HỘI
ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 77/NQ-HĐND
|
Đà
Nẵng, ngày 15 tháng 12 năm 2022
|
NGHỊ QUYẾT
THÔNG QUA CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NHÀ Ở THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG GIAI ĐOẠN
2021-2030
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
KHÓA X, NHIỆM KỲ 2021-2026, KỲ HỌP THỨ 10
Căn cứ
Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015, Luật sửa đổi, bổ
sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Nhà ở ngày 25 tháng 11
năm 2014;
Căn cứ các Nghị định số
99/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng
dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở và Nghị định số 30/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số
điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng
10 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 100/2015/NĐ-CP
ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội
và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 4 năm
2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP
ngày 20 tháng 10 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 69/2021/NĐ-CP
ngày 15 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư;
Căn cứ số 35/2022/NĐ-CP ngày 28
tháng 5 năm 2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh
tế;
Căn cứ Quyết định số 2161/QĐ-TTg
ngày 22 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển
nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Căn cứ Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều
chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Căn cứ Nghị quyết số 129/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2017 của Hội đồng nhân dân thành phố Đà
Nẵng về việc thông qua Chương trình phát triển nhà ở thành phố Đà Nẵng đến năm
2020 và định hướng đến năm 2030;
Theo Công văn số 5562/BXD-QLN ngày
08 tháng 12 năm 2022 của Bộ Xây dựng về việc góp ý
Dự thảo Chương trình phát triển nhà ở thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030;
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân thành phố tại Tờ trình số
214/TTr-UBND ngày 06 tháng 12 năm 2022 về việc đề nghị thông qua nội dung điều
chỉnh Chương trình phát triển nhà ở thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030, Công
văn số 6827/UBND-SXD ngày 12 tháng 12 năm 2022 của
UBND thành phố về việc giải trình, tiếp thu ý kiến của Bộ Xây dựng về nội dung
điều chỉnh Chương trình phát triển nhà ở thành phố
Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030; Báo cáo thẩm tra số 252/BC-ĐT ngày 12 tháng 12 năm
2022 của Ban Đô thị Hội đồng nhân dân thành phố và
ý kiến của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố tại Kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Chương trình
phát triển nhà ở thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030, với một số nội dung
chính như sau:
1. Quan điểm, mục
tiêu:
- Chương trình phát triển nhà ở phải
phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn
đến năm 2045; Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm
nhìn đến năm 2045.
- Phát triển nhà ở gắn với đổi mới,
nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch;
quản lý chặt chẽ phát triển nhà ở cao tầng và gia tăng dân số tại khu vực đô thị
trung tâm; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị, dân cư, trật tự xây dựng, văn minh đô thị; nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉnh
trang, phát triển, hiện đại hóa đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị theo
hướng bền vững.
- Phát triển nhà ở cùng với quá trình
đô thị hóa phải đảm bảo hỗ trợ người dân có sinh kế bền vững,
ổn định kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân, gắn với tiến bộ và công bằng xã
hội.
- Phát triển nhà ở phải gắn với phát
triển thị trường bất động sản nhà ở, hiện đại, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ
thuật và hạ tầng xã hội; sử dụng quỹ đất tiết kiệm, hiệu quả; nâng cao chất lượng
xây dựng, kiến trúc, cảnh quan, tiện nghi và môi trường, ứng phó với biến đổi
khí hậu; sử dụng tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững, phát thải thấp theo
đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành; tăng cường công
tác quản lý xây dựng nhà ở.
- Phát triển đa dạng các loại hình
nhà ở, chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà chung cư, nhà cho thuê, nhà ở để
phục vụ tái định cư, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, nhằm giải quyết
nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp dân cư với mức thu nhập khác nhau, đặc biệt là
nhà ở cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội quy định tại
Điều 49 Luật Nhà ở năm 2014, góp phần ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội
và phát triển đô thị, nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại và bền vững. Đảm
bảo chỗ ở ổn định cho công nhân và phát triển nhà ở công nhân gắn liền với
trách nhiệm của người sử dụng lao động, ban quản lý khu công nghiệp và các tổ
chức công đoàn.
- Phát triển nhà ở phải tuân thủ các
mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển đô thị bền vững theo Chiến
lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; phù
hợp với nội dung phát triển nhà ở của Chương trình này và thực tế phát triển
kinh tế - xã hội của thành phố theo từng thời kỳ; gắn với mục tiêu của Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022
của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị
Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
- Các dự án đầu tư xây dựng nhà ở,
khu đô thị hình thành mới phải được quy hoạch xây dựng theo hướng nhà ở xanh,
đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ số, thích ứng với biến đổi khí hậu; các
khu đô thị, khu nhà ở phải quy hoạch, đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật,
hạ tầng xã hội.
- Phát triển nhà ở phải đảm bảo công
bằng, đáp ứng nhu cầu về xây mới và cải tạo nhà ở của người dân theo hướng nâng
cao chất lượng sống; đảm bảo chất lượng xây dựng công trình nhà ở đối với các
loại hình phát triển nhà ở.
- Phát triển nhà ở phù hợp với khả
năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp và của các đối
tượng thụ hưởng chính sách. Nâng tỷ lệ nhà ở cho thuê tại các dự án nhà ở
thương mại, nhà ở xã hội; tăng tỷ trọng nhà ở có diện tích trung bình, giá cả hợp
lý phù hợp với khả năng chi trả của đa số người dân.
- Tập trung cải tạo, xây dựng lại kết
hợp với chỉnh trang, tái thiết đô thị đối với các nhà/khu chung cư cũ, nhà ở và
khu phố cũ hiện hữu có hạ tầng, điều kiện sống xuống cấp, ảnh hưởng đến an toàn
đời sống của người dân.
- Tập trung nguồn lực thực hiện rà
soát, xóa nhà ở tạm, đơn sơ và giảm tối đa nhà ở bán kiên cố; hỗ trợ hộ nghèo,
hộ cận nghèo xây dựng, sửa chữa, nâng cấp nhà ở xuống cấp, hư hỏng phù hợp với
điều kiện thực tiễn của địa phương.
- Rà soát, điều chỉnh quy hoạch để bố
trí, quy hoạch bổ sung quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đồng bộ, phục vụ
nhu cầu nhà ở cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp.
- Phát triển thị trường bất động sản
nhà ở bền vững, công khai, minh bạch dưới sự điều tiết, giám sát của Nhà nước,
phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; hạn
chế tình trạng đầu cơ, lãng phí tài nguyên đất trong phát triển nhà ở.
2. Chỉ tiêu
phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030
a) Diện tích nhà ở bình quân:
- Diện tích nhà ở bình quân toàn
thành phố giai đoạn 2021-2025: Phấn đấu đạt khoảng 30,0 m2 sàn/người.
Trong đó, khu vực đô thị đạt khoảng 30,4m2 sàn/người; khu vực nông
thôn đạt khoảng 27,2 m2 sàn/người.
- Diện tích nhà ở bình quân toàn
thành phố giai đoạn 2026-2030: Phấn đấu đạt khoảng 32,0 m2 sàn/người.
Trong đó, khu vực đô thị đạt khoảng 32,3m2 sàn/người; khu vực nông
thôn đạt khoảng 29,6 m2 sàn/người.
b) Tổng diện tích sàn nhà ở phát triển
mới giai đoạn 2021-2030: Khoảng 19.642.891 m2 sàn. Trong đó:
- Giai đoạn 2021-2025: Khoảng
10.223.038 m2 sàn, cụ thể:
+ Nhà ở thương mại: Khoảng 7.186.330
m2 sàn.
+ Nhà ở xã hội: Khoảng 504.060 m2
sàn.
+ Nhà ở của hộ gia đình, cá nhân: Khoảng
2.532.648 m2 sàn.
- Giai đoạn 2026-2030: Khoảng
9.419.853 m2 sàn, cụ thể:
+ Nhà ở thương mại: Khoảng 5.211.933
m2 sàn.
+ Nhà ở xã hội: Khoảng 725.529 m2
sàn.
+ Nhà ở của hộ gia đình, cá nhân: Khoảng
3.482.391 m2 sàn.
c) Đến năm 2030, tỷ lệ nhà ở kiên cố toàn
thành phố phấn đấu đạt trên 95%. Trong đó, khu vực đô thị đạt 100%, khu vực
nông thôn đạt 60%-80%; không để phát sinh nhà ở đơn sơ, nhất là tại khu vực đô
thị.
3. Quỹ đất để
phát triển nhà ở
Giai đoạn 2021-2030, tổng diện tích đất
ở để xây dựng nhà ở trên địa bàn thành phố khoảng 2.145 ha. Trong đó:
- Giai đoạn 2021-2025: Khoảng 1.090
ha.
- Giai đoạn 2026-2030: Khoảng 1.055
ha.
4. Nguồn vốn thực
hiện
Giai đoạn 2021-2030, tổng nhu cầu
vốn đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn thành phố khoảng 181.130 tỷ
đồng.
- Giai đoạn 2021-2025: Khoảng 95.664
tỷ đồng. Trong đó:
+ Nguồn vốn do các doanh nghiệp đầu
tư: Khoảng 74.492 tỷ đồng.
+ Nguồn vốn của người dân: Khoảng
20.300 tỷ đồng.
+ Ngân sách thành phố: Khoảng 873 tỷ
đồng.
- Giai đoạn 2026-2030: Khoảng 85.466
tỷ đồng. Trong đó:
+ Nguồn vốn do các doanh nghiệp đầu
tư: Khoảng 57.320 tỷ đồng.
+ Nguồn vốn của người dân: Khoảng
27.912 tỷ đồng.
+ Ngân sách thành phố: Khoảng 234 tỷ
đồng.
5. Định hướng
phát triển các loại hình nhà ở
a) Nhóm nhà ở xã hội:
- Cân đối nhu cầu nhà ở xã hội tại
các quận, huyện đảm bảo phân bố hợp lý trên địa bàn Thành phố theo quy hoạch; Đẩy
mạnh phát triển các khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) theo hướng hiện đại, đồng
bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
- Rà soát quy hoạch các khu công nghiệp
và khu vực giáp ranh khu công nghiệp, rà soát các khu đô thị mới, khu nhà ở
chưa dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội 20% để xác định vị trí, quỹ đất xây dựng
nhà ở xã hội đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch phát triển.
- Bố trí nguồn tiền từ quỹ phát triển
nhà ở xã hội do các chủ đầu tư nhà ở thương mại đã nộp tương đương giá trị quỹ
đất 20% để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo quy định.
- Kêu gọi, huy động nguồn lực xã hội
tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập, nhà ở xã hội cho thuê, nhà ở xã
hội phục vụ tái định cư; Cân đối, bố trí nguồn vốn từ ngân sách để thực hiện
chuẩn bị đầu tư phục vụ đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án theo quy định
của pháp luật hiện hành. Thực hiện cho vay ưu đãi (qua Quỹ Đầu tư phát triển,
Ngân hàng chính sách) để hỗ trợ nhà ở xã hội cho các đối tượng theo quy định tại
Điều 49, 50 Luật Nhà ở.
- Khuyến khích nhà đầu tư đầu tư xây
dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đồng bộ
các thiết chế công đoàn theo quy hoạch phục vụ công nhân và người lao động
trong quá trình hình thành các khu công nghiệp.
- Tiếp tục phối hợp, kiến nghị các Bộ,
ngành Trung ương sớm ban hành hướng dẫn: Việc quản lý, sử dụng
khoản tiền sử dụng đất phải nộp đối với quỹ đất 20% tại dự án đầu tư xây dựng
nhà ở thương mại, khu đô thị theo quy định; Nghiên cứu bổ sung
quy định theo hướng được bán nhà ở xã hội được quy định tại Điều 20 Nghị định
100/2015/NĐ-CP của Chính phủ; thu hút nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội.
Kiến nghị Chính phủ giao quyền cho Thành phố điều chỉnh
quy hoạch các khu công nghiệp để bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho thuê
theo quy định của Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ về quản
lý khu công nghiệp và khu kinh tế.
b) Nhóm nhà ở tái định cư:
- Cần rà soát, có kế hoạch đầu tư đáp
ứng nhu cầu bố trí tái định cư để triển khai các dự án của thành phố Đà Nẵng.
- Kiểm soát tiến độ các dự án đầu tư
xây dựng nhà ở tái định cư và kế hoạch bồi thường, hỗ trợ tái định cư giải phóng
mặt bằng các dự án hạ tầng trọng điểm và quá trình triển khai các dự án cải tạo,
xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn Thành phố để đảm bảo hiệu quả việc sử dụng
quỹ nhà tái định cư.
- Kiểm soát chặt chẽ việc triển khai
thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư từ giai đoạn lập dự án đến
giai đoạn thi công xây dựng các công trình nhà tái định cư đảm bảo kỹ mỹ thuật,
chất lượng nhà sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn
kỹ thuật hiện hành.
- Nghiên cứu, xây dựng cơ chế để mua
lại quỹ nhà ở thương mại tại các dự án để tạo lập quỹ nhà ở tái định cư, bổ
sung quỹ nhà ở tái định cư của Thành phố.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, vận
động người dân nhận tiền hỗ trợ để tự lo tái định cư tại
các dự án giải phóng mặt bằng trên địa bàn Thành phố; các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư cũ nhận tiền để tự lo chỗ ở tạm thời trong
thời gian thực hiện dự án thay cho việc bố trí chỗ ở tạm thời.
c) Nhóm nhà ở thương mại:
- Phát triển nhà
ở thương mại theo dự án, gắn với phát triển đô thị, kế hoạch phát triển nhà ở,
khuyến khích đầu tư phát triển nhà ở chung cư cao tầng hiện đại, thân thiện với
môi trường, phát thải thấp góp phần nâng cao chất lượng nhà ở, đảm bảo kết nối
và đồng bộ hệ thống hạ tầng.
- Tổ chức lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu
tư xây dựng nhà ở thương mại theo hình thức đấu thầu, đấu giá theo quy định. Đẩy
mạnh phát triển đô thị tại các khu vực dự kiến phát triển đô thị; xây dựng đô
thị thông minh trên cơ sở Đề án Thành phố thông minh; hình
thành các khu đô thị mới, khu đô thị dạng vệ tinh tạo điểm nhấn kiến trúc, mang
tính biểu tượng.
d) Về cải tạo,
xây dựng lại nhà chung cư:
Xây dựng Đề án cải tạo, xây dựng lại
chung cư cũ trên địa bàn Thành phố theo quy định Luật Nhà ở, là cơ sở triển
khai thực hiện hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư
cũ, xuống cấp trên địa bàn Thành phố gắn với cải tạo, chỉnh trang đô thị, tái
thiết đô thị, phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế
hoạch sử dụng đất, Kế hoạch phát triển nhà ở;
e) Về nhà ở của
hộ gia đình, cá nhân
- Tại khu vực đô thị:
+ Phải phù hợp với quy hoạch đô thị,
thiết kế đô thị, quy chế quản lý có liên quan. Việc xây dựng, sửa chữa, cải tạo
nhà ở phải tuân thủ đúng nội dung của Giấy phép xây dựng, tiêu chuẩn, quy chuẩn
kỹ thuật xây dựng, kết nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực, bảo
đảm yêu cầu vệ sinh, môi trường, kiến trúc nhà ở và không
làm ảnh hưởng đến công trình liền kề.
+ Đề xuất lộ trình, giải pháp phát
triển nhà ở nhằm giãn dân khu vực
trung tâm các quận Hải Châu, Thanh Khê; Xóa nhà tạm, nhà đơn sơ; Xử lý nghiêm
nhà ở xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.
- Tại khu vực nông thôn:
+ Việc xây dựng, cải tạo, sửa chữa
nhà ở phải phù hợp Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng
nông thôn mới; hài hòa, gắn với
phát triển đô thị, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, kết nối đồng bộ với
quy hoạch khu vực đô thị, phù hợp quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc, bảo tồn
và phát huy giá trị các công trình kiến trúc có giá trị.
+ Đẩy nhanh công tác quy hoạch chung
các xã thuộc huyện Hòa Vang và các quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư
nông thôn để chính quyền địa phương kiểm soát công tác phát triển
nhà ở thông qua việc cấp giấy phép xây dựng. Xây dựng các mẫu nhà ở nông thôn để
người dân có thể lựa chọn xây dựng đảm bảo chất lượng và yêu cầu quản lý quy hoạch,
kiến trúc; Trường hợp nhà ở nông thôn sử dụng thiết kế mẫu đã được ban hành
theo quy định thì được miễn giấy phép xây dựng.
+ Nghiên cứu, đề xuất lộ trình, giải
pháp xóa nhà tạm, nhà đơn sơ, xử lý nghiêm việc đầu tư xây dựng nhà ở trái phép
trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, khu vực bãi bồi ven sông.
Điều 2. Hiệu lực
thi hành
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể
từ ngày Hội đồng nhân dân thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, Kỳ họp thứ 10
biểu quyết thông qua.
Điều 3. Tổ chức
thực hiện
1. Giao Ủy
ban nhân dân thành phố tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này theo đúng
quy định pháp luật; đồng thời chỉ đạo thực hiện các nội dung theo Báo cáo thẩm
tra số 252/BC-ĐT ngày 12 tháng 12 năm 2022 của Ban Đô thị Hội đồng nhân dân
thành phố và Công văn số 5562/BXD-QLN ngày 08 tháng 12 năm 2022 của Bộ Xây dựng.
2. Thường
trực Hội đồng nhân dân thành phố, các Ban, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng
nhân dân thành phố giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
3. Đề nghị
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố phối hợp giám sát việc tổ chức triển
khai, thực hiện.
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân
thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, Kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 15 tháng 12
năm 2022./.
Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc
hội;
- Chính phủ, VP Chủ tịch nước;
- Các Bộ: Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư,
Tài nguyên và Môi trường;
- Ban Thường vụ Thành ủy;
- Đoàn ĐBQH thành phố; Thường trực HĐND thành phố;
- UBND, UBMTTQVN thành phố;
- Các cơ quan tham mưu, giúp việc của Thành ủy;
- Các Ban của HĐND thành phố; đại biểu HĐND thành phố;
- VP Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố;
- VP UBND thành phố;
- Các sở, ngành, đoàn thể thành phố;
- Các quận ủy, huyện ủy, HĐND huyện Hòa Vang;
- UBND, UBMTTQ Việt Nam các quận, huyện;
- HĐND xã, UBND phường, xã;
- Báo ĐN, Chuyên đề CA TPĐN, Đài PT-TH ĐN, Trung tâm THVN (VTV8), Cổng
TTĐT thành phố;
- Lưu: VT, CTHĐ.
|
CHỦ
TỊCH
Lương Nguyễn Minh Triết
|