THÔNG TƯ
HƯỚNG
DẪN XÁC ĐỊNH VÀ QUẢN LÝ CHI PHÍ DỊCH VỤ CÔNG ÍCH ĐÔ THỊ
Thông tư số 14/2017/TT-BXD
ngày 28 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định và quản
lý chi phí dịch vụ công ích đô thị, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 02 năm
2018, được được bãi bỏ một phần bởi:
Thông tư số 07/2024/TT-BXD
ngày 29 tháng 8 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng bãi bỏ một số văn bản quy phạm
pháp luật do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành hoặc liên tịch ban hành.
Căn cứ Nghị định số 81/2017/NĐ-CP
ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ Xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 130/2013/NĐ-CP
ngày 16/10/2013 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công
ích;
Căn cứ Nghị định số 38/2015/NĐ-CP
ngày 24/4/2021 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu;
Căn cứ Nghị định số 79/2009/NĐ-CP
ngày 28/9/2009 của Chính phủ về quản lý chiếu sáng đô thị;
Căn cứ Nghị định số 64/2010/NĐ-CP
ngày 11/6/2010 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng,
Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật và Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng[1];
Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư hướng dẫn
xác định và quản lý chi phí dịch vụ công ích đô thị.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Thông tư này hướng dẫn xác định và quản lý chi
phí các dịch vụ công ích đô thị sau:
- [2] (được bãi bỏ)
- Duy trì hệ thống chiếu sáng đô thị;
- Duy trì, phát triển hệ thống cây xanh đô thị;
2. Một số dịch vụ công ích đô thị khác như: quản lý
công viên, vườn thú và một số công tác dịch vụ công ích đô thị khác thì Ủy ban
nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ nội dung hướng dẫn của
Thông tư này áp dụng cho phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân
có liên quan đến việc xác định và quản lý chi phí các dịch vụ công ích đô thị
nêu tại Điều 1 của Thông tư này.
Điều 3. Nguyên tắc xác định và
quản lý chi phí dịch vụ công ích đô thị
1. Chi phí các dịch vụ công ích đô thị phải được
tính đúng, tính đủ, phù hợp với quy trình kỹ thuật, điều kiện thực hiện, phù hợp
với mặt bằng giá thị trường và khả năng cân đối ngân sách của địa phương.
2. Chi phí các dịch vụ công ích đô thị được xác định
theo hướng dẫn tại Thông tư này là cơ sở để xác định dự toán chi phí; xem xét,
quyết định giá dịch vụ công ích thực hiện theo phương thức đấu thầu, đặt hàng
cho các tổ chức, cá nhân thực hiện việc cung ứng các dịch vụ công ích đô thị và
là căn cứ để thương thảo, ký kết hợp đồng, thanh toán và quyết toán hợp đồng thực
hiện các dịch vụ này.
3. Việc quản lý chi phí dịch vụ công ích đô thị phải
tuân thủ các quy định có liên quan đến sản xuất và cung ứng các sản phẩm dịch vụ
công ích đô thị.
4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương căn cứ quy định của Thông tư này để hướng dẫn xác định và quản lý
chi phí thực hiện các dịch vụ công ích đô thị khác cho phù hợp với điều kiện cụ
thể của địa phương.
Chương II
XÁC ĐỊNH CHI PHÍ DỊCH VỤ
CÔNG ÍCH ĐÔ THỊ
Điều 4. Nội dung dự toán chi
phí dịch vụ công ích đô thị
Dự toán chi phí dịch vụ công ích đô thị bao gồm các
khoản: chi phí trực tiếp (chi phí vật liệu; chi phí nhân công; chi phí sử dụng
xe, máy, thiết bị thi công), chi phí quản lý chung, lợi nhuận định mức và thuế
giá trị gia tăng (nếu có). Tổng hợp dự toán chi phí dịch vụ công ích đô thị
theo hướng dẫn tại Phụ lục số 1 kèm theo Thông tư này.
Điều 5. Xác định các thành phần
chi phí trong dự toán chi phí dịch vụ công ích đô thị
1. Chi phí trực tiếp (CPTT) gồm: chi phí vật liệu,
chi phí nhân công và chi phí sử dụng xe, máy, thiết bị thi công. Xác định chi
phí trực tiếp theo hướng dẫn tại Phụ lục số 2 kèm theo Thông tư này.
2. Chi phí quản lý chung (C) bao gồm các chi phí có
tính chất chung chi cho bộ máy quản lý, điều hành doanh nghiệp, các chi phí
gián tiếp phục vụ cho công tác quản lý, chi phí phục vụ công nhân (bao gồm cả
chi phí bảo hộ lao động, chi phí công cụ lao động), chi trả lãi vay vốn ngân
hàng và các tổ chức tín dụng khác, các khoản chi phí xã hội mà người sử dụng
lao động phải nộp cho nhà nước (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công
đoàn, bảo hiểm thất nghiệp), các khoản phí, lệ phí, chi phí thuê tài sản, thuê
mặt bằng nhà xưởng (nếu có); chi phí khấu hao, sửa chữa tài sản cố định phục vụ
cho bộ máy quản lý điều hành doanh nghiệp, chi phí thuê kiểm toán của doanh
nghiệp và các khoản chi khác có liên quan đến hoạt động chung của doanh nghiệp
khi thực hiện cung ứng dịch vụ công ích đô thị.
Chi phí quản lý chung trong dự toán chi phí dịch vụ
công ích đô thị được xác định bằng tỷ lệ phần trăm (%) so với chi phí nhân công
trực tiếp, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét,
quyết định định mức tỷ lệ chi phí quản lý chung để xác định dự toán chi phí dịch
vụ công ích đô thị nhưng không vượt quá định mức tỷ lệ dưới đây:
Đơn vị tính: %
TT
|
Loại dịch vụ
công ích
|
Loại đô thị
|
Đặc biệt
|
I
|
II
|
III ÷ V
|
|
[3] (được bãi bỏ)
|
|
|
|
|
2
|
Duy trì hệ thống chiếu sáng đô thị
|
52
|
50
|
48
|
45
|
3
|
Duy trì, phát triển hệ thống cây xanh đô thị
|
50
|
48
|
47
|
45
|
Đối với công tác dịch vụ công ích đô thị có chi phí
sử dụng xe, máy, thiết bị thi công > 60% chi phí trực tiếp thì chi phí quản lý
chung được xác định theo định mức tỷ lệ không vượt quá 5% chi phí xe, máy, thiết
bị thi công.
Định mức chi phí quản lý chung do Ủy ban nhân dân
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định phải phù hợp với hệ thống định
mức, điều kiện thực tế thực hiện cung ứng dịch vụ và khả năng cân đối ngân sách
của địa phương.
3. Lợi nhuận định mức (LN) được tính với tỷ lệ
không vượt quá 5% trên chi phí trực tiếp và chi phí quản lý chung trong dự toán
chi phí thực hiện dịch vụ công ích đô thị.
4. Thuế giá trị gia tăng (T) (nếu có): Thực hiện
theo quy định của Bộ Tài chính. Đối với một số dịch vụ công ích đô thị không
thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, được tính bổ sung thuế giá trị gia
tăng của chi phí đầu vào.
Chương III
QUẢN LÝ CHI PHÍ DỊCH VỤ
CÔNG ÍCH ĐÔ THỊ
Điều 5. Quản lý định mức dự
toán dịch vụ công ích đô thị
1. Định mức dự toán dịch vụ công ích đô thị do Bộ
Xây dựng công bố là cơ sở để Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương vận dụng, áp dụng trong quá trình xác định và quản lý chi phí dịch vụ
công ích đô thị.
2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương tổ chức việc điều chỉnh định mức dự toán nếu điều kiện thực tế thực
hiện của địa phương có sự khác biệt so với điều kiện quy định trong hệ thống định
mức dự toán do Bộ Xây dựng công bố; tổ chức xây dựng định mức đối với các công
tác dịch vụ công ích đô thị của địa phương chưa có trong hệ thống định mức dự
toán do Bộ Xây dựng công bố và thống nhất với Bộ Xây dựng trước khi quyết định
áp dụng.
3. Định kỳ hàng năm, Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm gửi những định mức đã điều chỉnh
hoặc xây dựng mới về Bộ Xây dựng để theo dõi, quản lý.
Điều 6. Quản lý chi phí dịch vụ
công ích đô thị
1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức xây dựng đơn giá, xác định dự
toán chi phí dịch vụ công ích đô thị, dự toán các chi phí giám sát, chi phí quản
lý dịch vụ công ích đô thị; tổ chức thẩm định, phê duyệt hoặc ủy quyền phê duyệt
đơn giá và dự toán các chi phí trên.
2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương chỉ đạo các doanh nghiệp trực thuộc thực hiện các dịch vụ công ích
đô thị có trách nhiệm sắp xếp lại tổ chức, tinh giản bộ máy quản lý; xây dựng lộ
trình đầu tư công nghệ, thiết bị cơ giới nhằm nâng cao năng suất lao động, tiết
kiệm chi phí.
3. Cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương được thuê tổ chức, cá nhân tư vấn có đủ điều kiện
năng lực, kinh nghiệm để thực hiện việc xây dựng hoặc thẩm tra định mức, đơn
giá và dự toán chi phí phục vụ công tác quản lý chi phí dịch vụ công ích đô thị.
4. Bộ Xây dựng định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra việc
xác định và quản lý chi phí dịch vụ công ích đô thị tại các địa phương.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 7. Xử lý chuyển tiếp
1. Đối với các dự toán chi phí dịch vụ công ích đô
thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi
hành nhưng chưa ký kết hợp đồng thì Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương chỉ đạo cơ quan chuyên môn xem xét để điều chỉnh dự toán chi
phí theo quy định tại Thông tư này.
2. Đối với các hợp đồng đã được ký kết trước thời
điểm có hiệu lực của Thông tư này thì thực hiện theo nội dung đã được thỏa thuận
trong hợp đồng.
Điều 8. Hiệu lực thi hành[4]
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2018
và thay thế Thông tư số 06/2008/TT-BXD ngày
20/3/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý chi phí dịch vụ công ích đô thị.
2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề
nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Xây dựng để xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (để đăng Công
báo);
- Cổng TTĐT Chính phủ (để đăng tải);
- Trang thông tin điện tử Bộ Xây dựng (để đăng tải);
- Lưu: VT, KTXD.
|
XÁC THỰC VĂN BẢN
HỢP NHẤT
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Bùi Xuân Dũng
|