THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 18/CT-TTg
|
Hà Nội, ngày 14
tháng 07 năm 2015
|
CHỈ THỊ
VỀ TIẾP TỤC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ VÀ CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG
LĨNH VỰC HẢI QUAN
Thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày
05 tháng 8 năm 2014 về tăng cường quản lý và cải cách thủ tục hành chính trong
lĩnh vực thuế, hải quan, thời gian qua các Bộ, ngành, địa phương đã và đang
tích cực triển khai, từng bước nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, rút ngắn thời
gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, thời gian thông quan hàng
hóa vẫn còn cao so với các nước ASEAN-6; một số thủ tục hành chính thực hiện Cơ
chế một cửa quốc gia và hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất
nhập khẩu còn bất cập và chậm cải cách: Hệ thống văn bản pháp luật về kiểm tra
chuyên ngành còn nhiều nhưng chưa đủ, còn thiếu đồng bộ, chưa phù hợp thực tế
và thông lệ của quốc tế; lực lượng kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu còn mỏng,
phương tiện còn thiếu, hiệu quả thấp; hiệu quả phối hợp trong hoạt động kiểm
tra chuyên ngành tại cửa khẩu còn chưa cao.
Để tiếp tục cải cách thủ tục hành
chính, tăng cường quản lý trong lĩnh vực hải quan, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Các Bộ, cơ quan
ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương:
a) Triển khai quyết liệt, có hiệu quả,
hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12 tháng
3 năm 2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện
môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2015 - 2016. Đẩy
mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý
nhà nước của Bộ, ngành, đơn vị, thực hiện kết nối liên ngành để phối hợp hoạt động
quản lý và thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động xuất khẩu,
nhập khẩu hàng hóa.
b) Tổ chức, thực hiện nghiêm Nghị quyết
số 41/NQ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu
tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong tình hình mới nhằm tạo môi trường
kinh doanh cạnh tranh lành mạnh.
2. Bộ trưởng Bộ Tài
chính có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo Tổng cục Hải quan phấn đấu
hoàn thành vượt dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2015.
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và
cơ quan liên quan kiểm soát chặt chẽ việc ban hành thủ tục hành chính mới trong
lĩnh vực hải quan; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính đã ban
hành, đảm bảo đơn giản, dễ thực hiện và giảm chi phí, thời gian tuân thủ.
c) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ
quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN,
đảm bảo kết nối thông tin giữa các cơ quan, đơn vị quản lý chuyên ngành với Bộ
Tài chính (Tổng cục Hải quan) thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.
d) Vận hành và triển khai hiệu quả hệ
thống hải quan điện tử (VNACCS/VCIS) giai đoạn 1; phối hợp với phía Nhật Bản
hoàn thành các thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ tiếp tục triển khai giai đoạn
2 nhằm hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống, hoàn thiện, bổ
sung các chức năng: cấp phép tự động (e-Permit), C/O điện tử (e-C/O), lược khai
điện tử (e-Manifest), thực hiện phương thức thanh toán thuế điện tử.
đ) Phối hợp với các Bộ, cơ quan rà
soát, công bố Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép và thuộc diện
quản lý chuyên ngành của các Bộ, ngành kèm theo mã số HS phù hợp với Danh mục
hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam và Biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu hiện hành.
Thời gian hoàn thành trước ngày 30
tháng 9 năm 2015.
e) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ
quan xây dựng và công bố Danh mục hàng hóa rủi ro trong quản lý nhà nước về hải
quan.
Thời gian hoàn thành trước ngày 30
tháng 9 năm 2015.
g) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ
quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt Đề án “Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm
tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu”; tăng cường đầu tư cơ sở vật
chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực để thực hiện công tác kiểm tra chuyên
ngành theo ủy quyền của các Bộ đối với một số mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu.
Thời gian hoàn thành trước ngày 30
tháng 9 năm 2015.
3. Bộ trưởng các Bộ:
Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao
thông vận tải, Quốc phòng, Công an, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên
và Môi trường, Xây dựng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lao động - Thương binh
và Xã hội và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ quan có liên quan theo
chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm:
a) Rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ
thống văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động cấp phép, kiểm dịch, kiểm tra
chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm (sau đây gọi tắt là kiểm tra chuyên
ngành) đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, đảm bảo quản lý chặt chẽ, đúng quy định
của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu theo hướng:
- Tăng cường kiểm tra trọng tâm, trọng
điểm đối với hàng hóa có nguy cơ cao ảnh hưởng đến dịch bệnh, sức khỏe người
dân, an ninh xã hội và môi trường.
- Ưu tiên và tạo thuận lợi về kiểm
tra chuyên ngành đối với các mặt hàng Nhà nước khuyến khích xuất khẩu và hàng
hóa nhập khẩu phục vụ sản xuất nhưng trong nước chưa sản xuất được.
- Nghiên cứu áp dụng phương pháp quản
lý rủi ro trong kiểm tra chuyên ngành, như: Kiểm tra xác suất hoặc kiểm tra sau
thông quan đối với hàng hóa có độ rủi ro thấp, hàng hóa có xuất xứ từ các nước
G7, hàng hóa của doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật.
- Thực hiện công nhận lẫn nhau về kết
quả kiểm tra hàng hóa hoặc giảm thiểu việc kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa
nhập khẩu từ những quốc gia, khu vực có tiêu chuẩn kỹ thuật cao như EU, Hoa Kỳ,
Nhật Bản, Canada, Úc, New Zealand, và của những nhà sản xuất với các nhãn hiệu
nổi tiếng đã được quốc tế thừa nhận.
Thời gian hoàn thành trong quý IV năm 2015.
b) Rà soát, xây dựng và công bố đầy đủ Danh mục kèm
theo mã số HS đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép và thuộc diện
quản lý chuyên ngành của các Bộ, cơ quan ngang Bộ; hàng hóa thuộc đối tượng phải
kiểm tra chuyên ngành, trong đó quy định rõ những mặt hàng phải kiểm tra tại cửa
khẩu, mặt hàng kiểm tra trước khi thông quan, những mặt hàng được kiểm tra sau
thông quan hoặc kiểm tra trước khi đưa ra tiêu thụ trên thị trường. Thực hiện
đăng ký và trả kết quả kiểm tra qua mạng thông tin điện tử.
Thời gian hoàn thành trước ngày 30 tháng 9 năm
2015.
c) Nghiên cứu ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ
thuật quốc gia đối với hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành làm căn cứ
để kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa; chỉ định rõ cơ quan kiểm tra nhà nước
về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; chỉ định hoặc thừa nhận tổ chức chứng nhận/giám
định chất lượng hàng hóa phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng;
ban hành văn bản hướng dẫn nội dung, trình tự, thủ tục kiểm tra và xử lý kết quả
kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm
quản lý nhà nước của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực.
Chỉ định và khuyến khích các tổ chức đánh giá sự
phù hợp tham gia thực hiện kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập
khẩu theo hướng xã hội hóa để bổ sung cơ sở kiểm tra, đáp ứng yêu cầu phát triển
mạnh mẽ của hoạt động xuất nhập khẩu, tiết kiệm nguồn lực đầu tư của Nhà nước
Thời gian hoàn thành trong quý IV năm 2015.
d) Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị
hiện đại, phương tiện và nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả công
tác kiểm tra chuyên ngành, rút ngắn thời gian kiểm tra chuyên ngành đối với
hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, đặc biệt là hàng hóa có nguy cơ cao ảnh hưởng đến
dịch bệnh, sức khỏe con người, môi trường, an ninh xã hội... tại các cửa khẩu
nơi có lưu lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu lớn thuộc các tỉnh, thành phố Hà
Nội, Hải Phòng, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh.
Chỉ đạo cơ quan kiểm tra chuyên ngành thuộc và trực
thuộc phối hợp với cơ quan hải quan trong việc trao đổi thông tin, thông báo kết
quả kiểm tra chuyên ngành phục vụ việc thông quan hàng hóa được nhanh chóng,
đúng quy định của pháp luật; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong quá
trình thực hiện các quy định của pháp luật về kiểm tra chuyên ngành, pháp luật
về hải quan. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động kiểm tra chuyên
ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Thời gian hoàn thành trong quý I năm 2016.
đ) Công khai, minh bạch các thủ tục hành chính của
Bộ, ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới, thời gian giải
quyết trên mạng Internet và niêm yết tại trụ sở cơ quan quản lý nhà nước các cấp.
Bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức có năng lực, có trách nhiệm trong hướng dẫn
chuẩn bị hồ sơ, tiếp nhận, xử lý các thủ tục hành chính.
4. Phòng Thương mại và Công nghiệp
Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề:
a) Thực hiện khảo sát, nghiên cứu độc lập đánh giá
định kỳ về chất lượng thực hiện thủ tục hải quan, công bố công khai cho cộng đồng
doanh nghiệp và đưa ra các khuyến nghị với Bộ Tài chính;
b) Tham gia, phối hợp chặt chẽ với cộng đồng doanh
nghiệp nắm bắt những vướng mắc, khó khăn, bất cập trong thực hiện thủ tục hành
chính về hải quan, phản ánh với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) để xử lý, tháo
gỡ kịp thời.
5. Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục
hành chính của Thủ tướng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Phòng Thương mại và
Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề thực hiện
khảo sát, nghiên cứu, đánh giá định kỳ việc thực hiện cải cách thủ tục hành
chính về hải quan và đề xuất, kiến nghị với Bộ Tài chính.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng
cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương và các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành
Chỉ thị này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Ban Chỉ đạo 389 quốc gia;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực
thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KTTH (3b).S
|
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|