QUI CHẾ
QUẢN LÝ VÀ TRIỂN KHAI CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
TRONG NGÀNH HẢI QUAN
(Ban hành
kèm theo Quyết định số 04/QĐ-TCHQ ngày 05 tháng 01 năm 2006 của Tổng cục trưởng
Tổng cục Hải quan)
Phần I
QUI ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Qui chế quản lý và triển khai công nghệ thông tin (CNTT) trong
ngành Hải quan bao gồm các qui định về xây dựng kế hoạch CNTT hàng năm; các qui
định về đấu thầu mua sắm CNTT; các qui định về xây dựng, quản lý, sử dụng, khai
thác hệ thống CNTT và bảo đảm nguồn nhân lực CNTT được thực hiện thống nhất
trong ngành Hải quan.
Điều 2. Đối
tượng áp dụng
Qui chế này áp dụng cho tất cả
các đơn vị trong ngành Hải quan sử dụng nguồn kinh phí do ngân sách cấp, các
nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu không có điều kiện ràng buộc).
Điều 3.
Các thuật ngữ:
3.1. Hệ thống CNTT: Bao gồm
trang thiết bị tin học (phần cứng), hệ thống mạng cục bộ và mạng diện rộng (mạng),
phần mềm hệ thống và phần mềm ứng dụng (phần mềm), cơ sở dữ liệu về nghiệp vụ
và quản lý Hải quan (CSDL).
3.2. Bộ phận quản lý CNTT: Tại
Tổng cục là Cục CNTT và Thống kê (Cục CNTT&TK), tại các đơn vị Hải quan địa
phương là các Trung tâm dữ liệu hoặc phòng chức năng thuộc Cục Hải quan được
giao nhiệm vụ phụ trách về lĩnh vực CNTT tại đơn vị.
3.3. Nguồn nhân lực CNTT: là
toàn bộ cán bộ công chức Hải quan có tham gia vào việc xây dựng, triển khai, vận
hành và khai thác các hệ thống CNTT bao gồm:
a) Cán bộ lãnh đạo: Là các cấp
lãnh đạo tại trung ương và địa phương.
b) Cán bộ tin học chuyên trách:
là những cán bộ trực tiếp làm công tác tin học tại đơn vị.
c) Cán bộ sử dụng: là những cán
bộ vận hành, khai thác các hệ thống tin học ứng dụng tại đơn vị.
Phần II
XÂY DỰNG KẾ
HOẠCH CNTT HÀNG NĂM VÀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ ĐẦU TƯ, MUA SẮM VỀ CNTT
Điều 4. Xây
dựng kế hoạch CNTT hàng năm
4.1. Vào tháng 4 hàng năm theo
hướng dẫn của Tổng cục (Cục CNTT&TK), các Cục Hải quan và tương đương (sau
đây gọi tắt là các Cục Hải quan), các đơn vị trực thuộc cơ quan Tổng cục (các Vụ
Cục) căn cứ vào nhu cầu thực tế về ứng dụng CNTT của đơn vị mình xây dựng kế hoạch
đầu tư trang bị CNTT cho năm tới và gửi Cục CNTT & Thống kê. Nội dung kế hoạch
bao gồm: Báo cáo hiện trạng hạ tầng kỹ thuật, kế hoạch triển khai ứng dụng CNTT
và nhu cầu đầu tư trang bị CNTT của đơn vị.
4.2. Cục CNTT&TK tổng hợp
báo cáo nhu cầu đầu tư trang bị của các đơn vị. Trên cơ sở định hướng, kế hoạch
phát triển CNTT của ngành, qua khảo sát nắm bắt tình hình thực tế, Cục
CNTT&TK xây dựng kế hoạch kinh phí CNTT cho toàn ngành, gửi Vụ Kế hoạch Tài
chính (Vụ KHTC) để tổng hợp với các kế hoạch kinh phí khác trình Bộ phê duyệt.
4.3. Sau khi đã được Bộ phê duyệt
kế hoạch CNTT năm về nội dung và kinh phí, Vụ KHTC phối hợp với Cục CNTT&
Thống kê thông báo nội dung kế hoạch đã được duyệt và giao dự toán cho các đơn
vị để các đơn vị tổ chức đấu thầu mua sắm. Cục CNTT chịu trách nhiệm hướng dẫn
về tiêu chuẩn kỹ thuật làm cơ sở cho các đơn vị triển khai thực hiện.
4.4. Các đơn vị Hải quan sau
khi nhận được thông báo triển khai (hoặc giao dự toán) và hướng dẫn tiêu chuẩn
kỹ thuật của Tổng cục tiến hành tổ chức đấu thầu mua sắm theo đúng qui định hiện
hành và theo đúng nội dung, kế hoạch được duyệt.
4.5. Trong trường hợp đơn vị
thay đổi nội dung mua sắm hoặc phát sinh nhu cầu trang bị thêm so với dự toán
ngân sách năm được giao thì phải có báo cáo với Tổng cục để được xem xét quyết
định. Trình tự thực hiện cụ thể như sau:
- Đơn vị gửi báo cáo phát sinh
đến Cục CNTT&TK giải trình lý do và nhu cầu phát sinh cụ thể.
- Cục CNTT&TK nghiên cứu, đề
xuất phương án xử lý và trình Lãnh đạo Tổng cục phê duyệt.
- Vụ KHTC làm thủ tục báo cáo Bộ
xin bổ sung kinh phí theo nội dung đã được Lãnh đạo Tổng cục duyệt.
- Sau khi nhận được thông báo dự
toán ngân sách bổ sung, đơn vị triển khai đầu tư mua sắm theo qui định.
4.6. Định kỳ hàng năm, các Cục
Hải quan báo cáo với Tổng cục (Cục CNTT&Thống kê) về kết quả thực hiện kế
hoạch CNTT để tổng hợp, theo dõi.
Điều 5.
Phân cấp quản lý, triển khai CNTT
5.1. Cục CNTT&TK chịu trách
nhiệm xây dựng chiến lược, chính sách, kế hoạch về ứng dụng và phát triển CNTT
chung cho ngành Hải quan; tổ chức xây dựng, triển khai, duy trì các phần mềm hệ
thống, phần mềm ứng dụng dùng chung cho toàn ngành; thiết kế, triển khai, quản
trị hệ thống mạng diện rộng wan ngành Hải quan; đảm bảo trang bị đồng bộ cho Tổng
cục và các Cục Hải quan; thiết kế, xây dựng, triển khai thống nhất hệ thống an
ninh an toàn trong toàn ngành; xây dựng, đảm bảo kỹ thuật, an ninh an toàn cho
Trung tâm dữ liệu của Tổng cục; Quản lý, triển khai, bảo trì bảo dưỡng toàn bộ
các hệ thống CNTT triển khai trên địa bàn cơ quan Tổng cục.
5.2. Cục Hải quan chịu trách
nhiệm xây dựng, triển khai, quản lý, vận hành, duy trì các hệ thống CNTT tại trụ
sở Cục và các đơn vị trực thuộc Cục bao gồm: xây dựng, quản trị các mạng cục bộ
của đơn vị; thực hiện mua sắm các trang thiết bị phần cứng ngoại trừ các trang
thiết bị phần cứng theo dự án của Tổng cục trang bị; xây dựng phần mềm đặc thù
riêng của đơn vị; thực hiện bảo trì, bảo dưỡng hệ thống mạng cục bộ và trang
thiết bị của đơn vị; phối hợp với Tổng cục duy trì, đảm bảo kỹ thuật đối với các
hệ thống CNTT do Tổng cục triển khai.
5.3. Các đơn vị Hải quan cấp
Chi cục có trách nhiệm phối hợp với bộ phận quản lý CNTT trong việc quản lý, vận
hành, khai thác các hệ thống CNTT tại Chi cục.
Điều 6. Tổ
chức đấu thầu mua sắm
6.1. Tổng cục là chủ đầu tư, tổ
chức đấu thầu mua sắm tập trung các hệ thống CNTT theo phân cấp quản lý, triển
khai CNTT tại điều 5 khoản 5.1 hoặc có giá trị cho 1 lần mua sắm từ 500 triệu đồng
trở lên. Các Cục Hải quan là chủ đầu tư, tổ chức đấu thầu mua sắm theo phân cấp
quản lý, triển khai CNTT tại điều 5 khoản 5.2 và có giá trị dưới 500 triệu đồng
cho 1 lần mua sắm. Trường hợp mua sắm có giá trị dưới 200 triệu không nhất thiết
phải thông qua thủ tục đấu thầu.
6.2. Trường hợp Tổng cục là chủ
đầu tư:
a) Tổng cục trưởng phê duyệt
thành lập tổ chuyên gia đấu thầu, kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu, thẩm định
và phê duyệt kết quả đấu thầu có giá trị dưới 30 tỷ đồng cho 1 lần mua sắm. Trường
hợp đấu thầu có giá trị từ 30 tỷ đồng trở lên cho 1 lần mua sắm phải báo cáo Bộ
(Cục Tin học Thống kê Tài Chính) trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
b) Tổ chuyên gia đấu thầu có số
lượng là số lẻ, thành phần gồm 1 Lãnh đạo Tổng Cục (tổ trưởng), 1 lãnh đạo Cục
CNTT (tổ phó), 1 lãnh đạo Vụ KHTC (tổ phó) 2 - 3 cán bộ kỹ thuật Cục
CNTT&Thống kê, 1 chuyên viên Vụ Kế hoạch Tài chính. Trong trường hợp gói thầu
có liên quan đến nghiệp vụ thì có thêm 1 đại diện của Vụ Cục nghiệp vụ tại Tổng
cục, nếu đấu thầu mua sắm riêng cho 1 Cục Hải quan thì có thêm 1 đại diện của Cục
Hải quan.
6.3. Trường hợp Cục Hải quan là
chủ đầu tư:
a) Cục trưởng và tương đương
phê duyệt thành lập tổ chuyên gia đấu thầu, kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu,
thẩm định và phê duyệt kết quả đấu thầu.
b) Tổ chuyên gia đấu thầu có số
lượng là số lẻ, thành phần gồm 1 Lãnh đạo Cục (tổ trưởng), 1 phụ trách tin học
(tổ phó), 1 lãnh đạo văn phòng phụ trách tài vụ quản trị (tổ phó) và đại diện bộ
phận tin học, đại diện kế toán, cán bộ quản trị (2 - 4 uỷ viên). Trong trường hợp
gói thầu có liên quan đến nghiệp vụ thì có thêm 1 đại diện của bộ phận nghiệp vụ,
nếu đấu thầu mua sắm riêng cho 1 Chi cục Hải quan thì có thêm 1 đại diện của
Chi cục Hải quan.
6.4. Thủ tục mua sắm thực hiện
theo đúng các qui định hiện hành về đấu thầu mua sắm hàng hoá. Cục CNTT&Thống
kê (trường hợp đấu thầu tập trung tại Tổng cục) và bộ phận quản lý CNTT tại Cục
Hải quan (trường hợp các Cục Hải quan tự tổ chức đấu thầu) chịu trách nhiệm xây
dựng các yêu cầu kỹ thuật phục vụ đấu thầu mua sắm trên cơ sở tiêu chuẩn kỹ thuật
do Tổng cục ban hành hàng năm.
6.5. Đối với trường hợp mua sắm
linh kiện vật tư tin học hoặc trang thiết bị tin học có giá trị nhỏ mà theo qui
định không cần phải qua thủ tục đấu thầu, bộ phận quản lý CNTT có trách nhiệm đề
xuất mua sắm trên cơ sở nhu cầu thực tế nhằm đáp ứng kịp thời công việc của đơn
vị.
Điều 7. Triển
khai các dự án CNTT
7.1. Đối với các dự án do Tổng
cục đấu thầu tập trung, Tổng cục sẽ đứng ra ký hợp đồng; Vụ KHTC chịu trách nhiệm
bố trí kinh phí, thanh toán và quyết toán hợp đồng; Cục CNTT&Thống kê chịu
trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện hợp đồng và thực hiện
nghiệm thu khối lượng, kỹ thuật để làm cơ sở thanh quyết toán hợp đồng. Đối với
các dự án do Cục hải quan làm chủ đầu tư, Cục Hải quan ký hợp đồng và bộ phận
CNTT là đầu mối tổ chức triển khai thực hiện hợp đồng.
7.2. Quá trình triển khai, nghiệm
thu, bàn giao hệ thống CNTT phải có sự tham gia, xác nhận của đơn vị sử dụng và
bộ phận quản lý CNTT của đơn vị. Khi bàn giao trang thiết bị, phần mềm phải tiến
hành đồng thời bàn giao giá trị sản xuất. Trường hợp khi bàn giao mà chưa xác định
được giá trị chính thức tài sản thì giá trị bàn giao được tạm tính theo giá hợp
đồng (bao gồm cả các chi phí liên quan tính vào giá trị từng tài sản theo
phương pháp phân bổ); sau khi dự án quyết toán chính thức nếu có chênh lệch thì
hạch toán tăng giảm bổ sung.
7.3. Việc quyết toán vốn đầu tư
dự án CNTT thực hiện theo qui định hiện hành. Vụ KHTC chịu trách nhiệm thẩm định
và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt báo cáo quyết toán vốn đầu tư đối với các
dự án đầu tư CNTT mà cấp Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan trở lên có quyết định
phê duyệt dự án. Đối với các dự án còn lại, thủ trưởng đơn vị tổ chức thẩm tra
quyết toán, chịu trách nhiệm về kết quả đầu tư mua sắm, đồng thời tập hợp giá
trị quyết toán và báo cáo quyết toán chi ngân sách hàng năm của đơn vị.
Phần III
QUI ĐỊNH VỀ
TRANG THIẾT BỊ TIN HỌC
Điều 8. Định
nghĩa trang thiết bị tin học
8.1. Trang thiết bị tin học bao
gồm:
a) Máy tính: Máy chủ (server),
máy trạm (PC), máy tính xách tay (notebook).
b) Máy in: Máy in kim, máy in
phun, máy in laser,...
c) Thiết bị mạng: Thiết bị kết
nối mạng cục bộ và mạng diện rộng như bộ chuyển mạch (switch), bộ phân kênh
(hub), bộ định tuyến (router), modem,...
d) Thiết bị nguồn: ổn áp (AVR),
lưu điện (UPS)...
e) Thiết bị lưu trữ: ổ băng từ,
ổ quang từ, ổ đọc ghi CDROM, ổ đĩa cứng ngoài
f) Thiết bị bảo mật: bức tường
lửa (firewall), thiết bị dò, chống xâm nhập trái phép (IPS, IDS),...
g) Thiết bị đảm bảo an toàn cho
máy tính: thiết bị chống sét lan truyền.
8.2. Linh kiện vật tư tin học:
bao gồm các phụ kiện, vật tư có giá trị nhỏ như con chuột, ổ đĩa cứng, các vi mạch,
các đầu nối và dây cáp mạng, đĩa mềm, băng từ, đĩa quang từ MO, .... không thuộc
đối tượng quản lý của phần III này.
Điều 9. Quản
lý trang thiết bị tin học
9.1. Bộ phận quản lý CNTT chịu
trách nhiệm quản lý việc phân bổ, sử dụng hệ thống CNTT; Văn phòng quản lý về
tài sản cố định; Cục CNTT&Thống kê quản lý về tài sản cố định đối với hệ thống
CNTT tại Tổng cục (bao gồm cả hạch toán, kế toán tài sản cố định).
9.2. Các đơn vị Hải quan sau
khi tiếp nhận các thiết bị tin học mới phải thực hiện các thủ tục quản lý tài sản
theo đúng quy định.
9.3. Bộ phận quản lý CNTT phải
có hồ sơ quản lý thiết bị tin học bao gồm một số tiêu chí cơ bản sau: Mã số thiết
bị, tên thiết bị, đơn vị/người sử dụng, số serie, cấu hình cơ bản, ngày trang bị,
đơn vị cung cấp, thời hạn bảo hành, điều kiện bảo hành, quá trình sử dụng. Các
thiết bị tin học phải được dán tem để theo dõi quản lý.
9.4. Cuối năm các đơn vị tiến
hành kiểm kê tài sản cố định trong đó có thiết bị tin học, phân loại những thiết
bị đã bị hỏng, thiết bị cần sửa chữa, nâng cấp, Thực hiện thanh lý đối với các
thiết bị tin học đã hết khấu hao và không còn sử dụng được.
Điều 10. Bảo
hành, sửa chữa và bảo dưỡng định kỳ thiết bị tin học
10.1. Khi thiết bị tin học gặp
sự cố kỹ thuật, đơn vị sử dụng cần thông báo cho bộ phận quản lý CNTT biết để
kiểm tra, xử lý.
10.2. Bộ phận quản lý CNTT đề
xuất phương án xử lý sự cố. Trường hợp những sự cố bình thường có thể khắc phục
được ngay thì tiến hành khắc phục, trường hợp không thể khắc phục được thì đem
đi sửa chữa, bảo hành.
10.3. Bộ phận quản lý CNTT phải
ghi chép và theo dõi về các trường hợp hỏng hóc và quá trình sửa chữa, khắc phục.
10.4. Định kỳ 3 tháng hoặc 6
tháng đơn vị phải thực hiện việc bảo dưỡng thiết bị tin học bao gồm các công việc
như hút bụi bên trong máy tính, lau chùi vỏ máy, bàn phím, ổ đĩa mềm, diệt
virus, dọn dẹp dữ liệu,...
10.5. Tuỳ theo điều kiện thực tế
của từng đơn vị, bộ phận quản lý CNTT có thể đề xuất thuê bên ngoài bảo dưỡng,
bảo trì hệ thống, kinh phí thuê bảo trì bảo dưỡng nằm trong kế hoạch CNTT hàng
năm.
10.6. Để đảm bảo duy trì hệ thống
vận hành liên tục, đơn vị cần có thiết bị dự trữ thay thế nóng hoặc có phương
án xử lý đảm bảo có thiết bị thay thế trong thời gian ngắn nhất khi xảy ra sự cố
hỏng hóc thiết bị.
Điều 11.
Thanh lý trang thiết bị tin học
11.1. Thời gian thanh lý đối với
máy tính là 6 năm.
11.2. Đối với các trang thiết bị
tin học đã hết khấu hao, các thiết bị hỏng nhưng chi phí sửa chữa cao và không
hiệu quả hơn so với mua mới, các thiết bị đã trang bị quá lâu, chưa bị hư hỏng
nhưng không đáp ứng được yêu cầu công việc đơn vị có thể tiến hành thanh lý.
Phần IV
QUI ĐỊNH VỀ
PHẦN MỀM
Điều 12. Phần
mềm tin học bao gồm:
12.1. Các phần mềm hệ thống: hệ
điều hành, hệ quản trị CSDL, phần mềm văn phòng,...
12.2. Các phần mềm ứng dụng do
Tổng cục triển khai thống nhất trong toàn ngành và các phần mềm ứng dụng do các
Cục Hải quan tự xây dựng.
Điều 13.
Xây dựng phần mềm
13.1. Cục CNTT&TK chủ trì
việc cung cấp các phần mềm hệ thống và xây dựng các phần mềm ứng dụng dùng
chung trong toàn ngành. Các Cục Hải quan được phép tự trang bị phần mềm hệ thống
và phần mềm ứng dụng nhưng phải báo cáo và được sự chấp thuận của Tổng cục (Cục
CNTT&Thống kê).
13.2. Các Cục Hải quan chỉ được
phép tự xây dựng phần mềm riêng khi chưa có phần mềm dùng chung của Tổng cục và
phần mềm này không nằm trong kế hoạch triển khai của Tổng cục trong 1 - 2 năm tới.
Ngoài ra phần mềm này phải có đề án cụ thể được Tổng cục phê duyệt.
13.3. Đối với những phần mềm do
Cục Hải quan tự xây dựng, khi nghiệm thu phải có ý kiến của Tổng cục (Cục
CNTT&Thống kê). Những phần mềm này chỉ được áp dụng nội bộ trong đơn vị,
không được tự ý triển khai sang các Cục Hải quan khác. Trong trường hợp phần mềm
sử dụng có hiệu quả, Tổng cục sẽ xem xét để triển khai mở rộng.
13.4. Quá trình xây dựng và triển
khai phần mềm phải thực hiện tuần tự qua các bước khảo sát, xác định yêu cầu
người sử dụng, phân tích, thiết kế, viết chương trình và chạy thử nghiệm thực tế.
Việc xây dựng phần mềm phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ phận quản lý CNTT,
bộ phận nghiệp vụ và đơn vị Hải quan sẽ triển khai chương trình.
Điều 14.
Triển khai phần mềm
14.1. Cục CNTT&TK chịu
trách nhiệm triển khai phần mềm trong toàn ngành. Bộ phận quản lý CNTT và đơn vị
Hải quan nơi triển khai chương trình có trách nhiệm phối hợp với Cục
CNTT&TK trong quá trình triển khai để đạt được kết quả tốt.
14.2. Đối với những phần mềm
không quá phức tạp, Cục CNTT&TK tổ chức tập huấn cho các cán bộ tin học
chuyên trách của các Cục hải quan địa phương để về tự triển khai tại đơn vị
mình.
14.3. Việc triển khai được coi
là hoàn thành khi phần mềm được áp dụng trên thực tế, đầy đủ các chức năng đúng
theo thiết kế và có biên bản xác nhận của đơn vị sử dụng.
Điều 15.
Quản lý, vận hành, khai thác phần mềm
15.1. Các phần mềm sử dụng tại
đơn vị cần phải có hồ sơ theo dõi quản lý. Tuỳ theo loại phần mềm hệ thống hay phần
mềm ứng dụng gồm các chỉ tiêu như: tên phần mềm, mô tả chức năng, loại phần mềm,
hãng sản xuất, đơn vị cung cấp, ngày sử dụng, máy chủ cài đặt, tên cán bộ cài đặt,
tình trạng sử dụng, diễn biến cập nhật, số liệu bản quyền.
15.2. Các đơn vị Hải quan có
trách nhiệm duy trì phần mềm hoạt động thường xuyên, hướng dẫn cho cán bộ sử dụng
vận hành và khai thác đầy đủ các chức năng của chương trình. Việc sử dụng, khai
thác phần mềm phải thực hiện theo đúng các qui định, hướng dẫn sử dụng của chương
trình đó.
15.3. Cán bộ được giao nhiệm vụ
xây dựng và quản lý phần mềm có trách nhiệm lưu trữ, bảo quản chương trình nguồn
và tài liệu hướng dẫn đầy đủ.
Điều 16. Sửa
chữa lỗi, cập nhật, nâng cấp phần mềm
16.1. Trong trường hợp phần mềm
gặp sự cố, nếu là lỗi do cài đặt, cấu hình hoặc thao tác không đúng thì bộ phận
quản lý CNTT của đơn vị chủ động khắc phục. Nếu là lỗi do phần mềm thì bộ phận
quản lý CNTT của đơn vị phải báo cáo với Tổng cục, mô tả chi tiết lỗi để có hướng
xử lý khắc phục kịp thời.
16.2. Cục CNTT&TK phối hợp
với đơn vị cung cấp phần mềm có trách nhiệm sửa chữa lỗi, cập nhật, nâng cấp phần
mềm. Việc sửa chữa lỗi, cập nhật, nâng cấp phần mềm được thực hiện trên cơ sở
báo cáo, đề xuất qua thực tế của các đơn vị.
16.3. Các đơn vị không được tự
ý sửa đổi chương trình phần mềm. Nghiêm cấm việc sử dụng phần mềm của ngành vào
việc riêng hoặc cài đặt ra bên ngoài.
Phần V
QUI ĐỊNH VỀ
QUẢN TRỊ MẠNG
Điều 17.
Quản trị mạng bao gồm các công việc
17.1. Quản lý các thiết bị mạng
và quản lý đường truyền thông
17.2. Quản lý và đặt cấu hình trên
các phần mềm hệ thống phục vụ cho việc hoạt động của mạng.
17.3. Quản lý và cấp phát tài
nguyên trên mạng cho người sử dụng.
17.4. Xây dựng và quản lý các
chính sách an ninh trên mạng.
Điều 18.
Cán bộ quản trị mạng
18.1. Mỗi hệ thống mạng diện rộng,
mạng cục bộ phải có một hoặc một nhóm người có chức năng thực hiện các công việc
quản trị mạng, được gọi chung là cán bộ quản trị mạng.
18.2. Đối với mạng diện rộng
ngành Hải quan và mạng cục bộ tại cơ quan Tổng cục, việc quản trị mạng do Cục
CNTT&TK đảm nhiệm. Đối với các mạng cục bộ ở các đơn vị Hải quan địa
phương, việc quản trị mạng do bộ phận quản lý CNTT đảm nhiệm.
18.3. Cán bộ quản trị mạng quản
lý toàn bộ hồ sơ mạng, mật khẩu quyền cao nhất và chính sách an ninh mạng. Việc
quản lý mật khẩu cao nhất và chính sách an ninh mạng được thực hiện theo chế độ
quản lý hồ sơ mật. Lãnh đạo đơn vị giữ một bản sao chụp toàn bộ hồ sơ này.
18.4. Cán bộ quản trị mạng phải
thường xuyên theo dõi tình hình hoạt động của hệ thống mạng, duy trì hệ thống mạng
hoạt động ổn định, thông suốt, có trách nhiệm đề xuất với Lãnh đạo các biện
pháp đảm bảo kỹ thuật, an ninh cho hệ thống mạng.
Phần VI
QUẢN TRỊ CƠ SỞ
DỮ LIỆU
Điều 19.
Quản trị CSDL là
19.1. Tổ chức quản lý, lưu trữ
CSDL trên máy chủ và thiết bị lưu trữ.
19.2. Sao lưu trữ, bảo quản các
bản sao lưu dữ liệu.
19.3. Khôi phục dữ liệu trong
trường hợp dữ liệu bị hỏng hoặc bị mất
19.4. Bảo mật và phân quyền
truy cập, khai thác dữ liệu.
Điều 20. Mỗi trung tâm dữ liệu hoặc bộ phận quản lý CNTT ở Hải quan địa
phương cử tối thiểu 01 cán bộ quản trị CSDL trên hệ thống máy chủ của đơn vị.
Cán bộ quản trị CSDL có nhiệm vụ:
20.1. Thực hiện sao lưu dữ liệu
hàng ngày ra thiết bị lưu trữ như băng từ, đĩa quang, đĩa cứng.
20.2. Định kỳ hàng tháng và
hàng năm phải sao lưu toàn bộ dữ liệu cất tại nơi an toàn.
20.3. Các thiết bị lưu trữ phải
được quản lý và bảo quản tại những vị trí an toàn, có điều kiện môi trường tốt
không bị hư hỏng do để lâu, ít nguy cơ bị cháy nổ, ảnh hưởng của từ trường,...
Điều 21.
Cung cấp số liệu
21.1. Dữ liệu Hải quan là bí mật
Quốc gia không được tự ý cung cấp hoặc để lộ thông tin ra bên ngoài.
21.2. Dữ liệu chỉ được cung cấp
ra bên ngoài khi có yêu cầu khai thác hợp pháp, được Lãnh đạo đơn vị phê duyệt.
Phần VII
QUI ĐỊNH VỀ
NGUỒN NHÂN LỰC CNTT
Điều 22. Các đơn vị có trách nhiệm đảm bảo nguồn nhân lực CNTT để triển khai,
vận hành các hệ thống CNTT tại đơn vị.
Điều 23. Đào tạo về CNTT là một hạng mục nằm trong kế hoạch CNTT hàng năm của
ngành. Tổng cục và các Cục Hải quan phối hợp với các đơn vị chức năng trong và
ngoài ngành tổ chức các lớp đào tạo để nâng cao trình độ tin học cho cán bộ
trong đơn vị trên cơ sở kế hoạch và kinh phí được phê duyệt.
Điều 24. Nội dung đào tạo bao gồm đào tạo tin học văn phòng, đào tạo sử dụng
các phần mềm ứng dụng trong công tác nghiệp vụ, đào tạo chuyên sâu về CNTT. Đối
tượng đào tạo bao gồm cán bộ lãnh đạo, cán bộ tin học chuyên trách và cán bộ sử
dụng. Hình thức đào tạo có thể là đào tạo tập trung hoặc tổ chức theo từng địa
phương.
Điều 25. Cục CNTT&TK chịu trách nhiệm tổ chức các khoá đào tạo chuyên sâu
về CNTT và đào tạo phần mềm ứng dụng trong công tác nghiệp vụ. Bộ phận quản lý
CNTT của các đơn vị Hải quan chịu trách nhiệm đào tạo tin học văn phòng cho cán
bộ sử dụng tại đơn vị.
Điều 26. Các cán bộ nghiệp vụ có sử dụng phần mềm ứng dụng trong công việc của
mình bắt buộc phải qua đào tạo sử dụng chương trình. Cán bộ sau khi đã được đào
tạo phải vận dụng được những kiến thức đã học để áp dụng trên thực tế, sử dụng
và khai thác tốt các chương trình tin học đang ứng dụng tại đơn vị.
Phần VIII
QUI ĐỊNH VỀ BẢO
ĐẢM AN TOÀN, AN NINH HỆ THỐNG
Điều 27. Bảo
đảm môi trường an toàn cho trang thiết bị
27.1. Các Cục Hải quan phải bố
trí phòng máy riêng để tập trung máy chủ, thiết bị lưu trữ, backup, thiết bị mạng...
Phòng máy phải có nội quy sử dụng, có thiết kế có hệ thống chống sét, chống
cháy nổ, hệ thống điều hoà, hệ thống điện dự phòng... để đảm bảo môi trường an
toàn cho hệ thống trang thiết bị hoạt động.
27.2. Đối với những đơn vị
không có điều kiện thành lập phòng máy riêng thì cũng phải bố trí hệ thống máy
chủ tại những vị trí đảm bảo điều kiện môi trường an toàn về điện lưới, nhiệt độ,
chống sét,....
Điều 28. Bảo
đảm an ninh hệ thống
28.1. Các hệ thống tin học phải
có cơ chế bảo đảm an ninh chặt chẽ bao gồm qui chế sử dụng hệ thống, chính sách
an ninh mạng, chính sách quản trị CSDL....
28.2. Việc cấp phát quyền hạn
truy cập, khai thác tài nguyên trên mạng và truy cấp CSDL phải đảm bảo chặt chẽ,
đúng mục đích sử dụng.
28.3. Việc truy cập mạng
Internet phải có qui chế cụ thể, không được sử dụng tự do, tuỳ tiện dễ gây ra
việc phá hoại hệ thống từ bên ngoài.
28.4. Định kỳ hàng tuần cập nhật
chương trình diệt virus và các bản vá lỗi trên hệ thống máy tính.
Phần IX
QUY ĐỊNH KHÁC
Điều 29. Sử
dụng các hệ thống tin học
29.1. Cán bộ sử dụng có trách
nhiệm bảo quản, sử dụng trang thiết bị và phần mềm do mình quản lý đúng mục
đích, qui trình ban hành.
29.2. Cán bộ sử dụng phải chịu
trách nhiệm tự bảo quản và giữ bí mật mật khẩu vào mạng và mật khẩu sử dụng chương
trình của mình, không được tiết lộ cho người khác. Mật khẩu nên thay đổi thường
xuyên.
Điều 30.
Theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn xử lý các vấn đề về CNTT
30.1. Cục CNTT&TK chịu
trách nhiệm theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện ứng dụng CNTT chung trong
toàn Ngành, bộ phận quản lý CNTT tại địa phương chịu trách nhiệm thực hiện việc
theo dõi, quản lý trong địa bàn do mình quản lý.
30.2. Trong trường hợp có những
vướng mắc liên quan đến CNTT, bộ phận quản lý CNTT tại đơn vị chủ động giải quyết.
Nếu không xử lý được, bộ phận quản lý CNTT phải báo cáo với Cục CNTT&TK để
có hướng dẫn xử lý cụ thể.
Phần X
TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
Điều 31. Mọi cán bộ, công chức Hải quan có sử dụng hệ thống CNTT phải tuân thủ
các qui định trong qui chế này.
Điều 32. Cục CNTT&TK là đơn vị đầu mối quản lý, theo dõi và tổ chức thực
hiện, các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục, các Cục Hải quan tỉnh, thành phố chịu
trách nhiệm tổ chức thực hiện trong nội bộ đơn vị theo đúng qui chế này./.