Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 64/2010/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Phước Người ký: Trương Tấn Thiệu
Ngày ban hành: 11/10/2010 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 64/2010/QĐ-UBND

Đồng Xoài, ngày 11 tháng 10 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TRÌNH TỰ THỦ TỤC XUẤT CẢNH, NHẬP CẢNH, XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU QUA CỬA KHẨU QUỐC TẾ HOA LƯ, TỈNH BÌNH PHƯỚC

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03/12/2004;
Căn cứ Luật Hải quan số 09/2001/QH10 ngày 29/6/2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Hải quan số 42/2005/QH11 ngày 14/ 6/2005;
Căn cứ Nghị định số 32/2005/NĐ-CP ngày 14/3/2005 của Chính phủ về quy chế Khu kinh tế cửa khẩu biên giới đất liền;
Căn cứ Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ về Quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế;
Căn cứ Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra, giám sát Hải quan;
Căn cứ Quyết định số 03/2005/QĐ-TTg ngày 05/01/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập và áp dụng chính sách Khu kinh tế cửa khẩu Bonuê, tỉnh Bình Phước;
Căn cứ Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg ngày 07/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới;
Căn cứ Quyết định số 139/2009/QĐ-TTg ngày 23/12/2009 của Thủ tướng Chính Phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 254/2006/QĐ-TTg ngày 07/11/2006 về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới;
Căn cứ Quyết định số 911/2004/QĐ-BCA(X13) ngày 13/9/2004 về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức Trạm Công an kiểm soát xuất cảnh, nhập cảnh thuộc Công an các tỉnh biên giới Việt Nam – Campuchia;
Căn cứ Thông tư số 181/2005/TT-BQP ngày 17/11/2005 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện Nghị định số 32/2005/NĐ-CP ngày 14/3/2005 của Chính phủ về quy chế cửa khẩu biên giới đất liền;
Thực hiện Quyết định số 1174/QĐ-UBND ngày 27/6/2007 của UBND tỉnh về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu quốc tế Bônuê (Hoa Lư) huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Hải quan Bình Phước tại Tờ trình số 687/TTr-HQBP ngày 09 tháng 8 năm 2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về trình tự thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư, tỉnh Bình Phước.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Các Ông (Bà): Chánh văn phòng UBND tỉnh, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế, Chỉ Huy trưởng BCH Bộ đội biên phòng, Cục trưởng Cục Hải quan, Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Trương Tấn Thiệu

 

QUY ĐỊNH

VỀ TRÌNH TỰ THỦ TỤC XUẤT CẢNH, NHẬP CẢNH, XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU QUA CỬA KHẨU QUỐC TẾ HOA LƯ
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 64/2010/QĐ-UBND ngày 11/10/2010 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước)

Chương I:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng:

a. Phạm vi:

Trình tự này quy định chi tiết các bước thực hiện thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, tỉnh Bình Phước đối với người, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, quá cảnh; hàng hoá xuất nhập khẩu, quá cảnh.

Khi thực hiện thì tuỳ theo văn bản quy định của pháp luật mà mỗi cơ quan quản lý chuyên ngành thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình.

b. Đối tượng:

Tổ chức, cá nhân thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hoá, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải;

Các cơ quan quản lý chuyên ngành tại cửa khẩu.

Cơ quan khác của Nhà nước trong việc phối hợp quản lý nhà nước về hải quan

Điều 2: Giải thích từ ngữ:

Hàng hoá bao gồm hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; hành lý, ngoại hối, tiền Việt Nam của người xuất cảnh, nhập cảnh; vật dụng trên phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; kim khí quí, đá quí, cổ vật, văn hoá phẩm, bưu phẩm, các tài sản khác xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hoặc lưu giữ trong địa bàn hoạt động hải quan.

Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh bao gồm tất cả động sản có mã số và tên gọi theo quy định của pháp luật được xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hoặc lưu giữ trong địa bàn hoạt động hải quan.

Hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh là vật dụng cần thiết cho nhu cầu sinh hoạt hoặc mục đích chuyến đi của người xuất cảnh, nhập cảnh, bao gồm hành lý mang theo người, hành lý gửi trước hoặc gửi sau chuyến đi.

Phương tiện vận tải bao gồm phương tiện vận tải đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển, đường sông xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.

Vật dụng trên phương tiện vận tải bao gồm tài sản sử dụng trên phương tiện vận tải; nguyên liệu, nhiên liệu phục vụ hoạt động của phương tiện vận tải; lương thực, thực phẩm và các đồ dùng khác trực tiếp phục vụ sinh hoạt của người làm việc và hành khách trên phương tiện vận tải.

Thủ tục hải quan là các công việc mà người khai hải quan và công chức hải quan phải thực hiện theo quy định của Luật này đối với hàng hoá, phương tiện vận tải.

Người khai hải quan bao gồm chủ hàng hoá, chủ phương tiện vận tải hoặc người được chủ hàng hoá, chủ phương tiện vận tải uỷ quyền.

Kiểm tra hải quan là việc kiểm tra hồ sơ hải quan, các chứng từ liên quan và kiểm tra thực tế hàng hoá, phương tiện vận tải do cơ quan hải quan thực hiện.

Giám sát hải quan là biện pháp nghiệp vụ do cơ quan hải quan áp dụng để bảo đảm sự nguyên trạng của hàng hoá, phương tiện vận tải đang thuộc đối tượng quản lý hải quan.

Thông quan là việc cơ quan hải quan quyết định hàng hoá được xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải được xuất cảnh, nhập cảnh.

Trụ sở làm việc Trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu là nơi làm việc của các cơ quan quản lý cửa khẩu, được sắp xếp theo trình tự để làm thủ tục XNK, XNC.

Gác chắn (Barie) kiểm soát là gác chắn nơi phương tiện vận tải, hàng hoá, hành khách được kiểm tra lần cuối trước khi xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh.

Gác chắn giám sát là nơi phương tiện vận tải, hàng hoá, hành khách được kiểm tra sơ bộ, hướng dẫn đường đi trước khi vào làm thủ tục xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh.

Điều 3. Nguyên tắc thực hiện:

1. Người, phương tiện vận tải, hàng hóa tham gia xuất cảnh, nhập cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu phải thực hiện các thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu và kiểm dịch (y tế, động vật, thực vật) tại Trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu quốc tế Hoa Lư và phải chấp hành nghiêm quy định tại Nghị định 32/2005/NĐ-CP ngày 14/3/2005 của Chính phủ về Quy chế cửa khẩu biên giới đất liền.

2. Người, phương tiện vận tải, hàng hóa tham gia xuất nhập cảnh bắt buộc phải đi đúng tuyến quy định; người đi bộ và khách xuất nhập cảnh bằng hộ chiếu thực hiện thủ tục tại các luồng kiểm tra xuất nhập cảnh tại Trụ sở làm việc Trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu; người xuất nhập cảnh bằng giấy thông hành và chứng minh thư biên giới, phương tiện xuất nhập cảnh không cần giấy phép thực hiện thủ tục tại gác chắn kiểm soát.

3. Trường hợp các văn bản Luật, các văn bản hướng dẫn khác có quy định khác với quy định tại Trình tự này thì thực hiện theo văn bản có giá trị pháp lý cao nhất.

Chương II:

TRÌNH TỰ THỦ TỤC XUẤT NHẬP CẢNH

Điều 4. Trình tự thủ tục xuất cảnh:

1. Tại gác chắn giám sát:

Bộ đội biên phòng và Hải quan kiểm tra bước đầu, hướng dẫn người và phương tiện đi đúng luồng theo quy định.

2. Tại Trụ sở làm việc Trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu:

 Người và nhân viên điều khiển phương tiện xuất cảnh làm thủ tục theo trình tự như sau:

+ Hải quan: giải quyết thủ tục theo quy định của Luật Hải quan.

+ Kiểm dịch (y tế, động vật, thực vật): thực hiện theo quy định tuỳ loại hàng hoá, tuỳ thời kỳ.

+ Biên phòng: giải quyết thủ tục theo quy định của Nghị định 32/2005/NĐ-CP ngày 14/3/2005 của Chính phủ về Quy chế cửa khẩu biên giới đất liền.

Phương tiện dừng tại địa điểm quy định để làm thủ tục xuất cảnh.

3. Tại gác chắn kiểm soát:

- Bộ đội biên phòng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia tại khu vực cửa khẩu, duy trì an ninh trật tự; hướng dẫn người, phương tiện vận tải tham gia xuất cảnh, làm thủ tục xuất cảnh cho người xuất cảnh bằng Giấy thông hành biên giới hoặc Chứng minh thư biên giới.

- Hải quan làm thủ tục đối với phương tiện xuất cảnh không cần giấy phép, giám sát phương tiện xuất cảnh phải có giấy phép đã được thông quan.

Điều 5. Trình tự thủ tục nhập cảnh:

1. Tại gác chắn giám sát:

Bộ đội biên phòng và Hải quan kiểm tra bước đầu, hướng dẫn người và phương tiện đi đúng luồng theo quy định.

Cơ quan Kiểm dịch thực hiện các biện pháp kiểm dịch tại biên giới.

2. Tại Trụ sở làm việc Trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu:

Người và nhân viên điều khiển phương tiện nhập cảnh làm thủ tục theo trình tự như sau:

+ Biên phòng: giải quyết thủ tục theo quy định của Nghị định 32/2005/NĐ-CP ngày 14/3/2005 của Chính phủ về Quy chế cửa khẩu biên giới đất liền.

+ Kiểm dịch (y tế, động vật, thực vật): thực hiện theo quy định tuỳ loại hàng hoá, tuỳ thời kỳ.

+ Hải quan: giải quyết thủ tục theo quy định của Luật Hải quan.

Phương tiện dừng tại địa điểm quy định để làm thủ tục nhập cảnh.

3. Tại gác chắn kiểm soát:

- Bộ đội biên phòng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, hướng dẫn người nhập cảnh, làm thủ tục cho người nhập cảnh bằng Giấy thông hành biên giới hoặc Chứng minh thư biên giới.

- Hải quan làm thủ tục đối với phương tiện nhập cảnh không cần giấy phép, giám sát phương tiện nhập cảnh phải có giấy phép đã được thông quan.

Chương III:

TRÌNH TỰ THỦ TỤC XUẤT NHẬP KHẨU

Điều 6. Xuất khẩu:

1. Tại gác chắn giám sát:

Hải quan, Bộ đội biên phòng hướng dẫn đưa hàng hoá xuất khẩu vào địa điểm quy định để chờ thực hiện các thủ tục xuất khẩu. Hàng hoá chỉ được đưa đến cửa xuất sau khi đã hoàn thành thủ tục xuất khẩu.

2. Thủ tục hàng hoá xuất khẩu:

Các thủ tục đối với hàng hoá xuất khẩu được thực hiện tại Trụ sở làm việc Trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu gồm: thủ tục khai báo kiểm dịch, thủ tục hải quan.

3. Kiểm tra thực tế hàng hoá:

Trách nhiệm kiểm tra hàng hoá, phương tiện vận tải trong địa bàn hoạt động hải quan (Điều 24 Luật Hải quan):

- Trong phạm vi địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan hải quan chịu trách nhiệm kiểm tra hàng hoá xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh.

- Trường hợp theo quy định của pháp luật phải kiểm tra chuyên ngành về chất lượng, y tế, văn hoá, kiểm dịch động vật, thực vật đối với hàng hoá, phương tiện vận tải thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra chuyên ngành thực hiện.

- Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu chủ trì phối hợp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu để bảo đảm thông quan nhanh chóng hàng hoá, phương tiện vận tải.

4. Thông quan hàng hoá:

Hàng hoá được thông quan sau khi đã làm xong thủ tục hải quan, đã được nộp thuế (nếu có), trừ các trường hợp thông quan có điều kiện theo quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 25 Luật Hải quan.

Hàng hoá xuất khẩu chưa làm xong thủ tục hải quan được lưu trong kho, bãi thuộc phạm vi địa bàn hoạt động của cơ quan hải quan. Hàng hoá đã hoàn thành thủ tục hải quan nhưng chưa thực xuất khẩu thì vẫn phải chịu sự giám sát của cơ quan Hải quan.

5. Tại gác chắn kiểm soát:

Bộ đội biên phòng hướng dẫn vận chuyển hàng hoá xuất khẩu đảm bảo an ninh, trật tự.

Cơ quan Hải quan kiểm tra lần cuối thủ tục đối với hàng hoá xuất khẩu, giám sát và xác nhận thực xuất.

6. Riêng đối với hàng hoá mua bán, trao đổi của cư dân biên giới:

Hàng hoá mua bán, trao đổi của cư dân biên giới được thực hiện thủ tục xuất khẩu tại Trụ sở làm việc Trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu.

Điều 7. Nhập khẩu:

1. Tại gác chắn giám sát:

Bộ đội biên phòng và Hải quan kiểm tra bước dầu và hướng dẫn người, phương tiện vận chuyển hàng hoá theo đúng quy định.

Cơ quan Kiểm dịch thực hiện nhiệm vụ kiểm dịch theo quy định.

2. Tại gác chắn kiểm soát:

Bộ đội biên phòng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia; phối hợp với Hải quan thực hiện kiểm tra, kiểm soát phương tiện vận tải, hành lý của hành khách theo đúng quy định của pháp luật.

Hải quan hướng dẫn vận chuyển hàng hoá nhập khẩu vào địa điểm quy định để chờ thực hiện các thủ tục nhập khẩu.

3. Thủ tục hàng hoá nhập khẩu:

Các thủ tục đối với hàng hoá nhập khẩu được thực hiện tại Trụ sở làm việc Trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu gồm: thủ tục khai báo kiểm dịch, thủ tục hải quan.

4. Kiểm tra thực tế hàng hóa:

Trách nhiệm kiểm tra hàng hoá, phương tiện vận tải trong địa bàn hoạt động hải quan (Điều 24 Luật Hải quan):

- Trong phạm vi địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan Hải quan chịu trách nhiệm kiểm tra hàng hoá xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh.

- Trường hợp theo quy định của pháp luật phải kiểm tra chuyên ngành về chất lượng, y tế, văn hoá, kiểm dịch động vật, thực vật đối với hàng hoá, phương tiện vận tải thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra chuyên ngành thực hiện.

- Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu chủ trì phối hợp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu để bảo đảm thông quan nhanh chóng hàng hoá, phương tiện vận tải.

5. Thông quan hàng hoá:

Hàng hoá được thông quan sau khi đã làm xong thủ tục hải quan, đã được nộp thuế (nếu có), trừ các trường hợp thông quan có điều kiện theo quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 25 Luật Hải quan.

Hàng hoá nhập khẩu chưa làm thủ tục hải quan được lưu trong kho, bãi thuộc phạm vi địa bàn hoạt động của cơ quan Hải quan. Hàng hoá, phương tiện vận chuyển hàng hóa đã làm thủ tục hải quan nhưng chưa được thông quan phải chịu sự giám sát của cơ quan Hải quan.

6. Riêng đối với hàng hoá mua bán, trao đổi của cư dân biên giới:

Hàng hoá mua bán, trao đổi của cư dân biên giới được thực hiện thủ tục nhập khẩu tại Trụ sở làm việc Trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu.

Chương IV:

NHIỆM VỤ CỦA CÁC CƠ QUAN HỮU QUAN

Điều 8. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng:

Duy trì an ninh, trật tự khu vực cửa khẩu, ngăn ngừa, phát hiện, xử lý người vi phạm chế độ xuất nhập cảnh, các hành vi vi phạm pháp luật Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại khu vực cửa khẩu theo quy định của pháp luật; điều hành, hướng dẫn người, phương tiện và các hoạt động khác trong khu vực cửa khẩu theo quy định của pháp luật và Quy chế cửa khẩu biên giới đất liền.

Khi phát hiện các vụ vi phạm về xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện hàng hóa qúa cảnh, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại, Bộ đội Biên phòng bàn giao cho Hải quan xử lý theo Quy chế phối hợp giữa Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng – Tổng cục Hải quan; Kiểm tra, kiểm soát Hộ chiếu, giấy tờ có giá trị xuất nhập cảnh của người, phương tiện xuất nhập cảnh.

Cập nhật thông tin vào sổ theo dõi, đóng dấu kiểm chứng Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu.

Phối hợp với Hải quan, các lực lượng khác đấu tranh phòng, chống các tội phạm về ma túy, chống buôn lậu và gian lận thương mại.

Cấp thị thực cho người nước ngoài theo thông báo của Bộ Công an và Bộ Ngoại giao.

Chứng nhận tạm trú cho người nước ngoài tại cửa khẩu theo ủy quyền và hướng dẫn của Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an.

Người điều khiển phương tiện, chủ phương tiện khi thực hiện thủ tục xuất nhập cảnh phải xuất trình các loại giấy tờ sau:

- Hộ chiếu, Gíấy thông hành hoặc chứng minh thư biên giới.

- Giấy phép điều khiển phương tiện.

- Giấy chứng nhận đăng ký sở hữu phương tiện.

- Giấy đăng ký phương tiện.

- Giấy phép vận tải liên vận đối với phương tiện (nếu có).

- Giấy phép vận chuyển hành khách, hàng hoá (nếu có).

- Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật phương tiện và bảo vệ môi trường.

- Giấy chứng nhận bảo hiểm phương tiện (nếu có).

- Giấy chứng nhận kiểm dịch (nếu có).

Điều 9. Kiểm dịch:

1. Kiểm dịch y tế:

- Kiểm tra y tế và cấp giấy chứng nhận xe ôtô chở hàng, ôtô chở khách: kiểm tra y tế hàng trên xe, đặc biệt là hàng hóa thực phẩm xuất nhập khẩu qua cửa khẩu; thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ “cần thiết xử lý diệt côn trùng trung gian truyền bệnh”.

- Khử trùng tất cả các loại phương tiện qua lại biên giới và cấp giấy chứng nhận xử lý y tế khi có công bố dịch bệnh, ngăn chặn các loại dịch bệnh khi có yêu cầu và có sự chỉ đạo của Bộ Y tế hoặc Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế.

- Tổ chức tiêm chủng, cấp số cho người qua lại biên giới bằng giấy thông hành (khi có chủ trương xét thấy cần thiết).

- Kiểm tra người xuất nhập cảnh để phát hiện sớm và ngăn chặn kịp thời các loại bệnh dịch có thể lây nhiễm qua lại biên giới. Thực hiện nghiêm ngặt việc cách ly những người nghi nhiễm các loại bệnh dịch nhóm A và nhóm B qua lại biên giới.

- Áp dụng thực hiện thu phí kiểm dịch y tế đường bộ theo quy định.

2. Kiểm dịch thực vật:

- Thực hiện các biện pháp kiểm tra vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.

- Cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.

- Quyết định biện pháp xử lý thích hợp đối với vật thể nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật; giám sát, xác nhận việc thực hiện các biện pháp xử lý.

- Phổ biến, hướng dẫn phương pháp phát hiện, nhận biết đối tượng kiểm dịch thực vật, thể lệ và biện pháp kiểm dịch thực vật.

3. Kiểm dịch động vật:

- Tiến hành kiểm dịch tại cửa khẩu hoặc tại khu cách ly kiểm dịch ở cửa khẩu theo quy trình, tiêu chuẩn vệ sinh thú y được quy định đối với động vật, sản phẩm động vật xuất nhập khẩu, quá cảnh; mở công-ten-nơ, dấu niêm phong để kiểm tra vệ sinh thú y trong trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật.

- Cấp giấy chứng nhận kiểm dịch.

- Đổi giấy chứng nhận kiểm dịch nếu chủ hàng hoặc nước nhập khẩu có yêu cầu; cấp lại giấy chứng nhận kiểm dịch đối với trường hợp phải kiểm dịch lại.

- Yêu cầu chủ hàng hóa thực hiện biện pháp xử lý theo quy định trong trường hợp xác định động vật, sản phẩm động vật, phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật thuộc diện phải kiểm tra vệ sinh thú y không đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y theo quy định.

- Hướng dẫn chủ hàng hóa thực hiện các biện pháp vệ sinh cho người tiếp xúc với động vật, vệ sinh môi trường, dụng cụ chăn nuôi, dụng cụ bốc dỡ, phương tiện vận chuyển động vật, các khoang chứa động vật và các đối tượng thuộc diện phải kiểm tra vệ sinh thú y có liên quan.

Điều 10. Hải quan:

- Hướng dẫn thủ tục khai báo Hải quan, làm thủ tục hải quan cho hành lý của hành khách, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh và hàng hóa xuất nhập khẩu.

- Thực hiện kiểm tra, giám sát hàng hoá xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh.

- Phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới.

- Tổ chức thực hiện pháp luật về thuế đối với hàng hoá xuất nhập khẩu.

- Kiến nghị chủ trương, biện pháp quản lý nhà nước về hải quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, quá cảnh và chính sách thuế đối với hàng hoá xuất nhập khẩu qua Trạm Kiểm soát liên hợp.

Xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực Hải quan theo luật định.

Điều 11. Công an tỉnh:

- Tổ chức cấp Giấy thông hành biên giới cho đồng bào là người dân tộc Khmer, những người là dân tộc khác trong một hộ gia đình người dân tộc Khmer thường trú ở các tỉnh, thành phố vùng Tây Nam Bộ, đồng bào là người dân tộc Stiêng ở Bình Phước xin xuất nhập cảnh qua lại Campuchia.

- Phối hợp với lực lượng kiểm soát của Bộ đội biên phòng nắm tình hình xuất nhập cảnh tại cửa khẩu trên tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia theo quy định.

- Thống kê danh sách người Khmer thực xuất và thực nhập.

Chương IV:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Tổ chức thực hiện:

- Thủ trưởng các cơ quan: Cục Hải quan, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Ban Quản lý Khu kinh tế, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở cán bộ thuộc quyền thực hiện nghiêm túc theo quy định.

- Trong quá trình thực hiện trình tự thủ tục này, nếu có thay đổi, các cơ quan liên quan đề xuất, trình UBND tỉnh xem xét sửa đổi./.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 64/2010/QĐ-UBND ngày 11/10/2010 ban hành Quy định về trình tự thủ tục xuất, nhập cảnh, xuất, nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư, tỉnh Bình Phước do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


3.612

DMCA.com Protection Status
IP: 18.221.53.209
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!