Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 39/2015/TT-BTC trị giá hải quan hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu

Số hiệu: 39/2015/TT-BTC Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Tài chính Người ký: Đỗ Hoàng Anh Tuấn
Ngày ban hành: 25/03/2015 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 39/2015/TT-BTC

Hà Nội, ngày 25 tháng 03 năm 2015

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ TRỊ GIÁ HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU

Căn cứ Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Quản lý thuế số 78/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012;

Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ số 36/2009/QH12 ngày 19 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Hiệp định thực hiện điều 7 Hiệp định chung về thuế quan và thương mại;

Căn cứ Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan;

Căn cứ Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuếLuật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng; nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan,

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Thông tư này quy định về trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

2. Đối tượng áp dụng: Tổ chức, cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, cơ quan hải quan, công chức hải quan và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Các từ ngữ sử dụng trong Thông tư này được hiểu như sau:

1. Hợp đồng mua bán hàng hóa là thỏa thuận mua bán hàng hóa được xác lập bằng văn bản hoặc các hình thức có giá trị tương đương văn bản bao gồm: điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu. Trong đó, người bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho người mua và nhận thanh toán; người mua có nghĩa vụ thanh toán cho người bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hóa theo thỏa thuận; hàng hóa được chuyển từ người bán sang người mua, qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam hoặc từ khu phi thuế quan vào thị trường nội địa hoặc từ thị trường nội địa vào khu phi thuế quan.

Người bán bao gồm người bán hàng hóa, người cung cấp dịch vụ.

2. Hoa hồng mua hàng là khoản tiền mà người mua trả cho đại lý đại diện của mình để mua hàng hóa nhập khẩu với mức giá hợp lý nhất.

3. Hoa hồng bán hàng là khoản tiền được trả cho đại lý đại diện cho người bán để bán hàng hóa xuất khẩu cho người mua.

4. Phí môi giới là khoản tiền người mua hoặc người bán hoặc cả người mua và người bán phải trả cho người môi giới để đảm nhận vai trò trung gian trong giao dịch mua bán hàng hóa nhập khẩu.

5. Phần mềm là các dữ liệu, chương trình hoặc hướng dẫn được thể hiện dưới dạng các lệnh, các mã, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác khi chuyển tải vào một thiết bị xử lý dữ liệu thì có khả năng làm thiết bị đó thực hiện được một công việc hoặc đạt được một kết quả cụ thể. Các sản phẩm âm thanh, phim hoặc hình ảnh không được coi là phần mềm theo quy định này.

6. Phương tiện trung gian là đĩa mềm, đĩa CD, đĩa DVD, băng từ, thẻ từ, ổ cứng ngoài hoặc bất kỳ vật thể nào lưu giữ được thông tin, được sử dụng như một phương tiện lưu giữ tạm thời hoặc để chuyển tải phần mềm. Để sử dụng, phần mềm được chuyển, cài đặt hoặc tích hợp vào thiết bị xử lý dữ liệu. Phương tiện trung gian không bao gồm các mạch tích hợp, vi mạch, bán dẫn và các thiết bị tương tự hoặc các bộ phận gắn vào các bảng mạch hoặc thiết bị đó.

7. Hàng hóa có trị giá được coi là “xấp xỉ” với nhau nếu sự chênh lệch giữa chúng do các yếu tố khách quan sau đây tác động đến:

a) Bản chất của hàng hóa, tính chất của ngành sản xuất ra hàng hóa;

b) Tính thời vụ của hàng hóa;

c) Sự khác biệt không đáng kể về mặt thương mại.

Trong khi xem xét tính xấp xỉ của hai trị giá phải đưa chúng về cùng điều kiện mua bán.

8. Hàng hóa xuất khẩu giống hệt là những hàng hóa xuất khẩu giống nhau về mọi phương diện, bao gồm:

a) Đặc điểm vật chất gồm bề mặt sản phẩm, vật liệu cấu thành, phương pháp chế tạo, chức năng, mục đích sử dụng, tính chất cơ, lý, hóa;

b) Chất lượng sản phẩm;

c) Nhãn hiệu sản phẩm;

d) Được sản xuất tại Việt Nam, bởi cùng một nhà sản xuất hoặc nhà sản xuất được ủy quyền, nhượng quyền.

9. Hàng hóa nhập khẩu giống hệt là những hàng hóa nhập khẩu giống nhau về mọi phương diện, bao gồm:

a) Đặc điểm vật chất gồm bề mặt sản phẩm, vật liệu cấu thành, phương pháp chế tạo, chức năng, mục đích sử dụng, tính chất cơ, lý, hóa, có cùng mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam;

b) Chất lượng sản phẩm;

c) Nhãn hiệu sản phẩm;

d) Được sản xuất ở cùng một nước, bởi cùng một nhà sản xuất hoặc nhà sản xuất được ủy quyền, nhượng quyền.

Hàng hóa nhập khẩu về cơ bản giống nhau mọi phương diện nhưng có những khác biệt không đáng kể về bề ngoài như màu sắc, kích cỡ, kiểu dáng mà không làm ảnh hưởng đến trị giá của hàng hóa thì vẫn được coi là hàng hóa nhập khẩu giống hệt.

Hàng hóa nhập khẩu không được coi là giống hệt nếu như trong quá trình sản xuất ra hàng hóa đó có sử dụng các thiết kế kỹ thuật, thiết kế thi công, kế hoạch triển khai, thiết kế mỹ thuật, bản vẽ thiết kế, các sơ đồ, phác đồ hay các sản phẩm dịch vụ tương tự được làm ra ở Việt Nam do người mua cung cấp miễn phí cho người bán.

10. Hàng hóa xuất khẩu tương tự là những hàng hóa mặc dù không giống nhau về mọi phương diện nhưng có các đặc trưng cơ bản giống nhau, bao gồm:

a) Được làm từ các nguyên liệu, vật liệu tương đương, có cùng phương pháp chế tạo;

b) Có cùng chức năng, mục đích sử dụng;

c) Chất lượng sản phẩm tương đương nhau;

d) Có thể hoán đổi cho nhau trong giao dịch thương mại, tức là người mua chấp nhận thay thế hàng hóa này cho hàng hóa kia;

đ) Được sản xuất tại Việt Nam, bởi cùng một nhà sản xuất hoặc nhà sản xuất khác được ủy quyền, nhượng quyền.

11. Hàng hóa nhập khẩu tương tự là những hàng hóa mặc dù không giống nhau về mọi phương diện nhưng có các đặc trưng cơ bản giống nhau, bao gồm:

a) Được làm từ các nguyên liệu, vật liệu tương đương, có cùng phương pháp chế tạo;

b) Có cùng chức năng, mục đích sử dụng;

c) Chất lượng sản phẩm tương đương nhau;

d) Có thể hoán đổi cho nhau trong giao dịch thương mại, tức là người mua chấp nhận thay thế hàng hóa này cho hàng hóa kia;

đ) Được sản xuất ở cùng một nước, bởi cùng một nhà sản xuất hoặc nhà sản xuất khác được ủy quyền, nhượng quyền, được nhập khẩu vào Việt Nam.

Những hàng hóa nhập khẩu không được coi là tương tự, nếu như trong quá trình sản xuất ra một trong những hàng hóa đó có sử dụng các thiết kế kỹ thuật, thiết kế thi công, thiết kế mỹ thuật, kế hoạch triển khai, bản vẽ thiết kế, các sơ đồ, phác đồ hay các sản phẩm dịch vụ tương tự được làm ra ở Việt Nam do người mua cung cấp miễn phí hoặc giảm giá cho người bán.

12. Ngày xuất khẩu là ngày phát hành vận đơn. Trường hợp không có vận đơn, ngày xuất khẩu là ngày đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu hàng hóa.

13. Hàng hóa nhập khẩu cùng phẩm cấp hay cùng chủng loại là những hàng hóa có cùng xuất xứ, nằm trong cùng một nhóm hoặc một tập hợp nhóm hàng hóa do cùng một ngành hay một lĩnh vực cụ thể sản xuất ra. Hàng hóa nhập khẩu giống hệt, hàng hóa nhập khẩu tương tự là những hàng hóa cùng chủng loại.

Ví dụ: Chủng loại thép xây dựng như thép trơn tròn, thép xoắn, thép hình (chữ U, I, V) do ngành sản xuất thép sản xuất ra, là những hàng hóa cùng chủng loại.

a) Trong phương pháp xác định trị giá hải quan theo trị giá khấu trừ “hàng hóa nhập khẩu cùng phẩm cấp hay cùng chủng loại” là hàng hóa nhập khẩu từ tất cả các nước vào Việt Nam, không phân biệt xuất xứ;

b) Trong phương pháp xác định trị giá hải quan theo trị giá tính toán “hàng hóa nhập khẩu cùng phẩm cấp hay cùng chủng loại” phải là những hàng hóa nhập khẩu có cùng xuất xứ với hàng hóa đang xác định trị giá hải quan.

14. Số liệu khách quan, định lượng được là số liệu cụ thể của các khoản điều chỉnh cộng, khoản điều chỉnh trừ liên quan đến hàng hóa nhập khẩu đang xác định trị giá hải quan được thể hiện trong thỏa thuận hoặc chứng từ, tài liệu của các bên tham gia giao dịch.

Điều 3. Quyền và nghĩa vụ của người khai hải quan; trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan hải quan

1. Người khai hải quan tự kê khai, tự xác định trị giá hải quan theo các nguyên tắc và phương pháp xác định trị giá hải quan quy định tại Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23 tháng 6 năm 2014, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan và Thông tư này; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, tính trung thực của các nội dung kê khai và kết quả tự xác định trị giá hải quan; nộp, xuất trình các chứng từ, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan hải quan, việc nộp các chứng từ, tài liệu thực hiện theo quy định tại Điều 3 Thông tư quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; tham vấn để trao đổi, làm rõ nghi vấn của cơ quan hải quan liên quan đến trị giá khai báo; yêu cầu cơ quan hải quan thông báo bằng văn bản về trị giá tính thuế, cơ sở, phương pháp được sử dụng để xác định trị giá hải quan trong trường hợp trị giá hải quan do cơ quan hải quan xác định.

2. Khi kiểm tra việc khai báo và xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của người khai hải quan, cơ quan hải quan có quyền yêu cầu người khai hải quan nộp, xuất trình các chứng từ, tài liệu có liên quan đến phương pháp xác định trị giá khai báo theo quy định tại Thông tư này để chứng minh tính chính xác, tính trung thực của trị giá khai báo;

3. Cơ quan hải quan xác định trị giá hải quan căn cứ nguyên tắc, các phương pháp xác định trị giá hải quan, cơ sở dữ liệu trị giá, các tài liệu, chứng từ có liên quan quy định tại Thông tư này trong các trường hợp sau:

a) Người khai hải quan không xác định được trị giá hải quan theo các phương pháp quy định tại Thông tư này;

b) Trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 5 Điều 17 Thông tư này.

Chương II

XÁC ĐỊNH TRỊ GIÁ HẢI QUAN

Mục I: NGUYÊN TẮC, PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH TRỊ GIÁ HẢI QUAN

Điều 4. Nguyên tắc và phương pháp xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu

1. Nguyên tắc: Trị giá hải quan là giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất không bao gồm phí bảo hiểm quốc tế (I), phí vận tải quốc tế (F), được xác định theo các phương pháp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Phương pháp xác định:

a) Giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất được xác định trên cơ sở giá bán ghi trên hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc các hình thức có giá trị pháp lý tương đương hợp đồng mua bán hàng hóa, hóa đơn thương mại và các chứng từ liên quan phù hợp với hàng hóa thực xuất khẩu;

b) Trường hợp không xác định được trị giá hải quan theo quy định tại điểm a khoản này, trị giá hải quan là trị giá của hàng hóa xuất khẩu giống hệt, tương tự trong cơ sở dữ liệu trị giá tại thời điểm gần nhất so với ngày đăng ký tờ khai xuất khẩu của hàng hóa đang xác định trị giá, sau khi quy đổi về giá bán tính đến cửa khẩu xuất. Trường hợp tại cùng thời điểm xác định được từ hai trị giá của hàng hóa xuất khẩu giống hệt, tương tự trở lên thì trị giá hải quan là trị giá của hàng hóa xuất khẩu giống hệt, tương tự thấp nhất.

Điều 5. Nguyên tắc và phương pháp xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu

1. Nguyên tắc: Trị giá hải quan là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên, được xác định theo các phương pháp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Phương pháp xác định: Giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên được xác định bằng cách áp dụng tuần tự sáu phương pháp xác định trị giá hải quan quy định tại Điều 6, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12 Thông tư này và dừng ngay ở phương pháp xác định được trị giá hải quan. Các phương pháp xác định trị giá hải quan bao gồm:

a) Phương pháp trị giá giao dịch;

b) Phương pháp trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu giống hệt;

c) Phương pháp trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu tương tự;

d) Phương pháp trị giá khấu trừ;

đ) Phương pháp trị giá tính toán;

e) Phương pháp suy luận.

Trường hợp người khai hải quan đề nghị bằng văn bản thì trình tự áp dụng phương pháp trị giá khấu trừ và phương pháp trị giá tính toán có thể hoán đổi cho nhau.

Điều 6. Phương pháp trị giá giao dịch

1. Trị giá giao dịch là giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán cho hàng hóa nhập khẩu sau khi đã được điều chỉnh theo quy định tại Điều 13 và Điều 15 Thông tư này.

2. Giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán cho hàng hóa nhập khẩu là tổng số tiền mà người mua đã thanh toán hoặc sẽ phải thanh toán, trực tiếp hoặc gián tiếp cho người bán để mua hàng hóa nhập khẩu. Bao gồm các khoản sau đây:

a) Giá mua ghi trên hóa đơn thương mại;

b) Các khoản điều chỉnh theo quy định tại Điều 13 và Điều 15 Thông tư này;

c) Các khoản tiền người mua phải trả nhưng chưa tính vào giá mua ghi trên hóa đơn thương mại, bao gồm:

c.1) Tiền trả trước, tiền ứng trước, tiền đặt cọc cho việc sản xuất, mua bán, vận tải, bảo hiểm hàng hóa;

c.2) Các khoản thanh toán gián tiếp cho người bán (ví dụ như: khoản tiền mà người mua trả cho người thứ ba theo yêu cầu của người bán; khoản tiền được thanh toán bằng cách cấn trừ nợ).

3. Trị giá giao dịch được áp dụng nếu thỏa mãn đủ các điều kiện sau:

a) Người mua không bị hạn chế quyền định đoạt hoặc sử dụng hàng hóa sau khi nhập khẩu, trừ các hạn chế dưới đây:

a.1) Hạn chế do pháp luật Việt Nam quy định như: Các quy định về việc hàng hóa nhập khẩu phải dán nhãn mác bằng tiếng Việt, hàng hóa nhập khẩu có điều kiện, hoặc hàng hóa nhập khẩu phải chịu một hình thức kiểm tra trước khi được thông quan;

a.2) Hạn chế về nơi tiêu thụ hàng hóa;

a.3) Hạn chế khác không ảnh hưởng đến trị giá của hàng hóa. Những hạn chế này là một hoặc nhiều yếu tố có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến hàng hóa nhập khẩu, nhưng không làm tăng hoặc giảm giá thực thanh toán cho hàng hóa đó.

Ví dụ: Người bán ô tô yêu cầu người mua ô tô không được bán hoặc trưng bày ô tô nhập khẩu trước thời điểm giới thiệu mẫu ô tô này ra thị trường.

b) Giá cả hoặc việc bán hàng không phụ thuộc vào những điều kiện hay các khoản thanh toán mà vì chúng không xác định được trị giá của hàng hóa cần xác định trị giá hải quan.

Ví dụ: Người bán định giá bán hàng hóa nhập khẩu với điều kiện là người mua cũng sẽ mua một số lượng nhất định các hàng hóa khác nữa; Giá cả của hàng hóa nhập khẩu phụ thuộc vào giá của hàng hóa khác mà người nhập khẩu sẽ bán lại cho người xuất khẩu.

Trường hợp việc mua bán hàng hóa hay giá cả của hàng hóa phụ thuộc vào một hay một số điều kiện, nhưng người mua có tài liệu khách quan để xác định mức độ ảnh hưởng bằng tiền của sự phụ thuộc đó thì vẫn được xem là đã đáp ứng điều kiện này; khi xác định trị giá hải quan phải cộng khoản tiền được giảm do ảnh hưởng của sự phụ thuộc đó vào trị giá giao dịch.

c) Sau khi bán lại, chuyển nhượng hoặc sử dụng hàng hóa nhập khẩu, trừ khoản phải cộng quy định tại điểm e khoản 2 Điều 13 Thông tư này, người mua không phải trả thêm bất kỳ khoản tiền nào từ số tiền thu được do việc định đoạt hàng hóa nhập khẩu mang lại;

d) Người mua và người bán không có mối quan hệ đặc biệt hoặc nếu có thì mối quan hệ đặc biệt đó không ảnh hưởng đến trị giá giao dịch theo quy định tại Điều 7 Thông tư này.

4. Xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu có chứa phần mềm

a) Trị giá hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu là phương tiện trung gian có chứa phần mềm là trị giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán cho hàng hóa nhập khẩu, không bao gồm trị giá của phần mềm dùng cho các thiết bị xử lý dữ liệu mà nó chứa đựng nếu trên hóa đơn thương mại, trị giá của phần mềm được tách riêng với trị giá của phương tiện trung gian;

b) Trị giá hải quan là trị giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán cho hàng hóa nhập khẩu bao gồm cả trị giá phần mềm và chi phí để ghi hoặc cài đặt phần mềm vào hàng hóa nhập khẩu, nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

b.1) Trên hóa đơn thương mại, trị giá của phần mềm không được tách riêng với trị giá của phương tiện trung gian;

b.2) Trị giá thực thanh toán hay sẽ phải thanh toán cho phần mềm có liên quan đến các khoản điều chỉnh cộng theo quy định tại Điều 13 Thông tư này;

b.3) Phần mềm được ghi, cài đặt hoặc tích hợp trong các hàng hóa nhập khẩu không phải là phương tiện trung gian.

5. Chứng từ, tài liệu để xác định trị giá theo phương pháp này bao gồm:

a) Hợp đồng mua bán hàng hóa;

b) Chứng từ, tài liệu chứng minh mối quan hệ đặc biệt không ảnh hưởng đến trị giá giao dịch (nếu khai có mối quan hệ đặc biệt nhưng mối quan hệ đặc biệt không ảnh hưởng đến trị giá giao dịch);

c) Chứng từ, tài liệu chứng minh các khoản tiền người mua phải trả nhưng chưa tính vào giá mua ghi trên hóa đơn thương mại (nếu có khoản tiền này);

d) Chứng từ, tài liệu chứng minh các khoản, điều chỉnh cộng (nếu có khoản điều chỉnh cộng);

đ) Chứng từ, tài liệu chứng minh các khoản điều chỉnh trừ (nếu có khoản điều chỉnh trừ);

e) Chứng từ, tài liệu khác chứng minh việc xác định trị giá hải quan theo trị giá giao dịch do người khai hải quan khai báo.

Điều 7. Mối quan hệ đặc biệt

1. Người mua và người bán có mối quan hệ đặc biệt nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Cùng là nhân viên hoặc một người là nhân viên, người kia là giám đốc trong doanh nghiệp khác;

b) Cùng là những thành viên hợp danh góp vốn trong kinh doanh được pháp luật công nhận;

c) Là chủ và người làm thuê;

d) Người bán có quyền kiểm soát người mua hoặc ngược lại;

đ) Cùng bị một bên thứ ba kiểm soát;

e) Cùng kiểm soát một bên thứ ba;

Một người có quyền kiểm soát người khác quy định tại các điểm d, đ, e khoản này là người có thể hạn chế được hay chỉ đạo được một cách trực tiếp hoặc gián tiếp đối với người kia.

g) Có một trong các mối quan hệ gia đình: Vợ chồng, bố mẹ và con cái được pháp luật công nhận, ông bà và cháu có quan hệ huyết thống với nhau, cô chú bác và cháu ruột, anh chị em ruột, anh chị em dâu, rể;

h) Một người thứ ba sở hữu, kiểm soát hoặc nắm giữ từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của cả hai bên;

i) Các bên liên kết với nhau trong kinh doanh, trong đó một bên là đại lý độc quyền, nhà phân phối độc quyền hoặc nhà chuyển nhượng độc quyền của bên kia được coi là có mối quan hệ đặc biệt nếu như mối quan hệ đó phù hợp với quy định một trong các điểm từ điểm a đến điểm h trên đây.

2. Mối quan hệ đặc biệt giữa người mua và người bán không ảnh hưởng đến trị giá giao dịch nếu thỏa mãn một trong hai điều kiện sau:

a) Giao dịch mua bán giữa người mua và người bán được tiến hành như giao dịch mua bán với những người mua không có mối quan hệ đặc biệt với người bán cùng nhập khẩu hàng hóa đó về Việt Nam. Cơ quan hải quan phải tiến hành kiểm tra cách thức mà người mua và người bán thiết lập mối quan hệ mua bán và cách thức đàm phán để đạt được mức giá khai báo, từ đó đưa ra kết luận là trị giá khai báo có bị ảnh hưởng bởi mối quan hệ đặc biệt hay không;

Ví dụ:

- Giá mua bán hàng hóa nhập khẩu được đàm phán và thống nhất trong hợp đồng thương mại theo cách thức phù hợp với thông lệ đàm phán, thỏa thuận giá cả thông thường của ngành hàng đó hoặc theo cách mà người bán đưa ra giá mua bán hàng hóa cho những người mua không có quan hệ đặc biệt khác.

- Giá mua bán hàng hóa nhập khẩu bao gồm cả chi phí và lợi nhuận chung, tương ứng với chi phí và lợi nhuận chung của việc bán hàng hóa cùng phẩm cấp hay cùng chủng loại.

b) Trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu xấp xỉ với một trong những trị giá dưới đây của lô hàng được xuất khẩu đến Việt Nam trong cùng ngày hoặc trong khoảng thời gian 60 ngày trước hoặc 60 ngày sau ngày xuất khẩu lô hàng đang chứng minh:

b.1) Trị giá hải quan được xác định theo phương pháp trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu giống hệt hay tương tự được bán cho người nhập khẩu khác không có mối quan hệ đặc biệt với người xuất khẩu (người bán);

b.2) Trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu giống hệt hay tương tự được xác định theo phương pháp trị giá khấu trừ quy định tại Điều 10 Thông tư này;

b.3) Trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu giống hệt hay tương tự được xác định theo phương pháp trị giá tính toán quy định tại Điều 11 Thông tư này.

3. Những trị giá hải quan quy định tại điểm b khoản 2 Điều này chỉ nhằm mục đích so sánh và phải điều chỉnh trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu giống hệt, hàng hóa nhập khẩu tương tự về cùng điều kiện mua bán với hàng hóa nhập khẩu đang chứng minh:

a) Điều chỉnh về cùng điều kiện mua bán: Việc điều chỉnh trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu giống hệt, tương tự về cùng điều kiện mua bán với lô hàng đang chứng minh được thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 9 Thông tư này hoặc;

b) Điều chỉnh các khoản phải cộng, các khoản phải trừ theo quy định tại Điều 13 và Điều 15 Thông tư này.

4. Thủ tục khai báo, kiểm tra:

a) Tại thời điểm đăng ký tờ khai, trường hợp người mua và người bán có mối quan hệ đặc biệt nhưng không ảnh hưởng đến trị giá giao dịch thì người khai hải quan phải khai trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu và tờ khai trị giá hải quan đối với trường hợp phải khai tờ khai trị giá hải quan;

b) Trên cơ sở những thông tin có sẵn, trường hợp nghi vấn mối quan hệ đặc biệt có ảnh hưởng đến trị giá giao dịch, cơ quan hải quan thông báo và tổ chức đối thoại để người khai hải quan giải trình và cung cấp thêm thông tin có liên quan đến mối quan hệ đặc biệt đó, nhằm làm rõ mối quan hệ đặc biệt giữa người mua và người bán không ảnh hưởng đến trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu quy định tại Khoản 2 Điều này.

Điều 8. Phương pháp trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu giống hệt

1. Trường hợp áp dụng: Nếu không xác định được trị giá hải quan theo phương pháp trị giá giao dịch quy định tại Điều 6 Thông tư này thì trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu được xác định theo phương pháp trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu giống hệt.

2. Phương pháp trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu giống hệt được thực hiện như quy định tại Điều 9 Thông tư này, trong đó cụm từ “hàng hóa nhập khẩu tương tự” được thay thế bằng cụm từ “hàng hóa nhập khẩu giống hệt”.

Điều 9. Phương pháp trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu tương tự

1. Trường hợp áp dụng: Nếu không xác định được trị giá hải quan theo các phương pháp quy định tại Điều 6 và Điều 8 Thông tư này thì trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu được xác định theo phương pháp trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu tương tự, với điều kiện hàng hóa nhập khẩu tương tự đã được cơ quan hải quan chấp nhận xác định trị giá hải quan theo phương pháp trị giá giao dịch và có cùng các điều kiện mua bán, điều kiện về thời gian xuất khẩu với hàng hóa nhập khẩu đang xác định trị giá hải quan theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Trường hợp không tìm được lô hàng nhập khẩu tương tự có cùng điều kiện mua bán với lô hàng nhập khẩu đang được xác định trị giá hải quan thì lựa chọn lô hàng nhập khẩu tương tự khác về điều kiện mua bán, nhưng phải được điều chỉnh về cùng điều kiện mua bán.

2. Điều kiện lựa chọn lô hàng nhập khẩu tương tự: Lô hàng nhập khẩu tương tự được lựa chọn nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Điều kiện về thời gian xuất khẩu:

Lô hàng nhập khẩu tương tự phải được xuất khẩu đến Việt Nam vào cùng ngày hoặc trong khoảng thời gian 60 ngày trước hoặc 60 ngày sau ngày xuất khẩu với hàng hóa nhập khẩu đang được xác định trị giá hải quan.

b) Điều kiện mua bán:

b.1) Điều kiện về cấp độ thương mại và số lượng:

b.1.1) Lô hàng nhập khẩu tương tự phải có cùng điều kiện về cấp độ thương mại và số lượng với lô hàng nhập khẩu đang được xác định trị giá hải quan;

b.1.2) Nếu không tìm được lô hàng nhập khẩu nêu tại điểm b.1.1 khoản này thì lựa chọn lô hàng nhập khẩu có cùng cấp độ thương mại nhưng khác nhau về số lượng, sau đó điều chỉnh trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu tương tự về cùng số lượng với lô hàng đang xác định trị giá hải quan;

b.1.3) Nếu không tìm được lô hàng nhập khẩu nêu tại điểm b.1.1 và b.1.2 khoản này thì lựa chọn lô hàng nhập khẩu khác nhau về cấp độ thương mại nhưng cùng số lượng, sau đó điều chỉnh trị giá giao dịch của lô hàng nhập khẩu tương tự về cùng cấp độ thương mại với lô hàng đang xác định trị giá hải quan;

b.1.4) Nếu không tìm được lô hàng nhập khẩu nêu tại điểm b.1.1, b.1.2 và b.1.3 khoản này thì lựa chọn lô hàng nhập khẩu khác nhau cả về cấp độ thương mại và số lượng, sau đó điều chỉnh trị giá giao dịch của lô hàng nhập khẩu tương tự về cùng cấp độ thương mại và số lượng với lô hàng đang xác định trị giá hải quan.

b.2) Điều kiện về quãng đường và phương thức vận tải, bảo hiểm:

Lô hàng nhập khẩu tương tự có cùng quãng đường và phương thức vận tải, hoặc đã được điều chỉnh về cùng quãng đường và phương thức vận tải với lô hàng đang xác định trị giá hải quan.

Nếu có sự chênh lệch đáng kể về phí bảo hiểm thì điều chỉnh về cùng điều kiện bảo hiểm với lô hàng đang xác định trị giá hải quan.

c) Khi áp dụng phương pháp trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu tương tự, nếu không tìm được hàng hóa nhập khẩu tương tự được sản xuất bởi cùng một người sản xuất hoặc người sản xuất khác được ủy quyền thì mới xét đến hàng hóa được sản xuất bởi người sản xuất khác và phải có cùng xuất xứ.

d) Khi xác định trị giá hải quan theo phương pháp này mà xác định được từ hai trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu tương tự trở lên thì sau khi đã điều chỉnh về cùng điều kiện mua bán với lô hàng đang xác định trị giá hải quan, trị giá hải quan là trị giá giao dịch thấp nhất.

Nếu trong thời gian làm thủ tục hải quan không đủ thông tin lựa chọn hàng nhập khẩu giống hệt hoặc tương tự với hàng hóa nhập khẩu đang xác định trị giá hải quan thì không xác định trị giá hải quan cho hàng hóa nhập khẩu theo quy định tại Điều 8 hoặc Điều 9 Thông tư này phải chuyển sang phương pháp tiếp theo.

3. Chứng từ, tài liệu để xác định trị giá hải quan theo phương pháp này, mỗi chứng từ 01 bản chụp, bao gồm:

a) Tờ khai hải quan của hàng hóa nhập khẩu tương tự;

b) Tờ khai trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu tương tự đối với trường hợp phải khai báo tờ khai trị giá hải quan;

c) Hợp đồng vận tải của hàng hóa nhập khẩu tương tự (nếu có sự điều chỉnh chi phí này);

d) Hợp đồng bảo hiểm của hàng hóa nhập khẩu tương tự (nếu có sự điều chỉnh chi phí này);

đ) Bảng giá bán hàng xuất khẩu của nhà sản xuất hoặc người bán hàng ở nước ngoài (nếu có sự điều chỉnh về số lượng, cấp độ thương mại);

e) Các hồ sơ, chứng từ khác liên quan đến việc xác định trị giá hải quan.

Điều 10. Phương pháp trị giá khấu trừ

1. Trường hợp áp dụng: Nếu không xác định được trị giá hải quan theo các phương pháp quy định tại Điều 6, Điều 8, Điều 9 Thông tư này thì trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu được xác định theo phương pháp trị giá khấu trừ, căn cứ vào đơn giá bán hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa nhập khẩu giống hệt hoặc hàng hóa nhập khẩu tương tự trên thị trường nội địa Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều này và trừ (-) các chi phí hợp lý, lợi nhuận thu được sau khi bán hàng hóa nhập khẩu.

Không áp dụng phương pháp này nếu hàng hóa được lựa chọn để xác định đơn giá bán thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Chưa được bán trên thị trường nội địa Việt Nam hoặc việc bán hàng hóa chưa được hạch toán trên chứng từ, sổ sách kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán Việt Nam;

b) Có liên quan đến khoản trợ giúp do bất kỳ người nào cung cấp theo quy định tại điểm d.1 khoản 2 Điều 13 Thông tư này.

2. Giá bán hàng hóa nhập khẩu trên thị trường Việt Nam được xác định theo những nguyên tắc sau:

a) Giá bán hàng hóa nhập khẩu là giá bán thực tế của hàng hóa đó tại thị trường Việt Nam. Trường hợp không có giá bán thực tế của hàng hóa nhập khẩu cần xác định trị giá hải quan thì lấy giá bán thực tế của hàng hóa nhập khẩu giống hệt hay hàng hóa nhập khẩu tương tự còn nguyên trạng như khi nhập khẩu được bán trên thị trường Việt Nam để xác định giá bán thực tế.

Hàng hóa nhập khẩu còn nguyên trạng như khi nhập khẩu là hàng hóa sau khi nhập khẩu không bị bất cứ một tác động nào làm thay đổi hình dạng, đặc điểm, tính chất, công dụng của hàng hóa hoặc làm tăng, giảm trị giá của hàng hóa nhập khẩu.

b) Người nhập khẩu và người mua hàng trong nước không có mối quan hệ đặc biệt theo quy định tại Điều 7 Thông tư này;

c) Mức giá bán tính trên số lượng bán ra lớn nhất và đủ để hình thành đơn giá. Mức giá bán ra tính trên số lượng bán ra lớn nhất là mức giá mà hàng hóa đã được bán với số lượng tổng cộng lớn nhất trong các giao dịch bán hàng hóa ở cấp độ thương mại đầu tiên ngay sau khi nhập khẩu;

d) Hàng hóa được bán ra (bán buôn hoặc bán lẻ) vào ngày sớm nhất ngay sau khi nhập khẩu, nhưng không chậm quá 90 ngày (ngày theo lịch) sau ngày nhập khẩu lô hàng đó. Ngày sớm nhất ngay sau khi nhập khẩu là ngày hàng hóa được bán với số lượng hàng hóa đủ để hình thành đơn giá (tối thiểu bằng 10% lượng hàng hóa của mặt hàng đó trong lô hàng nhập khẩu).

3. Điều kiện lựa chọn đơn giá bán trên thị trường Việt Nam:

a) Đơn giá bán trên thị trường Việt Nam phải là đơn giá bán của hàng hóa nhập khẩu đang được xác định trị giá hải quan, hàng hóa nhập khẩu giống hệt hoặc hàng hóa nhập khẩu tương tự, được bán nguyên trạng như khi nhập khẩu;

b) Đơn giá bán được lựa chọn là đơn giá tương ứng với lượng hàng hóa được bán ra với số lượng lũy kế lớn nhất ở mức đủ để hình thành đơn giá; hàng hóa được bán ra ngay sau khi nhập khẩu, nhưng không quá 90 ngày sau ngày nhập khẩu của hàng hóa đang được xác định trị giá hải quan; người mua hàng trong nước và người bán không có mối quan hệ đặc biệt.

Ví dụ: Lô hàng A gồm nhiều mặt hàng trong đó mặt hàng B phải xác định trị giá hải quan theo phương pháp khấu trừ. Lô hàng A được nhập khẩu vào ngày 1/1/2014. Một lô hàng trong đó có mặt hàng giống hệt với mặt hàng B nhập khẩu trước đó và được bán cho nhiều người mua trong nước theo các mức giá và thời điểm khác nhau như sau:

Đơn giá

Số lượng/lần bán

Thời gian bán

Số lũy kế

900 đồng/chiếc

50 chiếc

28/3/2014

100 chiếc

30 chiếc

15/1/2014

20 chiếc

3/3/2014

800 đồng/chiếc

200 chiếc

20/1/2014

450 chiếc

250 chiếc

12/2/2014

Tổng cộng:

550 chiếc

Trong ví dụ trên, đơn giá bán được lựa chọn để khấu trừ là 800 đồng/chiếc, tương ứng với số lượng bán ra lớn nhất (450 chiếc), ở mức đủ để hình thành đơn giá. Đơn giá này thỏa mãn các điều kiện về lựa chọn đơn giá bán, đó là:

- Có số lượng lũy kế lớn nhất (450 chiếc) trong số hàng hóa nhập khẩu được bán ra ngay sau khi nhập khẩu.

- Thời gian bán là trong vòng 90 ngày kể từ ngày nhập khẩu.

4. Nguyên tắc khấu trừ:

Việc xác định các khoản khấu trừ phải dựa trên cơ sở các số liệu kế toán, chứng từ hợp pháp, có sẵn và được ghi chép, phản ánh theo các quy định, chuẩn mực của kế toán Việt Nam. Các khoản được khấu trừ phải là những khoản được phép hạch toán vào chi phí hợp lý của doanh nghiệp theo Luật kế toán Việt Nam.

5. Các khoản được khấu trừ khỏi đơn giá bán hàng:

Các khoản được khấu trừ khỏi đơn giá bán hàng là những chi phí hợp lý và lợi nhuận thu được sau khi bán hàng trên thị trường Việt Nam, bao gồm:

a) Chi phí vận tải, phí bảo hiểm và chi phí cho các hoạt động khác liên quan đến việc vận tải hàng hóa sau khi nhập khẩu, cụ thể:

a.1) Chi phí vận tải, phí bảo hiểm và các chi phí khác liên quan đến việc vận tải hàng hóa phát sinh từ cửa khẩu nhập đầu tiên đến kho hàng của người nhập khẩu hoặc địa điểm giao hàng trong nội địa Việt Nam;

a.2) Chi phí vận tải, phí bảo hiểm và các chi phí khác liên quan đến việc vận tải từ kho hàng của người nhập khẩu trong nội địa Việt Nam đến địa điểm bán hàng, nếu người nhập khẩu phải chịu các khoản này.

b) Các khoản thuế, phí và lệ phí phải nộp tại Việt Nam khi nhập khẩu và bán hàng hóa nhập khẩu trên thị trường nội địa Việt Nam;

c) Hoa hồng hoặc chi phí chung và lợi nhuận liên quan đến các hoạt động bán hàng hóa nhập khẩu tại Việt Nam:

c.1) Trường hợp người nhập khẩu là đại lý bán hàng cho thương nhân nước ngoài thì khấu trừ khoản hoa hồng. Nếu trong khoản hoa hồng đã bao gồm các chi phí nêu tại điểm a và b khoản này thì không được khấu trừ thêm các khoản này;

c.2) Trường hợp nhập khẩu theo phương thức mua đứt bán đoạn thì khấu trừ các khoản chi phí chung và lợi nhuận: Chi phí chung và lợi nhuận phải được xem xét một cách tổng thể khi xác định trị giá khấu trừ. Việc xác định và phân bổ chi phí chung và lợi nhuận cho lô hàng nhập khẩu phải được thực hiện theo các quy định và chuẩn mực kế toán Việt Nam.

Chi phí chung bao gồm các chi phí trực tiếp, chi phí gián tiếp phục vụ cho việc nhập khẩu và bán hàng hóa trên thị trường nội địa, như: Chi phí về tiếp thị hàng hóa, chi phí về lưu giữ và bảo quản hàng hóa trước khi bán hàng, chi phí về các hoạt động quản lý phục vụ cho việc nhập khẩu và bán hàng.

Căn cứ để xác định các khoản khấu trừ là số liệu được ghi chép và phản ánh trên chứng từ, sổ sách kế toán của người nhập khẩu, phù hợp với quy định, chuẩn mực của kế toán Việt Nam. Số liệu này phải tương ứng với những số liệu thu được từ những hoạt động mua bán hàng hóa nhập khẩu cùng phẩm cấp hoặc cùng chủng loại tại Việt Nam.

6. Hàng hóa nhập khẩu qua quá trình gia công, chế biến thêm ở trong nước được xác định trị giá hải quan theo nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều này và trừ đi các chi phí gia công, chế biến làm tăng thêm trị giá của hàng hóa. Không áp dụng phương pháp xác định trị giá hải quan quy định tại Điều này đối với các trường hợp:

a) Hàng hóa nhập khẩu sau khi gia công, chế biến không còn nguyên trạng như khi nhập khẩu và không xác định được chính xác giá trị tăng thêm do quá trình gia công, chế biến;

b) Hàng hóa nhập khẩu sau khi gia công, chế biến vẫn giữ nguyên đặc điểm, tính chất, công dụng như khi nhập khẩu nhưng chỉ còn là một bộ phận của hàng hóa được bán ra trên thị trường Việt Nam.

7. Chứng từ, tài liệu để xác định trị giá hải quan theo phương pháp này bao gồm:

a) Hóa đơn bán hàng hoặc hóa đơn giá trị gia tăng theo quy định;

b) Hợp đồng đại lý bán hàng nếu người nhập khẩu là đại lý bán hàng của người xuất khẩu. Hợp đồng này phải quy định cụ thể khoản phí hoa hồng mà người đại lý được hưởng, các loại chi phí mà người đại lý phải trả;

c) Bản giải trình về doanh thu bán hàng và các chứng từ, sổ sách kế toán phản ánh các khoản chi phí nêu tại khoản 5 Điều này;

d) Tờ khai hải quan và tờ khai trị giá hải quan của lô hàng được lựa chọn để khấu trừ;

đ) Các tài liệu cần thiết khác để kiểm tra, xác định trị giá hải quan.

Điều 11. Phương pháp trị giá tính toán

1. Trường hợp áp dụng: Nếu không xác định được trị giá hải quan theo các phương pháp quy định tại Điều 6, Điều 8, Điều 9, Điều 10 Thông tư này thì trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu được xác định theo phương pháp trị giá tính toán. Trị giá tính toán của hàng hóa nhập khẩu bao gồm:

a) Chi phí trực tiếp để sản xuất ra hàng hóa nhập khẩu: Giá thành hoặc trị giá của nguyên vật liệu, chi phí của quá trình sản xuất hoặc quá trình gia công khác được sử dụng vào sản xuất hàng nhập khẩu. Chi phí này bao hàm cả các khoản chi phí sau:

a.1) Chi phí quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 2 Điều 13 Thông tư này;

a.2) Trị giá của các khoản trợ giúp theo quy định tại điểm d.1 khoản 2 Điều 13 Thông tư này;

a.3) Chỉ tính vào trị giá hải quan trị giá của các khoản trợ giúp quy định tại điểm d.1 khoản 2 Điều 13 Thông tư này được thực hiện ở Việt Nam nếu người sản xuất chịu chi phí cho các sản phẩm trợ giúp đó.

b) Chi phí chung và lợi nhuận phát sinh trong hoạt động bán hàng hóa cùng phẩm cấp hoặc cùng chủng loại với hàng hóa nhập khẩu đang xác định trị giá, được sản xuất ở nước xuất khẩu để bán hàng đến Việt Nam. Khoản lợi nhuận và chi phí chung phải được xem xét một cách tổng thể khi xác định trị giá tính toán.

Chi phí chung bao gồm tất cả các chi phí trực tiếp hay gián tiếp của quá trình sản xuất và bán để xuất khẩu hàng hóa, nhưng chưa được tính toán theo quy định nêu tại điểm a khoản này.

c) Các chi phí vận tải, bảo hiểm và các chi phí có liên quan đến việc vận tải hàng hóa nhập khẩu theo quy định tại điểm g, điểm h khoản 2 Điều 13 Thông tư này.

2. Căn cứ để xác định trị giá tính toán:

Là số liệu được ghi chép và phản ánh trên chứng từ, sổ sách kế toán của người sản xuất trừ khi các số liệu này không phù hợp các số liệu thu thập được tại Việt Nam. Số liệu này phải tương ứng với những số liệu thu được từ những hoạt động sản xuất, mua bán hàng hóa nhập khẩu cùng phẩm cấp hoặc cùng chủng loại do người sản xuất tại nước xuất khẩu sản xuất ra để xuất khẩu đến Việt Nam.

3. Không được tiến hành việc kiểm tra hoặc yêu cầu xuất trình để kiểm tra sổ sách kế toán hay bất kỳ hồ sơ nào khác của các đối tượng không cư trú trên lãnh thổ Việt Nam, nhằm mục đích xác định trị giá tính toán quy định tại Điều này.

Việc thẩm tra các thông tin do người sản xuất hàng hóa cung cấp phục vụ xác định trị giá hải quan quy định tại Điều này có thể được thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam nếu được sự đồng ý của nhà sản xuất và phải được thông báo trước bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền của nước có liên quan và được cơ quan này chấp thuận cho phép tiến hành việc thẩm tra.

4. Chứng từ, tài liệu để xác định trị giá hải quan theo phương pháp này bao gồm:

a) Bản giải trình của người sản xuất về các chi phí nêu tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này có xác nhận của người sản xuất về các chứng từ, số liệu kế toán phù hợp với bản giải trình này;

b) Hóa đơn bán hàng của người sản xuất;

c) Chứng từ về các chi phí nêu tại điểm c khoản 1 Điều này.

Điều 12. Phương pháp suy luận

1. Trường hợp áp dụng: Nếu không xác định được trị giá hải quan theo các phương pháp quy định tại Điều 6, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11 Thông tư này thì trị giá hải quan được xác định theo phương pháp suy luận, căn cứ vào các tài liệu, số liệu khách quan, có sẵn tại thời điểm xác định trị giá hải quan.

Trị giá hải quan theo phương pháp suy luận được xác định bằng cách áp dụng tuần tự và linh hoạt các phương pháp xác định trị giá hải quan quy định từ Điều 6, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11 Thông tư này và dừng ngay tại phương pháp xác định được trị giá hải quan, với điều kiện việc áp dụng như vậy phù hợp với các quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Khi xác định trị giá hải quan theo phương pháp này, người khai hải quan và cơ quan hải quan không được sử dụng các trị giá dưới đây để xác định trị giá hải quan:

a) Giá bán trên thị trường nội địa của mặt hàng cùng loại được sản xuất tại Việt Nam;

b) Giá bán hàng hóa ở thị trường nội địa nước xuất khẩu;

c) Giá bán hàng hóa để xuất khẩu đến nước khác;

d) Chi phí sản xuất hàng hóa, trừ các chi phí sản xuất hàng hóa được sử dụng trong phương pháp tính toán;

đ) Trị giá tính thuế tối thiểu;

e) Trị giá do cơ quan hải quan xác định không tuân theo nguyên tắc và các phương pháp xác định trị giá hải quan quy định tại Thông tư này hoặc trị giá do người khai hải quan khai báo khi chưa có hoạt động mua bán hàng hóa để nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam;

g) Sử dụng trị giá cao hơn trong hai trị giá thay thế để làm trị giá hải quan.

3. Một số trường hợp áp dụng linh hoạt các phương pháp xác định trị giá hải quan:

a) Vận dụng phương pháp trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu giống hệt hoặc hàng hóa nhập khẩu tương tự.

Nếu không có hàng hóa nhập khẩu giống hệt hoặc hàng hóa nhập khẩu tương tự được xuất khẩu đến Việt Nam vào cùng ngày hoặc trong khoảng thời gian 60 ngày trước hoặc 60 ngày sau ngày xuất khẩu của lô hàng nhập khẩu đang được xác định trị giá hải quan thì lựa chọn những hàng hóa nhập khẩu giống hệt hoặc hàng hóa nhập khẩu tương tự được xuất khẩu trong khoảng thời gian dài hơn, nhưng không quá 90 ngày trước hoặc 90 ngày sau ngày xuất khẩu của lô hàng đang được xác định trị giá hải quan.

b) Vận dụng phương pháp xác định trị giá hải quan theo phương pháp trị giá khấu trừ bằng một trong các cách sau đây:

b.1) Trong vòng 90 ngày kể từ ngày nhập khẩu mà không xác định được đơn giá dùng để khấu trừ thì lựa chọn đơn giá được bán ra với số lượng lũy kế lớn nhất trong vòng 120 ngày kể từ ngày nhập khẩu của lô hàng được lựa chọn để khấu trừ;

b.2) Nếu không có đơn giá bán lại của chính hàng hóa nhập khẩu hoặc hàng hóa nhập khẩu giống hệt hay hàng hóa nhập khẩu tương tự cho người không có quan hệ đặc biệt với người nhập khẩu thì lựa chọn đơn giá bán lại hàng hóa cho người mua có quan hệ đặc biệt, với điều kiện mối quan hệ đặc biệt không ảnh hưởng đến giá cả trong giao dịch mua bán.

c) Trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu được xác định bằng trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu giống hệt đã được xác định theo phương pháp trị giá khấu trừ hoặc phương pháp trị giá tính toán.

d) Trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu được xác định bằng trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu tương tự đã được xác định theo phương pháp trị giá khấu trừ hoặc phương pháp trị giá tính toán.

4. Ngoài các trường hợp nêu tại khoản 3 Điều này, việc áp dụng linh hoạt các phương pháp xác định trị giá hải quan được thực hiện dựa vào cơ sở dữ liệu giá, nhưng không được vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.

5. Chứng từ, tài liệu: các chứng từ, tài liệu có liên quan đến việc xác định trị giá hải quan theo phương pháp đã được áp dụng linh hoạt để xác định trị giá hải quan quy định từ Điều 6, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11 Thông tư này.

Điều 13. Các khoản điều chỉnh cộng

1. Chỉ điều chỉnh cộng nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Do người mua thanh toán và chưa được tính trong trị giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán;

b) Phải liên quan đến hàng hóa nhập khẩu;

c) Có số liệu khách quan, định lượng được, phù hợp với các chứng từ có liên quan.

Trường hợp lô hàng nhập khẩu có các khoản điều chỉnh cộng nhưng không có các số liệu khách quan, định lượng được để xác định trị giá hải quan thì không xác định theo phương pháp trị giá giao dịch và phải chuyển sang phương pháp tiếp theo.

2. Các khoản điều chỉnh cộng:

a) Chi phí hoa hồng bán hàng, phí môi giới. Trường hợp các chi phí này bao gồm các khoản thuế phải nộp ở Việt Nam thì không phải cộng các khoản thuế đó vào trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu.

b) Chi phí bao bì gắn liền với hàng hóa nhập khẩu, bao gồm: Giá mua bao bì, các chi phí khác liên quan đến việc mua bán và vận chuyển bao bì đến địa điểm đóng gói, bảo quản hàng hóa.

Các loại container, thùng chứa, giá đỡ được sử dụng như một phương tiện để đóng gói phục vụ chuyên chở hàng hóa và sử dụng nhiều lần thì không được coi là bao bì gắn liền với hàng hóa nên không phải là khoản phải cộng về chi phí bao bì gắn liền với hàng hóa.

c) Chi phí đóng gói hàng hóa, bao gồm:

c.1) Chi phí về vật liệu đóng gói bao gồm giá mua vật liệu đóng gói và các chi phí khác liên quan đến việc mua bán và vận chuyển vật liệu đóng gói đến địa điểm thực hiện việc đóng gói;

c.2) Chi phí về nhân công đóng gói, bao gồm tiền thuê nhân công và các chi phí liên quan đến việc thuê nhân công đóng gói hàng hóa đang được xác định trị giá hải quan.

Trường hợp người mua phải chịu các chi phí về ăn ở, đi lại cho công nhân trong thời gian thực hiện việc đóng gói thì các chi phí này cũng thuộc về chi phí nhân công đóng gói.

d) Khoản trợ giúp: Trị giá của hàng hóa, dịch vụ do người mua cung cấp miễn phí hoặc giảm giá, được chuyển trực tiếp hoặc gián tiếp cho người sản xuất hoặc người bán hàng, để sản xuất và bán hàng hóa xuất khẩu đến Việt Nam.

d.1) Các khoản trợ giúp bao gồm:

d.1.1) Nguyên liệu, bộ phận cấu thành, phụ tùng và các sản phẩm tương tự hợp thành, được đưa vào hàng hóa nhập khẩu;

d.1.2) Nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu tiêu hao trong quá trình sản xuất hàng hóa nhập khẩu;

d.1.3) Công cụ, dụng cụ, khuôn rập, khuôn đúc, khuôn mẫu và các sản phẩm tương tự được sử dụng để sản xuất hàng hóa nhập khẩu;

d.1.4) Bản vẽ thiết kế, bản vẽ kỹ thuật, thiết kế mỹ thuật, kế hoạch triển khai, thiết kế thi công, thiết kế mẫu, sơ đồ, phác thảo và các sản phẩm dịch vụ tương tự được làm ra ở nước ngoài và cần thiết cho quá trình sản xuất hàng hóa nhập khẩu.

d.2) Xác định trị giá của khoản trợ giúp:

d.2.1) Nếu hàng hóa, dịch vụ trợ giúp được mua của một người không có quan hệ đặc biệt để cung cấp cho người bán thì trị giá của khoản trợ giúp là giá mua hàng hóa, dịch vụ trợ giúp đó;

d.2.2) Nếu hàng hóa, dịch vụ trợ giúp do người nhập khẩu hoặc người có quan hệ đặc biệt với người nhập khẩu sản xuất ra để cung cấp cho người bán thì trị giá của khoản trợ giúp là giá thành sản xuất hàng hóa, dịch vụ trợ giúp đó;

d.2.3) Nếu hàng hóa, dịch vụ trợ giúp được làm ra bởi cơ sở sản xuất của người mua đặt ở nước ngoài nhưng không có tài liệu, chứng từ để hạch toán riêng cho hàng hóa, dịch vụ trợ giúp đó thì trị giá của khoản trợ giúp được xác định bằng cách phân bổ tổng chi phí sản xuất trong cùng kỳ của cơ sở đó cho lượng hàng hóa, dịch vụ trợ giúp được sản xuất ra;

d.2.4) Khoản trợ giúp do người mua thuê thì trị giá của khoản trợ giúp là chi phí thuê;

d.2.5) Khoản trợ giúp là hàng hóa đã qua sử dụng thì trị giá của khoản trợ giúp là trị giá còn lại của hàng hóa đó;

d.2.6) Hàng hóa trợ giúp được người mua gia công, chế biến trước khi chuyển cho người bán để sử dụng vào sản xuất hàng hóa nhập khẩu thì phải cộng thêm phần giá trị tăng thêm do gia công, chế biến vào trị giá của khoản trợ giúp;

d.2.7) Khoản trợ giúp được người mua, bán giảm giá cho người xuất khẩu thì phải cộng thêm phần trị giá được giảm vào trị giá hải quan;

d.2.8) Trường hợp sau khi sản xuất ra hàng hóa nhập khẩu còn thu được nguyên, vật liệu thừa, phế liệu từ các hàng hóa trợ giúp thì phần trị giá thu hồi được từ nguyên vật liệu thừa và phế liệu này được trừ ra khỏi trị giá của khoản trợ giúp, nếu có số liệu thể hiện trị giá của phế liệu hoặc nguyên, vật liệu thừa.

Trị giá các khoản trợ giúp được xác định bao gồm cả các chi phí liên quan đến việc mua bán, vận chuyển, bảo hiểm đến nơi sản xuất ra hàng hóa nhập khẩu.

d.3) Phân bổ trị giá khoản trợ giúp cho hàng hóa nhập khẩu.

d.3.1) Nguyên tắc phân bổ trị giá khoản trợ giúp:

d.3.1.1) Trị giá các khoản trợ giúp phải được phân bổ hết cho hàng hóa nhập khẩu;

d.3.1.2) Việc phân bổ phải lập thành các chứng từ hợp pháp;

d.3.1.3) Việc phân bổ phải tuân thủ các quy định, chuẩn mực kế toán của Việt Nam.

d.3.2) Phương pháp phân bổ trị giá khoản trợ giúp:

Người khai hải quan tự phân bổ các khoản trợ giúp cho hàng hóa nhập khẩu theo một trong các phương pháp sau:

d.3.2.1) Phân bổ cho số hàng hóa nhập khẩu trong chuyến hàng nhập khẩu đầu tiên;

d.3.2.2) Phân bổ theo số lượng đơn vị hàng hóa đã được sản xuất tính đến thời điểm nhập khẩu chuyến hàng đầu tiên;

d.3.2.3) Phân bổ cho toàn bộ sản phẩm dự kiến được sản xuất ra theo thỏa thuận mua bán giữa người mua và người bán (hoặc người sản xuất);

d.3.2.4) Phân bổ theo nguyên tắc giảm dần hoặc tăng dần;

d.3.2.5) Ngoài các phương pháp trên, người mua có thể sử dụng các phương pháp phân bổ khác (ví dụ như: phân bổ theo tháng, quý, năm), với điều kiện phải tuân thủ các quy định của pháp luật về chế độ kế toán và phải được lập thành chứng từ.

đ) Phí bản quyền, phí giấy phép theo quy định tại Điều 14 Thông tư này.

e) Các khoản tiền mà người nhập khẩu phải trả từ số tiền thu được sau khi bán lại, định đoạt, sử dụng hàng hóa nhập khẩu được chuyển trực tiếp hay gián tiếp cho người bán dưới mọi hình thức. Thủ tục khai báo, kiểm tra như sau:

e.1) Trường hợp khoản tiền này xác định được tại thời điểm đăng ký tờ khai:

e.1.1) Người khai hải quan tự khai báo tại tiêu thức tương ứng trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu hoặc tờ khai trị giá hải quan đối với trường hợp phải khai tờ khai trị giá hải quan;

e.1.2) Cơ quan hải quan kiểm tra và xử lý kết quả kiểm tra theo quy định tại Điều 25 Thông tư quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

e.2) Trường hợp chưa xác định được khoản tiền này tại thời điểm đăng ký tờ khai do phụ thuộc vào doanh thu bán hàng sau nhập khẩu hay lý do khác được quy định cụ thể tại hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc văn bản thỏa thuận riêng:

e.2.1) Tại thời điểm đăng ký tờ khai, người khai hải quan khai báo rõ lý do chưa khai báo được khoản tiền do người nhập khẩu phải trả từ số tiền thu được sau khi bán lại, định đoạt, sử dụng hàng hóa nhập khẩu trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu hoặc tờ khai trị giá hải quan đối với trường hợp phải khai tờ khai trị giá hải quan. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày thực trả, người khai hải quan thực hiện khai báo, tính số thuế phải nộp đối với khoản tiền thực tế đã trả trên tờ khai bổ sung sau thông quan, đồng thời nộp đủ tiền thuế theo quy định;

e.2.2) Cơ quan hải quan kiểm tra các chứng từ có liên quan đến khoản tiền này và khai báo của người khai hải quan theo quy định nêu tại điểm e.2.1 khoản này và xử lý như sau:

e.2.2.1) Trường hợp người khai hải quan không khai báo hoặc khai báo không đúng khoản tiền thực tế phải trả, ra quyết định xử phạt theo quy định, đồng thời yêu cầu người khai hải quan khai báo hoặc khai báo bổ sung. Trường hợp người khai hải quan không khai báo hoặc không khai báo bổ sung theo yêu cầu, cơ quan hải quan thực hiện xác định trị giá hải quan, ấn định thuế, thu đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp (nếu có) theo quy định;

e.2.2.2) Trường hợp người khai hải quan khai báo không đúng thời hạn theo quy định tại điểm e.2.1 khoản này, cơ quan hải quan thực hiện xử phạt theo quy định.

g) Chi phí vận tải và chi phí có liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa nhập khẩu đến cửa khẩu nhập đầu tiên, không bao gồm chi phí bốc, dỡ, xếp hàng từ phương tiện vận tải xuống cửa khẩu nhập đầu tiên.

Trường hợp các chi phí bốc, dỡ, xếp hàng từ phương tiện vận tải xuống cửa khẩu nhập đầu tiên đã bao gồm trong chi phí vận tải quốc tế hoặc đã bao gồm trong giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán thì được trừ ra khỏi trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu nếu đáp đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 15 Thông tư này.

g.1) Trị giá của khoản điều chỉnh này được xác định trên cơ sở hợp đồng vận tải, các chứng từ, tài liệu liên quan đến vận tải hàng hóa;

g.2) Trường hợp giá mua chưa bao gồm chi phí vận tải nhưng người mua không có hợp đồng vận tải, các chứng từ tài liệu liên quan đến vận tải hàng hóa, hoặc có nhưng không hợp pháp, thì không được áp dụng phương pháp trị giá giao dịch;

g.3) Trường hợp lô hàng có nhiều loại hàng hóa khác nhau nhưng hợp đồng vận tải hoặc các chứng từ, tài liệu liên quan đến vận tải hàng hóa không ghi chi tiết cho từng loại hàng hóa thì người khai hải quan lựa chọn một trong các phương pháp phân bổ sau:

g.3.1) Phân bổ trên cơ sở biểu giá vận tải của người vận tải hàng hóa;

g.3.2) Phân bổ theo trọng lượng hoặc thể tích của hàng hóa;

g.3.3) Phân bổ theo tỷ lệ trị giá mua của từng loại hàng hóa trên tổng trị giá lô hàng.

h) Chi phí bảo hiểm hàng hóa nhập khẩu đến cửa khẩu nhập đầu tiên.

h.1) Trường hợp người nhập khẩu không mua bảo hiểm cho hàng hóa thì không phải cộng thêm chi phí này vào trị giá hải quan;

h.2) Phí bảo hiểm mua cho cả lô hàng gồm nhiều loại hàng hóa khác nhau, nhưng chưa được ghi chi tiết cho từng loại hàng hóa, thì phân bổ theo trị giá của từng loại hàng hóa.

i) Các chi phí nêu tại điểm g và điểm h khoản này không bao gồm thuế giá trị gia tăng phải nộp ở Việt Nam. Trường hợp khoản thuế này đã bao gồm trong chi phí vận tải, phí bảo hiểm quốc tế hoặc đã bao gồm trong giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán thì được trừ ra khỏi trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu nếu đáp đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 15 Thông tư này.

Điều 14. Phí bản quyền, phí giấy phép

1. Phí bản quyền là khoản tiền mà người mua phải trả trực tiếp hoặc gián tiếp cho chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, để được chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng các quyền sở hữu trí tuệ.

a) Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.

a.1) Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu;

a.2) Quyền liên quan đến quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa;

a.3) Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh;

a.4) Quyền đối với giống cây trồng là quyền của tổ chức, cá nhân đối với giống cây trồng mới do mình tạo hoặc phát hiện và phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu.

Nội dung các quyền thực hiện theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.

b) Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ: Là chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ hoặc tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ.

2. Phí giấy phép là khoản tiền mà người mua phải trả trực tiếp hoặc gián tiếp cho chủ thể quyền sở hữu trí tuệ để được thực hiện một số hoạt động nằm trong các quyền thuộc quyền sở hữu công nghiệp.

3. Chỉ điều chỉnh cộng phí bản quyền, phí giấy phép vào hàng hóa nhập khẩu nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Người mua phải trả phí bản quyền, phí giấy phép cho việc sử dụng, chuyển giao các quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến hàng hóa nhập khẩu theo quy định tại khoản 4 Điều này đang được xác định trị giá hải quan;

b) Phí bản quyền, phí giấy phép do người mua phải trả trực tiếp hoặc gián tiếp như một điều kiện cho giao dịch mua bán hàng hóa theo quy định tại khoản 6 Điều này đang được xác định trị giá hải quan thể hiện trên hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng cấp phép hoặc các thỏa thuận khác về chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ;

c) Chưa được tính trong giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán của hàng hóa nhập khẩu đang được xác định trị giá hải quan.

4. Phí bản quyền, phí giấy phép liên quan đến hàng hóa nhập khẩu khi:

a) Phí bản quyền, phí giấy phép phải trả để được sử dụng nhãn hiệu hàng hóa phù hợp với bộ chứng từ, tài liệu liên quan đến việc thỏa thuận và thanh toán phí bản quyền, phí giấy phép, nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a.1) Hàng hóa nhập khẩu được bán lại nguyên trạng tại thị trường Việt Nam hoặc được gia công chế biến đơn giản sau nhập khẩu theo quy định tại khoản 5 Điều này;

a.2) Hàng hóa nhập khẩu có gắn nhãn hiệu hàng hóa khi bán tại thị trường Việt Nam.

b) Phí bản quyền, phí giấy phép phải trả để được sử dụng sáng chế, bí quyết kỹ thuật hoặc quyền sở hữu trí tuệ khác thể hiện trên hợp đồng mua bán, hợp đồng cấp phép hoặc các thỏa thuận khác về chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

b.1) Sáng chế, bí quyết kỹ thuật hoặc quyền sở hữu trí tuệ khác được sử dụng để sản xuất ra hàng hóa nhập khẩu;

b.2) Hàng hóa nhập khẩu mang sáng chế, kiểu dáng công nghiệp hoặc các quyền thuộc quyền sở hữu trí tuệ khác;

b.3) Hàng hóa nhập khẩu là máy móc hoặc thiết bị được chế tạo hoặc sản xuất để ứng dụng sáng chế, bí quyết kỹ thuật hoặc quyền thuộc quyền sở hữu trí tuệ khác.

Ví dụ về phí bản quyền, phí giấy phép thỏa mãn điều kiện “liên quan đến hàng hóa nhập khẩu” nêu tại Phụ lục I Thông tư này.

5. Gia công chế biến đơn giản sau nhập khẩu bao gồm:

a) Các công việc bảo quản hàng hóa trong quá trình vận chuyển và lưu kho (thông gió, trải ra, sấy khô, làm lạnh hoặc rã đông, ngâm trong muối, xông lưu huỳnh hoặc thêm các phụ gia khác, loại bỏ các bộ phận bị hư hỏng và các công việc tương tự);

b) Các công việc như lau bụi, sàng lọc, chọn lựa, phân loại (bao gồm cả việc xếp thành bộ) lau chùi, sơn, chia cắt ra từng phần;

c) Thay đổi bao bì đóng gói và tháo dỡ hay lắp ghép các lô hàng; đóng chai, lọ, đóng gói, bao, hộp và các công việc đóng gói bao bì đơn giản khác; các công việc đơn giản như xay, xát, nghiền, cắt, xé, uốn cong, cuộn, bóc vỏ;

d) Dán lên sản phẩm hoặc bao gói của sản phẩm nhãn, mác hay các dấu hiệu phân biệt tương tự;

đ) Việc trộn đơn giản hàng hóa nhập khẩu với các thành phần khác bao gồm cả việc pha loãng với nước hoặc các chất khác, nhưng không làm thay đổi đặc tính cơ bản của sản phẩm;

g) Việc lắp, ráp đơn giản các bộ phận của sản phẩm để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh;

Lắp ráp đơn giản là việc lắp ráp các chi tiết, linh kiện, bộ phận lại với nhau bằng các dụng cụ lắp ráp (vít, bulông, đai ốc, êcu), hoặc ghép bằng đinh tán hoặc bằng cách hàn lại, với điều kiện những hoạt động này chỉ đơn thuần là lắp ráp. Không tính đến sự phức tạp của phương pháp lắp ráp, các bộ phận cấu thành không phải trải qua bất cứ quá trình gia công nào khác để sản phẩm trở thành dạng hoàn thiện.

h) Kết hợp của hai hay nhiều công việc đã liệt kê từ điểm a đến điểm g khoản này;

i) Giết, mổ động vật nhưng không qua chế biến.

6. Phí bản quyền, phí giấy phép được coi như một điều kiện cho giao dịch mua bán hàng hóa nhập khẩu nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Người mua chỉ mua được hàng hóa nhập khẩu từ nhà cung cấp do chủ sở hữu trí tuệ chỉ định hoặc nhà cung cấp có liên quan đến chủ sở hữu trí tuệ; hoặc hàng hóa nhập khẩu phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật theo yêu cầu của chủ sở hữu trí tuệ;

b) Người mua chỉ được mua hàng hóa nhập khẩu khi trả phí bản quyền, phí giấy phép cho người bán hoặc chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.

Một số ví dụ về hàng hóa nhập khẩu thỏa mãn điều kiện “như một điều kiện cho giao dịch mua bán hàng hóa nhập khẩu” nêu tại Phụ lục I Thông tư này.

7. Không phải cộng vào trị giá hải quan nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Các khoản tiền người mua phải trả cho quyền tái sản xuất hàng hóa nhập khẩu hoặc sao chép các tác phẩm nghệ thuật tại Việt Nam (ví dụ: một mẫu hàng được nhập khẩu, sau đó được sử dụng để sản xuất ra bản sao chính xác như nguyên bản mẫu hàng được nhập khẩu thì khoản tiền phải trả để được sản xuất hàng hóa theo mẫu hàng nhập khẩu được hiểu là quyền tái sản xuất hàng hóa nhập khẩu);

b) Các khoản tiền người mua phải trả cho quyền phân phối hoặc bán lại hàng hóa nhập khẩu, nếu khoản tiền này không được coi như một điều kiện cho giao dịch mua bán hàng hóa nhập khẩu.

Trường hợp các khoản tiền người mua trả cho quyền tái sản xuất, quyền phân phối hoặc bán lại hàng hóa nhập khẩu đã được tính trong giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán thì không được trừ ra khỏi trị giá hải quan khi xác định trị giá của hàng hóa nhập khẩu đó.

8. Thủ tục khai báo, kiểm tra:

a) Trường hợp phí bản quyền, phí giấy phép xác định được tại thời điểm đăng ký tờ khai:

a.1) Người khai hải quan tự khai báo khoản phí bản quyền, phí giấy phép trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu hoặc tờ khai trị giá hải quan đối với trường hợp phải khai tờ khai trị giá hải quan;

a.2) Cơ quan hải quan kiểm tra và xử lý kết quả kiểm tra theo quy định tại Điều 25 Thông tư quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

b) Trường hợp phí bản quyền, phí giấy phép không xác định được tại thời điểm đăng ký tờ khai do phụ thuộc vào doanh thu bán hàng sau nhập khẩu hay lý do khác được quy định cụ thể tại hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc văn bản thỏa thuận riêng về việc trả phí bản quyền, phí giấy phép, thủ tục khai báo, kiểm tra thực hiện như sau:

b.1) Tại thời điểm đăng ký tờ khai, người khai hải quan khai báo rõ lý do chưa khai báo được khoản phí bản quyền, phí giấy phép trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu hoặc tờ khai trị giá hải quan đối với trường hợp phải khai tờ khai trị giá hải quan. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày thực trả, người khai hải quan thực hiện khai báo, tính số thuế phải nộp đối với khoản phí bản quyền, phí giấy phép thực tế đã trả trên tờ khai bổ sung sau thông quan, đồng thời nộp đủ tiền thuế theo quy định;

b.2) Cơ quan hải quan kiểm tra các chứng từ có liên quan đến khoản phí bản quyền, phí giấy phép và khai báo của người khai hải quan theo quy định nêu tại điểm b.1 khoản này và xử lý như sau:

b.2.1) Trường hợp người khai hải quan không khai báo hoặc khai báo không đúng khoản phí bản quyền, phí giấy phép, ra quyết định xử phạt theo quy định, đồng thời yêu cầu người khai hải quan khai báo hoặc khai báo bổ sung. Trường hợp người khai hải quan không khai báo hoặc không khai báo bổ sung theo yêu cầu, cơ quan hải quan thực hiện xác định trị giá hải quan, ấn định thuế, thu đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp (nếu có) theo quy định;

b.2.2) Trường hợp người khai hải quan khai báo không đúng thời hạn theo quy định tại điểm b.1 khoản này, cơ quan hải quan thực hiện xử phạt theo quy định.

9. Trường hợp phí bản quyền, phí giấy phép được tính một phần căn cứ vào hàng hóa nhập khẩu, một phần căn cứ vào các yếu tố khác không liên quan đến hàng hóa nhập khẩu:

a) Trường hợp có số liệu phân định, tách biệt được phần phí bản quyền, phí giấy phép liên quan đến hàng hóa nhập khẩu thì cộng vào trị giá giao dịch;

b) Trường hợp không phân định, tách biệt được phần phí bản quyền, phí giấy phép liên quan đến hàng hóa phập khẩu thì không xác định trị giá hải quan theo phương pháp trị giá giao dịch, chuyển sang phương pháp tiếp theo.

Điều 15. Các khoản điều chỉnh trừ

1. Chỉ được điều chỉnh trừ nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Có số liệu khách quan, định lượng được phù hợp với các chứng từ hợp pháp liên quan và có sẵn tại thời điểm xác định trị giá;

b) Đã được tính trong giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán;

c) Phù hợp với quy định của pháp luật về kế toán Việt Nam.

2. Các khoản điều chỉnh trừ:

a) Chi phí cho những hoạt động phát sinh sau khi nhập khẩu hàng hóa bao gồm các chi phí về xây dựng, kiến trúc, lắp đặt, bảo dưỡng hoặc trợ giúp kỹ thuật, tư vấn kỹ thuật, chi phí giám sát và các chi phí tương tự;

b) Chi phí vận tải, bảo hiểm phát sinh sau khi hàng hóa đã được vận chuyển đến cửa khẩu nhập đầu tiên. Trường hợp các chi phí này liên quan đến nhiều loại hàng hóa khác nhau nhưng chưa được ghi chi tiết cho từng loại hàng hóa thì phải phân bổ các chi phí theo nguyên tắc nêu tại điểm g và điểm h Điều 13 Thông tư này;

c) Các khoản thuế, phí, lệ phí phải nộp ở Việt Nam đã nằm trong giá mua hàng nhập khẩu. Trường hợp các khoản phí, lệ phí liên quan đến nhiều loại hàng hóa khác nhau mà không tách riêng cho từng loại hàng hóa thì phân bổ theo tỷ lệ trị giá mua của từng loại hàng hóa.

d) Khoản giảm giá:

d.1) Chỉ được điều chỉnh trừ khi có đủ các điều kiện sau:

d.1.1) Khoản giảm giá thuộc một trong các loại giảm giá sau đây:

d.1.1.1) Giảm giá theo cấp độ thương mại của giao dịch mua bán hàng hóa;

d.1.1.2) Giảm giá theo số lượng hàng hóa mua bán;

d.1.1.3) Giảm giá theo hình thức và thời gian thanh toán.

d.1.2) Khoản giảm giá được lập thành văn bản trước khi xếp hàng lên phương tiện vận tải ở nước xuất khẩu hàng hóa;

d.1.3) Có số liệu khách quan, định lượng được phù hợp với các chứng từ để tách khoản giảm giá này ra khỏi trị giá giao dịch. Các chứng từ này được nộp cùng với tờ khai hải quan;

d.1.4) Thực hiện thanh toán qua ngân hàng bằng phương thức L/C hoặc TTR cho toàn bộ hàng hóa nhập khẩu thuộc hợp đồng mua bán.

d.1.5) Trị giá khai báo và thực tế về số lượng hàng hóa nhập khẩu, cấp độ thương mại, hình thức và thời gian thanh toán phải phù hợp với Bảng công bố giảm giá của người bán.

d.2) Hồ sơ đề nghị xét khoản giảm giá:

d.2.1) Văn bản đề nghị trừ khoản giảm giá sau khi hoàn thành việc nhập khẩu và thanh toán cho toàn bộ hàng hóa thuộc hợp đồng: 01 bản chính;

d.2.2) Hợp đồng mua bán hàng hóa: 01 bản chụp;

d.2.3) Bảng kê theo dõi thực tế việc nhập khẩu hàng hóa theo mẫu số 01/GG/2015 Phụ lục II Thông tư này đối với trường hợp hàng hóa trong cùng một hợp đồng được nhập khẩu theo nhiều chuyến (nhiều tờ khai) khác nhau: 01 bản chính;

d.2.4) Bảng công bố giảm giá của người bán: 01 bản chụp;

d.2.5) Chứng từ thanh toán của toàn bộ hàng hóa thuộc hợp đồng mua bán: 01 bản chụp;

d.3) Thủ tục khai báo, kiểm tra khoản giảm giá, thẩm quyền xử lý:

d.3.1) Trách nhiệm của người khai hải quan:

d.3.1.1) Khai báo có khoản giảm giá tại tiêu chí “chi tiết khai trị giá” trên tờ khai nhập khẩu hoặc tại tiêu chí tương ứng trên tờ khai trị giá hải quan, nhưng chưa thực hiện điều chỉnh trừ khoản giảm giá trên tờ khai trị giá hải quan.

d.3.1.2) Tính, nộp thuế theo trị giá chưa được trừ khoản giảm giá;

d.3.1.3) Nộp hồ sơ đề nghị xét khoản giảm giá theo quy định tại điểm d.2 khoản này sau khi hoàn thành việc nhập khẩu và thanh toán cho toàn bộ hàng hóa thuộc hợp đồng mua bán.

d.3.2) Trách nhiệm của cơ quan hải quan:

Cơ quan hải quan nơi người khai hải quan nộp hồ sơ đề nghị xem xét điều chỉnh trừ khoản giảm giá thực hiện:

d.3.2.1) Kiểm tra hồ sơ, chứng từ và các tài liệu có liên quan kèm theo văn bản đề nghị của người khai hải quan;

d.3.2.2) Kiểm tra, đối chiếu trị giá khai báo và thực tế về số lượng; cấp độ thương mại; hình thức và thời gian thanh toán với Bảng công bố giảm giá của người bán;

d.3.2.3) Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố xem xét, quyết định điều chỉnh trừ khoản giảm giá nếu có đầy đủ các điều kiện quy định tại điểm d.1 khoản này với trị giá của khoản giảm giá dưới 5% tổng trị giá lô hàng và trị giá khai báo không thấp hơn mức giá tham chiếu của hàng hóa giống hệt tại Danh mục hàng hóa nhập khẩu rủi ro về trị giá. Các trường hợp giảm giá khác, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan xem xét, quyết định;

d.3.2.4) Xử lý tiền thuế chênh lệch do khoản giảm giá được trừ thực hiện theo quy định.

đ) Các chi phí do người mua chịu liên quan đến tiếp thị hàng hóa nhập khẩu, bao gồm:

đ.1) Chi phí nghiên cứu, điều tra thị trường về sản phẩm sắp nhập khẩu;

đ.2) Chi phí quảng cáo nhãn hiệu, thương hiệu hàng nhập khẩu;

đ.3) Chi phí liên quan đến việc trưng bày, giới thiệu sản phẩm mới nhập khẩu;

đ.4) Chi phí tham gia hội chợ, triển lãm thương mại về sản phẩm mới;

e) Chi phí kiểm tra số lượng, chất lượng hàng trước khi nhập khẩu. Trường hợp các chi phí này là thỏa thuận giữa người mua, người bán và là một phần trong giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán do người mua trả cho người bán, sẽ không được trừ ra khỏi trị giá giao dịch;

g) Chi phí mở L/C, phí chuyển tiền để thanh toán cho lô hàng nhập khẩu, nếu chi phí này do người mua trả cho ngân hàng đại diện cho người mua thực hiện việc thanh toán tiền hàng.

h) Khoản tiền lãi tương ứng với mức lãi suất theo thỏa thuận tài chính của người mua và có liên quan đến việc mua hàng hóa nhập khẩu: Chỉ được điều chỉnh trừ khoản tiền lãi ra khỏi trị giá giao dịch khi có đầy đủ các điều kiện sau:

h.1) Thỏa thuận tài chính được lập thành văn bản;

h.2) Người khai hải quan chứng minh được rằng tại thời điểm thỏa thuận tài chính được thực hiện, mức lãi suất khai báo không lớn hơn mức lãi suất tín dụng thông thường tại nước xuất khẩu, nhưng không vượt quá mức lãi suất trần do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố.

Điều 16. Phân bổ các khoản điều chỉnh

1. Trường hợp khoản điều chỉnh cộng hoặc điều chỉnh trừ đủ điều kiện để cộng vào hoặc trừ ra khỏi trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu nhưng hợp đồng mua bán hoặc các chứng từ, tài liệu liên quan đến khoản điều chỉnh cộng hoặc điều chỉnh trừ đó không ghi chi tiết cho từng loại hàng hóa, thì người khai hải quan lựa chọn phương pháp phân bổ quy định tại khoản 2 Điều này (trừ các khoản điều chỉnh có quy định phân bổ riêng quy định tại Điều 13 và Điều 15 Thông tư này), để phân bổ các khoản điều chỉnh đó cho từng loại hàng hóa theo nguyên tắc trị giá khoản điều chỉnh phải được phân bổ hết cho hàng hóa nhập khẩu chịu khoản điều chỉnh đó.

2. Phương pháp phân bổ: Người khai hải quan lựa chọn một trong các phương pháp phân bổ sau:

a) Phân bổ theo số lượng;

b) Phân bổ theo trọng lượng;

c) Phân bổ theo thể tích;

d) Phân bổ theo trị giá hóa đơn.

Điều 17. Trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong một số trường hợp đặc biệt

1. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chưa có giá chính thức tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan, trị giá hải quan là giá tạm tính do người khai hải quan khai báo trên cơ sở các chứng từ, tài liệu liên quan và có sẵn tại thời điểm xác định trị giá. Khi có giá chính thức, trị giá hải quan được xác định theo phương pháp xác định trị giá quy định tại khoản 2 Điều 4 và khoản 2 Điều 5 Thông tư này. Thủ tục xác định như sau:

a) Giá tạm tính:

a.1) Người khai hải quan: Khai giá tạm tính tại tiêu chí tương ứng trên tờ khai hải quan xuất khẩu, nhập khẩu khi đăng ký tờ khai, đồng thời khai báo thời điểm có giá chính thức tại tiêu chí “phần ghi chú”.

a.2) Cơ quan hải quan: Kiểm tra giá tạm tính và thời điểm có giá chính thức theo quy định tại Điều 25 Thông tư quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; theo dõi, đôn đốc người khai hải quan khai giá chính thức đúng thời điểm có giá chính thức.

b) Giá chính thức:

b.1) Người khai hải quan: Khai giá chính thức trên tờ khai sửa đổi, bổ sung sau thông quan và nộp thuế chênh lệch (nếu có) trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ thời điểm có giá chính thức.

b.2) Cơ quan hải quan: Kiểm tra khai báo của người khai hải quan, thời điểm có giá chính thức, điều kiện chấp nhận thời điểm có giá chính thức theo quy định tại điểm c khoản này và xử lý như sau:

b.2.1) Xác định trị giá hải quan, ấn định thuế, thu đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp (nếu có), ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp người khai hải quan không khai báo, khai báo không đúng quy định về giá chính thức; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp người khai hải quan khai báo không đúng thời hạn theo quy định tại điểm b.1 khoản này;

b.2.2) Xử lý tiền thuế chênh lệch theo quy định về xử lý tiền thuế nộp thừa tại Luật Quản lý Thuế và các văn bản hướng dẫn đối với trường hợp số thuế tính theo giá chính thức thấp hơn số thuế đã nộp theo giá tạm tính;

c) Trường hợp thời điểm có giá chính thức vượt quá 90 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai, người khai hải quan kê khai và nộp hợp đồng mua bán hàng hóa, hóa đơn thương mại (01 bản chụp) chứng minh thời điểm có giá chính thức, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thời điểm có giá chính thức; giao Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố căn cứ hồ sơ, chứng từ, thực tế lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu để kiểm tra, xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định chấp nhận thời điểm có giá chính thức.

d) Điều kiện chấp nhận thời điểm có giá chính thức: Thời điểm có giá chính thức được chấp nhận nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

d.1) Hợp đồng mua bán hàng hóa có thỏa thuận về thời điểm có giá chính thức phù hợp với ngành hàng xuất khẩu, nhập khẩu theo thông lệ quốc tế;

d.2) Thời điểm có giá thực tế phù hợp với thời điểm có giá chính thức theo thỏa thuận ghi trên hợp đồng;

d.3) Giá chính thức phù hợp với giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo chứng từ thanh toán.

Trường hợp không đủ điều kiện để được chấp nhận thời điểm có giá chính thức, đồng thời số thuế tính theo giá chính thức cao hơn số thuế đã nộp theo giá tạm tính thì người khai hải quan phải nộp tiền chậm nộp đối với số thuế chênh lệch.

2. Hàng hóa nhập khẩu đã sử dụng tại Việt Nam, có thay đổi mục đích sử dụng so với mục đích đã được xác định thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế:

a) Hàng hóa nhập khẩu là ô tô, mô tô: Trị giá hải quan được xác định trên cơ sở giá trị sử dụng còn lại của hàng hóa, tính theo thời gian sử dụng tại Việt Nam (tính từ thời điểm nhập khẩu theo tờ khai hải quan đến thời điểm tính thuế) và được xác định cụ thể như sau:

Thời gian sử dụng tại Việt Nam

Trị giá hải quan = (%) trị giá khai báo tại thời điểm nhập khẩu

Từ 6 tháng trở xuống (được tính tròn là 183 ngày)

90%

Từ trên 6 tháng đến 1 năm (được tính tròn là 365 ngày)

80%

Từ trên 1 năm đến 2 năm

70%

Từ trên 2 năm đến 3 năm

60%

Từ trên 3 năm đến 5 năm

50%

Từ trên 5 năm đến 7 năm

40%

Từ trên 7 năm đến 9 năm

30%

Từ trên 9 năm đến 10 năm

15%

Trên 10 năm

0%

Nếu mức giá khai báo tại thời điểm nhập khẩu của hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, hoặc được miễn thuế, xét miễn thuế thấp hơn mức giá trong cơ sở dữ liệu giá cùng thời điểm, thì lấy mức giá trong cơ sở dữ liệu giá và tỷ lệ quy định trên đây để xác định trị giá hải quan.

b) Hàng hóa nhập khẩu khác: Trị giá hải quan là giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán tại thời điểm chuyển đổi mục đích sử dụng, được xác định theo nguyên tắc, phương pháp xác định trị giá hải quan quy định tại Thông tư này.

3. Trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam sau khi thuê phía nước ngoài gia công là tiền thuê gia công và trị giá của nguyên vật liệu sử dụng trong quá trình gia công do phía nước ngoài cung cấp thể hiện trên hợp đồng gia công và các khoản điều chỉnh quy định tại Điều 13 và Điều 15 Thông tư này. Không tính vào trị giá hải quan sản phẩm sau gia công trị giá của vật tư, nguyên liệu đã xuất khẩu từ Việt Nam đưa đi gia công theo hợp đồng gia công.

4. Đối với hàng hóa nhập khẩu là hàng hóa đưa ra nước ngoài sửa chữa, khi nhập khẩu về Việt Nam thuộc đối tượng chịu thuế thì trị giá hải quan là chi phí thực trả để sửa chữa hàng hóa nhập khẩu phù hợp với các chứng từ liên quan đến việc sửa chữa hàng hóa.

5. Hàng hóa nhập khẩu không có hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc không có hóa đơn thương mại, trị giá hải quan là trị giá khai báo. Trường hợp có căn cứ xác định trị giá khai báo không phù hợp thì cơ quan hải quan xác định trị giá hải quan theo nguyên tắc và phương pháp xác định trị giá hải quan quy định từ Điều 8 đến Điều 12 Thông tư này.

6. Hàng hóa nhập khẩu thừa so với hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc hóa đơn thương mại:

a) Hàng hóa nhập khẩu thừa là hàng hóa giống hệt hoặc tương tự với hàng hóa nhập khẩu ghi trên hợp đồng mua bán hoặc hóa đơn thương mại: Trị giá hải quan của hàng nhập khẩu thừa theo phương pháp xác định trị giá hải quan của số hàng hóa nhập khẩu ghi trên hợp đồng mua bán hàng hóa;

b) Hàng hóa nhập khẩu thừa là hàng hóa khác với hàng hóa nhập khẩu ghi trên hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc hóa đơn thương mại: Trị giá hải quan theo phương pháp xác định trị giá hải quan quy định từ Điều 8 đến Điều 12 Thông tư này.

7. Hàng hóa nhập khẩu không phù hợp với hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc không phù hợp với hóa đơn thương mại:

a) Hàng hóa nhập khẩu không phù hợp về quy cách: Trị giá hải quan theo trị giá thực thanh toán cho hàng hóa nhập khẩu. Hàng hóa không phù hợp về quy cách được hiểu là hàng thực nhập có những khác biệt về màu sắc, kích cỡ, kiểu dáng so với mô tả trong hợp đồng mua bán và những khác biệt đó không làm ảnh hưởng đến giá thực tế phải trả.

b) Hàng hóa nhập khẩu không phù hợp với hợp đồng mua bán hoặc hóa đơn thương mại ngoài trường hợp quy định tại điểm a khoản này: Trị giá hải quan theo phương pháp xác định trị giá hải quan quy định từ Điều 8 đến Điều 12 Thông tư này.

8. Hàng hóa nhập khẩu thực tế có sự chênh lệch về số lượng so với hóa đơn thương mại do tính chất của hàng hóa, phù hợp với điều kiện giao hàng và điều kiện thanh toán trong hợp đồng mua bán hoặc hóa đơn thương mại: Xác định trị giá hải quan phải căn cứ vào hóa đơn thương mại và hợp đồng mua bán (điều kiện giao hàng, tỷ lệ dung sai, đặc tính tự nhiên của hàng hóa và điều kiện thanh toán). Trị giá hải quan không được thấp hơn trị giá thực thanh toán ghi trên hóa đơn thương mại và các chứng từ có liên quan.

9. Hàng hóa nhập khẩu là hàng đi thuê thì trị giá hải quan là giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán để thuê hàng hóa, phù hợp với các chứng từ có liên quan đến việc đi thuê hàng hóa.

10. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong trường hợp đặc biệt khác: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố báo cáo Tổng cục Hải quan để báo cáo Bộ Tài chính xem xét, quyết định đối với từng trường hợp cụ thể phù hợp với nguyên tắc xác định trị giá hải quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Mục II: TỜ KHAI TRỊ GIÁ HẢI QUAN

Điều 18. Đối tượng khai tờ khai trị giá hải quan

Hàng hóa nhập khẩu phải khai trị giá hải quan trên tờ khai trị giá hải quan, trừ các trường hợp sau:

1. Hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế theo quy định tại Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;

2. Hàng hóa nhập khẩu theo loại hình nhập nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu;

3. Hàng hóa đủ điều kiện áp dụng phương pháp trị giá giao dịch quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư này, đồng thời đã khai đủ thông tin trị giá hải quan trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu của Hệ thống thông quan điện tử VNACCS và Hệ thống này tự động tính trị giá hải quan;

4. Hàng hóa nhập khẩu không có hợp đồng mua bán hoặc không có hóa đơn thương mại.

Điều 19. Mẫu tờ khai trị giá hải quan

1. Tờ khai trị giá hải quan để khai báo trị giá hải quan theo phương pháp trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu quy định tại Điều 6 Thông tư này: Mẫu tờ khai HQ/2015-TG1 và hướng dẫn khai báo theo Phụ lục III Thông tư này.

2. Tờ khai trị giá hải quan để khai báo trị giá hải quan theo các phương pháp xác định trị giá hải quan quy định từ Điều 8 đến Điều 12 Thông tư này: Mẫu tờ khai HQ/2015-TG2 và hướng dẫn khai báo theo Phụ lục III Thông tư này.

Điều 20. Nguyên tắc khai, nộp tờ khai trị giá hải quan

1. Khai báo chi tiết trị giá hải quan trên tờ khai trị giá hải quan cho từng mặt hàng tương ứng có trong tờ khai hàng hóa nhập khẩu. Các mặt hàng khai báo trên tờ khai trị giá hải quan phải được đánh số thứ tự liên tục, thống nhất với số thứ tự của mặt hàng đó trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu.

2. Tờ khai trị giá hải quan là bộ phận không tách rời của tờ khai hàng hóa nhập khẩu và được nộp kèm theo tờ khai hàng hóa nhập khẩu khi làm thủ tục hải quan. Tờ khai trị giá hải quan phải lập thành 02 bản, một bản lưu cơ quan hải quan, một bản lưu chủ hàng và được lưu trữ cùng với tờ khai hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật.

Mục III: CƠ SỞ DỮ LIỆU TRỊ GIÁ

Điều 21. Cơ sở dữ liệu trị giá

1. Cơ sở dữ liệu trị giá là thông tin liên quan đến xác định trị giá hải quan của các hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do cơ quan hải quan thu thập, tổng hợp, phân loại. Cơ sở dữ liệu trị giá hải quan được Tổng cục Hải quan xây dựng tập trung thống nhất và thường xuyên cập nhật. Bao gồm:

a) Hệ thống quản lý dữ liệu giá hải quan;

b) Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá và mức giá tham chiếu kèm theo.

2. Nguồn thông tin hình thành cơ sở dữ liệu trị giá:

a) Nguồn thông tin từ hồ sơ xuất khẩu, nhập khẩu: Là các nguồn thông tin có sẵn thể hiện trên hồ sơ xuất khẩu nhập khẩu do người khai hải quan khai báo hoặc do cơ quan Hải quan thực hiện trong quá trình làm thủ tục hải quan và sau khi hàng hóa đã thông quan.

b) Nguồn thông tin từ Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá theo quy định tại Thông tư này;

c) Nguồn thông tin về tình hình chấp hành pháp luật của doanh nghiệp: Các nguồn thông tin liên quan đến tình hình chấp hành chính sách pháp luật của doanh nghiệp trong khai báo và xác định trị giá, số lần vi phạm và mức độ vi phạm do cơ quan Hải quan tổng hợp phân tích trên hệ thống quản lý rủi ro;

d) Nguồn thông tin từ nguồn khác: Là các nguồn thông tin do cơ quan Hải quan thu thập hoặc do các cơ quan có liên quan khác cung cấp đã được kiểm chứng mức độ tin cậy.

3. Cơ sở dữ liệu trị giá được sử dụng để:

a) Xây dựng Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá;

b) Kiểm tra trị giá hải quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

c) Phục vụ công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và các lĩnh vực khác.

4. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quy định chi tiết quy chế xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu trị giá.

Điều 22. Thẩm quyền xây dựng, bổ sung, sửa đổi; nguyên tắc sử dụng Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá và mức giá tham chiếu

1. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan tổ chức xây dựng, bổ sung, sửa đổi:

a) Mặt hàng trong Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá trên cơ sở kết quả đánh giá rủi ro theo các tiêu chí quy định tại Điều 24 Thông tư này, thông tin nghiệp vụ, thông tin và dữ liệu hiện có trên hệ thống thông tin của ngành Hải quan tại thời điểm đánh giá. Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá phải phản ánh được thông tin về hàng hóa như: Mã số, tên hàng hóa.

b) Mức giá tham chiếu của mặt hàng trong Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá trên cơ sở các nguồn thông tin được thu thập theo quy định tại Điều 25 Thông tư này.

2. Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá và mức giá tham chiếu là cơ sở để cơ quan hải quan so sánh, đối chiếu, kiểm tra trị giá khai báo của người khai hải quan trong quá trình làm thủ tục hải quan hoặc sau khi hàng hóa đã thông quan theo quy định, không sử dụng để áp đặt trị giá hải quan, được lưu hành nội bộ và sử dụng thống nhất trong ngành Hải quan.

Điều 23. Thời hạn, trách nhiệm xây dựng, bổ sung, sửa đổi mặt hàng trong Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá và mức giá tham chiếu kèm theo

1. Thời hạn xây dựng, bổ sung, sửa đổi Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá và mức giá tham chiếu kèm theo: Định kỳ tối thiểu sáu tháng một lần hoặc trong trường hợp cần thiết trên cơ sở xem xét:

a) Các kiến nghị của tổ chức, cá nhân;

b) Đề xuất của Cục Hải quan tỉnh, thành phố và các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan theo quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố có trách nhiệm tổ chức thực hiện:

a) Cập nhật kết quả kiểm tra hồ sơ, kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa, kết quả tham vấn, xác định trị giá, kết quả kiểm tra sau thông quan, thanh tra, điều tra chống buôn lậu vào hệ thống cơ sở dữ liệu tương ứng.

b) Căn cứ kết quả kiểm tra hồ sơ, kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa, kết chống buôn lậu, tình hình kim ngạch, mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại đề xuất, báo cáo Tổng cục Hải quan:

b.1) Bổ sung mức giá tham chiếu đối với trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá nhưng chưa có mức giá tham chiếu theo Báo cáo đề xuất bổ sung Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá (mẫu số 02/DMBX/2015 Phụ lục II Thông tư này) trên cơ sở thu thập các nguồn thông tin theo quy định tại Điều 25 (trừ điểm h khoản 1) Thông tư này;

b.2) Sửa đổi mức giá tham chiếu đối với trường hợp mức giá khai báo và các thông tin thu thập được có biến động tăng hoặc giảm từ trên 10% so với mức giá tham chiếu tại Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá theo Báo cáo đề xuất sửa đổi danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá (mẫu số 03/DMSĐ/2015 Phụ lục II Thông tư này), trên cơ sở thu thập các nguồn thông tin theo quy định tại Điều 25 (trừ điểm h khoản 1) Thông tư này;

b.3) Bổ sung mặt hàng vào Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá và mức giá tham chiếu này đối với trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đáp ứng một trong các tiêu chí quy định tại Điều 24 Thông tư này nhưng chưa được đưa vào Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá theo Báo cáo đề xuất bổ sung Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá, trên cơ sở thu thập các nguồn thông tin theo quy định tại Điều 25 (trừ điểm h khoản 1) Thông tư này.

3. Các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục hải quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ quản lý các nguồn thông tin quy định tại khoản 1 Điều 25 Thông tư này thực hiện cập nhật vào hệ thống dữ liệu tương ứng của Tổng cục hải quan.

4. Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện việc cập nhật thông tin, Báo cáo đề xuất bổ sung, sửa đổi Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 24. Tiêu chí xây dựng, bổ sung, sửa đổi mặt hàng trong Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá

1. Đối với hàng hóa xuất khẩu:

a) Hàng hóa có thuế xuất khẩu và kim ngạch xuất khẩu lớn;

b) Hàng hóa có tần suất vi phạm cao về trị giá hải quan trong khoảng thời gian đánh giá;

c) Hàng hóa có rủi ro khai không đúng trị giá giao dịch nhằm mục đích gian lận thuế, trốn thuế xuất khẩu, hoặc để hưởng hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa xuất khẩu.

2. Đối với hàng hóa nhập khẩu:

a) Hàng hóa có thuế suất thuế nhập khẩu cao;

b) Hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu;

c) Hàng hóa có tần suất vi phạm cao về trị giá hải quan trong khoảng thời gian đánh giá;

d) Hàng hóa có rủi ro khai không đúng trị giá giao dịch nhằm mục đích gian lận thuế, trốn thuế nhập khẩu;

đ) Hàng hóa có rủi ro khai giảm trị giá nhập khẩu để bán phá giá hàng hóa vào thị trường nội địa Việt Nam.

Điều 25. Nguồn thông tin, xây dựng, bổ sung, sửa đổi mức giá tham chiếu kèm theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá

1. Nguồn thông tin của cơ quan hải quan:

a) Nguồn thông tin về giá xuất khẩu, nhập khẩu của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giống hệt, tương tự và đã được cơ quan hải quan chấp nhận trị giá hải quan do doanh nghiệp khai báo tại Hệ thống thông tin quản lý dữ liệu giá hải quan;

b) Nguồn thông tin về kết quả kiểm tra hồ sơ, kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa, kết quả tham vấn, kết quả điều chỉnh giá do Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện trong quá trình làm thủ tục hải quan và được cập nhật tại Hệ thống thông tin quản lý dữ liệu giá hải quan hàng ngày;

c) Nguồn thông tin về kết quả giải quyết khiếu nại về trị giá hải quan do Cục Hải quan tỉnh, thành phố, Tổng cục Hải quan thực hiện, được cập nhật tại Hệ thống thông tin quản lý dữ liệu giá hải quan;

d) Nguồn thông tin về kết quả kiểm tra sau thông quan về trị giá hải quan do lực lượng kiểm tra sau thông quan thực hiện trong quá trình kiểm tra sau thông quan và được cập nhật tại Hệ thống thông tin quản lý doanh nghiệp phục vụ kiểm tra sau thông quan và quản lý rủi ro;

đ) Nguồn thông tin về kết quả kiểm tra, xử lý đối với hành vi gian lận về trị giá hải quan do lực lượng chống buôn lậu thực hiện trong quá trình hoạt động kiểm soát, điều tra chống buôn lậu được cập nhật tại Hệ thống cơ sở dữ liệu thu thập thông tin;

e) Nguồn thông tin về tình hình gian lận thương mại, về kết quả xử lý các hành vi vi phạm trong quá trình thực hiện phân luồng tại Hệ thống thông tin quản lý rủi ro;

g) Nguồn thông tin về kết quả kiểm tra, thanh tra do Thanh tra hoặc các lực lượng khác của ngành hải quan thực hiện trước, trong, sau khi hàng hóa được thông quan;

h) Nguồn thông tin từ báo cáo đề xuất bổ sung, sửa đổi của Cục Hải quan tỉnh, thành phố theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Thông tư này.

2. Nguồn thông tin từ ngoài cơ quan hải quan:

a) Nguồn thông tin về giá giao dịch trên thị trường thế giới (đối với mặt hàng có giá giao dịch trên thị trường thế giới) được thể hiện trên trang tin điện tử của thị trường giao dịch mặt hàng đó;

b) Nguồn thông tin về giá kê khai do các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ quản lý theo pháp luật chuyên ngành đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của các Bộ quản lý theo pháp luật chuyên ngành;

c) Nguồn thông tin từ báo, tạp chí, tài liệu chuyên ngành đối với ngành hàng như ôtô, xe máy, hàng điện tử, sắt thép do cơ quan hải quan thu thập định kỳ hàng tháng;

d) Nguồn thông tin giá chào bán trên mạng Internet từ những trang thông tin điện tử chính hãng hoặc có liên kết với trang thông tin điện tử chính hãng, giá giao dịch trên thị trường thế giới (đối với mặt hàng có giá giao dịch trên thị trường thế giới) được thể hiện trên trang tin điện tử của thị trường giao dịch mặt hàng đó;

đ) Nguồn thông tin về dấu hiệu gian lận thương mại trong khai báo trị giá do các cơ quan có liên quan như: cơ quan quản lý thị trường, cơ quan công an, ngân hàng thương mại hoặc do các Bộ, ngành, cơ quan thuế, Hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cung cấp cho cơ quan hải quan;

g) Nguồn thông tin từ giá bán tại thị trường nội địa của hàng hóa giống hệt, hàng hóa tương tự với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, mối liên hệ giữa giá bán thị trường và giá bán hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do cơ quan hải quan thu thập định kỳ hoặc cơ quan thuế cung cấp (nếu có);

h) Nguồn thông tin về giá bán hàng hóa để xuất khẩu đến Việt Nam do cơ quan hải quan các nước cung cấp theo thỏa thuận hợp tác hải quan song phương hoặc đa phương.

3. Các nguồn thông tin nêu trên được thu thập trong khoảng thời gian tối thiểu sáu tháng kể từ ngày ký ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá đang có hiệu lực áp dụng. Sau khi thu thập được, Cục Thuế xuất nhập khẩu thực hiện phân tích, quy đổi các nguồn thông tin trên về cùng điều kiện mua bán để trình Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá và mức giá tham chiếu kèm theo.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 26. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2015.

Bãi bỏ các Thông tư, Quyết định:

a) Thông tư số 205/2010/TT-BTC ngày 15 tháng 12 năm 2010 hướng dẫn Nghị định 40/2007/NĐ-CP ngày 16 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ quy định về việc xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

b) Thông tư số 29/2014/TT-BTC ngày 26 tháng 02 năm 2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 205/2010/TT-BTC ngày 15 tháng 12 năm 2010 hướng dẫn Nghị định 40/2007/NĐ-CP ngày 16 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ quy định về việc xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

c) Quyết định số 30/2008/QĐ-BTC ngày 21 tháng 5 năm 2008 về việc ban hành tờ khai trị giá hải quan tính thuế hàng hóa nhập khẩu và hướng dẫn khai báo;

d) Thông tư số 182/2012/TT-BTC ngày 25 tháng 10 năm 2012 sửa đổi, bổ sung khoản 1 mục I Quyết định số 30/2008/QĐ-BTC ngày 21 tháng 5 năm 2008 về việc ban hành tờ khai trị giá hải quan tính thuế hàng hóa nhập khẩu và hướng dẫn khai báo;

đ) Quyết định số 1102/QĐ-BTC ngày 21 tháng 5 năm 2008 về việc xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu giá.

2. Việc xác định, kiểm tra trị giá hải quan đối với các tờ khai hải quan đăng ký từ ngày 01/01/2015 đến trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 205/2010/TT-BTC ngày 15 tháng 12 năm 2010 và Thông tư số 29/2014/TT-BTC ngày 26 tháng 02 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

3. Quá trình thực hiện, nếu các văn bản liên quan đề cập tại Thông tư này và các phụ lục kèm theo Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản mới được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.

4. Xác định trước trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; kiểm tra trị giá hải quan trong quá trình làm thủ tục thông quan; kiểm tra trị giá sau khi hàng hóa đã thông quan được thực hiện theo quy định Thông tư quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Điều 27. Trách nhiệm thực hiện

1. Tổng cục Hải quan phối hợp với các Bộ, các hiệp hội ngành hàng, các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính để tổ chức thu thập, trao đổi thông tin giá phục vụ kiểm tra, xác định trị giá hải quan theo quy định tại Điều 25 Thông tư này.

2. Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố có trách nhiệm tổ chức thu thập, xử lý thông tin và báo cáo Tổng cục Hải quan xây dựng, sửa đổi Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Thông tư này.

3. Cơ quan hải quan, người khai hải quan, người nộp thuế và các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thực hiện việc xác định trị giá hải quan theo đúng quy định tại Thông tư này; Trường hợp phát sinh vướng mắc phản ánh về Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan để được xem xét, hướng dẫn giải quyết./.


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ; các Phó Thủ tướng CP;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ; Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng TƯ và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố;
- Kiểm toán Nhà nước; Công báo;
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
- Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Website Chính phủ; Website Bộ Tài chính;
- Các đơn vị thuộc Bộ và trực thuộc Bộ; Website Hải quan;
- Các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan;
- Lưu VT; TCHQ.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Hoàng Anh Tuấn

PHỤ LỤC I

MỘT SỐ VÍ DỤ VỀ PHÍ BẢN QUYỀN, GIẤY PHÉP
(Ban hành kèm theo Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25 tháng 3 năm 2015)

1. Ví dụ về phí bản quyền, giấy phép thỏa mãn điều kiện “liên quan đến hàng hóa nhập khẩu”

Ví dụ 1: ví dụ cho điểm b khoản 4 Điều 14 Thông tư này:

Công ty Y (người bán) tại nước B sử dụng bí quyết kỹ thuật Z để sản xuất ra động cơ xe máy hiệu K. Công ty X (người mua) tại Việt nam nhập khẩu động cơ xe máy hiệu K của công ty Y. Ngoài việc trả tiền để mua hàng hóa nhập khẩu, Công ty X phải trả cho Công ty Y tiền phí bản quyền để sử dụng động cơ xe máy nhãn hiệu K. Trường hợp này thỏa mãn quy định tại điểm b.1 khoản 4 Điều 14 Thông tư này.

Ví dụ 2: ví dụ cho điểm b khoản 4 Điều 14 Thông tư này:

Công ty I tại Việt Nam ký Hợp đồng với công ty J tại nước X về việc nhập khẩu thuốc chứa hoạt chất A được bảo hộ theo Bằng độc quyền sáng chế B và phải trả phí bản quyền (tính theo đơn vị sản phẩm) cho công ty J để được mua thuốc chứa hoạt chất A. Trường hợp này thuốc chứa hoạt chất A thỏa mãn quy định tại điểm b.2 khoản 4 Điều 14 Thông tư này.

2. Ví dụ về phí bản quyền, giấy phép thỏa mãn điều kiện “như một điều kiện cho giao dịch mua bán hàng hóa nhập khẩu”.

Tất cả các tình huống từ 1 đến 7 (trừ tình huống 2), đều thỏa mãn điều kiện “như một điều kiện cho giao dịch mua bán hàng hóa nhập khẩu”. Cụ thể như sau:

Tình hung 1:

Phí bản quyền do người mua trả tại tình huống này thỏa mãn điều kiện “như một điều kiện cho giao dịch mua bán hàng hóa nhập khẩu” quy định tại khoản 6 Điều 14 Thông tư này vì người mua trả phí bn quyn cho người bán S (đồng thi là chủ thể quyn sở hữu trí tuệ) để mua được hàng hóa.

Tình huống 2:

Phí bản quyền do người mua trả tại tình huống này không thỏa mãn nội dung “như một điều kiện cho giao dịch mua bán hàng hóa nhập khẩu” quy định tại khoản 6 Điều 14 Thông tư này vì không có bất kỳ sự thỏa thuận nào về việc người mua B phải trả phí bản quyền để được mua hàng hóa từ người bán S.

Tình huống 3:

Phí bản quyền do người mua trả tại tình huống này thỏa mãn điều kiện “như một điều kiện cho giao dịch mua bán hàng hóa nhập khẩu” theo quy định tại khoản 6 Điều 14 Thông tư này vì giữa người mua B và người bán S có thỏa thuận về việc người mua B phải thanh toán phí bản quyền cho công ty L để mua được hàng hóa.

Tình huống 4:

Phí bản quyền do người mua trả tại tình huống này thỏa mãn điều kiện “như một điều kiện cho giao dịch mua bán hàng hóa nhập khẩu” định tại khoản 6 Điều 14 Thông tư này vì giữa người bán S và chủ thể quyền sở hữu trí tuệ L có mối quan hệ đặc biệt (công ty mẹ con) (tại điểm khoản 6 Điều 14 Thông tư này); người mua chỉ mua được hàng hóa khi trả phí bản quyền (tại khoản 6 Điều 14 Thông tư này).

Tình huống 5:

Phí bản quyền do người mua trả tại tình huống này thỏa mãn điều kiện “như một điều kiện cho giao dịch mua bán hàng hóa nhập khẩu” quy định tại khoản 6 Điều 14 Thông tư này vì người mua B mua hàng hóa từ người bán S do chủ thể quyền sở hữu trí tuệ L chỉ định.

Tình hung 6:

Phí bản quyền do người mua trả tại tình huống này thỏa mãn điều kiện “như một điều kiện cho giao dịch mua bán hàng hóa nhập khu” quy định tại khoản 6 Điều 14 Thông tư này vì giữa người mua B chỉ mua được hàng hóa khi trả phí bản quyền cho người bán S.

Tình huống 7:

Phí bản quyền do người mua trả tại tình huống này thỏa mãn điều kiện “như một điều kiện cho giao dịch mua bán hàng hóa nhập khẩu” quy định tại khoản 6 Điều 14 Thông tư này vì giữa người mua B phải trả tiền bản quyền để mua được hàng hóa của người bán S, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ L.

PHỤ LỤC II

DANH MỤC CÁC BIỂU MẪU
(Ban hành kèm Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25 tháng 3 năm 2015)

Mu số

Tên Biểu mẫu

Ký hiệu

Quy định tại

(01)

(02)

(03)

(04)

01

Bảng kê theo dõi thực tế việc nhập khẩu hàng hóa

01/GG/2015

Điều 15

02

Báo cáo đề xuất bổ sung Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá

02/DMBX/2015

Điều 23

03

Báo cáo đề xuất sửa đổi Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá

03/DMSĐ/2015

Điều 23

Mẫu số 01/GG/2015

TÊN CQ, TC CẤP TRÊN
TÊN CƠ QUAN, TỔ CHỨC

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:      /TB-CQBHVB

………, ngày ….. tháng ….. năm …..

BẢNG KÊ THEO DÕI THỰC TẾ NHẬP KHẨU HÀNG HÓA THUỘC HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA CÓ ĐIỀU KHOẢN GIẢM GIÁ

1) Ngưi khai hải quan:

- Tên Công ty:

- Mã số thuế:

- Địa chỉ

2) Hợp đồng mua bán hàng hóa:

- Số:

- Ngày:

- Tổng lượng hàng hóa:

- Đơn giá chưa trừ khoản giảm giá (USD):

- Đơn giá đã trừ khoản giảm giá (USD):

- Tổng trị giá chưa trừ khoản giảm giá (USD):

- Tổng trị giá đã trừ khoản giảm giá (USD):

- Tỷ lệ giảm giá ... mức giảm giá  …..

- Loại giảm giá:

STT

Tờ khai

Tên hàng

ĐVT

Lượng

Tổng trị giá

Số, ngày

Chi cục Hải quan

Chưa trừ khoản giảm giá

Đã trừ khoản giảm giá

Tng cộng

NGƯỜI KHAI HẢI QUAN
(Ký, đóng dấu, ghi rõ chức vụ họ tên)


CỤC HẢI QUAN TỈNH, THÀNH PHỐ
Số:

Mẫu số 02/DMBX/2015

Báo cáo đề xuất bổ sung Danh mục hàng hóa xuất khẩu rủi ro về trị giá /Danh mục hàng hóa nhập khẩu rủi ro về trị giá

STT

Mã s

Tên hàng
(Mô tả chi tiết)

ĐVT

Thông tin trong ngành HQ

Thông tin ngoài ngành HQ

Mức giá đề xuất (USD)

Căn cứ đề xuất

Mức giá và tên nguồn thông tin

…..

…..

…..

Mức giá và tên nguồn thông tin

…..

…..

…..

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

Ghi chú:

- Tiêu đề: Ghi rõ “Danh mục hàng hóa xuất khẩu rủi ro về trị giá” đối với đề xuất bổ sung hàng xuất khẩu; “Danh mục hàng hóa nhập khẩu rủi ro về trị giá” đối với đề xuất hàng nhập khẩu.

- Cột Thông tin (5) (6): ghi rõ mức giá và tên nguồn thông tin quy định tại Điều 25 sửa đổi, bổ sung (đối với hàng hóa xuất khẩu) được khai thác, sử dụng để đề xuất mức giá tại cột (7).

- Cột Căn cứ đề xuất (8): ghi rõ cơ sở tính toán, cách tính toán mức giá đề xuất từ các nguồn thông tin tại Cột (5) (6) và gửi kèm Báo cáo này thông tin, tài liệu thuyết minh.


NGƯỜI LẬP BÁO CÁO


LÃNH ĐẠO PHÒNG THUẾ XUẤT NHẬP KHẨU HOẶC PHÒNG NGHIỆP VỤ

….. ngày ….. tháng ….. năm ….
CỤC TRƯỞNG

CỤC HẢI QUAN TỈNH, THÀNH PHỐ
Số:

Mẫu số 03/DMSĐ/2015

Báo cáo đề xuất sửa đổi Danh mục hàng hóa xuất khẩu rủi ro về trị giá /Danh mục hóa hàng nhập khẩu rủi ro về trị giá

STT

Mã s

Tên hàng (Mô tả chi tiết)

ĐVT

Mức giá tại Danh mục hàng xuất khẩu/Danh mục hàng nhập khẩu (USD)

Thông tin trong ngành HQ

Thông tin ngoài ngành HQ

Mức giá đề nghị điều chỉnh (USD)

s điều chỉnh

Mức giá và tên nguồn thông tin

…..

…..

Mức giá và tên nguồn thông tin

…..

….

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

(9)

Ghi chú:

- Tiêu đề: Ghi rõ Danh mục hàng hóa xuất khẩu ri ro về trị giá đối với đề xuất b sung hàng xuất khẩu; Danh mục hàng hóa nhập khẩu rủi ro về trị giá” đối với đề xuất hàng nhập khẩu.

- Cột Thông tin (6) (7): ghi rõ mức giá và tên nguồn thông tin quy định tại Điều 25 sửa đổi, bổ sung được khai thác, sử dụng để đề xuất mức giá tại cột (8).

- Cột Cơ sở điều chỉnh (9): ghi rõ cơ sở tính toán, cách tính toán mức giá đề xuất điều chỉnh từ các nguồn thông tin tại Cột (6) (7) và gửi kèm Báo cáo này thông tin, tài liệu thuyết minh.


NGƯỜI LẬP BÁO CÁO


LÃNH ĐẠO PHÒNG THUẾ XUẤT NHẬP KHẨU HOẶC PHÒNG NGHIỆP VỤ

….. ngày ….. tháng ….. năm ….
CỤC TRƯỞNG


PHỤ LỤC III

MẪU TỜ KHAI TRỊ GIÁ HẢI QUAN
(Ban hành kèm theo Thông tư s 39/2015/TT-BTC ngày 25 tháng 3 năm 2015)

HQ/2015-TG1

       BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN

TỜ KHAI TRỊ GIÁ HẢI QUAN

Kèm theo tờ khai hàng hóa nhập khẩu số ……………. ngày …../…... /20

Trang số …… /……… (tng s trang)

1. Ngày xuất khẩu:            Ngày      tháng      năm 20 ……

ĐIỀU KIỆN ÁP DỤNG TRỊ GIÁ GIAO DỊCH

2. Người mua có đầy đủ quyền định đoạt, quyền sử dụng hàng hóa sau khi nhập khẩu không?

*

*

Không

3. Việc bán hàng hay giá cả có phụ thuộc vào điều kiện nào dẫn đến việc không xác định được trị giá của hàng hóa nhập khẩu không?

*

*

Không

4. Người mua có phải trả thêm khoản tiền nào từ số tiền thu được do việc định đoạt, sử dụng hàng hóa nhập khẩu không?

*

*

Không

Nếu Có, có phải là khoản tiền khai báo tại tiêu thức 9 (P) không?

*

*

Không

5. Người mua và người bán có mối quan hệ đặc biệt hay không?

*

*

Không

Nếu Có, nêu rõ mối quan hệ đó

Mối quan hệ đặc biệt có ảnh hưởng đến trị giá giao dịch không?

*

*

Không

TRỊ GIÁ HÓA ĐƠN VÀ CÁC KHOẢN ĐIỀU CHỈNH

STT

Mặt hàng số

Trị giá giao dịch

Các khoản điều chỉnh cộng

Các khoản điều chỉnh trừ

TGHQ (nguyên tệ)

TGHQ (USD)

TGHQ (VND)

8

9

10

6

7

(8a)

(8b)

(8c)

11(a)

(11(b)

12

13. Tổng

S

S

S

S

S

S

S

S

S

14. Tổng cộng

S

S

S

S

S

Ghi chú

15. Tôi xin cam đoan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung khai báo trên tờ khai này.

Ngày … tháng … năm ….

(Người khai hải quan ghi rõ họ tên, chức danh, đóng dấu)

PHẦN DÀNH RIÊNG CHO CÔNG CHỨC HẢI QUAN

16. Ghi chép của công chức hải quan tiếp nhận tờ khai

(Ký, ghi rõ họ tên)

17. Ghi chép của công chức hải quan kiểm tra trị giá hải quan

(Ký, ghi rõ họ tên)

TRỊ GIÁ GIAO DỊCH (8), bao gồm

(8a) Giá mua ghi trên hóa đơn

(8b) Khoản thanh toán gián tiếp

(8c) Khoản tiền trả trước, ứng trước, đặt cọc

CÁC KHOẢN ĐIỀU CHỈNH CỘNG (9), ghi số tiền tương ứng với từng mặt hàng và ghi các mã điều chỉnh tương ứng ô (...) dưới đây:

“A” Phí hoa hồng bán hàng, phí môi giới

“B” Chi phí bao bì được coi là đồng nhất với hàng hóa nhập khẩu

“C” Chi phí đóng gói hàng hóa

“D” Các khoản trợ giúp người mua cung cấp miễn phí hoặc giảm giá

“E” Phí bản quyền, phí giấy phép

“P” Các khoản tiền mà người nhập khẩu phải trả từ số tiền thu được sau khi bán lại, định đoạt, sử dụng hàng hóa nhập khẩu

“F” Chi phí vận tải hàng hóa tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên

“I” Chi phí bảo hiểm hàng hóa tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên

“N” Khác

CÁC KHOẢN ĐIỀU CHỈNH TRỪ (10), ghi số tiền tương ứng với từng mặt hàng ghi các mã điều chỉnh tương ứng ô (...) dưới đây:

“U” Chi phí cho những hoạt động phát sinh sau khi nhập khẩu, gồm các chi phí về xây dựng, kiến trúc, lắp đặt, bảo dưỡng hoặc trợ giúp kỹ thuật, tư vấn kỹ thuật, chi phí giám sát và các chi phí tương tự

“V” Phí vận tải phát sinh sau khi hàng hóa được vận chuyển đến cửa khẩu nhập đầu tiên

“H” Phí bảo hiểm phát sinh sau khi hàng hóa được vận chuyển đến cửa khẩu nhập đầu tiên

“T” Các khoản thuế, phí, lệ phí phải nộp ở Việt Nam đã nằm trong giá mua hàng nhập khẩu

“G” Khoản giảm giá

“S” Các chi phí do người mua chịu liên quan đến tiếp thị hàng hóa nhập khẩu

“L” Tiền lãi phải trả do việc thanh toán tiền mua hàng

“N” Khác

HƯỚNG DẪN KHAI BÁO

Hướng dẫn khai báo tờ khai trị giá hải quan hàng hóa nhập khẩu.

- Tờ khai trị giá hải quan được sử dụng để khai báo cho nhiều mặt hàng. Trường hợp số lượng mặt hàng nhiều thì người khai hải quan có thể thêm dòng để kéo dài sang các trang tiếp theo.

- Số cột các khoản điều chỉnh cộng (9), các khoản điều chỉnh trừ (10): Người khai hải quan tự điều chỉnh số cột tương ứng với các khoản điều chỉnh cần kê khai.

- Phần khai báo trên tờ khai:

PHẦN KHAI BÁO CỦA NGƯỜI KHAI HẢI QUAN

Trang số … /…tổng s trang

Ghi số thứ tự từng trang t khai trị giá Hải quan / tổng s trang tờ khai trị giá hải quan.

Ví dụ: Lô hàng nhập khẩu có 30 mặt hàng và khai báo trên 02 tờ khai trị giá hải quan: Trên mặt tờ khai thể hiện: Trang số 1/2 trang; trang số 2/2 trang.

Tiêu thức 1

Ghi ngày vn đơn.

ĐIỀU KIỆN ÁP DỤNG TRỊ GIÁ GIAO DỊCH

Tiêu thức 2

Khai báo nếu người mua có đầy đủ quyền định đoạt, quyền sử dụng hàng hóa sau khi nhập khẩu.

Khai báo KHÔNG nếu người mua không có đầy đủ quyền định đoạt, quyền sử dụng hàng hóa sau khi nhập khẩu.

Tiêu thức 3

Khai báo nếu việc bán hàng hay giá cả hàng hóa có phụ thuộc vào một s điều kiện dẫn đến việc không xác định được trị giá của hàng hóa cn xác định trị giá hải quan.

Ví d: Vở và bút được đóng gói chung đ bán lẻ. Người mua và người bán thỏa thuận đơn giá cho từng gói hàng để bán lẻ, vì vậy không thể xác định được đơn giá của từng mặt hàng bút, vở.

Khai báo KHÔNG nếu việc bán hàng hay giá cả của hàng hóa không phụ thuộc vào bất kỳ điều kiện nào.

Tiêu thức 4

Khai báo CÓ nếu sau khi bán lại, chuyển nhượng hoặc sử dụng hàng hóa người mua phải trả thêm khoản tiền từ số tiền thu được do việc định đoạt hàng hóa nhập khẩu mang lại.

Nếu trên đây đã khai báo CÓ thì khai báo tiếp khoản tiền đó có phải là khoản tiền nêu tại tiêu thức 9 (P) không:

Khai báo KHÔNG, người khai hải quan sử dụng phương pháp khác để xác định trị giá hải quan.

Khai báo CÓ, người khai hải quan tiếp tục khai báo trên tờ khai này.

Tiêu thức 5

Khai báo CÓ nếu mối quan hệ đặc biệt giữa người mua và người bán thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 7 Thông tư này.

Khai báo mối quan hệ đó có ảnh hưởng đến trị giá giao dịch hay không.

Khai báo KHÔNG nếu mối quan hệ giữa người mua và người bán không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 7 Thông tư này.

Trường hợp mối quan hệ đặc biệt ảnh hưởng đến giá cả, người khai hải quan sử dụng phương pháp tiếp theo để xác định trị giá hải quan.

TRỊ GIÁ HÓA ĐƠN VÀ CÁC KHOẢN ĐIỀU CHỈNH

Tiêu thức 6

Ghi số thứ tự (số liên tục) của các mặt hàng kê khai trên tờ khai trị giá hải quan.

Tiêu thức 7

Ghi số thứ tự mặt hàng theo số thứ tự của các mặt hàng tương ứng đã khai tại tờ khai hàng hóa nhập khẩu.

Số mặt hàng tại tờ khai trị giá hải quan phải bằng số mặt hàng tại tờ khai hàng hóa nhập khẩu.

I. TRỊ GIÁ GIAO DỊCH

Tiêu thức 8a

Khai báo trị giá nguyên tệ trên hóa đơn (theo từng mặt hàng).

Ví dụ 1: Hóa đơn thương mại thể hiện giá hóa đơn: 1.000 USD/ bộ FOB Osaka, số lượng 5 bộ, khai báo tại tiêu thức 8: 5.000 USD.

Tiêu thức 8b

- Khai báo các khoản thanh toán gián tiếp quy định tại Điều 13 Thông tư này nếu chưa bao gồm trong giá mua ghi trên hóa đơn thương mại.

- Trường hợp việc mua bán hàng hóa hay giá cả của hàng hóa phụ thuộc vào một hay một số điều kiện đã khai báo tại tiêu thức 2 đến tiêu thức 5, nhưng người mua có tài liệu khách quan, hợp lệ để xác định mức ảnh hưởng bằng tiền của sự phụ thuộc đó, thì người khai hải quan khai báo khoản tiền được giảm do sự ảnh hưởng đó tại tiêu thức này.

Tiêu thức 8c

Khai báo các khoản trả trước, ứng trước, đặt cọc liên quan đến việc mua hàng hóa nhập khẩu, nếu các khoản này chưa bao gồm trong giá mua ghi trên hóa đơn thương mại.

II. CÁC KHOẢN PHẢI CỘNG

Tiêu thức 9

Người khai hải quan đối chiếu với quy định tại Điều 13 Thông tư này để kê khai.

Chỉ khai báo các khoản điều chỉnh cộng do người mua phải trả, liên quan đến hàng hóa nhập khẩu và chúng chưa bao gồm trong giá mua ghi trên hóa đơn.

Người khai hải quan khai mã khoản điều chỉnh tại các ô (…). Ví dụ nếu có khoản phí bản quyền thì khai E vào ô (....), đồng thời khai trị giá của các khoản chi phí với từng mặt hàng tương ứng.

Trường hợp có khoán phí bản quyền trả sau do phụ thuộc vào doanh thu bán hàng sau nhập khẩu, tại thời điểm kê khai hải quan, người khai hải quan ghi vào ô ghi chú nội dung “có phí bản quyền hoặc khoản tiền trả sau cho các mặt hàng số...”. Lý do

III. CÁC KHOẢN ĐƯỢC TRỪ

Tiêu thức 10

Người khai hải quan đối với quy định tại Điều 15 Thông tư này đ kê khai.

Chỉ khai báo các khoản điều chỉnh trừ nếu chúng đã bao gồm trong trị giá giao dịch Người khai hải quan khai mã khoản điều chỉnh tại các ô (…).

Trường hợp giảm giá theo số lượng, tại ô “ghi chú” người khai hải quan khai tỷ lệ hoặc số tiền được giảm, đồng thời ghi rõ “giảm giá theo số lượng”. Không thực hiện điều chỉnh trừ khoản giảm giá trên tờ khai trị giá hải quan.

Tiêu thức 11a

- Trường hợp trị giá hóa đơn và trị giá các khoản điều chỉnh cùng nguyên tệ, tiêu thức 11(a) = tiêu thức 8 + tiêu thức 9 - tiêu thức 10. Sau đó nhân với tỷ giá tính thuế để khai vào tiêu thức 11(b).

- Trường hợp trị giá hóa đơn, và trị giá các khoản điều chỉnh không cùng nguyên tệ, người khai không cần tính tiêu thức 11(a) mà khai vào tiêu thức 11(b).

Tiêu thức 11b

Tiêu thức 11(b) = tiêu thức 8 + tiêu thức 9 - tiêu thức 10 sau khi đã nhân tiêu thức số 8, 9, 10 với tỷ giá tính thuế tương ứng.

Tiêu thc 12

Trị giá hải quan của một mặt hàng được xác định bằng phép nhân giữa tiêu thức 11(b) trên tờ khai trị giá hải quan và tỷ giá tính thuế.

Tiêu thức 13

Tổng trị giá trên hóa đơn của từng cột tiêu thức cho toàn bộ hàng hóa kê khai.

Tiêu thức 14

Tổng trị giá giao dịch, tổng trị giá các khoản điều chỉnh cộng, các khoản điều chnh trừ cho toàn bộ hàng hóa kê khai.

Ví dụ: Doanh nghiệp X Việt Nam ký hợp đồng nhập khẩu mặt hàng A, B, C với công ty Y ở nước ngoài.

- Tại hóa đơn thương mại, có ghi như sau:

Mặt hàng A: trị giá giao dịch là 56.000usd

Mặt hàng B: trị giá giao dịch là 50.000usd, chi phí đóng gói là 2.000usd

Mặt hàng C: trị giá giao dịch là 25.000usd.

- Hợp đồng mua bán hàng hóa có ghi điều kiện giao hàng là giá FOB (Hải Phòng), chi phí vận tải quốc tế là 5.000usd.

Theo đó, tại tiêu thức số 14 ghi:

- Tổng trị giá giao dịch là 56.000 + 50.000 + 25.000 = 131.000usd

- Tổng trị giá các khoản điều chỉnh cộng là: 5.000 + 2.000 = 7.000usd

- Tổng trị giá các khoản điều chỉnh trừ là: 0

Tiêu thức 15

Người khai hải quan ghi rõ ngày, tháng, năm khai báo; ký và ghi rõ họ tên, chức danh, đóng dấu đơn vị.

PHẦN DÀNH CHO CÔNG CHỨC HẢI QUAN

Tiêu đề của tờ khai trị giá hải quan

Công chức hải quan tiếp nhận, đăng ký tờ khai trị giá hải quan ghi số, ngày đăng ký tờ khai hàng hóa nhập khẩu của lô hàng đang được khai báo trị giá.

Tiêu thức 16

Công chức hải quan tiếp nhận tờ khai trị giá hải quan ghi chép các thông tin liên quan đến việc xác định trị giá vào bản lưu tại cơ quan hải quan để chuyển đến các khâu nghiệp vụ sau và ký, ghi rõ họ tên.

Bản tờ khai trả cho người khai hải quan, công chức hải quan tiếp nhận tờ khai trị giá hải quan chỉ ký và ghi rõ họ tên.

* Trường hợp người khai hải quan khai báo trên phụ lục tờ khai trị giá hải quan, công chức hải quan tiếp nhận tờ khai trị giá hải quan vẫn ghi chép đầy đủ vào tiêu thức này.

Tiêu thức 17

Công chức hải quan kiểm tra trị giá hải quan ghi chép ý kiến đối với nội dung kiểm tra trị giá hải quan của người khai hải quan và ký, ghi rõ họ tên vào bản lưu tại cơ quan Hải quan, không ghi vào bản tờ khai trả cho người khai hải quan.

* Trường hợp người khai hải quan khai báo trên phụ lục tờ khai trị giá hải quan, công chức hải quan kiểm tra, xác định trị giá hải quan ghi chép đầy đủ vào tiêu thức này.

PHỤ LỤC III

MẪU TỜ KHAI TRỊ GIÁ HẢI QUAN
(Ban hành kèm theo Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25 tháng 3 năm 2015)

HQ/2015-TG2

       BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN

TỜ KHAI TRỊ GIÁ HẢI QUAN

Kèm theo tờ khai hàng hóa nhập khẩu số ……………. ngày …../…../20

Trang số …… /……… (tng s trang)

I. Lý do không áp dụng phương pháp xác định trị giá hải quan trước đó:

II. Tên hàng hóa cần xác định trị giá hải quan:

Số thứ tự trên tờ khai nhập khẩu:                      Ngày xuất khẩu:

PHƯƠNG PHÁP 2,3

III. Thông tin về hàng hóa nhập khẩu giống hệt, tương tự:

+ Tên hàng hóa nhập khẩu giống hệt, tương tự:

+ Số thứ tự trên tờ khai nhập khẩu:

+ Tờ khai hàng hóa nhập khẩu số ……….. ngày ….. tháng ….. năm 200... đăng ký tại Chi cục hải quan

Cục Hải quan

+ Ngày xuất khẩu:

IV. Xác định trị giá hải quan và giải trình:

Nguyên tệ

1. Trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu giống hệt, tương tự

2. Các khoản điều chỉnh (+/-)

(a) Điều chỉnh về cấp độ thương mại

(b) Điều chỉnh về số lượng

(c) Điều chỉnh các khoản giảm giá khác

(d) Điều chỉnh về chi phí vận tải

(đ) Điều chỉnh về phí bảo hiểm

3. Trị giá hải quan nguyên tệ của hàng hóa cần xác định trị giá hải quan = (1) ± (2)

4. Trị giá hải quan bằng Đồng Việt Nam = (3) x tỷ giá

Giải trình các khoản điều chỉnh và chứng từ kèm theo:

PHƯƠNG PHÁP 4

III. Thông tin về hàng hóa nhập khu đã bán lại trong nước được la chọn để khu trừ:

+ Tên hàng hóa nhập khẩu đã bán li:

+ Các thông tin liên quan khác:

IV. Xác định trị giá hải quan và giải trình

Đồng Việt Nam

Tỷ lệ (%) so với giá bán

1. Đơn giá bán trên thị trường Việt Nam

2. Các khoản được khấu trừ (tính trên một đơn vị hàng hóa)

- Tiền hoa hồng

- Khoản lợi nhuận và chi phí quản lý chung

- Chi phí vận tải, bốc xếp, chuyển hàng nội địa

- Chi phí bảo hiểm nội địa

- Phí/lệ phí/thuế

3. Đơn giá bằng đồng Việt Nam = (1) - (2)

4. Trị giá hải quan bằng đồng Việt Nam của hàng hóa nhập khẩu cần xác định trị giá hải quan = (3)*số lượng

Giải trình các khoản điều chỉnh và chứng từ kèm theo:

PHƯƠNG PHÁP 5

III. Thông tin về tên, địa chỉ đơn vị cung cấp số liệu về chi phí sn xuất:

IV. Xác định trị giá hải quan và giải trình:

Trị giá nguyên tệ

1. Giá thành sản phẩm (tính theo lô hàng)

2. Các chi phí phải điều chỉnh

- Hoa hồng bán hàng và phí môi giới

- Chi phí bao bì gắn liền với hàng hóa

- Chi phí đóng gói hàng hóa

- Các khoản trợ giúp

- Tiền bản quyền, phí giấy phép

- Khoản phải trả trừ số tiền thu được sau khi định đoạt hay sử dụng hàng hóa nhập khẩu

- Chi phí vận tải, bốc xếp, chuyển hàng đến cửa khẩu nhập đầu tiên

- Chi phí bảo hiểm hàng hóa nhập khẩu đến cửa khẩu nhập đầu tiên

3. Lợi nhuận và chi phí chung

4. Phí, lệ phí và thuế phải nộp (mà không được hoàn trả)

5. Trị giá hải quan nguyên tệ của hàng hóa đang cần xác định trị giá = (1) + (2) + (3) + (4)

6. Trị giá hải quan bằng Đồng Việt Nam = (5) x tỷ giá

Phương pháp kế toán đã áp dụng và các chứng từ đã sử dụng:

PHƯƠNG PHÁP 6

III. Các thông tin được sử dụng đ xác định trị giá hải quan:

IV. Xác định trị giá hải quan và giải trình

1. Lựa chọn cách xác định trị giá hải quan

2. Giải trình:

3. Trị giá hải quan nguyên tệ của hàng hóa nhập khẩu cần xác định trị giá hải quan:

4. Trị giá hải quan bằng đồng Việt Nam = (3) x tỷ giá

Các chứng từ đã sử dụng đính kèm:

V. Tôi xin cam đoan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung khai báo trên tờ khai này.

Ngày ….. tháng …. năm …..

(Người khai hải quan ghi rõ họ tên, chức danh, đóng dấu)

PHẦN DÀNH RIÊNG CHO CÔNG CHỨC HẢI QUAN

VI. Ghi chép của công chức hải quan tiếp nhận tờ khai

(Ký, ghi rõ họ tên)

VII. Ghi chép của công chức hải quan kiểm tra, xác định trị giá hải quan

(Ký, ghi rõ họ tên)

HƯỚNG DẪN KHAI BÁO

Hướng dẫn khai báo tờ khai trị giá hải quan hàng hóa nhập khẩu.

- Tờ khai trị giá hải quan được sử dụng để khai báo cho nhiều mặt hàng. Trường hợp số lượng mặt hàng nhiều thì người khai hải quan có thể thêm dòng để kéo dài sang các trang tiếp theo.

- Trên cơ sở mẫu khai báo, người khai hải quan có thể tự thiết kế thêm các tiêu chí cho phù hợp với hồ sơ nhập khẩu nhưng phải đảm bảo đầy đủ các nội dung được quy định trong mẫu khai báo trị giá hải quan đó.

- Phần khai báo trên tờ khai:

PHẦN KHAI BÁO CỦA NGƯỜI KHAI HẢI QUAN

Trang số ... /...tng số trang

Ghi số thứ tự từng trang tờ khai trị giá hải quan/ tổng số trang tờ khai trị giá hải quan.

Ví dụ: Lô hàng nhập khẩu có 30 mặt hàng và khai báo trên 02 tờ khai trị giá hải quan: Trên mặt tờ khai thể hiện: Trang số 1/ 2 trang; trang số 2/ 2 trang.

Tiêu thức số I

Người khai hải quan ghi rõ lý do tại sao không sử dụng phương pháp xác định trị giá trước đó.

Tiêu thức số II

- Tên hàng: Ghi rõ tên hàng, quy cách, phẩm chất của hàng hóa theo hợp đồng thương mại.

- Số thứ tự trên tờ khai nhập khẩu: Ghi rõ số thứ tự của mặt hàng cần xác định trị giá hải quan tương ứng trên tờ khai nhập khẩu.

- Ngày xuất khẩu: Ghi ngày vận đơn của lô hàng đó.

Tiêu thức số III

1. Trường hợp người khai hải quan xác định trị giá theo phương pháp trị giá giao dịch của hàng ging hệt/tương tự

- Tên hàng hóa nhập khẩu giống hệt/Tên hàng hóa nhập khẩu tương tự: người khai hải quan khai báo theo kết quả kiểm hóa của hàng hóa nhập khẩu giống hệt/hàng hóa nhập khẩu tương tự.

- Số thứ tự trên tờ khai nhập khẩu: Ghi rõ số thứ tự của hàng hóa nhập khẩu giống hệt, tương tự tương ứng trên tờ khai nhập khẩu

- Ngày xuất khẩu: Ghi ngày phát hành vận đơn của lô hàng giống hệt/ tương tự đó.

2. Trường hợp người khai hải quan xác định trị giá theo phương pháp trị giá khấu trừ

- Tên hàng hóa nhập khẩu đã bán lại trong nước được lựa chọn để khấu trừ: người khai hải quan khai báo theo kết quả kiểm hóa.

3. Trường hợp người khai hải quan xác định trị giá theo phương pháp trị giá tính toán

- Tên, địa chỉ đơn vị cung cấp số liệu về chi phí sản xuất: Người khai hải quan khai báo rõ tên, địa chỉ của người sản xuất hay đại diện của người sản xuất, đã cung cấp thông tin để xác định trị giá tính toán

4. Trường hợp người khai hải quan xác định trị giá theo phương pháp suy luận

- Các thông tin được sử dụng để xác định trị giá hải quan: Khai báo chi tiết nguồn thông tin được khai thác để xác định trị giá hải quan (số ngày đăng ký tờ khai hàng hóa nhập khẩu giống hệt/tương tự; số, ngày hóa đơn bán lại hàng hóa nhập khẩu trên thị trường Việt Nam; thông tin thu được từ người sản xuất;...).

Tiêu thức s IV

1. Trường hợp người khai hải quan xác định trị giá theo phương pháp trị giá giao dịch của hàng giống hệt/tương tự

- Xác định trị giá hải quan và giải trình: Người khai hải quan căn cứ Điều 8, Điều 9 Thông tư này để khai báo và xác định trị giá hải quan nguyên tệ của mặt hàng đang cần xác định trị giá.

- Các khoản điều chỉnh:

Trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu giống hệt/hàng hóa nhập khẩu tương tự không có cùng điều kiện mua bán với lô hàng đang xác định trị giá hải quan thì người khai hải quan phải xác định từng khoản điều chỉnh tương ứng, nếu là điều chỉnh tăng thì đánh dấu cộng (+), nếu là điều chỉnh giảm thì đánh dấu trừ (-) trước khoản điều chỉnh đó và ghi vào cột “nguyên tệ”.

- Giải trình các khoản điều chỉnh: Người khai hải quan giải trình cụ thể cách xác định từng khoản điều chỉnh.

Chứng từ kèm theo:

+ Liệt kê các chứng từ quy định tại Điều 8, Điều 9 Thông tư này.

+ Ghi các số liệu, chứng từ đã sử dụng để xác định các khoản điều chỉnh.

2. Trường hợp người khai hải quan xác định trị giá theo phương pháp trị giá khấu trừ

- Xác định trị giá hải quan và giải trình:

+ Đơn giá bán trên thị trường Việt Nam: Trường hợp đơn giá bán được lựa chọn để khấu trừ được tính trên đơn vị hàng hóa khác với đơn vị hàng hóa của lô hàng nhập khẩu đang xác định trị giá hải quan thì phải điều chỉnh đơn giá phù hợp với đơn vị hàng hóa của lô hàng đang xác định trị giá hải quan trước khi tiến hành khấu trừ.

+ Các khoản được khấu trừ tính trên một đơn vị hàng hóa: Người khai hải quan đối chiếu với quy định tại Điều 10 Thông tư này để khai báo.

Riêng đối với “Khoản lợi nhuận và chi phí quản lý chung” người khai hải quan phải tính toán tỷ lệ phần trăm so với đơn giá bán và khai báo vào cột “tỷ lệ phần trăm so với giá bán”.

- Giải trình các khoản được khấu trừ: Người khai hải quan ghi rõ:

+ Căn cứ tính toán (nguồn số liệu,…).

+ Phương pháp tính toán số học.

- Chứng từ kèm theo:

Người khai hải quan khai tên các loại chứng từ đã sử dụng để xác định trị giá hải quan và được nộp cùng tờ khai trị giá hải quan hải quan.

3. Trường hợp người khai hải quan xác định trị giá theo phương pháp trị giá tính toán

- Xác định trị giá hải quan và giải trình:

Người khai hải quan căn cứ các quy định tại Điều 11 Thông tư này để khai báo.

- Phương pháp kế toán đã áp dụng và chứng từ đã sử dụng: Người khai hải quan khai báo rõ phương pháp kế toán, chứng từ, tài liệu đã sử dụng để xác định trị giá tính toán.

4. Trường hợp người khai hải quan xác định trị giá theo phương pháp suy luận

- Xác định trị giá hải quan: Người khai hải quan căn cứ quy định tại Điều 12 Thông tư này để khai báo.

- Giải trình: Người khai hải quan giải trình cụ thể về cách thức xác định định trị giá hải quan.

Tiêu thức số V

Người khai hải quan ghi ngày, tháng, năm khai báo và ký xác nhận, ghi rõ họ tên, chức danh, đóng dấu đơn vị trên tờ khai trị giá hải quan.

PHẦN DÀNH CHO CÔNG CHỨC HẢI QUAN

Tiêu đề của tờ khai trị giá hải quan

Công chức hải quan tiếp nhận) đăng ký tờ khai trị giá hải quan ghi số, ngày đăng ký tờ khai hàng hóa nhập khẩu của lô hàng đang được khai báo trị giá.

Tiêu thức VI

Công chức hải quan tiếp nhận t khai tr giá hải quan ghi chép các thông tin liên quan đến việc xác định trị giá vào bản lưu tại quan hải quan để chuyển đến các khâu nghip vụ sau và ký, ghi rõ họ tên.

Bản tờ khai trả cho người khai hải quan, công chức hải quan tiếp nhận tờ khai trị giá hải quan chỉ ký và ghi rõ họ tên.

* Trường hợp người khai hải quan khai báo trên phụ lục tờ khai trị giá hải quan, công chức hải quan tiếp nhận tờ khai trị giá hải quan vẫn ghi chép đầy đủ vào tiêu thức này.

Tiêu thức VII

Công chức hải quan kiểm tra trị giá hải quan ghi chép ý kiến đối với nội dung kiểm tra trị giá hải quan của người khai hải quan và ký, ghi rõ họ tên vào bản lưu tại cơ quan Hải quan, không ghi vào bản tờ khai trả cho người khai hải quan.

* Trường hợp người khai hải quan khai báo trên phụ lục tờ khai trị giá hải quan, công chức hải quan kiểm tra, xác định trị giá hải quan vẫn ghi chép đầy đủ vào tiêu thức này.

MINISTRY OF FINANCE
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
 
---------------

No. 39/2015/TT-BTC

Hanoi, March 25, 2015

 

CIRCULAR

ON CUSTOMS VALUE OF IMPORTED GOODS AND EXPORTED GOODS

Pursuant to the Law on Customs No. 54/2014/QH13 dated June 23, 2014;

Pursuant to the Law on Tax administration No. 78/2005/QH11 dated November 29, 2006; the Law on the amendments to the Law on Tax administration No. 21/2012/QH13 dated November 20, 2012;

Pursuant to the Law on Intellectual property No. 50/2005/QH11 dated November 29, 2005, the Law on the amendments to the Law on Intellectual property No. 36/2009/QH12 dated June 19, 2009;

Pursuant to the Agreement on the implementation of 7 General agreement on Tariff and Trade;

Pursuant to the Decree No. 08/2015/NĐ-CP dated January 21, 2015 by the Government providing guidance on the implementation of the Law on Customs in terms of customs procedures and customs inspection, supervision and control;

Pursuant to the the Decree No. 83/2013/NĐ-CP dated July 22, 2013 by the Government detailing the implementation of a number of articles of the Law on Tax administration and the Law on the amendments to the Law on Tax administration;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

At the request of the Director of the General Department of Customs,

The Minister of Finance promulgates the Circular providing for customs value of imported goods and exported goods as follows:

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope of regulation and regulated entities

1. Scope of regulation: This Circular provides for customs value of imported goods and exported goods.

2. Regulated entities: Any organizations and individuals importing or exporting goods, customs authorities, customs officials and other relevant organizations and individuals.

Article 2. Interpretation of terms

In this Circular, these terms can be construed as follows:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

“Seller” includes goods seller and service provider.

2. “Purchase commission” means an amount of money that the buyer pays his/her representative agent for purchasing the imported goods at the most reasonable costs.

3. “Sale commission” means an amount of money that the seller pays his/her representative agent for selling exported goods to the buyer.

4. “Brokerage fee” means an amount of money that the buyer or the seller or both the buyer and the seller pay to the broker for being intermediary in the transaction of imported goods trading.

5. “Software" means a set of data, programs or guidelines presented in form of commands, codes, coding schemes or any other forms that enables an information processing device to perform a specific task or to produce a specific outcome when it is installed in such device. In this Circular, the audio recordings, video recordings or pictures are not considered software.

6. “Intermediate media”, including floppy disk, CD, DVD, magnetic tape, magnetic card and other items that can store information, are used as a temporary storage medium or used for transferring software. Software is transferred, installed or integrated into data processing devices. Intermediate media does not include integrated circuits, chips, semiconductors and similar devices or components installed on such circuit boards or devices.

7. Values of goods are considered “approximate” with each other if the difference between them is affected by:

a) The nature of goods, characteristics of the industry;

b) The seasonality of goods;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Values shall be compared under the same trading conditions when determining the approximation.

8. ”Identical exported goods” means exported goods that are similar to each other in every respect including:

a) Physical characteristics including the surface of product, materials, manufacturing methods, functions, uses and mechanical, physical and chemical properties;

b) Product quality;

c) Brand;

d) Being made in Vietnam by the same manufacturer or by an authorized manufacturer or franchisee.

9. Identical imported goodsmeans exported goods that are similar to each other in every respect, including:

a) Physical characteristics including the surface of product, materials, manufacturing methods, fuctions, uses and mechanical, physical and chemical properties, having the same code in the List of Vietnam’s imports and exports;

b) Product quality;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Being made in the same country by the same manufacturer or by an authorized manufacturer or franchisee.

Imported goods that are basically the same with minor differences in appearance like color, size and shape that do not affect their value are also considered identical imported goods

Imported goods are not consider identical if in the process of manufacturing any of these goods, technical designs, construction designs, development plans, fine-art designs, drawings, charts, sketches or similar products or services, which are made in Vietnam and supplied free of charge by the buyer to the seller, are used.

10. Similar exported goodsmeans goods which are not alike in every respect but have the same substantial characteristics, including:

a) Made of equivalent materials or by the same manufacturing method;

b) Having the same functions and uses;

c) Having equivalent quality;

d) Commercially interchangeable, for example, the buyer accepts goods in substitution for similar goods;

dd) Made in Vietnam by the same manufacturer or by an authorized manufacturer or franchisee.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Made of equivalent materials or by the same manufacturing method;

b) Having the same functions and uses;

c) Having similar quality;

d) Commercially interchangeable, for example, the buyer accepts goods in substitution for similar goods;

dd) Made in the same country, by the same manufacturer or by an authorized manufacturer or franchisee, imported into Vietnam.

Imported goods are not consider similar if, in the process of manufacturing of any of these goods, technical designs, construction designs, development plans, fine-art designs, drawings, charts, sketches or similar products or services, which are made in Vietnam and supplied free of charge by the buyer to the seller, are used.

12. "Date of exportation” means the day on which the bill of lading is issued. In case the bill of lading is unavailable, date of exportation shall be the day on which the customs declaration of imported goods is registered.

13. Imported goods of the same class or categorymeans goods that have the same origin and belong to a group or a frame group of goods manufactured by the same industry or in the same domain, including identical imported goods and similar imported goods.  

For example: Construction steel products, including steel rods, wound coils and sections (U, I or V shape) manufactured by the steel industry, are regarded as goods of the same category.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) In the customs valuation based on the computed value, “imported goods of the same class or category” shall be goods imported that have the same origin as the one of goods receiving customs valuation.

14. “Objective and quantifiable data” means specific data of additions, deductions relating to the imported goods receiving custom valuation that are presented in the agreement or documents of the transaction parties.

Article 3. Rights and obligations of customs declarants; responsibilities and competences of customs authorities

1. Customs declarants shall declare and carry out customs valuation themselves according to the rule and methods for customs valuation prescribed in the Law on Customs No. 54/2014/QH13 dated June 23, 2014, the Decree No. 08/2015/NĐ-CP dated January 21, 2015 by the Government and this Circular;  take legal responsibility for the accuracy and honesty of the declaration and the result of customs valuation; submit or present the documents at the request of the customs authority according to the provisions of Article 3 of the Circular pertaining to customs procedures; carry out supervision and inspection of customs procedures,  import/export tax and tax administration for imported/exported goods; take advices to resolve the doubts of the customs authority relating to declared value; request the customs authority to make a written notification of dutiable values, basic and methods for customs valuation in case the customs value is determined by the customs authority.

2. When inspecting the declaration and customs valuation of exported goods and imported goods of a customs declarant, the customs authority may request the declarant to submit or present the documents relating to the methods of determining declared value according to the provisions of this Circular to prove the accuracy and honesty of such declared value;

3. The customs authority shall determine the customs value according to the rule and methods for customs valuation, value database and relevant documents mentioned in this Circular in the following cases:

a) The customs declarant could not determine the customs value by using the methods prescribed in this Circular;

b) The cases specified in clauses 2 and 5 Article 17 of this Circular.

Chapter II

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

SECTION I: RULE AND METHODS FOR CUSTOMS VALUATION

Article 4: Rule and methods for customs valuation applicable to exported goods

1. Rule: The Customs value is the selling price of goods at exporting checkpoint exclusive of international insurance cost (I), international freight cost (F) and determined according to the methods provided in clause 2 of this Article.

2. Methods for customs valuation:

a) The selling price of goods at exporting checkpoint is determined according to the selling price agreed in the sale contract or others that have the similar legal value to such contract, commercial invoices and relevant documents about the exported goods.

b) If the customs value could not be determined according to the provisions of point (a) of this clause, the customs value is the value of identical/similar imported goods contained in the value database at nearest time from the day on which the exporting declaration of the goods receiving customs valuation is registered, converted into the selling price at exporting checkpoint. If there are more than one customs values of identical similar exported goods is determined, the lowest one shall prevail.

Article 5: Rule and methods for customs valuation applicable to imported goods

1. Rule: The Customs value is the buying price of goods at the first importing checkpoint, determined according to the methods provided in clause 2 of this Article.

2. Methods for customs valuation: The buying price at the first importing checkpoint is determined by applying successively 6 methods of customs valuation specified in Articles 6, 8, 9, 10, 11 and 12 until the customs value can be determined. Methods for customs valuation are based on one the following elements:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Transaction value of identical imported goods;

c) Transaction value of similar imported goods;

d) Deductible value;

dd) Computed value;

e) Deductive logic.

If the customs declarant submit a written application, the method based on deductible value and the method based on computed value are interchangeable.

Article 6. Customs valuation according to transaction value (hereinafter referred to as transaction value-based method)

1. Transaction value is the actual or future payment for imported goods after being adjusted according to the provisions of Articles 13 and 15 of this Circular.

2. The actual or future payment for imported goods is the total amount that the buyer has paid (or is about to pay) directly or indirectly to the seller to purchase the imported goods, including:  

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) The additions and reductions prescribed in Articles 13 and 15 of this Circular;

c) The amounts payable by the buyer but not included in the buying price on the commercial invoice, including:

c.1) Advance, deposit for the production, trade, transport and insurance of goods.

c.2) Indirect payments to the seller (for example: amounts that the buyer pays to a third party at the request of the seller; or amounts paid by offsetting debts).

3. The transaction value will be applied if all of the following conditions are satisfied:

a) The buyer does not have the right to dispose of or use the goods after the importation restricted, except for the following ones:

a.1) The restrictions prescribed in Vietnam’s laws such as the regulations that imported goods shall have Vietnamese labels, regulations that conditioned imported goods or imported goods shall receive inspection before be granted customs clearance;

a.2) The restriction on places where goods may be sold after import;

a.3) Other restrictions that do not affect the value of goods. These restriction above are one or multiple factors that is directly or indirectly related to the imported goods without leading to the increase or decrease of the actual price paying for such goods

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Price or the sale of goods does not depended on the conditions or the payment but the fact that they can not help determine the value of goods subject to customs valuation.

For example: The seller fixes the selling price of imported goods provided that the buyer will buy a certain quantity of other goods; The price of the imported goods depends on the prices of other goods which will be sold by the importer to the exporter.

In case the trade or price of the goods is dependent on one or several conditions but the buyer possesses objective and valid documents for the determination of the pecuniary impact of such dependence, this condition shall still be regarded as being satisfied. Upon the customs valuation, the money amount reduced due to the impact of such dependences must be added to the transaction value.

c) After reselling, transferring or using the imported goods, except for the additions specified in point (e) clause 2 Article 13 of this Circular, the buyer is not required to additionally pay any sum from the money collected from the disposal of the imported goods;

d) The buyer and the seller have no special relationship; if any, such relationship does not affect the transaction value as prescribed in Article 7 of this Circular.

4. Determination of customs value of imported goods containing software

a) Customs value of imported goods being intermediate media carrying software is the actual or future payment for the imported goods, exclusive of the value of software used in the processing devices for the data they contain if the value of software is separate from the value of intermediate media;

b) Customs value is the actual or future payment for imported goods including the value of software and expense for writing or installing the software in the imported goods in any of the following cases:

b.1) On the commercial invoice, the value of software is separate from the value of the intermediate media;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b.3) Software is written, installed or integrated in imported goods other than intermediate media.

5. Documents for valuation using such method includes:

a) The sale contract;

b) Documents proving the special relationship not affecting the transaction value (if any);

c) Documents proving the amount that the buyer must pay but not included yet in the buying price stated in the commercial invoice (if any);

d) Documents proving the additions (if any);

dd) Documents proving the deductions (if any);

e) Documents proving the customs valuation according to the transaction value declared by the customs declarant.

Article 7. Special relationship

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Both of them are employees or one is an employee and one is the director of another enterprise;

b) Both of them are general partner contributing capital to the same business that is legally recognized;

c) One of them is a person hiring the other;

d) One has the power to control the other;

dd) They are both controlled by a third party;

e) They both control a third party;

A person having the power to control another person as referred to in points (d), (dd) and (e) of this clause means a person who can directly or indirectly restrict or instruct such other person.

g) They have any of the following family ties: husband and wife, parents and children recognized by law, grandparents and grandchildren with consanguinity, aunts/uncles and nephews/nieces, siblings, brothers/sisters-in-law;

h) A third person owns, controls or holds at least 5% of the voting shares of both parties;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The special relationship between the seller and the buyer does not affect the transaction value if it satisfies any of the following conditions:

a) The sale transaction between the buyer and the seller is carried out similarly to the sale transaction of the same imported goods in which buyer does not have special relationship with the seller. The customs authority shall inspect the way the relationship between the seller and the buyer is established and the way of negotiation of reach the declared price then come to the conclusion whether the declared value is influenced by special relationship or not;

For example:

- The sale price of the imported goods has been negotiated and agreed in the commercial contract in a way consistent with the normal pricing negotiation and agreement practices of that line or with the way the seller offers the goods price to other buyers who have no special relationship with the seller.

- Imported goods sale price is inclusive of overall costs and profit corresponding to overall costs profit from the sale of goods of the same class or category.

b) The transaction value is approximates to any of the following values of the goods exported to Vietnam on the same day or within 60 days before or after the date of exportation of the goods receiving recognition:

b.1) The customs value determined on the basis of the transaction value of identical/similar imported goods sold to other importers that have no special relationship with the exporter (the seller);

b.2) The customs value of identical/similar imported goods determined on the basis of the deductible value specified in Article 10 of this Circular;

b.3) The customs value of identical/similar imported goods determined on the basis of the computed value specified in Article 11 of this Circular.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Adjustment to the same trading condition: The adjustment of the customs value of identical/ similar imported goods to the same trading condition with the goods receiving recognition shall be conformable to the provisions of point (b) clause 2 Article 9 of this Article; or

b) Adjust the additions and reductions according to the provisions of Articles 13 and 15 of this Circular.

4. Procedures for declaration and inspection:

a) At the time the declaration is registered, if the seller and the buyer have a special relationship but not affect the transaction value, then the customs declarant shall fill both the declaration of imported goods and the declaration of customs value for the cases subject to customs value declaration;

b) On the basis of the available information, if the special relationship is suspected to affect the transaction value, the customs authority shall make a notification and hold a dialog enabling the customs declarant to explain and provide the information clarifying such special relationship to prove that such relationship does not affect the transaction value of the imported goods prescribed in clause 2 of this Article.

Article 8. Customs valuation according to the transaction value of identical imported goods

1. Applicable cases: If the customs value could not be determined based on the transaction value prescribed in Article 6 of this Circular, the customs value of the imported goods shall be determined according to the transaction value of the identical imported goods.

2. The customs valuation according to the transaction value of identical imported goods is carried out according to the provisions of Article 9 of this Circular, replacing the term “similar imported goods” with the term “identical imported goods”.

Article 9. Customs valuation according to the transaction value of similar imported goods

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

In case there is not any similar imported goods with the same trading condition as the one of the imported goods receiving customs valuation, a similar imported goods with different trading condition may be chosen and shall be adjusted to the same trading condition.

2. Conditions for choosing similar imported goods:

a) Conditions of time of exportation:

Similar imported goods shall be exported to Vietnam on the same day or within 60 days before or after the date of exportation of the goods receiving customs valuation.

b) Conditions of trading:

b.1) Conditions of commercial level and quantity:

b.1.1) Similar imported goods shall be at the same commercial level and in the same quantity as the ones of the imported goods receiving customs valuation;

b.1.2) In case there is not any imported goods specified in point (b.1.1) of this clause, a imported goods with the same commercial level but different quantity may be chosen and the transaction value of the similar imported goods shall be adjusted to having the same quantity as the imported goods receiving customs valuation;

b.1.3) In case there is not any imported goods specified in points (b.1.1) and (b.1.2) of this clause, a imported goods with different commercial level but the same quantity may be choosen and the transaction value of the similar imported goods shall be adjusted to being at the same commercial level as the imported goods receiving customs valuation;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b.2) Conditions of the distance and modes of transport and insurance:

The similar imported goods shall have or be adjusted to have the same distance and mode of transport as the ones of the imported goods receiving customs valuation.

The significant difference in insurance cost shall be adjusted to the same insurance condition as the one of the imported goods receiving customs valuation.

c) When applying the customs valuation based on the transaction value of the similar imported goods, only if there is not any similar imported goods made by the same manufacturer or a manufacturer and an authorized manufacturer, goods made by another manufacturer with the same origin may be considered.

d) If multiple transaction values of similar imported goods are determined by using such method, the lowest transaction value after adjusting to the same trading condition with the goods receiving customs valuation shall be the customs value.

If during the customs procedures, the information for choosing identical/similar imported goods to the imported goods receiving customs valuation is not sufficient, the customs valuation prescribed in Articles 8 and 9 of this Circular shall be skipped.

3. Documents for customs valuation using such method (1 copy for each) includes:

a) The customs declaration of the similar imported goods;

b) The customs value declaration sheet of the similar imported goods, applicable to the cases subject to customs value declaration.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) The insurance contract of similar imported goods (in case of adjustment of its cost);

dd) A list of selling price of exported goods issued by the manufacturer or the overseas seller (in case of adjustment of quantity and/or commercial level);

e) Other documents relating to the customs valuation.

Article 10. Customs valuation according to the deductible value (hereinafter referred to as Deductive value-based method)

1. Applicable cases: If the customs value could not be determined by using the methods prescribed in Articles 6, 8 and 9 of this Circular, the customs value of the imported goods shall be determined by the deductible value-based method according to the selling unit price of imported goods, identical imported goods or similar imported goods on Vietnam’s inland market according to the provisions of clause 2 of this Article after deducting the reasonable expenses and profits obtained from selling the imported goods.

This method is not applicable to the goods chosen for determining selling unit price in any of the following cases:

a) The goods are not available on Vietnam’s inland market or the trade of goods has not been recorded as prescribe in Vietnam’s law on accounting;

b) The goods are related to aid provided by any entities according to the provisions in point (d.1) clause 2 Article 13 of this Circular.

2. The selling prices of imported goods on Vietnam’s market are determined according to the following rules:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Imported sold as imported are imported goods that are not changed in shape, characteristics, quality and uses nor have value increase or decrease after importation.

b) The importer and the inland buyer do not have a special relationship as prescribed in Article 7 of this Circular;

c) The selling price level shall be determined according to the highest sales and shall be sufficient to form the unit price. The selling price level according to the highest sales is the price at which the greatest number of goods is sold among the initial commercial selling transactions after importation;

d) Goods shall be brought into market (wholesaled or retailed) on the earliest day after the importation and within 90 days (calendar days) after the day on which such goods are imported. The earliest day after the importation is the day on which goods are sold sufficiently to form the unit price (at least equivalent to 10% of the number of imported goods).

3. Conditions for choosing selling unit price on Vietnam’s market:

a) It shall be selling unit price of the imported goods receiving customs valuation or identical/similar imported goods that are sold in the condition as when imported;

b) It shall be the unit price at which the greatest aggregate quantity of goods is sold, which is sufficient for establishing that unit price. Goods are sold on the earliest day after the importation and within 90 days after the day on which the goods receiving customs valuation is imported. The domestic buyer and the seller shall not have special relationship.

For example: Consignment A consists of many goods items, in which item B shall receive customs valuation using the deductible value-based method. The consignment A was imported on January 1st, 2014. A consignment consisting of an item is identical to item B that was imported earlier and sold to many domestic buyers at different prices and at different times as follows:

Unit price

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Selling time

Total quantity

VND 900/pcs

50 pcs

28/3/2014

100 pcs

30 pcs

15/1/2014

20 pcs

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

VND 800/pcs

200 pcs

20/1/2014

450 pcs

250 pcs

12/2/2014

 

Total:

 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

In the example above, the selling unit price chosen for deduction is VND 800/unit corresponding to the greatest sales (450 pcs) and sufficient for establishing the unit price. This unit price satisfies the conditions for choosing selling price, including:

- Having the greatest aggregate quantity (450) in the imported goods sold early after the importation.

- The sale time is not exceeding 90 days after the date of importation.

4. Deduction principle:

The determination of deductions shall be based on the accounting figures and documents that are lawful, available and conformable to the regulations and standards of Vietnam’s accounting. The deductions shall be those allowed to be accounted as reasonable and lawful expenses of enterprises according to the Vietnamese law on accounting.

5. Deductions to be made from the sale unit price:

Deductions to be made from the sale unit price are reasonable expenses and profits from the sale of goods on Vietnam’s market, including:

a) Costs of transport and insurance and expenses for other activities relating to the transport of goods after their importation, specifically as follows:

a.1) Costs of transport and insurance and expenses for other activities related to the transportation of goods incurred during the transportation from the first border gate to the warehouse of the importer or to the place of delivery in Vietnam’s inland area;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Taxes, charges and fees payable in Vietnam upon the importation and sale of the imported goods on Vietnam’s inland market;

c) Commissions or general expenses and profits relating to the sale of the imported goods in Vietnam:

c.1) If the importer is a sale agent for a foreign trader, the commission shall be deducted. If such commission is inclusive of expenses specified at Points (a) and (b) of this clause, the deduction for such expenses shall not be made;

c.2) In case of importation by the mode of definitive purchase and sale, general expenses and profits shall be deducted: General expenses and profits shall be considered generally when determining the deductible value. The determination and distribution of general expenses and profits to imported goods shall be conformed with Vietnam’s regulations and standards of accounting.

General expenses include direct and indirect expenses for the importation and sale of goods on the domestic market, such as expenses for marketing goods, expenses for storage and preservation of goods before sale, expenses for management of the importation and sale of goods.

Bases for determining deductions are data recorded and reflected on accounting records of the importer that conformable with the regulations and standards of Vietnamese accounting. These data shall be in accordance with those obtained from the trade of imported goods of the same class or category in Vietnam.

6. The customs value of goods imported through processing in Vietnam shall be determined according to the principle provided in clause 1 of this Article after deducting the expense of processing to increase the value of goods. The methods for customs valuation prescribed in this Article are inapplicable to the following cases:

a) The imported goods, after being processed, are no longer in the same condition as when imported and have the increase in value due to processing not identifiable;

b) The imports, after being processed, still maintain the same characteristics, nature and uses as when imported but such goods constitute only a part of the goods sold on the Vietnamese market.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) The bill of sale or added-value invoice according to the regulation;

b) Agency contract, in case the importer is the selling agent of the exporter. Such contract shall specify the commission that the agent may earn and the costs that the agent shall pay;

c) The explanation of sales and the accounting records reflecting the costs mentioned in clause 5 of this Article;

d) The customs declaration sheet and the customs value declaration sheet of the goods chosen for deduction;

dd) Other necessary documents for inspection and customs valuation.

Article 11. Customs valuation according to the computed value (hereinafter referred to as computed value-based method)

1. Applicable cases: If the customs value could not be determined by using the  transaction value-based method prescribed in Articles 6, 8, 9 and 10 of this Circular, the customs value of the imported goods shall be determined according to the computed value. The computed value of imported goods includes:

a) The direct expense for producing the imported goods: the cost price or value of raw materials, expense for the manufacturing or other processing for producing the imported goods. Such expense is inclusive of:

a.1) The expenses specified in points (a), (b) and (c) clause 2 Article 13 of this Circular;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a.3) The value of the aid prescribed in point (d.1) clause 2 Article 13 of this Article shall be included in the customs value only when the manufacturer bears the cost of such  product.

b) General expenses and the profits from the sale of goods of the same class or category as those of imported goods receiving valuation and made in the exporting country for selling to Vietnam. The general profits and expenses shall be considered overall when determining the computed value.

General expenses include all direct and indirect expenses for the manufacture and sale for exportation of goods but not calculated according to the provisions of point (a) of this clause.

c) The cost of transport, cost of insurance and the costs relating to the transport of imported goods specified in points (g) and (h) clause 2 Article 13 of this Circular.

2. Basis for determining computed value:

Bases for determining deductions are data recorded and reflected on accounting records of the manufacturer unless such data are not conformed with those obtained in Vietnam. These such data shall be in accordance with those obtained from the manufacture and trade of imported goods of the same class or category that made in the country of exportation for exporting to Vietnam.

3. Any accounting records or other documents of the entities living outside of Vietnam’s territory must not be inspected or examined for determining the computed value prescribed in this Article.

The verification of the information provided by the manufacturer serving the customs valuation prescribed in this Article may be carried out outside of Vietnam if agreed by the manufacturer. There shall be an advance notification of such verification to a competent agency of the relevant country for approval.

4. Documents for customs valuation using such method includes:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) The bill of sale of the manufacturer;

c) Documents about the expense mentioned in point (c) clause 1 of this Article.

Article 12. Deductive method

1. Applicable cases: If the customs value could not be determined by using the  transaction value-based method prescribed in Articles 6, 8, 9, 10 and 11 of this Circular, the customs value of the imported goods shall be determined by the deductive method according to the documents and data that is objective and available at the time of customs valuation.

The customs value determined by the deductive method means the customs value determined by applying successively and flexibly the methods for customs valuation specified in Articles 6, 8, 9, 10 and 11 of this Circular according to the provisions of clause 2 of this Article until the customs value is determined.

2. When determining the customs value using such method, the customs declarant and the customs authority shall not use the following values for customs valuation:

a) The selling price on the domestic market of goods of the same kind made in Vietnam;

b) The selling price of goods in the domestic market of the exporting country;

c) The sale price of goods for exporting to a third country;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd) The minimum dutiable values;

e) The value determined by the customs authority unconformable with the principle and methods for customs valuation specified in this Circular or the value provided by the customs declarant before the trade of goods for importing goods to Vietnam;

g) The higher of the two alternative values as the customs value.

3. Some examples of flexible application of methods for customs valuation:

a) The application of the  transaction value-based method of the identical/similar imported goods.

If there is no identical/similar imported goods exported to Vietnam on the same day or within 60 days before or after the date of exportation of the imported goods receiving customs valuation, identical/similar imported goods exported within a longer duration that does not exceed 90 days before or after the date of exportation of the goods receiving customs valuation may be chosen.

b) The deductible value-based method may be used for customs valuation in any of the following ways:

b.1) If no unit price is determined for deduction within 90 days from the date of importation, the sale unit price of goods sold in the greatest aggregate quantity within 120 days from the date of importation of the goods chosen for deduction may be chosen;

b.2) If there is no reselling unit price of the very imported goods or identical/similar imported goods to a person having no special relationship with the importer, the reselling unit price of goods for the buyer having special relationship with the importer may be chosen on condition that the special relationship does not influence the price in the sale transaction.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) The customs value of the imported goods determined by the customs value of the similar imported goods already determined according to the deductible value or computed value.

4. Apart from the cases specified in clause 3 of this Article, the flexible application of the methods for customs valuation shall be in accordance with the price database and shall be conformable to the regulations in clause 2 of this Article.

5. Documents: the documents relating to the customs valuation by applying flexibly the methods prescribed in Articles 6, 8, 9, 10 and 11 of this Circular.

Article 13. Additions

1. Additions can be made only when the following conditions are satisfied:

a) These additions shall be paid by the buyer and have not been included in the actual or future payment;

b) These additions shall be related to the imported goods;

c) There shall be objective and quantifiable data conformable with the relevant documents.

If the imported goods have additions without objective and quantifiable data to determine customs value, such value shall not be determined by the transaction value but the next method instead.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) The sale commission costs, the brokerage fees. If these costs include the payable taxes in Vietnam, such taxes may not be added to the customs value of imported goods.

b) Costs of packing associated with imported goods, including buying price of packaging and other costs relating to the trade and transport of packaging to the place of packaging and preservation of goods.

Containers, casks, racks used as a means to package for transporting cargos and used many times is not considered as packaging associated with goods so they are not the addition of costs of packaging associated with goods.

c) The packaging costs, including:

c.1) The cost for packaging materials including the buying price of packaging material and other costs relating to the trade and transport of packaging material to the place of package;

c.2) The cost for packaging staff, including the salaries and costs relating to the employment of staff for packaging the goods receiving customs valuation.

If the buyers have to bear the expenses on accommodation and transportation for workers during the packaging, such costs are also included in the cost for packaging staff.

d) The aid: The value of goods and services that the buyer provided free of charge or with discount are transferred directly or indirectly to the manufacturer or seller to produce and sell exported goods to Vietnam.

d.1) The aid includes:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d.1.2) Raw materials, materials, consumed fuel in the manufacture of imported goods;

d.1.3) Instruments, tools, dies, molds, models and similar products used for manufacturing imported goods;

d.1.4) Drawings, technical drawings, fine-art designs, development plans, construction designs, model designs, diagram, scheme or similar services, which are made in foreign countries and necessary for the manufacture of imported goods.

d.2) Valuation of the aid:

d.2.1) If the aid includes products and services bought from a person without special relationship to provide for the seller, the value of the aid is the buying price of such products/services;

d.2.2) If the aid includes products/services produced by the importer or a person with special relationship with the importer to provide for the seller, the value of the aid is the cost price of such products/services;

d.2.3) If the aid includes product/service made by an oversea-based manufacturing facility of buyer without documents to account separately for such product/service, the value of the aid is determined by distributing the total cost of production in the same period of such facility for the amount of the  product/service produced;

d.2.4) The value of the aid rented by the buyer is the renting cost;

d.2.5) The value of the aid including used products  is the remaining value of such products;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d.2.7) If the aid is sold with discount by the buyer to the exporter, the value of such discount shall be added to the customs value;

d.2.8) If after the manufacture of imported goods, the manufacturer still obtain superfluous raw materials and waste from the aid, then the value of recovery from such superfluous raw materials and waste are subtracted from the value of the aid, if there is data showing the value of the waste or the superfluous raw materials.

The determined value of the aid includes the expenses related to the trade, transportation and insurance to the place where the imported goods are produced.

d.3) Distribution of value of the aid to the imported goods.

d.3.1) Rule for distributing value of the aid:

d.3.1.1) The value of the aid shall be completely distributed to the imported goods;

d.3.1.2) The distribution shall be legally recorded;

d.3.1.3) The distribution shall be conformable with the Vietnam’s regulations and standards of accounting.

d.3.2) Methods for distributing value of the aid:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d.3.2.1) Distribute the aid to the imported goods of the initial importation;

d.3.2.2) Distribute the aid according to the quantity of manufactured goods up to the time of the initial importation;

d.3.2.3) Distribute the aid to all of goods intended to be produced according to the sale agreement between the buyer and the seller (or the manufacturer);

d.3.2.4) Distribute the aid according to the principle of descending or ascending;

d.3.2.5) Apart from the methods above, the buyer may apply other methods for distribution (for example distribution by month/quarter/year), on the condition that the distribution shall be conformable to the legislation on accounting regime and shall be recorded.

dd) The copyright fees and the license fees specified in Article 14 of this Circular.

e) The sums that the importer shall pay, except for the proceeds from resale and use of imported goods shall be transferred directly or indirectly to the seller in any shape or form. Procedures for declaration and inspection:

e.1) For the case this sum is determined at the time the declaration is registered:

The customs declarant shall declare himself/herself at the corresponding criterion in the declaration of imported goods or the declaration of customs value, applicable to the case subject to customs value declaration;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

e.2) For the case the sum is undetermined at the time the declaration is registered due to the dependence to post-export sales or other reasons specified in the goods sale contract or other documents of agreement:

e.2.1) At the time of registration of the declaration, the customs declarant shall declare clearly the reason for not determining the amount of money that the importer must pay after reselling, defining and using imported goods on the declaration of imported goods or the declaration of customs value applicable to the cases subject to customs value declaration. Within 5 days from the dated of actual payment, the customs declarant shall perform the declaration, calculate the payable tax for the sum actually paid on the supplementary declaration at post-customs clearance and pay the tax sufficiently according to the regulation;

e.2.2) The customs authority shall examine the documents relating to such amount of money and the declaration of the customs declarant according to the regulations in point (e.2.1) of this clause and shall handle as follows:

e.2.2.1) In case the customs declarant fails to perform the declaration or the payment declared is unconformable, the customs authority shall make the decision on penalty according to the legislation and request the customs declarant to complete the declaration. If the customs declarant fails to perform the declaration or supplement declaration according to the request, the customs authority shall carry out the customs valuation, define tax, collect sufficiently the tax and/or late payment interest (if any) according to the regulation;

e.2.2.2) In case the customs declarant fails to perform punctually the declaration according to the provisions of point (e.2.1) of this clause, the customs authority shall impose penalties according to the legislation.

g) Transportation costs and any costs relating to the transportation of imported goods to the first importing checkpoint, exclusive of costs for loading, unloading and arranging of goods taken from the transport vehicle to the first importing checkpoint.

If the costs of loading, unloading and arranging the goods taken from the transport vehicle to the first importing checkpoint are included in the international transport cost or in the actual or future payment, such costs will be deducted from the customs value of the imported goods if they satisfy sufficiently the conditions provided in clause 1 Article 15 of this Circular.

g.1) The value of such adjustments is determined according to the transport contract and the documents relating to the transport of goods;

g.2) In case the buying price does not include the cost of transport but the buyer fails to present the lawful transport contract or the documents relating to the transport of goods, thus the transaction value-based method shall not be applied;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

g.3.1) Distribution on the basis of the transport price list of the person who in charge of transporting goods;

g.3.2) Distribution by weight or volume of goods;

g.3.3) Distribution according to the ratio of buying value of each type of goods to the total value of goods.

h) The insurance cost of the imported goods at the first importing checkpoint.

h.1) If the importer does not purchase insurance for goods, the insurance cost will not be added to the customs value;

h.2) The insurance cost for multiple goods without specifications shall be distributed according to the value of each type of goods.

i) The costs mentioned in points (g) and (h) of this clause are exclusive of payable added-value tax in Vietnam. If such tax is included in the transport cost, international insurance cost or in the actual or future payment, it will be deducted from the customs value of the imported goods if they satisfy sufficiently the conditions provided in clause 1 Article 15 of this Circular.

Article 14. Copyright fee and license fee

1. ”Copyright fees” means an amount of money that the buyers must pay directly or indirectly to the subject of intellectual property rights, to be transferred the ownership or the right to use the intellectual property rights.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a.1) Copyrights are the rights of organizations/individuals for the work they create or own;

a.2) Rights related to copyright are the rights of organizations and individuals for their performances, audio recordings, video recordings, broadcast and satellite signals carrying encrypted programs;

a.3) Industrial property rights are the rights of organizations/individuals for the inventions, industrial designs, layout designs of semiconductor integrated circuits, trademarks, trade names, geographical indications and trade secrets they create or own and the rights against unfair competition;

a.4) Rights for plant varieties mean the rights of organizations/individuals for the new plant varieties they create or discover and develop or enjoy the ownership.

Such rights above are exercised according to the provisions of the Law on Intellectual property.

b) Subject of intellectual property: mean the owners of intellectual property rights or any organization/individual that is transferred intellectual property rights by its owner.

2. License fees means an amount of money that the buyers must pay directly or indirectly to the subjects of intellectual property rights to perform some activities within the rights of industrial property rights.

3. Copyright fee and/or license fee shall be added to the imported goods only when these following conditions are satisfied:

a) The buyer pays the copyright fee and/or license fee for the use or transference of intellectual property rights relating to the imported goods receiving customs valuation according to clause 4 of this Article;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) The copyright fee and/or license fee have not been included in the actual or future payment of the imported goods receiving customs valuation.

4. The copyright fee and/or license fee are considered relating to imported goods if:

a) Copyright/license fee paid for the use of product brand associated with the documents relating to the agreement and payment of copyright/license fee if all of the following requirements are satisfied:

a.1) Imported goods are resold in the conditions as when imported on Vietnam market or have undergone simple processing after they are imported according to the provisions of clause 5 of this Article;

a.2) Imported goods are affixed trademarks when they are sold in Vietnam.

b) Copyright/license fee paid for the use of inventions, technical secrets or other intellectual property rights prescribed in the sale contracts, licensing contract or other agreements on transference of intellectual property rights if any of the following cases:

b.1) Inventions, technical secrets or other intellectual property rights are used for producing imported goods;

b.2) Imported goods are applied inventions, industrial designs or the rights belonged to other intellectual property rights;

b.3) Imported goods are machines or equipment produced to apply the inventions, technical secrets or other intellectual property rights.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. Simple processing after the importation includes:

a) The maintenance of goods during the transportation and storage (air ventilation, spreading out, drying, freezing, pickling, inhalation of sulfur or adding other additives, removing broken parts and similar works);

b) Screening, selection, classification (including the arrangement), cleaning, painting, dividing into sections;

c) Changing the wrapping and dismantling or assembling the batches of goods; bottling, packaging, boxing and other simple packaging; simple activities like husking, grinding, cutting, tearing, bending and rolling;

d) Sticking labels or other similar marks on the products or wrapping of products;

dd) Simply mixing imported goods with other ingredients including diluting with water or other ingredients provided that the basic nature of the products shall remain unchanged;

g) Simply assembling the parts of product to form a finished product;

Simple assembly is to assemble spare parts together with assembly tools (screws, bolts, nuts) or rivets or by welding provided that these activities are simply assembly. The spare parts are not processed to be finished products regardless of the complexity of assembly methods.

h) Combination of works specified in points (a) to (g) of this clause;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. Copyright/license fee will be considered a condition for the trade of goods in any of the following cases:

a) The buyer shall only purchase the imported goods from the provider appointed by the intellectual property owner or the provider related to the intellectual property owner; or the goods must satisfy the technical standards at the request of the intellectual property owner; or

b) The buyer shall only purchase the imported goods when they pay the seller or the subject of intellectual property rights the copyright/license fees.

Examples of imported goods satisfying the condition “being a condition of imported goods sale transaction” are performed in Appendix I of this Circular.

7. These following cases may not be added to the customs value:

a) The amount of money that the buyer shall pay for the right to reproduce the imported goods or the art work in Vietnam (for example: if an item of goods is imported and used for producing a copy exactly the same as the original copy, then the amount of money paid for manufacturing goods according to the imported item is considered as the right to reproduce imported goods);

b) The amount of money that the buyer must pay for the right to distribute or resell the imported goods, in case such money is not considered as a condition for imported goods sale transaction.

If the amount of money the buyer pay for the right to reproduce, distribute or sell the imported goods is included in the actual price or future payment, such amount shall not be deducted from the customs value when determining the value of such imported goods.

8. Procedures for declaration and inspection:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a.1) The customs declarant shall declare himself/herself the amount of copyright/license fees in the declaration of imported goods or the declaration of customs value, applicable to the case subject to customs value declaration;

a.2) The customs authority shall examine and process the result according to the provisions of Article 25 of the Circular on customs procedures; customs supervision and inspection; export/import taxes and tax administration for exported/imported goods.

b) If the copyright/license fee is undetermined at the time the declaration is registered due to the dependence to post-export sales or other reasons specified in the goods sale contract or the written agreement on the payment of copyright/license fees, the declaration and inspection shall conform to the following procedures:

b.1) At the time of registration of declaration, the customs declarant shall declare in the declaration of imported goods or the declaration of customs value the reason why the copyright/license fee is undetermined, applicable to the cases subject to customs value declaration. Within 5 days from the dated of actual payment, the customs declarant shall perform the declaration, calculate the payable tax for the copyright/license fees actually paid in the supplementary declaration at post-customs clearance and pay the tax sufficiently according to the regulation;

b.2) The customs authority shall examine the documents relating to the copyright/license fees and the declaration of the customs declarant according to the regulations in point (b.1) of this clause and shall handle as follows:

b.2.1) If the customs declarant fails to perform the declaration or the declared copyright/license fee is unconformable, the customs authority shall make the decision on penalty according to the legislation and request the customs declarant to complete the declaration.If the customs declarant fails to perform the declaration or supplement declaration according to the request, the customs authority shall carry out the customs valuation, define tax, collect sufficiently the tax and/or late payment interest (if any) according to the regulation;

 b.2.2) In case the customs declarant fails to perform punctually the declaration according to the provisions of point (b.1) of this clause, the customs authority shall impose penalties according to the legislation.

9. For the case the copyright/license fee is determined according to the imported goods and other elements unrelated to the imported goods:

a) If there are figures enabling the separation between the copyright fee and the license fee relating to the imported goods, such value shall be added to transaction value;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 15. Deductions

1. Deductions can be made only when the following conditions are satisfied:

a) There shall be objective and quantifiable data conformable with the relevant documents which are lawful and available at the time of valuation;

b) These deductions shall be included in the actual or future payment;

c) The deductions shall be conformable with the Vietnam’s legislation on accounting.

2. The deductions:

a) Costs for the activities arisen after the importation, including the cost for construction, architecture, installation, maintenance or technical assistance, technical consultancy, cost of supervision and similar costs;

b) The costs of transportation and insurance when the goods have been transported to the first importing checkpoint. If such costs are related to multiple goods without specifications, they shall be distributed according to the principle in points (g) and (h) Article 13 of this Circular;

c) The amounts of taxes, fees and charges payable in Vietnam included in buying price of imported goods. If the amounts of taxes, fees and charge concerning different goods without separation, they shall be distributed according to the rate of buying value of each type of goods.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d.1) Deductions can be made only when the following conditions are satisfied:

d.1.1) The discount is any of the following cases:

d.1.1.1) Discount according to the commercial level of the goods sale transaction;

d.1.1.2) Discount according to the sales;

d.1.1.3) Discount according to the form and time of payment.

d.1.2) The discount is specified in writing before loading goods onto the transport vehicle in the exporting country;

d.1.3) There is objective and quantifiable data conformable with the documents for separating such discount from the transaction value. These documents are enclosed with the customs declaration sheet;

d.1.4) Payment is made through the bank using the L/C method or the TTR method for all the imported goods in the sale contract.

d.1.5) Actual and declared value about the imported goods, commercial level, form and time of payment is conformable to the Announcement about discount of the seller.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d.2.1) The application for deduction for discount when the importation and payment for all the goods included in the contract is completed: 01 original copy;

d.2.2) The goods sale contract: 01 copy;

d.2.3) The form No. 01/GG/2015 in Appendix II of this Circular for the case goods included in a contract are imported with different trips (using different declarations): 01 original copy;

d.2.4) The seller’s announcement about discount: 01 copy;

d.2.5) Documents proving the payment for all the goods included in the sale contract: 01 copy;

d.3) Procedures for declaration and inspection of the discount and competence in handling:

d.3.1) Responsibilities of customs declarant:

d.3.1.1) Declare the discount in the criterion “detail of value declaration” on the import declaration or in the corresponding criterion on the customs value declaration but not carry out the deduction for discount on the customs value declaration.

d.3.1.2) Calculate and pay the tax according to the value before the deduction for discount;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d.3.2) Responsibilities of customs authority:

The customs authority receiving the application for deduction for discount from the customs declarant shall:

d.3.2.1) Examine the application and the enclosed documents;

d.3.2.2) Examine and compare the declared value and the actual one about the quantity, commercial level, form and time of payment with the Announcement about discount of the seller;

d.3.2.3) The Director of Customs Departments of provinces shall consider and decide to make deduction for the discount if the conditions specified in point (d.1) of this clause are satisfied. The value of the deduction shall be under 5% of the total value of goods and the declared value shall not be under the value of the reference price of the identical goods in the List of imported goods facing risk in value. Other cases of deduction shall be considered and decided by the Director of the General Department of Customs;

d.3.2.4) Settle the differential amount of tax due to the deduction for discount according to the regulation.

dd) Costs the buyer bears that relating to the marketing of imported goods, including:

dd.1) Costs for research and inspection of the market about the future imported goods;

dd.2) Costs for advertisement for the imported goods;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd.4) Costs for participating in commercial fair and exhibition of the new products;

e) Cost for examination of quantity and quality of goods before import. If such cost is agreed by the buyer and the seller and is included in the actual or future payment from the buyer to the seller, it shall not be deducted from the transaction value;

g) Cost for opening the L/C, remittance fee for the payment for the imported goods, if such cost is the payment from the buyer to his/her representative bank.

h) The interest in proportion to the interest rate according to the financial agreement of the buyer and relating to the purchase of imported goods: the deduction for the interest from the transaction value shall be made only if all the following conditions are satisfied:

h.1) Financial agreement is made in written;

h.2) Customs declarant can prove that at the time the financial agreement is implemented, the declared interest rate does not exceed the normal credit interest rate of the exporting country as well as the ceiling interest rate promulgated by the State bank of Vietnam.

Article 16. The distribution of the additions and the deductions

1. If the addition or deduction in customs value of goods is permitted but the types of goods whose customs value is increased or decreased are not specified in the sale contract, invoice, or relevant documents, then the customs declarant may choose any of the method specified in clause 2 of this Article (except for the adjustment with specific regulation on distribution provided in Article 13 and 15 of this Circular) to distribute such adjustment for each type of goods provided that the value of the adjustment shall be totally distributed to the imported goods whose customs value is increased or decreased.

2. Methods for distribution: customs declarant may choose any of the following methods for distribution:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Distribution according to the weight;

c) Distribution according to the volume;

d) Distribution according to the value of the sale invoice.

Article 17. Customs value of exported/imported goods in special cases

1. Regarding the exported/imported goods without official price at the time of registration of customs declaration sheet, customs value is the provisional price declared by the customs declarant according to the relevant invoices and documents that is available at the time of valuation. When the official price is announced, customs value will be determined according to the method for valuation specified in clause 2 Article 4 and clause 2 Article 5 of this Circular. Procedures for valuation:

a) Provisional price:

a.1) Customs declarant: declare the provisional price on the custom declaration sheet at the corresponding item when registering and declare the time the official price will be determined at the item “phần ghi chú” (“notes")

a.2) Customs authority: examine the provisional price and the time of determination of official price according to the provisions of Article 25 of the Circular on customs procedures; customs supervision and inspection; export/import tax and tax administration of exported/imported goods; supervise and expedite the customs declarant to declare the official price right at the time it is determined.

b) Official price:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b.2) The customs authority: examine the declaration of the customs declarant, the time of determination of the official price, conditions for approval for such time according to the provisions in point (c) of this clause as follows:

b.2.1) Determine the customs value, define tax, collect sufficiently the tax and/or late payment interest (if any), issue decision on penalties for administrative violations applicable to the customs declarant who fails to declare or declare unconformably with the regulations on official price; issue decision on penalties for administrative violations applicable to the customs declarant who fails to declare conformably with the time regulated in point (b.1) of this clause;

b.2.2) Settle the differential amount according to the regulations on settlement of the surplus payment in the Law on Tax administration and the guiding documents applicable to the case that the amount of tax according to the official price is lower than the tax according to the provisional price;

c) If the official price is determined later than 90 days from the day on which the declaration is registered, the customs declarant shall fill the declaration sheet and submit the sale contract and the commercial invoice (01 copy) proving the time of determination of official price and be legally responsible for the accuracy of such time. The receiving agency shall request the Director of Customs Departments of provinces to examine, consider, decide and be responsible for the decision on the approval for the time of determination of the official price according to the documents and the actual condition of the exported goods.

d) Conditions for approval for the time of determination of official price:

d.1) Sale contract shall include the agreement about the time of determination of official price appropriate to the exported/imported goods according to international practice;

d.2) Time of determination of actual price shall be in conformity with the time of determination of official price according to the agreement included in the contract;

d.3) The official price shall be conformable with the actual or future payment for the exported/imported goods according to the payment invoices.

In case the time of determination of the official price is not satisfactory and the amount of tax according to the official price is higher than the tax that is paid according to the provisional price, thus the customs declarant shall pay the late payment interest for the differential amount.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) In case the imported goods are autos or motorbikes: customs value shall be determined on the basis of the remained usable value of goods according to the useful life in Vietnam (from the time of importation according to the customs declaration sheet to the time of determination of tax) and shall be specified as follows:

Useful life in Vietnam

Customs value = (%) declared value at the import time

Not more that 6 months (183 days)

90%

From over 6 months (183 days) to 1 year (365 days)

80%

From over 1 year to 2 years

70%

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

60%

From over 3 years to 5 years

50%

From over 5 years to 7 years

40%

From over 7 years to 9 years

30%

From over 9 years to 10 years

15%

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

0%

If the price declared at the time of importation of goods that are non-taxable or eligible for tax exemption or consideration of exemption is lower than the price in the price database at the same time, the price in the price database and the rates above shall be used for customs valuation.

b) Other imported goods: customs value is the actual or future payment at the time of transformation of uses and shall be determined according to the rules and methods for customs valuation specified in this Circular.

3. Customs value of the goods imported to Vietnam after being processed by a foreign party shall include the cost for processing and the value of raw materials used for the processing that are provided by the foreign party and specified in the processing contract and the adjustment specified in Articles 13 and 15 of this Circular. The value of materials exported from Vietnam for processing according to the processing contract shall not be included in the customs value of the processed products.

4. With regard to the imported goods that are sent to a foreign country for repair and are taxable objects when imported to Vietnam, customs value is the actual payment for repair of imported goods according to the documents relating to such activity.

5. With regard to goods that are imported without sale contract or commercial invoice, customs value is the declared value. If there is evidence proving that the declared value is unconformable, the customs authority shall determine the customs value according to the rules and methods for customs valuation specified in Articles 8 to 12 of this Circular.

6. Regarding surplus imported goods in comparison with the sale contract or commercial invoice:

a) With regard to surplus imported goods that are identical or similar to the imported goods included in the sale contract or commercial invoice: customs value of the surplus imported goods is determined according to the methods for customs valuation of the imported goods included in the sale contract;

b) With regard to surplus imported that are goods different from the imported goods included in the sale contract or the commercial invoice: customs value is determined according to the methods for customs valuation specified in Articles 8 to 12 of this Circular.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

With regard to goods that are unconformable with the regulations on specifications: customs value is determined according to the actual payment for the imported goods. Goods unconformable with the regulations on specifications are the actual imported goods that have colors, sizes and shapes different from the description in the sale contract and such differences do not affect the actual payment.

b) With regard to goods unconformable to the sale contract or the commercial invoice other than those specified in point (a) of this clause: customs value is determined according to the methods for customs valuation specified in Articles 8 to 12 of this Circular.

8. Actual imported goods with quantity different from that specified in the commercial invoice due to the characteristics of goods and conformable to the conditions of delivery and payment in the sale contract or the commercial invoice: customs valuation shall be in accordance with the commercial invoice and the sale contract (the conditions of delivery, tolerance rate, natural characteristics of goods and conditions of payment). Customs value shall not lower than the actual payment written on the commercial invoice and relevant documents.

9. If imported goods are rented ones, customs value is the actual or future payment for renting, conformable with the documents relating to the rental of such goods.

10. Exported/imported goods in other special cases: Customs Departments of provinces shall report to the Ministry of Finance via the General Department of Customs for consideration and decision for specific cases conformable with the rules for customs valuation of exported/imported goods.

SECTION II: CUSTOMS VALUE DECLARATION SHEET

Article 18. Subjects of customs value declaration

Imported goods are subjected to customs value declaration, unless:

1. Non-taxable goods, goods eligible for tax exemption or consideration for tax exemption according to the provisions of the Law on Export and import tax;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Goods that are eligible for the  transaction value-based method prescribed in clause 3 Article 6 of this Circular and have information declared sufficiently in the declaration of imported goods of Vietnam Automated Cargo And Port Consolidated System and such system determines the customs value automatically;

4. Goods that are imported without sale contract or commercial invoice.

Article 19. The form of customs value declaration sheet

1. The form for customs value declaration according to the transaction value of the imported goods is prescribed in Article 6 of this Circular: The Form HQ/2015-TG1 and the instructions in Appendix III of this Circular.

2. The form for customs value declaration using the methods prescribed in Articles 8 to 12 of this Circular: The Form HQ/2015-TG2 and the instructions in Appendix III of this Circular.

Article 20. Principle of customs value declaration

1. The customs value shall be provided specifically for each item of declaration of imported goods in the customs value declaration sheet. The items declared in the customs value declaration sheet shall be numbered continuously and in accordance with the ordinal numbers of such items in the declaration of imported goods.

2. The customs value declaration sheet is an integral part of the declaration of imported goods and shall be enclosed with the declaration of imported goods during the customs procedures. The customs value declaration sheet shall be made in 02 copies, one is retained in the customs authority and the other is retained by the goods owners and shall be enclosed with the declaration of imported goods according to the legislation.

SECTION III: VALUE DATABASE

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Value database is any information related to the customs valuation of the exported/imported goods that is collected and classified by the customs authority. Customs value database is established focusly and constantly and is updated regularly, including:  

a) Customs price database management system;

b) Lists of exported/imported goods facing risk in value enclosed with reference price.

2. Sources of information for establishment of value database:

a) Information from import/export documents: the available information on the import/export documents declared by the customs declarant or collected by the customs authority during the customs procedures and after customs clearance.

b) Information from the Lists of exported/imported goods facing risk in value as prescribed in this Circular;

c) Information about the implementation of the law of the enterprise: the information relating to the policy implementation of the enterprise in declaration and valuation, the number of violations and violation level that the customs authority collected and analyzed on the risk management system;

d) Other sources of information: information collected by the customs authority or provided by other relevant agencies that is verified.

3. Value database is used for:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Examining the customs value of exported/imported goods;

c) Serving the State management of import, export and other field.

4. The Director of the General Department of Customs is in charge of establishing the regulations on development, management and use of value database.

Article 22. Competence in development and modification; the rules on the use of the List of exported/imported goods facing risk in value and the reference price

1. The Director of the General Department of Customs is responsible for the development and modification of:

a) The items in the List of exported/imported goods facing risk in value on the basis of the risk assessment result according to the criteria prescribed in Article 24 of this Circular, professional information, information and data available in the information system of the Customs line at the time of assessment. The List of exported/imported goods facing risk in value shall reflect the information about the goods including code and name of goods.

b) The reference price of goods in the Lists of exported/imported goods facing risk in value on the basis of the information collected according to the regulations in Article 25 of this Circular.

2. The List of exported/imported goods facing risk in value and the reference price is the basis for the customs authority to compare and examine the declared value of the customs declaration during the customs procedures or when the goods have receive customs clearance according to the regulation. They shall not be used for imposing customs value and shall be used constantly for internal use in Custom line.

Article 23. Time limit and competence in development and modification of the List of exported/imported goods facing risk in value and the reference price enclosed therewith

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) The proposals of organizations/individuals;

b) The suggestions of the Customs Departments of provinces and the agencies affiliated to the General Department of Customs according to the provisions of clause 2 of this Article.

2. Any Director of the Customs Departments of provinces is responsible for:

a) Updating the result of the examination of documents, the physical verification of goods, the consultations and determination of value, the result of post-customs clearance inspections, investigation against smuggle to the corresponding database system.

b) Pursuant to the result of examination of documents, the physical verification of goods and the investigation against smuggle, the turnover condition, the tax rate of export/import, the conditions of smuggle and commercial fraud then report to the General Department of Customs to:

b.1) Add reference prices for exported/imported goods in the List of exported/imported goods facing risk in value without reference price according to the Report proposing additions to the List of exported/imported goods facing risk in value (the Form No. 02/DMBX/2015 in Appendix II enclosed with this Circular) by collecting the information according to the regulations in Article 25 (except for point (h) clause 1) of this Circular;

b.1) Modify the reference prices in case of the fluctuation in declared price and the collected information that increase or decrease from over 10% in comparison with the reference price in the List of exported/imported goods facing risk in value according to the report proposing additions to the List of exported/imported goods facing risk in value(the form No. 03/DMSĐ/2015 in Appendix II enclosed with this Circular) by collecting the information according to the regulations in Article 25 (except for point (h) clause 1) of this Circular;

b.3) Add to the List of exported/imported goods facing risk in value and reference price the exported/imported goods satisfying any of the criteria specified in Article 24 of this Circular that have not been included in the List according to the Report proposing additions to the List of exported/imported goods facing risk in value by collecting the information according to the regulations in Article 25 (except for point (h) clause 1) of this Circular.

3. The agencies affiliated to the General Department of Customs update to the data system of the General Department of Customs according to the functions and tasks of management of the information specified in clause 1 Article 25 of this Circular.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 24. Criteria for developing and modifying the Lists of exported/imported goods facing risk in value

1. For the export:

a) Goods with high export tax and export turnover;

b) Goods with high frequency of violation pertaining to the customs value during the valuation;

c) Goods facing risk that are declared unconformably with the actual transaction value so as for export tax fraud or tax evasion or to be eligible to added-value tax refund.

2. For the import:

a) Goods with high import tax;

b) Goods occupying high rate in total import turnover;

c) Goods with high frequency of violation pertaining to the customs value during the valuation;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd) Goods facing risk that are declared unconformably with the actual transaction value so as for dumping of goods into Vietnam’s inland market.

Article 25. Sources of information for development and modification of the reference price enclosed with the List of exported/imported goods facing risk in value

1. The information from the customs authority:

a) Information about import/export price of the identical/similar exported/imported goods that receive the approval of the customs authority for the customs value declared on the customs price data management information system;

b) Information about the result of the examination of document, physical verification of goods, the consultancy and the result of the modification of goods carried out by the Customs Departments of provinces during the customs procedures that is daily updated to the customs price data management information system;

c) Information about the result of the handling of complaints about customs value carried out by the Customs Departments of provinces, the General Department of Customs that is updated to the customs price data management information system;

d) Information about the result of the inspection after customs clearance about the customs value carried out by the post-clearance inspectorates that is updated to the enterprise management information system serving the post-clearance inspection and risk management;

dd) Information about the result of inspection and solution of the fraud of customs value carried out by the anti-smuggle force during the control and inspection that is updated to the information collection database system;

e) Information about the commercial fraud status, about the handling result of the violations during the classification in the risk management information system;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

h) Information from the report proposing the modification of the Customs Departments of provinces according to the provisions of clause 2 Article 23 of this Circular.

2. The information from outside the customs authority:

a) Information about the transaction price on the international market (applicable to the items with transaction price on the international market) posted on the website of the transaction market of such items;

b) Information about the declared price that is posted on the website of the regulatory bodies;

c) Information from specialist magazines and documents, applicable to the line of auto, motorbike, electronics, iron and steel, etc that is collected monthly by the customs authority;

d) Information about the offer prices on the Internet from the genuine websites or the websites associated with the genuine websites, the transaction price on the international market (applicable to the items with transaction price on the international market) posted on the website of the transaction market of such items;

dd) Information about the signs of commercial fraud in the value declaration provided for the customs authority by relevant organizations such as the market management authorities, police departments, commercial banks or by the Tax Ministries, regulatory bodies, tax agencies, Association, enterprises, organizations/individuals;

g) Information from the selling price on the domestic market of the goods identical/similar to the exported/imported goods, the relationship between the market selling price and the selling price of exported/imported goods that is collected periodically by the customs authority or provided by the tax agency (if any);

h) Information about the selling price of goods subject to export to Vietnam that is provided by the customs authorities of the exporting countries according to the agreement on bilateral or multilateral customs cooperation.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Chapter III

ORGANIZATION OF IMPLEMENTATION

Article 26. Effect

1. This Circular comes into effect from 01/4/2015.

These following Circulars and Decisions are annulled:

a) The Circular No. 205/2010/TT-BTC dated December 15, 2010;

b) The Circular No. 29/2014/TT-BTC dated February 26, 2014;

c) The Decision No. 30/2008/QĐ-BTC dated May 21, 2008;

d) The Circular No. 182/2012/TT-BTC dated October 25, 2012;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The determination and inspection of the customs declaration sheet registered from 01/01/2015 to the day before this Circular comes into effect shall be conformable to the guidance in the Circular No. 205/2010/TT-BTC dated December 15, 2010 and the Circular No. 29/2014/TT-BTC dated February 26, 2014 by the Minister of Finance.

3. During the implementation, if the relevant documents mentioned in this Circular and the appendixes enclosed with this Circular are modified or replaced, such modified or replaced documents are applied.

4. The customs valuation of exported/imported goods; inspection of customs value during the customs clearance procedures; inspection of post-clearance value of goods shall conform with the provisions of the Circular on customs procedures, customs supervision and inspection; export/import tax and tax administration applicable to exported/imported goods promulgated by the Minister of Finance.

Article 27. Responsibilities

1. The General Department of Customs shall cooperate with the Ministries, line association, the units affiliated to the Ministry of Finance to collect and exchange information about prices serving the inspection and determination of customs value as prescribed in Article 25 of this Circular.

2. The Directors of Customs Departments of provinces are responsible for the collection and analysis of information and the establishment of report to the General Department of Customs on the development and modification of the List of exported/imported goods facing risk in value prescribed in clause 2 Article 23 of this Circular.

3. The customs authority, the customs declarant, the taxpayer and relevant organizations and individuals shall perform the customs valuation conformably with the regulations in this Circular. Difficulties that arise during the implementation of this Circular should be reported to the Ministry of Finance and the General Department of Customs for consideration./.

 

 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 39/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 quy định về trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


267.284

DMCA.com Protection Status
IP: 52.14.88.137
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!