Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị định 88/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật An toàn vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động

Số hiệu: 88/2020/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
Ngày ban hành: 28/07/2020 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Điều chỉnh mức hỗ trợ tối đa khám, chữa bệnh nghề nghiệp

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 88/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật an toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc.

Theo đó, điều chỉnh cụ thể mức kinh phí hỗ trợ khám, chữa bệnh nghề nghiệp (BNN) như sau:

- Đối với khám BNN

Mức hỗ trợ bằng 50% chi phí khám BNN tính theo biểu giá khám BNN do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành tại thời điểm người lao động khám BNN sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không quá 800.000 đồng/người/lần khám.

(Hiện hành, mức hỗ trợ không quá 1/3 mức lương cơ sở/người/lần khám).

- Đối với chữa BNN

Mức hỗ trợ bằng 50% chi phí chữa BNN tính theo biểu giá chữa BNN tại thời điểm người lao động chữa BNN theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không quá 15.000.000 đồng/người.

(Hiện hành, mức hỗ trợ không quá 10 lần mức lương cơ sở/người).

Đồng thời, giữ nguyên số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 02 lần và trong 01 năm chỉ được nhận hỗ trợ 01 lần.

Nghị định 88/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 15/9/2020 và thay thế Nghị định 37/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 88/2020/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 28 tháng 7 năm 2020

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG VỀ BẢO HIỂM TAI NẠN LAO ĐỘNG, BỆNH NGHỀ NGHIỆP BẮT BUỘC

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật An toàn, vệ sinh lao động ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội ngày 20 tháng 11 năm 2014;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động; người lao động phát hiện bị bệnh nghề nghiệp khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp; hoạt động hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quyền và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong triển khai thực hiện các chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và h khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc (sau đây gọi tắt là người lao động), bao gồm:

a) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và viên chức;

b) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

c) Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;

d) Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

đ) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên và người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng. Không bao gồm người lao động là người giúp việc gia đình;

e) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương.

2. Người sử dụng lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp là cơ sở y tế có đủ điều kiện hoạt động khám, điều trị bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

2. Phục hồi chức năng lao động là quá trình phục hồi chức năng cho người lao động thuộc đối tượng quy định tại Nghị định này.

3. Cơ sở phục hồi chức năng lao động là cơ sở y tế có đủ điều kiện hoạt động phục hồi chức năng theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

4. Bản sao hợp lệ là bản sao từ sổ gốc hoặc được chứng thực sao từ bản chính hoặc bản sao đã được đối chiếu với bản chính.

Chương II

CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM TAI NẠN LAO ĐỘNG, BỆNH NGHỀ NGHIỆP

Điều 4. Chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động

1. Người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 43 Luật An toàn, vệ sinh lao động, nếu bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, được Quỹ bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả các chế độ sau đây:

a) Các chế độ theo quy định tại Mục 3 Chương III Luật An toàn, vệ sinh lao động đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm: Chi phí giám định thương tật, bệnh tật; trợ cấp hằng tháng hoặc một lần; trợ cấp phục vụ; hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình; dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; trợ cấp khi người lao động chết do tai nạn lao động; đóng bảo hiểm y tế cho người nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng;

b) Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp; phục hồi chức năng lao động và huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động quy định tại Chương III của Nghị định này.

2. Tiền lương để tính chi trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng hoặc một lần quy định tại điểm a khoản 1 Điều này được xác định theo quy định tại điểm d khoản 7 Điều 11 của Nghị định này.

3. Hồ sơ, điều kiện, thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động được thực hiện như sau:

a) Hồ sơ, điều kiện, thủ tục thực hiện chế độ quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định tại Điều 45, Điều 46, Điều 47, Điều 48, Điều 49, Điều 50, Điều 51, Điều 52, Điều 53, Điều 54, Điều 57, Điều 58, Điều 59, Điều 60 và Điều 61 Luật An toàn, vệ sinh lao động;

b) Điều kiện, hồ sơ, thủ tục thực hiện việc hỗ trợ quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định tại Chương III của Nghị định này.

4. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn cụ thể cách tính mức hưởng trợ cấp do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi giám định lần đầu, giám định lại, giám định tổng hợp do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động.

Điều 5. Chế độ cho người lao động phát hiện bị bệnh nghề nghiệp khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp

1. Người lao động khi đã nghỉ hưu hoặc thôi việc hoặc chuyển đến làm việc cho người sử dụng lao động khác mà nghi ngờ hoặc thấy có triệu chứng, dấu hiệu bị bệnh nghề nghiệp do các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp trước đó đã làm việc gây nên thì được chủ động đi khám phát hiện và giám định mức suy giảm khả năng lao động do mắc bệnh nghề nghiệp như sau:

a) Người lao động đã nghỉ hưu, thôi việc gửi bản sao hồ sơ sức khỏe cá nhân đến cơ sở khám bệnh nghề nghiệp khi khám phát hiện bệnh nghề nghiệp (có bản chính để đối chiếu). Sau khi có kết quả khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, cơ sở khám bệnh nghề nghiệp hoàn thiện hồ sơ bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo quy định của Bộ Y tế;

b) Người lao động đã chuyển làm công việc khác gửi hồ sơ sức khỏe cá nhân đến cơ sở khám bệnh nghề nghiệp khi khám phát hiện bệnh nghề nghiệp. Sau khi khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, người lao động hoặc người sử dụng lao động nơi người lao động đang làm việc lập hồ sơ bệnh nghề nghiệp trên cơ sở hồ sơ quản lý sức khỏe của người lao động;

c) Sau khi có hồ sơ bệnh nghề nghiệp, người lao động chủ động đi khám hoặc đề nghị đơn vị nơi người lao động đã từng làm việc hoặc đang làm việc giới thiệu đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động.

2. Trong trường hợp hồ sơ của người lao động quy định không có số liệu quan trắc môi trường lao động tại thời điểm làm các nghề, công việc có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp hoặc thất lạc hồ sơ quan trắc môi trường lao động, hoặc thất lạc hồ sơ sức khỏe, thì trước khi thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này, người lao động hoặc người sử dụng lao động nơi người lao động đang làm việc gửi văn bản đề nghị xác minh bệnh nghề nghiệp đến cơ quan y tế có thẩm quyền theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Trên cơ sở kết luận của cơ quan y tế có thẩm quyền về xác minh bệnh nghề nghiệp, cơ sở khám bệnh nghề nghiệp thực hiện chẩn đoán bệnh nghề nghiệp và ghi rõ căn cứ trên trong bản kết quả khám bệnh nghề nghiệp.

3. Người lao động bị bệnh nghề nghiệp, thân nhân người lao động bị bệnh nghề nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều này được Quỹ bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả các chế độ sau đây:

a) Các chế độ theo quy định tại Mục 3 Chương III Luật An toàn, vệ sinh lao động đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm: Chi phí giám định thương tật, bệnh tật; trợ cấp một lần hoặc hằng tháng; trợ cấp phục vụ; hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình; dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; trợ cấp khi người lao động chết do bệnh nghề nghiệp; đóng bảo hiểm y tế cho người nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm bệnh nghề nghiệp hằng tháng;

b) Hỗ trợ 100% chi phí khám bệnh nghề nghiệp tính theo biểu giá khám bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành tại thời điểm người lao động khám bệnh nghề nghiệp sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả; số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 02 lần và trong 01 năm chỉ được nhận hỗ trợ 01 lần;

c) Hỗ trợ 100% chi phí chữa bệnh nghề nghiệp tính theo biểu giá chữa bệnh nghề nghiệp tại thời điểm người lao động chữa bệnh nghề nghiệp theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả; số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 02 lần và trong 01 năm chỉ được nhận hỗ trợ 01 lần.

4. Người lao động được hưởng các chế độ quy định tại khoản 3 Điều này khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Phát hiện bị bệnh nghề nghiệp trong khoảng thời gian bảo đảm theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;

b) Có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong thời gian làm nghề, công việc gây ra bệnh nghề nghiệp quy định tại điểm a khoản này;

c) Bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh nghề nghiệp, đối với các trường hợp xem xét hưởng chế độ quy định tại điểm a khoản 3 Điều này.

5. Hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này gồm có:

a) Đơn đề nghị hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp của người lao động theo Mẫu số 01 tại Phụ lục của Nghị định này đối với người lao động đã nghỉ hưu hoặc thôi việc; hoặc văn bản của người sử dụng lao động nơi người lao động đang làm việc đề nghị giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp theo mẫu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành, đối với trường hợp người lao động chuyển đến làm việc cho người sử dụng lao động khác;

b) Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa.

6. Hồ sơ để được hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh nghề nghiệp đối với trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản 3 Điều này gồm có:

a) Đơn đề nghị hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh nghề nghiệp của người lao động theo Mẫu số 02 tại Phụ lục của Nghị định này đối với người lao động đã nghỉ hưu hoặc thôi việc; hoặc văn bản của người sử dụng lao động nơi người lao động đang làm việc theo quy định tại khoản 1 Điều 18khoản 2 Điều 22 của Nghị định này, đối với trường hợp người lao động chuyển đến làm việc cho người sử dụng lao động khác;

b) Thành phần hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều 18khoản 2 Điều 22 của Nghị định này;

c) Bản sao giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi điều trị bệnh nghề nghiệp;

d) Bản chính chứng từ thanh toán các chi phí khám, điều trị bệnh nghề nghiệp theo quy định.

7. Trình tự giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp

a) Trường hợp có đủ hồ sơ quy định tại khoản 5 Điều này, người lao động hoặc người sử dụng lao động nơi người lao động đang làm việc nộp 01 bộ hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội, để giải quyết hưởng chế độ theo đúng thời hạn quy định tại Điều 59 Luật An toàn, vệ sinh lao động;

b) Trường hợp có đủ hồ sơ quy định tại khoản 6 Điều này, người lao động hoặc người sử dụng lao động nơi người lao động đang làm việc nộp 01 bộ hồ sơ cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để giải quyết hỗ trợ theo trình tự quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 19khoản 2, khoản 3 Điều 23 của Nghị định này.

8. Thời điểm hưởng trợ cấp bệnh nghề nghiệp được tính từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa.

9. Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn quy trình nghiệp vụ để xác minh bệnh nghề nghiệp trong trường hợp không có hoặc thất lạc hồ sơ quan trắc môi trường lao động, thất lạc hồ sơ sức khỏe, thất lạc hồ sơ bệnh án.

Điều 6. Hồ sơ giải quyết chế độ tử tuất theo quy định tại Điều 53 của Luật An toàn, vệ sinh lao động đối với trường hợp bị tai nạn giao thông khi đang thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động hoặc khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc đi từ nơi làm việc về nơi ở

1. Sổ bảo hiểm xã hội.

2. Bản sao giấy chứng tử hoặc giấy báo tử hoặc bản sao quyết định tuyên bố là đã chết của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

3. Tờ khai của thân nhân và biên bản họp của các thân nhân đối với trường hợp đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng nhưng chọn hưởng trợ cấp tuất một lần.

4. Biên bản điều tra tai nạn lao động.

Điều 7. Hồ sơ hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định lại sau khi thương tật, bệnh tật tái phát

1. Sổ bảo hiểm xã hội đối với trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã được giám định nhưng không đủ điều kiện về mức suy giảm khả năng lao động để hưởng trợ cấp; bản sao hợp lệ hồ sơ hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với trường hợp đã được hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

2. Biên bản điều tra tai nạn lao động; trường hợp bị tai nạn giao thông được xác định hưởng chế độ tai nạn lao động thì có thêm một trong các giấy tờ sau: Biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông hoặc biên bản tai nạn giao thông của cơ quan công an hoặc cơ quan điều tra hình sự quân đội đối với trường hợp điều trị xong, ra viện trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 mà lần giám định trước không đủ điều kiện về mức suy giảm khả năng lao động.

3. Kết quả đo đạc, quan trắc môi trường lao động đối với trường hợp điều trị xong, ra viện trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 mà lần giám định trước không đủ điều kiện về mức suy giảm khả năng lao động để hưởng trợ cấp bệnh nghề nghiệp.

4. Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động lần trước gần nhất của Hội đồng Giám định y khoa đối với trường hợp đã được giám định nhưng không đủ điều kiện về mức suy giảm khả năng lao động để hưởng trợ cấp.

5. Biên bản giám định lại mức suy giảm khả năng lao động sau khi điều trị thương tật, bệnh tật tái phát của Hội đồng Giám định y khoa.

6. Chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng theo quy định về việc trang cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình (nếu có).

Điều 8. Hồ sơ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi giám định tổng hợp do tiếp tục bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp

1. Sổ bảo hiểm xã hội; bản sao hợp lệ hồ sơ hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với trường hợp đã được giải quyết hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

2. Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi đã điều trị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của lần điều trị nội trú sau cùng.

3. Biên bản điều tra tai nạn lao động; trường hợp bị tai nạn giao thông được xác định hưởng chế độ tai nạn lao động thì có thêm một trong các giấy tờ sau: Biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông hoặc biên bản tai nạn giao thông của cơ quan công an hoặc cơ quan điều tra hình sự quân đội đối với trường hợp điều trị xong, ra viện trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 mà chưa được giám định mức suy giảm khả năng lao động.

4. Kết quả đo đạc, quan trắc môi trường lao động đối với trường hợp điều trị xong, ra viện trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 mà chưa được giám định mức suy giảm khả năng lao động.

5. Biên bản giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa; trường hợp lần bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trước đã được giám định mức suy giảm khả năng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thì có thêm biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của lần giám định đó.

6. Văn bản đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo mẫu đối với lần bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau cùng; trường hợp lần bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trước đó nhưng chưa được giải quyết chế độ thì có thêm văn bản đề nghị giải quyết của đơn vị nơi đã xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trước.

7. Chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở chỉnh hình, phục hồi, chức năng theo quy định về việc trang cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình (nếu có).

Điều 9. Ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật

1. Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật theo quy định tại Điều 54 của Luật An toàn, vệ sinh lao động bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, nghỉ hằng tuần theo quy định của pháp luật về lao động.

2. Trường hợp người lao động không nghỉ việc thì không được hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật.

Điều 10. Tham gia Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

1. Người lao động mà được cử đi học tập, thực tập, công tác trong nước và nước ngoài có hưởng tiền lương hoặc nghỉ việc do bị ngừng việc, chờ việc có hưởng tiền lương thì người sử dụng lao động vẫn phải đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời gian đi học tập, thực tập, công tác, ngừng việc, chờ việc.

2. Trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc trong tháng đầu trở lại làm việc đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau thời gian đóng bảo hiểm gián đoạn do chấm dứt hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động phải đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của tháng đó.

3. Đối với thời gian người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động thì người sử dụng lao động nơi người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động quy định tại khoản 3 Điều 38 của Luật An toàn, vệ sinh lao động.

4. Người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng đủ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bao gồm cả tiền lãi theo quy định đối với người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc để kịp thời giải quyết quyền lợi cho người lao động.

Điều 11. Thời gian, tiền lương tháng làm căn cứ tính hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

1. Thời gian làm căn cứ tính hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là tổng thời gian đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động, không kể thời gian đóng trùng của các hợp đồng lao động; thời gian đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nếu không liên tục thì được cộng dồn; thời gian người lao động giữ các chức danh theo quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 1998 trước ngày 01 tháng 01 năm 1998 mà được tính hưởng bảo hiểm xã hội thì thời gian đó được tính hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

2. Thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, thời gian không làm việc hoặc nghỉ việc không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì tháng đó người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và tháng đó không được tính là thời gian đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định nay.

3. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng người sử dụng lao động không phải đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng được tính là thời gian đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cụ thể như sau:

a) Trường hợp hợp đồng lao động hết thời hạn trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản thì thời gian hưởng chế độ thai sản từ khi nghỉ việc đến khi hợp đồng lao động hết thời hạn được tính là thời gian đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thời gian hưởng chế độ thai sản sau khi hợp đồng lao động hết thời hạn không được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

b) Thời gian hưởng chế độ thai sản của người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi quy định tại khoản 4 Điều 31 của Luật Bảo hiểm xã hội không được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

c) Trường hợp lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con theo quy định thì thời gian hưởng chế độ thai sản từ khi nghỉ việc đến khi đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh được tính là thời gian đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, kể từ thời điểm đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con thì lao động nữ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn quy định tại khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật Bảo hiểm xã hội nhưng người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

d) Trường hợp người cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng, người mẹ nhờ mang thai hộ, người cha nhờ mang thai hộ hưởng chế độ thai sản mà không nghỉ việc thì người sử dụng lao động vẫn phải đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

4. Người lao động khi bị tạm giam, bị tạm đình chỉ công tác mà phải tạm dừng tham gia Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nếu sau đó được đóng bù theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội thì thời gian đóng bù được tính là thời gian đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

5. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã được tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì không tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

6. Tổng số năm đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được xác định như sau:

a) Đối với trường hợp bị tai nạn lao động là tổng số năm đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tính đến tháng trước liền kề tháng bị tai nạn lao động;

b) Đối với trường hợp bị bệnh nghề nghiệp là tổng số năm đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tính đến tháng trước liền kề tháng làm công việc mà công việc đó gây ra bệnh nghề nghiệp;

c) Trường hợp người lao động đồng thời giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì thời gian đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trùng nhau của các hợp đồng lao động chỉ được tính một lần;

d) Một năm được tính khi có đủ 12 tháng đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

7. Tiền lương đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp làm căn cứ tính hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được xác định như sau:

a) Tiền lương tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trường hợp người lao động bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong tháng đầu trở lại làm việc đóng bảo hiểm sau thời gian đóng gián đoạn do chấm dứt hợp đồng lao động thì bằng tiền lương đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của chính tháng đó;

b) Tiền lương tháng cuối cùng đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của công việc đã làm mà công việc đó gây ra bệnh nghề nghiệp đối với trường hợp bị bệnh nghề nghiệp khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp;

c) Trường hợp người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 mà thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì mức tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp được tính trên cơ sở hệ số tiền lương và phụ cấp (nếu có) nhân với mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng trợ cấp;

d) Trường hợp người lao động đồng thời giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì tiền lương tính hưởng trợ cấp bằng tổng các mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của tất cả các hợp đồng lao động tại tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc bị bệnh nghề nghiệp của lần sau cùng nhưng không quá 20 tháng lương cơ sở.

Chương III

HỖ TRỢ CHUYỂN ĐỔI NGHỀ NGHIỆP VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG PHÒNG NGỪA, CHIA SẺ RỦI RO VỀ TAI NẠN LAO ĐỘNG, BỆNH NGHỀ NGHIỆP

Mục 1. HỖ TRỢ CHUYỂN ĐỔI NGHỀ NGHIỆP CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG BỊ TAI NẠN LAO ĐỘNG, BỆNH NGHỀ NGHIỆP

Điều 12. Điều kiện hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc

Người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động theo quy định tại Điều 55 Luật An toàn, vệ sinh lao động khi người lao động có đủ các điều kiện sau đây:

1. Suy giảm khả năng lao động do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 31% trở lên;

2. Được người sử dụng lao động sắp xếp công việc mới thuộc quyền quản lý phù hợp với sức khỏe, nguyện vọng của người lao động nhưng công việc đó cần phải đào tạo nghề để chuyển đổi;

3. Đang tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật tại thời điểm bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Điều 13. Mức và thẩm quyền quyết định hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp

1. Học phí quy định tại khoản 2 Điều 55 của Luật An toàn, vệ sinh lao động được tính trên cơ sở giá dịch vụ đào tạo nghề theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định hỗ trợ cho từng đối tượng như sau:

a) Mức hỗ trợ tối đa là 50% mức học phí, nhưng không quá 15 lần mức lương cơ sở;

b) Số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là hai lần và trong 01 năm chỉ được nhận hỗ trợ một lần.

Điều 14. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp

1. Văn bản của người sử dụng lao động đề nghị hỗ trợ kinh phí đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo Mẫu số 03 tại Phụ lục của Nghị định này.

2. Bản sao có chứng thực Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa.

3. Bản sao có chứng thực các chứng từ thanh toán các chi phí đào tạo theo quy định.

Điều 15. Trình tự giải quyết hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp

1. Người sử dụng lao động nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 14 Nghị định này cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiến hành thẩm định hồ sơ, quyết định việc hỗ trợ theo Mẫu số 04 tại Phụ lục của Nghị định này và gửi quyết định (kèm theo dữ liệu danh sách hỗ trợ) cho cơ quan Bảo hiểm xã hội. Trường hợp không hỗ trợ thì phải trả lời bằng văn bản cho người sử dụng lao động và nêu rõ lý do.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận được quyết định hỗ trợ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm chi trả kinh phí hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho người sử dụng lao động. Trường hợp không chi trả thì phải trả lời bằng văn bản cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và nêu rõ lý do.

Mục 2. HỖ TRỢ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH NGHỀ NGHIỆP

Điều 16. Điều kiện hỗ trợ khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động

Người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí để khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 56 Luật An toàn, vệ sinh lao động khi người lao động có đủ các điều kiện sau đây:

1. Có thời gian đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đủ từ 12 tháng trở lên và đang tham gia tính đến tháng liền kề trước tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động;

2. Đã được phát hiện bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp.

Điều 17. Mức hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp

1. Mức hỗ trợ bằng 50% chi phí khám bệnh nghề nghiệp tính theo biểu giá khám bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành tại thời điểm người lao động khám bệnh nghề nghiệp sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không quá 800 nghìn đồng/người/lần khám.

2. Số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 02 lần và trong 01 năm chỉ được nhận hỗ trợ 01 lần.

Điều 18. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp

1. Văn bản đề nghị hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp theo Mẫu số 05 tại Phụ lục của Nghị định này.

2. Bản sao có chứng thực hồ sơ bệnh nghề nghiệp của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp.

3. Bản sao chứng từ thanh toán các chi phí khám bệnh nghề nghiệp theo quy định.

Điều 19. Trình tự giải quyết hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp

1. Đối với trường hợp đủ điều kiện quy định tại Điều 16 Nghị định này, người sử dụng lao động nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 18 Nghị định này cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiến hành thẩm định hồ sơ, quyết định việc hỗ trợ theo Mẫu số 06 tại Phụ lục của Nghị định này và gửi quyết định (kèm theo dữ liệu danh sách hỗ trợ) cho cơ quan Bảo hiểm xã hội. Trường hợp không hỗ trợ thì phải trả lời bằng văn bản cho người sử dụng lao động hoặc người lao động nộp hồ sơ đề nghị và nêu rõ lý do.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định hỗ trợ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm chi trả kinh phí hỗ trợ khám bệnh nghề nghiệp cho người sử dụng lao động hoặc người lao động theo quyết định hỗ trợ. Trường hợp không chi trả thì phải trả lời bằng văn bản cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và nêu rõ lý do.

Điều 20. Điều kiện hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp cho người lao động

Người lao động được hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 56 Luật An toàn, vệ sinh lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Đã được chẩn đoán bị bệnh nghề nghiệp tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp;

2. Đã tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đủ 12 tháng trở lên và đang tham gia tính đến tháng liền kề trước tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp;

3. Có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong thời gian làm các nghề, công việc gây bệnh nghề nghiệp quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 21. Mức hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp

1. Mức hỗ trợ bằng 50% chi phí chữa bệnh nghề nghiệp tính theo biểu giá chữa bệnh nghề nghiệp tại thời điểm người lao động chữa bệnh nghề nghiệp theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không quá 15 triệu đồng/người.

2. Số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 02 lần và trong 01 năm chỉ được nhận hỗ trợ 01 lần.

Điều 22. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp

1. Văn bản đề nghị hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo Mẫu số 07 tại Phụ lục của Nghị định này.

2. Bản sao có chứng thực hồ sơ xác định mắc bệnh nghề nghiệp của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp.

3. Bản sao giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi chữa bệnh nghề nghiệp.

4. Bản sao chứng từ thanh toán chi phí chữa bệnh nghề nghiệp.

Điều 23. Trình tự giải quyết hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp

1. Trường hợp đủ điều kiện quy định tại Điều 20 Nghị định này, người sử dụng lao động nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 22 Nghị định này cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, mang theo bản chính chứng từ thanh toán để đối chiếu với bản sao.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiến hành thẩm định hồ sơ, quyết định việc hỗ trợ theo Mẫu số 08 tại Phụ lục của Nghị định này và gửi quyết định (kèm theo dữ liệu danh sách hỗ trợ) cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Trường hợp không hỗ trợ thì phải trả lời bằng văn bản cho người sử dụng lao động hoặc người lao động nộp hồ sơ đề nghị và nêu rõ lý do.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định hỗ trợ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm chi trả kinh phí hỗ trợ chữa bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Trường hợp không chi trả thì phải trả lời bằng văn bản cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và nêu rõ lý do.

Mục 3. HỖ TRỢ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG LAO ĐỘNG

Điều 24. Điều kiện hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng lao động

Người lao động được hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng lao động theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 56 Luật An toàn, vệ sinh lao động khi có đủ các điều kiện sau:

1. Được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ định phục hồi chức năng lao động;

2. Suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

3. Đang tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật tại thời điểm bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Điều 25. Mức hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng lao động

1. Mức hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng lao động tối đa bằng 50% chi phí phục hồi chức năng lao động tính theo biểu giá phục hồi chức năng lao động tại thời điểm người lao động phục hồi chức năng lao động theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không vượt quá 3 triệu đồng/người/lượt.

2. Số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 02 lần và trong 01 năm chỉ được nhận hỗ trợ 01 lần.

Điều 26. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng lao động

1. Văn bản đề nghị hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng lao động cho người lao động theo Mẫu số 09 tại Phụ lục của Nghị định này.

2. Bản sao có chứng thực giấy chuyển viện đến đơn vị phục hồi chức năng lao động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp phải chuyển viện; đối với trường hợp bệnh viện có khoa phục hồi chức năng, bản sao có chứng thực bệnh án có nội dung chuyển bệnh nhân về khoa phục hồi chức năng.

3. Bản sao chứng từ thanh toán chi phí phục hồi chức năng, không bao gồm kinh phí cho trang thiết bị hỗ trợ phục hồi chức năng.

Điều 27. Trình tự giải quyết hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng cho người lao động

1. Người sử dụng lao động nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 26 Nghị định này cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, mang theo bản chính chứng từ thanh toán để đối chiếu với bản sao.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiến hành thẩm định hồ sơ, quyết định việc hỗ trợ theo Mẫu số 10 tại Phụ lục của Nghị định này và gửi quyết định (kèm theo dữ liệu danh sách hỗ trợ) cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Trường hợp không hỗ trợ thì phải trả lời bằng văn bản cho người sử dụng lao động và nêu rõ lý do.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định hỗ trợ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm chi trả kinh phí hỗ trợ phục hồi chức năng cho người lao động. Trường hợp không chi trả thì phải trả lời bằng văn bản cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và nêu rõ lý do.

Mục 4. HỖ TRỢ ĐIỀU TRA LẠI CÁC VỤ TAI NẠN LAO ĐỘNG, BỆNH NGHỀ NGHIỆP THEO YÊU CẦU CỦA CƠ QUAN BẢO HIỂM XÃ HỘI

Điều 28. Trường hợp được hỗ trợ kinh phí điều tra lại các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Các trường hợp được hỗ trợ kinh phí điều tra lại theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 56 Luật An toàn, vệ sinh lao động là các vụ tai nạn lao động và trường hợp bệnh nghề nghiệp được cơ quan có thẩm quyền tổ chức điều tra lại khi có yêu cầu của cơ quan bảo hiểm xã hội; không bao gồm các trường hợp khiếu nại, tố cáo thuộc trách nhiệm giải quyết của cơ quan quản lý nhà nước.

Điều 29. Mức hỗ trợ kinh phí và thời hạn điều tra lại các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

1. Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả 100% kinh phí chi cho việc điều tra lại các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định hiện hành bao gồm:

a) Công tác phí cho những người tham gia đoàn điều tra;

b) Chi phí thuê chuyên gia và phí trưng cầu giám định;

c) In ấn các tài liệu liên quan đến vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

2. Thời hạn điều tra lại các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp không quá 60 ngày, trừ trường hợp giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội và cơ quan có thẩm quyền tổ chức điều tra lại có thỏa thuận khác.

Điều 30. Hồ sơ hỗ trợ kinh phí điều tra lại các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

1. Văn bản của cơ quan Bảo hiểm xã hội đề nghị điều tra lại các vụ tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp; văn bản thỏa thuận về thời hạn điều tra (nếu có).

2. Quyết định thành lập đoàn điều tra tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp.

3. Biên bản điều tra lại các vụ tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp.

4. Bản chính chứng từ thanh quyết toán chứng minh chi phí cho việc điều tra theo quy định của pháp luật.

Điều 31. Trình tự hỗ trợ kinh phí điều tra lại các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

1. Cơ quan Bảo hiểm xã hội có văn bản đề nghị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền điều tra lại các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

2. Căn cứ vào đề nghị của cơ quan Bảo hiểm xã hội, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định thành lập đoàn điều tra tai nạn lao động, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thuộc ngành Y tế xem xét, quyết định thành lập đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp có sự tham gia của đại diện cơ quan Bảo hiểm xã hội.

3. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thành lập đoàn điều tra có trách nhiệm lập kế hoạch, dự toán kinh phí cần hỗ trợ gửi cơ quan bảo hiểm xã hội để tạm ứng tối đa 80% kinh phí điều tra.

4. Sau khi tiến hành điều tra lại, cơ quan quản lý nhà nước, có thẩm quyền thành lập đoàn điều tra quy định tại khoản 2 Điều này gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 30 Nghị định này về cơ quan bảo hiểm xã hội.

5. Cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm quyết toán kinh phí hỗ trợ điều tra lại các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ khi nhận được đủ hồ sơ hợp lệ.

Mục 5. HỖ TRỢ HUẤN LUYỆN AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG

Điều 32. Điều kiện hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động

Người sử dụng lao động được nhận kinh phí hỗ trợ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động quy định tại khoản 4 Điều 56 Luật An toàn, vệ sinh lao động khi có đủ các điều kiện sau:

1. Người sử dụng lao động có thời gian liên tục đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng đề nghị hỗ trợ huấn luyện từ đủ 12 tháng trở lên cho đến tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động.

2. Thuê tổ chức huấn luyện có đủ điều kiện theo quy định hoặc tự huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho đối tượng đề nghị hỗ trợ huấn luyện lần đầu hoặc huấn luyện định kỳ theo đúng quy định pháp luật hiện hành.

3. Thực hiện báo cáo định kỳ công tác an toàn, vệ sinh lao động, báo cáo tình hình tai nạn lao động của năm trước liền kề năm đề nghị cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 33. Nguyên tắc hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động

1. Đối tượng được hỗ trợ huấn luyện theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 56 của Luật An toàn, vệ sinh lao động gồm người quản lý phụ trách an toàn, vệ sinh lao động; người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động; người làm công tác y tế; an toàn vệ sinh viên và người làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.

2. Trường hợp người lao động làm việc cho nhiều người sử dụng lao động thì từng người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được nhận kinh phí hỗ trợ huấn luyện cho người lao động.

3. Chỉ hỗ trợ kinh phí huấn luyện đối với hoạt động huấn luyện đã hoàn thành trước thời điểm đề nghị hỗ trợ huấn luyện và không quá 01 năm trở về trước kể từ năm đề nghị hỗ trợ huấn luyện và người sử dụng lao động tham gia đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp liên tục cho người lao động từ thời điểm tổ chức huấn luyện đến thời điểm đề nghị hỗ trợ huấn luyện.

Điều 34. Mức hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động

Người sử dụng lao động được nhận kinh phí hỗ trợ tối đa một lần trong vòng 24 tháng với mức 70% chi phí huấn luyện thực tế cho từng đối tượng đủ điều kiện được hỗ trợ huấn luyện nhưng tối đa không quá mức dưới đây:

1. Hỗ trợ huấn luyện lần đầu:

a) Không quá 150.000 đồng/người với đối tượng được huấn luyện là an toàn vệ sinh viên;

b) Không quá 300.000 đồng/người với đối tượng được huấn luyện là người quản lý phụ trách an toàn, vệ sinh lao động và người làm công tác y tế;

c) Không quá 600.000 đồng/người với đối tượng là người làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động;

d) Không quá 700.000 đồng/người với đối tượng được huấn luyện là người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động.

2. Hỗ trợ huấn luyện định kỳ không quá 50% mức hỗ trợ huấn luyện lần đầu theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 35. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí huấn luyện

1. Văn bản đề nghị hỗ trợ huấn luyện theo Mẫu số 11 tại Phụ lục của Nghị định này.

2. Bản sao các hồ sơ, chứng từ chứng minh việc tổ chức huấn luyện theo quy định của pháp luật và các chi phí thực tế có liên quan đến việc huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho các đối tượng đề nghị hỗ trợ.

Điều 36. Trình tự giải quyết hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động

1. Người sử dụng lao động nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 35 Nghị định này cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo Mẫu số 11 tại Phụ lục của Nghị định này (kèm theo dữ liệu danh sách hỗ trợ), mang theo bản chính chứng từ thanh toán để đối chiếu với bản sao.

2. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiến hành thẩm định hồ sơ, quyết định việc hỗ trợ theo Mẫu số 12 tại Phụ lục của Nghị định này và gửi quyết định (kèm theo dữ liệu danh sách hỗ trợ) cho cơ quan Bảo hiểm xã hội. Trường hợp không hỗ trợ thì phải trả lời bằng văn bản cho người sử dụng lao động và nêu rõ lý do.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định hỗ trợ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm chi trả kinh phí hỗ trợ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người sử dụng lao động. Trường hợp không chi trả thì phải trả lời bằng văn bản cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và nêu rõ lý do.

4. Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc quyết toán kinh phí hỗ trợ huấn luyện và hướng dẫn cơ sở sản xuất, kinh doanh hạch toán nguồn kinh phí được hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.

Chương IV

KẾ HOẠCH KINH PHÍ HỖ TRỢ PHÒNG NGỪA, CHIA SẺ RỦI RO VÀ CHI PHÍ QUẢN LÝ BẢO HIỂM TAI NẠN LAO ĐỘNG, BỆNH NGHỀ NGHIỆP

Điều 37. Nguyên tắc giao kế hoạch và sử dụng kinh phí hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

1. Việc giao kế hoạch kinh phí hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro dựa trên nguyên tắc sau:

a) Địa phương chủ động xây dựng, đề xuất kế hoạch hỗ trợ;

b) Ưu tiên bố trí kinh phí để hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp, phục hồi chức năng lao động và hoạt động phòng ngừa cho những ngành, lĩnh vực có nguy cơ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo hướng dẫn hằng năm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

c) Ưu tiên địa phương, người sử dụng lao động ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý an toàn, vệ sinh lao động; chấp hành nghiêm chế độ báo cáo, thanh toán, quyết toán kinh phí theo quy định của pháp luật.

2. Việc sử dụng kinh phí hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro phải ưu tiên cho các hoạt động hỗ trợ chế độ khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp, phục hồi chức năng lao động và hoạt động điều tra lại tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Điều 38. Lập kế hoạch kinh phí hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

1. Hằng năm, trước ngày 01 tháng 6, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan liên quan dự kiến nhu cầu sử dụng kinh phí hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro và chi phí hoạt động quản lý về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của năm sau, lập kế hoạch đề xuất theo Mẫu số 13 tại Phụ lục của Nghị định này, gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để xem xét, quyết định.

2. Việc lập, phân bổ, giao dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán các khoản chi từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý tài chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Điều 39. Chi phí quản lý bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Chi phí quản lý bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 90 của Luật Bảo hiểm xã hội và quy định của pháp luật về quản lý tài chính đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Chương V

QUYỀN, TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC VÀ NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG

Điều 40. Trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

1. Quyết định và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch hỗ trợ của Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trên cơ sở đề nghị của các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và báo cáo của cơ quan bảo hiểm xã hội.

2. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức và hướng dẫn việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; bồi dưỡng, huấn luyện, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cải thiện điều kiện lao động trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

3. Tổng hợp kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, lập kế hoạch đề xuất việc giao kinh phí hỗ trợ và kinh phí quản lý cho các địa phương trên cơ sở dự toán thu của năm giao, thực chi của năm trước, tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và việc chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động ở địa phương.

4. Trước ngày 31 tháng 12 hằng năm, căn cứ mục tiêu phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các nhóm ngành, nghề, lĩnh vực cần ưu tiên hỗ trợ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản hướng dẫn các địa phương lập kế hoạch và triển khai các hoạt động hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

5. Thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

6. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.

7. Báo cáo định kỳ hằng năm và đột xuất với Chính phủ việc triển khai chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

8. Thực hiện và chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ứng dụng, hiện đại hóa công nghệ thông tin để đảm bảo việc tiếp nhận dữ liệu về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được chia sẻ từ cơ quan bảo hiểm xã hội và thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Điều 41. Trách nhiệm của Bộ Y tế

1. Phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

2. Chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức, thực hiện khám, điều trị bệnh nghề nghiệp; phục hồi chức năng lao động và điều tra bệnh nghề nghiệp theo yêu cầu của cơ quan bảo hiểm xã hội.

3. Chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra đảm bảo chất lượng khám, điều trị nghề nghiệp và phục hồi chức năng nghề nghiệp.

4. Giải quyết khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân về việc khám, điều trị nghề nghiệp và phục hồi chức năng lao động theo quy định của pháp luật.

Điều 42. Quyền và trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội

1. Quyền của cơ quan bảo hiểm xã hội

a) Kiểm tra việc đóng, hưởng các chế độ hỗ trợ đối với người lao động và người sử dụng lao động.

b) Kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách, pháp luật về hỗ trợ phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.

c) Yêu cầu điều tra lại các trường hợp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

d) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội

a) Tuyên truyền mở rộng các đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hướng dẫn thủ tục thanh toán kinh phí hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và phục hồi chức năng lao động.

b) Thực hiện chi trả kinh phí hỗ trợ theo các quyết định của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; kịp thời thông tin cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội khi phát hiện các hành vi gian lận, không bảo đảm đủ điều kiện hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp quy định tại Nghị định này.

c) Đảm bảo kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin điện tử về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội để thường xuyên cập nhật, chia sẻ các thông tin phục vụ việc lập kế hoạch, kiểm tra, thẩm định các hồ sơ đề nghị hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp quy định tại Nghị định này.

d) Quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động; lưu trữ các hồ sơ hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.

đ) Tổ chức thực hiện công tác thống kê, kế toán về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

e) Trước ngày 15 tháng 12 hằng năm, cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh tổng hợp kết quả thu, chi và tình hình chi trả kinh phí hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của cả năm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình thực hiện chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc theo Mẫu số 14 tại Phụ lục của Nghị định này.

g) Hằng năm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổng hợp kết quả thu, chi và tình hình chi trả kinh phí hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của năm trước và dự toán thu Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của năm báo cáo Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội, báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình thực hiện chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc; báo cáo Bộ Tài chính về tình hình quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc.

h) Giải quyết khiếu nại, tố cáo về việc thực hiện chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc.

i) Đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định thu hồi các khoản tiền hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi sai do thông tin phục vụ việc tra cứu, xem xét duyệt kinh phí hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp không chính xác, dẫn đến việc ban hành các quyết định.

k) Thực hiện trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Điều 43. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

1. Chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan dự kiến nhu cầu sử dụng kinh phí gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để xem xét, quyết định theo quy định tại khoản 1 Điều 38 của Nghị định này; tổ chức tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và quyết định việc hỗ trợ về kinh phí đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, khám bệnh nghề nghiệp, chữa bệnh nghề nghiệp, phục hồi chức năng lao động và huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động.

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; huấn luyện, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trên địa bàn, theo hướng dẫn hằng năm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng trong quá trình điều tra lại các vụ tai nạn lao động và phối hợp với ngành y tế điều tra bệnh nghề nghiệp theo yêu cầu của cơ quan bảo hiểm xã hội.

d) Trước ngày 30 tháng 01 hằng năm, công bố danh sách người sử dụng lao động gửi báo cáo an toàn, vệ sinh lao động, báo cáo tai nạn lao động về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; cập nhật danh sách người sử dụng lao động được nhận hỗ trợ (kèm theo danh sách người lao động được hỗ trợ), công bố trên cổng thông tin điện tử của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành quyết định hỗ trợ.

đ) Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trên địa bàn và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

e) Giải quyết khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.

g) Quyết định thu hồi các khoản tiền hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi phát hiện người sử dụng lao động, người lao động không đủ điều kiện được nhận hỗ trợ theo các quyết định tương ứng do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành quy định tại Chương III của Nghị định này.

h) Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; đảm bảo tiếp nhận các thông tin phục vụ việc tra cứu, xem xét duyệt kinh phí hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp quy định tại Nghị định này do cơ quan bảo hiểm xã hội chia sẻ.

i) Kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách, pháp luật về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

k) Báo cáo định kỳ hằng năm và đột xuất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật.

l) Hằng năm, chủ trì tổ chức cuộc họp đánh giá tình hình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ với cơ quan bảo hiểm xã hội địa phương.

m) Lưu giữ hồ sơ hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.

n) Thực hiện trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

2. Chỉ đạo Sở Y tế

a) Phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

b) Thực hiện quản lý khám, điều trị bệnh nghề nghiệp; phục hồi chức năng lao động trên địa bàn.

c) Phối hợp với các cơ quan chức năng trong quá trình điều tra lại các vụ tai nạn lao động theo yêu cầu của cơ quan bảo hiểm xã hội.

d) Giải quyết khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân về việc khám, chữa bệnh nghề nghiệp và phục hồi chức năng lao động theo quy định của pháp luật.

đ) Cung cấp tài liệu, thông tin liên quan về việc khám, điều trị nghề nghiệp và phục hồi chức năng lao động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

e) Thực hiện trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Điều 44. Trách nhiệm của người sử dụng lao động

1. Thực hiện đầy đủ trách nhiệm đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật.

2. Kịp thời lập hồ sơ đề nghị giải quyết các chế độ cho người lao động từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

3. Thực hiện chi trả đầy đủ các chế độ và khoản hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm xã hội cho người lao động.

4. Sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả kinh phí hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.

5. Hoàn trả phần tiền hưởng hỗ trợ vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi bị thu hồi theo quyết định của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quy định tại điểm i khoản 2 Điều 42điểm g khoản 1 Điều 43 của Nghị định này.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 45. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 9 năm 2020.

2. Người đang hưởng chế độ trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp điều trị xong, ra viện trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 thì vẫn thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ban hành trước ngày 01 tháng 01 năm 2016.

3. Nghị định số 37/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.

Điều 46. Điều khoản chuyển tiếp

1. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 30 tháng 6 năm 2016 trở về trước được tính là thời gian tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Nghị định này, trừ đối tượng chỉ tham gia vào quỹ hưu trí và tử tuất theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

2. Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng được áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.

Điều 47. Tổ chức thực hiện

1. Bộ trưởng các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn những nội dung được giao trong Nghị định.

2. Hằng năm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm báo cáo tình hình sử dụng Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an căn cứ chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức thực hiện Nghị định này, sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội.

4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp và tổ chức, cá nhân khác có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KGVX (2b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

THE GOVERNMENT
-------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No. 88/2020/ND-CP

Hanoi, July 28, 2020

 

DECREE

ELABORATING SOME ARTICLES OF THE LAW ON OCCUPATIONAL SAFETY AND HEALTH ON COMPULSORY INSURANCE FOR OCCUPATIONAL ACCIDENTS AND OCCUPATIONAL DISEASES

Pursuant to the Law on Government Organization dated June 19, 2015;

Pursuant to the Law on Occupational Safety and Health dated June 25, 2015;

Pursuant to the Law on Social Insurance dated November 20, 2014;

At the request of the Minister of Labor, War Invalids and Social Affairs;

The Government hereby promulgates a Decree to elaborate some Articles of the Law on Occupational Safety and Health on compulsory insurance for occupational accidents and occupational diseases.

Chapter I

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 1. Scope

This Decree elaborates some Articles the Law on Occupational Safety and Health on compulsory insurance for occupational accidents and occupational diseases covering employees who sign employment contracts with multiple employers; employees who contract an occupational disease after their retirement or no longer do the jobs posing risk of occupational diseases; assistance from the Occupational Accident and Occupational Disease Insurance Fund (hereinafter referred to as “the Insurance Fund”); management of the Insurance Fund; rights and responsibilities of relevant entities for providing compulsory occupational accident and disease insurance benefits.

Article 2. Regulated entities

1. Officials, public employees and employees specified in Points a, b, c, d, dd, e and h Clause 1 Article 2 of the Law on Social Insurance 2014 participating in compulsory occupational accident and disease insurance (hereinafter referred to as “employees”), consisting of:

a) Officials and public employees regulated in the law on officials and public employees;

b) Officers, non-commissioned officers of the people’s army; professional officers and enlistees and technical officers and enlistees of the people’s public security; cipher officers who are salaried like army personnel;

c) Enlistees and soldiers of the people's army; enlistees and soldiers on definite term service in the people’s public security; army, public security and cipher cadets who are entitled to subsistence allowance;

d) Defense workers, public security workers and persons doing other jobs in cipher organizations;

dd) Persons working under indefinite-term employment contracts and employments contracts with a fixed term of at least 03 months and persons working under employment contracts with a fixed term of from 01 month to less than 03 months. This point excludes domestic workers;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Employers prescribed in Clause 3 Article 2 of the Law on Social Insurance.

3. Entities involved in insurance for occupational accidents and occupational diseases.

Article 3. Definitions

For the purposes of this Decree, the terms below shall be construed as follows:

1. “occupational health facility” refers to a health facility that satisfies all conditions for occupational disease examination and treatment as prescribed by the law on medical examination and treatment.

2. “occupational rehabilitation” refers to a process of functional rehabilitation for the employees mentioned in this Decree.

3. “occupational rehabilitation facility” refers to a health facility that satisfies all conditions for providing functional rehabilitation services as prescribed by the law on medical examination and treatment.

4. “legitimate copy” refers to a copy from the master register or certified true copy from the original or a copy that has been compared with the original.

Chapter II

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 4. Occupational accident and disease insurance benefits for employees signing contracts with multiple employers

1. If employer who signs an employment contract with multiple employers as prescribed in Clause 2 Article 43 of the Law on Occupational Safety and Health and is a victim of an occupational accident or occupational disease, he/she will be provided with the following benefits by the Insurance Fund:

a) The benefits specified in Section 3 Chapter III of the Law on Occupational Safety and Health for the employees participating in compulsory insurance, including: Costs of assessing his/her occupational injury or disease; monthly or lump sum benefits; attendance benefits; assistance in living aids or orthopedic devices; convalescence and health rehabilitation benefits; insurance benefits in connection with his/her death due to the occupational accident; payment of health insurance premiums for the employee who takes leave and receives monthly occupational accident or occupational disease benefits;

b) Assistance in career change; occupational examination and treatment; occupational rehabilitation; provision of occupational safety and health training as specified in Chapter III hereof.

2. The salary as the basis for calculation of monthly or lump sum occupational accident or occupational disease benefits specified in Point a Clause 1 of this Article shall be determined as prescribed in Point d Clause 7 Article 11 hereof.

3. Applications, conditions and procedures for receiving occupational accident and disease insurance benefits for employees signing contracts with multiple employers are as follows:

a) Applications, conditions and procedures for receiving the benefits specified in Point a Clause 1 of this Article are specified in Articles 45, 46, 47, 48, 49, 50, 51, 52, 53, 54, 57, 58, 59, 60 and 61 of the Law on Occupational Safety and Health;

b) Conditions, applications and procedures for receiving the benefits specified in Point b Clause 1 of this Article are specified in Chapter III hereof.

4. The Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs shall provide specific guidelines for the method of calculating occupational accident or occupational disease benefits upon the first assessment, re-assessment and general assessment of the injury or disease caused by an occupational accident or occupational disease to an employee signing employments contract with multiple employers.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. An employee who has retired or resigned or worked for another employer and then suspects or finds symptoms of an occupational disease caused by his/her dangerous job which poses a risk of occupational disease may undergo a medical examination and assessment of his/her whole person impairment (WPI) caused by the occupational disease as follows:

a) The employee who has retired or resigned shall send a copy of his/her personal heath record to an occupational health facility for examination of the occupational disease (with an original for comparison). After the medical examination result is available, the occupational health facility shall complete the employee’s occupational disease record according to regulations of the Ministry of Health;

b) The employee who has worked for another employer shall send his/her personal health record to an occupational health facility for examination of the occupational disease. If the medical examination result shows that he/she contracts an occupational disease, the employee or his/her current employer shall prepare an occupational disease record based on the employee’s personal health record;

c) After having the occupational health record, the employee shall, on his/her own initiative, take a medical examination or requests the unit for which the employee has worked or is working to introduce a health facility for assessment of his/her WPI.

2. If the employee's record does not contain any data on the occupational environment monitoring at the time on which the employee was doing the job that pose a risk of occupational disease or the data on the occupational environment monitoring or the personal health record has been lost, before implementing the regulations set out in Clause 1 of this Article, the employee or his/her current employer shall send a written request for occupational disease verification to a competent health authority in compliance with guidelines of the Minister of Health.

If the competent health authority certifies that the employee has an occupational disease, the occupational health facility shall conduct a diagnosis and specify the certification given by such competent health authority in the occupational disease examination report.

3. If an employee contracts an occupational disease as prescribed in Clause 1 of this Article, the Insurance Fund shall provide the following benefits to the employee or his or her relatives:

a) The benefits specified in Section 3 Chapter III of the Law on Occupational Safety and Health for an employee participating in compulsory insurance, including: Costs of assessing his/her occupational injury or disease; monthly or lump sum benefits; attendance benefits; assistance in living aids or orthopedic devices; convalescence and health rehabilitation benefits; insurance benefits in connection with his/her death due to the occupational disease; payment of health insurance premiums for the employee who takes leave and receives monthly occupational disease benefits;

b) 100% of the costs of examination of the occupational disease determined on the basis of list of prices of occupational disease examination promulgated by Minister of Health at the time on which the employee had the occupational disease examination and after health insurance payout has been provided; the assistance is provided to each employee twice at the maximum and only once a year.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. An employee is entitled to the benefits specified in Clause 3 of this Article if the following conditions are met:

a) An occupational disease is discovered during the coverage period according to regulations of the Minister of Health;

b) He/she participated in compulsory social insurance during the period he/she did the job causing the occupational disease prescribed in Point a of this Clause;

c) He/she suffers from WPI of at least 5% due to the occupational disease, in the cases where the benefits specified in Point a Clause 3 of this Article may be provided. 

5. An application for occupational disease benefits in the case specified in Point a Clause 3 of this Article includes:

a) An application form made by the employee who has retired or resigned using the Form No. 01 in the Appendix hereof; or a written request made by the current employer using the form promulgated by the Vietnam Social Security if the employee who has worked for another employer;

b) A WPI assessment report prepared by the Medical Examination Council.

6. An application for costs of occupational disease examination or treatment in the case specified in Point b or c Clause 3 of this Article includes:

a) An application form made by the employee who has retired or resigned using the Form No. 02 in the Appendix hereof; or a written request made by the current employer according to Clause 1 Article 18 and Clause 2 Article 22 of this Decree if the employee has worked for another employer;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) A copy of the hospital discharge paper or copy of the medical record after the occupational disease treatment;

d) Originals of documents evidencing payment of costs of occupational disease examination or treatment.

7. Sequence of providing occupational disease benefits

a) If there is a sufficient application as prescribed in Clause 5 of this Article, the employee or his/her current employer shall submit it to the social security office for provision of benefits within the time limit specified in Article 59 of the Law on Occupational Safety and Health.

b) If there is a sufficient application as prescribed in Clause 6 of this Article, the employee or his/her current employer shall submit it to the Department of Labor, War Invalids and Social Affairs for provision of benefits according to the sequence specified in Clauses 2 and 3 Article 19 and Clauses 2 and 3 Article 23 of this Decree.

8. The period of entitlement to occupational disease benefits begins from the month in which a conclusion from the Medical Examination Council is given.

9. The Minister of Health shall provide professional guidelines for verifying an occupational disease in the case where the data on the occupational environment monitoring is not available or has been lost or the employee’s personal health record or medical record has been lost.

Article 6. Application for death benefits prescribed in Article 53 of the Law on Occupational Safety and Health for an employee having a traffic accident while performing a task or on the way to or from the working location

1. A social insurance book.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Declaration of the relatives and minutes of their meeting in the case of eligibility for the monthly death benefits but selection of lump sum death benefits.

4. An occupational accident investigation report.

Article 7. Application for occupational accident or occupational disease benefits for an employee undergoing a re-assessment after his/her injury or disease relapses

1. A social insurance book if the victim of the occupational accident or occupational disease has undergone an assessment but if his/her WPI is not qualified for benefits; a legitimate copy of the application for occupational accident or occupational disease benefits if the employee has received the occupational accident or occupational disease benefits

2. An occupational accident investigation report; in a case where the employee met with a traffic accident which was considered as an occupational accident, one of the following documents is required: a scene examination report, a traffic accident scene diagram or a traffic accident report of the police authority or military criminal investigating body if the employee’s treatment was done or if the employee was discharged from hospital before July 01, 2016 and the previous assessment stated that the employee’s WPI is not qualified for benefits.

3. Results of monitoring of the occupational environment if the employee’s treatment was done or if the employee was discharged from hospital before July 01, 2016 and the previous assessment stated that the employee’s WPI is not qualified for benefits.

4. The latest WPI assessment report given by Medical Examination Council, if the employee’s WPI was not qualified for benefits.

5. A report on re-assessment of employee’s WPI given by Medical Examination Council.

6. An indication provided by the health facility or orthopaedic and functional rehabilitation facility in accordance with regulations on supply of living aids and orthopaedic devices (if any).

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. A social insurance book; a legitimate copy of the application for occupational accident or occupational disease benefits if the employee has received the occupational accident or occupational disease benefits.

2. A hospital discharge paper or copy of the medical record after having been treated for the accident or disease on the last inpatient occasion.

3. An occupational accident investigation report; in a case where the employee met with a traffic accident which was considered as an occupational accident, one of the following documents is required: a scene examination report, a traffic accident scene diagram or a traffic accident report of the police authority or military criminal investigating body if the employee’s treatment was done or if the employee was discharged from hospital before July 01, 2016 but has not undergone a WPI assessment.

4. Results of monitoring of the occupational environment if the employee’s treatment was done or if the employee was discharged from hospital before July 01, 2016 but has not undergone a WPI assessment.

5. A report on general assessment of WPI given by Medical Examination Council; if the employee's previous WPI has not been qualified for benefits, such an assessment report is also required.

6. A claim on occupational accident or disease benefits made using the prescribed form as to the last occupational accident or disease; if the claim on benefits made for the previous occupational accident or disease has not been settled, a claim made by the unit in the place where the previous occupational accident or disease occurs is also required.

7. An indication provided by the health facility or orthopaedic and functional rehabilitation facility in accordance with regulations on supply of living aids and orthopaedic devices (if any).

Article 9. Days of leave for convalescence and health rehabilitation after injury or disease treatment

1. The number of days of leave for convalescence and health rehabilitation after injury or disease treatment specified in Article 54 of the Law on Occupational Safety and Health includes public holidays and weekends prescribed by the labor laws.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 10. Participation in the Insurance Fund

1. If an employee who is sent to study or for probation or to work domestically or overseas and still salaried or whose work is suspended or who is awaiting job but still salaried, he/she must still pay his/her insurance premiums to the Insurance Fund for the period of the employee's study, probation, working trip, work suspension or waiting for work.

2. If an employee meets with an occupational accident within the first month of payment of his/her insurance premiums to the Insurance Fund or within the first month of returning to work and payment of his/her insurance premiums to the Insurance Fund after the period of interruption of insurance premium payment due to termination of the employment contract, the employer must pay the insurance premiums to the Insurance Fund for such months.

3. While an employee has taken leave period due to an occupational accident or occupational disease for treatment and functional rehabilitation, his/her employer must pay full salary to the employee under the employment contract as prescribed in Clause 3 Article 38 of Law on Occupational Safety and Health.

4. The employer must full pay occupational accident or occupational disease insurance premiums, including the prescribed interests regarding an employee who is eligible for occupational accident and disease benefits or who terminates his/her employment contract or job contract to provide benefits to the employee in a timely manner.

Article 11. Period of time and monthly salary as the basis for calculation of occupational accident and disease benefits

1. The period of time as the basis for calculation of occupational accident or occupational disease benefits is total period of payment of insurance premiums to the Insurance Fund, except the overlapping period of different employment contracts over which insurance premiums are paid; if the period of insurance premium payment has intervals, they shall be accumulated; the period of time over which the employee held any of the titles prescribed in the Decree No. 09/1998/ND-CP dated January 23, 1998 before January 01, 1998 and was entitled to social insurance benefits shall be included in the period for calculation of occupational accident or occupational disease benefits.

2. For the period of time over which an employee takes leave and enjoys his/her sickness benefits as prescribed by the Law on Social insurance and over which an employee does not work or takes unpaid leave for at least 14 working days in a month, the employer is not required to pay insurance premiums to the Insurance Fund for such month and such month is not included in the period of time over which insurance premiums are paid to the Insurance Fund, except for the case specified in Clause 2 Article 3 hereof.

3. For the period of time over which an employee takes maternity leave as prescribed by the Law on Social insurance for at least 14 days in a month, the employer is not required to pay insurance premiums to the Insurance Fund, but that month is included in the period of time over which insurance premiums are paid to the Insurance Fund. To be specific:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) The period of time over which an employee received maternity benefits and terminated her employment contract or working contract or resigned before the time of childbirth or adoption of a child aged under 6 months under Clause 4 Article 31 of the Law on Social Insurance shall not be included in the period of time over which insurance premiums are paid to the Insurance Fund;

c) If a female employee goes back to work before expiry of her maternity leave as prescribed, the period of time over which the employee is entitled to maternity benefits beginning from the time off to the time of returning to work before expiry of her maternity leave shall be included in the period of time over which insurance premiums are paid to the Insurance Fund, from the time of returning to work before expiry of her maternity leave, the employee is still entitled to maternity benefits until expiry of the period mentioned in Clause 1 or Clause 3 Article 34 of the Law on Social Insurance and the employer is still required to pay insurance premiums to the Insurance Fund;

d) If a father or direct fosterer, intended parent who is entitled to maternity benefits does not take leave, the employer is still required to pay insurance premiums to the Insurance Fund.

4. If an employee is kept in temporary detention or is suspended from work, thereby resulting in suspension of participation in the Insurance Fund but if full premiums are then paid for the period of temporary detention or work suspension in accordance with regulations of the Law on Social Insurance, the period of payment of full premiums shall be included in the period of time over which such premiums were paid.

5. The insurance premium payment period that is taken to receive lump-sum social insurance payout shall not be included in the period of time as the basis for calculation of occupational accident and disease benefits.

6. The total number of years of payment of insurance premiums to the Insurance Fund shall be determined as follows:

a) If an employee meets with an occupational accident, the total number of years of payment of premiums to the Insurance Fund is determined until the month preceding the month of the occupational accident;

b) If an employee suffers from an occupational disease, the total number of years of payment of premiums to the Insurance Fund is determined until the month preceding the month of doing the job causing such occupational disease;

c) If an employee enters into employment contracts simultaneously with multiple employers, the overlapping period of different employment contracts over which insurance premiums are paid to the Insurance Fund shall not add up;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

7. Salary for payment of premiums into the Insurance Fund as the basis for calculation of occupational accident or disease benefits shall be determined as follows:

a) The salary is the monthly salary of the month immediately preceding the month in which the occupational accident occurred or the employ met with the occupational disease; if an employee meets with an occupational accident within the first month of payment of his/her insurance premiums to the Insurance Fund or meets with an occupational accident or suffers from an occupational disease within the first month of returning to work and payment of his/her insurance premiums to the Insurance Fund after the period of interruption of insurance premium payment due to termination of the employment contract, the salary as the basis for calculation of benefits shall be the salary of such month;

b) The salary is the salary of the last month in which premiums were paid to the Insurance Fund for a job causing the occupational disease in the case where the employee contracted the disease after retirement or after no longer working in the job posing a risk of occupational disease;

c) If an employee whose salary is paid by the State started to participating in social insurance before January 1, 2016, the monthly salary as the basis for calculation of benefits shall be determined according to the coefficient and allowance (if any) multiplied by (x) statutory pay rate at the time of entitlement to the allowance;

d) If an employee enters into employment contracts simultaneously with multiple employers, the salary as the basis for calculation of benefits is the sum of the salaries as basis for payment of insurance premiums to the Insurance Fund of all employment contracts in the month preceding the month of the last occupational accident or occupational disease but not exceeding 20 times the statutory pay rate.

Chapter III

ASSISTANCE IN CAREER CHANGE AND RISK PREVENTION AND RISK SHARING WITH RESPECT TO OCCUPATIONAL ACCIDENTS AND DISEASES

Section 1. ASSISTANCE IN CAREER CHANGE FOR VICTIMS OF OCCUPATIONAL ACCIDENTS AND DISEASES

Article 12. Conditions for receipt of assistance in career change for victims of occupational accidents and diseases upon their returning to work

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The employee suffers from WPI of at least 31% as a result of the occupational accident or occupational disease;

2. The employer offers the employee a new job under the management of the employer suitable for the employee’s health and expectation but the job requires vocational training before the change;

3. The employee is participating in occupational accident and occupational disease insurance in accordance with the law at the time of having the occupational accident or occupational disease.

Article 13. Level of assistance the power to decide assistance in career change

1. The tuition fees prescribed in Clause 2 Article 55 of the Law on Occupational Safety and Health are calculated on the basis of prices of vocational training services in accordance with regulations of the competent authority.

2. The Department of Labor, War Invalids and Social Affairs shall decide to provide assistance to each entity as follows:

a) The maximum assistance is 50% of the tuition fees but must not exceed 15 times the statutory pay rate;

b) The assistance is provided to each employee twice at the maximum and only once a year.

Article 14. Application for assistance in career change

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. A certified true copy of the WPI assessment report given by the Medical Examination Council.

3. Certified true copies of documents evidencing payment of tuition fees as prescribed.

Article 15. Sequence of providing assistance in career change

1. The employer shall submit 01 application prescribed in Article 14 hereof to the Department of Labor, War Invalids and Social Affairs.

2. Within 05 working days from the receipt of a valid and sufficient application, the Department of Labor, War Invalids and Social Affairs shall appraise it and issue a decision to provide assistance according to the Form No. 04 in the Appendix hereof and send the decision (enclosed with a list of employees receiving the assistance) to the social security office. In the case of refusal, a written explanation shall be provided to the applicant.

3. Within 05 working days from the receipt of the decision from the Department of Labor, War Invalids and Social Affairs, the social security office shall provide financial assistance in career change training to the employer. In the case of refusal, a written explanation shall be provided to the Department of Labor, War Invalids and Social Affairs.

Section 2. ASSISTANCE IN OCCUPATIONAL DISEASE EXAMINATION AND TREATMENT

Article 16. Conditions for receipt of financial assistance in occupational disease examination for employees

An employer shall be provided with financial assistance in occupational disease examination for an employee as prescribed in Article 55 of the Law on Occupational Safety and Health if the employee satisfies the following conditions:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The employee is diagnosed with an occupational disease by an occupational health facility.

Article 17. Level of financial assistance in occupational disease examination

1. The assistance is 50% of the costs of examination of the occupational disease determined on the basis of list of prices of occupational disease examination promulgated by Minister of Health at the time on which the employee had the occupational disease examination after health insurance payout has been provided, but the assistance must not exceed VND 800,000 per person per examination.

2. The assistance is provided to each employee twice at the maximum and only once a year.

Article 18. Application for financial assistance in occupational disease examination

1. An application form for financial assistance in occupational disease examination, which is made using the Form No. 05 in the Appendix hereof.

2. A certified true copy of the occupational disease record from the occupational health facility.

3. Copies of documents evidencing payment of costs of occupational disease examination.

Article 19. Sequence of providing financial assistance in occupational disease examination

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Within 05 working days from the receipt of a valid and sufficient application, the Department of Labor, War Invalids and Social Affairs shall appraise it and issue a decision to provide assistance according to the Form No. 06 in the Appendix hereof and send the decision (enclosed with a list of employees receiving the assistance) to the social security office. In the case of refusal, a written explanation shall be provided to the employer or employee who submitted the application.

3. Within 05 working days from the receipt of the decision from the Department of Labor, War Invalids and Social Affairs, the social security office shall provide financial assistance in occupational disease examination to the employer or employee. In the case of refusal, a written explanation shall be provided to the Department of Labor, War Invalids and Social Affairs.

Article 20. Conditions for receipt of financial assistance in occupational disease treatment for employees

An employer shall be provided with financial assistance in occupational disease treatment for an employee as prescribed in Point a Clause 2 Article 56 of the Law on Occupational Safety and Health if the employee satisfies the following conditions:

1. The employee is diagnosed with an occupational disease by an occupational health facility;

2. The employee has paid occupational accident and disease insurance premiums for at least 12 months and is still participating in such insurance up to the month immediately preceding the month of request for financial assistance;

3. The employee participated in compulsory social insurance during the period he/she did the job causing the occupational disease prescribed in Clause 1 of this Article.

Article 21. Level of financial assistance in occupational disease treatment

1. The assistance is 50% of the costs of treatment of the occupational disease determined on the basis of list of prices of occupational disease treatment promulgated by Minister of Health at the time on which the employee had the occupational disease treatment and after health insurance payout has been provided, but such assistance must not exceed VND 15,000,000 per person.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 22. Application for financial assistance in occupational disease treatment

1. An application form for financial assistance in occupational disease treatment, which is made using the Form No. 07 in the Appendix hereof.

2. A certified true copy of the document certifying the employee contracts an occupational disease from the occupational health facility.

3. A copy of the hospital discharge paper or copy of the medical record after the occupational disease treatment.

4. Copies of documents evidencing payment of costs of occupational disease treatment.

Article 23. Sequence of providing financial assistance in occupational disease treatment

1. If the conditions specified in Article 20 are satisfied, the employer shall submit 01 application prescribed in Article 22 hereof to the Department of Labor, War Invalids and Social Affairs, including the originals of documents evidencing payment for comparison purpose.

2. Within 05 working days from the receipt of a valid and sufficient application, the Department of Labor, War Invalids and Social Affairs shall appraise it and issue a decision to provide assistance according to the Form No. 08 in the Appendix hereof and send the decision (enclosed with a list of employees receiving the assistance) to the social security office. In the case of refusal, a written explanation shall be provided to the employer or employee.

3. Within 05 working days from the receipt of the decision from the Department of Labor, War Invalids and Social Affairs, the social security office shall provide financial assistance in occupational disease treatment to the employee. In the case of refusal, a written explanation shall be provided to the Department of Labor, War Invalids and Social Affairs.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 24. Conditions for financial assistance in occupational rehabilitation

An employee shall be provided with financial assistance in occupational rehabilitation as prescribed in Point b Clause 2 Article 56 of the Law on Occupational Safety and Health if the following conditions are satisfied:

1. A health facility has recommended occupational rehabilitation;

2. He/she suffers from WPI of at least 31% as a result of the occupational accident or occupational disease;

3. He/she is participating in occupational accident and occupational disease insurance in accordance with the law at the time of having the occupational accident or occupational disease.

Article 25. Level of financial assistance in occupational rehabilitation

1. The assistance is 50% of the costs of occupational rehabilitation determined on the basis of list of prices of occupational rehabilitation promulgated by Minister of Health at the time of occupational rehabilitation and after health insurance payout has been provided, but such assistance must not exceed VND 3,000,000 per person per time.

2. The assistance is provided to each employee twice at the maximum and only once a year.

Article 26. Application for financial assistance in occupational rehabilitation

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. In the case of referral between hospitals, a certified true copy of the referral letter from the hospital to the occupational rehabilitation unit of another health facility; in the case of a hospital that has a rehabilitation department, a certified true copy of the medical record stating that the patient is referred to the rehabilitation department.

3. Copies of documents evidencing payment of costs of occupational rehabilitation, excluding funding for rehabilitation equipment.

Article 27. Sequence of providing financial assistance in occupational rehabilitation to employees

1. The employer shall submit 01 application prescribed in Article 26 hereof to the Department of Labor, War Invalids and Social Affairs, including the originals of documents evidencing payment for comparison purpose.

2. Within 05 working days from the receipt of a valid and sufficient application, the Department of Labor, War Invalids and Social Affairs shall appraise it and issue a decision to provide assistance according to the Form No. 10 in the Appendix hereof and send the decision (enclosed with a list of employees receiving the assistance) to the social security office. In the case of refusal, a written explanation shall be provided to the applicant.

3. Within 05 working days from the receipt of the decision from the Department of Labor, War Invalids and Social Affairs, the social security office shall provide financial assistance in occupational rehabilitation to the employee. In the case of refusal, a written explanation shall be provided to the Department of Labor, War Invalids and Social Affairs.

Section 4. ASSISTANCE IN RE-INVESTIGATION INTO AN OCCUPATIONAL ACCIDENT OR OCCUPATIONAL DISEASE AT THE REQUEST OF THE SOCIAL SECURITY OFFICE

Article 28. Cases in which financial assistance is provided for re-investigation into an occupational accident or occupational disease

Financial assistance shall be provided as prescribed in Point c Clause 2 Article 56 of the Law on Occupational Safety and Health in the cases where a competent authority conducts a re-investigation into an occupational accident or occupational disease at the request of the social security office; except for the case of a complaint or denunciation which is settled by a regulatory authority.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The Insurance Fund shall pay 100% of the funding for re-investigation into an occupational accident or occupational disease in accordance with applicable regulations, including”

a) Travel expenses for persons joining the investigation team;

b) Costs of hiring experts and fees for expert examination;

c) Fees for printing documents concerning the occupational accident or occupational disease.

2. The time limit for re-investigating an occupational accident or occupational disease shall not exceed 60 days unless otherwise agreed upon between the social security office and the authority that has the power to organize the re-investigation.

Article 30. Application for financial assistance in re-investigation into an occupational accident or occupational disease

1. A written request for re-investigation submitted by the social security office; an agreement on time limit for re-investigation (if any).

2. A decision to establish the investigation team.

3. An occupational accident or occupational disease re-investigation report.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 31. Sequence of providing financial assistance in re-investigation into an occupational accident or occupational disease

1. A social security office shall submit a written request for re-investigation into an occupational accident or occupational disease to a competent authority.

2. Based on the request from the social security office, the labor authority shall consider deciding to establish an occupational accident investigation team or the health authority shall consider deciding to establish an occupational disease investigation team with participation by a representative of the social security office.

3. The authority that has the power to establish the investigation team shall prepare a plan and estimate of financial assistance and send them to the social security office to advance up to 80% of the funding for investigation.

4. After conducting the re-investigation, the authority that has the power to establish the investigation team as prescribed in Clause 2 of this Article shall send an application prescribed in Article 30 of this Decree to the social security office.

5. Within 07 working days from the receipt of a valid and sufficient application, the social security office shall provide financial assistance in re-investigation into the occupational accident or occupational disease.

Section 5. ASSISTANCE IN OCCUPATIONAL SAFETY AND HEALTH TRAINING

Article 32. Conditions for financial assistance in occupational safety and health training

An employer shall be provided with financial assistance in occupational safety and health training as prescribed in Clause 4 Article 56 of the Law on Occupational Safety and Health if the following conditions are satisfied:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The employer hires a qualified training organization as prescribed to provide occupational safety and health training or itself provides the training to employees for whom training assistance is requested for the first time or provides periodical training in accordance with applicable regulations of law.

3. The employer has submitted periodic reports on occupational safety and health work and reports on occurrences of occupational accidents of the year preceding the year of request to the Department of Labor, War Invalids and Social Affairs in accordance with law.

Article 33. Rules for providing financial assistance in occupational safety and health training

1. Persons entitled to assistance in training as prescribed in Point d Clause 2 Article 56 of the Law on Occupational Safety and Health include managers responsible for occupational safety and health; employees responsible for occupational safety and health work; health workers; occupational safety and health officers and employees doing work subject to strict occupational safety and health requirements.

2. If the employee works for multiple employers, each employer participating in occupational accident and disease insurance is entitled to receive financial assistance in provision of training to the employee.

3. The financial assistance shall be only provided for the training activities completed before the time of the request for assistance and not more than 01 year before the year of the request for assistance, and the employer has continuously paid occupational accident and disease insurance premiums for the employees from the time of training up to the time of the request for assistance.

Article 34. Level of financial assistance in occupational safety and health training

An employer is entitled to a maximum lump sum financial assistance within 24 months at a rate of 70% of the actual costs of training for each employee eligible for training assistance, but not exceeding the following:

1. Assistance in initial training:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Not exceeding VND 300,000 per person, for the person to be trained who is a manager responsible for occupational safety and health or a health worker;

c) Not exceeding VND 600,000 per person, for the person to be trained who does work subject to strict occupational safety and health requirements;

d) Not exceeding VND 700,000 per person, for the person to be trained who is a person responsible for doing occupational safety and health work.

2. The financial assistance in periodic training shall not exceed 50% of that in initial training prescribed in Clause 1 of this Article.

Article 35. Application for financial assistance in training

1. An application form for financial assistance in training, which is made using the Form No. 11 in the Appendix hereof.

2. Copies of files and documents proving the provision of training in accordance with law and actual costs incurred in connection with the occupational safety and health training for persons for whom training assistance is requested.

Article 36. Sequence of providing financial assistance in occupational safety and health training

1. The employer shall submit 01 application prescribed in Article 35 hereof to the Department of Labor, War Invalids and Social Affairs according to the Form No. 11 in the Appendix hereof (enclosed with a list of employees receiving the assistance), including the originals of documents evidencing payment for comparison purpose.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Within 05 working days from the receipt of the decision from the Department of Labor, War Invalids and Social Affairs, the social security office shall provide financial assistance in occupational safety and health training to the employer. In the case of refusal, a written explanation shall be provided to the Department of Labor, War Invalids and Social Affairs.

4. The Minister of Finance shall provide guidelines for providing financial assistance in training and instruct business establishments to do accounting for the financial assistance provided by the Insurance Fund in accordance with regulations of law.

Chapter IV

PLAN ON FINANCIAL ASSISTANCE IN RISK PREVENTION AND SHARING WITH RESPECT TO OCCUPATIONAL ACCIDENTS AND DISEASES AND EXPENSES FOR MANAGEMENT OF OCCUPATIONAL ACCIDENT AND DISEASE INSURANCE

Article 37. Rules for assigning a plan on and using financial assistance in risk prevention and sharing with respect to occupational accidents and diseases

1. A plan on financial assistance in risk prevention and sharing shall be assigned on the basis of the following rules:

a) The local government, on its own initiative, prepares and proses an assistance plan;

b) Priority is given to providing financial assistance in occupational disease examination and treatment, occupational rehabilitation and prevention activities aimed at sectors and fields at risk of occupational accidents and diseases under the guidance of the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs;

c) Priority is given to the application of information technology by the local government and employees to management of occupational safety and health; and their compliance with regulations on reporting and provision of financial assistance as prescribed by law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 38. Preparation of a plan on financial assistance in risk prevention and sharing with respect to occupational accidents and diseases

1. On an annual basis, before June 01, every Department of Labor, War Invalids and Social Affairs of province or central-affiliated city and relevant agencies shall forecast demands for use of financial assistance in career change and risk prevention and sharing and expenses for management of occupational accident and disease of the subsequent year and prepare a proposal plan according to the Form No. 13 in the Appendix hereof and send it to the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs for consideration and decision.

2. The making of estimate, allocation, management, use and provision of funds from the Insurance Fund shall comply with the Prime Minister’s regulations on regimes for financial management of social insurance, health insurance, unemployment insurance and expenses for management of social insurance, health insurance and unemployment insurance.

Article 39. Expenses for management of occupational accident and disease insurance

The expenses for management of occupational accident and disease insurance shall comply with Article 90 of the Law on Social Insurance and regulations of law on financial management of Vietnam Social Security.

Chapter V

RIGHTS AND RESPONSIBILITIES OF AUTHORITIES, ORGANIZATIONS AND EMPLOYERS

Article 40. Responsibilities of the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs

1. Decide and be responsible to the Prime Minister for the plan on assistance from the Insurance Fund on the basis of proposals from Departments of Labor, War Invalids and Social Affairs and reports of social security offices.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Consolidate results of implementation of policies on assistance from the Insurance Fund and prepare a plan to propose the allocation of financial assistance and management funding to local authorities on the basis of the revenue estimates of the year of allocation, actual expenditures of the previous year, occurrences of occupational accidents and diseases and compliance with the law on occupational safety and health by local authorities.

4. Before December 31, according to the objectives for occupational accident and disease prevention and control and groups of business lines and fields that need assistance, promulgate documents to instruct local authorities to prepare plans and carry out risk prevention and sharing with respect to occupational accidents and diseases.

5. Inspect and supervise implementation of policies and laws on occupational accident and disease insurance.

6. Settle complaints and denunciations on occupational accident and disease insurance in accordance with regulations of law.

7. Submit annual and ad hoc reports on implementation of policies on occupational accident and disease insurance to the Government.

8. Apply and modernize information technology and direct Departments of Labor, War Invalids and Social Affairs to do so with a view to ensuring that the data on occupational accident and disease insurance are shared by social security offices and carrying out electronic transactions in the field of occupational accident and disease insurance.

Article 41. Responsibilities of the Ministry of Health

1. Cooperate with relevant agencies in disseminating policies and laws on occupational accident and disease insurance.

2. Direct and provide instructions on occupational disease examination and treatment; occupational rehabilitation and investigation into occupational diseases at the request of social security offices.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Settle organizations and individuals’ complaints and denunciations about occupational disease examination and treatment and occupational rehabilitation.

Article 42. Rights and responsibilities of social security offices

1. Every social security office has the right to:

a) inspect the payment of premiums and enjoyment of benefits by employees and employers.

b) suggest competent authorities to prepare and amend regimes, policies and laws on assistance in prevention of occupational accidents and diseases; manage and use the Insurance Fund; impose or request competent authorities to impose penalties for violations against the law on occupational accident and disease insurance in accordance with law.

c) request re-investigation of occupational accidents and diseases.

d) Other rights prescribed by law.

2. Every social security office has the following responsibilities:

a) Encourage participation in occupational accidents and diseases; provide instructions on provision of financial assistance in occupational disease examination and treatment, occupational safety and health training and occupational rehabilitation.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Make sure that the system of electronic information and data on occupational accident and disease insurance is connected to labor authorities so as to regularly update and share information in service of formulation of plans, inspection and appraisal of applications for assistance in career change and risk prevention and sharing with respect to occupational accidents and diseases as prescribed in this Decree.

d) Manage and use the Insurance Fund; archive applications for assistance in career change and risk prevention and sharing with respect to occupational accidents and diseases in accordance with regulations of law.

dd) Organize production of statistics and accounting work regarding occupational accidents and diseases.

e) before December 15, the provincial social security office shall consolidate revenue and expenditure results and the payment of financial assistance from the Insurance Fund of the whole year and submit a report to the provincial People’s Committee on provision of compulsory occupational accident and disease insurance benefits according to the Form No. 14 in the Appendix hereof.

g) On an annual basis, Vietnam Social Security shall consolidate revenue and expenditure results and the payment of financial assistance from the Insurance Fund of the previous year and make a revenue estimate of the Insurance Fund in a year and submit reports to the Social Insurance Management Council and the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs on provision of compulsory occupational accident and disease insurance benefits; submit a report on management and use of the Compulsory Insurance Fund for Occupational Accidents and Diseases to the Ministry of Finance.

h) Settle complaints and denunciations about provision of compulsory occupational accident and disease insurance benefits.

i) Request Departments of Labor, War Invalids and Social Affairs to recover financial assistance that is provided improperly from the Insurance Fund because information serving search and approval for financial assistance in career change and risk prevention and sharing with respect to occupational accidents and diseases is incorrect.

k) Exercise other rights as prescribed by law.

Article 43. Responsibilities of People's Committees of provinces and central-affiliated cities

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) take charge and cooperate with relevant agencies in forecasting demands for use of financial assistance and send them to the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs for consideration and decision in accordance with Clause 1 Article 38 of this Decree; receive applications, appraise and decide the financial assistance in career change training, occupational disease examination and treatment, occupational rehabilitation and occupational safety and health training.

b) take charge and cooperate with relevant authorities in organizing and providing instructions on dissemination of policies and laws on occupational accidents and diseases; provide training and guidelines for implementation of measures to prevent and share risks related to occupational accidents and diseases within provinces under annual guidance of the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs.

c) take charge and cooperate with competent authorities in re-investigating occupational accidents and cooperate with health authorities in investigation into occupational diseases at the request of the social security office.

d) Before January 30, publish a list of employers submitting occupational safety and health reports and occupational accident reports to the Department of Labor, War Invalids and Social Affairs; update the list of employers receiving the assistance (enclosed with the list of employees entitled to the assistance), publish assistance decisions on the website of the Department of Labor, War Invalids and Social Affairs.

dd) inspect the implementation of the law on occupational accident and disease insurance within provinces and impose penalties for violations in accordance with law.

e) settle complaints and denunciations on occupational accident and disease insurance in accordance with law.

g) decide to recover financial assistance from the Insurance Fund if any employer or employee is found ineligible to receive assistance under decisions issued by Departments of Labor, War Invalids and Social Affairs as prescribed in Chapter III hereof.

h) apply information technology to management of occupational accident and disease insurance; receive information serving search and approval for financial assistance in assistance in career change and risk prevention and sharing with respect to occupational accidents and diseases prescribed in this Decree, which is shared by the social security office.

i) suggest competent authorities to prepare and amend regimes, policies and laws on occupational accident and disease insurance.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

l) On an annual basis, preside over a meeting on assessment of implementation of assistance policies with the local social security office.

m) archive applications for assistance in career change and risk prevention and sharing with respect to occupational accidents or diseases in accordance with regulations of law.

n) Exercise other rights as prescribed by law.

2. Direct Departments of Health to:

a) cooperate with relevant agencies in disseminating policies and laws on occupational accident and disease insurance.

b) manage occupational disease examination and treatment and occupational rehabilitation within provinces.

c) cooperate with competent authorities in re-investigating occupational accidents at the request of the social security office.

d) settle organizations and individuals’ complaints and denunciations about occupational disease examination and treatment and occupational rehabilitation in accordance with law.

dd) provide documents and information relating to occupational disease examination and treatment and occupational rehabilitation at the request of competent authorities.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 44. Responsibilities of employers

1. Fully pay occupational accident and disease insurance premiums for employees in accordance with law.

2. Promptly prepare applications for benefits provided from the Insurance Fund to employees.

3. Fully provide benefits and financial assistance from the Insurance Fund to employees.

4. Use financial assistance in risk prevention and sharing with respect to occupational accidents and diseases for intended purposes and in an effective manner under law.

5. Refund the recovered financial assistance to the Insurance Fund under decisions of the Department of Labor, War Invalids and Social Affairs specified in Point I Clause 2 Article 42 and Point g Clause 1 Article 43 hereof.

Chapter VI

IMPLEMENTATION CLAUSE

Article 45. Effect

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Persons who currently receive occupational accident or occupational disease benefits, and victims of occupational accident or occupational disease benefits who have finished their treatment and were discharged from hospital before July 01, 2016 shall be governed by regulations of the Law on Social Insurance 2014 and documents on guidelines for provision of occupational accident and disease benefits promulgated before January 01, 2016.

3. The Government's Decree No. 37/2016/ND-CP dated May 15, 2016 shall cease to have effect from the effective date of this Decree.

Article 46. Grandfather clauses

1. The period of payment of social insurance premiums from 30 June 2016 and earlier shall be considered as period of payment of insurance premiums for occupational accidents and occupational diseases as regulated in this Decree, except for persons who only make payment to the retirement and survivorship fund in accordance with the law on social insurance.

2. Employees working under employment contracts with a term of from 01 month to less than 03 months shall apply regulations herein as of January 01, 2018.

Article 47. Implementation

1. The Minister of Labor, War Invalids and Social Affairs, the Minister of Finance, the Minister of Health, and the Minister of Planning and Investment shall provide guidelines on the contents assigned to them in this Decree.

2. Vietnam Social Security shall submit annual reports on the use of Insurance Fund for Occupational Accidents and Occupational Diseases to the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs.

3. Minister of National Defense and Minister of Public Security shall, within their jurisdiction, instruct and organize the implementation of this Decree after obtaining the consent of Minister of Labor, War Invalids and Social Affairs.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

 

ON BEHALF OF THE GOVERNMENT
THE PRIME MINISTER




Nguyen Xuan Phuc

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 88/2020/NĐ-CP ngày 28/07/2020 hướng dẫn Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


130.608

DMCA.com Protection Status
IP: 18.220.85.96
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!