BỘ CÔNG THƯƠNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
06/CT-BCT
|
Hà
Nội, ngày 06 tháng 8
năm 2018
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG NHẬP KHẨU PHẾ LIỆU
Hiện nay, hoạt động nhập khẩu phế liệu
được thực hiện theo Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24
tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, Quyết định số
73/2014/QĐ-TTg ngày 19 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục
phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu
sản xuất, Thông tư số 41/2015/TT-BTNMT ngày 09 tháng 9 năm 2015 của Bộ Tài
nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và các văn bản pháp luật liên quan.
Thời gian gần đây, lượng phế liệu nhập
khẩu về Việt Nam ngày càng tăng mạnh, gây tồn đọng phế liệu tại các cảng biển,
làm ảnh hưởng đến hoạt động tại cảng và ảnh hưởng đến hoạt
động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp.
Nhằm góp phần quản
lý chặt chẽ việc nhập khẩu phế liệu, giảm nguy cơ ô nhiễm
môi trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ, các Sở Công
Thương và các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty trực thuộc Bộ tập trung triển
khai thực hiện các nội dung sau đây:
1. Đối với các đơn vị trực thuộc Bộ
a) Vụ Khoa học và Công nghệ
- Chủ trì cùng các đơn vị liên quan
trong Bộ phối hợp với các đơn vị thuộc
Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát các quy định của pháp luật về nhập khẩu phế
liệu để tăng cường công tác quản lý nhập khẩu phù hợp với
yêu cầu bối cảnh hiện nay;
- Phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ
Tài nguyên và Môi trường trong việc xây dựng các điều kiện, quy chuẩn kỹ
thuật môi trường đối với phế liệu theo hướng quản lý chặt chẽ hoạt
động nhập khẩu phế liệu.
b) Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ
Chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại nước
ngoài thường xuyên trao đổi, liên hệ với các cơ quan quản
lý xuất nhập khẩu của nước sở tại tìm hiểu chính sách, quy định của pháp luật về
quản lý xuất khẩu phế liệu (chủng loại, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.,.); báo
cáo Bộ để phối hợp với Bộ Tài nguyên
và Môi trường trong việc xây dựng chính sách pháp luật nhằm ngăn chặn nhập khẩu phế liệu trái phép vào Việt Nam.
c) Tổng cục Quản lý thị trường
Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường
các địa phương tăng cường phối hợp với lực lượng Hải quan, Công an, các đơn vị
chức năng thuộc Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Công Thương
trong công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong nhập
khẩu, vận chuyển, mua bán và sử dụng phế liệu không đúng quy định của pháp luật.
d) Cục Xuất nhập
khẩu
- Chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế
và các đơn vị liên quan thuộc Bộ, trao đổi với Bộ Tài
nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính để trình lãnh đạo Bộ ban hành Thông tư quy
định tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất đối với một số loại phế liệu;
- Phối hợp với Cục Công nghiệp trong việc xây dựng danh mục phế liệu được phép
nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất;
- Nghiên cứu trình Lãnh đạo Bộ báo
cáo Thủ tướng Chính phủ có biện pháp quản lý chặt chẽ hoạt động quá cảnh theo
các Hiệp định quá cảnh hàng hóa mà Việt Nam ký kết với các nước;
- Trình Lãnh đạo Bộ gửi văn bản trao
đổi với Bộ Tài chính về việc quản lý chặt chẽ hoạt động gửi kho ngoại quan và trung chuyển phế liệu.
đ) Cục Kỹ thuật
an toàn và Môi trường công nghiệp
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị của
Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc kiểm tra các điều kiện của doanh nghiệp
để được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế
liệu làm nguyên liệu sản xuất khi có yêu cầu.
e) Cục Công nghiệp
- Phối hợp với các Hiệp hội ngành
hàng khẩn trương đánh giá nhu cầu và tính hiệu quả trong việc sử dụng phế liệu
nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, khả năng cung ứng phế
liệu từ nguồn trong nước, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc xây dựng danh mục phế
liệu được phép nhập khẩu làm nguyên
liệu sản xuất theo lộ trình;
- Phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất phương án, giải pháp nhằm tăng cường quản lý việc sử dụng
phế liệu tại các cơ sở sản xuất công nghiệp, đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
2. Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Tăng cường công tác phối hợp với các
đơn vị liên quan Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc hướng dẫn doanh nghiệp
thực hiện các quy định về nhập khẩu
phế liệu và tham gia xử lý các vấn đề
phát sinh liên quan đến nhập khẩu phế liệu tại
địa bàn khi được yêu cầu.
3. Các Tập đoàn, Tổng công ty,
Công ty trực thuộc Bộ
Các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty (doanh
nghiệp) trực thuộc Bộ (được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường
cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong
nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản
xuất) tuân thủ và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về nhập khẩu, sử
dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và xử lý môi trường.
4. Các Hiệp hội ngành hàng
- Phối hợp với Cục Công nghiệp đánh
giá nhu cầu và tính hiệu quả trong việc sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên
liệu sản xuất, khả năng cung ứng phế liệu từ nguồn trong nước và xây dựng danh mục
phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất theo
lộ trình;
- Kịp thời phản ánh về Bộ Công Thương
các khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp tháo gỡ
khó khăn, thúc đẩy sản xuất đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.
Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, các Sở
Công Thương, doanh nghiệp trực thuộc Bộ và Hiệp hội ngành hàng thuộc sự quản lý của Bộ Công Thương tổ chức thực hiện Chỉ thị này và kịp thời phản
ánh các khó khăn, vướng mắc và giải pháp khắc phục, gửi Bộ
Công Thương (qua đầu mối Cục Xuất nhập khẩu)./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để
b/c);
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: TNMT, TC, CA (để phối hợp);
- Lãnh đạo Bộ Công Thương;
- Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các Hiệp hội ngành hàng;
- Các Vụ: PC, KHCN, AP, AM;
- Các Tổng cục, Cục: QLTT, XNK, ATMT, CN;
- Doanh nghiệp thuộc Bộ;
- Lưu: VT, XNK (02).
|
BỘ TRƯỞNG
Trần Tuấn Anh
|