VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 17/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 17
tháng 01 năm 2024
|
THÔNG BÁO
KẾT
LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH - CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG ĐIỀU PHỐI VÙNG
ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG TẠI HỘI NGHỊ LẦN THỨ HAI VỚI CHỦ ĐỀ “THAM VẤN QUY HOẠCH
VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050”
Ngày 07 tháng 12 năm 2023, tại
Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng
đồng bằng sông Hồng đã chủ trì Hội nghị lần thứ hai của Hội đồng chuyên đề về
tham vấn Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến
năm 2050 (Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng). Tham dự Hội nghị có đồng chí
Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Thành phố Hà Nội; đồng
chí Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Phó Chủ tịch Thường
trực Hội đồng Điều phối vùng; đồng chí Lê Tiến Châu - Bí thư Thành ủy thành phố
Hải Phòng; các đồng chí ủy viên Hội đồng điều phối vùng là đại diện lãnh đạo
các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao, Quốc
phòng, Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Giao thông vận tải,
Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông,
Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Văn hóa Thể thao
và Du lịch, Tư pháp, Nội vụ; Ủy ban Dân tộc; đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế
Trung ương; các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành
phố trong vùng và các chuyên gia, nhà khoa học.
Sau khi nghe phát biểu của đồng
chí Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; nghe đơn vị tư vấn trình bày tóm tắt nội
dung chủ yếu của Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng, ý kiến thảo luận của các
bộ, ngành và địa phương là ủy viên Hội đồng Điều phối vùng và các chuyên gia,
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng đồng
bằng sông Hồng kết luận như sau:
1. Ghi nhận và biểu dương Bộ Kế
hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương đã xây dựng và
hoàn thành hồ sơ Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm
nhìn đến năm 2050. Hồ sơ Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng được Bộ Kế hoạch và
Đầu tư gửi xin ý kiến các bộ, ngành và địa phương trong vùng, đã được tiếp thu,
giải trình và hoàn thiện để trình xin ý kiến tại Hội nghị, trong đó, báo cáo Quy
hoạch vùng đồng bằng sông Hồng tập trung vào 06 nhóm nội dung lớn, đó là:
- Các quan điểm mang tính cốt
lõi trong phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng là phát triển
trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vượt trội để phát triển nhanh,
bền vững; trở thành vùng động lực phát triển đi đầu trong cả nước về khoa học,
công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; có vai trò định hướng dẫn
dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của cả
nước;
- Nhiệm vụ trọng tâm trong thời
gian tới là phát triển đồng bộ và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng theo lãnh thổ
với động lực phát triển gắn với 05 hành lang phát triển, 01 vùng động lực quốc
gia Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, 01 vùng Thủ đô Hà Nội và 02 tiểu vùng
(Tiểu vùng phía Bắc và Tiểu vùng phía Nam); gắn với đó là những điểm đầu mối
trung tâm, nhất là các đầu mối kết nối hạ tầng giao thông quốc gia, từng bước
mở rộng hạ tầng kết nối giữa các khu vực, bảo đảm sự phát triển hài hòa, cân
đối giữa các tiểu vùng trên địa bàn vùng đồng bằng sông Hồng;
- Hình thành các khu vực kinh
tế động lực, trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược có mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng
bộ, kết nối giữa thành thị, nông thôn và với các trung tâm kinh tế, khu chức
năng là trung tâm kết nối với quốc tế; tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế
cao, thúc đẩy thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp hiện đại, thu nhập cao.
Phát triển hệ thống đô thị trong vùng theo mạng lưới, phân bố hợp lý, thông minh,
hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu; lấy định hướng phát triển giao thông
công cộng (theo mô hình TOD) làm cơ sở quy hoạch đô thị. Đẩy nhanh tốc độ đô
thị hoá, phát triển các trung tâm hành chính tỉnh, thành phố để tăng cường liên
kết và hình thành các chuỗi đô thị, trong đó: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh gắn
với phát triển vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ; chuỗi đô thị tại các tỉnh,
thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình gắn với phát
triển kinh tế biển, liên kết chặt chẽ thông qua vành đai kinh tế ven biển;
- Hoàn thiện mạng lưới giao
thông đồng bộ, hiện đại, kết nối vùng, liên vùng và quốc tế; phát triển vận tải
đa phương thức, phát huy lợi thế về cảng biển, cảng hàng không, đường bộ, đường
sắt, đường thuỷ nội địa và các hành lang kết nối của vùng. Đẩy nhanh tiến độ, hoàn
thành dứt điểm một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia có tính
liên kết vùng, hạ tầng số, hạ tầng đô thị...;
- Đề xuất các phương án giải
quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường; tăng
cường liên kết vùng, tập trung giải quyết căn bản các vấn đề môi trường nhất là
rác thải, khí thải, ô nhiễm tại các dòng sông, tình trạng ngập úng ở các đô thị
lớn; cải thiện phục hồi chất lượng môi trường tại lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy, hệ
thống thủy lợi Bắc Hưng Hải;
- Xác định danh mục dự án quan
trọng của vùng; đề xuất, gợi mở các giải pháp thúc đẩy liên kết vùng, thí điểm
một số mô hình, cơ chế, chính sách mới, vượt trội, cạnh tranh quốc tế cao nhằm
phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng và tam giác động lực tăng trưởng Hà
Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
2. Đồng bằng sông Hồng là vùng
lãnh thổ có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển đất nước,
không chỉ là động lực phát triển kinh tế của cả nước mà còn đóng vai trò quan
trọng trong bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo đảm an toàn, an ninh lương thực
của quốc gia. Quy hoạch vùng phải phát huy tối đa được tiềm năng khác biệt và
cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh cho vùng. Quy hoạch vùng đồng bằng sông
Hồng phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược và có tính lâu dài, ổn định.
Để sớm hoàn thiện nội dung Quy
hoạch vùng đồng bằng sông Hồng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, Thủ tướng
Chính phủ yêu cầu:
a) Các bộ, ngành và Ủy ban nhân
dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong vùng chỉ đạo cơ quan chuyên
môn khẩn trương nghiên cứu, tham gia ý kiến bằng văn bản đối với hồ sơ trình
thẩm định Quy hoạch vùng và gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, tiếp thu
và hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch vùng theo quy định.
b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
Nghiên cứu, tiếp thu và giải
trình ý kiến tham gia của các đại biểu tại Hội nghị và ý kiến tham gia thẩm
định bằng văn bản của các bộ, ngành và địa phương để hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch
vùng đồng bằng sông Hồng. Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng phải thể hiện đầy
đủ nội dung theo quy định của pháp luật về quy hoạch; xác định rõ phạm vi quy
hoạch là các vấn đề có tính liên ngành, liên vùng và liên tỉnh; tránh sự chồng
lấn về nội dung giữa quy hoạch vùng với quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch
tỉnh. Nội dung Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng phải cụ thể hóa đầy đủ các
chủ trương, quan điểm chỉ đạo lớn của Đảng, Nhà nước đối với vùng và địa phương
trong vùng; đảm bảo phù hợp với các quy hoạch cấp quốc gia đã được cấp có thẩm quyền
quyết định hoặc phê duyệt; đề ra các động lực để phát triển vùng, xác định các
định hướng lớn về phát triển các ngành, lĩnh vực để tăng cường liên kết vùng,
làm cơ sở để các địa phương triển khai và hoàn thiện quy hoạch tỉnh; xác định
các giải pháp, đề xuất cơ chế mang tính đột phá để triển khai có hiệu quả các
mục tiêu, nhiệm vụ xác định tại Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng.
Một số nội dung cần quán triệt
để nghiên cứu hoàn thiện quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng, đó là:
Thứ nhất, làm sâu sắc hơn nữa
tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của vùng để có chính
sách, dự án phù hợp. Trong đó nhấn mạnh các yếu tố đặc thù như: (i) Làm rõ nét
hơn vị trí, vai trò của Thủ đô Hà Nội, trung tâm chính trị, kinh tế, trung tâm
văn hoá của vùng với lịch sử ngàn năm văn hiến và các yếu tố văn hóa đặc trưng
của vùng đồng bằng sông Hồng; (ii) Vùng đồng bằng sông Hồng là cửa ngõ liên kết
quốc tế của Việt Nam, đặc biệt là cửa ngõ kết nối với khu vực ASEAN và Trung
Quốc cả về đường bộ, đường biển và đường hàng không, đây là yếu tố đặc thù lớn
của vùng; (iii) Nguồn nhân lực là một trong những lợi thế nổi trội của vùng
đồng bằng sông Hồng, là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước,
nơi tập trung số lượng nhân lực chất lượng cao lớn nhất cả nước.
Thứ hai, cần có quan điểm táo
bạo, đột phá, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển vùng, chủ động, sáng tạo, đi
đầu cả nước về mục tiêu trở thành vùng phát triển hiện đại, có thu nhập cao.
Chú trọng phát triển kinh tế biển với vùng động lực Hà Nội - Hải Phòng - Quảng
Ninh.
Thứ ba, làm rõ hơn động lực
tăng trưởng về đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ, tập trung vào các ngành
mới nổi như chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng với tiềm năng lớn về năng
lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái.
Thứ tư, phát triển kết cấu hạ
tầng đồng bộ, hiện đại, tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ
tầng nông thôn, hạ tầng số, hạ tầng văn hóa, xã hội, hạ tầng thủy lợi, bảo vệ
môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghiên cứu
địa điểm để xây dựng sân bay quốc tế trung chuyển lớn tại phía Nam sông Hồng
sau năm 2030, tập trung đầu tư xây dựng, phát triển cảng biển tại Hải Phòng,
Quảng Ninh, phát triển mạng lưới giao thông kết nối với tiểu vùng phía Nam đồng
bằng sông Hồng. Các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình,… nghiên cứu lấn biển
để tạo không gian phát triển mới, phát triển công nghiệp. Nghiên cứu, làm sống
lại các dòng sông đang bị cạn kiệt và ô nhiễm.
Thứ năm, đẩy mạnh liên kết vùng
bảo đảm hiệu quả điều phối, liên kết phát triển vùng, tập trung vào một số lĩnh
vực như quy hoạch, phát triển hạ tầng, xúc tiến đầu tư, xử lý các vấn đề môi
trường nội vùng và liên vùng, phát triển các cụm liên kết ngành. Thực hiện thí
điểm một số mô hình, cơ chế, chính sách mới vượt trội, cạnh tranh quốc tế cao
nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng.
Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ
Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050,
thẩm định theo quy định của pháp luật về quy hoạch sớm trình Thủ tướng Chính
phủ xem xét, phê duyệt.
c) Các địa phương trong vùng
tăng cường công tác phối hợp với các bộ, ngành và tăng cường phối hợp giữa các
địa phương trong vùng trong quá trình tham gia ý kiến đối với quy hoạch ngành
quốc gia, quy hoạch vùng nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với quy hoạch
của các địa phương. Phối hợp với các bộ, ngành trong quá trình triển khai các
chương trình dự án trên địa bàn.
Văn phòng Chính phủ thông báo
để Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành, Hội đồng Điều phối vùng đồng bằng sông
Hồng và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, PTTg Trần Hồng Hà (để
b/c);
- Các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Y tế, Quốc phòng, Công an, Kế hoạch và Đầu tư,
Tài chính, Xây dựng, Giao thông vận tải, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường;
- UBND các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ: TH, NN, KTTH, QHĐP;
- Lưu: VT, CN (2).
|
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Nguyễn Sỹ Hiệp
|