QUY TRÌNH
THỦ TỤC XỬ LÝ KỶ LUẬT VÀ TRÁCH NHIỆM VẬT CHẤT ĐỐI VỚI
CÔNG CHỨC TRONG NGÀNH HẢI QUAN
(Kèm theo Quyết định số: 468/QĐ-TCCB ngày 11 tháng 8 năm 1999)
Để thực hiện thống nhất việc
tiến hành xử lý kỷ luật và trách nhiệm vật chất đối với công chức Hải quan, Tổng
cục ban hành Quy trình thủ tục xử lý kỷ luật và trách nhiệm vật chất đối với
công chức trong ngành Hải quan như sau:
Phần I
- Quy định chung:
1- Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo
Tổng cục Hải quan thống nhất quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo công tác kỷ luật, việc
xử lý kỷ luật và trách nhiệm vật chất đối với công chức trong ngành Hải quan.
2- Mọi công chức Hải quan có
hành vi vi phạm kỷ luật hoặc gây thiệt hại đến tài sản của đơn vị, của các tổ
chức và công dân đều phải được xem xét, xử lý kịp thời, nghiêm minh, bảo đảm
khách quan, dân chủ và đúng quy định.
Việc thi hành kỷ luật và giải
quyết bồi thường thiệt hại là nhằm mục đích giáo dục công chức Hải quan đề cao
trách nhiệm cá nhân trong việc chấp hành chính sách, pháp luật, kỷ luật để hoàn
thành nhiệm vụ được giao và quản lý, sử dụng tài sản của đơn vị an toàn, hiệu
quả; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và công dân có liên quan
trong công tác Hải quan.
Công chức Hải quan có trách
nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ của cán bộ, công chức được quy định trong
Pháp lệnh cán bộ, công chức và 10 điều kỷ luật của ngành Hải quan; đồng thời phòng
ngừa, đấu tranh với các hiện tượng vi phạm pháp luật, kỷ luật xảy ra trong cơ
quan, đơn vị mình.
3- Đối tượng áp dụng, bao gồm:
- Người được bổ nhiệm vào một
ngạch công chức và được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước thuộc biên chế của
ngành Hải quan.
- Công chức mới tuyển dụng
đang trong thời gian tập sự, mà vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì Thủ trưởng
đơn vị có thẩm quyền ra quyết định kỷ luật, đồng thời huỷ bỏ quyết định tuyển dụng
theo quy định tại điều 20, Nghị định số: 95/1998/NĐ-CP ngày
17/11/1998 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.
4- Công chức từ ngành khác
biệt phái sang công tác ở ngành Hải quan khi có vi phạm thì đơn vị sử dụng công
chức biệt phái có kiến nghị đến Cơ quan, đơn vị chủ quan để xử lý kỷ luật hoặc
giải quyết bồi thường thiệt hại mà công chức đó gây ra.
5- Các trường hợp người lao
động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong chỉ tiêu biên chế và ngoài chỉ
tiêu biên chế thuộc các đơn vị sự nghiệp được Tổng cục Hải quan cho phép, vi phạm
kỷ luật thì xử lý theo quy định của Bộ luật lao động và Nghị định số 41/CP ngày
06/7/1995 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều
của Bộ luật lao động về kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất (như hướng dẫn
tại điểm 3, Mục I Thông tư 05/1999/TT-TCCP ngày 27/3/1999 của
Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ).
6- Tất cả các trường hợp
công chức bị kỷ luật ở hình thức hạ ngạch, cách chức, buộc thôi việc thuộc thẩm
quyền của Thủ trưởng các đơn vị theo phân cấp quản lý cán bộ, đều phải gửi hồ
sơ kỷ luật về Tổng cục Hải quan để Lãnh đạo Tổng cục duyệt và trả lời bằng văn
bản thì đơn vị mới ra quyết định kỷ luật.
Phần
II- Xử lý kỷ luật đối với công chức Hải quan vi phạm:
Nghị định số 97/1998/NĐ-CP
ngày 17/11/1998 của Chính phủ và Thông tư số 05/1999/TT-TCCP ngày 27/3/1999 của
Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ đã quy định và hướng dẫn chi tiết, cụ thể về xử
lý kỷ luật và trách nhiệm vật chất đối với công chức. Quy trình này chủ yếu hướng
dẫn về trình tự, thủ tục xem xét và xử lý kỷ luật từ cơ sở lên, cụ thể như sau:
Mục A- Tiến
hành kiểm điểm ở cơ sở:
1- Viết kiểm điểm: Công chức
Hải quan vi phạm kỷ luật phải làm bản tự kiểm điểm theo quy định tại điều 16 của Nghị định 97/1998/NĐ-CP (theo mẫu kiểm điểm M1-KL/99)
nếu bản tự kiểm điểm chưa đạt yêu cầu thì phải viết lại, mỗi lần viết phải ghi
rõ kiểm điểm lần thứ mấy; các bản tự kiểm điểm được lưu hồ sơ kỷ luật.
2- Xác minh lỗi vi phạm:
2.1. Đối với lỗi vi phạm đã
rõ ràng: nếu không cần thiết thì không phải xác minh mà tiến hành ngay việc kiểm
điểm tại đơn vị cơ sở.
2.2. Đối với lỗi vi phạm, chứng
cứ chưa rõ ràng: Thủ trưởng đơn vị chỉ đạo Phòng Tổ chức cán bộ và phòng nghiệp
vụ chức năng dựa vào bản tự kiểm điểm hoặc giải trình của người vi phạm và các
yếu tố liên quan khác để tiến hành thẩm tra xác minh, nếu công chức là Đảng
viên thì có thể phối hợp với ủy ban Kiểm tra Đảng để cùng xác minh làm rõ lỗi
vi phạm. Kết quả thẩm tra xác minh là cơ sở để Hội đồng kỷ luật và Lãnh đạo có
thẩm quyền xem xét, xử lý kỷ luật (theo mẫu xác minh M2-KL/99).
3- Tổ chức họp kiểm điểm tại
cơ sở:
Thực hiện theo quy định tại điều 16 của Nghị định 97/1998/NĐ-CP, cụ thể là:
3.1. Đối với Cục Hải quan tỉnh,
thành phố, Cục Điều tra chống buôn lậu, Trường Cao đẳng Hải quan: Công chức vi
phạm kỷ luật thuộc Phòng, Cửa khẩu, Đội, Khoa... nào thì tổ chức cuộc họp kiểm điểm
tại Phòng, Cửa khẩu, Đội, Khoa... do cấp Trưởng đơn vị đó chủ trì (nếu cấp trưởng
vi phạm kỷ luật hoặc xét thấy để cấp trưởng chủ trì cuộc họp không bảo đảm
khách quan thì Lãnh đạo Cục, Nhà trường chủ trì).
Trong trường hợp việc tổ chức
họp kiểm điểm gặp khó khăn do số lượng công chức thuộc Phòng, Cửa khẩu, ... quá
đông, thì căn cứ vào tình hình cụ thể của đơn vị có thể lấy Đội công tác nghiệp
vụ thuộc Phòng, Cửa khẩu... làm đơn vị cơ sở để kiểm điểm, do Lãnh đạo Phòng, Cửa
khẩu... đó chủ trì cuộc họp. Sau đó tập thể lãnh đạo cấp Phòng, Cửa khẩu, đại
diện Ban chấp hành Công đoàn bộ phận cùng cấp họp thống nhất kiến nghị hình thức
kỷ luật; có lấy ý kiến tham gia của Chi uỷ (Tổ đảng) đơn vị.
3.2 - Đối với các Vụ, Cục và
đơn vị trực thuộc Cơ quan Tổng cục:
Công chức vi phạm kỷ luật ở
Vụ, Cục, và Đơn vị trực thuộc nào thì kiểm điểm tại Vụ, Cục, Đơn vị trực thuộc
và do lãnh đạo Vụ, Cục, Đơn vị trực thuộc đó chủ trì cuộc họp.
Trong trường hợp việc tổ chức
họp kiểm điểm gặp khó khăn do số lượng công chức thuộc Vụ, Cục, Đơn vị trực thuộc
đông, thì đơn vị căn cứ vào tình hình cụ thể, có thể lấy Phòng làm đơn vị cơ sở
để tổ chức kiểm điểm, do Lãnh đạo Vụ, Cục, Đơn vị trực thuộc chủ trì cuộc họp;
nếu Lãnh đạo Vụ, Cục, Đơn vị trực thuộc chủ trì xét thấy không bảo đảm khách
quan thì Lãnh đạo Tổng cục cử người chủ trì; sau đó tập thể lãnh đạo Vụ, Cục,
Đơn vị trực thuộc, đại diện Ban chấp hành Công đoàn Vụ, Cục, Đơn vị trực thuộc
họp thống nhất kiến nghị hình thức kỷ luật; có lấy ý kiến tham gia của Đảng uỷ
bộ phận, Chi uỷ.
3.3 - Đối với Lãnh đạo cấp Vụ,
Cục và các chức vụ tương đương có vi phạm thì việc tiến hành kiểm điểm từ cơ sở
lên do Tổng cục trưởng chỉ đạo và hướng dẫn cho phù hợp với tình hình thực tế của
đơn vị.
3.4 - Các cuộc họp kiểm điểm
tại cơ sở như trên đều phải có biên bản ghi lại nội dung của cuộc họp (theo mẫu
Biên bản M4-KL/99) và kiến nghị bằng cách bỏ phiếu kiến (theo mẫu M6-KL/99) về
hình thức kỷ luật đối với công chức sai phạm.
Mục B- Hội
đồng kỷ luật:
Khi xử lý kỷ luật đối với
công chức vi phạm kỷ luật phải thành lập và họp Hội đồng kỷ luật (HĐKL). Nguyên
tắc, trình tự, thủ tục làm việc của Hội đồng kỷ luật thực hiện theo quy định của
Nghị định số 97/1998/NĐ-CP. Việc thành lập HĐKL do Thủ trưởng đơn vị có thẩm
quyền ra quyết định theo từng lần đối với từng trường hợp, vụ việc cụ thể, như
sau:
1 - Hội đồng kỷ luật của
ngành Hải quan
1.1 - Thành phần gồm:
- Đồng chí Tổng cục trưởng
là chủ tịch Hội đồng hoặc một đồng chí Phó Tổng cục trưởng được Tổng cục trưởng
uỷ quyền;
- Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ
& Đào tạo: uỷ viên thường trực;
- Chánh Thanh tra Tổng cục:
uỷ viên;
- Đại diện lãnh đạo các Vụ,
Cục chức năng ở cơ quan Tổng cục; uỷ viên;
- Đại diện công chức của Cục
Hải quan tỉnh, thành phố, Vụ, Cục, Đơn vị trực thuộc, Trường Cao đẳng Hải quan,
có công chức vi phạm: uỷ viên.
1.2 - Nhiệm vụ của Hội đồng
kỷ luật ngành:
1.2.1 - Họp xem xét và kiến
nghị hình thức kỷ luật đối với công chức ở ngạch kiểm tra viên cao cấp, công chức
là lãnh đạp cấp Vụ, Cục và các chức vụ tương đương vi phạm kỷ luật.
1.2.2 - Đối với công chức ở
ngạch kiểm tra viên chính, công chức là lãnh đạo cấp Trưởng phòng, Trưởng Hải
quan cửa khẩu, Trưởng Khoa, Phó trưởng Hải quan cửa khẩu loại I và các chức vụ
tương đương; hoặc công chức ở tất cả các ngạch, các cấp bị xử lý kỷ luật ở hình
thức hạ ngạch, cách chức, buộc thôi việc hoặc vi phạm nghiêm trọng thì giao cho
Thường trực HĐKL (Vụ Tổ chức cán bộ và Đào tạo, Thanh tra Tổng cục và Vụ, Cục
chức năng) xem xét, để trình Tổng cục trưởng xét quyết định kỷ luật.
2 - Hội đồng kỷ luật của Cơ
quan Tổng cục Hải quan:
2.1 - Thành phần gồm:
- Đồng chí Tổng cục trưởng
là chủ tịch Hội đồng hoặc một đồng chí Phó Tổng cục trưởng được Tổng cục trưởng
uỷ quyền;
- Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ
& Đào tạo: uỷ viên thường trực;
- Chánh Thanh tra Tổng cục:
uỷ viên;
- Đại diện Ban chấp hành
Công đoàn Cơ quan Tổng cục; uỷ viên;
- Đại diện công chức của Vụ,
Cục, Đơn vị trực thuộc Cơ quan Tổng cục có công chức vi phạm kỷ luật: uỷ viên.
Ngoài thành phần trên, HĐKL
mời đại diện Nữ công (nếu công chức phạm lỗi là nữ), đại diện BCH Đoàn thanh
niên CS HCM (nếu công chức phạm lỗi là thanh niên). Các đại diện được mời có
quyền phát biểu ý kiến, nhưng không có quyền biểu quyết.
2.2 - Nhiệm vụ của Hội đồng
kỷ luật Cơ quan Tổng cục:
2.2.1 - Họp xem xét kiến nghị
hình thức kỷ luật đối với công chức ở ngạch kiểm tra viên cao cấp, công chức là
lãnh đạp cấp Vụ, Cục và các chức vụ tương đương thuộc các Vụ, Cục và đơn vị trực
thuộc Cơ quan Tổng cục vi phạm kỷ luật.
2.2.2 - Đối với công chức từ
ngạch kiểm tra viên chính trở xuống, công chức là lãnh đạo cấp Phòng thuộc các
Vụ, Cục và đơn vị trực thuộc Cơ quan Tổng cục vi phạm kỷ luật thì giao cho Thường
trực HĐKL (Vụ Tổ chức cán bộ và Đào tạo, Thanh tra Tổng cục, Công đoàn Cơ quan
Tổng cục) xem xét để trình Tổng cục trưởng xét quyết định kỷ luật.
3 - Hội đồng kỷ luật của Cục
Hải quan tỉnh, thành phố; Cục Điều tra chống buôn lậu; Trường Cao Đẳng Hải
quan:
3.1 - Thành phần gồm:
- Đồng chí Cục trưởng, Hiệu trưởng
là chủ tịch hoặc một đồng chí Phó Cục trưởng, Phó Hiệu trưởng được Cục trưởng,
Hiệu trưởng uỷ quyền;
- Đại diện BCH Công đoàn đơn
vị (Cục, Trường): uỷ viên;
- Đại diện công chức các
Phòng, Cửa khẩu, Đội, Khoa và đơn vị tương đương có công chức vi phạm: uỷ viên.
Ngoài thành phần trên, HĐKL
mời đại diện Nữ công (nếu công chức phạm lỗi là nữ), đại diện BCH Đoàn thanh
niên CS HCM (nếu công chức phạm lỗi là thanh niên), đại diện Lãnh đạo Thanh
tra, Tổ chức cán bộ và đào tạo. Các đại diện được mời có quyền phát biểu ý kiến,
nhưng không có quyền biểu quyết.
3.2 - Nhiệm vụ của Hội đồng
kỷ luật Cục Hải quan tỉnh, thành phố; Cục Điều tra chống buôn lậu; Trường Cao Đẳng
Hải quan: Họp xem xét, kiến nghị hình thức kỷ luật đối với công chức vi phạm kỷ
luật thuộc thẩm quyền quản lý của Thủ trưởng đơn vị hoặc kiến nghị hình thức kỷ
luật đối với công chức vi phạm kỷ luật thuộc thẩm quyền của Tổng cục Hải quan
theo phân cấp quản lý cán bộ.
4 - Công chức vi phạm kỷ luật
được mời họp Hội đồng kỷ luật theo điều 17 và được trình bày
ý kiến trước Hội đồng kỷ luật theo quy định tại khoản 3, khoản 4
điều 19 của Nghị định 97/1998/NĐ-CP.
Mục C -
Trình tự, thủ tục xem xét ra quyết định và công bố quyết định kỷ luật:
1 - Kỷ luật đối với công chức
thuộc thẩm quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định
a) - Đối với các đơn vị Cục
Hải quan tỉnh, thành phố:
a.1 - Kỷ luật đối với công
chức là Cục trưởng, Phó Cục trưởng và Kiểm tra viên cao cấp Hải quan:
- Căn cứ kết quả họp kiểm điểm
và kiến nghị của Hội nghị cán bộ chủ chốt đơn vị (do Lãnh đạo Tổng cục chủ trì
hoặc uỷ quyền Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố chủ trì nếu là xét kỷ luật
đối với Phó Cục trưởng).
- Căn cứ kiến nghị của Hội đồng
kỷ luật của Ngành.
- Tập thể Ban cán sự Đảng Tổng
cục thảo luận và quyết định hình thức kỷ luật;
- Lấy ý kiến của Thường vụ tỉnh
uỷ, thành uỷ địa phương (đối với hình thức kỷ luật từ cảnh cáo trở lên).
- Tổng cục trưởng ra quyết định
kỷ luật.
a.2 - Kỷ luật đối với công
chức ở ngạch Kiểm tra viên chính, công chức là lãnh đạo cấp Trưởng phòng, trưởng
Hải quan cửa khẩu, Phó trưởng Hải quan Cửa khẩu loại I và các chức vụ tương
đương:
- Căn cứ kiến nghị của HĐKL
và đề nghị của Ban cán sự Đảng và của Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố.
- Căn cứ kiến nghị của HĐKL
(hoặc Thường trực HĐKL) ngành Hải quan.
- Tập thể Ban cán sự Đảng Tổng
cục thảo luận và quyết định hình thức kỷ luật;
- Tổng cục trưởng xem xét và
ra quyết định kỷ luật hoặc uỷ quyền để Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố
ra quyết định kỷ luật.
b) Đối với các Vụ, Cục, đơn
vị trực thuộc Cơ quan Tổng cục:
b.1 - Kỷ luật đối với công
chức là lãnh đạo cấp Vụ, Cục, công chức ngạch Kiểm tra viên cáo cấp và tương
đương:
- Căn cứ kết quả họp kiểm điểm
và kiến nghị của Hội nghị cán bộ chủ chốt Vụ, Cục (do Lãnh đạo Tổng cục chủ trì
hoặc uỷ quyền Vụ trưởng, Cục trưởng chủ trì nếu là xét kỷ luật đối với Phó Vụ
trưởng, Phó Cục trưởng).
- Căn cứ kiến nghị của Hội đồng
kỷ luật của Ngành.
- Tập thể Ban cán sự Đảng thảo
luận và quyết nghị hình thức kỷ luật;
- Lấy ý kiến tham gia của Đảng
uỷ (hoặc Thường vụ Đảng uỷ) cơ quan Tổng cục;
- Tổng cục trưởng ra quyết định
kỷ luật.
b.2 - Kỷ luật công chức ở ngạch
Kiểm tra viên chính, công chức là lãnh đạo cấp Trưởng phòng và các chức vụ
tương đương trở xuống:
- Căn cứ kiến nghị của Lãnh đạo
Vụ, Cục, Ban chấp hành đoàn thể Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc Cơ quan Tổng cục;
- Căn cứ kiến nghị của HĐKL
Cơ quan Tổng cục;
- Lấy ý kiến tham gia của Đảng
uỷ (hoặc Thường vụ Đảng uỷ) cơ quan Tổng cục (đối với công chức là lãnh đạo cấp
Phòng hoặc công chức không giữ chức vụ lãnh đạo nhưng bị xử lý kỷ luật buộc
thôi việc).
- Tổng cục trưởng xem xét và
ra quyết định kỷ luật.
- Đối với công chức không giữ
chức vụ lãnh đạo và ở ngạch Kiểm tra viên trở xuống ở Cơ quan Tổng cục thì Tổng
cục trưởng duyệt và uỷ quyền để Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Đào tạo ký duyệt
quyết định kỷ luật.
2 - Kỷ luật đối với công chức
thuộc quyền Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố quyết định:
- Căn cứ kiến nghị của HĐKL
đơn vị.
- Tập thể Ban cán sự Đảng của
Cục họp thảo luận và quyết nghị về hình thức kỷ luật;
- Lấy ý kiến tham gia của Đảng
uỷ (hoặc Chi uỷ) Cục.
- Cục trưởng ra quyết định kỷ
luật đối với công chức thuộc thẩm quyền hoặc kiến nghị kỷ luật đối với công chức
thuộc thẩm quyền của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan theo phân cấp quản lý
cán bộ.
3 - Kỷ luật đối với công chức
thuộc thẩm quyền Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Hải quan, Cục trưởng Cục Điều tra
chống buôn lậu được Tổng cục trưởng uỷ quyền quyết định:
- Căn cứ kiến nghị của HĐKL.
- Tập thể Ban giám hiệu nhà
trường, Tập thể Lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu họp thảo luận về hình thức
kỷ luật;
- Lấy ý kiến tham gia của Đảng
uỷ bộ phận (Chi uỷ).
- Hiệu trưởng, Cục trưởng
làm hồ sơ báo cáo Lãnh đạo Tổng cục (qua Vụ TCCB & ĐT) và khi Lãnh đạo Tổng
cục có ý kiến trả lời bằng văn bản thì Cục trưởng, Hiệu trưởng ra quyết định kỷ
luật đối với công chức thuộc thẩm quyền. Riêng việc kỷ luật đối với công chức
thuộc thẩm quyền Lãnh đạo Tổng cục quyết định thì có văn bản và hồ sơ gửi kiến
nghị hình thức kỷ luật đối với công chức thuộc thẩm quyền của Tổng cục theo
phân cấp quản lý cán bộ.
4 - Sau khi có quyết định kỷ
luật thì Thủ trưởng đơn vị công bố quyết định kỷ luật đến công chức vi phạm kỷ luật
và thông báo đến các đối tượng ghi trong quyết định kỷ luật.
5 - Công chức Hải quan phạm
tội bị Toà án phạt tù mà không được hưởng án treo thì đơn vị có công văn đề nghị
Toà án gửi trích lục bản án, quyết định đã có hiệu lực Pháp luật; sau khi nhận
được thì Thủ trưởng đơn vị tiến hành ngay việc ra quyết định kỷ luật buộc thôi
việc theo thẩm quyền, kể từ ngày bản án quyết định có hiệu lực pháp luật; không
phải họp Hội đồng kỷ luật. Công chức thuộc thẩm quyền của Tổng cục ra quyết định
kỷ luật thì đơn vị có công văn báo cáo gửi Tổng cục Hải quan (Vụ Tổ chức cán bộ
và Đào tạo) kèm theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật để Lãnh đạo Tổng
cục ra quyết định hoặc uỷ quyền Lãnh đạo đơn vị ra quyết định kỷ luật buộc thôi
việc.
Mục D -
Xét chấm dứt hiệu lực kỷ luật đối với công chức Hải quan:
1- Kể từ ngày có quyết định
kỷ luật, sau 12 tháng (vào tháng thứ 13), nếu công chức không tái phạm và không
có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật, thì công chức làm bản tự nhận xét ưu,
khuyết điểm của mình trong thời gian thi hành kỷ luật gửi lãnh đạo quản lý trực
tiếp. Lãnh đạo quản lý trực tiếp và Công đoàn cùng cấp đánh giá nhận xét sự tiến
bộ của công chức và đề nghị lên cấp có thẩm quyền xét, chấm dứt hiệu lực kỷ luật;
Cơ quan Tổ chức cán bộ kiểm tra và đề xuất Thủ trưởng đơn vị ra quyết định chấm
dứt hiệu lực quyết định kỷ luật theo thẩm quyền; cấp nào ra quyết định thi hành
kỷ luật thì cấp đó xét ra quyết định chấm dứt hiệu lực kỷ luật đối với công chức
(không phải họp Hội đồng kỷ luật).
2 - Đối với công chức thuộc
thẩm quyền của Tổng cục trực tiếp quản lý theo phân cấp, đơn vị đánh giá nhận
xét sự tiến bộ của công chức kèm công văn đề nghị chấm dứt hiệu lực kỷ luật của
đơn vị gửi Vụ TCCB & ĐT để trình Lãnh đạo Tổng cục xem xét quyết định hoặc
uỷ quyền để lãnh đạo đơn vị ra quyết định chấm dứt hiệu lực kỷ luật.
3 - Thời điểm để xem xét chấm
dứt hiệu lực kỷ luật đối với trường hợp công chức trong thời gian đang thi hành
kỷ luật mà tái phạm hoặc có hành vi vi phạm khác đến mức phải kỷ luật thì thời điểm
xét để chấm dứt hiệu lực quyết định kỷ luật được tính từ ngày quyết định kỷ luật
có hiệu lực tiếp theo.
4 - Việc xem xét chấm dứt hiệu
lực kỷ luật không áp dụng đối với người bị kỷ luật buộc thôi việc.
Mục Đ -
Khiếu nại, giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật của công chức Hải quan.
Giải quyết khiếu nại quyết định
kỷ luật của công chức, tức là xem xét, giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật
đối với công chức thuộc thẩm quyền và thực hiện theo quy định của Luật khiếu nại,
tố cáo.
1 - Cục trưởng Cục Hải quan
tỉnh, thành phố; Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu; Hiệu trưởng Trường Cao
đẳng Hải quan: xem xét giải quyết khiếu nại lần đầu về quyết định kỷ luật của
công chức Hải quan thuộc thẩm quyền của mình theo phân cấp xử lý kỷ luật công
chức của ngành Hải quan.
2 - Tổng cục trưởng Tổng cục
Hải quan:
- Giải quyết khiếu nại lần đầu
về quyết định kỷ luật của công chức Hải quan thuộc thẩm quyền của Tổng cục trưởng
Tổng cục Hải quan trực tiếp quản lý theo phân cấp xử lý kỷ luật công chức trong
ngành Hải quan;
- Giải quyết khiếu nại lần
hai về quyết định kỷ luật của công chức Hải quan thuộc thẩm quyền của Cục trưởng
Cục Hải quan tỉnh, thành phố; Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu; Hiệu trưởng
Trường Cao đẳng Hải quan mà đơn vị trên đã giải quyết khiếu nại lần đầu nhưng
công chức chưa thoả đáng và tiếp tục khiếu nại.
3 - Cơ quan Thanh tra chủ
trì cùng cơ quan Tổ chức cán bộ các cấp theo chức năng của mình, tham mưu giúp
Thủ trưởng đơn vị trong việc xem xét giải quyết khiếu nại kỷ luật của công chức
Hải quan theo quy định của Pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Phần
III - Trách nhiệm vật chất đối với công chức Hải quan:
Khi xem xét, giải quyết bồi
thường thiệt hại đối với công chức Hải quan gây thiệt hại, thì phải thành lập
và họp Hội đồng xem xét, giải quyết bồi thường thiệt hại. Căn cứ, nguyên tắc
xem xét bồi thường thiệt hại, trình tự, thủ tục làm việc của Hội đồng thực hiện
theo quy định Nghị định số 97/1998/CP. Hội đồng do Thủ trưởng đơn vị có thẩm
quyền ra quyết định thành lập:
1 - Hội đồng xem xét, giải
quyết bồi thường thiệt hại đối với công chức gây thiệt hại làm việc ở các Vụ, Cục,
đơn vị trực thuộc Cơ quan Tổng cục, do Tổng cục trưởng ra quyết định thành lập;
thành phần gồm:
- Là các thành viên thuộc
thành phần của HĐKL ở Cơ quan Tổng cục theo quy định tại điểm 2, mục B, Phần II
trên đây, còn thêm:
- Đại diện Lãnh đạo Phòng
Tài vụ thuộc Văn phòng Tổng cục;
- 01 chuyên gia về kinh tế,
kỹ thuật.
2 - Hội đồng xem xét, giải
quyết bồi thường thiệt hại đối với công chức gây thiệt hại làm việc ở Cục Hải
quan tỉnh, thành phố; Cục Điều tra chống buôn lậu; Trường Cao đẳng Hải quan, do
Thủ trưởng các đơn vị này ra quyết định thành lập; thành phần gồm:
- Là các thành viên thuộc
thành phần của HĐKL ở Cục Hải quan tỉnh, thành phố; Cục Điều tra chống buôn lậu;
Trường Cao đẳng Hải quan theo quy định tại điểm 3, mục B, Phần II, trên đây còn
thêm:
- Đại diện Lãnh đạo Phòng
Tài vụ của đơn vị;
- 01 chuyên gia về kinh tế,
kỹ thuật.
Cơ quan Tài vụ chủ trì cùng
với cơ quan Tổ chức cán bộ & đào tạo các cấp chuẩn bị hồ sơ, tài liệu liên
quan trình bày trước Hội đồng; ghi biên bản cuộc họp.
Phần IV
- Hồ sơ xử lý kỷ luật:
1 - Hồ sơ kỷ luật đối với
công chức Hải quan đang công tác:
- Các bản giải trình, kiểm điểm
cá nhân;
- Biên bản xác minh và các
tài liệu, chứng cứ có liên quan;
- Đơn thư tố cáo, phản ánh của
quần chúng (nếu có);
- Phiếu lý lịch cán bộ, công
chức;
- Thông báo hoặc giấy mời
công chức vi phạm đến dự họp (lần 1, 2);
- Biên bản các cuộc họp kiểm
điểm từ đơn vị cơ sở trở lên.
- Biên bản họp Hội đồng kỷ luật.
- Biên bản họp Ban cán sự Đảng
Cục Hải quan tỉnh, thành phố hoặc họp tập thể lãnh đạo Cục.
- Ý kiến tham gia của cấp uỷ
đơn vị.
- Quyết định kỷ luật.
- Đơn khiếu nại kỷ luật, hồ
sơ xem xét giải quyết khiếu nại và quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật (nếu
có).
- Quyết định bồi thường thiệt
hại và các hồ sơ, tài liệu liên quan (nếu có).
Trường hợp công chức có sai
phạm mà bỏ việc, nếu đơn vị đã mời 02 lần (mỗi lần cách nhau 07 ngày) mà không
đến, không có bản kiểm điểm cá nhân thì cuộc họp kiểm điểm tại cơ sở vẫn tiến hành
(cán bộ, công chức đơn vị cơ sở nơi công chức đó công tác tham gia ý kiến về
ưu, khuyết điểm trong quá trình công tác, lỗi vi phạm, kiến nghị hình thức kỷ luật).
2 - Hồ sơ kỷ luật đối với
công chức Hải quan bị khởi tố, điều tra nhưng chưa đến mức phải xử lý bằng pháp
luật, được cơ quan pháp luật chuyển về đơn vị xử lý hành chính, gồm các loại giấy
tờ, tài liệu quy định tại điểm 1 nói trên và có thêm:
- Quyết định khởi tố bị can;
- Lệnh hoặc quyết định bắt tạm
giam;
- Quyết định tạm đình chỉ
công tác hoặc đình chỉ chức vụ;
- Quyết định đình chỉ điều
tra hoặc đình chỉ vụ án;
- Kết luận và kiến nghị xử
lý hành chính của cơ quan điều tra.
- Quyết định tạm đình chỉ
sinh hoạt Đảng hoặc kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng (nếu công chức là Đảng viên).
3 - Hồ sơ kỷ luật đối với
công chức vi phạm thuộc thẩm quyền của Tổng cục Hải quan quyết định kỷ luật bao
gồm:
- Gồm các tài liệu quy định
tại điểm 1, điểm 2 kể trên (tuỳ theo từng đối tượng), còn kèm theo:
- Biên bản họp Hội đồng kỷ luật
của ngành Hải quan;
- Biên bản họp của Ban cán sự
Đảng Tổng cục Hải quan;
- Ý kiến tham gia của Thường
vụ Tỉnh uỷ, Thành uỷ địa phương.
- Biên bản họp ý kiến tham
gia của Đảng uỷ (hoặc Thành vụ Đảng uỷ) đối với công chức ở cơ quan Tổng cục.
- Quyết định kỷ luật.
- Đơn khiếu nại kỷ luật, hồ
sơ xem xét giải quyết khiếu nại và quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật (nếu
có).
- Quyết định bồi thường thiệt
hại và các hồ sơ, tài liệu liên quan (nếu có).
Phần V
- Tổ chức thực hiện:
1 - Thủ trưởng các đơn vị
trong toàn Ngành có trách nhiệm phổ biến Nghị định 97/1998/NĐ-CP của Chính phủ;
Thông tư số 05/1999/TT - TCCP và Quy trình này đến từng công chức trong đơn vị
mình để quán triệt và thực hiện.
2 - Quá trình thực hiện nếu
có vướng mắc, các đơn vị kịp thời phản ánh về Tổng cục (qua Vụ TCCB & ĐT) để
giải quyết.