BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1484/QĐ-TCHQ
|
Hà
Nội, ngày 16 tháng 05 năm 2018
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH TIÊU CHÍ LỰA CHỌN, ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG
CHUYÊN GIA VỀ TRỊ GIÁ HẢI QUAN VÀ CHUYÊN GIA VỀ PHÂN LOẠI HÀNG HÓA
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN
Căn cứ Luật Hải quan số
54/2014/QH13 ngày 23/6/2014;
Căn cứ Quyết định số 65/2015/QĐ-TTg
ngày 17/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 538/QĐ-BTC
ngày 24/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về phân cấp quản lý công chức,
viên chức tại các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 1456/QĐ-TCHQ
ngày 27/4/2017 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quy định về thực hiện phân
cấp quản lý công chức, viên chức Tổng cục Hải quan;
Căn cứ Quyết định số 1037/QĐ-TCHQ
ngày 13/4/2015 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về việc ban hành Quy định
về Khung năng lực chuyên môn nghiệp vụ lĩnh vực Thuế xuất nhập khẩu;
Căn cứ Quyết định số 166/QĐ-TCHQ
ngày 25/01/2018 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về việc ban hành Kế hoạch
đổi mới một số hoạt động Quản lý nguồn lực theo năng lực dựa trên vị trí việc
làm;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức
cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Tiêu chí lựa chọn,
đào tạo, bồi dưỡng, quản lý và sử dụng chuyên gia theo lĩnh vực về Trị giá Hải
quan và chuyên gia về Phân loại hàng hóa.
Điều 2. Quyết định này có hiệu
lực kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng Tổng cục Hải quan, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán
bộ và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Lãnh đạo TCHQ;
- Lưu: VT, TCCB (8V).
|
TỔNG CỤC TRƯỞNG
Nguyễn Văn Cẩn
|
TIÊU CHÍ
LỰA CHỌN, ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CHUYÊN GIA VỀ TRỊ GIÁ HẢI
QUAN VÀ CHUYÊN GIA VỀ PHÂN LOẠI HÀNG HÓA
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1484/QĐ-TCHQ ngày 16 tháng 5 năm 2018 của Tổng
cục trưởng Tổng cục Hải quan)
Điều 1. Mục
đích và yêu cầu
1. Đảm bảo lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng,
quản lý và sử dụng chuyên gia Trị giá Hải quan và chuyên gia Phân loại hàng hóa
đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cải cách, hiện đại hóa hải quan.
2. Tham mưu, đề xuất chính sách
chuyên môn, nghiệp vụ về trị giá tính thuế hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) và
phân loại hàng hóa XNK.
3. Trang bị kiến thức cần thiết về
chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức được công nhận là chuyên
gia để từng bước đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan hiện đại.
Điều 2. Đối tượng
và phạm vi áp dụng
1. Tiêu chí được ban hành quy định việc
lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý và sử dụng công chức, viên chức được công
nhận là chuyên gia về Trị giá Hải quan và chuyên gia phân loại hàng hóa.
2. Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực
thuộc Tổng cục Hải quan và các cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện Quyết
định này.
Điều 3. Nhiệm vụ
của chuyên gia
1. Chủ trì xây dựng, sửa đổi, bổ sung
các văn bản pháp quy, quy trình nghiệp vụ, đề án, các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo
về lĩnh vực Trị giá/ Phân loại hàng hóa XNK.
2. Giảng dạy, tập huấn, hướng dẫn,
tuyên truyền thực hiện các văn bản pháp quy, quy trình nghiệp vụ, các văn bản
hướng dẫn, chỉ đạo về lĩnh vực Trị giá/ Phân loại hàng hóa XNK.
3. Xây dựng bộ đề đánh giá năng lực
lĩnh vực Trị giá/ Phân loại hàng hóa XNK.
4. Giải quyết khiếu nại, vướng mắc
trong quá trình thực hiện các văn bản pháp quy, quy trình nghiệp vụ, các văn bản
hướng dẫn, chỉ đạo về lĩnh vực Trị giá/ Phân loại hàng hóa XNK.
5. Tham mưu, đề xuất giúp Lãnh đạo
Hải quan các cấp giải quyết các vấn đề nghiệp vụ Hải quan về lĩnh
vực Trị giá/ Phân loại hàng hóa XNK.
6. Tham gia đóng góp ý kiến, xây dựng
chính sách liên quan đến công tác quản lý của ngành Hải quan về lĩnh vực Trị
giá/ Phân loại hàng hóa XNK; Tham gia vào các nội dung nghiên cứu khoa học của
ngành Hải quan trong lĩnh vực liên quan.
7. Đào tạo, bồi dưỡng, giúp đỡ đồng
nghiệp, hỗ trợ giải đáp các vướng mắc của doanh nghiệp
liên quan đến lĩnh vực Trị giá/ Phân loại hàng hóa XNK.
8. Tích cực học hỏi, trau dồi kinh
nghiệm về các lĩnh vực liên quan.
9. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Thủ
trưởng đơn vị và Tổng cục giao.
Điều 4. Tiêu chí
lựa chọn
1. Năng lực chung:
- Nắm vững đường lối, chủ trương,
chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác Hải quan;
nắm vững Chương trình cải cách hành chính của Chính phủ, ngành Tài chính và Tổng
cục Hải quan.
- Nắm vững các nguyên tắc, chế độ,
quy chế quản lý, quy trình nghiệp vụ Hải quan thuộc lĩnh vực chuyên môn.
- Có khả năng nghiên cứu, tổng hợp, đề
xuất xây dựng, bổ sung, sửa đổi quy chế quản lý, quy trình
nghiệp vụ Hải quan thuộc lĩnh vực chuyên môn.
- Hiểu biết về quản lý kinh tế, hành
chính, đối ngoại và có kiến thức cơ bản về pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc
tế.
- Có kỹ năng giao tiếp tốt; Có khả
năng thuyết trình tại các hội thảo trong nước và quốc tế.
- Có khả năng làm việc độc lập cũng
như làm việc theo nhóm có hiệu quả.
2. Tiêu chuẩn:
2.1. Chuyên gia về Trị giá Hải
quan:
a. Năng lực cụ thể:
- Có kiến thức chuyên sâu về các Điều
ước quốc tế, các văn bản quy phạm pháp luật, quy trình và các văn bản hướng dẫn
về Trị giá Hải quan. Có khả năng áp dụng và hướng dẫn áp dụng các quy định về
Trị giá Hải quan.
- Có khả năng thu thập, tổng hợp,
phân tích, đánh giá các nguồn thông tin phục vụ công tác kiểm tra, tham vấn và
xác định trị giá.
- Có kinh nghiệm, kiến thức về hàng
hóa.'
- Có hiểu biết về chính sách thuế đối
với hàng hóa XNK.
- Có kiến thức về các lĩnh vực nghiệp
vụ khác: thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan đối với hàng hóa
XNK;chính sách quản lý hàng hóa XNK; quy trình kiểm tra sau thông quan; nghiệp
vụ thanh tra chuyên ngành Hải quan;
Nghiệp vụ chống buôn lậu và gian lận
thương mại về thuế; sở hữu trí tuệ; kiến thức về nghiệp vụ ngoại thương
- Đảm bảo sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ.
- Có khả năng chủ trì, tổ chức xây dựng
và triển khai công tác nghiệp vụ xác định Trị giá Hải quan.
b. Kỹ năng:
- Có kỹ năng tham mưu, xây dựng chiến
lược phát triển nghiệp vụ hải quan; Xây dựng văn bản pháp quy; Quy trình nghiệp
vụ; Xây dựng văn bản hành chính (không bao gồm văn bản xử lý vụ việc); Bồi dưỡng, tập huấn triển khai nghiệp vụ, kiểm tra
nghiệp vụ; Giải quyết vướng mắc/ khiếu nại; Nghiên cứu ứng dụng phát triển nghiệp
vụ quản lý thuế; Sử dụng hệ thống phần mềm tin học nghiệp vụ.
- Có kỹ năng kiểm tra xác định trị
giá tính thuế; Tham vấn giá; Thu thập, phân tích, xử lý các nguồn thông tin đối
với hàng hóa XNK từ thực tế.
c. Trình độ:
- Có trình độ Đại học trở lên thuộc
các ngành kinh tế, ngoại thương, quản trị kinh doanh, tài chính.
- Có thời gian công tác từ 05 năm trở
lên trong lĩnh vực Trị giá Hải quan. Ưu tiên các công chức, viên chức tham gia
đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm của ngành Hải quan.
- Sử dụng thành thạo ngoại ngữ tiếng
Anh hoặc các ngôn ngữ thông dụng khác như: tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp, tiếng
Nga...
- Sử dụng thành thạo máy tính, các
thiết bị văn phòng và phần mềm quản lý Hải quan.
- Độ tuổi không quá 55 đối với Nam;
không quá 50 tuổi đối với Nữ. Ưu tiên những công chức, viên chức có học vị và
đã từng học tập tại nước ngoài.
2.2. Chuyên gia về Phân loại hàng
hóa:
a. Năng lực cụ thể:
- Có kiến thức về các Điều ước quốc tế,
các văn bản quy phạm pháp luật, quy trình và các văn bản hướng dẫn về phân loại
hàng hóa XNK.
- Có khả năng tham gia đàm phán, tham
gia xây dựng và đề xuất triển khai Danh Mục AHTN, HS, các hiệp định thương mại
song phương, đa phương.
- Có kiến thức về các lĩnh vực nghiệp
vụ khác: xuất xứ, thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan đối với hàng hóa
XNK; chính sách quản lý hàng hóa XNK (Danh Mục hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng
xuất khẩu; Danh Mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; Danh Mục hàng
hóa XNK theo giấy phép; Danh Mục hàng hóa thuộc đối tượng
kiểm tra chuyên ngành; phân tích hàng hóa; quy trình kiểm tra sau thông quan; nghiệp vụ thanh
tra chuyên ngành Hải quan...).
- Có kinh nghiệm, kiến thức chuyên
sâu về bản chất hàng hóa, tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn
quốc tế.
- Có khả năng chủ trì, tổ chức xây dựng
và triển khai công tác nghiệp vụ Hải quan trong lĩnh vực phân loại hàng hóa
XNK.
b. Kỹ năng:
- Có kỹ năng tham mưu xây dựng chiến
lược phát triển nghiệp vụ hải quan; Xây dựng văn bản pháp quy, quy trình nghiệp
vụ; Xây dựng văn bản hành chính (không bao gồm văn bản xử lý vụ việc); Bồi dưỡng,
tập huấn triển khai nghiệp vụ; Kiểm tra nghiệp vụ; Giải quyết vướng mắc/ khiếu
nại; Nghiên cứu ứng dụng phát triển nghiệp vụ thuế XNK; Sử dụng hệ thống phần mềm
tin học nghiệp vụ.
- Có kỹ năng thực thi phân loại hàng
hóa XNK; Áp dụng mức thuế đối với hàng hóa XNK; Xây dựng Danh Mục hàng hóa XNK
và các Biểu thuế; Thu thập, phân tích, xử lý các nguồn thông tin đối với hàng
hóa XNK từ thực tế.
c. Trình độ:
- Có trình độ Đại học trở lên thuộc
các ngành kinh tế, ngoại thương, quản trị kinh doanh, tài chính, chuyên ngành kỹ
thuật.
- Có thời gian công tác từ 05 năm trở
lên trong lĩnh vực phân loại hàng hóa XNK. Ưu tiên các công chức, viên chức
tham gia đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm của ngành Hải quan.
- Sử dụng thành thạo ngoại ngữ tiếng Anh
hoặc các ngôn ngữ thông dụng khác như: tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp, tiếng
Nga...
- Sử dụng thành thạo máy tính, các
thiết bị văn phòng và phần mềm quản lý Hải quan.
- Độ tuổi không quá 55 đối với Nam;
không quá 50 tuổi đối với Nữ. Ưu tiên những công chức, viên chức có học vị và
đã từng học tập tại nước ngoài.
Điều 5. Nguồn lựa
chọn
Công chức, viên chức công tác tại các
đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan có đủ Điều kiện và đáp ứng tiêu
chuẩn được xem xét lựa chọn làm chuyên gia về Trị giá Hải quan và chuyên gia về
Phân loại hàng hóa.
Điều 6. Nguyên tắc
lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và quản lý chuyên gia về Trị giá hải quan
và chuyên gia về Phân loại hàng hóa
1. Việc lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng,
sử dụng và quản lý chuyên gia về Trị giá Hải quan và chuyên gia về Phân loại
hàng hóa đảm bảo đúng đối tượng phục vụ cho hiện đại hóa Hải quan.
2. Đảm bảo lựa chọn những công chức,
viên chức có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất, chính trị, năng lực và trình độ; Quá
trình lựa chọn, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia được
tiến hành trên cơ sở đảm bảo tính công khai, minh bạch; Việc
quản lý đội ngũ chuyên gia phải đảm bảo tính khoa học, tạo sự phát triển liên tục
và có tính kế thừa.
3. Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực
thuộc Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm trước Tổng cục trưởng Tổng cục Hải
quan về việc chọn cử, quản lý và sử dụng đội ngũ chuyên gia về Trị giá Hải quan
và chuyên gia về Phân loại hàng hóa của đơn vị mình.
4. Công chức, viên chức được công nhận
là chuyên gia Trị giá Hải quan và chuyên gia về Phân loại hàng hóa phải có
trách nhiệm tu dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức để hoàn thành nhiệm vụ được
giao.
5. Đảm bảo chế độ đãi ngộ, khen thưởng
và kỷ luật phù hợp với các công chức, viên chức tham gia đội ngũ chuyên gia có
thành tích xuất sắc trong công việc được giao.
Điều 7. Sử dụng
chuyên gia
1. Đảm bảo sử dụng hiệu quả đúng Mục
đích và thống nhất do Lãnh đạo Tổng cục chỉ đạo.
2. Phải tuân thủ theo các nguyên tắc
được quy định tại Điều 6 của văn bản này.
3. Hàng năm, cấp có thẩm quyền sử dụng
đội ngũ chuyên gia tiến hành đánh giá phân loại và xem xét đưa ra khỏi đội ngũ
chuyên gia những công chức không đảm bảo tiêu chí về tiêu chuẩn, phẩm chất, đạo
đức và năng lực chuyên môn.
Điều 8. Quản lý,
đào tạo, bồi dưỡng chuyên gia
Tổng cục Hải quan thống nhất việc lựa
chọn, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ chuyên gia như sau:
1. Xây dựng kế hoạch phát triển đội
ngũ chuyên gia trước mắt cũng như lâu dài.
2. Xây dựng các tiêu chí lựa chọn
chuyên gia theo nhu cầu hoạt động quản lý của ngành Hải quan.
3. Quyết định về danh sách đội ngũ
chuyên gia.
4. Đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội
ngũ chuyên gia.
5. Chế độ đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật
đối với các công chức, viên chức được công nhận là chuyên gia của ngành Hải
quan:
+ Được tham dự các hội nghị tổng kết
chuyên đề của ngành Hải quan (theo giấy mời).
+ Được trang bị trang thiết bị, tài
liệu, phương tiện kỹ thuật phục vụ cho công tác nghiên cứu, tham mưu về lĩnh vực
chuyên môn.
+ Được tham gia vào các đề tài khoa học
với chuyên ngành theo lĩnh vực chuyên môn của chuyên gia; tham gia giảng dạy
các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ do ngành Hải quan tổ chức; và ưu tiên chọn cử đi
nghiên cứu, học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước về lĩnh vực chuyên môn.
+ Được bồi dưỡng nâng cao trình độ
theo tiêu chuẩn ngạch và ưu tiên xét dự thi nâng ngạch sớm so với những công chức,
viên chức cùng đủ Điều kiện, tiêu chuẩn.
+ Được ưu tiên xem xét trong công tác
quy hoạch, luân chuyển, Điều động, bổ nhiệm, thi đua- khen thưởng và nâng lương
trước hạn.
+ Được hỗ trợ hàng tháng một phần
kinh phí cho hoạt động của chuyên gia theo quy định về tài chính của ngành Hải
quan. Trong giai đoạn 2018- 2020, các công chức, viên chức được công nhận là
chuyên gia được Tổng cục Hải quan hỗ trợ kinh phí như đối với công chức làm việc
tại Ban, Nhóm cải cách, hiện đại hóa thuộc Cục Hải quan các tỉnh, thành phố và
các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục theo quy định tại Điểm 12, Mục I của Quyết định
số 2146/QĐ- BTC ngày 06/10/2016 của Bộ Tài chính về việc ban hành một số nội
dung, mức chi hỗ trợ, bồi dưỡng đối với một số hoạt động trong lĩnh vực đặc thù
của ngành Hải quan giai đoạn 2016- 2020.
+ Trong quá trình thực thi nhiệm vụ,
công chức, viên chức được công nhận là chuyên gia của ngành Hải
quan sẽ bị xử lý kỷ luật tùy mức độ vi phạm theo quy định hiện hành.
Điều 9. Trách nhiệm
của Vụ Tổ chức cán bộ
1. Tham mưu, đề xuất với Lãnh đạo Tổng
cục trong việc chọn cử công chức, viên chức tham gia đội ngũ chuyên gia về Trị
giá Hải quan và chuyên gia về Phân loại hàng hóa; Tham mưu cho Lãnh đạo Tổng cục
về chế độ đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật đối với đội ngũ chuyên gia.
2. Phối hợp với các đơn vị chức năng
có liên quan lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, ngoại ngữ và
nâng cao đạo đức cho đội ngũ chuyên gia đáp ứng với yêu cầu công việc của Hải
quan.
Điều 10. Trách
nhiệm của Vụ Hợp tác quốc tế
1. Căn cứ kế hoạch
đào tạo, bồi dưỡng và hoạt động của đội ngũ chuyên gia về Trị giá Hải quan và
chuyên gia về Phân loại hàng hóa, đề xuất với Tổng cục đặt quan hệ hợp tác với
đối tác nước ngoài để nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ chuyên gia.
2. Căn cứ thông báo của các cơ quan
trong và ngoài nước liên quan đến Chương trình nghiên cứu theo chủ đề về Trị
giá Hải quan và Phân loại hàng hóa, báo cáo Lãnh đạo Tổng cục xem xét ưu tiên cử
chuyên gia tham gia và thông báo Vụ Tổ chức cán bộ để thực hiện thủ tục tiếp
theo.
3. Phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ và
các đơn vị liên quan trong việc đề xuất đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia ở
trong nước và nước ngoài.
Điều 11. Trách
nhiệm của Cục Tài vụ- quản trị
1. Chịu trách nhiệm chủ trì, xây dựng
nguồn kinh phí và các chế độ hỗ trợ cho hoạt động của đội ngũ chuyên gia theo kế
hoạch của Tổng cục phê duyệt, đảm bảo đúng theo các chế độ quy định của Nhà nước,
thực hành Tiết kiệm và hiệu quả.
2. Tham mưu trình Lãnh đạo Tổng cục
có hướng dẫn cụ thể về chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với đội ngũ chuyên gia.
Điều 12. Trách
nhiệm của Văn phòng Tổng cục Hải quan
Chịu trách nhiệm đảm bảo các yêu cầu
về kinh phí, phương tiện và cơ sở vật chất có liên quan tới các hoạt động của đội
ngũ chuyên gia theo kế hoạch được Lãnh đạo Tổng cục phê duyệt.
Điều 13. Trách
nhiệm của các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan
1. Thủ trưởng các đơn vị phối hợp với
Vụ Tổ chức cán bộ trong việc đề xuất, giới thiệu, quản lý và tạo Điều kiện thuận
lợi cho các hoạt động của đội ngũ chuyên gia về Trị giá Hải quan và chuyên gia
về Phân loại hàng hóa.
2. Cục trưởng Cục Thuế Xuất nhập khẩu
và Cục trưởng Cục Kiểm định Hải quan chịu trách nhiệm về việc sử dụng đội ngũ
chuyên gia về Trị giá Hải quan và chuyên gia về Phân loại hàng hóa.
Điều 14. Trách
nhiệm của công chức, viên chức được công nhận là chuyên gia về Trị giá Hải quan
và chuyên gia về Phân loại hàng hóa
1. Làm việc theo chế độ kiêm nhiệm;
được cung cấp tài liệu và những thông tin cần thiết phục vụ nhiệm vụ chuyên
môn.
2. Tham gia đầy đủ các Chương trình
làm việc theo yêu cầu của Tổng cục.
3. Thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm
cá nhân trong thực thi công việc và nhiệm vụ được giao.
4. Rèn luyện đạo đức, phẩm chất; trau
dồi trình độ chuyên môn, ngoại ngữ để thực hiện tốt nhiệm
vụ được giao.
5. Chấp hành tốt các quy định của đơn
vị và của Ngành về chuyên môn, nghiệp vụ và gương mẫu trong các hoạt động công
vụ.
6. Đoàn kết, tương trợ, phối hợp chặt
chẽ với đồng nghiệp để hoàn thành tốt các công việc được giao.
Điều 15. Tổ chức
thực hiện
Căn cứ Tiêu chí lựa chọn, đào tạo, bồi
dưỡng, quản lý, sử dụng đội ngũ chuyên gia về Trị giá Hải quan và chuyên gia về
Phân loại hàng hóa nêu trên, Tổng cục Hải quan phân công thực hiện như sau:
- Giao Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu cho
Lãnh đạo Tổng cục Hải quan hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện văn bản
này.
- Giao Thủ trưởng các đơn vị thuộc và
trực thuộc Tổng cục Hải quan phổ biến và thực hiện văn bản này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có
phát sinh hoặc vướng mắc, các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan báo
cáo, đề xuất với Lãnh đạo Tổng cục Hải quan (qua Vụ Tổ chức cán bộ) xem xét sửa
đổi, bổ sung cho phù hợp./.