CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 77/2017/NĐ-CP
|
Hà Nội, ngày 03
tháng 07 năm 2017
|
NGHỊ ĐỊNH
QUY
ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ TẠI CỬA KHẨU CẢNG
Căn cứ Luật tổ chức
Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Bộ luật
hàng hải Việt Nam ngày 25 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật nhập cảnh,
xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 16 tháng
6 năm 2014;
Căn cứ Luật giao
thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao
thông đường thủy nội địa ngày 17 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật biển
Việt Nam ngày 21 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật biên
giới quốc gia ngày 17 tháng 6 năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh Bộ
đội Biên phòng ngày 28 tháng 3 năm 1997;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về quản
lý, bảo vệ an ninh, trật tự tại cửa khẩu cảng.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này quy định:
a) Thủ tục biên phòng; kiểm tra, giám sát biên
phòng; cấp thị thực, Giấy phép đi bờ của thuyền viên, Giấy phép xuống tàu và Giấy
phép do Bộ đội Biên phòng cấp tại cửa khẩu cảng;
b) Quản lý hoạt động liên quan đến an ninh, trật tự
của người Việt Nam, người nước ngoài, tàu thuyền Việt Nam, tàu thuyền mang cờ
quốc tịch nước ngoài (sau đây viết chung là tàu thuyền nước ngoài) và các loại
phương tiện khác của Việt Nam, nước ngoài tại cửa khẩu cảng;
c) Trách nhiệm của các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân
các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây viết chung là Ủy ban nhân
dân cấp tỉnh) có cửa khẩu cảng, các cơ
quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng; lực lượng chức năng, chính quyền địa
phương và doanh nghiệp cảng trong hoạt động quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự tại
cửa khẩu cảng.
2. Cảng quân sự phục vụ mục đích quốc phòng, an
ninh không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.
3. Trường hợp cảng quân sự phục vụ mục đích thương
mại thực hiện theo quy định của Nghị định này và các quy định của pháp luật có
liên quan.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân, tàu thuyền và các loại
phương tiện khác của Việt Nam, nước ngoài ra, vào, hoạt động tại cửa khẩu cảng.
2. Nghị định này không áp dụng đối với tàu quân sự
nước ngoài đến nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tàu thuyền và các
phương tiện khác của Quân đội nhân dân Việt Nam, Công an nhân dân Việt Nam đang
làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh tại cửa khẩu cảng.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Cửa khẩu cảng bao gồm cửa khẩu cảng biển và cửa
khẩu cảng thủy nội địa:
a) Cửa khẩu cảng biển là phạm vi cảng biển, bến cảng,
cầu cảng; cảng dầu khí ngoài khơi do Bộ Giao thông vận tải hoặc Cục Hàng hải Việt
Nam công bố mở theo thẩm quyền được pháp luật quy định cho tàu thuyền Việt Nam,
tàu thuyền nước ngoài đến, rời để bốc dỡ hàng hóa, đón trả hành khách và thực
hiện hoạt động khác.
Cửa khẩu cảng biển bao gồm cả cảng thủy nội địa, bến
thủy nội địa, cảng cá nằm trong vùng nước cảng biển.
b) Cửa khẩu cảng thủy nội địa là phạm vi cảng thủy
nội địa, bến thủy nội địa do Bộ Giao thông vận tải hoặc Cục Đường thủy nội địa
Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải công bố mở theo thẩm quyền được pháp luật
quy định cho tàu thuyền Việt Nam, tàu thuyền nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh,
chuyển cảng để bốc dỡ hàng hóa, đón trả hành khách và thực hiện hoạt động khác.
Cửa khẩu cảng thủy nội địa bao gồm cả bến thủy nội
địa có vùng nước trước cầu cảng thuộc vùng nước cửa khẩu cảng thủy nội địa.
2. Tàu thuyền nhập cảnh là tàu thuyền Việt Nam, tàu
thuyền nước ngoài từ vùng biển ngoài vùng biển Việt Nam vào vùng biển Việt Nam
qua biên giới quốc gia trên biển của Việt Nam, trừ trường hợp đi qua không gây
hại quy định tại Điều 23 Luật biển Việt Nam ngày 21 tháng 6
năm 2012.
3. Tàu thuyền xuất cảnh là tàu thuyền Việt Nam rời
khỏi vùng biển Việt Nam, tàu thuyền nước ngoài rời khỏi biên giới quốc gia trên
biển của Việt Nam, trừ trường hợp đi qua không gây hại quy định tại Điều 23 Luật biển Việt Nam ngày 21 tháng 6 năm 2012.
4. Tàu thuyền quá cảnh là tàu
thuyền nước ngoài đi qua, lưu lại khu vực biên giới biển Việt Nam để đi nước thứ
ba, trừ trường hợp đi qua không gây hại quy định tại Điều 23
Luật biển Việt Nam ngày 21 tháng 6 năm 2012; tàu
thuyền đi theo tuyến quá cảnh quy định tại Hiệp
định giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia
Campuchia về vận tải đường thủy.
5. Tàu thuyền chuyển cảng là tàu thuyền nước ngoài,
tàu thuyền Việt Nam có thuyền viên nước ngoài, hành khách nước ngoài đi trên
tàu thuyền đã làm thủ tục nhập cảnh tại một cửa khẩu cảng của Việt Nam và sau
đó di chuyển đến một cửa khẩu cảng khác của Việt Nam.
6. Biên phòng cửa khẩu cảng là các đơn vị trực thuộc
Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bao gồm Ban
chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng và đồn Biên phòng cửa khẩu cảng.
7. Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng
bao gồm Biên phòng cửa khẩu cảng, Hải quan cửa khẩu cảng, Cảng vụ hàng hải tại
cửa khẩu cảng biển, Cảng vụ đường thủy nội địa tại cửa khẩu cảng thủy nội địa,
Kiểm dịch y tế quốc tế, Kiểm dịch động vật, Kiểm dịch thực vật.
8. Thủ tục biên phòng tại cửa khẩu cảng là trình tự,
cách thức thực hiện, hồ sơ, yêu cầu, điều kiện người làm thủ tục và Biên phòng
cửa khẩu cảng phải thực hiện để giải quyết cho người, tàu thuyền Việt Nam xuất
cảnh, nhập cảnh; người, tàu thuyền nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh,
chuyển cảng tại cửa khẩu cảng.
Thủ tục biên phòng tại cửa khẩu cảng bao gồm thủ tục
nhập cảnh, thủ tục xuất cảnh, thủ tục quá cảnh, thủ tục chuyển cảng đi và thủ tục
chuyển cảng đến.
9. Thủ tục biên phòng thực hiện theo cách thức điện
tử là việc người làm thủ tục và Biên phòng cửa khẩu cảng thực hiện thủ tục biên
phòng thông qua các bản khai điện tử.
10. Thủ tục biên phòng thực hiện theo cách thức thủ
công là việc người làm thủ tục và Biên phòng cửa
khẩu cảng thực hiện thủ tục biên phòng thông qua các bản khai giấy.
11. Kiểm tra, giám sát biên phòng tại cửa khẩu cảng
là việc Bộ đội Biên phòng tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để xem xét, đánh
giá, xác định tính hợp lệ, hợp pháp của các loại giấy tờ và hoạt động của người,
phương tiện ra, vào cửa khẩu cảng để duy
trì pháp luật, giữ gìn an ninh, trật tự, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử
lý các hành vi vi phạm pháp luật tại cửa khẩu cảng.
12. Giấy phép quy định tại điểm a
khoản 1 Điều 1 Nghị định này là loại giấy tờ do Biên phòng cửa khẩu cảng cấp,
cho phép người Việt Nam, người nước ngoài được xuống tàu thuyền nước ngoài, người
nước ngoài được xuống tàu thuyền Việt Nam neo đậu tại cảng thực hiện các hoạt động
báo chí, nghiên cứu khoa học, thăm quan; người Việt Nam, người nước ngoài điều
khiển phương tiện cập mạn tàu thuyền nước ngoài; thuyền viên nước ngoài được
nghỉ qua đêm trên bờ hoặc xuống các tàu thuyền khác đang neo đậu tại cảng.
13. Người trốn trên tàu là người bí mật ẩn nấp ở
trong tàu thuyền hoặc hàng hóa được xếp xuống tàu mà không được phép của chủ
tàu, thuyền trưởng hoặc bất kỳ người có trách nhiệm nào khác và bị phát hiện
trên tàu trước khi tàu thuyền đó rời cảng, trên đường hành trình hoặc trong
hàng hóa trong khi dỡ hàng ở cảng đến.
Chương II
THỦ TỤC BIÊN PHÒNG; KIỂM
TRA, GIÁM SÁT BIÊN PHÒNG; CẤP THỊ THỰC VÀ CÁC LOẠI GIẤY PHÉP DO BỘ ĐỘI BIÊN
PHÒNG CẤP TẠI CỬA KHẨU CẢNG
Mục 1. THỦ TỤC BIÊN PHÒNG
Tiểu mục 1. ÁP DỤNG THỦ TỤC
BIÊN PHÒNG ĐỐI VỚI TÀU THUYỀN NHẬP CẢNH, XUẤT CẢNH, QUÁ CẢNH, CHUYỂN CẢNG
Điều 4. Tàu thuyền nhập cảnh
Tàu thuyền nhập cảnh, thuyền viên, hành khách đi
trên tàu thuyền nhập cảnh khi vào khu vực biên giới biển Việt Nam phải làm thủ
tục nhập cảnh tại cửa khẩu cảng đầu tiên nơi tàu thuyền đến.
Điều 5. Tàu thuyền xuất cảnh
1. Tàu thuyền nước ngoài xuất cảnh, thuyền viên,
hành khách đi trên tàu thuyền nước ngoài xuất cảnh, trước khi rời khỏi biên giới
quốc gia trên biển của Việt Nam, phải làm thủ tục xuất cảnh tại cửa khẩu cảng
cuối cùng nơi tàu thuyền đi.
2. Tàu thuyền Việt Nam xuất cảnh, thuyền viên, hành
khách đi trên tàu thuyền Việt Nam xuất cảnh, trước khi rời khỏi vùng biển Việt
Nam, phải làm thủ tục xuất cảnh tại cửa khẩu cảng cuối cùng nơi tàu thuyền đi.
Điều 6. Tàu thuyền quá cảnh
1. Tàu thuyền quá cảnh phải làm thủ tục quá cảnh
khi vào khu vực biên giới biển Việt Nam.
2. Trong thời gian quá cảnh, trên đường hành trình
quá cảnh, thuyền trưởng phải chịu trách nhiệm quản lý thuyền viên, hành khách,
hàng hóa trên tàu thuyền, giữ nguyên trạng thái niêm phong và hồ sơ biên phòng;
không được để người xuống tàu thuyền, rời tàu thuyền, phương tiện cập mạn tàu
thuyền và thực hiện các hoạt động khác khi chưa được cơ quan có thẩm quyền của
Việt Nam cho phép, trừ cán bộ, nhân viên, phương tiện của các cơ quan quản lý
nhà nước chuyên ngành tại cảng, hoa tiêu, người làm thủ tục thực hiện nhiệm vụ
và nhân viên y tế xuống tàu cấp cứu cho thuyền viên, hành khách.
Điều 7. Tàu thuyền chuyển cảng
Tàu thuyền chuyển cảng phải làm các thủ tục sau:
1. Thủ tục chuyển cảng đi trước khi rời một cửa khẩu
cảng để di chuyển đến một cửa khẩu cảng khác của Việt Nam.
2. Thủ tục chuyển cảng đến khi đến một cửa khẩu cảng
từ một cửa khẩu cảng khác của Việt Nam.
Tiểu mục 2. THỜI ĐIỂM HOÀN
THÀNH THỦ TỤC BIÊN PHÒNG; TRÁCH NHIỆM TRONG THỰC HIỆN THỦ TỤC BIÊN PHÒNG
Điều 8. Thời điểm hoàn thành thủ
tục biên phòng
1. Đối với tàu thuyền
a) Thời điểm xác định hoàn thành thủ tục biên phòng
theo cách thức điện tử là thời điểm người làm thủ tục nhận được xác nhận hoàn
thành thủ tục biên phòng điện tử đối tàu thuyền nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh,
chuyển cảng;
b) Thời điểm xác định hoàn thành thủ tục biên phòng
theo cách thức thủ công là thời điểm Biên phòng cửa khẩu cảng thực hiện kiểm chứng
xong vào bản khai chung đối với tàu thuyền nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh; niêm
phong hồ sơ chuyển cảng đối với tàu thuyền chuyển cảng đi; tiếp nhận, kiểm tra
xong hồ sơ chuyển cảng đối với tàu thuyền chuyển cảng đến.
2. Đối với thuyền viên, hành khách
a) Thời điểm xác định hoàn thành thủ tục biên phòng
đối với thuyền viên nước ngoài đi trên tàu thuyền thực hiện thủ tục biên phòng
theo cách thức điện tử là thời điểm người làm thủ tục nhận được xác nhận hoàn
thành thủ tục biên phòng điện tử đối tàu thuyền nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh,
chuyển cảng;
b) Thời điểm xác định hoàn thành thủ tục biên phòng
đối với thuyền viên nước ngoài đi trên tàu thuyền thực hiện thủ tục biên phòng
theo cách thức thủ công là thời điểm Biên phòng cửa khẩu cảng thực hiện kiểm chứng
xong vào danh sách thuyền viên;
c) Thời điểm hoàn thành thủ tục biên phòng đối với
thuyền viên Việt Nam và hành khách là thời điểm Biên phòng cửa khẩu cảng kiểm
chứng xong vào hộ chiếu của thuyền viên, hành khách.
Điều 9. Trách nhiệm trong thực
hiện thủ tục biên phòng
1. Trách nhiệm của Biên phòng cửa khẩu cảng
a) Thực hiện thủ tục biên phòng 24/24 giờ hằng
ngày;
b) Tiếp nhận, kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ và kiểm
chứng theo quy định các loại giấy tờ do người làm thủ tục nộp và xuất trình;
c) Sau khi hoàn thành thủ tục biên phòng, Biên
phòng cửa khẩu cảng phải trả lại giấy tờ do người làm thủ tục xuất trình, trừ
trường hợp có quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm đối với giấy tờ
đó theo quy định của pháp luật để đảm bảo việc xử lý vi phạm hoặc tạm giữ giấy
tờ cho đến khi cá nhân, tổ chức vi phạm chấp hành xong quyết định xử lý của cơ
quan có thẩm quyền;
d) Tiếp nhận, giải quyết theo thẩm quyền được pháp
luật quy định các đề nghị của người làm thủ tục.
2. Trách nhiệm của người làm thủ tục
a) Khai, nộp và xuất trình
các loại giấy tờ theo quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật
có liên quan;
b) Thực hiện các quyết định và yêu cầu của Biên
phòng cửa khẩu cảng theo quy định của pháp luật khi làm thủ tục biên phòng;
c) Trước, trong hoặc sau khi làm thủ tục biên
phòng, nếu phát hiện người trốn trên tàu thuyền, thuyền trưởng phải áp dụng các
biện pháp ngăn chặn cần thiết theo từng trường hợp và điều kiện cụ thể tiến
hành lập hồ sơ, bảo vệ tài liệu, vật chứng, quản lý, giám sát chặt chẽ người trốn
trên tàu thuyền, đồng thời thông báo ngay cho Biên phòng cửa khẩu cảng để phối
hợp với các cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền.
Tiểu mục 3. THỰC HIỆN THỦ TỤC
BIÊN PHÒNG THEO CÁCH THỨC ĐIỆN TỬ
Điều 10. Thực hiện thủ tục
biên phòng thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia
1. Thủ tục biên phòng theo cách thức điện tử được
thực hiện thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia theo quy định của pháp luật
về cơ chế một cửa quốc gia.
2. Trường hợp Cổng thông tin một cửa quốc gia có sự
cố, người làm thủ tục được thực hiện thủ tục biên phòng theo cách thức điện tử
thông qua Cổng thông tin thủ tục biên phòng điện tử cảng biển do Thủ tướng
Chính phủ quy định hoặc theo cách thức thủ công quy định tại các Điều
12, 13, 14, 15, 16, 17 Nghị định này.
Điều 11. Đối tượng áp dụng thủ
tục biên phòng theo cách thức điện tử
1. Tàu thuyền Việt Nam nhập cảnh, xuất cảnh.
2. Tàu thuyền nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá
cảnh, chuyển cảng.
3. Tàu thuyền được cơ quan có thẩm quyền của Việt
Nam cấp giấy phép hoặc có văn bản cho phép đến cảng, bao gồm:
a) Tàu thuyền nước ngoài có động cơ chạy bằng năng
lượng hạt nhân hoặc tàu thuyền vận chuyển chất phóng xạ;
b) Tàu thuyền nước ngoài đến cảng thực hiện các hoạt
động nghiên cứu khoa học, văn hóa, thể thao, nghề cá, cứu hộ cứu nạn, trục vớt
tài sản chìm đắm, lai dắt hỗ trợ, xây dựng, khảo sát và sửa chữa công trình biển;
c) Tàu thuyền nước ngoài đến vùng biển Việt Nam thực
hiện các hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác tài nguyên và hoạt động về môi
trường.
4. Thuyền viên nước ngoài đi trên tàu thuyền nước
ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, chuyển cảng.
5. Tàu thuyền, thuyền viên áp dụng thủ tục biên
phòng theo cách thức thủ công quy định tại các khoản 1, 4 Điều
12 Nghị định này được thực hiện thủ tục biên phòng theo cách thức điện tử
khi Bộ đội Biên phòng và các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đáp ứng được
cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và yêu
cầu quản lý nghiệp vụ chuyên ngành.
Tiểu mục 4. THỰC HIỆN THỦ TỤC
BIÊN PHÒNG THEO CÁCH THỨC THỦ CÔNG
Điều 12. Đối tượng áp dụng thủ
tục biên phòng theo cách thức thủ công
1. Tàu cá Việt Nam.
2. Tàu thuyền nước ngoài vì lý do khẩn cấp xin vào
tránh trú bão, cấp cứu thuyền viên, hành khách hoặc bị tai nạn.
3. Tàu thuyền không thực hiện được thủ tục biên
phòng theo cách thức điện tử do Cổng thông tin một cửa quốc gia hoặc Cổng thông
tin thủ tục biên phòng điện tử cảng biển có sự cố.
4. Thuyền viên Việt Nam.
5. Hành khách Việt Nam và nước ngoài.
Điều 13. Thủ tục biên phòng theo
cách thức thủ công đối với tàu thuyền nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh
1. Địa điểm thực hiện
a) Tại trụ sở chính hoặc văn phòng đại diện của Cảng
vụ hàng hải, Cảng vụ đường thủy nội địa;
b) Tại tàu theo quy định của pháp luật về quản lý
hoạt động hàng hải;
c) Ngoài các trường hợp thực hiện thủ tục tại tàu
theo quy định của pháp luật về quản lý hoạt động hàng hải, Biên phòng cửa khẩu
cảng thông báo, thống nhất với Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ đường thủy nội địa thực
hiện thủ tục biên phòng tại tàu trong các trường hợp sau:
Có người trốn trên tàu;
Tàu thuyền có dấu hiệu rõ ràng vi phạm pháp luật về
an ninh, trật tự;
Có căn cứ xác định việc khai báo không đầy đủ,
không chính xác về thuyền viên, hành khách;
Có căn cứ xác định thuyền viên, hành khách sử dụng
hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế giả mạo để nhập cảnh, xuất cảnh,
quá cảnh.
2. Thời hạn thực hiện và thành phần hồ sơ: Thực hiện
theo quy định của pháp luật về quản lý hoạt động hàng hải.
3. Thuyền viên nước ngoài được sử dụng sổ thuyền
viên để xuất trình khi nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh trong các trường hợp sau:
a) Không có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại
quốc tế;
b) Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế
hết giá trị sử dụng.
4. Khi làm thủ tục xuất cảnh cho tàu thuyền, người làm
thủ tục phải nộp lại cho Biên phòng cửa khẩu cảng Giấy phép đi bờ của thuyền
viên (nếu có), trừ thuyền viên đi trên tàu thuyền quy định tại điểm
b khoản 2 Điều 23 Nghị định này.
Điều 14. Thủ tục biên phòng
theo cách thức thủ công đối với tàu thuyền chuyển cảng
1. Địa điểm thực hiện: Theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định này.
2. Đối với tàu thuyền chuyển cảng đi
a) Thành phần hồ sơ, thời hạn thực hiện theo quy định
của pháp luật về quản lý hoạt động hàng hải;
b) Khi làm thủ tục chuyển cảng đi cho tàu thuyền,
người làm thủ tục phải nộp lại cho Biên phòng cửa khẩu cảng Giấy phép đi bờ của
thuyền viên (nếu có), trừ thuyền viên đi trên tàu thuyền quy định tại điểm b khoản 2 Điều 23 Nghị định này.
3. Đối với tàu thuyền chuyển cảng đến
a) Chậm nhất 02 giờ, sau khi tàu thuyền đến, neo đậu
an toàn tại cầu cảng; chậm nhất 04 giờ, sau khi tàu thuyền đến, neo đậu an toàn
tại các vị trí khác trong vùng nước cảng, người làm thủ tục nộp hồ sơ chuyển cảng
của Biên phòng cửa khẩu cảng nơi tàu thuyền đi cho Biên phòng cửa khẩu cảng nơi
tàu thuyền đến;
b) Chậm nhất 30 phút, Biên phòng cửa khẩu cảng nơi
tàu thuyền đến phải hoàn thành kiểm tra hồ sơ chuyển cảng, cho phép tàu thuyền
chuyển cảng đến thực hiện bốc dỡ hàng hóa và các hoạt động khác theo chương
trình, kế hoạch.
Điều 15. Thủ tục biên phòng
theo cách thức thủ công đối với tàu thuyền, thuyền viên, hành khách đi trên tàu
chở khách du lịch quốc tế
1. Ngoài việc thực hiện quy định tại Điều
13 Nghị định này, chậm nhất 12 giờ, trước khi tàu đến cảng, doanh nghiệp lữ
hành quốc tế đón khách phải nộp cho Biên phòng cửa khẩu cảng các loại giấy tờ
sau:
a) 01 bản chính Chương trình du lịch của hành
khách;
b) 01 bản sao Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế
(lần đầu tiên đón khách tại cảng);
c) 01 bản chính Công văn trả lời đề nghị cấp thị thực
tại cửa khẩu quốc tế của Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, trừ những hành
khách mang hộ chiếu đã có thị thực Việt Nam và những hành khách mang hộ chiếu
thuộc diện miễn thị thực nhập cảnh Việt Nam (nếu có hành khách đề nghị cấp thị thực
tại cửa khẩu cảng).
Trường hợp vì lý do khách quan không đủ thời gian để
nộp bản chính, theo văn bản đề nghị của doanh nghiệp lữ hành quốc tế, Biên
phòng cửa khẩu cảng cho phép doanh nghiệp lữ hành quốc tế nộp bản fax hoặc bản sao
để làm thủ tục cho hành khách; trong thời hạn 03 ngày, kể từ khi nộp bản fax hoặc
bản sao, doanh nghiệp lữ hành phải nộp bản chính Công văn trả lời đề nghị cấp
thị thực tại cửa khẩu quốc tế của Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an cho
Biên phòng cửa khẩu cảng.
Trường hợp hành khách được doanh nghiệp lữ hành quốc
tế làm thủ tục đề nghị cấp thị thực tại một cửa khẩu cảng, nhưng do hành trình
của tàu đến cửa khẩu cảng khác, Biên phòng cửa khẩu cảng nơi tàu đến tiếp nhận
Công văn trả lời đề nghị cấp thị thực tại cửa khẩu quốc tế của Cục Quản lý xuất
nhập cảnh Bộ công an và thực hiện cấp thị thực cho khách theo quy định, không
yêu cầu phải làm thủ tục xin duyệt lại nhân sự.
2. Biên phòng cửa khẩu cảng thực hiện cấp thị thực
cho hành khách tại tàu theo quy định của pháp luật về nhập xuất cảnh.
3. Đối với tàu khách quốc tế được cấp giấy phép chở
khách du lịch nội địa giữa các cửa khẩu cảng của Việt Nam
a) Trước khi tàu đón khách:
Người làm thủ tục phải nộp cho Biên phòng cửa khẩu
cảng 01 bản sao giấy phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép tàu
đón khách du lịch nội địa giữa các cảng của Việt Nam.
Doanh nghiệp lữ hành phải nộp cho Biên phòng cửa khẩu
cảng 01 bản chính Chương trình du lịch của khách du lịch nội địa và 01 bản
chính Danh sách hành khách.
b) Khách du lịch nội địa xuống tàu phải xuất trình
cho Biên phòng cửa khẩu cảng:
Hành khách là người nước ngoài phải xuất trình hộ
chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.
Hành khách là người Việt Nam phải xuất trình Giấy
chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân hoặc hộ chiếu hoặc giấy tờ có
giá trị thay hộ chiếu.
Điều 16. Thủ tục biên phòng
theo cách thức thủ công đối với tàu thuyền buồm, tàu thuyền thể thao, du thuyền
và người đi trên tàu thuyền buồm, tàu thuyền thể thao, du thuyền
1. Địa điểm, thành phần hồ sơ, thời hạn thực hiện
theo quy định tại Điều 13 Nghị định này.
2. Người đi trên tàu thuyền buồm, tàu thuyền thể
thao, du thuyền không có hộ chiếu thuyền viên hoặc sổ thuyền viên và không được
định biên thuyền bộ theo quy định của pháp luật về hàng hải phải có hộ chiếu hoặc
giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; thị thực do cơ quan có thẩm quyền của Việt
Nam cấp khi nhập cảnh, trừ trường hợp thuộc diện được miễn thị thực nhập cảnh
Việt Nam.
3. Người đi trên tàu thuyền buồm, tàu thuyền thể
thao, du thuyền có hộ chiếu thuyền viên hoặc sổ thuyền viên và được định biên
thuyền bộ theo quy định của pháp luật về hàng hải, thủ tục biên phòng và hoạt động
đi bờ thực hiện theo quy định đối với thuyền viên.
Điều 17. Thủ tục biên phòng đối
với tàu cá Việt Nam, thuyền viên, hành khách đi trên tàu cá Việt Nam đi khai
thác thủy sản ở vùng biển ngoài vùng biển Việt Nam
1. Tàu cá Việt Nam đi khai thác thủy sản ở vùng biển
ngoài vùng biển Việt Nam phải làm thủ tục xuất cảnh trước khi rời vùng biển Việt
Nam và làm thủ tục nhập cảnh khi về đến khu vực biên giới biển Việt Nam.
2. Địa điểm thực hiện: Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 13 Nghị định này.
3. Thành phần hồ sơ
a) Các loại giấy tờ người làm thủ tục phải nộp:
Khi làm thủ tục xuất cảnh: 02 bản chính Bản khai
chung, Danh sách thuyền viên, Danh sách hành khách (nếu có), Bản khai vũ khí và
vật liệu nổ (nếu có), Bản khai người trốn trên tàu (nếu có).
Khi làm thủ tục nhập cảnh: 01 bản chính các loại giấy
tờ trên.
Mẫu biểu các
loại giấy tờ phải nộp thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý hoạt động
hàng hải.
b) Các loại giấy người làm thủ tục phải xuất trình:
Khi làm thủ tục xuất cảnh: Bản chính Giấy phép cho
tàu cá đi khai thác thủy sản ở vùng biển ngoài vùng biển Việt Nam do Tổng cục
Thủy sản Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp; hộ chiếu phổ thông và sổ
thuyền viên tàu cá của thuyền viên; hộ chiếu của hành khách (nếu có).
Khi làm thủ tục nhập cảnh: Hộ chiếu phổ thông và sổ
thuyền viên tàu cá của thuyền viên; hộ chiếu của hành khách (nếu có).
c) Biên phòng cửa khẩu cảng trả lại cho người làm
thủ tục 01 bản chính các loại giấy tờ do người làm thủ tục nộp đã được kiểm chứng
xuất cảnh.
4. Thời hạn thực hiện:
a) Chậm nhất 12 giờ, trước khi tàu dự kiến xuất cảnh,
sau khi tàu nhập cảnh, người làm thủ tục phải nộp và xuất trình cho Biên phòng
cửa khẩu cảng các loại giấy tờ quy định tại các điểm a, b khoản 3 Điều này;
b) Chậm nhất 01 giờ, từ khi tiếp nhận đầy đủ các loại
giấy tờ người làm thủ tục nộp và xuất trình, Biên phòng cửa khẩu cảng phải hoàn
thành thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh cho tàu thuyền, thuyền viên, hành khách (nếu
có).
Mục 2. KIỂM TRA, GIÁM SÁT BIÊN
PHÒNG
Điều 18. Đối tượng kiểm tra,
giám sát biên phòng
1. Tàu thuyền Việt Nam xuất cảnh, nhập cảnh; tàu
thuyền nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, chuyển cảng; tàu thuyền Việt
Nam hoạt động tuyến nội địa trong phạm vi cửa khẩu cảng; các phương tiện khác của
Việt Nam và nước ngoài ra, vào, hoạt động tại cửa khẩu cảng.
2. Tàu thuyền nước ngoài vào neo đậu, sửa chữa tại
các cơ sở đóng mới, cải hoán hoặc sửa chữa
tàu biển ngoài phạm vi cửa khẩu cảng.
3. Người Việt Nam và người nước ngoài ra, vào, hoạt
động tại cửa khẩu cảng.
4. Các loại giấy tờ của người, phương tiện ra, vào,
hoạt động tại cửa khẩu cảng, gồm:
a) Bản khai điện tử, bản khai giấy do người làm thủ
tục khai báo, nộp khi làm thủ tục biên phòng, đăng ký đến, rời cửa khẩu cảng
cho tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến nội địa và phương tiện thủy nội địa;
b) Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế
của người nước ngoài; hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu, Giấy chứng
minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân của người Việt Nam;
c) Chứng chỉ, thẻ hành nghề tương ứng với mục đích
hoạt động của người Việt Nam và người nước ngoài tại cửa khẩu cảng;
d) Giấy phép do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam
cấp cho tàu thuyền và các phương tiện khác vào, hoạt động tại cửa khẩu cảng thuộc
lĩnh vực phải được cấp phép theo quy định của pháp luật.
Điều 19. Nội dung kiểm tra,
giám sát biên phòng
1. Kiểm tra tính hợp
pháp, hợp lệ của các loại giấy tờ quy định tại khoản 4
Điều 18 Nghị định này.
2. Kiểm tra thuyền viên, hành khách thực tế trên
tàu thuyền.
3. Giám sát hoạt động của người, tàu thuyền và các
loại phương tiện khác của Việt Nam, nước ngoài quy định tại các khoản
1, 2, 3 Điều 18 Nghị định này.
Điều 20. Biện pháp kiểm tra,
giám sát biên phòng
1. Kiểm tra, đối chiếu thông tin khai báo trong các
bản khai điện tử, bản khai giấy do người làm thủ tục nộp với các loại giấy tờ
do người làm thủ tục xuất trình.
2. Kiểm tra, đối chiếu giữa các loại giấy tờ quy định
điểm b khoản 4 Điều 18 Nghị định này với nhân dạng của người
mang các loại giấy tờ đó.
3. Kiểm tra, đối chiếu giữa nội dung ghi trong các
loại giấy tờ quy định tại các điểm c, d khoản 4 Điều 18 Nghị định
này với hoạt động của người, phương tiện được cấp các loại giấy tờ đó.
4. Kiểm tra, giám sát trực tiếp tại tàu thuyền
trong các trường hợp:
a) Tàu chở khách du lịch quốc tế;
b) Tàu thuyền, người đi trên tàu thuyền có dấu hiệu
rõ ràng vi phạm pháp luật về xuất nhập cảnh, an ninh;
Trường hợp tàu thuyền, người đi trên tàu thuyền có
hành vi vi phạm pháp luật thuộc lĩnh vực hải quan, hàng hải và phòng, chống dịch
bệnh, Biên phòng cửa khẩu cảng có trách nhiệm phối hợp kiểm tra, giám sát trực
tiếp tại tàu thuyền khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại
cảng;
c) Có người trốn trên tàu thuyền;
d) Có căn cứ xác định thông tin khai báo về tàu
thuyền, thuyền viên, hành khách không đầy đủ, không chính xác;
đ) Xét thấy cần thiết theo văn bản đề nghị của chủ
tàu hoặc thuyền trưởng;
e) Đồn trưởng đồn Biên phòng cửa khẩu cảng, Chỉ huy
trưởng Biên phòng cửa khẩu cảng quyết định việc thực hiện kiểm tra, giám sát trực
tiếp tại tàu thuyền và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của
mình.
5. Giám sát theo khu vực tại cầu cảng, vùng nước cảng.
6. Giám sát trực tiếp tại cổng cảng, trạm kiểm
soát.
7. Giám sát bằng phương tiện kỹ thuật.
8. Tuần tra, kiểm soát cơ động.
9. Các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp
luật.
Mục 3. CẤP THỊ THỰC VÀ CÁC LOẠI GIẤY
PHÉP
Điều 21. Các loại giấy phép do
Biên phòng cửa khẩu cảng cấp
1. Thị thực Việt Nam.
2. Giấy phép xuống tàu:
a) Giấy phép xuống tàu thời hạn 12 tháng, thực hiện
theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định
này;
b) Giấy phép xuống tàu thời hạn 03 tháng, thực hiện
theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định
này.
3. Giấy phép, thực hiện theo Mẫu
số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
4. Giấy phép đi bờ của thuyền viên, thực hiện theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
Điều 22. Cấp thị thực
1. Biên phòng cửa khẩu cảng thực hiện cấp thị thực
theo quy định tại Điều 18 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh,
cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2014.
2. Trường hợp vì lý do khách quan không đủ thời
gian để nộp bản chính Công văn trả lời đề nghị cấp thị thực tại cửa khẩu quốc tế
của Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, theo văn bản đề nghị của người làm
thủ tục, Biên phòng cửa khẩu cảng cho phép người làm thủ tục nộp bản fax hoặc bản
sao để làm thủ tục cấp thị thực và trong thời hạn 03 ngày từ khi nộp bản fax hoặc
bản sao, người làm thủ tục phải nộp bản chính cho Biên phòng cửa khẩu cảng.
3. Ngay sau khi tiếp nhận đầy đủ giấy tờ do người đề
nghị cấp thị thực nộp và xuất trình, Biên phòng cửa khẩu cảng kiểm tra, đối chiếu
và thực hiện cấp thị thực theo quy định tại trụ sở Biên phòng cửa khẩu cảng hoặc
tại tàu đối với tàu chở khách du lịch quốc tế.
4. Đối tượng, thủ tục cấp thị thực điện tử thực hiện
theo quy định của pháp luật về cấp thị thực điện tử.
Điều 23. Cấp Giấy phép đi bờ của
thuyền viên
1. Đối tượng được cấp Giấy phép đi bờ của thuyền
viên
Thuyền viên nước ngoài làm việc trên tàu thuyền Việt
Nam, tàu thuyền nước ngoài đã hoàn thành thủ tục nhập cảnh, thủ tục chuyển cảng
đến, có nhu cầu đi bờ trong thời gian tàu thuyền neo đậu tại cửa khẩu cảng.
2. Giá trị sử dụng của Giấy phép đi bờ của thuyền
viên
a) Chỉ có giá trị sử dụng trong một chuyến tàu;
b) Đối với thuyền viên nước ngoài trên tàu thuyền
chuyên tuyến và tàu thuyền hoạt động tại vùng biển ngoài vùng nước cửa khẩu cảng,
theo đề nghị của thuyền trưởng, Biên phòng cửa khẩu cảng cho phép thuyền viên
được sử dụng Giấy phép đi bờ của thuyền viên trong nhiều chuyến, tàu với thời hạn
không quá 01 tháng, kể từ ngày cấp;
c) Người làm thủ tục có trách nhiệm thu hồi Giấy
phép đi bờ của thuyền viên hết giá trị sử dụng để nộp lại cho Biên phòng cửa khẩu
cảng.
3. Thủ tục cấp Giấy phép đi bờ của thuyền viên
a) Người làm thủ tục đăng ký đề nghị đi bờ cho thuyền
viên tại mục ghi chú trong Bản khai chung.
Trường hợp chưa đăng ký tại Bản khai chung, nếu
thuyền viên có nhu cầu đi bờ, thuyền trưởng phải có văn bản đề nghị gửi Biên
phòng cửa khẩu cảng;
b) Ngay sau khi tiếp nhận đề nghị cho phép thuyền
viên đi bờ, Biên phòng cửa khẩu cảng thực hiện cấp Giấy phép đi bờ của thuyền
viên tại trụ sở Biên phòng cửa khẩu cảng;
c) Lệ phí cấp Giấy phép đi bờ của thuyền viên theo
quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
Điều 24. Cấp Giấy phép xuống
tàu
1. Đối tượng được cấp Giấy phép xuống tàu
a) Giấy phép xuống tàu thời hạn 12 tháng:
Cấp cho người Việt Nam và người nước ngoài thuộc
các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu thường xuyên xuống tàu thuyền nước
ngoài làm việc không quá 12 tháng, trừ cán bộ, nhân viên của các cơ quan quản
lý nhà nước chuyên ngành tại cảng;
b) Giấy phép xuống tàu thời hạn 03 tháng:
Cấp cho người Việt Nam và người nước ngoài thuộc
các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp có nhu cầu thường xuyên xuống tàu thuyền nước
ngoài, người nước ngoài xuống tàu thuyền Việt Nam, tàu thuyền nước ngoài làm việc
không quá 03 tháng, trừ cán bộ, nhân viên của các cơ quan quản lý nhà nước
chuyên ngành tại cảng.
2. Giá trị sử dụng của Giấy phép xuống tàu
a) Giấy phép xuống tàu do một đơn vị Biên phòng cửa
khẩu cảng cấp chỉ có giá trị sử dụng tại cửa khẩu cảng do đơn vị Biên phòng cửa
khẩu cảng đó quản lý;
b) Khi hoạt động tại cửa khẩu cảng, người được cấp
giấy phép có hành vi vi phạm pháp luật bị thu hồi Giấy phép xuống tàu.
3. Thủ tục cấp Giấy phép xuống tàu
a) Người đề nghị cấp Giấy phép xuống tàu hoặc đại
diện cơ quan, doanh nghiệp chủ quản nộp và xuất trình cho Biên phòng cửa khẩu cảng
các loại giấy tờ sau:
Giấy tờ phải nộp: Giấy giới thiệu hoặc công văn đề
nghị cấp Giấy phép xuống tàu của cơ quan, doanh nghiệp chủ quản; 01 danh sách
trích ngang của người đề nghị cấp Giấy phép xuống tàu, thực hiện theo Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
riêng người đề nghị cấp Giấy phép xuống tàu thời hạn 12 tháng phải nộp 01 ảnh
màu cỡ 02 cm x 03 cm.
Giấy tờ phải xuất trình đối với người nước ngoài: Hộ
chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế;
b) Ngay sau khi tiếp nhận đầy đủ các loại giấy tờ
quy định tại điểm a khoản này, Biên phòng cửa khẩu cảng thực hiện cấp Giấy phép
xuống tàu;
c) Lệ phí cấp Giấy phép xuống tàu theo quy định của
pháp luật về phí và lệ phí.
4. Người được cấp Giấy phép xuống tàu phải chấp
hành nghiêm các quy định của pháp luật Việt Nam và quy định ghi trong Giấy phép
xuống tàu.
5. Biên phòng cửa khẩu cảng từ chối cấp Giấy phép
xuống tàu và phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do đối với các trường hợp:
a) Vì lý do quốc phòng, an ninh;
b) Người đề nghị cấp Giấy phép xuống tàu thuộc diện
chưa cho xuất cảnh hoặc tạm hoãn xuất cảnh Việt Nam; sử dụng giấy tờ tùy thân
giả mạo hoặc hết giá trị;
c) Cần thiết để bảo đảm trật tự an toàn xã hội;
phòng, chống dịch bệnh.
Điều 25. Cấp Giấy phép cho người
Việt Nam và người nước ngoài xuống tàu thuyền nước ngoài, người nước ngoài xuống
tàu thuyền Việt Nam neo đậu tại cảng; người điều khiển phương tiện Việt Nam,
phương tiện nước ngoài cập mạn tàu thuyền nước ngoài; thuyền viên nước ngoài
nghỉ qua đêm trên bờ hoặc xuống các tàu thuyền khác đang neo đậu tại cảng
1. Đối tượng được cấp Giấy phép
a) Người Việt Nam, người nước ngoài xuống tàu thuyền
nước ngoài neo đậu tại cảng để thực hiện các hoạt động báo chí, nghiên cứu khoa
học, thăm quan;
b) Người nước ngoài xuống tàu thuyền Việt Nam neo đậu
tại cảng để thực hiện các hoạt động báo chí, nghiên cứu khoa học, thăm quan;
c) Người điều khiển phương tiện Việt Nam, nước
ngoài cập mạn tàu thuyền nước ngoài;
d) Thuyền viên nước ngoài đề nghị nghỉ qua đêm trên
bờ hoặc xuống các tàu thuyền khác đang neo đậu tại cảng.
2. Giá trị sử dụng của Giấy phép
a) Giấy phép cấp cho các đối tượng quy định tại các
điểm a, b, c khoản 1 Điều này có giá trị sử dụng trong một chuyến tàu thời hạn
không quá 10 ngày;
b) Giấy phép cấp cho các đối tượng quy định tại điểm
d khoản 1 Điều này có giá trị sử dụng trong một chuyến tàu theo thời hạn ghi
trong Giấy phép;
c) Người mang Giấy phép chỉ được xuống tàu thuyền
nước ngoài được ghi trong Giấy phép; xuất trình Giấy phép kèm theo giấy tờ tùy
thân có số giấy tờ được ghi trong Giấy phép cho lực lượng giám sát của Biên
phòng cửa khẩu cảng;
d) Đối với cán bộ, công nhân viên các cơ quan,
doanh nghiệp, đại lý tàu biển làm việc, giao dịch với tàu thuyền hoạt động
ngoài khơi, công nhân ở khu vực giàn khoan, theo đề nghị của cơ quan, doanh
nghiệp chủ quản, Biên phòng cửa khẩu cảng cho phép người mang Giấy phép được xuống
tất cả các tàu thuyền nước ngoài neo đậu, hoạt động tại khu vực đó.
3. Thủ tục cấp Giấy phép:
a) Người đề nghị cấp Giấy phép hoặc đại diện cơ
quan, doanh nghiệp chủ quản nộp và xuất trình cho Biên phòng cửa khẩu cảng các
loại giấy tờ sau:
Giấy tờ phải nộp: Giấy giới thiệu hoặc công văn của
cơ quan, doanh nghiệp chủ quản, giấy mời hoặc đơn đề nghị của thuyền trưởng.
Trường hợp cơ quan doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy
phép cho từ 02 người trở lên: 01 danh sách trích ngang của người đề nghị cấp Giấy
phép nội dung gồm: Họ tên; quốc tịch; nơi sinh; ngày, tháng, năm sinh; chức vụ;
số của Giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân hoặc hộ chiếu hoặc
giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.
Giấy tờ phải xuất trình:
Đối với người nước ngoài quy định tại các điểm a,
b, c khoản 1 Điều này: Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.
Đối với người Việt Nam quy định tại các điểm a, c
khoản 1 Điều này: Giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân hoặc hộ
chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu;
b) Ngay sau khi tiếp nhận đầy đủ các loại giấy tờ quy định tại điểm a khoản này,
Biên phòng cửa khẩu cảng thực hiện cấp Giấy phép;
c) Lệ phí cấp Giấy phép theo quy định của pháp luật
về phí và lệ phí.
4. Người được cấp Giấy phép xuống tàu phải chấp
hành nghiêm các quy định của pháp luật Việt Nam và quy định ghi trong Giấy
phép.
5. Biên phòng cửa khẩu cảng từ chối cấp Giấy phép
và phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do đối với các trường hợp sau:
a) Vì lý do quốc phòng, an ninh;
b) Người đề nghị cấp Giấy phép thuộc diện chưa cho
xuất cảnh hoặc tạm hoãn xuất cảnh Việt Nam; sử dụng giấy tờ tùy thân giả mạo hoặc
hết giá trị sử dụng;
c) Cần thiết để bảo đảm trật tự, an toàn xã hội;
phòng, chống dịch bệnh.
Chương III
HOẠT ĐỘNG CỦA NGƯỜI,
PHƯƠNG TIỆN TẠI CỬA KHẨU CẢNG
Mục 1. HOẠT ĐỘNG CỦA NGƯỜI VIỆT
NAM, NGƯỜI NƯỚC NGOÀI TẠI CỬA KHẨU CẢNG
Điều 26. Người Việt Nam, người
nước ngoài hoạt động tại cửa khẩu cảng
1. Người Việt Nam xuống tàu thuyền nước ngoài, trừ
cán bộ, nhân viên của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng thực
hiện nhiệm vụ, nhân viên y tế xuống tàu thuyền nước ngoài để cấp cứu cho thuyền
viên, hành khách; người nước ngoài xuống tàu thuyền nước ngoài, tàu thuyền Việt
Nam để làm việc, thực hiện các hoạt động trong thời gian tàu thuyền neo đậu tại
cửa khẩu cảng phải có giấy phép do Biên phòng cửa khẩu cảng cấp theo quy định tại
các Điều 24, 25 Nghị định này và phải chấp hành sự kiểm
tra, giám sát của Biên phòng cửa khẩu cảng.
2. Người nước ngoài đến làm việc, hoạt động tại cửa
khẩu cảng
a) Phải có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế;
b) Phải chấp hành sự kiểm tra, giám sát của Biên
phòng cửa khẩu cảng, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng và các
lực lượng chức năng liên quan;
c) Chậm nhất 12 giờ, trước khi người nước ngoài đến
làm việc, hoạt động tại cảng, cơ quan, doanh nghiệp đón tiếp phải thông báo bằng
văn bản cho Biên phòng cửa khẩu cảng về họ tên, quốc tịch, số hộ chiếu hoặc giấy
tờ có giá trị đi lại quốc tế; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức người nước
ngoài làm việc; thời gian bắt đầu, thời gian kết thúc làm việc, nội dung công
việc, nơi làm việc tại cửa khẩu cảng.
3. Người Việt Nam, người nước ngoài không được phép
xuống, rời tàu thuyền trước và trong khi tàu thuyền làm thủ tục nhập cảnh, chuyển
cảng đến, trong và sau khi tàu thuyền làm thủ tục xuất cảnh, chuyển cảng đi, trừ
cán bộ, nhân viên của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, hoa
tiêu, người làm thủ tục đang thực hiện nhiệm vụ, nhân viên y tế xuống tàu khám,
chữa bệnh cho thuyền viên, hành khách.
4. Đối với tàu thuyền thực hiện thủ tục biên phòng
điện tử cảng biển, ngay sau khi tàu thuyền neo đậu an toàn tại cảng, người Việt
Nam, người nước ngoài có liên quan được phép xuống, rời tàu thuyền để thực hiện
các hoạt động phục vụ bốc dỡ hàng hóa và các hoạt động theo chương trình, kế hoạch
cho đến khi tàu thuyền rời cảng.
5. Thuyền viên, hành khách không đủ điều kiện nhập
cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam, không được phép rời tàu thuyền, trừ
trường hợp quy định tại Điều 28 Nghị định này.
Thuyền trưởng có trách nhiệm quản lý những thuyền viên,
hành khách này tại tàu cho đến khi tàu thuyền rời khỏi vùng biển Việt Nam.
Điều 27. Thuyền viên, hành
khách trên tàu thuyền chưa làm thủ tục nhập cảnh, chuyển cảng đến phải đưa đi cấp
cứu tại các cơ sở y tế của Việt Nam
1. Trước khi tàu thuyền đến cảng, người làm thủ tục
phải thông báo cho Biên phòng cửa khẩu cảng nơi tàu thuyền đến về số lượng,
tình trạng sức khỏe của thuyền viên, hành khách phải đi cấp cứu; thời gian tàu
thuyền đến cảng, vị trí neo đậu tại cảng.
2. Sau khi đưa thuyền viên, hành khách đi cấp cứu,
người làm thủ tục phải đến Biên phòng cửa khẩu cảng khai báo đầy đủ thông tin về
thuyền viên, hành khách để làm thủ tục nhập cảnh, chuyển cảng đến cho thuyền
viên, hành khách theo quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật
có liên quan.
3. Trường hợp thuyền viên, hành khách ra viện không
trở lại tàu thuyền, có nhu cầu xuất cảnh qua cửa khẩu khác, trước khi tàu thuyền
rời cảng, thuyền trưởng phải có văn bản đề nghị cho thuyền viên, hành khách xuất
cảnh qua cửa khẩu khác và xuất trình giấy ra viện hoặc giấy chuyển viện của
thuyền viên, hành khách cho Biên phòng cửa khẩu cảng để làm thủ tục xuất cảnh
qua cửa khẩu khác cho thuyền viên, hành khách theo quy định.
4. Trường hợp thuyền viên nước ngoài phải đưa đi cấp
cứu tại các cơ sở y tế ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi
tàu thuyền neo đậu, sau khi đưa thuyền viên đi cấp cứu, người làm thủ tục phải
đến Biên phòng cửa khẩu cảng để làm thủ tục đề nghị cấp thị thực cho thuyền
viên không thuộc diện được miễn thị thực nhập cảnh Việt Nam,
Điều 28. Thuyền viên, hành
khách nước ngoài không đủ điều kiện nhập cảnh theo quy định của pháp luật Việt
Nam phải đi cấp cứu tại các cơ sở y tế của Việt Nam
1. Sau khi đưa thuyền viên, hành khách đi cấp cứu,
thuyền trưởng phải có văn bản gồm các nội dung sau đây gửi Biên phòng cửa khẩu
cảng:
a) Khai báo đầy đủ thông tin, tình trạng sức khỏe của
thuyền viên, hành khách;
b) Cam kết chịu trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí
liên quan đến chữa bệnh cho thuyền viên, hành khách, giám sát của các cơ quan
chức năng Việt Nam và chi phí cho hoạt động rời khỏi lãnh thổ Việt Nam của thuyền
viên, hành khách sau khi ra viện.
2. Biên phòng cửa khẩu cảng tiếp nhận văn bản của
thuyền trưởng, lập hồ sơ vụ việc, không làm thủ tục nhập cảnh đối với thuyền
viên, hành khách; thông báo cho các cơ quan chức năng liên quan; cử cán bộ thực
hiện giám sát trong thời gian thuyền viên, hành khách chữa bệnh.
3. Trong thời gian chữa bệnh, thuyền viên, hành
khách không được tự ý rời khỏi cơ sở y tế nơi chữa bệnh và phải chịu sự kiểm
tra, giám sát của Biên phòng cửa khẩu cảng.
4. Khi ra viện, thuyền viên, hành khách bị buộc xuất
cảnh
a) Trường hợp tàu thuyền chưa xuất cảnh, Biên phòng
cửa khẩu cảng phối hợp với người làm thủ tục đưa thuyền viên, hành khách trở lại
tàu thuyền để xuất cảnh theo tàu;
b) Trường hợp tàu thuyền đã xuất cảnh, thuyền viên,
hành khách bị buộc xuất cảnh qua cửa khẩu khác theo quy định của pháp luật Việt
Nam.
Điều 29. Thuyền viên nước
ngoài đi bờ
1. Trong thời gian tàu thuyền neo đậu tại cửa khẩu
cảng, hằng ngày, thuyền viên nước ngoài được phép đi bờ trong phạm vi tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương nơi tàu thuyền neo đậu đến 24 giờ, không phải đề
nghị cấp thị thực, nhưng phải có Giấy phép đi bờ của thuyền viên do Biên phòng cửa khẩu cảng cấp theo quy định tại Điều 23 Nghị định này.
2. Thuyền viên được phép đi bờ sau khi tàu thuyền
đã hoàn thành thủ tục nhập cảnh, chuyển cảng đến và phải trở về tàu trước khi
tàu thuyền làm thủ tục xuất cảnh, chuyển cảng đi.
Riêng đối với tàu thuyền thực hiện thủ tục biên
phòng điện tử cảng biển, thuyền viên được phép đi bờ ngay sau khi tàu thuyền
neo đậu an toàn tại cảng.
Thuyền trưởng phải chịu trách nhiệm trong trường hợp
thủ tục xuất cảnh, chuyển cảng đi bị chậm trễ do thuyền viên đi bờ chưa trở về
tàu.
3. Thuyền viên đi bờ hoặc xuất cảnh qua các cửa khẩu
khác
a) Khi đi bờ trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương nơi tàu thuyền neo đậu:
Thuyền viên phải mang theo Giấy phép đi bờ của thuyền
viên và giấy tờ tùy thân đã khai báo, xuất trình khi làm thủ tục nhập cảnh; chấp
hành hướng dẫn và chịu sự kiểm tra, giám sát của Biên phòng cửa khẩu cảng; tuân
thủ các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan.
Thuyền viên nghỉ qua đêm trên bờ phải có đơn đề nghị
của thuyền trưởng và được Biên phòng cửa khẩu cảng cấp Giấy phép theo quy định
tại Điều 25 Nghị định này;
b) Khi đi bờ ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương nơi tàu thuyền neo đậu hoặc xuất cảnh qua cửa khẩu khác:
Thuyền viên phải có thị thực, trừ trường hợp mang hộ
chiếu thuộc diện được miễn thị thực Việt Nam và tuân thủ các quy định của pháp
luật về xuất nhập cảnh. Biên phòng cửa khẩu cảng cấp thị thực theo quy định tại
Điều 22 Nghị định này.
Trường hợp hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại
quốc tế của thuyền viên hết giá trị sử dụng hoặc không có hộ chiếu hoặc giấy tờ
có giá trị đi lại quốc tế, thuyền viên được sử dụng số thuyền viên để nhập cảnh,
xuất cảnh.
4. Thuyền viên đi bờ có hành vi vi phạm pháp luật sẽ
bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Mục 2. HOẠT ĐỘNG CỦA PHƯƠNG TIỆN
TẠI CỬA KHẨU CẢNG
Điều 30. Tàu thuyền và các loại
phương tiện khác hoạt động tại cửa khẩu cảng
1. Tàu thuyền Việt Nam xuất cảnh, nhập cảnh; tàu
thuyền nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, chuyển cảng phải được phép của
cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và qua đúng cửa khẩu, luồng hàng hải, tuyến
quá cảnh, khu vực quá cảnh.
2. Phương tiện Việt Nam và nước ngoài, trừ phương
tiện của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, hoa tiêu, phương tiện
lai dắt đang thực hiện nhiệm vụ, không được cập mạn tàu thuyền trước và trong
khi tàu thuyền đó làm thủ tục nhập cảnh, chuyển cảng đến, trong và sau khi tàu
thuyền làm thủ tục xuất cảnh, chuyển cảng đi.
Đối với tàu thuyền thực hiện thủ tục biên phòng điện
tử cảng biển, ngay sau khi tàu thuyền neo đậu an toàn tại cảng, phương tiện Việt
Nam, nước ngoài có liên quan được phép cập mạn tàu thuyền để thực hiện các hoạt
động phục vụ bốc dỡ hàng hóa và các hoạt động khác theo chương trình, kế hoạch
cho đến khi tàu thuyền đó rời cảng.
3. Các loại phương tiện khác ra, vào, hoạt động tại
cửa khẩu cảng phải chấp hành các quy định của Nghị định này, các quy định của
pháp luật có liên quan; chịu sự kiểm soát, kiểm tra, giám sát của Biên phòng cửa
khẩu cảng và các lực lượng chức năng.
Điều 31. Tàu biển Việt Nam hoạt
động tuyến nội địa và phương tiện thủy nội địa đến, rời cửa khẩu cảng
1. Tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến nội địa và
phương tiện thủy nội địa đến, rời cửa khẩu cảng
a) Tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến nội địa phải
làm thủ tục đến, rời cảng theo quy định của pháp luật về quản lý hoạt động hàng
hải và chịu sự kiểm soát, kiểm tra, giám sát của Biên phòng cửa khẩu cảng trong
thời gian neo đậu tại cửa khẩu cảng;
b) Phương tiện thủy nội địa phải đăng ký đến, đi và
chịu sự kiểm soát, kiểm tra, giám sát của Biên phòng cửa khẩu cảng trong thời
gian neo đậu tại cửa khẩu cảng.
2. Trong quá trình đi, đến, hoạt động tại cửa khẩu
cảng, thuyền trưởng tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến nội địa và phương tiện thủy
nội địa phải cung cấp cho Biên phòng cửa khẩu cảng thông tin về phương tiện,
hàng hóa, các thông tin khác có liên quan đến an ninh, trật tự khi có yêu cầu.
3. Địa điểm làm thủ tục, đăng ký đến, đi
Tại trụ sở chính hoặc văn phòng đại diện của Cảng vụ
hàng hải, Cảng vụ đường thủy nội địa.
4. Thời hạn làm thủ tục, đăng ký đến, đi
a) Đối với tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến nội địa:
Thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý hoạt động hàng hải;
b) Đối với phương tiện thủy nội địa:
Chậm nhất 02 giờ, sau khi phương tiện thủy nội địa
neo đậu an toàn tại cầu cảng; chậm nhất 04 giờ, sau khi phương tiện thủy nội địa
neo đậu an toàn tại các vị trí khác trong vùng nước cảng, thuyền trưởng hoặc chủ
tàu, người được ủy quyền (sau đây viết chung là người đăng ký) phải đăng ký đến
cho phương tiện thủy nội địa đến cảng.
Chậm nhất 01 giờ, trước khi phương tiện thủy nội địa
dự kiến rời cửa khẩu cảng, người đăng ký phải đăng ký đi cho phương tiện thủy nội
địa rời cảng.
Chậm nhất 30 phút, từ khi tiếp nhận đầy đủ các loại
giấy tờ mà người đăng ký nộp và xuất trình theo quy định tại khoản 5 Điều này,
Biên phòng cửa khẩu cảng phải hoàn thành đăng ký đến, đi cho phương tiện thủy nội
địa và trả lại 01 bản khai các loại giấy tờ có đóng dấu kiểm soát đến, đi mà
người đăng ký đã nộp theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều này.
5. Các loại giấy tờ người làm thủ tục, người đăng
ký phải nộp và xuất trình cho Biên phòng cửa khẩu cảng khi làm thủ tục, đăng ký
đến, đi cho tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến nội địa và phương tiện thủy nội địa
a) Giấy tờ phải nộp:
Đối với tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến nội địa:
Thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý hoạt động hàng hải.
Đối với phương tiện thủy nội địa: 02 bản chính Danh
sách thuyền viên, 02 bản chính Danh sách hành khách (nếu có);
b) Giấy tờ phải xuất trình:
Đối với thuyền viên: Sổ thuyền viên hoặc hộ chiếu
thuyền viên.
Đối với hành khách (nếu có): Hộ chiếu hoặc giấy tờ
có giá trị đi lại quốc tế hoặc Giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công
dân.
6. Khi thực hiện thủ tục, đăng ký, kiểm tra, giám
sát đối với tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến nội địa và phương tiện thủy nội địa,
Biên phòng cửa khẩu cảng được kiểm tra:
a) Sổ nhật ký hành trình;
b) Giấy tờ liên quan đến hàng hóa nếu có hàng hóa
trên tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến nội địa và phương tiện thủy nội địa, bao
gồm: Hợp đồng vận chuyển hàng hóa; hợp đồng mua bán hàng hóa và hóa đơn giá trị
gia tăng hoặc phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ; giấy phép vận chuyển của
cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đối với các loại hàng hóa vận chuyển có điều
kiện;
c) Người làm thủ tục, người đăng ký có trách nhiệm
xuất trình các loại giấy tờ quy định tại các điểm a, b khoản này khi Biên phòng
cửa khẩu cảng yêu cầu.
7. Đối với tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến nội địa
và phương tiện thủy nội địa làm thủ tục, đăng ký đến, đi bằng cách thức điện tử
thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia theo quy định của Cơ chế một cửa quốc
gia hoặc Cổng thông tin thủ tục biên phòng điện tử cảng biển, người đăng ký
không phải nộp các loại giấy tờ quy định tại điểm a khoản 5 Điều này, chỉ xuất
trình các loại giấy tờ quy định tại điểm b khoản 5 Điều này.
8. Trong quá trình đăng ký, kiểm soát, kiểm tra,
giám sát, nếu phát hiện tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến nội địa và phương tiện
thủy nội địa có dấu hiệu rõ ràng vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ xác định
thông tin khai báo về phương tiện, thuyền viên, hành khách, hàng hóa không đầy
đủ, không chính xác, Đồn trưởng đồn Biên phòng cửa khẩu cảng, Chỉ huy trưởng
Ban chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng ra quyết định kiểm tra trực tiếp tại
phương tiện và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
Mục 3. TỪ CHỐI, TẠM HOÃN, CHƯA
CHO NHẬP CẢNH XUẤT CẢNH, QUÁ CẢNH TẠI CỬA KHẨU CẢNG
Điều 32. Từ chối, tạm hoãn nhập
cảnh, xuất cảnh, quá cảnh đối với tàu thuyền
1. Vì lý do quốc phòng, an ninh, các lý do đặc biệt
ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội hoặc vì lý do đảm bảo an toàn hàng hải, phòng ngừa
ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, vi phạm pháp luật Việt Nam hoặc vì lý do khẩn cấp
khác, tàu thuyền nước ngoài có thể bị từ chối hoặc tạm hoãn nhập cảnh, xuất cảnh,
quá cảnh; tàu thuyền Việt Nam có thể bị tạm hoãn xuất cảnh qua cửa khẩu cảng.
2. Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng
quyết định từ chối nhập cảnh, quá cảnh hoặc tạm hoãn nhập cảnh, xuất cảnh, quá
cảnh phải có văn bản nêu rõ lý do gửi Cảng vụ hàng hải hoặc Cảng vụ đường thủy
nội địa nơi tàu thuyền làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và phải chịu
trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
3. Cảng vụ hàng hải hoặc Cảng vụ đường thủy nội địa
có trách nhiệm gửi văn bản thông báo từ chối nhập cảnh, quá cảnh hoặc tạm hoãn
nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh cho các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành
khác tại cảng và chủ tàu hoặc thuyền trưởng.
Điều 33. Chưa cho nhập cảnh, tạm
hoãn xuất cảnh đối với thuyền viên, hành khách qua cửa khẩu cảng
1. Chưa cho nhập cảnh, tạm hoãn xuất cảnh đối với
thuyền viên, hành khách nước ngoài thực hiện theo quy định tại các Điều 21, 22, 28, 29 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của
người nước ngoài tại Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2014.
2. Tạm hoãn xuất cảnh đối với thuyền viên, hành
khách Việt Nam thực hiện theo quy định tại các Điều 21, 22 Nghị định số
136/2007/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của
công dân Việt Nam.
Chương IV
TRÁCH NHIỆM TRONG HOẠT ĐỘNG
QUẢN LÝ, BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ TẠI CỬA KHẨU CẢNG
Điều 34. Bộ Quốc phòng
1. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh có cửa khẩu cảng biển trong quản lý, bảo vệ an ninh, trật
tự tại cửa khẩu cảng.
2. Thực hiện kiểm soát xuất nhập cảnh theo quy định
của pháp luật tại các cửa khẩu cảng do Bộ Quốc phòng quản lý.
3. Chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng
a) Chủ trì, phối hợp với lực lượng Công an nhân dân
cùng cấp, các ngành hữu quan, chính quyền địa phương, doanh nghiệp cảng trong
hoạt động quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự tại cửa
khẩu cảng;
b) Bố trí, sử dụng lực lượng, phương tiện, vũ khí,
công cụ hỗ trợ và tiến hành các biện pháp công tác biên phòng để quản lý, bảo vệ
an ninh, trật tự tại cửa khẩu cảng theo quy định của pháp luật và các quy định
của Bộ Quốc phòng.
Thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống khủng bố,
phá hoại, các loại tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và xử lý các hành vi
vi phạm pháp luật tại cửa khẩu cảng theo quy định của pháp luật;
c) Chuyên trách thực hiện thủ tục biên phòng; kiểm
tra, giám sát biên phòng; cấp thị thực và các loại giấy phép; đăng ký, kiểm
soát, kiểm tra, giám sát đối với người, phương tiện ra, vào, hoạt động tại cửa
khẩu cảng theo quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật có liên
quan;
d) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức
năng, doanh nghiệp cảng xây dựng, triển khai thực hiện quy chế phối hợp trong đảm
bảo an ninh, trật tự tại cửa khẩu cảng.
Định kỳ tổ chức giao ban với các cơ quan quản lý
nhà nước chuyên ngành tại cảng, doanh nghiệp cảng và các lực lượng chức năng,
chính quyền địa phương, thông báo tình hình an ninh, trật tự tại cửa khẩu cảng.
Hằng năm, chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý
nhà nước chuyên ngành tại cảng, các lực lượng chức năng, doanh nghiệp cảng sơ,
tổng kết tình hình an ninh, trật tự tại cửa
khẩu cảng;
đ) Thực hiện công tác đối ngoại quốc phòng, đối ngoại
biên phòng theo quy định của pháp luật;
e) Phối hợp với lực lượng Công an cùng cấp thực hiện
hoạt động quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh của người nước
ngoài tại cửa khẩu cảng.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng
phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về nhập cảnh, xuất
cảnh, quá cảnh tại cửa khẩu cảng;
g) Tham gia thẩm định những nội dung liên quan đến
đảm bảo an ninh, trật tự trong phương án, kế hoạch đảm bảo an ninh cảng biển của
doanh nghiệp cảng; tham gia đánh giá, xác nhận kết quả thực hiện kế hoạch đảm bảo
an ninh cảng biển của doanh nghiệp cảng; phối hợp với doanh nghiệp cảng trong
việc quản lý cán bộ, công nhân viên, người lao động của cảng để bảo đảm an
ninh, trật tự tại cảng;
h) Triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm soát xuất nhập
cảnh, cấp các loại giấy phép, thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo điều
kiện thuận lợi cho người, phương tiện ra, vào, hoạt động tại cửa khẩu cảng.
Điều 35. Các bộ, ngành liên
quan
Các bộ, ngành liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền
hạn của mình có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan quản lý nhà nước
chuyên ngành trực thuộc phối hợp với Bộ đội Biên phòng trong hoạt động quản lý,
bảo vệ an ninh, trật tự tại cửa khẩu cảng và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm
theo quy định của pháp luật.
Điều 36. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
nơi có cửa khẩu cảng
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có cửa khẩu cảng trong
phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban
nhân dân cấp dưới nơi có cửa khẩu cảng và các lực lượng, cơ quan liên quan ở địa
phương phối hợp với Bộ đội Biên phòng trong hoạt động quản lý, bảo vệ an ninh,
trật tự tại cửa khẩu cảng.
Điều 37. Trách nhiệm phối hợp
trong hoạt động quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự tại cửa khẩu cảng
1. Tại cửa khẩu cảng, các cơ quan quản lý nhà nước
chuyên ngành được bố trí lực lượng, lắp đặt các trang thiết bị, phương tiện kỹ
thuật để đảm bảo yêu cầu nghiệp vụ, nhưng không được làm ảnh hưởng đến hoạt động
bình thường của doanh nghiệp cảng.
2. Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng,
doanh nghiệp cảng và lực lượng Công an, chính quyền địa phương, trong phạm vi
nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Biên phòng cửa khẩu cảng
thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự tại cửa khẩu cảng.
3. Trách nhiệm của doanh nghiệp cảng
a) Thống nhất với Biên phòng cửa khẩu cảng bố trí
phòng làm việc có diện tích phù hợp, nguồn cung cấp điện cho Biên phòng cửa khẩu cảng tại cổng ra vào cảng hoặc tại vị
trí phù hợp trong cảng để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, quản lý, bảo vệ
an ninh, trật tự tại cảng;
b) Kịp thời thông báo, phối hợp với Biên phòng cửa
khẩu cảng khi có vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự xảy ra tại cảng;
c) Cung cấp thông tin, số liệu liên quan đến công
tác quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự tại cảng khi có yêu cầu của Biên phòng cửa
khẩu cảng; phối hợp với Biên phòng cửa khẩu cảng trong việc quản lý cán bộ,
công nhân viên, người lao động của cảng và bảo đảm an ninh, trật tự tại cảng;
d) Chấp hành các quy định của Nghị định này, các
quy định của pháp luật có liên quan; bảo đảm các điều kiện an ninh, trật tự tại
khu vực cầu cảng nơi tàu thuyền neo đậu bốc dỡ hàng hóa hoặc đón trả hành
khách.
Điều 38. Xây dựng các dự án,
công trình tại cửa khẩu cảng
1. Các cơ quan, tổ chức khảo sát, thiết kế, thi
công, triển khai thực hiện dự án, công trình liên quan đến quốc phòng, an ninh
hoặc có yếu tố nước ngoài tại cửa khẩu cảng phải thông báo bằng văn bản trước
03 ngày làm việc cho Biên phòng cửa khẩu cảng về danh sách người, phương tiện,
thời gian, phạm vi, nội dung hoạt động.
2. Việc xây dựng các dự án, công trình tại cửa khẩu
cảng phải đúng quy định pháp luật về xây dựng, không được làm ảnh hưởng đến sự
an toàn của công trình hàng hải, luồng hàng hải, môi trường biển.
3. Khi lập các dự án, công trình liên quan đến quốc
phòng, an ninh hoặc có yếu tố nước ngoài tại cửa khẩu cảng, cơ quan quản lý nhà
nước về xây dựng tại địa phương phải lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Quốc phòng,
Bộ Công an, các bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sở tại trước khi
trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
4. Khi triển khai thực hiện các dự án, công trình
đã được cấp phép, chủ đầu tư phải thông báo bằng văn bản cho Bộ chỉ huy Quân sự,
Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an cấp tỉnh, chính quyền địa phương sở tại
trước 03 ngày làm việc.
5. Người, phương tiện ra, vào, hoạt động phục vụ
xây dựng các dự án, công trình tại cửa khẩu cảng phải chịu sự kiểm tra, giám
sát của Biên phòng cửa khẩu cảng.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 39. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20
tháng 8 năm 2017.
2. Bãi bỏ hiệu lực của Nghị định số 50/2008/NĐ-CP
ngày 21 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ về quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự tại
cửa khẩu cảng và bãi bỏ Bản khai hàng hóa nguy hiểm trong thực hiện thủ tục
biên phòng theo cách thức điện tử quy định tại các điểm a, b khoản
5 Điều 6 Quyết định số 10/2016/QĐ-TTg ngày 03 tháng 3 năm 2016 của Thủ tướng
Chính phủ về thực hiện thủ tục biên phòng điện tử cảng biển.
3. Ban hành kèm theo Nghị định này Phụ lục mẫu Giấy
phép đi bờ của thuyền viên, Giấy phép xuống tàu, Giấy phép, Danh sách đề nghị cấp
Giấy phép xuống tàu.
Điều 40. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ,
ngành có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ
trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương có cửa khẩu cảng chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực
thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, NC (2).KN
|
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc
|
PHỤ LỤC
CÁC MẪU GIẤY PHÉP ĐI BỜ CỦA THUYỀN VIÊN; GIẤY PHÉP XUỐNG
TÀU; GIẤY PHÉP; DANH SÁCH ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP XUỐNG TÀU
(Kèm theo Nghị định số 77/2017/NĐ-CP ngày 03 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ)
Mẫu số
01 Giấy phép xuống tàu thời hạn
12 tháng
Mẫu số
02 Giấy phép xuống tàu thời hạn
03 tháng
Mẫu số 03
Giấy phép
Mẫu số
04 Giấy phép đi bờ của thuyền
viên
Mẫu số
05 Danh sách đề nghị cấp Giấy
phép xuống tàu
Mẫu số 01
1. Mẫu
BPCK CẢNG…
--------
|
GIẤY PHÉP XUỐNG TÀU
|
|
CHÚ Ý
- Phải chấp hành nghiêm
các quy định của pháp luật Việt Nam, xuất trình Giấy phép xuống tàu khi qua
nơi kiểm soát và chịu sự kiểm tra, giám sát của Biên phòng cửa khẩu cảng tại
khu vực tàu neo đậu.
- Giữ gìn bí mật quốc
gia.
- Không mua bán,
trao đổi hàng hóa với thuyền viên, hành khách nước ngoài.
- Không vận chuyển
thư từ, tài liệu, hàng hóa trái phép lên xuống tàu.
- Khi thay đổi công
tác hoặc Giấy phép xuống tàu hết hạn phải trả lại giấy phép cho cơ quan cấp.
|
Số: ……./GPXT
|
Ngày hết hạn:
|
|
|
|
|
HỌ VÀ TÊN:
NĂM SINH:
QUỐC TỊCH:
CƠ QUAN:
Được phép xuống tàu
nước ngoài neo đậu tại …………………..
|
|
Ảnh
(2 x 3)
|
|
Ngày tháng năm
CHỈ HUY ĐƠN VỊ
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2. Quy cách
- Kích thước: 6,5 cm x 8,5 cm (± 0,5 mm).
- Loại giấy trắng: ≥ 80%.
- Độ dày của giấy: ≥ 120 g/m2.
- Đóng khung cỡ 4 ½ pt cách đều mép giấy 1 mm.
3. Kiểu chữ
a) Mặt trước:
- “BPCK CẢNG…”: in kiểu chữ Arial hoa, đứng, cỡ 9.
- “GIẤY PHÉP XUỐNG TÀU”: In kiểu chữ Arial hoa, đứng,
đậm, cỡ 12.
- “Số: /GPXT”: In kiểu chữ Arial, đứng, cỡ 9.
- “Ngày hết hạn”: In kiểu chữ Arial thường,
nghiêng, cỡ 9.
- “HỌ VÀ TÊN”, “NĂM SINH”, “QUỐC TỊCH”, “CƠ QUAN”:
In kiểu chữ Arial hoa, đứng, cỡ 8.
- “Được phép xuống tàu nước ngoài neo đậu tại cảng...”:
In kiểu chữ Arial thường, đứng, cỡ 9.
- “Ngày tháng năm”: In kiểu
chữ Arial thường, đứng, cỡ 9.
- “CHỈ HUY ĐƠN VỊ”: In kiểu chữ Arial hoa, đứng, đậm,
cỡ 10.
b) Mặt sau:
- “CHÚ Ý”: In kiểu chữ Arial hoa, đứng, đậm, cỡ 12.
- Nội dung còn lại: In kiểu chữ Arial thường, đứng,
cỡ 9.
4. Nội dung và bố cục
Như trình bày tại mẫu trên
Mẫu số 02
1. Mẫu
BPCK CẢNG…
--------
|
GIẤY PHÉP XUỐNG TÀU
|
|
CHÚ Ý
- Phải chấp hành
nghiêm các quy định của pháp luật Việt Nam, xuất trình Giấy phép xuống tàu
kèm CMND/hộ chiếu khi qua nơi kiểm soát và chịu sự kiểm tra, giám sát của
Biên phòng cửa khẩu cảng tại khu vực tàu neo đậu.
- Giữ gìn bí mật quốc
gia.
- Không mua bán,
trao đổi hàng hóa với thuyền viên, hành khách nước ngoài.
- Không vận chuyển
thư từ, tài liệu, hàng hóa trái phép lên xuống tàu.
- Khi thay đổi công
tác hoặc Giấy phép xuống tàu hết hạn phải trả lại giấy phép cho cơ quan cấp.
|
Số: ……./GPXT
|
Ngày hết hạn:
|
|
|
HỌ VÀ TÊN:
NĂM SINH:
QUỐC TỊCH:
SỐ CMND/HỘ CHIẾU
CƠ QUAN:
Được phép xuống tàu
nước ngoài neo đậu tại: …………………..
|
|
|
Ngày tháng năm
CHỈ HUY ĐƠN VỊ
|
|
|
|
|
|
|
|
2. Quy cách
- Kích thước: 6,5 cm x 8,5 cm (± 0,5 mm).
- Loại giấy trắng: ≥ 80%.
- Độ dày của giấy: ≥ 120 g/m2.
- Đóng khung cỡ 4 ½ pt cách đều mép giấy 1 mm.
3. Kiểu chữ
a) Mặt trước:
- “BPCK CẢNG…”: In kiểu chữ Arial hoa, đứng, cỡ 9.
- “GIẤY PHÉP XUỐNG TÀU”: In kiểu chữ Arial hoa, đứng,
đậm, cỡ 12.
- “Số: ……./GPXT”: In kiểu chữ Arial, đứng, cỡ 9.
- “Ngày hết hạn”: In kiểu chữ Arial thường,
nghiêng, cỡ 9.
- “HỌ VÀ TÊN”, “NĂM SINH”, “QUỐC TỊCH”, “CƠ QUAN”,
“SỐ CMND/HỘ CHIẾU”: In kiểu chữ Arial hoa, đứng, cỡ 8.
- “Được phép xuống tàu nước ngoài neo đậu tại...”:
In kiểu chữ Arial thường, đứng, cỡ 9.
- “Ngày tháng năm”: In kiểu
chữ Arial thường, đứng, cỡ 9.
- “CHỈ HUY ĐƠN VỊ”: In kiểu chữ Arial hoa, đứng, đậm,
cỡ 10.
b) Mặt sau:
- “CHÚ Ý”: In kiểu chữ Arial hoa, đứng, đậm, cỡ 12.
- Nội dung còn lại: In kiểu chữ Arial thường, đứng,
cỡ 9.
4. Nội dung và bố cục
Như trình bày tại mẫu trên
Mẫu số 03
1. Mẫu
BPCK CẢNG…………….
-------
|
GIẤY
PHÉP-PERMIT
|
Số: …../GP
|
Ngày hết hạn/Date of expiry:
|
Họ và tên/Full name:
Quốc tịch/Nationality:
Số GCM-HC/ID-Passport N°:
Địa chỉ-Tên, ĐK phương tiện:
Address/Ship’s name/Reg. No:
Được phép/ Is Allowed:
Phạm vi/Scope:
____________
Lưu ý: Xuất trình Giấy phép kèm
CMND/Hộ chiếu, hồ sơ phương tiện cập mạn và chịu sự kiểm tra, giám sát của
Biên phòng cửa khẩu cảng tại khu vực hoạt động
|
Ngày
tháng năm
CHỈ HUY ĐƠN VỊ
|
2. Quy cách
- Kích thước: 08 cm x 12 cm (± 0,5 mm).
- Loại giấy trắng: ≥ 80%.
- Độ dầy của giấy: ≥ 80 gms.
- Đóng khung cỡ 4 ½ pt cách đều mép giấy 1 mm.
3. Kiểu chữ
- “BPCK CẢNG”: In kiểu chữ Arial hoa, đứng, đậm, cỡ
10.
- “GIẤY PHÉP-PERMIT”: In kiểu chữ Arial hoa, đứng,
đậm, cỡ 13.
- “Số: /GP”: in kiểu chữ Arial, cỡ 10.
- “Ngày hết hạn/ Date of expiry”: In kiểu chữ
Arial thường, nghiêng, cỡ 10.
- Các mục còn lại: In kiểu chữ Arial thường, cỡ 9.
- Mục lưu ý in kiểu chữ Arial thường, nghiêng, cỡ
8.
- “Ngày tháng năm”:
In kiểu chữ Arial thường, cỡ 10.
- “CHỈ HUY ĐƠN VỊ”: In kiểu chữ Arial hoa, đứng, đậm,
cỡ 10.
4. Nội dung và bố cục
Như trình bày tại mẫu trên.
Mẫu số 04
1. Mẫu
BPCK CẢNG ……….
---------
|
GIẤY PHÉP ĐI BỜ
CỦA THUYỀN VIÊN
SHOREPASS
|
Số/N°:
/ /TV
|
A00000013
|
|
Tên tàu/Ship’s name:
Ngày đến cảng/Date of arrival:
|
|
Họ tên/Full name:
Năm sinh/Date of birth:
Quốc
tịch/Nationality:
Số hộ chiếu/Passport N°:
Phạm vi tỉnh (TP)/Scope Province (City):
Đến/To 24.00 hằng ngày/daily.
|
_______
Note:
This shorepass should be presented with the
passport to the border security office when disembark or embark.
|
Ngày
tháng năm
CHỈ HUY ĐƠN VỊ
|
|
|
|
|
|
2. Quy cách
- Kích thước: 8 cm x 12 cm (± 0,5 mm).
- Loại giấy trắng: ≥ 80%.
- Độ dầy của giấy: ≥ 80 gms.
- Đóng khung cỡ 4 ½ pt cách đều mép giấy 2 mm màu xanh
lá cây nhạt, nền in hình quốc huy ở giữa kèm hoa văn bảo vệ sắp xếp theo hướng
đồng tâm.
3. Kiểu chữ
- “BPCK CẢNG”: In kiểu chữ Arial hoa, đứng, đậm, cỡ
11 pt.
- “GIẤY PHÉP ĐI BỜ CỦA THUYỀN VIÊN”: In kiểu chữ
Arial hoa, đậm, cỡ 14 pt.
- “SHOREPASS”: In kiểu chữ Arial hoa, đứng, đậm, cỡ
10 pt.
- Nội dung các mục in kiểu chữ Arial đứng, thường,
cỡ 10 pt.
- Mục lưu ý in kiểu chữ Arial nghiêng thường, cỡ 8
pt.
4. Nội dung và bố cục
Như trình bày tại mẫu trên
Mẫu số 05
TÊN CƠ QUAN
DOANH NGHIỆP
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
/
|
...(1)..., ngày
tháng năm 20...
|
DANH SÁCH
Đề nghị cấp Giấy
phép xuống tàu
TT
|
Họ và tên
|
Quốc tịch
|
Nơi sinh
|
Ngày, tháng,
năm sinh
|
Chức vụ
|
Số giấy tờ tùy
thân
..(2)..
|
Thời hạn hợp đồng
lao động
|
Ghi chú
|
Loại giấy tờ
|
Ngày cấp
|
Ngày hết hạn
|
1
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Nơi nhận:
- BPCK cảng ..(3)..;
- Lưu:
|
GIÁM ĐỐC
(Ký tên, đóng dấu)
|
Ghi chú:
(1) Địa danh;
(2) Số của một trong các loại giấy tờ sau: Giấy chứng
minh nhân dân, Căn cước công dân, hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu;
(3) Tên đơn vị BPCK cảng nơi đề nghị cấp giấy phép
xuống tàu.