM

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Quốc tịch Việt Nam ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam ngày 24 tháng 6 năm 2014;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam về việc nhập, trở lại, thôi, tước quốc tịch Việt Nam; hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam; thông báo kết quả giải quyết các việc về quốc tịch; đăng ký để được xác định có quốc tịch Việt Nam; cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam; cấp Giấy xác nhận là người gốc Việt Nam và trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý nhà nước về quốc tịch.

Điều 2. Hợp pháp hóa lãnh sự, dịch giấy tờ trong hồ sơ quốc tịch sang tiếng Việt

Giấy tờ trong hồ sơ xin nhập, trở lại, thôi quốc tịch Việt Nam và giải quyết các việc khác về quốc tịch Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Giấy tờ trong hồ sơ quốc tịch bằng tiếng nước ngoài phải được dịch sang tiếng Việt; bản dịch phải được công chứng hoặc chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều 3. Cách thức nộp, thụ lý hồ sơ và trả kết quả giải quyết các việc về quốc tịch

1. Người xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam hoặc giải quyết các việc khác về quốc tịch có thể trực tiếp nộp hồ sơ hoặc gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính đến cơ quan có thẩm quyền thụ lý hồ sơ theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam và Nghị định này, không ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ. Trường hợp người xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam hoặc giải quyết các việc khác về quốc tịch cư trú tại quốc gia hoặc vùng lãnh thổ không có Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi là Cơ quan đại diện) thì nộp hồ sơ tại Cơ quan đại diện kiêm nhiệm hoặc Cơ quan đại diện nào thuận tiện nhất.

Người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải trực tiếp nộp hồ sơ tại Sở Tư pháp, nơi người đó cư trú.

Yêu cầu giải quyết các việc về quốc tịch cho người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự do người đại diện theo pháp luật hoặc người giám hộ của người đó thực hiện.

2. Trường hợp pháp luật quy định giấy tờ phải nộp là bản sao thì người yêu cầu giải quyết các việc về quốc tịch có thể nộp giấy tờ là bản chụp từ bản chính, bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc. Nếu nộp bản chụp từ bản chính thì phải có bản chính để đối chiếu; người tiếp nhận hồ sơ kiểm tra, đối chiếu bản sao với bản chính và ký xác nhận đã đối chiếu.

Trường hợp hồ sơ được gửi qua hệ thống bưu chính thì bản sao giấy tờ phải được chứng thực từ bản chính hoặc được cấp từ sổ gốc; Đơn, Tờ khai, Bản khai lý lịch phải được chứng thực chữ ký theo quy định của pháp luật.

3. Người thụ lý hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của giấy tờ trong hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ thì hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện. Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì người thụ lý hồ sơ ghi vào Sổ thụ lý và cấp Phiếu thụ lý hồ sơ theo mẫu quy định cho người nộp hồ sơ. Trường hợp hồ sơ được gửi qua hệ thống bưu chính thì người thụ lý hồ sơ gửi Phiếu thụ lý cho người nộp hồ sơ qua hệ thống bưu chính.

4. Cơ quan thụ lý hồ sơ lập danh mục đầy đủ các giấy tờ trong từng hồ sơ, kèm danh sách những người yêu cầu giải quyết các việc về quốc tịch theo mẫu quy định.

Đối với hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam, cơ quan thụ lý hồ sơ có trách nhiệm phân loại thành hồ sơ được miễn xác minh về nhân thân theo quy định tại Điều 30 Luật Quốc tịch Việt Nam và hồ sơ phải xác minh về nhân thân.

Trường hợp được miễn xác minh về nhân thân thì thời hạn của giấy tờ bảo đảm cho nhập quốc tịch nước ngoài phải còn ít nhất là 120 ngày, kể từ ngày thụ lý hồ sơ; trường hợp phải xác minh về nhân thân thì thời hạn phải còn ít nhất là 150 ngày, kể từ ngày thụ lý hồ sơ.

5. Kết quả giải quyết các việc về quốc tịch được trả trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính cho người yêu cầu. Người yêu cầu trả kết quả qua hệ thống bưu chính phải nộp chi phí trả kết quả qua hệ thống bưu chính.

6. Việc trao Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam được thực hiện theo quy định tại Điều 12 của Nghị định này.

Điều 4. Hủy giá trị giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam đã cấp cho người thôi quốc tịch, tước quốc tịch, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam

1. Kể từ ngày Quyết định cho thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam của một người có hiệu lực pháp luật, giấy tờ quy định tại Điều 11 của Luật Quốc tịch Việt Nam đã cấp cho người đó không còn giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam.

2. Việc xóa đăng ký thường trú, thu hồi và hủy giá trị sử dụng Hộ chiếu Việt Nam, Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân của đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 24, khoản 2 Điều 26 của Nghị định này và pháp luật có liên quan.

Trường hợp giấy tờ hộ tịch của người đã thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam có ghi quốc tịch Việt Nam thì việc thông báo và ghi chú vào sổ hộ tịch việc thay đổi quốc tịch được thực hiện theo quy định tại Điều 25 của Nghị định này.

Điều 5. Việc sử dụng quốc tịch của công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài trong quan hệ với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam

Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ công nhận quốc tịch Việt Nam đối với công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài trong quan hệ với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Điều 6. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Các hành vi sau đây bị nghiêm cấm:

a) Dùng giấy tờ giả, giấy tờ bị sửa chữa, tẩy xóa làm sai lệch nội dung; khai báo không trung thực, có hành vi gian dối để làm thủ tục giải quyết các việc về quốc tịch;

b) Dùng giấy tờ không còn giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại khoản 1 Điều 4 của Nghị định này để chứng minh đang có quốc tịch Việt Nam;

c) Lợi dụng thẩm quyền được giao để cấp giấy tờ về quốc tịch Việt Nam, giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ khác có ghi quốc tịch Việt Nam trái quy định của pháp luật; xác nhận không có cơ sở, không đúng sự thật về người xin nhập, xin trở lại quốc tịch Việt Nam;

d) Lợi dụng việc nhập, trở lại, thôi quốc tịch Việt Nam và việc xin giữ quốc tịch nước ngoài khi được nhập, trở lại quốc tịch Việt Nam để xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam.

2. Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật; giấy tờ quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, giấy tờ được cấp trong các trường hợp quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều này không có giá trị pháp lý, phải bị thu hồi hủy bỏ.

3. Trường hợp người đã nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 19 của Luật Quốc tịch mà bị phát hiện có hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thì Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 33, Điều 34 Luật Quốc tịch Việt NamĐiều 23 của Nghị định này.

Chương II

THỦ TỤC NHẬP, TRỞ LẠI, THÔI, TƯỚC QUỐC TỊCH, HỦY BỎ QUYẾT ĐỊNH CHO NHẬP QUỐC TỊCH VIỆT NAM

Mục 1. NHẬP QUỐC TỊCH VIỆT NAM

Điều 7. Một số điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam

1. Biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam là khả năng nghe, nói, đọc, viết bằng tiếng Việt phù hợp với môi trường sống và làm việc của người xin nhập quốc tịch Việt Nam.

2. Người xin nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam phải là người đang thường trú tại Việt Nam và đã được Cơ quan công an có thẩm quyền của Việt Nam cấp Thẻ thường trú.

Thời gian thường trú tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được tính từ ngày người đó được cấp Thẻ thường trú.

3. Khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được chứng minh bằng tài sản, nguồn thu nhập hợp pháp của người đó hoặc sự bảo lãnh của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam.

Điều 8. Người được miễn một số điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam

1. Người có công lao đặc biệt đóng góp lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam phải là người được tặng thưởng Huân chương, Huy chương, danh hiệu cao quý khác của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xác nhận về công lao đặc biệt đó trên cơ sở hồ sơ, ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan và quy định của pháp luật chuyên ngành.

2. Người mà việc nhập quốc tịch Việt Nam của họ có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải là người có tài năng thực sự vượt trội trong lĩnh vực khoa học, kinh tế, văn hóa, xã hội, nghệ thuật, thể thao, y tế, giáo dục, đã dành được giải thưởng quốc tế, huân chương, huy chương hoặc được cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng nhận và cơ quan quản lý nhà nước cấp bộ xác nhận về tài năng và có cơ sở cho thấy việc người được nhập quốc tịch Việt Nam sẽ đóng góp tích cực, lâu dài cho sự phát triển lĩnh vực nói trên của Việt Nam sau khi được nhập quốc tịch Việt Nam.

Điều 9. Trường hợp đặc biệt xin nhập quốc tịch Việt Nam đồng thời xin giữ quốc tịch nước ngoài theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam

Người xin nhập quốc tịch Việt Nam thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam, nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây thì được coi là trường hợp đặc biệt quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam và được trình Chủ tịch nước xem xét việc cho nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải thôi quốc tịch nước ngoài:

1. Có đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam.

2. Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam và việc nhập quốc tịch đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài là có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

3. Việc xin giữ quốc tịch nước ngoài của người đó khi nhập quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước ngoài đó.

4. Việc thôi quốc tịch nước ngoài dẫn đến quyền lợi của người đó ở nước ngoài bị ảnh hưởng.

5. Không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 10. Một số giấy tờ trong hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam

1. Giấy tờ quy định tại các điểm b, đ, e và g khoản 1 Điều 20 Luật Quốc tịch Việt Nam là những giấy tờ sau:

a) Giấy tờ khác có giá trị thay thế Giấy khai sinh, Hộ chiếu đối với người không quốc tịch xin nhập quốc tịch Việt Nam là giấy tờ có thông tin về họ tên, ngày tháng năm sinh, có dán ảnh của người đó và đóng dấu của cơ quan có thẩm quyền hoặc giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế;

b) Giấy tờ chứng minh trình độ tiếng Việt của người xin nhập quốc tịch Việt Nam là bản sao văn bằng, chứng chỉ để chứng minh người đó đã học bằng tiếng Việt tại Việt Nam như bản sao bằng tiến sĩ, bằng thạc sĩ, bằng cử nhân hoặc bằng tốt nghiệp đại học, bằng tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp (bao gồm bằng tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp hoặc trung cấp chuyên nghiệp); bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc trung học cơ sở của Việt Nam; bản sao chứng chỉ tiếng Việt theo khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài do cơ sở giáo dục của Việt Nam cấp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong trường hợp người xin nhập quốc tịch Việt Nam không có giấy tờ chứng minh trình độ tiếng Việt thì Sở Tư pháp tổ chức kiểm tra, phỏng vấn về khả năng nghe, nói, đọc viết tiếng Việt của người đó bảo đảm đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 7 của Nghị định này. Thành phần tham gia phỏng vấn có đại diện của Sở Tư pháp và Sở Giáo dục đào tạo. Kết quả kiểm tra, phỏng vấn phải được lập thành văn bản. Những người trực tiếp kiểm tra, phỏng vấn chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra, phỏng vấn và ý kiến đề xuất của mình;

c) Bản sao Giấy khai sinh của người con chưa thành niên cùng nhập quốc tịch Việt Nam theo cha mẹ hoặc giấy tờ hợp lệ khác chứng minh quan hệ cha con, mẹ con. Trường hợp chỉ người cha hoặc người mẹ nhập quốc tịch Việt Nam mà con chưa thành niên sinh sống cùng người đó nhập quốc tịch Việt Nam theo cha hoặc mẹ thì phải nộp văn bản thỏa thuận có đủ chữ ký của cha mẹ về việc xin nhập quốc tịch Việt Nam cho con. Văn bản thỏa thuận không phải chứng thực chữ ký; người đứng đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam cho con phải chịu trách nhiệm về tính chính xác chữ ký của người kia.

Trường hợp cha, mẹ đã chết, bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì văn bản thỏa thuận được thay thế bằng giấy tờ chứng minh cha, mẹ đã chết, bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự;

d) Bản sao Thẻ thường trú;

đ) Giấy tờ chứng minh khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam gồm một trong các giấy tờ sau: giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản; giấy tờ do cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc xác nhận về mức lương hoặc thu nhập; giấy tờ bảo lãnh của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam; giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi thường trú về tình trạng nhà ở, công việc, thu nhập của người xin nhập quốc tịch Việt Nam.

2. Người được miễn một số điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt NamĐiều 8 của Nghị định này phải nộp giấy tờ sau:

a) Trường hợp có vợ, chồng là công dân Việt Nam thì nộp bản sao Giấy chứng nhận kết hôn hoặc Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; nếu có cha, mẹ, con là công dân Việt Nam thì nộp bản sao Giấy khai sinh hoặc giấy tờ hợp lệ khác chứng minh quan hệ cha, mẹ, con;

b) Người có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc việc nhập quốc tịch Việt Nam của họ là có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quy định tại Điều 8 của Nghị định này thì nộp giấy tờ chứng minh thuộc trường hợp tương ứng.

3. Người xin nhập quốc tịch Việt Nam đồng thời xin giữ quốc tịch nước ngoài thuộc trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 9 của Nghị định này phải có giấy tờ chứng minh đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam quy định tại khoản 1 Điều 9, giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp để chứng minh điều kiện quy định tại các khoản 2, 3, 4 Điều 9 và bản cam kết của người đó về nội dung quy định tại khoản 5 Điều 9 của Nghị định này.

4. Hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam phải lập thành 3 bộ, được lưu trữ tại Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Tư pháp và cơ quan thụ lý hồ sơ.

Điều 11. Trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong giải quyết hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam theo khoản 3 Điều 21 Luật Quốc tịch Việt Nam

1. Trong thời hạn quy định tại khoản 3 Điều 21 Luật Quốc tịch Việt Nam, nếu xét thấy hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam chưa đầy đủ, người xin nhập quốc tịch chưa đáp ứng đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam, Bộ Tư pháp có văn bản thông báo cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), đồng gửi cho Sở Tư pháp để hướng dẫn người xin nhập quốc tịch bổ sung hồ sơ và hoàn thiện đủ điều kiện. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp có văn bản hướng dẫn người xin nhập quốc tịch bổ sung hồ sơ và hoàn thiện đủ điều kiện.

Đối với trường hợp xin nhập quốc tịch Việt Nam đồng thời xin giữ quốc tịch nước ngoài mà không có đủ giấy tờ chứng minh thuộc trường hợp đặc biệt theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 9 của Nghị định này, Bộ Tư pháp có văn bản thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để yêu cầu người đó tiến hành thôi quốc tịch nước ngoài.

2. Trong thời hạn 9 tháng, kể từ ngày Bộ Tư pháp có văn bản thông báo theo quy định tại khoản 1 Điều này mà người xin nhập quốc tịch Việt Nam không bổ sung được hồ sơ, không hoàn thiện đủ điều kiện hoặc không nộp văn bản của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cho thôi quốc tịch nước ngoài, thì được coi là người đó không tiếp tục xin nhập quốc tịch Việt Nam và Bộ Tư pháp trả lại hồ sơ. Thời hạn 9 tháng không tính vào thời hạn giải quyết hồ sơ theo quy định tại khoản 3 Điều 21 Luật Quốc tịch Việt Nam.

3. Khi xem xét hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam đồng thời xin giữ quốc tịch nước ngoài thuộc trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 9 của Nghị định này, nếu thấy hồ sơ phức tạp hoặc liên quan đến an ninh chính trị, Bộ Tư pháp lấy ý kiến của bộ, ngành liên quan trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.

4. Sau khi hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam đã đầy đủ, hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký Tờ trình trình Chủ tịch nước xem xét về việc cho nhập quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.

Quy định về việc Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký Tờ trình trình Chủ tịch nước cũng được áp dụng đối với việc trình hồ sơ xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam.

5. Quy định về trình tự giải quyết hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam đồng thời xin giữ quốc tịch nước ngoài tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này cũng được áp dụng khi giải quyết hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời xin giữ quốc tịch nước ngoài theo quy định tại Điều 14 của Nghị định này.

Điều 12. Trao Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam

Sau khi nhận được Quyết định của Chủ tịch nước cho nhập quốc tịch Việt Nam gửi kèm thông báo của Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp tổ chức Lễ trao Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam cho người được nhập quốc tịch Việt Nam theo nghi thức trang trọng, ý nghĩa, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.

Mục 2. TRỞ LẠI QUỐC TỊCH VIỆT NAM

Điều 13. Điều kiện được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều 23 Luật Quốc tịch Việt Nam

1. Điều kiện trở lại quốc tịch Việt Nam đối với người có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam và người trở lại quốc tịch Việt Nam mà có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được áp dụng tương ứng theo quy định tại Điều 8 của Nghị định này.

2. Người thực hiện đầu tư tại Việt Nam phải có dự án đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy tờ chứng nhận việc đầu tư đó.

Điều 14. Trường hợp đặc biệt xin trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời xin giữ quốc tịch nước ngoài theo quy định tại khoản 5 Điều 23 Luật Quốc tịch Việt Nam

Người xin trở lại quốc tịch Việt Nam thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 23 Luật Quốc tịch Việt Nam, nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây thì được coi là trường hợp đặc biệt để trình Chủ tịch nước xem xét việc cho trở lại quốc tịch Việt Nam mà không phải thôi quốc tịch nước ngoài:

1. Có đủ điều kiện trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam.

2. Việc xin giữ quốc tịch nước ngoài của người đó khi trở lại quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước ngoài đó.

3. Việc thôi quốc tịch nước ngoài dẫn đến quyền lợi của người đó ở nước có quốc tịch bị ảnh hưởng.

4. Không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 15. Một số giấy tờ trong hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam

1. Giấy tờ chứng minh người xin trở lại quốc tịch Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 24 Luật Quốc tịch Việt Nam là một trong các giấy tờ sau:

a) Giấy tờ chứng minh đã được Chủ tịch nước cho thôi quốc tịch hoặc bị tước quốc tịch Việt Nam;

b) Giấy tờ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam cấp, xác nhận, trong đó có ghi quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ có giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam trước đây của người đó.

2. Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định tại các điểm b, c, đ, e khoản 1 Điều 23 Luật Quốc tịch Việt Nam là một trong các giấy tờ sau đây:

a) Giấy tờ chứng minh người xin trở lại quốc tịch Việt Nam có vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ là công dân Việt Nam theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 10 của Nghị định này;

b) Giấy tờ chứng minh người xin trở lại quốc tịch Việt Nam có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc việc trở lại quốc tịch Việt Nam là có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quy định tại khoản 1 Điều 13 của Nghị định này thì nộp giấy tờ tương ứng;

c) Giấy tờ chứng minh việc thực hiện đầu tư tại Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 13 của Nghị định này;

d) Trường hợp người xin trở lại quốc tịch Việt Nam vì lý do đã thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài, nhưng không được nhập quốc tịch nước ngoài thì phải có giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp xác nhận rõ về lý do không được nhập quốc tịch nước ngoài. Trong trường hợp không được nhập quốc tịch nước ngoài là do lỗi chủ quan của người đó thì phải có văn bản bảo lãnh của một trong những người là cha, mẹ, vợ, chồng, con hoặc anh, chị, em ruột là công dân Việt Nam đang thường trú tại Việt Nam, kèm theo đơn của người đó tự nguyện về cư trú tại Việt Nam.

3. Người xin trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời xin giữ quốc tịch nước ngoài phải có giấy tờ chứng minh đủ điều kiện trở lại quốc tịch Việt Nam quy định tại khoản 1 Điều 14, giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp để chứng minh điều kiện quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 14 và bản cam kết của người đó về nội dung quy định tại khoản 4 Điều 14 của Nghị định này.

4. Con chưa thành niên cùng trở lại quốc tịch Việt Nam theo cha mẹ thì phải nộp bản sao Giấy khai sinh của người con hoặc giấy tờ hợp lệ khác chứng minh quan hệ cha con, mẹ con. Trường hợp chỉ người cha hoặc người mẹ trở lại quốc tịch Việt Nam mà con chưa thành niên sống cùng người đó trở lại quốc tịch Việt Nam theo cha hoặc mẹ thì phải nộp văn bản thỏa thuận của cha mẹ về việc xin trở lại quốc tịch Việt Nam cho con. Văn bản thỏa thuận phải có đầy đủ chữ ký của cha và mẹ, chữ ký không phải chứng thực nhưng người đứng đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam cho con phải chịu trách nhiệm về tính chính xác chữ ký của người kia.

Trường hợp cha, mẹ đã chết, bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì văn bản thỏa thuận được thay thế bằng giấy tờ chứng minh cha, mẹ đã chết, bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.

5. Hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam phải lập thành 3 bộ, được lưu trữ tại Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Tư pháp và cơ quan thụ lý hồ sơ.

Điều 16. Xác minh hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam

1. Trường hợp cần thiết phải xác minh về nhân thân của người xin trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Luật Quốc tịch Việt Nam thì Bộ Tư pháp có văn bản nêu rõ những nội dung đề nghị Bộ Công an xác minh.

2. Trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Bộ Tư pháp, Bộ Công an có trách nhiệm xác minh và trả lời kết quả bằng văn bản cho Bộ Tư pháp.

Mục 3. THÔI QUỐC TỊCH VIỆT NAM

Điều 17. Trường hợp chưa được thôi quốc tịch Việt Nam theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 27 Luật Quốc tịch Việt Nam

Trong quá trình thụ lý, xem xét giải quyết hồ sơ mà có văn bản của cơ quan quản lý thuế hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân là chủ nợ hợp pháp về việc người đó còn nợ thuế, tiền, tài sản thì cơ quan có thẩm quyền không thụ lý, không xem xét giải quyết hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam.

Điều 18. Một số giấy tờ trong hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam

1. Giấy tờ xác nhận việc người xin thôi quốc tịch Việt Nam đang làm thủ tục nhập quốc tịch nước ngoài quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 28 Luật Quốc tịch Việt Nam là giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài xác nhận hoặc bảo đảm cho người đó được nhập quốc tịch nước ngoài; trường hợp người xin thôi quốc tịch Việt Nam đã có quốc tịch nước ngoài thì nộp bản sao Hộ chiếu hoặc giấy tờ về nhân thân có dán ảnh do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp để chứng minh người đó đang có quốc tịch nước ngoài.

2. Giấy tờ quy định tại điểm g khoản 1 Điều 28 Luật Quốc tịch Việt Nam là giấy xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị đã ra quyết định cho nghỉ hưu, cho thôi việc, miễn nhiệm, cách chức, giải ngũ hoặc phục viên căn cứ vào quy chế của ngành để xác nhận việc thôi quốc tịch Việt Nam của người đó không ảnh hưởng đến việc bảo vệ bí mật, an ninh quốc gia hoặc không trái với quy định của ngành đó.

3. Bản sao Giấy khai sinh của người con chưa thành niên cùng thôi quốc tịch Việt Nam theo cha mẹ hoặc giấy tờ hợp lệ khác chứng minh quan hệ cha con, mẹ con. Trường hợp chỉ người cha hoặc người mẹ thôi quốc tịch Việt Nam mà con chưa thành niên sinh sống cùng người đó thôi quốc tịch Việt Nam theo cha hoặc mẹ thì phải nộp văn bản thỏa thuận có đủ chữ ký của cha mẹ về việc xin thôi quốc tịch Việt Nam cho con. Văn bản thỏa thuận không phải chứng thực chữ ký; người đứng đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam cho con phải chịu trách nhiệm về tính chính xác chữ ký của người kia.

Trường hợp cha, mẹ đã chết, bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì văn bản thỏa thuận được thay thế bằng giấy tờ chứng minh cha, mẹ đã chết, bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.

4. Hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam phải lập thành 3 bộ, được lưu trữ tại Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Tư pháp và cơ quan thụ lý hồ sơ.

Điều 19. Giải quyết hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam trong trường hợp giấy tờ bảo đảm việc cho nhập quốc tịch nước ngoài bị hết hạn

1. Trường hợp giấy tờ bảo đảm việc cho nhập quốc tịch nước ngoài đã hết hạn thì Bộ Tư pháp gửi văn bản cho Cơ quan đại diện để thông báo cho người xin thôi quốc tịch Việt Nam làm thủ tục xin gia hạn hoặc cấp mới giấy tờ đó.

2. Cơ quan đại diện có biện pháp hỗ trợ người xin thôi quốc tịch Việt Nam làm thủ tục xin gia hạn hoặc cấp mới giấy tờ bảo đảm việc cho nhập quốc tịch nước ngoài, nếu người đó yêu cầu.

3. Người xin thôi quốc tịch Việt Nam nộp giấy tờ bảo đảm việc cho nhập quốc tịch nước ngoài đã được gia hạn hoặc được cấp mới cho Cơ quan đại diện để chuyển cho Bộ Tư pháp.

Điều 20. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thông báo về trường hợp chưa được thôi, không được thôi quốc tịch Việt Nam

Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày Sở Tư pháp đăng tải thông tin về người xin thôi quốc tịch Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 29 Luật Quốc tịch Việt Nam, cơ quan Công an, cơ quan Thi hành án dân sự, cơ quan quản lý thuế hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác nếu phát hiện thấy người xin thôi quốc tịch Việt Nam thuộc trường hợp chưa được thôi hoặc không được thôi quốc tịch Việt Nam theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 27 Luật Quốc tịch Việt NamĐiều 17 của Nghị định này thì phải kịp thời thông báo cho Sở Tư pháp, nơi đã đăng tải thông tin.

Điều 21. Xác minh về nhân thân của người xin thôi quốc tịch Việt Nam

1. Trường hợp người xin thôi quốc tịch Việt Nam không thuộc diện được miễn thủ tục xác minh về nhân thân theo quy định tại Điều 30 Luật Quốc tịch Việt Nam thì Bộ Tư pháp có văn bản nêu rõ những nội dung đề nghị Bộ Công an xác minh.

2. Trong thời hạn 45 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của Bộ Tư pháp, Bộ Công an có trách nhiệm xác minh và trả lời kết quả bằng văn bản cho Bộ Tư pháp.

Mục 4. TƯỚC QUỐC TỊCH, HỦY BỎ QUYẾT ĐỊNH CHO NHẬP QUỐC TỊCH VIỆT NAM

Điều 22. Hồ sơ kiến nghị tước quốc tịch Việt Nam

1. Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Cơ quan đại diện kiến nghị tước quốc tịch Việt Nam của người có hành vi quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật Quốc tịch Việt Nam thì hồ sơ gồm có:

a) Văn bản kiến nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Cơ quan đại diện về việc tước quốc tịch Việt Nam;

b) Hồ sơ, tài liệu điều tra, xác minh, kết luận của cơ quan có thẩm quyền về hành vi vi phạm của người bị đề nghị tước quốc tịch Việt Nam;

c) Đơn, thư tố cáo người bị đề nghị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có.

2. Trường hợp Tòa án đã xét xử bị cáo có hành vi quy định khoản 1 Điều 31 Luật Quốc tịch Việt Nam kiến nghị tước quốc tịch Việt Nam của người đó thì hồ sơ gồm có:

a) Văn bản kiến nghị của Tòa án về việc tước quốc tịch Việt Nam; b) Bản án đã có hiệu lực pháp luật và các tài liệu có liên quan.

Điều 23. Hồ sơ kiến nghị hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam

1. Trong trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiến nghị hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam đối với người có hành vi quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Quốc tịch Việt Nam thì hồ sơ gồm có:

a) Văn bản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiến nghị hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam;

b) Hồ sơ, tài liệu điều tra, xác minh, kết luận của cơ quan có thẩm quyền về hành vi vi phạm của người bị đề nghị hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam;

c) Đơn, thư tố cáo người bị đề nghị hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, nếu có.

2. Trường hợp Tòa án đã xét xử bị cáo có hành vi quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Quốc tịch Việt Nam kiến nghị hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam đối với người đó thì hồ sơ gồm có:

a) Văn bản kiến nghị của Tòa án về việc hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam;

b) Bản án đã có hiệu lực pháp luật và các tài liệu có liên quan.

Chương III

THÔNG BÁO KẾT QUẢ GIẢI QUYẾT VỀ QUỐC TỊCH

Điều 24. Thông báo về việc được nhập, trở lại, thôi quốc tịch, tước quốc tịch, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam

1. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, Bộ Tư pháp gửi văn bản thông báo kèm bản sao Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi thụ lý hồ sơ, để tổ chức lễ trao Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.

Việc trao Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam được thực hiện theo quy định tại Điều 12 của Nghị định này.

2. Việc thông báo Quyết định cho trở lại, cho thôi, tước quốc tịch, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam được thực hiện như sau:

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Quyết định cho trở lại, cho thôi, tước quốc tịch, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, Bộ Tư pháp gửi thông báo kèm bản sao Quyết định cho người được trở lại, thôi quốc tịch, bị tước quốc tịch, bị hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, đồng thời gửi cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi thụ lý hồ sơ để theo dõi, quản lý, thống kê các việc đã giải quyết về quốc tịch.

Trường hợp hồ sơ xin trở lại, xin thôi, tước quốc tịch Việt Nam được thụ lý tại Cơ quan đại diện, thì sau khi nhận được thông báo của Bộ Tư pháp, Cơ quan đại diện có trách nhiệm thông báo cho người được thôi, trở lại quốc tịch, bị tước quốc tịch Việt Nam kết quả giải quyết việc quốc tịch tương ứng. Cơ quan đại diện thu hồi Hộ chiếu Việt Nam, Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân của người được thôi quốc tịch, bị tước quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật có liên quan.

3. Người được thôi quốc tịch, bị tước quốc tịch, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Công an để làm thủ tục xóa đăng ký thường trú, nộp lại Hộ chiếu Việt Nam, Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân theo quy định của pháp luật có liên quan.

4. Người được nhập, được trở lại quốc tịch Việt Nam, nếu có yêu cầu thì được đăng ký cư trú, cấp Hộ chiếu Việt Nam, Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân theo quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 25. Thông báo, ghi chú vào sổ hộ tịch việc thay đổi quốc tịch

1. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Quyết định cho thôi quốc tịch, tước quốc tịch, hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, Bộ Tư pháp thông báo bằng văn bản cho Sở Tư pháp hoặc Cơ quan đại diện, nơi đã đăng ký hộ tịch của người đó để ghi chú hoặc hướng dẫn ghi chú vào sổ hộ tịch. Nội dung ghi chú gồm: số Quyết định; ngày, tháng, năm ban hành Quyết định; nội dung Quyết định; cán bộ thực hiện ghi chú phải ký, ghi rõ họ tên và ngày tháng năm ghi chú. Trường hợp việc đăng ký hộ tịch được thực hiện tại Cơ quan đại diện mà sổ hộ tịch đã chuyển lưu tại Bộ Ngoại giao thì Bộ Ngoại giao thực hiện ghi chú.

2. Trường hợp người được trở lại quốc tịch Việt Nam mà trước đó đã ghi vào sổ hộ tịch việc thôi quốc tịch hoặc tước quốc tịch Việt Nam, người được nhập quốc tịch Việt Nam mà trước đó đã đăng ký hộ tịch tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thì việc thông báo ghi vào sổ hộ tịch do trở lại quốc tịch, nhập quốc tịch Việt Nam cũng được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Trong trường hợp Cơ quan đại diện, Sở Tư pháp nhận được thông báo ghi chú nhưng không còn lưu giữ được sổ hộ tịch trước đây thì thông báo lại cho Bộ Tư pháp để theo dõi, quản lý.

Điều 26. Thông báo cho Bộ Công an kết quả giải quyết các việc về quốc tịch

1. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày có Quyết định cho nhập, trở lại quốc tịch Việt Nam, Bộ Tư pháp thông báo cho Bộ Công an để chỉ đạo cơ quan Công an có thẩm quyền đăng ký cư trú, cấp Hộ chiếu Việt Nam, Căn cước công dân cho người được nhập, được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp người được thôi, bị tước quốc tịch, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam đang cư trú tại Việt Nam hoặc đã từng có thời gian cư trú tại Việt Nam thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày có Quyết định cho thôi quốc tịch, tước quốc tịch, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, Bộ Tư pháp thông báo cho Bộ Công an để chỉ đạo cơ quan Công an có thẩm quyền xóa đăng ký thường trú, thu hồi Hộ chiếu Việt Nam, Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân của người đó theo quy định của pháp luật.

Chương IV

ĐĂNG KÝ ĐỂ ĐƯỢC XÁC ĐỊNH CÓ QUỐC TỊCH VIỆT NAM, CẤP GIẤY XÁC NHẬN CÓ QUỐC TỊCH VIỆT NAM, CẤP GIẤY XÁC NHẬN LÀ NGƯỜI GỐC VIỆT NAM

Mục 1. ĐĂNG KÝ ĐỂ ĐƯỢC XÁC ĐỊNH CÓ QUỐC TỊCH VIỆT NAM

Điều 27. Đăng ký để được xác định có quốc tịch Việt Nam

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam theo pháp luật Việt Nam trước ngày 01 tháng 7 năm 2009 mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 11 của Luật Quốc tịch Việt Nam, nếu có yêu cầu thì đăng ký với Cơ quan đại diện, nơi cư trú để được xác định có quốc tịch Việt Nam (sau đây gọi là người yêu cầu xác định có quốc tịch Việt Nam).

Điều 28. Văn bản pháp luật và giấy tờ làm cơ sở để xác định có quốc tịch Việt Nam

1. Căn cứ vào năm sinh, nơi sinh hoặc cư trú của người yêu cầu xác định có quốc tịch Việt Nam và hoàn cảnh lịch sử của từng thời kỳ, Cơ quan đại diện áp dụng văn bản pháp luật tương ứng sau đây để xác định có quốc tịch Việt Nam của người đó:

a) Sắc lệnh số 53/SL ngày 20 tháng 10 năm 1945 quy định quốc tịch Việt Nam;

b) Sắc lệnh số 73/SL ngày 07 tháng 12 năm 1945 quy định việc nhập quốc tịch Việt Nam;

c) Sắc lệnh số 25/SL ngày 25 tháng 02 năm 1946 sửa đổi Sắc lệnh số 53/SL ngày 20 tháng 10 năm 1945 quy định quốc tịch Việt Nam;

d) Sắc lệnh số 215/SL ngày 20 tháng 8 năm 1948 ấn định những quyền lợi đặc biệt cho những người ngoại quốc giúp vào cuộc kháng chiến Việt Nam;

đ) Sắc lệnh số 51/SL ngày 14 tháng 12 năm 1959 bãi bỏ Điều 5, 6 Sắc lệnh số 53/SL ngày 20 tháng 10 năm 1945 quy định quốc tịch Việt Nam;

e) Nghị quyết số 1043/NQ-TVQHK6 ngày 08 tháng 02 năm 1971 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc xin thôi hoặc nhập quốc tịch Việt Nam;

g) Quyết định số 268/TTg ngày 12 tháng 9 năm 1980 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách cho thôi và cho trở lại quốc tịch Việt Nam của người Việt Nam ở nước ngoài;

h) Luật Quốc tịch Việt Nam năm 1988 và các văn bản hướng dẫn thi hành;

i) Luật Quốc tịch Việt Nam năm 1998 và các văn bản hướng dẫn thi hành;

k) Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành;

l) Các điều ước quốc tế liên quan đến quốc tịch mà Việt Nam là thành viên.

2. Giấy tờ làm cơ sở để xác định quốc tịch Việt Nam gồm:

a) Giấy tờ về quốc tịch, hộ tịch, hộ khẩu, căn cước hoặc giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam qua các thời kỳ từ năm 1945 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2009, trong đó có ghi quốc tịch Việt Nam hoặc thông tin liên quan đến quốc tịch, công dân Việt Nam;

b) Giấy tờ về quốc tịch, hộ tịch, hộ khẩu, căn cước hoặc giấy tờ khác do chế độ cũ ở miền Nam Việt Nam cấp trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 hoặc giấy tờ do chính quyền cũ ở Hà Nội cấp từ năm 1911 đến năm 1956, trong đó có ghi quốc tịch Việt Nam hoặc thông tin liên quan đến quốc tịch, công dân Việt Nam.

Điều 29. Trình tự, thủ tục đăng ký để được xác định có quốc tịch Việt Nam

1. Người yêu cầu xác định có quốc tịch Việt Nam lập 01 bộ hồ sơ, bao gồm Tờ khai theo mẫu quy định, kèm theo 4 ảnh 4x6 chụp chưa quá 6 tháng và bản sao các giấy tờ sau đây:

a) Giấy tờ về nhân thân của người đó như Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, giấy tờ cư trú, thẻ tạm trú, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế hoặc giấy tờ xác nhận về nhân thân có dán ảnh do cơ quan có thẩm quyền cấp;

b) Giấy tờ quy định tại khoản 2 Điều 28 của Nghị định này.

2. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý hồ sơ, Cơ quan đại diện có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, trực tiếp tra cứu hoặc có văn bản gửi Bộ Ngoại giao để đề nghị Bộ Tư pháp tra cứu quốc tịch; trong thời hạn 10 ngày làm việc, Bộ Tư pháp tiến hành tra cứu và có văn bản trả lời Bộ Ngoại giao. Nếu có căn cứ để xác định người đó có quốc tịch Việt Nam và không có tên trong danh sách những người đã thôi quốc tịch, bị tước quốc tịch, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam thì ghi vào Sổ đăng ký xác định có quốc tịch Việt Nam. Trường hợp người đó yêu cầu cấp Hộ chiếu Việt Nam thì Cơ quan đại diện làm thủ tục cấp Hộ chiếu cho họ hoặc thông báo cho họ đến Cơ quan đại diện để làm thủ tục cấp Hộ chiếu, nếu nhận hồ sơ qua hệ thống bưu chính. Việc cấp Hộ chiếu được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

Đối với trường hợp chỉ yêu cầu đăng ký để được xác định có quốc tịch Việt Nam mà không yêu cầu cấp Hộ chiếu Việt Nam thì sau khi ghi vào Sổ đăng ký xác định người đó có quốc tịch Việt Nam, Cơ quan đại diện cấp cho họ bản trích lục theo mẫu quy định.

Nếu sau này người đó có yêu cầu cấp Hộ chiếu Việt Nam, Cơ quan đại diện thực hiện cấp Hộ chiếu cho họ theo quy định của pháp luật có liên quan.

3. Trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, nếu không có đủ căn cứ để xác định có quốc tịch Việt Nam, Cơ quan đại diện gửi văn bản về Bộ Ngoại giao đề nghị Bộ Tư pháp tra cứu và gửi Bộ Công an đề nghị xác minh. Trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị, Bộ Tư pháp, Bộ Công an tra cứu, xác minh và có văn bản trả lời Bộ Ngoại giao.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả tra cứu, xác minh, Bộ Ngoại giao thông báo cho Cơ quan đại diện để hoàn tất việc xác định người yêu cầu có hay không có quốc tịch Việt Nam.

Nếu không có cơ sở để xác định có quốc tịch Việt Nam, cơ quan thụ lý hồ sơ trả lời bằng văn bản cho người yêu cầu biết.

Mục 2. CẤP GIẤY XÁC NHẬN CÓ QUỐC TỊCH VIỆT NAM

Điều 30. Thẩm quyền cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam

Người yêu cầu cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam nộp hồ sơ tại Sở Tư pháp, nơi người đó cư trú ở trong nước hoặc Cơ quan đại diện, nơi người đó cư trú ở nước ngoài vào thời điểm nộp hồ sơ.

Điều 31. Trình tự, thủ tục cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam

1. Người yêu cầu cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam lập 01 bộ hồ sơ, gồm Tờ khai theo mẫu quy định, kèm 2 ảnh 4x6 chụp chưa quá 6 tháng và bản sao các giấy tờ sau đây:

a) Giấy tờ về nhân thân của người đó như Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, giấy tờ cư trú, thẻ tạm trú, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế hoặc giấy tờ xác nhận về nhân thân có dán ảnh do cơ quan có thẩm quyền cấp;

b) Giấy tờ có giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 11 Luật Quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ tương tự do chính quyền cũ trước đây cấp, kể cả Giấy khai sinh trong đó không có mục quốc tịch hoặc mục quốc tịch bỏ trống nhưng trên đó ghi họ tên Việt Nam của người yêu cầu và cha, mẹ của người đó;

c) Trong trường hợp không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, người yêu cầu phải lập bản khai lý lịch, kèm theo một trong các giấy tờ quy định tại khoản 2 Điều 28 của Nghị định này để làm cơ sở xác minh quốc tịch Việt Nam.

2. Trình tự kiểm tra, xác minh, tra cứu quốc tịch Việt Nam được thực hiện như sau:

a) Đối với trường hợp có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam, nếu hồ sơ được nộp tại Sở Tư pháp thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý hồ sơ, Sở Tư pháp kiểm tra hồ sơ, trực tiếp tra cứu hoặc có văn bản đề nghị Bộ Tư pháp tra cứu quốc tịch Việt Nam; trong thời hạn 10 ngày làm việc Bộ Tư pháp tiến hành tra cứu và có văn bản trả lời Sở Tư pháp. Nếu có nghi ngờ về tính xác thực của giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam thì Sở Tư pháp yêu cầu cơ quan đã cấp giấy tờ đó xác minh; trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Sở Tư pháp, cơ quan đã cấp giấy tờ đó tiến hành xác minh và có văn bản trả lời Sở Tư pháp.

Trường hợp nộp hồ sơ tại Cơ quan đại diện thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý hồ sơ, Cơ quan đại diện kiểm tra hồ sơ, trực tiếp tra cứu hoặc có văn bản gửi Bộ Ngoại giao đề nghị Bộ Tư pháp tra cứu quốc tịch Việt Nam; trong thời hạn 10 ngày làm việc Bộ Tư pháp tiến hành tra cứu và có văn bản trả lời. Nếu nghi ngờ về tính xác thực của giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền trong nước cấp thì Cơ quan đại diện có văn bản gửi Bộ Ngoại giao để đề nghị cơ quan đã cấp giấy tờ đó xác minh; trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Bộ Ngoại giao, cơ quan nhận được yêu cầu tiến hành xác minh và có văn bản trả lời Bộ Ngoại giao. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả tra cứu, xác minh, Bộ Ngoại giao thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đại diện;

b) Đối với trường hợp không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam, nhưng có giấy tờ quy định tại khoản 2 Điều 28 của Nghị định này, nếu hồ sơ được nộp tại Sở Tư pháp thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý hồ sơ, Sở Tư pháp chủ động tra cứu hoặc đề nghị Bộ Tư pháp tra cứu quốc tịch Việt Nam, trong thời hạn 10 ngày làm việc Bộ Tư pháp tiến hành tra cứu và có văn bản trả lời Sở Tư pháp. Đồng thời, Sở Tư pháp có văn bản đề nghị cơ quan Công an cùng cấp xác minh về nhân thân của người có yêu cầu; trong thời hạn 45 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp, cơ quan Công an tiến hành xác minh và có văn bản trả lời Sở Tư pháp.

Nếu hồ sơ nộp tại Cơ quan đại diện thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý hồ sơ, Cơ quan đại diện chủ động tra cứu hoặc có văn bản kèm theo bản chụp các giấy tờ, thông tin do người yêu cầu cung cấp gửi Bộ Ngoại giao đề nghị Bộ Tư pháp, Bộ Công an tra cứu, xác minh về nhân thân của người có yêu cầu. Trong thời hạn 10 ngày làm việc Bộ Tư pháp tiến hành tra cứu và có văn bản trả lời Bộ Ngoại giao; đối với việc xác minh và trả lời kết quả xác minh về nhân thân của Bộ Công an thì thời hạn là 45 ngày. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả tra cứu, xác minh, Bộ Ngoại giao thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đại diện.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả tra cứu, xác minh theo quy định tại khoản 2 Điều này, nếu có đủ căn cứ để xác định quốc tịch Việt Nam và người đó không có tên trong danh sách được thôi quốc tịch, bị tước quốc tịch, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, cơ quan thụ lý hồ sơ ghi vào Sổ cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam; người đứng đầu cơ quan ký và cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam theo mẫu quy định cho người yêu cầu.

Nếu không có cơ sở để cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam, cơ quan thụ lý hồ sơ trả lời bằng văn bản cho người yêu cầu biết.

Mục 3. CẤP GIẤY XÁC NHẬN LÀ NGƯỜI GỐC VIỆT NAM

Điều 32. Thẩm quyền cấp Giấy xác nhận là người gốc Việt Nam

Người yêu cầu cấp Giấy xác nhận là người gốc Việt Nam nộp hồ sơ tại Sở Tư pháp hoặc Cơ quan đại diện, nơi người đó cư trú vào thời điểm nộp hồ sơ hoặc Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao.

Điều 33. Trình tự, thủ tục cấp Giấy xác nhận là người gốc Việt Nam

1. Người yêu cầu cấp Giấy xác nhận là người gốc Việt Nam lập 1 bộ hồ sơ, gồm Tờ khai theo mẫu quy định, kèm 2 ảnh 4x6 chụp chưa quá 6 tháng và bản sao các giấy tờ sau đây:

a) Giấy tờ về nhân thân của người đó như Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, giấy tờ cư trú, thẻ tạm trú, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế hoặc giấy tờ xác nhận về nhân thân có dán ảnh do cơ quan có thẩm quyền cấp;

b) Giấy tờ được cấp trước đây để chứng minh người đó đã từng có quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ để chứng minh khi sinh ra người đó có cha mẹ hoặc ông bà nội, ông bà ngoại đã từng có quốc tịch Việt Nam.

Trường hợp không có bất kỳ giấy tờ nào nêu trên thì tùy từng hoàn cảnh cụ thể, có thể nộp bản sao giấy tờ về nhân thân, quốc tịch, hộ tịch do chế độ cũ ở miền Nam cấp trước ngày 30 tháng 4 năm 1975; giấy tờ do chính quyền cũ ở Hà Nội cấp từ năm 1911 đến năm 1956; giấy bảo lãnh của Hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài nơi người đó đang cư trú, trong đó xác nhận người đó có gốc Việt Nam; giấy bảo lãnh của người có quốc tịch Việt Nam, trong đó xác nhận người đó có gốc Việt Nam; giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp trong đó ghi quốc tịch Việt Nam hoặc quốc tịch gốc Việt Nam.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý hồ sơ, cơ quan thụ lý hồ sơ có trách nhiệm xem xét, kiểm tra thông tin trong hồ sơ với giấy tờ do người yêu cầu xuất trình và đối chiếu với cơ sở dữ liệu, tài liệu liên quan đến quốc tịch. Nếu thấy có đủ cơ sở để xác định người đó có nguồn gốc Việt Nam, cơ quan thụ lý hồ sơ ghi vào Sổ cấp Giấy xác nhận là người gốc Việt Nam; người đứng đầu cơ quan ký và cấp Giấy xác nhận là người gốc Việt Nam theo mẫu quy định cho người yêu cầu.

Nếu không có cơ sở để cấp Giấy xác nhận là người gốc Việt Nam, cơ quan thụ lý hồ sơ thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu biết.

Chương V

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN TRONG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ QUỐC TỊCH

Điều 34. Trách nhiệm của Bộ Tư pháp

Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về quốc tịch, có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1. Ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quốc tịch và tổ chức thực hiện pháp luật về quốc tịch.

2. Chỉ đạo, hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về quốc tịch cho cán bộ, công chức làm công tác quốc tịch.

3. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quốc tịch.

4. Ban hành, hướng dẫn sử dụng, quản lý mẫu sổ quốc tịch và mẫu giấy tờ về quốc tịch.

5. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết theo thẩm quyền các việc về quốc tịch Việt Nam, các khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về quốc tịch liên quan.

6. Kiểm tra hồ sơ và phối hợp với Bộ Công an trong việc xác minh hồ sơ về quốc tịch theo quy định của pháp luật.

7. Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an trong việc đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế về quốc tịch.

8. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước về quốc tịch và giải quyết hồ sơ về quốc tịch.

9. Lưu giữ hồ sơ về quốc tịch.

10. Tổng hợp tình hình và thống kê số liệu các việc về quốc tịch đã giải quyết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 35. Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao

1. Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước về quốc tịch tại Cơ quan đại diện, có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

a) Chỉ đạo, hướng dẫn Cơ quan đại diện thực hiện thống nhất các văn bản quy phạm pháp luật về quốc tịch;

b) Kiểm tra, thanh tra công tác quốc tịch tại các Cơ quan đại diện;

c) Bồi dưỡng nghiệp vụ quốc tịch cho viên chức ngoại giao, lãnh sự;

d) Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quốc tịch cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài;

đ) Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về quốc tịch theo thẩm quyền;

e) Thu hồi, hủy giá trị sử dụng của Hộ chiếu Việt Nam, Chứng minh nhân dân, Thẻ căn cước công dân đã cấp cho người đã được thôi quốc tịch Việt Nam, bị tước quốc tịch Việt Nam, bị hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam đang định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật;

g) Thu hồi những giấy tờ liên quan đến quốc tịch Việt Nam do Cơ quan đại diện cấp trái quy định của pháp luật.

h) Tổng hợp tình hình và thống kê số liệu các việc về quốc tịch đã giải quyết tại Cơ quan đại diện, gửi Bộ Tư pháp theo quy định.

2. Cơ quan đại diện thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Tiếp nhận và giải quyết theo thẩm quyền hồ sơ xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam; lập hồ sơ kiến nghị Chủ tịch nước tước quốc tịch Việt Nam; xác định có quốc tịch Việt Nam; cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam; cấp Giấy xác nhận là người gốc Việt Nam theo quy định của pháp luật;

b) Bố trí viên chức ngoại giao, lãnh sự thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ về quốc tịch thuộc thẩm quyền;

c) Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quốc tịch cho công dân Việt Nam ở nước ngoài;

d) Lưu giữ sổ quốc tịch, hồ sơ về quốc tịch;

đ) Tổng hợp tình hình và thống kê các việc quốc tịch đã giải quyết báo cáo Bộ Ngoại giao theo quy định;

e) Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về quốc tịch theo thẩm quyền.

Điều 36. Trách nhiệm của Bộ Công an

Bộ Công an phối hợp với Bộ Tư pháp trong quá trình giải quyết các việc về quốc tịch, có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1. Thẩm tra, xác minh hoặc chỉ đạo cơ quan công an có thẩm quyền trong việc xác minh về nhân thân của người xin nhập, xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam; tước quốc tịch Việt Nam; hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam; xác định có quốc tịch Việt Nam.

2. Chỉ đạo cơ quan công an có thẩm quyền xác minh tính hợp lệ của các giấy tờ do cơ quan công an có thẩm quyền cấp có giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 11 của Luật Quốc tịch Việt Nam theo đề nghị của Sở Tư pháp, Cơ quan đại diện hoặc cơ quan có thẩm quyền khác.

3. Chỉ đạo giải quyết việc đăng ký cư trú, cấp Hộ chiếu Việt Nam, Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân cho người được nhập, trở lại quốc tịch Việt Nam; xóa đăng ký cư trú, thu hồi và hủy giá trị sử dụng Hộ chiếu Việt Nam, Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân của người được thôi quốc tịch, bị tước quốc tịch, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật.

4. Phối hợp xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong giải quyết các việc về quốc tịch.

Điều 37. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về quốc tịch tại địa phương, có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Tổ chức tiếp nhận và giải quyết theo thẩm quyền hồ sơ xin nhập, xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam; lập hồ sơ kiến nghị Chủ tịch nước tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam; cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam; cấp Giấy xác nhận là người gốc Việt Nam theo quy định của pháp luật;

b) Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quốc tịch;

c) Lưu giữ sổ quốc tịch, hồ sơ về quốc tịch;

d) Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về quốc tịch theo thẩm quyền;

đ) Tổng hợp tình hình và thống kê số liệu các việc về quốc tịch, báo cáo Bộ Tư pháp theo quy định;

e) Tổ chức Lễ trao Quyết định của Chủ tịch nước cho nhập quốc tịch Việt Nam bảo đảm trang trọng, ý nghĩa;

g) Thu hồi những giấy tờ liên quan đến quốc tịch Việt Nam do Sở Tư pháp cấp trái quy định của pháp luật.

2. Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các điểm a, b, c, đ và e khoản 1 Điều này.

Điều 38. Điều khoản chuyển tiếp

Hồ sơ về quốc tịch được thụ lý trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà chưa giải quyết xong thì tiếp tục được giải quyết theo quy định của Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam và Nghị định số 97/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam.

Điều 39. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 3 năm 2020.

Nghị định này thay thế Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam và Nghị định số 97/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam.

Thông tư liên tịch số 05/2010/TTLT/BTP-BNG-BCA ngày 01 tháng 3 năm 2010 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an hướng dẫn thi hành Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam và Thông tư liên tịch số 05/2013/TTLT/BTP-BNG-BCA ngày 31 tháng 01 năm 2013 sửa đổi, bổ sung Điều 13 Thông tư liên tịch số 05/2010/TTLT/BTP-BNG-BCA hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực./.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, PL (2b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

GOVERNMENT
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence – Freedom – Happiness
----------------

No. 16/2020/ND-CP

Hanoi, February 3, 2020

DECREE

ELABORATING TO LAW ON VIETNAMESE NATIONALITY

Pursuant to Law on Government Organization dated June 19, 2015;

Pursuant to Law on Vietnamese Nationality dated November 13, 2008;

Pursuant to the Law on amendments to a number of Articles of Law on Vietnamese Nationality dated June 24, 2014;

At the request of Minister of Justice;

Government promulgates Decree elaborating to Law on Vietnamese Nationality.

Chapter I

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 1. Scope

This Decree elaborates to a number of Articles and provides guidelines for implementation of Law on Vietnamese Nationality regarding naturalization, restoration, renunciation and denaturalization of Vietnamese nationality; annulment of decisions on naturalization of Vietnamese nationality; notice about results of nationality-related affairs; registration for retention of Vietnamese nationality; issuance of certificate of Vietnamese nationality; issuance of certificate of Vietnamese origin and responsibilities of agencies in performing state management regarding nationality.

Article 2. Consular legalization and translation of nationality-related documents into Vietnamese

Documents in applications for naturalization, restoration and renunciation of Vietnamese nationality and documents of other Vietnamese nationality-related affairs issued by foreign competent agencies must undergo consular legalization, except for cases of exemption from consular legalization according to regulations and law of Vietnam or international agreements to which Vietnam is a signatory.

Contents of nationality-related documents must be translated into Vietnamese; the translation must be verified or bearing authenticated signatures of the translators according to regulations and law of Vietnam.

Article 3. Methods of submission, acceptance of documents and return of results of nationality-related affairs

1. Applicants for restoration, renunciation of Vietnamese nationality or handling other affairs related to nationality may apply in persons or submit via postal services to competent agencies capable of accepting applications according to Law on Vietnamese Nationality and this Decree. Applicants must not authorize other persons to apply. In case an applicant who applies for restoration, renunciation of Vietnamese nationality or handling of other affairs related to nationality resides in a country or territory where diplomatic missions, consular missions or other authorized agencies exercising consular functions of Vietnam in foreign countries (hereinafter referred to as “representative missions”) are not available, he/she shall apply at a non-resident representative mission or a representative mission of choice.

An applicant for naturalization of Vietnamese nationality must apply in person at Department of Justice where he/she resides.

Application for handling of nationality-related affairs on behalf of minors and persons with limited legal capacity shall be performed by legal representatives or guardians thereof.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



In case documents are submitted via postal services, copies thereof must be certified or issued with the original copies; Application, declaration form and personal information sheet must bear authenticated signatures as per the law.

3. Persons receiving documents are responsible for examining legitimacy of contents thereof. If the documents are in adequate or unsatisfactory, provide guidance on revision and completion. If the documents are adequate and satisfactory, the persons receiving the documents shall record in acceptance registers and issue receipt notice using defined forms for the applicants. If the documents are submitted via postal services, the persons receiving the documents shall send receipt notice to the applicants via postal services.

4. Agencies accepting documents shall fully prepare list of all contents contained in each document and list of persons applying for handling of nationality-related affairs using defined forms.

With respect to application for renunciation of Vietnamese nationality, agencies accepting documents are responsible for classifying into documents exempted from record verification according to Article 30 of Law on Vietnamese Nationality and documents requiring record verification.

In case of exemption from record verification, documents on naturalization of foreign nationality must remain valid for at least 120 days from the date of acceptance; in case of compulsory record verification, documents on naturalization of foreign nationality must remain valid for at least 150 days from the date of acceptance.

5. Handling results of nationality-related affairs shall be returned to the applicants in persons or via postal services. Applicants requesting result return via postal services shall pay all costs associated with returning results via postal services.

6. Assignment of Decision on naturalization of Vietnamese nationality shall comply with Article 12 of this Decree.

Article 4. Annulment of documents proving Vietnamese nationality issued for persons denaturalizing or renouncing and annulment of decision of naturalization of Vietnamese nationality

1. From the effective date of decisions on renunciation of Vietnamese nationality, denaturalization of Vietnamese nationality, annulment of decision on naturalization of Vietnamese nationality of a person, documents specified in Article 11 of Law on Vietnamese Nationality issued for said person shall be no longer valid for proving Vietnamese nationality.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



In case Vietnamese nationality is specified in civil status documents of persons who have their Vietnamese nationality renounced, denaturalized or decision on naturalization of Vietnamese nationality annulled, informing and recording change of nationality in civil status books shall comply with Article 25 of this Decree.

Article 5. Use of Vietnamese nationality of Vietnamese nationals simultaneously having foreign nationality in affairs involving Vietnamese competent agencies

Government of Socialist Republic of Vietnam shall recognize only Vietnamese nationality of Vietnamese nationals who also have foreign nationality in affairs involving Vietnamese competent agencies, unless otherwise specified by international agreements to which Vietnam is a signatory.

Article 6. Prohibited acts

1. Acts below are prohibited:

a) Use of fabricated or falsified documents; dishonest declaration or deception in procedures for handling nationality-related affairs;

b) Use of documents rendered invalid specified in Clause 1 Article 4 of this Decree to prove Vietnamese nationality;

c) Illegal exploitation of assigned entitlement to issue documents relating to Vietnamese nationality, documents proving Vietnamese nationality or other documents specifying Vietnamese nationality; provide confirmation without basis or untruthful confirmation regarding applicants for naturalization and restoration of Vietnamese nationality;

d) Exploitation of naturalization, restoration and renunciation of Vietnamese nationality and retention of foreign nationality in case of successful naturalization or restoration of Vietnamese nationality to violate national security and benefits, social order and safety of Government of Socialist Republic of Vietnam; violate legal rights and benefits of Vietnamese agencies, organizations and citizens.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. If a person who has naturalized in Vietnamese nationality according to Article 19 of Law on Nationality is discovered to commit violations specified in Point a Clause 1 of this Article, Ministry of Justice shall finalize document, report to Prime Minister and propose the President to annul Decision on naturalization of Vietnamese nationality as specified in Articles 33 and 34 Law on Vietnamese Nationality and Article 23 of this Decree.

Chapter II

PROCEDURES FOR NATURALIZATION, RESTORATION, RENUNCIATION, DENATURALIZATION AND ANNULMENT OF DECISION ON NATURALIZATION OF VIETNAMESE NATIONALITY

Section 1. NATURALIZATION OF VIETNAMESE NATIONALITY

Article 7. Conditions for naturalization of Vietnamese nationality according to Article 19 of Law of Vietnamese Nationality

1. Be fluent in Vietnamese enough to blend into Vietnamese community refers to capacity to hear, speak, read and write in Vietnamese satisfactory to living and working environment of applicants for naturalization of Vietnamese nationality.

2. Applicants for naturalization of Vietnamese nationality specified in Clauses 1 and 2 Article 19 of Law on Vietnamese Nationality must be residing in Vietnam and provided with Permanent Residence Cards by competent police agencies of Vietnam.

Duration of stay in Vietnam of applicants for naturalization of Vietnamese nationality shall begin from the date on which the applicants are issued with Permanent Residence Cards.

3. Ability to ensure livelihood in Vietnam of applicants for naturalization of Vietnam nationality shall be proven by legal assets and sources of income of the applicants or guarantee of organizations and individuals in Vietnam.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. Having made meritorious contributions to Vietnam’s national construction and defense means being awarded with medals or other prestigious titles of Government of the Democratic Republic of Vietnam, Provisional Revolutionary Government of the Republic of South Vietnam, Government of Socialist Republic of Vietnam or having confirmation of competent agencies of Vietnam regarding said meritorious contributions on the basis of documents and remarks of relevant agencies and organizations and specialized regulations and law.

2. Being helpful for Government of Socialist Republic of Vietnam means having outstanding talents in fields of science, economy, culture, social, arts, sports, health, education, having won international awards, medals or certified by presiding agencies or organizations, confirmed by ministerial regulatory agencies regarding talents and positive and long-lasting contribution towards said fields of Vietnam after naturalization is well-grounded.

Article 9. Special cases of naturalization of Vietnamese nationality and retention of foreign nationality as specified in Clause 3 Article 19 of Law on Vietnamese Nationality

An applicant for naturalization of Vietnamese nationality falling into any of the cases specified in Clause 2 Article 19 of Law of Vietnamese Nationality shall be considered to be a special case specified in Clause 3 Article 19 of Law on Vietnamese Nationality and proposed to the President for consideration of naturalization of Vietnamese nationality without renunciation of foreign nationality if following conditions are simultaneously satisfied:

1. He/she satisfies the conditions for naturalization of Vietnamese nationality according to Law of Vietnamese Nationality.

2. He/she has made meritorious contribution to Vietnam’s national construction and defense and the naturalization of Vietnamese nationality with retention of foreign nationality is beneficial to the Government of Socialist Republic of Vietnam.

3. Retention of his/her foreign nationality upon naturalization of Vietnamese nationality is satisfactory to regulations and law of said foreign country.

4. Renunciation of foreign nationality leads to impacts on his/her rights and benefits in the foreign country.

5. He/she does not utilize foreign nationality to harm legal rights and benefits of agencies, organizations and individuals; harm national security and benefits, social order and safety of the Government of Socialist Republic of Vietnam.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. Documents specified in Points b, dd, e and g Clause 1 Article 20 of Law on Vietnamese Nationality are:

a) Other documents serving as substitutes for birth certificates and passports with respect to stateless person applying for naturalization of Vietnamese nationality refer to documents containing information about full name, date of birth, pictures of said persons and stamps of competent agencies, laissez-passers or documents allowing international travel;

b) Documents proving fluency in Vietnamese of applicants for naturalization of Vietnamese nationality refer to degrees and qualifications proving that the applicants have studied in Vietnamese in Vietnam such as copies of doctor degrees, master degrees, bachelor degrees, university degrees, college degrees or intermediate education degrees (including professional secondary education diplomas or professional intermediate education diplomas); upper secondary education or secondary education degrees; copies of certificates of Vietnamese proficiency according to framework of reference of Vietnamese for foreigners issued by Vietnamese education institutions according to regulations and law of Ministry of Education and Training.

In case an applicant for Vietnamese nationality does not have documents proving fluency in Vietnamese, Department of Justice shall organize examination and carry out interview him/her on his/her ability to hear, speak, read and write in Vietnamese to ensure satisfactory to Clause 1 Article 7 of this Decree. Representatives of Departments of Justice and Departments of Education and Training shall participate in the interviews. Results of the examination and interviews shall be made into records. Persons directly participating in the examination and interviews shall be responsible for results of the examination, interviews and their recommendations;

c) Copies of birth certificates of juvenile children who will be naturalized in Vietnamese nationality with their parents or other valid documents proving father-son or mother-son relationship. In case only one of the parents is naturalized in Vietnamese nationality and their juvenile children are also naturalized in Vietnamese nationality with them, submit written agreements bearing both signatures of the parents on naturalization of Vietnamese nationality for the children. Signature authentication is not required for the agreements; a parent whose name is on the application for naturalization of Vietnamese nationality of the children shall be responsible for authenticity of signature of the other parent.

In case parents are deceased, lost legal capacity or having limited legal capacity, the agreements shall be replaced with documents proving deceased parents, parents with lost legal capacity or parents having limited legal capacity.

d) Copies of Permanent Residence Cards;

dd) Documents proving livelihood capacity in Vietnam of applicants for Vietnamese nationality include any of the following: documents proving asset ownership; documents issued by agencies and organizations where the applicants are working confirming salary or income; guarantee documents of organizations and individuals in Vietnam; documents of People’s Committees of communes, wards or townlets (hereinafter referred to as “People’s Committees of communes”) where the applicants reside temporarily on house, occupation and income of the applicants.

2. Persons exempted from conditions for naturalization of Vietnamese nationality as specified in Clause 2 Article 19 of Law of Vietnamese Nationality and Article 8 of this Decree must submit following documents:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) In case of persons with meritorious contributions to Vietnam’s national construction and defense or naturalization of Vietnamese nationality is beneficial for the Government of Socialist Republic of Vietnam as specified in Article 8 of this Decree, submit documents proving corresponding eligibility.

3. Applicants for naturalization of Vietnamese nationality and retention of foreign nationality falling into special cases specified in Article 9 of this Decree must possess documents proving eligibility for naturalization of Vietnamese nationality specified in Clause 1 Article 9, documents issued by competent agencies of Vietnam or foreign countries proving conditions specified in Clauses 2, 3 and 4 Article 9 and written commitment regarding contents in Clause 5 Article 9 of this Decree.

4. Applications for naturalization of Vietnamese nationality shall be made into 3 sets and stored at Office of the President, Ministry of Justice and agencies that accept the applications.

Article 11. Responsibilities of Ministry of Justice in handling applications for naturalization of Vietnamese nationality according to Clause 3 Article 21 of Law on Vietnamese Nationality

1. During the period specified in Clause 3 Article 21 of Law on Vietnamese Nationality, if the application for naturalization of Vietnamese nationality is considered to be inadequate or the applicant is considered to be unsatisfactory to conditions for naturalization of Vietnamese nationality, Ministry of Justice shall notice People’s Committees of provinces and central-affiliated cities (hereinafter referred to as “provincial People’s Committees”) in writing and provide guidance for Departments of Justice on instructing the applicants to revise the application and fulfill all conditions. Within 5 working days from the date on which notice of Ministry of Justice is received, Departments of Justice shall issue documents providing the applicants with guidelines on revision of the applications and fulfillment of the conditions.

In case of application for naturalization of Vietnamese nationality and retention of foreign nationality without having sufficient documents proving eligibility for special cases as specified in Clauses 2, 3, 4 and 5 Article 9 of this Decree, Ministry of Justice shall notice provincial People’s Committees in writing to request the applicants to renounce foreign nationality.

2. If an applicant fails to revise his/her application, fulfill all conditions or submit documents issued by foreign competent agencies allowing renunciation of foreign nationality within 9 months from the date on which Ministry of Justice issues the notice as specified in Clause 1 of this Article, he/she shall be considered to stop applying for naturalization of Vietnamese nationality and Ministry of Justice shall return the application. The 9-month period shall not be accounted for in the period for processing applications as specified in Clause 3 Article 21 of Law on Vietnamese Nationality.

3. During consideration of applications for naturalization of Vietnamese nationality with retention of foreign nationality of special cases specified in Article 9 of this Decree, if the applications are complicated or related to security and politics, Ministry of Justice shall consult relevant ministries before reporting to Prime Minister and proposing the President.

4. Once the application for Vietnamese nationality is sufficient and valid, Minister of Justice shall sign proposal to the President to consider naturalization of Vietnamese nationality on behalf of Prime Minister, except for cases specified in Clause 3 of this Article.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



5. Regulations on handling process of applications for naturalization of Vietnamese nationality with retention of foreign nationality in Clauses 1, 2 and 3 of this Article are also applicable to applications for restoration of Vietnamese nationality with retention of foreign nationality as specified in Article 14 of this Decree.

Article 12. Assignment of decisions on naturalization of Vietnamese nationality

After receiving decisions of the President on naturalization of Vietnamese nationality attached to notice of Ministry of Justice, provincial People’s Committees shall direct Department of Justice to hold ceremony on assignment of decisions on naturalization of Vietnamese nationality for applicants of naturalization of Vietnamese nationality in a formal and meaningful fashion and satisfactory to current local conditions.

Section 2. RESTORATION OF VIETNAMESE NATIONALITY

Article 13. Eligibility for restoration of Vietnamese nationality as specified in Points c, d and dd Clause 1 Article 23 of Law of Vietnamese Nationality

1. Eligibility for restoration of Vietnamese nationality in case of persons having meritorious contributions to Vietnam’s national construction and defense and persons whose nationality once restored is beneficial for the Government of Socialist Republic of Vietnam shall be applied according to Article 8 of this Decree.

2. Making investment in Vietnam requires having investment projects and investment in said projects verified in written form by competent agencies of Vietnam.

Article 14. Special cases of restoration of Vietnamese nationality and retention of foreign nationality as specified in Clause 5 Article 23 of Law on Vietnamese Nationality

An applicant for restoration of Vietnamese nationality falling into any of the cases specified in Clause 5 Article 23 of Law of Vietnamese Nationality shall be considered to be a special case and proposed to the President for consideration of restoration of Vietnamese nationality without renunciation of foreign nationality if following conditions are simultaneously satisfied:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. Retention of his/her foreign nationality upon restoration of Vietnamese nationality is satisfactory to regulations and law of said foreign country.

3. Renunciation of foreign nationality leads to impacts on his/her rights and benefits in the foreign country.

4. He/she does not utilize foreign nationality to harm legal rights and benefits of agencies, organizations and individuals; harm national security and benefits, social order and safety of the Government of Socialist Republic of Vietnam.

Article 15. Certain documents in application for restoration of Vietnamese nationality

1. Documents proving that applicants for restoration of Vietnamese nationality used to obtain Vietnamese nationality as specified in Point dd Clause 1 Article 24 of Law on Vietnamese nationality are one of the following:

a) Documents proving renunciation by the President or denaturalization of Vietnamese nationality;

b) Previous documents issued and verified by competent agencies and organizations which specify Vietnamese nationality or equivalent documents certifying Vietnamese nationality of the applicants.

2. Documents proving satisfaction to conditions for restoration of Vietnamese nationality as specified in Points b, c, dd and e Clause 1 Article 23 of Law on Vietnamese nationality are one of the following:

a) Documents proving spouse, biological parents or biological children of applicants for Vietnamese nationality are Vietnamese citizens as specified in Point a Clause 2 Article 10 of this Decree; or

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c) Documents proving investment in Vietnam as specified in Clause 2 Article 13 of this Decree; or

d) In case of application for restoration of Vietnamese nationality due to renunciation of Vietnamese nationality for naturalization in foreign nationality and rejected application for naturalization of the foreign nationality, present documents issued by foreign competent agencies stating in details reasons for rejection of naturalization of foreign nationality. In case of rejection of naturalization of foreign nationality due to subjective reasons of the applicants, present guarantee documents of any of biological parents, children, siblings or spouse of the applicants who are Vietnamese citizens and living in Vietnam together with written commitment of the applicants to voluntarily reside in Vietnam.

3. Applicants for restoration of Vietnamese nationality with retention of foreign nationality must possess documents proving eligibility for restoration of Vietnamese nationality specified in Clause 1 Article 14, documents issued by competent agencies of Vietnam or foreign countries proving eligibility specified in Clauses 2 and 3 Article 14 and commitment of the applicants regarding contents specified in Clause 4 Article 14 of this Decree.

4. Copies of birth certificates or other valid documents proving father-son or mother-son relationship are required for juvenile children whose Vietnamese nationality shall be restored with their parents’. In case only one of the parents is restored with Vietnamese nationality and their juvenile children are also restored with Vietnamese nationality with them, submit written agreements on restoration of Vietnamese nationality for the children. The agreements must bear both signatures of the parents, signature authentication is not required for the agreements; a parent whose name is on the application for restoration of Vietnamese nationality of the children shall be responsible for authenticity of signature of the other parent.

In case parents are deceased, lost legal capacity or having limited legal capacity, the agreements shall be replaced with documents proving deceased parents, parents with lost legal capacity or parents having limited legal capacity.

5. Applications for restoration of Vietnamese nationality shall be made into 3 sets and stored at Office of the President, Ministry of Justice and agencies that accept the applications.

Article 16. Verification of application for restoration of Vietnamese nationality

1. In case records of applicants for restoration of Vietnamese nationality must be verified according to Clause 3 Article 26 of Law on Vietnamese Nationality, Ministry of Justice shall issue documents stating contents that need to be verified by Ministry of Public Security.

2. Within 45 days from the date on which request of Ministry of Justice is received, Ministry of Public Security is responsible for verifying and responding with the results in written form.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 17. Cases of suspension of renunciation of Vietnamese nationality as specified in Point a Clause 2 Article 27 of Law of Vietnamese Nationality

While processing the applications, if tax administration authorities or agencies, organizations and individuals who are legal creditors issue documents on debts in form of tax, money or assets, competent agencies shall not accept or consider processing the application for renunciation of Vietnamese nationality.

Article 18. Certain documents in application for renunciation of Vietnamese nationality

1. Documents confirming applicants for renunciation of Vietnamese nationality are following procedures for naturalization of foreign nationality specified in Point dd Clause 1 Article 28 of Law on Vietnamese Nationality are documents issued by foreign competent agencies confirming or guaranteeing that the applicants shall be naturalized in foreign nationality; in case the applicants are already naturalized in foreign nationality, submit copies of passports or record documents bearing pictures issued by foreign competent agencies to prove that the applicants are obtaining foreign nationality.

2. Documents specified in Point g Clause 1 Article 28 of Law on Vietnamese Nationality are documents of heads of agencies confirming retirement, discharge, dismissal, removal or demobilization based on regulations of the fields to determine if renunciation of Vietnamese nationality of the applicants does not affect protection of national secrets and security or against regulations and law of such fields.

3. Copies of birth certificates of juvenile children who will be renounced in Vietnamese nationality with their parents or other valid documents proving father-son or mother-son relationship. In case only one of the parents’ Vietnamese nationalities is renounced in and their juvenile children’s Vietnamese nationality is also renounced with the parents, submit written agreements bearing both signatures of the parents on renunciation of Vietnamese nationality for the children. Signature authentication is not required for the agreements; a parent whose name is on the application for renunciation of Vietnamese nationality of the children shall be responsible for authenticity of signature of the other parent.

In case parents are deceased, lost legal capacity or having limited legal capacity, the agreements shall be replaced with documents proving deceased parents, parents with lost legal capacity or parents having limited legal capacity.

4. Applications for renunciation of Vietnamese nationality shall be made into 3 sets and stored at Office of the President, Ministry of Justice and agencies that accept the applications.

Article 19. Handling of application for renunciation of Vietnamese nationality in case of expired documents enabling naturalization of foreign nationality

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. Representative bodies shall come up with measures to assist applicants for renunciation of Vietnamese nationality within following procedures for extending or issuing anew documents enabling naturalization of foreign nationality, if requested by the applicants.

3. Applicants for renunciation of Vietnamese nationality shall submit extended or issued anew documents enabling naturalization of foreign nationality for representative bodies to transfer to Ministry of Justice.

Article 20. Responsibilities of agencies, organizations and individuals in informing about cases of suspension and rejection of renunciation of Vietnamese nationality

Within 60 days from the date on which Departments of Justice upload information on applicants for renunciation of Vietnamese nationality according to Clause 2 Article 29 Law on Vietnamese Nationality, police authorities, civil judgment enforcement authorities, tax authorities or other agencies, organizations and individuals that discover any indication suggesting that the applicants fall into cases of suspension or rejection of renunciation of Vietnamese nationality as specified in Clauses 2, 3 and 4 Article 27 of Law on Vietnamese Nationality and Article 17 of this Decree must promptly inform Departments of Justice which have uploaded the information.

Article 21. Record verification of applicants for renunciation of Vietnamese nationality

1. In case an applicant for renunciation of Vietnamese nationality is not eligible for exemption from record verification according to Article 30 of Law on Vietnamese Nationality, Ministry of Justice shall issue documents stating contents that need to be verified by Ministry of Public Security.

2. Within 45 working days from the date on which request of Ministry of Justice is received, Ministry of Public Security is responsible for verifying and responding with the results in written form.

Section 4. DENATURALIZATION AND ANNULMENT OF DECISION ON NATURALIZATION OF VIETNAMESE NATIONALITY

Article 22. Request for denaturalization of Vietnamese nationality

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) Written request of provincial People’s Committees or representative bodies regarding denaturalization of Vietnamese nationality;

b) Documents and files on investigation, verification and conclusion of competent agencies regarding violations of persons subject to request for denaturalization of Vietnamese nationality;

c) Written accusations against persons subject to request for denaturalization of Vietnamese nationality, if any.

2. In case courts that judge defendants committing violations in Clause 1 Article 31 of Law on Vietnamese Nationality request denaturalization of the defendants, requesting documents shall include:

a) Written request of the courts regarding denaturalization of Vietnamese naturalization;

b) Legally valid judgments and relevant documents.

Article 23. Request for annulment of decisions on naturalization of Vietnamese nationality

1. In case provincial People’s Committees request to annul decisions on naturalization of Vietnamese nationality of persons committing violations specified in Clause 1 Article 33 of Law on Vietnamese Nationality, requesting documents shall include:

a) Written request of provincial People's Committees regarding annulling decisions on naturalization of Vietnamese nationality;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c) Written accusations against persons subject to request for annulment of decisions on naturalization of Vietnamese nationality, if any.

2. In case courts that judge defendants committing violations in Clause 1 Article 33 of Law on Vietnamese Nationality request annulment of decisions on naturalization of the defendants, requesting documents shall include:

a) Written request of the courts regarding annulling decisions on naturalization of Vietnamese nationality;

b) Legally valid judgments and relevant documents.

Chapter III

NOTICE ABOUT RESULTS OF NATIONALITY-RELATED AFFAIRS

Article 24. Notice about naturalization, restoration, renunciation, denaturalization and annulment of decisions on naturalization of Vietnamese nationality

1. Within 10 working days from the date on which decisions on naturalization of Vietnamese nationality are received, Ministry of Justice shall issue notice together with copies of the decisions on naturalization of Vietnamese nationality to provincial People’s Committees where the applications for naturalization are accepted to hold ceremony on assignment of decisions on naturalization of Vietnamese nationality.

Assignment of decisions on naturalization of Vietnamese nationality shall comply with Article 12 of this Decree.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Within 10 working days from the date on which decisions on restoration, renunciation, denaturalization and annulment of decisions on naturalization of Vietnamese nationality are received, Ministry of Justice shall issue notice together with copies of said decisions to persons subject to restoration, renunciation, denaturalization and annulment of decisions on naturalization of Vietnamese nationality and to provincial People’s Committees where the applications for restoration, renunciation, denaturalization and annulment of decisions on naturalization of Vietnamese nationality are accepted to monitor, management and keep records of nationality-related affairs that have been handled.

In case applications for restoration, renunciation and denaturalization of Vietnamese nationality are accepted at representative bodies, after receiving notice of Ministry of Justice, the representative bodies are responsible for informing persons subject to restoration, renunciation and denaturalization of Vietnamese nationality about results of corresponding nationality-related affairs. Representative bodies shall collect Vietnamese passports, ID cards and Citizen Identity Cards of persons subject to renunciation and denaturalization of Vietnamese nationality according to relevant law provisions.

3. Persons subject to renunciation, denaturalization and annulment of decisions on naturalization of Vietnamese nationality are responsible for cooperating with police authorities in following procedures to remove permanent residence registration and submitting Vietnamese passports, ID cards and Citizen Identity Cards according to relevant law provisions.

4. Persons subject to naturalization and restoration of Vietnamese nationality may register for residence and be issued with Vietnamese passports, ID cards and Citizen Identity Cards according to relevant law provisions at request.

Article 25. Notice about record in civil status books regarding changes in nationality

1. Within 10 working days from the day on which decisions on renunciation, denaturalization and annulment of decisions on naturalization of Vietnamese nationality, Ministry of Justice shall inform Departments of Justice or representative bodies where civil status of the persons subject to the decisions above is registered to record or provide guidance on how to record in the civil status books. Record contents include: decision number; date of issue; details; contents; officials who record must sign and specify full name and date of record. In case civil registration is performed at representative bodies and civil status books have been archived at Ministry of Foreign Affairs, Ministry of Foreign Affairs shall do the record.

2. In case of a person subject to restoration of Vietnamese nationality whose civil status book was previously recorded with renunciation or denaturalization of Vietnamese nationality or a person subject to naturalization of Vietnamese nationality who previously performed civil registration at competent agencies of Vietnam, notice about record in civil status book due to restoration and naturalization of Vietnamese nationality shall be performed according to Clause 1 of this Article.

3. In case representative bodies or Departments of Justice that no longer store previous civil status books receive notice about record, inform Ministry of Justice for further monitor and management.

Article 26. Communication with Ministry of Public Security on results of nationality-related affairs

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. In case persons subject to renunciation, denaturalization and annulment of decisions on naturalization of Vietnamese nationality are living in Vietnam or used to be living in Vietnam, within 10 working days from the date on which decisions on affairs mentioned above are issued, Ministry of Justice shall inform Ministry of Public Security to direct competent police authorities to remove permanent residence registration, collection of Vietnamese passports, ID cards and Citizen Identity Cards of said persons.

Chapter IV

APPLICATION FOR VERIFICATION OF VIETNAMESE NATIONALITY, ISSUANCE OF CERTIFICATE OF VIETNAMESE NATIONALITY AND ISSUACE OF CERTIFICATE OF VIETNAMESE ORIGIN

Section 1. APPLICATION FOR VERIFICATION OF VIETNAMESE NATIONALITY

Article 27. Application for verification of Vietnamese nationality

Overseas Vietnamese who have not lost Vietnamese nationality according to regulations and law of Vietnam before July 1, 2009 without having document proving Vietnamese nationality according to Article 11 of Law on Vietnamese Nationality shall apply to representative bodies where they reside in order to be verify as obtaining Vietnamese nationality if necessary (hereinafter referred to as “applicants for verification of Vietnamese nationality”).

Article 28. Legislative documents and papers serving as basis for verification of Vietnamese nationality

1. Based on year of birth, place of birth or place of residence of applicants for verification of Vietnamese nationality and historic background from time to time, representative bodies shall rely on following legislative documents to verify whether the applicants obtain Vietnamese nationality:

a) Order No. 53/SL dated October 20, 1945 on Vietnamese nationality;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c) Order No. 25/SL dated February 25, 1946 on amendments to Order No. 53/SL dated October 20, 1945 on Vietnamese nationality;

d) Order No. 215/SL dated August 20, 1948 on special benefits for assisting foreigners during the Resistance War;

dd) Order No. 51/SL dated December 14, 1959 on annulment of Articles 5 and 6 of Order No. 53/SL dated October 20, 1945 on Vietnamese nationality;

e) Resolution NO. 1043/NQ-TVQHK6 dated February 8, 1971 of Standing Committee of National Assembly on renunciation or naturalization of Vietnamese nationality;

g) Decision No. 268/TTg dated September 12, 1980 of Prime Minister on policies on renunciation and restoration of Vietnamese nationality of foreign Vietnamese;

h) Law on Vietnamese Nationality in 1988 and documents elaborating thereto;

i) Law on Vietnamese Nationality in 1998 and documents elaborating thereto;

k) Law on Vietnamese Nationality in 2008 and documents elaborating thereto;

l) International agreements relating to nationality in which Vietnam is a signatory.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) Documents relating to nationality, civil status, residence registry, passports or other documents issued by competent agencies of Vietnam to Vietnamese citizens from 1945 to July 1, 2009 exclusively, which specify Vietnamese nationality or information relating to Vietnamese nationality and citizens;

b) Documents relating to nationality, civil status, residence registry, passports or other documents issued by former southern government of Vietnam before April 30, 1975 or by former government in Hanoi from 1911 to 1956, which specify Vietnamese nationality or information relating to Vietnamese nationality and citizens.

Article 29. Procedures for application for verification of Vietnamese nationality

1. Each applicant for verification of Vietnamese nationality shall prepare 1 application consisting of a declaration form, 4 4x6 photos taken in the past 6 months and copies of following documents:

a) Documents on record of the applicant namely ID card, Citizen Identity Card, residence documents, temporary resident card, laissez-passers, documents allowing international travel or documents confirming personal record bearing photos issued by competent agencies;

b) Documents specified in Clause 2 Article 28 of this Decree.

2. Within 5 working days from the date on which applications are accepted, representative bodies are responsible for examining the applications, directly looking up or requesting Ministry of Foreign Affairs in written form to propose Ministry of Justice to looking nationality up; within 10 working days, Ministry of Justice shall look up and respond Ministry of Foreign Affairs in written form. If Vietnamese nationality of the applicant is verified and the applicant is not under lists of persons subject to renunciation, denaturalization and annulment of decision on naturalization of Vietnamese nationality, record in books for application for verification of Vietnamese nationality. In case the applicant requests issuance of Vietnamese passport, representative bodies shall follow procedures for issuance of passport or inform the applicant to arrive at the representative bodies to follow procedures for issuance of passports if the applicant receives the passport via postal services. Issuance of passports shall be implemented according to relevant law provisions.

In case of application for verification of Vietnamese nationality without issuance of Vietnamese passports, after recording in the books for application for Vietnamese nationality verification, representative bodies shall provide the applicant with copies using defined form.

If the applicant later requests issuance of Vietnamese passports, representative bodies shall issue passports according to relevant law provisions.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Within 5 working days from the date on which looking up and verification results are received, Ministry of Foreign Affairs shall inform representative bodies to complete verification of Vietnamese nationality of the applicant.

If Vietnamese nationality cannot be verified, agencies accepting the application shall respond the applicant in writing.

Section 2. ISSUANCE OF CERTIFICATE OF VIETNAMESE NATIONALITY

Article 30. Entitlement to issue certificates of Vietnamese nationality

Applicants for issuance of certificates of Vietnamese nationality shall apply at Departments of Justice where they reside domestically or representative bodies where they reside overseas at the time of application.

Article 31. Procedures for issuance of certificates of Vietnamese nationality

1. Each applicant for issuance of certificate of Vietnamese nationality shall prepare 1 application consisting of a declaration form, 2 4x6 photos taken in the past 6 months and copies of following documents:

a) Documents on record of the applicant namely ID card, Citizen Identity Card, residence documents, temporary resident card, laissez-passers, documents allowing international travel or documents confirming personal record bearing photos issued by competent agencies;

b) Documents proving Vietnamese nationality according to Article 11 of Law on Vietnamese Nationality or equivalent documents issued by previous government, including birth certificates where nationality section is left empty or full name sections are filled with full name of the applicant and his/her parents in Vietnamese;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. Procedures for examining, verifying and looking up Vietnamese nationality are as follows:

a) In case documents proving Vietnamese nationality are available, if the applications are submitted at Departments of Justice, within 5 working days from the date on which the applications are accepted, Departments of Justice shall examine, directly look up or request Ministry of Justice in writing to look up Vietnamese nationality; within 10 working days, Ministry of Justice shall look up and respond the Departments of Justice in writing. If authenticity of documents proving Vietnamese nationality is called into question, Departments of Justice shall request agencies that issued the questioned documents to verify; within 10 days from the date on which request of the Departments of Justice is received, the issuing agencies shall verify and respond the Departments of Justice in writing.

In case of submitting applications at representative bodies, within 05 working days from the date on which applications are accepted, representative bodies are responsible for examining the applications, directly looking up or requesting Ministry of Foreign Affairs in written form to propose Ministry of Justice to looking up Vietnamese nationality; within 10 working days, Ministry of Justice shall look up and respond in written form. If authenticity of documents proving Vietnamese nationality issued by domestic competent agencies is called into question, representative bodies shall propose Ministry of Foreign Affairs in written form to request the issuing agencies to verify; within 10 working days from the date on which request of Ministry of Foreign Affairs is received, the issuing agencies shall verify and respond Ministry of Foreign Affairs in written form. Within 5 working days from the date on which lookup results are received, Ministry of Foreign Affairs shall inform the representative bodies in written form;

b) In case of having documents specified in Clause 2 Article 28 of this Decree without having documents proving Vietnamese nationality, if applications are submitted at Departments of Justice, within 5 working days from the date on which the applications are accepted, Departments of Justice shall look up or request Ministry of Justice to look up Vietnamese nationality, within 10 working days, Ministry of Justice shall look up and respond Departments of Justice in written form. Meanwhile, Departments of Justice shall request police authorities of the same level to verify record of the applicants; within 45 working days from the date on which request of the Departments of Justice is received, police authorities shall verify and respond Departments of Justice in written form.

If applications are submitted at representative bodies, within 5 working days from the date on which the applications are accepted, representative bodies shall look up or attach photos of documents and information provided by the applicants to the applicants and send to Ministry of Foreign Affairs to request Ministry of Justice and Ministry of Public Security to look up and verify record of the applicants. Within 10 working days, Ministry of Justice shall look up and respond Ministry of Foreign Affairs in written form; within 45 days, Ministry of Public Security shall verify record of the applicants and respond. Within 5 working days from the date on which lookup results are received, Ministry of Foreign Affairs shall inform the representative bodies in written form.

3. Within 5 working days from the date on which lookup and verification results specified in Clause 2 of this Article are received, if the applicants are verified to be obtaining Vietnamese nationality and they are not under lists of persons subject to renunciation, denaturalization or annulment of decisions on naturalization of Vietnamese nationality, agencies that accept the applications shall record in Vietnamese nationality certificate registry; heads of the agencies shall sign and issue certificates of Vietnamese nationality to the applicants.

If issuance of certificates of Vietnamese nationality is not well-grounded, agencies accepting the application shall respond the applicants in writing.

Section 3. ISSUANCE OF CERTIFICATES OF VIETNAMESE ORIGIN

Section 32. Entitlement to issue certificates of Vietnamese origin

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 33. Procedures for issuance of certificates of Vietnamese origin

1. Each applicant for issuance of certificate of Vietnamese origin shall prepare 1 application consisting of a declaration form, 2 4x6 photos taken in the past 6 months and copies of following documents:

a) Documents on record of the applicant namely ID card, Citizen Identity Card, residence documents, temporary resident card, laissez-passers, documents allowing international travel or documents confirming personal record bearing photos issued by competent agencies;

b) Documents previously issued proving that the applicant once held Vietnamese nationality or documents proving he/she has parents or grandparents who hold Vietnamese nationality.

In case none of the documents above are available, on a case-by-case basis, submit copies of documents on personal record, nationality or civil status issued by former southern government before April 30, 1975; documents issued by former government of Hanoi from 1911 to 1956; guarantees of associations and groups of overseas Vietnamese where the applicant is residing that confirm Vietnamese origin of the applicant; guarantees of Vietnamese nationals which confirm Vietnamese origin of the applicant; documents issued by foreign competent agencies that specified Vietnamese nationality or Vietnamese origin.

2. Within 5 working days from the date on which the applications are accepted, agencies that accept the applications are responsible for inspecting and examining information in the applications and documents presented by the applicant and compare with database and dossiers on nationality. If the applicant is sufficiently identified to have Vietnamese origin, agencies that accept the applications shall record in Vietnamese origin certificate registry and issue certificates of Vietnamese origin to the applicant.

If issuance of certificates of Vietnamese origin is not well-grounded, agencies accepting the application shall notice the applicants in writing.

Chapter V

RESPONSIBILITIES OF AGENCIES FOR STATE MANAGEMENT ON NATIONALITY

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Ministry of Justice shall assist the government in performing joint state management on nationality and have following tasks and powers:

1. Issue or request competent agencies to issue legislative documents on nationality and organize implementation of nationality laws.

2. Direct, instruct, train and improve professional operations regarding nationality of public officials and employees working in nationality-related affairs.

3. Publicize, popularize and raise awareness regarding nationality laws.

4. Issue, provide guidance on use and manage forms of nationality registry and documents.

5. Inspect and handle affairs related to Vietnamese nationality, relevant accusations and violations related to nationality.

6. Examine documents and cooperate with Ministry of Public Security in verifying nationality documents as per the law.

7. Take charge and cooperate with Ministry of Foreign Affairs and Ministry of Public Security in negotiating and signing international agreements relating to nationality.

8. Conduct research and apply information technology in state management on nationality and handling of nationality documents.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



10. Consolidate and list all handled nationality-related affairs and report to Prime Minister.

Article 35. Responsibilities of Ministry of Foreign Affairs

1. Ministry of Foreign Affairs shall cooperate with Ministry of Justice in performing state management on nationality at representative bodies and have following tasks and powers:

a) Direct and instruct representative bodies to jointly implement legislative documents on nationality;

b) Examine and inspect nationality affairs at representative bodies;

c) Improve nationality operation for members of diplomatic missions and consular posts;

d) Publicize and popularize nationality laws for overseas Vietnamese;

dd) Handle accusations and take actions against violation regarding nationality within their competence;

e) Collect and annul Vietnamese passports, ID cards and Citizen Identity Cards issued to persons subject to renunciation, denaturalization or annulment of decisions on naturalization of Vietnamese nationality who are residing overseas as per the law;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



h) Consolidate and list all handled nationality affairs at representative bodies and submit Ministry of Justice as per the law.

2. Representative bodies shall have following tasks and powers:

a) Accept and handle applications for restoration and renunciation of Vietnamese nationality within their competence; request the President to denaturalize Vietnamese nationality; verify Vietnamese nationality; issue certificates of Vietnamese nationality; issue certificates of Vietnamese origin as per the law;

b) Assign members of diplomatic missions and consular posts to accept and handle documents on nationality within their competence;

c) Publicize and popularize nationality laws for overseas Vietnamese;

d) Store nationality registry and documents;

dd) Consolidate and list all handled nationality-related affairs and report to Ministry of Foreign Affairs as per the law;

e) Handle accusations and take actions against violation regarding nationality within their competence.

Article 36. Responsibilities of Ministry of Public Security

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. Appraise, verify or direct competent police authorities to verify record of persons subject to naturalization, restoration and renunciation of Vietnamese nationality; denaturalization of Vietnamese nationality; annulment of decisions on naturalization of Vietnamese nationality; verification of Vietnamese nationality.

2. Direct competent police authorities in verifying authenticity of documents issued by competent police authorities that can prove Vietnamese nationality according to Clause 2 and Clause 3 Article 11 of Law on Vietnamese Nationality at request of Departments of Justice, representative bodies or other competent agencies.

3. Direct to handle residence registration, issuance of Vietnamese passports, ID cards and Citizen Identity Cards for persons subject to naturalization and restoration of Vietnamese nationality; removal of residence registration, collection and disposal of Vietnamese passports, ID cards and Citizen Identity Cards of persons subject to renunciation, denaturalization and annulment of decisions on naturalization of Vietnamese nationality as per the law.

4. Cooperate in taking actions against violations in handling nationality-related affairs.

Article 37. Responsibilities of provincial People’s Committees

1. Provincial People’s Committees shall perform state management on nationality in provinces and have following tasks and powers:

a) Accept and handle applications for naturalization, restoration and renunciation of Vietnamese nationality within their competence; request the President to denaturalize Vietnamese nationality and annul decisions on naturalization of Vietnamese nationality; verify Vietnamese nationality; issue certificates of Vietnamese nationality; issue certificates of Vietnamese origin as per the law;

b) Publicize, popularize and raise awareness regarding nationality laws;

c) Store nationality registry and documents;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



dd) Consolidate and list all handled nationality-related affairs and report to Ministry of Justice as per the law;

e) Hold formal and meaningful ceremony on assignment of decisions of the President on naturalization of Vietnamese nationality;

g) Collect papers related to Vietnamese nationality illegally issued by Departments of Justice.

2. Departments of Justice shall assist provincial People’s Committees in performing tasks and powers specified in Points a, b, c, dd and e Clause 1 of this Article.

Article 38. Transition clauses

Nationality-related documents accepted before the effective date hereof that have not been fully processed shall continue to be processed according to Decree No. 78/2009/ND-CP dated September 22, 2009 of Government on elaborating to a number of Articles of Law on Vietnamese Nationality and Decree No. 97/2014/ND-CP dated October 17, 2014 of Government on amendments to a number of Articles of Decree No. 78/2009/ND-CP dated September 22, 2009 of Government on elaborating to a number of Articles of Law on Vietnamese Nationality.

Article 39. Entry into force

This Decree comes into force from March 20, 2020.

This Decree shall replace Decree No. 78/2009/ND-CP dated September 22, 2009 of Government on elaborating to a number of Articles of Law on Vietnamese Nationality and Decree No. 97/2014/ND-CP dated October 17, 2014 of Government on amendments to a number of Articles of Decree No. 78/2009/ND-CP dated September 22, 2009 of Government on elaborating to a number of Articles of Law on Vietnamese Nationality.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



PP. GOVERNMENT
PRIME MINISTER




Nguyen Xuan Phuc

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 16/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 hướng dẫn Luật Quốc tịch Việt Nam

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


59.141

DMCA.com Protection Status
IP: 18.97.14.84