BỘ
NGOẠI THƯƠNG
******
|
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
16-BNT/VP/PC
|
Hà
Nội, ngày 18 tháng 02 năm 1961
|
THÔNG TƯ
GIẢI THÍCH VỀ QUYỀN HẠN KHÁM XÉT, TẠM GIỮ VÀ XỬ LÝ CỦA CƠ
QUAN HẢI QUAN.
Căn cứ điều lệ hải quan do Nghị
định số 03/CP của Hội đồng Chính phủ ban hành ngày 27-2-1960, Bộ ra thông tư
này nhằm giải thích những điểm chính về quyền hạn khám xét, tạm giữ và xử lý của
cơ quan Hải quan để các cấp hải quan nắm vững và thi hành cho thống nhất.
I. QUYỀN HẠN
KHÁM XÉT VÀ TẠM GIỮ CỦA CƠ QUAN HẢI QUAN
Để ngăn ngừa và chống buôn lậu,
điều 3 và 4 điều lệ hải quan công nhận cho cơ quan Hải quan có quyền khám người,
công cụ vận tải, nhà ở, tạm giữ hàng phạm pháp, tang vật giấu hàng phạm pháp,
công cụ vận tải chuyên chở hàng phạm pháp. Trường hợp phạm pháp quả tang buôn lậu
lớn, có tổ chức, cơ quan Hải quan có quyền tạm giữ người phạm pháp tại trụ sở
cơ quan Hải quan trong thời gian lâu nhất là hai mươi bốn giờ (24 giờ).
Chính phủ giao cho cơ quan Hải
quan những quyền hạn tương đối rộng rãi trên đây để cơ quan Hải quan có thể thực
hiện được những nhiệm vụ của một công cụ chuyên chính của Nhà nước dân chủ nhân
dân để kịp thời xử lý với những hành vi phá hoại về kinh tế hay chính trị.
Trong khi sử dụng những quyền hạn trên, cơ quan Hải quan cần phải hết sức thận
trọng phải theo đúng những luật lệ hiện hành của Nhà nước, tôn trọng quyền tự
do dân chủ của nhân dân và phải theo đúng những nguyên tắc về thủ tục dưới đây.
1. Khám người.
Muốn khám xét một người nào, phải
có điều tra chính xác và người phải là người có triệu chứng phạm pháp pháp thật
rõ ràng mới được khám. Trước khi tiến hành khám xét phải:
- Tuyên bố cho người khám biết
lý do khám xét.
- Ở các thành phố, thị xã, hay ở
những nơi đông người không được khám người ở đường phố mà phải mời người bị
khám vào một trụ sở gần nhất (công an, dân quân tự vệ, Ủy ban hành chính, Hải
quan…)
- Khám người phụ nữ nhất thất
thiết phải do nữ nhân viên Hải quan hoặc nhờ một phụ nữ khám và phải khám ở nơi
kín đáo.
- Khi khám người xong, nếu bắt
được hàng lậu thì phải lập biên bản; nếu không bắt được hàng mà người bị khám
yêu cầu, thì cũng phải lập biên bản.
2. Khám công cụ vận tải
Cơ quan Hải quan có quyền khám tất
cả công cụ vận tải (tàu, thuyền bè, máy bay, xe cộ…) đang chuyển vận hoặc đậu tại
bến, tại các hải cảng…, có quyền khám tất cả những bộ phận của công cụ vận tải
kể cả buồng máy và máy, buồng thuyền trưởng.Việc khám xét công cụ vận tải và những
bộ phận của công cụ vận tải phải theo những công tắc sau đây:
- Tiến hành khám tại các bến,
các hải cảng hoặc các trạm kiểm soát của thuế vụ, công an, dân quân tự vệ, hải
quan… Trường hợp đặc biệt và thật cần thiết (như phạm pháp quả tang, khẩn cấp)
để chạy qua có thể tẩu thoát và mất tang vật phạm pháp, mới bắt dừng lại giữa
đường, để khám xét.
- Khám xét công cụ vận tải hoặc
những bộ phận động cơ các thiết bị của công cụ vận tải, phải làm trước mặt người
chủ công cụ vận tải hoặc người thay mặt và phải khám xét nhanh chóng để khỏi
làm chở ngại cho hành khách và giao thông.
- Khám thấy tang vật phạm pháp
hay không thấy tang vật đều phải làm biên bản ngay và phải có người chủ công cụ
vận tải hay người điều khiển công cụ vận tải ký vào biên bản.
3. Khám nhà.
a) Khám nhà tư nhân:
Chỉ có các cán bộ hải quan sau
đây mới có quyền khám nhà (điều 3 điều lệ hải quan):
- Giám đốc, Phó giám đốc Sở hải
quan trung ương.
- Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm Phân
sở hải quan.
- Chi sở trưởng, Chi sở phó Chi
sở hải quan.
- Những cán bộ hải quan thi hành
lệnh viết của các cấp nói trên.
Khi tiến hành khám nhà phải theo
những nguyên tắc sau đây:
- Có một ủy viên Ủy ban hành
chính xã hay khu phố và một người láng giềng chứng kiến.
- Tiến hành khám xét trước mặt
người chủ nhà hay người thay mặt.
- Khi khám xong, dù bắt được hay
không bắt được tang vật phạm pháp cũng phải lập biên bản và phải có chữ ký của
cán bộ thi hành lệnh khám nhà, của những người chứng kiến, của chủ nhà hay người
thay mặt. Trường hợp chủ nhà hay người thay mặt không chịu ký tên thì phải ghi
rõ lý do vào biên bản (tham chiếu điều 12 Luật 103-SL/L005 ngày 20-5-1957).
Việc khám nhà nói chung phải hết
sức thận trọng và phải có cơ sở chính xác để khi tiến hành khám là phải đạt được
kết quả. Nguyên tắc là có thể khám nhà ban ngày cũng như ban đêm, trường hợp có
thể bố trí bao vây để ban ngày khám xét cũng được thì nên để đến ban ngày hãy
khám, việc khám nhà ban đêm phải hết sức hạn chế, và chỉ tiến hành trong những
trường hợp thật hết sức đặc biệt. Trường hợp khám cũng được không khám cũng được
thì cương quyết không khám.
Nếu khám nhà trong những trường
hợp phạm pháp quả tang (như thấy đang làm việc phạm pháp hoặc sau khi phạm pháp
thì bị phát giác ngay…) trong trường hợp khẩn cấp (như đang có hành động chuẩn
bị làm việc phạm pháp hoặc đã tìm thấy chứng cớ phạm pháp trong người hoặc tại
nhà ở của người tình nghi phạm pháp hoặc đang có hành động chuẩn bị (tiêu hủy
hoặc đang tiêu hủy tang vật phạm pháp) hoặc có triệu chứng phạm pháp (tức là những
trường hợp có tang chứng, vật chứng, nhân chứng cụ thể có thể tin rằng nếu
không ngăn chặn thì việc phạm pháp có thể xảy ra), những cán bộ ghi ở điều 3 của
điều lệ Hải quan không có điều kiện để cùng đi khám với một ủy viên Ủy ban hành
chính địa phương và không có một người láng giềng chứng kiến thì sau khi khám
xong, lúc lập biên bản phải có chữ ký của chủ nhà hay người thay mặt và sau đó
phải lấy chữ ký của một ủy viên Ủy ban hành chính địa phương chứng thực (tham
chiếu điều 19 Nghị định số 301-TTg ngày 10-7-1957).
b) Khám những nơi lui tới công cộng:
Đối với những nơi lui tới công cộng
như hiệu buôn, tiệm ăn uống, phòng ngủ công cộng, khách sạn v.v… (trừ phòng ngủ
thuê dài hạn một tháng trở lên) trong giờ mở cửa tiếp khách, nhân viên Hải quan
có quyền khám xét các bộ phận công cộng và những người có mặt tại đó, không phải
theo những thủ thục như khám nhà tư nhân. Khi tiến hành khám xét phải có người
chủ hay người đại diện những nơi công cộng này chứng kiến. Khám xét những nơi
lui tới công cộng ngoài giờ mở cửa tiếp khách, coi như là khám nhà tư nhân, phải
theo đúng những thủ tục như khám nhà tư nhân.
c) Khám trụ sở cơ quan:
Cơ quan Hải quan có thể khám xét
trụ sở cơ quan để tìm ra hàng hóa và tang vật phạm pháp. Việc khám xét này phải
được sự đồng ý của thủ trưởng cơ quan hoặc của cấp trên cơ quan đó và phải có
thủ trưởng cơ quan hoặc người thay mặt chứng kiến.
d) Khám nhà bè:
Nhà bè ở những nơi tập trung
(xóm chài, vạn) và đã đăng ký hộ khẩu ở những nơi này thì coi như nhà ở, khám
nhà bè trong những trường hợp này phải theo đúng những thủ tục như khám nhà tư
nhân.
Nhà bè đương chuyển vận trên
sông hoặc đậu ở các bến khác coi như công cụ vận tải. Khám nhà bè trong trường
hợp này phải theo đúng thủ tục như khám các công cụ vận tải.
4. Tạm giữ người,
Để có đủ thời giờ khai thác tài
liệu, lập hồ sơ để xử lý hoặc để chuyển sang Viện kiểm sát nhân dân, trong trường
hợp phạm pháp quả tang buôn lậu lớn, có tổ chức, cơ quan Hải quan, nếu thấy cần
thiết, có quyền tạm giữ người phạm pháp tại trụ sở Hải quan trong thời gian lâu
nhất là hai mươi bốn giờ (24 giờ). Khi đã tuyên bố tạm giữ người phạm pháp, cơ
quan Hải quan phải bố trí người canh gác, và phải cho ăn uống chu đáo.
Nếu xét thấy thật cần thiết tạm
giữ quá 24 giờ để khai thác thêm tài liệu, điều tra thêm tổ chức, cơ quan Hải
quan phải áp giải người phạm pháp kèm theo hồ sơ đầy đủ đến Viện kiểm soát nhân
dân địa phương để đề nghị ra lệnh tạm giam.
Khi đã tạm giữ người phạm pháp tại
trụ sở hoặc đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tạm giam, cơ quan Hải quan phải tiến
hành xét hỏi ngay. Nếu xét thấy không cần thiết phải tạm giữ hoặc tạm giam nữa
thì phải trả lại tự do hoặc đề nghi Viện kiểm sát nhân dân tạm tha ngay cho người
phạm pháp.
Chế độ ta rất tôn trọng tự do
thân thể của người công dân, nên việc tạm giữ người phải hết sức thận trọng đồng
thời phải nâng cao cảnh giác, không để lọt một kẻ gian, không giam oan một người
ngay. Chỉ có cán bộ từ cấp đội trưởng, trưởng phòng trở lên mới có quyền quyết
định tạm giữ người phạm pháp tại trụ sở.
5. Tạm giữ hàng phạm pháp và
phương tiện để chuyên chở hoặc che giấu hàng phạm pháp.
Sau khi bắt được hàng phạm pháp,
phương tiện dùng để chuyên chở hoặc che giấu hàng phạm pháp cơ quan Hải quan phải
nghiên cứu giải quyết ngay. Chỉ được tạm giữ hàng phạm pháp phương tiện để
chuyên chở hoặc che giấu hàng phạm pháp, nếu xét sau này có thể xử lý tịch thu
một phần hay toàn bộ. Trường hợp này phải do cán bộ từ cấp Chi sở trưởng trở
lên quyết định.
Đối với công cụ vận tải chuyên
chở hàng phạm pháp, khi giải quyết phải xét kỹ về nhiều mặt như trị giá hàng có
tương xứng với trị giá công cụ vận tải không, người phạm pháp có thường dùng
công cụ vận tải để chuyên chở hàng lậu không, người phạm pháp là chủ công cụ vận
tải hay đi mượn, đi thuê… để xử lý cho thích đáng.
Tuyệt đối không được tạm giữ tiền,
vàng, bạc hoặc những đồ dùng khác, như xe đạp, đồng hồ, bút máy… của người phạm
pháp đang sử dụng hoặc để ở nhà, nếu những thứ này không có liên quan đến vụ
buôn lậu, nghĩa là không phải do bán hàng lậu mà mua sắm được hoặc không phải
đem đi để mua bán trao đổi hàng lậu.
Trong những trường hợp đặc biệt,
như những vụ buôn lậu lớn, quan trọng, có tổ chức, nếu xét cần tạm giữ những
tang vật này để đảm bảo tiền phạt, thì phải đề nghị Viện kiểm sát nhân dân địa
phương ra lệnh.
Cần chú ý:
Trong khi thi hành nhiệm vụ trên
đây, nhân viên Hải quan phải mặc chế phục Hải quan, đeo phù hiệu, tuyên bố chức
trách và cho người bị khám xem giấy chứng minh nếu họ yêu cầu.
II. NGUYÊN TẮC
XỬ LÝ CÁC VỤ PHẠM PHÁP VỀ HẢI QUAN.
1. Nguyên tắc xử lý.
Việc xử lý nghiêm minh, thận trọng,
phải tùy theo đối tượng phạm pháp, tính chất mức độ và phạm vi tác hại của mỗi
vụ phạm pháp và phải kết hợp với các chính sách của Chính phủ mà áp dụng những
hình thức xử lý cho thích đáng.
Những hành vi phạm pháp về Hải
quan chia làm 3 loại:
- Vi phạm thủ tục và phạm pháp
nhỏ.
- Buôn lậu quan trọng.
- Buôn lậu lớn.
a) Vi phạm thủ tục và phạm pháp
nhỏ:
Vi phạm thủ tục là những hành vi
không tuân theo thủ tục giám quan của cơ quan hải quan, đối với hàng hóa và
công cụ vận tải xuất nhập khẩu. Phạm pháp nhỏ là những hành vi của nhân dân
biên giới, của những người ở các hải cảng xuất nhập trái phép một vài loại hàng
lặt vặt trị giá ít như một vài mét vải, một vài bao thuốc lá, một vài chiếc áo
may-ô…
Đối với những vi phạm thủ tục,
vì không biết thể lệ và đối với những vụ phạm pháp nhỏ, cơ quan Hải quan chỉ
phê bình, cảnh cáo, bắt nộp thuế, (nếu là hàng có thuế) không tịch thu hàng.
Trong trường hợp người phạm pháp
cố ý không chấp hành đúng thủ tục giám quan của cơ quan hải quan hoặc người
buôn lậu nhỏ tuy tang vật ít nhưng tái phạm nhiều lần, cơ quan hải quan có thể
phạt tiền nhiều nhất tới một ngàn đồng (1000đồng).
b) Buôn lậu quan trọng:
Buôn lậu quan trọng là những
hành vi có dụng ý trốn thuế, trốn thể lệ hải quan để xuất nhập khẩu lậu hàng với
số lượng hoặc trị giá tương đối nhiều, hoặc hành vi buôn lậu có thủ đoạn tinh
vi, hoặc buôn lậu hàng cấm, hàng có chất độc. Những hành vi buôn lậu nhỏ nhưng
có tái phạm thì cũng xem như buôn lậu quan trọng.
Đối với những hành vi buôn lậu
trên đây, cơ quan hải quan phạt tiền nhiều nhất bằng hai (2) lần trị giá hàng
phạm pháp; có thể tịch thu một phần hay toàn bộ hàng phạm pháp; công cụ vận tải
và tang vật dùng để chuyên chở che giấu hàng phạm pháp.
Nếu kẻ phạm pháp có hành động
kháng cự lại hoặc mang vũ khí thì cơ quan hải quan có thể đề nghị Viện Kiểm sát
nhân dân truy tố trước Tòa án để xử phạt sau có ý kiến của Ủy ban hành chính địa
phương.
c) Buôn lậu lớn:
Buôn lậu lớn là những hành vi
buôn lậu có tác hại nghiêm trọng đến kinh tế và chính trị, buôn lậu có tổ chức,
có nhiều người tham gia hoặc có vũ khí hoặc có hành động kháng cự, hành hung
cán bộ hải quan, những vụ buôn lậu mà can phạm là một tên buôn lậu đầu sỏ, hoặc
chuyên sống về buôn lậu, hoặc đã được giáo dục nhiều lần nhưng vẫn tái phạm.
Đối với những hành vi buôn lậu
trên đây, cơ quan hải quan phạt tiền nhiều nhất bằng ba (3) lần trị giá hàng phạm
pháp, có thể tịch thu toàn bộ hàng phạm pháp, công cụ vận tải và tang vật dùng
để chuyên chở, che dấu hàng phạm pháp.
Riêng đối với những vụ buôn lậu
lớn, nếu xét thấy cần thiết, cơ quan hải qnan có thể đề nghị Viện Kiểm soát
nhân dân truy tố ra trước tòa án sau khi có ý kiến của Ủy ban hành chính địa
phương.
2. Nguyên tắc định giá để tính
tiền phạt và tịch thu công cụ vận tải và tang vật phạm pháp.
- Trị giá hàng phạm pháp để tính
tiền phạt phải căn cứ vào giá bán lẻ của Mậu dịch quốc doanh nơi xảy ra vụ phạm
pháp.
- Mỗi khi định giá để tịch thu
công cụ vận tải và tang vật dùng để chuyên chở, che giấu hàng phạm pháp, cơ
quan hải quan phải lấy ý kiến của cơ quan thương nghiệp và tài chính địa phương
để định giá cho sát.
III. THẨM QUYỀN
XỬ LÝ CỦA CÁC CẤP HẢI QUAN VÀ QUYỀN KHIẾU NẠI CỦA NGƯỜI PHẠM PHÁP.
Cơ quan hải quan xử lý những vụ
phạm pháp về hàng hóa, muối, rượi, tiền tệ, kim khí quý, đá quý, ngọc trai xuất
nhập khẩu và công cụ vận tải, tang vật dùng để chuyên chở, che dấu hàng phạm
pháp dưới sự lãng đạo của Ủy ban hành chánh địa phương. Đối với những vụ phạm
pháp về xuất nhập khẩu: muối, rượi, tiền tệ, kim khí quý, ngọc trai, trước khi
xử lý phải tranh thủ ý kiến cơ quan sở quan.
1. Thẩm quyền xử lý của các cấp
hải quan.
Thẩm quyền xử lý các vụ phạm phạm
pháp về xuất nhập khẩu thuộc các cấp sau đây:
- Trưởng phòng hải quan (kể cả
các trưởng phòng hải quan và trưởng đội kiểm soát hải quan trực thuộc Sở Hải
quan trung ương) được quyền xử lý phê bình, cảnh cáo, bắt nộp thuế.
- Chủ nhiệm Phân sở hải quan,
Chi sở trưởng Chi sở hải quan được quyền phạt tiền, tịch thu hàng, số tiền phạt
và trị giá hàng tịch thu cộng lại từ một ngàn đồng (1000 đồng) trở xuống. Nếu
phạt tiền và tịch thu hàng giá trị công lại trên một ngàn đồng, phải thỉnh thị
Giám đốc Sở Hải quan trung ương.
Để việc xử lý các vụ phạm pháp hải
quan được chính xác đúng người và đúng tội, ở các Chi sở, Phân sở, Sở Hải quan
trung ương sẽ thành lập hội đồng xử lý, Bộ Ngoại thương sẽ quy định nhiệm vụ
quyền hạn, lề lối làm việc và thành phần của hội đồng này.
Nhà nước giao cho mỗi cấp hải
quan thẩm quyền xử lý như trên chính là để thể hiện phương châm thận trọng
trong việc xử lý và đảm bảo quyền lợi của nhân dân. Cơ quan hải quan phải có ý
thức báo cáo thỉnh thị đối với Ủy ban hành chính, Ủy ban hành chính địa phương
cần chủ trọng lãnh đạo cơ quan hải quan và quy định chế độ báo cáo thỉnh thị của
cơ quan hải quan về việc xử lý. Sở Hải quan trung ương cần theo dõi và thường
xuyên kiểm tra mặt công tác này của các cấp Hải quan và quy định cụ thể chế độ
báo cáo giữa Phòng hải quan với Phân, Chi sở hải quan và giữa Phân, Chi sở hải
quan với Sở Hải quan trung ương.
2. Quyền khiếu nại của người phạm
pháp.
Sau khi cơ hải quan xử lý, người
phạm pháp có quyền khiếu nại. Các cấp hải quan khi xử lý phải ghi rõ quyền khiếu
nại của người phạm pháp vào quyết định xử lý và sau khi xử lý phải tuyên bố quyền
khiếu nại trên cho họ biết. Người phạm pháp muốn khiếu nại phải làm đơn. Đơn
này có thể gửi cho cơ quan hải quan cấp trên hoặc các cơ quan có thẩm quyền các
cấp của Nhà nước. Sau khi nhận đựơc đơn khiếu nại, trong vòng 7 ngày, các Phân,
Chi sở hải quan phải gửi đơn ấy và hồ sơ của vụ phạm pháp về sở Hải quan trung
ương. Trong thời gian là 15 ngày sau khi nhận đựoc đơn khiếu nại, Sở Hải quan
trung ương phải nghiên cứu giải quyết xong, rồi báo kết quả cho đơn vị hải quan
hữu quan để trả lời cho người khiếu nại biết.
Trong khi chờ đợi giải quyết,
người phạm pháp phải chấp hành quyết định xử lý của cơ quan hải quan.
Sở Hải quan trung ương là cơ
quan quyết định cuối cùng về phương diện xử lý hải quan.
IV. QUAN HỆ
CÔNG TÁC GIỮA HẢI QUAN, VIỆN KIỂM SÁT VÀ TÒA ÁN.
Các cấp hải quan cần sự tranh thủ
giúp đỡ của viện Kiểm sát và tòa án nhân dân địa phương về phương diện thi hành
pháp luật.
- Đối với những vụ buôn lậu lớn,
trong quá trình từ khi mới phát hiện cho tới khi bố trí bắt, cơ quan hải quan cần
báo cho Viện Kiểm sát nhân dân địa phương biết.
Đối với những vụ buôn lậu này, nếu
xét thấy cần truy tố sau khi xin ý kiến của Ủy ban hành chính địa phương và sở
Hải quan trung ương, cơ quan Hải quan sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ sang Viện Kiểm
sát nhân dân địa phương để đề nghị truy tố trước tòa án. Trường hợp này cơ quan
hải quan không phải xử lý trước.
Đối với những trường hợp cơ quan
hải quan đã xử lý mà người phạm pháp không khiếu nại, hoặc có khiếu nại mà Sở Hải
quan trung ương đã giải quyết nhưng người phạm pháp không chấp hành quyết định
xử lý của cơ quan hải quan thì cơ quan hải quan có thể đề nghị Viện Kiểm sát
nhân dân địa phương can thiệp. Nếu Viện Kiểm sát nhân dân xét chưa được hợp lý
thì cơ quan hải quan phải nghiên cứu để sửa lại.
Những vụ phạm pháp mà cơ quan hải
quan xử lý phạt tiền, tịch thu hàng hóa hoặc tịch thu công cụ vận tải và tang vật
dùng để chuyên chở, che giấu hàng phạm pháp, cơ quan hải quan phải ra quyết định
xử lý. Bản sao quyết định xử lý phải gởi Sở Hải quan trung ương, Ủy ban hành
chính và Viện Kiểm sát nhân dân địa phương. Hàng tháng cơ quan hải quan phải tổng
hợp tất cả những trường hợp xử lý: phê bình, cảnh cáo, bắt nộp thuế để báo cáo Ủy
ban hành chính và Sở Hải quan trung ương, đồng thời gửi bản sao báo cáo đó cho
Viện Kiểm sát nhân dân địa phương.
Thông tư này áp dụng cho việc xử
lý đối với tất cả các vụ phạm thể lệ xuất nhập khẩu hàng hóa, muối, rượu, tiền
tệ, kim khí quý, đá quý, ngọc trai, kể cả những vụ phạm pháp về xuất nhập khẩu ở
biên giới.
Việc xử lý các vụ phạm pháp về
thuốc phiện, vàng, bạc, muối, rượu, v.v… bắt ở nội địa không thuộc phạm vi
thông tư này.
Ủy ban hành chính địa phương và
Sở Hải quan trung ương cần chú trọng lãnh đạo các cấp hải quan sử dụng đúng những
quyền hạn trên đây cho đúng mức và đúng với pháp luật hiện hành, mặt khác Ủy
ban hành chính địa phương và cơ quan hải quan cần chú ý giáo dục cán bộ hải
quan về các mặt lập trường, tư tưởng, chính sách, chỉ đạo chặt chẽ việc làm của
cán bộ hải quan để kịp thời ngăn chặn những lệch lạc có thể xảy ra.
Để việc thi hành thông tư này được
tốt, Bộ yêu cầu các cấp hải quan tổ chức nghiên cứu và đặt kế hoạch thi hành
cho chu đáo.
|
BỘ
TRƯỞNG BỘ NGOẠI THƯƠNG
Phan Anh
|