BỘ XÂY DỰNG
----------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 13/2016/TT-BXD
|
Hà Nội, ngày 29
tháng 06 năm 2016
|
THÔNG TƯ
QUY
ĐỊNH CHI TIẾT VỀ THI TUYỂN, TUYỂN CHỌN PHƯƠNG ÁN THIẾT KẾ KIẾN TRÚC CÔNG TRÌNH XÂY
DỰNG
Căn cứ Luật Xây dựng năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 62/2013/NĐ-CP ngày 25/6/2013
của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ
Xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015
của Chính phủ về Quản lý dự án đầu tư xây dựng;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến
trúc;
Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư quy định
chi Tiết về thi tuyển, tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục đích
Thi tuyển, tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc
công trình xây dựng nhằm chọn được phương án thiết kế tối ưu đáp ứng yêu cầu về
quy hoạch, kiến trúc, công năng sử dụng, hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường.
Điều 2. Phạm vi Điều chỉnh và đối
tượng áp dụng
1. Phạm vi Điều chỉnh: Hướng dẫn việc thi tuyển,
tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng theo Điều
15 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về Quản lý dự án
đầu tư xây dựng.
2. Đối tượng áp dụng: Các tổ chức, cá nhân có liên
quan trong việc thi tuyển, tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình
xây dựng.
Điều 3. Các công trình yêu cầu
phải tổ chức thi tuyển, tuyển chọn
1. Công trình quy định tại Khoản 1
Điều 15 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về Quản lý
dự án đầu tư xây dựng.
2. Các công trình có ý nghĩa quan trọng trong đô thị
và trên các tuyến đường chính được xác định trong đồ án quy hoạch xây dựng, thiết
kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị được cấp có thẩm quyền
phê duyệt.
3. Khuyến khích tổ chức thi tuyển, tuyển chọn
phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng đối với các công trình không
thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 và 2 Điều này.
Điều 4. Hình thức tuyển chọn
Tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc là việc tổ
chức lựa chọn phương án tối ưu từ ít nhất 03 phương án đề xuất của tổ chức, cá
nhân tư vấn thiết kế có đủ năng lực hoạt động, hành nghề theo quy định pháp luật
hiện hành đã được người quyết định đầu tư hoặc chủ đầu tư, cơ quan, tổ chức được
giao nhiệm vụ tổ chức thi tuyển, tuyển chọn (gọi tắt là Đơn vị tổ chức cuộc
thi) lựa chọn.
Điều 5. Hình thức thi tuyển
1. Thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc công
trình xây dựng là việc tổ chức cuộc thi với sự tham gia của nhiều tổ chức, cá
nhân tư vấn thiết kế có đủ năng lực hoạt động, hành nghề theo quy định pháp luật
hiện hành nhằm chọn ra phương án tối ưu để thiết kế xây dựng công trình. Hình
thức thi tuyển gồm có thi tuyển rộng rãi và thi tuyển hạn chế.
2. Thi tuyển rộng rãi là tổ chức cuộc thi không hạn
chế số lượng tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài (nếu cần thiết) tham gia
và được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
3. Thi tuyển hạn chế là tổ chức cuộc thi hạn chế số
lượng tổ chức, cá nhân tham gia. Đơn vị tổ chức cuộc thi mời tối thiểu 05 tổ chức,
cá nhân trong nước, nước ngoài (nếu cần thiết) có năng lực chuyên môn phù hợp
tham gia thi tuyển.
4. Thi tuyển hạn chế được áp dụng trong trường hợp
công trình có yêu cầu cao về kỹ thuật hoặc có tính đặc thù riêng mà chỉ có một
số tổ chức, cá nhân đáp ứng được hoặc vì Điều kiện không thể tổ chức thi tuyển
rộng rãi.
Chương II
TỔ CHỨC THI TUYỂN, TUYỂN
CHỌN PHƯƠNG ÁN THIẾT KẾ KIẾN TRÚC CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG
Điều 6. Yêu cầu đối với việc tổ
chức thi tuyển, tuyển chọn
1. Việc tổ chức thi tuyển, tuyển chọn phải tuân thủ
quy định pháp luật hiện hành, có nhiệm vụ thiết kế phù hợp với quy hoạch xây dựng,
thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị được cấp có thẩm
quyền phê duyệt.
2. Đơn vị tổ chức cuộc thi phải thành lập Hội đồng
thi tuyển, tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng (gọi tắt
là Hội đồng). Đơn vị tổ chức cuộc thi thành lập Tổ kỹ thuật để giúp việc Hội đồng
và Ban Tổ chức (nếu cần thiết).
Điều 7. Chi phí thi tuyển, tuyển
chọn
1. Chi phí tổ chức thi tuyển, tuyển chọn bao gồm
chi phí cho Hội đồng; các mức giải thưởng, hỗ trợ các phương án dự thi tuyển (nếu
có) và các chi phí khác.
2. Đối với công trình sử dụng vốn ngân sách, vốn đầu
tư công - tư (PPP), chủ đầu tư lập dự toán chi phí trình Người quyết định đầu tư
phê duyệt.
3. Đơn vị tổ chức cuộc thi chịu trách nhiệm về chi
phí cho việc thi tuyển, tuyển chọn.
Điều 8. Tổ chức thi tuyển, tuyển
chọn
1. Công tác chuẩn bị trước khi tổ chức thi tuyển,
tuyển chọn:
a) Hoàn tất thủ tục và thu thập các số liệu, tài liệu
pháp lý, thông tin về kiến trúc, quy hoạch liên quan khu đất xây dựng công
trình.
b) Lập và phê duyệt kế hoạch, kinh phí tổ chức thi
tuyển, tuyển chọn, Quy chế thi tuyển và Nhiệm vụ thiết kế.
c) Thành lập Hội đồng thi tuyển, tuyển chọn.
2. Quy chế thi tuyển gồm những nội dung cơ bản sau:
a) Hình thức, quy mô, tính chất, Mục đích, yêu cầu
của cuộc thi.
b) Quy định về Điều kiện dự thi; tiêu chí, nội
dung, trình tự tổ chức; thời gian, địa Điểm tổ chức cuộc thi; hồ sơ dự thi;
tính hợp lệ của hồ sơ dự thi.
c) Thành phần Ban Tổ chức cuộc thi, Hội đồng thi
tuyển, tuyển chọn và thông tin cơ bản về chuyên môn, kinh nghiệm của các thành
viên Hội đồng.
d) Chi phí tổ chức cuộc thi, cơ sở tính thiết kế
phí cho công trình.
đ) Cơ cấu và giá trị giải thưởng (nếu có giải thưởng).
e) Quyền, trách nhiệm của các bên liên quan, bản
quyền tác giả...
g) Mẫu phiếu đăng ký tham dự cuộc thi.
h) Các nội dung khác theo yêu cầu của mỗi cuộc thi
(quy định về vòng thi, trường hợp kết thúc vòng thi không có phương án tối ưu...).
3. Nhiệm vụ thiết kế phải nêu rõ địa Điểm xây dựng,
bản đồ hiện trạng, chỉ tiêu quy hoạch, các thông tin về Điều kiện khu đất, Mục
đích, tính chất, quy mô công trình, yêu cầu về diện tích không gian sử dụng
trong công trình; sơ bộ về giải pháp kỹ thuật; đóng góp về không gian, kiến
trúc của công trình đó đối với cộng đồng, cảnh quan khu vực và yêu cầu liên
quan khác.
4. Hồ sơ dự thi bao gồm thuyết minh, bản vẽ và
phim, ảnh, mô hình (nếu có), đề xuất tài chính. Hồ sơ phải được quy định thống
nhất về ngôn ngữ (tiếng Việt hoặc song ngữ), đơn vị đo lường, đơn vị tiền tệ và
quy tắc ẩn danh không đưa tên, biểu tượng đơn vị tư vấn lên bản vẽ, thuyết
minh.
Điều 9. Hội đồng thi tuyển, tuyển
chọn
1. Hội đồng thi tuyển, tuyển chọn giúp Đơn vị tổ chức
cuộc thi đánh giá, xếp hạng các phương án dự thi, chọn ra phương án tối ưu để
thiết kế xây dựng công trình.
2. Thành phần Hội đồng:
a) Thành phần Hội đồng bao gồm Chủ tịch Hội đồng và
các thành viên Hội đồng. Số lượng thành viên Hội đồng phải là số lẻ và có ít nhất
là 11 người.
b) Hội đồng có ít nhất 2/3 số thành viên là kiến
trúc sư có kiến thức, kinh nghiệm về thể loại công trình thi tuyển, tuyển chọn.
Có ít nhất 01 đại diện của cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch, kiến trúc,
xây dựng và 01 đại diện của Hội kiến trúc sư cấp Trung ương hoặc cấp tỉnh.
c) Chủ tịch Hội đồng phải là chuyên gia có kinh
nghiệm đã thiết kế xây dựng nhiều công trình, có uy tín nghề nghiệp trong lĩnh
vực kiến trúc. Chủ tịch Hội đồng do Hội đồng bầu ra. Thư ký Hội đồng do Đơn vị
tổ chức cuộc thi và Chủ tịch Hội đồng thống nhất chỉ định.
d) Các thành viên Hội đồng là những người có chuyên
môn, kinh nghiệm trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, xây dựng và các lĩnh vực
liên quan, khách quan, công tâm. Đơn vị tổ chức cuộc thi có thể mời chuyên gia
nước ngoài tham gia Hội đồng (nếu cần thiết).
3. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng:
a) Hội đồng làm việc theo Quy chế do Hội đồng quy định
(sau đây gọi tắt là Quy chế Hội đồng). Quy chế Hội đồng phải thể hiện cụ thể
nguyên tắc, phương pháp đánh giá, xếp hạng các phương án dự thi; trách nhiệm của
Hội đồng. Quy chế phải được các thành viên thống nhất. Chủ tịch Hội đồng thay mặt
Hội đồng phê duyệt Quy chế và chịu trách nhiệm về việc thực hiện Quy chế.
b) Hội đồng chỉ tiến hành đánh giá, xếp hạng các
phương án dự thi khi có ít nhất 3/4 số thành viên có mặt.
4. Trách nhiệm của Hội đồng:
a) Các thành viên Hội đồng chịu trách nhiệm trước
pháp luật về đảm bảo bí mật, khách quan, trung thực và không có hành vi tiêu cực
ảnh hưởng đến kết quả đánh giá, xếp hạng.
b) Chủ tịch Hội đồng phải có mặt và chủ trì Hội đồng
trong suốt thời gian Hội đồng làm việc.
Điều 10. Đánh giá, xếp hạng
phương án dự thi
1. Việc đánh giá, xếp hạng phương án dự thi được thực
hiện theo đúng phương pháp, tiêu chí quy định trong Quy chế Hội đồng và theo
nguyên tắc bỏ phiếu kín để chọn ra phương án xếp hạng nhất.
2. Báo cáo kết quả đánh giá, xếp hạng phải được tất
cả các thành viên Hội đồng tham gia ký xác nhận và gửi Đơn vị tổ chức cuộc thi
để tổng hợp, báo cáo Người quyết định đầu tư phê duyệt.
3. Trường hợp không có phương án đáp ứng được các
yêu cầu như Mục tiêu và quy định trong Quy chế thi tuyển, Đơn vị tổ chức cuộc
thi báo cáo Người quyết định đầu tư xem xét, quyết định tổ chức thi lại.
Điều 11. Công bố kết quả
1. Đơn vị tổ chức cuộc thi công bố công khai kết quả
đánh giá, xếp hạng phương án dự thi của Hội đồng và thông báo kết quả tới các tổ
chức, cá nhân tham gia dự thi.
2. Tùy theo tính chất, quy mô công trình và Điều kiện
cụ thể, người quyết định đầu tư có thể xem xét hình thức tổ chức trưng bày, triển
lãm, tham vấn ý kiến cộng đồng về các phương án dự thi.
3. Kết thúc thi tuyển, tuyển chọn, Đơn vị tổ chức
cuộc thi gửi kết quả cuộc thi đến cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng cấp tỉnh.
Điều 12. Quyền và trách nhiệm
của các tổ chức, cá nhân tham gia thi tuyển, tuyển chọn
Tác giả phương án kiến trúc xếp hạng nhất được ưu
tiên lựa chọn thương thảo, ký kết hợp đồng để triển khai các bước tiếp theo.
Trường hợp không thương thảo được hoặc tác giả tự nguyện không tiếp tục tham
gia thì tác giả của phương án được xếp hạng tiếp theo được chọn để thương thảo,
ký kết hợp đồng.
Điều 13. Trách nhiệm của Đơn vị
tổ chức cuộc thi
1. Thực hiện theo Quy chế thi tuyển, tuyển chọn đã
được phê duyệt.
2. Tạo Điều kiện thuận lợi để Hội đồng thực hiện và
hoàn thành nhiệm vụ. Không dùng ảnh hưởng của mình để làm sai lệch kết quả thi
tuyển, tuyển chọn.
3. Thực hiện việc thương thảo, ký kết hợp đồng với
tác giả được chọn theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 của Thông tư
này.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 8
năm 2016 và thay thế Thông tư số 23/2009/TT-BXD ngày 16/7/2009 của Bộ Xây dựng
hướng dẫn thi tuyển và tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng.
2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các
Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức và cá nhân liên quan phản ánh về Bộ Xây dựng
để hướng dẫn giải quyết./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Trung ương Đảng và các Ban
của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ủy ban Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Các cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội và TP Hồ Chí Minh;
- Cục kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Công báo, website: của Chính phủ, Bộ Xây dựng;
- Lưu: VP, PC, QHKT (05b).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Đình Toàn
|