TỔNG CỤC HẢI QUAN
CỤC HẢI QUAN
TỈNH BẮC NINH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 79/QĐ-HQBN
|
Bắc Ninh, ngày 06 tháng 12 năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH THƯỜNG TRỰC, BẢO VỆ CỦA CỤC HẢI QUAN TỈNH BẮC NINH
CỤC TRƯỞNG CỤC HẢI QUAN TỈNH BẮC NINH
Căn cứ Luật Hải quan ngày 29 tháng
6 năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan ngày 14 tháng 6
năm 2005;
Căn cứ Quyết định 1027/QĐ-BTC ngày
11/5/2010 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Hải quan tỉnh,
liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Quyết định số 2929/QĐ-TCHQ ngày 05/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Quy
chế làm việc của Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 2980/QĐ-TCHQ
ngày 15/11/2010 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải
quan về việc ban hành Quy chế làm việc của Tổng cục Hải quan;
Căn cứ Quyết định số 18/QĐ-HQBN
ngày 15/10/2012 của Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh về việc ban hành Quy chế làm việc
của Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh;
Xét đề nghị của Chánh Văn phòng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định Thường trực, Bảo vệ của Cục
Hải quan tỉnh Bắc Ninh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng, Trưởng
phòng Tổ chức cán bộ và thủ trưởng các đơn vị thuộc Cục,
cùng toàn thể cán bộ, công chức, nhân viên của Cục Hải
quan tỉnh Bắc Ninh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Chánh Văn phòng có trách nhiệm thường
xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quy định và báo cáo
Cục trưởng.
Nơi nhận:
- TCHQ (để b/c);
- Lãnh đạo Cục (để Ch/đ);
- Các đ/c Lãnh đạo các đơn vị thuộc Cục (để th/h);
- Tổ Bảo vệ (để th/h);
- Công an TP Bắc Ninh (để ph/h);
- Công an P.Đại Phúc (để ph/h);
- Phòng CSPCCC CA tỉnh Bắc Ninh (để ph/h);
- Lưu: VT, VP (2b).
|
CỤC TRƯỞNG
Trần Thành Tô
|
QUY ĐỊNH
THƯỜNG TRỰC, BẢO VỆ CỦA CỤC HẢI QUAN TỈNH BẮC NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 79/QĐ-HQBN ngày 06 tháng 12 năm 2012
của Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh)
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh,
đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Quy định này
quy định về công tác thường trực, bảo vệ tại trụ sở cơ
quan Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh tại địa chỉ số 169 Phố Vũ, đường Trần Hưng Đạo,
phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh (sau đây gọi tắt là cơ quan
Cục).
2. Đối tượng áp dụng:
a) Cán bộ, công chức, người lao động
(sau đây gọi chung là công chức, viên chức) làm việc hàng ngày tại cơ quan Cục.
b) Khách đến làm việc, liên hệ công
tác, dự họp, hội nghị, hội thảo (sau đây gọi chung là khách) tại cơ quan Cục.
Điều 2. Công chức, viên chức, khách khi ra vào cơ quan phải có một trong những
giấy tờ sau:
1. Đối với công chức, viên chức mang
thẻ công chức, viên chức ngành do Phòng TCCB cấp.
2. Đối với khách đến dự họp tại cơ
quan Cục.
- Giấy mời họp (bản chính), hoặc;
- Giấy giới thiệu, hoặc;
- Giấy tờ tuỳ thân (chứng minh nhân
dân/hộ chiếu/thẻ ngành).
Chương 2.
CÔNG TÁC THƯỜNG
TRỰC
Điều 3. Chức năng của thường trực:
Thường trực bảo vệ cơ quan Cục có chức
năng quản lý công chức, viên chức, người làm việc thường xuyên tại cơ quan Cục,
khách đến làm việc tại cơ quan khi ra, vào cổng cơ quan Cục thông qua các giấy
tờ hợp lệ và ghi chép vào sổ theo dõi; hướng dẫn khách khi có yêu cầu; đảm bảo
an toàn cơ quan Cục.
Điều 4. Nhiệm vụ của nhân viên thường trực:
Thường trực bảo vệ tại phòng thường
trực cơ quan Cục từ 7h30’ đến 15h30’ các ngày làm việc. Khi thực hiện nhiệm vụ
phải mặc trang phục, đeo phù hiệu theo quy định, có thái độ lịch sự, ứng xử
đúng mực, hướng dẫn chu đáo.
Nhiệm vụ cụ thể:
1. Kiểm tra giấy tờ, ghi sổ theo dõi,
phát thẻ khách cho khách khi vào cơ quan và thu thẻ khách khi khách ra khỏi cơ
quan.
Những trường hợp sau đây không áp dụng
phát thẻ khách: Khách là lãnh đạo và các thành viên trong đoàn của Bộ, Ban,
Ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố, các Sở ban ngành cấp
tỉnh đến làm việc với lãnh đạo Cục được lãnh đạo Văn phòng Cục báo trước.
Đại biểu đến dự họp có mang theo giấy
mời.
2. Chỉ dẫn địa điểm cho khách nếu đã
rõ địa chỉ khách cần liên hệ công tác.
3. Hướng dẫn khách trong các trường hợp
khác:
a) Đối với khách đến gặp, làm việc với
Lãnh đạo Cục: Căn cứ lịch làm việc của Lãnh đạo Cục để chi dẫn địa điểm làm việc
cho khách và báo cho bộ phận Lễ tân đón tiếp hoặc mời khách vào Phòng chờ (nếu
khách chưa đăng ký trước) đồng thời báo cho Lãnh đạo Văn phòng để xin ý kiến.
b) Đối với khách đến làm việc với các
đơn vị: Mời khách vào phòng chờ và điện thoại mời đại diện đơn vị ra đón khách.
c) Đối với nhà báo: Nhà báo đến dự họp,
làm việc không có giấy mời thì báo cho Lãnh đạo Văn phòng
xin ý kiến Lãnh đạo Cục.
d) Đối với công dân đến khiếu nại, tố
cáo:
- Mời công dân vào phòng Tiếp công
dân đồng thời thông báo với Lãnh đạo Văn phòng để tiếp.
- Trường hợp khiếu nại, tố cáo đông người: Báo cáo ngay với Công an Phường để được hỗ trợ đảm bảo an
ninh, trật tự, đồng thời thông báo với Lãnh đạo Văn phòng xin ý kiến Lãnh đạo Cục
cử đại diện ra tiếp tại phòng Tiếp công dân.
4. Không cho khách vào cơ quan Cục
khi trong trạng thái say xỉn, quá khích, không tự kiểm
soát được hành vi cá nhân, có biểu hiện gây rối, mất trật tự.
5. Bảo quản và sử dụng có hiệu quả cơ
sở vật chất được trang bị phục vụ cho công tác thường trực,
thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn công chức, viên chức, khách và những người
liên quan thực hiện quy định này.
6. Thực hiện những nhiệm vụ khác được
Lãnh đạo Văn phòng giao.
Điều 5. Trách nhiệm của công chức, viên chức
1. Mang thẻ công chức khi ra vào cơ
quan qua cổng thường trực.
2. Khi qua cổng thường trực không đeo
kính đen, không đeo khẩu trang, khăn che mặt, không để kính mũ bảo hiểm che kín
mặt.
3. Đối với công chức, viên chức đi
làm bằng xe máy, xe đạp khi qua cổng thường trực phải xuống xe, dắt xe đi qua cổng.
4. Đối với công chức, viên chức đi
làm bằng ô tô cá nhân phải đăng ký với Văn phòng Cục để được cấp giấy phép cho
ô tô ra vào cơ quan.
Điều 6. Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị
1. Đối với cơ quan, đơn vị chủ trì tổ chức các cuộc họp phải cung cấp danh sách đại biểu, khách mời (Bộ
phận Thường trực cơ quan Cục) trước thời điểm diễn ra sự kiện.
2. Đơn vị có người nước ngoài làm việc
có thời hạn tại cơ quan Cục phải đăng ký danh sách với Văn phòng Cục để làm thủ tục ra, vào cơ quan.
3. Đăng ký với bộ phận Thường trực địa
điểm tiếp nhận công văn, báo chí, dịch vụ, hàng hóa đưa vào cơ quan.
4. Cử đại diện ra tiếp, đón khách khi
có thông báo của bộ phận Thường trực.
5. Thường xuyên nhắc nhở công chức,
viên chức của đơn vị nghiêm chỉnh chấp hành quy định ra vào cơ quan.
Điều 7. Trách nhiệm của khách
1. Xuất trình giấy
tờ hợp lệ cho bộ phận Thường trực khi vào cơ quan Cục.
2. Đăng ký yêu cầu
với bộ phận Thường trực để được hướng dẫn.
3. Cấm mang theo vũ khí, chất nổ, chất
dễ cháy, các loại chất độc hại khác và các tài liệu thuộc diện cấm lưu hành vào
cơ quan Cục.
Điều 8. Trách nhiệm của Văn phòng Cục.
1. Tổ chức bộ phận Thường trực thực
hiện công tác thường trực.
2. Trang bị, bảo đảm điều kiện làm việc
cho bộ phận Thường trực.
3. Đôn đốc, kiểm tra, giám sát hoạt động
thường trực.
Chương 3.
CÔNG TÁC BẢO VỆ
Điều 9. Chức năng của lực lượng bảo vệ:
Bảo vệ cơ quan Cục có chức năng đảm
an ninh, trật tự và an toàn tài sản trong cơ quan Cục; hướng
dẫn công chức, viên chức và khách để phương tiện đi lại đúng nơi quy định; trực
điện thoại, tiếp nhận công văn, thư báo đến cơ quan Cục ngoài giờ làm việc.
Điều 10. Nhiệm của lực lượng bảo vệ:
Bố trí lực lượng bảo vệ trực theo ca
liên tục 24h/24h trong ngày. Mỗi ca có Trưởng ca điều hành chung, phân công
công việc cụ thể cho từng nhân viên bảo vệ trong ca, khi
giao ca có sổ ghi chép nhật ký ca trực và bàn giao cho ca trực sau.
Nhiệm vụ cụ thể như sau:
1. Trực tại cổng
chính, tuần tra từ cổng chính đến tất cả các vị trí trọng yếu trong cơ quan Cục;
nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm an toàn, trật tự được quyền kiểm tra giấy tờ đối
với người, hàng hoá, phương tiện ra vào cơ quan; nếu phát hiện người đột nhập
vào cơ quan phải thực hiện biện pháp nghiệp vụ bảo vệ để khống chế, bắt giữ đối
tượng đồng thời báo cho cơ quan công an phối hợp giải quyết.
2. Trường hợp xảy ra cháy, nổ, tai nạn,
gây rối trật tự công cộng, v.v.. .trong cơ quan phải tổ chức cứu chữa kịp thời
và thông báo cho Tổ phòng cháy, chữa cháy của Cục triển khai phương án phòng
cháy, chữa cháy, bảo vệ hiện trường, cấp cứu nạn nhân, bắt giữ người phạm tội
quả tang và báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.
3. Không cho phép mang vật tư, tài sản
ra vào cơ quan khi chưa có đủ giấy tờ hợp lệ, trường hợp
không chấp hành thì lập biên bản tạm giữ và kịp thời báo cáo Lãnh đạo Văn phòng
Cục.
4. Ghi chép đầy đủ diễn biến và các
biện pháp nghiệp vụ bảo vệ đã thực hiện trong ca; tổ chức
bàn giao giữa hai ca trực, nội dung bàn giao phải được phản ánh đầy đủ trong sổ
bàn giao ca và phải được hai trưởng ca ký giao, nhận.
5. Sau khi hết giờ làm việc buổi chiều
phải kiểm tra toàn bộ các phòng việc, nếu phát hiện những sai sót của đơn vị
như: không khoá cửa phòng làm việc; không tắt các thiết bị điện (điều hoà, máy
vi tính, quạt, bóng đèn, ...) phải có biện pháp khắc phục kịp thời để đảm bảo
an toàn đồng thời thông báo cho đơn vị xử lý.
6. Bật hệ thống đèn chiếu sáng phục vụ
công tác bảo vệ ban đêm từ 18h30 tối hôm trước và tắt vào 5h30 sáng hôm sau.
7. Trong ca trực nếu để tài sản của
cơ quan bị phá huỷ, mất mát trong phạm vi bảo vệ của nhân viên nào thì nhân
viên đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
8. Thực hiện các biện pháp nghiệp vụ
theo quy định của pháp luật và hướng dẫn nghiệp vụ bảo vệ của cơ quan công an để
phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn những vi phạm Nội quy bảo vệ cơ quan Cục. Kịp
thời đề xuất biện pháp xử lý.
9. Tham gia công tác phòng cháy và chữa
cháy
a) Nhân viên bảo vệ phải là lực lượng
nòng cốt trong tổ chức phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cục. Khi có cháy, nổ xảy ra phải tổ chức cứu chữa kịp thời, đồng thời
báo ngay công an phòng cháy và chữa cháy tỉnh Bắc Ninh, tổ phòng cháy chữa cháy
của Cục và Lãnh đạo Văn phòng Cục.
b) Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định
về công tác phòng cháy và chữa cháy; giữ gìn trật tự công cộng và quản lý vũ
khí, vật liệu nổ, chất dễ cháy, chất độc hại.
c) Thường xuyên kiểm tra hệ thống cứu
hoả và các trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ trang bị cho phòng cháy và chữa
cháy, nếu phát hiện hư hỏng phải đề nghị cho sửa chữa và thay thế kịp thời.
Nhân viên bảo vệ phải sử dụng thành thạo các trang thiết bị, phương tiện, dụng
cụ phòng và chữa cháy.
d) Tham gia đầy đủ các đợt kiểm tra,
tập huấn về phòng cháy và chữa cháy khi được cơ quan phân công tham gia.
đ) Không cho đem
vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc hại vào cơ quan.
10. Trực điện thoại, tiếp nhận công
văn, thư báo đến cơ quan Cục ngoài giờ làm việc và xử lý các trường hợp cụ thể
như sau:
a) Đối với thông tin khẩn, các loại văn bản có đóng dấu khẩn, hỏa tốc, phải báo ngay cho
Lãnh đạo Văn phòng Cục giải quyết kịp thời.
b) Đối với các loại văn bản gửi đích
danh Lãnh đạo Cục phải báo ngay Lãnh đạo Văn phòng để báo cáo Lãnh đạo Cục.
Việc giao nhận các loại văn bản trên
phải vào sổ theo dõi.
11. Hướng dẫn phương tiện đi lại của
công chức, viên chức và khách
a) Hướng dẫn, nhắc nhở công chức,
viên chức để ôtô, xe máy, xe đạp đúng nơi quy định, đảm bảo an toàn, mỹ quan.
b) Phát vé xe đạp, xe máy cho công chức,
viên chức khi vào cơ quan làm việc và thu lại vé khi lấy xe ra khỏi cơ quan Cục.
c) Không để ùn tắc phương tiện trong cơ quan.
d) Đối với xe ôtô cá nhân của công chức,
viên chức phải để đúng nơi quy định.
đ) Đối với khách:
- Hướng dẫn để ôtô, xe máy, xe đạp
đúng nơi quy định; phát vé xe máy, xe đạp và thu lại khi khách lấy xe.
- Đối với xe ôtô của khách đến làm việc,
họp tại cơ quan Cục chỉ có các loại xe ôtô mang biển xanh, biển đỏ mới cho dừng
xe ở sân của trụ sở cơ quan sau đó đỗ vào vị trí nơi quy định.
- Xe ô tô tư của khách đến dự họp,
làm việc tại cơ quan Cục tùy tình hình các vị trí đỗ xe để giải quyết cho xe
vào cơ quan hoặc đề nghị khách để ở ngoài.
e) Xử lý tại chỗ những phương tiện cố tình để không đúng quy định bằng hình
thức khoá bánh xe (xe máy, xe đạp) hoặc đặt giấy nhắc nhở trên kính xe (xe ô tô) và thông báo cho chủ phương tiện biết, rút kinh nghiệm, không tái phạm.
Điều 11. Trách nhiệm của công chức, viên chức:
1. Nhận vé xe máy, xe đạp, giấy phép
ô tô ra vào cơ quan để sử dụng khi qua cổng cơ quan; trường hợp để mất phải chứng minh rõ nguồn gốc tài sản với nhân viên bảo vệ và
phải bồi thường phí làm vé, giấy phép ra vào.
2. Hết giờ làm việc buổi chiều, trước
khi ra về phải tắt các thiết bị điện (đèn, điều hòa nhiệt độ, quạt, máy vi
tính...) và khóa cửa phòng làm việc.
3. Không cất giữ tài sản có giá trị của
cá nhân trong phòng làm việc.
4. Không mang vũ khí, chất dễ cháy,
chất độc hại vào cơ quan.
5. Khi vào cơ quan phải để xe ôtô, xe
máy, xe đạp đúng nơi quy định; không được gây tiếng ồn quá lớn (rú ga, bóp còi,
mở đài to,...); điều khiển ô tô, xe máy đi đúng chiều theo quy định và chạy với
tốc độ không quá 10km/h.
6. Khi đi công tác đột xuất, nếu gửi
lại xe ôtô, xe máy, xe đạp qua đêm trong cơ quan phải báo với thường trực, bảo
vệ để được hướng dẫn nơi đỗ.
Điều 12. Trách nhiệm của các
đơn vị:
1. Chủ động mở, đóng cửa ra vào, cửa
sổ phòng làm việc, phòng họp và hệ thống khoá để đảm bảo an toàn cho tài sản của
đơn vị.
2. Thông báo cho bộ phận bảo vệ các vị
trí trọng yếu như: nơi để két bạc, tài sản và hồ sơ tài liệu quan trọng.
3. Khi có yêu cầu làm việc ngoài giờ
hành chính đơn vị phải đăng ký trước (có danh sách cụ thể) với Văn phòng Cục.
4. Các hoạt động văn hoá, thể thao
trong sân cơ quan ngoài giờ hành chính của các ngày làm việc chỉ được hoạt động
từ 17h15 đến 19h00. Nếu tổ chức vào các ngày nghỉ (thứ Bảy,
Chủ nhật, ngày lễ) hoặc trong giờ làm việc phải xin phép
Lãnh đạo Cục.
Điều 13. Trách nhiệm của khách:
1. Dừng, đỗ phương tiện đúng nơi quy
định theo hướng dẫn của lực lượng bảo vệ cơ quan.
2. Chấp hành các nội quy, quy định của
Cục.
Điều 14. Nhiệm vụ của Văn phòng Cục:
1. Chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực
hiện kế hoạch, nội quy bảo vệ cơ quan Cục.
2. Trang bị phương tiện, công cụ hỗ
trợ, bảo đảm điều kiện làm việc cho lực lượng bảo vệ thực thi công việc.
3. Đôn đốc, kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ tại cơ quan Cục.
4. Tổ chức thực hiện những văn bản hướng
dẫn nghiệp vụ của cơ quan Công an về công tác bảo vệ tại cơ quan Cục.
Chương 4.
MỘT SỐ CÁC QUY ĐỊNH
KHÁC
Điều 15. Quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ
Quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ cho
công tác bảo vệ được thực hiện theo Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 ngày
30/6/2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các quy định hiện hành.
Điều 16. Trang phục và trang bị cho lực lượng bảo vệ cơ
quan
1. Trong khi làm nhiệm vụ, nhân viên
thường trực, bảo vệ phải mặc trang phục, đeo phù hiệu theo quy định.
2. Trang phục và trang bị cho lực lượng
bảo vệ thực hiện theo quy định tại mục 4 Thông tư số 10/2002/TT-BCA ngày 26/8/2002 của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện Nghị định 73/2001/NĐ-CP ngày 05/10/2001 về hoạt động và tổ chức lực lượng bảo
vệ cơ quan, doanh nghiệp và theo quy định của ngành.
Điều 17. Chế độ chính sách của bảo vệ cơ quan
Chế độ chính sách của bảo vệ cơ quan
được quy định tại Điều 9 và Điều 12, Nghị
định 73/2001/NĐ-CP ngày 05/10/2001 của Chính phủ; mục 2 và mục 3, Thông tư số 10/2002/TT-BCA ngày 26/8/2002 của Bộ Công an hướng dẫn thực
hiện Nghị định 73/2001/NĐ-CP ngày 05/10/2001 về hoạt động
và tổ chức lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp.
Điều 18. Điều khoản thi hành.
Quy định được thực hiện kể từ ngày
ký, các đồng chí Lãnh đạo các đơn vị thuộc Cục chịu trách nhiệm phổ biến và triển
khai cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc đơn vị mình biết và thực hiện.
Chánh Văn phòng
Cục tổ chức hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và chỉ đạo cho
Bộ phận Bảo vệ cơ quan thực hiện nghiêm Quy định này.