BỘ
TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
197/TCHQ-GSQL
|
Hà
Nội , ngày 23 tháng 5 năm 1995
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ GIÁM SÁT, QUẢN LÝ HẢI QUAN ĐỐI VỚI
HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CỬA HÀNG MIỄN THUẾ TẠI SÂN BAY, CẢNG BIỂN QUỐC TẾ VÀ NỘI ĐỊA.
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN
Căn cứ Pháp lệnh Hải quan
ngày 20/2/1990;
Căn cứ Nghị định số 16/CP ngày 7/3/1994 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ
và tổ chức bộ máy của Tổng cục Hải quan.
Căn cứ Nghị định số 17/CP ngày 6/2/1995 của Chính phủ về tiêu chuẩn hành lý
miễn thuế của khách xuất, nhập cảnh.
Căn cứ Nghị định số 171/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).
Căn cứ Thông tư liên Bộ số 12-TTLB/TN/HQ ngày 13/11/1990 của Bộ Thương nghiệp
(nay là Bộ Thương mại) - Tổng cục Hải quan.
Căn cứ Thông tư 107/TC-TCT ngày 30/12/1993 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc
thực hiện chính sách thuế đối với các cửa hàng bán hàng miễn thuế tại các cảng
biển, sân bay quốc tế tại Việt Nam.
Xét đề nghị của ông Cục trưởng Cục Giám sát - quản lý về hải quan.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1:
Ban hành kèm theo Quyết định này là bản Quy chế về giám sát, quản lý hải quan đối
với hoạt động của các cửa hàng miễn thuế tại sân bay, cảng biển quốc tế và nội
địa.
Điều 2: Quyết
định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3: Các
ông Cục trưởng, Vụ trưởng các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục, Cục trưởng Cục Hải
quan tỉnh, thành phố và Hiệu trưởng Trường Hải quan Việt Nam chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này.
QUY CHẾ
VỀ GIÁM SÁT, QUẢN LÝ HẢI QUAN ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CỬA
HÀNG MIỄN THUẾ TẠI SÂN BAY, CẢNG BIỂN QUỐC TẾ VÀ NỘI ĐỊA
(Ban
hành kèm theo Quyết định số 197/TCHQ-GSQL ngày 23 tháng 5 năm 1995 của Tổng cục
trưởng Tổng cục Hải quan).
I- NHỮNG QUY
ĐỊNH CHUNG
1. Các đơn vị kinh doanh bán
hàng miễn thuế tại sân bay, cảng biển quốc tế và nội địa phải có giấy phép do Bộ
Thương mại cấp sau khi có ý kiến chính thức bằng văn bản của Tổng cục Hải quan.
2. Hàng hoá nhập khẩu từ nước
ngoài vào Việt Nam để bán tại các của hàng miễn thuế là hàng được tạm miễn thuế
nhập khẩu và để bán cho các đối tượng được hưởng tiêu chuẩn miễn thuế. Quá
trình nhập hàng, xuất hàng và bán hàng phải chịu sự kiểm tra, giám sát quản lý
của cơ quan Hải quan theo các quy định hiện hành.
3. Hàng hoá mua tại thị trường
trong nước để bán tại các cửa hàng miễn thuế được coi là hàng xuất khẩu, phải nộp
thuế xuất khẩu theo luật định và phải tuân thủ theo các chính sách hiện hành về
xuất, nhập khẩu.
4. Các hoạt động của cửa hàng miễn
thuế phải thực hiện đúng theo các quy định tại Thông tư Liên bộ số 12/TTLB ngày
13/11/1990 của Bộ Thương nghiệp (nay là Bộ Thương mại) - Tổng cục Hải quan và
các văn bản của Tổng cục Hải quan, Bộ Thương mại và Bộ Tài chính liên quan đến
hoạt động này.
5. Hàng bán tại các cửa hàng miễn
thuế chỉ được bán theo tiêu chuẩn định lượng được quy định tại các văn bản của
Nhà nước.
II- ĐỊA ĐIỂM
KINH DOANH CỬA HÀNG MIỄN THUẾ.
1. Sân bay quốc tế:
1.1. Tại nhà ga xuất cảnh của
sân bay quốc tế: cửa hàng được đặt tại phòng cách ly (phòng khách chờ ra máy
bay), sau khu vực làm thủ tục hải quan và thủ tục xuất cảnh.
1.2. Tại nhà ga nhập cảnh của
sân bay quốc tế: cửa hàng được đặt sau khu vực làm thủ tục nhập cảnh và trước
khu vực làm thủ tục Hải quan.
1.3. Đối với địa điểm phát hàng
tại nhà ga xuất sân bay quốc tế của cửa hàng nội thành (Downtown Duty Free
Shop) như ở điểm 1.1.
2. Cảng biển quốc tế
2.1. Cửa hàng được đặt trong khu
vực kiểm soát của hải quan (có thể được đặt trong phạm vi hoặc ngoài phạm vi cảng
biển quốc tế nếu được Tổng cục Hải quan chấp thuận bằng băn bản).
2.2. Đối với địa điểm phát hàng
tại cảng biển quốc tế của cửa hàng nội địa (Downtown Duty Free Shop) như ở điểm
2.1.
3. Trong nội thành (Downtown
Duty Free Shop):
Cửa hàng là nơi giao dịch, trưng
bày và giới thiệu sản phẩm để bán; là nơi làm thủ tục bán hàng, ghi hoá đơn cho
khách mua hàng theo các quy định hiện hành. Địa điểm phải được cơ quan Hải quan
chấp thuận bằng văn bản.
4. Cửa hàng miễn thuế bán cho đối
tượng ngoại giao:
Cửa hàng là nơi bán các mặt hàng
theo tiêu chuẩn định lượng cho các cá nhân và cơ quan ngoại giao; cho các tổ chức
quốc tế và các đối tượng khác đã được Chính phủ quy định. Cửa hàng đặt tại địa
điểm được cơ quan Hải quan chấp thuận bằng văn bản.
5. Cửa hàng điểm tâm, giải khát
(cafe shop và "fast food shop"):
Cửa hàng được đặt tại phòng cách
ly của khu nhà ga xuất cảnh sân bay quốc tế và cảng biển quốc tế. Cửa hàng phải
chịu sự giám sát của cơ quan hải quan.
III- CHẾ ĐỘ
KHO
1. Tất cả các đơn vị kinh doanh
bán hàng miễn thuế đều phải có kho chuyên dụng riêng cho từng loại hình bán
hàng và phải được cơ quan Hải quan tỉnh, thành phố công nhận (kèm theo sơ đồ của
kho).
- Kho được đặt trong khu vực
giám sát của cơ quan Hải quan và đáp ứng được các yêu cầu sau:
+ Bảo đảm an toàn hàng hoá.
+ Chống cháy, nổ.
+ Thuận lợi cho công tác kiểm
tra, giám sát của Hải quan...
2. Kho hàng phải thực hiện đúng
chế độ niêm phong kẹp chì hải quan. Thủ kho chỉ được mở kho để xuất hàng, nhập
hàng khi có cán bộ hải quan giám sát kho.
3. Việc xuất hàng, nhập hàng phải
thực hiện đúng chế độ kế toán kho hàng và chế độ niêm phong theo quy định hiện
hành.
- Mẫu sổ theo dõi hàng xuất, nhập
kho (do Tổng cục Hải quan ban hành) phải được đóng dấu giáp lai từng trang. Mỗi
trang có đánh số thứ tự trước khi sử dụng và được trưởng phòng giám sát quản lý
về hải quan hoặc trưởng cửa khẩu ký xác nhận.
IV- THỦ TỤC HẢI
QUAN KHI NHẬP KHẨU HÀNG
1. Sau khi tiếp nhận hồ sơ hợp lệ,
Hải quan đăng ký tờ khai đối với lô hàng nhập khẩu để bán tại cửa hàng miễn thuế,
tính thuế như một lô hàng nhập khẩu theo hợp đồng thương mại. Trên tờ khai được
đóng dấu "hàng tạm nhập, miễn thuế".
2. Hàng nhập khẩu từ cửa khẩu đầu
tiên được chuyển nguyên đai kiện (còn nguyên cặp chì gốc) về kho hàng chuyên dụng
của cửa hàng miễn thuế và chịu sự giám sát của cán bộ hải quan.
- Nếu là hàng rời hoặc cặp chì gốc
vì lý do nào đó không còn nguyên vẹn thì hải quan tại cửa khẩu nhập đầu tiên và
hải quan nơi có cửa hàng miễn thuế cùng chủ hàng phải có biên bản giao nhận. Nội
dung biên bản ghi rõ tình trạng bao bì hàng hoá trước khi chuyển tiếp về kho,
có cán bộ hải quan áp tải.
3. Khi hàng về kho phải được kiểm
hoá chi tiết từng loại hàng, số lượng, ký mã hiệu và chất lượng hàng hoá trước
khi đưa nhập kho. Trong quá trình kiểm hoá nếu thấy hàng hoá hư hỏng, mất mát,
kém phẩm chất.. . Hải quan quản lý cửa hàng cùng cửa hàng lập biên bản xác nhận
cụ thể để làm cơ sở giải quyết các khâu thủ tục tiếp theo.
- Hàng nhập khẩu về sau khi kiểm
hoá chi tiết phải được kế toán kho hàng lập phiếu nhập kho và thủ kho vào sổ nhập
kho, có sự giám sát của cán bộ hải quan.
4. Hàng xuất từ kho ra bán tại
các quầy hàng phải có phiếu xuất kho và vào sổ xuất kho. Cán bộ hải quan phải
thực hiện đầy đủ chế độ ghi sổ theo dõi quản lý hàng xuất kho và hàng tồn kho.
Nếu kho cách xa địa điểm bán hàng phải có cán bộ hải quan áp tải.
V- CHẾ ĐỘ BÁN
HÀNG
1. Cửa hàng miễn thuế tại nhà ga
xuất cảnh sân bay quốc tế chỉ được bán cho hành khách xuất cảnh sau khi đã làm
xong thủ tục hải quan và thủ tục xuất cảnh. Các nhân viên phi hành đoàn các
chuyến bay quốc tế của Việt Nam và nước ngoài chỉ được mua hàng theo đơn đặt
hàng do lái trưởng ký và được cán bộ hải quan áp tải lên máy bay.
2. Hoạt động bán hàng miễn thuế
trên các tuyến bay quốc tế của hàng không Việt Nam: thực hiện chế độ niêm
phong, áp tải hàng hoá từ kho riêng lên máy bay và ngược lại.
- Sau mỗi chuyến bay, đoàn tiếp
viên phải thống kê số hàng đã bán, số hàng tồn vào sổ theo dõi bán hàng do cơ
quan Hải quan phát hành và nộp cho cán bộ hải quan làm thủ tục giám sát máy bay
xác nhận và giao lại cho đội hải quan quản lý cửa hàng miễn thuế.
3. Cửa hàng miễn thuế tại nhà ga
nhập cảnh sân bay quốc tế chỉ được bán cho hành khách nhập cảnh có hộ chiếu xuất
trình. Hành khách được mua hàng tại cửa hàng theo tiêu chuẩn quy định tại Nghị
định 17/CP ngày 6/2/1995 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Tổng cục Hải
quan. Khách đã ra khỏi nhà ga nhập cảnh không được phép quay lại để mua hàng ở
cửa hàng miễn thuế.
4 Cửa hàng miễn thuế tại cảng biển
quốc tế:
a) Địa điểm cửa hàng nằm trong
phạm vi cảng biển quốc tế thì được phép bán theo 2 hình thức:
+ Bán theo đơn đặt hàng (ORDER)
của tàu.
+ Bán lẻ cho thuyền viên theo hộ
chiếu.
- Hàng bán theo ORDER phải được
cán bộ hải quan áp tải đưa lên tàu giao cho đội giám sát tàu hoặc đội thủ tục.
b) Địa điểm cửa hàng nằm ngoài
phạm vi cảng biển quốc tế chỉ được phép bán theo đơn đặt hàng (ORDER) của tàu
và thực hiện chế độ áp tải, giám sát hàng chặt chẽ.
5. Cửa hàng miễn thuế nội địa
(Downtown Duty Free Shop):
- Cửa hàng là nơi giao dịch,
trưng bày giới thiệu sản phẩm, là nơi làm thủ tục bán hàng. Trách nhiệm chính
là thực hiện việc bán hàng, ghi hoá đơn và đối tượng mua hàng sẽ nhận hàng tại
cửa khẩu xuất cảnh. Trường hợp đối tượng mua chọn mua mặt hàng nào thì Hải quan
làm thủ tục niêm phong và hàng đó được đưa từ kho trung tâm đến cửa khẩu xuất cảnh
bàn giao cho chi nhánh phát hàng hoặc nhập vào kho chuyên dụng của chi nhánh
phát hàng có sự giám sát của hải quan.
- Nếu hàng xuất đi có thuế thì đối
tượng mua chỉ được hưởng miễn thuế theo tiêu chuẩn quy định tại Nghị định 17/CP
ngày 6/2/1995 của Chính phủ.
6. Cửa hàng "CAFE
SHOP" và "FAST FOOD SHOP" chỉ được bán lẻ rượu, thuốc lá và đồ
thực phẩm để sử dụng tại chỗ.
7. Cửa hàng miễn thuế bán cho đối
tượng ngoại giao: các đối tượng được mua hàng miễn thuế nhập khẩu là các đối tượng
được quy định tại Nghị định 73/CP ngày 30/7/1994 của Chính phủ và các đối tượng
khác đã được Chính phủ cho phép.
- Thủ tục mua hàng gồm:
+ Sổ mua hàng đã có xác nhận của
cơ quan Hải quan (nếu là cá nhân phải xuất trình hộ chiếu khi mua hàng).
+ Nếu mua hàng cho cơ quan, tổ
chức ngoại giao hoặc tổ chức quốc tế phải có công hàm (kèm theo sổ mua hàng).
VI- TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Hàng hoá chuyển đến bán tại
quầy hàng (tức là xuất kho và nhập quầy) phải được vào "sổ quầy" của
cửa hàng và "sổ theo dõi xuất - nhập - tồn" của đội hải quan quản lý
cửa hàng miễn thuế.
2. Đội hải quan quản lý cửa hàng
miễn thuế cùng nhân viên cửa hàng phải kiểm tra đối chiếu, thống kê hàng hoá đã
bán trong ngày sau giờ cửa hàng ngừng hoạt động để báo cáo về Hải quan tỉnh,
thành phố theo mẫu quy định.
3. Hàng bán phải ghi theo đúng nội
dung hoá đơn do Bộ Tài chính phát hành và phải ghi rõ họ, tên, số hộ chiếu,
ngày, tháng, năm cấp hộ chiếu và quốc tịch của người mua vào hoá đơn.
4. Cục Hải quan tỉnh, thành phố
nơi có cửa hàng miễn thuế hoạt động - phải thành lập đội quản lý cửa hàng miễn
thuế trực thuộc phòng Giám sát quản lý hoặc Hải quan cửa khẩu. Tổ chức biên chế
cán bộ phù hợp với đặc điểm thực tế từng nơi.
- Phòng giám sát quản lý có
trách nhiệm hướng dẫn chỉ đạo Hải quan quản lý cửa hàng miễn thuế thực hiện các
quy định tại quy chế này và các quy định khác của Nhà nước và các ngành liên
quan.
- Đối với mỗi lô hàng nhập khẩu,
phòng Giám sát quản lý có trách nhiệm sao gửi 01 bộ hồ sơ hoàn chỉnh về lô hàng
đó cho Hải quan cửa khẩu hoặc đội quản lý cửa hàng miễn thuế để theo dõi và phục
vụ cho công tác thanh khoản giấy phép và tờ khai nhập khẩu về sau.
5. Định kỳ 3 tháng, Cục Hải quan
tỉnh, thành phố tổ chức kiểm tra các hoạt động của cửa hàng miễn thuế nhằm thống
kê hàng nhập kho, nhập quầy, xuất kho, tồn kho, tồn quầy để thanh khoản giấy
phép và tờ khai nhập khẩu của từng lô hàng. Đối với hàng hư hỏng, kém phẩm chất,
quá hạn, vỡ... tiến hành việc xử lý theo các quy định hiện hành.
6. Đơn vị kinh doanh bán hàng miễn
thuế có trách nhiệm phổ biến cho nhân viên bán hàng thực hiện nghiêm túc các
quy định của bản Quy chế này.
7. Căn cứ bản Quy chế chung của
Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan tỉnh, thành phố ban hành quy chế cụ thể cho từng
loại hình kinh doanh hàng miễn thuế do Hải quan tỉnh, thành phố quản lý và gửi
về Tổng cục để được phê duyệt.
VII- CHẾ ĐỘ
QUYẾT TOÁN VÀ BÁO CÁO THỐNG KÊ
1. Sau khi bán hết lô hàng, các
đơn vị kinh doanh hàng miễn thuế phải báo cáo quyết toán từng lô hàng (từng tờ
khai nhập khẩu) với Bộ Tài chính.
- Trên cơ sở đó Bộ Tài chính sẽ
kiểm tra quyết toán và ra quyết định miễn thuế chính thức cho từng lô hàng.
2. Hết thời hạn 6 tháng kể từ
ngày được tạm miễn, các đơn vị kinh doanh hàng miễn thuế vẫn phải quyết toán với
Bộ Tài chính mặc dù lô hàng đó chưa tiêu thụ hết.
- Sau khi quyết toán xong, Bộ
Tài chính sẽ quyết toán miễn thuế chính thức cho số hàng đã được tiêu thụ. Số
hàng tồn đọng còn lại các đơn vị được tiếp tục bán và phải báo cáo quyết toán với
Bộ Tài chính trong 6 tháng tiếp theo.
- Sau khi được Bộ Tài chính quyết
toán miễn thuế chính thức đối với số hàng đã tiêu thụ, các đơn vị kinh doanh
hàng miễn thuế phải sao gửi 2 bộ hồ sơ hoàn chỉnh cho Cục Hải quan tỉnh, thành
phố (nơi cấp giấy phép nhập khẩu) và nơi Hải quan làm thủ tục để phục vụ cho
công tác thanh khoản giấy phép và tờ khai.
3. Định kỳ tháng, quý và hàng
năm các đơn vị kinh doanh hàng miễn thuế phải có báo cáo (theo mẫu quy định) về
Tổng cục Hải quan, Bộ Thương mại, Bộ Tài chính theo quy định hiện hành.
4. Định kỳ tháng, quý và hàng
năm đội quản lý cửa hàng miễn thuế có báo cáo Cục Hải quan tỉnh, thành phố và Tổng
cục Hải quan (Cục Giám sát - quản lý về hải quan) theo mẫu quy định của Tổng cục
Hải quan.
VIII- XỬ LÝ
VI PHẠM
1. Trường hợp đơn vị kinh doanh
hàng miễn thuế không gửi báo cáo thống kê theo quy định về Tổng cục Hải quan (Cục
Giám sát - quản lý về hải quan) thì Tổng cục Hải quan sẽ đình chỉ việc làm thủ
tục nhập khẩu các lô hàng tiếp theo.
2. Đối với những hàng hoá nhập khẩu
để bán tại cửa hàng miễn thuế, nếu bán sai đối tượng hoặc đem tiêu thụ tại thị
trường Việt Nam thì trong mọi trường hợp đều coi là trốn lậu thuế và cửa hàng
phải truy nộp số thuế nhập khẩu đã được miễn và bị phạt 2 lần thuế ẩn lậu.
3. Tổng cục Hải quan trên cơ sở
kiểm tra và khẳng định mức độ vi phạm sẽ có kiến nghị Bộ Thương mại rút giấy
phép hoạt động của đơn vị kinh doanh hàng miễn thuế.
4. Những hành vi vi phạm các quy
định trong bản Quy chế này, tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp lệnh
xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo luật pháp
hiện hành.
IX- ĐIỀU KHOẢN
THI HÀNH
1. Quy chế này có hiệu lực thi
hành kể từ ngày ký.
2. Các ông Cục trưởng Cục Giám
sát - quản lý và Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố hướng dẫn và tổ chức
thực hiện Quy chế này.