BỘ
XÂY DỰNG
-------
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------
|
Số:
812/QĐ-BXD
|
Hà
Nội, ngày 06 tháng 8 năm 2009
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ ĐO ĐẠC BẢN ĐỒ VÀ QUY HOẠCH CHUNG
XÂY DỰNG DỌC TUYẾN CAO TỐC HÀ NỘI – VINH (THUỘC TUYẾN CAO TỐC QL 1 MỚI) ĐẾN NĂM
2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2035
BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG
Căn cứ Nghị định số
17/2008/NĐ-CP ngày 4/2/2008 của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kiến trúc Quy hoạch xây dựng và Vụ trưởng Vụ Kế
hoạch Tài Chính,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.
Phê duyệt Nhiệm vụ đo đạc bản đồ và quy hoạch chung xây dựng
dọc tuyến cao tốc Hà Nội – Vinh đến năm 2025 với những nội dung chủ yếu sau:
1. Mục
tiêu nghiên cứu:
- Kết nối không gian kinh tế của
Thủ đô Hà Nội với không gian phát triển kinh tế của các tỉnh dọc tuyến cao tốc
và các động lực phát triển kinh tế lớn của vùng Bắc Trung Bộ như Khu kinh tế
Nghi Sơn, Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An.
- Định hướng phát triển, kết nối
các không gian đô thị, cảnh quan và hạ tầng kỹ thuật cho các đô thị và khu chức
năng ngoài đô thị dọc tuyến cao tốc Hà Nội – Vinh.
- Tạo cơ sở khai thác tối đa và
quản lý sử dụng một cách hiệu quả quỹ đất phát triển đô thị dọc tuyến. Xác định
giới hạn phát triển đô thị và các khu chức năng ngoài đô thị phù hợp với định
hướng về phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh đồng thời đảm bảo sự hoạt động
an toàn và hiệu quả của tuyến đường.
2. Phạm vi
nghiên cứu:
- Không gian phát triển đô thị
và khu chức năng ngoài đô thị tiếp cận với trục đường cao tốc Hà Nội- Vinh với
điểm đầu của tuyến nằm trên đường vành đai 3 của thành phố Hà Nội và điểm cuối
tuyến là điểm giao với quốc lộ 8 tại Hà Tĩnh.
- Khu vực quy hoạch thuộc phạm
vi các tỉnh Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh
với tổng diện tích khoảng 4000km2.
- Ranh giới quy hoạch cụ thể sẽ
được xác định trong nội dung đề xuất của đồ án quy hoạch.
3. Quy mô
dân số và đất đai:
3.1. Dự báo quy mô dân số:
- Hiện trạng năm 2008 dân số
trong khu vực nghiên cứu quy hoạch khoảng 5,6 triệu người.
- Dự báo đến năm 2025 dân số
trong khu vực nghiên cứu quy hoạch sẽ đạt khoảng 6 triệu người, trong đó dân số
đô thị trong phạm vi lập quy hoạch sẽ đạt khoảng 3 triệu người.
3.2. Dự báo quy mô đất xây dựng:
- Quy mô đất xây dựng đô thị khoảng
60.000 ha.
- Quy mô đất xây dựng các khu
công nghiệp khoảng 25.000ha.
4. Các chỉ
tiêu kinh tế kỹ thuật áp dụng trong đồ án:
Áp dụng các quy chuẩn tiêu chuẩn
hiện hành về quy hoạch xây dựng đô thị, có thể áp dụng một số tiêu chuẩn nước
ngoài tại những khu vực có yêu cầu đặc biệt. Các tiêu chuẩn tính toán về sử dụng
đất và hạ tầng kỹ thuật áp dụng theo các tiêu chí đô thị từ loại III đến loại I
(tùy khu vực) đã được quy định tại Nghị định 72/2001/NĐ-CP ngày 05/10/2001 của
Chính phủ về việc phân loại đô thị và cấp quản lý đô thị.
5. Nội dung
nghiên cứu quy hoạch:
5.1. Xác định động lực hình
thành và phát triển hành lang kinh tế cũng như bối cảnh phát triển của khu vực:
- Nêu các đặc điểm phát triển của
hành lang kinh tế nằm trong phạm vi nghiên cứu, các tác động trực tiếp và gián
tiếp của các định hướng phát triển kinh tế – xã hội và hạ tầng giao thông đến sự
phát triển các không gian đô thị liền kề và khả năng khai thác quỹ đất hai bên
trục đường.
- Đánh giá khả năng thông thương
và kết nối giữa các cực phát triển trong vùng thông qua sự hình thành của trục
đường cao tốc.
- Phân tích đánh giá các điều kiện
tự nhiên, hiện trạng về kinh tế xã hội (dân số lao động, sử dụng đất đai, cơ sở
hạ tầng xã hội và kỹ thuật, vệ sinh môi trường...) và thực trạng phát triển đô
thị tại các đơn vị hành chính trong khu vực nghiên cứu quy hoạch.
5.2. Đánh giá tổng hợp khu vực
nghiên cứu:
- Xác định các tiềm năng phát
triển và các hạn chế trong phát triển kinh tế cũng như đô thị và hạ tầng kỹ thuật
của toàn vùng và của từng khu vực.
- Làm rõ các cơ hội và thách thức
gắn liền với việc hình thành trục đường cao tốc trong bối cảnh phát triển mới của
quốc gia và quốc tế.
5.3. Xác định quy mô phát triển:
- Xác định tính chất các khu vực
động lực phát triển chính trong phạm vi quy hoạch, dự báo quy mô dân số, quy mô
đất đai xây dựng đô thị, tính toán các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chủ yếu cho
các giai đoạn.
- Xác định nhu cầu và khả năng kết
nối phát triển không gian với trục đường cao tốc của các đô thị và khu chức
năng. Xác định vị trí, các điều kiện khống chế và định hướng tổ chức không gian
cho các điểm kết nối.
5.4. Định hướng phát triển không
gian dọc trục đường cao tốc:
- Nghiên cứu và đề xuất phương
án kết nối và giới hạn phát triển của các đô thị, các khu chức năng và điểm dân
cư. Đề xuất phương án khai thác quỹ đất hai bên trục đường theo từng giai đoạn.
- Quy hoạch hệ thống các trung
tâm công cộng dọc tuyến, các khu chức năng mới. Nghiên cứu và đề xuất các điều
chỉnh về định hướng phát triển của các không gian đô thị do ảnh hưởng bởi sự
hình thành của trục đường cao tốc.
- Xác định các hành lang và
không gian cần nghiêm cấm hoặc giới hạn phát triển đô thị cũng như xây dựng
công trình.
5.5. Tổ chức không gian kiến
trúc
- Xác định các vùng kiến
trúc cảnh quan đô thị, đề xuất tổ chức không gian cho các khu trung tâm, cửa
ngõ đô thị, các trục kết nối chính, các điểm nhấn trong các khu chức năng dọc 2
bên trục đường cao tốc.
- Nghiên cứu đề xuất phương án
tôn tạo bảo tồn hệ thống các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh dọc
trục đường và trong phạm vi khu vực quy hoạch.
- Đề xuất phương án tổ chức
không gian các điểm dân cư nông thôn với mục tiêu đáp ứng yêu cầu về nâng cao
điều kiện sống và giữ được bản sắc riêng.
5.6. Định hướng phát triển hạ tầng
kỹ thuật:
- Chuẩn bị kỹ thuật và lựa chọn
đất xây dựng: tận dụng điều kiện địa hình tự nhiên để xác định cao độ nền khống
chế tại từng khu vực đô thị và khu chức năng, các trục giao thông kết nối
chính. Đánh giá các quỹ đất phù hợp để phát triển đô thị, hạn chế việc lấy đất
nông nghiệp để phát triển đô thị và công nghiệp.
- Giao thông: Xác định mạng lưới
giao thông liên kết giữa trục đường cao tốc với hệ thống đô thị và các khu chức
năng, vị trí và quy mô các công trình đầu mối giao thông dọc tuyến, hệ thống đường
gom... các phương án kết nối bằng phương tiện giao thông công cộng dọc tuyến.
- Các công trình hạ tầng kỹ thuật
khác: Lựa chọn nguồn, xác định quy mô công suất và giải pháp quy hoạch mạng lưới
truyền tải cấp điện, cấp nước, thoát nước, công trình xử lý chất thải, nghĩa
trang... cho các khu chức năng và khu vực phát triển đô thị, điểm dân cư dọc
tuyến.
- Đánh giá tác động môi trường:
nghiên cứu đánh giá tác động môi trường chiến lược và đề xuất các giải pháp bảo
vệ và hạn chế các tác động của quy hoạch đến môi trường.
5.7. Các chương trình dự án ưu
tiên đầu tư:
- Xác định các chương trình dự
án ưu tiên đầu tư nhằm tạo động lực phát triển và cơ sở để quản lý không gian dọc
trục đường cao tốc.
- Dự thảo Điều lệ quản lý xây dựng
theo quy hoạch.
6. Thành phần
hồ sơ quy hoạch:
- Hồ sơ đồ án quy hoạch thực hiện
theo Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ về quy hoạch xây
dựng và các quy định hiện hành về hướng dẫn lập thẩm định phê duyệt và quản lý
quy hoạch xây dựng.
7. Công tác
đo đạc bản đồ
- Chiều dài toàn tuyến từ Hà Nội
đến Vinh khoảng 315 km, trong đó đoạn qua Hà Nội khoảng 40km đã có bản đồ
1:25.000 thuộc dự án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến 2030. Cần khảo sát thành
lập bản đồ cho khu vực còn lại dự kiến dài 275 km, phạm vi khảo sát mỗi bên
trung bình khoảng 10km, dự kiến diện tích khảo sát khoảng 5500 km2.
- Các công việc cụ thể bao gồm:
thành lập bình đồ ảnh vệ tinh, lập bản gốc chỉnh sửa, điều vẽ nội nghiệp, điều
vẽ ngoại nghiệp, đo đạc bổ sung thực địa, thành lập bản đồ chuẩn.
- Hồ sơ sản phẩm bản đồ đo đạc
phải đáp ứng yêu cầu theo quy định của Quyết định số 15/2005/QĐ- BTNMT ngày
13/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ban hành Quy định
kỹ thuật thành lập bản đồ địa hình tỷ lệ 1/10.000, 1/25.000, 1/50.000 bằng công
nghệ ảnh số.
8. Tổ chức
thực hiện:
- Cơ quan tổ chức lập quy hoạch:
Bộ Xây dựng.
- Cơ quan nghiên cứu đề xuất quy
hoạch: Viện quy hoạch xây dựng Thanh Hóa.
- Cơ quan thẩm định và trình duyệt:
Bộ Xây dựng.
- Cấp phê duyệt: Thủ tướng Chính
phủ.
- Thời gian lập đồ án: 12 tháng
sau khi Nhiệm vụ được phê duyệt.
Điều 2.
Chánh văn phòng Bộ, Vụ trưởng các Vụ Kiến trúc Quy hoạch
xây dựng, Kế hoạch Tài Chính, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị và các đơn vị có
liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Nơi nhận:
- Như điều 2;
- Các Bộ KH&ĐT, TC;
- UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa,
Nghệ An, Hà Tĩnh;
- Lưu VP, Vụ KTQH.
|
KT.BỘ
TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Cao Lại Quang
|