BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 798/QĐ-BHXH
|
Hà Nội, ngày 06 tháng 08 năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ KIỂM SOÁT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH VÀ TIẾP NHẬN, XỬ
LÝ PHẢN ÁNH KIẾN NGHỊ VỀ QUY ĐỊNH HÀNH CHÍNH CỦA BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
TỔNG GIÁM ĐỐC BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
Căn cứ Nghị
định số 94/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Nghị định số
116/2011/NĐ-CP ngày 14/12/2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của
Nghị định số 94/2008/NĐ-CP ;
Căn cứ Nghị
định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành
chính;
Căn cứ Nghị
định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14/02/2008 của Chính phủ về tiếp nhận, xử lý phản
ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính;
Xét đề nghị của
Trưởng Ban Pháp chế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định
này quy định về kiểm soát thủ tục hành chính và tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến
nghị về quy định hành chính của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực
kể từ ngày ký. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Giám
đốc Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Cục Kiểm soát TTHC
- TGĐ, các Phó TGĐ;
- Lưu: VT, PC(05).
|
TỔNG GIÁM ĐỐC
Lê Bạch Hồng
|
QUY ĐỊNH
VỀ KIỂM SOÁT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH VÀ TIẾP
NHẬN, XỬ LÝ PHẢN ÁNH KIẾN NGHỊ VỀ QUY ĐỊNH HÀNH CHÍNH CỦA BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT
NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 798/QĐ-BHXH
ngày 06 tháng 8 năm 2012 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam)
Chương 1.
QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Văn bản này quy
định về kiểm soát thủ tục hành chính; quy định phối hợp trong việc tiếp nhận,
xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính liên quan
đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
2. Đối tượng áp
dụng là các đơn vị trực thuộc cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là Bảo hiểm xã hội tỉnh),
Bảo hiểm xã hội quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Bảo
hiểm xã hội huyện); các công chức, viên chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo
hiểm xã hội tỉnh và Bảo hiểm xã hội huyện; các cá nhân, tổ chức tham gia bảo
hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong văn bản này,
các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. “Thủ tục
hành chính thuộc thẩm quyền của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (sau đây gọi chung là
thủ tục hành chính)” là trình tự, cách thức thực hiện, hồ sơ và yêu cầu,
điều kiện để giải quyết một công việc cụ thể của cá nhân, tổ chức theo quy định
của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
2. “Kiểm soát
thủ tục hành chính” là việc xem xét, đánh giá, theo dõi nhằm bảo đảm tính
cần thiết, hợp lý, hợp pháp của quy định về thủ tục hành chính, bảo đảm tính
công khai, minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện thủ tục hành chính.
3. “Phản ánh”
là việc cá nhân, tổ chức có ý kiến với cơ quan Bảo hiểm xã hội về những vấn đề
liên quan đến thủ tục hành chính, hồ sơ tham gia và hưởng bảo hiểm xã hội, bảo
hiểm y tế, bao gồm: những vướng mắc cụ thể trong thực hiện; sự không hợp pháp,
không hợp lý, không đồng bộ, không thống nhất theo quy định của pháp luật và cơ
quan Nhà nước có thẩm quyền.
4. “Kiến nghị”
là việc cá nhân, tổ chức có kiến nghị với cơ quan Bảo hiểm xã hội hoặc đề xuất
phương án xử lý hoặc có sáng kiến ban hành mới quy định liên quan đến thủ tục
hành chính, hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính tham gia, hưởng bảo hiểm xã
hội, bảo hiểm y tế.
5. “Quy định
hành chính” là những quy định về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính
liên quan đến cá nhân, tổ chức thuộc phạm vi giải quyết của cơ quan Bảo hiểm xã
hội, do cơ quan nhà nước ban hành theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Nguyên tắc thực hiện
1. Thường xuyên
nghiên cứu, rà soát để kịp thời loại bỏ hoặc chỉnh sửa thủ tục hành chính không
phù hợp, phức tạp, gây phiền hà cho cá nhân, tổ chức; bổ sung thủ tục hành
chính cần thiết đáp ứng yêu cầu quản lý; bảo đảm quy định thủ tục hành chính đơn
giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của các cá
nhân, tổ chức.
2. Kiểm soát thủ
tục hành chính thực hiện ngay khi dự thảo quy định về thủ tục hành chính và
được tiến hành thường xuyên, liên tục trong quá trình tổ chức thực hiện thủ tục
hành chính.
3. Tất cả các thủ
tục hành chính sau khi ban hành, sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ hoặc bãi bỏ
đều phải được công bố, công khai bằng Quyết định và được cập nhật thường xuyên
vào cơ sở dữ liệu Quốc gia về thủ tục hành chính và Trang tin điện tử Bảo hiểm
xã hội Việt Nam.
4. Việc tiếp nhận,
xử lý phản ánh kiến nghị phải đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch, đúng
trình tự và thẩm quyền.
Điều 4. Nội dung kiểm soát thủ tục hành chính tại Bảo hiểm xã hội Việt
Nam
1. Đánh giá tác
động và lấy ý kiến về quy định hành chính đang được dự thảo.
2. Ban hành, công
bố, công khai thủ tục hành chính.
3. Tiếp nhận, phân
loại, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về thủ tục hành chính
thuộc thẩm quyền giải quyết của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
4. Rà soát, kiểm
soát thủ tục hành chính.
Điều 5. Yêu cầu và nguyên tắc của việc quy định thủ tục hành chính
1. Thành phần của
thủ tục hành chính
Quy định về thủ
tục hành chính phải đảm bảo đầy đủ các bộ phận tạo thành thủ tục hành chính sau
đây:
a) Tên thủ tục
hành chính;
b) Trình tự thực
hiện;
c) Cách thức thực
hiện;
d) Hồ sơ;
đ) Thời hạn giải
quyết;
e) Đối tượng thực
hiện thủ tục hành chính;
g) Cơ quan thực
hiện thủ tục hành chính;
h) Kết quả thực
hiện thủ tục hành chính;
i) Trường hợp thủ
tục hành chính phải có mẫu đơn, mẫu tờ khai; mẫu kết quả thực hiện thủ tục hành
chính; yêu cầu, điều kiện; phí, lệ phí thì các mẫu này là bộ phận tạo thành của
thủ tục hành chính.
2. Nguyên tắc xây
dựng quy định về thủ tục hành chính
Việc quy định thủ
tục hành chính phải đảm bảo các nguyên tắc sau đây:
a) Đơn giản, dễ
hiểu, dễ thực hiện;
b) Phù hợp với mục
tiêu quản lý;
c) Đảm bảo quyền
bình đẳng giữa các đối tượng thực hiện thủ tục hành chính;
d) Tiết kiệm thời
gian, chi phí của cá nhân, tổ chức và của Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
đ) Đảm bảo tính hợp
pháp, hợp lý, thống nhất và đồng bộ.
Chương 2.
ĐÁNH GIÁ TÁC
ĐỘNG VÀ LẤY Ý KIẾN VỀ CÁC THỦ TỤC HÀNH CHÍNH THUỘC THẨM QUYỀN CỦA BẢO HIỂM XÃ
HỘI VIỆT NAM
Điều 6. Đánh giá tác động
1. Đơn vị được
giao chủ trì soạn thảo văn bản có quy định về thủ tục hành chính phải thực hiện
đánh giá tác động của quy định về thủ tục hành chính theo các tiêu chí sau:
a) Sự cần thiết
của thủ tục hành chính;
b) Tính hợp pháp
của thủ tục hành chính;
c) Tính hợp lý của
thủ tục hành chính;
d) Chi phí tuân
thủ của thủ tục hành chính.
2. Việc đánh giá
tác động của thủ tục hành chính được thực hiện theo các mẫu biểu quy định tại Phụ lục II, III, IV (ban hành kèm theo Công văn số
7416/VPCP-TCCV ngày 15/10/2010 của Văn phòng Chính phủ về tài liệu hướng dẫn
đánh giá tác động quy định về thủ tục hành chính).
Trường hợp thủ tục
hành chính được sửa đổi, bổ sung thì ngoài việc đánh giá tác động theo các tiêu
chí quy định tại Khoản 1 Điều này đơn vị chủ trì soạn thảo phải giải trình rõ
tính đơn giản cũng như những ưu điểm của thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ
sung.
Điều 7. Lấy ý kiến đối với dự thảo văn bản có quy định về thủ tục
hành chính
1. Đơn vị chủ trì
soạn thảo văn bản có quy định về thủ tục hành chính có trách nhiệm lấy ý kiến
của Ban Pháp chế đối với thủ tục hành chính quy định trong dự thảo văn bản đồng
thời nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đóng góp về thủ tục hành chính trong dự
thảo. Trường hợp không tiếp thu phải có văn bản giải trình gửi lại Ban Pháp
chế. Hồ sơ gửi lấy ý kiến gồm:
a) Văn bản đề nghị
góp ý kiến, trong đó nêu rõ vấn đề cần lấy ý kiến đối với quy định về thủ tục
hành chính, xác định rõ các tiêu chí đã đạt được của thủ tục hành chính theo
quy định tại Khoản 1, Điều 6;
b) Dự thảo văn bản
có quy định về thủ tục hành chính;
c) Các biểu mẫu
đánh giá tác động theo quy định tại Khoản 2, Điều 6.
2. Ban Pháp chế
khi thẩm định có trách nhiệm:
a) Hướng dẫn đơn
vị chủ trì soạn thảo thực hiện đánh giá tác động thủ tục hành chính được quy
định trong dự thảo văn bản;
b) Kiểm tra hồ sơ
lấy ý kiến về thủ tục hành chính. Trong trường hợp hồ sơ thiếu một trong các
tài liệu theo quy định tại Khoản 1 Điều này, Ban Pháp chế yêu cầu đơn vị chủ
trì soạn thảo văn bản bổ sung hồ sơ trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày
nhận được hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không thuộc thẩm quyền xử lý thì trả lại cho đơn
vị chủ trì soạn thảo;
c) Nghiên cứu dự
thảo văn bản, độc lập đánh giá tác động thủ tục hành chính trong dự thảo văn
bản; trường hợp cần thiết, Ban Pháp chế có thể tổ chức lấy ý kiến của cơ quan,
tổ chức có liên quan và đối tượng chịu sự tác động của quy định về thủ tục hành
chính thông qua việc tham vấn, hội nghị, hội thảo hoặc biểu mẫu lấy ý kiến để
tổng hợp ý kiến góp ý gửi đơn vị chủ trì soạn thảo;
d) Gửi văn bản
thẩm định cho đơn vị chủ trì soạn thảo chậm nhất là 10 ngày làm việc, kể từ
ngày nhận đủ hồ sơ gửi lấy ý kiến.
Chương 3.
CÔNG BỐ CÔNG
KHAI THỦ TỤC HÀNH CHÍNH THUỘC THẨM QUYỀN CỦA BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
Điều 8. Công bố thủ tục hành chính
Tất cả các thủ tục
hành chính sau khi ban hành, sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ hoặc bãi bỏ
phải được công bố công khai. Nội dung công bố công khai như sau:
1. Công bố thủ tục
hành chính mới ban hành bao gồm các thông tin về thủ tục hành chính theo quy
định tại Khoản 1, Điều 5;
2. Công bố thủ tục
hành chính được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bao gồm các thông tin liên quan
đến việc sửa đổi, bổ sung, thay thế của thủ tục hành chính. Trong đó cần xác
định rõ bộ phận nào của thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế;
tên văn bản và hiệu lực thi hành của thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung,
thay thế.
Điều 9. Trình tự công bố thủ tục hành chính
Quyết định công bố
thủ tục hành chính phải được ban hành chậm nhất trước 10 ngày làm việc kể từ
ngày văn bản có quy định về thủ tục hành chính có hiệu lực thi hành. Trình tự
công bố thủ tục hành chính như sau:
1. Đơn vị chủ trì
soạn thảo văn bản có quy định về thủ tục hành chính có trách nhiệm xây dựng dự
thảo Quyết định công bố, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, hủy bỏ thủ tục hành chính và
bộ thủ tục hành chính theo quy định tại Khoản 1, Điều 5 kèm file dữ liệu gửi về
Ban Pháp chế ngay sau khi văn bản được ký ban hành.
2. Ban Pháp chế có
trách nhiệm:
a) Kiểm tra nội
dung dự thảo Quyết định công bố, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, hủy bỏ thủ tục hành
chính và bộ thủ tục hành chính đính kèm; trường hợp chưa đạt yêu cầu thì đề
nghị đơn vị chủ trì soạn thảo bổ sung, hoàn thiện;
b) Tạo mới hoặc
sửa đổi hồ sơ thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành
chính và dự thảo Công văn đề nghị công khai thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ
liệu Quốc gia trình lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam ký gửi Cục Kiểm soát thủ
tục hành chính trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày Quyết định công bố,
sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, hủy bỏ thủ tục hành chính được ký ban hành.
Điều 10. Công khai thủ tục hành chính
1. Ban Tuyên
truyền có trách nhiệm đăng tải văn bản có quy định về thủ tục hành chính trên
Trang tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam ngay sau khi nhận được văn bản kèm
file dữ liệu văn bản có quy định về thủ tục hành chính và Quyết định công bố,
sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ, bãi bỏ thủ tục hành chính do Ban Pháp chế
chuyển đến.
2. Bảo hiểm xã hội
tỉnh, Bảo hiểm xã hội huyện có trách nhiệm niêm yết công khai các thủ tục hành
chính tại bộ phận một cửa của đơn vị và phối hợp với cơ sở khám, chữa bệnh niêm
yết tại nơi đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với thủ tục hành chính có
liên quan.
Chương 4.
TIẾP NHẬN, XỬ
LÝ PHẢN ÁNH, KIẾN NGHỊ VỀ QUY ĐỊNH HÀNH CHÍNH THUỘC THẨM QUYỀN CỦA BẢO HIỂM XÃ
HỘI VIỆT NAM
Điều 11. Tiếp nhận phản ánh, kiến nghị
Mọi cá nhân, tổ
chức có quyền phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính thuộc thẩm quyền giải
quyết của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Việc gửi phản ánh, kiến nghị về quy định
hành chính được thực hiện qua các hình thức và địa chỉ sau:
1. Hình thức phản
ánh kiến nghị
a) Văn bản;
b) Điện thoại;
c) Kiến nghị trực
tiếp;
d) Email hoặc
Trang tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
2. Địa chỉ tiếp
nhận phản ánh, kiến nghị:
- Bảo hiểm xã hội
Việt Nam, số 7, Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội;
- Số điện thoại
chuyên dùng: 04.39928017;
- Email:
[email protected];
- Website:
baohiemxahoivn.gov.vn.
Điều 12. Nội dung phản ánh, kiến nghị
1. Phản ánh về nội
dung các quy định hành chính, gồm: sự không phù hợp của quy định hành chính với
thực tế; sự không đồng bộ, không thống nhất của các quy định hành chính; quy
định hành chính không hợp pháp; những vấn đề khác có liên quan đến quy định
hành chính.
2. Kiến nghị các
phương án xử lý những phản ánh nêu trên và sáng kiến ban hành mới quy định hành
chính.
3. Phản ánh kiến
nghị về hành vi: những vướng mắc cụ thể trong thực hiện quy định hành chính do
hành vi chậm trễ, gây phiền hà hoặc không thực hiện, thực hiện không đúng quy
định hành chính của công chức, viên chức ngành Bảo hiểm xã hội.
Điều 13. Quy trình và trách nhiệm của các đơn vị trong việc tiếp
nhận, giải quyết phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính
1. Bộ phận Văn thư
thuộc Văn phòng có trách nhiệm tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị về quy định
hành chính gửi đến Bảo hiểm xã hội Việt Nam qua đường công văn chuyển Ban Pháp
chế để phân loại, xử lý theo quy định.
2. Ban Pháp chế có
trách nhiệm
a) Tiếp nhận phản
ánh, kiến nghị do Văn thư cơ quan, các đơn vị nghiệp vụ chuyển đến; phản ánh,
kiến nghị do cá nhân, tổ chức trực tiếp gửi đến và phản ánh, kiến nghị trên
Trang tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam
b) Mở sổ theo dõi
việc tiếp nhận xử lý phản ánh, kiến nghị (theo mẫu số
02/STD ban hành kèm theo Quyết định này).
c) Phân loại và xử
lý phản ánh, kiến nghị như sau:
- Trường hợp phản
ánh, kiến nghị không đáp ứng được yêu cầu theo quy định tại Điều
7 Nghị định số 20/2008/NĐ-CP thì Ban Pháp chế lưu hồ sơ và báo cáo lãnh đạo
Bảo hiểm xã hội Việt Nam về phản ánh, kiến nghị đó.
- Trường hợp phản
ánh, kiến nghị không thuộc thẩm quyền giải quyết của Bảo hiểm xã hội Việt Nam
thì Trưởng Ban Pháp chế ký công văn thừa lệnh Tổng Giám đốc chuyển phản ánh,
kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đồng thời thông báo cho cá
nhân, tổ chức gửi phản ánh, kiến nghị biết trong thời hạn 05 ngày làm việc kể
từ ngày tiếp nhận phản ánh, kiến nghị.
- Trường hợp phản
ánh, kiến nghị về nội dung các quy định hành chính theo quy định tại Khoản 1,
Điều 12 thì Ban Pháp chế chuyển phản ánh, kiến nghị đến đơn vị nghiệp vụ giải
quyết trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận phản ánh, kiến nghị.
- Trường hợp phản
ánh, kiến nghị về hành vi theo quy định tại Khoản 3, Điều 12 thì Ban Pháp chế
chuyển phản ánh, kiến nghị đến bảo hiểm xã hội tỉnh có phản ánh, kiến nghị để
giải quyết trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận phản ánh, kiến
nghị.
d) Đôn đốc các đơn
vị xử lý phản ánh, kiến nghị.
đ) Chuyển Ban
Tuyên truyền công khai kết quả xử lý, phản ánh, kiến nghị trên Trang tin điện
tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
e) Lưu trữ hồ sơ,
kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị và thực hiện giao nộp hồ sơ về Trung tâm Lưu
trữ theo quy định.
3. Các đơn vị trực
thuộc cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm tiếp nhận phản ánh, kiến
nghị do cá nhân, tổ chức trực tiếp gửi đến đơn vị và thực hiện các bước sau:
a) Hướng dẫn cá
nhân, tổ chức điền vào Phiếu tiếp nhận phản ánh, kiến nghị (theo mẫu số 01/TNPAKN ban hành kèm theo Quyết định này);
b) Trách nhiệm xử
lý:
- Trường hợp phản
ánh, kiến nghị thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của đơn vị thì đơn vị có trách
nhiệm dự thảo văn bản trả lời cá nhân, tổ chức và gửi về Ban Pháp chế trước khi
trình ký ban hành văn bản.
- Trường hợp phản
ánh, kiến nghị không thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của đơn vị thì đơn vị có
trách nhiệm chuyển phản ánh, kiến nghị đến Ban Pháp chế trong thời hạn 02 ngày
làm việc, kể từ ngày nhận tiếp nhận phản ánh, kiến nghị.
4. Trách nhiệm của
Ban Tuyên truyền: công khai kết quả giải quyết phản ánh, kiến nghị do Ban Pháp
chế gửi đến trên Trang tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong thời hạn 01
ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của Ban Pháp chế.
5. Thời gian giải
quyết phản ánh, kiến nghị trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận tiếp
nhận phản ánh, kiến nghị; đối với những phản ánh, kiến nghị phức tạp thời hạn
giải quyết là 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận tiếp nhận phản ánh, kiến nghị.
6. Trường hợp tiếp
nhận phản ánh, kiến nghị qua điện thoại, cán bộ tiếp nhận phải ghi rõ thời gian
nhận điện thoại, tên cá nhân hoặc tổ chức, số điện thoại, nội dung phản ánh,
kiến nghị và ký xác nhận vào Phiếu tiếp nhận phản ánh, kiến nghị. Cán bộ tiếp
nhận điện thoại cần khuyến khích các cá nhân, tổ chức xác nhận lại phản ánh, kiến
nghị bằng văn bản.
Chương 5.
RÀ SOÁT, KIỂM
SOÁT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH THUỘC THẨM QUYỀN CỦA BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
Điều 14. Rà soát thủ tục hành chính
1. Rà soát, đánh
giá thủ tục hành chính được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
a) Theo chỉ đạo
của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;
b) Theo Kế hoạch
rà soát thủ tục hành chính;
c) Theo yêu cầu
đột xuất của lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
d) Khi có phản
ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính;
đ) Định kỳ rà soát
các văn bản có quy định thủ tục hành chính của Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban
hành.
2. Trách nhiệm
thực hiện
a) Ban Pháp chế có
trách nhiệm:
- Thông báo Kế
hoạch rà soát thủ tục hành chính hoặc chuyển phản ánh, kiến nghị của cá nhân,
tổ chức có nội dung về rà soát thủ tục hành chính cho các đơn vị có trách nhiệm
xử lý và yêu cầu các đơn vị đó thông báo kết quả thực hiện theo đúng thời hạn;
trường hợp thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của nhiều đơn vị, Ban Pháp
chế chủ trì, phối hợp với các đơn vị thực hiện việc rà soát thủ tục hành chính
đó;
- Nghiên cứu, tổng
hợp kết quả rà soát, đánh giá thủ tục hành chính do các đơn vị gửi về; báo cáo
lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam kết quả rà soát thủ tục hành chính; đề xuất
sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ
quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ, bãi bỏ thủ tục hành
chính và các quy định có liên quan đến thủ tục hành chính không đáp ứng quy
định;
b) Các đơn vị chủ
trì soạn thảo văn bản có quy định thủ tục hành chính có trách nhiệm rà soát thủ
tục hành chính thuộc chức năng quản lý của đơn vị theo Kế hoạch đã được thông
báo, theo phản ánh, kiến nghị đã tiếp nhận hoặc theo yêu cầu của Lãnh đạo Bảo
hiểm xã hội Việt Nam; đồng thời thông báo kết quả thực hiện và các đề xuất,
kiến nghị sau khi rà soát thủ tục hành chính đến Ban Pháp chế để tổng hợp.
Điều 15. Kiểm soát thủ tục hành chính
Thủ trưởng các đơn
vị có quy định về thủ tục hành chính có trách nhiệm phối hợp với Ban Pháp chế
thường xuyên kiểm soát việc thực thi thủ tục hành chính của Bảo hiểm xã hội
tỉnh, Bảo hiểm xã hội huyện; của công chức, viên chức trực tiếp thực hiện thủ tục
hành chính tại Bảo hiểm xã hội tỉnh, Bảo hiểm xã hội huyện.
Chương 6.
TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
Điều 16. Chế độ báo cáo
1. Hàng quý Bảo
hiểm xã hội huyện lập báo cáo tình hình, kết quả giải quyết thủ tục hành chính
gửi về Bảo hiểm xã hội tỉnh (theo mẫu số 04/BC-TTHC
ban hành kèm theo Quyết định này) trước ngày 03 của tháng cuối quý.
2. Hàng quý Bảo hiểm xã hội tỉnh lập báo cáo tình hình, kết quả giải
quyết thủ tục hành chính gửi về Bảo hiểm xã hội Việt Nam (theo mẫu số 03/BC-TTHC ban hành
kèm theo Quyết định này) trước ngày 08 của tháng cuối quý.
3. Hàng quý Bảo
hiểm xã hội Việt Nam lập báo cáo tình hình thực hiện thủ tục hành chính gửi Cục
kiểm soát thủ tục hành chính trước ngày 15 của tháng cuối quý.
Điều 17. Trách nhiệm thực hiện
1. Trách nhiệm của
Ban Pháp chế
a) Giúp lãnh đạo
Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện quan hệ công tác với các bộ, ngành, địa
phương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong lĩnh vực kiểm soát
thủ tục hành chính;
b) Xây dựng Kế
hoạch rà soát, kiểm soát thủ tục hành chính;
c) Đề xuất việc sửa
đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ, bãi bỏ những thủ tục hành chính thuộc thẩm
quyền của Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoặc trình lãnh đạo cơ quan Bảo hiểm xã hội
Việt Nam kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ,
bãi bỏ thủ tục hành chính và các quy định có liên quan đến thủ tục hành chính
của Ngành;
d) Kiểm tra, kiểm
soát việc thực hiện các thủ tục hành chính tại Bảo hiểm xã hội tỉnh, Bảo hiểm
xã hội huyện;
2. Trách nhiệm của
các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam
a) Thủ trưởng các đơn
vị có trách nhiệm phổ biến Quy định này đến toàn bộ công chức, viên chức của đơn
vị; chủ động phối hợp công tác khi thực hiện nhiệm vụ liên quan đến kiểm soát
thủ tục hành chính hoặc theo yêu cầu của lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
b) Tạo điều kiện
để cán bộ thực hiện nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính trong lĩnh vực do đơn
vị mình phụ trách;
c) Chủ động rà
soát các quy định về thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của đơn
vị, kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ, bãi bỏ thủ tục hành
chính không còn phù hợp.
3. Trách nhiệm của
Bảo hiểm xã hội tỉnh, Bảo hiểm xã hội huyện
a) Bố trí công
chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, văn hóa giao tiếp chuẩn mực, đủ trình
độ về chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực phù hợp để thực hiện thủ tục hành
chính; thường xuyên kiểm soát việc thực thi thủ tục hành chính của công chức,
viên chức trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính;
b) Hướng dẫn, giải
thích, cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời về thủ tục hành chính và
các hình thức phản ánh kiến nghị, địa chỉ tiếp nhận phản ánh kiến nghị cho cá
nhân, tổ chức có liên quan;
c) Cấp giấy biên
nhận hồ sơ, tài liệu theo quy định;
d) Bảo quản và giữ
bí mật về hồ sơ tài liệu và các thông tin liên quan đến bí mật cá nhân trong
quá trình giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp phải thu thập,
công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức nhà nước có
thẩm quyền;
đ) Nêu rõ lý do
bằng văn bản trong trường hợp từ chối thực hiện hoặc có yêu cầu bổ sung giấy tờ
trong thời hạn giải quyết theo quy định;
e) Không tự đặt ra
thủ tục hành chính, hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định của pháp luật và của Bảo hiểm
xã hội Việt Nam;
g) Phối hợp và
chia sẻ thông tin trong quá trình giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức;
h) Hỗ trợ người có
công, người cao tuổi, người tàn tật, người nghèo, phụ nữ mang thai, trẻ mồ côi
và người thuộc diện bảo trợ xã hội khác trong thực hiện thủ tục hành chính;
i) Thực hiện cơ
chế một cửa, một cửa liên thông trong thực hiện thủ tục hành chính;
k) Ứng dụng công
nghệ thông tin và các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thực hiện thủ tục hành
chính;
l) Thực hiện quy
định khác của pháp luật.
3. Trách nhiệm của
công chức, viên chức được phân công thực hiện thủ tục hành chính
a) Thực hiện
nghiêm túc, đầy đủ nhiệm vụ được giao trong quá trình thực hiện thủ tục hành
chính;
b) Phải tạo thuận
lợi cho đối tượng thực hiện thủ tục hành chính; có tác phong, thái độ lịch sự,
nghiêm túc, khiêm tốn; ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc
trong thực hiện thủ tục hành chính;
c) Tiếp nhận và
giải quyết hồ sơ của cá nhân, tổ chức theo quy định;
d) Hướng dẫn tổ
chức, cá nhân thực hiện trình tự, hồ sơ đầy đủ, rõ ràng, chính xác; không để tổ
chức, cá nhân phải đi lại bổ sung hồ sơ quá hai lần cho một vụ việc, trừ trường
hợp tổ chức, cá nhân thực hiện không đúng theo hướng dẫn của công chức, viên
chức được phân công thực hiện thủ tục hành chính;
đ) Chủ động tham
mưu, đề xuất, sáng kiến cải tiến việc thực hiện thủ tục hành chính; kịp thời
phát hiện, kiến nghị với cơ quan, người có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung, thay
đổi hoặc hủy bỏ, bãi bỏ các quy định về thủ tục hành chính không phù hợp, thiếu
khả thi;
e) Thực hiện quy
định khác của pháp luật.
PHỤ LỤC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 798/QĐ-BHXH ngày 06 tháng 8 năm 2012
của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam)
Mẫu số: 01/TNPAKN
PHIẾU TIẾP NHẬN PHẢN ÁNH, KIẾN
NGHỊ
1. Thông tin về
cá nhân, tổ chức phản ánh, kiến nghị:
Tên cá nhân, tổ
chức
|
|
Địa chỉ
|
|
Số điện thoại
|
|
Email
|
|
2. Thời gian
tiếp nhận phản ánh, kiến nghị:............................................................................
3. Hình thức
phản ánh kiến nghị:
...............................................................................................................................................
4. Nội dung
phản ánh, kiến nghị:
...............................................................................................................................................
...............................................................................................................................................
5. Giải pháp đề
xuất (nếu có):...............................................................................................
...............................................................................................................................................
6. Tài liệu gửi
kèm (nếu có):....................................................................................................
...............................................................................................................................................
|
……. ngày……tháng……năm....
Cán bộ tiếp nhận
(Ký và ghi rõ họ tên)
|
Mẫu số: 02/STD
SỔ THEO DÕI TIẾP NHẬN & XỬ LÝ
PHẢN ÁNH, KIẾN NGHỊ
Quý ... Năm ...
STT
|
Ngày tháng nhận PAKN
|
Tên, ĐC, SĐT cá nhân, tổ chức gửi PAKN
|
Ngày tháng PAKN
|
Tóm tắt nội dung PAKN
|
Hình thức gửi PAKN
|
Người tiếp nhận PAKN
|
Kết quả xử lý của các đơn vị
|
Ghi chú
|
1
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2
|
|
|
|
|
|
|
|
|
….
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Cán bộ theo dõi
(Ký và ghi rõ họ tên)
|
Thủ trưởng đơn vị
(Ký và ghi rõ họ tên)
|